Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Nguyễn Quí Đức (1958-2023)











Nguyễn Quí Đức
(1958 - 2023)
thọ 65 tuổi

Nhà văn , Dịch giả, Phát thanh viên, Biên tập viên 









Nguyễn Quí Đức là phát thanh viên, nhà văn, biên tập viên và dịch giả người Mỹ gốc Việt.

Nguyễn Quí Đức chào đời tại Đà Lạt, Việt Nam Cộng hòa, ông sang Mỹ năm 1975 rồi về sau trở về sống ở Hà Nội vào mùa thu năm 2006.

Đức từng là nhà sản xuất đài phát thanh và nhà văn từ năm 1979, làm việc cho hãng BBC ở Luân Đôn và nhà đài KALW-FM tại San Francisco, đồng thời là bình luận viên cho National Public Radio. Ông hiện là người dẫn chương trình quốc gia Pacific Time của Đài phát thanh công cộng KQED-FM, về các vấn đề của người châu Á và người Mỹ gốc Á, từ năm 2000 đến năm 2006. Các bài xã luận của ông từng được đăng trên The Asian Wall Street Journal Weekly, The New York Times Magazine, The San Francisco Examiner, The San Jose Mercury News và các tờ báo khác. Ông còn đóng góp nhiều bài tiểu luận, bài thơ và truyện ngắn khác trên những tạp chí gồm City Lights Review, Salamander, Zyzzyva, Manoa Journal, Van, Van Hoc và Hop Luu, cũng như trong một số tuyển tập mang tên Under Western Eyes, Watermark và Veterans of War, Veterans of Peace.

Nguyễn Quí Đức là tác giả cuốn sách Tro tàn nơi đâu: Cuộc phiêu lưu của một gia đình Việt Nam, và là dịch giả bộ tiểu thuyết Phía sau màn sương đỏ của Hồ Anh Thái, (Curbstone Press, 1997). Ông cùng với John Balaban đồng chủ biên cuốn Việt Nam: Người bạn văn chương đồng hành của lữ khách (Whereabouts Press, 1995) và Ngày xửa ngày xưa, Trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt, (Andrews and McMeel, 1995). Bản dịch tập thơ Cây thời gian, thơ Hữu Thỉnh, (Curbstone Press, 2004), với George Evans, đã lọt vào vòng chung kết Giải Dịch Thuật năm 2004 của Hiệp hội Phê Bình Sách Bắc California.

Đức được trao Giải thưởng Xuất sắc của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại cho các bài phóng sự của ông từ Việt Nam cho NPR năm 1989, và vào năm 1994, ông là nghệ sĩ thường trú tại Villa Montalvo Estates for the Arts để rồi viết nên vở kịch Người lính tên Tony D. ngay tại đây, dựa trên truyện ngắn của Lê Minh Khuê, được Sân khấu EXIT dàn dựng vào năm 1995 ở Knuth Hall, San Francisco. Năm 2001, Nguyễn Quí Đức được A-Media vinh danh là Một trong 30 Người Mỹ gốc Á nổi bật nhất. Phim tài liệu của ông về giới trẻ Trung Quốc có tựa đề Đêm Thượng Hải, là một phần của sê-ri phim Frontline/World thuộc hãng PBS đã được Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại Hoa Kỳ trao Giải thưởng Edward R. Murrow về Phim tài liệu truyền hình xuất sắc năm 2004,[1] và cùng năm đó, ông còn nhận được học bổng cho những thành tích xuất sắc từ Quỹ Alexander Gerbode. Tháng 10 năm 2006, Hội Nhà báo Chuyên nghiệp đã trao Giải thưởng Công vụ Xuất sắc cho những đóng góp trong ngành báo chí của ông.
Ông qua đời tai Hà Nội ngày 22/11/2023
thọ 65 tuổi




Tham khảo


^ “OPC Awards Past Recipients | Overseas Press Club of America”. Opcofamerica.org. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2011.



