Hoàng Hải Thủy
Tên thật: Dương Trọng Hải
(1933 Hà Đông - 2020 Virginia)
Hưởng thọ 87 tuổi
Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo, Dịch giả
Bút hiệu khác:
Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn …
Hoàng Hải Thủy
(Công Tử Hà Đông)
Hoàng Hải Thủy sinh năm 1933 tại Hà Đông, Bắc Việt.
Tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật từ những năm đầu thập niên 50 tại Hà Nội và Sài Gòn.
Năm 1952 được trao Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn của Nhật báo Tiếng Dội. Từ 1956, trở thành cây viết phóng sự nổi tiếng và tác giả nhiều bộ tiểu thuyết phóng tác bán chạy hàng đầu tại Miền Nam Việt Nam.
Sau 1975, bị Cộng Sản bắt giam 2 lần vì tiếp tục viết bài chống chế độ gửi ra hải ngoại. Tới nay đã hoàn thành và xuất bản hơn sáu mươi tác phấm gồm nhiều thể loại.
Năm 1995, tị nạn tại Hoa Kỳ theo diện HO, định cư tại Arlington, tiểu bang Virginia.
Ông qua đời vào ngày 6/12/2020 tại đây.
Hưởng thọ 87 tuổi
TÁC PHẨM:
1
Đầu Người Trong Hang Máu
(Truyện dài 1954)
2
(A Kiss Before Dying - Phóng tác 1956)
3
(Phóng sự - 1958)
4
(Jane Eyre - Phóng tác 1963)
5
(Après Moi, Le Déluge, Phóng tác 1964)
6
(Truyện dài) 1965
7
(Thương Sinh & Gã Thâm, Phóng sự 1967)
8
(Thương Sinh & Gã Thâm, Phóng sự 196?)
9
Vụ Án Họ Trinh
(Phóng tác 1967)
10
Đêm Về Sáng
(Truyện dài 1968)
11
Hồng Loan Hồng Ngọc
(007 - Tiểu thuyết gián điệp 1968)
12
(Never Find Sanctuary - Phóng tác 1968)
13
Yêu Lắm Cắn Đau
(Truyện dài 1968)
14
(Wuthering Heights - Phóng tác 1969)
15
Bạn Và Vợ
(Truyện dài 1969)
16
Môi Thắm Nửa Đời
(Truyện dài 1969)
17
Tình Nhân Trẻ
(Le Jeune Amant - Phỏng dịch 1969)
18
Yêu Mệt
(Truyện dài 1969)
19
(Truyện dài 1970)
20
(Truyện dài 1970)
21
Người Yêu, Người Giết
(La Seconde Souffle - Phỏng dịch 1970)
22
(Truyện dài 1970)
23
(Tiểu thuyết gián điệp 1970)
24
Bây Giờ Tháng Mấy
(Truyện dài 1970)
25
(007 From Russia with love - Tiểu thuyết gián điệp 1970)
26
(Truyện dài 1970)
27
Hồn Ma Đa Tình
(Truyện kinh dị Hitchcock 1970)
28
Người Thiếu Nữ Một Đêm
(Tập truyện kinh dị 1970)
29
(No Orchid For Miss Blandish - Phỏng dịch 1970)
30
Lưới Tình
(Truyện dài 1971)
31
Truyện Tình
(Truyện dài 1971)
32
Chứng Nhân Của Thời Đại
(Tập truyện 1972)
33
Giữa Những Người Đã Chết
(Truyện dài 1972)
34
(Tập truyện 1973)
35
Tình Mộng
(Vacances Romaines - Phóng tác 1973)
36
(Maldonné - Phóng tác 1974)
37
(007 Diamond Are Forever - Tiểu thuyết gián điệp 1974)
38
Cửa Vào Địa Ngục
(007 - Tiểu thuyết gián điệp 1975)
39
Phục Vụ Nữ Hoàng
(007 - Tiểu thuyết gián điệp 197?)
40
Thầy Nô
(007 Doctor No - Tiểu thuyết gián điệp 197?)
41
Máu Đen Vàng Đỏ
(007 Live And Let Die - Tiểu thuyết gián điệp 197?)
42
Tay Sắt Tay Vàng
(007 Goldfinger - Tiểu thuyết gián điệp 197?)
43
Trò Chơi Khủng Bố
(007 Tiểu thuyết gián điệp 197?)
44
Người Vợ Ngoại Tình
(Madame Bovary - Phóng tác 197?)
45
Gã Thâm
(The Deep - Phóng tác 197?)
46
Bóng Người Áo Trắng
(The Lady In White - Phóng tác 197?)
47
(Piège Pour Cendrillon - Phóng tác 197?)
48
(The Dark Arena - Phỏng dịch 197?)
49
(Scorpion Reef - Phóng tác 197?)
50
Đa Tình Đa Sát
( Phóng tác 197?)
51
Tây Đực Tây Cái
(Truyện dài 197?)
52
(Truyện dài 197?)
53
Nửa Kiếp Giang Hồ
(Truyện dài 197?)
54
Tiếng Cười Trong Đêm Tối
(Truyện dài 197?)
55
Đêm Vĩnh Biệt
(Truyện dài 197?)
56
(Tạp luận 1996)
57
(The Red Dragon - Phóng tác 1996)
58
(The Chamber - Phóng tác 1998)
59
(007 - Tiểu thuyết gián điệp 2000)
60
(Tạp luận 2000)
61
(Truyện dài 2000)
62
Đất Hồ Ngàn Năm
(Tạp bút 2001)
63
(Ký sự 2002)
64
(La Dame Dans L'auto - Phóng tác 2002)
65
(Tạp bút 2004)
66
Sài Gòn Vang Bóng
(Tạp bút 2011)
67
Công Ty Rửa Tiền
(The Firm - Phóng tác 200?)
68
Báo Cáo Bồ Nông
(The Pelican Brief - Phóng tác 200?)
HOÀNG HẢI THỦY.
Người viết: NGUYỄN ĐÌNH TOÀN.
VIET TIDE Số 389. Ngày 31 Tháng 12, 2008.
Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.
Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.
Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.
Có phải như vậy chăng?
Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết , đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông. Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ “vưỡn“, “em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít.” Trong ngôn ngữ miền Bắc của chúng ta, hai từ “mí nị“, cũng có người nói là “mí lỵ” là hai tiếng “mới lại” được phát âm trẹo đi. Hoặc, những tiếng “ê, a” không có nghĩa gì, nhấn mạnh vào những chữ ấy chỉ để chê bai, chọc quê. Nghe một người con gái nói: “Em vưỡn yêu anh” thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn “Em vẫn yêu anh” có gì khác.
Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó.
Đọc “Sống và Chết ở Sài Gòn” người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng toạ Trí Siêu ( Lê Mạnh Thát ), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao.. .., về Trại Giam Phan Đăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải nhiều năm tù.
Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được Nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.
Người ta nhớ lại những năm sau 1975, hầu hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũ, đều bị bắt giam.
Hoàng Anh Tuấn sau khi được thả, đã được thân nhân bảo lãnh ra khỏi nước. Hoàng Hải Thủy có mấy câu thơ gửi Hoàng Anh Tuấn được các bằng hữu của ông thỉnh thoảng nhắc lại:
Hai chuyến xe hoa về đất mẹ,
Bây giờ xa-lộ sáng đèn chưa ?
