Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Huyền Kiêu (1916 - 1995)

 









Huyền Kiêu
Bùi Lão Kiều 
(1916 - 1995)
hưởng thọ 80t

Nhà Thơ







Tiểu sử sơ lược

Huyền Kiêu sinh năm Bính Thìn (1916) tại Hà Tây, nhưng cư ngụ ở Hà Nội.
Vào những năm 40 của thế kỷ 20, ông viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo ở Hà Nội, và nổi tiếng từ đó.
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp (1945 - 1954), ông tản cư ra chiến khu, công tác ở chi hội Văn nghệ Liên khu III.
Sau hiệp định Genève (1954), ông hồi cư về Hà Nội, công tác ở tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đến năm 1975.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và mất ở nơi đó vào ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), thọ 80 tuổi.





Tác phẩm




Tác phẩm của Huyền Kiêu, gồm:
Hồ Chí Minh, tinh hoa dân tộc 
(trường ca, 1944).



1
Sang xuân
Thơ 1960





2
Mùa cày
(thơ, 1965)





3
Bầu trời
(thơ 1976)





Ngoài ra, ông còn dịch tiểu thuyết 
Gió Đông, gió Tây của Pearl S. Buck (Nhà xuất bản Hàn Mặc-1945; 1964 in lại).




Thơ Huyền Kiêu

Nhìn chung, những bài thơ hay của Huyền Kiêu đều là thơ buồn. Ở đây, giới thiệu hai bài thơ đã từng được thi sĩ Đinh Hùng và nhiều người yêu thơ khen ngợi:



Tình sầu

Xuân hồng có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi hoa ngát cài đầu
Đi hái phù dung trong nội.

Hè đỏ có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn thắm quàng đầu
Đi giặt tơ vàng trong suối!

Thu biếc có chàng tới hỏi:
- Em thơ chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi.

Đông xám có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã nghỉ trong hầm mộ lạnh...

Hà Nội, mùa thu 1938





Tương biệt dạ

Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Vương vấn người đi với kẻ về.

Ngồi suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vầng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?

Đã tắt lò hương lạnh phím đàn
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
Trời cao, mây nhạt, ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, Anh biết đâu? [1]

Hà Nội mùa xuân 1939




Bạch âu

Ta có lan Bạch âu
Cánh trắng như mưa tuyết
Nhị loé đốm trăng vàng
Hương trời chưa kẻ biết

Mấy ông sành nghề lan
Toàn loại người hiểu biết
Tới ngắm lá nhung xanh
Lật thân màu tím biếc
Khúc khích bấm nhau cười
Giống thài lài, to khiếp

Ta thưa: Vâng, thài lài
Vốn loài cây thuốc vặt
Tôi đâu có chơi lan
Chỉ trồng cây, chữa mắt

Than ôi lan Bạch âu
Hay thài lài, ai biết
Chất cỏ và chất lan
Lẽ đâu - không khác biệt?

1974






Ý xuân

Lòng anh vô cớ nhớ xa khơi
giữa lúc mùa hoa lộng lẫy tươi
Anh bỏ nhà đi khi nắng xuống
Bước chân lưu lạc nước non người.

Rộn sắc hồ xa tơ liễu xanh
Chim ơi thôi chớ hót trên cành
Lòng ta tan tác vì xuân đấy
Như hoa hồng tan cánh mỏng manh

Cây cỏ vì ai đã đượm màu
Vì ai mây thắm nước sông sâu?
Vì ai loài bướm bay vơ vẩn
trời đất vì ai đẹp cũng sầu

Này trông đồi núi ngẩn ngơ thương
Buồn đã lây sang ý nụ hường
Ấy lúc đầy vơi lòng tưởng nhớ
Mùa xuân! Mùa xuân! Ôi mùi hương





Tự thán

Lâu rồi ngày sinh chẳng nhớ,
Tự nhiên bạn lại bắt khao.
Giật mình bấm tay tính thử,
Tuổi xuân qua tự lúc nào.

Tóc trên đầu hình muốn bạc,
Thẹn lòng tay vẫn trắng tay.
Sự nghiệp công danh đâu tá?!
Vợ con nheo nhóc một bầy.

Thôi thì lá xoài lá mít,
Cố làm cho bạn vui lòng.
Mặc ai nhà hàng quán nhậu,
Ta thì rượu nhạt thơ suông.

Bạn chê rượu nghèo không đến.
Mặc lòng ta uống với ta,
Uống mừng bốn mươi ba tuổi.
Ô hay ta vẫn chưa già!












