Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Nguyễn Quang Thiều

 







Nguyễn Quang Thiều

(27/1/1957 Hà Nội - .....)
Nhà Thơ, Nhà Văn, Họa sĩ
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi






Tiểu sử

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Ông tốt nghiệp đại học ở Cuba.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn là cây viết văn xuôi, viết báo, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, dịch thuật, phê bình.

Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều được in thành sách, giới thiệu trên các tạp chí và báo ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nga, Australia, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thuỵ Điển, Malaysia, Thái Lan.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa (1993). Năm 2018, ông là tác giả Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Chang Won.

Ông cũng nhận được giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water của The National Literary Translators Association of America năm 1998.

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, Nguyễn Quang Thiều còn là họa sĩ. Ông từng cho biết: “Tranh của tôi là những bài thơ được trình bày lại bằng ngôn ngữ hội họa với những màu sắc, đường nét, hình khối mặc dù có thể còn chập choạng, liêu xiêu…”

Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã có hơn 200 họa phẩm bằng sơn dầu và các chất liệu khác.









Tác phẩm chính



Thơ




Ngôi nhà tuổi 17
(1990)


Sự mất ngủ của lửa
1992


Những người đàn bà gánh nước sông
1995


Những người lính của làng
1996


Thơ Nguyễn Quang Thiều
1996


Nhịp điệu châu thổ mới
1997


Bài ca những con chim đêm
1999


Thơ tuyển cho thiếu nhi
2004


Cây ánh sáng
2009


Châu thổ
2010





Văn xuôi
(Tiểu thuyết, truyện ngắn)






Mùa hoa cải bên sông
1989


Cái chết của bầy mối
1991


Người đàn bà tóc trắng
1993


Đứa con của hai dòng họ
1996


Thành phố chỉ sống 60 ngày
1991


Vòng nguyệt quế cô đơn
1991


Cỏ hoang
tiểu thuyết 1992


Tiếng gọi tình yêu
1993


Kẻ ám sát cánh đồng
1995


Đứa con của hai dòng họ
truyện ngắn, 1997


Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều
1998


Người cha
truyện thiếu nhi, 1998


Bí mật hồ cá thần
truyện thiếu nhi, 1998


Con quỷ gỗ
truyện thiếu nhi, 2000


Ngọn núi bà già mù
truyện thiếu nhi, 2001


Người nhìn thấy trăng thật
truyện ngắn, 2003


Người, chân dung văn học
2008


Ba người, chân dung văn học
(in chung) 2009


Có một kẻ rời bỏ thành phố
tiểu luận 2010


Trong ngôi nhà của mẹ
2016




Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tập thơ mới nhất của anh, Cây ánh sáng - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009 đang thu hút sự chú ý của dư luận và giới phê bình[1]

Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô (xem thêm làng Nhô) phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998





Sách dịch


Khoảng thời gian không ngủ
thơ Mỹ, 1997


Chó hoàng Đingô
truyện ngắn Úc, 1995


Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc
2002





Thơ Nguyễn Quang Thiều trên Thivien.net









Thế giới thơ Thiều – một lối vào




VHSG- Cái đẹp của thơ Thiều không tựa vào vần điệu, tựa vào những ngôn từ lấp lánh của vàng Mỹ Ký, hay lối làm văn màu mè, mà là những câu chữ, hình ảnh giản dị, bình thường, nhưng được người kể chuyện nhìn bằng một cái nhìn thơ mộng. Đó là cái đẹp của sự sinh thành, của sự trở thành, vừa mộc mạc vừa huyền bí, và vừa có tính chất tiên tri. “Tôi đã đánh mất tôi một nửa/Tôi tự sinh cho tôi thêm một nửa nữa” (Dưới trăng và một bậc cửa). Như vậy, cái đẹp không chỉ là mộc mạc tiền hiện đại nữa, mà chủ yếu là huyền bí của sự trở thành. Đó chính là cái khác. Thơ Thiều không phải là mỹ học của cái đẹp, mỹ học của cái siêu tuyệt, mà là mỹ học của cái Khác…


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều


Dây vĩ cầm cuối cùng trăng đêm vụt đứt
Bức phông đen tụt xuống lõa lồ
Ôi vở kịch cuộc đời…
Màn cuối
Tiếng hề cười
Băm chả những u mê

Nguyễn Quang Thiều
(Con bống đen đẻ trứng)

Thơ Việt Nam, từ đầu thế kỷ đến nay, đã hai lần thay đổi hệ hình: từ tiền hiện đại sang hiện đại và từ hiện đại sang hậu hiện đại. Lần thứ nhất từ mô hình thơ nghĩa à chữ sang chữ à nghĩa, dù vẫn là thiểu số, nhưng coi như hoàn tất. Lần thứ hai từ mô hình thơ chữ à nghĩa sang chữ à nghĩa à chữ, thì còn đang tiếp diễn, định hướng nhưng chưa hẳn đã định hình. Có điều những chuyển đổi ấy, không nối tiếp mà gối tiếp, nên trong mỗi dòng thơ, thậm chí trong mỗi nhà thơ, tồn tại cùng lúc cả ba hệ hình. Bởi thế, đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, nhất là định dạng thơ ông, tôi phải lần giở đường đi của thơ, để tìm vào một lối vào thơ ông.

Thơ hiện đại Việt Nam, ngay từ chào đời, đã dính phải “chấn thương sinh đẻ.” Bấy giờ mỹ học Thơ Mới, mỹ học của cái Đẹp, còn tuyệt đối thống trị. Thơ Nguyễn Xuân Sanh Xuân Thu Nhã Tập bị phê phán là hũ nút. Đến đầu Kháng chiến chống Pháp, mỹ học Thơ Mới đó lại được chính thống hóa, nên thơ không vần Nguyễn Đình Thi mới bị quy chụp nặng nề, cả về tư tưởng lẫn thi pháp. Còn Thanh Tâm Tuyền ở thành thị miền Nam lẫn Trần Dần, Lê Đạt thời Nhân văn và hậu Nhân văn ở miền Bắc đều bị cái diễn ngôn quyền uy ghẻ lạnh. Tuy nhiên, các nhà thơ thiểu số này đã đóng góp cho thơ hiện đại những thành tựu độc sáng, như tư duy thơ đứt đoạn (Nguyễn Xuân Sanh), thể thơ tự do với tư cách là một thể loại/hình thức của nội dung (Nguyễn Đình Thi), nhịp điệu hình ảnh, nhịp điệu tư tưởng (Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền), mô hình sáng tạo chữ đi trước nghĩa (Trần Dần, Lê Đạt)… Những cách tân hiện đại chủ nghĩa như vậy tưởng đã đến thiên đỉnh, nên Tô Thùy YênPhùng Cung đã rẽ ngang một bước làm thơ hiện-đại-cổ-điển, Điều này, vô hình trung, đã biến Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền thành nhà hiện-đại-hiện-đại, kết thúc thế hế hệ thứ nhất của thơ hiện đại Việt Nam.

