Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Trương Đình Quế (1939 - 2016)
















Trương Đình Quế
(1939 - 2016)
Hưởng thọ 77 tuổi
Điêu khắc gia, Họa sĩ




Nhà điêu khắc Trương Đình Quế sinh năm 1939, quê quán Đà Nẵng. Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường cao đẳng mỹ thuật Huế.
1963 nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định. 
Năm 1965, ông có triển lãm đầu tay với hơn 30 tác phẩm gồm tranh, ảnh, tác phẩm điêu khắc

Đến những năm 1971 ông vào Sài Gòn lập nghiệp, ở đây ông làm khá nhiều nghề để mưu sinh nhưng vẫn đều đặn sáng tác.
Sau những năm 1975, ông là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, Trường Đại học kiến trúc và là Ủy viên BCH của Hội Mỹ thuật TPHCM trong nhiều nhiệm kỳ

Trương đình Quế có vợ là nữ họa sĩ Phan Giáng Hương.
Ông có Ba người con. Trong đó có 2 người theo nghề cha mẹ (điêu khắc gia Trương Từ Lâm và họa sĩ Trương Mỵ Na) và từng có những cuộc triển lãm chung với gia đình.

Qua đời ngày 21-1-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.
Hưởng thọ 77 tuổi














Dấu tay Trương Đình Quế

“Chính em đã thắp sáng sao trời cho cây giáng sinh
Em đã gầy ngọn lửa ngầm cho thiên đường đã tắt
Em đã thắp chính mình cho cây nhân sinh”































Trương Đình Quế - Lão Ngoan Đồng không tuổi



TP - Những cuộc rong chơi dường như không bao giờ dừng lại với Trương Đình Quế, mới thấy ở Sài Gòn đã lại thấy bóng dáng của điêu khắc gia này ở Đà Lạt, mới ở Đà Lạt lại thấy lão ngoan đồng đang ở trại của mình ở Đồng Nai, nơi lão hay mời mọc anh em về chơi với lời nài nỉ “xuống chơi đi, nhớ dắt theo người yêu, xuống mà tắm tiên, bảo đảm tau không có nhìn đâu” - Nói xong lão cười he he, với cái nhìn hấp háy hồn nhiên.

Khu nhà vườn của lão nằm ngay thác An Viễng, muốn vào phải qua rừng cao su của nông trường An Viễng (xã Bình An, huyện Long Thành, Đồng Nai). Ngôi nhà màu trắng nằm hiền lành bên thác nước. Trong nhà treo rất nhiều tranh của bà vợ - họa sỹ Phan Gia Hương. Và rải rác trong vườn là những tác phẩm điêu khắc đầy ấn tượng.

Trương Đình Quế dường như không bao giờ có nỗi buồn, không có thủ đoạn. Là điêu khắc gia có tiếng, nhưng lão không xin xỏ để kiếm những công trình tầm cỡ.

Lão Quế rong chơi ta bà hết chỗ này đến chỗ khác, anh em văn nghệ ai muốn có chút hư danh, muốn lão tạc tượng “lưu lại cho hậu thế”, cứ nhờ lão sẽ làm ngay, bao nhiêu lão cũng làm tất. Mới đây, lão nhận công trình phù điêu cho một biệt thự ở Đà Lạt nghe nói được mấy chục triệu gì đó, nhưng công trình chưa xong lão đã nướng hết hơn nửa rồi, lão nói không chừng lỗ chỏng gọng, lão cười hì hì khi dắt anh em đi nhậu rồi cũng rất hồn nhiên khi ngả mái đầu bạc trắng vào ngực một em gái ngủ ngon lành, sau khi nói một câu hồn nhiên “em cho qua ngủ một chút!!!”.

Ít ai biết Trương Đình Quế đã từng tốt nghiệp xuất sắc ngành Hội họa - Điêu khắc Mỹ thuật Gia Định năm 1963, từng dạy Trường Mỹ thuật Huế, và sau 1975 về dạy lại trường Mỹ thuật Gia Định. Học trò lão có người đã thành ông nọ bà kia, nhưng riêng lão vẫn ngất ngưởng.

Những năm 80, 90, khi ấy anh em văn nghệ Sài Gòn hay tụ lại uống bia ở quán 81 Trần Quốc Thảo, lúc nào thấy Quế xuất hiện là anh em kêu lên “Lão Ngoan Đồng đã đến” - vì lão có một tật dễ thương là khi uống xỉn là lão đọc thơ vi vút dù thơ lão mà đọc là anh em... sợ, và nếu có em gái nào mà lão “kết”, nói theo cách của lão, thì Quế nhà ta hào phóng đến kinh hồn.

