Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Nguyễn Hoài Hương

 











Hoài Hương
(1957 - .....)

Nguyễn Hoài Hương
Hoạ sĩ, Nhà thiết kế nội thất
Sinh ra tại Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội











Tay Của Chúa
24/4/2024




Hoạ sĩ Hoài Hương: Cõi riêng giữa hai bờ cuộc đời


Là hoạ sĩ, nhà thiết kế nội thất, con đường đi tìm cái tôi của anh cũng chính là con đường đi tìm bản ngã của kiến trúc Việt, văn hoá Việt, làm mới nó trong vẻ đẹp quyến rũ mang tính công năng cao. Anh hiểu rằng, chỉ khi dám sống trong một không gian mang đường nét quá khứ, mới tạo ra nội thất kiến trúc đẹp và sang trọng.

Trong cuộc đời làm thiết kế nội thất của mình, anh từng mắc sai lầm rất “giống Tây”, để rồi cuối cùng mới dám… giống mình?

Công trình trung tâm thương mại ở Bờ Hồ, Hà Nội của tôi hồi đó dù được giải thưởng về kiến trúc nhưng chỉ là sự bắt chước kiến trúc Pháp cổ điển. Thực ra lúc đó, vẻ đẹp ấy chiếm hết con người mình. Sau đó tôi mới nhận ra nó thuộc về người khác, thế giới khác, đất nước khác. Mình chỉ mượn nó để tạo ra hưng phấn cho mình. Khoảng 1995, tôi được thiết kế một số nhà hàng cho Khải Silk và những cửa hàng ở đường Đồng Khởi – TP.HCM. Tôi muốn làm cái gì đó khác đi, mạnh dạn đưa kiến trúc Việt như cột kèo, gỗ vào trong công trình, và gây được sự chú ý với du khách phương Tây.

Ngôn ngữ bản địa sống dậy, tôi tìm cách làm sao cho đẹp hơn, đơn giản hơn, chỉ giữ lại cái tinh tuý, và không thiếu công năng cho cuộc sống hiện đại, đó là điều quyết định trong kiến trúc và trang trí nội thất. Tôi không phục cổ một cách hoàn toàn. Một ngôi nhà chỉ toàn những kiến trúc cổ kính cũ mèm phủ kín là một không gian chết, ai mà ở. Cuộc sống bây giờ khác xưa, đi lại khác, thời lượng giao tiếp ngắn, không gian sống cũng khác, phải dùng những lượng thông tin cô đọng, thâu tóm nhất về đường nét, không gian thoải mái rộng lớn, thoáng hơn, tầm nhìn xa hơn. Khi vẻ đẹp Việt Nam làm người khác tự hào, xúc động, không ai bảo ai cũng tự nguyện tìm tới, từ đó thành xu hướng thôi.







Theo anh, liệu đã thực sự có một phong cách thuần Việt trong thiết kế, kiến trúc?

Thực sự bản ngã kiến trúc Việt chưa được xác định rõ do ảnh hưởng của các trào lưu kiến trúc khác nhau. Trách nhiệm của người làm kiến trúc là làm mọi cách cho cái tôi cội nguồn được xác định rõ hơn, xuất hiện nhiều hơn để người Việt có thể tự hào. Nhìn về phương Đông, nếu không tinh tường, dễ nhầm lẫn tất cả đều là Trung Hoa. Nhưng thực ra cái gọi là Việt Nam, là Nam Á rất mạnh. Nhật Bản khác xa Trung Quốc, Việt Nam càng khác so với Trung Hoa. Trung Quốc là một nước lớn, họ phô diễn sự lớn của họ bằng những cửa, cột cao, những mái ngói cong vút lên trời. Những cánh cửa sau khi chạm trổ còn vẽ thêm màu sắc, thể hiện rõ ở những dầm, đà, đầu đao. Việt Nam cũng biết dùng kết cấu cột kèo, nhưng quá khứ đầy thăng trầm bởi bão lũ và chiến tranh liên miên nên mái nhà thường thấp, không phải vì ta thiếu gỗ, mà để ngôi nhà chở che nhiều hơn, yên ấm hơn. Tất cả những đường nét tinh khôi chạm vào gỗ thường để mộc, không sơn xanh đỏ. Sự chia nhỏ những bản ghép cũng không phải vì thiếu gỗ, mà để người thưởng ngoạn được đắm đuối vào chi tiết. Trở lại với vẻ đẹp thuần Việt đang trở thành một xu hướng rất mạnh, đánh thức mỹ cảm sâu xa của con người bởi sự thăng trầm của màu sắc ẩn hiện. Những màu tươi như đỏ cũng ẩn trong khoảng tối, không lồ lộ trong khoảng sáng như người Trung Hoa.

Theo anh, làm thế nào để tạo ra một không gian sống đẹp? Sai lầm lớn nhất trong thiết kế hiện nay là gì?

Công việc của người thiết kế là công việc hàng ngày của cuộc sống, không phải cái gì quá xa lạ. Không gian kiến trúc không chỉ để phô trương vẻ đẹp, nó phản ánh đời sống văn hoá của chủ nhân, tương xứng với không gian tâm lý từng người. Tôi đã thấy nhiều ngôi nhà đắt tiền, nhiều đồ thiết kế lộng lẫy nhưng không có đời sống. Không gian sống là bản thân tất cả các đồ vật phải sống, biết trò chuyện với mình, tương tác hoà hợp với mình, đến mức không nỡ bỏ đi một cái gì thì không gian ấy mới bền vững, mới khiến người ta không quên được, đi xa có khi chỉ nhớ một chỗ ngồi buổi sớm. Mình sống và đồ vật cũng sống, tất cả kích thích cho cuộc sống giá trị hơn, sống tốt hơn. Ngôi nhà phải vừa với mình, hợp với mình, là da thịt của mình, tạo cảm giác êm ái… Tất cả phải được tính tới khi xây dựng không gian kiến trúc nội thất cho từng người. Nhiều người mua những món đồ đắt tiền không phải để sử dụng mà để chinh phục nó, chinh phục sự thèm khát, thiếu thốn của mình, để người khác nhìn nó ngưỡng mộ. Người không tự tin trong cuộc sống mới phải mang rất nhiều hàng hiệu để tô điểm cho mình, cân đo mọi thứ bằng đồng tiền. Giàu như thế chưa chắc đã sang. Sự xa hoa đến trước rất dễ gây phản cảm, tới một lúc nào đó sẽ tạo ra lối sống thực dụng, làm cho ngôi nhà chỉ là chốn ăn chơi. Việc sử dụng đồ đạc phải cộng thêm kiến thức xã hội, văn hoá, không thể bỏ tiền mua đồ cổ, đắt tiền, mà coi đó là văn hoá.

