Ngô Thế Vinh
(1941- ......) Thanh Hóa
Nhà văn, Bác sĩ y khoa
Cửu Long cạn dòng
Huntington Beach
17.6.2017
Huntington Beach
17.6.2017
Tiểu sử:
Ngô Thế Vinh, cũng là bút hiệu, chánh quán Hà Nội, sinh năm 1941 tại Thanh Hoá.
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1968.
Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967 [khi báo bị đình bản].
Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco.
Sau 1975, tù ba năm qua các trại tù cải tạo.
Tới Mỹ cuối 1983, bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh viện Đại học SUNY Dowstate Brooklyn, New York.
Tốt nghiệp ngành Nội khoa, bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện miền nam California.
NHỮNG NGÀY CHÂU THỔ
TRỞ LẠI THĂM ĐỒNG THÁP
NGÔ THẾ VINH
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Lời dẫn: đây chỉ là trích đoạn từ một bút ký về chuyến khảo sát Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 12.2017 vừa qua, Đồng Tháp cũng là chặng cuối của chuyến đi ấy.
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.
Hình 1: Đoàn khảo sát môi sinh ĐBSCL 12.2017, từ trái: Ngô Thế Vinh, TS Lê Anh Tuấn Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu ĐHCT, TS Dương Văn Ni Khoa Quản lý Tài Nguyên Thiên nhiên ĐHCT, KS Phạm Phan Long Hội Sinh Thái Việt, BS Nguyễn Văn Hưng, ThS Nguyễn Hữu Thiện Chuyên gia Vùng Đất Ngập / Wetlands, TS Lê Phát Quới Viện Tài Nguyên - Môi Trường ĐHQG Tp. HCM, và tài xế Sang.
Hình 2: Gò Tháp có khu di chỉ Ốc Eo và là chiến khu chống Pháp
của Thiên Hộ Dương, nay là khu di tích quốc gia đặc biệt.
(nguồn: Gò Tháp, Nxb Văn Hoá - Văn Nghệ, Saigon 2016)
Tới vùng trũng Đồng Tháp Mười không thể không nhớ tới một Du kí Biên khảo ngắn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê, năm đó ông mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Công Chánh Hà Nội tháng 7 năm 1934, người cán sự công chánh thời còn rất trẻ ấy đã chọn vào Nam tới nhiệm sở là Miền Tây, đi đo đạc “lênh đênh trên khắp các kinh rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa, có khi đi bộ trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau sậy bàng năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người”. (Nguyễn Hiến Lê sanh năm 1912 mất 1984, được biết tới như là một nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với hơn 100 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc rất nhiều thể loại).
Nguồn gốc tên Đồng Tháp Mười, Plaine des Joncs hay Đồng Cỏ Lát có nhiều giả thiết: hoặc là nơi xây tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương kể từ sông Lớn đi vào trong thời kỳ chống Pháp, hoặc do ngôi tháp có mười bậc, nhưng cũng có người bảo rằng đó là ngôi chùa tháp thứ mười của người Khmer thời vua Jayavarman VII tính từ điểm xuất phát.
Đồng Tháp Mười nằm bên tả ngạn Sông Tiền, bao gồm ba tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An với diện tích ngót một triệu hecta nếu kể cả vùng đất giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, [cộng với 300,000 hecta phía Svay Rieng bên Cambodia]. Đồng Tháp Mười, nơi mà hơn nửa thế kỷ trước đây thôi còn là một vùng hoang dã bát ngát sình lầy, dưới nước đỉa lội như bánh canh, trên trời muỗi bay rợp như đám mây... Đồng Tháp Mười ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, dân tụ về ngày một đông, các vùng đất hoang kể cả các khu rừng tràm ngày một thu hẹp nhường chỗ cho nhà cửa và ruộng đồng. Khi mà đất chật người đông thì thiên nhiên chẳng còn ưu đãi và cuộc sống cũng không còn dễ dàng như những ngày xưa nữa “những ngày làm chơi ăn thiệt”.
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm...
Đã qua rồi cái hình ảnh ước lệ của một Nam kỳ Lục Tỉnh thời Phạm Quỳnh báo Nam Phong và thi sĩ Tản Đà Đông Pháp Thời Báo từ ngoài Bắc vào thăm không ngớt lời ca ngợi về đời sống trong Nam dễ dãi vui tươi, với gạo trắng nước trong và tôm cá thì đầy đồng: nay thì chính những người nông dân Nam Bộ hào sảng hiếu khách ấy đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm lúa cao sản ba vụ / năm để kiếm sống, “làm thiệt mà cũng chưa chắc có ăn”.
Trở lại thăm Đồng Tháp, cũng không thể không nhớ tới con cá đuối nước mặn Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn mà ngư dân đánh bắt được trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền rất xa biển mười ngày trước Giáng Sinh năm 2000. (2)
ĐẾN VỚI GÒ THÁP TRÊN VÙNG TRŨNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên vốn là hai vùng trũng thiên nhiên của ĐBSCL. Theo bài viết " Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười" của BS Trần Ngươn Phiêu thì vùng trũng Đồng Tháp Mười có thể là lòng sông cũ của Cửu Long, nay sông Cửu đã đổi dòng và dời qua vị trí hiện nay. (3) Biển Hồ Tonle Sap là vùng trũng rộng lớn khác được ví như trái tim của Cambodia. Ba vùng trũng ấy là ba bể chứa nước khổng lồ có chức năng điều hoà mực nước lên xuống của con Sông Mekong vùng hạ lưu trong cả hai Mùa Mưa và Mùa Khô. Với những bước phát triển không bền vững (unsustainable development) chính con người đã và đang phá huỷ nhịp điều hoà thiên nhiên tuyệt hảo ấy của con Sông Mekong vốn có hàng bao ngàn năm.
Đến Gò Tháp là đến với một giồng lớn nhất của Đồng Tháp Mười, được biết tới như vùng đất của "sen hồng" nằm về phía đông nam của Tràm chim Tam Nông, cách Sài Gòn không quá 100 km. Nơi có di chỉ của nền văn hoá Óc Eo, Vương Quốc Phù Nam hiện diện từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên kéo dài tới thế kỷ XII sau CN trên ĐBSCL.
Trong lòng gò, qua những lần khai quật đã phát hiện được một di tích kiến trúc cổ với hai tượng thần Vishnu, được xác định là có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII, được xếp vào hàng "Bảo vật Quốc gia", rồi cạnh đó là cây Trôm trăm tuổi cũng được xếp vào Cây Di sản Việt Nam.
Cũng theo BS Trần Ngươn Phiêu thì "Các nhà khảo cổ danh tiếng như Etienne Aymonier và Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đều đã viếng thăm Tháp Mười nhiều lần. [Trường Viễn Đông Bác Cổ / École française d'Extrême-Orient / EFEO, tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương có từ năm 1898 và Trường Viễn Đông Bác Cổ chính thức thành lập ngày 20 tháng 1 năm 1900 là một trung tâm nghiên cứu thực địa của Pháp về Đông phương học, có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương]. Louis Malleret là quản thủ Viện Bảo Tàng Sài Gòn, là Viện trưởng trường Viễn Đông Bác Cổ là người có công nghiên cứu nhiều nhất về Tháp Mười. Malleret còn là tác giả bộ Le Delta du Mekong, trong đó quyển thứ IV (Le Cisbassac) là chuyên khảo về Đồng Tháp. Các viên gạch di tích Tháp Mười còn được lưu giữ ở Bảo tàng viện Sài Gòn là do công của L. Malleret." (3)
Hình 3: Khai quật tượng thần Vishnu tại Gò Tháp Mười.
[nguồn: tư liệu Bảo tàng Đồng Tháp]
Hình 4: Di tích đền thần Shiva Gò Minh Sư: Gò Minh Sư được khai quật vào năm 2009 có dạng hai khối gần vuông gá vào nhau. Trong đó, hình khối vuông lớn ở phía Tây có cạnh dài14.95m, khối vuông nhỏ phía Đông có cạnh dài 4.20m. Tại di tích này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nhẫn vàng có khắc hình con ốc Sankha biểu tượng của thần Vishnu, các vòng đeo tay bằng đồng, một mảnh vỡ Yoni và đặc biệt là một máng nước thiêng (Somasutra) - dấu hiệu để nhận biết đền thần Shiva. Các nhà khảo cổ học đã xác định di tích này là đền thần Shiva, có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XII. Năm 2012, di tích được xây mái để bảo quản. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Hình 5, trái: cây Trôm Trăm Tuổi - Sterculia foetida L., [nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016]. phải: bảng ghi nhận là cây Di Sản Việt Nam.
Hình 6: Có truyền thuyết cho rằng trên con đường bôn ba đầy gian truân khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã mất một người em gái tại đây, cô chết thời còn rất trẻ và người dân nhớ thương lập miếu lập mộ thờ và nay vẫn còn ngôi cổ mộ Hoàng Cô. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Vào hậu bán thế kỷ XIX (1862-1866), đây cũng là chiến khu chống Pháp nổi tiếng của Thiên Hộ Dương / Võ Duy Dương. Trong suốt hơn 3 năm, quân đội Pháp đã vô cùng vất vả, chịu cả tổn thất mà không thể nào xâm nhập được vào chiến khu Đồng Tháp Mười của Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều. Ngoài sức chiến đấu kiên cường của các nghĩa binh, còn phải kể tới yếu tố trận địa mà đội quân viễn chinh Pháp rất sợ khi phải lội vào một vùng lau sậy cao hơn đầu người, quanh năm sình lầy ngay cả mùa khô, với đỉa trâu như bánh canh, đầy muỗi mòng, khí hậu ẩm thấp với cái nóng thiêu đốt của mặt trời nhiệt đới gần xích đạo. Sau cùng, nhờ có sự dẫn đường hai tên Quản Tấn và huyện Lộc cùng với đám lính Việt theo Pháp mà lần đầu tiên quân Pháp thắng được trận chiến sình lầy mà Đô đốc De Lagrandière cho là một thắng lợi rất lớn về chính trị. (1)
Hình 7, trái: Đền thờ Thiên Hộ Dương là công trình kiến trúc mới xây sau này [Photo by Ngô Thế Vinh], phải: Tượng đồng Thiên Hộ Dương [nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016]
Từ thời vua Thiệu Trị (1841-1847) trên gò từng có một Ngôi Tháp Cổ Tự. Đến năm 1956, thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chính quyền Ngô Đình Diệm cho dời ngôi Tháp Cổ Tự về phía bắc để xây dựng một "Viễn Vọng Đài" mười tầng cao 36 mét nhằm "quan sát hoạt động của lực lượng Cách mạng trong vùng Đồng Tháp Mười. Rạng sáng ngày 04.01.1960, "Viễn Vọng Đài" bị đặc công tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong đánh sập và chỉ còn lại phế tích ngổn ngang trên bề mặt gò." [sic]
Gò Tháp với diện tích 300 hecta, không chỉ là vùng khai quật khảo cổ quan trọng, nhưng cũng là nơi diễn ra các lễ hội hàng năm: rằm tháng 3 lễ vía Bà Chúa Xứ, rằm tháng 11 lễ giỗ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều.
