Bình-nguyên Lộc
(7 tháng 3 năm 1914 - 7 tháng 3 năm 1987)
Hưởng thọ 73 tuổi
tên thật: Tô Văn Tuấn
bút danh khác:
Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh...
Nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa Nam Bộ
giai đoạn 1945-1975.
Vo cơm ngoài cạnh ao bèo
Lắng nghe xa vắng tiếng chèo khua sông
Dưới đèn, quanh bếp lửa hồng,
gia đình tề tựu mà dòng lệ rơi
BnL
Nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa Nam Bộ
giai đoạn 1945-1975.
Vo cơm ngoài cạnh ao bèo
Lắng nghe xa vắng tiếng chèo khua sông
Dưới đèn, quanh bếp lửa hồng,
gia đình tề tựu mà dòng lệ rơi
BnL
Tiểu sử
Trước 1949
Bình-nguyên Lộc sinh tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên.
Cha là ông Tô Phương Sâm (1878-1971) làm nghề buôn gỗ. Mẹ là bà Dương
Thị Mão (hay Mẹo) (1876-1972). Theo giấy khai sinh, Bình-nguyên Lộc tên
thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1915. Tuy nhiên, trên thực
tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh,
nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không.
Nhà ông chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn một trăm mét và con sông in đậm dấu ấn trong một số tác phẩm của ông sau này như truyện ngắn Ðồng đội (trong Ký thác), hồi ký Sông vẫn đợi chờ (viết và đăng báo ở California, Mỹ)...
Từ năm 1919 đến 1920, ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng.
Sau đó Bình-nguyên Lộc học trường tiểu học ở Tân Uyên vào những năm
1921-1927. Năm 1928 ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào trung học
Pétrus Ký ở Sài Gòn. Từ 1929 đến 1933, ông học trung học ở trường Pétrus Ký và lấy bằng Thành chung (Diplôme d´Études Primaires Supérieures, tú tài phần thứ nhất) năm 1933. Tuy nhiên, có tài liệu nói ông đậu bằng Thành chung trong niên khóa 1933-1934 và thôi học do kinh tế khủng hoảng. Cũng có tài liệu nói ông không học xong trung học và nghỉ học năm 1935.
Năm 1934, Bình-nguyên Lộc về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt.
Sau đó ông thi vào ngạch thư ký hành chính nhưng vì kinh tế khủng
hoảng, hơn một năm sau ông mới được tuyển dụng. Ban đầu, ông làm công
chức tại kho bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).
Năm 1936, ông đổi về làm nhân viên kế toán ở kho bạc Sài Gòn (sau đổi
tên thành Tổng nha ngân khố Sài Gòn). Ông bắt đầu viết văn trong thời
gian này. Truyện ngắn đầu tay của ông có tên Phù sa, viết về công cuộc Nam tiến của người Việt vào miền đất mới Nam Kì, đăng trên tạp chí Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông kết bạn với những tác giả khác viết cho báo Thanh niên như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Hoàng Tư, Lâm Thao Huỳnh Văn Phương, Dương Tử Giang, Nguyễn Tấn Sĩ... Vào khoảng năm 1943, ông hoàn tất tác phẩm Hương gió Đồng Nai (khởi thảo từ năm 1935), tập truyện ngắn và tùy bút về hương đồng cỏ nội đất Đồng Nai. Tác phẩm được Xuân Diệu, Huy Cận và vài nhà văn khác tán thưởng, nhưng sau đó bị thất lạc trong chiến tranh.
Năm 1944, Bình-nguyên Lộc bị bệnh thần kinh nên xin nghỉ dài hạn
không lương, và từ đó về sau không trở lại với nghề công chức nữa. Năm
1945, ông tản cư về quê, nhưng cuối năm 1946 ông hồi cư trở lại quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một. Trong thời gian này, Bình-nguyên Lộc có tham gia công tác kháng chiến tại miền Đông Nam Bộ và là thành viên của Hội Văn hoá cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Vào những năm 1944-1947, do bệnh cũ tái phát gây khủng hoảng tinh thần nên Bình-nguyên Lộc không viết tác phẩm nào.
Từ năm 1949: chuyển nhà xuống Sài Gòn
Năm 1949, ông xuống ở Sài Gòn và ở hẳn đó cho tới năm 1985. Năm 1950, ông viết cuốn Nhốt gió
và xuất bản cùng năm. Từ năm 1952, Bình-nguyên Lộc làm thư ký tòa soạn
cho vài tờ báo xuất bản tại Sài Gòn. Năm 1952, ông chủ trương tờ Vui sống,
tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y học với mong muốn áp dụng kiến thức
y học phổ thông vào đời sống thực tế. Báo quy tụ nhiều cây bút sáng giá
đương thời như Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Thanh Nghị Hoàng Trọng Quị, Lê Trương Ngô Đình Hộ, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý, Sơn Nam... Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, tuần báo có tinh thần văn nghệ lành mạnh mang màu sắc địa phương với mục đích làm sống dậy sinh khí của đất Gia Định xưa. Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé.
Trong thời gian 1960-1970, ông vẫn làm báo và làm chủ bút nhiều nhật
báo tại Sài Gòn. Bình-nguyên Lộc sáng tác rất đều tay trong giai đoạn
này. Hàng năm đều có đôi ba tác phẩm của ông ra mắt công chúng. Trong
thời gian này, ông đoạt giải nhất Văn chương toàn quốc 1959-1960 thể
loại tiểu thuyết với cuốn Đò dọc. Cùng được giải nhất đồng hạng là nhà văn Vũ Khắc Khoan với cuốn Thần tháp rùa. Giai đoạn 1970-1975, ông làm hội viên Hội đồng văn hóa giáo dục Việt Nam.
Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California,
vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi. Ông được an táng ngày 14 tháng 3 năm
1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn. Vợ ông, bà Dương Thị Thiệt, qua đời
ngày 9 tháng 10 năm 1988 cùng nơi với ông.
Gia đình và đời tư
Vợ Bình-nguyên Lộc là bà Dương Thị Thiệt (1911-1988). Họ có với nhau năm người con, bao gồm: Tô Dương Hiệp (1935-1973), Tô Hòa Dương (1937-2011), Tô Loan Anh (1939), Tô Mỹ Hạnh (1940) và Tô Vĩnh Phúc (1947).
Bình-nguyên Lộc mắc bệnh thần kinh năm 1944, năm sau thì khỏi. Nhưng
từ năm 1950 đến năm 1964, ông trở nên cực kỳ khó tính, thường xuyên gây
căng thẳng trong gia đình. Không rõ đây có phải là một dạng thái bệnh
tâm thần loại nhẹ biến chứng từ bệnh thần kinh năm 1944 không. Tuy
nhiên, Bình-nguyên Lộc cứ đinh ninh bản thân ông không thể mắc bệnh tâm
thần, chỉ có vợ, con, cháu và bạn bè ông mới có thể mắc bệnh này (thực
ra, ông quả có hai người cháu và vài bạn làng văn mắc bệnh tâm thần). Do
đó ông ưa hỏi thăm về bệnh tâm thần để cứu chữa cho... người thân và
bạn bè.
Cũng vì quan tâm tới bệnh tâm thần mà ông nghĩ là của người khác,
Bình-nguyên Lộc đã cùng người trưởng nam là bác sĩ Tô Dương Hiệp, giám
đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, soạn thảo một công trình biên khảo lấy
tựa là Khinh tâm bệnh và sáng tác văn nghệ. Có thể một số bài
trong tập biên khảo đã được đăng tải trên đặc san của Bệnh viện Tâm thần
Biên Hòa cùng với nhiều tranh vẽ và văn thơ của các văn nghệ sĩ mắc
bệnh tâm thần điều trị tại bệnh viện nói trên (như Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Ý). Tác phẩm Khinh tâm bệnh và sáng tác văn nghệ chưa xuất bản thì bác sĩ Tô Dương Hiệp từ trần và bản thảo bị thất lạc.
Khi còn ở Việt Nam, Bình-nguyên Lộc thường giao du thân mật với Nguyễn Ang Ca, An Khê, Hà Liên Tử.
Sự nghiệp
Tình cờ cầm bút
Trong tập hồi ký viết dở trước khi qua đời Nếu tôi nhớ kỹ,
Bình -nguyên Lộc kể lại rằng ông bước vào nghề viết một cách rất tình cờ.
Vào khoảng đầu những năm 1930, một bà phú thương Việt Nam tên Tô Thị
Thân thay mặt người chồng Hoa kiều, tục danh là chú Xồi, đứng tên làm chủ 20 tiệm cầm đồ tại Sài Gòn.
Vì bị báo chí Sài Gòn khi đó chỉ trích là gian thương, là phường cho
vay cắt cổ... bà muốn ra một tờ báo để tự bênh vực, nên bà tìm người phụ
trách tờ báo đó. Bà Thân giao việc này cho người thư ký kế toán của bà
là ông Tô Văn Giỏi, vốn là anh họ của Bình-nguyên Lộc. Ông Giỏi nhờ Bình-nguyên Lộc tìm người làm báo. Chính do việc tìm kiếm người làm báo đó
mà ông bắt đầu tới lui với các văn nghệ sĩ và khiến ông tập viết văn,
viết báo.