Ở đây thì chán, đi thì nhớ,
Sài Gòn mưa mà Mỹ cũng mưa.
Hẳn nhiều người đều biết Hoàng Anh Tuấn ngoài việc làm thơ còn là một đạo diễn điện ảnh. “Hai Chuyến Xe Hoa” “Đất Mẹ” và “Xa Lộ Không Đèn.” Hoàng Hải Thủy nhắc trong bài thơ tên những cuốn phim Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện.
Sống và Chết ở Sài Gòn được viết theo kiểu tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đấy.
Chương ông viết về việc ông bỏ lỡ chuyến di tản năm 1975 là một chuyện cười ra nước mắt.
Khi đó, Hoàng Hải Thủy đang làm việc cho USIS tức Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trước ngày 30/4 ông Giám đốc USIS cho biết sẽ cho nhân viên đi nhưng con trai các nhân viên phải dưới 17 tuổi mới được đi theo bố mẹ. Nhân viên phàn nàn, ông nói ông phải làm theo lệnh của chính phủ Việt Nam, không thể làm trái luật pháp, cũng khhông thể nhận diện em nào trên hay dưới 17 tuổi. Ngay lúc đó Hoàng Hải Thủy thật thà không hiểu câu nói của ô. Giám đốc Alan Carter, ý ông muốn bảo “các anh cứ khai các con anh 16 tuổi chứ tôi có cần các anh chứng minh đâu“. Y hệt như câu thơ của T.T.K.H, “đến khi tôi hiểu thì tôi đã” muộn mất mấy chục năm rồi.
Trong cuốn sách Hoàng Hải Thủy có nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ, nhiều chi tiết về những năm đen tối, khốn khổ sau 1975 mà người dân miền Nam đã phải trải qua.
Được biết cuối năm 2002 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội/Hà Nội đã cho xuất bản cuốn “Hai Mươi Nhăm Năm Một Vùng Tiểu Tuyết” ý muốn nói tiểu thuyết ở miền Nam, nội dung đề cập tới tiểu thuyết miền Nam từ 1887 tới Hồ Biểu Chánh rồi nhẩy vọt qua tiểu thuyết từ 1975 đến 2000 đề cao những tác giả cộng sản nhất là các tác giả từ miền Bắc vào. Tất cả văn học miền Nam ( từ 1954-1975 ) không có một dòng.
Nhà văn Đặng Trần Huân viết: “Với chủ trương rõ ràng của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay như thế, thử hỏi nếu không có những bộ sách như Văn Học Miền Nam của Võ Phiến hay những tạp bút như Sống và Chết ở Sài Gòn thì sau này lấy đâu ra tài liệu về văn học và đời sống của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà ? Ta phải cám ơn Võ Phiến, cám ơn Hoàng Hải Thủy đã giúp ta tài liệu để còn nhớ không quên những văn nghệ sĩ một thời sáng chói, dù nhớ cách nào đi chăng nữa.”
Các văn nghệ sĩ của chúng ta sống ở miền Nam trước 1975, cho đến nay, đã mất đi nhiều lắm. Người chết trong tù, chết trong nước, người chết già, chết bệnh, người chết nơi xứ lạ, quê người, số còn lại e rằng ít hơn số đã mất.
Và, trong số những người còn lại, Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết và viết được một cách đều đặn. Cách viết của ông gần như không có gì thay đổi, pha trộn văn chương với phóng sự, nửa đùa, nửa thật. Nhưng với cái nhìn sâu sắc của người đã ở ngoài cái tuổi “cổ lai hy”, đọc ông, người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời đều hình như lúc nào cũng có hai mặt, một mặt bi thương và một hài hước.
Nói đến mọi sự trên đời, bởi vì, Hoàng Hải Thủy đề cập tới rất nhiều chuyện trong các bài viết của ông, bằng hữu, nghề nghiệp, kỷ niệm, tình yêu, chính trị, thời sự, tù đầy, cảm khái trước cái đẹp của thiên nhiên, thời tiết, kiếp sống tha hương.
Loạt bài mới nhất của ông cho đăng trên các báo chí gần đây, những phê phán chua chát của ông đối với chế độ cộng sản, sách báo của các tác giả ở trong nước và những người ông cho là đến bây giờ vẫn còn bị cộng sản mà mắt, được rất nhiều người đọc. Dù có cùng quan niệm với ông hay không, người ta vẫn thấy ở ông một tấm lòng thiết tha với đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự thật.
Tập Đất Hồ Ngàn Năm của Hoàng Hải Thủy cho xuất bản mới đây gồm tám đoản văn: Huyền thoại Vương Chiêu Quân, Giang Tả Cầu Hôn, Rồng Nằm, ngựa chạy, Sự Tất Như Thử, Trăm Năm Binh Lửa, Thơ và Sự Khốn Cùng, Mơ Ngày Về Vẽ Lông Mày, Thiên Long Tình Sử.
Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.
Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa.
Đoản văn về “Thơ và Sự Cùng Khổ” của Hoàng Hải Thủy gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Hoàng Hải Thủy viết đoản văn này sau khi đọc một bài thơ của Nguyễn Du trong “Bắc Hành Thi Tập”, chắc Nguyễn Du đã sáng tác trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh và qua nơi có ngôi mộ Đỗ Phủ.
Thi hào Đỗ Phủ trong một chuyến đi xa đã nhuốm bệnh và chết trên một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo, vợ con không đưa được ngay di hài ông về quê nhà, phải tạm chôn ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp mới rời được hài cốt Đỗ Phủ về Yểm Sư, mai táng trên núi Thú Dương, thuộc Hà Nam.
Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ do viên Huyên lệnh Lỗi Dương họ Nhất xây để tưởng niệm nhà thơ lớn.
Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả các nhân vật họ kính trọng.
Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế nhưng suốt đời nghèo khổ, nghèo đến độ không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn.
Nguyễn Du đặt câu hỏi, ông (Đỗ Phủ) cùng khổ đến thế phải chăng vì thơ ? Phải chăng ta có thể quy tội làm ông khổ là thơ ?
Chính Đỗ Phủ khi nhớ tới Lý Bạch, nhớ tới Khuất Nguyên tự trầm mình ở sông Mịch La đã than thở: “Làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch mà cuộc đời khổ sở đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt. Văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.”
Bàn về thơ và sự cùng khổ Âu Dương Tu, một danh sĩ khác của Trung Quốc viết: “Không phải thơ làm người ta cùng khổ. Chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.”
Đỗ Phủ nói: “Văn chương ghét mệnh.”
Nguyễn Du cho rằng: “Làm gì có chuyện văn hương ghét mệnh. Làm gì có chuyện trời ghen với người.”
Nhưng trong truyện Kiều Nguyễn Du lại viết :
Lạ gì bỉ sắc, tư phong.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Hoàng Hải Thủy viết: “Đây không phải một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của thi sĩ. Không phải Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng. Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.”
Hoàng Hải Thủy lấy trường hợp của ông để nói thêm về câu hỏi được nêu ra: Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không ?
“Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyên. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đo Quốc Gia Việt Nam Cộng hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết. Dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Thơ có làm cho người làm Thơ cùng khổ hay không ?”
Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi thi sĩ nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần.”, “ngu si hưởng thái bình.”
