Nguyễn Gia Trí
(1908 Hà Tây - 20/6/1993 Sài Gòn)
Hưởng thọ 85 tuổi
Họa sĩ
(1908 Hà Tây - 20/6/1993 Sài Gòn)
Hưởng thọ 85 tuổi
Họa sĩ
Tác phẩm tiêu biểu:
Dọc mùng
Thiếu nữ trong vườn
Vườn xuân Trung Nam Bắc
Dọc mùng
Thiếu nữ trong vườn
Vườn xuân Trung Nam Bắc
Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là một hoạ sĩ, nhà đồ hoạ, biếm hoạ
Ông cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn là bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam
(nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).
Tôi sáng tác bằng tâm linh
Tiểu sử
Ông quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (từ năm 2008 thuộc về Hà Nội mở rộng). Năm 1936, ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Từ năm 1954, ông di cư vào Nam.
Danh hoạ Nguyễn Gia Trí từ trần lúc 22 giờ 30 phút ngày 20 tháng 6 năm 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp
Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc. Những tác phẩm của ông có thể tìm thấy trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Cảnh nông thôn,
sơn mài, 80x56cm, 1939
sơn mài, 80x56cm, 1939
Những bức tranh đầu tiên mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực và ấn tượng Châu Âu:
Hoàng hôn trên sông,
Phong cảnh Móng Cái.
Cuối thập niên 30, ông cùng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng, Hoàng Đạo thành lập Đại Việt Dân chính Đảng. Vì những hoạt động chính trị ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt đày lên Sơn La.[1]
Vào thập niên 40 thế kỉ 20, khi chuyển sang sáng tác chuyên về chất liệu sơn mài, ông đã tạo ra được một phong cách riêng. Chủ đề quen thuộc là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền mĩ thuật Việt Nam:
Thiếu nữ bên cây phù dung (1944).
Tranh ông được nhiều người Pháp sưu tập thời đó, kể cả nhiều tranh gần như chưa vẽ xong, hoặc những phác thảo có ký tên tác giả. Sau 1954 tới 1975, nhiều tranh quý của ông được nhiều người sưu tập, thường nằm trong những biệt thự sang trọng, bộ tranh sưu tập của bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ nhà thơ Bùi Giáng) treo trong hãng dầu cù là Macphsu trên đường Trương Minh Giảng là một trong những bộ tranh quý.
Những năm 1960 - 1970, nghệ thuật của ông có xu hướng thiên sang trừu tượng. Tuy vậy, cuối đời ông lại trở về với thế giới lãng mạn đầy mộng mơ của những năm 40.
Bức tranh Thiếu nữ trong vườn được trình bày như vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ. Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm... Đó cũng là cách xử lý khi thể hiện mặt bên kia của tấm bình phong mang tên Phong cảnh có cách vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng màu to rộng, nét chắc khoẻ gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.
Tấm bình phong Phong cảnh rất nổi tiếng của Nguyễn Gia Trí thường gọi là Dọc mùng, sơn mài, 160x400cm, 1939
Nguyễn Gia Trí còn là một nhà biếm hoạ sắc sảo, bút danh Raitơ (Right) với những tranh châm biếm chính quyền thực dân Pháp và đám quan lại phong kiến tay sai trên báo Phong hoá, báo Ngày nay. Ông là nhà đồ hoạ nổi tiếng với những tranh khắc gỗ màu mang đậm màu sắc dân gian:
Ai mua rươi ra mua,
Kẻ khó không lo ba ngày Tết
và những minh hoạ sách báo phóng khoáng đầy chất hiện thực.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường làm tranh không hết hợp đồng, hầu hết khách đặt tranh là những tỷ phú Nam Phi, Nam Mỹ. Họ đến xin ông vẽ những tranh khổ lớn và không yêu cầu về hình thức nghệ thuật, tùy ông muốn. Tranh ông bán đo bằng tấc. Ở Việt Nam các họa sĩ trong lịch sử Hội họa hiện đại có duy nhất danh họa Nguyễn Gia Trí bán tranh tính bằng độ dài và luôn phải từ chối đơn đặt hàng của khách.
Họa sĩ lúc sinh thời đã có nguyện vọng giữ lại ba bức tranh: "để cho thế hệ mai sau nghiên cứu". Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện quốc gia TP Hồ Chí Minh mà bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu) mua định tặng Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ 20, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới hàng nghìn cây vàng. Nhưng đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ngoài vài tấm tranh, tài sản của ông chẳng có gì đáng kể.
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được chỉ định là Quốc bảo. Vì thế, những tác phẩm của ông không được phép rời khỏi Việt Nam.
Giải thưởng
Năm 2012, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm của ông.[2]
Câu nói
"Bí quyết của nghệ thuật là không cố ý làm gì cả. Để cái mờ, giữ cái bóng. Sơn dầu khác với sơn mài là không có cái bóng."
"Làm và đọc nhiều thứ làm cho tán lực."
"Mắt nhìn và tai nghe, mỗi thứ có diệu dụng."
"Khổng Giáo chữa bệnh ngoài da. Phật Giáo chữa bệnh trong cốt tủy."
"Chữ hiếu trong Đạo Phật khác Khổng. Tu cũng là hình thức báo hiếu cha mẹ, cả cha mẹ các đời trước."
"Muốn có phòng tranh đi Paris, ấy là vọng. Sống với cái giả, hại gốc."
"Tôi sáng tác bằng tâm linh"
Giáng Sinh
Đánh giá
Tô Ngọc Vân nhận định về tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí như sau: Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc - thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí.[3]
Tham Khảo Thêm Về Tác Giả Nguyễn Gia Trí
DANH HỌA NGUYỄN GIA TRÍ (KỲ 1):
Một biên khảo tôi viết từ 20 năm trước, được một số nhà nghiên cứu văn hóa VN trong và ngoài nước đánh giá là hầu như đầy đủ nhất về danh họa này. Ng viết xin cảm ơn các họa sĩ Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Việt đã chỉ bảo về mặt kỹ thuật hội họa của các bức tranh được giới thiệu trong bài.
