Chu Văn Bình
(17/4/1917 - 30/4/1975)
Hưởng dương 58 tuổi
Nhà văn, Nhà báo
Chủ nhiệm nhật báo Sống
(Sài Gòn trước 75)
Nhà văn Chu Tử, và những ngày Tháng Tư
Trong giới văn nghệ sĩ, 30 Tháng Tư mở đầu bằng một cái tang, cái tang đúng ngày 30 Tháng Tư: đó là cái chết của nhà văn Chu Tử. Ðúng 58 năm trước, anh ra đời cũng vào Tháng Tư, ngày 17.
Vào ngày 16 Tháng Tư 1966, nhà văn Chu Tử bị ám sát bằng 4 viên đạn xuyên qua cổ, răng, miệng, nhưng đã không chết, có thể vì đối với ông, đạn súng lục quá nhỏ. Chín năm sau, 30 Tháng Tư 1975, ông chết vì một viên đạn lớn hơn, một viên B40 từ bờ bắn lên tàu Việt Nam Thương Tín, khi con tàu này đang từ sông Lòng Tảo, Vũng Tàu, chạy ra khơi.
Nhiều thế lực ở đằng sau mũi súng không thích những Sự Thật do Chu Tử viết ra trên báo Sống hay các báo do ông chủ trương. Ở lần ông bị bắn năm 1966, chúng tôi đã viết một bài ngắn đăng trên Tuần báo Nghệ Thuật mà sau này được ông trích đăng lại trong cuốn Không Hận Thù, như sau: “Ðối với bản thân tác giả Yêu, hẳn nhiên những sự đưa đến cái chết, và chính cái chết là một vấn đề Sống. Sống theo quan niệm của một người trí thức hành động. Người trí thức hành động Chu Tử đã đối đầu với những vấn đề nguy hiểm, nhưng đó là những vấn đề ông có thể kiểm soát nổi. Nếu ông tin rằng người ta không thể giết ông vì những điều ấy, thì niềm-tin-chu-tử không phải niềm tin của một tâm hồn thơ ngây, nhưng là của một tâm hồn tràn trề hy vọng ở một cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống ao ước. Ao ước và hy vọng dĩ nhiên lại là những gì mà chúng ta không có cách kiểm soát được…” (1)
Nhà văn Chu Tử có tên khai sinh là Chu Văn Bình, ra đời ngày 17 Tháng Tư năm 1917 tại làng Mía, Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Theo lời tự thuật của ông, vì bạn bè trong lớp sỉ nhục, sau khi đậu tiểu học, ông chỉ mất có ba năm thì thi đậu tú tài. Mất thêm mấy năm nữa, ông học Luật tới năm thứ ba, rồi nghỉ một thời gian, không rõ vì sao. Sau nghe ông đậu cử nhân Luật và trở thành một trong vài người đậu cử nhân hồi những năm cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên bốn mươi tại tỉnh Sơn Tây. Tham gia sinh hoạt đấu tranh từ nhỏ, trong khi còn học lớp nhất trường Hưng Hóa, Chu Tử, vào đêm nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930, đã theo đàn anh Nguyễn Khắc Nhu, biệt danh Xứ Nhu, phó đảng trưởng, đi hạ đồn Hưng Hóa. Thất bại, bơi qua sông trên đường rút lui, tới được bờ thì quá mệt, và quá vui, nhà cách mạng 13 tuổi ngủ một giấc, và từ đó mất liên lạc với Xứ Nhu. Ông bị tù thời Pháp, sau đó còn bị tù thời Nhật, thời Ngô Ðình Diệm, như ông viết. Tuy vậy thời Việt Minh, ông có lần ngồi xử án một vài phiên tòa địa phương.
Hồi thanh niên Chu Tử mở trường dạy học, học trò rất đông. Nhưng lòng ông không ở đó. Ông dừng lại ở văn chương, ở báo chí, văn, ông đã cho xuất bản một loạt các truyện dài mà nhan đề chỉ có một chữ: Yêu (Ðường Sáng, Saigon, 1963, tái bản 3 lần trong một năm), Sống, tức Loạn I (Ðường Sáng, 1963), Loạn (Ðông Bắc, 1964). Cuốn nào cũng là truyện dài, và truyện nào cũng đăng báo trước khi in thành sách. Thường là đăng báo của ông, như tờ Sống, hay báo do ông chủ trương, như Dân Việt, Ðời, Sóng Thần, vì với ngòi bút công phá tàn khốc, Chu Tử không còn được phép đứng tên làm chủ nhiệm một tờ báo nào nữa, sau tờ Sống.
Trong sinh hoạt báo chí, tôi ít có dịp làm việc với Chu Tử, trừ một thời gian ngắn phụ trách phần điện ảnh cho báo Sống của anh, và thời gian viết truyện dài Gió Thấp cho báo Sóng Thần do anh chủ trương. Tờ báo sau cũng gây nhiều sóng gió, và là mục tiêu của một cuộc xung đột nghề nghiệp, hay xung đột chủ trương, đến mức tàn khốc. Một trong những chuyện xảy ra, làm rung chuyển giới truyền thông lúc ấy, là vụ bắn bỏ Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, chủ nhiệm tờ Ðông Phương. Lúc ấy tôi cũng đang viết một truyện dài cho Ðông Phương. Hai tờ báo ở cùng một con đường Võ Tánh, tờ bên số lẻ, tờ bên số chẵn, đi bộ chỉ vài phút. Hai tờ báo ấy lại đang bút chiến với nhau. Ðến Ðông Phương ngồi viết xong đoạn truyện đủ in cho báo ngày hôm sau, tôi đi qua Sóng Thần ngồi làm việc tương tự, ở cái bàn ngay cửa phòng sắp chữ. Bao giờ tôi cũng lại Sóng Thần sau, vì thích cà kê ở đây lâu hơn. Ở quãng giữa hai tờ báo là phở Hà Nội, nơi các ký giả gặp nhau, cũng là nơi tôi ghé vào bảo họ lát nữa mang lên Sóng Thần cho tôi một chai bia Larue có hình trái dứa và một ly đá. Lùi về phía sau là nhà thờ Huyện Sĩ, nơi có một quán cà phê bí tất, chéo góc với quán xôi lạp xưởng của mấy mẹ con một bà người Bắc.