Người có tài thường gặp tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời và trong thời loạn.
Tôi chịu câu nói của Âu Dương Tu: “Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ. Chính vì có cùng khổ thơ mới hay.”
Thơ
HOÀNG HẢI THUỶ
Yêu Hoài Ngàn Năm
Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình ta nước biển một mầu như xưa
Yêu bao giờ, đến bao giờ,
Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
Lòng em hoa vẫn tươi hoa
Môi em thắm đến em già chưa phai
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.
Mặt trời có lặng về đêm
Sáng mai em dậy bên thềm lại soi.
Cuộc đời có khóc, có cười
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay.
Thu về trời lại xanh mây
Đầy trời anh thấy những ngày ta yêu
Càng yêu, yêu lại càng nhiều
Nhớ em, anh nhắn một điều: Yêu em .
Làm tại Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Xà-lim Số 15, Khu B, Tháng 10-1977
Chợ Tân Định 77
Mình anh ăn miếng soài này
Năm năm soài chín nhớ ngày em đi .
Phải cùng chăng, tiếc làm chi
Năm năm soài chín chợ thì vắng em .
Tưởng em xa nước em thèm
Còn anh soài đỏ, soài đen quản gì .
Chúng ta vùi một cơn mê
Có bao giờ tỉnh ? Còn gì là ta ?
Hướng dương em có như hoa
Vườn anh nắng đã chiều tà, em ơi .
Có còn nhau nữa hay thôi
Yêu nhau em hãy hẹn lời: Kiếp sau
Ba Mươi Sáu Câu Cho Alice
Anh không biết ngày xưa em trẻ
Khi em yêu em đợi, em chờ
Có bao giờ em buồn như thể
Sáng nay em trong cửa mong thơ ?
Niềm hy vọng trong em chợt hé
Người phát thư xe đạp đi qua
Chưa bao giờ thấy em buồn thế
Khi nghiêng vai, em trở vào nhà.
Em yêu ơi … Tim anh như xé
Chưa thương em đến thế bao giờ .
Anh lặng biết em không cần kể
Những xót xa, ly tán, đợi chờ
Hồn em nặng sầu non, muộn bể
Những đau thương ray rứt không bờ
Từ cơm áo rã rời sinh kế
Đến oan khiên tù tội không ngờ
Đau chồng con chia từng giọt lệ
Thương hôm mai biết đến bao giờ
Đời u tối như chiều đông xế
Môi em thâm nên mắt em mờ
Nên em buồn não nùng như thể
Sáng nay em trong cửa đợi chờ .
Sáu năm dài dập dồn dâu bể
Đời sống ta cơ cực Thành Hồ
Anh lặng biết sao em buồn thế
Sao em gầy, sao tóc em khô!
Trên mái tóc thu về đã trễ
Trên đôi môi thoáng bóng hư vô
Trong ánh mắt não nùng xiết kể
Trên đôi vai xuân đã mơ hồ
Anh thấy cả một trời dâu bể
Anh chưa đau đến thế bao giờ
Anh lặng hiểu sao em buồn thế
Sao em mong người phát thư vô
Niềm mơ ước trong em thật bé
Em chờ mong chỉ một thùng đồ.
Còn Xót Xa Nào
Mất nhau trong cuộc biển dâu
Hồn anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ .
Tim anh quằn quại bóng cờ
Tai anh mán hú, mọi hờ quanh năm .
Trời bỏ ta, khóc đi em
Em ơi sương lạnh trên thềm đau thương .
Ô Giang vó ngựa ngập ngừng
Cùng đường Hạng Vũ, đoạn trường Ngu Cơ .
Anh hùng lệ cũng sa mưa
Em ơi lệ ấy bây giờ đang rơi .
Câu Hỏi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương …..
Khóc tình tang, xót tình thương
Giữ tình ta nhé, đoạn trường vẫn yêu .
Áo vân em gửi mây chiều
Chiều nghiêng mây bạt, chiều xiêu mây về .
Lửa đời nấu mộng, nung mê
Em nghe câu hỏi não nề không em ?
Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu
Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương em nhạt phấn, phai đào,
Đêm đêm trở giấc chiêm bao một mình.
Ngủ đi em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu.
*
Nằm trong khám tối nghe mưa
Đêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
Thương nhau nên ngủ không đành
Nhớ nhau nhưng mộng không thành, em ơi.
Anh nghe từng tiếng lệ rơi,
Biết em đang khóc nên trời đổ mưa.
*
Đêm đêm nghe tiếng tắc kè
Tưởng như tiếng gọi “Sắp về ..!” bên tai .
- “Sắp về ..!” nghe suốt đêm dài
Mơ màng cũng ấm lòng ai muốn về.
- “Sắp về ..!” nhờ chú tắc kè
Lòng ta dịu nỗi não nề thương đau.
Ngày về quyết chẳng quên nhau,
Mua ngay tặng chú một bầu rượu ngon.
Gửi người thiếu nữ ở Xà-lim bên cạnh
“Bầu ơi thương lấy bí cùng”
Tuy rằng khác vụ nhưng chung một nhà.
Xà-lim ngăn cách đôi ta
Thấy em thì thấy nhưng mà thấy thôi
Thương em gan ruột bồi hồi
Muốn kêu một tiếng xé trời – “ Thương em …”
Tại Sao
“Hốt tình, hốt vũ, thiên vô định
Vi hải, vi tang, địa diệc lao …”
Thay đổi nào ai biết tại sao?
Tại sao? Câu hỏi tự khi nào?
Cũng buồn, cũng giận trời mưa tạnh
Cùng khổ, cùng đau đất biển dâu.
Ai thua, ai được, người điên tỉnh
Khi còn, khi mất, vật thương đau.
Hỏi sao thay đổi, sao mưa tạnh?
Đất dại, trời ngu có biết đâu !
Hỏi Đỗ Phủ
“Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm”.
Ôi Thơ Đỗ Phủ ngàn năm
Sao tình phương bắc, trời nam ta buồn!
Vượn kêu ba tiếng lệ tuôn
Vượn kêu trăm tiếng ta còn gì đâu?
Cảm thời hoa cũng thương đau
Biệt ly, chim cũng qua cầu đắng cay.
Nhà tan, sông núi sao còn đẹp ,
Nước mất, thành xưa ai thấy xuân!
Ai mơ Trang tử, mê hồ điệp,
Ai mộng công hầu, mị giả chân?
Ta đọc Đường thi, thương Đỗ Phủ,
Cảm thương người hay cảm thương thân?
Người lạc Quì Châu, liêu Kiếm Các
Ta sinh Hà Nội, sống Sài Gòn
Cuối thu sông khói, thuyền cô tịch
Người nhớ quê nhà giọt lệ tuôn .
Quê ta đất giải hai ngàn dặm
Đỏ nọ, vàng kia mấy chục năm
Thân làm Do Thái mơ Thành Cổ,
Mà Cổ Thành không chỗ đặt chân.
Người dâng kế sách, công danh bạc.
Ta viết ngàn trang truyện não nề.
Thế loạn người thương đời đói rét,
Tàn trận ta sầu cuộc chuyển di.
Công hầu đệ trạch giai tân chủ
Văn vũ y quan dị tích thì.
Được thua, còn mất, kim như cổ,
Riêng có Thơ ngàn thuở vẫn Thi.