HH
Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật
“Tôi làm sơn mài từ khi nó mới có, nên tuổi của tôi cùng tuổi với sơn mài. Tôi sống với nó như cá sống với nước nên không biết mình sống nữa”. Đó là lời họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói với họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Việt, người mà ông nhận làm đệ tử vào những năm cuối đời. [1]
Đã 90 năm từ ngày cậu Trí ra đời trong một làng quê vùng đá ong Bắc Bộ (làng An Tràng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông). Giấy CMND của ông sau này ghi ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1912, nhưng ông Trí cùng mọi người thân đều khẳng định ông sinh năm 1908 (Kỷ Dậu). Không có tài liệu nói rõ về gia thế ông. Sinh thời ông Trí chỉ kể sơ với vợ con: cụ tổ Nguyễn Gia Phúc là người chuyên thêu y phục triều đình, đến đời ông thân sinh là Nguyễn Gia Cư còn làm công việc ấy. Chỉ riêng một việc: ba anh em ruột Nguyễn Gia Tường là giáo sư nổi tiếng của Collège Bưởi, Nguyễn Gia Trí học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngành hội hoạ (theo hoạ sĩ Hoàng Tích Chù [2] thì ông Trí học Collège Bưởi rồi thi ngay vào CĐMT, bà Trí lại cho biết chồng mình có kể rằng ông đã theo học trường Y một thời gian rồi mới bỏ đi học vẽ), Nguyễn Gia Đức học CĐMT ngành Kiến trúc (và sau này trở thành một kiến trúc sư hàng đầu), cũng khiến ta hình dung được môi trường văn hoá gia đình rất thuận lợi cho một người đi vào con đường nghệ thuật.
Tài năng của Trí nhanh chóng nổi bật trong trường cùng với tính khí có phần ương bướng của ông. Vào trường năm 1928 nhưng ông bỏ học ở năm thứ hai. Theo HS Hoàng Tích Chù thì hiệu trưởng Victor Tardieu [3] phục tài người sinh viên này nhưng không ưa anh, những lần có khách vào thăm trường, ông ta thường cố ý đứng che tranh của anh. Vậy mà mấy năm sau, chính ông lại là người chủ động gọi anh về học lại. Ông Trí kể: “Học đến năm thứ hai tôi không chịu được nhà trường nên bỏ. Sau vì có khoa sơn mài nên học lại. Giờ académique (vẽ hàn lâm) buổi sáng là một cực hình. Chỉ mong đến chiều để làm sơn mài.” Vậy là Nguyễn Gia Trí lại trở thành sinh viên khoá 7 Trường CĐMT Đông Dương (1931 – 1938). Và chính trong thời gian này, cùng với một số bạn đồng học, ông đã mở ra con đường đưa “sơn ta” của mỹ nghệ truyền thống trở thành “sơn mài” – chất liệu hội hoạ đặc sắc của Việt Nam
Có nhiều giai thoại về tài năng của Nguyễn Gia Trí nắm bắt rất nhanh thực tại và thể hiện cái thần của nó trong vài nét bút. HS Hoàng Tích Chù hay kể về chuyến đi ký họa Chợ Bờ. Cả lớp đi từ sáng sớm, riêng Trí thì quá trưa mới tới, ngồi sau xe đạp một người bạn. Anh đảo một vòng rồi đi về. Ông thầy Inguimberty [4] – người rất yêu quí Trí và Trí thường gọi là “Cụ I” – hỏi bài vẽ đâu, Trí rút trong túi áo ra một mảnh giấy: chỉ vài nét, cảnh Chợ Bờ hiện lên sinh động hơn tất cả các bức vẽ tỉ mỉ của những người khác. Sau này, người ta đón đợi hàng ngày những minh hoạ, hí họa kỳ tài của Nguyễn Gia Trí trên các báo Ngày nay, Phong hoá như “Ai mua rươi ra mua”, hay chân dung Thống sứ Châtel… Những phác hoạ lá sen tàn sống động đến từng gân lá gãy, những dáng thiếu nữ “tân thời” uyển chuyển đầy gợi cảm… Tất cả đều ở trình độ bậc thầy về tả thực. Điều quí nhất là những hình họa tuyệt vời của Nguyễn Gia Trí sẽ trở thành “than cho Trí dùng quanh năm” như Inguimberty nói đùa [5] , tức là những tài liệu để ông bố cục các tác phẩm sơn mài. Trong những tác phẩm này, mặc dù được thể hiện cách điệu, những lá tre, cành tùng, bông sen, đôi bướm vờn, những dáng người đi, đứng, nằm… không những rất thực mà còn rất sống động trong vẻ tự nhiên tươi mưởi của những ký hoạ trực tiếp. Chính đó là yếu tố đầu tiên khiến cho sơn mài Nguyễn Gia Trí có tư cách hội hoạ nghệ thuật, thoát khỏi thân phận trang trí với các hình hoạ nhạt nhẽo vô hồn.
Song những sáng tạo của ông về chất liệu mới thực sự làm nên cuộc cách mạng sơn mài.
“Tranh không có đề tài. Đề tài chính là chất liệu sơn mài.” Câu ấy ông Trí nói sau nửa thế kỷ sống với sơn mài. “Cái lý riêng” của sơn mài ông đã “ngộ” ngay từ buổi sơ duyên. Ông kể: “Khi đi học tôi làm phác thảo sơn mài một tuần không được. Ông thầy hỏi: Cảnh Hòn Gai đấy hả? Vì thấy trời đen đất đen. Lúc ấy tôi cũng tự hỏi: Sao ngói đỏ tường trắng mà trời đen đất đen? Và tôi chợt hiểu ra: Sơn mài có cái lý riêng của nó. Sơn mài khác hẳn sơn dầu.”.
Thực tình, ông Trí còn phải trải qua những chiêm nghiệm trong lao động nghệ thuật mới thấm thía đến máu thịt cái chân lý ấy. Nên biết rằng tuy ông không vẽ nhiều sơn dầu, nhưng những tác phẩm chất liệu ấy của ông được đồng nghiệp đánh giá rất cao, và những kỹ năng sớm đạt tới đỉnh về bố cục, tạo không gian ba chiều… trong khi nghiên cứu sơn dầu đã đóng góp không nhỏ vào thành công của ông ở sơn mài.
Một tác giả người Pháp chuyên viết về mỹ thuật Việt Nam đương thời đã nhận xét: Nguyễn Gia Trí có một giai đoạn ngắn dường như cố gắng làm cho sắc độ của con người, cây cối, thú vật, quần áo trong tranh ông đạt được sự chân thực hoàn hảo. Nhưng ông đã nhanh chóng từ bỏ nỗ lực ấy để chỉ chú tâm vào các phương tiện của sơn mài. Và tác giả khẳng định, ý tưởng chủ chốt của Nguyễn Gia Trí: nâng sơn mài lên trình độ của sơn dầu không có nghĩa là vẽ tranh sơn dầu bằng chất liệu sơn mài. [6]
Sơn mài khác hẳn sơn dầu ở chỗ mặt tranh phẳng gần như tuyệt đối. “Con ruồi đậu trên vóc cũng làm vóc lún xuống” (Nguyễn Gia Trí). Không gian của nó lặn vào bên trong rất sâu, đó là “tính âm” của nó, cũng như các màu cơ bản vàng – son – đen (then) theo ông Trí là các màu “ngả về âm” – màu của không gian đình chùa cung điện xưa, và nhịp của nó là nhịp chậm – sơn mài hình thành từ từ qua từng công đọan vẽ, sơn, ủ, mài… Và chính những đặc điểm ấy tạo ra thách đố rất gay gắt đối với những ai đã học kỹ thuật sơn dầu, là thứ chất liệu đòi hỏi sự truyền cảm trực tiếp, bộc phát vào những “touche, tache” (nét, mảng) gồ ghề đầy “tính dương”.
