Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Quách Tấn (1910 - 1992)













Quách Tấn
(1910 - 1992) Bình Định
Hưởng thọ 82 tuổi

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả







Quách Tấn (1910-1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn; là một nhà thơ Việt Nam gốc Hoa. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.





Thân thế và sự nghiệp

Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 4 tháng 1 năm 1910, nhưng giấy khai sinh thì ghi là ngày 1 tháng 1 năm 1910) tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định.

Tổ tiên ông vốn là người Trung Quốc sang Việt Nam. Cha ông là Quách Phương Xuân, thông chữ Pháp; mẹ là Trần Thị Hào, giỏi chữ Hán. Anh em ông gồm 10 người nhưng chỉ còn lại ba là ông, Quách Tạo và Quách Thị Mộng Lan.

Lúc nhỏ Quách Tấn học chữ Hán. Đến 12 tuổi, ông mới bắt đầu học Quốc ngữ và Pháp ngữ tại trường Pháp Việt Quy Nhơn (nay là Quốc học Quy Nhơn), rồi đậu cao đẳng tiểu học (primaire Supérieur) năm 1929.




Sau đây là quá trình hoạt động của ông:

- 1930, làm phán sự Tòa sứ tại Tòa khâm sứ Huế, rồi đổi lên Tòa sứ Đồng Nai Thượng ở Đà Lạt.

- 1935, về làm việc tại Tòa sứ Nha Trang.

-1939, xuất bản tập thơ đầu tay: Một tấm lòng (Tản Đà đề tựa, Hàn Mặc Tử đề bạt).

- 1945, tản cư về Bình Định tham gia chống Pháp, làm thủ quỹ cho Ủy ban ủng hộ kháng chiến và Mặt trận liên hiệp quốc dân huyện Bình Khê.

- 1949, mở Trường trung học tư thục Mai Xuân Thưởng tại thôn An Chánh huyện Bình Khê.

- 1951, được trưng dụng dạy Trường trung học An Nhơn rồi Trường trung học Bình Khê.

- 1954, hồi cư về Nha Trang được tái bổ vào ngạch thư ký hành chánh.

- 1955, làm tại tòa hành chánh Quy Nhơn cho đến 1957. Tiếp theo, ông giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Định. Nhờ cương vị này, Quách Tấn đã can thiệp với chính quyền địa phương, chọn được một vùng đất địa thế đẹp tại Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), rồi chuyển hài cốt người bạn tri âm là thi sĩ Hàn Mặc Tử từ nghĩa trang nhà thương phong Quy Hòa về an táng tại đây. Ít lâu sau, Quách Tấn đổi về Sở Du lịch Huế (1957-1958), Ty Kiến thiết Nha Trang (1958-1963), rồi giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa (1963-1965)

- 1965, nghỉ hưu tại nhà số 12 đường Bến Chợ Nha Trang (gần chợ Đầm), tiếp tục viết văn làm thơ.

- 1987, ông lâm cảnh mù lòa rồi mất ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang, hưởng thọ 82 tuổi.

Quách Tấn lập gia đình năm 1929. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu Thanh Tâm, sinh trưởng tại Phú Phong, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.





Tác phẩm

Quách Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy Nhơn. Lúc ra trường ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932 [1]. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được thi sĩ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông. Tản Đà viết: Nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay[2]. Sau đây là một số tác phẩm chính của ông:











Quách Tấn lúc trẻ
không phải Hàn Mặc Tử










Thơ









Một tấm lòng
tập thơ, 1939, gồm hai phần chính và một phần phụ lục, có lời "Tựa" của Tản Đà, lời "Bạt" của Hàn Mặc Tử.