Hồi ấy, không biết vì sao lão có nhiều tiền thế, hình như lão hay bán được tranh tượng cho người nước ngoài hoặc Việt kiều - những địa chỉ mà chỉ có lão mới biết. Có cả những người chỉ cần nghe tên Trương Đình Quế là đã ứng tiền ra rồi.



Trương Đình Quế và bức tượng Bùi Giáng.


Quế còn có một cái tật quái chiêu nữa: khi xỉn quắc cần câu là ngủ, không phải trên bàn trên ghế trên giường, mà lão gác hai chiếc ghế nằm ngay trước cửa... toilet, báo hại anh em, muốn giải quyết bầu tâm sự đều phải bước qua bước lại xác lão. Nhưng anh em đều nhè nhẹ bước qua không làm kinh động giấc ngủ của lão, không phải vì ngán sợ gì, mà chỉ vì thấy thương lão mà thôi.

Hồi ấy lão có một chiếc môtô phân khối lớn, tướng tá lão lúc ấy còn phong độ, khi đi rong chơi lão thường hay chở tôi trên chiếc xe kinh khủng đó. Chúng tôi đi chơi khắp nơi, nói thật, tôi thường hay gài độ, dụ dỗ lão. Kết cục những buổi nhậu không tiền khoáng hậu (không có tiền) đó là lão “cắm” lại chiếc xe cho chủ quán và đi xe thồ về nhà.

Sáng sau, lão tỉnh queo nói dối vợ “xe bị Công an giao thông bắt nhốt, em đưa tiền cho anh đóng phạt để lấy xe về”, vậy mà vợ lão cũng tin sái cổ. Viết tới đây, tôi xin ngả mũ bái phục đức hi sinh của vợ mấy tên nghệ sĩ như Trương Đình Quế.



Trương Đình Quế cùng tượng Trịnh Công Sơn.


Chơi như vậy nhưng công việc và gia đình thực ra lão rất chỉn chu. Ba người con có hai người theo nghề cha mẹ (điêu khắc gia Trương Từ Lâm và họa sỹ Trương Mỵ Na) và đã từng có những cuộc triển lãm chung cả gia đình. Lão vẫn dạy con rằng: “Nghệ sĩ phải có nền tảng học vấn, văn hóa thì mới trở thành nghệ sĩ chân chính được”.

Trong một tấm ảnh đã ngả màu, được chụp sau 1975, thấy Trương Đình Quế, Bùi Giáng và nhà thơ Huy Tưởng ngồi vắt vẻo trên hè đường Bà Lê Chân Tân Định, tấm hình nầy được MPK chụp lại và “phục chế”. Nơi ấy là quán cafê của Huy Tưởng, cũng là nơi la cà của dân văn chương Sài Gòn thất cơ lỡ vận, người thì đi bán ve chai, người đi bán sách, người đạp xích lô, và có một người chuyên môn đi xích lô và ngồi luôn trên xích lô nhậu là thi sĩ Bùi Giáng.

Đây là địa chỉ còn lưu trong ký ức nhiều người thời đó, vì nó qui tụ hầu hết anh tài của miền Nam cũ. Hai người trong tấm ảnh đã ra đi, một là Bùi Giáng đã cỡi thơ về trời, hai là Huy Tưởng nay đã định cư bên Úc, chỉ còn lại lão Ngoan Đồng ở lại. Lão mở ảnh cho tôi xem, tôi thấy trong ánh mắt kia một màn sương đục...

Trương Đình Quế tốt nghiệp xuất sắc ngành Hội họa Điêu khắc Mỹ thuật Gia Định năm 1963, đã từng dạy Trường Mỹ thuật Huế, Trường Mỹ thuật Gia Định. Ông từng tham dự nhiều trại điêu khắc quốc tế (Công Viên Bách Thảo - Hà Nội năm 1997, An Giang - Châu Đốc năm 2005) và nhiều cuộc triển lãm trong nước.

Nếu ai có dịp ghé quán Đất Phương Nam ở Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TPHCM, sẽ nhìn thấy bức tượng bán thân của Bùi Giáng được đặt trang trọng ngay giữa quán, đó chính là tác phẩm của Trương Đình Quế, một bức tượng mà anh em văn nghệ thán phục bởi đã lột hết cái thần của thi sĩ, tượng đúc bằng đồng và lão Quế làm không công, vì như lão nói: thi sĩ Bùi Giáng xứng đáng để lão tạc tượng mà không đòi hỏi chút thù lao nào, lão nói anh em cho vài chầu nhậu là vui rồi. Lão cũng đã từng tạc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một bức tượng lớn, được người đời thán phục.