Một hôm đang ngồi ăn nhậu trong quán cà phê bí tất với bạn bè, Vân Sơn Phan Mỹ Trúc bị dí súng vào đầu. Một tiếng nổ. Kẻ lạ mặt, do đồng bọn chở bằng Honda hai bánh từ ngoài bước vào, giữa ban ngày, rút súng xử tử chủ nhiệm Ðông Phương, rồi rảo cẳng đi ra, leo lên sau xe Honda, mất dạng. Cái tin gây lặng ngắt trong chỗ tôi ngồi uống bia. Tôi không đi đưa đám Vân Sơn, nhìn vành khăn trắng trên đầu một phụ nữ não nùng, tôi thù ghét tên mặt tái. Theo mô tả, đó là kẻ sát nhân. Tôi nghĩ tôi đã gặp y nhiều lần. (2)
Trong không khí đó, những cuộc xung đột trong làng báo không còn là những bài báo xuông nữa. Ngay trong nội bộ cũng gay cấn. Anh Chu Tử, tuy là người đứng chủ trương nhật báo Sóng Thần, nhưng lại không thoải mái khi tới tòa soạn. Rồi chẳng bao giờ anh tới nữa, nằm nhà lãnh lương, rút xì phé. Có khi chỉ có ba người, chúng tôi cũng vẫn rút, cho anh đỡ buồn. Nhất là khi trong ba người lại có một anh Việt Cộng hồi chánh như Kim Nhật – tác giả cuốn Cục R – cò gỗ mổ cò thật như hôm đó, thì chán biết nhường nào? Anh nhắc tôi kể chuyện phim ráng viết cho dài, như một cái truyện ngắn, vì tôi thường viết ngắn, chủ trương đủ ăn thì thôi, hôm nay đong gạo hôm nay, chuyện mai mai tính. Một hôm anh bảo tôi, khi tôi đã leo lên cái xe Lambretta định đi. “Này cái chuyện phim hôm rồi cậu viết dài hơn nửa trang như thế là được, tuy nhiên cậu lại không viết nhan đề. Tôi thấy tên phim là La Chevauchée, tôi đặt là Ðoàn Kỵ Mã đấy. Ðược không?” Dĩ nhiên là được. Chị Gilberte Nguyễn Văn Lợi, chủ hãng phim Columbia tại Sài Gòn đưa cho tôi tờ Ciné-Revue, trong có thuật chuyện phim này, sắp chiếu ở Eden hay Ðại Nam gì đó, tôi phải chuyển ra Việt ngữ, tôi đã xem phim đó đâu mà nói được hay không được. Tôi cũng chẳng nhớ nội dung câu chuyện như thế nào, vì tài tử cưỡi ngựa bắn súng cỡ Randolphe Scott là tài tử tôi chỉ xem qua một lần rồi bỏ.
Nhà văn Chu Tử lìa đời trên sông Lòng Tảo, trên thuyền Việt Nam Thương Tín. Hôm đó là ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Khi chiếc thương thuyền đang hướng ra hải phận quốc tế thì bị trúng một trái đạn pháo từ trong bờ bắn ra. Trong mấy ngàn người, Chỉ có Chu Tử thiệt mạng. Cháu Chu Sơn, con trai anh, mà cũng là phóng viên trang 3 của chúng tôi trong tờ nhật báo Tiền Tuyến, đứng bên bố nhưng không nguy hại gì. Theo Trung Tá Phạm Hậu kể lại: “Có tiếng pháo kích từ bên bờ sông mé phải bắn qua. Ðạn đại bác của xe tăng hay đạn B40, B41 quái quỉ gì đó… rơi lõm bõm trên sông. Một viên đạn bay qua đầu chúng tôi, rơi trúng vào chiếc tầu to lớn – tầu Việt Nam Thương Tín chở hàng hóa và hành khách dân sự – đang vùn vụt chạy rất nhanh ở phía trái chúng tôi. Khói bốc lên nghi ngút trong chốc lát. Sau mới biết chính quả đạn này đã sát hại nhà văn Chu Tử…” (3)
Theo cháu Chu Sơn kể lại với tôi, thi hài Chu Tử được bó vải, thả xuống Thái Bình Dương ngày hôm sau. Anh là thuyền nhân đầu tiên được thủy táng. Anh là nhà văn lưu vong đầu tiên vẫn trong hải phận quê hương. Và như thế, có bao giờ anh rời xa Ðất Nước? Từ lúc viết văn đến khi từ trần, anh hoàn tất ý niệm ban đầu của một người cầm bút, mấy ai có thể làm được như anh?
Viên Linh
Tháng 4, 1997 (Trong Chiêu Niệm Văn Chương, chưa in)
Chú thích:
1. Viên Linh, nhà văn Chu Tử, vấn đề sống, Tuần báo Nghệ Thuật, số 28, tháng 4, 1966, trang 5.
2. Duyên Anh viết rất rõ về vụ ám hại này trong hồi ký của ông, đã xuất bản.
3. Phạm Hậu, 30.4.75, Từ sông Lòng Tảo tới Subic Bay, Khởi Hành số 42, 4.2000, trang 9.
Đạo diễn Đỗ Tiến Đức dựng thành phim năm 1973
với diễn viên Thanh Lan và Nguyễn Đình Toàn
với diễn viên Thanh Lan và Nguyễn Đình Toàn
Ghen
?