1
Mùa cổ điển
tập thơ, 1941








Ðọng bóng chiều
tập thơ, gồm 108 bài thất ngôn tứ tuyệt, Kim Lai ấn quán in năm 1965








Mộng Ngân sơn
tập thơ, gồm 135 bài ngũ ngôn tứ tuyệt, Nhà xuất bản Hoa Nắng (Paris) ấn hành năm 1966








Giọt trăng
tập thơ, gồm 60 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, Nhà xuất bản Rừng Trúc (Paris) ấn hành năm 1973








Trăng hoàng hôn
tập thơ, gồm 60 bài thơ lục bát tứ tuyệt, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999








Tuyển tập thơ Quách Tấn
do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006













Ngoài ra ông còn 13 tập thơ chưa xuất bản









Văn



Trăng ma lầu Việt
gồm 2 tập, viết phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đời Hậu Lê. Tập 1 xuất bản năm 1943. Năm 1947, viết thêm tập 2. Năm 2003, Nhà xuất bản Thanh Niên in chung thành một quyển.








Nước non Bình Định
tập địa phương chí Bình Định, Nam Cường xuất bản năm 1968. Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 1999.








Xứ Trầm hương
tập địa phương chí Khánh Hòa, Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1970.








Đời Bích Khê
 tập hồi ký của Quách Tấn viết về cuộc đời và thơ của thi sĩ Bích Khê. Nhà xuất bản Lửa Thiêng ấn hành năm 1971.








Đôi nét về Hàn Mặc Tử
in trong Bán nguyệt san Văn số 7, Sài Gòn, 1967; in lại trong Hàn Mặc Tử - hôm qua & hôm nay, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1996.








Họ Nguyễn thôn Vân Sơn 
(1988)








Nét bút giai nhân 
(1988)








Bước lãng du
giới thiệu danh lam, thắng tích từ Huế đến Ninh Thuận, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1996.








Thi pháp thơ Đường
gồm 26 bức thư và một bài tựa "Chút lòng" gởi cho các bạn trẻ yêu thích thơ Đường, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1998.








Bóng ngày qua
hồi ký của Quách Tấn dày trên 2.000 trang đánh máy, xếp thành 10 tập. Đã xuất bản được các tập:

Đời văn chương 
(1998)

Bàn thành tứ hữu 
(2001)

Tình thầy bạn 
(2003)

Trường Xuyên thi thoại 
(2000)

Những mảnh gương xưa 
(2001)

Hương vườn cũ 
(2007)

Nguồn đạo trong thơ văn 
(2007)
.......

Ngoài ra ông còn 20 tập văn chưa xuất bản.











Thơ văn dịch

Lữ Đường Thi tuyển dịch: 
tuyển dịch 56 bài thơ chữ Hán của Thái Thuận, một danh sĩ triều Hậu Lê. Trong tập còn có bài tổng luận về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của vị thi sĩ này. Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2002.







Tố Như thi: 
tuyển dịch 72 bài thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du. Nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1973. Năm 1995, Nhà xuất bản này tái bản tại Paris.







Ngục trung thư : 
dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Nguyễn Ái Quốc (?). Mặc dù chưa in, song một phần lớn thơ dịch đã được đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản năm 2000.







Nghìn lẻ một đêm 
(4 tập, 1958)














Viết chung

Ông viết chung với con trai là Quách Giao các tập:


Nhà Tây Sơn
(xb năm 1988, được tái bản nhiều lần)


Võ nhân Bình Định
(Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001)


Đào Tấn và Hát bội Bình Định
(xb năm 2007)...[3].











Quan niệm sáng tác thơ

“ Đối với thơ, tôi (Quách Tấn) không tách biệt "mới" và "cũ". Tôi lựa thể Đường luật vì thấy thích hợp với tâm hồn mình. Vì đã lựa được con đường đi nên từ 1932 đến 1941, mặc dù phong trào Thơ Mới sôi nổi, tôi vẫn giữ thể Đường luật.[4]








Đọc thơ Quách Tấn

















Nhận xét

Nói về phong cách sống của Quách Tấn, Nguyễn Vỹ viết: Tôi biết anh lúc anh còn học ở Quy Nhơn. Sau, anh thi đậu "diplôme", được bổ đi làm việc tại các Tòa Sứ miền Trung. Không có cái gì tiết lộ anh là một thi sĩ...Anh thuộc về hạng đàn ông đạo đức, giản dị, không se sua, không bần tiện, không làm phiền ai, một người công dân có ý thức trách nhiệm, một người bạn hiền lành, vui vẻ, khả ái, một người cha rất tốt trong gia đình, một người chồng rất thủy chung...[5]

