Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Nghiêu Đề (1939 - 1998)









http://phannguyenartist.blogspot.com/




Nghiêu Đề

tên thật: Nguyễn Tiếp
(1939 Quảng Ngãi - 1998 San Diego)
Hưởng dương 59 tuổi

Họa sĩ. Nhà văn. Nhà thơ








Buổi sáng nằm bệnh
Nghiêu Đề

tôi mở mắt ngó mông ngày đến lạ
thân thể thoát hồn lười lĩnh nằm nghe
con rắn lạnh trơn trườn đầy da thịt
mai qua rồi trưa đến chiều đi
và đêm hoang và ngày tàn như thế
nhánh cằn khô và gió bụi quên
chăn chiếu đắp lên bàn tay lạnh hoảng
rồi lá xanh vàng rồi sương bụi đen

(Bách Khoa số 113 ngày 15-9-1961)





Buổi sáng nằm bệnh II

Nhìn xem tù rạc hồn này
đó thân đá núi đó ngày đi quên
trót dài tay mỏi thiếu niên
cây khô thả vụng đêm phiền giấc trưa
mối đùn bờ bãi trông mưa
đổ còm cõi xuống trán chừa phiếm du
xe đi mệt lả bụi mù
mắt xuôi tay với lời ru xuân thì
lầm thân rêu mọc trường kỳ
chiếu chăn tiềm vọng còn đi gót trần
này con đã lỡ thì lần
đà xa quấy quả mà gần ăn năn.

(Bách Khoa số 129 ngày 15-5-1962)








CUỘC PHỎNG VẤN VỀ QUAN NIỆM HỘI HỌA
* NGHIÊU ĐỀ.


Sanh ngày 15 tháng 12 năm 1939 tại Thu-Xà, Quảng-Ngãi (Trung-Việt).
Sinh viên trường Quốc gia Cao đẳng Mĩ Thuật (Sài-gòn).
Huy chương Bạc của phòng triển lãm Hội họa mùa Xuân tân sửu (1961) do Văn hóa vụ tổ chức.

Kính anh Nguiễn Ngu-Í,

Mỗi người làm Hội họa vẫn có tham vọng tìm cho mình một đường lối riêng biệt. Tôi chia xẻ ước vọng đó, vậy thôi. Nhưng tôi không thích tranh tôi được quá một giờ khi vẽ xong. Chúng thường bị úp một xó cho bụi... Tôi mang ơn những thằng bạn thường đến và lấy đi biệt tăm, như thế tôi yên tâm hơn. Mỗi lần bán được một bức tranh, tôi thấy như số tiền đó từ trời rơi xuống. Cho nên tôi vung tay quá trán mà không tiếc. Nhiều khi thấy tiền nó quá nhiều, mình không đáng được! Như là một vụ lường gạt. Tôi cảm ơn hết những người yêu tranh tôi về sự rộng lượng của họ - rộng lượng quá sức! Cho nên anh có thể nghĩ tôi chưa dừng lại — để kiểm điểm - được, hay là đã dừng lại như anh — để nhìn thấy chiếc mô-bi-lết biết bay! Vì vậy tôi không tự cho tôi ở một xu hướng hoặc ở một trường phái nào hết.
Ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo rằng nó bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là Nguyệt. Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi yêu nó. Chỉ biết mỗi lần nó bay ngang cùng tiếng hát đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ thuật tôi muốn là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim Nguyệt vậy. (Không phải là tôi có xu hướng naturalisme), Như thế chắc anh biết tôi không muốn nói đến vấn đề Dân tộc tính hay Quốc tế tính. Một tác phẩm hẳn nhiên là mang những dấu vết của cuộc sống mà trong đó nó hình thành. Có điều, cũng như sự thật, nhiều khi người ta không nhìn thấy. Khi không phải là kẻ giả hình thì Dân tộc tính trong tác phẩm là một điều tất nhiên. Nói mãi một chuyện tất nhiên, ngoài những hậu ý nào khác, thì tôi chịu, không hiểu nỗi người ta thường lầm lẫn nó với đề tài. Hoặc giả vì vậy người ta bàn tới nó chăng? Nói về mình đã khó, giải thích cả tác phẩm mình nữa thì thật quá sức. Tôi chỉ có thể trả lời anh, tôi thích nhất bức “Chân dung của Lê” vì nó như một kỉ niệm. Khó phân biệt được những xúc động của Nghệ thuật và những xúc động của kỉ niệm, nhất là khi người ta chỉ còn lại kỉ niệm.
Tôi trả lời anh là mang cái chủ quan phơi bày ra. Cho nên tôi nói cho tôi, không phải nhân danh giới Hội họa. Không khỏi nhiều khi — mà nó thường lắm nữa - tôi thấy Nghệ thuật như một cái gì không thật. Nó phù phiếm, nó lừa dối như khi tôi nói "Anh yêu Em”. Vậy mà tôi biết tôi sẽ nói “Anh yêu em” suốt đời.
Trả lời anh chỉ có vậy; lan man và vô bổ. Mong anh thương tôi mà không giận.

NGHIÊU ĐỀ
(Bách Khoa số 137 ngày 15-9-1962)










NHỚ VỀ NGƯỜI BẠN TẤM CÁM NGHIÊU ĐỀ 1939 – 1998



Bài viết chỉ là hồi tưởng với những kỷ niệm rất riêng tư về một người bạn tấm cám Nghiêu Đề, với mối giao tình hơn nửa thế kỷ; người viết không ở trong giới hội hoạ nên cũng không dễ dàng để viết một hoạ sĩ tài hoa, sáng tác tuy ít nhưng đã để lại dấu ấn lâu dài trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, qua một giai đoạn đầy sáng tạo trong những năm 1960-1970 với Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam mà Nghiêu Đề là một trong những thành viên sáng lập với cá tính nổi bật. Ngô Thế Vinh


Tiểu sử Nghiêu Đề

Nghiêu Đề tên thật Nguyễn Tiếp nhưng Trai là tên gọi ở nhà, sinh năm 1939 tại Quảng Ngãi. Là con trai trưởng trong một gia đình 6 anh chị em. Học Cao đẳng Mỹ thuật Gia Ðịnh nhưng đã tự rời trường ốc trước khi tốt nghiệp; là một trong những sáng lập viên Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam; Huy chương bạc Hội họa mùa Xuân 1961, từng tham dự triển lãm tại nhiều quốc gia. Ngoài hội họa, Nghiêu Ðề còn viết văn, làm thơ mà sau này Nghiêu Đề coi như hai “bước lỡ” không nên dấn thân vào. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọn Tóc Trăm Năm (Sài Gòn 1965 ). Nghiêu Ðề cùng gia đình đến Hoa Kỳ năm 1985 và mất vào ngày 09 tháng 11 năm 1998 tại San Diego, California khi chưa tới tuổi 60.
Vào tháng 8 năm nay, 2014 khi Trịnh Cung còn ở Mỹ, tôi gợi ý anh nên có một bài viết về “cố tri” Nghiêu Đề. Trịnh Cung đồng ý là sẽ có bài viết vào tháng 11, nhân ngày giỗ thứ 16 của Nghiêu Đề. Nhưng rồi đến tháng 11, chỉ có đôi dòng giới thiệu ngắn trên Da Màu và hai bức tranh trích từ cuốn Nghiêu Đề của Viet Art Society, Trịnh Cung cho biết không đủ tư liệu nên đành botay.com.
Tôi đã không ngạc nhiên về “khoảng trống” Nghiêu Đề, một người bạn mà hình như suốt đời không ham muốn sở hữu một điều gì. Sự nghiệp của anh chỉ là những dấu chân chim trên cát mau chóng bị xoá nhòa bởi lớp sóng thời gian. Anh không có đức tính của một người rất sớm bền bỉ vun đắp và tích luỹ cho sự nghiệp của mình. Điển hình cho đức tính ấy là bạn anh, hoạ sĩ Đinh Cường, anh ấy có cả một kho tư liệu như một viện bảo tàng cá nhân mà ít ai có thể sánh kịp.
Với bài viết này, nói theo hoạ sĩ Khánh Trường thì tôi chỉ như một người chuộng “cố sự” đang làm công việc góp nhặt cát đá, tìm lại thời gian đã mất với người bạn tấm cám Nghiêu Đề.


Nghiêu Đề và những người bạn
Bước vào năm đầu y khoa, thay vì như các bạn đồng khoá tập trung vào học tập, tôi đã không được gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề. Rất khác nhau nhưng không hiểu sao tôi và Nghiêu Đề lại có thể thân nhau đến như vậy. Nghiêu Đề có nếp sống lang bạt, có nhiều bạn tấm cám từ thời còn rất trẻ, xóm Bùi Viện gần ngã tư quốc tế là khu giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó,họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như những “viên ngọc ẩn thạch”, giới hội hoạ như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn/ Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển/ Tú Kếu, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thuỵ Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật là mẫu số chung mà họ hướng tới. Sức sáng tác của họ mạnh mẽ, sớm có tác phẩm và họ đều trở thành những tên tuổi. Nghiêu Đề còn có cả những người bạn vong niên mà tôi được biết từ toà soạn Bách Khoa như Lê Ngộ Châu, Nguyễn Ngu í, Võ Phiến, Vũ Hạnh…


Tiếng Hót của Chim Nguyệt
Trả lời nhà báo Nguiễn Ngu í trên Tạp chí Bách Khoa số 137 ngày 15-9-1962, Nghiêu Đề kể chuyện như người đi trên mây:
“... Ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo rằng nó bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là ‘Nguyệt’ Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi iêu nó. Chỉ biết mỗi lần nó bay ngang cùng tiếng hót đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ Thuật tôi muốn là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim Nguyệt vậy.”



