Ngô Tịnh Yên
(1963 - ...)
tên thật là Ngô Thị Tuyết Trinh
còn có các bút hiệu Mimosa, Trà My,
sinh tại Sài Gòn, hiện định cư tại California, Hoa Kỳ.
Từ năm 1993 làm việc tại nhiều báo lớn ở hải ngoại như Việt Báo, Người Việt, v.v…
Hoạt động xã hội:
Thành lập Hội Bảo Vệ Trẻ Em Innocent Kids Project năm 2013 và hoạt động thiện nguyện cho đến ngày nay.
NGÔ TỊNH YÊN
Rộn Ràng Một Nỗi Đau
Có tốt với tôi thì hãy tốt bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi qua đời
đừng đợi đến khi tôi phải ra đi
và tất cả... thì đã muộn mất rồi
Có tha thứ cho tôi thì tha thứ bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi nhắm mắt lại
đừng đợi đến khi tôi không còn hơi thở
tôi nói được lời xin lỗi với ai đây?
Có thương tôi thì hãy thương bây giờ
đừng đợi đến khi tôi nằm xuống bơ vơ
hồn phiêu dạt không nơi nương tựa
Có bao dung tôi thì bao dung bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi xa lìa thế giới
đừng đến khi tôi thành mây thành khói
cát bụi làm sao có thể mỉm cười?
Có vui với tôi thì vui bây giờ
đừng đợi đến khi nuối tiếc ngày xưa
tôi muốn nói cám ơn... thì đã trễ!
Ngô Tịnh Yên
Tác phảm mói nhất
Tác phẩm đã xuất bản:
1
Ngũ Long công chúa
(truyện)
2
Ở nơi nào cũng có tình yêu
(thơ)
3
Lãng mạn năm 2000
(thơ, 1996)
4
Lục bát khoả thân - Trăng mật
(thơ, 2002)
5
Tuyển Tập Thơ Ngô Tịnh Yên
(2013)
6
Ký sự Cam Bốt / Thiên thần trong địa ngục
(2014)
7
Angels In Hell / A Chronicle from Cambodia
(Viết chung với Jon R Gilbert)
thơ
Hôn
Hợp cẩn
Kama Sutra
Lửa rơm
Trăm dâu cứ đổ đầu tằm
Trăng mật
Xuân tình
Yêu đương
Lãng mạn năm 2000
Âm ba sáo diều
Bolsa
Bướm yêu
Chiều tang nghi quán
Cho tôi mượn đỡ trái tim
Dấu yêu để lại cho người
Đèo
Đêm lục bát
Điều răn thứ 12
Điều ước cuối cùng
Eureka!
Gánh thơ qua những chợ đời
Hoạ phẩm buồn
Hỏi thăm
Hương buổi tối
Kẻ luỵ tình
Kim
Làm người
Lãng mạn năm 2000
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?
Lưu niệm
Lý do yêu
Mật ước
Người buồn một, ta buồn hai
Người yêu lấy vợ thì sao?
Nói gì vấn vương
Phiến loạn
Rượu buồn
Sự thật
Tắm mưa
Thèm sao một lá thư nhàu
Thoảng chút tình qua
Tình buồn
Trả tình cho yêu
Trái tim không có tuổi già
Trú giữa lòng nhau
Vết cắt trên da
Vũ nữ hồng
Xưng tội với tình
Mụ phù thủy và đôi môi mềm
Tác giả: T.Vấn
Mụ phù thủy và đôi môi mềm (*)
hay "Đọc Lục bát khỏa thân" của Ngô Tịnh Yên
1.
Người đi soi cội tìm nguồn
Nghe trong cơ thể hao mòn khớp xương
(Ngô Tịnh Yên)
Tập thơ không dày lắm - 20 bài. Như lời tác giả, con số 20 tượng trưng cho tuổi đôi mươi, tuổi của tình yêu. 20 bài Lục bát khỏa thân.
Tại sao là Lục bát khỏa thân?
Nói đến lục bát, người ta nghĩ ngay đến hai câu thơ nằm kề. Câu sáu là Adam, mở lòng mình ra, mở cả thân xác mình ra để đón câu tám - Eva - bước vào cõi Thiên đường, bước vào lấp cho đầy chỗ cụt của xương sườn. Cái vần của nguồn trong câu sáu - Người đi soi cội tìm nguồn - phải vận với mòn trong câu tám - Nghe trong cơ thể hao mòn khớp xương - Cái mẩu xương bị lấy ra - tình nguyện cho lấy ra - để được bàn tay mầu nhiệm biến thành kỳ quan tuyệt vời nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Thượng Đế. Dẫu cho sau đó là cả một nhân loại dại khờ suốt chiều dài lịch sử của mình.