Về sự nghiệp văn chương, tuy Quách Tấn viết nhiều thể loại, nhưng người ta chú ý đến ông là nhờ thơ, nhất là hai tập thơ đầu. Đặng Thị Hảo cho biết:Tập thơ "Một tấm lòng" vừa ra đời đã gây nên hai luồng dư luận trái ngược. Các nhà thơ cổ hoan nghênh; những người hâm mộ "thơ mới" lại làm ngơ, như ở báo Phong Hóa của bút nhóm Tự Lực văn đoàn chỉ giới thiệu vắn tắt mà không bình luận gì...[6]

Đến hai năm sau (1941), khi thi phẩm Mùa cổ điển ra đời, thì giới yêu thơ mới bắt đầu chú ý đến thơ ông nhiều hơn. Tháng 10 năm ấy, Quách Tấn được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam: Quách Tấn là một người thanh niên có Tây học; người thanh niên ấy hồi 1939 đã xuất bản một tập thơ cũ (Một tấm lòng) được Tản Đà để ngang với thơ Yên Đỗ (Nguyễn Khuyến), thơ Hồ Xuân Hương...Đêm đã khuya, tôi ngồi một mình xem thơ Quách Tấn...Theo gót nhà thơ, tôi đi dần vào một thế giới huyền diệu. Ở đây người ta nói rất khẽ, bước rất êm... Tình cảnh ở đây đã biến thành một thứ hương mầu nhiệm...[7]

Nhưng Vũ Ngọc Phan lại có ý kiến trái ngược: Đọc thơ Quách Tấn, người ta thấy ông chú trọng vào sự gọt giũa nhiều quá, ông cân nhắc từng chữ, ông lựa từng câu, sự chú trọng ấy ông để người ta thấy rõ quá, nên sự thành thật bị giảm đi nhiều...Thơ Quách Tấn điêu luyện thì có điêu luyện, nhưng thành thực thì không. [8]

Những năm gần đây, tài thơ của ông được đánh giá như sau. Trích trong Từ điển văn học (bộ mới):Về hình thức thể loại cũng như về nội dung, "Một tấm lòng" không có gì mới mẻ. Hai năm sau, Quách Tấn cho xuất bản tiếp "Mùa cổ điển" (1941). Đây là tác phẩm tâm đắc nhất đồng thời cũng là đỉnh cao nghệ thuật của ông. Ở "Mùa cổ điển", ngòi bút nghệ thuật của thi sĩ tỏ ra điêu luyện hơn, cảm xúc cũng sâu sắc hơn tập thơ trước...Song, nếu ở "Một tấm lòng", người đọc còn tìm thấy cái nhìn trong trẻo của nhà thơ trước con người và thiên nhiên; thì đến Mùa cổ điển, mỗi bài thơ đều chất nặng ưu tư, ẩn giấu một nỗi buồn sâu xa. Đó cũng là sự phản ảnh tâm trạng chung của lớp thanh niên trí thức Việt Nam trước không khí nặng nề của cuộc đại chiến.[6]

Trong Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam có đoạn:Quách Tấn là một nhà thơ chuyên về Đường luật. Có lẽ từ đầu thế kỷ đến nay, không một nhà thơ nào chuyên chú và có công với thơ luật bằng ông; vì ông đã sáng tác trên cả ngàn bài thơ Đường, kể cả thơ dịch. Đó là cống hiến lớn của ông đối với lịch sử thơ ca Việt Nam...Thơ Quách Tấn (dù là thơ Đường) vẫn có cảm xúc mới, ý lạ mà nồng nàn khiến người đọc rung động, bồi hồi theo nỗi lòng cô đơn của tác giả, hoặc đìu hiu như bên sông lạnh mà đó cũng là tiếng hư không từ cõi âm vọng về.Bờ nghiêng lau lách bóng sương lồng,Trăng muộn màng canh cánh mặt sông.Đời nữa khói mây chìm bóng mộng,Gọi đò một tiếng lạnh hư không![9]