Cái đẹp trước tiên là cái thiện, cái lành. Cái đẹp không có khuôn khổ, tất cả những gì đẹp phải gắn liền với cuộc sống, tương tác với con người, tương tác với tất cả những gì xung quanh nó, làm rung động trái tim. Tính cộng đồng trong không gian sống quan trọng vô cùng. Nếu một ngôi nhà bị ô nhiễm, tác động cả cộng đồng.

Người không tự tin trong cuộc sống mới phải mang rất nhiều hàng hiệu để tô điểm cho mình, cân đo mọi thứ bằng đồng tiền. Giàu như thế chưa chắc đã sang.

Nghề thiết kế với anh dường như không có giới hạn. Sau series tám du thuyền cho Hạ Long, anh đang thiết kế du thuyền cho Huế?

Du khách đến Huế không thể chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Cái nhịp sống chầm chậm, mưa dai dẳng, da diết, cái bếp lửa nồng nàn với ẩm thực tinh tế nếu không sống bên trong lòng của Huế làm sao thấm được? Người Huế không thích cái gì to lớn. Nho nhỏ, tinh tế, đó là văn hoá Huế. Tạo hình cho du thuyền Huế vì thế khác hẳn Hạ Long. Huế có một dòng sông thanh bình, hiền hoà, gần gũi, khiến con người không có cảm giác quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Có thể chạm vào mặt nước, cảm nhận được đời sống đầm ấm của cư dân hai bên bờ sông Hương, với quá nhiều điểm đến, mỗi điểm là một câu chuyện dài thi vị. Chính vì thế, khi tôi đưa ra dự án du lịch trên sông, đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của nhiều đối tác. Với vai trò tạo dáng và tìm giải pháp đầu ra cho những sản phẩm mặt nước sông Hương trong quy hoạch tổng thể du lịch Huế từ 2012 đến 2032, nhờ kinh nghiệm tàu bè từ Hạ Long, tôi muốn du khách nhìn Huế với cái nhìn từ bên trong, để thấy được vẻ đẹp văn hoá, cuộc sống, lịch sử Huế…

Đam mê sưu tập đồ cổ cũng là một thú chơi mang đến cho anh cảm giác an lành, tĩnh lặng?

Tôi không quan tâm giá trị kinh tế của đồ cổ mà yêu thích vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc. Âm nhạc cũng là điều không thể thiếu, có khi chỉ là tiếng gió thôi cũng gây cảm giác rất mạnh. Tôi thích tất cả những gì tạo sự hưng phấn cho các giác quan, cho tinh thần, cảm xúc của mình. Điều đó giúp tôi tưởng tượng được ra không gian trước khi đặt bút vẽ nó. Sung sướng hơn nữa là khi thấy tất cả những gì mình tưởng tượng được hiện nguyên hình.

Vừa thiết kế, vừa là nhà thầu xây dựng, có bao giờ anh bị đồng tiền dẫn dắt đến mức không còn cảm hứng để vẽ nữa?

Vẽ giúp tôi cảm giác về màu chính xác, cách phối để tạo nên ánh sáng long lanh, còn thiết kế lại giúp tôi rất mạnh về cấu trúc khi trở lại với hội hoạ. Thiết kế nội thất là làm đẹp cuộc sống, công việc ấy không xa với tạo hình, chỉ là tạo ra những sản phẩm đẹp bằng các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Vấn đề là làm sao tách bạch, không lẫn lộn giữa các ngôn ngữ. Điều đó quả thật không dễ. Mình phải thiết lập một thói quen trong tư duy, giống như những ngăn kéo vậy, khi cần đến ngăn nào là lấy nó ra.

Chừng này tuổi rồi, nhìn lại đời mình, mất nhiều lắm chứ. Nghề này cứ hai đấm là một đạp. Mất nhiều nhất là sự ngây ngô trong kinh tế, và mất cả thời gian để được sống với chính mình. Khi có công trình là phải tạm quên đi hội hoạ. Mỗi lần đối diện với bão táp là buổi tối mình lại lục cục đốt đèn lên vẽ tranh. Chính chuyện vẽ nuôi dưỡng cho tâm mình trong sáng, yêu đời, yêu cuộc sống… Điều làm mình dễ bị tổn thương nhất là khi người ta không hiểu được việc mình làm, không thấy được giá trị của những sáng tác thiết kế một cách đúng mực. Đôi khi người ta còn lạm dụng mình nữa. Nhưng những muộn phiền đó chỉ là khoảnh khắc, sau đó lại tự mình tặc lưỡi, xuề xoà ngay, như những khe nứt nhỏ, dễ hàn gắn. Mình còn nhiều niềm vui khác, nhiều công việc khác để làm.

Tôi có một cõi riêng, đó là những bức tranh. Mình vẫn đi giữa hai bờ của cuộc đời, nhưng không đánh mất cõi riêng đó. Hạnh phúc đâu cần cái gì lớn lao, chính là công việc mình làm, luôn gắn với niềm đam mê tạo hình, tạo dáng cho tất cả mọi thứ xung quanh. Đôi khi cuộc sống không trong sáng, nhưng khi vẽ tranh là mình lập tức lấy lại được sự trong lành. Tôi vẽ tranh không nhiều, một năm chỉ rảnh nhất là vào dịp tết, nhưng khi đặt bút vẽ là mấy chục bức nối đuôi ra đời, như thể mình dồn nén rất lâu để chờ dịp được bung ra… Cuộc sống quá nồng nàn với mình, nếu mình nhìn thấy, nó sẽ cho mình rất nhiều. Khó khăn thì lúc nào cũng có, làm sao tránh khỏi, nhưng trong tranh của tôi, cuộc sống luôn hiện lên với vẻ thanh bình, tĩnh tại, bởi những khoảnh khắc đó vô cùng hiếm trong một ngày, càng hiếm trong một đời. Vấn đề là làm sao tích tụ nó nhiều hơn để khoả lấp những khoảng trống. Mình là người phương Đông, chất phương Đông sâu đậm đến mức không bao giờ có thể mất. Tư tưởng phương Tây phát triển theo trục tung, chinh phục đỉnh cao, những nhà thờ cũng cao vút, còn triết lý phương Đông đi tới bằng sự quay về, phát triển theo trục hoành, trầm hơn, không còn đối chọi nữa, như thế mới bình tâm được.

Tính cộng đồng trong không gian sống quan trọng vô cùng. Nếu một ngôi nhà bị ô nhiễm, tác động cả cộng đồng.