Nghiêu Đề 16 tuổi trước Thương xá Tax, người xưa cảnh cũ đều không còn
Từ giữa sang phải: Nguiễn Ngu í và Nghiêu Đề


Khi hỏi nhà thơ Luân Hoán và những người bạn cùng quê xứ Quảng với Nghiêu Đề, thì cũng chưa ai thấy hay được nghe tiếng hót của chim Nguyệt. Nhưng đâu có hề gì, vẫn có đó con chim Nguyệt sắc trắng dáng mong manh bay một mình trong đêm trăng, cũng như mãi mãi có đó một Chú Cuội ngồi gốc cây đa trên Cung Hằng. Chim Nguyệt thì vẫn cứ bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại… phải chăng đó chính là thế-giới-thanh-thoát và cũng là giấc mộng trăm năm của Nghiêu Đề.


Một nhà in Trường Sơn
Trước những năm 1960, kỹ thuật in ấn ở Miền Nam chủ yếu là Typo. Những trang sách báo thời ấy được sắp từ các bát chữ với từng con chữ đúc chì. Thợ Typo thường là gốc Hoa Chợ Lớn không rành tiếng Việt nhưng tốc độ sắp chữ thì nhanh đến dễ nể. Thời kỳ đó, kỹ thuật offset còn hiếm, cơ sở tư nhân có Cliché Dầu, nơi tôi và Nghiêu Đề thường tới đặt các bản kẽm cho bìa sách báo hoặc các tranh phụ bản. Phạm Ngũ Lão vẫn được coi như con đường báo chí của Sài Gòn nhưng nhà in Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Thị Vinh lại nằm trên đường Nguyễn An Ninh, gồm hai giàn máy Typo khổ lớn một trang báo, không kể mấy chiếc máy in nhỏ cả máy pedal / đạp chân. Báo sinh viên Tình Thương của Y Khoa, báo Đất Sống của Dược Khoa cùng với báo Văn Học của Dương Kiền đều được in ở nhà in này. Nghiêu Đề và tôi thường có dịp gặp nhau nơi nhà in này, nhất là khi có mẫu bìa báo Xuân được Nghiêu Đề trình bày.


Nghiêu Đề và mẫu bìa sách 

Nhà văn Võ Phiến đặc biệt rất quý Nghiêu Đề. Một giai thoại về cuốn Giã Từ: Võ Phiến nhờ Nghiêu Đề vẽ bìa sách; thời kỳ đó các mẫu chữ đẹp để làm bìa rất hiếm, đôi khi phải tìm trong mấy tờ báo Mỹ mua được nơi các Kiosk sách báo trên vỉa hè đường Lê Lợi và sau đó là cắt dán từng mẫu tự và thêm dấu. Do chỉ quan tâm tới một mẫu bìa đẹp, nên Nghiêu Đề quyết định “không thêm râu ria” không bỏ dấu trên nhan sách và cũng để mở ra cho độc giả “tuỳ nghi” với bao nhiêu cách đọc: Gia Tư, Giả Tu, Giả Tù, Giã Tự… Sách do Thời Mới xuất bản, sau đó Nghiêu đề được Võ Phiến tặng cho một ấn bản đặc biệt với lời đề tặng thật trân trọng: “là cuốn sách ưng ý nhất về hình thức của tác giả.”
Ai có sách hoặc tập san sắp xuất bản cũng muốn được Nghiêu Đề vẽ bìa. Anh chưa hề nói không với ai, nhưng bao giờ thì có được mẫu bìa đem in là vấn đề hoàn toàn khác. Nhà thơ Luân Hoán viết:“Anh hết lòng với bạn bè, thường không từ chối những việc làm có liên quan đến nghệ thuật. Nhưng để anh hoàn tất nhanh chóng một mẫu bìa không phải là chuyện dễ dàng. Với phong thái làm việc thong dong, tùy hứng, Nghiêu Đề không muốn bị ràng buộc, thúc giục.” Bìa báo Xuân cho Tạp chí Bách Khoa của anh chủ nhiệm Lê Ngộ Châu, hay cho Nguyệt san Tình Thương của Sinh viên Y khoa cũng đều kinh qua những chờ đợi và cả đôi lúc lỡ hẹn.




Mấy mẫu bìa của Nghiêu Đề: Mây Bão (1963,1993), Bóng Đêm (1964),
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng: tranh Nghiêu Đề,
mẫu bìa Khánh Trường (2000)


Riêng 4 cuốn sách của tôi: Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1975), và Vòng Đai Xanh (1971) đều được người bạn tấm cám Nghiêu Đề trình bày theo lối thủ công.
Có một giai đoạn ngắn, rất hiếm Nghiêu Đề làm việc nhiều, ngoài vẽ tranh anh giữ phần trình bày và minh họa cho các cuốn sách quý của nhà xuất bản Cảo Thơm, trong đó có cuốn “Vang Bóng Một Thời”, và sau 1975, khi Nguyễn Tuân vào Sài Gòn đã rất tâm đắc và trân trọng khi được cầm tác phẩm rất mỹ thuật của chính mình nhưng lại được xuất bản từ Miền Nam.


Đại Học Xá Minh Mạng và tranh Nghiêu Đề
Trước 1975, tranh Nghiêu Đề là sơn dầu, khổ tranh khá lớn, khi mới vẽ xong sơn còn ướt, nếu không bị xếp úp mặt vào đống tranh cũ đã bám bụi bặm, thì thường được bạn bè khuân đi. Đôi khi có nhu cầu vẽ mà không có tiền mua khung vải, Nghiêu Đề đã lấy một bức tranh cũ và vẽ trồng lên đó. Căn phòng 3/7 trong Đại Học Xá của tôi cũng là nơi treo tranh của Nghiêu Đề (Trăng, sơn dầu phụ bản 1), ít lâu sau đó bức tranh này được Nghiêu Đề đem bán, không biết nay ai hiện là sở hữu bức tranh mang nhiều nhiều kỷ niệm như vậy. Và đây cũng là một trong 3 phụ bản mà sau này bạn tôi, anh kỹ sư Nguyễn Công Thuần đã sao chụp lại được từ cuốn tiểu thuyết Gió Mùa còn lưu trữ trong Thư viện Đại học Cornell.




Trăng, tranh sơn dầu, phụ bản 1 trong tiểu thuyết Gió Mùa,
Sông Mã xuất bản 1965 [Label: Wason PL 4389, N473, G4]


Khách ngoại quốc hay người Việt tha hương lâu năm khi về thăm quê nhà, thường rất chuộng và tìm mua cho được tranh Nghiêu Đề. Hoàn toàn không có khả năng sáng tạo theo đơn đặt hàng, gallery của Nghiêu Đề là những bức tranh thất tán nơi đám bạn hữu. Nghiêu Đề vẽ rất ít không đủ tranh bán và giá tranh thường rất cao. Và mỗi lần bán được một bức tranh, trong ít ngày sau đó là một Nghiêu Đề hoàn toàn khác, không chỉ chiếc Mobilete cũ kỹ hiếm khi được đổ đầy một bình xăng, bạn bè thì được Nghiêu Đề tìm tới và chiêu đãi liên miên cho tới đồng bạc cuối.
Cũng vẫn Nghiêu Đề trả lời nhà báo Nguiễn Ngu í trên tạp chí Bách Khoa ngày 15-9-1962:“Tôi không thích tranh tôi được quá một giờ khi vẽ xong. Chúng thường bị úp một xó cho buị...Tôi mang ơn những thằng bạn thường đến và lấy đi biệt tăm, như thế tôi yên tâm hơn. Mỗi lần bán được một bức tranh, tôi thấy như số tiền đó từ trời rơi xuống. Cho nên tôi vội vung tay quá trán mà không tiếc. Nhiều khi thấy tiền nó quá nhiều, mình không đáng được! Như một vụ lường gạt. Tôi cảm ơn hết những người iêu tranh tôi về sự rộng lượng của họ, rộng lượng quá sức!”


Matière tranh Nghiêu Đề
Hai chữ “tạo hình” có lẽ không hoàn toàn đúng với ý niệm hội hoạ của Nghiêu Đề. Tạo hình không là giai đoạn quan trọng trên mỗi bức tranh sơn dầu của Nghiêu Đề. Theo anh, tài năng hoạ sĩ là nơi vẻ đẹp chất liệu trên khoảng trống hay là nền của bức tranh ấy. Có ngồi hàng giờ, im lặng theo dõi những nét cọ của Nghiêu Đề, để thấy là từ những tảng sơn dầu dầy cộm màu thô sượng, khi được cây cọ Nghiêu Đề miết lên mặt bố thoáng chốc trở thành một nền xanh ngọc ửng sáng mềm mại, cho dù chuyển sang vùng xanh đậm mảng tranh vẫn không hề thiếu nét long lanh của ánh sáng, chất liệu thì mượt mà, bố cục vững chắc mà vẫn thanh thoát, rất Nghiêu Đề.


Nghiêu Đề thường nhắc tới chữ matière trên mỗi bức tranh, tôi chưa tìm được một thuật ngữ hội hoạ nào để dịch sang tiếng Việt. Nguyên Khai thì gọi đó là gamme màu, Huỳnh Hữu Uỷ, thì đơn giản gọi đó là “chất” như chất tranh của Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết… Trở lại với đường nét tạo hình, theo Nghiêu Đề thì đó không phải là một sao chép từ cuộc sống, “hoạ sĩ là người tìm được một nét đúng giữa hai nét sai của thực tại.”


Gần đây khi bàn về vẻ đẹp của một tác phẩm hội hoạ, Trịnh Cung đã phân tích ra 5 yếu tố: ý tưởng, bố cục, đường nét, màu sắc ánh sáng, vẻ đẹp chất liệu / matière. Có thể nói yếu tố thứ năm:“vẻ đẹp chất liệu / matière” đã tạo nên sự thanh thoát và cũng là phong cách tranh của Nghiêu Đề.