Hình 8, trái: Viễn Vọng Đài hay còn gọi là Tháp Mười Tầng, được chính phủ VNCH thời TT Ngô Đình Diệm dựng tại Gò Tháp làm trạm quan sát. [nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016]. Phải: bảng Di Tích Gò Tháp, có ghi ngày 04.01.1960 Viễn Vọng Đài bị đánh sập, nhưng trên bản viết tay bên trên bài thơ Dân Đồng Tháp ghi ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm thì ghi là ngày 20.12.1959 [Photo by Ngô Thế Vinh]
HỆ SINH THÁI ĐỒNG THÁP MƯỜI
Không có mục đích du lịch khi tới đây, phần chúng tôi quan tâm nhiều hơn là hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, tốt nghiệp Đại học Wisconsin chuyên gia về wetlands / các vùng đất sình lầy và TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia về Biến Đổi Khí hậu, TS Lê Phát Quới, Viện Tài Nguyên - Môi Trường người quê Long An, thì Gò Tháp không trũng sâu như vùng Tràm Chim Tam Nông nhưng có thể coi đây là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, mang đủ các đặc tính hệ sinh thái của vùng trũng Đồng Tháp Mười, có thảm thực vật tiêu biểu với rừng tràm, cỏ lác, năng, và đầm sen, bông điên điển, cùng với các loài động vật rất đa dạng những loài cá theo mùa, tôm cua ốc, rùa lươn rắn và các loại chim muông.
Hình 9, từ trái: Th.S Nguyễn Hữu Thiện, TS Lê Anh Tuấn, TS Lê Phát Quới, TS Dương Văn Ni (hình dưới), Trong chuyến đi ĐBSCL lần này, chúng tôi có những người bạn đồng hành khá lý tưởng, thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn, các anh là "kho chất sám" đang có những nỗ lực cứu nguy con Sông Mekong và ĐBSCL, với tầm nhìn xa ra toàn vùng và điều đáng ghi nhận là tiếng nói của các anh đang bắt đầu được lắng nghe. Dự trù ban đầu, đoàn có thêm TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Nông Học ĐHCT nhưng anh phải đi tham dự một hội nghị lúa gạo tại Chiang Mai, Thái Lan. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Từ bao ngàn năm rồi, con sông Mekong dài hơn 4,800 km bắt nguồn từ xứ tuyết Tây Tạng, với ngót nửa chiều dài chảy qua Vân Nam TQ, xuống tới Thái Lào rồi chảy qua Cambodia, khi tới Phnom Penh thì chia ra là 4 Nhánh (người Pháp gọi là Quatre Bras / Bốn Cánh Tay): cánh tay thứ nhất là Mekong Thượng hay dòng chính sông Mekong chảy từ Lào vào Cam Bốt, cánh tay thứ hai con sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ và hai nhánh kia là Sông Mekong Hạ vào Việt Nam trở thành Sông Tiền, Sông Bassac trở thành Sông Hậu khi tới Việt Nam. (2)
Điều hoà mực nước Sông Mekong vùng hạ lưu là ba hồ chứa nước lớn: Biển Hồ ở Cambodia có dung lượng 80 tỉ m3, ĐBSCL có vùng trũng Đồng Tháp Mười với sức chứa 10 tỉ m3 nước và khu Tứ Giác Long Xuyên có sức chứa 9.2 tỉ m3 [Cánh đồng Tứ Giác Long Xuyên nối liền với cánh đồng Takeo bên Cambodia về mặt thuỷ văn]. Vào Mùa Mưa, khi lưu lượng nước Sông Mekong dâng cao, về phía Cambodia con Sông Tonle Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ khiến diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần vào Mùa Mưa so với Mùa Khô.
Khi xuống tới ĐBSCL, nước hai con Sông Tiền và Sông Hậu dâng cao và rồi tràn bờ như một tấm thảm nước đổ tràn / sheet flow - "vừa chảy vừa chứa" vào hai vùng trũng thiên nhiên khổng lồ là Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên. Không chỉ có lượng nước tràn bờ từ hai con Sông Tiền và Sông Hậu, còn phải kể tới lượng nước tràn từ biên giới Cambodia qua ĐBSCL, do nước khúc Sông Mekong bên Cambodia cũng tràn bờ đổ vào các cánh đồng lũ / floodplain đổ tràn qua Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.
Chính là nhờ có 3 hồ chứa lớn: một ở Cambodia, hai ở ĐBSCL Việt Nam khiến hai con Sông Tiền và Sông Hậu vào Mùa Mưa, cho dù lưu lượng dòng chảy rất lớn từ 36,000 m3/ giây, có khi tới 39,000 m3/ giây nhưng mực nước hai con sông vẫn chỉ dâng lên từ từ, không đột ngột gây lụt và tàn phá khủng khiếp như ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, và cư dân Miền Tây quen gọi đó là Mùa Nước Nổi hàng năm và họ có kinh nghiệm chung sống hài hoà biết xem lũ như một tài nguyên.
Sang Mùa Khô, con Sông Tonle Sap lại đổi chiều chảy xuôi dòng [Tonle Sap là con sông duy nhất có đặc tính chảy hai chiều theo mùa]; dòng chảy từ Biển Hồ kéo theo bao nhiêu tấn cá xuống ĐBSCLvà đồng thời nước từ hai túi chứa Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên cũng bắt đầu rỉ rả đổ ra các con sông, kéo dài từ 2 tới 4 tháng khiến ruộng đồng không thiếu nước và không bị ngập mặn.
Nhưng rồi sự điều hoà nhịp nhàng và kỳ diệu ấy của hệ sinh thái Sông Mekong đã phải chịu nhiều "nhân tai", đang bị chính con người phá huỷ: từ những con đập thuỷ điện khổng lồ chắn ngang dòng chính Sông Mekong ở thượng nguồn, trước tiên là Trung Quốc và nay tới Lào, các hồ chứa của
những con đập này không chỉ giữ nước mà còn ngăn chặn nguồn phù sa; Biển Hồ thì đang bị thu hẹp và cạn dần; hai túi nước khổng lồ Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên với tổng cộng dung lượng ngót 20 tỉ m3 cũng đang bị thu nhỏ lại do đắp đê ngăn đập để làm lúa 3 vụ và mở rộng các khu gia cư.
Hình 10: Vùng Lụt Cambodia và Đồng Bằng Sông Cửu Long
[nguồn: Akira Yamashita, Department of Environment and Natural Resources Management, Cần Thơ University, Vietnam]
Nói về hướng đi trong tương lai cho Đồng Tháp Mười, Th.S Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia Vùng Đất Ngập / Wetlands đưa ra một phân tích:
"Bản thân những con đê không sao cả, nhưng đê khép kín không cho nước vào quanh năm để canh tác liên tục 3 vụ mới là vấn đề. Lý tưởng nhứt là giảm xuống còn 2 vụ, để cho nước trong mùa lũ có thể tràn đồng được, mang theo phù sa, tôm cá, làm tươi mới lại đất đai. Nhưng mà việc này khó vì khi người dân ở trong đê bao 25 năm thì nhà cửa, mồ mả, vườn tược đều xây dưới thấp trong vùng trũng, nên bây giờ xả lũ vào không được nữa. Thực tế là khi mới có đê bao khép kín ở Đồng Tháp Mười, người dân thích lắm vì có thêm thu nhập, có môi trường khô ráo, có đê làm đường giao thông thuận tiện, cá mắm thì vẫn còn, nước vẫn còn. Sau đó, khoảng 10 năm mới thấy chi phí canh tác tăng lên do dinh dưỡng trong đất bắt đầu suy kiệt, vẫn chưa sao. Sau 15 năm thấy chi phí tăng, nước ô nhiễm quá, cá mắm không còn, cũng chưa sao. Sau 20 năm thì thấy không ổn, chi phí canh tác đã đuổi theo gần bằng thu nhập từ lúa. Một gia đình 5 người canh tác 1 hecta lúa 3 vụ không thể đủ sống (trước đây canh tác 2 vụ sống được), phải bỏ nhà cửa đi Bình Dương, ra các thành phố kiếm kế sinh nhai. Bây giờ nhiều người sống trong đê lâu năm đã thấy vấn đề, muốn xả lũ vào lấy phù sa lại, nhưng không được. Một ô đê bao như vậy từ 100-500 hecta tức là có khoảng 100-500 gia đình. Muốn xả lũ vào thì phải “trưng cầu dân ý”, nhưng không thể đồng thuận được xả lũ vào lại sẽ thiệt hại nhà cửa, mồ mả, vườn tược như đã nói ở trên. The point of no return!"
Th.S Nguyễn Hữu Thiện còn đưa ra những con số cụ thể để giải thích thêm:
"Hiện nay ở một số ô đê bao, người ta xả lũ luân phiên, cứ 3 năm xả vào một lần, tức là thay vì 3 năm 9 vụ, người ta làm 3 năm 8 vụ, nghỉ một vụ. Nhưng xả lũ kiểu này là chỉ cho nước vào vài tấc vào cuối mùa nên chỉ có tác dụng rửa bớt độc chất chứ không mang vào được phù sa, trứng cá, mà môi trường ô nhiễm bên trong ô đê bao cá cũng khó sống. Canh tác thâm canh hại ghê lắm, bây giờ sông ngòi đâu ai dám tắm, bơi lội nữa, ngứa lắm. Ở nông thôn miền sông nước Cửu Long bây giờ cũng toàn xài nước ngầm. Cả đồng bằng này, có khoảng 1 triệu giếng khoan, mỗi ngày rút lên khoảng 2 triệu mét khối nước ngầm, dùng cho công nghiệp, thủy sản, sinh hoạt, đủ thứ, vậy nên đồng bằng đang bị sụt lún, chìm xuống nhanh gấp 10 lần nước biển dâng. Với lại, bây giờ người dân đã phụ thuộc vào thu nhập từ lúa vụ ba, bỏ một vụ người dân không biết làm gì để có thu nhập. Cho nên dù biết cứ tiếp tục ba vụ thì càng không ổn về lâu dài, nhưng muốn bỏ bớt vụ ba, chuyển đổi ngược lại thì phải dần dần chứ không đột ngột được. Giải quyết chuyện này thì cần nhà nước mới làm được. Chuyện đầu tiên là phải chuyển hướng nông nghiệp, không tiếp tục đổ tiền của vào thúc đẩy hướng thâm canh nữa mà đầu tư vào nông nghiệp sạch hơn, tăng giá trị nông sản, đầu tư tạo việc làm trong ngành chế biến thì dần dần mới giảm số vụ được.
Bây giờ nhà nước đã nhận ra vấn đề rồi. Gần đây đã có Nghị quyết về chuyện bỏ chạy theo sản lượng mà tập trung vào chất lượng nông nghiệp, nhưng quá trình chuyển hướng này chắc phải 10 năm mới xong. Tạm thời chỉ hy vọng diện tích lúa ba vụ không tăng nữa là tốt lắm rồi, từ từ tính tiếp."
Khó có thể tưởng tượng được là hiện nay "diện tích phần nguyên sinh Đồng Tháp Mười" chỉ còn lại khoảng 2%. Sự can thiệp của con người vào hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long xuyên bất kể hậu quả, đã làm mất nguồn nước dự trữ cho mùa khô nơi ĐBSCL và cũng có nghĩa là vắt cạn kiệt tài nguyên môi sinh Đồng Tháp Mười không thể nào phục hồi lại.
