Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Thủy Easola















Easola Nguyễn Thủy
Biên đạo Múa đương đại





Chuyển động của anh, của em
hoa chuyển động ánh sáng chuyển động

cảm ơn Anh cảm ơn Em
cảm ơn hoa cảm ơn ánh sáng

Ea Sola Thủy
SG 25/02/2018




























Tác phẩm


Múa đương đại





1
Hạn Hán và Cơn Mưa



2
Ngày Xửa Ngày Xưa




3
Cánh Đồng Âm Nhạc




4
Thế Đấy Thế Đấy




5
Khúc Nguyện Cầu




6
Ký Ức
(hạn hán và cơn mưa II)




7
Cơ Thể Trắng
















Giá trị sống
Biên đạo múa Ea Sola Thuỷ

Đất nước ở ngay trong cơ thể mình




SGTT.VN - Xuyên suốt trong những tác phẩm của biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea Sola Nguyễn Thuỷ là ký ức của một dân tộc với tất cả vẻ đẹp bi tráng.

Bẵng đi một thời gian, chị vừa trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho vở múa Cơ thể trắng, câu chuyện về sự nô lệ của con người vào vật chất, vào những giá trị ảo, cùng nỗi lo âu về sức khoẻ của cả một cộng đồng.
Những tưởng chị đã giã từ sân khấu, điều gì thôi thúc chị trở lại?

Sau Khúc nguyện cầu, tôi nghĩ mình sẽ giã từ sân khấu, để có thời gian ngồi viết. Nhưng mình vẫn là một con người sống trong thế giới hôm nay, mọi thứ xảy ra đều liên quan tới mình. Một thế giới mà chết chóc, nghèo đói lẫn lộn giữa những chiếc túi xách Louis Vuitton, Hermes, mắt kính Armani... Cơ thể trắng đề cập đến sự nô lệ của chúng ta vào vật chất. Làn sóng công nghiệp hoá đã cuốn phăng con người vào những ham muốn bất tận không thể dừng lại. Tại Trung Quốc, có thanh niên bán đi một quả thận để mua một cái iPad. Những mẫu quảng cáo quá ngọt ngào đang là những “cục đường” thao túng chúng ta, khiến con người mất dần đi nhu cầu thật sự. Con người ngày càng trở nên giống nhau, từ nô lệ tiêu dùng dẫn đến nô lệ của cái tôi.

Lẽ ra Cơ thể trắng sẽ công diễn vào tháng 10 năm nay, vì sao vở múa lại bị dừng lại đến năm sau?

Một diễn viên có thai, lỡ có gì đó với em bé thì nguy hiểm lắm. Cũng có ý định thay thế một diễn viên khác, nhưng không thể, vì cô ấy đã đi theo câu chuyện từ đầu đến cuối, trải qua quá trình khó khăn để ý thức về cái tự do, ý thức để không tự nguyện làm nô lệ, để được sống đúng là mình. Cơ thể cô ấy đã có một cái gì đó khác rồi, nên không thể thay thế ai khác. Thôi đành đợi cho cô ấy sinh xong.

Làm việc với những diễn viên trẻ, chị có khó khăn nhiều không để giúp họ tìm ra tiếng nói tự do cho cơ thể? Lắng nghe tiếng nói của cơ thể có phải là bài học sống với tất cả mọi người?

Vở diễn gồm năm người, một người làm nhạc, một ông thầy giáo già dạy tiếng Pháp đóng vai người quan sát, và ba diễn viên múa. Tôi đã trải qua rất nhiều lần chọn lựa để tìm ra người thích hợp với câu chuyện. Trải qua những vòng xoay của công việc, với những câu hỏi tới tấp được đặt ra để đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, có em không chịu được, không biết thế nào là múa nữa. Đó chính là lúc các em gặp gỡ những gì chưa biết, là lúc bắt đầu lý giải được những gì đang thao túng cái đầu của chính mình, thao túng khán giả, những người đang cùng họ tham dự cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm này. Phải đào bới ghê lắm, ghi chép cụ thể từng ngày, để ý thức cái gì hay, không hay. Đã quá lâu người ta quên hết ý nghĩa cơ thể. Giá trị cơ thể con người chúng ta không phải chỉ có tay chân, còn có tinh thần, có tư tưởng, có đau đớn, có đòi hỏi, có mệt mỏi... Chính cơ thể sẽ nói lên những điều mà nền công nghiệp hoá này đã bắt nó tự nguyện nô lệ.

Nguyên tắc của chúng tôi là có thể dừng lại bất cứ lúc nào nếu thấy không hợp, nếu thấy có chút bịp bợm. Nhưng thế nào là bịp, ai bịp? Rất khó để thấy được, nếu không phải từ chính họ. Thương lắm, vì họ đã dám đi thật sâu vào công việc dù vẫn phải sống, phải làm việc khác. Thương lắm bàn tay, bàn chân đó, con người đó đã làm việc thật thà thế nào, đi đến với nghệ thuật thế nào. Chính mình trị mình, đó là một ý nghĩa.