Loạn
?
Tiền
?
Chu Tử không hận thù
Buổi sáng ngày 29-4-2005 tôi ngồi trong nhà uống trà một mình, anh tổ phó an ninh khu phố tới trước cửa nhà tôi nhắc nhở treo cờ, kỷ niệm chiến thắng 30-4. Tôi biết chứ, ngày 30-4-1975 là ngày nhà văn nhà báo Chu Tử bị tử nạn trên đường di tản, năm nào gia đình ông cũng làm giỗ kỷ niệm ông vào ngày đó, nhưng để tránh lôi thôi phải đổi thành vào ngày âm lịch (19-3 âm lịch). Anh em bạn bè của ông Chu Tử nhớ ngày đó mà đến, tôi cũng đến cách đây một ngày. Ðể cắm nhang cho ông cho vẹn tình vẹn nghĩa. Có tiếng người nào trong xóm:
- Cha nội, hôm nay mới là 29 à!
Anh tổ phó an ninh trả lời cáu kỉnh, tỏ quyền uy:
- Lệnh của phường có thi hành không thì bảo.
Tôi thì lẩm bẩm:
- Biết rồi khổ lắm nói mãi.
Nhà văn Chu Tử, tác giả tiểu thuyết YÊU nổi tiếng một thời, đã thành một hiện tượng trong giới trẻ Việt Nam trong những năm 1960, kéo dài đến năm 1970 và ảnh hưởng còn mãi mãi, nay đã gần nửa thế kỷ người ta vẫn còn nhắc đến, dù tác phẩm của ông đã bị nhà nước cầm quyền mới loại trừ nằm cùng trong danh sách tác phẩm bị kết án là đồi trụy, biệt kích văn nghệ sau ngày 30-4-1975, cần phải tiêu diệt, cùng thời với những sách báo xuất bản ở miền Nam Việt Nam, bị thiêu đốt và bị tiêu diệt. Những văn nghệ sĩ miền Nam bị bắt bỏ tù, không mang một tội danh nào rõ ràng. Phần đông những nhà báo, nhà văn miền Nam phải gác bút ngần ấy năm trời, vì bị kỳ thị ra mặt... Nhưng tinh thần người cầm bút miền Nam vẫn còn đó, nếu có dịp.
Năm nay sau 30 năm chiến thắng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, người chiến thắng tổ chức thật xôm tụ, họ nói có khác hơn mọi năm, có ca tụng chiến thắng, nhưng nay thì mong có sự hòa hợp dân tộc do lòng khoan dung của người chiến thắng. Họ lôi cổ vài anh tướng Ngụy gần đất xa trời lên nói chuyện về lòng nhân đạo của cách mạng trong ngày 30-4-1975, quên đi quá khứ kêu gọi nhân dân Việt Nam, kể cả ở nước ngoài hãy quên đi quá khứ để xây dựng lại đất nước. Quên đi quá khứ sao? Người Do Thái có quên được Hítler tàn sát dân Do Thái không? Trung Quốc Ðại Hàn có quên đi được quân đội Nhật hoàng gây bao nhiêu đau thương trên đất nước họ không, gần đây nhất là nước Cambuchia có quên được bọn diệt chủng Khờ Me Ðỏ không? Hình như lời kêu gọi ấy đến nay đã muộn màng quá rồi.
Mọi năm tới ngày này anh em chúng tôi gặp nhau, thắp cho ông Chu Tử nén nhang tưởng niệm. Chúng tôi ôn lại những năm tháng đã trôi qua, những năm tháng chúng tôi cùng hành nghề làm báo viết văn với nhau. Những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong những ngày tháng hành nghề, cùng với nhà báo Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống. Ðối với tôi, một người làm báo cộng tác với nhiều tờ báo, nhưng báo Sống vẫn là tờ báo chính, tình nghĩa với ông Chu Tử từ ngày đầu đến ngày cuối, tôi thành nghề, thành danh nhà văn nhà báo cũng từ tờ báo ấy. Từ một thanh niên yêu nghề, còn lơ ngơ trong nghề nghiệp, rồi trưởng thành đi đến thành công, đều khắp các anh em, chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi quí mến người đàn anh dẫn đầu, mãi mãi không thể nào quên. Với đám nhà báo cứng đầu cứng cổ chúng tôi, thường giữa chủ nhiệm và ký giả ít khi có sự hòa hợp, vì không phục tài năng của nhau cũng như sự đối xử có phần tệ hại với ký giả ở vài ba tờ báo khác, nhưng với báo Sống và ông Chu Tử thì không có chuyện đó. Mười năm chúng tôi làm việc với nhau, kết với nhau thành một khối, trong tình trong nghĩa, mỗi ngày có thêm anh em, đời sống chúng tôi như ruột thịt... cho đến khi bầy đoàn bị tan rã vì báo bị đóng của bị khủng bố vì tội ăn ngay nói thật, cho đến lúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa bại trận (30 Tháng Tư 1975). Tôi nói ông Chu Tử là một chủ nhiệm tuyệt vời, những người anh em còn lại trên thế gian này vẫn nghĩ đến ông, cả những người anh em thân hữu của báo Sống, đã 30 năm qua tình cảm vẫn nguyên vẹn, người nào trong anh em “dạo chơi miền tiên cảnh” thì cứ đi, người còn lại đến với ông, thắp cho ông nén nhang tưởng nhớ. 30 năm qua bao nhiêu người anh em đã ra đi, đến hôm nay dự đám giỗ ông Chu Tử tôi thấy vắng bóng nhiều