Nhiều lần triển lãm chung với ba người bạn Hoàng Tường, Thanh Bình, Trần Trung Tín, có gì chung giữa bốn người đàn ông có phong cách hoàn toàn trái ngược?

Vẫn là tinh thần phương Đông ngự trị, nhưng mỗi người sử dụng ngôn ngữ, trường phái hội hoạ khác nhau. Níu kéo nhiều nhất giữa chúng tôi vẫn là sự gắn bó từ thuở còn là bạn học, những ngày đi thực tế vẽ tranh ở vùng xa. Đặc biệt trong hội hoạ, giữa chúng tôi có sự cạnh tranh ngấm ngầm, nhìn nhau để cùng đi tới, lôi cuốn nhau thôi thúc sáng tạo, đó là điều lớn nhất lưu lại được tình bạn trên đời. Tôi có nhiều bạn, bạn làm ăn, bạn nhậu, bạn chơi, nhưng đặc biệt ba người bạn thân này đều không nhậu… Tôi còn có những người bạn hoạ sĩ ở làng nghệ sĩ Hàm Long. Cùng nhau tạo dựng ngôi làng mang kiến trúc Việt, cũng là nơi để cùng sáng tác, đàm đạo. Chính những nếp nhà dân dã, chân quê ấy đã trở thành tuyến du lịch đường sông không thể thiếu cho du khách nước ngoài khi đến Sài Gòn, phim trường cho các đoàn phim cổ trang.

Làm thế nào để mỗi buổi sáng với anh đều mở ra một ngày mới bình yên?

Kiến trúc sư không chỉ là người vẽ đẹp, tìm kiếm vật liệu giỏi, mà phải có kiến thức xã hội rộng và đặc biệt thấu hiểu văn hoá ứng xử và văn hoá đời sống, để tạo ra một sản phẩm kiến trúc hoàn chỉnh. Nghệ thuật là công việc sáng tạo vô cùng, tôi luôn thấy mọi chuyện là không đủ, áp lực lớn nhất là thời gian. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thường bắt đầu một ngày mới bằng cách tặng thưởng cho mình sự tĩnh lặng, với một ly càphê trong không gian xanh rộn tiếng chim. Nhấm nháp ly càphê một cách thanh thản, không nghĩ gì, đó là cách tôi làm sạch mình, buông xả tất cả những dính mắc, phức tạp, để có thể bình yên trở lại. Chỉ có bình yên mới giúp mình thấy được những cái lớn hơn, thai nghén tác phẩm mới, đó chính là lúc hạnh phúc nhất.

Bận rộn thế với công việc, sáng tác, làm thế nào anh hoàn thành vai trò làm chồng, làm cha?

Tôi may mắn có một người vợ thấu hiểu công việc, yêu thích công việc của chồng. Người đàn ông khi thành công không nghĩ nhiều đến người thân, nhưng khi thất bại chỗ chở che chính là gia đình. Chẳng ai chia sẻ với mình nhiều bằng người vợ trong những thăng trầm của cuộc đời. Làm nghề này thất bại cũng nhiều, nên chữ gia đình với tôi vô cùng thấm thía. Chính vì thế mà mình luôn phải làm gương cho con, giống một ông giáo phải dọn mình mỗi lần đến lớp… Con tôi không chọn nghề thiết kế của bố, mà học về tổ chức sự kiện vui chơi giải trí phục vụ du lịch. Tôi chỉ mong con biết yêu công việc mình đang làm. Chọn việc mình thực sự yêu mến, đó là cách cho mình nhiều sức mạnh nhất.


Kim Yến – Theo SGTT









Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương nói về giá trị tiền bạc và nghệ thuật


Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương vừa kết thúc tuần triển lãm từ 20/3 đến hết 28/3 - Ảnh: Hoà Bình





Thiếu quản trị không thể vẽ sơn mài

*Triển lãm “Giấc mơ” vừa kết thúc hôm 28/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM của anh trưng bày 70 tác phẩm trong tổng số hàng trăm tác phẩm các thể. Được biết, trong số đó, những tác phẩm bán được giá cao nhất đều thuộc chất liệu sơn mài, thưa hoạ sĩ, anh có cảm nhận gì về việc tranh sơn mài được các nhà sưu tập đón nhận như vậy?

Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: - Điều đó chứng tỏ khách hàng và các nhà sưu tập đều hiểu về giá trị của sơn mài nên chấp nhận giá tranh là hợp lý. Giá trị về tài chính không phải tất cả, nhưng cũng khẳng định giá trị của tranh vì thể loại sơn mài quá công phu, hoạ sĩ đã phải ấp ủ cả một thời gian rất dài, tiêu hao tư duy, trí tuệ, tài chính mới mang được tác phẩm của mình ra trưng bày với cuộc đời. Trong hội hoạ không có sự vô tình. Không có chuyện may mắn đạt được kết quả như ý.

*Thưa hoạ sĩ, nếu chưa ở một tầm đủ lớn, chưa có biện pháp quản trị hành trình sáng tác một bức sơn mài, cũng như hành trình sáng tạo, thì liệu có thể tiếp cận với thể loại sơn mài?


Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương trả lời phỏng vấn tại triển lãm “Giấc mơ”
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: - Từ quản trị khi nhắc đến với giới nghệ thuật thường bị chê cười, có vẻ xa lạ với các hoạ sĩ. Nhưng tôi hiểu từ này. Hôm nay mình nghĩ gì, muốn làm gì, làm cho đạt được giá trị mình mong muốn thì phải làm thế nào? Để trả lời tất cả các câu hỏi đó thì phải sắp xếp thật khoa học sẽ đạt được đến cái đích mong muốn. Đó chính là quản trị cuộc đời, quản trị công việc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Với thể loại sơn mài nếu thiếu quản trị sẽ không thể nào thực hiện được. Sau khi vẽ một lớp phải chờ khô, ủ tranh, mài tranh rồi mới tiếp tục vẽ lớp khác. Nếu không, lớp dưới không thể khô được. Chính vì thế, vẽ một bức sơn mài có thể mất từ một năm tới vài năm. Nếu không có biện pháp quản trị mà cứ ngồi chờ thì một đời vẽ được mấy bức?
Với các thể loại khác như sơn dầu, Arcrylic… thì hoạ sĩ cũng có thể mượn men say và cảm xúc xuất thần, trong một đêm vẽ ra bức tranh hoàn chỉnh, có thể “điểm nhãn cho con cò”, khiến con cò trong tranh cất cánh bay lên. Nhưng với thể loại sơn mài thì sáng tác một đêm là điều không thể.
Hơn nữa, về công việc sáng tác nói chung, nếu không có kỷ luật, thiếu quản trị mà cứ kéo dài tình trạng thăng hoa bay bổng không cần biết mình đang ở đâu, bao giờ thì đạt đến cái đích mong muốn thì cũng sẽ quỵ thôi vì không thể đủ sức khoẻ. Và như thế chỉ chứng tỏ là người không chuyên nghiệp, may mắn cầm viên đá ném trúng đích.
Giả sử muốn 5 năm nữa lại có một triển lãm sơn mài thì phải lên kế hoạch ngay hôm nay. Phải mường tượng được trên con đường cả trăm cây số, hình dung được từng chặng từng chặng, trên từng cây số, phải làm gì. Lên kế hoạch chi tiết cho việc vẽ, nuôi dưỡng cảm xúc đến tầm chuyên nghiệp, nhiều khi còn phải kìm nén bớt cảm xúc lại, giấu nó đi, như giấu vàng giấu bạc dưới các lớp sơn, bất cứ lúc nào cũng có thể rút các ngăn kéo cảm xúc ra để làm việc và sống hết mình với nhiều tác phẩm khác nhau, khoa học, chính xác.