Chú thích

1/Theo Quách Giao, Quách Tấn-Nguyễn Hiến Lê, Những bức thư đầm ấm. Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 442-443.
2/Dẫn lại theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên [quyển 3], Sài Gòn, 1965, tr. 588).
3/Danh mục tác phẩm của Quách Tấn chủ yếu căn cứ theo sách Quách Tấn-Nguyễn Hiến Lê, Những bức thư đầm ấm. Sẽ bổ sung những thông tin còn thiếu khi tra được.
4/Dẫn lại trong Việt Nam thi nhân tiền chiến(quyển trung), Nhà xuất bản. Sống Mới, 1968, tr. 573.
5/Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Nhà xuất bản Văn học, 2007, tr. 407 và 410.
6/a ă Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr.1471.
7/Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 1988, tr.46.
8/Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nhà xuất bản Sống Mới, Sài Gòn, tr.723.
9/Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1999.









Giới Thiệu Bàn Thành Tứ Hữu


Bàn Thành tứ hữu tức Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn (1) hay còn gọi là Nhóm thơ Bình Định, là một nhóm thơ đã phát sinh và tồn tại trên đất Bình Định từ năm 1936 cho đến 1945. 

Khởi đầu, ở Bình Định có hai đôi bạn. Đôi thứ nhất gồm Quách Tấn và Hàn Mặc Tử. Đôi thứ hai gồm Yến Lan và Chế Lan Viên. Theo lời kể của Quách Tấn, thì vào năm 1931 (khi ấy Quách Tấn 21, còn Hàn Mặc Tử 19 tuổi) sau khi đọc được những bài thơ Đường luật ký trên P.T trên báo, rồi vì quá yêu thích nên ông có nhờ người quen dò tìm và tình cờ gặp được P.T. P.T tức Phong Trần, mà Phong Trần, sau này là Hàn Mặc Tử. 

Kể từ đó, hai người "là một đôi tri kỷ và họ yêu nhau như tình nhân. Quách Tấn bề ngoài nghiêm nghị khó gần, ít khi bộc lộ tình cảm nồng nhiệt, vậy mà với Hàn, ông đặc biệt thân ái và chiều chuộng..." (Hàn Mặc Tử - Hương thơm & mật đắng, tr.36) Khi Hàn mắc bệnh hiểm nghèo, Quách Tấn đã hết lòng tìm thầy chạy chữa và nhiều tháng đã trích tiền lương giúp bạn...Bởi những chân tình đó, trước khi mất, người thi sĩ vắn số này đã giao cho Quách Tấn việc cất giữ nhiều thư từ và thơ của mình...(2) 

Theo hồi ký của Yến Lan thì ông lớn hơn Chế Lan Viên 4 tuổi và học trên Chế ba lớp trong Trường Tiểu học Pháp Việt ở thị trấn Bình Định. Và: "Vốn thông minh và có khiếu văn chương từ nhỏ, nên những bài thơ của Chế đã làm nhiều người yêu thơ kinh ngạc vì giọng thơ già dặn và u buồn trước tuổi của một học sinh đệ tam niên. Cũng như đôi bạn trên, nhờ thơ mà Yến Lan và Chế gặp nhau để rồi có cuốn sách hay, bài thơ mới đều đọc cho nhau nghe. Chiều chiều cùng dạo quanh thành cổ Bình Định, trèo lên lầu Cửa Đông, ngắm những ngọn tháp Chàm cô đơn trên các đỉnh đồi quạnh quẽ mà ôm ấp mộng văn chương..." 