Cư dân ĐBSCL đang phải trả giá cho những bước phát triển huỷ hoại ấy (destructive development). Phục hồi nguyên trạng hệ sinh thái Sông Mekong và ĐBSCL gần như là không thể được, nhưng phải biết dừng lại những bước sai lầm để giới hạn tổn thất /damage control và không làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã bi đát như hiện nay. Vấn đề là làm sao tạo được ý thức nơi người nông dân, và cả với giới chức quyền đa số đến từ Miền Bắc phải hiểu thế nào là phát triển bền vững (sustainaible development). Để hướng tới những bước phát triển hài hoà cho toàn vùng ĐBSCL thay vì phát triển tự phát và cục bộ, điều ấy đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn thuyết phục và cả thời gian.
*
TS Dương Văn Ni người nhỏ nhắn có nét thuần chất của một nông dân, với đôi chân từng lội ruộng dính phèn. Năm 9 tuổi đã phải xa gia đình, Tết Mậu Thân, Ni còn là một cậu bé đi rao bán bánh mì kiếm sống. Ni đã thoát ra khỏi cảnh nghèo bằng cắp sách tới trường đi học. Với kiến thức anh thu thập được từ các đại học tiên tiến [anh có bằng MS tại Philippines, rồi Ph.D ở Anh], anh Ni và các bạn đi với chúng tôi ngày hôm nay đang là bước tiếp nối thế hệ bậc thầy Phạm Hoàng Hộ, thầy Nguyễn Duy Xuân và rồi tới thế hệ Võ Tòng Xuân về sau này. Trong cố gắng bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, các anh còn có nỗ lực kích hoạt quá khứ ấy và làm sao kết nối với đời sống hiện tại. Anh Ni lúc nào cũng đau đáu nghĩ tới thực trạng cuộc sống của bà con nông dân cũng là phần đời của anh trong đó.
Đến bên một đầm sen, anh Ni giải thích: "Sen là loại cây phổ biến ở Việt Nam, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Lợi ích của cây sen được mọi người biết tới: từ hoa, hạt, tim sen, ngó sen, lá sen đều có công dụng và ăn được; ngay cả cọng sen đem gọt phần vỏ nhám đem muối dưa ăn cũng rất ngon và dòn, ngon hơn cả rau muống. Duy có tơ sen lấy từ cọng sen là chưa được khai thác đúng mức tuy mới đây đã có một cô doanh nhân trẻ từ Sài Gòn bắt đầu đi vào thử nghiệm khai thác."
Hình 11:Cánh đồng sen Đồng Tháp đang mùa trổ hoa. [photo by Dương Văn Ni]
Hình 12: lá sen non làm rau và dùng lá sen cuốn gỏi cá, hạt sen rang (thay vì đậu phọng rang) là những món ăn quen thuộc của cư dân Đồng Tháp. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Hình 13, trái: TS Dương Văn Ni đang giảng về cây cỏ Đồng Tháp, từ công dụng làm thuốc của cây cỏ bắc sao thổ nay làm trà; tới lợi ích của cây sen: từ hoa, hạt, tim sen, ngó sen, lá sen đều có công dụng và ăn được; ngay cả cọng sen đem gọt phần vỏ nhám đem muối dưa ăn cũng rất dòn, và ngon hơn cả rau muống. Duy có tơ sen là chưa được khai thác đúng mức. Phải: KS Phạm Phan Long, Hội Sinh Thái Việt đang học rút tơ sen từ một cọng sen. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Hình 14, trái: những sợi tơ sen rất mịn rút ra từ một cọng sen; phải: người phụ nữ Myanmar đang dệt lụa sen. [nguồn: tư liệu Dương Văn Ni]
Theo TS Lê Anh Tuấn, loại lụa đặc biệt làm từ tơ sen không phải là mới với một số quốc gia Đông Nam Á. Đó là một nghề truyền thống có từ cả trăm năm nơi ngôi làng Paw Khon, Miến Điện. Lụa này được dệt từ những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen, tuy là sản phẩm hiếm và đắt giá nhưng rất thu hút du khách. Một chiếc khăn san dệt bằng tơ sen có giá thành đắt hơn lụa / silk có thể lên đến 100 USD. [vnexpress.net] (4)
Mới đây 2009, một doanh nhân trẻ người Pháp Awen Delaval, đã lập một Công ty thời trang làm lụa từ tơ sen ở tỉnh Siêm Riệp, nơi có khu đền đài Angkor. Đây là một ngành tiểu công nghệ đòi hỏi nhiều công đoạn và rất tốn thời gian: để dệt được 1 mét lụa sen, phải cần khoảng 15.000 cọng sen để kéo được 3.000m sợi chỉ sen. Giá thành sản phẩm từ lụa sen rất cao như một chiếc áo làm từ lụa sen có giá 2.000 USD, một chiếc váy có giá lên tới 4.000 USD nhưng vẫn có người tìm mua. Do mức sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, công ty của Awen Delaval đã phải lập riêng một nông trại sen với diện tích 20 hecta, để có thêm nguyên liệu cọng sen mở rộng sản xuất. [vtv.vn/kinh-te] (4)
Nguyên liệu sen thì Đồng Tháp không hề thiếu, chỉ cần giới doanh nhân trẻ dám mạnh dạn đầu tư và đem lại công ăn việc làm cho bao cô gái Đồng Tháp, hay các cô gái Miền Tây nói chung, thay vì bỏ mặc họ phải bỏ quê lên thành phố kiếm sống hay phải chọn đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan và mới đây nhiều hơn, đang được khuyến khích là kết hôn với đám công nhân Tàu đang làm việc ở Việt Nam, hợp pháp hay không. Mong rằng tấn thảm kịch bị Hán hoá / Sinicization như quốc gia Tây Tạng không diễn ra ở ĐBSCL vào những thập niên tới. Người Tây Tạng ngày nay đã trở thành thiểu số trên chính quê hương họ.
ĐẾN VỚI NHỮNG KHỐI ĐÁ LÃNG QUÊN
Rải rác trên nền lá khô, dưới các tầng cây cao không thể không chú ý tới những khối đá tảng, có hình như những khối vuông hình cột. Theo anh Võ Tấn Nghĩa người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, thì đây là những khối đá có gốc gác từ nền văn hoá Phù Nam hơn 1,500 năm trước, nguyên là chiếc cổng bằng đá đi vào Đền Thần Shiva; do một trận đại hồng thuỷ vào Thế kỷ thứ VII, bị đổ sập một số trôi dạt xuống đây. [sic]
Nhìn kỹ trên mặt đá, có chút tò mò mới thấy được những nét chữ khác nhau khắc trên mặt đá, và có lẽ chỉ mới đây thôi - từ thế kỷ trước, nay đã lu mờ do sức tàn phá của những trận mưa acid và sức bào mòn của thời gian. TS Lê Phát Quới trong nhóm tìm đọc và chụp hình với ống kính zoom những bài thơ rải rác trên mặt đá. Mấy dòng thơ cảm khái anh Quới đọc mà tôi còn nhớ được, có tựa đề Đồng Tháp Mười, không ghi ngày tháng, tác giả thì khuyết danh
Còn non còn nước còn ta
Non mòn biển cạn lòng ta vẫn đầy
Hình 15: theo anh Nghĩa, người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, thì đây là một trong những tảng đá từ cổng vào Đền Thần Shiva có gốc gác từ nền văn hoá Phù Nam từ hơn 1500 năm, bị ngã đổ và trôi dạt sau một trận đại hồng thuỷ vào Thế kỷ thứ VII. Các bài thơ và bàn cờ tướng khắc trên đá chỉ mới có từ thế kỷ XX về sau này. Từ phải: anh Nghĩa Gò Tháp, TS Lê Phát Quới Viện Tài Nguyên - Môi Trường ĐHQG Tp. HCM, TS Lê Anh Tuấn Viện Biến Đổi Khí hậu ĐH Cần Thơ. [Photo by Ngô Thế Vinh]
THÊM MỘT BÀI THƠ KHÁC TRÊN ĐÁ, GÒ THÁP 1956
Trên mặt bằng phẳng một khối đá khác, tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc được một dòng chữ tương đối còn rõ nét: Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống và đó cũng là câu đầu của một bài thơ mộc mạc nhưng cảm động ghi lại chuyến viếng thăm Đồng Tháp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 13 tháng 7 năm 1956 tức năm Bính Thân.
Anh Nghĩa người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, tuổi chừng 40 có dáng vẻ đôn hậu của người dân Nam Bộ, khi TT Ngô Đình Diệm tới đây thì anh chưa sinh ra, anh nói lại như một cổ tích: "Tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm tới đây khánh thành một công trình tỉnh Đồng Tháp, có tới ngồi đây đánh cờ, ăn chén bắp xôi, uống ly rượu nghĩa tình với dân Đồng Tháp." [sic]
Chúng tôi cùng nhau phải vừa đọc vừa đoán, dù hết sức tập trung, cũng vẫn là câu được câu mất. Hơn 60 năm rồi còn gì, liên tục phơi mình trong những cơn mưa lũ trong cái nóng ẩm miền nhiệt đới, những khối sa thạch ấy đang bị bào mòn theo thời gian.
Khi hỏi, mới được biết bài thơ khắc trên đá ấy không có trong cuốn sách Gò Tháp (3) vừa tái bản nhưng anh Nghĩa cũng đã ghi lại bài thơ bằng máy đánh chữ rồi được lưu trong máy như tài liệu riêng. Chúng tôi yêu cầu có bài thơ ấy và anh Nghĩa hứa là sẽ gửi cho chúng tôi.
Và rồi ba ngày sau, trước khi rời Sài Gòn, tôi đã được anh Nghĩa Gò Tháp gửi qua điện thư cho một bản chụp và dưới đây là nguyên vẹn bài thơ dân Đồng Tháp ghi ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm khắc trên đá.
Hình 16: bài thơ toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống được khắc trên một tảng đá vào ngày 13.7.1956, nay đã phai mờ, ít ai chú ý và gần như bị lãng quên không bị đập phá, có thể là do bản tính hiếu hòa của dân Nam Bộ. [Photo by Ngô Thế Vinh]
Nơi đầu trang toàn bài thơ là ba dòng chữ viết tay:
Hình 17: bài thơ Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống
[nguồn: tư liệu của anh Nghĩa Gò Tháp]
Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống
Ngàn năm một thuở, vùng chính khí in bước Ngô chí sĩ
Quan san cách trở viếng cảnh người xưa suối vàng chắc hẳn
Tổng Đốc Binh Kiều. Tất* dạ khuây, cho hay, nhân sinh
tự cổ thuỳ vô tử, tử ư quốc sự, tử cương thường.
Hết viếng người xưa, đến viếng dân,
Toàn dân Đồng Tháp đến tri ân, thương người lận đận
vì non nước, ký thác cuộc đời cho núi sông.
Nơi đây 13/7 năm Bính Thân " 1956 "
Tổng Thống ăn ngồi chung với dân,
Xếp bằng mặt đất bên chén bắp sôi,
Chai rượu nếp, tình người cao cả rộng bao la.
Đại tá Văn Là tường thuật sự,
Tháp mười đô thị thành hồng khách,
Báo quốc vong thân độc nhất quân,
Gẫm chuyện cổ kim chưa từng có,
Gò Tháp chốn nầy tạt* đá ghi.
