Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Trần Anh Hùng

















Trần Anh Hùng
(23/12/1962 Mỹ Tho ........)

Nhà đạo diễn điện ảnh
Pháp gốc Việt







Trần Anh Hùng

Trần Anh Hùng 
tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 28 vào năm 2015




Trần Anh Hùng (sinh ngày 23 tháng 12 năm 1962) là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt. Trần Anh Hùng được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam (?) lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác.







Tiểu sử

Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Mỹ Tho (một số nguồn ghi là tại Đà Nẵng[1]), Việt Nam. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Anh Hùng đi sang Lào, sau đó di cư đến Pháp.[2]










Sự nghiệp

Tại Pháp, Trần Anh Hùng theo học tại trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 1987 bằng việc đạo diễn bộ phim ngắn, Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong) năm 1987, tác phẩm này cũng do Anh Hùng viết kịch bản lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm văn học Việt Nam cổ do Nguyễn Dữ sáng tác.

Sau Người thiếu phụ Nam Xương, Anh Hùng còn thực hiện một bộ phim ngắn khác là Hòn vọng phu (La Pierre de l'Attente, 1991) trước khi bắt tay vào đạo diễn bộ phim điện ảnh Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte). Tác phẩm sau khi công chiếu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi về phong cách thực hiện cũng như những cảnh quay rất đẹp về Việt Nam, riêng Trần Anh Hùng đã được trao giải Caméra d'Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993 và Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất (César de la meilleure première œuvre) tại lễ trao giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh cũng là tác phẩm duy nhất đại diện cho điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.[3]

Thành công của Mùi đu đủ xanh đã giúp Trần Anh Hùng có kinh phí để thực hiện bộ phim lớn Xích lô (Cyclo). Bộ phim nói về cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của ngôi sao Hồng Kông Lương Triều Vỹ, hai diễn viên đã xuất hiện trong Mùi đu đủ xanh, đó là nghệ sĩ Như Quỳnh và Trần Nữ Yên Khê, vợ của Anh Hùng, một diễn viên không chuyên người Việt tên là Lê Văn Lộc, và một nhóm làm phim đa quốc tịch.[4] Bộ phim được quay tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự cho phép của chính quyền sở tại.[3] Xích lô cũng thành công không kém Mùi đu đủ xanh khi giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia 1995, ở tuổi 33, Anh Hùng trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất chiến thắng ở liên hoan phim này. Cả ba phim Hòn vọng phu, Mùi đu đủ xanh, và Xích lô đều được thực hiện bằng vốn tài trợ của Christophe Rossignon (hãng phim Lazenecs).[4]

Sau thành phố Hồ Chí Minh, Trần Anh Hùng chuyển sang miêu tả vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội qua Mùa hè chiều thẳng đứng (À la verticale de l'été, 2000). Bộ phim là câu chuyện về ba chị em gái thần tượng cuộc sống gia đình của bố mẹ họ để rồi cuối cùng phát hiện ra sự thật sau cái chết của người mẹ. Các diễn viên thủ vai ba chị em gái là Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê.

Năm 2008, sau 8 năm ngừng làm phim, Trần Anh Hùng quay trở lại bằng I Come with the Rain, bộ phim tiếng Anh đầu tiên của Anh Hùng. Đây là tác phẩm có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Josh Hartnett, Lee Byung-hun, Kimura Takuya và Dư Văn Lạc. Giống như mọi tác phẩm khác, vai nữ chính của phim cũng được giao cho vợ Anh Hùng, Trần Nữ Yên Khê.[1] Và cũng trong năm 2008, Anh Hùng đã được mời đạo diễn chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy của nhà văn Murakami Haruki.[5]














Phong cách làm phim


Phim của Trần Anh Hùng được làm ra nhằm tạo dựng lại hình ảnh về Việt Nam mà Anh Hùng đã mất khi di cư đến Pháp cũng như cung cấp cho khán giả một cái nhìn khác về Việt Nam khi mà phim về đề tài này của điện ảnh Pháp và điện ảnh Mỹ đang chiếm ưu thế. Chúng được xây dựng trên kiến thức của Anh Hùng về ngôn ngữ, văn hóa Việt và (ở bộ phim thứ hai và thứ ba) là từ kinh nghiệm của Anh Hùng trong những lần viếng thăm Việt Nam.[2][4]

Anh Hùng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các kiến thức học tập được của nền điện ảnh Pháp và từ một số nghệ sĩ điện ảnh châu Âu và Nhật Bản như Bergman, Bresson, Kurosawa, Trakovsky và Ozu.[4]

Phong cách làm phim của Anh Hùng có thể gói gọn trong câu: Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ. Ông khước từ cách làm phim kể chuyện, lối mòn kiểu truyền thống, đi theo kiểu làm phim mới với ngôn ngữ điện ảnh mới: đánh mạnh vào cảm giác của người xem khiến họ thưởng thức chúng không phải bằng cái đầu duy lý nữa mà bằng cảm giác của ngôn ngữ cơ thể.[6]










Đời tư

Vợ của Trần Anh Hùng là nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Đây là diễn viên thủ vai chính trong tất cả các phim mà ông đã thực hiện cho đến nay. Vì điều này, có người đã so sánh vợ chồng Anh Hùng-Yên Khê với Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu.[6]












Phim thực hiện










1
(La Femme Mariée de Nam Xuong), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=-g1mVmoKZp0






2
(La Pierre de l'Attente), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=tx425KfucXs








3
(L'Odeur de la papaye verte), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=arSb7iqV6pA
1993







4
(Cyclo), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=7m5hbvXixyo
1995








5
(À la verticale de l'été), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=U0P6fxb0A3I
2000








6
(I Come with the Rain), đạo diễn và biên kịch
https://www.youtube.com/watch?v=l_CymtKfZxY
2009








7
https://www.youtube.com/watch?v=MRHDhYSJ0BA
2010









'The Pot Au Feu' - tác phẩm thi vị của Trần Anh Hùng

"The Pot Au Feu" - phim mới nhất của Trần Anh Hùng - kể câu chuyện nhẹ nhàng, giàu chất thơ về người yêu ẩm thực.


The Pot Au Feu (còn có tên La Passion de Dodin Bouffant) ra mắt ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) ngày 24/5. Tác phẩm tranh giải Cành Cọ Vàng nhận tràng pháo tay gần bảy phút ở Lumière - phòng chiếu chính của sự kiện. The Pot Au Feu cũng đánh dấu việc Trần Anh Hùng quay lại Cannes, nơi từng chứng kiến ông giành giải Camera Vàng năm 1993 với phim đầu tay Mùi đu đủ xanh.