Khỏa thân là một đất trời trọn vẹn, một đất trời của thuở hồng hoang trong vườn địa đàng. Khỏa thân là thực tại bằng xương bằng thịt của khái niệm Tình yêu, là điều kiện đủ của nhị nguyên triết học, của nhị nguyên trời đất, nhị nguyên âm dương, của nhị nguyên Trăng và Mật, của nhị nguyên Lục Bát và Khỏa Thân. Như những nét minh họa của nữ họa sĩ tiếng tăm Nguyễn Thị Hợp, nằm rải rác suốt tập thơ mỏng manh. Những "Giai nhân nằm phơi lõa thể. Bên Ni phố vắng..." (Phạm Duy).
2.
Cầm tập thơ, tôi có cảm tưởng hai người nữ - thi sĩ và họa sĩ - đang đùa cợt nhân loại đàn ông chúng tôi, một nhân loại của những tên đàn ông ngờ nghệch, những tên đàn ông vốn nòi tình - ai mà không phải nòi tình trừ phi người ấy không có tim và không có một thân xác... bình thường? - những tên đàn ông tuy cha mẹ sinh ra nhưng bà mụ cợt nhả lén đặt một nốt ruồi bên ngực trái (chỗ ở của trái tim) và một nốt ruồi chỗ khởi đầu của cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày ngắn ngủi.
Đùa cợt hơn tất cả là trang bìa. Màu ngồn ngộn chết người của da thịt, màu trắng của gối chăn và màu hồng nhạt của tình yêu. Ôi món xa xỉ của những người đạo đức (giả). Cái màu sắc tổng hợp ấy đã ám ảnh tôi từ lúc đủ trưởng thành để nhìn người nữ bằng con mắt của một người nam, nghĩa là đã từ lâu lắm rồi - có thể đã từ nhiều ngàn năm về trước, thuở chưa có bộ kinh tình Kama Sutra, Ananga Ranga, hay trường tình Tantra - nay hiển hiện lồ lộ trên trang bìa tập thơ. Những sắc màu và hình ảnh nhảy múa như cây đũa độc ác mà đầy quyến rũ của Mụ phù thủy.
Làm tôi nhớ đến thuở đầu đời làm bài thơ vụng dại có nhan đề "Mụ phù thủy và đôi môi mềm" đăng trên Đặc san Xuân trường Trung học Petrus Ký niên khóa 69-70 khiến vài thằng bạn choai choai cùng trang lứa cứ chạy theo hỏi một câu rất "con nít": Tại sao phù thủy mà môi lại mềm được hả mày? Hỡi ôi cái lũ bạn đang còn cắp sách đến trường để học hỏi những điều khôn ngoan ấy chưa đủ... ngờ nghệch để hiểu rằng trên thế gian này duy nhất có một điều người ta cần sự ngờ nghệch để hiểu cho đến tận cùng là "Tình Yêu". Vậy thì làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho chúng hiểu tuy là phù thủy mà môi vẫn cứ mềm. Còn mềm hơn bất cứ môi... mềm là đằng khác - môi em mềm cho giấc ngủ anh thương (NĐT).
Thuở ấy, tôi đã nhiều đêm khó ngủ khi nghĩ đến những đôi môi mềm, nhất là môi mềm của phù thủy. Bây giờ, những thằng bạn tôi ngày ấy, chắc hẳn đã đủ "ngờ nghệch" để tự mình trả lời cho câu hỏi "ngờ nghệch" năm xưa.
(Những người bạn "ngờ nghệch" ở Petrus Ký năm xưa của tôi nay có người đã là ông nội, ông ngọai, có người vẫn tiếp tục "ngờ nghệch", dù bao nhiêu năm lao vào trường đời vẫn chẳng học hỏi được gì hơn - trong lãnh vực tình yêu. Có đôi dịp, gặp lại nhau, câu chuyện về những ngày hoa niên đẹp đẽ ấy đi lòng vòng thế nào rồi cũng quay lại với những "đôi môi mềm" tưởng tượng, những buổi chiều Sài Gòn chợt mưa chợt nắng tâm hồn lũ choai choai đột nhiên muốn "nổi loạn", "đi hoang". Những buổi chiều hè nhau trốn học để chẳng làm gì khác hơn là quanh quẩn trước cửa trường con gái Gia Long, Trưng Vương chờ đón những thiếu nữ chưa hề một lần quen biết, với cái rạo rực thật đáng yêu là cầu may làm quen được một người, để trong những đêm khó ngủ, tưởng tượng ra trăm ngàn chuyện thần tiên như lời "sấm truyền" đã phán: Chốn khuê phòng Petrus Ký bắt chí Gia Long - và cả Trưng Vương nữa) (**)
3.