Không riêng một mình Nguyễn Gia Trí đã phát triển bảng màu của sơn mài để nó đủ sức diễn tả thực tại phong phú trước mắt người hoạ sĩ, ông cũng không phải người duy nhất có ý thức dùng sắc độ để tạo nông sâu trên mặt phẳng sơn mài, nhưng ông là người đã đẩy những tìm tòi ấy đến mức tuyệt kỹ để trực truyền mọi cảm xúc, rung động mãnh liệt hay tinh tế đến mức “người với tranh là một không còn phân biệt” và mở ra thế giới rộng lớn qua “cánh cửa rất hẹp”, hẹp đến khe khắt của sơn mài.
Những lời bình luận sau đây của HS Tô Ngọc Vân giúp ta hình dung sức truyền cảm ma quái của “sơn ta” dưới bàn tay phù thủy Nguyễn Gia Trí: “Trên những màu hồng nhợt biến hoá, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quí vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc. Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét quệt mạnh đập tung, cào cấu”… “Trong những hình sắc ấy như ẩn hiện một chút gì huyền ảo, đắm say, nồng nàn còn run rẩy trong bóng tối hoà với máu, một sức sống còn bế tắc, một linh hồn kiên quyết, đam mê, đang quằn quại vì muốn thoát nhanh ra ngoài ánh sáng.” [7]
Trong các tuyệt kỹ của Nguyễn Gia Trí, nhiều hoạ sĩ sơn mài bái phục tài “luyện vỏ trứng”. Dưới tay ông, vỏ trứng từ một vật cứng trở thành mềm mại và tạo ra đủ sắc thái của màu và ánh sáng trắng. Lúc như một thứ men rạn cổ kính, lúc loé lên trên nền đen như được soi bằng những ánh đuốc đêm hoa đăng, lúc đông đặc như cẩm thạch, lúc kết tinh như kim cương, lúc mỏng mờ như trận mưa các giọt sữa, lúc rờn rợn bóng tối hư ảo trên tường rêu đêm Bồ Tùng Linh… Cho đến nay chưa ai học được bí quyết “mài bạt” vỏ trứng của ông. Đó cũng là một lý do người ta khẳng định không ai có thể làm giả một tác phẩm sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Về cuối đời, ông có đôi lần bộc lộ với người đệ tử gần như duy nhất của mình phương châm xử lý vỏ trứng: “Mài đứt, phá hết các tướng cũ của vỏ trứng rồi nối lại. Luôn luôn phá hết các tướng hiện ra, phá tướng, không phải thêm tướng. Bớt nữa, bớt mãi, đứt nữa, đứt mãi để cho vỏ trứng có triển vọng đẹp còn lại.”
Phương châm là thế, nhưng thực hiện thế nào đó là điều không thể dạy. Mài đến đâu thì ngừng, đến đâu thì đạt hiệu quả tối ưu, tất cả phụ thuộc cảm nhận tức thời của họa sĩ. Năng lực cảm nhận ấy là quyết định, vì Nguyễn Gia Trí tin rằng “chất liệu sơn mài có nhiều ngẫu nhiên”, nó “hiện lên như thiên thành”.
Niềm tin nói trên có nguồn gốc sâu xa ở quan niệm tâm linh của ông về sáng tạo nghệ thuật: “Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay, mà gần như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai không thể bắt con mình là gái hay trai, đẹp hay xấu, mà cầu mong ở con người mình, ở chính phúc đức và chính thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn đẹp đẽ.”
Vì nguyên lý ấy, trong qui trình thực hiện một tấm sơn mài, ông Trí chỉ dùng thợ để lên kín các hình phác thảo của mình và mài phẳng, qua ba đợt, để rồi chính tay ông mài phá, xoá và sửa cả ba lần rồi mới làm lại lần cuối. Bà Trí [8] kể: Có lần đêm rất khuya thấy ông ngồi trong bóng tối mài tranh, bà hỏi thấy gì mà mài, ông trả lời: “Tôi đâu có vẽ bằng mắt.”
Hầu như không bao giờ Nguyễn Gia Trí thoả mãn với bức tranh. Tác phẩm nào ông cũng coi như một thử nghiệm, một “bài tập” để khám phá sơn mài. Đổ bao nhiêu vàng bạc vào tranh, ông không đắn đo, nhưng ông cũng không do dự phá bỏ hết để làm lại. Không chỉ một lần bà Trí phải đem giấu tranh đi để giao cho khách, nếu không ông vẫn đòi sửa tiếp. Có khi tranh bà đã giao đi một tuần rồi ông còn hỏi tranh đâu? Ông Trí nói: “Phải đi qua cái hỏng thì mới đến cái được. Ở chỗ mấp mé.” Chỗ mấp mé là chỗ của nghệ thuật, giữa vụng và khéo, giữa đủ và thiếu, giữa xong và chưa xong. Đó cũng là chỗ của người thấm nhuần đạo âm dương, lẽ biến dịch của phương Đông.
Cái mốc đầu tiên đánh dấu việc sơn mài Việt Nam chính thức gia nhập nền hội hoạ là cuộc triển lãm năm 1938 do Trường CĐMT Đông Dương tổ chức. Đứng trước các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân đã tự hào khẳng định: Lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở đó, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng.” [9]
Những năm sau đó là thời kỳ tìm tòi sáng tạo đầy sung mãn của Nguyễn Gia Trí để hoàn thiện kỹ thuật và phong cách riêng của mình. Ông lập xưởng vẽ riêng ở làng Thịnh Hào, Ngã Tư Sở (Một điều thú vị là những thợ mài của Nguyễn Gia Trí lúc ấy sau này đều nổi tiếng trong các ngành nghệ thuật: Kim Lân nhà văn, Nguyễn Trọng Hợp họa sĩ, Nguyễn Đăng Bảy nhà quay phim).
