Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Trần Quang Lộc (1949 _ 2020)
















Trần Quang Lộc
(1949 - 2020)
Nhạc sĩ
Hưởng thọ 72 tuổi


Ca khúc tiêu biểu

"Chợt nghe em hát", "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Về đây nghe em",








Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949, tại Quảng Trị, theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế năm ông 20 tuổi. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông Hát trong dòng sông xưa được xuất bản năm 1970.

Trần Quang Lộc viết và phổ nhạc những bài hát mang sắc thái tình người, tình quê hương, như bản "Về Đây nghe em", "Em còn nhớ Huế không", "Có phải mùa thu Hà Nội", "Chợt nghe em hát", "Định mệnh"...

Các tác phẩm của ông được biết đến nhiều nhất và thành công nhất qua tiếng hát của ca sĩ Hồng Nhung và Thu Phương

Bản nhạc nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc có lẽ là bài "Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội?" hoàn tất năm 1972, phổ từ thơ của Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Thăng Long xưa với lịch sử của "hồn Trưng Vương sông Hát"...Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm...Có phải em là mùa thu Hà Nội Ngày sang thu anh lót lá em nằm Bên trời xa sương tóc bay...

Cũng là bài thơ phổ nhạc, nhạc phẩm "Về Đây nghe Em" rút từ bài thơ của A Khuê. Tác phẩm này ra đời năm 1967 nhưng bị vùi quên sau năm 1975 và mãi đến năm 1990 mới được phổ biến ở Việt Nam. Lời hát nghe mộc mạc, gần gũi với bất cứ một ai đã từng sinh ra và lớn lên tại Việt Nam...Về đây nghe em, về đây nghe em Về đây mặc áo the, đi guốc mộc Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu...Để hận thù người người lắng xuống Và tìm nhau như tìm xót xa Trong lúc lệ đã đầy vơi

Ca dao, guốc mộc, nồi ngô khoai thì còn gì Việt Nam hơn? Ai lớn lên mà không nghe câu ru ầu ơ của những bà mẹ giữa trưa hè, rồi tiếng guốc của những nàng áo trắng trên vỉa hè, và củ khoai sáng là món quà hàng ngày trước khi đến trường. Vì thế bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đón nhận. Qua quá trình lịch sử Việt Nam thì quả xót xa thật, chiến tranh bao nhiêu năm làm anh em một nhà, như gần, như xa. Và tùy mỗi thế đứng bên này hay bên kia bờ đại Dương, mà bài hát vẫn thích hợp cho người Việt trong nước lẫn người Việt hải ngoại.

















Tác phẩm








Áo hoa







Có phải em mùa thu Hà Nội?
(1972)

Lời bài hát

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.
Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ. 













Chỉ cần









Cho tôi lại từ đầu







Chợt Nghe Em Hát







Em còn nhớ Huế không







Em đã xa tôi







Ngày nào







Quê hương xa vời







Về đây nghe em
(1967)

Lời bài hát

Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc...
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai...
Và về đây nghe lại tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỡ bờ.
Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây thoả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Và hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi.
Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Này về đây nghe nhau thở dài trong đêm.
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau.













Võng đưa tình cũ





















Nhạc Sĩ Trần Quang Lộc
VNTV Tác Giả & Tác Phẩm












MỘT CHIỀU LẠ VỚI TRẦN QUANG LỘC
Lê Thanh Trường


Một chiều Sài Gòn khoảng 8, 9 năm trước, tôi đến thăm gã bạn thơ. Trong căn phòng yên ắng khan khan vài ly rượu đưa hứng, giữa câu chuyện văn nghệ lai rai, bạn tôi bật máy mở nhạc: "Mày nghe thử bài này, mới!"

Và tôi nghe... "Đã hết rồi... những giấc mơ đầu, chiều hoàng hôn hoa khế rụng đầy sân..." - giọng hát Thanh Lam day dứt... - "có những chiều nghe rất lạ, một mùi hương xa vắng ngày xưa, quyện vào hồn thơm những đêm mưa..."