Quản trị bản ngã sáng tạo mới có thể thành công

*Thưa hoạ sĩ, có phải nhiều người thường “đổ tại” tính nghệ sĩ nên đã không quản trị tốt bản ngã sáng tạo?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: - Chỉ có những hoạ sĩ không đủ sức mạnh bản ngã thì mới “leo lên đầu” công chúng để trở nên nổi tiếng. Bởi vì cái đau đớn nhất của người hoạ sĩ là không tìm thấy sự đồng cảm của đồng nghiệp và người xung quanh.

Đừng chờ sự kê kích của công chúng, cho dù là tảng đá lớn hay nhỏ. Nếu anh đủ độ rung của trái tim để sống hết mình với tác phẩm, đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để chứng minh thì chỉ cần miệt mài lao động, chăm chỉ xây đắp quả đồi người nghệ sĩ đang đứng, dần dần sẽ lên được các tầm cao mới, chứng minh trị giá của tác phẩm ngày càng gia tăng.

Không có cậu bé nào vừa ra đời đã bước đi những bước dài và chuyên nghiệp ngay. Mẹ đã cho hình hài, vóc dáng và năng khiếu bẩm sinh, nhưng để thành công thì chắc chắn phải vấp ngã rất nhiều, phải dũng cảm đứng lên rồi mới hiên ngang với những bước đi vững chãi để đi tới.

*Thưa hoạ sĩ, anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa nội tại cá nhân và xã hội?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: - Có câu nói là anh giỏi nhưng phải hay, giỏi về trình độ nhưng phải tu luyện thì mới làm được những việc có tầm văn hoá, chứ nhiều người quá say sưa với chuyện mình giỏi mà không hay thì vẫn thiếu trí tuệ, thiếu sự rộng lớn của xã hội.

Giỏi nhưng không có tôi luyện trong môi trường văn hoá thì không có tầm, chỉ làm được những gì ở tầm thấp thôi. Nhưng nếu hay mà không giỏi thì không thể tải được những điều mình suy nghĩ. Có thể còn tiêu cực. Một là chuyển sang nói rất nhiều nhưng không làm được như họ nói hoặc là kỹ thuật ngón nghề rất giỏi nhưng cứ đi lại những lối đi xưa cũ, hoặc thu mình lại không dám làm nữa vì càng làm càng thấy công chúng và đồng nghiệp không hiểu mình. Đi mãi vẫn cứ thấy sơn mài là một cái gì đó xưa xửa xừa xưa, không ăn nhập gì với thời cuộc, không có hơi thở của thời đại.

*Thiết kế rất nhiều du thuyền, dinh thự, biệt thự, toàn những công trình có trị giá tài chính rất lớn, có vẻ anh là một người thành công?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: - Người ta chỉ nhìn thấy những thành công thôi. Hành trình của một nghệ sĩ thị giác với công việc design, decor, ban đầu thất bại rất là nhiều, số tiền bỏ ra rất lớn, có những giai đoạn sờ đáy túi không còn một đồng xu nào cả. Những lúc như thế, bước đi trong xã hội cực kỳ bi quan. Nhưng may mắn là chính lúc đó, tôi thấm thía hiểu ra, thằng đàn ông khi thành công rất ít khi nghĩ đến vợ nhưng khi thất bại thì chỉ có vợ nghĩ đến mình. Sau này, tôi làm cả một không gian về Huế ở studio bên quận 2, vì Huế chính là quê của vợ tôi.


Người hoạ sĩ với niềm đam mê đã vẽ hàng trăm bức tranh sơn mài


Tôi cũng có may mắn là rất nhiều người yêu tranh tôi, nhiều nhà sưu tập đã giữ tranh tôi với những cái giá khá cao. Tôi vô cùng cảm ơn các nhà sưu tập, những người đã tin tưởng việc tôi làm. Chính vì điều này, tôi sẽ luôn cống hiến cho các tác phẩm đạt được giá trị nghệ thuật chiều sâu.

Triển lãm “Giấc mơ” lần này được giới trẻ đến thăm rất nhiều, có người đến ngắm tranh vài lần. Tôi rất vui khi thấy những người rất trẻ mà yêu mến tranh sơn mài. Mong rằng, nếu các bạn ấy là hoạ sĩ trẻ thì sẽ có những rung cảm cho tác phẩm sơn mài của chính họ. Trong số người thưởng lãm, có cả một cháu đã để lại bút tích: “Cháu thấy giấc mơ thưở nhỏ từ tranh bác”. Đọc được câu bạn ấy viết, tôi thấy hạnh phúc vì đã mở trái tim nhớ về cội nguồn của một người trẻ.

Tôi bày triển lãm vì những thứ tươi sáng. Thứ nhất, là tôi tôn trọng chính mình, làm những việc tốn tiền như thế vì tác phẩm của mình. Thứ hai, mỗi khi qua một triển lãm, anh sẽ nhìn thấy anh đang ở nấc thang nào trên những bậc thang để làm tiếp đạt đến điểm đến mong muốn. Vừa phải làm việc nhiều hơn nữa, vừa phải bảo vệ những việc mình đã làm, để cho tác phẩm ngày càng giá trị hơn về ý nghĩa nghĩa thuật và cả giá trị tài chính.