Sau 1975, có giai đoạn Nghiêu Đề chuyển qua tranh sơn mài, cùng với Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ mà sau này chính anh cũng công nhận là nặng phần kỹ thuật, và anh nói sau khi phủ các lớp sơn lên để mài thì vẻ đẹp chất liệu của bức tranh nhiều khi rất tình cờ ngoài tầm kiểm soát của hoạ sĩ. Nghiêu Đề khi sang định cư ở Mỹ năm 1984, có đem theo được một số tranh sơn mài rất đẹp, tuy thành công về tài chánh nhưng chính anh tự biết giai đoạn hội hoạ thực sự nghệ thuật của Nghiêu Đề là tranh sơn dầu được vẽ vào những năm 1960-1970, như những bức: Đêm, Tỏ Tình, Vùng Thanh Thoát, và điển hình là cả bức Chân Dung đoạt huy chương bạc Hội hoạ Mùa Xuân 1961.





Thiếu nữ, tranh sơn dầu: phụ bản 2 và 3 trong tiểu thuyết Gió Mùa
Sông Mã xuất bản 1965



Nghiêu Đề và Ngọn Tóc Trăm Năm
Truyện của Nghiêu Đề như những bài thơ xuôi. Cũng như tranh, Nghiêu Đề chưa bao giờ tỏ ra ưng ý một sáng tác nào. Nhưng rồi cuối cùng vẫn có được một tuyển tập Ngọn Tóc Trăm Năm được Sông Mã xuất bản (1965). Cuốn sách đẹp, cho dù in theo lối thủ công từ nhà in Nguyễn Trọng rất nhỏ, khuất lấp trong một ngõ hẻm phía sau Lăng Ông bên Gia Định. Sách được in từng 2 trang trên đĩa xoay của một máy pedal với bộ chữ thì đã mòn cũ. Chủ và cũng là thợ nhà in thì rất quý Nghiêu Đề, nên chỉ tính tiền giấy và công in rất tượng trưng, nhưng thời gian in xong cuốn sách 122 trang kể cả phụ bản thì khá lâu do sách chỉ được in xen kẽ khi máy rảnh công việc. Thường mỗi cuối tuần, hai anh em chở nhau xuống nhà in, cầm trên tay những trang sách còn thơm mùi giấy mực. Sách in rất ít nên có lẽ không được nhiều người biết hay còn lưu giữ được. Có một chi tiết tưởng cũng nên ghi lại ở đây: năm 1985, khi gặp lại Nghiêu Đề trên đất Mỹ tôi mới được biết ông chủ nhà in Nguyễn Trọng năm xưa là một cán bộ VC cấp cao nằm vùng và nhà in thủ công ấy có lẽ chủ yếu là nơi in ấn những truyền đơn và tài liệu nội thành của Mặt Trận.


Thật xúc động khi tìm lại được một ấn bản đặc biệt Ngọn Tóc Trăm Năm có lẽ là duy nhất in trên giấy croquis còn trong tủ sách của Bé Búp con gái Nghiêu Đề ở San Diego. Sách đóng bìa cứng bọc da, in chữ Nguyễn Toản mạ vàng nơi gáy sách, là tên của thân phụ mà Nghiêu Đề hết lòng yêu mến. Ông mất khá sớm khi gia đình Nghiêu Đề còn sống trong một chung cư nhiều tầng trên con đường Duy Tân. Sau đó gia đình mới dọn về địa chỉ 19B Lý Trần Quán, Sài Gòn. Đây cũng là địa chỉ mà hai anh em chọn cho Nhà Xuất bản Sông Mã. Ngọn Tóc Trăm Năm, gồm 4 truyện ngắn và 4 phụ bản tranh, đã như cơ hội họp mặt của bằng hữu.


Nguyễn Xuân Hoàng biết Nghiêu Đề là tác giả của Ngọn Tóc Trăm Năm, nên đã đôi lần hỏi xin một truyện ngắn cho báo Văn, nhưng anh chỉ cười và Nguyễn Xuân Hoàng kể lại: “Thỉnh thoảng Nghiêu Đề gửi cho Văn một bài thơ và tuyệt nhiên không thấy một truyện ngắn mới nào. Nhiều lần tôi hỏi anh và anh nói: màu sắc đủ rồi, thơ cũng là quá một bước, truyện ngắn là lỡ bước thứ hai…” (Một Chút Kỷ niệm với Nghiêu Đề, NXH San Jose, 16/11/1998)






Ngọn Tóc Trăm Năm, truyện nghiêu đề 


Bìa nguyễn trung
Phụ Bản: lâm triết, cù nguyễn, nguyễn trung, nghiêu đề; 


Trình Bày trần dạ từ
songmaxuatbanmotchinsaulam

Mục Lục
7 nai, lâm triết sơn dầu
9 VÙNG CỎ XANH
37 thảo và hoa, cù nguyễn sơn dầu
39 NGƯỜI ANH EM CỦA ĐẤT
67 vùng thanh thoát, nghiêu đề sơn dầu
69 NGỌN TÓC TRĂM NĂM
93 chân dung, nguyễn trung sơn dầu
95 KHOẢNG RỢP CỦA BIỂN




Khi Nghiêu Đề lâm trọng bệnh, Giang và các con kết hợp với Viet Art Society, chuẩn bị ra một cuốn sách về Nghiêu Đề, tôi không ngạc nhiên khi biết ngoài phần hội hoạ bạn mình đã không muốn đưa Ngọn Tóc Trăm Năm vào cuốn sách như một tổng kết cuối đời. Cho dù Nghiêu Đề phủ nhận tác phẩm của mình thì những trang sách ấy tự nó vẫn là một giá trị của văn học của Miền Nam trước 1975.


Một thoáng Nghiêu Đề và Vòng Đai Xanh
Triết nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, một hình tượng văn học, nguyên gốc hoạ sĩ sau trở thành phóng viên chiến trường có bóng dáng Nghiêu Đề trộn lẫn với cái tôi của tác giả.



Tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, Ngô Thế Vinh, Nghiêu Đề trình bày, 
Thái Độ xuất bản (1971) [Label: Wason PL 4389, N473, V9]


… Rồi cũng như mọi buổi sáng khi tờ báo lên khuôn là lúc tôi có thể rời toà soạn xuống tán dăm ba câu chuyện gẫu với cô thư ký hay ra đầu ngõ kêu một ly cà phê bít tất đắng, ngồi nói chuyện tầm phào với bất kỳ người nào có mặt ở đó, thường là đám công nhân nhà in hay thợ sắp chữ. Cái còn lại của một ngày là tất cả sự vắng lặng êm ái. Từ một cầu thang xoắn ốc và mờ tối, không khí căn phòng như ngưng đọng lạnh lẽo. Những chiếc bàn máy đen sẫm im ngủ. Bàn ghế cũng có những tương quan chỗ đứng của chúng.
Đôi khi sự quen thuộc cũng nhuốm vẻ xa lạ như ngày mới tới. Nếu còn vẽ chắc tôi có thể làm việc với những cảm giác đầu tiên như vậy. Bỏ xa khung vải tôi không tránh được những cảm giác nhớ nhung. Sau vụ cháy thiêu huỷ tất cả, tôi đã dứt khoát từ bỏ giá vẽ chưa biết đến bao giờ. Dù vậy mà ở lần triển lãm mới nhất tôi vẫn góp mặt với bốn bức tranh lớn, những bức tranh còn lại rải rác trong đám bạn hữu. Sự kiện có thêm tên tôi cũng không có gì để phản đối và thêm ý kiến. Nhưng điều ngạc nhiên là ngay trong buổi đầu, tôi là người đầu tiên có tranh bán được, ba trong số bốn bức. Riêng bức Mèo Đen Trên Thảm Hồng do một người đàn bà tên Như Nguyện hỏi mua, còn hai bức kia do một người khách Mỹ mà sau này tôi được biết là nhà báo Davis. Tranh tôi thuộc loại khó được ưa thích và vì khó bán nên giá thường rất cao. Cũng bởi vậy lần này tôi đủ tiền để trả những món nợ lớn, sắm thêm một bàn máy đánh chữ nhỏ và một ống ảnh thật tốt. Như một nhà nông hưởng vụ gặt trái mùa, tôi dứt khoát từ bỏ hội hoạ với những ưu đãi thật trễ muộn của nó. [VĐX, Chương 1, Nxb Thái Độ 1970]


Một Nghiêu Đề Khác
Không tự ràng buộc vào những quy ước thông tục của đời sống, dễ nhìnNghiêu Đề như một người phóng giật hay buông thả bất cần đời, anh hoà nhập với mọi người nhưng lại hàm chứa vẻ cao ngạo với chính anh chứ không với ai khác. Là người bạn đôn hậu, không hề cay độc nhưng lại rất cynical, Nghiêu Đề vẫn hồn nhiên gọi chó là đồng loại. Nói như Oscar Wilde: “Anh là mẫu người biết giá của mọi thứ, nhưng không có gì giá trị đối với anh / A man who knows the price of everything and the value of nothing”.
Giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều bạn thân của anh là nhà văn nhà thơ nơi tuyến đầu, anh không phê phán và chọn đứng ngoài cuộc tranh chấp ấy. Anh sống với màu sắc, trong an nhiên tự tại, Nghiêu Đề chính là hình ảnh con chim Nguyệt trong thế giới mộng ảo nơi quê anh rất mong manh, bay thật cao hót thật hay và tan vào trong đêm trăng. Nghiêu Đề khiến tôi liên tưởng tới nhân vật Sơn Ca của Vũ Khắc Khoan trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn.
Rất tình cờ khi giở những trang sách Ngọn Tóc Trăm Năm, thấy rơi ra một tấm hình không rõ năm nhưng rất cũ đã hoen màu thời gian, nhưng tôi vẫn còn nhận ra đôi lãng tử Nghiêu Đề và Lâm Triết với chiếu manh túi xách trên dọc đường gió bụi, có khoảng thời gian họ đã cùng thuê căn gác xép để vẽ vời và cả tụ hội với bạn bè, nơi mà chủ căn nhà còn có nuôi thêm gà và heo, nặng mùi khó thở ngày đêm, nhưng họ vẫn ở đó lâu năm với giấc mộng dài. Rồi Nghiêu Đề đoạt huy chương bạc với bức Chân Dung trong triển lãm Hội họa mùa xuân 1961; sau đó Lâm Triết huy chương vàng với bức Ngựa trong Triển lãm Hội họa mùa xuân 1962. Nghiêu Đề thì nay đã mất, Lâm Triết đã dừng cơn gió loạn, giã từ Sài Gòn để về “cõi an bình” sống lặng lẽ với cỏ cây nơi Bình Định quê nhà.