Tôi với Trương Đình Quế có rất nhiều kỉ niệm, cũng như có quá nhiều kỉ niệm với hầu hết anh em văn nghệ Sài Gòn, cái thời mà ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau lu bù dù không có tiền, nói theo kiểu Bùi Giáng là “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/đi lên đi xuống đã đời... du côn”.

Đó là những Cung Tích Biền, họa sĩ Rừng, Nguyễn Quốc Chánh, Đoàn Thạch Biền (Nguyễn Thanh Trịnh), Bùi Chí Vinh, Phù Hư, Nguyễn Tôn Nhan, Đoàn Vị Thượng và nhiều nhiều người khác. Thời gian trôi qua như một giấc mơ, kẻ còn người mất, nhưng kỉ niệm anh em thì không bao giờ mất đi. Trương Đình Quế cũng là một người của một thời, thời chúng tôi đã sống như thế, một thời mà không phải ai cũng có thể sống được, nếu không có một chút lãng mạn, điên điên và ân tình của văn nghệ.

Chúng tôi sống hồn nhiên không toan tính lọc lừa, không mua danh bán chức, chúng tôi còn trụ lại với những hoài vọng văn nghệ của mình cho đến tận ngày hôm nay. Và Trương Đình Quế mãi là một người như vậy, lão không bao giờ làm những tượng đài không nghệ thuật, những thứ vô vị, lão thà rong chơi để rồi làm những thứ lão thích và trân trọng.

Tôi lại mới nhận tin, người ta lại thấy Trương Đình Quế đang lang thang trên phố núi mù sương Đà Lạt, lên đó lão lại chơi với Phước Khùng và đám bạn văn nghệ sĩ và lại làm tượng hay phù điêu. Lão làm những thứ không hoành tráng và không nghiêm trọng- như cách nói của lão, nhưng chắc chắn là đầy cảm xúc và tinh tế.











Bạn Tôi, Điêu Khắc Gia - Họa Sĩ Trương Đình Quế



Tin điêu khắc gia - họa sĩ Trương Đình Quế qua đời khiến giới yêu hội họa trong và ngoài nước đều tiếc nuối, riêng với tôi thật là đột ngột. Như vậy trong vòng một tháng của năm 2016, nền hội họa Việt Nam có hai họa sĩ tài danh lần lượt ra đi.

Ngày 8 tháng 1- 2016 họa sĩ Đinh Cường từ trần tại Virginia, Hoa Kỳ, sau đó tới phiên đìêu khắc gia Trương Đình Quế mất ngày 21-01-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.

Trong giới cầm cọ như tôi được biết, những tên tuổi lừng lẫy trước 1975 đến nay đã lần lượt từ giã cõi đời ô trược này, phải kể: Bùi Xuân Phái (1920 - 1988), Nguyễn Gia Trí (1908 -1993), Nghiêu Đề (1939 - 1998), Mai Chửng (1940 - 2001), Lê Thành Nhơn (1940 - 2002), Bửu Chỉ ( 1948 - 2002), Tạ Tỵ (1921 - 2004), Dương Đình Sang (1950 - 2005), Tôn Thất Văn (1939 - 2006), Thái Tuấn (1918 - 2007), Hiếu Đệ (1933 - 2009), Võ Đình (1933 - 2009), Đinh Cường (1939 - 2016), và mới đây là Trương Đình Quế (1936 - 2016),

Mặc dù tôi và anh Trương Đình Quế không thường xuyên gặp nhau nhiều nhưng cũng có một chút kỷ niệm để nhớ.

Tôi nhớ cách đây ngót 37 năm, một buổi trưa nóng bức ở Sài Gòn, vợ chồng đôi bạn trẻ Hiếu Liên (Nguyễn Đình Hiếu là rể của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sĩ) rủ tôi qua Làng báo chí Thủ Đức, ghé nhà anh chị Trương Đình Quế hát hò chơi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Trương Đình Quế: một con người có dáng dấp nghệ sĩ, dong dỏng cao, đôi mắt hơi sâu và hiền. Sanh ở Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng sống ở Sài Gòn lâu năm nên giọng nói trộn trạo giữa hai miền, đặc biệt rất năng động nên cách nói chuyện của anh sang sảng, trầm mà vui.

Lần gặp gỡ đầu tiên tại tư thất của anh, nghe tôi hát vài bản tình ca, tâm ca, và thân phận con người giữa chiến tranh... anh bừng bừng tuyên bố "tuần tới sẽ mời bạn bè văn nghệ tới nhà Trương Đình Quế nghe Phan Ni Tấn hát". Tưởng anh cao hứng nói chơi, không dè cái "tuần tới" đó lại diễn ra sôi nổi tại phòng khách của gia chủ họ Trương với sự góp mặt của những tên tuổi như họa sĩ, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, họa sĩ Nghiêu Đề, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhà văn Lê Huy Oanh, anh Thanh Tuệ (nxb Lá Bối), anh Thuận, nhạc sĩ Đỗ Thất Kinh, đôi bạn Hiếu- Liên, Châu - Oanh và một vài người nũa tôi không còn nhớ tên.