Trong bài Hăm bảy năm làm báo cũng trích từ tập hồi ký Nếu tôi nhớ kỹ, Bình-nguyên Lộc cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1946 mới làm báo. Bản thảo bài Hăm bảy năm làm báo
đã thất lạc, chỉ còn lại trang đầu, nhưng có thể đoán hiểu ý ông muốn
nói đến năm 1946 ông mới bắt tay vào những công việc có tính cách kỹ
thuật để cho một tờ báo hình thành được như chọn lựa, sắp xếp, trình bày
bài vở...
Một cây bút không ngừng nghỉ
Từ năm 1942, ông cộng tác với báo Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Trong ban biên tập còn có Xuân Diệu, Huy Cận, Mặc Ðỗ... Thời kỳ này, Bình-nguyên Lộc đã đề nghị ban biên tập đăng bài thơ Mã Chiếm Sơn của một độc giả gửi. Ðộc giả đó là Tố Hữu. Ít lâu sau, ông Tố Hữu cũng vào ban biên tập báo Thanh niên. Sau 1954, Tố Hữu xuất bản tập thơ Từ ấy trong đó có cả bài Mã Chiếm Sơn.
Từ năm 1949, Bình-nguyên Lộc định cư hẳn ở Sài Gòn, không làm công chức
nữa và sinh sống bằng nghề viết báo, làm báo. Ông cộng tác với các báo Lẽ sống (với bút danh Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc...), Ðời mới, Tin mới...
Năm 1957, 1958 ông cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn hóa ngày nay (của Nhất Linh) và làm chủ nhiệm tuần báo Vui sống năm 1959. Năm 1960-1963 ông phụ trách trang văn nghệ của báo Tiếng chuông, rồi năm 1964-1965 làm chủ biên nhật báo Tin sớm.
Từ năm 1965-1975 ông chuyên viết dài kỳ cho các nhật báo. Ngay từ
những năm 1951, 1952, Bình-nguyên Lộc đã bắt đầu viết dài kỳ cho các
báo, với nội dung phần lớn là các truyện thuộc loại chuyện phiêu lưu, dã
sử... được ông ký dưới các bút hiệu khác như Phong Ngạn, Trình
Nguyên... Ðến năm 1956, Bình Nguyên Lộc mới bắt đầu viết dài kỳ có cốt
truyện tình cảm và dùng luôn bút danh Bình-nguyên Lộc. Những năm
1960-1975 là thời kỳ ông viết truyện dài kỳ nhiều nhất. Có giai đoạn
thậm chí ông viết 11 truyện dài kỳ mỗi ngày.
Từ năm 1975-1985 ông không tham gia các sinh hoạt xã hội và văn nghệ
với lý do bị bệnh kiệt sức và huyết áp cao. Sau khi sang Mỹ định cư từ
tháng 10 năm 1985, bệnh đỡ nhiều, ông tiếp tục viết lách trở lại và đăng
báo nhiều bài thuộc các thể loại truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết, tìm
biết, về nguồn, ngôn ngữ học, dân tộc học... Một số tiểu thuyết của ông
đang được viết và đăng báo dở dang thì ông qua đời. Những bản thảo chưa
đăng báo còn được gia đình ông lưu giữ nhưng phần lớn đã thất lạc.
Di sản đồ sộ
Bình-nguyên Lộc là một nhà văn lớn của Việt Nam, ông thuộc vào ba nhà văn đã sáng tác nhiều nhất của cả nước (Nguyễn Ngu Ý, trong Sống và viết với... Bình-nguyên Lộc, gọi ông là một trong tam kiệt bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương).
Theo những dữ liệu đã thu thập được, Bình Nguyên Lộc có khoảng 50 tiểu
thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại độ 800 trang viết tay coi như bị thất lạc.
Hành trình sáng tác và trước tác của Bình-nguyên Lộc có thể tạm chia thành bốn thể loại.
Cổ văn. Bình-nguyên Lộc chú giải các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam bao gồm Văn tế chiêu hồn (Nguyễn Du), Tiếc thay duyên Tấn phận Tần (Nguyễn Du), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận). Các công trình này lần lượt được công bố trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.
Dân tộc học. Nổi bật là tác phẩm Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
(1971). Đây là một công trình dài hơi trong sự nghiệp nghiên cứu của
ông. Với tác phẩm này, tác giả đã góp phần vén lên tấm màn dày đã từ lâu
phủ kín nguồn gốc mù mờ của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng gây nên một
dư luận đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu về Việt Nam học.
Ngôn ngữ học. Tiêu biểu là tác phẩm Lột trần Việt ngữ
(1972), là một cái nhìn mới về ngữ nghĩa tiếng Việt. Bình-nguyên Lộc
đứng trên quan điểm dân tộc học để tìm hiểu nguồn gốc và ngữ nguyên của tiếng Việt từ thời cổ đến thời hiện đại.
Sáng tác. Đây là phần đồ sộ nhất trong hành trình sáng tác của Bình-nguyên Lộc. Ông từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai, Ca dao...
Ông còn có công sưu tầm được hàng chục nghìn câu ca dao và có chú thích
về từng đặc trưng của nó. Ngoài ra, ông viết hàng nghìn truyện ngắn và
truyện dài kỳ với nhiều đề tài khác nhau.
Phong cách
Cảm hứng chủ đạo: hướng về cội nguồn
Sinh ra trong một gia đình đã có mười đời sống ở Tân Uyên,
nhưng trong ý thức, Bình-nguyên Lộc luôn hướng về nguồn cội. Ông muốn
tìm kiếm nguồn gốc tổ tiên từ đất Bắc di dân vào Nam. Trong các công
trình nghiên cứu như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1971) cũng như những tập bút ký đầu tay như Hương gió Đồng Nai (viết từ 1935 đến 1942, một vài đoạn đã in báo năm 1943, bản thảo mất khi Pháp chiếm Tân Uyên năm 1945), Phù sa (viết năm 1942, in một phần sáu trên báo Thanh niên năm 1943 với tiêu đề Di dân lập ấp), ông đều tập trung lần tìm lại từ thuở mang gươm đi mở cõi / nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long (Huỳnh Văn Nghệ).
Một cách khái quát, cảm hứng chủ đạo làm nên thế giới văn chương của
Bình-nguyên Lộc xuất phát từ những vấn đề cốt tử của truyền thống văn hóa Việt Nam: nguồn gốc, ngôn ngữ, di dân, cõi âm - bốn yếu tố đặc sánh tâm hồn Bình-nguyên Lộc. Ngay trong phạm vi một tác phẩm như tập truyện ngắn Ký thác (1960), những vấn đề trên cũng lần lượt hiện ra thông qua đề tài, tư tưởng, chủ đề và thế giới hình tượng của các truyện Ăn cơm chưa, Pì Pế Hán (nguồn gốc), Lầu ba phòng bảy, Đôi bạn mắc hoa vông (ngôn ngữ), Rừng mắm, Rung cây dừa (di dân), Ba con cáo, Ba ngôi sao giữa trời, Hồn ma cũ (cõi âm)...
Tiểu thuyết
Sáng tác trong thời kỳ có sự gắn bó mật thiết giữa văn chương và báo
chí, tiểu thuyết của Bình-nguyên Lộc hầu hết là tiểu thuyết dài kỳ in
báo. Lối viết của Bình-nguyên Lộc gần giống với tiểu thuyết tâm lý, tiểu
thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, từ kết cấu, tâm lý nhân vật đến giọng điệu trần thuật, miêu tả và nhân vật. Đò dọc (1959), Hoa hậu Bồ Đào (1963), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (1963)... là những tiểu thuyết tâm lý thành công của ông.
Với Đò dọc, ông đã được Giải thưởng văn chương toàn quốc (Việt Nam Cộng hòa) (1959-60) thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam
in dấu một phong cách tiểu thuyết đặc sắc. Cuốn tiểu thuyết nói về cuộc
sống di dân ngược xuôi như những chuyến đò dọc của gia đình ông bà Nam
Thành cùng bốn cô con gái, từ Bạc Liêu thuộc miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn trôi dạt về miệt Thủ Đức thuộc miền Đông Nam Bộ.
Đó là lộ trình của người thị dân, người dân kẻ chợ về vườn, sống lạc
lõng, cô đơn ở vùng nửa quê nửa tỉnh. Điều người đọc nhận ra qua bút
pháp phân tích tâm lý của tác giả là nỗi cô đơn của phận người, những đố
kỵ, ghen tỵ trong cuộc sống gia đình, cuộc sống lạc lõng của người dân
ngụ cư. Cuốn tiểu thuyết ra đời sau thời điểm có cuộc di cư của một bộ
phận người dân từ Bắc vào Nam sau năm 1954, phải đối mặt với không ít
những kỳ thị và khác biệt trong đời sống cộng đồng.
Truyện ngắn đặc sắc
Đặc sắc văn xuôi Bình-nguyên Lộc là ở truyện ngắn và tuỳ bút, cả
những tác phẩm đã in thành sách và những tác phẩm chỉ mới in trên các
báo. Con số có thể lên đến vài nghìn, nhưng trong đó chỉ có khoảng hơn
năm mươi tác phẩm thật hay, nằm rải rác trong các tập như Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), Cuống rún chưa lìa (1969)...
Trong Nhốt gió, hình ảnh một thằng bé con có khát vọng "nhốt
gió" lại, để gió đừng bay đi và cuối cùng đành phải thoả hiệp đùa chơi
với gió là một hình tượng rất lạ, rất mới, hiện đại và đầy ẩn ý.