Hoà Bình (thực hiện)




























































Thăm nhà họa sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương


Có lẽ không ít người tò mò muốn biết hoạ sĩ, nhà thiết kế Hoài Hương, người chuyên đi thiết kế những không gian đẹp cho người khác sống như thế nào? Đâu là chỗ anh ấy thường ngồi chiêm nghiệm, để vẽ nên những bức tranh đầy ánh sáng?
Làm thế nào để tìm thấy sự tĩnh tại ấy, những loài hoa vừa thực, vừa mơ ấy? Đến ART Garden Club của anh, là đến với một ngôi nhà, một con người. Ở đó, từng chiếc bàn, từng bức tranh, từng chiếc lá sẽ kể cho ta nghe về những huyên náo và tĩnh lặng, những ấm áp và ân cần, cùng với thời gian đã tạo nên phần hồn của ngôi nhà…



 Dường như đến tuổi này, trải qua bao được mất ở đời, anh mới đủ sự thấu hiểu, để có thể mở lòng mình, mở cánh cửa ngôi nhà mà anh từng sống suốt mười năm qua, để bạn hữu và du khách có thể sống và vẽ cùng anh?

Đúng là phải sống đến một cái ngưỡng nào đấy, mới có thể biết san sẻ tình yêu của mình đến với người xung quanh. Nếu người khác có trái tim giống mình, sẽ cảm được tất cả những gì mà mình muốn dâng tặng. Cuộc sống là một sự cho đi. Điều tôi muốn dâng tặng lớn nhất chính là sự bình yên, một cõi riêng vô cùng giản dị. Kẻ sĩ là người không đau đáu vun vén cho mình mà vun vén tạo dựng cái trí để cho mọi người. Slogan của Art Garden Club là: “Một cõi riêng cho bạn”. Cõi riêng này không phải chỉ là một không gian đẹp đơn thuần, một nghệ thuật sắp đặt hay một bộ sưu tập tranh quý của bè bạn… Nó là cuộc đời tôi, là ngôi nhà tôi từng ở, là hơi thở của tôi quyện vào từng nhành lá mới, từng trái xoài chín thơm tho… Tôi yêu ngôi nhà của mình, và đến lúc này, tôi muốn nó được mở cửa, để đón bạn bè cùng tôi chia sẻ không gian sáng tạo, cùng khám phá hội hoạ, âm nhạc, và thưởng lãm nghệ thuật ẩm thực của những miền quê Việt, một đam mê mà tôi cũng rất hào hứng.



… Nghĩa là có thể cùng anh đặt chân vào bếp, nơi ấm nhất của ngôi nhà? Cùng anh bước lên căn gác nhỏ áp mái, để cầm cọ phết lên trên bức tranh một cánh đồng hoa vàng rực mà anh đang vẽ dang dở kia?

Tôi muốn đưa nghệ thuật hội hoạ phổ cập hơn đến cuộc sống, để bất cứ người bình thường nào cũng có thể được ngắm tranh, được vẽ, được trò chuyện, trao đổi nghệ thuật trong không gian yên tĩnh, riêng tư. Nhu cầu ấy là có thực, và đang rất thịnh hành trong giới trí thức, những người hoạt động nghệ thuật. Ở đây, bạn có thể học hỏi và tự tham gia vào các hoạt động mỹ thuật, tìm hiểu về đồ cổ, tiếp cận dài hơn với kiến trúc… Trong một ngày, bạn có thể ở lại vẽ tranh và tham gia cùng với đầu bếp thực hiện những món ăn nhà quê đã gắn với ký ức, với hoài niệm của mỗi người. Không gian này sẽ mở rộng sang làng nghệ thuật Hàm Long ở quận 2, rộng hơn 5.000m2, đủ điều kiện cho khách lưu trú lại, tiếp xúc sâu hơn với nghệ thuật, học cách vẽ tranh lụa, làm sơn mài… Đây cũng là nơi bè bạn hoạ sĩ, nhà sưu tập có thể triển lãm tranh, giới thiệu những bộ sưu tập của mình. Cuối tháng sáu này sẽ là cuộc triển lãm tranh đầu tiên, giới thiệu bộ sưu tập tranh về Myanmar của nhà sưu tập Thái Quang Trung. Tôi nghĩ không gian nghệ thuật không chỉ mang tính trưng bày, mà phải để cho người ta được trực tiếp sống với nó, tìm cảm giác bình yên trong nó. Phải tìm tòi và tận hưởng sự tĩnh lặng khi đi sâu vào đời sống nghệ thuật, mới có thể yêu thích nó thật sự, đó cũng chính là văn hoá. Khi sống với nghệ thuật, con người nhân bản hơn nhiều.


Biến một ngôi nhà đang ở thành không gian công cộng, thách thức lớn nhất với anh là gì trong xử lý không gian? Một người quá yêu gỗ như anh làm thế nào để biết dừng đúng “ngưỡng” khi đưa gỗ vào nhà?

Tôi giữ nguyên kết cấu cột kèo, chỉ biến không gian đóng thành không gian mở, để tầm nhìn rộng hơn, và sắp xếp lại một chút, để tạo thành những không gian riêng tư. Căn áp mái nơi tôi thường vẽ cũng được nâng lên, nhưng vẫn giữ nguyên không khí của một ngôi nhà, từng góc sống và phong cách kiến trúc hài hoà giữa phương Đông và phương Tây, giữa kiến trúc thuộc địa và kiến trúc Huế. Đây là nơi mà mình thực sự được xây theo ý mình…

Gỗ mang lại cảm giác chở che, ấm áp, gần gũi, mềm mại. Việc “mix” giữa gỗ và bêtông nếu nhiều quá thành nặng nề, vì gỗ màu tối. Nếu ít quá ngôi nhà không đủ ấm. Tỷ lệ là cực kỳ quan trọng, sáng và tối phải hài hoà. Tôi đặc biệt nhạy cảm về vật liệu.


Nơi uống trà và thưởng thức tranh. Góc vẽ của chủ nhân và bạn bè.

- Không gian nào trong ngôi nhà mà anh thích nhất?

Thực ra người ta có thể thưởng thức cuộc sống bất cứ lúc nào, đâu cần phải lầu son gác tía. Tôi thích một góc có cây xanh, những loài cây lá to, tán rộng như cây chuối hình rẻ quạt, sen, súng… và những ô cửa mở ra khu vườn nho nhỏ, để màu xanh và ánh sáng có thể tràn vào bất cứ nơi nào của ngôi nhà. Tôi cũng rất thích cánh cổng, nơi đón mình trở về nhà. Mỗi khi đi xa, cánh cổng là nơi mình đau đáu nhớ về. Cổng nhà tôi hơi thụt vào một chút, và có mái nho nhỏ để khách qua đường có thể dừng chân trú mưa, trú nắng. Bên cổng nhà có bóng xoài to rợp mát, như một không gian chia sẻ với cộng đồng. Những buổi chiều mưa, ngồi trên căn gác nhỏ ngắm mưa, thưởng thức hương vị trà Ôlong trong hương trầm dìu dịu, nỗi nhớ ở đâu cứ ùa về…







Góc tranh của chủ nhân. Tranh và đồ trang trí hài hoà.