Các nhà thơ hiện đại thế hệ thứ hai, những cây bút ra đời thời hậu chống Mỹ, cụ thể hơn thời Đổi mới và Mở cửa, gặp phải bức tường của người đi trước. Trước hết, thơ tự do, thể chủ đạo của thơ hiện đại, lúc này đã từ thể loại/hình thức của nội dung trở thành thể thơ/hình thức của hình thức, nghĩa là cạn kiệt tính thẩm mỹ. Còn mô hình thơ hiện đại: chữ đi trước nghĩa thì hình như khó hiểu, lại càng khó thực hành sáng tạo. Như vậy, sự phát triển theo chiều ngang, cả chiều kích xã hội lẫn chiều kích ngôn ngữ, đều khó kéo dài. Nên, muốn vượt tường chỉ còn cách lên cao, hoặc xuống sâu, tức đi theo chiều dọc. Mai Văn Phấn, Inrasara có lúc muốn đi vào chiều tâm linh của tâm thức Việt, Chăm qua các lễ hội hoặc nghi lễ vòng đời của hai tộc người này. Dương Kiều Minh sống với các triết lý dân gian. Nguyễn Linh Khiếu bám chắc vào triết luận phồn sinh phồn thực. Còn Trương Đăng Dung muốn dìm câu thơ mình vào bề sâu triết học Heidegger…

Tuy nhiên, các nhà thơ trên còn chưa chạm đến điểm linh đài, hay chỗ nhạy cảm nhất của tâm thức thời đại, để tạo nên một đối trọng (chứ không phải đối lập) nghệ thuật hay xã hội. Theo tôi, nếu cắt ngang một nhát cắt vào thân thể cây thơ đương đại, thì có thể thấy cấu trúc văn học nói chung và thơ nói riêng hiện nay là một sơ đồ ba
 vòng…

Tập thơ “Dưới trăng và một bậc cửa” của Nguyễn Quang Thiều.
Tranh bìa của họa sĩ Trần Thắng.


Thơ tiền hiện đại là vòng tròn số 1, chiếm vị trí trung tâm, gồm các nhà thơ chính thống hoặc phong trào, xoay quanh các hội nhà văn trung ương hoặc địa phương. Thơ hiện đại là vòng tròn số 2 ôm lấy vòng tròn thứ nhất và mỏng hơn nhiều so với vòng tròn này. Các nhà thơ hiện đại thế hệ hai này cũng có thể là thành viên của các tổ chức chính thức, ít nhiều lệch chuẩn, nhưng chưa thể trở thành một đối trọng nghệ thuật như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… nên chưa tạo ra một thúc đẩy thẩm mỹ cho xã hội và, quan trọng hơn, cho bản thân họ. Thơ hậu hiện đại là vòng tròn thứ 3, mới định hướng nhưng (có thể còn) chưa định hình. Bởi vậy, tôi thể hiện nó bằng những nét đứt. Các nhà thơ hậu hiện đại của ta hiện nay còn đang ở giai đoạn dọn mặt bằng. Họ đả phá các quan niệm cũ về thơ, chức năng thơ, ngôn ngữ bằng một đối lập cực đoan: tự gọi thơ mình là thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa như nhóm Mở miệng. Hoặc đơn giản áp dụng các thủ pháp hậu hiện đại như trò chơi, giễu nhại, cắt dán, trích dẫn để lật tẩy thơ cũ. Bởi vậy, người ta có thể thấy ở thơ họ, Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Thế Hoàng Linh, mới chỉ hậu hiện đại ở cấp độ thủ pháp chứ chưa hẳn ở cấp độ bản thể. Và, do đó, thành tựu nghệ thuật của/ở họ chưa đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, cấu trúc trên không phải là tĩnh, mà là động. Bởi vậy, thỉnh thoảng vẫn có những yếu tố từ vòng 1 chuyển qua vòng 2, từ vòng 2 chuyển sang vòng 3, và không loại trừ ngược lại.

Trở lại với Nguyễn Quang Thiều. Thực ra, tôi với anh vốn có nhiều duyên nợ. Duyên nhất là tôi cùng anh đều sinh ra ở miền mây trắng, xứ Đoài, bên dòng sông Đáy, tôi khúc trên (Quốc Oai), anh khúc dưới (Ứng Hòa). Độ trước, do nghĩ thơ Thiều là thơ hiện đại, sêm sêm như thơ Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, nên tôi cũng không đọc. Gần đây, tình cờ đến tay tôi Dưới trăng và một bậc cửa (Hội Nhà văn, 2020). Một tập gồm thơ dài và trường ca được tác giả viết trong mấy chục năm qua, nên có thể coi là tiêu biểu của thơ Thiều. Thấy lạ từ nhan đề, phụ bản tranh và in ấn, tôi tò mò đọc. Một thế giới thơ hiện ra trước mắt tôi vừa bí ẩn vừa hấp dẫn, đúng hơn hấp dẫn vì bí ẩn. Trước đây, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nhiều lần tần ngần đứng trước những phòng thơ đóng kín cửa của Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, rồi lặng lẽ bỏ đi. Ngày nay, lý thuyết văn học phát triển, các nhà phê bình có nhiều lối lọt vào dù chỉ qua một khe sáng. Hơn nữa, phê bình bây giờ không chỉ có một kiểu: căn cứ đầu vào để biết kết quả đầu ra, mà còn có thể chui vào “hộp đen” để biết cả diễn trình sáng tạo và cái lò xo đằng sau nó. Thơ Thiều ấn tượng tôi ở sự đứt gãy và không có những liên lạc logic. Ở cái nhan đề Dưới trăng và một bậc cửa, thì hai yếu tố trước và sau liên từ và không đồng đẳng về từ loại và, do đó, về luận lý. Tên những bài thơ trong tập cũng vậy, không tóm tắt hay báo trước gì cho nội dung bài như cách làm quen thuộc của giới thi sĩ. Nhiều bài lại được phân chia thành 1, 2, 3… hoặc khúc 1, khúc 2, khúc 3… hoặc (hồi tưởng) tháng Giêng, tháng hai, tháng ba… cũng ít liên lạc với nhau. Mỗi bài thơ đều có tranh minh họa của tác giả cho chính thơ mình. Ấy vậy mà giữa thơ và tranh cũng không thấy sự “minh họa” cho nhau. Đặc biệt bản thân những bức tranh ấy cũng là sự lắp ghép đầy ngẫu hứng. Trước một sự phân mảnh triệt như vậy chỉ có thể cảm hiểu được bằng lối đọc phi tuyến tính. Thế giới nhìn thấy bị vỡ vụn, sau những ngày tháng hoang mang, người ta đi tìm cách sắp xếp lại những mảnh vỡ vô nghĩa ấy vào những tổng thể vô hình như cấu trúc, hay vô thức tập thể để tái lập nghĩa. Riêng thế giới thơ Thiều, tôi thấy lối tiếp cận cấu trúc luận hay phân tâm học ấy chưa đủ.