Ngày Xưa Một Chuyện Tình Sầu 
Nhạc Phạm Duy; Thơ: Huyền Kiêu Ca sĩ: Duy Quang














Thông tin thêm


Lúc ở Hà Nội, Huyền Kiêu với thi sĩ Đinh Hùng vốn là bạn thân từ thuở nhỏ. Cho nên khi bắt đầu gia nhập làng báo, làng văn; cùng người bạn này, Huyền Kiêu sớm trở thành bạn thân thiết của Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách...

Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn, làm báo và phụ trách chương trình "Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài Gòn". Trong một lần trò chuyện với bạn (Quốc Nam) về những văn nhân thời tiền chiến, thi sĩ có nhắc đến hai bài thơ của Huyền Kiêu, đó là "Tình sầu" và "Tương biệt dạ". Và theo Đinh Hùng, thì câu thơ đầu của bài "Tương biệt dạ", là của nhà văn Thạch Lam.

Lược lại lời kể của thi sĩ Đinh Hùng:
Bên Hồ Tây, một đêm chớm thu năm Canh Thìn (1940), chúng tôi cùng kéo nhau ra vườn của Thạch Lam, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi...Một lát sau, Thế Lữ đã về nhà gần đấy rồi, quanh quẩn chỉ còn lại Huyền Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi. Đang buồn vì đôi bạn thân là Khái Hưng và Nhất Linh sắp sửa xa nhau, thì bỗng dưng Thạch Lam khơi mào bằng câu thơ: "Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề...", rồi xui Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!...Huyền Kiêu và tôi đều ngơ ngác, vì không hiểu sao hôm nay Thạch Lam lại nhiều... thi hứng đến thế.Suy nghĩ một hồi lâu, Huyền Kiêu nói:-Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ nhan đề "Tương biệt dạ". Hay, dở tùy nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi giục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký...Vậy là bài thơ "Tương biệt dạ", với đầy hình ảnh của Khái Hưng cùng Nhất Linh, đã được chính Thạch Lam mở đầu và do Huyền Kiêu sáng tác. Tình bạn thơ văn giữa chúng tôi thắm thiết là thế đó.Chỉ mấy tháng sau, bài thơ trên được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực văn đoàn tuyển in trong Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941, cùng với bài thơ "Bài ca man rợ" của Đinh Hùng. Đặc biệt, bài "Tương biệt dạ" còn được họa sĩ Đông Sơn (tức Nhất Linh) vẽ tranh minh họa.[2]

Còn bài thơ "Tình sầu" của ông cũng rất nổi tiếng. Trước 1975, nhà văn Viên Linh đã dùng câu Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi, làm nhan đề cho quyển tiểu thuyết của mình. Gần đây hơn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã dùng hai chữ Hạ đỏ làm tên cho một quyển tiểu truyết và còn trích dẫn mấy câu thơ đề ở bên trong. Ngoài ra, bài thơ này cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề "Ngày xưa một chuyện tình buồn" và nhạc sĩ Việt Dzũng phổ nhạc với tựa đề "Thu vàng có chàng tới hỏi".



Chú thích

 Mấy đoạn thơ trích chép theo quyển Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, do Nguyễn Hùng Trương (tức Giám đốc nhà sách Khai Trí, Sài Gòn) tuyển chọn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1998, tr. 144-145. Bạn đọc yêu thơ có thể tìm đọc trọn vẹn cả hai bài trên internet.









Huỳnh Duy Lộc 
Huyền Kiêu và “Tình sầu”


(Bài viết về nhà thơ Huyền Kiêu và bài thơ “Tình sầu” vào tháng 6 năm 2020 đã là cơ duyên để mình kết bạn với anh Bùi Khắc Gia và chị Bùi Suối Hoa. Những ngày gần đây, nhiều bạn đã chia sẻ lại bài thơ này)