- Ăn trong nhà hàng của anh cũng là “ăn để nhớ, ăn để về nhà”?

Cũng có người hỏi tôi không gian đẹp thế này sao không mở quán kinh doanh? Tôi nghĩ cũng đúng, nhưng vấn đề cái gì đi trước, cái gì đến sau. Tôi muốn tạo ra sự tĩnh lặng, để người ta tìm tới một cách tự nhiên. Khi mình thích, nhiều người thích, cộng đồng thích, kinh doanh ắt đến. Bạn bè đến đây là để gặp mình, biết không gian sống của mình, điều đó mới là vô giá. Mười năm rồi, cây cối đã ăn vào với đất, những lớp ngói đã rêu phong, thời gian đã phủ lên ngôi nhà, sự sống đang thành hình. Vừa rồi có mười người Pháp muốn gặp gỡ tôi, xem tranh, gặp các nhà sưu tập, và cần một chút món ăn tinh tế sau buổi chiều. Tôi nhận ra đó chính là công việc của mình. Có một nhu cầu thưởng thức nghệ thuật với tất cả vẻ đẹp thật và mộc của nó. Chính cuộc sống quá nồng nàn, đa chiều đã giúp tôi hình thành ý tưởng kinh doanh.

Tôi sinh ra ở Hải Phòng, những ngày sơ tán ở Kiến Thuỵ, Đá Bạc, món ăn mà tôi nhớ đời là món cá bung với lá trà xanh. Mỗi lần đi bắt cá về ăn không hết, tôi thường được mấy bác nông dân chỉ cho cách kho. Cứ xếp một lớp mía, một lớp lá trà xanh, một chút sả, gia vị, rồi một lớp cá, nấu lửa liu riu, vùi trong tro bếp đến lúc cá ngấu, ăn cơm thì hao phải biết! Món lươn nấu nghệ tôi cũng học được từ ngày sơ tán. Còn vợ tôi lại rất giỏi các món Huế, thế là thành nhà hàng thôi. Tính tôi tò mò, lại rất thích ăn quà vặt. Những món ăn quê chân chất như cơm âm phủ, lẩu cá rô đồng, rau dền luộc chấm tôm kho đánh… là ăn để sống lại quá khứ, đánh thức một quãng đời đẹp đẽ nào đó mà mình đã trải qua… Khi tôi vẽ bức tranh cổng làng, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã thốt lên: “Có phải cậu vẽ cái cổng làng mình? Tự nhiên thấy nhớ quê quá…” Hội hoạ cũng là để đánh thức quá khứ, đánh thức kỷ niệm.




Gắn bó với ngôi nhà như là máu thịt, câu chuyện nào mà anh nhớ nhất?

Khi ngôi nhà đã thành không gian quen thuộc, chẳng có ai muốn rời xa. Lúc trào lưu nhà Phú Mỹ Hưng đang thịnh, tôi đang thiết kế cho Khaisilk. Tôi nảy ra ý định bán nhà, về Phú Mỹ Hưng ở. Khi thổ lộ ý định của mình với vợ, cô ấy giận, lặng im không nói với tôi suốt một tuần. Từ đó, tôi không bao giờ dám bàn đến chuyện dời nhà nữa, dù nơi ở mới có rộng gấp nhiều lần. Ngôi nhà này đem lại nhiều phúc lộc cho tôi, cũng chính nơi đây hai con tôi thực hiện giấc mơ của mình với kinh doanh. Con đã nói một câu khiến tôi phải giật mình: “Nghề của ba phải ở trên cùng đỉnh tháp mới mong thành công, nếu làng nhàng sống không được. Con không thể, leo lên đỉnh tháp với con rất khó khăn. Ba cho con làm ngành khác, kiếm tiền cũng gần bằng cái art của ba…”



Nhìn vào ngôi nhà không quá lớn vừa đủ để đón khách. Góc vườn với cây, nước và đá.

- Vợ anh là một cô gái Huế xuất thân từ hoàng tộc, nhưng lại rất kín đáo, lặng lẽ, không bao giờ xuất hiện trước đám đông, đó có phải là bí quyết để giữ được chân anh?

Nhà tôi thờ chữ “đức”, chữ “hoà”. Khi mình cảm thấy cuộc sống lửa nhiều quá, thì cần một thảm cỏ xanh, nhưng khi cô ấy là… lửa, thì mình lại là thảm cỏ Huế.

Bà xã tôi có một đời sống rất khép kín, trừ tiệc đãi bạn thân và lần triển lãm tranh đầu tiên của tôi, cô ây không bao giờ xuất hiện trước đám đông. Chính cô ấy mới là người xây tổ ấm, biến ngôi nhà thành chốn nghỉ ngơi thanh thản, để khi quay về luôn cảm thấy rất ấm cúng. Dù cuộc sống không phải cái gì cũng thuận hoà, nhưng cô ấy luôn là chỗ mình gửi gắm, chia sẻ, là gạch nối cho tất cả mọi thứ mà tôi có được. Đặc biệt, cô ấy là người ảnh hưởng nhiều nhất đến các con. Người đàn ông như tôi giao du nhiều, lại có máu “nghệ” rất mạnh, đi đây đi đó liên miên, không phải không có người ưa, nhưng cái cuối cùng giữ chân mình chính là gia đình. Tình yêu là cái ban đầu, còn gia đình là mãi mãi.


(Theo SGTT)








Hoài Hương: Kẻ quay về nguồn cội


TTCN - Từ lâu rồi, nhiều người đã biết họa sĩ Hoài Hương không chỉ đơn thuần là một... họa sĩ, nhưng có lẽ không có nhiều người hình dung được một họa sĩ đắm say với nghề như anh lại hết sức thành công ở một lĩnh vực đang “thời thượng” và “hái ra tiền” (như cách gọi của nhiều người): thiết kế kiến trúc.

Mà không chỉ sáng tác, Hoài Hương ở trong số không nhiều lắm những nhà thiết kế đã chịu bao tiêu cho khách hàng kiểu “chìa khóa trao tay”, hoàn thiện công trình từ A đến Z. Ban ngày, Hoài Hương chạy qua hết công trình này đến công trình khác, nhưng đêm về, những đêm trong veo, yên tĩnh, một mình trong gian phòng đầy những tranh, anh nhập đồng, đắm mình trong ký ức. Và trong cái khoảng lặng lẽ riêng mình ấy, những mảng màu sắc cứ ùa ra trên tấm toan trắng...