Những năm 1940 Nguyễn Gia Trí là hoạ sĩ thành công nhất ở Việt Nam. Tác phẩm của ông được tính giá theo tấc và hầu như chỉ dân Tây thượng lưu có khả năng mua. Họ đặt tranh ngay từ khi mới trông thấy phác thảo. Hai vợ chồng Công sứ Cresson xắn quần nhấc váy lội nước vào làng Thịnh Hào để lấy tranh. Họ gọi ông là “Génie Asiatique” (Thiên tài châu Á). Họ bảo lãnh ông ra khỏi nhà tù khi ông bị bắt vì hoạt động chống Tây (Theo HS Hoàng Tích Chù thì ông Trí bị bắt quả tang chứa vũ khí trong xưởng vẽ, những vũ khí chính ông mua bằng tiền bán tranh cho Tây. Theo nhà báo Trần Phong Giao thì ông bị Tây bắt tới ba lần, lần cuối bị đưa vào Nam an trí ở Thủ Dầu Một. Song lúc này ta hãy tạm chưa nói đến Nguyễn Gia Trí nhà chính trị để tập trung nói về Nguyễn Gia Trí con người yêu nước trong nghệ thuật). [10]
Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Gia Trí từ 1938 đến trước 1945 thường được nhắc đến là: “Chợ Bờ”, “Bên Hồ Gươm”, “Chùa Thầy”, “Đèn Trung thu”, “Đêm Bồ Tùng Linh”,” Khoả thân”, “Cảnh Thiên Thai” (đây là tấm tranh khổ lớn được Toàn quyền Đông Dương Decoux đặt làm sau khi ông Trí ra khỏi trại giam Vụ Bản năm 1943, một số tài liệu nói là hiện vẫn còn trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, song nhiều người theo dõi sát về mỹ thuật cho biết là sau 1954, khi ta tiếp quản thủ đô tranh ấy đã biến mất rồi), “Thiếu nữ bên hoa phù dung” (Sau 1954 tranh này thuộc tài sản của nhà sưu tập Đức Minh, một thời gian dài được Phủ Chủ tịch mượn để treo trong phòng khách của Hồ Chủ tịch, hiện nằm trong sưu tập của ông Bùi Quốc Chí, con trai ông Đức Minh đã quá cố, ở TPHCM), “Thiếu nữ trong vườn (tác phẩm cỡ lớn nhất trong cả đời sáng tác của Nguyễn Gia Trí, gồm 6 tấm, tổng cộng 12 m2, bán cho ông bà Drouin, Giám đốc Sở Điện Nước miền Bắc Đông Dương), “Thiếu nữ bên hồ sen”, “Giáng sinh”…
Đề tài và tinh thần chủ đạo của các tác phẩm Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn này, theo nhận xét của tạp chí Indochine: [11] “Chúng dìu ta trên cánh mộng qua những truyền thuyết Việt Nam hay vào một không gian đẫm nhục cảm… Hoa, thiếu nữ và thơ, nhạc, ẩn chứa trong một chất liệu lơi lỏng một cách cố ý”. Tác giả người Pháp còn cho rằng “những người đàn bà này (nhân vật của Nguyễn Gia Trí) gợi lên vẻ thanh lịch của một Watteau hoạ sĩ Pháp 1684 – 1721), sự nhẹ nhõm của một bức phác hoạ thế kỷ 18 của Pháp, những sức xuân thần kỳ của một Botticelli (hoạ sĩ Ý 1445 – 1510)”.
“Thiếu nữ bên hồ sen” là tác phẩm khổ 1,2 m x 2,4 m, được làm vào khoảng năm 1940. Lúc ấy Nhật mới vào Việt Nam, một thời gian khó khăn về nguyên liệu, không có gỗ mít để làm vóc nên tấm tranh này chóng bị nứt. Nó đã vào Sài Gòn từ trước 1945, thuộc tài sản của ông Vũ Văn Hải (sau trở thành Đổng lý Văn phòng của ông Ngô Đình Diệm), và được đích thân HS Nguyễn Gia Trí sữa chữa vào năm 1963 (ông có ký tên xác nhận việc ấy ngay trên tranh). Sau 1975, vợ chồng hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc vét hết tiền mặt và bán chiếc xe Honda PC, tài sản duy nhất có giá trị trong nhà, để mua lại bức tranh này (tức là tổng cộng khoảng vài chỉ vàng). Tiếc rằng mấy chỗ nứt không khắc phục được, song mặt tranh vẫn giữ được màu sắc và nguyên vẹn các hoạ hình thể hiện tài năng đang hồi sung sức của Nguyễn Gia Trí.
Tác phẩm là minh chứng rõ rệt tinh thần cân bằng, hài hoà mà ông Trí vẫn chủ trương: “Nghệ thuật là sự thăng bằng. Tình cảm thăng bằng, bố cục thăng bằng.”
Trên cái nền sương khói tạo bởi “teng” bạc (bạc oxy hoá qua thời gian, một thứ “thiên thành” như đồ cổ lên nước) hiện lên từng lớp cây lá nhiều vẻ – trong đó những chiếc lá sen tàn được thể hiện thần tình, mỏng tang với những gân mảnh tinh tế đến khó tin. Sau cành lá thưa, một tốp người nữ bố cục thành một nửa vòng: ở tiền diện bên trái là một thiếu phụ tay vịn cành, lả mình để tay kia vươn hái một bông sen, phía bên phải tranh, hơi lui vào là một thiếu phụ ngồi chống một chân, tay cầm quạt, cả hai đều có vẻ mặt và tư thế thanh lịch và thư thái, đàng sau người cầm quạt là hai chị em gái nhỏ tuổi chạy chơi. Tốp này làm thành một vòng tĩnh và nửa động phía ngoài để rồi trung tâm bức tranh cuốn người xem vào ba cô thiếu nữ uyển chuyển ở ba vị trí tạo ra cảm giác xoay vòng ngây ngất: cô thứ nhất ngoảnh 2 phần 3 ra phía trước, cô thứ hai quay nghiêng nửa người và cô thứ ba gần như hoàn thành vòng xoay với gần hết phía sau quay ra ngoài, phần mông nảy tròn và đuôi tóc dài hất lên. Ba cô gái được tôn hẳn lên trên nền đen sâu thẳm của không gian trống – trời và nước. [12]
Những yếu tố căn bản của sơn mài Nguyễn Gia Trí đã thấy rõ trong tác phẩm này: Sự tôn vinh vẻ đẹp hài hoà tinh thần với nhục thể của các thiếu nữ “tân thời” áo dài thon thả phơi phới giữa thiên nhiên dào dạt – đặc biệt vòng “rondo ba cô gái” sẽ trở thành mô-típ tiêu biểu của các bố cục “phụ nữ trong vườn” theo đuổi ông cho đến hết cuộc đời. Một chi tiết nên biết: nguyên mẫu thiếu phụ cầm quạt trong tranh là “Cô Sáu” cũng chính là người mẫu cho HS Tô Ngọc Vân vẽ bức “Thiếu nữ bên hoa Lys”. (Không biết cô có quan hệ gì hơn nữa với HS Nguyễn Gia Trí hay không, nhưng HS Hoàng Tích Chù lúc vui chuyện có kể rằng bà mẹ của ông Trí rất nghiêm, một hôm bà bất thần đến xưởng vẽ của con trai, ông Trí cuống quýt giấu cô mẫu của mình vào phòng tắm). Bố cục không gian “hình cầu” chứ không phải không gian dẹp quen thuộc của sơn mài “trước Trí”. Kỹ thuật dùng sắc độ, tương quan để diễn tả ánh sáng lung linh trên áo và chất vải, lụa, nhung, diễn tả không khí, không gian nhiều tầng ở đây đã rất điêu luyện. Riêng vỏ trứng thì bức này đang trong bước thử nghiệm, nhưng đã khá mềm mại để tạo màu trắng của mặt, tay người và hoa văn trên áo.