Tôi ngạc nhiên thật tình. Ngày đó Làn sóng xanh đã bắt đầu "bỏ rơi" Hà Nội, đang đi sâu vào lối "thị trường", một bài "hot" đứng đầu bảng xếp hạng tuần này, qua tuần sau đã không ai còn nhớ... Vậy mà tự dưng trên kệ đĩa xuất hiện một tâm trạng tế nhị và đầy đặn đến thế...

Trước vẻ ngơ ngáo của tôi, gã bạn buông gọn: "Trần Quang Lộc!"

- À, thì ra là Trần Quang Lộc!

Nhắc tới nhạc sĩ Trần Quang Lộc, lớp trung niên sẽ nhớ ngay đến "Về đây nghe em" - một bài hát đã được hát đi hát lại từ những thập niên 1960 với những giọng ca hàng đầu: Thái Thanh, Ý Lan, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc... và được hàng triệu người yêu thích vì lời gọi mộc mạc mà tha thiết về với những giá trị dân dã ngọt ngào. Còn giới trẻ hơn lại thường nghĩ đến ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội" - bài hát được xếp vào top 10 ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và từng được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải. Hai ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc nổi tiếng cách nhau gần 30 năm thực ra đều được viết trong thời gian rất gần nhau, khi tác giả đang ở tuổi 18, 20...

Có lần nghe tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc chuyển về sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh này. Một ngày tháng 9, tôi có dịp về ngang Vũng Tàu, bèn đi tìm ông. Đi tìm mà trong tay không có một dòng địa chỉ. Hôm ấy lại nhằm ngày thứ bảy, các cơ quan đều nghỉ làm việc, chỉ còn cách gọi 1080. Hỏi trụ sở Hội VHNT, trả lời: không có thông tin. Hỏi địa chỉ và điện thoại nhạc sĩ Trần Quang Lộc, vì không biết ông ở phường nào xã nào, nên nhận được 8 số điện thoại của 8 ông có cùng tên trên toàn tỉnh. Đành nhắm mắt cầu may, bấm từng số hỏi thăm coi ông nào là nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Lần này thì may thật. Gọi số thứ nhất: không liên lạc được. Số thứ hai. Bắt máy là một giọng phụ nữ thuần Huế: "Đúng rồi em, đây là nhà nhạc sĩ Trần Quang Lộc!"

Sau khi trình bày ý định đến thăm nhạc sĩ, tôi được phu nhân của ông (người tiếp điện thoại) hướng dẫn tỉ mỉ đường đến nhà. Té ra, nhà ông ở tuốt một góc xa của phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, cách TP. Vũng Tàu ngót 30 km.

Cơn mưa chiều vừa xong, cây lá mới được tắm gội, nắng ngả hồng vàng tở mở... Đến Long Toàn, sau một hồi tới lui lẫn lộn và gọi thêm mấy cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng vào đến nhà nhạc sĩ - căn nhà nhỏ nằm cuối một nhánh đường xương cá, sát bên vườn cây ngậm bóng chiều còn nặng trĩu nước mưa.




Nhạc sĩ đón tôi bằng nụ cười giản dị. Tôi sẽ không nói Trần Quang Lộc là một vị "trung cận lão niên" tuổi U60 có hàng ria mép bạc, hơi đậm người và bước đi hơi nghiêng, vì ông đã từ chối khi tôi xin phép chụp hình, "thôi, mình già rồi, không đẹp đâu, đừng chụp!"

Căn nhà nhỏ xíu dành hẳn một gian ngoài cho mấy hàng bàn ghế như một lớp học, những cây guitar treo dọc tường và những giá để nhạc đủ gây một không khí văn nghệ nhẹ nhàng. Nhạc sĩ mở lớp dạy đàn cho bọn trẻ tại địa phương. Những đứa nhỏ đến học và chơi đùa với "thầy Lộc" có lẽ không biết, không ngờ những tác phẩm của thầy đã được hát và được yêu thích hàng chục năm qua, từ trong nước đến hải ngoại. Chúng học đàn với "thầy" để chơi những bài nhạc trẻ, đại khái "chiều hôm qua em đã cất bước ra đi nơi xa bởi vì em không còn yêu anh nữa"... đương nhiên nhạc của thầy phải xa lạ và... khó nghe!