Đạo diễn Trần Anh Hùng được khán giả hoan nghênh khi The Pot Au Feu kết thúc ở phòng chiếu Lumière , hôm 24/5, tại Cannes 2023. Video: FranceTV

Bộ phim quy tụ hai diễn viên Benoît Magimel và Juliette Binoche, được chuyển thể từ tiểu thuyết The Life and Passion of Dodin-Bouffant, Gourmet (1924) của Marcel Rouff. Nhân vật chính Dodin (Benoît Magimel) là một người sành ăn, dành toàn bộ thời gian để nghĩ về những món ăn chất lượng hàng đầu. Anh đủ giàu để theo đuổi đam mê của mình và tụ tập một nhóm bạn giống mình. Godin có thể nhận biết những món ăn ngon dở trong chớp mắt, cũng như hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu và cách nấu. Tài năng của Dodin nức tiếng gần xa, đến mức anh được xem là "Napoleon trong giới ẩm thực".

Dodin có đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche) - người có bản năng tuyệt vời về hương vị và thành phần. Cô luôn hoàn thành các yêu cầu Dodin đặt ra. Eugénie cũng được ngưỡng mộ không thua gì chủ nhân của mình, nhưng lại không muốn đón nhận hào quang mà chỉ tận tụy trong bếp. Những bữa tối hoành tráng thường xuyên diễn ra tại nhà của Dodin, còn Eugénie làm việc và dùng bữa một mình trong bếp. Cô chỉ dạy cháu gái 13 tuổi của người giúp việc, cũng là một cô gái trẻ mang tiềm năng ẩm thực phi thường.




Dodin xem ẩm thực là niềm đam mê lớn nhất đời. Ảnh: Cannes Film Festival

Dodin không hề che giấu tình cảm và sự ngưỡng mộ với Eugénie, người đã gắn bó với anh nhiều năm đến mức không thể tách rời. Anh mạnh dạn tỏ tình và xin phép cưới cô như sự hợp thức hóa cho quan hệ khăng khít của họ. Nhưng liệu mối tình này có thể kết thúc với hạnh phúc trọn vẹn?

Tên phim Pot Au Feu chỉ một món bò hầm truyền thống của Pháp. Phim có tình tiết một nhà quý tộc nước ngoài mời Dodin và nhóm bạn dự một bữa tiệc thừa xa hoa nhưng thiếu tinh tế. Để đáp lại, Dodin mời người này đến chỗ mình, dự định chỉ phục vụ món ăn pot au feu mộc mạc.

Nhưng chính sự giản đơn lại ẩn chứa kỳ công, giống nhận định: Tài hoa ẩm thực là nấu những món bình thường mà vẫn toát lên sự đặc biệt. Tác phẩm mới của Trần Anh Hùng cũng có thể được xem như vậy: Một câu chuyện đơn giản nhưng phong cách nghệ thuật của đạo diễn đã tạo ra sức sống cho phim. Thức ăn là chủ đề trung tâm, với hàng loạt trích đoạn mô tả việc chuẩn bị bữa ăn. Những cú máy cận vào nguyên liệu, cũng như các chuyển động lia máy được sắp đặt vừa vặn, tạo ra nhịp điệu tao nhã cho loạt cảnh nấu nướng. Ở bàn tiệc, thành quả của đầu bếp được những người sành ăn tiếp nhận với những bình luận am hiểu.



Ẩm thực kết nối các nhân vật trong phim. Ảnh: Cannes Film Festival


Trong The Menu (2022), tác phẩm nổi tiếng về ẩm thực, việc nấu nướng được biến thành một trải nghiệm mang tính cực đoan và ám ảnh. Còn The Pot Au Feu tiếp cận chủ đề này theo hướng thiêng liêng và nên thơ. Ẩm thực được nâng tầm thành nghệ thuật, còn ngôi nhà của Dodin là một thánh đường của những người sành ăn của Pháp vào cuối thế kỷ 19.

Bên cạnh vẻ đẹp ẩm thực, Trần Anh Hùng xây dựng hai nhân vật chính hòa quyện với nhau, thể hiện ngôn ngữ tình yêu qua những cuộc trò chuyện về nấu ăn. Họ hòa hợp cả về bản năng, trí tuệ lẫn khát vọng. Dodin liên tiếp đặt ra những yêu cầu khó về ẩm thực, đôi khi mơ hồ và mang tính triết học, xã hội học, nhưng Eugénie đều có thể hoàn thành.

Họ yêu nhau dựa trên sự bình đẳng, nể phục và tôn trọng nhau, Dodin không hề kiêu ngạo, hiểu rõ anh chẳng là gì nếu thiếu đi Eugénie trong bếp. Mối quan hệ khăng khít này có phần gợi nhớ đến mối tình của Trần Anh Hùng và người vợ là Trần Nữ Yên Khê ngoài đời thực. Đạo diễn cũng đã dành tặng người bạn đời một lời tri ân khi bộ phim kết thúc.



Diễn viên Juliette Binoche và Benoit Magimel vào vai cặp uyên ương trong phim. Ảnh: Cannes Film Festival

The Pot au Feu có rất ít những xung đột và kịch tính. Dù vậy, như Dodin thừa nhận, anh và Eugénie đã bước vào mùa thu của tuổi trẻ. Họ hầu như đã viên mãn trong đời sống nhưng lại đối mặt nỗi bất an rằng hạnh phúc đó liệu có thể kéo dài bao lâu. Trong phần lớn câu chuyện, Trần Anh Hùng sử dụng gam màu nóng, từ ánh nắng và ánh nến, để hòa hợp với câu chuyện ẩm thực. Nhưng ở cảnh quay bước ngoặt của phim, màu lạnh lại chiếm ưu thế nhằm mô tả nỗi buồn của nhân vật.

Trần Anh Hùng tiếp cận câu chuyện theo cách điềm tĩnh và chậm rãi, như chính cách nấu món ăn truyền thống. Suốt những phút đầu, ông chiêu đãi người xem bằng loạt cảnh nấu nướng, trước khi bắt đầu giới thiệu sâu hơn về các nhân vật. Sự chăm chút của hai vai chính dành cho ẩm thực được xem là biểu tượng sâu xa cho nghệ thuật, nơi chỉ có sự cống hiến hết mình mới tạo ra thành quả thực thụ. Eugénie không trực tiếp ăn cùng khách vì muốn giao tiếp với họ thông qua những thức ăn cô thực hiện. Điều này cũng giống quan niệm của nhiều nghệ sĩ rằng hãy để tác phẩm nói thay cho mình.

So với bộ phim gần nhất của Trần Anh Hùng - Eternity (Vĩnh cửu, 2016), The Pot au Feu có lẽ dễ tiếp cận khán giả đại chúng hơn bởi câu chuyện nhẹ nhàng. Phim có những khoảnh khắc ấm áp, mang lại tiếng cười khi hai nhân vật đối đáp. Một số phân cảnh dễ gây xúc động về cách thể hiện tình yêu thầm lặng, như Dodin nấu ăn cho Eugénie khi cô ốm.

Khán giả thích suy ngẫm có thể sẽ nghĩ về một chút hiện sinh của bộ phim. Một bữa ăn, dù thịnh soạn và trau chuốt đến đâu, cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, như chính đời người và những mối quan hệ không thể là vĩnh cửu. Thứ còn lại sau cùng là những ký ức về khoảnh khắc chúng ta đã trải qua cùng nhau.