Thay lời kết: 3 bức tranh sơn dầu cuối của Nghiêu Đề trên đất Mỹ



1986: Bố cục Sen, một thiếu nữ thanh thoát vươn lên từ những búp sen. Được hoàn tất sau ngày gia đình Nghiêu Đề đặt chân trên đất Mỹ. Tiền bán bức tranh lúc đó đủ mua một cây đàn piano cho tụi nhỏ. Hành trình của bức tranh này cũng khá kỳ lạ, từ San Diego theo chủ nó về Việt Nam, sau một thời gian bức tranh ấy lại sang tay một người khác, sau đó bức tranh lại sang tay một người thứ ba và nay trở lại đất Mỹ. Hình bức tranh do người viết mới chụp từ trong một ngôi nhà vùng Huntington Beach. 




1988: Vườn chuối 1988, một cô gái nhỏ nép bên vườn chuối mướt xanh. Khác các chân dung thiếu nữ có nét già dặn chín mùi của những người yêu Nghiêu Đề trước 1975, nay chỉ còn là những cô gái nhỏ mang dáng nét thơ ngây của mấy đứa con Nghiêu Đề. So với trước 1975, tranh sơn dầu của Nghiêu Đề trên đất Mỹ vẫn có màu xanh nhưng nay có thêm những mảng màu vàng đỏ như phản ánh một giai đoạn có thoáng hạnh phúc. 
Bức tranh này đã có người từ Los Angeles xuống nhà San Diego để mua và không còn nhớ tên là ai là chủ nhân nữa.





1998: Bé Sài Gòn, Nghiêu Đề khi biết mình ngã bệnh, xuống sắc rất mau, cả vật vã đến xanh xao với những cơn đau nhưng anh vẫn gượng dậy vẽ bức chân dung con gái út Bé Sài Gòn lúc ấy 19 tuổi. Có lẽ đây là tác phẩm sơn dầu cuối cùng, còn dở dang của Nghiêu Đề mấy tháng trước khi anh mất. Bức tranh hiếm hoi ấy nay còn được treo nơi nhà Nguyễn Nghiêu Ngung, Cu Bi con trai Nghiêu Đề dưới San Diego.


Bài viết tháng 11 muộn màng này để tưởng nhớ người bạn tấm cám và cũng gửi tới chị Giang, Cu Bi, Bé Búp và Bé Sài Gòn nhân ngày giỗ thứ 16 của Nghiêu Đề.


NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1958 – California 2014















NGHIÊU ĐỀ
là cỏ qua rừng...

Rồi gió cũng mở ngày xanh ngắt
Lối mòn quen nằm thở hơi người

Sớm mai đủng đỉnh trên đồi cỏ
Chờ đỏ cùng ta bóng mặt trời

Trải một vùng xanh, hoa rạng rỡ
Thân ta dài hết cõi tịnh yên

Đêm biết lắng nghe rừng cỏ mọc
Mai bạt ngàn bay mỗi cánh chim

Sông nước nổi núi chia trời, là cỏ
Có ngày ta mọc dấu chân em

Đến tận cùng đời ta từng phút
Thở hết trời mai sớm thảo nguyên

(Văn Học số 92, tháng 12/1993)
