Nhà thơ Huyền Kiêu tên thật là Bùi Lão Kiều, sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông, sinh sống ở Hà Nội. Những năm 1940, ông viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo ở Hà Nội. Ông là bạn thân từ thuở nhỏ của nhà thơ Đinh Hùng nên khi bắt đầu gia nhập làng báo, làng văn, đã có cơ duyên gặp gỡ và trở thành bạn thân của những nhà thơ, nhà văn như Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh…
Khi toàn quốc kháng chiến, ông tản cư ra chiến khu, công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu III. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, ông hồi cư về Hà Nội, công tác ở tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam đến năm 1975.
Năm 1954, nhà thơ Đinh Hùng di cư vào Nam, làm báo và phụ trách chương trình Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài gòn. Trong một lần trò chuyện với bạn văn về những văn nhân, thi sĩ thời tiền chiến, ông có nhắc tới hai bài thơ của Huyền Kiêu là “Tình sầu” và “Tương biệt dạ”.
Ngoài những bài thơ được Đinh Hùng nhắc đến, ông còn sáng tác vở kịch "Hừng đông Thăng Long" về cuộc đời Nguyễn Trãi được Văn Cao phổ nhạc và những bài thơ trong tập "Bầu trời" (không được phép phổ biến) nói về thực trạng của xã hội Việt Nam sau năm 1975. Năm 1976, ông vào sống ở Sài gòn và mất tại đây vào ngày 8 tháng 1 năm 1995 ở tuổi 80.
“Tương biệt dạ”, sáng tác vào năm 1939, là bài thơ về nỗi buồn khi chia tay người bạn thân là nhà văn Nhất Linh trong một đêm xuân “hiu hắt sương khuya lạnh bốn bề”, thẫn thờ chẳng biết nói gì với nhau, chỉ ngồi lặng im uống cạn những chén rượu ”ánh vầng trăng”.

Tương biệt dạ

Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Vương vấn người đi với kẻ về.

Ngồi suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vầng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?

Đã tắt lò hương lạnh phím đàn
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
Trời cao, mây nhạt, ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, Anh biết đâu? [1]

Hà Nội mùa xuân 1939

Bài thơ “Tình sầu” sáng tác vào năm 1938 nói về sự phù du của kiếp người: mùa xuân và mùa hạ, nàng thiếu nữ thơ ngây còn đi hái hoa phù dung trên đồng nội và cài hoa trắng trên mái tóc, giặt lụa bên bờ suối, nhưng khi mùa thu đến, nàng mang khăn trắng trên đầu, đi thơ thẩn trong núi vì tình duyên đã lỡ làng, rồi đến mùa đông, nàng đã ngủ yên dưới huyệt mộ phủ đầy hoa.
Tình sầu

Xuân hồng có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi hoa ngát cài đầu
Đi hái phù dung trong nội.

Hè đỏ có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn thắm quàng đầu
Đi giặt tơ vàng trong suối!

Thu biếc có chàng tới hỏi:
- Em thơ chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi.

Đông xám có chàng tới hỏi:
- Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã nghỉ trong hầm mộ lạnh...

Hà Nội, mùa thu 1938

Khi trở về nước sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, nhạc sĩ Phạm Duy đã có cảm xúc khi đọc lại bài thơ này của Huyền Kiêu và đã phổ nhạc thành ca khúc “Ngày xưa một chuyện tình sầu” (năm 2004).
Ca khúc “Ngày xưa một chuyện tình sầu” với giọng ca Duy Quang: https://youtu.be/3ErXi4M2u3M
Nhạc sĩ hải ngoại Việt Dzũng cũng phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc "Thu vàng, có chàng tới hỏi".
Ca khúc "Thu vàng, có chàng tới hỏi" với giọng ca Anh Dũng: https://youtu.be/9fWawWBuYgI


Chân dung họa sĩ Bùi Suối Hoa, ái nữ nhà thơ Huyền Kiêu: https://youtu.be/XKcVJPa3f2I
Ảnh: Chân dung nhà thơ Huyền Kiêu, với ái nữ Bùi Suối Hoa, với nhạc sĩ Văn Cao trong đêm diễn vở kịch “Hừng đông Thăng Long”, bản thảo bài thơ “Tương biệt dạ” và bản thảo bài thơ “Tình sầu”





































































Hai Cha Con
(Sài Gòn 1993)








Huyền Kiêu & Phu nhân (Nguyễn Thuý Ngân)







Hs Bùi Suối Hoa & Nt Huyền Kiêu



Thơ tặng con gái Suối Hoa

Vui lớn, cay cực lớn
Thế gian này thiếu đâu
Biển lặng thường ươm bão 
Quả ngon thường có sâu

Cốc rượu đời lắm vị
Cay ngọt hoà lẫn nhau
Những việc bằng hạt cát
Nghệ sỹ nào nhớ lâu

Tạo cái đẹp thật lớn
Làm say muôn đời sau

Sài gòn 1988









Huyền Kiêu & Ns Văn Cao đang xem 
vở kịch "' Hừng đông Thăng Long"   về cuộc đời Nguyễn Trãi được Văn Cao phổ nhạc
(Công diễn ba đêm xong bị cấm)














Trở về













MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.