Lần dở những trang thơ. Những trang thơ mong manh như những thân xác Eva trong cơn lốc thời gian âm ỉ. Trang Thả lá đề thơ bên cạnh một tác phẩm nhiếp ảnh tuyệt vời của nhiếp ảnh gia Hồng Nga (lại một nữ nghệ sĩ nữa - tôi tự hỏi!). Nhìn giai nhân trong ảnh - rõ ràng trong ngọc trắng ngà / giữa trời lồ lộ một toà thiên nhiên (Nguyễn Du) - tôi liên tưởng ngay đến cái Hữu Hạn của con người và cái Vô Hạn của Nghệ Thuật. Rồi đây, một trăm năm sau, một ngàn năm sau, hình hài này, sáng tạo tuyệt vời của Thượng Đế này, sẽ trở thành cát bụi, sẽ là hư không. Nhưng bức ảnh nghệ thuật sẽ bất diệt, sẽ còn lại mãi mãi, sẽ tươi trẻ mãi mãi như Tuổi Xuân (tên bức ảnh trong tập thơ), như vào giây phút diệu kỳ trang tuyệt thế giai nhân từ từ trút bỏ xiêm y, từ từ ngồi xuống cho người nghệ sĩ ghi lại hình ảnh sẽ được lưu giữ cho nhiều thế hệ mai sau - miễn là lịch sử không đẻ ra thêm những Tần Thủy Hoàng nào nữa.
Tôi đọc trang Thả lá đề thơ. "... Từ đó... trái khôn ngoan đã biến thành trái dại khờ. Bao kẻ dại khờ đã yêu nhau trên trái đất này từ ấy đến nay? Tôi cũng là một trong những kẻ dại khờ đó, tình nguyện dại khờ... vui vẻ dại khờ..."
(Thả lá đề thơ - Ngô Tịnh Yên)
Thế ra, tôi đã nghi oan cho cho những nữ nghệ sĩ khả ái của chúng ta. Tôi tưởng các vị đùa cợt chúng tôi - một lũ nhân loại đàn ông dại khờ - Thế ra, tác giả NTY cũng là một trong những kẻ dại khờ đó. Tình nguyện dại khờ. Vui vẻ dại khờ.
Tôi tưởng... chỉ có chúng tôi - lũ đàn ông tội nghiệp - mới là những kẻ dại khờ.
Thế ra, các dòng sông, mọi lách nguồn, đều chảy về một chỗ trũng. Thế ra, những tư tưởng... lớn cũng đều gặp nhau ở một chỗ rất bé nhỏ nào đó (ngoài trần gian ngắn ngủi này).
4.
Đôi ta buộc đất vào trời
Cho hai người hóa một người mà thôi
(Ngô Tịnh Yên)
Khởi thủy là Thượng Đế. Và sau đó là con người với hình ảnh Thượng Đế. Khởi thủy là Vườn địa đàng với hai con người khôn ngoan. Và sau đó là Trần gian với những mơ ước về vườn địa đàng và lũ con cháu dại khờ. Kể từ bao giờ, mà những thân xác đầm đìa mồ hôi hạnh phúc kia hiểu ra được rằng:
Đôi ta buộc đất vào trời
Cho hai người hóa một người mà thôi
(Trăng mật - Ngô Tịnh Yên)
Phải chăng từ giây phút:
Một trang sách mở kinh tình
Đôi vòng tay mở tử sinh khôn lường
Phút giây hội ngộ vô thường
Nghìn năm bốc cháy trên hương phấn người
(Kama Sutra - Ngô Tịnh Yên)
Cho hai người hóa một người mà thôi. Hay nói như Trịnh Công Sơn (?). Tim tôi về trọ giữa buồng ngực em.