Ký thác, được nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái
bản lần gần đây nhất năm 2001, gồm 16 truyện, tiêu biểu cho nghệ thuật
truyện ngắn của Bình-nguyên Lộc. Các truyện ngắn miêu tả lại cuộc chiến
đấu với thiên nhiên, lấn biển để giành đất sống của những con người mới ở
vùng đất mới (Rừng mắm); hay phân biệt con người với bản năng
động vật, kể lại cuộc tranh giành sự sống giữa người và vật, trong vật
vã đói khát giữa một bãi tha ma, cuối cùng con người cũng chiến thắng vế
vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng tinh thần: "Hồ ly rùng
mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị
bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người". (Ba con cáo).
Cuống rún chưa lìa là sự tiếp tục Ký thác, lần tái bản gần đây nhất tại California năm 1987, trước khi tác giả mất ít lâu, được gộp chung cả tập Tình đất vào thành 12 truyện và bài thơ Dâng má thương, thể hiện tấm lòng của ông hướng về thổ ngơi, về đất nước như cuống rún chưa lìa lòng mẹ. Cuống rún chưa lìa
hướng về cõi âm, là lương tâm của người Việt hướng về hương hồn của
những tộc người xa xưa đã phải "điêu tàn". Những truyện hay trong tập
như Bà Mọi hú, Câu dầm, Bám níu, Phân nửa con người, Mấy vụ quật mồ bí mật...
từ không khí liêu trai, thoát thai từ đất, đá, nước, cây thành sự sống
con người. Một bà Mọi xuất thân từ miền sơn cước, quyết giữ đất, chống
lại những người di dân. Một ông già câu cá đã từng xuống cõi âm trở về,
không dám câu cá ở sông nữa, mà chỉ câu trộm cá ở ruộng trong mưa dầm
gió bấc. Qua trang văn, đất như cỗi rẽ để con người bám vào, còn nước
nuôi người sinh sản, lớn khôn.
Với Những bước chân lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, ông truy tìm nguồn gốc, dĩ vãng của Sài Gòn, một thành phố mới, còn ít tuổi, chưa kịp có dĩ vãng rêu phong. "Sài Gòn không có được một quá khứ lịch sử vang dội như Thăng Long, đài các như Huế,
cho nên Bình-nguyên Lộc đã tạo cho Sài Gòn một đời sống trực tiếp, dân
dã, dính liền với cõi âm, một cách nối dài lịch sử Sài Gòn với quá khứ
bình dân của những người chết không tên tuổi" (T. Khuê, Tự điển văn học,
bộ mới, Nhà xuất bản Thế Giới, 2005, trang 133), khi tình cờ lang thang
trên đường phố, tác giả phát hiện ra Sài Gòn được "xây dựng trên một
bãi tha ma minh mông", cảm thấy được cái "thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ",
thể hiện được cái tài phóng túng tài hoa, phong trần nghệ sĩ nơi Bình-nguyên Lộc.
Phong cách nghệ thuật: giao lưu Bắc-Nam
Khác với các tác giả sinh ra ở miền Bắc, nhưng toàn bộ hành trang cuộc đời và văn nghiệp đều gắn liền với phương Nam như Lê Văn Trương, Nguyễn Hiến Lê, nhưng đồng thời cũng khác với các nhà văn sinh ra ở Nam Bộ nhưng hoàn toàn viết theo lối Bắc như Đông Hồ và cũng không giữ nguyên đậm đặc chất liệu Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh,
văn chương Bình-nguyên Lộc thể hiện sự giao lưu văn hoá, đứng ở miền
giao thoa văn hoá Bắc - Nam từ trong tâm thức, cách nhìn và nhất là
giọng điệu văn chương.
Khi sử dụng một từ ngữ có tính chất đặc thù của phương ngữ miền Nam,
ông thường tìm cách giải thích, truy nguyên nguồn gốc của nó ở ngoài Bắc
thế nào, có khi còn phê bình là nơi nào dùng chính xác, hợp lý hơn,
không chỉ trong văn phong khoa học, trong giọng điệu trần thuật hay miêu
tả, mà còn thông qua ngôn ngữ nhân vật: "Con chàng hiu má à! Người Bắc
thì kêu nó là con chẫu chuộc nghe ít ghê hơn tên của ta. Tiếng chàng hiu
gợi hình dáng một con người mà là người ma, ghê quá." (Đò dọc).
Bình-nguyên Lộc được ca ngợi là nhà ảo thuật về ngôn từ, khi ông luôn
có lối so sánh với những hình dung từ chính xác, đắc địa, hiện đại và
tài hoa: "Là con trai tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như
áo mục phơi dưới gió to" (Ăn cơm chưa); hoặc "Vịnh Thái Lan,
phần thuộc hải phận Việt Nam, chi chít những đảo là đảo, như có đứa trẻ
tinh nghịch nào hốt đá cuội mà vứt rải trên một cái ao con" (Rung cây dừa).
Sức nặng trang văn của ông không chỉ ở vốn tri thức về văn hóa, mà còn ở
sự kết hợp hài hoà giữa giọng kể và giọng tả, vừa thể hiện sự bộc trực
của miệt quê nơi ông sáng tác, vừa phóng túng, mượt mà của một ngôn ngữ
chuẩn mực phổ thông.
Bút danh
Bình-nguyên Lộc lấy nhiều bút danh trong quá trình sáng tác. Dưới đây là một số bút danh chủ yếu.
Bình-nguyên Lộc: bút danh chính cho các truyện ngắn, truyện dài tình cảm.
Phong Ngạn: bút danh của tiểu thuyết dã sử Quang Trung du Bắc và Tân Liêu Trai
Phóng Ngang, Phóng Dọc: biến thể của Phong Ngạn, bút danh của những bài trào phúng.
Trình Nguyên: bút danh cho một truyện dài kỳ đăng báo, tiểu
thuyết dã sử liên quan đến cuộc chiến Việt Chiêm, chỉ xuất hiện trong
một truyện.
Tôn Dzật Huân: bút danh của truyện trinh thám, là một loại đảo chữ biến thể từ tên thật Tô Văn Tuấn, chỉ dùng một lần.
Hồ Văn Huấn: bút danh của khảo cứu Sửa sai cổ sử, cũng là đảo chữ, biến thể từ tên Tô Văn Tuấn, xuất hiện từ khi ở hải ngoại.
Diên Quỳnh: bút danh của chỉ một truyện vừa và của một truyện ngắn.
Bình-nguyên Lộc lúc trẻ
Tác phẩm
Truyện ngắn và tiểu thuyết
(bấm vào tên sách màu cam để đọc)
1
Câu dầm
truyện ngắn, tuần báo Thanh niên - 1943, Sài Gòn
2
tập truyện, Nhà xuất bản Thời Thế - 1950, Sài Gòn
3
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Bến Nghé - 1958, Sài Gòn
4
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Bến Nghé - 1959, Sài Gòn
5
tập truyện (ký bút danh Phong Ngạn), Nhà xuất bản Bến Nghé - 1959, Sài Gòn
6
tập truyện, Nhà xuất bản Bến Nghé - 1960, Sài Gòn
7
Nhện chờ mối ai
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Nam Cường - 1962, Sài Gòn
8
Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thế Kỷ - 1963, Sài Gòn
9
Bóng ai qua ngoài song cửa
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thế Kỷ - 1963, Sài Gòn
10
Bí mật của nàng
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thế Kỷ - 1963, Sài Gòn
11
Hoa hậu Bồ Đào
Nhà xuất bản Xuân Thu - 1963, Sài Gòn
12
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thế Kỷ - 1963, Sài Gòn
13
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Nam Cường - 1963, Sài Gòn
14
tập truyện, Nhà xuất bản Sống Vui - 1963, Sài Gòn
15
Xô ngã bức tường rêu
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Sống Vui - 1963, Sài Gòn
16
Đừng hỏi tại sao
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Tia Sáng - 1965, Sài Gòn
17
tập truyện, Nhà xuất bản Phù Sa - 1965, Sài Gòn
18
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Miền Nam - 1965, Sài Gòn
19
tạp bút, Nhà xuất bản Thịnh Ký - 1966, Sài Gòn
20
Tình đất
tập truyện, Nhà xuất bản Thời Mới, 1966, Sài Gòn
21
tập truyện, Nhà xuất bản Trương Gia - 1967, Sài Gòn
22
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Xương - 1967, Sài Gòn
23
tập truyện, Nhà xuất bản Thụy Hương -1967, Sài Gòn
24
tập truyện, Nhà xuất bản Thụy Hương - 1968, Sài Gòn
25
1968, Sài Gòn
26
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thụy Hương - 1968, Sài Gòn
27
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thịnh Ký - 1968, Sài Gòn
28
Trăm nhớ ngàn thương
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Miền Nam - 1968, Sài Gòn
29
truyện, Nhà xuất bản Văn Uyển - 1969, Sài Gòn
30
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Tiến Bộ - 1969, Sài Gòn
31
tiểu thuyết, Nhà xuất bản Ánh Sáng - 1969, Sài Gòn
32
tập truyện, Nhà xuất bản Lá Bối - 1969, Sài Gòn
33
Lương tâm kẻ trộm
truyện ngắn, tạp chí Hương Quê - 1971, Sài Gòn
34
Nhà xuất bản Xuân Thu - 2001, Hoa Kỳ
35
36
Cõi âm nơi quán cây dương
Nhà xuất bản Mây Hồng
Truyện dài chưa in
1
Bọn xé rào
2
Bóng ma dĩ vãng
3
Bưởi Biên Hòa
4
Con khỉ đột trò xiếc
5
Con quỷ ban trưa
6
Cô Sáu Nam Vang
7
Cuồng ca thế kỷ
8
Ðôi giày cũ chữ Phạn
9
Gái mẹ
10
Giấu tận đáy lòng
11
Hai kiếp nhả tơ
12
Hổ phách thời gian
13
Hột cơm Ngô chúa
14
Khi chim lìa tổ lạnh
15
Luật rừng
16
Lưỡi dao cùn
17
Mà vẫn chưa nguôi hình bóng cũ
18
Món nợ thiêng liêng
19
Một chuyến ra khơi
20
Muôn triệu năm xưa
21
Ngõ 25
22
Ngụy Khôi
23
Người đẹp bến Ninh Kiều
24
Người săn ảo ảnh
25
Quang Trung du Bắc
26
Suối đổi lốt
27
Thuyền trưởng sông Lô
28
Trử La bến cũ
29
Trọng Thủy-Mị Ðường
30
Sở đoản của đàn ông
31
Trai cưới gái nào
32
Quật mồ người đẹp
33
Xóm Ðề Bô
Nghiên cứu
1
Ca dao
2
Cổ văn chú giải
3
Luận thuyết y học
4
khảo luận, Nhà xuất bản Bách Bộc - 1971, Sài Gòn
5
Thổ ngơi Đồng Nai
6
Từ vựng đối chiếu 10 ngàn từ
1971, Sài Gòn
7
Từ vựng danh từ Mã Lai mà Trung Hoa vay mượn
1972, Sài Gòn
8
khảo luận ngôn ngữ Việt
Nhà xuất bản Nguồn Xưa - 1972, Sài Gòn
Thơ
1
Thơ tay trái
2
Việt sử trường ca
3
Những văn bản khác
Hồi Ký văn Nghệ
Tạp Văn
Hồi Ký
trên báo Thời Thế
Tập Truyện Hương Quê
Di Cảo
Cái
Bách-xê[1]
Bình-nguyên Lộc
Anh Công về Sàigòn vào có lúc mà số
nhơn khẩu ở thủ-đô miền Nam nước
Việt được công bố là một triệu rưỡi.