Cuối phòng khách là một bàn mix và ô cửa kính ngăn một phòng thu nhỏ xíu. Trần Quang Lộc sở hữu cái studio tí hon này "để lâu lâu thu chơi vài bài cho vui!" - như ông giải thích.

Vào cuối thập niên 1960, Trần Quang Lộc đang học trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, sinh hoạt trong nhóm sinh viên, học sinh và tập tành sáng tác. Ban đầu chỉ viết những bài hát để "hát cho bạn bè nghe". Trong số những bài ông viết đoạn này có "Gõ đàn hát chơi", chỉ cần ngồi gõ thùng đàn giữ nhịp và hát. Bài hát viết cho những người không biết đàn, viết mà chơi cho đã cơn phấn hứng tuổi trẻ, nhưng đã mang những ý tứ già dặn, có thể nói là "bất quy tắc", như một định mệnh của người "du ca" không chịu được khuôn khổ ràng buộc: "Ta mua cho ta một phận nghèo, thương thay thương thay nợ áo cơm... Về ngồi trên đồi cao, gõ đàn hát chơi... chân nhảy nhót một mình, bên chiếc bóng lung linh... bên nấm mồ xanh xanh..."

"Về đây nghe em"cũng ra đời từ những ngày tuổi trẻ ấy, rồi thoát khỏi khuôn khổ "hát cho nhau nghe", trở nên quen thuộc với nhiều lớp người nghe gần 40 năm qua. "Về đây nghe em... về đây mặc áo the đi guốc mộc... chở hồn mình trở về quê hương, chở thật thà vào lòng dối trá..."

Vài năm trước, báo chí và dư luận ồn ào một dạo về tác quyền của phần lời "Về đây nghe em". Những chuyện không vui tưởng chẳng nên nhắc lại. Có điều là trong những lần xuất bản sau 1975, Trần Quang Lộc đã châm chước lại vài đoạn cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan văn hóa, chẳng hạn câu "này thịt xương ta chưa mang theo, khi ngã xuống miên man tủi hờn, và về đây nghe nhau thở dài trong đêm..." được thay bằng "nụ cười tươi trên môi em thơ, là tiếng hát hân hoan cho đời, và về đây cho nhau nụ cười tương lai...", những lời trơn tru hơn, đẹp đẽ hơn nhưng thiếu mất cái tự nhiên của tuổi trẻ vốn nhiều tưởng tượng và ham muốn dấn thân...

Nhạc Trần Quang Lộc thường có những biến đổi bất ngờ, khiến cho cảm xúc không xuôi chiều mà luôn ngầm chứa những mầm mống nổi loạn, phá cách. Nhưng những bất ngờ ấy không gây náo động, có lẽ vì bản tính nghệ sĩ thường xúc cảm nhiều hơn hành động. Dù sao, nghe những bài hát của chàng học sinh trung học Trần Quang Lộc thuở ấy, người ta có thể nhận ra cái tài hoa đang nảy nở, và quả thật nó đã tạo ra một tên tuổi rất riêng trong nền tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ và những năm sau này.

Nói về bài hát khiến tôi "rắp tâm" tìm ông - "Có những chiều rất lạ" - Trần Quang Lộc tâm sự giản dị như một chiều "đốt thuốc nghe mình". Cái tuổi trẻ một đi không về với những yêu ghét trong trẻo của nó bao giờ cũng gây thương nhớ trong con người, chỉ khác nhau là người này thương mến lắng nghe, người khác rộn ràng không để ý... Và những phút, những niềm cô đơn khó bày tỏ cứ tích tụ, rồi một buổi chiều xuất thần, thấy tất cả dồn lên hối hả, và nhạc, và lời... Cho nên những chiều lạ vì không giống mọi chiều khác, khi con người được sống trọn vẹn với hoài niệm và ý thức tình yêu đời! Vì vậy bài hát nghe vừa thiết tha tiếc nuối vừa yên ổn dịu dàng, một tâm thế vững chãi và đầy cảm xúc.

Ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội", được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ năm 1972 ở Đà Nẵng từ bài thơ của người bạn Tô Như Châu. Nhưng bài hát cũng chỉ được truyền tụng trong bạn bè với nhau, mãi đến khi "Làn sóng xanh" dậy lên giữa thập niên 1990 với hàng loạt bài hát về Hà Nội, người yêu nhạc mới được nghe qua giọng hát ngọt ngào của Hồng Nhung, sánh cùng những "Hoa sữa" của Hồng Đăng, "Chiều phủ Tây hồ" của Phú Quang ... những bài hát đều được viết từ thập niên 1970. Rồi được Hội nhạc sĩ trao giải A cho ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, năm 1997. Điều đặc biệt là ngày ấy, cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ chưa ai từng đặt chân đến Hà Nội. Theo lời bộc bạch của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thời ấy trong xóm nhà ông bên bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng có nhiều thiếu nữ Hà Nội di cư. Các chàng trai mới lớn như Tô Như Châu và Trần Quang Lộc vì hâm mộ các giai nhân nói giọng Hà Nội mà mơ tưởng đến thủ đô ngàn năm văn hiến thanh lịch. Vả lại, tên thu Hà Nội mà cảnh thu thì rõ ràng là bờ dương trút lá ven biển Sơn Trà đẹp và đầy chất thơ, những lớp lá dương "mùa thu sang anh lót em nằm" đã làm rung động hàng triệu trái tim của người yêu nhạc thời bấy giờ ...

Sau 1975, nhóm bạn bè văn nghệ như Trần Quang Lộc đều đang tuổi thanh niên mới vào đời, tứ tán bốn phương. Phải nói đây là thế hệ chịu khủng hoảng tư tưởng sâu sắc nhất của một thời bom đạn vừa đi qua. Người viết nhạc tiếp tục viết nhạc, người làm thơ vẫn làm thơ, nhưng cơ hội họp nhau chia sẻ những sáng tác mới không còn nhiều. Năm 1981, nhà thơ Vũ Hữu Định người được biết đến nhiều qua bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc"Còn chút gì để nhớ" - "Phố núi cao phố núi đầy sương... em Plây-cu má đỏ môi hồng..." - bị tai nạn chết ở Đà Nẵng. Trần Quang Lộc viết bài khóc bạn "Mộ trăng": "Đêm không trăng của phố núi cao, em Plây-cu má đỏ môi hồng, có thật đã ngủ yên trên ngọn núi cao kia?... Đêm không trăng đào mộ chôn, giữa chập chùng sương hoa đỏ, linh hồn xa đời nhưng lòng chẳng kêu van, trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần..." Bài hát tỏ một nỗi riêng tư trên âm hưởng cồng chiêng Tây Nguyên, nơi nhà thơ Vũ Hữu Định rất yêu mến và nhiều năm gắn bó với phố núi cao này. Nhiều người vẫn quen nghe những bài hát Tây Nguyên hoang dại và mạnh mẽ, nhưng âm hưởng ấy lại phản chiếu vào trong khúc hát tế bạn của Trần Quang Lộc một cách tha thiết và đau thương, qua giọng hát dã dượi của tác giả, nghe càng u uẩn như linh hồn khuất lấp tâm sự giữa sương núi gió rừng...


Trần Quang Lộc viếng thăm mộ của nhà thơ Vũ Hữu Định 


Trần Quang Lộc còn viết rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền. Những năm gần đây trong các album của ca sĩ Hương Lan, Ngọc Sơn, Quang Linh, Vân Khánh, Quang Dũng... vẫn xuất hiện đều đặn các sáng tác của ông. Nhạc sĩ cho biết, con số ca khúc của ông đã lên đến trên 600 bài. Cũng như bất cứ nghệ sĩ nào, ông viết như là nghiệp dĩ, như con tằm có tơ phải nhả. Ông không quan niệm quá cầu kỳ trong việc trau chuốt ca từ, nên tâm sự cứ tuôn theo ý nhạc. Dù thế, nếu nghe kỹ thì trong các bài hát của Trần Quang Lộc, phần ca từ vẫn có nét tao nhã riêng, ít nhiều không bị lẫn lộn với "thị trường lời nhạc" hơi bị cẩu thả bây giờ. Có lẽ cái riêng ấy cũng từ quan niệm sáng tác của ông: cảm xúc không thật - không viết! Và có lẽ từ một nguyên do nữa: các nhạc sĩ lớp trước sử dụng ca từ "chuẩn mực" hơn những người trẻ hôm nay.