anh em xưa: Nhà thơ trào phúng Tú Kếu, nhà văn Mặc Thu, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, một thân hữu của báo Sống từ ngày đầu, cũng mới qua đời, chỗ ngồi kia mới năm ngoái còn có nhà báo Phan Nghị, anh đã nằm xuống trong năm qua, lần cuối cùng anh dự buổi giỗ của ông Chu Tử khi sức khỏe anh đã suy yếu lắm rồi, vào tuổi 80. Còn nhiều những anh em khác đi nước ngoài. Tôi vẫn cảm thấy xôn xao như khi còn đông đủ anh em ngày nào... Tôi cũng già yếu như các anh em có mặt ở đây và mang nhiều thứ bệnh, không biết mình sẽ gục ngã lúc nào, sang năm tôi còn ngồi với anh em nữa không, tôi cho là mình nghĩ dại dột, nhưng tôi bình tĩnh khi nghĩ đến điều đó. Một cuộc đời đầy bất trắc đâu có nói trước được điều gì. Chú Ðông con (Nguyễn Ðình Ðông) làm việc trong ban trị sự báo Sống, liên tiếp bao nhiêu năm đều có mặt trong bữa giỗ ông Chu Tử, chú ấy còn trẻ tuổi hơn chúng tôi, khỏe mạnh, vậy mà cũng đã qua đời vì một tai nạn đáng tiếc. Ðiểm mặt người quen của báo Sống thì buổi giỗ này thiếu nhiều lắm. Nghĩ lại anh em chúng tôi càng buồn, buồn vào ngày 30 tháng Tư. Năm nay vẫn làm giỗ vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, chỉ cách ngày 30-4 dương lịch có ba ngày, nhưng sự bồi hồi trong lòng mọi người vẫn nguyên vẹn. Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Hồ Nam, ký bút hiệu làm thơ là Vương Tân, ngậm ngùi đọc bài thơ:
GỬI CHU TỬ
Anh đi ba mươi năm
Trên biển cả mênh mông
Tôi ở ba mươi năm
Trong ngục tù ngạo nghễ
Chúng nào giết được anh
Chu Tử luôn bất tử
Sống, Yêu và sống mãi
Một đời những thiên thu
Anh gieo rắc tình yêu
Chúng gieo rắc thù hận
Anh vinh danh sự thật
Chúng nói dối lừa gạt
Lịch sử đã sang trang
Kịch nào cũng hạ màn
Tôi vẫn là tôi nói
Nói thật và nói thẳng
Tôi vẫn là tôi làm
Làm thơ và uống rượu
Ngất ngưởng giữa cuộc đời
Ðể vinh danh con người
Những con người dám sống
Dám yêu và dám chết
Những con người tử tế
Những con người bất diệt
Dám xoay chuyển đất trời
Dám vượt lên tất cả
Ðể cứu rỗi chính mình
Trong bão táp thời đại.
Bài thơ anh ký tên là Vương Tân, bút hiệu làm thơ của anh trong nhiều năm. Bài thơ anh làm khá bạo, mà tôi biết phát xuất tự trong tâm trạng của anh, những người Việt Nam ở phía bại trận còn ở lại Việt Nam suốt 30 năm qua, hiểu tất cả, thấm thía cuộc đời, Hồ Nam tức Vương Tân, tức Hồ Lô, tên Hồ Lô do anh em thân mật đặt cho anh, vì anh như chiếc hồ lô chứa rất nhiều, mà không có nắp đậy, có dịp là xả, một con người ăn ngay nói thẳng, vì vậy suốt ba mươi năm qua anh bị ở tù hơi nhiều lần. Mà chứng nào vẫn tật ấy, không chừa được.
Không có tiếng vỗ tay tán thưởng, chúng tôi lặng người để tưởng niệm ông Chu Tử, Hồ Nam tự rót cho mình một ly rượu và uống cạn... Con người anh như thế, tuổi gần tám mươi rồi nhưng vẫn lắm điều. Ðối thủ của anh là Phan Nghị, nay không còn nữa, anh không nói nhiều như năm ngoái năm kia, trong những buổi giỗ ông Chu Tử tranh nhau nói, gần như cả bàn chỉ nghe tiếng hai anh, anh nào cũng đầy kỷ niệm với Chu Tử từ thuở nảo thuở nào, nhưng năm nay anh có bài thơ...
Trong bữa giỗ vợ chồng Chu vị Thủy, Ðằng Giao cũng cho chúng tôi biết, Chu Sơn (con trai lớn của của ông Chu Tử, và là anh của Chu vị Thủy) ở bên Mỹ, trong năm nay sẽ tái bản tiểu thuyết Yêu của Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, phát hành tại Houston, Texas. Ông Chu Tử cùng với gia đình con trai là Chu Sơn đi cùng chuyến tầu, khi vừa tới biển Cần Giờ hồi 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín bị đạn pháo, ông Chu Tử bị tử nạn, hai đứa cháu nội của ông bị thương rất nặng. Tôi đã được nghe chuyện này mấy ngày sau, khi Sài gòn bại trận và ông Dương văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Tôi biết rõ chi tiết hơn, khi vào trong trại học tập cải tạo, giam chung với những người đi trên chiếc tầu ấy, dại dột nghe lời tuyên truyền mà quay trở về Việt Nam. Anh Hài, người tù cùng trại, biết tôi là người từng làm báo Sống nên đã kể cho tôi nghe từng chi tiết khi ông Chu Tử táng mạng bởi cú đạn B40 từ bờ biển Cần Giờ bắn ra trúng tầu, xác Chu Tử được thủy táng ngay khi ra tới cửa biển Vũng Tầu trên biển Ðông.