Một tác phẩm độc đáo của ông có đề tài Kitô giáo là bức “Giáng sinh” thực hiện năm 1941 do một “bà đầm” đặt để tặng dòng tu Đa Minh. Bức tranh ba tấm có kích thước tổng cộng 1,3 m x 2, 37 m. Điểm độc đáo nhất của tranh này là Nguyễn Gia Trí đã Việt hoá hoàn toàn quang cảnh và các nhân vật trong Kinh Thánh. Ba vị thiên thần đứng trên mây là ba cô “tân thời” duyên dáng trong tà áo dài màu lam, lục và trắng – một trong ba cô gảy đàn tì bà! Ông Giuse và Đức Mẹ là hai ông bà nhà quê áo sồi quần gụ. Ba người trong bóng tối góc bên phải đầy tính biểu hiện: ba trạng thái tinh thần của chúng sinh – người thành kính hướng về Chúa Hài đồng là kẻ đã có niềm tin, người thản nhiên nhìn ra ngoài là kẻ bàng quan, người nằm nghiêng gối đầu trên cánh tay say ngủ là kẻ còn chìm đắm trong u mê. Và thay cho máng cỏ chuồng lừa hang đá, ở đây là cái chuồng trâu với một con trâu trắng!
Về mặt nghệ thuật, đáng chú ý là việc sử dụng vàng để tạo ánh sáng huy hoàng, và việc sử dụng màu xanh lam và lục trong sơn mài (đây có thể là một trong những sơn mài đầu tiên bổ sung gam màu xanh vào bảng màu vàng son đen truyền thống).
Tác phẩm này đã chịu kiếp lưu lạc cùng thời cuộc: Năm 1954, trước khi Hà Nội về tay chính phủ kháng chiến, Tu viện Teresa đã đưa nó qua nhà dòng chính quốc ở Lyon. Các vị tu sĩ ở Couvent Le Corbusier chắc là không hiểu giá trị của tấm tranh nên để nó dưới sàn phòng nguyện, quay mặt sau ra làm… bảng viết. Năm 1955, Linh mục Pineau của dòng Đa Minh được cử sang Sài Gòn, biết việc ấy đã xin đưa tấm tranh trở lại Việt Nam. Đến cuối 1959 đầu 1960 mới đưa được về Sài Gòn, và từ đó nó nằm ở Nhà nguyện Dòng Mai Khôi đường Tú Xương cho đến nay. Năm 1990, theo yêu cầu của nhà tu, HS Nguyễn Gia Trí đã cho đệ tử là Nguyễn Xuân Việt gia cố góc trái tấm tranh bị bong do để ẩm. Linh mục Thiện Cẩm, bề trên dòng Mai Khôi, người cung cấp cho tôi lịch sử tấm tranh này, cho biết: trước đây có một vị Khâm sứ Toà thánh Vatican ngỏ ý muốn mua tác phẩm độc đáo này, ông sẵn sàng chịu giá 1 triệu đồng (tiền Sài Gòn cũ).
(CÒN TIẾP 1 KỲ)
Ảnh: Đêm giáng sinh - Thiếu nữ bên hoa phù dung - Bên hồ sen - Tiên nữ - Chân dung họa sĩ NGT
Danh họa Nguyễn Gia Trí: Ở đâu một di sản đồ sộ?
Thứ Năm, 25/07/2013
Văn Bẩy
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/6 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật, gồm 73 bức - phần nào phác họa được diện mạo và sức làm việc bền bỉ của danh họa này. Bên cạnh sự kì công và niềm hân hoan mà triển lãm đã mang lại cho công chúng, thì vẫn còn đó những băn khoăn, không chỉ cho bảo tàng, mà cho cả nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đơn cử như câu hỏi: Di sản nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí rất đồ sộ, vậy bây giờ có thể xem ở đâu?
Nhiều tư liệu để lại cho thấy những năm 1970, tài sản của Nguyễn Gia Trí là hàng ngàn cây vàng, nhưng ông đã dành gần như toàn bộ cho sáng tạo sơn mài, đến khi ra đi, ông chỉ còn vài tấm tranh cùng phác thảo và căn nhà dột mưa ở TP.HCM. Chi tiết này cho ta thấy tài sản sơn mài của ông là không ít, nhưng hiện nay tại Việt Nam không còn nhiều, qua lại chỉ khoảng 5-7 tranh khổ lớn, 15-20 bức khổ nhỏ, phần lớn những bộ tranh 3 tấm, 4 tấm, 5 tấm, 6 tấm tiêu biểu của đời ông đã ở nước ngoài.
Từ cuối thập niên 1980, tranh của Nguyễn Gia Trí đã được xem là di sản quốc gia, cấm mang ra khỏi Việt Nam, nhưng đây đó vẫn có những móc nối để giao dịch. Nhìn mặt tiêu cực thì việc này cho thấy hiện tượng chảy máu nghệ thuật vẫn liên tục, nhưng nhìn ở khía cạnh khác, cho thấy tác phẩm của Nguyễn Gia Trí vẫn đầy hấp lực trên thị trường. Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón (từ thập niên 1940), chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay.
Danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh NC
Bơ vơ… phác thảo
Triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật là một nỗ lực đáng khen ngợi của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khi mà họ đã chứng tỏ được hai điều: Cố gắng sưu tập và cố gắng quảng bá. Bên cạnh 73 phác thảo, mà nhiều bức có thể đứng độc lập như một tác phẩm, triển lãm còn giới thiệu lại những tư liệu, bài viết, hình ảnh… để người xem hiểu hơn về danh họa. Tuy nhiên phần lớn những phác thảo này không có tên và không ghi năm hay giai đoạn sáng tác, một chi tiết gần như bắt buộc để hiểu về con đường nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí.
Thiếu sót này cho thấy bản thân danh họa cũng không chú trọng việc ghi chú; mà Việt Nam lại đang thiếu những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật để xác định thời gian, danh tính. Cho nên, khi sưu tập xong, bảo tàng chỉ còn biết “để nguyên hiện trạng” mà trưng bày, không thể tự tiện thêm bớt.