nghiêu đề
GIẤC NGỦ CỦA NÀNG

(...)
“Em muốn được sống trong một ngôi nhà có nóc, anh hiểu là em muốn gì không? Em biết là anh chẳng cần gì, anh phóng thả đời sống mình, sẵn sàng đùa giỡn với mọi thứ, và lần lượt tan nát hết…” Có phải em đã nói như vậy không? Anh còn có thể thay em nói nhiều nữa, chẳng hạn như là sự vô trách nhiệm của anh bây giờ đây, những ngày đã qua, cả những ngày đang tới nữa. Thứ phung phá mà anh dấn thân vào như một căn bệnh kéo níu anh, dằng xé, thôi thúc, như là vẻ dịu dàng của đêm tối, sức quyến rũ của một chiều sâu thăm thẳm mịt mù, mà trong đó anh không gượng nổi. “Tan nát hết” có phải em đang hình dung cái hố phân cách giữa anh và em đào bới bằng hai mươi mấy năm lêu lổng, cái bờ vực ngắn chia anh bên ngoài đời sống, đời sống định nghĩa như là êm ấm, nằm trong một mỹ từ pháp gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc. Một đôi khi tôi cũng nghĩ đến nó trong đêm như những chiếc bóng.
Tôi bật một que diêm, đốt một điếu thuốc. Tiếng nói len lỏi đâu đó, trên vách, gầm bàn, góc tủ, đâu đó trong bóng tối khắp nơi, đâu đó trong đầu tôi, mòn mỏi như giọt tranh nhỏ xuống tích tách. Tôi mặc vội quần áo, quơ chân tìm đôi giày. Một chiếc tất còn lại trong đó, chiếc kia đã lâu tôi mang lau bút, bây giờ còn nằm chết trong sơn cứng và bụi. Tôi mang giày trần lâu cũng quen vài chỗ da chân rắn lại khô khốc. Tôi mở toang hai cánh cửa, trời nhờ sáng trên cao, những bóng cây trước mặt còn đen đặc. Tôi đứng ở ngưỡng cửa nhìn thấy những thứ còn lại trong đó nhòe nhoẹt như trong vùng sương mù. Tôi soát lại một lần; mình còn quên gì không? Tôi móc túi: Một thẻ trưng binh, một thẻ căn cước bọc nhựa, một bức thư nhàu nát của Miêng, hai điếu thuốc lẻ, năm đồng bạc còn lại trong số của Miêng cho hôm trước. Tôi nhớ còn hộp diêm và ba đồng bạc kền phía sau chiếc giá vẽ. Tôi lấy hết những thứ đó, đóng cửa rồi bỏ lại căn nhà phía sau, tôi ra phố. Tôi đi theo con đường nhỏ xôn xao những đá cuội, hai bên là những căn nhà mái thấp cửa đóng yên tĩnh.
Dạo trước tôi vẫn có thói quen vẽ qua đêm, và mờ sáng lại mò ra một quán tàu trong khu bến xe nhấm nháp chút cà phê vào cái lúc trời còn giữ một chút ẩm ướt lạnh mát thật dễ chịu. Khoảng đó chúng tôi bốn đứa chung một căn gác gỗ nhỏ trong khu xóm trước nhà thương thuốc chó. Mỗi đứa mỗi tháng góp một trăm tiền nhà để được lăn lộn trên chiếc sàn ván mốc xỉn. Mỗi đứa đã nhìn thấy nhau mặt mũi há hốc, và dãi rớt hoen dài bên má. Mỗi đứa đã nghe thấy tiếng sục sạo và tiếng thở của mấy con lợn ngay dưới chân mình ở căn trệt chỗ gần bếp. Mỗi đứa đã ngửi thấy, hằng bữa, mùi phân lợn chua lè, và mỗi sáng ẩm ướt hết quần áo. Chung ơi bây giờ mầy đang làm gì bên đó? Những đứa còn lại - thằng Khắc, thằng Lâm - họa hoằn lắm tao mới gặp; xa cách, nhạt nhẽo. Rất lâu sau nầy tao quên mất thói quen ngồi quán tàu như ngày xưa; một mình tao thì ngủ cho qua đêm, cho qua đêm và nếu cần cho qua ngày nữa! Ngày thẳng Chung bỏ đi mỗi đứa chia nhau một chút gia tài của nó, tôi vác chiếc giá vẽ về nhà bỏ chết một xó; tôi bây giờ ngại cầm đến sơn cọ. Về những ngày trước nhìn lại cho tôi thấy tôi xúng xính trong nhiều vai trò thật lố bịch. Tôi đứng lại và nhìn ngó mình. Chung, mầy cũng đã dừng lại và nhìn thấy mầy phải không? Thằng Khắc thằng Lâm chắc cũng đã nhìn thấy nó. Chúng ta nhìn thấy mình, chúng ta nhìn thấy nhau, và đều đã bỏ đi, đều đã bỏ đi hết!
Con đường trước mặt đã xôn xao tiếng người, xa một chút, ánh đèn khu bến xe làm ấm một khoảng phố. Một chiếc xích lô dừng lại chờ đợi, tôi chỉ tay về phía trước mặt cười và đi thẳng. Tiếng bánh xe lăn trên đường xa đi, nhỏ nhoi đằng sau tôi. Trên vỉa hè dưới mái hiên, những người nằm ngủ chân thòi ra khỏi chiếc khăn dạ, mặt trốn trong hai tay, như những vết bóng tối hoen ố. Vài người đã thức dậy ngồi xổm hút thuốc. Lửa thuốc cháy trên những khuôn mặt yên tĩnh xa thẳm. Một người đàn bà ôm con trong lòng đầu quấn trong chiếc khăn vuông trắng. Đứa bé im thiếp, lặng ngắt như một giẻ rách. Một chiếc xe rác lăn chậm rãi. Người tài xế ngoái cổ nhìn hai người phu đang ném cho nhau từng chiếc thùng sắt tây. Người phu đứng trên xe, chân ngập trong rác, hắn ném những thùng rỗng xuống đường, động tác vừa vặn, chừng mực, nghe được tiếng thùng sắt tây vang trên đường và đi xa.
Một chút đắng ở cổ và trong miệng nhạt nhẽo, tôi vất mẩu thuốc xuống đường. Tàn lửa lăn vài vòng rồi nằm im như một con mắt nhỏ. Hãy nằm đó hóa thân thành tro, và bay đi với gió! Đời sống cũng giống như mẩu thuốc; bao nhiêu nung nấu để rạng rỡ một khuôn mặt rồi tàn lụi đi. Vậy mà một mẩu thuốc không lửa thì cũng lại chẳng ra nghĩa lý gì. Có trời mà biết!
Tôi kéo cao cổ áo bước nhanh vào khu bến xe, Tôi muốn có ánh đèn, thật nhiều ánh đèn, tiếng xe cộ rộn ràng, tiếng kêu gọi, chen lấn, tiếng rao hàng. Tôi muốn sống một chút cái không khí hối hả, gấp rút, và những đổi mới sau đó; một chút trời trắng sương phủ đầy của một miền đất lạ, mà trong đó bỗng được nhắc nhở tới, bỗng được đánh thức dậy, và mới tươi.
Tôi bước vào quán, tìm một chỗ khuất ngồi xuống. Vẫn là người Tàu già đứng bên trong quầy hàng, màu gỗ cũ và bóng tối trong mắt chú thật buồn bã. Chú đi về phía tôi dọn dẹp vài thứ. Chiếc khăn vắt trên vai lau một khoảng trên mặt bàn, rồi chú đứng chờ. Tôi nói:
- Một cốc cà phê đen có bơ.
Chú lập lại to hơn rồi bỏ đi.
Bên ngoài người đông xôn xao dưới ánh đèn. Những chiếc xe hàng đậu một dọc, đèn thắp sáng trong khoang, và những người ngồi trong đó, bán thân, như một thứ đồ chơi của trẻ con - Mỗi người sống là nhìn ngó mặt mày mình và làm đẹp cho nó, có phải không? Tôi cũng làm đẹp cho tôi, nhưng đám đông thường khi đã làm nhòe nhạt hết, y như là đêm tối! — Một chú bé bán báo đi từng bàn mời mọc: “Báo đây: Qui Nhơn ba người chết. Dân sự chiến đấu chiếm đài phát thanh Ban-Mê-Thuột! Báo đây!” Tôi đưa tay nhận cốc cà phê người Tàu già mang lại, quấy đều đặn. Đâu đó có tiếng chưởi rủa, văng tục. Người đàn bà ngồi trước mặt tôi nhổ một búng nước bọt xuống gầm bàn, mụ quẹt mép. đưa một chân lên mặt ghế, ngồi xỉa răng.
Bơ tan trong màu cà phê óng ánh. Tôi uống từng ngụm nhỏ, thật nhỏ, và lắng nghe một chút ấm len lỏi, lan man trong cơ thể. Tôi nghĩ nếu có thằng Lâm ở đây chắc nó sẽ ngồi trên chiếc ghế trước mặt tôi đây này, tóc nó dầy như đàn bà chắc sẽ chảy xuống trán, nó uống cà phê đen với thật nhiều bơ và hút thuốc khói um thật dày. Tôi nhớ khuôn mặt nó trong một quyển sách nói về mỹ thuật có tóc giống con gái, làm nó nổi điên chưởi rủa đủ thứ. Nó yêu một đứa con gái người Pháp, ngày triển lãm đầu của nó, hai đứa cầm tay nhau rong phố thật hạnh phúc. Nó nghĩ nó đi Pháp, học thêm, cả nàng nữa, rồi hai đứa lấy nhau bên đó. Đứa con gái cũng học trường Mỹ Thuật, nó nói, nó sẽ vẽ thật nhiều để triển lãm ở bên đó với nàng. Và một ngày nào đó, biết đâu, người ta sẽ mang tranh nó treo trong bảo tàng viện Rouen nơi ở đó nàng sinh ra và lớn lên, nơi có lộng lẫy bất tử là những nhà thờ trong tranh Monet, với sương mù và nắng. Đứa con gái có mắt xanh tóc vàng đã trở về Miền Rouen? Có lẽ thế. Nhung thằng Lâm thì chẳng đi đâu hết. Lâu lâu có thư đứa con gái viết: "Nhớ anh vô cùng”. Thằng Lâm đọc và mua thuốc lẻ về nhà hút. Tình yêu cùng cà phê chẳng hạn cũng giống nhau phải không thằng Lâm? Nó làm ấm một chút khi trời lạnh! Còn thằng Khắc? Một vợ, hai con rồi! Chắc nó không còn nổi điên khuya leo lên xích lô cho chạy đầy thành phố. Hồi ấy nó thường rủ tôi dong chơi kiểu đó. Bây giờ nó bỏ dạy học, về nhà lái xe đi bán than. Hôm gặp nhau nó lôi tôi lên Thủ Đức. Trời khuya, chúng tôi ngồi trên bãi cỏ xa lộ nhìn những đứa trẻ con bắt cà cuống trên đường như một đoàn rước đèn. Chúng chia nhiều ngả đứng áng ngữ, tay cầm vợt cao có lưới tròn phía trên. Những con cà cuống màu sơn mài có cánh dài chấp chới mê ánh sáng đèn bay tới, và vô lưới, và chết. Thằng Khắc nói: “Mỗi đêm vài trăm mạng. Các chú ba Tàu mua về rút dầu đít cho các ông trong thành phố nhậu nhẹt. Mày thấy, người ta tận dụng hết mọi thứ, không có bỏ sót một cục cứt để được cơm vào miệng. Lũ nó thì chuyên rút đit cà cuống, còn tao thì bán than. Vậy mà sướng; không có ngày, không có giờ, bốc đồng muốn đi thì đi rồi cũng có tiền lai rai nhậu nhẹt nữa, thế cũng hào hoa.”
Còn ai đấy không? Không, không còn ai nữa đâu! Tôi biết chắc dầu có hết cả những bộ mặt ngày xưa trở lại, ngồi xuống chiếc ghế đó quanh bàn nầy đây, tôi cũng vẫn một mình! Miêng ơi! Anh biết chắc là anh vẫn một mình; lâu lắm những khuôn mặt bè bạn cũng lem luốc cũng nhòa nhạt như đám đông ngoài kia. Có phải mỗi máy mặt là của một giai đoạn sống? Anh thuộc giai đoạn sống nào của đời em hả Miêng? Anh yêu Miêng, anh yêu Miêng, yêu Miêng! Được, anh sẽ nói một trăm lần nếu em muốn, một ngàn lần nếu em muốn. Nhưng tình yêu thật sự là gì?
Ngày ba tôi mất đi, mộ mới trên khu đất đỏ, bàn thờ lập giữa nhà, hoa thật nhiều trong những chiếc bình sứ, đâu đó đôi mắt ba tôi còn nhìn lại. Buổi chiều chúng tôi đi thăm mộ; Thanh, Long, Miêng, và tôi. Hôm đó Miêng mặc áo tím, thắt khăn voan trắng trên tóc. Người gác nghĩa trang đã khóa cổng trở về, tôi đỡ Miêng băng qua những hàng kẽm gai vào trong. Miêng bỏ guốc, chân không dẫm trên vùng cỏ xanh. Tôi nhớ một chút nắng sót rớt trên tóc Miêng lúc đó. Miêng, em đã hỏi anh vì sao yêu em? Để anh nói một lần cho em nghe.
Thằng Long nhóm lửa, em và Thanh lo che gió đốt hương cắm lên mộ. Buổi chiều gió nổi đầy trên nghĩa trang. Em đứng trước mộ ba, phía sau anh nhìn thấy màu khăn trắng trên tóc em, trên trời đỏ rất xa về phía phi trường. “Miêng xin ba cho chúng mình lấy nhau”. Về sau này em đã nói với anh, em còn nhớ không?
Miêng, em mãi hỏi anh vì sao yêu em? Để anh nói một lần cho em nghe.