Khi ai đó đã lên Cung Nguyệt,
Ngọc Thố, Hằng Nga đã bắt đi.
Ai nằm gác lạnh, ôm đêm lạnh,
Nghe tiếng thời gian chậm bước đi?
Hồn ai địa chấn, tim lôi vũ,
Nghe đáy mồ xưa quỉ xướng thi !
HOÀNG HẢI THỦY
Thơ làm ở Sài Gòn những năm 1977. 1978
nguồn:
© gio-o.com 2010
gió o
Tết Em Mèo 2011
phỏng vấn nhà văn
Hoàng Hải Thủy
thực hiện
Cảm giác của tôi ông là một người rất khó gần. Đầy cá tính, đầy lôi cuốn, và khó gần.
Sau khi bắt tay vào cuộc phỏng vấn, cảm giác ấy của tôi vẫn vương đọng …
Bắt dầu tôi không nghĩ ông sẽ nhận lời khi tôi viết meo mời ông phỏng vấn. Và rồi thật bất ngờ, ông nhận lời. Hoàng Hải Thủy là một nhà văn đắt giá. Ông đã từng và đang là nhà văn được các báo Việt Nam lấy làm một may mắn khi được ông nhận lời gửi bài. Lý do là ông có nhiều độc giả. Các báo phải trả nhuận bút thì mới có bài của ông.
gio-o.com lấy làm hân hạnh được nhà văn Hoàng Hải Thủy gửi bài và đồng ý cho phỏng vấn không thù lao. Có lẽ con người mà người Việt thường gọi là “nghệ sĩ” của ông lộ ra ở điểm này. Có lẽ vì thế mà xuyên suốt bài phỏng vấn, sự ngập ngừng của ông chỉ làm cho tôi và có lẽ nhiều độc giả khác càng tò mò. Và càng thấy những điều ông không trả lời còn ẩn đậy phần tài hoa và khô khốc ở con người Hoàng Hải Thủy, mà cuộc phỏng vấn vẫn chưa bật hé được.
Tôi rất yêu câu trả lời này của ông: “Tôi phóng tác để các vị phụ nữ Việt đọc”.
Bài phỏng vấn có nhiều phòng trống mời gọi sự tưởng tượng của các độc giả của nhà văn Hoàng Hải Thủy … (lth)
Theo tài liệu của hoanghaithuy.wordpress.com một trang web miễn phí hiện cập nhật bài thường xuyên của ông, thì tiểu sử Hoàng Hải Thủy được ghi như sau:
Tên thật: Dương Trọng Hải. Sinh năm 1933 tại Hà Đông. Bút hiệu khác: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn …Vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị Công An Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5/1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sàigòn, năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia.
Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975:
Vũ Nữ Sài Gòn, Tây Đực Tây Cái, Chiếc Hôn Tử Biệt (tái bản với tên Đêm Vĩnh Biệt), Nổ Như Tạc Đạn, Yêu Lắm Cắn Đau, Bạn và Vợ, Môi Thắm Nửa Đời, Người Vợ Mất Trí, Định Mệnh Đã An Bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Đỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Điệp Viên 007 (Phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu Đen Vàng Đỏ (phóng tác)
Các tác phẩm đã xuất bản sau 1975:
Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Dữ Hơn Rắn Độc …
Các bài bình luận, phiếm luận:
Mai sau… Nếu có bao giờ, Nhắc chi ngày xưa đó …, Chìm trong lãng quên, Sài Gòn và phụ nữ Việt trong phim Người Mỹ Thầm Lặng, Đọc Chùa Đàn Xem Mê Thảo, Còn gốc mất gốc, Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ…
(nguồn:www.hoanghaithuy.wordpress.com)
***
Chào nhà văn Hoàng Hải Thuỷ. Cám ơn nhà văn đã dành cho Gió O cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
Lê Thị Huệ. Câu đầu tiên, thưa ông, quyển sách, đoạn văn, bài học thuộc lòng, bài thơ đầu tiên nào đã gây ấn tượng mạnh mẽ ở tuổi thơ ông ?
Hoàng Hải Thủy: Xin lỗi. Tôi không nhớ.
LTH: Những ngày thơ ấu của ông. Biến cố hoặc tâm tư đặc biệt đáng nhớ nào khiến ông muốn cầm bút để trở thành nhà văn sau này
HHT: Thưa.. Không có gì đặc biệt cả. Không biết tại sao tôi có ý muốn viết tiểu thuyết từ năm tôi 10 tuổi, sau khi tôi đoc Trường Đời và Giông Tố. Tôi chỉ muốn “viết tiểu thuyết.” Tôi không nhận tôi là “ Nhà văn,”, tôi không thoải mái khi được gọi là “ Nhà văn.” Tôi viết truyện để giải trí cho những người đọc truyện tôi viết.
LTH: Ông nhớ gì về Miền Bắc ấu thời. Nhớ gì về Hà Nội. Nhớ gì về Hà Đông ?
HHT: Câu hỏi ngắn nhưng câu trả lời thì không thể ngắn. Tôi đã viết nhiều về thị xã Hà Đông thời thơ ấu của tôi. Tôi không muốn viết nhiều về Hà Nội. Tôi chỉ sống ở Hà Nội có 1 năm nên tôi không có nhiều kỷ niệm về Hà Nội.
LTH: Ông giỏi ngoại ngữ từ nhỏ ? Ông biết bao nhiêu thứ tiếng ?
HHT: Tôi mà “ giỏi ngoại ngữ” thì trên cõi đời này còn có ai “ dzốt ngoại ngữ? ” Tôi tiếng Tây Bồi, tiếng Anh Bồi, tiếng Mỹ cũng bồi.
LTH: Thuở ban đầu ông có ý định trở thành nhà văn ? Nhà báo ? Dịch giả ? hay Nhà thơ
HHT: Như đã trả lời ở trên: 10 tuổi tôi thích, tôi mong mai sau tôi sẽ “viết truyện.” Viết như ông Lê Văn Trương viết Trường Đời, như ông Vũ Trọng Phụng viết Giông Tố.
LTH: Công việc đầu tiên lúc ông vừa vào Nam là làm gì ?
HHT: Năm 1950 tôi từ Bắc Ninh, Bắc Giang trở về Hà Nội. Tôi đi học lại. Trường Văn Lang của ông Hiệu Trởng Ngô Duy Cầu. Năm 1951 ông thân tôi là công chức, đổi vào làm việc ở Sài Gòn, mẹ tôi, anh em tôi vào theo. Năm 1951 tôi học trường Tân Thanh ở đường Lacoste. Năm 1952 tôi được vào làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, cuối năm 1952 tôi được Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn năm 1952 của Nhật báo Tiếng Dội. Truyên ngắn của tôi tên là “ Người Con Gái Áo Xanh.” Tôi mất truyện ngắn đầu tay này ngay năm 1952. Tôi đi lính 2 năm. Năm 1954 tôi làm phóng viên-nhân viên Nhật báo Sàigònmới. 1956, 1957 tôi làm nhân viên USOM – United States Operation Mission – tiền thân của USAID. Cuối năm 1957 tôi trở về toà báo Sàigònmới. Tôi viết tiểu thuyết phóng tác dzài dzài từ 1956 đến 1975, tôi viết truyện nhiều nhất ở Nhật báo Ngôn Luận.