Thực ra, chìa khóa mở vào thơ Thiều được thi sĩ treo ngay nơi cánh cửa theo cái kiểu “kiển tố vừa đố vừa giảng.” Đó là thiên tuyệt bút Trong căn phòng của một người bại liệt thay cho lời tựa. Tuổi thơ của Thiều gắn liền với những tháng năm người bà bị liệt nằm chỗ. Khi cảm giác về thể xác mất dần, thì, lần đầu tiên, ý thức cá nhân của bà trỗi dậy. Bà muốn xem mặt mình. Thiều phải bưng chiếc gương để bà soi. Nhìn thấy hình dạng mình trong gương, bà vừa thích thú, vừa kinh hãi. Nhân việc người bà “cố định nghĩa mình bằng dụng cụ – chiếc gương không mang lại kết quả,” Nguyễn Quang Thiều nhớ đến thời thơ ấu mình cũng từng “tôi nhìn tôi trong gương như vậy.” Ông so sánh hành vi này với các họa sĩ vẽ chân dung tự họa. Ở đây, sự giống nhau chỉ là những “ký hiệu [thị giác – ĐLT] đơn giản,” “cắt đứt mọi quan hệ sống còn giữa anh ta và tác phẩm.” Rồi Thiều thấy bà và cả chính anh nữa tìm thấy sự tồn tại của mình bằng giọng nói, tức ngôn ngữ. Đây là một hiện thực khác, hiện thực tinh thần, “hiện thực của một bài thơ.” Đến đây người đọc có thể thấy hình ảnh cậu bé và người bà, tuổi thơ và tuổi già (tức đã trở lại là anh nhi) hòa nhập vào nhau và nguồn gốc của thơ Thiều.

Bằng việc để một viên phấn rồi lấy một viên phấn khác đè gãy nó (1), rồi cất viên phấn đi và nhìn vào chỗ trước đây từng có viên phấn (2), cuối cùng nhắm mắt nhìn vào chỗ đã có viên phấn và tưởng tượng (3), Nguyễn Quang Thiều đã đưa ra ba định nghĩa về lịch sử (1) có tuyến tính, về văn xuôi (2) phi tuyến tính và về thơ (3) cái nhìn của cái nhìn, “cái nhìn thứ ba.” Cái nhìn này là “khoảnh khắc của ánh sáng, của tia chớp làm cho chúng ta thấy toàn bộ [ĐLT nhấn] đời sống và phong cảnh quanh ta. Nỗi cô đơn [ĐLT nhấn] của ta trong đêm tối đã có nơi nương tựa và nó nhận ra con đường của nó.” Rồi Nguyễn Quang Thiểu dẫn giải thêm thơ có khả năng lưu giữ những khoảnh khắc của đời sống (Charles Simic, nhà thơ Mỹ, giải Pulitzer, 1990) và, quan trọng hơn, nối liền một con người với toàn thể nhân loại qua hàng triệu năm (Joseph Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga, giải Nobel Văn học, 1987). Như vậy, thơ Thiều, hay thơ như Thiều quan niệm, không phải là miêu tả sự vật, thậm chí kinh nghiệm về sự vật, mà là nhớ lại sự vật. Và thông qua sự nhớ lại đó, sự vật được kết nối với toàn bộ. Bởi vậy, nhìn vào mỗi sự vật đơn lẻ, thậm chí một mẩu của vật ấy, người ta thấy được toàn bộ vũ trụ như trong một bức ảnh toàn đồ (hologram). Điều này khiến cho mỗi sự vật/phân mảnh có giá trị tự thân, tuy vẫn không tách rời tổng thể, hay chính nó là tổng thể. Thơ Nguyễn Quang Thiều, vì thế, là thơ hậu hiện đại. Khác với các nhà thơ hiện đại cùng lứa với ông, và cũng khác cả với những nhà thơ hậu hiện đại thuộc nhóm Mở miệng.

Nhác trông, có thể tưởng thơ Thiều thuộc loại hình thơ thị giác, như thơ Bích Khê trong tập Tinh huyết trước 1945. Nhất là khi thơ ông thường in kèm theo mỗi bài thơ một bức tranh như một thứ cận-văn bản (paratexte). Nhưng đọc kỹ mới thấy không phải là thơ thị giác, mà thơ của trí nhớ thị giác. Trí nhớ thị giác vốn có ở trẻ nhỏ, hoặc những người có trí nhớ siêu phàm. Nhãn thức ở họ xác định sơ bộ đối tượng một cách riêng lẻ, rồi không đưa ngay thông tin này đến trung tâm ý thức, mà giữ lại như một ký tức tạm thời, Phật giáo gọi là Sở tàng. Sau đó nếu gặp lại thực thể ấy ở đâu và bất cứ lúc nào cũng dễ dàng nhận biết được đó là yếu tố hợp thành của hệ thống nào, mà không cần thông qua ý thức xử lý thông tin. Ở trình độ cao hơn, đó là nhìn bằng năng lực tâm linh, Phật học gọi là Tuệ/Huệ nhãn, hoặc Thiên nhãn thông, còn khoa học thì gọi là giác quan thứ 6 hoặc ngoại cảm. Chính loại trí nhớ trực giác này đã dẫn đến đột sinh Tuệ giác. Đây là đặc trưng quan trọng của lý thuyết đột sinh trong vật lý hạ nguyên tử lẫn trong sự phát triển tâm thức Thiền. Một công cụ có sức cuốn trôi tâm hồn chúng ta theo dòng chảy siêu thức, đưa ta vào thế giới nội tâm, mà ở đó tác động của một số định luật cơ bản của Vật lý bỗng tan biến. Những quang cảnh mà ta bắt gặp ở đây chính là hình ảnh tổng thể vũ trụ phản chiếu vào ta. “Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ. Nó chứa đựng một sự thật lớn: chúng ta là Vũ trụ, là Sự sống, Ý thức và Trí tuệ của nó. Cũng như Đức Phật, sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc Bồ Đề đã chứng đắc và giác ngộ được chân lý Thành – Trụ – Hoại – Diệt của chu trình miên viễn của Tự nhiên, dẫn đến khái niệm Vô thường và thuyết Luân hồi Tái sinh.