Sau những năm
mướn ghế bố ngủ ở các đường
hẻm, anh được một người bạn điềm
chỉ sang một căn phố lá ở xóm X.Đừng tưởng xóm X ở ngoại ô nào đó đâu. Nó ở ngay trung tâm thành-phố, núp sau lưng những dãy phố gạch sang trọng dựa đại lộ. Nơi đó là một đám đất trống, nguyên trước kia là một chỗ trũng, mùa mưa như mùa nắng quanh năm ứ nước, một thứ nước xanh như nước lá bồ ngót. Nơi đó tha hồ cho thủy thảo, cho bèo mọc, cho cá bã trầu sanh sản. Nơi đó là chỗ nương náu cuối cùng của nhái bầu, của ễnh-ương trong thành phố.
Mấy năm trước cuộc khởi nghĩa, chủ đất xin phép địa-phương cho đổ rác lên cho đầy, rồi phủ lên đó lột lớp đất. Thế là ông chủ có một đám đất cất nhà giữa châu-thành. Ông chỉ phiền địa-phương không xẻ đường qua đó, thành ra miếng đất của ông vô dụng.
May thay cho ông chủ, lại xảy ra cuộc loạn ly. Bao nhiêu người dồn về mà không có chỗ ăn nằm. Thôi thì cho chúng nó cất nhà lá. Cho dẽ đất, ông nói.
Nhà có ba căn, thấp cỡ cóc nhảy lên mái nhà được và không cần học võ theo lối kiếm-hiệp, cỡ có biến thì nhảy lên nóc nhà trốn dễ như chơi.
Cái nhà cất xa nhà khác chừng năm tấc thôi. Nhưng Công cũng mừng được ở căn bìa, bề gì cũng có cái khoảng không đó, đỡ bớt sự khó chịu bị kẹp giữa hai căn. Nhà lại ở ngoài bìa hàng trăm nhà lá lúp-xúp, lụp-xụp khác, cái nào cũng lùn xủn như đám dân bị bố ngồi bên đường.
Ngày đầu, Công giậm chơn lên mặt đất, nghe nó xèm-xẹp như là đất mặt võng. Mỗi lần xe điện chạy ngang qua lối đó, ngoài xa kia, thì ly, tách trên bàn anh rung len-ken, y như là nhà có ma nó dời chén, dời tách để phá chủ nhà.
Có khi đang đêm trời mưa ầm-ĩ, anh nghe chõng tre anh đang nằm lắc lay, giao động, toàn thể đám đất rung chuyển như cơn địa-chấn sắp đến. Đó là rác mục đang biến thành đất, gặp mưa nó dẽ xuống, lớp đất trên cũng xụp theo.
Những đêm khuya trăng lặng, Công nghe rõ-ràng có tiếng động ở dướí đất, hình như không sâu cho lắm. Chuột hang chăng?
Dầu sao, anh cũng thấy sướng hơn là ở ngoại ô. Ở ngoải còn khổ vì nhiều việc khác nữa. Ở đây thì hoàn toàn an thân, nếu không có vợ chồng cái anh láng giềng ở căn giữa.
Trời sao lại xui anh Công có một anh láng giềng khó chịu như vậy.
Anh ta không biết làm gì ở đâu, mà cũng đi đúng giờ về đúng khắc như người làm ở sở. Nhưng đó là người không bao giờ nghỉ ngơi, trưa như tối. Hết dỡn với bạn ỏ đâu kéo về, lại cãi lộn với vợ. Rồi hết hai cái đó, lại quay hát máy. Có khi cùng giỡn, cùng cãi lộn, cùng hát máy một lượt.
A, cái sự hát máy nầy mới thật là một hành hạ lớn nhứt trong đời Công. Hễ cứ đúng giờ nghỉ ngơi, từ đúng ngọ đến ba giờ trưa, từ bảy giờ chiều đến nửa đêm là nó ong-óng lên như con mẹ điên, thế là thần trí Công bấn loạn, không mong nghĩ gì được.
Có nhiều đêm, Công mới chợp mắt được đâu vài giờ thì bỗng giựt mình thức dậy để phải hứng đầy tai những câu hát chướng chết được người.
Anh nghe con vợ nói:
- Thôi mà, để cho xóm giềng người ta ngủ.
Anh chồng nạt giọng :
- Thôi gì, hát giờ nầy êm tai, ngủ mới sướng chớ ! Vọng cổ thì phải rỉ rả về khuya mới mùi chớ.
Thế là vọng-cổ éo éo tới sáng.
Cái thứ vách lá thì như là không có vách gì hết. Nếu ra ngoài đưòng mà nằm được, thì Công cũng sẵn lòng đi trốn cái nạn hát máy ấy.
Mỗí lần anh nghe nó khởi sự lên dây thiều rồn-rột thì ruột gan anh cũng lên theo. Mà lạ, sao nó hát mãi như thế mà không đứt dây thiều lần nào. Công chỉ mong có bao nhiêu đó, để nghỉ lỗ tai vài bữa.
Trưa và tối, anh nằm dài, thở ra : “Thế nầy thì đến loạn óc mất !” Quả thật, bộ thần-kinh anh bị khích động thái quá. Mỗi lần nghe nó mở máy hát là mỗi lần anh tức, rồi cứ nằm mà đợi giờ nầy qua giờ kia, toàn thể thần-kinh anh bị căng thẳng trong chờ mong và trong khó chịu. Máy đóng lại cái sập, anh mới nghe nhẹ người, thần-trí mới giãn ra, nhưng anh đã mệt nhoài khó thể dỗ giấc ngủ được.
Một hôm, Công yêu cầu anh láng giềng ấy bớt hát, nhứt là bớt lúc gần sáng, thì anh ta sừng sộ nói : Nội đây, không ai nói gì, có mình anh là kiếm chuyện thôi. Đời thuở nào mà hát máy gì lại nghe khó chịu. Anh muốn êm tịnh sao không ở xóm nhà giàu, xóm Tây è !
Công sò ngay, nhưng người kia còn nói nữa, nói nhỏ riêng với vợ bên nhà, nhỏ mà đủ lớn cho Công nghe : “Thứ đồ thực-dân! đồ trưởng-giả, người ta hát cho mà nghe, sướng hòng chết mà còn làm bộ hoài. Để tao lát sáng đêm tối ngày coi ai làm gì tao”.
Chết chưa ! Bây giờ anh đã hóa thành thực-dân mũi xẹp rồi đó. Và trưởng-giả nữa. Đây là thứ trưởng giả học làm nhà nghèo, đi ở nhà lá đây, và được hân hạnh người ta hát cho nghe !
Nhưng những lời nói xấu ấy không làm anh khổ bằng câu hâm dọa, hát tối ngày sáng đêm. May thay, đó chỉ là câu hâm dọa, vì va cũng phải ngủ chớ thức sáng đêm sao được. Và tối ngày va mắc đi làm. Chỉ có bữa trưa là va hát trọn từ đầu chí cuối.
Con vợ cũng tùng đảng. Nó lên dây hoài sao không biết mỏi tay. Mỗi lần hát hết dĩa, nó quên, để kim chạy không, còn bị rầy nữa là khác.