Trương Đình Quế thuộc tuýp người ham vui. Gặp bạn bè anh linh hoạt hẳn ra, nhìn anh lúc đó dường như chẳng bao giờ biết buồn. Không riêng gì tôi, điều mà ai cũng quý mến anh là cách cư xử rất thân tình, cởi mở, tự nhiên của anh với bạn bè dù thân hay sơ. Anh không những trân trọng những cây đại thụ như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Sơn... , mà còn dành nhiều thiện cảm với những loại cù bơ cù bất, thất cơ lỡ vận có chút máu văn nghệ văn gừng như tôi. Tôi nhận ra anh quí mến bạn bè văn nghệ sĩ cùng anh đi trên con đường mà họ đã chọn, cùng thực hiện hoài bão nhằm góp phần phục vụ đời sống tinh thần văn hóa nghệ thuật miền Nam.

Tuy ham vui với bạn bè và khoái lái mô tô long nhong ngoài phố nhưng với công ăn việc làm và bổn phận gia đình anh tỏ ra rất chu toàn.

Trong mắt tôi, chàng Trương dễ mến như thế này: Quần jean, áo da hoặc áo pull, mang kính đen, đội nón cowboy, bệ vệ trên chiếc mô tô phân khối lớn, luồn lách, rong chơi khắp cái đất Sài thành. Tướng tá anh coi phong độ như vậy, nhưng ít ai biết bên trong là cả một trời thơ thơ thẩn thẩn ướt át, tình tứ, mộng mơ hết ý.

Vừa tạc tượng vừa vẽ tranh lụa lại vừa làm thơ như anh là nhất. Có lần anh dúi vào tay tôi hai bài thơ tôi đọc ư ử rồi phổ thành ca khúc mang tên Thâm Tạ và Vẫy Lượn Tóc Bay. Cả hai bài đều mang âm hưởng Blue/Jazz, nghe ca sĩ Kim Oanh hát ai cũng thích, nhất là Quế nhà ta cứ ngất nguởng trời mây.

Phải nói Trương Đình Quế là một nghệ sĩ hào phóng. Nhớ lại sau buổi văn nghệ "tràn niềm vui" đó, Trương Đình Quế cảm thông được nỗi sa cơ của tôi nên "giấu"tôi luôn trong căn nhà rộng lớn của anh rồi "hạ hồi phân giải" với nội tướng của anh sau.

Sống đời trôi sông lạc chợ như tôi lúc đó được bạn bè cho ngủ trọ một hai đêm sao mà phước đức chi lạ. Nhưng mà đêm nằm giữa đống ngổn ngang những bức tượng đầy ấn tượng của nhà điêu khắc Trương Đình Quế, nghĩ đến thân phận nghiệt ngã của mình làm tôi trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt một chút.

Thời đó, năm 1979 chế độ "hộ khẩu" của nhà nước CS vô cùng gắt gao, đêm đêm công an vẫn thường xuyên ruồng bố những phần tử "vô sở trú" như tôi. Để tránh gây phiền phức cho bạn bè tốt bụng, sáng hôm sau từ biệt anh chị Quế trở về Sài Gòn tiếp tục cuộc đời sống bụi.

Từ đó anh và tôi không còn gặp lại nhau lần nào, mãi đến 37 năm sau ở hải ngoại tôi mới được tin anh qua đời.

Sau đây là tiểu sử sơ lược và hình ảnh của Trường Đình Quế do chính anh ở Sài Gòn gởi cho tôi năm 2014 qua email của Doãn Thị Cẩm Liên, nội tướng của Nguyễn Đình Hiếu để đăng trong bộ Tự Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Online (youtube):

Điêu khắc gia - họa sĩ Trường Đình Quế sinh ngày 21-12-1939 tại xã Hải Châu, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Tốt nghiệp ngành Hội họa và Điêu khắc Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định1960 và Năng Lực Sư Phạm Hội Họa 1961. Từng dạy Trường Mỹ Thuật Huế, sau 1975 dạy lại Trường Mỹ Thuật Gia Định, cũng như dạy môn Điêu khắc trong một thời gian ngắn ở Trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Mất ngày 21-01-2016 tại Thủ Đức, Sài Gòn.

Phan Ni Tấn








Đkg Trương Đình Quế và tác phẩm tượng Bùi Giáng

















Trương Đình Quế & Phan Nguyên




T Đ Q & Tượng Bùi Giáng










Tượng Trịnh Công Sơn






Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.