Năm 1936, Hàn Mặc Tử thôi làm báo ở Sài Gòn về Qui Nhơn, gặp Yến Lan và Chế Lan Viên. Theo web Miền Trung (3) thì: "Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên quen nhau khi Chế 16 tuổi và Hàn 24 tuổi. Chế thường mang thơ của mình cho Hàn đọc, góp ý. Có bài thơ mới, Hàn Mặc Tử lại đọc cho Chế Lan Viên nghe. Cũng với sự khuyến khích của Hàn, Chế đã hoàn thành bản thảo tập "Điêu tàn" và xuất bản năm 1937.Còn cuộc gặp gỡ giữa Yến Lan và Hàn Mặc Tử thật đặc biệt. Đó là vào một sáng chủ nhật giữa năm 1930, Yến Lan đang ngồi chép lại bài thơ mới làm hôm qua tại chùa Ông (Bình Định) thì Hàn Mặc Tử đưa Nguyễn Công Hoan đến vãn cảnh chùa. Biết Yến Lan có làm thơ, Hàn Mặc Tử mời Yến Lan có dịp vào Quy Nhơn ghé chơi tại nhà ở số 20 Khải Định... Trong quá trình trao đổi, Hàn Mặc Tử nhận thấy cần phải qui tụ bốn người (kể cả mình) trong một nhóm thơ để cùng học hỏi và thúc đẩy nhau trên đường sáng tạo. 

Từ đó, khi hình thành nhóm, Hàn Mặc Tử luôn luôn là người điều hoà và thắt chặt các mối dây bằng hữu. Lạ một điều là đến khi Hàn mất đi, Quách Tấn mới gặp Yến Lan và Chế Lan Viên, nhưng qua Hàn, tình bạn của họ như đã đậm đà từ lâu. Trong "Hàn Mặc Tử - Hương thơm & mật đắng" có đoạn: "Một người nghiên cứu văn học ở Bình Định đương thời, chơi rất thân với nhóm thơ là Trần Thống (tức Trần Kiên Mỹ) đã hết lời ngợi ca tình bạn đó trong bài nói chuyện "Bình Định lắm duyên với thi sĩ". Ông Mỹ đã dùng hình tượng tứ linh để ví với "Bàn thành tứ hữu". Trong đó, long là Hàn Mặc Tử, lân là Yến Lan, qui là Quách Tấn và phụng là Chế Lan Viên. Đó là một cách so sánh lý thú và khá phù hợp với tính cách từng người trong nhóm. Lạ một điều nữa là, tuy "nhóm thơ giao du rất rộng, nhưng không mở rộng nhóm thơ", nghĩa là trước sau chỉ có bốn người" 

Trong ngần ấy năm tồn tại (1936-1945),"Bàn thành tứ hữu" lần lượt cho ra đời nhiều thi phẩm có giá trị, gây được nhiều tiếng vang, như "Thơ Điên, Điêu tàn, Mùa cổ điển, Bến Mi Lăng" v.v...Tất cả đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học Việt. 

Sau này, khi quan tâm vào tính khuynh hướng của sáng tác, Hàn Mặc Tử thấy ngay trong Nhóm thơ Bình Định, tính khuynh hướng thể hiện rất rõ trong sáng tác của từng người. 
Cuối năm 1936, Hàn Mặc Tử đề xướng việc thành lập "Trường thơ Loạn". Và theo lời kể của Yến Lan, thì trong khi đang suy nghĩ về vấn đề đó, Hàn biết Yến Lan vừa hoàn thành một tập thơ viết về đề tài chiến tranh, nhan đề "Giếng loạn". Cái tên của tập thơ đã gợi cho Hàn cái tên của trường phái mà nhà thơ định khởi xướng, chỉ còn đợi dịp. Ít lâu sau tại ngôi nhà số 20 Khải Định, Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử cảm động cầm trên tay bản đặc biệt của tập "Điêu Tàn" (1937) do Chế Lan Viên mang đến tặng mình. Dịp ấy, Chế Lan Viên đi với Yến Lan và một người nữa. Sau khi chúc mừng Chế, Hàn xúc động nói: "Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra có đủ nhân tố để dựng một trường thơ, trường thơ Điên loạn. Ừ, mà nó đã có mầm mống từ lâu rồi (giơ tập thơ của Chế Lan Viên lên), cái tựa tập "Điêu tàn" này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục có tuyên ngôn bổ sung khi in tập thơ chung của Trường thơ Loạn". 