Vĩnh biệt Chu Tử, ba mươi năm đã trôi qua rồi, một giấc mơ hay một cơn ác mộng? Có nghĩa lý gì đâu, ngày 30 tháng Tư là ngày vui của người chiến thắng và cũng là ngày buồn của nhiều người Việt Nam. Xuất bản lại tiểu thuyết của nhà văn Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở một nơi có tự do tư tưởng, có tự do báo chí là một điều an ủi, mát lòng cho linh hồn của ông ở ngoài biển đông cùng với bao trăm ngàn linh hồn người miền Nam bỏ nước ra đi tìm Tự Do không được may mắn đến bến bờ hạnh phúc. Tôi được nghe những đài phát thanh nước ngoài tường thuật lại buổi lễ cầu siêu lẫn với tiếng sóng biển ầm ầm, rồi tiếng khóc sụt sùi của một vài người khi nói đến người thân yêu phải nằm lại trên mảnh đất xa lạ, và những giọng nói thuật lại vẫn mang những âm hưởng kinh hoàng dù những chuyện xảy ra trên biển cách đây 30 năm. Những thuyền nhân vượt biển may mắn thoát chết, ngày nay cuộc sống của họ đã yên ổn và họ được định cư ở nhiều nước trên thế giới, nay ba mươi năm sau quay trở lại những trại tạm cư bên bờ biển đông để cầu siêu cho linh hồn những thuyền nhân đã tử nạn. Mà nhà văn Chu Tử là nạn nhân đầu tiên trong ngày tháng Tư đau buồn ấy.
Ngày này mỗi năm chúng tôi lại tìm đến nhau, uống với nhau ly rượu trong bữa giỗ ông Chu Tử, nhắc lại những kỷ niệm xưa, những ngày tháng tự do, hạnh phúc cùng làm báo với ông Chu Tử dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Buổi lễ nào rồi cũng phải tàn, tiệc nào cuối cùng rồi cũng phải chia tay. Khói nhang trên bàn thờ đốt lên để tưởng niệm ông Chu Tử cũng đã tàn, anh em tôi lần lượt ra về, trời đêm trên xứ Gia Ðịnh xưa thật buồn, năm nay mùa mưa đến rất muộn...
Gia Ðịnh, Phú Nhuận 30-4-2005
Chu Tử, CHẾT và SỐNG
Nhiều xe hai bánh của ký Giả nhật báo SỐNG bị những người biểu tình đốt trước toà soạn, đường Gia Long, Sài Gòn những năm 1965, 1966. Không nhớ tòa báo bị khủng bố vì nguyên do gì, chỉ nhớ đó là những năm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng, các ông Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát thay thế nhau làm Thủ Tướng, biểu tình xẩy ra liên miên ở Sài Gòn.
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương..
Tháng 12 năm 1994 bánh xe lãng tử — đúng ra là Bánh Xe Tị Nạn, Bánh Xe Lưu Vong, Bánh Xe Thất Quốc, Bánh Xe Tủi Nhục — khấp khểnh và muộn màng, đưa tôi tới Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Từ ấy đến nay tôi đã viết khoảng 10 bài về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng Tư năm nay, năm 2009, tôi đã định không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa. Tôi đã viết về Nó nhiều rồi. Mỗi Tháng Tư trở về, những đêm nằm nghe tiếng thời gian chậm bước đi, những buổi sáng cô đơn buồn trông phong cảnh quê người, tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trái tim tôi vẫn đau nhói, vẫn tuởng như Ngày Ấy là Ngày Hôm Qua. Nhưng viết về Ngày Ấy tôi đã định không viết nữa.
Nhưng “Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái”, dù không muốn tôi vẫn không thể không viết về Ngày Oan Trái. Năm nay, năm 2009, Ngày 30 Tháng Tư 1975 trở lại với tôi qua hình ảnh của anh Chu Tử, Ông Văn Sĩ-Chủ Báo đàn anh của tôi, Người Ký Giả Thứ Nhất của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chết vì đạn thù của bọn Bắc Cộng kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975.
Buổi sáng ở Rừng Phong, tôi đọc bài viết về anh Chu Tử của người bạn trẻ Đào Vũ Anh Hùng. Bài viết như sau:
"Sáng Ngày 2 Tháng 5 của hơn ba chục năm về trước tại Subic Bay. Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước. Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của Nhà văn Chu Tử. Bà Hai và Vân cũng vừa nhận ra tôi, hai người mừng tủi khóc òa lên.
Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm… Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc tầu Việt Nam Thương Tín. Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là Nhà văn Chu Tử.
Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa Ngày 30 Tháng Tư, 1975 — khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Sài Gòn lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ…
Chu Tử bị bắn một lần trong Tháng Tư, 1966 ngay trước nhà ông trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận — vỡ một mảnh hàm — nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng Ngày 30 Tháng Tư 1975 cũng thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.
Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại Sài Gòn… Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn đau thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, ông đã chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.
Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với Nhà văn Chu Tử. Đầu năm 1964, tờ nhật báo Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, tôi theo ông Chu Tử trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “Vua Thầu Khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “Vua Đái Đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “Vua Bóng Bàn” Đinh Văn Ngọc… cho đến khi Chu Tử xin được măng-sét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả anh em kéo nhau về tòa soạn- nhà in cũ trên đường Hồ Xuân Hương.
Cái “ê-kíp Sống Chu Tử” đầu tiên ấy vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ — Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. "Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách việc lo bông giấy in báo và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt Bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa…
Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả trong đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận… Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét: “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc Lambretta, ông bị taxi đụng gẫy cổ chân phải, từ đó Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm…
Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã tự hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông Thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Hơn ba mươi năm ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh… Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận.
Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước…"
(Đào Vũ Anh Hùng)
Tôi, Công Tử Hà Đông, đã nhiều lần viết về Nhà Văn — Nhà Báo Chu Tử Chu Văn Bình. Bài này, tôi viết Tháng Tư 2009, có thể là bài cuối cùng tôi viết về Chu Tử.
Tôi không là nhân viên Tòa soạn Nhật Báo Sống, tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông Người Yêu, Người Giết cho Nhật báo Sống trong thời gian Nhật báo Sống có nhiều người đọc nhất, khoảng những năm 1967, 1970. Năm 1965, 1966 quân Mỹ ồ ạt kéo vào Việt Nam. Cùng trong một ngày 3 vụ ám sát chính trị xẩy ra trong thủ đô Sài Gòn:
1 — Lúc 8 giờ sáng, Chủ Báo Sống Chu Tử, từ nhà riêng trong Cư Xá Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe để đến toà báo đường Gia Long. Bọn ám sát chờ sẵn trước cửa nhà, bắn ông nhiều phát đạn qua cửa kính sau xe ô tô của ông. Ông Chủ Báo Sống bị trúng đạn vào ót, đạn xuyên qua miệng ông. Nhưng ông không chết.
2 — Lúc 1 giờ trưa cùng ngày, Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Nhật Báo Chính Luận, từ toà báo đuờng Võ Tánh về nhà riêng trong Cư Xá Nguyễn Tri Phương. Bọn ám sát bắn ông khi ông xuống xe. Ông chết ngay tại chỗ.
3 — Cùng ngày, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Giáo, bị đặt mìn dưới xe ô tô. Mìn nổ, Thượng Tọa chỉ bị thương nhẹ.
Sau khi ông Chủ Báo bị bắn, bị thương nặng, nhưng không chết, nhật báo Sống có nhiều người đọc, người mua, trở thành một trong mấy tờ nhật báo nhiều người đọc, có thế lực nhất làng báo Việt Nam thời ấy. Trong một bài Ao Thả Vịt, ông Chu Tử, với bút hiệu Kha Trấn Ác, viết về vụ ông bị bắn và vị Thượng Tọa bị đánh mìn:
“Có người bạn vừa gửi cho ATV câu đối:
Chu Tử sứt miệng bình,
Thượng Toạ mẻ bàn toạ.
Cái miệng của ATV được ví với bàn toạ của Thượng Toạ là một vinh hạnh cho ATV.”
Từ khi ngồi sau xe Lambretta của Minh Vồ, bị xe taxi đụng gẫy cổ chân phải, đi khập khiễng, ông Chu Tử lấy bút hiệu Kha Trấn Ác ký mục Ao Thả Vịt trên nhật báo Sống. Nhưng ông vẫn tự xưng là ATV trong bài viết.
Năm 1967 tôi viết truyện Người Yêu, Người Giết trên nhật báo Sống, phóng tác truyện La Seconde Souffle của José Giovanni, tiểu thuyết gia người Ý. Tháng thứ nhất tôi đến toà soạn lấy tiền nhuận bút. Sau khi bị bắn, tay anh Chu Tử run, chữ anh viết thật lớn, anh viết bằng bút Bic trên trang sau của tờ tin Việt Tấn Xã, chỉ ba, bốn hàng chữ, mỗi hàng ba, bốn chữ là kín một trang. Tôi đến trước bàn anh:
– Anh cho tôi tiền tiểu thuyết.
Ngưng viết, anh hỏi tôi:
– Anh muốn lấy bao nhiêu?
Câu hỏi của anh làm tôi sững lại. Viết phơi-ơ-tông từ năm 1956, tới lúc đó là 10 năm, chưa ông bà chủ báo nào hỏi tôi một câu như thế. “Muốn lấy bao nhiêu tiền?” Tôi ngần ngừ. Nói ra con số sợ quá nhiều, không được chi thì ngượng, mà nói ít thì tiếc. Thấy tôi ngần ngừ, anh Chu Tử nói:
– Anh muốn lấy bao nhiêu anh cứ nói. Báo tôi giờ khá rồi.
Tôi nói:
– Nếu anh nói thế, anh cho tôi mỗi tháng 20 ngàn.
Anh viết ngay xuống trang giấy VTX:
“Đưa anh HH Thủy mỗi tháng 20 ngàn.”
Quản lý báo Sống là ông Cao Đắc Tín, các ký giả báo Sống gọi ông là ông Cao Hắc Ín vì nước da của ông, người giữ két báo Sống là Đông, vì trẻ tuổi và nhỏ con nên được anh em thân mật gọi là Đông Con. Trong 2 năm cuối của báo Sống, ông Cao Đắc Tín nghỉ hưu, người quản lý mới, và cuối cùng của báo Sống là Vũ Đạo Doanh.
Đưa tờ giấy VTX có chữ viết của ông Chủ Báo Sống Chu Tử cho Đông Con là tôi có ngay 20 ngàn đồng. Tôi đưa nguyên 20.000 đồng bạc VNCH tiền nhuận bút Người Yêu, Người Giết tháng thứ nhất ấy cho Alice. Nàng đi mua cái máy may Sinco mới tinh ở nhà đại lý Sinco đường Trần Hưng Đạo. Đặt mua máy may Sinco giá năm ấy là 17.000 đồng, 3 tháng sau có máy; muốn lấy máy ngay thì sang cửa hàng bên cạnh, có máy sẵn, giá 19.000 đồng. Alice chi ngay 19.000 đồng, đưa máy lên xích-lô về nhà. Sinco mua năm 1967, được dùng cẩn thận, giữ kỹ nên đến năm 1975 còn gần như mới nguyên.