La Passion de Dodin Bouffant nhận nhiều phản ứng tích cực từ giới phê bình. Trang Deadline nhận xét tác phẩm có cách kể chuyện độc đáo, thành công khi tôn vinh các giác quan trong trải nghiệm ẩm thực. Tờ Guardian khen phim có nhiều cảnh quay đẹp mắt, toát lên sự quyến rũ và tinh tế. Hollywood Reporter đánh giá cao diễn xuất của cặp diễn viên chính.




Trần Anh Hùng nhận tràng vỗ tay bảy phút tại Cannes

Đạo diễn Trần Anh Hùng nhận tràng vỗ tay bảy phút khi ra mắt "La Passion de Dodin Bouffant". 27


Giải thưởng





Liên hoan phim Cannes - Giải Ống Kính Vàng

Giải César - Phim mới

Liên hoan phim Venezia - Phim hay nhất
1995 Xích lô.


Liên Hoan Phim Cannes 2023
Giải Đạo Diễn Xuất Sắc nhất
Phim: La Passion de Dodin Bouffant





Chú thích

^ a ă Mi Vân - Châu Sa (ngày 22 tháng 5 năm 2007). “Lee Byung Heon tham gia phim của đạo diễn Trần Anh Hùng”. Dân Trí Điện tử. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2008.
^ a ă Robson, Tr. 153
^ a ă Olds, tr.247
^ a ă â b Robson, Tr. 154
^ Thanh Hương. “http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/San-khau-Dien-anh/2008/08/3BA050AF/”. VNExpress. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2008.
^ a ă Lâm Phố (ngày 19 tháng 5 năm 2004). “Trần Anh Hùng: Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ”. Talawas. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2008.






Tham khảo

Robson, Kathryn; Jennifer Yee (2005). France and "Indochina": Cultural Representations. Lexington Books. ISBN 0739108409.
Blum-Reid, Sylvie (2003). East-West encounters: Franco-Asian cinema and literature. Wallflower Press. ISBN 1903364671.
Olds, Kris (1999). Globalisation and the Asia Pacific: Contested Territories. Asia: Routledge. ISBN 0415199190.













Đạo diễn Trần Anh Hùng và những cuốn phim trên màn ảnh thế giới.


Cùng với những thành tựu có tính cách quốc tế của những nhiếp ảnh gia VN thế hệ thứ hai, thành công rực rỡ ở hải ngoại, có dễ đó là sự thành công của các đạo diễn Việt, cũng thuộc thế hệ thứ hai kể từ sau biến cố tháng 4-1975.

Thành tựu vừa kể, không chỉ được những người Việt sống ở hải ngoại ghi nhận mà cũng được các nhà quan sát ở Việt Nam công nhận nữa.

Cụ thể, khi ghi nhận về những đạo diễn trẻ tốt nghiệp tại Hoa kỳ, tác giả Phi Phi của báo Thanh Niên đã chọn 5 đạo diễn trẻ mà tài năng của họ, được coi là vượt trội thì, hết 4 trong số 5 đạo diễn đó là những đạo diễn trẻ sống và, tốt nghiệp các trường đào tạo đạo diễn điện ảnh ở hải ngoại.

Theo tác giả Phi Phi thì điển hình là các đạo diễn như Victor Vũ:

“…Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tốt nghiệp cử nhân sản xuất phim từ ĐH Loyola Marymount (Los Angeles, California, Mỹ), Victor Vũ chính thức bước vào con đường điện ảnh với bộ phim ngắn 20 phút - Firecracker. Bộ phim này đã giúp anh chiến thắng ở hạng mục Giải thưởng phim sinh viên ở Liên hoan phim Newport Beach năm 1998.

“Sau một vài dự án phim nhỏ, đến khi Victor Vũ thực hiện bộ phim kinh dị Oan hồn (2004) ảnh hưởng từ truyện ma Liêu trai chí dị, con đường làm phim của anh mới dần được định hướng

“Năm 2009 đánh dấu cột mốc quan trọng sự nghiệp của Victor Vũ khi anh chính thức về nước làm phim. Từ năm 2009 đến nay anh đã cho ra lò 7 phim điện ảnh Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu và sắp tới là Scandal 2. (…) 

“Những tác phẩm của Victor Vũ không chỉ thành công về mặt thương mại, mà còn được ghi nhận ở chất lượng nghệ thuật và thậm chí là mở ra chương mới cho điện ảnh Việt. Nhờ có Thiên mệnh anh hùng, khán giả đã bắt đầu kỳ vọng vào dòng phim cổ trang, võ hiệp vốn chưa từng là thế mạnh của các đạo diễn Việt Nam. Hiện dòng phim kinh dị cũng được xem là món “độc quyền” của Victor Vũ với những tác phẩm chất lượng thật sự chứ không phải nhát ma nửa mùa…”

Về đạo diễn Trần Anh Hùng, tác giả Phi Phi viết:

“Trần Anh Hùng được khán giả nhắc đến ở hai khía cạnh: Một trong những đạo diễn điện ảnh người Việt giành được nhiều giải thưởng uy tín và danh giá nhất từ trước đến nay" và "Thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên về làm phim tại Việt Nam".

“Sinh năm 1962, đạo diễn người Pháp gốc Việt có cơ hội tiếp xúc với nền điện ảnh đương đại đậm chất nghệ thuật của Pháp từ sớm. Tốt nghiệp xuất sắc trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière, anh tự mình đạo diễn phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục) và lập tức gây chú ý, thích thú cho những nhà phê bình phim nước ngoài.

“Năm 1993, Trần Anh Hùng bắt tay vào thực hiện bộ phim Mùi đu đủ xanh, lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 50. Đây là bộ phim dài đầu tiên và cũng là tác phẩm thành công nhất của Trần Anh Hùng, thu về được giải thưởng Camera vàng cho phim đầu tay tại giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Năm 1994, Mùi đu đủ xanh được đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất nhưng không đoạt giải. 

“Mùi du đủ xanh là một trong những tác phẩm điện ảnh làm nên tên tuổi của Trần Anh Hùng.

“Thành công vang dội của Mùi đu đủ xanh đã giúp cho Anh Hùng có thêm kinh phí để thực hiện bộ phim tiếp theo Cyclo (Xích lô) Không nằm ngoài mong đợi, Cyclo giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia. Từ đây, tên tuổi Trần Anh Hùng được nhiều nhà phê bình phim trên thế giới biết đến và coi như một hiện tượng của điện ảnh Pháp.

“Sau 2 thành công lớn khi làm phim về Sài Gòn, Trần Anh Hùng chuyển qua miêu tả vẻ đẹp của Hà Nội qua tác phẩm thứ 5 trong sự nghiệp Mùa hè chiều thẳng đứng. Dù không giành được giải thưởng nào song cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật. Năm 2008, Trần Anh Hùng được chấp thuận chuyển thể tiểu thuyết kinh điển Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Murakami.

“Đóng góp rất lớn vào sự thành công cho điện ảnh nước nhà, Trần Anh Hùng là niềm tự hào của điện ảnh Việt khi chắt chiu công sức tạo dựng dựng lại hình ảnh về Việt Nam giữa dòng chảy của điện ảnh Mỹ và các nước châu Á khác đang chiếm ưu thế.”