Trong buổi chiều gặp gỡ, Trần Quang Lộc mở cho tôi nghe một số ca khúc ông tự thu ở studio của mình, những bài quen thuộc và cả những bài chưa từng nghe, quả thật ông có một giọng hát rất ngọt, rất ấm và tràn trề những cảm nghiệm khó diễn tả. Giọng hát không phải rèn luyện bằng kỹ thuật mà được tôi luyện qua thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống, những chuyện ông "không muốn kể lại làm gì"...

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc bây giờ sống nhẹ nhàng và lặng lẽ như một ẩn sĩ với người bạn đời cũng lặng lẽ nhẹ nhàng, với vài đứa học trò và một phòng thu tí hon. Tuy vậy, trong câu chuyện rả rích lúc ngày tàn, hơn một lần nhạc sĩ đã bày tỏ ý muốn ngày nào đó sẽ tự mình thực hiện một album tuyển những ca khúc đắc ý nhất. Cũng là lẽ thường vậy thôi, một người sáng tác dù đã lui về vui với mấy cây huệ góc vườn, dù đã mệt mỏi bao nhiêu với những chen lấn thời cuộc, thì cái khao khát trình bày những đứa con tinh thần của mình trước công chúng vẫn không hề suy giảm. Trần Quang Lộc là một trong số ít nhạc sĩ có thể hát rất hay những bài hát của mình, thì việc ấy không phải quá khó. Vấn đề có lẽ chỉ là khi nào cái "ca hứng" đủ lớn để lôi ông bước ra khỏi chốn ẩn cư nhàn hạ, xa cách thị phi này, để người yêu nhạc được thỏa lòng thưởng thức những bài hát trải dài 40 năm cuộc đời, với giọng ca chất chứa cũng chừng đó thời gian nỗi niềm của người sáng tạo.

Lê Thanh Trường

* Đã đăng trên Tạp Chí Đàn Ông số tháng 11-2007






















Nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Vẫn nằm mộng thấy quê hương

Từ Kế Tường



Trong số những nhạc sĩ mà tôi quen biết, Trần Quang Lộc là người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất...

Chàng nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa này còn khiến tôi đi đến sự đồng điệu vì anh có một nhân cách sống khá đặc biệt: tác phong nhà giáo, không ồn ào, ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực, gần như khiêm tốn trước đám đông và trong những bữa rượu bốc trời với bạn bè.

Trần Quang Lộc ít tranh cãi, anh thường ngồi một góc trong chiếu nhậu, bàn tiệc, góc quán vỉa hè ôm cây đàn, rải những hợp âm do chính anh soạn rồi tự đệm cho mình hát, cái giọng khàn đục, hơi nhừa nhựa…

Những lúc đó tưởng chừng anh tách khỏi đám đông để đắm hồn mình theo những lời tình tự không chỉ với yêu đương trai gái mà còn với cả một quê hương sâu nặng anh vẫn luôn đi tìm và luôn nằm mộng để thấy, để trở về.

Nhạc sĩ của quê nghèo

Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại mảnh đất nghèo Gio Linh, Quảng Trị, đây là địa đầu của dải đất miền Trung khắc nghiệt mưa trắng, nắng lửa, gió Lào và chiến tranh khốc liệt.

Anh sinh ra và lớn lên với tuổi ấu thơ gian khó, đầu trần khét nắng, chạy trốn bom đạn, xiêu dạt cả làng quê, xa lìa cha mẹ để mưu sinh, lập thân và học hành. Trong lúc cha mẹ anh bỏ làng mà đi, chạy trốn chiến tranh, vào sinh sống ở Đà Nẵng thì Trần Quang Lộc ra Huế học Quốc gia âm nhạc Huế.