Gò tháp ngày 14/7 năm Bính Thân 1956.
Một giải phóng quân Đồng Tháp đã khổ
mới chịu khổ để cứu khổ kẻ khác
Viết theo trên tản* đá còn lại ở nền Tháp Mười tầng.
Một trang sử đã qua đi, không luận tới chuyện thành bại, ngậm ngùi để thấy rằng Miền Nam, Châu Á đã mất đi một khuôn mặt lãnh đạo "nhân cách."
NGÔ THẾ VINH
Đồng Tháp Mười 12.2017
* Ghi chú của người viết: vẫn giữ nguyên các từ ngữ "địch, ta" và những đánh vần sai chánh tả từ bản gốc.
Tham khảo:
1/ Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Nxb Nguyễn Hiến Lê, Saigon 1954
2/ Ngô Thế Vinh, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng.
Nxb Văn Nghệ California 2000
3/ Trần Ngươn Phiêu. Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười. Amarillo, Texas 2006. [tư liệu Ngô Thế Vinh]. Diễn Đàn Thế Kỷ 6.12.2010
4/ Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016
5/ Lụa dệt từ sợi tơ sen khá phổ biến ở Myanmar và Cambodia:
Tác phẩm mới:
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Đây là một công trình mang tính "hợp tuyển tác giả / anthology" vừa công phu vừa mang tính sử học của nhà văn Ngô Thế Vinh. Với chân dung mười sáu văn nghệ sĩ và hai nhà văn hóa được giới thiệu trong sách là những nhân vật lừng danh trong nền văn học miền Nam Việt Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau này. Qua công trình này, bạn đọc sẽ "gặp" những khuôn mặt tiêu biểu, những người đã có những đóng góp mang tính định hình cho 20 năm văn học miền Nam 1954-1975. Công trình này, tự nó, là một đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhằm gìn giữ những tinh hoa của văn học nghệ thuật miền Nam cho các thế hệ mai sau.
Mẫu bìa Hoàng Ngọc Biên
Nxb Việt Ecology Press
ISBN ấn bản màu: 978-1976114472; đen trắng: 978-1978108042
Phát hành tháng 10, 2017
www.amazon.com, Việt Ecology Press, các hiệu sách
Liên lạc: vietecologypress@gmail.com
Sách Chân Dung VHNT & VH đã được listed trên Amazon cho độc giả pre-order
Tiếng Việt
Mây Bão (Nxb Sông Mã Sài Gòn 1963, Nxb Văn Nghệ California 1993), Bóng Đêm (Nxb Khai Trí Sài Gòn 1964), Gió Mùa (Nxb Sông Mã Sài Gòn 1965), Vòng Đai Xanh (Nxb Thái Độ Sài Gòn 1971, Nxb Văn Nghệ California 1987), Mặt Trận ở Sài Gòn (Nxb Văn Nghệ California 1996), Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (Nxb Văn Nghệ California 2000, Nxb Văn Nghệ California tái bản 2001, Việt Ecology Press & Giấy Vụn VN tái bản 2014), Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (Nxb Văn Nghệ Mới California 2007, Nxb Văn Nghệ Mới tái bản 2007, Nxb Giấy Vụn VN tái bản 2012), Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (Nxb Văn Nghệ Mới 2007, Việt Ecology Press & Nxb Nhân Ảnh 2017).
Tiếng Anh
The Green Belt (Ivy House 2004), The Battle of Saigon (Xlibris 2005), Mekong The Occluding River (iUniverse, Inc. 2010), The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil (Việt Ecology Press & Nxb Giấy Vụn 2016).
Bài viết mới nhất
NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2017 VỚI CHỦ ĐỀ NƯỚC THẢI
ĐI THĂM KHU NHÀ MÁY XỬ LÝ NƯỚC THẢI
VÀ HỆ THỒNG BỔ SUNG TẦNG NƯỚC NGẦM TẠI QUẬN CAM
Gửi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam
Gửi Nhóm bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2017
Cách đây 24 năm, kể từ 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 22 tháng 3 mỗi năm là Ngày Nước Thế Giới / World Water Day, do sáng kiến từ Hội nghị Môi Sinh và Phát Triển/ United Nations Conference on Environment and Development/ UNCED tại Rio de Janeiro, Brazil [1992].
Hình 2a: Logo Ngày Nước Thế giới 2017
Có thể nói, nước là biểu hiện của sự sống, vì thế mỗi khi tìm ra tín hiệu có nước trên một vì tinh tú xa xôi thì các nhà khoa học thiên văn đã lạc quan cho rằng có thể có sự sống và sinh vật ở trên đó. Trái đất này sẽ là một hành tinh chết nếu không có nước. Nhưng trước mắt, thiếu nước đang là một vấn nạn ngày càng trầm trọng của thế giới chúng ta đang sống hiện nay.
Ngày Nước Thế Giới, như cơ hội để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng của nguồn nước ngọt / freshwater và cùng nhau vận động hỗ trợ cho những phương cách quản lý bền vững các nguồn nước ấy.
Mỗi năm Liên Hiệp Quốc đều chọn ra một “chủ đề” cho Ngày Nước Thế Giới để tập trung vận động qua những cuộc hội thảo, qua các phương tiện truyền thông và giáo dục xoay quanh chủ đề này.
Hình 2b: Ngày Nước Thế giới 2017 với slogan, Chuyển Nước thải thành một nguồn Trù phú.
Ngày Nước Thế Giới 2017 năm nay với chủ đề: Nước Thải / Waste Water nhằm kêu gọi các cộng đồng cư dân tái sử dụng nước thải và tiết kiệm nguồn nước. Với những nhận định:
1) Trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả ra môi trường thiên nhiên mà không qua xử lý và không được tái sử dụng.
2) Hiện có 1.8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn và sốt bại liệt / polio... khiến cho 842,000 người chết mỗi năm.
3) Thống kê cũng cho thấy, hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
4) Đến năm 2050, sẽ có 70% dân số thế giới rời vùng thôn quê lên sống trong các đô thị. Con số này hiện nay là 50%.
Hầu hết những thành phố ở các quốc gia đang phát triển không có đủ cơ sở hạ tầng và tài nguyên để giải quyết vấn đề nước thải một cách hiệu quả và bền vững.
5) Có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước thải. Nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn tài nguyên nước, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững.
6) Chi phí cho quản lý nước thải không đáng kể so với các lợi ích lớn lao về sức khoẻ, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại cơ hội tạo ra nhiều việc làm "xanh" cho xã hội.
HỆ THỐNG NHÀ MÁY TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI QUẬN CAM
Trùng hợp với chủ đề "Nước Thải" của Ngày Nước Thế giới năm nay 2017,
chúng tôi thực hiện chuyến đi thăm khu Nhà máy Xử lý Nước Thải / Waste Water Treatment Plant và Hệ thống Bổ sung Tầng Nước ngầm / Groundwater Replenishment System (GWRS) của Quận Cam. Là một hệ thống kết hợp của hai nhà máy:
- Cục Vệ Sinh Quận Cam / Orange County Sanitation District (OCSD) và
- Thuỷ Cục Quận Cam / Orange County Water District (OSWD)
Đây là một hệ thống thanh lọc "nước thải / waste water" tiên tiến và có tầm vóc thế giới để tái tạo một nguồn nước đủ sạch nhằm bổ sung và bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước uống cho 3 triệu cư dân Quận Cam kể cả trong thời gian tiểu bang California bị hạn hán / drought.
Hoạt động từ 2008, dự án được mở rộng để đến 2015, nhà máy đã sản xuất được 100 triệu gallon nước sạch mỗi ngày [100 MGD/ Million Gallon Day tương đương với 378,000 mét khối] và dự trù trong một tương lai gần, nhà máy có khả năng sẽ tăng tới 130 MGD (492,000 mét khối / ngày).
BÊN LỀ MỘT ẤN TƯỢNG TIÊU CỰC
Được chấp thuận cho cuộc viếng thăm khu hai Nhà máy Xử lý Nước thải / Waste Water Treatment Plant và Hệ thống Bổ sung Nguồn Nước ngầm Groundwater Replenishment System / GWRS từ một tuần lễ trước, và đúng ngày giờ hẹn chúng tôi được cô Becky Mudd người điều hợp giao tế cộng đồng của nhà máy đón tiếp.
Nhóm gồm có ba người: Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh và một bạn Nguyễn Đăng Anh Thi từ Vancouver, Canada. Ban đầu, do nghĩ rằng đoàn thăm viếng là người Việt, có thể có vấn đề hàng rào ngôn ngữ, cô Becky trấn an chúng tôi là sẽ có một kỹ sư người Việt Nam tháp tùng. Anh ấy là kỹ sư IT tuổi mới ngoài 40, tiếng Việt tiếng Anh lưu loát. Trước khi vào phòng thuyết trình, anh nói riêng với chúng tôi bằng tiếng Việt rằng một ngày trước đó, đã có một đoàn hơn 20 người từ Việt Nam tới tham quan, họ đã để lại một ấn tượng xấu: họ nói chuyện rất ồn ào, gọi cell phone trong phòng hội và chẳng quan tâm gì tới buổi briefing và suốt cả cuộc viếng thăm...
HAI KHU NHÀ MÁY MỘT NGÀY THĂM VIẾNG
Cô Becky đưa chúng tôi vào phòng thuyết trình giới thiệu lịch sử khu nhà máy với slide show, và trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh trước buổi đi tham quan. Do thấy đoàn không cần có một thông dịch, anh kỹ sư trẻ gốc Việt vui vẻ chụp hình đoàn ba người chúng tôi và sau đó xin rút lui.
BỐI CẢNH ĐỊA DƯ NHÂN VĂN
Quận Cam với 3 triệu dân nằm trong vùng bán sa mạc khô hạn, lượng nước mưa trung bình chỉ có 355 millimet / năm (14-inch / năm), tuy quận hạt nằm trên một bể chứa nước ngầm rộng lớn có khả năng cung cấp tới 75% nguồn nước có thể uống được cho cư dân; nhưng tầng nước ngầm này không phải là vô hạn cho dù vẫn được bổ sung nước từ nguồn nước mưa [rất ít hàng năm], nước từ con Sông Santa Ana, và cả nguồn nước được nhập từ xa như Sông Colorado, Sông Sacramento-San Joaquin [nguồn nước nhập từ xa ngày càng bị cắt giảm, và di chuyển từ xa thất thoát và tốn kém]. Trước thách đố khó khăn như thế, từ rất sớm giới lãnh đạo Quận Cam một có tầm nhìn xa / vision đã lập ra dự án Water Factory 1, mô hình khảo sát quy trình và kỹ thuật thanh lọc nước thải suốt trong 10 năm, đạt được tiêu chuẩn an toàn và tin cậy để tiến đến dự án Hệ thống Bổ sung Tầng Nước ngầm / GWRS từ nguồn nước phế thải từ trong chính Quận Cam.
Do tính cách tiên phong và ứng dụng kỹ thuật cao, khu nhà máy Dự án GWRS đã được trao tặng 40 giải thưởng, trong đó phải kể tới 3 giải quan trọng:
1. "Dự án Tái sử dụng Nước Năm 2008 của tiểu bang California" / Recycled Water Project of the Year 2008" của American Society of Civil Engineers (ASCE).