Liên kết ngoài

Traffic in Viet Nam, câu chuyện hài hước
China: Shanghai Night, bài tường thuật
Behind the Red Mist, bài đánh giá NYT
Ngao Du, truyện ngắn bằng tiếng việt
Three Poems, bản dịch thơ Hữu Thỉnh
Viet Nam: Looking for Home, bài tường thuật




(Theo Wikipedia)














Tadixemay...
Nguyễn Xuân Bình


Có vẻ không chính xác lắm khi Huy Đức viết về Quý Đức là "Người Việt trầm lặng". (Huy Đức có định ám chỉ NQĐ cũng là một CIA như Pyle?)
Nguyễn Quý Đức cũng không chỉ là Người Mỹ trầm lặng. Thay vì Pyle, nếu Graham Green có Quý Đức, hẳn là The Quite Ameerican sẽ hoàn hảo hơn, cho dù nó từng được mệnh danh là tác phẩm TT hay nhất về chiến tranh VN?
Là người Việt, con trai một quan chức cao cấp nhất của VNCH bị CS bắt trong thảm sát Mậu Thân 68, trong một cuộc nội chiến ngu tối, thảm khốc nhất suốt 2000 năm lịch sử, bản thân đời sống của Nguyễn Quý Đức và một gia đình "Bên thua cuộc" đã là một chiến trường tang thương?
Vậy điều gì xui khiến, mở lối, dẫn dắt NQĐ- một người miền Nam, một công dân Mỹ vượt Bến Hải ( Hải- nơi tụ cư đông đúc, biển người), tự mình làm một nhịp Hiền Lương để... Bắc tiến?
Là người Mỹ, NQĐ không mang đến HN bom, đạn, B52.
Là người miền Nam thua cuộc, NQĐ không học cách của du kích, biệt động bắc cộng đánh bom cảm tử cho nhà.... Tần quyết sinh?
Là người sành chơi, với những thời trang đầy cá tính, độc nhất vô nhị, NQĐ biến cả giới tinh bông HN trở thành những người nhà quê nghèo khốn, thất học.
Là lữ khách mê xê dịch, sành ăn những món văn hoá, tinh thần Đông- Tây, NQĐ mở quán Tadioto, một phiên âm rất quậy, một phiên bản ngọt lừ của Anojimoto.
Là một nghệ nhân, đôi lúc tưởng chừng NQĐ còn là một bậc thầy về... phong thuỷ, trên lưng chừng núi cao Thiếu Tổ Sơn, NQĐ thiết kế một kiến trúc Việt thuần nhã. Nhà Tam Đảo ôm ấp, bao dung, độ lượng và cũng trấn yểm một góc nhà đá, nhà tù CS. Đôi lúc lánh xa Hà... nội, dạt về sơn cước, NQĐ thả bộ, dừng lặng trên suối sỏi trôi dạt, hội tụ trên mái nhà để ngưỡng vọng, cao vọng về trập trùng những nhịp núi rừng quê hương.
Là nghệ sỹ, lãng tử, NQĐ góp phần gây dựng Zone 9 thành một gallery, một Bảo tàng nghệ thuật đương đại đủ khiến chính quyền run sợ?
Là một văn nhân, ký giả giỏi 3 ngôn ngữ Việt- Anh- Pháp, nếu chú tâm viết, NQĐ có thể có một vị trí đáng nể trên văn đàn.
Là người thiện lành, KTS, trí thức tài hoa, người yêu nước Việt hiếm hoi, người độc hành xuyên qua rất nhiều nền văn hoá... , NQĐ quá xuất sắc khi đưa vào từng chi tiết deco nhỏ nhất trong Không Gian Nguyễn Quý Đức những phản biện chính trị, chống cộng thật sự dữ dội, bất ngờ, chưa từng.
Ai đó lướt qua có thể tưởng là NQĐ đang đùa nghịch, giễu cợt, bông lơn hay chỉ trích sâu cay...
Nhưng mọi câu chữ, vần thơ, bức tranh, điêu khắc, đêm nhạc... của NQĐ đều quá đẹp, tinh tế, sâu lắng. Cái đẹp ấy trở nên lấp lánh, lung linh hơn bởi hội tụ và toả sáng tinh thần khai sáng, khai minh. Chính cái đẹp diệu ảo đó đã giúp NQĐ có thể vượt qua mọi đau khổ, bi kịch, hận thù, u tối mà gần trăm triệu người V vẫn đang từng ngày chìm nghỉm trong nó?
Như một buông bỏ ngạo nghễ, đời sống NQĐ có thể trở thành một biểu tượng hoà giải, hoá giải những bi kịch lớn nhất, khốn nạn nhất, ô nhục nhất trong thời hậu chiến?
Đi nhé Tadixe... mây!




