Ngôn ngữ thăng hoa hay tình yêu thăng hoa? hay thân xác thăng hoa? Dường như - với tôi - Ngô Tịnh Yên đã cho cả ba thăng hoa cùng một lúc. Với nhân loại, sự thăng hoa của thân xác và tình yêu trong cùng một sát na là chuyện không có gì mới lạ. Chỉ có điều người ta ngại nói ra. Qua ngôn ngữ, thi sĩ đã xoá nhòa ranh giới của trời và đất bằng cái phất tay rất phù thủy (với môi mềm lâm râm khấn thần chú: Om Mani Padme Hum - án ma ni bát di hồng). (Theo giáo sư Tạ Chí Đại Trường trong "Sex và triều đại" - Tạp chí Văn Học số 125 và các số kế tiếp - thì án ma ni bát di hồng / Om Mani Padme Hum có nghĩa là thanh tịnh: thân, khẩu, ý nhưng nguyên gốc lại mang hình thức tính dục là "châu báu nằm trong hoa sen", một cách nói thanh tao hơn của câu: "cái lingam nằm trong cái yoni").
Lại nhớ đến năm xưa thuở 17 tuổi. Tôi say mê truyện ngắn "Tiếng hát lên trời" của Hoàng Ngọc Tuấn viết về một nữ ca sĩ lừng danh đương thời. Trong truyện, nhân vật xưng tôi (hay tác giả) bày tỏ ước mơ được là gói thuốc Salem nằm trong túi áo của nàng ca sĩ. Cái ước mơ thật đáng yêu làm sao. Gần 40 năm từ ngày ấy, nay nàng ca sĩ chắc chắn không còn trẻ nữa. Khuôn ngực chắc chắn không còn đầy như ngày xưa nữa. Nhưng, nếu tôi được phép viết lại câu chuyện, tôi cũng sẽ giữ nguyên ước mơ được là gói thuốc nằm mãi mãi trên ngực áo nàng. Vì dẫu cho "thời gian nhuộm thịt da ngời" vẫn "còn đôi xúc giác gọi thời đam mê" (NTY).
Tình yêu là một sự kết hợp (và dâng hiến) trọn vẹn. Cả thể xác lẫn tâm hồn. Đã đành là hai trái tim rung động. Nhưng cả hai thể xác cũng run rẩy - thật bất hạnh cho những ai không thốt lên được lời run rẩy - Khi "phút yêu mê rờn rợn khắp châu thân", khi cơn hồng thuỷ dìm ngập cả vũ trụ, cũng là lúc dòng nham thạch phun lên từ ngọn núi lửa đốt cháy hết nhân loại để muôn vật trở về lại thuở hồng hoang. Đó là lúc:
Cánh sát na chạm địa đàng
Đôi ta trôi giữa hỗn mang đất trời
(Uyên ương - Ngô Tịnh Yên)
Đó là lúc đất trời giao hoan để sinh thành ra vũ trụ với hạt giống tình yêu nẩy mầm từ chỗ sâu kín nhất của tâm hồn và chỗ sâu kín nhất của thể xác:
Kiếp xưa của đất là trời
Trời không có đất nghe trời buồn thiu
Nên đôi ta phải biết yêu
Cho hai thân thể sớm chiều tương tư
(Hài hòa - Ngô Tịnh Yên)
Từ "cho hai người hóa một người mà thôi" đến "cho hai thân thể sớm chiều tương tư" nếu tính theo thời-gian-không-trọng-lượng thì chỉ là khoảnh khắc của một sát-na - cái khoảnh khắc không thể đo lường được bằng bất cứ dụng cụ hi-tech nào của đương đại. Nhưng so chiều dài của một nhân loại có sinh có diệt, có hợp có tan, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, hợp rồi tan, tan rồi hợp , thì - quả thật - tiến trình từ "hoá một người mà thôi" cho đến "hai thân thể sớm chiều tương tư" là một chiều dài có thể xuyên suốt nền văn minh hỗn mang cho đến điện tử rồi từ điện tử lại trở về hỗn mang. Về không gian, đó là một tiến trình vừa vượt khỏi những giới hạn quy ước về đất và trời, về thiên đàng và địa giới, vừa thu gọn trọn vẹn trong một khoảng vừa đủ cho "Chân run? Mắt liếc? Tay ghì? Môi trao?”:
Thịt da không ở nhân gian
Tay bên Thiên Trúc chân sang Niết bàn
Cánh sát na chạm địa đàng
Đôi ta trôi giữa hỗn mang đất trời
(Uyên ương - Ngô Tịnh Yên)
Người nghệ sĩ - qua nghệ thuật - đã nâng cái trần tục (?) lên thành cái thoát tục, nâng cái hữu hạn trần gian lên thành cái vô hạn vũ trụ, nâng cái ngắn ngủi phút giây lên thành cái thiên thu vạn kiếp...