2. "Dự án khái niệm và kỹ thuật cao năm 2009" / Grand Conceptor Award Engineering Excellence in the 2009 của American Council of Engineering Companies (ACEC)
3. "Dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của thế kỷ" hay "Dự án Công chánh quan trọng của thế kỷ"/ Major Civil Engineering Project Centenary Award của International Federation of Consulting Engineers (Fédération Internationale des Ingénieurs-Conseils; FIDIC) năm 2013.
Ra khỏi phòng thuyết trình, chúng tôi mỗi người được phát nón nhựa cứng an toàn và chiếc áo bảo hộ lao động, trước khi cùng với cô Becky khởi đầu cuộc lội bộ nhiều giờ để đi thăm viếng nhà máy. Một chuyến đi học hỏi được những điều mới kỳ thú.
Hình 3: Hình ảnh 3D hai khu nhà máy [1] Cục Vệ Sinh Quận Cam / OCSD, với trọng trách xử lý nguồn nước thải [2] Thuỷ Cục Quận Cam với Hệ thống Bổ sung Tầng Nước Ngầm / GWRS được coi như tiên phong và hiện đại nhất thế giới.
BƯỚC I: KHU NHÀ MÁY CỤC VỆ SINH QUẬN CAM
Để có một ý niệm về "chu kỳ kín" đưa tới Hệ thống Bổ sung Tầng Nước Ngầm / GWRS, cả buổi sáng chúng tôi đi thăm khu nhà máy nước thải của Cục Vệ Sinh Quận Cam nằm ngay trong thành phố Fountain Valley trên đường Ellis.
Rất vắn tắt, tất cả nước thải trong Quận Cam được một hệ thống ống dẫn đưa về đây để được trải qua 3 giai đoạn tiền thanh lọc / pre-purification:
1/ Xử lý Sơ Bộ / Preliminary Treatment hay sàng lọc: loại bỏ các tạp chất kích thước lớn bằng lưới thép và sau đó vật thải được đưa chôn ở các bãi rác.
2/ Xử Lý Chính/ Primary Treatment: sau giai đoạn 1, nước được đưa vào các bể lắng / clarifiers khổng lồ để cho các chất rắn kể cả các tạp chất hữu cơ lắng xuống đáy. Các chất dầu mỡ nổi trên mặt cũng được tách ra ở đây. Các chất thải này sau đó được đưa vào các bể đun nóng / digesters.
3/ Xử Lý Thứ Cấp / Secondary Treatment hay còn được gọi là xử lý phụ: nhằm loại bỏ các chất hữu cơ hoà tan / dissolved organic matter qua các bước kỹ thuật khác với bùn hoạt tính / sludge process, lưới lọc nhỏ giọt / trickling filters, và cả sử dụng các quy trình sinh học / biological activity để phân giải và loại hết các tạp chất hữu cơ hoà tan.
Hình 4: Nơi cổng vào của OCSD / Orange County Sanitation District, như một landmark của California (trái); cùng với đoàn đi thăm Orange County Sanitation District, có những sinh viên Khoa Môi trường từ Đại học University of Irvine, California (phải).
Hình 5: bên chân toà tháp lọc khổng lồ với lưới lọc nhỏ giọt / trickling filters của OCSD / Orange County Sanitation District, từ trái: Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh.
Qua cả 3 giai đoạn, nước đã được làm sạch tại Khu Vệ Sinh Quận Cam / OCSD; và có hai tình huống: một phần nước được đưa qua ống dẫn, xả ra Thái Bình Dương; một phần được chuyển tới khu Nhà Máy Nước Quận Cam / OCWD để được thanh lọc qua Hệ thống nhà máy Bổ sung Tầng Nước Ngầm / GWRS. Đây mới thực sự là điểm độc đáo được coi như Dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của thế kỷ mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và muốn đề cập tới.
BƯỚC II: HỆ THỐNG BỔ SUNG TẦNG NƯỚC NGẦM / GWRS
GWRS / Groundwater Replenisment System được coi là khu nhà máy tiên phong tiên tiến nhất thế giới trong việc thanh lọc tái sử dụng nguồn nước thải trở đề thành nguồn nước uống được.
Vắn tắt, sau khi nước thải đã được xử lý tại Khu nhà máy Vệ Sinh Quận Cam / OCSD, nguồn nước ấy được đưa về Nhà Máy Nước Quận Cam / OCWD nơi có Hệ thống nhà máy Bổ sung Tầng Nước Ngầm / GWRS.
Hình 6: Nơi phòng thuyết trình trước khi đi thăm khu nhà máy Hệ thống Bổ sung Nguồn Nước Ngầm / GWRS Quận Cam, Nam California 24.07.2017, từ trái Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh, một bạn trẻ Nguyễn Đăng Anh Thi từ Vancouver, Canada.
Nước từ Khu nhà máy Vệ Sinh Quận Cam / OCSD khi đến Hệ thống nhà máy Bổ sung Tầng Nước Ngầm / GWRS phải đi qua thêm một số quy trình thanh lọc khe khắt nữa:
1/ Giai đoạn Vi lọc / Microfiltration trong chân không / vacuum qua các ống sợi polypropylene với lỗ cực nhỏ khoảng 0.2 micron có khả năng và rất hiệu quả để loại bỏ các hạt ô nhiễm cực nhỏ, protozoa, bacteria và một số virus ở trong nước.
2/ Giai đoạn Thẩm Thấu Ngược / Reverse Osmosis: sau vi lọc, nguồn nước này được thanh lọc tiếp qua kỹ thuật Thẩm Thấu Ngược / Reverse Osmosis qua các màng semipermeable polyamide, mục đích loại đi muối hoà tan, virus, hoá chất hữu cơ / organic chemicals và dược chất / pharmaceuticals.
[chú thích: thẩm thấu ngược là hiện tượng nước thấm ngược từ bên đậm đặc sang bên loãng của màng thấm do áp suất từ máy bơm].
Do acid sulfuric cần được dùng trong giai đoạn thẩm thấu ngược / RO để giữ hiệu quả của màng thẩm thấu nhưng lại tạo ra nhiều khí carbon dioxide làm nước bị acid-hoá. Chất khí carbon dioxide thặng dư được loại bỏ qua phương pháp đuổi khí / air stripping, đó là cho nước chảy trên mặt rộng để tiếp xúc với không khí, nhả carbon dioxide và giảm độ acid của nước.
3/ Giai đoạn Tia cực tím/ Ultraviolet Light: sau Vi Lọc và Thẩm Thấu Ngược, nước lại được tiếp cận với nguồn tia cực tím/ Ultraviolet Light cực mạnh cùng với chất Hydrogen peroxide nồng độ rất cao để khử trùng toàn nguồn nước.
4/ Giai đoạn Hậu Xử lý / Lime Post Treatment là bước thanh lọc sau cùng cho hoà nước với chất vôi bột ngậm nước/ hydrated lime in powder trong bể chứa, chất cationic polymers được thêm vào để tăng độ lắng của các phân tử chưa hoà tan. Độ pH nước của GWRS được giữ trong giới hạn từ 6 tới 9 để nguồn nước ấy không quá acid có thể ăn mòn các ống dẫn. Nguồn nước ra tinh khiết tới nỗi cần phải được bổ sung một số khoáng chất để làm ổn định (không đói chất khoáng) trước khi đưa vào đường dẫn phân phối nước.
Hình 7a: KS Phạm Phan Long, công ty Moraes-Phạm & Associates đã tham dự một phần công trình xây dựng nhà máy GWRS, hình chụp 2007 khi công trình sắp tới giai đoạn hoàn tất. [nguồn: tư liệu Việt Ecology Foundation]
Hình 7b: Cũng tại địa điểm này 10 năm sau 2017, một khu nhà máy có tầm vóc thế giới / World class cả về cơ sở hạ tầng / infrastructure và bảo vệ môi trường miền Nam California.
Nguồn nước tinh khiết 100 triệu gallon / ngày [MGD] ấy đi về đâu?
- Rào Chắn Mặn / Salt Intrusion Barrier: 30% nước từ GWRS bơm thẳng tới Rào Chắn Mặn Duyên Hải / Salt Intrusion Barrier gần khu bờ biển Huntington Beach tạo ra một "rào chắn thuỷ lực / hydraulic barrier" để đẩy ngược nước biển trở lại đại dương, giữ cho bể nước ngầm không bị mặn xâm nhập / salt intrusion. Độ an toàn tin cậy đạt tới 100% qua theo dõi nhiều năm từ nhà máy thử nghiệm tiên phong WF 21 / pilot testing WF 21.
- Các Hồ Thấm Nước Trong Đất Liền / Inland Spreading and Percolation Basins: nguồn nước quá tinh khiết được thanh lọc từ nước thải khi đưa vào các bể chứa Quận Cam, có thể gây ra hiện tượng thoát chất arsenic từ tầng đất sét lắng / clay sediments trong khi nước thanh lọc tự nhiên thì không. Do đó, 70 triệu gallon/ngày nước tinh chế từ nước thải của GWRS được pha trộn với nguồn nước nhập hay nước mưa / import or stormwater với tỉ lệ 75 / 25 phần trăm [%] trước khi được nạp lại vào nguồn nước ngầm qua các bể chứa thấm nước: (1) bể chứa Kreamer 12 hecta với lượng nước dung nạp / recharge 43 triệu m3 / năm; (2) bể chứa Miller 10 hecta với lượng nước dung nạp 23.4 triệu m3 / năm; (3) bể chứa Miraloma mới nhất 5 hecta với lượng nước dung nạp 36 triệu m3 / năm. Nguồn nước của GWRS được đưa tới 3 bể chứa bằng đường ống dẫn có đường kính 1.5 mét dài 20 km có khả năng cung cấp 302,000 m3 nước mỗi ngày.
LỢI ÍCH VÀ CHI PHÍ CỦA DỰ ÁN GWRS
Sau 10 năm hoạt động, GWRS đã chứng tỏ đem lại những lợi ích thiết thực:
1/ Cung cấp một nguồn nước tinh khiết gần như nước cất / near-distilled quality water có chất lượng đáng tin cậy ngay cả trong mùa khô hạn.
2/ Tạo được một chiến lược an ninh nước hiệu quả có ưu thế hơn, chỉ tốn 1/2 so với nguồn nước nhập từ xa, và 1/3 so với chi phí lọc nước biển.
3/ Cung cấp một biện pháp bảo vệ phòng ngừa trong trường hợp có biến thiên đáng kể về nguồn nước nhập / imported water.
4/ Tạo được một rào chắn thuỷ lực / hydraulic barrier để ngăn chặn nước biển xâm nhập vào các bể nước uống.
5/ Nạp lại nguồn nước ngầm và cả giảm thiểu tình trạng bơm lấy nước quá mức.
6/ Cải thiện chất lượng nước trong hồ chứa. Giảm lượng nước thải sau xử lý đổ vào đại dương và được đưa vào tái sử dụng có ích.
7/ Giảm được nhu cầu nhập nước từ xa với giá thành trên nguồn nước cung cấp rẻ hơn nguồn nước nhập.