Khi còn là sinh viên, đang theo học tại trường Quốc gia âm nhạc Huế, Trần Quang Lộc đã chớm phát tài năng, anh cho ra đời 2 ca khúc Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội, là 2 ca khúc phổ thơ. Ca khúc đầu phổ thơ A Khuê, ca khúc sau phổ thơ Tô Như Châu.

Thời điểm công bố 2 ca khúc này, Trần Quang Lộc chỉ mới là cậu sinh viên 20-21 tuổi. Và quả thật, những năm đó Trần Quang Lộc đã cho ra mắt tuyển tập ca khúc Hát trong dòng sông xưa, xuất bản năm 1970.

Đặc biệt ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội gây được cảm xúc mạnh, tiếng vang lớn, khẳng định tài năng của chàng nhạc sĩ trẻ lúc bấy giờ mang đậm hồn vía Hà Nội nhưng tác giả của nó lại chưa từng đặt chân tới Hà Nội.




Về đây nghe em với ca từ mộc mạc, đơn giản, rất đời thường và giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi như kể chuyện nhưng ngay khi được ca sĩ Thanh Thúy hát đã nổi lên như một hiện tượng, ca khúc đã vang xa như dấu hiệu của một tài năng trẻ sớm bộc lộ.

Có phải em mùa thu Hà Nội cũng theo nhịp kể chuyện, ca từ cũng đơn giản nhưng mượt mà hơn, lãng mạn hơn nhờ nguyên gốc của thơ, nhưng nhạc sĩ đã nâng lời thơ lên bằng đôi cánh của âm nhạc và sự sáng tạo khúc thức của mình.

Nếu ca khúc Về đây nghe em của Trần Quang Lộc phổ thơ A Khuê, sau khi ra đời số phận may mắn, suôn sẻ giúp tác giả khẳng định được tên tuổi thì Có phải em mùa thu Hà Nội dù được danh ca Thái Thanh với chất giọng cao vút, thánh thót chấp thêm đôi cánh để bay cao hơn nhưng lại gặp số phận không may, kể cả tác phẩm lẫn tác giả.

Do đây là ca khúc viết về Hà Nội, lại là Hà Nội mùa thu với những ca từ dễ gợi nhớ tới “Mùa thu tháng Tám” lịch sử của dân tộc và dễ suy diễn theo chiều hướng quy chụp nên sau khi được phổ biến và nổi tiếng một thời gian thì bị chính quyền chế độ cũ cấm hát, cho thu hồi cả bản ghi âm, ghi hình.

Đồng thời, tác giả Trần Quang Lộc cũng bị gọi lên “chỉnh đốn” vì cho là “thân cộng”.

Cả 2 ca khúc Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội, sau năm 1975 một thời gian đã được phổ biến trở lại với những giọng ca thuộc hàng sao của các ca sĩ miền Bắc như Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, đặc biệt thành công nhất là Thu Phương, cũng chính ca sĩ Thu Phương đã đưa ca khúc này lên sân khấu ca nhạc hải ngoại, thu băng, thu dĩa CD phát hành với số lượng lớn.

Gia tài âm nhạc đồ sộ và số phận không may

Kể từ 2 ca khúc đầu tay Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội sáng tác năm 20-21 tuổi, đến nay trên 50 năm, gia tài âm nhạc của Trần Quang Lộc đóng góp cho công chúng và xã hội khá đồ sộ. Anh đã có trên 500 ca khúc và 27 album viết trước và sau năm 1975, cho tới tận hôm nay, trong đó có nhiều ca khúc phổ từ thơ khá thành công.

Ngoài ra, Trần Quang Lộc và ca sĩ Thu Phương còn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc nhờ ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội như Giải Video hay nhất qua album Ngủ ngoan nhé ngày xưa, Giải Người hát hay nhất và Nhạc sĩ hay nhất, bài hát đoạt giải nhất của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1980 và hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc, hội diễn. Đặc biệt, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đã được chọn biểu diễn khai mạc Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Giữa lúc sự nghiệp sáng tác của Trần Quang Lộc đang ở đỉnh cao thì cách đây khoảng 3 năm anh phát hiện mình mang chứng bệnh quái ác: Ung thư bàng quang. Trần Quang Lộc đã sang Mỹ chữa bệnh nhưng không khỏi. Sau một thời gian, anh trở về nước và quyết định “ẩn cư”, tránh mọi tiếp xúc để vừa chữa bệnh, dạy nhạc tại gia và sáng tác.