LTH: Ông đã cọng tác với nhiều báo ở Miền Nam thời 1954-1975 ? Những tờ báo nào cho ông nhiều kỷ niệm thú vị nhất ?
HHT: Tôi chỉ có những ký ức làm tôi xúc động: Hai báo Ngôn Luận và Sàigònmới là hai tờ báo chính trong đời tôi. Người làm công mà được chủ thấy, biết có tài, được chủ trọng đãi.. là nhất. Tôi được hưởng vinh dự và niềm kiêu hãnh ấy ở toà soạn Ngôn Luận và Sàigònmới.
LTH: Ông từng cọng tác với tờ báo do bà Bút Trà làm chủ. Ông có thể nói cho biết về vai trò của bà Bút Trà. Bà ta có thực sự làm chủ bút, hay cũng như nhiều tờ báo khác ngày xưa và sau này là tuy để tên một bà làm chủ bút chủ báo, nhưng đằng sau thì luôn luôn do đàn ông làm báo và quyết định tất.
HHT: Tôi viết bài “ Phơi-ơ-tông” và bài “ Sài Gòn Mới” trong loạt bài Viết ở Rừng Phong – hoanghaithuy.com – Với tôi bà Bút Trà là Linh hồn, trái tim và xương sống của nhật báo Sàigònmới. Không có bà Bút Trà, không có tờ báo SàiGònmới. Trong đời tôi, tôi chỉ nhân “Bà Bút Trà là Bà Chủ tôi.” Tôi không thể trả lời đôi câu về bà Bút Trà. Xin đọc bài tôi viết về bà Bút Trà trong hoanghaithuy.com. Tôi không “cộng tác” với bà Bút Trà, tôi làm công cho bà Bút Trà.
LTH: Hình như ông đã là chủ bút tờ Thế Giới Tự Do do người Mỹ in ấn. Tờ báo do Mỹ viện trợ in rất đẹp. Ông có thể nói về tờ báo ấy đôi chút chăng ?
HHT: Không có chuyện “chủ bút, chủ mực” gì long trọng cả. Năm 1972, người Mỹ ký Hiệp Định Paris với Bắc Cộng. Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, Họ ngừng cuộc tuyên truyền chống Cộng ở VNCH. Họ dẹp Tạp Chí Thế Giới Tự Do. Họ thay TGTD từng chống Cộng bằng Tạp Chí Triển Vọng. Cơ quan USIA – Unites States Information Agency – ra nguyệt san USA Today, trong đăng toàn những bài trích trong cáo báo Mỹ về đời sống của người Mỹ, khoa học Mỹ. Tất cả các Sở USIS ở khắp thế giới dịch những bài trong USA Today ra làm thành tờ báo tháng của nước mình. Tờ Triển Vọng – Outlook – của Sở Thông Tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn cũng làm việc ấy. Tôi làm nhân viên dịch những bài báo tiếng Mỹ. Triển Vong dịch xong, làm thành bản gọi là “ Bluebook”, gửi sang in ở một nhà in của Mỹ ở Manila.
LTH: Tại sao Công Tử Hà Đông ? Tại sao ông đã không lấy một bút hiệu như Công Tử Sè Gòng chẳng hạn, vì ông đã sống những năm thanh niên ở Sài Gòn và nghe nói ông cũng thuộc loại dân ăn chơi có hạng ở Sài Gòn thời đó. Tại sao Công Tử ? Tại sao Hà Đông ?
HHT: Năm 1970 tôi giữ một trang trong Tuần Báo Con Ong, tôi cần một, hai bút hiệu Tếu để viết những bài kiểu viết láo mà chơi. Cái tên HHT dành để viết tiểu thuyết. Tôi lấy 2 tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm để ký 2 bài tôi viết trên Con Ong. Tôi ra đời, lớn lên ở thị xã Hà Đông. Hà Đông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại ngày 4, 5 lượt. Vì quá gần Hà Nội nên Hà Đông không có gì đặc biệt cả. Ăn cao lâu, đi xem xi-nê, đi xem bói, mua thực phẩm Tết, quần áo, giày mũ, người Hà Đông đều ra Hà Nội. Thanh niên Hà Đông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội nhưng vẫn là thanh niên Hà Đông. Không ai dám tự nhận trên báo mình là Công Tử Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Đông thì được. Vì Công Tử Hà Đông là một thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không được ai trọng. Anh Chu Tử hiêủ nghĩa cái tên Công Tử Hà Đông cuả tôi. Anh bảo tôi:
“ Anh lấy bút hiệu Công Tử Hà Đông hay đấy.’
Lúc ấy có anh bạn tôi, nói:
“ Công Từ Hà Nội” mới hay chứ.”
Anh Chu Tử nói:
“ Công Tử Hà Nội thì còn nói gì nữa.”
LTH: Một Công Tử Sài Sòn trong thời 1955-1975, khác với Công Tử Hà Thành trước đó, khác với Công Tử Bạc Liêu thời kỳ 1930-1950 như thế nào ?
HHT: Tôi không biết. Câu trả lời, nếu tôi trả lời được, cũng sẽ quá dài.
LTH: Tiêu chuẩn nào để ông chọn những tác phẩm để phóng tác lúc đó ?
HHT: Tôi chỉ viết để người đọc giải trí. Loại tiểu thuyết phơi-ơ-tông – feuilleton – đăng trên nhật báo mỗi ngày cần có những chuyện làm người đọc phải đọc tiếp. Tôi đọc tiểu thuyết Âu Mỹ trước hết vì tôi thích đọc, tôi cần đọc. Đọc quyền nào tôi thấy hay, tôi bị lôi cuốn, tôi nghĩ đến chuyện nên phóng tác truyện này cho độc giả của mình đọc.
LTH: Những tác phẩm Jame Bonds có phải là ông chọn vì nhu cầu độc giả?
HHT: Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nhân viên Bộ Thông Tin thường nói với các ông chủ báo câu: “ Văn phẩm phải lành mạnh, xây dựng, có hướng đi lên..” Và gọi những truyện bị coi là khiêu dâm, vi phạm thuần phong, mỹ tục là : “ Viết để phục vụ – viết theo – những thị hiếu thấp hèn của độc giả.” Tôi phóng tác tiểu thuyết của Ian Fleming là vì tôi thích những truyện ấy, khi đọc những truyện ấy tôi thấy hay. Người ta có nhu cầu đọc truyện giải trí, tôi biết nhu cầu của họ, tôi biết người đọc truyện tôi muốn đọc loại truyện gì. Khả năng biết đó là do Trời cho.
LTH: Tại sao ông lại chọn cách "phóng tác" thay vì dịch đúng nguyên bản ?
HHT: Tôi phóng tác để các vị phụ nữ Việt đọc. Các cô, các bà người Việt khó nhớ được một nhân vật lúc thì tên là Elizabeth, lúc thì tên là Liz, lúc là cô Taylor. Vì khó nhớ tên nhân vật, họ không thích đọc truyện có những nhân vật ấy. . Độc giả phụ nữ Việt những năm 1960 khó hiểu những truyện có những sự kiện chính như thang máy, phone, máy ghi âm, phi cơ.
LTH: Tác phẩm phóng tác nổi tiếng nhất của ông là Kiều Giang. Tại sao từ Jane Eyre lại thành Kiều Giang ? Nguyên tắc "phóng" của ông từ đâu ? Từ âm thanh tương tự ? Từ điển tích ? Từ ngẫu hứng ? Từ đâu ?