Ghi nhận về đạo diễn Charlie Nguyễn, tác giả Phi Phi viết:

“Charlie Nguyễn là một trong những đạo diễn đầu tiên mở đầu xu hướng phim do Việt kiều thực hiện thu hút đông đảo khán giả, với bộ phim Dòng máu anh hùng (2007). Giữa dòng phim thị trường nhảm đang hoành hành, thì tác phẩm của Charlie Nguyễn được thực hiện nghiêm túc và tốn kinh phí kỷ lục (hơn 1 triệu USD) không chỉ tạo nên cú đột phá trong điện ảnh Việt, thay đổi tư duy xem phim của khán giả mà còn được giới chuyên môn công nhận với giải thưởng Bông sen bạc tại LHPVN lần thứ 16 và vài giải thưởng quốc tế khác.

“Những năm sau đó, Charlie Nguyễn chính thức trở thành “vua phòng vé” với các phim hài đạt doanh thu cao trong mùa phim hè như Để Mai tính (37 tỷ đồng), Long ruồi (khoảng 42 tỷ đồng), Cưới ngay kẻo lỡ... Để lại nhiều tiếc nuối nhất là Bụi đời Chợ Lớn - bộ phim hành động võ thuật của Charlie Nguyễn đã không được phát hành vào mùa hè 2013. ...

“Charlie Nguyễn đã chứng tỏ được tài năng trong việc tạo nên những kịch bản hay cũng như chỉ đạo diễn xuất tuyệt vời. Anh cũng là một trong những đạo diễn chỉ đạo những phim về hành động, võ thuật đẹp mắt nhất hiện nay…” 

Đạo diễn trẻ sau cùng, được Phi Phi nhắc tới là Hàm Trần: 

“Hàm Trần tên thật là Trần Quang Hàm, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt, tham gia dựng các phim điện ảnh đình đám trước đây như Dòng máu anh hùng, Bẫy Rồng, Sài Gòn Yo... Tuy nhiên, mãi đến năm 2013 với Âm mưu giày gót nhọn, cái tên Hàm Trần mới thật sự được khán giả Việt Nam biết đến và dành nhiều quan tâm đến đạo diễn Việt kiều này.

“Bộ phim lãng mạn, hài hước Âm mưu giày gót nhọn chọn đề tài xoay quanh hậu trường showbiz hấp dẫn cùng dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt đẹp long lanh và nổi tiếng, đã hoàn toàn làm hài lòng nhà đầu tư mang về 7,5 tỷ đồng chỉ trong 4 ngày đầu công chiếu. Bản thân vị đạo diễn này cũng có màn chào sân khá ấn tượng…” (1)

Nói tới Hàm Trần, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc tới bộ phi, “Vượt Sóng” của ông.

Dư luận chung cho rằng, đó là một trong những tác phẩm lớn của người đạo diễn trẻ tuổi này, ở phương diện công phu, ý nghĩa mà bộ phim đó đạt được.
.

Như những đạo diễn trẻ, gốc Việt, cùng thời với mình, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đã xuất hiện với những phong cách và, những dấu ấn riêng của mình.

Với thành tích là những giải thưởng lớn của những đại hội điện ảnh quốc tế, từ Âu châu qua tới Mỹ châu, họ Trần cho thấy dường như ông không bận tâm lắm tới sự thành bại tài chánh mà, mối bận tâm lớn nhất của ông lại là nội dung, hay những “thông điệp” ông muốn gửi gấm trong những thước phim của mình; song song với quan tâm về diễn xuất, hình ảnh nghệ thuật, góc độ ánh sáng…

Về chủ tâm dành mọi ưu tiên cho nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng, dư luận nói nhiều tới sự kiện chính ông là người hướng dẫn, đạo diễn người bạn đời của ông, nữ tài tử Trần Nữ Yên Khê trong một đoạn phim khá “nhậy cảm”…

Phát biểu về những thước phim nhậy cảm này, tài tử chính Lee Byung Hun, người đóng vai… “trên giường” với Trần Nữ Yên Khê kể lại rằng: 

"…Ngoài tôi và Trần Nữ Yên Khê còn có một phụ nữ khác ở đó. Tôi không biết đó là mẹ hay mẹ chồng của cô ấy. Chỉ biết bà ấy chơi đùa cùng lũ trẻ trong lúc hai chúng tôi ở trên giường”.

“Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện trong bộ phim I come with the rain (tạm dịch là Và anh đến cùng cơn mưa). Lee Byung Hun cho biết thêm: “Đạo diễn (Trần Anh Hùng) tất nhiên cũng có mặt ở đó để chỉ đạo chúng tôi diễn xuất. Mọi chuyện buồn cười lắm (…) Tôi đã phải diễn khoảng 1 phút nhưng khi lên phim thì chỉ còn 5 giây. Quay một cảnh trên giường khó tới mức nào ư? Đó là những cảnh phim không có đầu mà cũng chẳng thấy cuối ở đâu". (2)

Trả lời câu hỏi: …Anh làm thế nào để những khán giả đã đọc truyện không bị thất vọng khi xem phim, khi thấy phim khác với tưởng tượng của mình?- - Của một đặc phái viên nhật báo VnExpress Online, về bộ phim “Rừng Na Uy” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, nổi tiếng thế giới trong những năm gần đây), đạo diễn Trần Anh Hùng nói:

“ Tôi không quan tâm tới chuyện đó. Cái tôi cần quan tâm là làm được cuốn phim hay. Còn nếu nó hay nhưng không ăn khớp với tưởng tượng, tiềm thức của khán giả thì đó là chuyện của người xem chứ không phải chuyện của đạo diễn. 

“Mỗi lần làm phim là một quá trình khó khăn về mọi mặt. Đây là lần đầu tiên, tôi làm tác phẩm điện ảnh từ một tiểu thuyết nổi tiếng. Tôi không phải chỉ chuyển thể cốt truyện mà còn phải chuyển những suy nghĩ, những tình cảm của mình khi đọc truyện vào phim. Tôi chọn cách đi thẳng vào vấn đề chứ không bắt đầu bằng những hồi tưởng của nhân vật bởi việc hồi tưởng đã quá quen thuộc, tôi không thích làm lại. Hơn nữa, quá khứ - hiện tại cần mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả mà sách thì không có điều đó. Nếu muốn giữ bố cục như sách, mình phải bịa thêm một số chuyện xảy ra ở hiện tại trong khi nguyên tác đã quá nhiều thông tin. Vì thế tôi chọn một mốc thời gian, không đi qua đi lại giữa hai thời điểm của đời người. 