Cái bọn nầy có lẽ là dân quê mới lên. Máy hát lại kêu là giàn hát máy. Và nó mê “giàn hát máy” như trọn đời nó mới thấy lần đầu.
Quả thật Công rất ghét vợ chồng anh láng giềng. Nhiều khi anh mong cho anh chồng thua cờ bạc, bán hay cầm máy hát đi. Anh lại mong cho vợ chồng nó đánh lộn, đập bể hết dĩa hát. Đánh lộn thì chúng nó có đánh. Cũng có đập bể dĩa nữa, nhưng mà dĩa ăn cơm. Còn dĩa hát thì hai vợ chòng đồng lòng bảo vệ, y như là hai nước giao chiến với nhau, bằng lòng theo ước-lệ quốc tế, kính trọng những nơi có dấu hiệu Hồng-thập-tự. Có nước tham chiến thua quá còn xâm phạm ước-lệ đó chớ hai vợ chồng nầy thật là đứng đắn, thành tâm, thật ý.
Có khách trò chuyện với nó, nó cũng hát, không biết để ai nghe. Mạnh người, người nói, mạnh máy, máy la ào ào. Người ta rán nói lớn hơn máy để cho nhau nghe. Công khiếp sợ, bịt tai ôm đầu lại.
Đó là một hạng người chịu sự im lặng không được. Họ thấy rỗng không trong sự yên tĩnh, không biết nghĩ gì hết, nên phải cho máy nó làm ồn đế lấp chỗ trống rỗng ấy đi. Không phải họ nqhe hát hoài đâu, Công chắc chắn như vậy. Bằng cớ là có nhiều khi vừa khởi sự cãi lộn, họ vừa lên dây máy hát. Như vậy có phải để nghe đâu.
Thét rồi không biềt làm sao để thoát nạn, Công định lợi dụng tình thế ấy cho đỡ khổ. Anh nghe hát, có thưởng thức điệu đàn, câu ca. Nhưng ác một nỗi là nó chỉ hát vọng-cổ. Mà vọng-cổ là điệu đàn anh ghét nhứt. Không phải vì vọng-cổ ủy-mị. Không, nó không đủ ủy-mị để anh sợ mà tránh. Nó ngô-nghê, lố-bịch, không nghệ-thuật gì hết
Trời ! bộ họ sống để mà nghe ca vọng-cổ sao chớ ! Hết rên tới khóc. Vọng-cổ từ trưa tới khuya, từ khuya tới sáng.
Kể từ những ngày ấy, Công kết luận hai điều. : Bình dân không biết lịch sự, bình-dân chưa hiểu nghệ-thuật. Anh còn hoài nghi về lời kết luận thứ nhứt. Anh tin như đinh đóng lời kết luận sau.
Công sợ nhứt bài “Đêm đông”. Không phải điệu Đêm đông tuyệt tác của Nguyễn văn Thương đâu nhé ! Đó cũng là điệu vọng-cổ mà lời là Đêm đông. Nó khởi sự như thế nầy : “Đêm đông cô tịch dưới ánh trăng mờ, cảnh vật đìu-hiu của tiết trời thu u ám…”
Trời ơi, văn-chương kỳ lạ, đêm đông mà lại có tiết trời thu !
Nhưng hình như mỗi lần dĩa ấy bắt đầu rên khóc thì Công nghe ở bển chắt lưỡi khen : Hay ! Hay lắm !
☼
Một
đêm, sau mấy giờ lỗ tai và bộ gân bị hành
hạ, Công vừa thiếp ngủ thì bị tiếng la bài hãi
làm anh giựt mình choàng dậy. Anh lắng tai nghe rõ thì
hiểu hết mọi việc : bà hỏa viếng xóm
nầy. Biết rằng có ngày thế nào nạn nầy cũng
xảy đến, Công không hốt hoảng. Anh vội xách
va-ly quần áo, tất cả giang-sơn của anh, chạy
ra ngoài.
Lửa
cháy cách căn anh lối mười căn phố. Đờn
bà con nít la khóc inh-ỏi, trong khi đờn ông hè-hụi lo
dọn đồ ra. Nhưng không một ai lo chữa
lửa hết, không hiểu vì họ không biết tháo-vát, phó
mặc cho sở chữa lửa công việc ấy, hay là vì
họ thấy chữa cũng vô ích. Nhà khít nhau như là chiến
thuyền Tào-Tháo trên sông Xích-Bích, lại làm toàn bằng đồ
dẫn hỏa, ai tài nào mà chữa cho được. Lửa cháy lấn qua hai bên, lấn vô trong sâu. Người ta, từ trong đó chạy ra như kiến. Con nít khóc, đờn bà la, tre, nứa nổ rắc rắc. Mái nhà cứ nối tiếp nhau mà chảy như sáp. Nhiều căn nhà hình như là có chứa dầu xăng trong chai. Khi lửa bò qua đó thì nghe tiếng nổ, rồi ngọn lửa bùng lên một vài giây.
Gió nghe lửa rủ, kéo tới. Lửa gặp gió mừng rỡ, càng hung hăng thêm.
Công vừa muốn bỏ va-ly đi khiêng đồ phụ với họ, thì thấy lửa cháy đã gần tới căn anh. Anh đứng nhìn. Thì lửa cháy căn anh cũng như cháy căn khác, có gì đâu lạ. Nhưng anh vẫn muốn xem. Xem coi khi chính căn nhà mình cháy, cảm tưởng mình ra làm sao.
Anh. nghe sau lưng có tiếng đờn bà hỏi :
- Anh đem ra được cái gì ? Tôi ôm quần áo ra hết.
Đó là tiếng chị hát máy. Công sực nhớ lại vụ hát máy, cười thầm :
“À, thế thì từ đây mình thoát. Trọn đời nhứt định không dám ở gần người có máy hát nũa.”
Công nghe vui vui vì anh thấy như là đã trả thù được thằng cha đáng ghét. Và không hiểu sao anh cứ tưởng là cái máy thế nào cũng phải cháy, còn cái nhà thì còn, và từ đây anh khỏi bị nghe hát nữa. Rồi anh nghe anh chồng trả lời :
- Tao đem được hết mớ dĩa vọng-cổ ra.
- Khôn dữ hôn, cái máy
mắc tiền không lo, để ôm dĩa !
- À phải, thôi để
tao chạy vô lấy, kìa lửa cháy tới kia !
Công rầu lắm,
cứ trách sao chị vợ lại khôn quá như vậy.
Để cái máy quỉ ấy cháy cho rồi, có phải
đỡ khổ xóm giềng không.Bỗng có người la :
- Úy trời ôi, cái “bách-xê” của tôi, để trong hộc tủ. Thôi, chết tôi rồi !
Đó là tiếng của anh ở căn thứ ba, khít vách anh máy hát như tôi. Anh làm cu-li ở đâu đó, hổm rày bị thương nơi chơn, đi không được. Không hiểu làm thế nào mà anh lết ra được nơi đây.
Thằng cha hát máy vừa chạy vừa day lại hỏi :
- Hộc tủ nào ?
- Hộc tủ ở cái bàn nước đó !
Công thấy thằng cha hát máy không chạy vô căn phố anh ta, mà lại vô căn anh bỏ quên “bách-xê”,
Anh ta ra liền. Nhưng lửa đã cháy tới nửa căn nhà anh. Đôm đốm đỏ bầm bay túa ra, tre, nứa nổ lốp-bốp. Anh ta do-dự, rồi bỏ đi chầm chậm trở lại chỗ Công đứng.
- Nè cái “bách-xê” của anh. Bậy quá, tôi lo giùm anh nên lấy “giàn hát máy” không kịp !
Công nghe vợ nó thở dài :
- Buồn quá anh há ! Từ đây làm sao nghe hát được nữa. Sắm sao cho nổi cái máy khác !
Công cũng buồn chết đi. Và anh hết thấy ghét vợ chồng thằng cha đó nữa.
[1] Laisser-passer (giấy
thông-hành thời Pháp trị)
Bình-Nguyên
Lộc
Một
nhân sĩ trong làng văn
Năm 1969, tạp chí Khởi
hành (ở Sài Gòn, số24, ra ngày 9-10-1969) hỏi Bình-nguyên
Lộc: „Ông đang viết cuốn truyện thứ bao
nhiêu của ông?“ Bình-nguyên Lộc đáp: „Tôi đang viết
truyện thứ nhứt“.
Cuốn truyện thứ
nhứt của Bình-nguyên Lộc, ông khởi thảo từ
năm 1935, năm ông hăm mốt tuổi. Tức cuốn
Hương gió Đồng Nai. Bản thảo thất
lạc trong thời chiến tranh, trong những cuộc tản
cư hối hả. Mấy chục năm sau, ông vừa thử
viết lại vừa cố gắng tìm bản thảo xưa;
ông rao tìm trên mặt báo, kêu gọi
sự giúp đỡ của người hảo tâm tứ
xứ. Cho tới khi qua đời ở Mỹ năm 1987,
tức 52 năm sau, tác phẩm nọ vẫn chưa tìm
lại được, vẫn chưa viết lại xong. Đồng
Nai là một mối bận tâm suốt đời của Bình-nguyên
Lộc. Dòng họ ông vẫn giữ được bản
gia phả mười đời. Sinh sống ở đất
Tân Uyên, một làng bên con sông Đồng
Nai. Mười đời kể đến 1965 (lúc ông
trả lời cuộc phỏng vấn của Ngu Í) thì
đến đời cháu ông hiện nay đã thành ra mười
hai đời, tức độ ba trăm năm; vậy
tổ tiên ông thuộc lớp những di dân đầu tiên
vào Nam lập nghiệp.