Hai mươi mấy năm ba đã hiện diện trong đời sống anh. Anh còn gặp lại ba, bây giờ, mai sau nữa, trên mọi nẻo đường anh đi qua trong không khí anh thở, một góc nhà, trên chiếc ghế, anh gặp lại ba ngay trên thân thể anh. Ở khắp mọi nơi đôi mắt ba còn nhìn lại; anh chắc là ba đã nhìn thấy em!
Ba tôi sinh ra và lớn lên trong sung túc; nhà giàu với vườn ruộng nhà cửa to lớn. Mười tám tuổi ba tôi cưới vợ; bà cố tôi so tuổi cho người cháu duy nhất của bà, dạm hỏi, cưới xin và hạnh phúc. Tôi sinh ra, lớn lên với nâng niu chìu chuộng đủ thứ. Và như vậy cho đến khi tôi lên sáu.
Thành phố này thì nhỏ, trên một vùng đồng bể, nơi buôn hàng năm của những người Tàu. Một con sông đào phía sau cho ghe thuyền đến cất hàng. Có một nhà đèn nhỏ về mãi phía trên thành phố, trên con lộ về tỉnh. Mẹ tôi bỏ thành phố đi chữa bệnh mãi ngoài Huế. Hai năm sau tôi cũng bỏ đi cùng cả nhà; mẹ tôi cần gia đình ở gần để săn sóc. Đó là sau những ngày sôi nổi quật khởi và đẫm máu. Đó là những ngày mà đứa trẻ con là tôi tay khư khư chiếc gậy tre giả súng, tập một hai ngoài đường phố. Đó là lần đầu tiên đứa trẻ con đã nhìn thấy người ta giết người ngoài sân vận động. Những ngày sau còn lại một vũng máu thâm tím trên cát, còn lại một chiếc cọc tre trơ vơ giữa sân, còn lại một đôi guốc gỗ.
Chúng tôi dùng xe lửa, đêm đi ngang đèo trời lạnh và gió rào rạt. Mây thật trắng dưới thung lũng màu sữa. Tất cả những đổi mới theo cuộc hành trình đều dịu dàng sau đó. Ba tôi thuê nhà trong một khu gia cư người Pháp để lại, ở cuối con đường Nguyễn-Văn-Nhung bên kia nhà Canh Nông Ngân Hàng lúc đó dùng làm doanh trại của quân đội Tàu, phía sau là cánh đồng và những làng xa xanh lơ. Ở đó bây giờ còn lại trong tôi là hình ảnh những con đỉa lớn bằng hai ngón tay, da đen xạm, nằm chết trong từng vũng máu lem luốc hai bên đường, những người lính chăn ngựa mặt vàng bủng, buổi chiều lóc cóc trở về từ phía cánh đồng, và những xác chết trần trụi bị lôi ra ngoài bãi hoang.
Yên, yên nào! Để anh kể cho mà nghe! Em còn quá nhỏ, anh biết, khi đó em còn chưa sinh ra.
Một năm sau ba tôi mua nhà ở đường Hàng Bè, ngay tòa soạn Tiếng Dân cũ. Nhà một từng lầu, vừa vặn cho một gia đình đông con, nhìn ra một con sông rộng nước đục vàng đầy những bè lồ ô hai bên bờ. Ghe thuyền trong những bến ở đây cất hàng đủ thứ, nhiều nhất là gạo. Ở đây cũng nuôi sống chán vạn những đứa ăn cắp, mà tôi thấy hằng bữa từ cửa sổ trên gác. Chúng đều là trẻ con; mươi, mười lăm tuổi. Chúng có những chiếc túi vải may liền với một ống bằng thiếc vạt nhọn. Cách chúng len lén bấu vào một xe gạo lơ đễnh cũng giống y như những con đỉa.
Ngày đó tôi có hai công việc: áp mặt vào song sắt cửa sổ trên gác coi bọn trẻ ăn cắp, và bắt chước những đứa trẻ khác đội ca lô, mặc áo trắng, quần trắng có nhiều tua đỏ ở thắt lưng diễn hành ngoài đường phố. Tôi không có quần, không có áo, không có mũ như thế. Tôi thật ao ước được như những đứa trẻ đó tươi đẹp ngoài phố.
Mẹ tôi không được khỏe, bà cố tôi đã già, ba tôi phải coi sóc mọi chuyện; và như vậy những ước mơ trẻ nhỏ bị bỏ quên mất tăm! Mùa hè có những chiếc thuyền mui cao và thoáng của những người nghỉ mát; bà cố tôi cũng có một chiếc. Đêm chèo về mạn Bến Ngự neo giữa sông cùng với hàng trăm thuyền đậu san sát, ánh đèn nhỏ trong từng khoang thuyền ấm như một vùng sao bềnh bồng. Không ai nuông tôi bằng bà cố tôi; sông nước mênh mông bà không muốn cho tôi ở dưới thuyền, nhưng tôi đòi mãi bà cũng chiều tôi, vả lại bà cũng muốn có bà có cháu. Tôi thích ở dưới đó để đêm đêm ngồi chờ từng chiếc thuyền lá nhỏ nhắn dễ thương, và một vùng xanh biếc hay đỏ ngọc của ánh đèn chiếu xuống nước di động. Người ta bán đủ thức ăn ở đó, và tôi vòi bà tôi. Tôi còn theo bà lên điện Hòn Chén xem người ta lên đồng trên mặt sông, trong những chiếc thủy tạ trang trí như từng chiếc đền nổi đầy ánh sáng, để nhìn mặt sông trong suốt và tưng bừng. Nhưng trên tất cả những điều đó, đầu óc tôi vẫn còn nghĩ về bộ đồng phục trắng và những tua đỏ ở thắt lưng, còn nghĩ về chiếc ca lô đội lệch một bên đầu. Hết cả những mơ ước đó vẫn thôi thúc tha thiết.
Miêng! Mỗi người sống đều mang một nỗi xấu hổ thầm kín trong lòng mình, không bao giờ quên! Nó ầm ĩ, nung nấu một ngọn lửa. Một lần tôi ăn cắp tiền của bà tôi, bỏ thuyền lên chợ Đông Ba may một mũ ca lô về đội. Tôi ngắm mình hoài, và thật bằng lòng. Tôi đi phố ca hát, mặt ngó thẳng, chân bước đều hùng dũng. Không đủ tiền cho một bộ đồng phục, tôi thế nó bằng một thanh gươm gỗ. Tôi đi cho hết buổi sáng mới trở về. Em đừng cười anh Miêng, ba đánh năm roi, hôm sau còn rát và xót. Rồi cũng qua đi lằn roi biến hết, lặn mất. Nhưng bao nhiêu năm sau, mỗi lần nhớ tới, anh thấy đau hơn bao nhiêu vết roi nằm trên thân thể anh ngày xưa; khi anh một mình trở lại thành phố của miền đồng bể là quê anh, rồi chiến tranh, đường dứt, anh về ở với gia đình người cô, với bà nội anh, nhưng không còn ai nuông anh như ngày xưa, và như vậy chiến tranh kéo đi bao nhiêu ngày tháng, kéo đi bao nhiêu năm, em đã biết! Những ngày tản cư hết nơi này đến nơi khác, những ngày trốn chui trốn nhủi lấm lem trong bùn đất, đạn xéo trên đầu từ những chiếc máy bay lồng lộn, và khói trên những nóc tranh, những ngày Tết nằm một mình giữa bốn bức vách đất cùng với gió sông thật buồn bã, khi tất cả những ngày đó đi qua để anh lớn lên!
Miêng! Em phải biết, mỗi người sống chôn dấu bao nhiêu đau đớn trong lòng mình không thể nào quên, không thể nào chuộc lại được!
Khi anh trở lại thì cố không còn nữa. Bà nằm trên triền núi Ngự, đầu hướng về núi, chân về biển, không còn bao giờ biết tôi đã trở về, không còn có thể nghe tôi nói, như ngày xưa!
Khi nghẽn đường, ba tôi bán căn nhà cũ làm vốn đi buôn và nuôi con. Ông từ chối nhiều mối lãnh thầu rất lời cho quân đội Pháp. Tôi còn nhớ lời ba tôi: “Mình đã không làm được gì có lợi cho tổ quốc, thì cũng đừng làm điều gì có hại cho tổ quốc…”
Miêng! Em đã hỏi anh vì sao yêu em? Cả một quá khứ hai mươi mấy năm từng giờ từng phút, xúc động trong lòng anh với đôi mắt ba còn nhìn lại đâu đó, mà anh cảm thấy thật gần gũi, như là hơi thở. Ba đã nhìn thấy Miêng. Ba nói: “Ba bằng lòng cho các con cưới nhau”. Em có nghe không?
Tôi bỏ quán. Trời bắt đầu sáng bên ngoài, những chiếc xe đang rời bến. Tôi vào hàng thuốc lá mua mấy điếu Ruby. Tôi đốt thuốc nuốt khói đầy ngực, rồi đi về một con phố nhỏ, hai bên là những hàng cây yên tĩnh. Có tiếng súng lớn bắn ầm ì đâu đó. Về phía xa một gác chuông nhà vươn lên cao, nền trời bắt đầu xanh hơn. Dưới đó, dưới bóng những hàng cây, dưới bóng những căn nhà ngói đỏ, có Miêng.
Em có nghe thấy không? Giờ này em còn đang ngủ, em không nghe thấy đâu!
Tôi thường có những giấc mơ đưa tôi về thành phố cũ trẻ con là tôi ngày xưa. Thành phố loang lổ những vôi vữa, thành phố của cỏ hoang và những con cò ma đến từ ruộng rau muống gần đó, nằm ngủ trên những tường vôi chỏng chơ sót lại, sau bom đạn, sau phá hoại. Và con sông đào khô cạn lần lần, đang tự vùi lấp, đang chết. Tôi thường trở về, trong đêm, với miền đồng bể, khi thì lạnh ngắt và sũng nước hàng tháng không nhìn thấy mặt trời, khi thì trắng xóa với nắng thiêu đốt. Có một làng nhỏ, có một ngôi nhà tranh tường đất, có tôi ở trong đó, tôi vác mõ ra đồng chân đạp trên mặt ruộng nứt nẻ. Tiếng hú hét, kêu la, tiếng chiêng mõ của dân làng vang khắp cánh đồng, đi xa hôi hổi với gió nồm. Đó là những năm súng bom đạn lửa, nhà cháy người chết, đó là năm hạn hán mùa mất. Hết cả những tiếng kêu la cầu đảo đó thấm tận trong lòng tôi sầu thảm, hoảng hốt.
Em có nghe thấy không? Giờ này em đang ngủ, em không nghe thấy đâu! Có phải giấc mơ gồm những điều không thật?
Trời bắt đầu sáng, trời đã sáng rồi. Đáng lẽ anh đã có thể nhìn thấy mắt em, nhìn thấy mặt em. Đáng lẽ chúng ta có thể nhìn rõ mặt nhau, nhưng bóng tối vẫn còn đâu đó. Miêng, đêm không hết sao em, không bao giờ hết sao em? Chúng ta hẹn nhau, gặp nhau, hôn nhau, nghe ở má ở môi nóng từng hơi thở, ấm từng mặt người, không nhìn thấy nhau sao Miêng? Mỗi người đều mong mình được nhìn thấy, không phải như một đám đông lem luốc nhòe nhoẹt và giống nhau. Mỗi người đều mong mỏi, mong mỏi thiết tha, và chạy đuổi hoảng hốt, và mòn mỏi mệt lả, hoàn toàn mệt lả. Không ai nhìn thấy nhau sao em? Trời còn chưa sáng, thật chó!
Tôi bỏ con đường với hàng cây cao, ra lộ lớn tìm xe buýt; tôi muốn được gặp cu Nhiên, thèm béo hai má hồng đỏ phúng phính của nó quá! Thèm nói chuyện với nó quá! - “Nhà tui bữa trước con mèo đẻ một đứa con bự thiệt bự dậy đó — Thằng Nhiên có đẻ không? - Tui đâu phải con mèo? - Chú Ngung có bà cố không? - Không? - Chú Ngung có chú không? - Không? - Có bác không? - Không? - Chú Ngung có cô như cô Liên của Nhiên không? - Không? - Có bà con không? - Không? - Có chị không? - Không? - Dóc! Nhiên có nè! Hôm trước chỉ cho tui cây cờ to thiệt là to! – Chú Ngung có nhà lầu không? - Không? - Dóc chú Ngung có nè! - Nhiên ơi, cháu thật dễ thương, cháu hãy bé như vậy mãi, đừng có lớn lên, đừng có biết chú đang nghĩ gì trong đầu đây. Người lớn thì đầu óc đen tối quay quắt, người lớn thì buồn bã! Ừ chú có nhà lầu to lắm, đẹp lắm. Mai rồi thằng Nhiên cũng có nữa!
Miêng, có phải làm trẻ con sung sướng không em? Giờ này; chúng trẻ con thì đang ngủ.
“Anh ngủ với Miêng, lỡ đẻ con thì anh nhìn nó, thế là không trốn trách nhiệm, theo anh, có phải không? Thế những ngày trước anh đã làm gì cho nó?” “Miêng, hãy nghe anh nói đây; anh đã kêu la cầu đảo, hàng ngàn người đã kêu la cầu đảo, nhưng trời không cho một giọt nước, đồng ruộng xanh xao từng đoàn người chết đói. Tiếng kêu la còn đâu đó trong giấc mơ, đâu đó trong bao nhiêu ngày tháng đi qua, đâu đó trong lòng anh bây giờ. Em có nghe thấy không?”
Không! Em đang ngủ, em không nghe thấy đâu. Có phải giấc mơ gồm những điều không thật?
(...)
NGHIÊU- ĐỂ
(Bách Khoa số 192 ngày 1-1-1965)