Triển lãm sắp đặt của anh tại cao ốc Metropolitan (TP.HCM) năm 1999, những bức tranh được khách mua hết veo. Nhiều tác phẩm khác của Hoài Hương hiện có mặt ở các bảo tàng nghệ thuật và nhiều bộ sưu tập trong ngoài nước. Tranh của anh bây giờ vẫn “ăn khách”, vẫn làm mê đắm nhiều nhà sưu tập.

Hoài Hương: Người ta thường hỏi tôi có mạo hiểm không khi bước từ hội họa sang kiến trúc, nhưng thật ra tôi thấy mình có duyên với nghề thiết kế và được rất nhiều với nó đấy chứ. Một bên là không gian kiến trúc, một bên là nghệ thuật tạo hình, hai mảng ấy như âm - dương quyện vào nhau, bổ sung hỗ trợ nhau.

Những mảng đời sống xã hội được cập nhật hằng ngày nhờ nghề thiết kế kiến trúc không làm tranh nhạt đi và những logic, cấu trúc hội họa được áp dụng trong những bản thiết kế gắn chặt với đời sống đã tạo nên những sản phẩm mang đậm “dấu ấn Hoài Hương”.

* Cái khái niệm phong cách Việt, Việt style trong kiến trúc đang ngày càng được nói tới nhiều và trong thực tế đã có nhiều kiến trúc mang hơi hướm không gian Việt này ra đời, thế mà anh lại đang nổi tiếng với vai trò nhà cung cấp “sản phẩm” này trên thị trường, anh nghĩ gì về điều này?

- Hồi đầu làm nghề, tôi không hề nghĩ đến điều ấy và thú thật cũng không đủ bản lĩnh để tìm đến cái đẹp dung dị gắn với cuộc sống và cội nguồn dân tộc mình, nên cứ cái có sẵn, đâu ra đấy, rất công thức, rất phương Tây mà đi theo. Và rồi nhiều công trình ra đời ở cái thời Hoài Hương “đặc” Tây ấy, từ tòa nhà Trung tâm thương mại số 1 Bà Triệu, Hà Nội cho đến những căn nhà mặt tiền 2-3m2, cái nào cũng “kiến trúc bụng chửa” với chỉ, phào chằng chịt... đến nỗi có người còn lầm tưởng tôi là dân học bên Tây mới về!




Ngôi nhà gia đình Hoài Hương đang ở do anh thiết kế rồi làm trong mấy năm (làm xong cũng chưa có điều kiện về ở ngay mà phải cho thuê cả chục năm trời) mang đậm phong cách Việt thể hiện qua nhiều chi tiết; từ cái cổng nhà đặc trưng Huế cho đến các vật dụng như giường, tủ, bàn ghế...

Hồ nước ngay chân hàng hiên gỗ sẫm màu, những phiến đá xanh phẳng lì bước chân, những lam cửa gỗ rộng mở mời gọi thiên nhiên vào nhà, Ngôi nhà ấy tự bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật mà nếu chỉ có tiền thôi thì không thể tạo nên được (trên tường là tranh của Hoài Hương).
Dĩ nhiên là công trình số 1 Bà Triệu ấy cũng đẹp, chỉn chu, thậm chí còn được giải thưởng (của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật) nữa. Ngày khai trương nó, người ta ùn ùn đến xem, toàn bộ hệ thống văn phòng được cho thuê hết ngay... Đẹp, nhưng đó là một cái đẹp không thể tự hào, tự tôi biết thế.

Cho đến một ngày tôi mới ngộ ra. Lúc ấy tôi có cảm giác như mình muốn quay về với bạn bè, với cuộc đời giản dị quanh mình và quan trọng hơn là về với cội nguồn dân tộc mình. Và rồi những công trình mới thoát thai từ sự trở về đó: từ cái shop nhỏ của ca sĩ Hồng Nhung trên đường Đồng Khởi với những cột kèo, vài hoa văn họa tiết Việt và một nét riêng rất lạ cho cô chủ, đến nhà hàng Kinh Bắc, cửa hàng Khải Silk... tất cả đều mang đậm dấu ấn phương Đông và những đường nét mà tôi tin rằng rất VN.

Như một giai điệu trong lành, một mảng màu rạng rỡ lâu nay ẩn trong bóng tối, cái mà chúng ta gọi là “Việt style” là một cái gì đó vừa mộc mạc, vừa cởi mở trong khi sự phát triển của đô thị công nghiệp lại khiến con người bị giam hãm giữa những khối kiến trúc nặng nề và người ta muốn mở tung những cánh cửa như rũ bỏ mọi ràng buộc để trở về với thiên nhiên.

Theo tôi, cái phong cách Việt, tạm gọi như thế, được nhiều người đón nhận có lẽ vì nó phục vụ đời sống đương đại nhưng vẫn mang cốt cách phương Đông, vẫn mang phong thái của người Việt. Nhưng phong cách Việt không chỉ là bê nguyên cái nhà cổ về để ở, và không chỉ cái gì cũng dính tới mây tre, nứa lá mới là thuần Việt. Kiến trúc thuần Việt không tách khỏi thời gian; công năng hiện đại mà vẫn toát lên cái thần dân tộc.

Tôi nghĩ trong cái khoảng không gian chật hẹp nơi phố thị, nhà thiết kế phải làm sao để cho những nét đẹp tự nhiên của quê nhà, dân tộc đến với con người càng nhiều càng tốt. Nhiều công trình kiến trúc cha ông chúng ta để lại đẹp đến sững sờ, nhưng chúng ta chưa đủ khả năng phát triển cái đẹp ấy trở thành một khái niệm, một hệ thống thẩm mỹ kiến trúc. Mọi thứ dường như vẫn còn manh mún và không khéo thì cái “Việt style” ấy lại thành diễn kịch sống sượng, rồi gọi đó là “văn hóa dân tộc” thì càng chết!

* Dường như anh quá may mắn khi được “hưởng thụ” tinh hoa văn hóa của hai miền Nam, Bắc và sau này còn được “bổ sung” thêm cái tinh túy của văn hóa Huế? Những ý tưởng thiết kế đến với anh cách nào?

- Đúng là tôi quá may mắn khi bản thân mình có được sự giao thoa văn hóa giữa ba miền: bố Nam, mẹ Bắc, vợ Huế và càng may mắn hơn khi tôi được sinh ra tại Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội. Thời thơ ấu của tôi ghi đậm hình ảnh những chùa chiền với những cánh phong, cửa võng, đầu hồi...