HHT: Khi đọc Jane Eyre, tôi nghĩ: ” Mình sẽ phóng tác truyện này, đặt tên là Kiều Giang. “ Tên con gái tôi là Kiều Giang, cháu ra đời cùng năm tôi phóng tác Jane Eyre trên nhật báo Ngôn Luận.
LTH: Những tác phẩm phóng tác của ông thời Miền Nam 1954-1975 ăn khách chỉ sau truyện Chưởng của Kim Dung. Ông ước lượng tác phẩm Kiều Giang đã được in ra bao nhiêu ấn bản?
HHT: Tôi không biết Kiều Giang được in bao nhiêu ấn bản. Từ năm 1960 Kiều Giang được in thành sách lần thứ nhất, đến năm 1975 có 2 lần tái bản ở Sài Gòn, sau 1975 có 1 lần in lại ở Hoa Kỳ.
LTH: Kiều Giang của Sài Gòn ngày đó như thế nào ? Những điều mà độc giả chúng tôi chưa được biết ?
HHT: Có ba loại người thích đọc Kiều Giang ở ba số tuổi khác nhau: Tính vào những năm 1960-1965: Mẹ tôi 65 tuổi, vợ tôi 40 tuổi, con gái tôi 12 tuổi. Cả ba người đều đọc và thấy Kiều Giang hay. Nếu quốc gia ta còn, Kiều Giang có thể sẽ có những lớp người Việt kế tiếp nhau đọc.
LTH: Lúc đó một ngày ông dịch hoặc phóng tác bao nhiêu trang ?
HHT: Không nhất định bao nhiêu trang. Có những tháng tôi viết ba, bốn truyện cho ba, bốn nhật báo, có những tháng tôi chỉ viết một truyện cho một báo.
LTH: Thù lao ông nhận được từ việc phóng tác chắc là cao ngất, so với các việc khác?
HHT: Không có gì đáng gọi là “ cao ngất.” 20 năm từ 1954 đến 1975 tôi chỉ làm thư ký Sở Mỹ 4 năm – 2 lần – tôi làm nhân viên tòa soạn nhật báo Sàigònmới 8 năm, tôi viết tiểu thuyết trong 20 năm.
LTH: Đứng về mặt văn chương có thể nói khả năng văn chương của ông thần sầu. Ông đẻ ra chữ “Kiều Giang” thế là người đọc chạy theo quyển sách của ông ngay, bị dụ bởi cái chữ “Kiều Giang” ngay. Hoặc như “Định Mệnh Đã An Bai”`, “Nổ Như Tạc Đan”., “Viết Ở Rừng Phong”… Nhiều người cũng ở rừng phong thuộc tiểu bang Virginia và cũng sáng tác ở đó, nhưng chỉ có Hoàng Hải Thuỷ đặt cho cái tên “Viết Ở Rừng Phong” nghe lên là thấy cả một trời sáng tác, mùa thu, đẹp, thơ mông, và có tác phẩm để đọc, nên mới chạy theo cái tên Hoàng Hải Thuỷ để tìm đọc bài “Viết Ở Rừng Phong”. Chứ ví dụ nghe một cụm chữ như “Rừng Phong Virginia” thì lại thấy chả có gì hào hứng để chạy theo tìm đọc . Ông biết mình có khả năng văn chương đặc biệt này từ bao giờ ?
HHT: Cám ơn lời khen. Tự nhiên tôi nghĩ ra những cái tên văn nghệ ấy.
LTH: Ông phóng tác nhiều như thế, ông có thể cho vài nhận xét thường gặp và không thể nào quên về phương diện ngữ học của Tiếng Anh và tiếng Việt.
HHT: Tôi chẳng bao giờ để ý đến chuyện này. Tuy vậy, tôi cũng có thể trả lời câu hỏi, nhưng tôi phải suy nghĩ, nhớ lại, bài viết ít nhất cũng 5 trang. Viết trong 8 tiếng chưa xong. Tôi xin lỗi đã không trả lời được nhiều câu hỏi.
LTH: Ngày trước khi ông chưa sang Hoa Kỳ, ông phóng tác như thế. Một gia tài phóng tác khá phong phú. Bây giờ đang sinh sống ở Mỹ, nếu cho ông làm lại, ông làm như thế nào ?
HHT: Làm lại với tuổi 30? Chuyện giả tưởng, Làm lại với số tuổi 78 của tôi hiện nay? Tôi chỉ viết những bài như những bài Viết ở Rừng Phong. Tôi còn làm gì, viết gì hơn được nữa.
LTH: Nguyễn Du cũng phóng tác Thanh Tâm Tài Nhân thành Đoạn Trường Tân Thanh và và rồi tác phẩm phóng tác Đoạn Trường Tân Thanh ấy trở thành tác phẩm số 1 của văn chương Việt Nam từ trước đến nay. Tác phẩm phóng tác nào của ông, ông nghĩ là xứng đáng như Kiều của Nguyễn Du, khi mà khả năng ngôn ngữ của ông cũng siêu đẳng có hạng.
HHT: Nếu tôi nói “ Không có truyện nào tôi viết vừa ý tôi cả.” Tôi thấy tôi có vẻ kiêu căng. Nay đọc lại những truyện tôi viết 50 năm xưa, như trong các phóng sự tếu, có vài đoạn làm tôi ngạc nhiên: “ Tại sao ngày ấy mình viết được những lời, những chuyện như thế này?”
LTH: Tôi hơi lấy làm tiếc cho các bác Nguyễn Du hoặc bác Hoàng Hải Thuỷ tại sao không viết một tác phẩm cho nó “nguyên chất.'. Các bác tài hoa thế, sao lại cứ phóng tác mà không viết nguyên quyển cho mình nhỉ ?
HHT: Tôi làm phóng tác cho các báo túi bụi còn chưa xong. Thì giờ, tâm trí đâu mà làm một sáng tác để đời. Chuyện này cũng là một đề tài cần viết dài. Tôi sẽ viết vài bài riêng trả lời vài câu hỏi tôi không trả lời được trong bài phỏng vấn này. Khi có bài, tôi sẽ gửi gio-o trước.
LTH: Trong việc thông dịch cho người Mỹ, có lúc nào bản dịch của ông bị người Mỹ sửa không?
HHT: Tôi toàn làm việc dịch bài tiếng Anh sang tiếng Việt. Các Sở Mỹ có ban chuyên viên dịch bài tiếng Việt sang tiếng Anh. Tôi ở trong ban làm Tạp Chí Triển Vọng tiếng Việt. Có tài liệu tiếng Việt nào cần dịch, tôi đưa sang Ban Dịch.
LTH: Thời điểm trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông có cơ hội di tản sang Hoa Kỳ? Tại sao ông không di tản ?