Ấn tượng trực tiếp và toàn bộ Dưới trăng và một bậc cửa là một cái nhìn bi thảm về cuộc sống. Có vẻ như hiện nay, chu trình vũ trụ đã đến giai đoạn Hoại – Diệt. Nhân loại sau các thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ nhôm đã đến đồ nhựa, thậm chí đồ… đểu. Nhưng khác với các nhà triết học/học triết thường nói đến thời mạt pháp, mạt thế một cách to tát và đầy luận lý, Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ, đi từ những sự vật, cụ thể và trực quan để ám gợi đến cái ngày tận thế kia. Có điều bao giờ thi sĩ cũng để một chút ánh sáng cuối đường hầm. Chỉ cần tên các bài thơ theo mục lục, ta đã thấy có một sự vận động của thời gian, của màu sắc, của sự vật từ tối đến sáng: Đoản ca về buổi tối, Bài ca những con chim đêm, Nhân chứng của một cái chết, Con bống đen đẻ trứng, Chuyển dịch màu đen, Nhịp điệu châu thổ mới, Cây ánh sáng… Như vậy, Dưới trăng và một bậc cửa là một thi phẩm có cấu trúc, điều kiện tiên quyết để một tác phẩm thơ trở thành một thi giới, một thế giới nghệ thuật, Nhưng cấu trúc thơ Thiều lại mô hình hóa sự vận động, sự đang trở thành của vũ trụ, của thiên nhiên, của con người và vạn vật, nên nó là một cấu trúc mở, cấu trúc động. Rồi mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu, mỗi chữ cũng âm vang cái cấu trúc tổng thể đó.

Đoản ca về buổi tối là một bài thơ ma, một thế giới hồn ma. Buổi tối là nơi dương suy âm thịnh, “Khi những ngọn đèn lần lượt tắt và chúng ta đi/Những người chết trở về thành phố.” Chúng chiếm lấy và điều khiển thể xác ta theo kiểu “xác Trương Ba hồn ma anh hàng thịt.” Rồi chúng mượn đời sống của chúng ta để lâu dần trở thành chúng ta, hòng thực hiện những điều đen tối. Điều ấy không phải ai cũng nhận ra. Bi kịch này, có lẽ, là bi kịch lớn nhất của loài người, bởi nó do chính con người tự tạo ra để tự hủy diệt mình.

”Những người chết trở về mượn nhà cửa, đồ đạc
và những pho tượng của người sống
Mượn công việc của người sống, mượn lý do của người sống
và đôi khi mượn cả giấy khai sinh của chúng ta
Bởi thế máu vẫn chảy, lời thù hận vẫn vang lên
cùng với lời thú tội và lời xin lỗi
Sự phản bội vẫn diễn ra trong khuya khoắt
cùng tình yêu đau đớn, thủy chung”
(Đoản ca về buổi tối)

May mà trong những đêm tối ấy, mượn gương mặt và tâm hồn trẻ thơ, những thiên thần đã cứu vớt con người đang rơi vào tàn lụi. Ở đây, trong sự cứu chuộc thế giới, thiên thần và trẻ thơ là một.

Nhân chứng của một cái chết kể lại một câu chuyện tưởng tượng mà có thể là sự thật nằm sâu trong vô thức tập thể của nhà thơ. Đó là một cơn mưa lớn, nước của 100 năm dồn lại, đổ xuống Hà Đông, nơi nhà thơ đang sống. Cơn giận dữ này của trời xanh nhấn chìm toàn bộ thị xã. Nước lũ làm nổi lên toàn bộ những lầm lạc, tội lỗi, tối tăm, đau đớn và hy vọng vốn ẩn khuất của thị xã bộc lộ ra. “Đêm nay mưa như sông trời đổ xuống thị xã. Những ngọn đèn lần lượt tắt và những ô cửa lần lượt mất hút. Và đêm nay, tôi ngồi, cúi đầu cúi xuống trước cây nến đang cháy. Khi tôi ngước nhìn lên cây nến, tôi thấy có gì đang xảy ra với thị xã chúng ta. Nước đang chảy chan hòa như dòng sáp từ một cây nến khổng lồ đang cháy phía xa. Cháy như buổi hoàng hôn đau đớn cuối cùng. Và như buổi rạng đông còn giá lạnh đầu tiên” (Nhân chứng của một cái chết). Nhà thơ chứng kiến cơn mưa giống như một tiểu hồng thủy hủy diệt tất cả, chỉ còn lại một người đàn ông và một người đàn bà không quần áo, run rẩy đứng trên cây cầu của thị xã. Họ được cứu thoát không phải để làm nhân chứng cho cái chết của thị xã, mà để sau trận mưa trời giáng ấy, họ quay về xây dựng lại thị xã, và xây dựng lại chính con người.

Con bống đen đẻ trứng là một bài thơ viết về sự sụp đổ của thế giới hiện đại. Người cha đưa đứa con chạy trốn trong đêm, khỏi cuộc sống bẩn thỉu, điên rồ, mất nhân tính. Họ đi qua một thế giới tự hủy diệt, tìm về những người thân đã trở thành xa lạ, rồi tìm về cánh đồng của tổ tiên, nơi có dòng sông thanh sạch cuối cùng và những con cá bống, biết giúp con người hồi sinh:

”Nấu một nồi cơm nếp hoa vàng
Đơm lặng lẽ vào mo cau cổ tích
Và mang ra bến sông
Đó là lúc con bống đen
Nổi lên giữ dòng sông Đáy
Đôi mắt sáng hai vầng Nhật – Nguyệt
Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng”.
(Con bống đen đẻ trứng)

Thậm chí, mỗi câu thơ, mỗi ngôn từ đều chở dư âm của cấu trúc đó:
”Con gián xòe cánh bay
Chuyến vận hành mông lung mang theo ổ trứng”.

(Dưới trăng và một bậc cửa)

Điều đặc biệt là trong cái thế giới Carnival này, nhà thơ sắm vai kép, vừa là người tham dự vào sự lụi tàn hay triển nở, vừa là người kể lại quá tình đang trở thành đó bằng trí nhớ thị giác của một nhà thơ – cậu bé.

Nguyễn Quang Thiều, cũng như tôi, là một cậu bé quê. Tuổi thơ Thiều sống trong sự quay vòng của mùa vụ, của đất trời: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng. Cánh đồng quê anh được bồi đắp bởi phù sa sông Đáy vừa trồng lúa, vừa trồng rau. Cậu bé gắn bó máu thịt với xóm làng. Bởi vậy, Thiều hiểu được tiếng lặng im của đất, tiếng yêu thương, nhẫn chịu và khổ đau của cha, mẹ, dân làng. Tất cả những tiếng nói ấy đều được nói lên bằng những câu chuyện trầm ấm bên bếp lửa, những vần thơ mộc mạc, da diết. Tất cả được “cất trong rương thơm ký ức lên mười.” (Nhịp điệu châu thổ mới). Biết bao cậu bé, để nhẹ vượt vũ môn trở thành người lớn, đã nhả bỏ viên ngọc tuổi thơ. Thiều, ngược lại, đi làm thi sĩ chỉ để tiếp tục sống cuộc sống của Cậu Bé xưa. Dĩ nhiên, từ cậu bé đến Cậu Bé là một hành trình Tuệ giác.