“Phim của tôi quay từ mùa đông, sau đó ngừng 5 tháng để chờ quay mùa hè. Đó là một quá trình dài nhưng khi làm việc, tôi không hề thấy mệt mỏi. Diễn xuất của diễn viên rất tuyệt và làm việc với họ cũng không có gì quá phức tạp. Vấn đề không phải tiếng Nhật - tiếng Pháp hay tiếng Việt, chúng tôi có chung ngôn ngữ điện ảnh nên rất dễ để hiểu nhau…” (3) 

Qua tiết lộ kể trên, những người yêu mến tài năng đạo diễn Trần Anh Hùng, đã thấy rõ tính nghiêm túc của họ Trần với nội dung của từng thước phim mà ông chọn để gửi tới khán giả. 

Căn cứ theo tư liệu của trang mạng Wikipedia-Mở, tiểu sử của đạo diễn Trần Anh Hùng, được biết như sau: 

Trần Anh Hùng sinh ngày 23 tháng 12 năm 1962, tại Mỹ Tho (một số nguồn ghi là tại Đà Nẵng), Việt Nam. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Trần Anh Hùng đi sang Lào, sau đó di cư đến Pháp.

Là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác.

“Sự nghiệp

“Tại Pháp, Trần Anh Hùng theo học tại trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 1987 bằng việc đạo diễn bộ phim ngắn, Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong) năm 1987, tác phẩm này cũng do Trần Anh Hùng viết kịch bản lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm văn học Việt Nam cổ do Nguyễn Dữ sáng tác.

“Sau Người thiếu phụ Nam Xương, Trần Anh Hùng còn thực hiện một bộ phim ngắn khác là Hòn vọng phu (La Pierre de l'Attente, 1989) trước khi bắt tay vào đạo diễn bộ phim điện ảnh Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte). Tác phẩm sau khi công chiếu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi về phong cách thực hiện cũng như những cảnh quay rất đẹp về Việt Nam, riêng Trần Anh Hùng đã được trao giải Caméra d’Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannas 1993 và Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất (César de la meilleure première œuvre) tại lễ trao giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh cũng là tác phẩm duy nhất đại diện cho điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất (…)” (4)
_______

(1) Phi Phi: Nguồn Wikipedia – Mở
(2), (3), (4) Nđd. 









"Xích lô" đến nay là bộ phim của người Việt dành giải cao nhất tại một LHP danh giá hàng đầu thế giới là giải Sư tử Vàng tại LHP Venice năm 1995.


Bài viết của đại tá Thái Kế Toại, nguyên trưởng phòng An ninh Văn hoá BCA.


NÓI LẠI CHUYỆN PHIM XÍCH LÔ

Ngoảnh đi ngoảnh lại từ khi phim Xích lô bị cấm chiếu ở Việt Nam đã 16 năm. Mười sáu năm gần như là khoảng cách một thế hệ, nhiều đồng nghiệp trẻ trong làng điện ảnh thì hầu như không biết đến chuyện này. Một số đồng nghiệp già thì không biết đầy đủ. Mấy người biết đầy đủ thì im lặng. Trong mấy năm vừa rồi tôi có nêu lại việc này với Cục Điện ảnh. Những người lãnh đạo cũ trong cuộc thì đã nghỉ hưu. Người mới thì dường như cảm thấy mình không có trách nhiệm trả lời về một vụ án oan trong làng điện ảnh đã thuộc về quá khứ. Tôi cũng đã nghỉ hưu, gần như giã từ các hoạt động điện ảnh để tập trung làm mấy tác phẩm văn học cuối đời nhưng tôi cứ băn khoăn về câu hỏi Tại sao có vụ cấm chiếu phim Xich lô? Tại sao lại có chuyện đối xử kì quái, bất công với đạo diễn Trần Anh Hùng như thế? Tại sao một bộ phim của người đạo diễn người Việt với các diễn viên Việt Nam về đề tài đương đại Việt Nam, quay tại thành phố Hồ Chí Minh, được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise danh giá. Lần đầu tiên người Việt được giải Sư tử vàng, một giấc mơ và có lẽ còn lâu nữa mới lại có một sự kiện như thế mà giới lí luận phê bình điện ảnh im lặng không bàn đến một lời, trừ một vài bài “đánh’’ không có động cơ nghề nghiệp.
Tôi là một người trong cuộc. Lúc đó tôi đang là Trưởng phòng An ninh Văn hóa quốc gia, A25 Bộ Công an.
Chuyện bắt đầu như thế này:
Vào đầu thập niên 90 người Việt có một tài năng điện ảnh kiệt xuất. Người đó là đạo diễn Trần Anh Hùng.
Trần Anh Hùng tên Pháp là Guy Phimasset sinh ngày 5-6-1966 tại Mỹ Tho, quốc tịch Pháp. Bố mẹ TAH quê ở Nam Đàn, Nghệ An, theo đạo Thiên chúa, di cư vào Nam từ 1954, sang Lào sinh sống từ 1973, rồi sang Pháp năm 1975, hiện làm nghề may quần áo ở Pháp. TAH có một người em trai tên là Dũng sinh năm 1968 tên Pháp là Henry Phimasset, tốt nghiệp ngành kinh tế thương mại. Từ phim Xích Lô anh Dũng làm trợ lý đạo diễn cho TAH.
Tại Pháp TAH học và đậu tú tài văn chương bậc A, học Đại học Triết một năm rồi bỏ để thi vào học Trường Điện ảnh Lumière bốn năm, quay phim ngắn Thiếu phụ Nam Xương trong trường. Học xong chương trình TAH không thi tốt nghiệp, ở nhà viết một loạt kịch bản chào bán cho các hãng phim như:
Thiếu phụ Nam Xương, Hòn Vọng Phu, Thánh Saint Julien L’ Hospitalien.
Phim trinh thám dựa theo một cuốn tiểu thuyết của Nhật, năm nay đã quay tại Nhật.
[Phim "Rừng Na Uy", 2010, theo tiểu thuyết của Murakami, thực ra không phải trinh thám.]
Phim về cuộc chiến của giặc Cờ Đen ở Việt Nam năm 1910.
Phim về đời sống người Việt ở Pháp.
Mùi đu đủ xanh. Phim đã được sản xuất.
Cyclo (Xich lô). Phim đã được sản xuất.
Rượu đế củ kiệu. Đề tài Việt Nam dự định quay ở Hà Nội.
Những ngày không mưa. Đã quay ở Hà Nội.
[Phim "Mùa hè chiều thẳng đứng", 2000.]
Năm 1991 lần đầu tiên TAH về Việt Nam để chọn cảnh cho phim Mùi đu đủ xanh nhưng không thực hiện được việc quay phim ở Việt Nam vì lí do tài chính mà chỉ có thu thanh tiếng động Việt Nam trong tháng 10- 1992.
Tại Liên hoan phim Cannes 1993 Mùi đu đủ xanh đoạt Giải Caméra vàng. Ngày 15-7-1993 Trần Anh Hùng cùng Christophe Rosignon Giám đốc hãng LAZENNEC FILM vào Việt Nam mang phim Mùi đu đủ xanh chiếu báo cáo cho Hội đồng duyệt phim quốc gia và xin đi khảo sát thực tế cho kịch bản phim Xích lô.
Từ tháng 2 đến tháng 5-1994 TAH vào sửa chữa và trình duyệt kịch bản phim Xích lô. Trong thời gian này phim Mùi đu đủ xanh được gửi đi dự giải OSCAR, lọt vào chung kết cùng bốn phim khác. TAH cùng Trần Nữ Yên Khê - nữ diễn viên vợ của TAH, Rosignnon và Giám đốc Hãng phim Giải phóng Trần Thanh Hùng đi Hollywood dự lễ trao giải OSCAR năm 1994.