Thời gian nhuộm nẻo đi về
Mà sao trực giác chẳng hề đổi thay
Người yêu có mái tóc mây
Trói thời gian lại bằng dây ái tình
(Giác quan thứ 7 - Ngô Tịnh Yên)
Lại giật mình soi bóng mình trong gương. Những món tóc bạc đã bắt đầu xuất hiện. Hai bên đuôi con mắt loáng thoáng những dấu chân chim. Một cảm tưởng mơ hồ rằng sinh lực của mình cũng đã hao mòn đi theo năm tháng. Vụt qua trong trí nhớ một câu chuyện buồn đọc đâu đó. Câu chuyện về đôi vợ chồng già. Để kỷ niệm 50 năm ngày cưới, thay vì tổ chức tiệc tùng mời khách khứa đến tham dự, thì ông bà quyết định ngồi bên nhau ôn lại quãng đời chung từ những ngày họ còn lén cha lén mẹ hẹn hò.
Hình ảnh vợ chồng già - hai mái đầu bạc trắng - trong buổi chiều vàng lặng lẽ giữa khu vườn đầy hoa vàng lặng lẽ, rất lặng lẽ ngồi bên nhau ôn lại những năm tháng cũ, từ những ngày xanh cho đến những ngày vàng. Chợt một con gà trống từ đâu xao xác chạy đến nhảy lên lưng con gà mái. Rồi những âm thanh gù gù. Cụ bà đưa mắt lén nhìn cụ ông. Cũng vừa lúc bắt gặp cụ ông cũng đang đưa mắt nhìn mình. Hai bàn tay nhăn nheo hiểu ý xiết chặt cùng với hai tiếng thở dài... não nuột.
5.
Lục Bát như cô gái vừa đẹp, vừa duyên dáng mặn mà nhưng cũng khá là đỏng đảnh. Lần đầu tiên đến với thơ, người ta tưởng chừng như dễ dàng chinh phục được nàng Lục Bát. Nhưng không phải vậy. Càng lưu luyến với thơ, càng thấy rằng khó mà đến gần được cái hồn của Lục Bát. Cái mà thi sĩ Luân Hoán gọi là "uyên nguyên căn bản". Từ xưa tới nay có bao nhiêu người làm thơ, nhưng chạm tay được vào Lục Bát - theo tôi - không hẳn là có nhiều. Với tôi, Ngô Tịnh Yên chỉ cần kiễng chân lên một chút nữa là có thể với tới được cái hồn Lục Bát mà nhiều người làm thơ thèm khát. Trong tập 20 bài này, có những bài mà duyên nữ tính bộc lộ rất rõ nét, từ vần điệu đến câu chữ. Bằng vào cảm quan của một kẻ thuộc... nòi tình, tôi nhận ra ngay cái nét nữ kia.
Thí dụ như bài Hôn:
Yêu nhau yêu cái răng khôn
Lỡ mai răng lệch biết hôn chỗ nào
Yêu cái răng khểnh thấp cao
Nếu như răng lệch chỗ nào mình hôn
Đã yêu đâu sợ mất còn...
Răng long đầu bạc vẫn hôn như thường
(Hôn - Ngô Tịnh Yên)
Có những bài lại nhẹ nhàng mộc mạc ý nhị như ca dao:
Chỉ tại con mắt lá dăm
nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu
còn tôi có tại gì đâu
cũng đòi bắt chước theo dâu với tằm
...
chỉ tại cái nết không chừa
thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành
còn tôi giả bộ vô tình
cũng đòi bắt chước trúc mành lăng nhăng
...
ghét tôi cũng chẳng ăn nhằm
trăm dâu cứ đổ đầu tằm là xong
(Trăm dâu cứ đổ đầu tằm - Ngô Tịnh Yên)
Làm nhớ đến câu ca dao đọc lên nghe như da thịt có gai: Kim chích vô thịt thì đau, thịt chích vô thịt nhớ nhau trọn đời.
Một tập thơ có 20 bài, mà được đến như thế, tưởng cũng là... hơi nhiều.
6.