– Và Cậu Bé đi gọi tên linh hồn của đất
Bằng những cách gieo âm tiết của riêng mình
– Hồi sức những âm tiết đơn, sinh sôi đa bào
Mang ý nghĩa mới tiếng gọi, tái sinh mãi tiếng vọng
(Nhịp điệu châu thổ mới)

Thơ Nguyễn Quang Thiều, bởi vậy, hẳn không chỉ được làm bằng cảm xúc và trí tuệ, mà bằng trí nhớ thị giác/thiên nhãn thông/giác quan thứ 6. Như ông trả lời một bạn thơ hỏi: “Mình cứ viết như một ai đó đọc vang lên trong đầu.” Và ai đó, tôi nghĩ, chính là cậu bé ngồi đắm chìm bên bờ sông Đáy thuở nào, nay khát khao muốn được, một lần nữa, ngụp lặn trong chính dòng nước ấy.

Có một nhà thơ khác nói với tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là thơ. Tôi bảo, phải, thơ Thiều không phải là thơ, mà là phản thơ. Nhưng phản thơ theo cái nghĩa phản tiểu thuyết của các nhà Tiểu thuyết Mới ở châu Âu, tức không theo cái chuẩn thông thường của thơ, mà vượt qua nó, để trở thành lệch chuẩn, siêu chuẩn, tiến tới vô (chứ không phải không) chuẩn. Hẳn nhà thơ kia thấy thơ Thiều không thuộc vào một thể loại quen thuộc nào cả. Thơ ông vượt qua Thơ Mới, thơ tự do, và đứng chênh vênh giữa thơ văn xuôi và văn xuôi nghệ thuật. Bờ thứ ba của dòng sông. Nhưng, thơ Thiều vẫn giữ được cái thẩm mỹ, một thuộc tính của thơ. Cái làm cho thơ trở thành thơ.
Đây là thế giới trăng và dưới trăng:

”Tràn đến bậc cửa rồi
Những chiếc lá non mạ bạc
Đang múc từng thìa trăng
Những bóng cây say đổ vào nhau
Dạt dào những lớp sóng trăng
Con dế mèn lãng mạn
Con gián khát thèm
Những mối tình đang đến và chia xa
Những bối tóc góa bụa xổ tung cười ngất
Những xé rách, những vá liền, những phân tán
Những khô cong và những…”

(Dưới trăng và một bậc cửa)

Dưới trăng mọi thứ đều đẹp, và vẻ đẹp ấy đang bị hủy diệt. Vào một đêm trăng, nhà thơ đi tìm những vẻ đẹp ấy. Sau bao nhiêu tuyệt vọng và lạc đường, cuối cùng chàng đã vượt qua được một bậc cửa để đến với ánh trăng, vẻ đẹp muôn đời và bí ẩn.

Cái đẹp của thơ Thiều không tựa vào vần điệu, tựa vào những ngôn từ lấp lánh của vàng Mỹ Ký, hay lối làm văn màu mè, mà là những câu chữ, hình ảnh giản dị, bình thường, nhưng được người kể chuyện nhìn bằng một cái nhìn thơ mộng. Đó là cái đẹp của sự sinh thành, của sự trở thành, vừa mộc mạc vừa huyền bí, và vừa có tính chất tiên tri. “Tôi đã đánh mất tôi một nửa/Tôi tự sinh cho tôi thêm một nửa nữa” (Dưới trăng và một bậc cửa). Như vậy, cái đẹp không chỉ là mộc mạc tiền hiện đại nữa, mà chủ yếu là huyền bí của sự trở thành. Đó chính là cái khác. Thơ Thiều không phải là mỹ học của cái đẹp, mỹ học của cái siêu tuyệt, mà là mỹ học của cái Khác. Thực ra, cho đến nay, nhiều người còn hiểu lầm về cái khác. Cái khác như một phạm trù xã hội – chính trị chuyển sang phạm trù mỹ học cũng phải chuyển đổi qua ba hệ hình: tiền hiện đại là cái khác bộ lạc, cái khác là thù địch cần phải loại trừ (A B); cái khác hiện đại là sự thấp kém, thiểu số, ngoại vi so với chủ nghĩa châu Âu trung tâm (A ≠ B); cái khác hậu hiện đại là khác với chính bản thân nó (A = A, A ≠ A). Thơ Thiều, Dưới trăng và một bậc cửa, là một thế giới đang vận động, đang trở thành, một thế giới bao gồm những thế giới tồn tại song song. Thế giới hậu hiện đại.

Chùa Thầy, tháng 5.2019

ĐỖ LAI THÚY









Tranh Nguyễn Quang Thiều




















































































































































































































































































































































Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh như hơi thở

https://nhandan.com.vn/dong-chay/nha-tho-nguyen-quang-thieu-ve-tranh-nhu-hoi-tho-631097/




Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, ông là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, bắt đầu vẽ ở tuổi 48 (năm 2005). Ông tổ chức triển lãm chung lần đầu tiên với các nhà văn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 với tên gọi “Nhà văn vẽ’’. Sau đó ngừng vẽ cho tới năm 2012, ông vẽ trở lại và tham dự triển lãm nhiều lần với nhóm họa sĩ G39. Triển lãm ‘’Người Thổi Sáo’’ là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Tên triển lãm, “Người thổi sáo”, câu chuyện về người thổi sáo mù và hình ảnh cây sáo xuất hiện nhiều trong tranh của ông. Phải chăng âm nhạc đánh thức tình yêu hội họa trong ông?

- Nguyễn Quang Thiều: Họa sĩ Phạm Long Quận gửi toan và mầu ở nhà tôi, tôi tình cờ bóp tuýp mầu vẽ vài nét đầu tiên trong đời cách đây 15 năm hoặc những câu chuyện về hội họa đầy thôi miên của Phạm Long Quận... chỉ là những tiếng gõ cửa nghĩa đen / hình thức còn tiếng sáo của người mù mà tôi tình cờ nghe được ở Quán cà phê mới là tiếng cộc cộc theo nghĩa bản chất. Chỉ có cái đẹp mới đánh thức được cái đẹp. Hội họa đã có sẵn trong tôi, nó ngủ yên cho đến cái hôm tiếng sáo đánh thức. Tất nhiên người thổi sáo mù còn là một ẩn dụ. Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó nhưng đều chung một con đường đi đến cái đẹp. Nếu còn biết hướng đến cái đẹp, biết cảm thụ nghệ thuật thì người mù vẫn là người sáng, là “đôi mắt mở trong đôi mắt mù của người thổi sáo”. Cái đẹp, cái thiện đều là cái vốn là ở trong bất kể ai, đừng để nó phải ngủ quên.