HHT: Tôi chạy không kịp. Tối 28 Tháng Tư 1975, vợ con tôi có tên trong danh sách nhân viên USIS lên Tân Sơn Nhứt chờ phi cơ đón đi, tôi và một số nhân viên Việt phải ở lại làm việc sở. Lúc 6 giờ tối ngày 28 phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích. Cuộc di tản bằng phi cơ ngừng. Những phi cơ Mỹ từ Guam bay sang nửa chừng bay về. Đêm 28 Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu ra lệnh trên đài phát thanh: “ Yêu cầu tất cả nhân viên Mỹ ra khỏi VN trong 24 giờ. “ Nghe tin ấy tôi nói với vợ tôi: “ Mình đi không được rồi , em ơi. Bọn Mỹ còn ở đây, may ra nó còn đưa mình đi. Nay nó bị đuổi, mình hết đường.”
LTH: Thời gian ở tù của ông. Ông phải làm những việc gì để giữ được ông vẫn là ông?
HHT: Tôi chẳng làm gì cả. Như anh em tù, tôi chịu khổ như anh em.
LTH: Họ có bắt ông kê khai những công việc của ông đã làm với chế độ Miền Nam trước 1975 nhiều không?
HHT: Tôi có làm gì trong chính quyền VNCH đâu. Họ có bắt tôi khai công việc tôi làm ở USIS. Chẳng có gì tôi phải dấu hay khó khai.
LTH: Tại sao Việt Cọng gọi ông là "Biệt Kích Văn Hoá Nguy Hiểm" vậy?
HHT: Chắc tại vì anh em chúng tôi viết và gửi ra nước ngoài một số bài diễn tả cuộc sống khổ cực của người dân Quốc Gia VNCH trong gông cùm của bọn Bắc Việt Cộng.
LTH: Lúc ở tù ông bị đối xử như thế nào ?
HHT: Như 20 triệu công dân Quốc Gia VNCH bị bọn Bắc Cộng giam tù. Không có gì khác.
LTH: Ông làm thơ hay viết ở trong tù như thế nào ? Ông dùng cách nào để giữ lại ?
HHT: Như mọi người tù làm Thơ trong Tù. Ban đêm làm Thơ, ghi nhớ trong óc. Ghi nhớ thật kỹ. Làm 4 hay 6 câu, ngừng lại ghi nhớ mấy câu đó. Nhớ kỹ rồi làm nhẩm tiếp. Đêm nào cũng ôn lại. Tôi làm những bài Tại Ngục Vịnh Kiều trong năm 1988 tôi ở trong Nhà Tù Chí Hoà. Có những bài dài 100 câu lục bát mà tôi nhớ hết. Năm 1989 tôi lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, Xuân Lộc, có giấy bút tôi ghi những bài thơ của tôi xuống giấy – tất nhiên cũng phải ghi lén, mắt trước, mắt sau – khi vợ tôi lên trại thăm tôi, tôi đưa tập thơ cho vợ tôi mang về. Thế là tôi quên những lời Thơ ấy. Tôi gửi được những bài Tho trong Tù của tôi sang Mỹ. Năm 1995, ở Kỳ Hoa, tôi viết lời bình loạn những bài thơ ấy, làm thành tập Tại Ngục Vịnh Kiều, Nhà Làng Văn Canada xuất bản.
LTH: Lúc ở trong tù ông tuyệt vọng những điều gi? Ông tuyệt vọng điều gì nhất ?
HHT: Chắc tôi như anh em cùng tu. Chẳng có hy vọng gì nên cũng chẳng có gì để tuyệt vọng. Tất nhiên là mong sống để có ngày trở về với vợ con, với mái nhà xưa, nhưng nếu có chết trong tù cũng là chuyện thường.
LTH: Sau 1975 ông có dịp nào tiếp xúc với Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc ? Có những chuyện nào hay những nhân vật nào đáng kể ?
HHT: Tôi không thích gặp bất cứ người làm văn nghệ miền Bắc nào. Tôi chỉ có cảm tình, và trọng một người : Nguyễn Chí Thiện.
LTH: Ông nghĩ một nhà văn nên tham dự những vấn đề chính trị hay xã hội đến đâu?
HHT: Tôi nghĩ “Việc của Nhà Văn là Viết.”
LTH: Giới nhà văn, nhà thơ, ca nhạc sĩ của Miền Nam thời kỳ 1955- 1975 được thoải mái tự do viết, tự do ăn chơi, nên ít chu toàn bổn phận công dân của Miền Nam Việt Nam Cọng Hoà ? Đó cũng là 1 trong những lý do làm cho Miền Nam Việt Nam Cọng Hoà sụp đổ. Trong khi ở Miền Bắc Cọng Sản 1945-1975 thì giới sáng tác bị đóng khuôn thành Đồng Chí Cọng Sản cả. Họ bị tước đoạt quyền sáng tác, chỉ sáng tác để phụng sự bổn phận công dân của Miền Bắc Việt Cọng Chủ Nghĩa, nên Miền Bắc Việt Cọng Chủ Nghĩa đã đánh chiếm được Miền Nam Tự Do Chủ Nghĩa. Nếu cho ông làm lại, và làm trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị Miền Nam Tự Do Chủ Nghĩa, ông sẽ làm lại như thế nào ?
HHT: Không có chuyện “ Nếu..” như thế. Làm sao người lảng xẹt về mọi mặt như tôi mà làm công tác Chiến Tranh Chính Trị được.
LTH: Nói về Trịnh Công Sơn, một đỉnh điểm điển hình cho một công dân sáng tác đóng góp vào việc làm mất Miền Nam vào tay Miền Bắc. Tôi nghe một cuộc phỏng vấn trên một đài truyền hình trên net, bà Đặng Tuyết Mai vợ phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ kể lại bà cho mời ông Trịnh Công Sơn vào hát nhạc tình ca và bắt tay với nhau khen nhau này nọ trong dinh thự ông Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Rồi chính ông Trịnh Công Sơn ra ngoài làm nhạc Phản Chiến nhiều hơn ai hết. Thời ấy mấy ai dám làm nhạc Phản Chiến đĩnh đạc và được sống sốt như ông Trịnh Cộng Sơn. Phản Chiến là phong trào Quốc Tế. Tôi nghe nói có lúc chính quyền Miền Nam đòi bắt ông Trịnh Công Sơn, nhưng Người Mỹ không cho. Rồi tôi lại nghe ông Trịnh Công Sơn theo VC với những người thân và bạn thân của Nhóm Huế của ổng theo fò VC tối đa, đến độ VC về Sài Gòn năm 1975 là Trịnh Công Sơn nhào ra hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Tôi cũng mê nhạc Trịnh Công Sơn, mê chết đi được. Nhưng thú thật, ở một cương vị cá nhân bị mất mát quá nhiều vì chiến tranh, tôi cũng phải nhìn lại cuộc chiến với suy tư để tự đi tìm cho mình một lời giải thích. Tôi muốn hỏi ông một câu ông nghĩ sao về trường hợp của Trịnh Công Sơn?
HHT: Tôi khinh anh ta.
LTH: Ông ở lại Việt Nam sau khi người Việt Cộng Miền Bắc nhuộm Cọng Sản hết cả nước Việt Nam từ 1975 cho đến năm nay 2011, theo ông sự tàn phá nào khủng khiếp nhất mà người Việt Cọng và Hồ Chí Minh đã mang đến cho xã hội Việt Nam từ năm 1945 cho đến nay. Di sản tồi tệ nào nhất mà chủ nghĩa Việt Cọng đã để lại ở Việt Nam ?
HHT: Tôi xin không trả lời câu hỏi này. Tôi đã viết về tình trạng ấy trong nhiều bài Viết ở Rừng Phong.