Cần nói một chút về ảnh hưởng của phim Mùi đu đủ xanh. Tôi quan sát thấy bộ phim này mang đến một giọng điệu kể chuyện lạ khác với cách kể chuyện truyền thống trong phim của chúng ta và cách tác giả khai thác những chi tiết đời sống nông thôn Nam Bộ một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Một vài nghệ sĩ đã mượn tôi kịch bản Mùi đu đủ xanh để tham khảo. Sau đó tôi thấy quả là ngôn ngữ Trần Anh Hùng có tác động tạo ra sự chuyển biến ở một số tác phẩm, trong đó có thể nói có cả nghệ sĩ cỡ hàng đầu trong nước. Trong bối cảnh lúc ấy, sự tác động đó là quý giá.

Ngày 6-4-1994 Thứ trưởng BVHTT Nguyễn Trung Kiên ký Quyết định số 501 HTQT/QĐ đồng ý cho phép Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ cho hãng Lazenec Film thực hiện bộ phim truyện Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Việt Nam.
Xin nói thêm để có kịch bản trình duyệt lãnh đạo Bộ VHTT các chuyên viên, lãnh đạo Cục Điện ảnh, Vụ HTQT Bộ VHTT và A25 trong đó có tôi đã phải đọc và giúp tác giả sửa chữa nhiều lần. Đến khi nội dung kịch bản đạt yêu cầu, có chính kiến của A25 ủng hộ, Cục Điện ảnh ra văn bản Giám định nội dung kịch bản trình lãnh đạo Bộ VHTT ký quyết định cho phép sản xuất phim. Tôi phải đọc kịch bản Xích lô nhiều lần. Với bản thảo lần cuối cùng tôi chấp nhận được về nội dung và tin rằng với ý đồ của TAH, cách trình bày câu chuyện đầy ấn tượng của anh sẽ có một bộ phim độc đáo.
Vì phim được thực hiện chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, lại do Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ nên A25 giao cho A25B tức bộ phận thường trực của A25 ở phía Nam do anh Trương Hòa Bình phụ trách, trong đó có bộ phận của đơn vị tôi anh Hoàng Phước Thuận và anh Bùi Dương Minh phụ trách công tác bảo vệ.
Phim Xích lô quay trong 77 ngày từ 4-11-1994 đến 11-2-1995. Trong thời gian đó giám sát viên A25b liên tục làm việc cùng đoàn phim. Tôi được nghe báo cáo có những cảnh trên hiện trường thấy có thể gây tác động không tốt, cán bộ A25b còn yêu cầu thay đổi chi tiết. Ví dụ trường đoạn đứa bé con mụ trùm băng cướp bôi sơn đỏ vào người chạy ra đường bị xe chẹt chết, giám sát viên không yên tâm vì mầu đỏ có thể gây phản cảm đã đề nghị TAH thay bằng sơn màu xanh lơ. TAH đã đồng ý thay đổi nhiều phân đoạn theo ý các cán bộ giám sát.
Từ 21-4 đến 6-5-1995 thu tiếng động thật cho phim tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn có cán bộ giám sát của A25b.
Từ 29-8 đến 9-9-1995 Trần Anh Hùng cùng các Đoàn nghệ sĩ của Xích lô đi dự Liên hoan phim VENISE lần thứ 52 tại Italia. Trong đoàn có diễn viên Lê Văn Lộc, Đinh Hoài Ngọc trợ lý đạo diễn kiêm phiên dịch của đoàn phim, hai vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Đây Chủ nhiệm kiêm diễn viên Thầy ru con.
9-9-1995 phim Xích lô được đăng quang nhận Giải thưởng lớn Sư tử vàng. Tôi và nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ điện ảnh cũng xúc động vì cái tin này. Lần đầu tiên một đạo diễn người Việt Nam còn rất trẻ, một phim về Việt Nam hiện tại, làm tại Việt Nam với các diễn viên Việt Nam được một giải thưởng vào loại danh giá nhất của điện ảnh thế giới. Đấy là một dịp để quảng bá cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam và cho cả tương lai của điện ảnh Việt Nam nữa nếu nó quy tụ được những người con tài năng đang sống ngoài đất nước.
Nhưng thật đáng tiếc, ngay sau đó tôi được nghe đã có những phản ứng bất lợi cho Xích lô. Sớm nhất là ý kiến của ông Lý Chánh Trung từ bên Pháp về làm xao động tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong lúc dư luận ồn ã như vậy thì bản phim nhựa chưa về đến Việt Nam. Hầu hết người Việt Nam chưa biết mặt mũi bộ phim được Giải Sư tử vàng là thế nào.
Tôi nhớ một buổi chiều nóng nực cuối tháng 9-1995 tại phòng họp của Cục Điện ảnh, phòng họp thôi, ngày ấy chưa có phòng chiếu hiện đại như bây giờ, Xích lô được trình chiếu bằng băng video. Thành phần xem phim gồm có Hội đồng duyệt phim quốc gia và một số cán bộ của Ban tuyên huấn, Bộ VHTT, Hội ĐAVN. Công an có anh Khổng Minh Dụ, tôi và anh Nguyễn Trọng Đạo. Tôi thấy nội dung phim vẫn như kịch bản nhưng cách dựng phim và sử dụng âm thanh, màu sắc của Trần Anh Hùng đã tạo ra một ấn tượng dữ dội. Bây giờ thì cái kiểu âm thanh đó đã trở nên bình thường vì người ta đã quen với âm thanh "Xơ rao" các phim bom tấn của Mỹ của châu Âu nhưng lúc đó tôi thấy mấy gương mặt thật tội nghiệp. Có người còn la hét đòi giảm âm lượng. Âm thanh của phim gây sốc cho những người thần kinh yếu. Trong không khí oi bức, nhộn nhạo với cách tổ chức chiếu phim cẩu thả, Xích lô đã tạo ra một ấn tượng để tự giết nó. Cuối cùng có một cuộc hội ý nhưng lộn xộn và ý kiến không thống nhất, đợi bàn lại với một buổi chiếu bản phim nhựa.
Sau buổi chiếu có các bài báo "Suy ngẫm sau khi xem phim Xích lô - Giải thưởng Sư tử vàng" của Nguyễn Tường trên báo Tuần tin tức số 40 (2-8/10/1995), "Phim Cyclo: Việt Nam là phương tiện hay là đối tượng phản ánh" trên báo Văn Hóa ngày 15-10-1995.
Hình như có một thế lực vô hình nào đó tạo ra sự trấn áp Xich lô. Trong cơ chế bộ máy của chúng ta người lãnh đạo nhiều khi rất sợ những người cực đoan tả khuynh hay nhân danh bảo vệ chế độ XHCN như thế. Chẳng lẽ vài người như thế lại tài giỏi, sáng suốt hơn một guồng máy làm việc của chúng tôi ư? Một guồng máy chuyên môn trực tiếp với nghề nghiệp phải nghĩ kỹ hơn họ chứ.
Bộ trưởng Bộ VHTT đã yêu cầu Hãng phim Giải phóng kiểm điểm về việc hợp tác với Hãng Lazennec làm phim Xích lô. Sau đó có quyết định cấm chiếu phim Xích lô ở Việt Nam. Còn tôi và A25 không được hỏi ý kiến về việc này. Tôi dự định khi có một buổi họp đàng hoàng hơn với bản phim nhựa sẽ phát biểu chính kiến của mình. Tất nhiên là tôi bảo vệ đạo diễn Trần Anh Hùng và người bạn của tôi Trần Thanh Hùng Giám đốc Hãng phim Giải phóng một người đầy nhiệt huyết và mạnh dạn tìm cầu nối điện ảnh nước nhà với thế giới.
Vậy mà tôi cứ chờ … Cuối cùng cho đến nay không hề có một buổi họp như thế. Tôi không rõ những cá nhân nào đã làm các văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTT ra một quyết định vội vã như vậy. Với một quyết định của ông Bộ trưởng Bộ VHTT người ta đã coi Trần Anh Hùng như một nghệ sĩ chống chế độ, ra tiếp một cái lệnh cấm anh về nước trong nhiều năm.
[Chuyện năm 1995. Đến năm 1998 TAH được về HN, xem ở sau. NH]
Quay lại nội dung phim Xích lô. Bộ phim đã gây ra sự phân hóa cao độ trong số người đã được xem phim. Tôi hỏi ý kiến một số nghệ sĩ, người khen thì khen hết lời. Người chê thì cũng chê thậm tệ. Nhưng tựu trung người ta đều cho rằng nó trình bày thực trạng xã hội một cách táo bạo mới mẻ quá. Ấn tượng của nó mãnh liệt quá. Các bài báo lên án phim Xích lô nói gì? Người ta cho là bộ phim đầy những hình ảnh bạo lực, nhiều cảnh sex và hiện thực trong phim không đúng với thực tế Việt Nam.
Sau này các đĩa phim Xích lô được bán chui ở trong nước nhưng bản quay trộm chất lượng xấu. Anh Ba Đây có cho tôi mượn một cái băng video din, tôi lại cho bạn tôi Lê Cẩm Lượng ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh sao lại cho sinh viên xem.
Tôi cứ tự hỏi tại sao Liên hoan phim Venise năm 1995 người ta trao giải Sư tử vàng cho phim Xích lô? Lẽ ra các nhà phê bình phim Việt Nam phải giải đáp câu hỏi đó. Có lẽ vì sợ hãi Bộ VHTT mà họ im lặng. Không một ai bênh vực cho bộ phim tội nghiệp đó.