VÔ THƯỜNG MÀ KHÔNG VÔ NGHĨA


Từ lúc nghe tin Nguyễn Quý Đức đã mạng chung, tôi choáng váng và thấm thía hơn câu nói gần như là cửa miệng của thiên hạ, rằng “Đời thật vô thường”. Nhưng cũng thấm thía hơn, rằng ừ thì vô thường, nhưng Đời không vô nghĩa.
Biết Đức từ mấy năm cuối cùng của thế kỷ trước, ở thành phố Nữu Ước, khi cùng nhau khởi xướng một chương trình truyền hình mà Đức đặt tên là Vietnam Broadcasting Network (VBN), theo đặt hàng của một hãng truyền hình kỹ thuật số trong mạng lưới Direct TV, phát sóng qua vệ tinh, nhắm vào cộng đồng người Việt Nam ở khu vực Bắc Mỹ. Gọi là cùng nhau khởi xướng, nhưng Direct TV, biết Đức là một cây bút văn chương đã có tiếng ở Mỹ, mà lại từng làm biên tập phát thanh cho đài BBC Việt ngữ, nên mời Đức giúp tổ chức và vận hành chương trình tiếng Việt cho họ. Rồi chắc là biết tôi từng làm phát thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam, đang ở Nữu Ước, lại đang thất nghiệp, nên Đức đã chủ động mời tôi tham gia. Một người thuộc bên thua cuộc trong cuộc chiến Việt Nam như Đức, mà lại rủ một người có tai tiếng từng làm phát thanh tâm lý chiến cho bên thắng cuộc như tôi, vào một dự án truyền hình giải trí thương mại của một công ty Mỹ, thì cũng là một sự lạ. Tôi có nói với Đức về sự lạ khó giải thích ấy. Đức bảo “Em viết và làm phát thanh chỉ vì yêu đời, yêu cái đẹp; và em biết anh cũng vậy, nên mới mời anh. Nếu phát thanh tuyên truyền chính trị thì không còn là việc của anh em mình nữa…”
Đức thua tôi đúng 10 năm tuổi, và tôi thì đã một vợ hai con, nên Đức luôn thưa anh xưng em với tôi. Đức cũng rất biết rằng thị hiếu của Đức và tôi có nhiều cái khác nhau, nên trong giao tiếp chúng tôi luôn giữ ý, một cách tự nhiên, không làm phiền nhau vì những khác biệt có phần sâu kín ấy.
Chúng tôi chỉ làm VBN được hơn nửa năm. Là người chịu trách nhiệm về nội dung chương trình 30 phút một ngày, phát sóng suốt 24/7, Đức đã mời được cả Trưởng phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước lên chương trình của VBN kêu gọi kiều bào ủng hộ quê hương trong mùa bão lụt hồi đó. Cả tôi và Đức đều biết rằng VBN khó lòng thành công về thương mại khi Hà Nội bắt đầu có VTV4 phát miễn phí qua vệ tinh sang tận Bắc Mỹ. Cái khiến cho hơn 6 tháng làm việc với nhau trở nên đáng quý và có ý nghĩa nhất là Đức là thành một người em đặc biệt của tôi, và tôi cũng thành một người anh đặc biệt của Đức. Mỗi lần ăn cơm ở nhà nhau là một lần chúng tôi cảm mến nhau hơn. Tôi có ký hoạ chân dung Đức vài lần, may còn giữ được một bức vẽ bằng than liễu mà các bạn thấy kèm theo đây. Đức thường bảo “Mỗi lần đến anh thích nhất là lại được thấy tranh anh mới vẽ…” Nhiều bạn chung của chúng tôi, từ phóng viên báo chí, biên tập xuất bản, hoạ sỹ… cho đến những nhân vật mà chúng tôi thường nói riêng với nhau là ‘thiên tài còn đang trong cảnh ‘rồng cuộn ngủ chờ thời dưới đáy biển’, đã khiến cho những cuộc gặp nhau ở nhà Đức và nhà tôi thành những kỷ niệm không thể nào quên. Đã có lần tôi tưởng mình sẽ chết vì quá liều “cỏ” cùng với hội rồng cuộn ấy, chỉ vì hút gần hết điếu cuốn vẫn chả thấy phê phang gì, tôi bèn vê tay một cuộn trò bằng đầu ngón tay cái, rồi nhai nuốt!