Đồng Nai là bận tâm
của một dòng họ. Phù sa là bận tâm của cả
miền Nam. Phù sa, tác phẩm thứ hai trong đời Bình-nguyên
Lộc, khởi thảo năm 1942, nhằm vào công trình
mở mang bờ cõi về phương nam, cho đến
mãi tận mũi Cà Mau. Tác phẩm ấy, đến ngày cuối
cùng của ông, 45 năm sau, viết đi viết lại
mãi vẫn chưa xong.
Chúng ta vừa nói đến
hai mối bận tâm, mối bận tâm thứ ba của Bình-nguyên
Lộc bao trùm cả dân tộc. Cuốn Nguồn gốc Mã Lai
của dân tộc Việt Nam được xuất
bản năm 1971, năm sau đã xuất hiện ngay
cuốn Lột trần Việt ngữ. Cả hai
đều là sách đồ sộ, đòi hỏi lắm
công phu, không biết khởi thảo từ lúc nào, và công
cuộc tìm tòi sưu khảo bắt đầu từ bao
giờ. Dù sao phải là một thời gian đáng kể;
ông từng than với Viên Linh trong cuộc phỏng vấn
ở số báo Khởi hành nói trên : „Về ngôn ngữ
học thì thật là bể đầu, vì tôi tự học,
chớ không có vào trường ngôn ngữ nào hết, mà
phải học ngót một trăm ngôn ngữ thì rất
khổ“. Biến cố tháng 5-1975 làm cho công trình bị ngưng
lại, dở dang. Năm 1985, sang đến Mỹ ông
nghĩ ngay đến việc tiếp tục. Trong lá
thư gửi chúng tôi viết ngày 16-1-1986, ông cho biết : „Số
là quyển Nguồn gốc Mã Lai của tôi tuy đã dày 950
trang, nhưng thật ra thì chỉ là tome I mà thôi. Tome II quan
trọng hơn, tôi đã viết xong tại Sài Gòn, nhưng
mang bản thảo theo không đọc, thành thử giờ
phải viết lại, mà viết thuộc lòng vì tài
liệu cũng không mang theo được (...). Số là
trong tome I tôi chỉ mới chứng minh bằng việc
đo sọ và bằng trích các cổ thư. Tome II là sách
đối chiếu ngôn ngữ, trong đó có nhiều khám phá
mới lạ về ngôn ngữ học, mà Âu Mỹ đã làm
nhưng không xong.” Đầu năm sau, ông qua đời:
lại một bận tâm dày lâu nữa chưa toại
nguyện.
Một chủ đề khác
cũng được Bình-nguyên Lộc trân trọng. Xem qua
các tác phẩm đã xuất bản của ông, người
để ý có loại được ông dành cho một
sự đãi ngộ đặc biệt. Như cuốn Những
bước lang thang trê nhè phố của gã Bình-Nguyên Lộc,
cuốn Thầm lặng. “Lang thang trên hè phố” là hè
phố Sài Gòn đấy thôi: nơi ông đã sống hẳn
từ 1949 về sau, tức 36 năm, những năm trưởng
thành, sung sức, nơi ông đã trải qua gần như
suốt cuộc đời hoạt động văn
nghệ của mình.
Sách thuộc loại này –
như ông nghĩ – không dính dáng đến chuyện thương
mãi: trên đời hẳn không mấy ai đọc nó, mua
nó. Sách loại này kẻ viết viết vì mình, in cho mình :
thật ít, bìa không hề có màu sắc lòe loẹt. Cuốn Những
bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc
in đúng 658 bản trên giấy đặc biệt chế
tạo tại làng Vĩnh Cửu, không có bản nào in trên
giấy thường, và cam đoan sẽ không bao giờ tái
bản ! Sau cuốn “Lang thang”, cuốn Thầm lặng
cũng được tác giả liệt cùng loại: sách bìa
đen trắng, „bán không ồ ạt“. Năm sau nữa, có
lời rao mời độc giả đón đọc
cuốn Thu hẹp thiên nhiên, „sẽ chỉ in có 569 quyển
và không bao giờ tái bản“; nhưng cuốn này rồi
không thấy xuất hiện trên thị trường, chẳng
hay có phải vì lý do bán chác thiếu ồ ạt quá đáng
mà dự định đành gác bỏ chăng?
„Những bước lang thang“
thực ra thuộc một thiên phóng sự dài, tên là thám
hiểm đô thành. Trong „những bước lang thang“
ấy, Bình-nguyên Lộc ca ngợi „những hàng me Sài Gòn“,
những ghe thuyền, những „quà đêm trên sông ông Lãnh“
v.v..., với những bài viết từ năm 1952. Trong Thầm
lặng bài nói về “Người chuột cống“
kiếm ăn trong những ống cống dưới lòng thành
phố đã đăng báo từ 1950. Vậy Sài Gòn cũng
là một ấp ủ trong lòng tác giả qua nhiều
thập kỷ.
Nhớ quê là một ấp
ủ khác nữa. Nhà Văn Nghệ ở California tái
bản cuốn Cuống rún chưa lìa
năm 1987 với lời nói đầu (tôi nghĩ là do chính
tác giả soạn thảo), cho biết về đề tài
này Bình-nguyên Lộc từng viết tới 17 thiên truyện
ngắn. Nhớ quê, chữ “quê” nên hiểu rộng :
đối với kẻ đi làm ăn xứ xa, thì làng cũ
tỉnh cũ là quê; đối với dân ruộng đi
Cần Thơ, đi Sài Gòn, sinh sống, thì nông thôn là quê,
đối với Việt Kiều theo chồng sang Pháp, sang
Mỹ ở, thì nước Việt Nam là quê, đối
với dân thương hồ lênh đênh trên sông nước
rập rờn, thì mặt đất liền là quê v.v...Quê
thì vui, thì quí, thì thương không biết để đâu
cho hết, thì nhớ da diết không nguôi được. Lửa
reo trong bếp thì vui, nước mưa tràn đồng thì
vui; xa đất thấy thèm mùi đất; xa xứ bắt
được mùi nước mắm, mùi hương hành
kho cá thì ... xao xuyến cả tâm tình v.v...Tôi có cảm tưởng
những câu chuyện như thế, trong một
đời, từ năm nọ sang năm kia, ông Bình-nguyên
Lộc không chỉ đem ra viết có mười bảy
cái truyện nhỏ đâu. E hơn thế. Có dịp
kiểm điểm kỹ, e còn gặp thêm nhiều.
Trong đời Bình-nguyên
Lộc còn có một bận tâm khác nữa. Ông không hề
cố ý ấp ủ nó, tự nó đến với ông, dày
vò ông. Đó là chứng bịnh thần kinh, được
phát hiện vào nam 1944. Năm sau, ông khỏi bịnh. Nhưng
vào khoảng thời gian từ 1950 đến 1964, ông bỗng
trở nên khó tính, bực tức khác thường, khiến
cuộc sống gia đình lắm lúc rất khó khăn.
Sự kiện này ám ảnh ông. Trong nhiều năm ông suy
nghĩ, tìm hiểu về bịnh thần kinh. Người
trưởng nam của ông - bác sĩ Tô Dương Hiệp
– chuyên về chứng bịnh này và đã từng là giám
đốc một dưỡng trí viện. Hai cha con cùng nhau
thực hiện một công trình biên khảo mang tên Khinh
tâm bệnh và sáng
tác văn nghệ. Sách chưa xuất bản thì bác
sĩ Tô Dương Hiệp qua đời. Riêng ông, Bình-nguyên
Lộc từng có nhiều truyện về bệnh tâm trí.
Vào khoảng đầu
thập niên 70, Nguyễn Nam Anh của tạp chí Văn
ở Sài Gòn có hỏi Bình-nguyên Lộc trong một cuộc
phỏng vấn về tác phẩm ưng ý nhất của
ông, Bình-nguyên Lộc cho biết, trong tất cả những
gì đã viết, ông thích nhất ba cuốn : Những
bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc,
Cuống
rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh. „Tại
chủ quan tôi thấy nó hay. Nhưng người khác chưa
chắc đã thấy như tôi. Tỳ vết tâm linh
là cuốn truyện dày về một thiếu nữ bị
bệnh tâm trí. Cùng một chủ đề tâm trí, ông còn
nhiều truyện ngắn. Cái cảm tình „chủ quan“
của ông đối với cuốn truyện dày kia có
chỗ thương tâm.
Chúng ta chắc chắn là chưa
kiểm điểm dược mọi nỗi niềm tâm
sự của Bình-nguyên Lộc : đời có ai thấu
hết được lòng ai. Tưởng không nên tham lam quá.
*
Bình-nguyên Lộc trước
viết báo, rồi sau làm báo luôn. Vừa viết văn vừa
làm báo là một đời quá bận rộn, mà sự
thiệt thòi thường khi thuộc về phía nhà văn.
Người ta vẫn có cảm tưởng rằng cái văn
cái truyện viết đăng báo, viết trong hối hả,
e chẳng qua là món tiêu khiển, hời hợt. Báo chí liên
hệ với thời sự, không phải thứ
để đời.