Anh bạn thân họ Đặng gởi cho tôi tập thơ Ngô Tịnh Yên với hàng chữ trên trang đầu: "Gởi T.Vấn đọc chơi để biết rằng mình cũng đang Trăng với Mật". Hôm sau, tôi gởi lại cho anh vài hàng trong bức điện thư, đại ý tập thơ đã gây cho tôi một ấn tượng khá mạnh mẽ. Tôi cũng đùa với anh đôi câu về Trăng với chả Mật. Chúng tôi đều "cùng một lứa bên trời lận đận", vừa vượt qua ngưỡng cửa ngũ thập tri thiên mệnh được vài năm. Đam mê còn nguyên vẹn đó, nhưng "con đom đóm chỉ sáng ngàn đêm vui" (NTY). Tôi cũng đưa tập thơ cho nàng và bảo em hãy đọc đi để nghĩ về Trăng với Mật của chúng mình.
Ôi cuộc sống hàng ngày với những thói quen đều đặn và... đều đặn. Đôi lúc, những thói quen đều đặn ấy đã che lấp đi cái "chất sống" đích thực của đời sống. Cuối cùng, dường như chúng ta chỉ sống với những thói quen, dù tẻ nhạt. Chúng ta ít khi sống đời sống đích thực mà lẽ ra chúng ta không nên để vuột khỏi tay, dù một giây, trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi này.
Chỉ cho đến lúc, những thói quen hàng ngày ấy bị phá vỡ, thì e rằng có quá... muộn chăng. Tôi muốn nói đến cả những thói quen tình cảm và... ân ái vợ chồng.
Lục bát khỏa thân, trong một chừng mực nào đó, đã gợi cho tôi nhớ rằng, mình nên chú ý hơn nữa tới những gì đằng sau thói quen đều đặn ấy.
Hình như, với Lục bát khỏa thân, các tác giả - thi sĩ, hoạ sĩ, ảnh sĩ - đã tiếp tay làm cho Trăng của chúng tôi sáng hơn, Mật của chúng tôi ngọt hơn, dù không cần phải có món văn chương thi-hoạ-hình xa xỉ này, trăng mật của chúng tôi vẫn cứ là trăng mật. Dù biết sẽ đến một ngày "thời gian nhuộm nẻo đi về" (NTY), nhưng biết đâu, nếu chúng tôi cứ siêng năng niệm câu thần chú của thi-sĩ-phù-thủy "trói thời gian lại bằng dây ái tình" thì...
Biết đâu...
T.Vấn, 2007
(*) "Mụ phù thủy và đôi môi mềm": tên một bài thơ đăng trong Đặc san Xuân Canh Tuất trường Petrus Ký NK 69-70.
(**) Một cách rất tình cờ, tôi liên lạc được với mấy người bạn P.Ký năm xưa, nay ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Kẻ ở Canada, người ở Úc, kẻ ở Pháp, rồi Na-Uy, và phần lớn còn lại ở Mỹ. Có anh lại còn "ngờ nghệch" làm thơ... tình nữa. Và, tin hay không tin, khối anh P.Ký đã bị câu sấm "chốn khuê phòng Petrus Ký bắt chí Gia Long" vận vào người, khiến yêu ai thì cứ yêu nhưng phải lấy Gia Long làm vợ (trong đó có kẻ viết bài này).
Lục bát Ngô Tịnh Yên
Đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, thi sĩ Nguyên Sa tìm thấy người hoa họ Ngô đang lần tay gõ qua các cánh cửa: ngày, đêm, tình yêu, cuộc đời... mọi cánh cửa đều đóng im. Ngoại trừ, khi nàng “gõ nhẹ nhàng, cánh cửa Thơ mở tức khắc và lớn rộng.” Dĩ nhiên (cũng theo Nguyên Sa), nàng thơ “bước vào thế giới thơ qua cánh cửa lớn, rộng mở” này. Thi sĩ Nguyên Sa còn nồng nàn giới thiệu với chúng ta những ngôi nhà thơ mới do Ngô Tịnh Yên xây cất: “gồm toàn những đại sảnh, những thâm cung và cả những hành lang đầy ắp những cảm xúc sống động, tình yêu, tình đời, cảm xúc, suy tư, kiến trúc và trần thiết với những kỹ thuật ở những cao độ của kiến trúc thơ và nhìn xuống từ đó, là sâu thẳm bất ngờ.”
Còn tôi?
Sau khi đọc thêm những nhận xét của Nguyễn Dũng Tiến, Thiên Nga, Ngọc Anh viết về lục bát Ngô Tịnh Yên, tôi dịu dàng đặt thi tập “Lãng mạn năm 2000” lên mặt gối, rồi thong dong ra đứng ngoài mái hiên.