LÊ CHIỀU GIANG
Phấn Thông Vàng và căn nhà ngói đỏ

Không hiểu cô bạn tôi chen lấn cách nào, vượt qua hết những họ hàng thân thuộc và rất đông bạn bè, những vị đang thứ tự xếp hàng nói lời từ giã với anh. Nghiêu Đề nằm im trong lạnh lẽo, âm u, anh có nghe được những thì thào, nguyện cầu và lời nhắn gửi?
Nhưng tôi, tôi nghe được tiếng cô bạn nhắc nhở, gay gắt: "Khóc đi, sáng giờ sao chưa thấy khóc!"
Té ra quanh đây vẫn đang có những "thám tử tình yêu". Nghe lời bạn hối hả, tôi rờ lên đôi má. Mắt tôi khô và lòng tôi tím tái. Nước mắt, một nhân chứng của những thiếu phụ phải gào thét, phải rên xiết, kể lể lê thê. Nước mắt, để cho ai cũng thấy yên tâm rằng, góa phụ này rồi sẽ về nhà ngồi im đó, mỗi sáng và mỗi chiều tỉ tê khóc chồng với tấm lòng thủy chung và mãi mãi...
Ai nói rằng nếu đó là người nhà, chúng ta sẽ không khiếp sợ? Tôi đã không được như thế, tôi sợ mùi hương khói, tiếng kinh mõ rên rỉ, và ngay cả những lẵng hoa màu sắc rực rỡ chung quanh...
Để hết những ân cần chào hỏi và cám ơn khách thăm viếng cho chị Trâm Anh, cô em dâu là tôi đã được anh chị cho phép ra ngồi bên con suối nhỏ cạnh nhà quàn. Một mình tôi rục rã ngồi nghe tiếng nước véo von cứ như có ai đó đang hát những lời nỉ non, ai oán.
Bốn mươi bốn tuổi, tôi sẽ một mình, sẽ loay hoay làm sao và làm gì cho hết những tháng ngày còn lại?
Thời thiếu nữ, ngoại trừ những giờ ở trường lớp, suốt ngày tôi quanh quẩn với ông anh, người có cái bàn học nhỏ hơn rất nhiều so với cái tủ đầy những sách được dịch ra từ nhiều thứ tiếng. Bắt chước rồi say mê lúc nào không hay, tôi đọc hết cả trăm cuốn sách ấy và... đọc đi đọc lại, càng đọc càng thấy mình tăm tối, u mê, và nhất là đã chẳng hiểu được chút gì.
Những điều được thế giới cho là minh triết đó, những Krishnamurti, Kafka, hay Henry Miller... Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tuổi thơ của mình đã bị khủng bố! Bởi thay vì mơ mộng rong chơi, tôi đã dại dột ngồi ôm mấy quyển sách đến nỗi điên hết cả cái đầu...
Khi anh tôi rủ đi cafe với cô bạn gái của anh, tôi điệu đà tìm chiếc áo dài lụa trắng ngà, len lén thoa chút má hồng và son môi. Tóc tôi đã đẹp sẵn, mượt mà ngang vai, tôi lúng liếng ngắm mình trong chiếc gương nhỏ rồi tự khen mình duyên dáng...
Phấn Thông Vàng, quán cafe thơ mộng nằm ngay ngã tư Nguyễn Thông và Hiền Vương, nhìn cách trang trí bên ngoài với những dây lá xanh mát leo thẳng tắp trên mặt tường bằng gỗ nâu, tôi nghĩ chủ quán chắc phải là người đặc biệt. Chúng tôi bước lên mươi bực thang gỗ, quán không có cửa nên cảm giác thênh thang, mát mẻ.
Nhạc Phạm Duy đã làm tôi muốn ở lại luôn dù đã sắp nửa đêm. Tôi ngồi uống giọt coca cuối cùng, đợi anh đưa cô bạn ra taxi về trước...
Chợt có một người lạ, sau câu chào hỏi, ông đưa tôi tấm thiệp, nói rất vắn tắt: "Mời cô, ráng tới nhé". Cùng lúc đó anh tôi trở lại và chúng tôi ra về.
Phòng tranh cho những buổi triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam luôn tổ chức tại Alliance Française nằm trên đường Gia Long, Sài Gòn.
Tôi ôm quyển Thánh Kinh, trốn lễ nhà thờ, tới tham dự như thiệp mời của anh Nghiêu Đề hôm gặp ở Phấn Thông Vàng. Hôm đó tôi quanh quẩn với tranh của một Vilasquez, một Rembrandt Việt Nam, anh Đỗ Quang Em, Họa Sĩ có bức "Tăng" vẽ theo lối cổ điển rất đẹp.
Trong bộ sách Baroque, Renaissance Art World rất quí của Khai Trí order từ Pháp về, tôi mê những bức tượng với bố cục đẹp vô cùng của Bernini và đặc biệt là tranh của Caravaggio, ông vẽ hiện thực qua cách vẽ như chém, như một tử hình tàn bạo...
Nghiêu Đề, một họa sĩ nghèo nhất thế giới. Vậy mà tôi đã quyết liệt gắn bó cùng anh, bất chấp hết chuyện Ba Mẹ dọa đuổi đi hay đăng báo từ bỏ. Tôi say mê với những câu chuyện anh nói cùng bè bạn. Những "minh triết thâm u" trong sách mà tôi đã đọc nhưng chẳng hiểu gì, đã được anh nói ra, bàn tới...
Cách nói chuyện khơi khơi của anh không bao giờ thấy có bất cứ vấn đề gì quan trọng, cho dù trái đất này có sắp biến mất ngày mai. Anh lý luận sắc bén mọi thứ rất ý nhị, khôi hài và dí dỏm. Điểm thêm một chút đắng cay rất thâm thúy về những phù phiếm, những bèo bọt của cuộc đời.
Không phải chỉ riêng tôi, tất cả bạn bè của anh đã cùng cười tung cười toé khi ngồi nghe anh rì rà bàn chuyện trên trời, dưới đất. Những chuyện thường tình của nhân gian hay mênh mang, xa vời, chìm khuất tận những đâu đâu.
Những lần hò hẹn, phở chỉ một tô, nước mía lề đường có mỗi một ly. Tôi ngồi ăn hồn nhiên, uống y chang một cô bé đã khát nước đâu từ tháng trước.
Dễ thương nhất là có một chiều chúng tôi và Trần Tuấn Kiệt ngồi ở La Pagode, anh TT Kiệt màu mè hỏi nếu tôi muốn uống thêm một ly sữa tươi thứ hai? Thích sữa, tôi ngây thơ "Dạ". Đến lúc tôi hối anh Nghiêu Đề cho về, vì giờ hẹn hò của tôi phải chấm dứt khi Thánh Lễ hết và nhà thờ sắp đóng cửa. Anh chần chừ lần khân. Mãi sau này anh mới khai, vì cái ly thứ nhì tôi uống thêm mà anh phải ngồi đồng trong hồi hộp, chờ TT Kiệt đi mượn chút tiền từ một "văn nghệ sĩ" nào đó lảng vảng quanh nhà sách XuânThu...
Những ngày sau tang lễ, điều tôi nhớ như điên là cái mùi nồng nồng ngai ngái của sơn dầu. Tôi mang tranh Nghiêu Đề đang vẽ dở dang trước ngày anh đau ốm ra tính vẽ tiếp. Tự nhiên mà vẽ ngang xương thấy không xong, tôi ghi tên học một khóa hội họa.
Sơn dầu, hương từ những bức tranh của Nghiêu Đề, chắc sẽ hoài là nỗi ám ảnh cho đến ngày tôi tắt thở.
Nhưng tranh tôi vẽ chẳng bức nào ra bức nào, thôi để cho nhanh và tiện việc,
tôi "múa" tranh trong thơ.
CHÂN DUNG
Đỏ,
Rất đỏ
Ta tung màu lên tóc
Và, xám xanh
Lấp đầy hai con mắt
Ta vẽ ai đây?
Giữa đêm tàn
Thắp sáng trong tranh
Trăm ngọn nến
Réo hồn ai bằng tiếng thở khan
Phải rất trắng, như lòng ta thanh khiết
Vẽ như điên
những ai oán muôn trùng
Vẽ như điên
tiếng khóc ta, rất nhỏ
Bằng chút màu như của
đất chôn...
(LCG, 1999)
Bài thơ đã được Nhạc Sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc sau đó.
"Duyên", thiên hạ thích bàn tới. Tôi cũng chẳng kiêng gì cái chữ thường tình đó. Trong một họp mặt bạn bè, anh Lê Tất Điều khuyên bảo, dặn dò:
"Duyên! thì cô phải rời khỏi nhà, chứ cứ ngồi mãi ở cái đất San Diego này thì biết bao giờ cô mới thấy "nó"?
Và thưa anh Lê Tất Điều, tôi đã bỏ luôn cái đất San Diego để đi khá xa và đi rất xa...
Kinh nghiệm để khỏi phải khóc chồng thêm một lần nữa, nên Anh chỉ cùng trang lứa, tài hoa và lịch lãm...
Chúng tôi đã có với nhau mười bảy năm thơ mộng và đẹp tuyệt vời. Sống trên một ngọn đồi có căn nhà ngói đỏ với kiến trúc European, căn nhà mà anh dùng scalfold vẽ mural trên một dome 25', vẽ ngàn chiếc lá vàng rơi rụng của mùa thu. Thêm cái thác trước nhà rạt rào nước đổ, nơi chúng tôi ngồi với café mỗi sáng, rượu đỏ mỗi chiều, cùng với gió lộng thổi bay hết những lá vàng lao xao trước hiên nhà...
Có lần tôi đọc ở đâu đó rằng: "Kết thúc cho một hạnh phúc sắp tàn, hay nhất là cái chết của một trong hai."
Sau mười bảy năm, tôi và anh chẳng có ai chết, chỉ là sự ra đi của tôi.
Ra đi, đã là một chuỗi dài rất buồn và đau lòng cho cả hai, nhưng kỷ niệm còn lại đã phải là những ấn tích. Đẹp muôn đời, và đẹp mãi mãi...
Trong những email qua lại từ muôn phương, tình cờ tôi tìm lại được cô bạn thời trung học đang sống tại Pháp. Đặng Mai Lan mơ mộng hơn tôi nên theo nghiệp văn chương, quyết sống và chết cùng chữ nghĩa.
Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở Paris, ghé Berlin, Budapest rồi tung tăng ở Warsaw... Nhưng tất cả toan tính đã bị Mr. Tập Cận Bình phá đám.
Nhưng dù có bị phá đám cách nào thì cuối cùng chắc tôi cũng phải tới nơi đã hẹn với bạn. Đây cũng lại là một chuyến đi xa.
Trong chuyến đi sắp tới, sẽ không phải là những gặp gỡ, những nhân những duyên như của mười chín năm trước.
Người duy nhất mà tôi sẽ gặp, trong những hồn ma bóng quế và khói hương nghi ngút của lịch sử nước Pháp, chắc chỉ còn là Monsieur Charles De Gaulle!
Lê Chiều Giang
(July 2020)
Lê Chiều Giang
Mười Lăm Năm Nghiêu Đề
Ta chôn chồng ta một lần duy nhất
Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc
Đất đá rực cháy
những lửa điêu tàn
Ta đứng giữa trời, lặng thinh
không khóc...
Ta phủ xác người bằng bức tranh xưa
Nét vẽ sắc như ngàn dao cắt
Vẽ mắt ta của ngày mới gặp
Mắt tàn phai,
mắt của tàn phai
Ta chôn chồng ta một lần duy nhất
Mắt của ta,
Ở lại với người
1998