Ở Bình-nguyên Lộc -
như đã thấy - không phải thế. Cái ông viết ra
hàng ngày trên báo mà là cái tiêu khiển ư ?- Là tấm lòng ông
đấy. Là những thiết tha một đời
của ông đấy. Là những gì vẫn theo đuổi
ông từ năm nọ đến năm kia không buông tha
đấy.
Bình-nguyên Lộc là một tác
giả nghiêm chỉnh. Ông được kính trọng.
Năm l974, trên tại chí
Thời tập (ở Sài Gòn, số ra ngày 10-10-74) Sơn Nam
có nói về việc ông mua một cuốn sách cũ của Bình-nguyên
Lộc: cuốn Nhốt gió. „Quyển này in
3.000, gần một phần tư thế kỷ rồi,
chắc là đã hao mòn, mất mát, người chơi sách họa
chăng còn giữ ở Sài Gòn này chừng mười
quyển là nhiều. Chúng tôi may mắn có một quyển,
mua cách đây bốn năm ở hiệu bán sách cũ
với giá đặc biệt của loại sách cổ sách
quí. Năm 1950, sách ghi bán 18đ00. Chúng tôi mua lại
600đ.00 với cái bìa đã nát. Mua để làm gì? Mến
mộ Bình-nguyên Lộc là một lẽ...”
Mến mộ Bình-nguyên
Lộc không phải chỉ những người cùng xứ,
tuổi đáng đàn em, như Sơn Nam. Trong số quen
biết bạn bè, giao du về văn nghệ với Bình-nguyên
Lộc từ lâu có Xuân Diệu, Huy Cận, Đỗ Đức
Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bỗng..., kẻ
Bắc người Trung, trong thời tao loạn có kẻ
đứng về bên kia chiến tuyến. Sau tháng 5-1975, Xuân
Diệu đến thăm Bình-nguyên Lộc hai lần
lại nhà ; Nguyễn Văn Bỗng cũng còn đi
lại.
Anh chị em
cần bút trong Nam thì chắc là số người thân
với ông tất phải nhiều hơn, nhưng tôi không
thấy cần dông dài. Chỉ xin chú ý đến những
nhà văn các miền ngoài, nhất là ngoài Bắc. Ở
đó, cái biết về các hoạt động văn
học trên phần đất Nam Kỳ cũ rất là
sơ sài. Theo sự phác giác của Nguyễn Văn Trung gần
đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong
nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm.
Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn
Bá Học, Phạm Duy Tốn...như những người
đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng
Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản,
Trần Chánh Chiếu v.v.. Sau lớp tiên phong, đến
lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng
không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà văn hiện
đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ
được 4 người. (Ở hai quyển 4 và 5, nói
về các bộ môn sáng tác, thì không có người Nam nào).
Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46
tác giả, người Nam chỉ được một cặp
ông bà Song Hồ. Sau l945, miền Bắc chỉ quan tâm
đến những cây bút đã gia nhập vào hàng ngũ
chính trị của họ. Thành thử sự kết giao
của các tên tuổi Bắc Trung vừa kể với Bình-nguyên
Lộc là trường hợp hiếm.
Ngoài ra, Bình-nguyên
Lộc còn được Nhất Linh chọn mời
cộng tác vào tờ tạp chí ông chủ trươg ở
Sài Gòn sau Genève. Năm 1952, mới từ Hương
Cảng về Sài Gòn, Nhất Linh đã nhắn Bình-nguyên
Lộc đến gặp mình tại nhà trọ bấy
giờ ở đường Lê Văn Duyệt (Phỏng
vấn của lê Phương Chi, Tin sách số 32,
tháng 2-1965).
Một
thắc mắc có thể được nêu ra : Liệu có
thể bảo rằng những mối giao hữu,
những sự chọn lựa nọ đối với Bình-nguyên
Lộc là căn cứ trên các ưu tư làm cơ sở
cho văn nghiệp một tác giả nghiêm chỉnh không ? Có
phải ai tiếp xúc với Bình-nguyên Lộc cũng
để ý đến các hoài bảo âm thầm của ông,
và quí trọng nó?
- Không
phải chúng ta vừa khám phá ra điều bí ẩn nào
bất ngờ nơi Bình-nguyên Lộc đâu! Trước
chúng ta mấy chục năm, các phỏng vấn viên Ngu Í,
Nguyễn Nam Anh, Viên Linh, vị nào đến với Bình-nguyên
Lộc đều biết, đều có đề cập
xa gần đến tác phẩm đầu tiên luôn ám
ảnh ông. Tất nhiên họ không biết hết mọi
hoài bảo của Bình-nguyên Lộc. Thì cũng như chúng
ta!
-
Nhưng những hoài bão cao quí có làm nên giá trị một tác
giả hay một tác phẩm văn chương chăng?
- Đó
là một nghi vấn lợi hại. Trăm năm
trước Oscar Wilde đã nói chăc nịch : “There is no such
thing as a moral or an immoral book. Books are well written, or badly written.”
Sách chỉ có sách hay với sách dở thôi, cần gì biết
tới chuyện cao quí với không cao quí ? Nhưng chúng ta sống
trong một truyền thống văn hóa khác. Ở ta,
đến như cụ Nguyễn Du mà vẫn từng
điêu đứng một thời vì cái giá trị
đạo lý của cuốn Kiều, huống chi những
phận hèn như chúng ta. Mặc dù chúng ta đã xa thời Nguyễn
Du, dù các quan niệm văn học Tây phương đã phổ
biến rộng rãi, nhưng phải nhận rằng
ảnh hưởng của truyền thống vẫn còn :
Đối với sách, ngoài chuyện sách hay sách dở ở
ta vẫn lắm kẻ lưu tâm đến sách tốt sách
xấu; và đối với người (tác gtả) ta
vẫn quí chuộng những kẻ kiêm đủ tài và ...
đức, những kẻ có lòng. Dĩ nhiên chỉ quí chuộng
khi sách tất không đến nỗi dở, kẻ có đức
không đến nỗi bất tài.
Nhưng
chuyện hay dở rồi sẽ bàn sau.
*
Người
ta để ý thấy Nhất Linh mời Bình-nguyên Lộc
cộng tác làm báo, nhưng Nhất Linh không đề cử
Bình-nguyên Lộc vào Tự Lực văn đoàn, không đưa
sách ông vào các nhà xuất bản Phượng Giang,
Đời Nay, như đối với một số nhà văn
khác lúc bấy giờ (Nhật Tiến, Linh Bảo,
Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam...). Tại sao vậy? Một cách
đánh giá chăng? Chúng ta không có căn cứ đầy
đủ để ức đoán. Hãy bằng lòng với
một ghi nhận, một “để ý” vậy thôi.
Từ
đó liên tưởng đến vài sự kiện khác.
Trở
lại với Sơn Nam, xem cách Sơn Nam đọc sách Bình-nguyên
Lộc. Ông mua cuốn Nhốt gió với cái giá đã
gấp 33 lần nguyên giá, lý do thứ nhất là vì lòng
mến mộ đối với tác giả (như ông đã
nói). Lý do thứ hai là đối với tác phẩm: “là muốn có sẵn trong tủ
một quyển sách có công dụng thiết thực. Công
dụng gì? (...) Chúng tôi đọc Nhốt gió để tìm
một vài phút lâng lâng (…) Thế nào là lâng lâng? (...) .Muốn
thưởng thức Nhốt gió thì nên lật ra,
đọc một vài hàng, hoặc vài chục hàng để
rồi xếp lại. Hoặc bỏ vài chục trang,
đọc một đoạn cho vui. Người
đọc không phải cố gắng, chịu cực
để theo dõi nhơn vật hoặc suy nghĩ gì
cả. Xin giới thiệu vài đoạn (...). Cứ
đọc Nhốt gió khi nào mình thấy thiếu thốn
một chút hương vị quen thân. Sách chỉ dày có 200 trương,
đọc lai rai chừng một tháng là hết, nhưng
thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình
cờ, lại thấy vui và mới.
Nó giống như ca dao, những câu ca dao
bằng văn xuôi.” (Thời tập, Sài Gòn,
số đã dẫn.)
Vài
đoạn Sơn Nam
đem ra giới thiệu là một đoạn nói về
cánh rừng dầu lông cao lỏng khỏng, lá khô rôm rốp
dưới chân người, ong kêu vù vù như muôn ngàn
người trò chuyện trên ngọn cây. Và đoạn nữa
là về một anh chàng xa quê nhớ về làng quê, nhớ những
buổi đầu đông gió bấc ở rừng về
bay theo bầy tu hú, những chiều đầu mùa mưa gió
nồm từ biển vào rũ dọc đường bầy
bông lồng mứt trắng mịn như tơ trời...
Cả
tháng trời, Sơn Nam
đọc từng đoạn như thế, và ông lâng lâng.
Thì ra ông có đọc truyện đâu! Tay
cầm cuốn truyện, ông đọc ca dao!
Như
thế, Sơn Nam quả
là tay sành sõi. Ông Cao Huy Khanh, ông Nguyễn Văn Sâm
đọc truyện của Bình-nguyên Lộc, và không mấy
vừa lòng. Ông Cao kêu về cái “cá tính ưa thích sự phân
tích lý luận bác tạp rộng về bề mặt
nhưng thiếu chiều sâu”. Ông Nguyễn cũng bảo “Ông
(Bình-nguyên Lộc) giải thích quá nhiều lần, nên
người đọc dễ chán, người ta
đọc tưởng mình đọc sách học hơn là
đang thưởng thức một sáng tác phẩm.”