Từ đó, cái tin ở Qui Nhơn có Trường thơ Loạn (có người gọi là "Trường thơ Điên") loan truyền ra khắp nơi. Ban đầu "Trường thơ Loạn" gồm Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, sau có thêm Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao... 

Vì có tới ba trong bốn thành viên của Nhóm thơ Bình Định (không có Quách Tấn vì khác khuynh hướng sáng tác) nên không ít người tưởng rằng "Trường thơ Loạn" là một danh hiệu khác của "Nhóm thơ Bình Định", tức "Bàn thành tứ hữu". 

Quách Tấn và Yến Lan, hai thành viên của nhóm, khi còn sống đều đã khẳng định "Bàn thành tứ hữu" là một nhóm thơ. Ở đó, sự gắn kết với nhau bằng tình thi ca, bằng hữu, hơn là một trường phái sáng tác. (4) 
Sau khi Hàn Mặc Tử mất (1940), Trường thơ Loạn bắt đầu tan rã. Mặc dù Yến Lan, Chế Lan Viên và Bích Khê vẫn chơi thân với nhau, song không còn ai tha thiết với việc duy trì hoạt động Trường thơ. Nó còn tồn tại một thời gian nữa, rải rác trong các sáng tác của Bích Khê và kết thúc cùng với sự qua đời của người "mang rõ phong cách của Trường thơ Loạn, người công dân trung thành của vương quốc" là Bích Khê vào năm 1942.

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu. 
Long Xuyên, tháng 10 năm 2008. 

(1) Thành Đồ Bàn còn gọi là thành cổ "Chà Bàn" hoặc thành "Hoàng Đế" thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Thành được xây dựng năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là "Trung Ương Hoàng Đế", đóng đô ở đây, nên còn gọi là "Hoàng Đế thành". Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi tên gọi là thành Bình Định. 

(2) Thế nhưng, "từ năm 1945 đến 1954, do tình hình chiến tranh, Quách Tấn phải đưa gia đình về Bình Định. Đến năm 1954, cả gia đình vào lại thì ngôi nhà vẫn còn đó nhưng tất cả sản nghiệp và sách vở bị mất sạch. Sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử dĩ nhiên cũng không còn. Cả trên 500 - 600 bức thư Hàn gửi cho Quách Tấn suốt 10 năm thân thiết cũng mất hẳn... Thế rồi, "Suốt bao năm sau, Quách Tấn ròng rã kiếm tìm những bài thơ lưu lạc của Hàn. Nghe bất cứ nơi đâu có phong thanh là thi sĩ lặn lội tới tận nơi...dần dần các tập thơ... cũng lần lượt về tay khổ chủ. Năm 1987, tuyển tập Thơ Hàn Mặc Tử ra đời do Chế Lan Viên đề tựa và Quách Tấn giới thiệu. Một lời hứa, một ý nguyện đối với vong hồn bạn phải 45 năm sau mới thực hiện được. Dù muộn, nhưng thật chí tình, son sắt và trọn vẹn..." (Hương thơm & mật đắng, tr.46-53.) 

(3) Địa chỉ trang:

(4) Trần Thị Huyền Trang giải thích thêm: "Rất nhiều người tưởng rằng Trường thơ Bình Định là một danh hiệu khác của Nhóm thơ Bình Định (tức Bàn thành tứ hữu). Sự nhầm lẫn đó xuất phát từ chỗ ý nghĩa của hai chữ "trường" và "nhóm". Về ý nghĩa "trường" biểu thị cho một tập hợp có chung một khuynh hướng, "nhóm" cũng là một tập hợp nhưng không đòi hỏi sự đồng nhất về khuynh hướng (Hàn Mặc Tử, hương thơm và mật đắng, Nxb Hội nhà văn, 1990, tr. 54)






Quách Tấn







Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều qua.