Chả lẽ LHP Venise chỉ nhằm chống Việt Nam? Chả lẽ vì chống Việt Nam Ban Giám khảo lại hạ mình để trao giải cho một bộ phim mà người Việt Nam cho là thấp kém? Lý trí của một người tỉnh táo có thiện chí giải đáp câu này không khó lắm.
Ở phim Xích lô, Trần Anh Hùng trình bày một phong cách khác hẳn Mùi đu đủ xanh. Tôi cho rằng với những đạo diễn có biên độ phong cách giữa các tác phẩm xa nhau như vậy là một tài năng. Nhịp điệu của Xích lô co dãn thất thường, chất liệu và cốt truyện Á Đông được trình bày với các thủ pháp ấn tượng hậu hiện đại. Các hình tượng mang tính ẩn dụ cao, mang cả tinh thần triết học, nó cho người ta thấy cuộc sống các xã hội Á Đông kiểu như Việt Nam đang vươn tới thị trường và thế giới hiện đại như thế nào cùng cái giá mà nó phải trả, cái giá rất đắt, thậm chí kinh hoàng. Tuy vậy TAH đã đưa ra được lời giải cho câu hỏi đó. Gìn giữ gia đình là chỗ cứu rỗi cho con người. Thực trạng xã hội đen hôm nay sau 15 năm cho thấy đã vượt qúa xa những cảnh báo của anh.
Sau này hệ lụy của vụ Xích lô còn theo tôi và Trần Anh Hùng khi tôi chuyển sang làm Giám đốc Điện ảnh CAND. Giữa năm 1998 tôi hợp tác với Hãng Laennec Film. Tôi đã tạo điều kiện cho TAH về nước đi thăm Hà Nội và một số nơi để viết một kịch bản phim mới. Chúng tôi nói chuyện nhiều về những biến đổi của Hà Nội. Đầu tiên Hùng muốn ba người đàn bà Hùng yêu quý cùng đóng trong một bộ phim. Như Quỳnh, Lê Khanh, Trần Nữ Yên Khê. Sau Hùng định hình ý tưởng, cho ba người này vào dòng xoáy của một gia đình gốc Hà Nội lâu đời đang rạn vỡ vì các tác động của đời sống hiện đại. Hùng vẫn băn khoăn về việc bảo vệ các giá trị của gia đình Á Đông. Đó là kịch bản phim Những ngày không mưa.
Kịch bản Những ngày không mưa cũng phải sửa chữa nhiều lần, cuối cùng cũng được ĐACAND chấp nhận và chuẩn bị trình Cục Điện ảnh thì rắc rối lại rơi xuống.
Báo Quân đội nhân dân ngày 23-8-1998 đăng bài "Hà Nội và Sài Gòn thời mở cửa qua cách nhìn phiến diện của đạo diễn Trần Anh Hùng". Bút pháp của tác giả khá chuyên nghiệp, có thể là một nhà phê bình chuyên nghiệp ở Cục Điện ảnh nhưng ký tên Hạnh Lê.
[Kẻ này giấu mặt. NH]
Tiếp theo báo Văn Nghệ số 36 ngày 5-9-1998 đăng bài "Cần một chữ Tâm khi làm phim về Việt Nam". Tác giả là Phạm Viết Đào, một người đã có nhiều chỉ trích gay gắt ngành điện ảnh.
[Bác này để tên thật. NH]
Điều có vẻ vô lý và không đàng hoàng cho lắm là sự phê phán nhằm vào một kịch bản còn ở thời kỳ bí mật, chưa trình duyệt, chưa công bố chỉ có những người có trách nhiệm mới được cầm nó, lý lẽ phê phán với những tiêu chí không phải là tiêu chí nghệ thuật, phiến diện, thô thiển, nặng về quy chụp chính trị. Để thêm nặng đòn người ta còn lật lại cả phim Xích lô, tức là Trần Anh Hùng chống Việt Nam có cả quá trình, có cả hệ thống quan điểm.
Thời gian này tại Bộ VHTT đang có mâu thuẫn của một vài người với Cục Điện ảnh, với anh Nguyễn Khoa Điềm về vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài. Theo tôi mâu thuẫn này không phải là bản chất vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài mà xuất phát từ một góc độ khác nhưng hợp tác làm phim với nước ngoài là một cái cớ tốt nhất có thể lợi dụng vì nó rất dễ bị khai thác về chính trị. Anh em nghệ sĩ chúng ta nhiều khi bị những cú đòn oan trong một xã hội lỏng lẻo về pháp luật như thế.
Trần Anh Hùng đưa cho tôi bản thảo bài viết của anh để trả lời hai bài báo ở trên.
Về phim Xích lô TAH viết:
Để nói rõ sự thật về tôi, trước hết tôi xin nói đến vấn đề bạo lực trong phim Cyclo. Người ta thấy bạo lực trong phim này rất ghê tởm. Tôi cho đó là điều tốt. Bạo lực phải đưa ra một cảm giác ghê tởm. Đây không phải là một loại bạo lực giải trí. Và phim này đoạt giải Sư Tử Vàng tại Venise không phải “về thành công trong thể loại phim bạo lực” như có người Việt Nam mới viết trên báo. Trong liên hoan Phim Venise không có phân biệt thể loại.
“Chúng tôi trao giải Sư Tử Vàng cho phim Cyclo về phong cách thể hiện bạo lực”. Đây là lời nói của ông Jorge Semprun thì cái từ “bạo lực” trong miệng ông có một giá trị đặc biệt.
Jorge Semprun là một nhà văn, cũng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Tây Ban Nha trước kia. Và cái điều quan trọng nhất có liên quan đến bạo lực là ông ta đã bị giam trong trại tập trung của Đức trong Thế Chiến Thứ Hai, ông đã thấy cái bạo lực và cái chết của mình rất rõ ràng. Vậy thì ông ta thừa biết bạo lực là như thế nào và thế nào là cái nhìn đạo đức về bạo lực và thế nào là kích động bạo lực.
Khi tôi làm phim Cyclo tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi… Cái mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.
Và tôi chọn một con đường đi cực kỳ khó khăn là vì phim Cyclo không phải là một loại phim dễ thương. Sự giằng xé giữa cái thiện và cái ác là một đề tài rất nặng nề, rất khó xử. Đã nói đến cái thiện và cái ác thì đừng nói đến sự cân bằng giữa hai khái niệm này. Cái ác thường phô trương một cách ly kỳ. Còn cái thiện thì không. Cái thiện không phải là loại sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài. Phim Cyclo gắn bó rất chặt chẽ với cái ý này. Để tránh sự giả tạo và để gần sự thật, phim Cyclo dành cho cái thiện một chỗ đứng đặc biệt, đó là giữa hai hình ảnh, giữa hai cảnh, ở khoảng trống giữa hai hàng chữ. Phong cách mô tả cái thiện qua âm bản tạo cho tâm hồn thèm muốn cái thiện và đi tìm nó. Ai cũng biết trong xã hội nào cũng có mảng sáng và mảng tối. Đó cũng có nghĩa là thiện và ác. Tôi muốn thể hiện cái ác ghê gớm bao nhiêu thì sự tồn tại và giá trị của cái thiện càng lớn bấy nhiêu.
… Tôi xin kể một giai thoại rất riêng tư đã đến với tôi trong liên hoan Phim Venise làm cho tôi hiểu rõ vì sao tôi phải đấu tranh quyết liệt để thuyết phục những nhà sản xuất phải để cho tôi làm phim nói tiếng Việt. Việc này là rất phức tạp vì không có một lý do gì khiến cho một người Pháp bỏ tiền ra để làm một cuốn phim không nói gì về dân tộc của họ. Không có lý do gì ngoài tình yêu tha thiết của tôi đối với Việt Nam mà thuyết phục được họ.
…Sau khi xem phim Cyclo chiếu lần đầu tiên ở Venise, tôi hỏi bố tôi xem phim thấy thế nào, có được không?
- Ba phải xem lại vì đoạn đầu của phim, nước mắt nó cứ ứa ra làm ba chẳng thấy gì cả.
- Sao vậy ba?
- Thì… trên màn ảnh khổng lồ, ba thấy những khuôn mặt Việt Nam, mà trong đó chứa đầy sự trưởng thành của con. Họ nói tiếng Việt tại liên hoan phim lớn này làm ba xúc động
Đây là lời nói của một người cha khoan dung.
Nhưng tôi rất tin ở lời nói này bởi vì tôi chợt nhớ cảm xúc tự hào của tôi khi tôi nghe âm thanh của những câu nói bằng tiếng Việt vang lên trong Liên hoan Phim Cannes với cuốn phim đầu tay của tôi.
Do những rắc rối ở nội bộ đơn vị tôi, một nhóm người vì cá nhân chống lại việc làm phim Những ngày không mưa, Những ngày không mưa phải chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát mới lên Giám đốc. Và cuối cùng do tài ngoại giao khéo léo của Hồng Ngát, phim đã làm xong và được công chiếu ở Việt Nam. Những người cản bước Trần Anh Hùng đã không thực hiện được ý đồ đen tối của họ. Niềm vui của Hãng phim truyện Việt Nam cũng là niềm vui của tôi, bởi trước đây khi còn ở A25 tôi đã coi đây là chỗ thân thiết của mình, nơi tôi vào ngành điện ảnh với bộ phim đầu tay cùng đạo diễn Vương Đức, phim Cỏ Lau.