Những người có công việc ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không sẽ có tội lắm đấy.

Chị có bao giờ “trị mình” như thế chưa?

Trời ơi, đó là việc tôi làm xưa nay! Nghệ thuật là công việc khắc nghiệt, phải làm việc với nhiều đối tượng, với đồng nghiệp, với khán giả, với sân khấu... Ghê tởm nhất là khi mình đòi người ta phải thế này thế kia mà mình không trị mình. Phải có đạo đức chung. Giáo dục không chỉ ở lớp học, tự giáo dục lấy chính mình là hay nhất. Một triết gia Pháp đã nói: “Chúng ta hãy chăm sóc cho chính khu vườn của mình”. Hãy từ chính mình đã, trước khi nói người khác phải thế này thế kia. “Đừng bán tâm hồn cho quỷ dữ”, đừng bởi vì cái gì đó mà bán tâm hồn mình, đó là điều tôi đã học từ Goethe qua câu chuyện của Faust.

Lắng nghe tiếng nói của cơ thể, tiếng nói của môi trường, thiên nhiên... phải chăng là con đường để chúng ta thoát khỏi sự thao túng, sống cùng nhau, hài hoà với thiên nhiên?

Chúng ta thường bị trí thông minh của chính mình dẫn dắt và lạc lối giữa bao cám dỗ. Nhưng chúng ta đâu biết trí thông minh của cơ thể còn sáng suốt, minh triết hơn rất nhiều trí thông minh của cái đầu… Ngay cả với cơ thể mà mình không quan tâm, thì làm sao biết lo cho gia đình, quan tâm đến xã hội. Lắng nghe cơ thể mình chính là con đường đi tìm câu trả lời trong ký ức. Đừng trân mình ra thông minh từ sáng tới tối, hãy để cho mình trong khoảng lặng một chút.

Mỗi vở diễn của chị là sự khai hoang, tìm kiếm một con đường bên ngoài mọi con đường. Sự cầu toàn có bao giờ làm chị mệt mỏi?

Nghiêm túc không phải là nặng nề. Nghiêm túc là một giá trị. Một tác phẩm giá trị cũng giống như hạt kim cương, không thể chấp nhận nó bị tì vết, bị vỡ, bị bẩn. Với nghệ thuật, tôi không chấp nhận sự hời hợt. Cái gì cũng phải đi đến tận cùng, trải qua một chu kỳ sống đầy đủ để ý tưởng ấy tiêu hoá hết mới bàn đến cái mới. Đâu phải lúc nào mình cũng có cái gì đó để nói ra. Phải có thời gian, có trải nghiệm, có trả giá, và có tài nữa. Nguyễn Du từng nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ tôi làm gì cũng vất vả quá, nhưng tôi không muốn đánh lừa khán giả, không muốn thao túng khán giả. Khán giả có thể không biết, nhưng chính mình biết. Không thể vì sự sống, vì tiền mà quên đi trách nhiệm của người làm nghệ thuật. Chuyện làm nghệ thuật chỉ để kiếm ăn là chuyện toàn cầu. Có những tác giả làm vở mới liên tục, nhưng té ra vẫn là vở đó, chỉ với cái tên khác, ra cửa khác. Họ thấy buôn được cái đó nên cứ buôn hoài, mà chuyện buôn này đang xảy ra trên toàn cầu. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà bất cứ việc làm của người nào cũng đều có trách nhiệm với nhau.

Bây giờ con người không còn cần con người lắm. Bây giờ đi đâu cũng được hết, nhưng không thấy ai. Đông người lắm nhưng không biết ai tốt, ai không tốt.

Làm thế nào để chị có thể hài hoà giữa ký ức của mình với ký ức của tập thể, của cộng đồng, một ký ức quá nhiều tổn thương. Chị tìm thấy cái đẹp trong sự tổn thương ấy?

Ký ức là chất liệu của công việc. Ký ức chiến tranh, ký ức nhân loại vẫn tiếp tục trong mình thông qua những công việc nghệ thuật khác nhau... dần dần, tôi thấy ký ức của riêng tôi đã đi đến chỗ ký ức của nhân loại. Tại sao con người giết con người? Câu hỏi đó đưa mình đến ký ức nhân loại, để tìm được giải đáp.