Về phong cách, Nguyễn Gia Trí chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu cho tới phong cách thủy mặc, dân gian, truyền thống mỹ nghệ của châu Á và Việt Nam. Thập niên cuối đời, ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954. Vì không xác định được thời gian của phác thảo, nên triển lãm chấp nhận phân loại tàm tạm, đôi khi lộn xộn, để trưng bày; có phòng gồm cả phong cách hiện thực và trừu tượng.
Tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Trong ghi chép đề ngày 28/3/1976, Nguyễn Gia Trí viết: “Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó”, trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học, 1998. Có lẽ suy nghĩ này đã theo ông đến hết cuộc đời, nên phần lớn phác thảo ông ít ghi chú điều gì, trừ chữ ký?
Chính vì vậy, đi giữa một không gian trưng bày bề thế, với đa số các phác thảo còn lành lặn, vậy mà vẫn cảm thấy bơ vơ. Bơ vơ vì nó chỉ giúp người xem hình dung một phần về thẩm mỹ của tác giả, mà chưa giúp định hình được quá trình và lịch sử sáng tác. Điểm này rất cần sự tiếp tay bổ túc của nhiều nhà nghiên cứu và cả những người như Nguyễn Xuân Việt, được xem là học trò cuối cùng của Nguyễn Gia Trí (?).
Tác phẩm Giáng sinh tại tu viện Mai khôi
Hiếm hoi còn ở lại
Chưa có một con số chính xác về số tác phẩm mà Nguyễn Gia Trí đã sáng tác, nhưng có một ước đoán: phần lớn tác phẩm của ông đang được lưu trữ ở nước ngoài.
Một số tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn 1938 đến trước 1945 là: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Đêm Bồ Tùng Linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Giáng sinh… Đặc biệt bức Thiếu nữ trong vườn, gồm 6 tấm, tổng cộng 12m2, bán cho ông Giám đốc Sở Điện - Nước miền Bắc Đông Dương.
Nếu bạn ở TP.HCM, thì có thể xem một số tác phẩm nổi tiếng của ông. Đầu tiên là mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nơi trưng bày bứcVườn Xuân Trung Nam Bắc (200 x 540cm), gồm 9 tấm, từng được bảo tàng này mua với giá 600 triệu đồng, tương đương 100 ngàn USD hồi 1991.
Theo nhà thơ Hoàng Hưng: “Lúc tranh (Vườn Xuân Trung Nam Bắc) đang làm dở, có người trả 14 lượng vàng ông không chịu bán. Mãi cho đến năm 1990, khi UBND TP.HCM quyết định mua tác phẩm, nó vẫn chưa hoàn chỉnh như ý đồ của họa sĩ. Một phần vì khó khăn về nguyên liệu (bà Trí phải bán dần vóc và son để mua từng thếp vàng cho tranh). Phần quan trọng là vì họa sĩ bắt đầu lâm bệnh: trận tai biến mạch máu não đầu tiên xảy ra vào năm 1988, sau đó còn hai lần nữa trước khi ông qua đời. Do đó khâu làm vàng mặt tranh ông phải giao phó cho học trò là Nguyễn Xuân Việt”, trích từ bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật. “Dấu ấn” của Nguyễn Xuân Việt và vài chỗ chưa hoàn chỉnh trong tác phẩm hiện vẫn còn nhìn thấy, ví dụ như áo dài mất màu của thiếu nữ trong tấm thứ 4, hay của cây đàn tranh trong tấm thứ 5, từ trái sang. Tuy vậy, tác phẩm này vẫn xứng đáng là kiệt tác của sơn mài Việt Nam.
Tác phẩm nổi tiếng Thiếu nữ bên cây phù dung tại Bảo tàng Đức Minh
Lúc sinh thời, Nguyễn Gia Trí có tâm nguyện giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng, Múa dưới trăng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969), do bà Trần Lệ Xuân mua định tặng Nhật hoàng. Hiện nay tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) có treo một bức khổ lớn của Nguyễn Gia Trí tên Hoài niệm xứ Bắc (1969), nhưng do thời gian và cách bảo quản trong điều kiện bình thường, màu đôi chỗ đã bị phai. Cũng rất tiếc là chưa có một nghiên cứu đầy đủ về tác phẩm này.
Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón, chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay
Một tác phẩm độc đáo khác là Giáng sinh (130 x 237cm, 1941, 3 tấm), nơi ông đã Việt hóa và tân thời quang cảnh cùng các nhân vật trong Kinh Thánh. Hiện tác phẩm này treo ở nhà nguyện của tu viện Mai Khôi (44 Tú Xương, Q.3), dễ dàng đến xem vào sáng Chủ nhật, sau các giờ lễ.
Một tác phẩm nổi tiếng khác là Thiếu nữ bên cây phù dung (129 x 176cm, 1944), hiện được nhà sưu tập Bùi Quốc Chí treo ở Bảo tàng Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM).
Ngoài ra, Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua…Nguyễn Gia Trí còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam
“Thầy” của Nguyễn Gia Trí
Họ là Joseph Inguimberty (1898 -1971) và Alix Ayme (1894-1989), những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thử hỏi, nếu ban giám đốc trường không thông qua và những họa sĩ như Joseph Inguimberty, và đặc biệt là Alix Ayme, không có quyết tâm nghiên cứu, giảng dạy sơn mài, liệu Nguyễn Gia Trí có nhanh chóng đưa sơn mài mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật không? Chắc là không!
Trong cuốn Mỹ thuật hiện đại Việt Nam (NXB Mỹ thuật, 1996), trang 23, họa sĩ Quang Phòng viết: “Trong sự phát triển sơn mài, Joseph Inguimberty là người có công rất lớn. Ông nghiên cứu sâu sắc về chất “sơn An Nam” (laqued’Annam) và sành sỏi không kém gì bác Phó Thành (tức nghệ nhân sơn mài Ðinh Văn Thành 1898–1977), người mà ông gần gũi trong suốt 20 năm dạy học ở Hà Nội. Nguyên là giảng viên chính môn sơn dầu, ông chểnh mảng nhiệm vụ để chỉ say sưa triền miên theo dõi các sáng tác sơn mài của sinh viên, hướng dẫn họ các giải pháp hiệu quả nhất trong việc thể hiện những cảnh người gồng gánh qua đình, qua quán, qua cầu, trên đồng ruộng, những đề tài mà ông thích thú thể hiện bằng sơn dầu...”.
Alix Aymé đang làm sơn mài
Người có ảnh hưởng (nhất là về cảm hứng sơn mài) đến Nguyễn Gia Trí là Alix Ayme, đương thời nữ họa sĩ này sáng tác nhiều tranh sơn mài. Bà giảng dạy trong các năm 1934-1939, còn năm mà Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp là 1936. Cũng xin nói thêm, Nguyễn Gia Trí học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hai lần: khóa 4 (1928 - 1933), nhưng nghỉ nửa chừng, sau đó học lại khóa 7 (1931 - 1936), tốt nghiệp bằng một tác phẩm lụa.