Chính trong giai đoạn này có thông tin lan truyền trên cộng đồng mạng là nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã mất vì bạo bệnh, thậm chí có cả những lời chia buồn của bạn bè. Nhưng thật ra anh vẫn sống, vẫn chống chọi với căn bệnh nan y. Nơi “ẩn cư” của Trần Quang Lộc là căn nhà cấp 4, đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu.

Thời gian gần đây, căn bệnh nan y tái phát nghiêm trọng khiến Trần Quang Lộc phải rời bỏ nơi “ẩn cư” để về Bệnh viện Bình Dân TP HCM điều trị bệnh. Anh đã giải phẫu 4 lần để cắt bỏ khối u trong bàng quang và chuẩn bị giải phẫu lần thứ năm để cắt bỏ khối u di căn qua phổi. Không chỉ sức khỏe giảm sút nghiêm trọng sau 4 lần giải phẫu mà chi phí thuốc men, điều trị cũng rất lớn.

Hiện nhạc sĩ Trần Quang Lộc đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, ngoài số tiền tác quyền ít ỏi thu được từ các ca khúc thỉnh thoảng mới nhận được, Trần Quang Lộc và vợ anh, chị Nguyễn Thị Thuận ngày đêm túc trực ở bệnh viện nuôi chồng hầu như đã khánh kiệt, chỉ còn trông cậy vào lòng hảo tâm của bạn bè, những người hâm mộ nhạc sĩ, tác giả của các ca khúc nổi tiếng Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội quan tâm, giúp đỡ.

Ca sĩ Thu Phương, người từng gắn bó với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, khi biết tin anh mắc bệnh nan y đã chuyển 100 triệu đồng về giúp người nhạc sĩ mà mình chịu ơn để có điều kiện chữa bệnh.

Trong lúc chờ ca phẫu thuật thứ năm, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã rất xúc động trước nghĩa cử của ca sĩ Thu Phương, đối với gia cảnh gần như trắng tay, 100 triệu đồng là số tiền khá lớn, nhưng với chứng bệnh nan y của Trần Quang Lộc thì lại chỉ như một mảnh vá trên chiếc áo có quá nhiều chỗ rách khoác lên số phận nghèo lại không may lâm bạo bệnh của người nhạc sĩ.

Chút kỉ niệm bạn bè

Tôi chơi thân với Trần Quang Lộc sau năm 1975. Thời bao cấp, mọi thứ còn rất khó khăn, bạn bè ai cũng thiếu thốn nhưng lại rất vui vì tính hào sảng, nghĩa khí của anh.

Những năm thiếu thốn đó, chúng tôi thường gặp nhau ở nhà của họa sĩ, kiêm nhạc sĩ lẫn ca sĩ tài tử Nguyễn Trọng Khôi. Ngôi nhà trọ của Nguyễn Trọng Khôi nằm trong con hẻm nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng Q.1 (TP HCM), gần sát sân vận động Hoa Lư.

Căn nhà nhỏ, có cái đi-văng vừa làm chỗ ngủ, vừa là nơi tiếp khách, vừa trải chiếu nhậu. Nhóm bạn cũng chỉ có mấy người, thường xuyên có chủ nhà Nguyễn Trọng Khôi, Trần Quang Lộc, Hoàng Yên Di và tôi.

Hồi đó ai cũng đi xe đạp nhưng Trần Quang Lộc đạp xe mới tội nghiệp làm sao, chân anh vốn khập khiễng, còn xe đạp thì thuộc loại cà tọc, cà tàng, hì hụi mãi mới đạp tới nhà Khôi, mồ hôi mồ kê đổ ra ướt đẫm lưng áo. Nhưng nụ cười của Trần Quang Lộc thì thật hồn nhiên khi gặp bạn bè.

Hồi đó có gì mà nhậu. Rượu thì Cây Lý, sang lắm thì mấy lít bia hơi, mồi miếc thì bạ gì cũng nhậu được, cóc, ổi, mía ghim cũng là bén. Chủ yếu anh em gặp nhau, đưa chút hơi cay để lấy trớn ca hát, văn nghệ văn gừng cho vui.