Một câu hỏi nữa liên quan đến cây sáo và người thổi sáo. Trong các tác phẩm trưng bày lần này, có vài ba bức ông vẽ những cây sáo không có lỗ. Người thổi thì mù, cây sáo thì không có lỗ. Ông có thể chia sẻ về hình ảnh độc đáo này?

- Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) anh của Trần Hưng Đạo, thầy của vua Trần Nhân Tông có một câu tuyệt hay về “tính không”: “Mệt thì ngủ làng “không có làng” / Khi hứng thì thổi sáo không có lỗ”. Tính không là một tư tưởng lớn của nhà Phật, đại ý là mọi hữu thể đều không có tự tính riêng... nhưng tôi là một nghệ sĩ, tôi muốn mượn hình ảnh cây sáo không lỗ để nói về sáng tạo. Sống, lao động nghệ thuật đến một lúc nào đó thì sẽ thấy, sẽ ngộ ra rằng: Nghệ thuật đủ dài rộng cho mọi cá tính. Nghệ thuật luôn cần tiếng nói cá nhân, nghệ thuật bao giờ cũng là câu chuyện cá nhân. Nếu họ gọi được cái tôi ở trong sâu thẳm lòng mình, tâm tính, tạng tính của mình thì sẽ có nghệ thuật, có tác phẩm. Đi đến tận cùng mình thì sẽ gặp nghệ thuật. Làm nghệ thuật là làm mình, là “đánh nhau với mình”. Làm nghệ thuật chính là hành trình trở về với mình, tìm mình, gọi mình, đi tìm cái “bản lai diện mục”, cái khuôn mặt vốn có của mình. Văn học là nhân học, nghệ thuật là người, nghệ thuật là cá nhân, là độc bản. Chỉ trong sâu thẳm, chỉ trong tuyệt đối im lặng mới có thể nghe thấy tiếng trả lời cho câu hỏi muôn thuở: Nghệ thuật là gì? Một người thổi sáo mù, cây sáo thì không lỗ, cây sáo câm là biểu tượng của một mình, mình đối thoại với chính mình, trở về mình...

Tôi thích một bức tranh sơn dầu khổ lớn của ông, tên bức tranh là Sáng Thế Ký. Trong bức ấy ông vẽ nhiều câu chuyện, mỗi câu chuyện nằm trong một hình như quả trứng. Chuyện 2 người đang yêu nhau, đang ngập tràn trong hạnh phúc, chuyện về cái đồng hồ / thời gian đã mất, chuyện về cây thánh giá / bất hạnh đau buồn, đâu chỉ Chúa mà ai thì cũng phải tự vác cây thánh giá ấy... Ông nghĩ gì khi vẽ tác phẩm này?

- Sáng thế ký là chương đầu tiên của Kinh Cựu Ước. Không chỉ Kinh Thánh mà bất kể kinh gì, tôn giáo nào thì cũng phải trả lời câu hỏi Tồn Tại là gì? Ta là ai? Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt, cái này có vì cái kia có, trong cái này có cái kia. Trời đất luôn đứng giữa, đạo thì ở giữa, không nghiêng về bên nào, sáng quá tối quá đều không được. Thậm chí cái xấu cũng tốt cũng cần thiết vì cái xấu là động lực làm cái tốt nảy mầm.

Ai thì cũng có hạnh phúc/ bất hạnh, được mất, buồn vui, căng chùng. Cõi nhân gian này là vậy. Nghệ sĩ càng thấm cái lẽ ấy. Có thấm mới làm nghệ thuật được. Nghệ thuật là sáng tạo, nghệ sĩ là kẻ sáng thế, sáng thế ra một vũ trụ mang dấu ấn cá nhân anh ta. Nhưng hiểu đến ngọn ngành thì nghệ sĩ phải là kẻ sáng thế ra chính mình.

Tranh ông có nhiều chum vại, cối giã cua, chim, cá, cái quạt giấy, cái đèn dầu... đầy ắp một không khí “nhà quê”?

- Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong “Những bài học nông thôn”: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”. Tôi có may mắn được sinh ra ở một ngôi làng điển hình của vùng châu thổ Bắc bộ, làng Chùa, nằm bên sông Đáy. Làng tôi cũng như bao làng quê khác, có đình, có chùa, có cổng làng, đường làng, có ao có đầm, có ruộng trong và bãi ngoài... Tôi sinh ra ở làng Chùa, làng Chùa sinh ra tôi. Tôi là người quê, là người của làng. Làng là cội nguồn năng lượng của tôi. Cái làng này, cái ao này, đầm này, những bông hoa sen, hoa mận, hoa xoan này đã sinh ra tôi. Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng. Người Việt nào lại chẳng là người của một làng quê nào đó. Trong lịch sử đã bao lần giặc ngoại xâm đô hộ nhưng làng không bao giờ mất. Tôi đã được mời đi nhiều nước, đã làm thơ, đọc thơ ở khắp mọi nơi, có lẽ do họ hiểu và trân trọng, do con người làng của tôi, con người quê, cái chất làng quê Việt Nam của tôi chăng?

Đề tài trong nghệ thuật là khoảng hiện thực mà anh ấy hiểu, thích, yêu nhất. Đề tài làng quê là kỷ niệm, là hồi ức, là quá khứ của tôi. Là sinh quyển nuôi tôi sống, viết và vẽ.

Ông không nhận mình là họa sĩ mà chỉ nghĩ mình là người đi ngang qua “cánh đồng hội họa”?

- Trong triển lãm này có nhiều bức, tôi vẽ sau khi đọc một bài thơ của mình và ngược lại có những bức tôi vẽ xong thì tôi làm bài thơ trên cảm hứng bức tranh ấy. Lại có nhiều bức, tôi viết thơ tôi lên tranh... nhưng thơ không hề minh họa cho tranh, tranh cũng không minh họa cho thơ. Chính xác thì thơ và tranh ở trong tôi, là một, là tôi.