(Tạp chí Văn học, Hoa Kỳ, số 18, tháng 7-1987).
Hay vị gặp nhau ở cái chủ tâm giảng giải,
thuyết phục, nơi Bình-nguyên Lộc.
Hai
vị đã bắt đúng một trong vài chỗ nhược
của Bình-nguyên Lộc. Một chỗ nữa là cốt
truyện. Lấy kinh nghiệm sáng tác của mình, ông khuyên
các bạn trẻ đừng nghe lời một số các
nhà phê bình mà nghĩ rằng cốt truyện hay thì làm
mất giá trị của truyện. (Thời tập, Sài
Gòn, số đã dẫn). Có nhà phê bình nào bảo vậy không?
Dù sao Bình-nguyên Lộc là một tác giả tốt bụng,
ông chuộng loại truyện hay vì truyện (dĩ nhiên
cũng hay luôn về các phương diện khác). Truyện
nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn, đọc
vẫn thích; ông tử tế với độc giả, ông
muốn độc giả hưởng nhiều khoái trá.
Rốt
cuộc ông lâm lụy vào hai cái ấy: truyện rộn ràng
tình tiết và nặng giảng giải
Về
cái giảng giải khỏi cần dông dài: một sự
kêu trời rập ràng của hai vị Cao - Nguyễn
vừa rồi đã đủ. Giảng làm chi chữ
hả? Tiểu thuyết gia nào có phải là thầy cô
của ai đâu, độc giả tìm đến cuốn
truyện nào có ý học hỏi gì đâu mà tự dưng
hạ người ta xuống phận học trò cho người
ta í ới thảm thương!
Còn
về tình tiết rộn ràng, có thể chọn một thí
dụ nơi cuốn Đò dọc mà ông cao Huy
Khanh cho là “sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi”
của Bình-nguyên Lộc. Bốn chị em Hương,
Hồng, Hoa, Quá đều chưa chồng, các cô đã quá
muộn, cha mẹ đã lấy làm lo. Lại gặp
cảnh rời Sài Gòn về tỉnh nhỏ, cha mẹ càng
lo thêm. Chợt có tai nạn xe xảy đến ngay trước
nhà. Trong một đêm, cả bốn chị em nối
đuôi trò chuyện với nạn nhân, là anh Long. Rồi
bốn chị em cùng yêu. Rồi hai chị em nối nhau
tự tử vì tình. Rồi ba chị em lại xúm nhau
lấy chồng. Sự việc sao mà dồn dập, mà rụp
rụp, ngoạn mục quá chừng. Cũng ngoạn
mục như chuyện yêu đương có dây gai thắt
gút, có đèn pin bỏ túi của một chàng trai Sài Gòn, trong
Tỳ
vết tâm linh. Lại cũng ngoạn mục như chuyện
anh chàng Bùi An Khương trong truyện “Thèm người”
bị thất tình, đi trả thù tình, vào rừng, bị
con khỉ cái bắt, cặp nách nhảy vùn vụt nên các ngọn
cây, đêm đêm trói chàng lên cành cây, ban ngày hái trái ngậm
đầy mồm đem về nuôi chàng, nuôi để mà
... hiếp. Chàng trai sống riết với khỉ
đến gần mất hình người.
Chúng
ta có cảm tưởng ông Bình-nguyên Lộc có hảo ý
muốn làm vui người đọc. Hảo ý không
thuộc về nghệ thuật.
*
Giảng giải
là một quan tâm về ý nghĩa, cốt truyện ly kỳ
là mối quan tâm gây thích thú. Ý nghĩa nếu cao xa, diễn
biến nếu ngoạn mục, xem qua biết rồi
cũng sẽ mất lý do thu hút. Trong khi đó vài câu bâng
quơ, chẳng hạn:
“Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió run bông sậy để buồn cho em”'
lại có
thể hát đi hát lại hoài vẫn còn sức kích
động. Ông Sơn-Nam bỏ qua các khoản kia, nhảy
vọt qua từng đoạn sách, chọn dọc những
câu “ca dao” trong truyện Bình-nguyên Lộc, cho nên sách cũ
một phần tư thế kỷ vẫn thấy hay.
Cái nhược
kia với cái ưu này cùng của ông Bình-nguyên Lộc cả.
Và đều do những bận tâm ấp ủ một
đời của ông cả. Điều ấp ủ mà nóng
lòng đem ra phân giải quá lộ liễu thành hỏng.
Nỗi lòng ấp ủ mà tiềm ẩn tận cõi sâu trong
tâm hồn hoặc kín đáo bộc lộ, hoặc bất
thần xuất hiện không chủ tâm lại gây xúc động,
lại làm nên giá trị nghệ thuật.
Cảnh
rừng dầu lông ong kêu vù vù (“Thèm người”) cảnh những
chiếc ghe thương hồ đậu kinh Tàu Hủ,
những chiếc ghe từ các miền Ba Thắc,
Đồng Nai… lên, trên mui chưng vài ba cây cảnh,
trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn
bờ (...), những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa,
thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con
dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc
lõng vào thành phố (“Sông ông Lãnh”); cảnh mùa mưa nước
dâng ngoài đồng, đom đóm đậu nghẹt lá
cây, chớp nháy buồn thê thiết, cảnh hai ba giờ khuya
thức giấc, cất tiếng hú chị em bạn
vầy đoàn chín chị mười chị cùng đi
chợ vui không quên nổi (“Con Tám cù lần”); chuyện những
ngôi cổ mộ, hoặc của một ông sư hoặc
của một ông tướng, phu phen ty Lộ chính đô
thành quật lên nay ở góc đường này mai góc đường
kia, những mả cũ bên đường một đô
thị nhộn nhịp gợi bao nhiêu ngậm ngùi (“Hui
nhị tì II”) v.v..., bấy nhiêu chuyện nọ cảnh kia
rải rác khắp tác phẩm Bình-nguyên Lộc. Lại còn
như câu chuyện người các tỉnh lên Sài Gòn làm
ăn, buổi sáng ngồi ở bến ông Lãnh uống tách
cà-phê, trông ra những chiếc ghe thương hồ trên
sông mà:
“Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê
Rưng rưng nước mắt tư bề người
dưng”
lại nghĩ quẩn :
“Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng cô Quì còn không?”
Ghe đi ghe
lại về, người xa xứ thì mòn mỏi tháng
năm trên các nẻo đường đô thành, tư
bề người dưng ! Những cái ấy cũng làm
ông Sơn Nam lâng lâng sầu được chứ !
Những cái ấy, chúng là những “ca dao” lốm
đốm trong truyện, trong thơ, trong bút ký, trong
mọi môn loại sáng tác của Bình-nguyên Lộc. Chúng là cái
dấu ấn phân biệt thứ văn chương đăng
báo, văn chương nhật trình của Bình-nguyên Lộc
với văn nhật trình của bao kẻ khác.
Những
đóm “ca dao” ấy đã kết tinh từ cái thiết tha
đối với quê hương, nguồn gốc,
đất đai, cái thiết tha từng ôm ấp các công
trình Phù sa, Đồng Nai, Mã Lai v.v...trong mấy thập
kỷ. Cái ưu này kết hợp với cái khuyết kia
kết quả thế nào? Nên cân nhắc bên nặng bên
nhẹ ra sao cho phải ? Chắc chắn Bình-nguyên Lộc
không có ý cãi cọ với ai, nhưng có lần cùng Nguyễn
Nam Anh nói chuyện, trước 1975 (bài phỏng vấn
được đăng lại trên tạp chí Văn
học, Hoa Kỳ, số l8 năm 1987) ông đã xác quyết,
cũng chắc nịch như Oscar Wilde: “Giữa tài với
đức, đức phải hơn. Tôi không phải là
một nhà đạo đức chút xíu nào hết, nhưng
tôi vẫn trọng đức của người khác,
đánh giá họ bằng đức chứ không bằng
tài, mặc dầu tôi vẫn quý trọng tài của họ lắm.”
Bình-nguyên
Lộc không chịu nhận lấy cho mình chút xíu
đạo đức nào, nhưng tấm lòng của ông chắc
chắn là yếu tố đáng kể trong sự quý
trọng của người đời. Người ta quý
trọng ông như quý trọng một nhân sĩ trong làng
văn, cái lòng rộng lớn cả cõi Nam Kỳ cũ.
tháng 5-1998
Nguồn:
“Tuyển tập Bình-nguyên Lộc”, An Tiêm, Paris – California
1999.
Bút tích Bình-nguyên Lộc
(Từ trái qua):
(đứng) Bình-nguyên Lộc, Duy Lam, Đỗ Đức Thu, Nhất Linh, Tường Hùng, Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn.
(ngồi) Linh Bảo, Quỳ Hương, Nguyễn Thị Vinh.
(tòa soạn Văn Hóa Ngày Nay. 1958)
(đứng) Bình-nguyên Lộc, Duy Lam, Đỗ Đức Thu, Nhất Linh, Tường Hùng, Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn.
(ngồi) Linh Bảo, Quỳ Hương, Nguyễn Thị Vinh.
(tòa soạn Văn Hóa Ngày Nay. 1958)
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.