Mỗi vở diễn tác động rất lớn đến tâm lý của cả một tập thể khán giả, đụng đến vấn đề của tập thể, ký ức của tập thể. Mối quan hệ giữa sân khấu và khán giả chính là ý nghĩa của nghệ thuật này…


Lần đầu tiên trình diễn trên đường phố Paris, chị đã treo tóc lên cây, lúc ấy chị nghĩ gì? Chỉ để tạo ấn tượng hay nó bộc lộ nhu cầu tự thân của riêng chị khi đặt bước chân đầu tiên đến với múa đương đại?

Cũng đơn giản thôi, con người tôi có... ba bàn tay, bàn tay thứ ba đó hơi ngốc ngốc, nên mới làm chuyện đó trên đường phố. Treo mình lên cây cũng là treo cổ cái gốc gác của mình để sống. Khi một dân tộc, một vùng đất như Đông Nam Á treo cổ văn hoá truyền thống của mình để ưu tiên phát triển kinh tế, để nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng lại không ra phương Tây, làm mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ thì chính dân tộc ấy đã tự sát rồi.

Một người luôn làm những việc khác biệt như chị có khó khăn nhiều trong cuộc sống thường ngày? Để có hôm nay, chị đã phải trả giá như thế nào?

Lặn lội cũng có, may mắn cũng có. Chẳng hạn hồi xưa, đi 10km phải có giấy phép, rồi đi 100km cũng cần giấy phép. Rồi trâu buộc ghét trâu ăn... Nhưng mình luôn cảm thông, vì mình đến sớm quá, làm những thứ sớm quá. Nhưng lạ một điều, thời bao cấp, đi đến đâu cũng gặp rất nhiều người tốt, lúc nào cũng vui vì gặp nhiều người tốt lắm. Còn bây giờ, gặp người tốt mà không biết có tốt thật hay không! Bây giờ con người không còn cần con người lắm. Bây giờ đi đâu cũng được hết, nhưng không thấy ai. Đông người lắm nhưng không biết ai tốt, ai không tốt... Vắng người lắm.

Là người gốc Việt sinh ở Tây Nguyên, mang một chút dòng máu Pháp..., khi suy nghĩ về bản thân, có bao giờ chị bối rối không biết mình thuộc về đâu? Làm thế nào để chị giữ được bản chất thuần Việt mà vẫn là con người của toàn cầu?

Đến phương Tây, một thế giới mà mình không hiểu, không gần gũi với nó, cảm xúc đầu tiên là thấy rất nặng trên vai. Mình thấy mình bị buộc vào cái cây rồi, muốn nhổ, muốn lôi nó xuống cũng không được. Dù có đi đâu chăng nữa, khi bước ra khỏi cái nơi mình đã lớn lên, kể từ đó mọi thứ mâu thuẫn. Cái không biết là người lạ, là những câu hỏi. Để khi quay lại ngắm cái cây, rất thú vị. Đất nước ở đâu? Đất nước trong cơ thể mình, dù mình đi bất cứ đâu thì cũng đi cùng với đất nước. Chúng ta có thể có nhiều đất nước trong mỗi người. Theo quan niệm của tôi, đó là giàu lên, là may mắn. Những đứa con lai là may mắn, vì có hai nền văn hoá trong người, đấy là cái số của mình. Nó mở mang cái đầu của mình ra, quan hệ với những cái khác mình... Nhưng tôi không còn dừng lại ở hai nền văn hoá đó, tôi đã rời đi nhiều nơi khác, văn hoá trong tôi là văn hoá đương đại. Đi cũng là để tìm một người tri kỷ, người mà mình ngưỡng mộ, gợi cho mình những ý nghĩa cuộc đời. Nhưng thật khó. Tôi khâm phục nụ cười của những người vô danh, trải qua khó khăn mà vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên. Có thể họ mang trong mình một cuộc sống còn ý nghĩa.

Ngoài múa, chị còn viết tiểu thuyết. Phải chăng viết giúp chị tìm thấy điều mà nghệ thuật múa không thể mang đến?

Tôi không thể không viết. Viết điều mình muốn là bắt ta làm ra ngôn từ – làm ra con người. Viết là da thịt, là đặc trưng đầu tiên của con người đối với tôi. Tạo ra ngôn từ, tạo ra văn hoá chính là để bảo vệ chúng ta khỏi bị thao túng.

Cuộc trở về Việt Nam lần này với chị vui hay buồn?

Nhìn cây cối, nhìn con người, thấy nhiều nguy hiểm lắm trong nghĩa tương lai. Không biết sức khoẻ, cơ thể, đầu óc của tập thể, của cộng đồng sẽ ra sao. Cho nên những người có công việc ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không sẽ có tội lắm đấy. Con người hôm nay không thấy một ngày. Một ngày trôi quá nhanh, cái gì cũng cụt hết. Cả thành phố mình không có toàn cảnh, chỉ nhìn tức thời. Đất nước chúng ta là vă n minh đồng ruộng, là nông nghiệp, nhưng người nông dân đang bị bần cùng hoá, ruộng đồng đang bị ximăng hoá.