Người thổi sáo 3, sơn dầu trên toan, khổ 70x90cm


Thời gian, pastel, khổ 50 x 70cm



Cây đời sống 3, sơn dầu trên toan, khổ 90 x 110cm



Người thổi sáo 7, sơn dầu trên toan, khổ 150 x 150cm


Xin cảm ơn “người đi qua cánh đồng hội họa” Nguyễn Quang Thiều. Tôi muốn biên tập chữ đi qua thành mộng du. Thiều may vì anh là nhà thơ, anh rẽ vào hội họa và anh chọn điểm nhìn mộng du là hay nhất. Đã mơ mộng thì chả cần cái logic của đời sống thực, con cá cứ việc đẻ trên tầu lá chuối, con chích chòe cứ thoải mái ngủ quên trên đầu Đào Hải Phong, doanh nhân Lê Phương Chung thì một mắt vì mắt còn lại mải “nghe” giao hưởng 40 của Mozart... Những đứa trẻ mộng du thường nửa đêm vùng dậy, bước ra sân, đi một vòng quanh ao rồi về, không ngã, không vấp. Nguyễn Quang Thiều tư duy hội họa như kẻ mộng du, không cần lý thuyết, niêm luật, không cần nghĩ bảng mầu này, bút pháp nọ, cứ vẽ. Nếu trong bóng đêm đen kịt, một kẻ hoàn toàn tỉnh táo, không dám và không thể đi quanh cái ao. Chỉ khi mộng du mới có thể đi, thậm chí chạy quanh ao mà không ngã... Những bức tranh của Nguyễn Quang Thiều có cái lý của vô lý, có cái đẹp mà chỉ vô lý, chỉ mơ mộng, chỉ mộng du mới có. Trân trọng giới thiệu triển lãm “Người thổi sáo” đến cộng đồng yêu nghệ thuật thủ đô và chúc mừng “người mộng du qua cánh đồng Nguyễn Quang Thiều”.

Triển lãm “Người thổi sáo” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trưng bày 56 bức trên các chất liệu sơn dầu và mầu nước. Triển lãm diễn ra từ ngày 7.1.2021 tại Trung tâm Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

LÊ THIẾT CƯƠNG (THỰC HIỆN)










Tham Khảo Thêm Về Tác Giả Nguyễn Quang Thiều





TỪ KẺ ÁM SÁT CÁNH ĐỒNG ĐẾN CHUYỆN LÀNG NHÔ, 
MỘT SỰ LƯU MANH TỘT CÙNG CỦA NHỮNG KẺ BỒI BÚT VĂN NÔ

Đỗ Trường



Hôm lễ Phục Sinh vừa rồi, tôi may mắn được ngồi cùng mâm với một gã đến từ Balan. Rượu vào lời ra, đang bá vai bá cổ, thân mật, đến lúc hỏi thăm quê quán, đột nhiên hắn ôm mặt khóc hu hu, làm mọi người phải dừng đũa. Lúc sau, có lẽ hết cơn xúc động, hắn hỏi lại tôi: Ông đã xem phim Chuyện Làng Nhô chưa? Tôi lắc đầu: Nhưng phim đó thì liên quan gì đến quê hương, bản quán của ông. Hắn nhếch mép, với tiếng cười méo mó: Có đấy, cái làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam quê tôi chính là Làng Nhô. Nhưng bản chất sự việc, con người hoàn toàn khác trong phim. Cái khốn nạn là ở chỗ đó. Làng ông được lên phim là tốt chứ sao lại khốn nạn, tôi ngoặc lại hắn như vậy. Hắn cao giọng: Tốt, tốt cái con khỉ ấy. Ông chuồn ra khỏi nước đã từ lâu, không xem, không chứng kiến, làm sao biết được, bao nhiêu người dân lương thiện phải chết, và ngồi tù oan, còn đám cường hào ác bá vẫn sống phè phỡn ở đó. Tôi ngớ cả người, và tính tò mò trỗi dậy, nên xuống giọng ngay: Nghĩa là như thế nào, ông có thể nói rõ hơn được không? Hắn thủ thỉ: Tuy đỉnh điểm sự việc xảy ra năm 1992, nhưng nguyên nhân từ nhiều năm trước đó…

Ông Trịnh Văn Khải xuất thân từ gia đình được đảng, chế độ tin yêu, và là người thông minh, học giỏi, nên được du học ở Nga Xô. Về nước, ông làm giảng viên chính của trường Đại học Hàng hải Hải Phòng. Khi hưu trí, ông trở về quê và tham gia làm công việc địa chính của xã Đồng Hóa. Từ đó, ông phát hiện ra chính quyền xã, huyện giấu dân, giấu cấp trên đấu thầu, chiếm đoạt đất đai chia nhau đã nhiều năm. Ông cùng người dân đấu tranh, yêu cầu chính quyền là rõ sự trộm cắp, tham nhũng đó. Vì vậy, ông cũng như dân làng bị trả thù một cách dã man, đê tiện của đám quan tham. Để có kinh phí lên trung ương kiện cáo, ông cùng dân làng lập ra đội tự quản 447, bán vé, thu tiền chợ. Tuy nhiên, những lời kêu cứu, sự chờ đợi ấy của dân làng vẫn không có lời hồi đáp. Trước sự trả thù ngày càng điên cuồng không chỉ bằng lực lượng công an, mà còn cả bọn côn đồ của chính quyền, buộc ông Khải và người dân làng Lạc Nhuế lập lũy chống trả, một cách sinh tử. Sự trả thù một cách đê hèn lên đến đỉnh điểm, khi bọn quan tham thuê hai tên côn đồ lẻn vào làng định giết ông Trịnh Văn Khải bằng thuốc độc. Nhưng chưa kịp hành động cả hai đã bị bắt. Dân làng căm phẫn và hành quyết hai tên côn đồ tại chỗ, trước sự can ngăn của ông Khải. Và đó cũng chính là cái cớ để chính quyền quan tham huy động hàng trăm cảnh sát cơ động tinh nhuệ nhất tấn công vào làng. Ông Trịnh Văn Khải và hàng chục người dân bị bắt đi. Sau đó, ông Khải bị tử hình, và hai người dân bị đánh chết trong tù. Rồi đến con trai ông Khải cũng bị bọn quan tham thuê côn đồ giết, bằng cách gây tai nạn giao thông.

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Để che lấp tội lỗi, bọn quan tham đã thuê những tên đồ tể truyền thông truyền hình và cả nhưng tên bồi bút như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến…bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận dân chúng…
Ực liền tù tì mấy ly, rồi dừng lại giây lát, hắn quay sang tôi bảo, nếu không tin, ông có thể tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng của tên an ninh Nguyễn Quang Thiều, và kịch bản phim Chuyện Làng Nhô do văn nô Phạm Ngọc Tiến chuyển thể, đọc sẽ rõ.
Chờ cho sự xúc động của hắn dịu xuống, tôi hỏi: Ông chứng kiến những việc đó? Hắn bảo, không chỉ chứng kiến, mà còn là một trong những thanh niên cùng dân làng lập lũy chiến đấu chống lại bọn quan tham từ đầu đến cuối. Không hiểu sao lúc đó tôi thoát được, trốn vào Nam, vay mượn tiền bạc, đổi tên thay họ tìm đường sang Nga, rồi Balan, để lúc này cùng uống rượu với ông đây.