LTH: Ông là người đầu tiên đặt lại vấn đề giá trị và tư cách của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Động lực nào ?
HHT: Chỉ vì Sự Thật.
LTH: Ông nghĩ gì về những nhóm nhập nhằng nửa chính trị nửa văn chương Việt Nam như Nhân Văn Giai Phẩm, Sáng Tạo, Talawas đều là những trò chơi political warfare của Mỹ hoặc của các thế lực quốc tế khác trên các nhà văn Việt Nam ?
HHT: Tôi chẳng bao giờ bận trí về những chuyện được hỏi trên đây
LTH: Cùng một thời có một người gốc Bắc Di Cư nổi tiếng là nhờ những phóng sự có tính trào phúng là Phan Nghị. Sau khi được cử sang dự hoà đàm Paris, sau đó trở về Việt Nam thì không chống cọng nữa, và kêu gọi hoà giải. Ông so sánh lại thì cũng là một người lạc quan thì đi ngược lại kiểu của ông . Ông nghĩ tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
HHT: Làm gì có chuyện Phan Nghị “kêu gọi hòa giải?”
LTH: Giai đoạn tù đày ? Ông ở tù bao nhiêu năm ?
HHT: Tôi bị bắt đi tù 2 lần, Lần 1 tù 24 tháng, kéo dài trong 3 năm 1976, 1977, 1978. Lần tù thứ hai 6 năm, từ 1984 đến 1989.
LTH: Lúc ở trong tù ông nghĩ gì về người Mỹ ?
HHT: Chán ngấy.
LTH: Họ có tìm cách cứu ông ?
HHT: Không. Tôi là cái thá gì mà họ lo cứu tôi.
LTH: Ông hiểu gì về nước Mỹ.
HHT: Lơ mơ như nhiều người Việt cùng tuổi tôi.
LTH: Ông hiểu gì về người Mỹ ?
HHT: Rất lơ tơ mơ.
LTH: Người Mỹ đã bỏ rơi Miền Nam. Ông có oán hận họ không ?
HHT: Không.
LTH: Hồi cuối tháng 10 năm 2010, trong một cuộc hội thảo tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở DC, cựu bộ trưởng Ngoai Giao Hoa Kỳ Henry Kissinger lần đầu tiên thú nhận công khai rằng Việt Nam Cọng Hoà bị mất là do Hoa Kỳ bỏ rơi. Ông có oán hận gì người Mỹ không ?
HHT: Không.
LTH: Ông nghĩ gì về vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong tương lai?
HHT: Tôi chẳng nghĩ gì cả.
LTH: Tại sao cuối đời ông mới làm thơ ? Bài thơ sáng tác nào của ông mà ông thích nhất?
HHT: Tôi làm thơ từ năm tôi 17 tuổi. Sau năm 20 tuổi, tôi không lám thơ vì tôi không phải là thi sĩ. 30 tuổi tôi bận làm, viết, ăn chơi, thì giờ, tâm trí đâu mà tôi làm thơ. Lại thêm cuộc sống của tôi phơi phới, có gì buồn sầu, đau thương đâu mà tôi thơ với thẩn. Sau 1975 như 30 triệu người VNCH làm thơ, tôi làm thơ. Vật bất kỳ bình tắc minh. Vật bình làm sao vật minh. Còn Thơ tôi bài nào Hay thì lúc tôi thấy bài này hay, lúc tôi thấy bài kia hay. Thấy hay theo tâm trạng của tôi lúc ấy.
LTH: Alice? Tại sao ông lại cho Alice đi vào thơ văn, một fictional character từ chính tên của người vợ ông ? Tại sao không là một tên nào khác?
HHT: Bài Thơ nào tôi làm riêng cho vợ tôi, tôi để tên nàng vào bài.
LTH: Bây giờ ở trên blog HoangHaiThuy. Wordpress ông chống cọng và chống nhiều thứ kịch liệt ? Ông nghĩ gì khi làm những chuyện như thế ở thời điểm này của ông? Để làm gì ?
HHT: Tôi làm những việc tôi làm vì tôi thấy tôi có bổn phận làm những việc đó.
LTH: Một ngày của ông hiện nay sinh hoạt như thế nào ?
HHT: Như một ông già có tật “ nghiện computer.” Tôi thấy tôi nghiện computer như người nghiện thuốc phiện: Người nghiện hút cả ngày quanh quẩn bên bàn đèn, người nghiện computer cả ngày quanh quẩn trước dàn computer. Tôi sẽ viết một bài về hai cái Nghiện này.
LTH: Ông xử dụng computer vào những việc nào ? Ông có xem youtube thường không ? Ông có gia nhập Facebook không ?
HHT: Tôi chỉ viết và tìm đề tài để viết. Tôi không xem youtube, Facebook lại càng không có tôi.
LTH: Ông nghĩ gì về vai trò của internet và sáng tác ?
HHT: Người thích viết như tôi mà viết trên Internet là Nhất, Sướng Nhất. Ông Tầu Kim Thánh Thán không có cái lạc thú này. Lại hưá tôi sẽ viết một bài về Nghiện Computer và Sướng Viết Computer. Cũng xin kính báo với quí vị đọc những dòng này: Tôi hưá nhiều, tôi thường hưá loạn cào cào nhưng tôi là Hội Viên Hội Hứa Lèo Quốc Tế, cho nên đôi khi tôi có bổn phận làm theo tôn chỉ của Hội.
LTH: Làm cách nào để vẫn yêu đời và vẫn viết dào dạt khi người ta qua tuổi 70 ?
HHT: Trời cho, Chuá cho. Làm gì có cách nào.
LTH: Ông có nghĩ là nhờ bản chất lạc quan về cuộc đời mà ông sống sót qua được những biến đổi lịch sử?
HHT: Tôi có lạc quan hay can đảm gì đâu. Tôi bản tính yếu sìu – Tử vi là Âm Nam: Đàn ông mà tính nết như đàn bà - tôi không cương quyết, tôi dễ thay đổi quyết định, tôi không lo xa, khi có việc rắc rối là cuống lên, sợ. Tôi có tật “ Cả nể.” Không thích làm việc đó mà nể người ép vẫn cứ làm. Làm rồi bực tức. Tôi mềm như bún thiu, như cơm vữa.
Cám ơn gio-o và bà Lê Thị Huệ
LTH: Cám ơn nhà văn Hoàng Hải Thủy
Lê Thị Huệ thực hiện
© gio-o.com 2011
Đọc Hoàng Hải Thủy trên Việt messenger
Đầm Giao Chỉ [9]
Định Mệnh Đã An Bài [14]
Dữ Hơn Rắn Độc [20]
Gái Trọ [15]
(Còn tiếp) [3]
Kiều Giang [38]
Mùa Hạ Hai Mươi [4]
Như Chuyện Thần Tiên [17]
Nổ Như Tạc Đạn [4]
Tại Ngục Vịnh Kiều [14]
Thiên Long Tình Sử [17]
Tiếng Ca Cá Sấu [6]
Vòng Tay Yêu Tinh [20]
Vũ Nữ Saigon [10]
Yêu Nhau Bằng Mồm [12]
Yêu Tiền [5]
Pleiku 1971
Nhà thơ Nguyên Sa & Hoàng Hải Thủy
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.