Hình 8: trái, một tiếp đón bất ngờ của ban lãnh đạo nhà máy dành cho KS Phạm Phan Long, người thiết kế toàn bộ phần giải nhiệt / HVAC nhà máy GWRS từ hơn 10 năm trước, từ trái Phạm Phan Long, John Kennedy Giám đốc nhà máy, Becky Mudd, Ngô Thế Vinh; phải, công ty Moraes Phạm & Associates của KS Phạm Phan Long cũng nhận được phần giải thưởng về "Dự án Tái sử dụng Nước Năm 2008 của tiểu bang California" của Hiệp Hội Kỹ sư Công Chánh Hoa Kỳ / (ASCE).
Hình 9: Kết thúc ngày thăm viếng: từ phải Nguyễn Đăng Anh Thi, Becky Mudd, Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh.
GIẢI QUYẾT CƠN KHÁT TỪ NƯỚC THẢI
Thử tưởng tượng những gallons nước thải từ nhà hàng quen thuộc Song Long trên đường Bolsa, gồm những mảnh thức ăn dư thừa và cặn bã từ các khu nhà vệ sinh mỗi ngày đều đặn được thu vào hệ thống ống dẫn Quận Cam để đưa về hai khu nhà máy OCSD và GWRS nằm rất yên tĩnh ngay trong thị xã Fountain Valley thu gọn mình giữa 3 con đường: Ellis Ave, Ward St, Garfield Ave và con Sông Santa Ana, những gallons nước thải từ nhà hàng Song Long ấy nhập với toàn nguồn nước thải của Quận Cam, để rồi sau đó là trải qua những bước thanh lọc, và cả kiểm tra gay gắt cho tới giai đoạn cuối với thành phẩm là nước rất tinh khiết.
Ở một ngày rất nóng như hôm nay và đang giữa cơn khát, chúng tôi có thể tới một vòi nước trong nhà máy ở khâu cuối của một chu kỳ thanh lọc kín: đưa tay ra hứng một ly nước mát tinh khiết như nước cất / distilled water và uống ngon lành; nhưng nếu quá giàu tượng tượng thì có người tự hỏi trong ly nước mát ấy liệu có giọt nước nào là từ nước thải của nhà hàng Song Long?
Để toàn thể cư dân Quận Cam đi tới chấp nhận sử dụng trực tiếp nguồn nước uống từ nước thải vẫn còn cần một thời gian. Ly nước mà chúng tôi uống hôm nay là trực tiếp từ nguồn nước thải. Nhưng khách viếng nếu còn ở tuổi vị thành niên thì vẫn cần có phép của bố mẹ cho uống ly nước từ vòi nước ấy. Và cho tới nay, 70 % nguồn nước tinh khiết từ GWRS vẫn phải hoà với nguồn nước nhập hay mưa thiên nhiên để đưa về chuỗi hồ chứa cho thấm xuống tầng nước ngầm như theo một quy trình tự nhiên đã có từ trước.
Hình 10: từ phải, Phạm Phan Long, Ngô Thế Vinh, và Nguyễn Đăng Anh Thi từ Vancouver, trong cơn khát đã cùng uống ly nước mát tinh khiết trực tiếp được thanh lọc từ nguồn nước thải thuộc khu vực Quận Cam. [nguồn: photo by Becky Mudd]
MỘT NGÀY NƯỚC SẠCH CHO VIỆT NAM
Tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước thải biến thành nước uống đang là một khuynh hướng toàn cầu. Còn Việt Nam hiện nay thì sao?
Trích dẫn từ Báo cáo Hiện Trạng Môi Trường Quốc Gia 2016. Chuyên Đề: Môi Trường Đô Thị của Bộ Tài Nguyên Môi Trường, xuất bản ở Hà Nội:
"Theo số liệu thống kê năm 2015, trong tổng số 787 đô thị trên cả nước có 42 đô thị có công trình Xử Lý Nước Thải đạt tiêu chuẩn quy định đạt 5,3%." (tr.53). Nghĩa là có đến 94,7% nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn. Điều này giải thích vì sao: "Nước mặt ở các sông, hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm do tiếp nhận chất thải từ các hoạt động phát triển đô thị, khả năng tự làm sạch thấp, nhiều hồ đã trở thành nơi chứa nước thải của các khu vực xung quanh. Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải tạo nhưng ô nhiễm nước mặt tại các khu vực này vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị hiện nay." (tr.58).
Đó là báo cáo chính thức và mới nhất của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường của nhà nước CS Việt Nam. Với bao nhiêu thảm trạng về môi trường nước từ khắp các ao hồ, sông, biển... xảy ra thường xuyên tới nỗi "như chuyện thường ngày ở huyện", tin tức trên báo chí không còn gây chấn động hay xúc cảm nơi người dân ngoài phản ứng im lặng cam chịu.
Trong khi trên giấy tờ, trên chính sách về "môi trường nước" thì vẫn không thiếu, vẫn rổn rảng những khẩu hiệu như Quyết định 22.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ: "Định hướng Phát triển cấp nước đô thị tới năm 2020", nhưng giữa nói và làm của nhà nước CS Việt Nam như từ bao giờ, vẫn còn là một khoảng cách của một đại dương.
Nếu nói lãnh đạo là tiên liệu, thì ngay như từ quy mô rất nhỏ như Quận Cam, từ mấy thập niên trước họ đã tiên liệu và có mối quan tâm rất sớm về nguy cơ thiếu nước, khai thác quá mức làm suy sụp trữ lượng tầng nước ngầm, để rồi ngày nay GWRS / Hệ thống Bổ sung Nguồn Nước ngầm đã trở thành một hiện thực, bảo đảm cung cấp một nguồn nước sạch bền vững cho 3 triệu cư dân địa phương.
Khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã vượt mức báo động đỏ, mơ ước của người dân được uống ly nước sạch, thở bầu không khí trong lành, bữa ăn với chén cơm tô cá và mớ rau xanh không bị nhiễm độc, ước mơ đơn giản như vậy mà sao có vẻ như ngày càng xa vời.
Rồi trở lại với ý kiến từ một bài viết khá lâu trước đây trên Việt Ecology Foundation, người viết đã đưa ra một nhận định: sự lành mạnh của "môi sinh và dân chủ" phải là một "bộ đôi / duo" không thể tách rời.
NGÔ THẾ VINH
Orange County, 23.03 - 24.07.2017
Tham khảo:
1/ GWRS / Ground Water Replenishment System. 18700 Ward Street, Fountain Valley, CA 92708. www.ocwd.com/gwrs/
2/ OCSD / Orange County Sanitation District. Waste Water Treatment Process. 10844 Ellis Avenue, Fountain Valley, CA 92708
3/ Bộ Tài Nguyên Môi Trường. Báo cáo Hiện Trạng Môi Trường Quốc Gia 2016. Chuyên Đề: Môi Trường Đô Thị. Hà Nội 2016.
4/ World Water Day 2017: Why Waste Water? UN Water 22 March 2017. United Nations, Department of Economic and Social Affairs.
5/ Ngô Thế Vinh. Ngày Nước Thế Giới 2012 và An Ninh Lương Thực Lưu Vực Sông Mekong. Viet Ecology Foundation 25.02.2016
PAK BENG CON DOMINO THỨ BA
TRONG CHUỖI ĐẬP DÒNG CHÍNH
MEKONG CỦA LÀO
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
và Uỷ Ban Quốc gia Mekong Việt Nam
NGÔ THẾ VINH
Viraphonp Viravong, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của quốc gia Lào. Ngày 15-10-2012 khi tới Viện Kỹ Thuật Á châu / AIT, Bangkok để duyệt xét mô hình dự án thủy điện Xayaburi, Viravong khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.” (5)
Theo Lao News Agency 14/07//2016, đập thuỷ điện Pak Beng dự trù được khởi công vào năm 2017.
Theo Viraphon Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào thì Pak Beng là một trong năm dự án thuỷ điện dòng chính trong vùng Bắc Lào, thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay.
Theo Daovong Phonekeo, Tổng Giám đốc Bộ Năng lượng và Kế hoạch Lào, Pak Beng là con đập dòng chảy / run-of-river, cách trung tâm huyện Pak Beng 14 km hướng thượng nguồn, với công xuất khoảng 912 MW, sản xuất điện trung bình/ năm là 4,775 GWh.
Trong cuộc họp báo từ đài truyền hình Paxason thủ đô Vạn Tượng, với giới truyền thông, với báo Vientiane Times, Thông tấn xã Lào và các cơ quan liên hệ, Daovong đã phát biểu: "Mục đích của dự án này là dùng nguồn thuỷ điện để sản xuất điện cho nhu cầu trong nước và xuất cảng,"
Công trình xây cất dự trù hoàn tất vào năm 2023 và bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm 2024.
Lợi nhuận từ dự án này sẽ tăng cường cho ngân sách và góp phần thăng tiến quốc gia Lào còn trong tình trạng kém phát triển. Hơn thế nữa dự án này sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tức thời và dài hạn tiến trình kỹ nghệ hoá và hiện đại hoá nước Lào.
Cũng vẫn theo Theo Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào Viraphon Viravong, Dự án thuỷ điện Pak Beng trên sông Mekong sẽ tuân thủ với những nguyên tắc của Hiệp Định Mekong 1995, đặc biệt là bước tham vấn trước/ prior consultation sẽ đòi hỏi ít nhất 6 tháng trước khi có quyết định chung cuộc. (1) [Hết trích dẫn]
Hình 1_ Khúc sông Mekong, nơi sẽ xây cất đập thuỷ điện Pak Beng
[nguồn: photo by International Rivers]
VIRAVONG ĐỨA CON TRÍ TUỆ KIÊN ĐỊNH CỦA LÀO
Những ai có theo dõi các bước khai thác năng lượng thủy điện của Lào sẽ nhận ra ngay rằng không phải Tổng Thống, Thủ Tướng hay Ngoại trưởng Lào, nhưng là một tên tuổi khác: Viraphonh Viravong nổi bật và trí tuệ của đất nước Lào. Viraphonh Viravong trong suốt hơn ba thập niên qua đã có những nỗ lực bền bỉ và kiên định với giấc mơ canh tân, biến đất nước Lào trở thành một xứ “Kuwait về thủy điện ” của Đông Nam Á.
Theo World Economic Forum, Viraphonh Viravong có một tiểu sử rất dày trong lãnh vực năng lượng. Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ khí / Mechanical Engineering, Viện Khoa học Kỹ thuật Footscray, Đại học Victoria, Úc (1976); Văn bằng Cao học Chánh trị, Học viện Quốc gia Chánh trị Hành chánh Lào (2009); chuyên gia Bộ Điện lực Lào / Electricité du Laos (1978-1995); Giám đốc Quản trị Bộ Điện lực Lào (1995-2006); Thành viên Hội đồng Quốc gia Năng lượng Lào (1995-2006); Thành viên Ban Giám Đốc đập Thủy điện Theun Hinboun (1995-2012); Thành viên Ban Giám Đốc đập Thủy điện Nam Theun-2 (2001-2005); Thành viên Phòng Thương mại và Kỹ nghệ Quốc gia Lào (2002-2005); Tổng Giám Đốc Bộ Năng lượng và Hầm Mỏ Lào (2006-2011); Thứ Trưởng Bộ Năng lượng và Hầm Mỏ Lào từ 11/ 2011 tới nay.