Có lẽ, chưa tin hẳn lời cái gã Balan này, nên hôm rồi, tôi gọi điện hỏi người bạn thời trung học, ở Sở công an Hà Nam. Dù làm bộ phận hành chính và đã về hưu, nhưng hắn vẫn nhớ khá rành rọt về vụ việc ở Lạc Nhuế (Làng Nhô). Tuy một vài chi tiết nhỏ hơi khác với lời kể của gã Balan, nhưng nhìn chung diễn biến và bản chất sự việc, con người hoàn toàn trùng khớp nhau.

Và lời kể thêm của ông bạn cựu cảnh sát này, đã cho tôi động lực đi tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng, cũng như kịch bản Chuyện Làng Nhô để đọc. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm thấy kịch bản Chuyện Làng Nhô của Phạm Ngọc Tiến. Và bìa cuốn kịch bản này in chung tên tác giả Nguyễn Quang Thiều và Phạm Ngọc Tiến.

Có thể nói, Chuyện Làng Nhô là kịch bản mang nặng tính chính trị tuyên truyền. Vụ việc và con người hoàn toàn trái ngược với sự thật những gì đã diễn ra ở làng Lạc Nhuế. Nếu người thủ lĩnh nông dân Trịnh Văn Khải ngoài đời trí thức, hiền lành hết lòng vì vợ con gia đình, làng xóm bao nhiêu, thì Trịnh Khả của Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến hiện lên như một lục lâm thảo khấu, ranh ma lừa lọc, đầm đĩ, đểu cáng bấy nhiêu. Và sự lưu manh, bỉ ổi đê hèn của của những quan tham, với đám tay sai, côn đồ trong Chuyện Làng Nhô đã được hai ông văn nô, bồi bút này miêu tả hiền lương, xả thân cứu người, giúp dân một cách vô cùng dũng cảm.

Đã hơn một lần, nhà văn Võ Thị Hảo nói với tôi: Phim, truyện của những kẻ văn nô thiếu nhân cách này, không đáng để bình luận, phân tích. Tuy không cực đoan như chị, nhưng tôi cũng không đi vào cái hay dở nghệ thuật viết truyện, hay kịch bản phim của Nguyễn Quang Thiều, và Phạm Ngọc Tiến. Mà tôi chỉ đi sâu tìm hiểu mục đích, nguyên nhân nào họ phải úp mặt, xoay bút đứng về phía cường hào thống trị, đẩy những người nông dân cùng khổ đến đường cùng như vậy.
Theo nhà sách Phương Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã về tận nơi, (tức làng Nhô) tìm hiểu sự việc, lấy tài liệu, gặp gỡ trò chuyện với những người thực trong biến cố đó, và anh soi chiếu nó bằng cái nhìn văn học.
Như vậy, có nghĩa Nguyễn Quang Thiều đã biết được sự thật những gì đã xảy ra ở Làng Nhô. Nhưng cái kính chiếu yêu của văn học này, làm ngòi bút Nguyễn Quang Thiều đảo ngược lại chăng?

Vâng! Dù có che đậy bằng những tiểu thuyết, sáng tạo văn học hay gì gì đi chăng nữa, trước sau nó cũng lộ nguyên hình sự dối trá, lưu manh trắng trợn nhất của kẻ cầm bút, dưới lăng kính méo mó dẫn dắt chỉ đường của Ban tuyên giáo, an ninh mật vụ và cả tiền bạc của những đám quan tham. Là một nhà văn còn một chút tự trọng có lẽ, không ai bán nhân phẩm, lương tâm của mình như vậy. Nhưng Nguyễn Quang Thiều xuất thân từ gia đình cảnh sát, và bản thân cũng là một an ninh được đào tạo cơ bản ở trong cũng như ngoài nước. Do vậy, Nguyễn Quang Thiều phải bảo vệ chế độ, bảo vệ con đường công danh cũng như miếng cơm manh áo của mình là lẽ đương nhiên thôi.

Phải nói thẳng, Chuyện Làng Nhô (Lạc Nhuế) xảy ra đã trên hai chục năm, khi chưa có FB, dân trí và internet chưa phát triển, sự lưu manh dối trá này ít nhiều mang lại hiệu quả. Còn vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội hiện nay có cho ăn mật gấu, các thêm cái ghế Chủ tịch hội nhà văn, Nguyễn Quang Thiều và Phạm NgọcTiến cũng không dám viết Chuyện Làng Nhô thứ hai.

Trước đây, đôi khi tôi có đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều, nhưng dường như ít có bài đọc trọn vẹn. Thơ Thiều thường rối rắm, tối thui về ngữ nghĩa. Một thứ thơ méo mó, đọc không để hiểu. Hôm rồi được mời đến dự buổi âm nhạc và thi ca ở gần thành phố tôi cư ngụ, thấy có bác nhà thơ cộng đồng khá quen, lên đọc bài thơ “Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” của Nguyễn Quang Thiều rất hùng hồn. Chẳng biết, có ai hiểu gì hay không, nhưng khán phòng cứ vỗ tay ầm ầm, khi bài thơ kết thúc. Lát sau, nhìn thấy tôi, bác đến chào. Tôi hỏi, sao bác không đọc thơ của mình, mà đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều vậy. Bác cười bảo, đọc thơ của mình nhiều rồi, hôm nay thay đổi không khí chút. Tôi rút tờ giấy in bài thơ còn găm trên túi áo của bác ấy, hỏi, thế bác có hiểu bài thơ này không. Bác nhà thơ này lắc đầu: Thấy mọi người khen hay thì đọc vậy thôi.

Thành thật mà nói, Nguyễn Quang Thiều có tài năng viết báo, viết văn thông tấn như đàn anh Trung tướng an ninh Nguyễn Hữu Ước, hoặc những tản văn trải thật lòng mình về đất và con người. Còn những cuốn sách tuyên truyền dạng Kẻ Ám Sát Cánh đồng dù có được công kênh, nhưng nó chỉ là những trang viết chết.
Và cũng như Phạm Ngọc Tiến đã bán linh hồn bằng thứ danh hão, Nguyễn Quang Thiều dù có ngoi lên giám đốc nhà xuất bản, hay Chủ tịch hội nhà văn đi chăng nữa, thì vết ô nhục Chuyện Làng Nhô không bao giờ rửa sạch.

Leipzig ngày 24-4-2017
Đỗ Trường
















Trí thức Trịnh Khải : quê quán Khả Phong, Kim Bảng Hà nam,
Giảng viên Phát dẫn điện tại Đại học Hàng hải Hải phòng.














Trở về



















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.