Mùa thu vừa trở về, đang nghiêng vai chào Montréal bằng những vụn gió lành lạnh. Hôm nay, buổi sáng trời mưa, buổi chiều trời nắng, buổi trưa trời mù. Nên tôi cũng vẫn là tôi, đứng loanh quanh ngó, rồi lui vô nhà. Đang bước đến gần con Hồng Yến, định cho nó tắm, thì trực nhớ đến Ngô Tịnh Yên, tôi trở lại với “Lãng Mạn Năm 2000”. Hai bức chân dung làm phụ bản là hai bài thơ tôi đọc trước tiên. Nụ hồng trên cánh ngực trái và nụ nốt ruồi trên cánh môi như đang nói với tôi một điều gì. Có lẽ, có thể. Tôi chiêm nghiệm hai bài thơ một cách vô phép rồi gấp sách lại. Rồi mở ra trong cung cách ngày xuân bói Kiều.
Trang 19, giới thiệu cùng tôi một tâm cảnh sâu, nhẹ đầy thích thú, mời các bạn cùng xem với tôi:
“Tôi nằm
chết thử nửa giờ
nghe ba mươi phút bỗng ngơ ngẩn dài
Tôi nằm
chết thử một giây
nghe sáu mươi khắc mà thay đổi lòng
Tôi nằm
chết thử một hôm
nghe hăm bốn tiếng không còn một ai
Tôi nằm
chết thử nào hay
chiều tang nghi quán lạnh dài khói hương”
Thơ là một nguồn ngôn ngữ có mùi hương. Một mùi hương biết thở. Nếu quả đúng là Thơ.
Năm mươi sáu chữ của Ngô Tịnh Yên đang thở xoáy vào lòng tôi những thao thức, rạo rực, chợt như vui mà ngâm ngấm buồn. Cái hơi thở của Tịnh Yên như một luồn gió cuốn, đủ sức rủ rê những người mê làm thơ bước theo gót thơ của nàng. Trong đầu tôi bồng bềnh hai chữ “tôi nằm...” Tôi tưởng chừng như sắp viết ra những câu lục bát. Rất may, chỉ mới lặp lại “tôi nằm, chết thử...” rồi thôi.
Nhan sắc lục bát Ngô Tịnh Yên, theo tôi, không quá lộng lẫy, nhưng cái duyên của nó vô cùng. Luận về cái duyên, cũng theo tôi, một người con gái có nhan sắc rực rỡ, chưa đủ. Nàng phải đề huề có những nét mặn mà, đậm đà, gợi, mở được tình cảm của người nhìn ngắm, mới thật đáng yêu, đáng mê. Thơ cũng vậy, nhất là thơ lục bát. Và lục bát của Ngô Tịnh Yên có được uyên nguyên căn bản này.
Tôi không quen làm công việc phân tích, bình, điểm, chỉ xin phép được quyền cho trình diện thêm chín câu lục bát khác của Tịnh Yên. Với chín câu này, chúng ta sống cùng với người làm thơ qua đêm, trong một không gian cô đơn mênh mông:
“Đêm đêm
ám khói muội đèn
phòng tôi đóng cửa cài then nhớ người
Đêm đêm
ẩn hiện cánh dơi
người yêu đã hóa thành người yêu tinh
Đêm đêm
ghì lấy ngực mình
cho hồn vỡ nát những thành quách ma
Đêm đêm
u uẩn trăng tà
bóng rời khỏi vách hình là đà bay
Đêm đêm
tôi thấy tôi gầy”
Điểm nổi bật trong thơ Ngô Tịnh Yên là đơn giản. Nhiều câu, tưởng chừng như tác giả đang giỡn với chữ nghĩa. Nhưng không, đó là những cái bất ngờ, mà nhà thơ Nguyên Sa đã nhìn ra. Đó cũng là một thứ “ngôn ngữ quá thật, nó đến từ trái tim” như nhà văn Nguyễn Dũng Tiến nhận định. Lục bát Ngô Tịnh Yên, nhiều câu còn đứng sát rạt với ca dao. Sự gần gũi này, theo tôi, như một cố tình làm sống và nuôi xanh mãi ca dao của tác giả. Nó hoàn toàn không có tính cách bắt chước. Và chỉ đổi vài chữ trong câu sau đây, cũng đã thể hiện một tâm hồn giàu thi vị:
“đôi chăn ‘anh’ đắp, đôi ‘sầu’ em đeo”.
Cái thú khi đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, tôi xin lặp lại, là rất dễ sinh ra cái hứng để làm thơ.