Sau 5 năm đồng bạc Quốc Gia bị lạm phát với tốc độ không phải là “phi mã” mà là “phi long,” năm 1972 giá một máy may Sinco là 100.000 đồng, tiền nhuận bút phơi-ơ-tông của tôi mỗi tháng cao nhất vẫn là 20.000 đồng, có báo chỉ trả 10.000 đồng một tháng.
Năm 1966, 1967 — trước Tết Mậu Thân — là những năm nhật báo Sống bán chạy nhất. Báo Sống năm 1967 có Kha Trấn Ác — bút hiệu của anh Chu Tử — viết Ao Thả Vịt, anh Nguyễn Mạnh Côn viết “Tuyên Ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng,” Tú Kếu giữ mục Thơ Đen, anh Anh Hợp viết tiểu thuyết “Cõi Chết,” Nguyễn Thụy Long viết “Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen”, anh Hoàng Ly viết “Giặc Cái,” anh Bùi Giáng viết một tiểu thuyết võ hiệp tôi không nhớ tên, và tôi viết truyện “Người Yêu, Người Giết.” Phóng viên Nhật Báo Sống có Trần Tử, Anh Quân.
Tác giả Bùi Giáng viết phơi-ơ-tông mà người đọc không ai hiểu anh viết gì cả, anh cho nhân vật, nhất là nhân vật nữ, trong truyện của anh, luôn miệng nói hai chữ “liên tồn, tồn liên.” Như:
“Nàng thu bảo kiếm, chắp tay, hé miệng anh đào, nói:
— Đa tạ đại hiệp đã có dạ liên tồn.”
Hoặc:
“– Ơn tồn liên ấy thiếp không bao giờ quên..”
Hay
“Chàng nhớ mãi nụ cười liên tồn của nàng.”
Chủ nhiệm Nhật báo Sống tất nhiên cũng rất muốn báo mình có trang Rao Vặt như báo Chính Luận, nhưng anh không sao có được, Rao Vặt của Sống chỉ èo uột không đầy nửa trang báo, mà đa phần lại không đúng là Rao Vặt. Cho đến một ngày chúng tôi thấy xuất hiện trong mục Rao Vặt của Sống một mẩu nhắn tin khá đặc biệt mà chúng tôi gọi là tin “Tý Con Em.”
“Nửa tháng không thấy nhau, ra vào thấy gối giường, quần áo, rơi lệ, TRẤU CẮN, BUỒN chịu vậy, biết nói cùng ai. TƠ DUYÊN sao đứt. Em đừng tin lời NGƯỜI TA. HAI hay BA cũng xấu. Rắn HỔ MANG. Miệng lằn, lưỡi mối. Em hết giận hờn không lâu. HIỂU LẦM. THƯƠNG QUÍ nhau hơn. Chồng Em mong Em về. Thương Em.”
Anh chồng Tý Con cứ đăng nhắn tin lẩm cẩm như thế trong mục Rao Vặt báo Sống, ba bốn ngày thay một bản tin, dài dài đến bốn, năm tháng. Mỗi lần đến tòa soạn Sống đưa bài, lấy tờ báo qua ngồi đọc ở xe cà phe bên kia đường, tôi thường hỏi các bạn:
— Tý Con Em có gì mới không?
Có hôm tôi nghe nói anh Chu Tử vừa bị An Ninh Quân Đội hỏi thăm về chuyện Tý Con. Số là báo Sống đăng bản nhắn tin:
TÝ CON EM
Cần gặp em thanh toán mấy việc. Công nợ phải trả. Đừng để MANG TIẾNG. Hãy xứng đáng con nhà GIA GIÁO, LƯƠNG THIỆN. TRỐN TRÁNH không đi đến đâu. Hẹn gặp Thứ Bẩy ở nhà bác Tư Cao, ấp Trung Mỹ Tây. Đừng sai hẹn. Nhớ đem Sổ Gia Đình trả cho người ta. Chồng Em.
Năm ấy là năm trước Tết Mậu Thân, VC hay đánh mìn những bin-đinh Mỹ. Vài ngày sau ngày báo Sống đăng tin anh chồng Tý Con hẹn gặp Tý Con ở ấp Trung Mỹ Tây, một bin-đinh Mỹ ở Sài Gòn bị đánh bom, An Ninh Quân Đội nghi bản nhắn tin “Tý Con Em” trên báo Sống có thể là tin của đặc công VC nhắn nhau đi đánh bom bin-đinh Mỹ nên hỏi Chủ nhiệm Sống.
Ngày tháng qua đi, một sáng ở xe cà phê trước tòa soạn Sống, trên báo Sống tôi đọc thấy:
Trả lời: Đừng đăng báo vô ích. Tôi không bao giờ trở về. Tôi trả hết nợ rồi. Sổ gia đình để ở nhà bác Cả Bi. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt. TÝ CON
Tôi kêu lên với Nguyễn Thụy Long:
— Ê.. Tý Con trả lời này.. Nhất định không về… Cắt đứt luôn.. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt!
Và thế là hết. Thư trả lời ngắn gọn của Tý Con chấm dứt cuộc tình “Rao Vặt Tý Con Em” trên báo Sống. Từ đó anh chồng Tý Con ngưng không nhắn tin cà kê dê ngỗng nữa. Anh im luôn. Đúng là vĩnh viễn. Tôi nhớ mãi chuyện Tý Con, tôi cảm khái vì “Cuộc Tình Tý Con Em.” Tôi dùng câu “Định mệnh đã an bài” làm tên một truyện phóng tác của tôi.
Các anh tôi vừa kể trên đây: Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Cao Đắc Tín, Vũ Đạo Doanh, Bùi Giáng, Hoàng Ly, Anh Hợp, Duyên Anh, Minh Vồ, Anh Quân, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Đông Con, Trần Tử, Anh Quân nay đều không còn ở cõi đời này.