Trong cuốn L’Indochine: Un Lieu D’échange Culturel? Les Peintures Françaises Et Indochinois (Đông Dương: nơi giao lưu văn hóa? Những họa sĩ Pháp và chuyến du hành sang Đông Dương) xuất bản tại Paris năm 1997, trang 164, nhà nghiên cứu Nadine Andre-Pallois cho biết: ngoài việc vẽ sơn mài, Alix Ayme còn viết rất nhiều bài nghiên cứu lịch sử và kỹ thuật sơn mài ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, An Nam, in trên các tạp chí chuyên ngành ở Pháp và để giảng dạy cho sinh viên.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
THỊ TRƯỜNG
Tranh Nguyễn Gia Trí giả: quá đắt! Tranh Nguyễn Gia Trí thật: quá rẻ!
28. 08. 15 - 5:36 pm
Phạm Long
(Bài đăng lại từ trang web của Hội Mỹ thuật Việt Nam)
Ngày 5. 7. 2015, phiên đấu giá “Nghệ thuật hiện đại và đương đại”[1] tại nhà đấu giá Larasati, Singapore, được công chúng rất chú ý vì trong danh mục xuất hiện các bức tranh được giới thiệu là của Nguyễn Gia Trí và Bùi Xuân Phái. Bức sơn mài ba tấm “Trong vườn” (In The Garden) có chữ ký ‘Ng Trí’, có mức giá khởi điểm từ 70.000 đến 90.000 đôla Singapore, kết quả bán được 134.200 đôla Singapore (tương đương 99.372 đô la Mỹ). Đây là hiện vật bán được giá cao thứ hai trong phiên này (kém một bức tranh của danh họa Trung Quốc Chen Wen Hsi bán được 146.400 đô la Singapore); bức “Chèo” (Opera Player) có chữ ký ‘Phái’ khá mờ – mức giá khởi điểm từ 4.000 đến 5.000 đô la Singapore, bán được 4.392 đô la Singapore (tương đương 3.251 đô la Mỹ).
Lập tức nảy sinh nhiều nghi vấn trong giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật sau khi xem xét hình ảnh của các bức tranh công bố trên mạng nhà đấu giá Larasati: bản chất các tranh Gia Trí và Phái được bán ở đây là thật hay giả? Nguồn gốc/xuất xứ của chúng?
Cay đắng thay, với các tranh ‘mệnh danh là’ của Bùi Xuân Phái, giờ đây công chúng không còn mấy bận tâm tới tính thật giả. Nhưng với Gia Trí mà tranh đã thành báu vật của nền mỹ thuật Việt Nam thì mỗi khi xuất hiện đều được quan tâm xen lẫn hồ nghi đặc biệt, đó là điều hiển nhiên.
Bài viết này, trên cơ sở những thông tin do nhà LARASATI cung cấp công khai trên mạng, là một ý kiến chủ quan nêu lên những phân tích về các điểm đáng ngờ quanh bức sơn mài ‘Trong vườn’ được giới thiệu là của Nguyễn Gia Trí nói trên.
1. Về hình thức: bức sơn mài 3 tấm (tạm gọi là bức Larasati) phải chăng là một trong hai trường hợp sau
- hoặc là một phiên bản không đầy đủ của bức tranh sơn mài khổng lồ Vườn xuân Trung Nam Bắc của Gia Trí hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM? Phải chăng Gia Trí đã vẽ bức “Trong vườn” từ một ‘trích đoạn’ của bức Vườn xuân Trung Nam Bắc ? Rất đáng ngờ vì ông từng tỏ thái độ căm ghét việc vẽ lại, chép lại tranh: “Picasso mà vẽ lại Picasso, cũng là tranh giả của Picasso” [2].) Nếu đây là bức chép lại một phần thì kẻ chép tranh rất dốt: không ai lại cắt một phần bố cục trong một bức tranh hoàn chỉnh để làm thành một tác phẩm độc lập, vì trong một bố cục tổng thể, họa sĩ đã tính toán kỹ lưỡng mọi chi tiết/vị trí rồi; thêm vào hay bớt đi một chi tiết cũng phá hỏng hoàn toàn tính tổng hòa của tác phẩm;
- hoặc phát triển từ bức phác thảo trên giấy can của Nguyễn Gia Trí (hiện nay cũng thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng MT TPHCM); Chúng ta đã biết danh họa từng làm nhiều phác thảo trên giấy cho bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc, thế thì vì sao ông chỉ thể hiện trên chất liệu sơn mài ‘cụm’ 5 cô gái này??? Phác thảo sơn mài cho tranh sơn mài ư? Chưa từng nghe/thấy ai phác thảo bằng sơn mài cho tranh sơn mài cả! Còn nếu đây là bức sơn mài phát triển từ phác thảo trên giấy thì quả là một phát triển không đạt, thậm chí vô hồn và kém xa bức phác thảo về tính tạo hình và mức độ sinh động.
2. Nhược điểm nổi bật đáng ngờ của bức Larasati là bố cục:
- Dù có 2 cụm nhân vật bố trí khá “cân xứng” ở hai bên (trái: 2 cô gảy đàn; phải: 3 cô nhảy múa) song gương mặt cả 5 cô đều cùng hướng về một phía, khiến cho bức tranh bị lệch lạc hẳn và kém hài hòa (trong các bức tranh đông người của Gia Trí, các nhân vật luôn được bố cục có nhịp điệu, hài hòa, và/hoặc xoay vòng, đồng thời gương mặt của các nhân vật không bao giờ ‘nhất tề’ ngoảnh về một phương theo kiểu ‘chào cờ’ hay duyệt binh như ở bức Larasati này)
- Ngoài ra: bức Larasati với bố cục bị cắt đôi xét theo chiều thẳng đứng (đường nối các đỉnh đầu của mấy cô gái nhảy múa), đã phạm vào một kiêng kỵ trong tạo hình hội họa kinh điển (còn hội họa đương đại, phá cách lại khác). Mặt khác, cụm ‘ba cô gái’ ở đây tạo nên một hình thang khô cứng không như ba cô múa trong bức Vườn xuân Trung Nam Bắc tạo thành một hình tam giác với chóp đỉnh là tà khăn hất lên tuyệt đẹp
3. Những phẩm chất tạo hình phóng khoáng, sinh động của Gia Trí đều không thấy trong bức Larasati
- Các nhân vật người ở tranh Larasati được thể hiện thô cứng, gượng gạo, đường nét viền đanh, các tư thế chân và tay của các cô gái nhảy múa và những nếp uốn lượn của các tà áo dài đều hoàn toàn cứng nhắc, đờ đẫn, ngờ nghệch (chưa kể nhiều chi tiết như bàn tay phải của cô gái ngoài cùng bên phải; cánh tay đưa lên của cô gái ở giữa; cẳng chân phải của cô ngoài cùng bên phải… đều thể hiện rất kém), thiếu hẳn nhịp điệu sinh động của một nhóm người đang vận động theo tiết tấu xoay tròn, hoàn toàn không giống lối vẽ silhouette (bóng trên nền sáng) ẩn hiện độc đáo của Gia Trí
- Về cảm xúc thẩm mỹ mang đến cho người xem, bức Larasati chỉ như một tranh sơn mài mỹ nghệ của một thợ vẽ thiếu cảm xúc, non tay nghề, không thể hiện nổi bút pháp ‘vẽ như chơi’, ‘vừa vẽ vừa xóa’, ‘vẽ như phác’ vốn là đặc điểm độc đáo không thể trộn lẫn của tranh sơn mài Gia Trí; hay nói cách khác: không có tâm thế tự tại, tự do như Gia Trí thì không thể vẽ ‘giống như’ Gia Trí
- Những nhược điểm ở phần tạo hình nói trên phần lớn là do kỹ thuật gắn vỏ trứng và kỹ thuật mài vỏ trứng yếu, không giống lối gắn trứng điêu luyện bậc nhất của Gia Trí, hay nói cách khác: một trong những đặc điểm gây nghi ngại nhất trong bức tranh này là kỹ thuật gắn và mài vỏ trứng.