Cả cái thời tiết thay đổi bốn mùa của Hà Nội cũng cho tôi rất nhiều: chỉ cần ánh đèn le lói trong một ô cửa sổ buổi chiều mùa đông cũng đủ để người ta ấm lòng và từ đó biết nhìn đời tinh tế hơn, sâu sắc hơn.



Một công trình do Hoài Hương thiết kế và xây dựng tại khu du lịch Tuần Châu

Tuổi 18 của tôi bắt đầu với chuyến nhảy tàu vào Nam, ngày 7-5-1975 tôi đã có mặt ở Sài Gòn với những hào hứng và khát vọng của tuổi trẻ, rồi chính cuộc sống đô thị này đã tác động vào tôi rất nhiều. Có lẽ cái ồn ào náo nhiệt đầy sức sống đó cộng với ký ức về những năm tháng ở miền Bắc cùng thời gian được trui rèn ở trường mỹ thuật đã giúp tôi có một quan điểm thẩm mỹ cần thiết. Rồi lại có... vợ Huế nữa. Tất cả đã làm nên “cái tôi Hoài Hương”. Có một chi tiết thú vị: hiện xưởng mộc tại ngôi nhà vườn của tôi ở làng (nghệ sĩ) Hàm Long (quận 2, TP.HCM) có đến hơn 70% thầy thợ là người Huế đấy!

Còn ý tưởng thiết kế ư? Xin kể chuyện này: trong chuyến đi khảo sát để thiết kế, xây dựng một khu du lịch ở Hội An, chúng tôi đến một cồn cát ở ven sông. Ở đó, có những hộ dân vẫn sống bằng nghề trồng lúa, bên bờ sông là những cần vó, với bầy vịt trắng lội tung tăng... Cuộc sống thanh bình và đẹp như một bức tranh! Đói quá, chúng tôi vào đại một nhà dân nhờ họ nấu giùm bữa cơm, trong lúc chờ cơm chín còn được chủ nhà “cứu đói” bằng một rổ khoai vừa luộc chín, nóng hổi, ngọt lịm...

Tại sao không để khách du lịch sống trong một không khí, một làng quê từng làm nền tảng cho phố cổ như vậy? Thế là ý tưởng về một khu resort với những hộ dân đang sống trong đó, họ vẫn trồng lúa, vẫn bắt cá ở ngoài sông, bếp vẫn đỏ lửa mỗi buổi chiều và chỉ cần có những khu nhà nghỉ xây dựng theo kiểu nhà quê ở Hội An, ba gian hai chái lợp rơm nhưng bên trong đầy đủ công năng hiện đại.

Ý tưởng không ở đâu xa mà nằm ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình, có những thứ rất thô sơ nhưng biết sắp đặt khéo sẽ trở thành cái đẹp đến bất ngờ. Ngày xưa tôi cầu kỳ hơn trong ý tưởng thiết kế nhưng mỗi ngày tôi càng tự thả lỏng mình, và mọi ý tưởng cứ như vậy cũng đến một cách mềm mại, dễ chịu hơn.

* Năm nay hình như là một năm quá bận rộn với nhà kiến trúc Hoài Hương, nghe kể anh cứ xuôi Nam ngược Bắc như con thoi ấy?

- Thật ra tôi vẫn như mọi khi, gần như đều đặn cứ 10 ngày ở nhà, 10 ngày lại đi “tha phương cầu thực”... Drasea Resort ở Vũng Tàu vừa xong thiết kế. Khu du lịch nghỉ dưỡng bên sông Thu Bồn đang lên dự án khả thi. Hiện tôi đang bận rộn cho các khu resort, khu nghỉ dưỡng vườn đồi, khu ẩm thực và khu nhạc nước ở Tuần Châu (Hạ Long) và đang tìm ý tưởng cho một khu hội thảo 2.500 chỗ cũng ở đó - tôi đang hình dung ra một cái gì đó gần gũi với VN như một hội nghị Diên Hồng chẳng hạn...

Rồi còn ý tưởng cho Tuần lễ VN ở Aichi (Nhật Bản, tháng 9-2005), một số khu nghỉ, nhà ở tư nhân các tỉnh... Thú thật là cũng cực và nhiều khi quá mệt, càng cực hơn khi mình không phải đấu thầu mà được người ta tin tưởng giao phó công việc. Chỉ riêng khu nghỉ dưỡng vườn đồi ở Tuần Châu đã phải chuyển ra hơn 500 tấn hàng hóa và các đồ trang trí nội thất; tất tần tật tự làm đấy, rồi lo lương hướng cho ngần ấy con người...

* Anh làm được như vậy chắc hẳn phải có một “hậu phương” vững chắc lắm?

- Tôi có được thời gian để bay nhảy rộng dài như vậy là nhờ có một bà xã hiền dịu, chu toàn cho gia đình và con cái. Lúc thành công không nói nhưng lúc thất bại không có ai khác ngoài vợ mình phải đứng ra gánh cái khó khăn đó và hứng chịu cùng mình...

Nhớ lại cái ngày tôi đã vượt qua được chính mình khi dũng cảm bước vào cái tiệm thêu ấy. Hồi đó, mỗi ngày đi qua đường Thủ Khoa Huân ở Q.1, hình ảnh một cô gái ngồi thêu trông hay hay cứ hút hết hồn mình, tôi cứ qua lại mãi, nhìn mãi như vậy cho đến một hôm mới thu hết can đảm mon men vào làm quen...

* Anh đã có những lần thất bại?

- Đã dính tới cái nghề xây dựng, nghề mà người ta bảo “được hai đấm thì ăn một đạp” làm sao tránh khỏi thất bại. Ây là khi làm cái casino ở Hải Phòng. Công trình làm xong, đắc ý lắm (như mọi khi), nhưng mãi đến bốn năm sau mới thanh toán được tiền nong. Lấy được 10 nhưng giá trị chỉ còn 1, thọc tay vào túi không còn một đồng xu!

* Bây giờ “tĩnh tâm” nhìn lại, công trình nào làm anh đắc ý nhất?

- Hồi mới làm, cứ làm xong cái nào là tôi... đắc ý cái đó (!), còn sau này thì cứ cái gì chưa hoàn thành, còn là ý tưởng, còn thai nghén, và nhìn ý tưởng từ từ trở thành hiện thực, mọi hình hài từ từ hiện ra là tôi lại thấy... sướng! Và tôi vẫn đang sống ngày sống đêm với những ý tưởng đó.

HOÀI TRANG thực hiện


















Sài Gòn 24/4/2024






























MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.