MỘT CHÚT KỶ NIỆM VỚI NGHIÊU ĐỀ


Nghiêu Đề đến với chúng tôi như một người viết những chữ vui đầy âm thanh và màu sắc xuống một trang giấy chi chít những dòng chữ đen buồn bã của đời sống. Anh làm cho cuộc đời những người gần anh có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Những câu nói, những suy nghĩ bình thường của mọi người khi đến với anh đều bị anh lật ngược. Và người nghe ngỡ ngàng khi khám phá ra bên kia cái nghĩa bình thường còn có một ý nghĩa “khác thường hơn”, “thích thú hơn” mà trước đó chưa ai nghĩ ra.
Nghiêu Đề có khuôn mặt, vóc dáng của một kẻ sĩ bất mãn với cuộc đời, nhưng là một kẻ sĩ lạc quan. Anh đặt cho người nghe vào một trạng thái hụt hẫng, mất thăng bằng, và bật cười khi khám phá ra ý nghĩa của điều anh muốn nói.
Tôi gọi Nghiêu Đề là một người bạn thật trong một vài người bạn thật của tôi, bởi có những người bạn tưởng là bạn nhưng là bạn giả, giống như bạc giả vậy. Không nên xài bạc giả, nguy hiểm lắm! Trong những cuộc họp mặt vào cuối tuần ở nhà anh, dưới San Diego, hoặc ở nhà Nguyễn Mộng Giác ở Quận Cam, bao giờ bạn bè cũng bật cười khi nghe anh kể chuyện. Anh nói chậm rải, giọng miền Trung, phát âm rõ, với một nụ cười kín đáo. Nhưng điều anh nói bao giờ cũng khiến chúng tôi giật mình.
Những chiều thứ Bảy nào hẹn nhau ở Quận Cam, mặc dù con đường từ nhà anh đến nhà bọn tôi dài khoảng hai giờ lái xe, và vào những tháng mùa đông con đường còn bị chìm trong một vùng sương mù dày đặc, thế nhưng Nghiêu Đề không bao giờ vắng mặt. Có anh, không khí buổi họp bạn vui, ấm và sáng hẳn lên.
Giữa năm 1998, khi Nghiêu Đề bắt đầu trở bệnh, bọn tôi không còn gặp nhau thường xuyên như trước, nhưng mỗi lần có dịp họp mặt, Nghiêu Đề vẫn luôn mang đến cho chúng tôi tiếng cười. Có lần anh bảo tôi: “Cậu thân ông Mai Thảo hơn tôi phải không?” Tôi không trả lời ngay, vì chưa biết bạn tôi định gài bẫy gì, thì anh tiếp: “Ông ấy muốn sponsor thì cứ việc sponsor cậu trước đi chứ việc gì sponsor tôi?” Anh chưa muốn đi theo Mai Thảo. Nghiêu Đề những ngày sau đó thường nói bệnh như là một phần của đời sống anh. “Mà nói đến chuyện hưởng đời thì tại sao không hưởng luôn cái bệnh của đời.” Bệnh tật có làm anh đau đớn nhưng quả tình anh cũng đã nhìn nó bằng một con mắt đùa cợt nhẹ nhàng như không.
Nghiêu Đề là một trong những họa sĩ đã hình thành nền hội họa đầy tính năng động và sáng tạo Việt Nam trong những năm đầu thập niên 60. Trong một bài viết về Nghiêu Đề* nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy nhận định “Trong bầu không khí nồng nhiệt đổi mới và khao khát sáng tạo của những thập niên 50 và đầu 60, Nghiêu Đề xuất hiện như một khuôn mặt trẻ trung, phấn chấn tiến đến với nền nghệ thuật mới.” … “Và chính trong không khí rạo rực đầy hứa hẹn ấy, Nghiêu Đề đã góp một tay vào việc thiết kế căn nhà mới của nền nghệ thuật mới.
Anh được tặng thưởng huy chương bạc Hội Hoạ Mùa Xuân năm 1961 với tác phẩm Chân dung sáng tác một năm trước đó, vẽ khuôn mặt một thiếu nữ đầy chất cách tân, vì khuôn mặt của thiếu nữ có thể nói là hơi nhỏ, không cân bằng trên một thân hình khá lớn, lại còn cái cổ áo dựng cao lên làm chúng ta nhớ đến kiểu áo dài của phụ nữ thời đó, vậy mà tất cả lại trở nên rất hoà hợp khi tất cả đều như chìm vào trên một nền sơn dầu mạnh mẽ xanh xám như đá tảng.”*
Biết anh là tác giả tập truyện Ngọn Tóc Trăm Năm tôi hỏi xin anh nột truyện ngắn cho Văn, nhưng anh chỉ cười. Thỉnh thoảng Nghiêu Đề gửi lên cho Văn một bài thơ và tuyệt nhiên không thấy một truyện ngắn mới nào. Tại sao? Nhiều lần tôi hỏi anh và anh nói “màu sắc đủ rồi, thơ cũng là quá một bước, truyện ngắn là lỡ bước thứ hai. Cậu đừng xúi dại tôi mãi như vậy!”
Tối ngày 9 tháng 11, 1998 đang ngồi ở tòa soạn xem lại phần tin trên trang nhất của số báo cuối cùng trước khi chia tay để nhận việc một tờ báo khác ở miền Bắc Cali thì nhận được điện thoại của nữ ca sĩ Quỳnh Giao báo tin Nghiêu Đề vừa ra đi lúc 6 giờ 25 [chiều], tại nhà anh ở San Diego. Tôi nhớ nụ cười của Nghiêu Đề khi hỏi tôi chuyện Mai Thảo sponsor. Tôi không nghĩ là anh ra đi nhanh như vậy. Một tuần sau, ngày các bạn tôi từ Quận Cam kéo nhau xuống phương nam tiễn Nghiêu Đề ra đi cũng là ngày tôi phải từ Quận Cam lên đường ngược chiều về phương bắc nhận việc làm trong một tờ báo mới ở San Jose. Đời sống không bao giờ dễ dãi với một ai. Tôi đã không đến thăm Nghiêu Đề lần cuối. Tôi đã chia tay anh trên một chuyến bay.
San Jose, 16.11, 1998 –11. 11, 2009











SAN DIEGO NHÌN LẠI VÀ (VẪN) NGHIÊU ĐỀ


Mười ba năm. đấy, biển
hơi mặn thấm vào người
gió mặn luồn chân tóc
nước mặn hồn xa khơi
Vị nồng lên thớ gỗ
bờ đá vỗ âm ba
khói nhòa con mắt nắng
biêng biếc một phương nhà
Chú cá nằm mắc cạn
mà lòng ai đương trôi
hát thầm câu tống biệt
hoa. từ buổi luân hồi
Cát lầy chân chim mỏi
sóng bạt cả tiếng thầm
dường như bạn vừa nói
mất giữa triều vô âm
tháng 3 chín tư
(Thế Kỷ 21 số 64, tháng 8/1994)











trái: Đỗ Quang Em, Nghiêu Đề, Phan Nguyên
San Diago 1994




















Trở về 











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.