Nếu không ở nhà Nguyễn Trọng Khôi thì mấy quán cà phê cóc, rượu cóc ngoài khu vực hồ Con Rùa, không thì lên sân thượng nhà văn hóa Q.4 nơi tôi làm việc hoặc chịu khó đi xa qua “Đào hoa đảo” của Hoàng Yên Di mãi bên Q.7. Nhớ buổi trưa hôm đó ở nhà Nguyễn Trọng Khôi, trong lúc say say, Trần Quang Lộc ôm đàn hát ca khúc anh mới sáng tác, có ý khoe với bạn bè, đó là bài Tình cờ gặp nhau.

Bài hát mới của Lộc rất lạ, khác hẳn những bài trước với làn điệu mới, luyến láy theo âm hưởng của điệu lý trong dân ca.

“Tình cờ gặp người quen/ Dường như lâu lắm rất xa nhau/ Gặp lại nhau mắt vương niềm đau/ Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau tóc xanh phai màu/ Hỏi người, người dìa đâu/ Đường đi ai biết (chứ) nông sâu/ Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau trước khi qua cầu...”.

Trần Quang Lộc hát thì không hay (ít có nhạc sĩ nào hát hay), nhưng cái giọng của Lộc hôm ấy thì quá buồn, có thể vì có chút men và tôi nghe Lộc hát trong lúc xỉn, với những câu thấm đậm tâm can như vậy không những chỉ mình Lộc giọng chùng xuống, rưng rưng nước mắt mà anh em trong chiếu nhậu hôm ấy, kể cả tôi, mắt đều ngân ngấn lệ.

Trần Quang Lộc hát xong, cả chiếu nhậu im phắc, không khí lắng đọng lẫn xúc động. Lộc bảo tôi ca khúc này anh chỉ mới viết lời 1, nhờ tôi đặt lời 2. Và tôi đã nhận lời.

Phải đến gần 20 năm sau, tôi mới gặp lại Trần Quang Lộc trên Facebook, giữa lúc tin đồn anh mất vì bạo bệnh ở bên Mỹ. Hôm đó, Lộc từ nơi “ẩn cư” ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào thăm tôi ở tòa soạn nhân việc đi chữa bệnh, tái khám bệnh gì đó ở Bệnh viện Bình Dân.

Hôm ấy Lộc trông khỏe mạnh, hồng hào, bàn chuyện sẽ ra album và làm CD phổ thơ tôi vì trước đó Lộc đã phổ thơ tôi những 4 bài, tự phối âm và tự hát rồi thu clip đưa lên YouTube. Lộc bảo chỉ mấy bài đó thôi thì không đủ, phải phổ thêm và kéo Nguyễn Trọng Khôi tham gia vì Khôi cũng đã phổ của tôi mấy bài, hiện cũng đã đưa lên YouTube.

Và rồi Lộc từ giã, quay về Vũng Tàu và... không trở lại. Không ngờ mấy hôm nghe tin anh trở bệnh nặng và phải nằm viện. Bây giờ thì ngay sinh mệnh của Trần Quang Lộc không biết sẽ ra sao sau 5 ca phẫu thuật đều thuộc dạng đại phẫu, 5 ăn 5 thua, thì dự án cùng ra album, CD coi như xếp xó.

Đời người vốn đã hữu hạn mà rủi may diễn ra rất vô thường, trong tích tắc của định mệnh và số phận mỗi người. Tôi và những người ái mộ, yêu thương Trần Quang Lộc không chỉ bằng tấm lòng của những người bạn mà còn là những người thưởng thức âm nhạc của anh qua những ca khúc thấm đậm chất liệu cuộc sống, tình tự quê hương mà ai cũng luôn hoài vọng.

Vì thế nên chúng tôi rất mong anh sẽ qua khỏi, vượt thoát được căn bệnh hiểm nghèo để về với những sáng tác, những dự định mà anh còn bỏ dở.

(5-12-2017)

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)









Thái Thanh & Trần Quang Lộc























Trở về















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.