Ghi chú:
Đoạn viết vu vơ trên, tôi gởi đến Ngô Tịnh Yên. Qua nhiều năm sau tôi thấy cái ba hoa của mình xuất hiện trên một phần đất giới thiệu về nhà thơ nữ này, nên chộp giữ lại làm kỷ niệm.
Tôi chưa được hân hạnh gặp tác giả Lãng Mạn Năm 2000 lần nào. Nhưng như đã nói:
“Cái thú khi đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, tôi xin lặp lại, là rất dễ sinh ra cái hứng để làm thơ”.
Chính vì thế trong Cỏ Hoa Gối Đầu, xuất bản năm 1997, tôi có viết mấy câu:
Cả ngày nhớ Ngô Tịnh Yên ?
ồ không, chỉ nhớ cơn ghiền… đó thôi
ghiền môi gói ở trong lời
nở ra sáu nụ vàng trời sáng trăng
ghiền hơi thở tự chân răng
nở ra tám nụ trắc bằng mênh mông
tình cong vút ngọn cầu vồng
đôi con mắt với tấm lòng có đuôi
đời đong mấy thúng buồn vui
đủ lim dim gối lên đùi câu thơ
Luân Hoán
Những sáng tác phổ thơ của thi sĩ Ngô Tịnh Yên
Sáng tác: nhạc Nguyễn Kế Khuyến, thơ Ngô Tịnh YênCho [D] tôi mượn [Bm] đỡ cái [G] vai Mốt [A] mai xin trả lại [G] ngày bình [A] yên [A7] Cho [D] tôi mượn [A] đỡ trái [G] tim Mốt [Em] mai thề [A] trả lại [A7] đêm ngọt…
Sáng tác: nhạc Nguyễn Kế Khuyến, thơ Ngô Tịnh Yên[C] Hai mươi tôi [Em] bước vào [Am] đời Trái [Dm] tim hăm [G] hở hát [G7] lời bình [C] minh Ba [Em] mươi tôi [Am] bước vào tình Trái [Dm] tim khao [G] khát dăm hình bóng [C] hoa.…
Ca sĩ thể hiện: Ngọc Quy Nhạc Trữ tình
Sáng tác: nhạc Trần Duy Đức, thơ Ngô Tịnh Yên 1. Ta ngủ bờ đê ta qua rặng [C] núi [Em] [Am] Chiều nay trên [G] nương không một câu [C] hò [Em] [Am] Ta là hạt [G] sương một đời lặng [Dm] im Là con [G7] chim ngơ ngác…
Ca sĩ thể hiện: Hà Thanh Nhạc Trữ tình
Sáng tác: nhạc Trần Duy Đức, thơ Ngô Tịnh Yên 1. Có tốt với [C] tôi thì [F] tốt với tôi bây [C] giờ Đừng đợi ngày [F] mai đến [Dm] lúc tôi xa [G] người Đừng đợi ngày [Dm] mai đến [G] khi tôi phải ra [Dm] đi Ôi…
Sáng tác: nhạc Nguyễn Kế Khuyến, thơ Ngô Tịnh Yên1. Người yêu [Em] tôi màu nắng thơ [Am] ngây Làn mây [B7] trôi êm đềm ghé [Em] đây Tóc tơ [C] ơi đan vào một [Am] lần Dệt mơ [B7] thành mơ ước trăm năm. Người yêu [Em] tôi…
Ca sĩ thể hiện: Dzoãn Minh Nhạc Trữ tình
Sáng tác: Nguyễn Kế Khuyến & Ngô Tịnh Yên1. Mùa [Am] thu đã về trên phố Thời [Em] gian nhẹ như lá [Am] khô Người [Dm] đi chuyện xưa đã [Am] quên Gió [F] ơi thôi đừng lưu [E7] luyến Đường [Am] yêu ai còn trông ngóng Tình[Dm]…
Ca sĩ thể hiện: Dzoãn Minh Nhạc Trữ tình
Sáng tác: nhạc Nguyễn Kế Khuyến, thơ Ngô Tịnh Yên1. Mùa Vu Lan [Em] đến, tìm về thân tâm [G] khói hương trầm luân Lòng hằng ghi [C] câu, tình mẹ công [D] cha đến muôn đời [G] sau Mùa Vu Lan [C] đến, cài bông hoa trắng nhớ…
Ca sĩ thể hiện: Thúy An Nhạc Trữ tình
NTY & Tram Tu Thieng
NTY & Vu Thanh An
NTY & Minh Duc Hoai Trinh
NTY & Nguyen Thi Minh Ngoc
NTY & Khanh Ly
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.