Viraphonp Viravong thường xuyên thăm viếng con sông Mekong tìm tới những nơi có thể xây thêm đập thủy điện, với hy vọng đem lại sự giàu có mau chóng cho đất nước Lào, với thuyết phục người dân Lào nơi các khu xây đập về những lợi lộc do các con đập đem lại: họ sẽ có điện quanh năm, có thêm đường xá, nhà thương, trường học do lợi tức từ nguồn điện đem về.
Viraphonp Viravong qua kinh nghiệm với các con đập phụ lưu lớn của Lào như Theun Hinboun, Nam Theun-2 và nay tới những con đập dòng chính: từ con đập Xayaburi đầu tiên, tới con đập thứ hai Don Sahong và nay là con đập dòng chính thứ ba Pak Beng, và cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía nhưng khi nhu khi cương, một Viraphonp Viravong kiên định và đầy bản lãnh đã lần lượt hóa giải những mũi dùi chống đối ấy và không ngừng bước tiến hành triển khai những con đập.
Viraponh Viravong không những có trình độ kỹ thuật, còn có khả năng ngoại ngữ và có niềm xác tín, và cả yêu đất nước Lào nên đã có cả những vận động thuyết phục đối với giới truyền thông Tây phương.
Hình 2_ Viraphonp Viravong, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của Lào.
Rồi nhìn lại Việt Nam, từ Bộ Tài Nguyên Môi trường tới Uỷ Ban Mekong Hà Nội, cho dù không thiếu những khoa bảng với rất nhiều học vị tiến sĩ nhưng xem ra nguồn "chất xám" từ những cơ quan đầu não ấy chưa đủ bản lãnh chưa có một đường lối nhất quán và kiên định để có thể coi là có những tiếng nói trí tuệ thuyết phục và đối trọng được với một Viraponh Viravong của đất nước Lào.
PAK BENG LẠI THÊM MỘT CON ĐẬP MADE IN CHINA
Pak Beng được thiết kế bởi công ty Trung Quốc Datang Overseas Investment Co., Ltd. qua một thỏa thuận ký kết giữa Lào và TQ tháng 8 năm 2007, với trị giá ban đầu 1.88 tỉ MK. Đến tháng 3 năm 2014, công ty Datang nhận được giấy phép môi trường / environmental permits từ chính phủ Lào trước khi trải qua các bước PNPCA: thủ tục thông báo, tham vấn trước và chuẩn thuận. Và từ 2015, Mạng Lưới Sông Quốc tế / IRN đã thấy nhộn nhịp các công trình xây cất cầu đường dẫn tới khu xây đập Pak Beng.
Không có gì gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi nghe tin dự án Pak Beng sẽ được khởi công trong đầu năm 2017, sau hai con đập Xayaburi và Don Sahong thì đang xây. Khi mà Xayaburi, con Domino đầu tiên đã đổ xuống mà không gặp trở ngại gì, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bắc Kinh thì không có lý do gì Lào không mạnh dạn tiếp tục triển khai toàn bộ 9 dự án đập thuỷ điện dòng chính trong vòng những năm tới.
Hình 3_ Các con đập dòng chính Sông Mekong:
vòng đen/ hoàn tất, vòng trắng/ dự án, vòng đỏ/ khởi công
[nguồn: Stimson 2010, cập nhật 2016]
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, về lịch sử các dự án đập thủy điện chắn ngang sông Mekong vùng Hạ lưu thực sự đã có từ thời Ủy Ban Sông Mekong 1958 thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà, nhưng rồi tất cả phải hoãn lại vì cuộc Chiến tranh Việt Nam lan rộng ra 3 nước Đông Dương.
Sau chiến tranh Việt Nam, các dự án thuỷ điện Hạ lưu Sông Mekong lại được nhắc tới. Rồi cũng từ vị trí những dự án đập ấy, đã được các cơ quan tham vấn Canada và Pháp tái đề xuất và Ban Thư Ký Sông Mekong ấn hành năm 1994. Nhưng rồi một lần nữa các dự án ấy lại bị tạm gác lại vì quá tốn kém và cả do mối e ngại về tác hại rộng rãi trên môi sinh.
Nhưng kể từ đầu năm 2006, các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc, lại được phép tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi của 6 con đập sau đó tăng lên tới 11 rồi 12 con “đập dòng chảy / run-of-river” thuộc Lưu Vực Dưới Sông Mekong / Lower Mekong; thứ tự 11 dự án đập từ bắc xuống nam:
1/ Đập Pak Beng, Lào 912 MW [dự trù ban đầu là 1,320 MW]; bảo trợ dự án: công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co. và chánh phủ Lào.
2/ Đập Luang Prabang, Lào 1,410 MW; bảo trợ bởi Petrovietnam Power Co. và chánh phủ Lào.
3/ Đập Xayabouri, Lào, 1.260 MW, tỉnh Xayabouri, Lào; bảo trợ bởi công ty Thái Lan Karnchang và chánh phủ Lào.
4/ Đập Pak Lay, Lào, 1,320 MW tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” SinoHydro Co.
5/ Đập Xanakham, Lào, 1,000MW; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co.
6/ Đập Pak Chom, biên giới Lào Thái, 1,079 MW; bảo trợ bởi công ty MoE Thái Lan.
7/ Đập Ban Koum, biên giới Lào Thái, 2,230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani; bảo trợ bởi Italian-Thai Development Co., Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. và chánh phủ Lào.
8/ Đập Lat Sua, Lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd. /Thái Lan và chánh phủ Lào.
9/ Đập Don Sahong 360 MW, tỉnh Champasak, Lào: được bảo trợ bởi công ty Mã Lai Mega First Berhad Co. [nhưng thực sự là của SinoHydro, TQ]
10/ Đập Stung Treng, Cam Bốt, 980 MW; bảo trợ bởi chánh phủ Nga.
11/ Đập Sambor, Cam Bốt; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc”/ China Southern Power Grid Co./ CSGP.
[Thakho, con đập thứ 12: bảo trợ bởi CNR Pháp và Electricité du Laos, trên lãnh thổ Lào, 60 MW quá nhỏ nên ít được nhắc tới, ghi chú của người viết]
Bắc Kinh đã sở hữu 14 con đập bậc thềm Vân Nam thuộc Lưu Vực Trên, nay lại có mặt thêm nơi trong 4 dự án thuộc khu vực Hạ Lưu. Riêng Việt Nam do chỉ thấy lợi lộc ngắn hạn, cũng bảo trợ cho dự án đập Luang Prabang 1,410 MW. Với chọn lựa theo “tiêu chuẩn nước đôi ấy / double standard”, Hà Nội sẽ chẳng thể còn kêu ca được gì trước Liên Hiệp Quốc khi nói về tác hại của chuỗi đập Mekong đối với Việt Nam.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TÍCH LUỸ CHUỖI ĐẬP HẠ LƯU:
Với 14 con đập Bậc Thềm Vân Nam và 12 con đập Hạ lưu, tổng số 26 con đập dòng chính trên suốt chiều dài hơn 4,800 km sông Mekong, với thời gian là những huỷ hoại tích lũy không thể đảo nghịch. Vừa qua một Đồng Bằng Sông Cửu Long không còn Mùa Nước Nổi và bị hạn hán khốc liệt là hậu quả nhãn tiền.
Theo lượng giá 2010 của Toán Đặc Nhiệm Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược / Strategic Environmental Assessment / SEA thuộc International Center for Environmental Management / ICEM [Úc] thì những con đập dòng chính Hạ lưu sẽ gây ra những tác hại dây chuyền nghiêm trọng:
1/ Biến đổi Dòng Chảy và Bản chất của dòng Sông: con sông sẽ không còn giữ được “nhịp đập / flood pulse” theo mùa, là yếu tố sinh tồn của con sông Tonlé Sap và Biển Hồ.
2/ Ảnh hưởng tới Nguồn Cá và An toàn Thực phẩm:
Những con đập sẽ ngăn chặn các đoàn di ngư / migratory fishes, thu hẹp diện tích các vùng đất ngập / wetland areas, làm biến đổi và hủy hoại sinh cảnh thiết yếu của các loài cá sông Mekong.
3/ Đe dọa tính Đa dạng của hệ Thủy sinh:
Do những thay đổi làm biến dạng con sông, gây rối loạn dòng chảy và cả môi trường nước, tính phong phú và đa dạng của hệ thủy sinh sông Mekong bị đe dọa, với hơn 100 loài cá bị lâm nguy.
4/ Thay đổi hệ Sinh thái:
Với gần nửa diện tích đất đai trồng trọt và các khu rừng hạ lưu được công nhận là Vùng Đa dạng Sinh thái Chủ yếu / Key Biodiversity Zones; trong đó 5% là Khu Bảo tồn Quốc gia và các Vùng Đất Ngập được bảo vệ theo Quy ước Ramsar. Những con đập sẽ gây lũ lụt nhận chìm những vùng đất ngập gây ảnh hưởng trên hệ sinh thái động vật và thực vật.
5/ Tổn thất Nông nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do ngập lụt từ các con đập, do mất phù sa vì bị giữ lại trong các hồ chứa làm tăng nhu cầu xử dụng phân bón hóa học; mất nguồn canh tác vườn tược ven sông gây thất thoát về kinh tế.
6/ Giảm Trữ lượng Phù sa:
Nồng độ phù sa giảm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong tiến trình chuyển tải các dưỡng chất thiết yếu như phốt phát và đạm chất / nitrogen cho các dẻo đất ven sông và cho hai vùng châu thổ Tonlé Sap, ĐBSCL, ảnh hưởng sút giảm trong sản xuất nông nghiệp. Giảm lượng phù sa cũng làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, các vùng ven biển.
7/ Đe dọa cuộc sống văn hoá ổn định của 70 triệu dân cư ven sông: do phải di rời ra khỏi vùng xây đập, phải tái định cư, và cuộc sống bất ổn do đe dọa nguồn thực phẩm nguồn cá nguồn lúa gạo vốn phong phú của con sông Mekong; những con đập có thể làm thay đổi vĩnh viễn nếp sống văn hóa cổ truyền dân cư trong vòng mấy thập niên tới.
Do những bất trắc chưa lường được của các dự án thuỷ điện dòng chính hạ lưu, Toán Đặc Nhiệm Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược / SEA đã đề xuất: tạm hoãn xây đập 10 Năm [2010 - 2020] để có thời gian nghiên cứu thêm, bổ xung những khiếm khuyết và tìm cách triển khai một cách tối ưu các dự án thuỷ điện trong phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trong lưu vực.
Một đề nghị thận trọng với những lợi ích hiển nhiên như vậy, cho hệ sinh thái sông Mekong và cho ngay cả chính người dân Lào, một thứ win-win situation nhưng đã không được chính phủ Lào lắng nghe và tôn trọng.
Hình 4_ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia về Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mekong [nguồn: internet]
Chỉ riêng sự kiện mất nguồn phù sa do bị các đập thuỷ điện giữ lại, ThS Nguyễn Hữu Thiện tốt nghiệp MS ngành Sinh học Bảo tồn và Phát triển bền vững, Viện môi trường Nelson, Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ với nhiều năm kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã đưa ra nhận định:
“Đồng Bằng Sông Cửu Long được kiến tạo bởi phù sa sông Mekong và hãy còn rất trẻ. Vì thế, khi bị các con đập thủy điện giữ lại lượng phù sa bồi đắp, khiến quá trình kiến tạo này bị đảo ngược và ĐBSCL sẽ tan rã”.