Để bạn đọc rộng đường tham khảo, xin trích dẫn một số lời của Nguyễn Gia Trí [2] khi bàn về nghệ thuật làm chủ vỏ trứng trong tranh sơn mài:
- ở sơn mài, so với cánh dán, sơn then, các màu, son và vàng, bạc thì vỏ trứng là một chất cứng ngoại lai xa lạ. làm cho vỏ trứng mềm mại, linh động hòa vào màu, chất của sơn mài là rất khó khăn, có thể nói là khó nhất trong kỹ thuật làm sơn mài;
- nét không bó gọn lấy trứng, mà hòa vào trứng, vào nền, một cách tự do;
- vẽ phong cảnh hay vẽ người cũng vậy, vỏ trứng, sơn, tất cả đều biến đi, thay đổi;
- sự biến chuyển đậm nhạt của trứng phải hài hòa;
- luyện cho vỏ trứng, từ một vật cứng, trở thành mềm mại;
- mài đứt, phá hết các tướng cũ của trứng, sau đó nối lại;
- dùng vỏ trứng phải có sáng tạo, nếu chỉ để thay màu trắng bằng trứng thì không có gì đặc biệt cả;
Hơn nữa, bàn về tổng thể một bức tranh, ông còn nói: “một kiệt tác, dầu cắt ra một mảng nhỏ, đoạn nhỏ, bất kỳ đâu, cũng có sự sống của toàn thể, cũng có máu thịt” [2];
Tranh Phái dễ làm giả hơn (bởi bút pháp khá đơn giản) nhưng với Gia Trí thì vô cùng khó, đúng như trong cuốn Hội họa Sơn mài Việt Nam[3] đã viết: “không phải bất cứ ai cũng tiếp cận được với phong cách kỹ thuật sơn mài kiểu Nguyễn Gia Trí (bởi vì việc sử dụng màu trắng của vỏ trứng trong kỹ thuật hội họa sơn mài Việt Nam kỳ thực cũng khó không kém gì nếu so với việc hầu như không sử dụng màu trắng trong kỹ thuật hội họa sơn dầu châu Âu)”.
Với giá bán được ở nhà Larasati như thế, bức sơn mài “Gia Trí” này thật quá rẻ nếu chẳng may là đồ xịn (theo một số chuyên gia thị trường, nếu bức tranh này thực sự của Gia Trí thì giá của nó phải gấp khoảng 5 lần, vì ít nhất người ta cũng mua được chữ ký thật của Gia Trí), và quá đắt nếu đích xác là hàng rởm (!) Tuy nhiên, có điều không hề đáng ngờ ở thương vụ đáng ngờ này, đó là luôn có nhiều nhà sưu tập sẵn sàng bỏ tiền ra mua lấy cái tên của nhà danh họa. Kỳ lạ thay, việc này Nguyễn Gia Trí cũng đã lường trước: “người mua tranh, phần nhiều chỉ là mua một chữ ký đã nổi tiếng” [2].
Xin cảm ơn các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Phan Thiết, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Khiêm, Trịnh Tuân, nhà nghiên cứu Quang Việt, nhà sưu tầm và đại lý nghệ thuật Jorn Middelborg đã chia sẻ với người viết bài này những trao đổi thẳng thắn. Rất mong nhận được thêm ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc, ngõ hầu sáng tỏ tung tích và phẩm chất của bức “Trong vườn” này (và/hoặc nhiều bức khả nghi khác), cũng không ngoài mong muốn cùng nhau bài trừ tệ nạn tranh giả đã và đang gần như xóa sổ niềm tin của những người yêu tranh và sưu tầm nghệ thuật trong và ngoài nước từng sùng kính Gia Trí và yêu quý hội họa Việt.
*
(Bài đã đăng trên website của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được tác giả cho phép đăng lại trên Soi)
Tham khảo:
2. Nguyễn Xuân Việt, Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, NXB Văn Nghệ, TP HCM 2009.
3. Quang Việt, Hội họa sơn mài Việt Nam, NXB Mỹ thuật, HN, 2014.
Tiên Nữ
Thiếu nữ và hoa Phù Dung
Chùa Thầy
Chùa Bách Môn
Làng Quê
Họa sĩ nổi tiếng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
Bùi Trang Chước • Bùi Xuân Phái • Cát Tường • Công Văn Trung • Diệp Minh Châu • Dương Bích Liên • Hoàng Lập Ngôn • Hoàng Tích Chù • Huỳnh Văn Gấm • Lê Phổ • Lê Văn Đệ • Lương Xuân Nhị • Mai Trung Thứ • Nam Sơn (hoạ sĩ) • Nguyễn Đỗ Cung • Nguyễn Gia Trí • Nguyễn Khang • Nguyễn Phan Chánh • Nguyễn Sáng • Nguyễn Thị Kim • Nguyễn Tư Nghiêm • Nguyễn Tường Lân • Nguyễn Văn Tỵ • Phan Kế An • Tạ Tỵ • Tô Ngọc Vân • Trần Đình Thọ • Trần Văn Cẩn • Vũ Cao Đàm
Bà Lemur Nguyễn Cát Tường (trái) đang sửa soạn cho cô dâu Nguyễn Thị Kim trong ngày đám cưới Nguyễn Gia Trí, tháng 12, 1955
sau 1990
Nguyễn Gia Trí – người họa sĩ đã nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài
Đinh Cường
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.