Lạ nữa là: từ những ngày ấy, với cách ăn nói cư xử của Đức, tôi đã thấy Đức rất thích làm chủ một quán nhậu cho giới văn nghệ. Và Đức đã từng thổ lộ rằng “em thích làm một cái như kiểu của Rick ở Casablanca…” Và những năm Đức về Hà Nội đã chứng tỏ cảm nhận của tôi là đúng.
Ở VBN còn có một nhà báo chuyên nghiệp nữa cũng tên là Đức (tôi xin chưa kể về anh ở đây), học nghề báo ở Mỹ, sau thời VBN cũng đã về Hà Nội thăm tôi và Quý Đức mấy lần. Anh Đức này có lần nói với tôi rằng “Quý Đức nó làm quán bận thế chả viết gì được mấy nữa, đáng tiếc…” Tôi có bênh rằng “Văn chương có thể vô ngôn mà anh…” Tôi thì luôn mừng khi thấy Đức vui với cuộc sống kiểu Tadioto, rồi căn nhà trên Tam Đảo, với những chuyến đi Casablanca mà Đức hay nói thành “đi Morocco” của mình.
Một lần đang chờ ấm cà phê Kenya pour-over ở góc ngõ Yên Ninh, có một cháu gái mạnh khoẻ tháo vát thời hiện đại đến bắt chuyện bằng cách tự giới thiệu là “cháu làm việc với anh Nguyễn Quý Đức…” À mà không phải chỉ có một lần ấy. Những gặp gỡ ngẫu nhiên khiến tôi thấy yêu em Quý Đức của mình thật nhiều. Vỡ nhẽ thêm rằng tình yêu cuộc sống, yêu con người chính là cái khiến cho cuộc vô thường của mình có ý nghĩa, và đáng tận hưởng. Vẻ đẹp của vô thường là ở trong cái khí sáng của tình yêu do chính mình phát ra. Mọi ý nghĩa đều do mình gán cho vô thường mà có.
Hoá ra lần gặp Quý Đức ở The Muse Art Space hôm 10 January 2022, khi Đức ghé xem tranh của tôi bầy ở đó, là lần cuối cùng anh em gặp nhau ở cõi này. Lúc ấy Đức 64, tôi đã 74 (tuổi tây). Mà tính cách chúng tôi vẫn chả khác gì thời 1998-99, khi Đức mới qua tuổi 40, tôi qua tuổi 50. Đức vẫn phát âm thận trọng, giọng nhẹ nhàng, với vẻ mỉm cười như tự giễu nhại mình hoặc cái gì đó, mọi thứ mặc trên người vẫn được lựa chọn cẩn thận mà vẫn ra chiều cẩu thả. Tôi thì vẫn đồ bình dân mua siêu thị, và chỉ hỏi những chuyện anh em có thể có hứng nói với nhau.
Chao ơi, nhưng khi nghe tin Đức ra đi, tôi cứ kệ cho mình khóc thầm một mình trong đêm ấy. Anh yêu quý em lắm, Đức ơi. Ừ thì vô thường, nhưng em là một người biết khiến cho cuộc vô thường ấy có nghĩa và đáng ân hưởng.
Anh sẽ không đến chỗ đông người để tưởng nhớ em đâu. Em biết tính anh rồi.






Trịnh Lữ ghi



















Nguyễn Quí Đức & Trinh Lữ








































Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.