QUY TRÌNH PNPCA 3 GIAI ĐOẠN THAM VẤN
Cho dù theo Hiệp Định Sông Mekong 1995, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết / veto power nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua thủ tục tham vấn viết tắt là PNPCA bao gồm:
-- Giai đoạn I Thủ Tục Thông Báo [PN / Procedures for Notification]: Ủy Hội Sông Mekong sẽ được chánh phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án.
-- Giai đoạn II Tham Vấn Trước [PC / Prior Consultation]: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn.
-- Giai đoạn III Chuẩn Thuận [A / Agreement], dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.
Xayaburi là con đập dòng chính đầu tiên của Lào. Trên nguyên tắc dự án Xayaburi phải trải qua cả 3 giai đoạn của tiến trình PNPCA, nhưng Lào thì đã đơn phương tự thẩm định rằng tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu là “không chắc sẽ xảy ra” nên không cần thiết phải kéo dài thời gian Tham Vấn Trước. Và Lào đã bỏ qua Giai Đoạn III Chuẩn Thuận và cứ cho tiến hành làm Lễ Động Thổ xây con đập Xayaburi trước sự ngỡ ngàng của các quốc gia Mekong.
Rõ ràng, tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995 ngay từ bước đầu đã bị Lào phá vỡ.
Để rồi, sau Xayaburi, Don Sahong là quân cờ Domino thứ hai đổ xuống. Cách đây hơn ba năm (3/10/2013), Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập rất nhỏ nhưng có tác hại vô cùng lớn lao, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi sinh.
Và vẫn cứ theo một "mẫu ứng xử thiếu nhất quán" của nhà nước Lào: không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành với tất cả sự thiếu minh bạch. Con đập Don Sahong, tuy với danh nghĩa MegaFirst công ty Mã Lai đứng thầu nhưng rồi đứng sau lại là một công ty xây đập Trung Quốc SinoHydro, Don Sahong thuần tuý là một con đập Made in China.
Chánh phủ Lào chứng tỏ là đã không tôn trọng tinh thần của Điều 7 trong Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: "Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.”
Lào đã và đang đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn muốn biến xứ sở họ mau chóng thành xứ Kuwait Thuỷ Điện Đông Nam Á nhưng với cái giá rất đắt phải trả của chính đất nước Lào và cả các quốc gia lân bang.
Hình 5_ Một địa chỉ rất nghịch lý của Uỷ Ban Quốc gia Mekong Việt Nam, từ bao năm nay vẫn toạ lạc tại 12 phố Hàng Tre Hà Nội, cách xa ĐBSCL hơn 1,600 km [nguồn: photo by Lưu Ngọc Hà]
Cho đến nay những khuyến cáo của Uỷ Hội Sông Mekong / MRC đã tỏ ra là vô hiệu. Và điều đáng nói hơn nữa, Uỷ Ban Sông Mekong Việt Nam vẫn cứ an nhiên toạ lạc tại 12 phố Hàng Tre Hà Nội, chưa hề có một đường lối nhất quán ngăn chặn, chống lại chuỗi những con đập thuỷ điện dòng chính của Lào, và vì ở xa họ đã không nghe hoặc không muốn nghe những "hồi chuông báo tử", những tiếng "đóng đinh trên nắp ván thiên" vẫn vang dội lên từ một ĐBSCL đang tan rã và chết dần.
SÔNG MEKONG: MỘT TRỌN GÓI CỦA TRUNG QUỐC
Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ. Tiềm năng thuỷ điện của sông Mekong lên tới 60,000 MW.
Về phía Trung Quốc, nơi thượng nguồn Bắc Kinh đã hoàn tất 6 con đập dòng chính, trong đó có hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ/ Nuozhadu 5,850 MW và con Đập Mẹ Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lancang, tên TQ của con Sông Mekong và theo Fred Pearce, Đại học Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc.
Nhưng không dừng lại ở đó, ai cũng thấy Trung Quốc có tham vọng chiếm đoạt nguồn năng lượng điện và cả những tài nguyên hầm mỏ phong phú chưa khai thác của toàn Lưu vực Sông Mekong.
Nhắc tới sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập Khối Hợp tác Lancang - Mekong, một cơ chế bao gồm 6 nước cùng sử dụng sông Mekong, nhưng đó chỉ là một bước chiến lược trong đại kế hoạch One Belt One Road (OBOR) của Trung Quốc, vừa tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị nhưng thực tế là nhằm tăng thêm ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu vực sông Mekong. (4) Trung Quốc sẵn có khả năng kỹ thuật, có nguồn tài chính hầu như vô hạn, Bắc Kinh thừa sức để gạt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản ra khỏi lưu vực sông Mekong.
Phải thấy rằng Trung Quốc có cả một chiến lược "nắm trọn gói" không phải chỉ riêng con sông Mekong, mà cả khối tài nguyên của toàn lưu vực. Với nguồn thuỷ điện dồi dào, họ sẽ tận khai thác tất cả những vùng hầm mỏ khoáng sản để phục vụ cho cơn khát năng lượng và nguyên liệu của họ.
Thay lời kết cho bài viết ngắn này, là trả lời cho câu hỏi của ký giả Lê Quỳnh, Báo Người Đô Thị: "Việt Nam, cụ thể là Chính phủ, Ủy ban Mekong cần có hành động cụ thể gì khác hơn để không lặp lại thất bại cũ?"
Người viết muốn nhắc lại một đề nghị, cần cấp thiết di chuyển Ủy ban Quốc gia Mekong Việt Nam từ Hà Nội về ĐBSCL để cùng bắt tay hình thành một phân khoa Mekong nơi Đại học Cần Thơ, giúp phái đoàn Việt Nam có một Hồ sơ Mekong mang tính chiến lược nhất quán, có cơ sở pháp lý để từng bước đương đầu với những vấn nạn trong "phát triển không bền vững" trong lưu vực Sông Mekong, trong đó có Lào và đứng sau là TQ.
Phải thấy rằng Sông Mekong không chỉ là vấn đề song phương giữa hai nước Lào và Việt Nam, nhưng cốt lõi là một sách lược Việt Nam đối với Trung Quốc ra sao trong một toàn cảnh địa dư chính trị như hiện nay: từ Biển Đông tới Lưu vực Sông Mekong, và còn phải kể tới: "Đạo quân thứ Năm" là tràn ngập những công nhân Trung Quốc trên những vùng "nhượng địa" ngay trên lãnh thổ Việt Nam.
Sự "sống còn" của Việt Nam, trong đó có ĐBSCL phải là ưu tiên số một trong mọi nghị trình của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của cả hội đồng Chính phủ.
Đại hạn nơi ĐBSCL, rồi thảm hoạ huỷ diệt môi trường sống từ những bướu ung thư như Formosa Vũng Áng, Bauxite Tây Nguyên là những vấn đề "sinh tồn" của cả một dân tộc.
Trước mắt thấy được là một trận chiến môi sinh không tuyên chiến của Trung Quốc nhưng thâm hiểm hơn là có tiềm ẩn một cuộc "chiến tranh sinh học" với sự đầu độc tích luỹ, từ chén cơm tới tô cá, có thể đưa tới hậu quả biến thể Gene DNA / Gene mutation, với khả năng làm triệt tiêu sức đề kháng của giống nòi Việt Nam theo cái nghĩa "sinh học".
California 24-07-2016
Tham Khảo:
1/ Pak Beng Hydropower Project construction to begin next year. Lao News Agency 14/07/2016 http://kpl.gov.la/En/Detail.aspx?id=14942
2/ Laos PDR Breaks Ground for Xayaburi Dam, A Tragic Day for The Mekong and Mekong Delta, Ngô Thế Vinh, 12/02/2012 http://vietecology.org/Article.aspx/Article/94
3/ The Don Sahong Dam Unmistakable Fingerprints from China. Ngô Thế Vinh, 10/25/2015, VEF http://vietecology.org/Article.aspx/Article/119
4/ Phân tích Chiến lược Trung Quốc về Hợp tác Lancang-Mekong
Thực thi phát triển bền vững hay chiếm lĩnh ảnh hưởng chính trị và kinh tế lưu vực
Phạm Phan Long P.E, 04/ 2016 http://vietecology.org/Article.aspx/Article/139
5/ Lao Deputy Minister reviews AIT testing of Xayaburi Hydroelectric Power Project; AIT Oct 25, 2012 http://203.159.12.32:8082/AIT/news-and-events/2012/news/lao-deputy-minister-reviews-ait-testing-of-xayaburi-hydroelectric-power-project/
6/ Laos Turns to HydroPower to be Asia’s Battery; Jared Ferrie, The Christian Science Monitor, July 2, 2010
Tác phẩm đã xuất bản:
1
1
Gió Mùa
(Nxb Sông Mã Sài Gòn 1965)
4
(Nxb Sông Mã Sài Gòn 1965)
4
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng
(Nxb Văn nghệ 2000, tái bản 2001)
7
(Nxb Văn nghệ 2000, tái bản 2001)
Việt Ecology Press & Giấy Vụn VN tái bản 2014)
7
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch
(Nxb Văn Nghệ Mới California 2007, Nxb Văn Nghệ Mới tái bản 2007, Nxb Giấy Vụn VN tái bản 2012)
8
Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch
(Nxb Văn Nghệ Mới 2007, Việt Ecology Press & Nxb Nhân Ảnh 2017).
Tác phẩm dịch qua tiếng Anh:
Mekong The Occluding River
(iUniverse, Inc. 2010),
The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea In Turmoil
(Việt Ecology Press & Nxb Giấy Vụn 2016).
bài đã đăng của ngô thế vinh
trên Da Mau
- 17.02.2016
- 06.11.2015
- 19.10.2015
- 02.10.2015
- 07.09.2015
- 21.08.2015
- 03.08.2015
- 06.07.2015
- 22.06.2015
- 01.06.2015
- 25.04.2015
- 09.04.2015
- 20.03.2015
- 23.02.2015
- 19.12.2014
- 22.09.2014
- 27.08.2014
- 17.06.2014
- 03.01.2014
- 30.10.2013
- 22.11.2012
- 17.08.2012
- 19.04.2012
- 29.02.2012
- 31.01.2012
- 05.01.2012
- 27.12.2011
- 06.12.2011
- 31.10.2011
- 22.06.2011
- 06.05.2011
- 31.01.2011
- 06.12.2010
- 18.11.2010
- 19.07.2010
- 24.06.2010
- 18.01.2010
- 22.11.2009
- 20.10.2009
- 14.08.2009
- 04.05.2009
- 02.05.2009
- 06.04.2009
- 08.03.2009
- 07.03.2009
- 01.01.2009
Khảo luận
Ngô Thế Vinh Khảo luận
Ngô Thế Vinh Khảo luận
Ngô Thế Vinh Khảo luận
Ngô Thế Vinh Nhận định
Ngô Thế Vinh Tạp luận
Ngô Thế Vinh Khảo luận
Ngô Thế Vinh Khảo luận
Ngô Thế Vinh Hồi ức
Ngô Thế Vinh Hồi ức
Ngô Thế Vinh & Nhật Tiến
Ngô Thế Vinh & Hoàng Ngọc Biên
Ngô Thế Vinh & Nguyễn Xuân Hoàng
Võ Thắng Tiết, Tạ Chí Đại Trường & Ngô Thế Vinh
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.