Đúng là phim Xích lô là một chuyện buồn của ngành điện ảnh Việt Nam. Một bài học điển hình về cách đối xử với tài năng nghệ thuật và các tác phẩm đỉnh cao của bộ máy quản lý nghệ thuật một nước tiểu nông. Nhưng vụ phim Xích lô không chỉ liên quan đến vài ba cá nhân trong cuộc. Nó ảnh hưởng đến những vấn đề lớn hơn đối với nền điện ảnh của chúng ta. Tác hại lâu dài của nó vẫn còn đang ám ảnh đời sống điện ảnh với những cách hành xử vô lối tùy tiện. Và cũng không ít chuyện buồn đã diễn ra như thế trong mấy chục năm qua. Nhiều số phận nghệ sĩ phải trả giá, nhiều tác phẩm bị chìm nổi. Những con người ấy, những tác phẩm ấy đang đợi chúng ta nói lại về họ… Đó cũng là điều tâm huyết của tôi muốn nói với các đồng nghiệp điện ảnh của mình.

Thái Kế Toại
(Tháng 8/2010)
Ảnh: Tài tử Lương Triều Vỹ và diễn viên Trần Nữ Yên Khê trong phim "Xích lô".
Nguồn bài: Hoàng Lê
https://www.facebook.com/676005086/posts/10161352630530087/?mibextid=Nif5oz
http://vanviet.info/nghe-thuat/ni-lai-chuyen-phim-xich-l/
Phim Xích Lô: https://www.youtube.com/watch?v=EzeTTcfxgqs
Thanh Lam hát trong phim Xích Lô: https://www.youtube.com/watch?v=p4459UDRZvE
.
















Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của quý văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.