Năm 1969, hay năm 1970, tôi không nhớ đúng, chỉ nhớ là sau Tết Mậu Thân, báo Sống đang sống mạnh, sống vui thì bị đóng cửa. Nguyên nhân: báo Sống làm một phóng sự về Căn Cứ Quân Sự Mỹ ở Cam Ranh. Bán đảo Cam Ranh, giải đất nhô ra biển, được VNCH nhượng cho người Mỹ làm căn cứ. Mỹ xây lên trên giải đất này một bến tầu biển, một phi trường phi cơ phản lực xuống được. Tầu biển Mỹ, phi cơ Mỹ đến đi, xuống lên căn cứ này không phải xin phép cũng không phải báo cho chính quyền Việt Nam biết, giải đất bán đảo này thời gian ấy gần như một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Ban đêm căn cứ đèn điện sáng choang, phi cơ phản lực quân sự Mỹ trắng như bằng bạc, sáng đèn cả trăm cửa sổ, lên xuống như cảnh phi trường bên Mỹ. Thường dân Việt, kể cả viên chức chính quyền Việt, không được vào căn cứ. Có chuyện rắc rối to không ai ngờ là Căn Cứ US Cam Ranh không “cắm dzùi” trọn bán đảo, còn một khoảnh đất ở đầu bán đảo phía ngoài biển ở ngoài hàng rào căn cứ. Một số dân nghèo Việt dựng lều trên khoảnh đất ấy, họ sống với việc bán “Sì ke” cho lính Mỹ. Quân Cảnh Mỹ trong căn cứ đến đuổi và phá mấy túp lều của dân Việt. Nhật báo Sống làm lớn vụ này, cáo buộc đây là “hành động quân Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”
Phóng sự của báo Sống bị kết tội “gây chia rẽ giữa Việt Nam và quân đội Đồng Minh.” Nhật báo Sống bị thu hồi giấy phép. Nguyên nhân chìm của vụ này là Chủ nhiệm báo Sống Chu Tử bị nhiều người trong phe Phó Tổng Thống Trần Văn Hương ghét, họ chờ dịp đập cho báo Sống chết luôn, cho Nhà Văn Chu Tử hết còn được làm chủ báo. Ông Trần Văn Hương còn là Phó Tổng Thống VNCH, ông Chu Tử còn không được làm chủ báo.
Nhật báo Sống một chết là chết luôn. Năm 1972 tôi đọc trên Tạp Chí Playboy bài phỏng vấn một Đại Tá Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Đại Tá này phản đối một số việc làm ông cho là phạm pháp của chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trong số có việc nặng nhất là cho CIA tổ chức những vụ ám sát nhân sĩ Việt Quốc Gia và đổ cho là do Việt Cộng giết. Đại Tá giải ngũ, về Mỹ, nạp đơn kiện chính phủ Mỹ. ông nói trong cuộc phỏng vấn của Playboy:
– Tôi không bày đặt kiện cáo để lấy tiếng. Là quân nhân, tôi bắn đối thủ trên chiến trường nhưng tôi không thể làm việc ám sát. Bọn CIA không có chức vụ gì chính thức, với những cái tên dzởm Bob, Ted có quyền chỉ huy sĩ quan chúng tôi. Tôi phản đối chúng thực hiện những vụ ám sát các nhân sĩ, tu sĩ Việt Nam, giết giữa đường rồi bỏ bản án Tử Hình của Việt Cộng lại bên xác chết, đổ lỗi cho Việt Cộng, để dân Việt căm thù Việt Cộng.
Ông nói về Ngoại Trưởng Henry Kissinger:
– Anh chàng đó là thứ người gì mà có nhiều quyền và được tâng bốc đến như thế? Tôi chắc hồi di học, có ai lấy cái xe máy của hắn, hắn cũng đứng im, không dám nói gì cả.
Tôi kể với anh Chu Tử về những lời ông Đại Tá Mỹ nói trong Tạp Chí Playboy, có thể anh cũng nghĩ như tôi là vụ bắn anh, bắn Từ Chung, gài mìn xe của Thượng Toạ Thích Thiện Minh, là do CIA gây ra, để dư luận dân Việt Nam quên đi việc lính Mỹ đang ào ạt kéo vào Việt Nam lúc ấy. Tôi hỏi anh:
– Cho đến bây giờ anh có biết ai bắn anh không?
Anh trả lời:
– Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết ai bắn tôi.
Trên “Ao Thả Vịt” nhật báo Sống 40 năm trước, Chủ nhiệm Chu Tử loan báo báo Sống sẽ trao giải 100.000 đồng cho ai đối được câu đối:
“Bố cạn tiền rồi, anh cán bộ.”
Cho đến nay chưa có ai đối được câu đối này.
Tháng 4/2009
* Bài này của nhà văn Hoàng Hải Thủy có một số chi tiết không chính xác. Chỉ riêng về vụ mưu sát Chu Tử:
- 3 vụ khủng bố không xảy ra cùng ngày: ký giả Từ Chung bị bắn chết ngày 30-12-1965, nhà văn Chu Tử bị bắn ngày 16-4-1966, TT Thích Thiện Minh bị ném lựu đạn (không phải mìn) ngày 28-5-1966
- Thủ phạm ám sát Từ Chung và Chu Tử là đặc công VC, được xác nhận sau 1975, không phải CIA
* Ảnh: tòa soạn Sống bị đốt phá 1 tuần trước khi Chu Tử bị bắn
Chu Tử
Chủ nhiệm nhật báo Sống 1962
Chu Tử & ca sĩ Thanh Lan
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.