Phải giữ gìn sức khoẻ cho mình, cho môi trường, và cho đất nữa.

thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường











NSND Nguyễn Công Nhạc
nguyên giám đốc nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam


Ấn tượng mạnh nhất, lôi cuốn nhất về chị là tư duy và cách hoá giải những vấn đề rất sâu, rất hóc búa của cuộc sống, của thời đại, thông qua ngôn ngữ múa hiện đại, còn rất mới không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới. Những ngày đầu, khi ở Việt Nam đang có những phản ứng chưa thuận chiều về tác phẩm của chị, thì đồng nghiệp các nước lại ghi nhận dấu ấn rất Việt Nam, rất Á Đông. Họ biết về chị nhiều hơn chúng ta!










Nhà thơ Nguyễn Duy


Từng cộng tác với Thuỷ hai vở đầu tiên Hạn hán và cơn mưa, Ngày xửa ngày xưa từ năm 1994 – 1997, khi thưởng thức tiếp Cánh đồng âm nhạc; Thế đấy, thế đấy; Khúc nguyện cầu, và bây giờ là Cơ thể trắng... mới thấy 20 năm qua cô ấy vẫn liên tục sáng tạo. Một con người cũng rất kỳ lạ, hoàn toàn tự học về múa, sống mạnh mẽ, quyết liệt, tự tin, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, có chút hoang dại của vùng Tây Nguyên. Ea tiếng Tây Nguyên là nước, Sola là một mình, cô ấy thật đơn độc trên con đường của mình. Một thân một mình về Việt Nam nghiên cứu văn hoá truyền thống để làm theo lối mới hoàn toàn, tự sáng tác, biểu diễn, rồi vận động các tổ chức quốc tế đem vở diễn đi hầu hết các châu lục, đưa mọi người từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tính tổ chức rất ghê gớm. Một sự đam mê hiếm thấy với văn hoá Việt Nam. Xuất hiện trên những tờ báo lớn của thế giới, những sân khấu lớn của nghệ thuật thế giới, từ châu Âu tới nước Mỹ, đi đến đâu gây tiếng vang lớn đến đó. Lăn lộn trong đời sống của người dân và tìm cho mình một lối đi để nâng văn hoá truyền thống lên đẳng cấp quốc tế. Việc đưa các cụ nông dân từ ruộng lúa Thái Bình lên thẳng những sân khấu sang trọng nhất thế giới, đi hết các châu lục là điều không ai có thể ngờ được.






Nghệ sĩ Lê Vũ Long
biên đạo múa nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Chị là một trong những người hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, đến với nghệ thuật sân khấu Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển. Mang nghệ thuật sân khấu, bao gồm cả nghệ thuật cổ truyền, dân gian, cổ điển, đến với thế giới trên một cương vị khác. Một phong vị khác, sâu sắc hơn, tính triết lý cao hơn so với những gì mà người nước ngoài vẫn thường thấy. Người có công mở ra cánh cửa để nghệ thuật Việt Nam có thể đường hoàng bước ra thế giới. Tác phẩm của chị toát lên phẩm hạnh, bề sâu của người nghệ sĩ, giúp chị gặp gỡ được với cộng đồng mình và nhiều cộng đồng khác.





































Phỏng Vấn



Thủy Ea Sola luôn tìm kiếm đàn ông

"Tôi luôn đi tìm kiếm cái khác mình, đó là đàn ông. Không có đàn ông, cuộc sống của tôi mất hết ý nghĩa. Là nghệ sĩ múa, tôi cảm nhận vẻ đẹp thân thể người đàn ông rất đặc biệt, nó trong sáng hơn cơ thể phụ nữ. Mặc dù thấy nhiều đàn ông không biết cách cư xử, nhưng tôi vẫn cảm động", Thủy Ea Sola tâm sự.

- Rất nhiều ý kiến không đồng ý khi chị tách rời 2 khái niệm múa truyền thống - múa dân gian và những phát ngôn của chị về "múa tuyên truyền", chị nghĩ sao?

- Đối với tôi, truyền thống và dân gian là hai khái niệm khác hẳn nhau. Dân gian là giá trị mang tính vùng miền, còn truyền thống ở cấp độ cao hơn, nó thể hiện những giá trị mang tính xuyên vùng miền, tính bác học. Ở Việt Nam, chúng ta xác định không rõ ràng hai khái niệm này và có khi đánh đồng nó. Khi tôi nói như vậy một số người đã phản ứng, nhưng dần dần họ hiểu ra.

Về múa tuyên truyền, tôi nghĩ có thể xem nó là một khái niệm, và ta nên có một tên gọi chính xác cho nó. Một vở múa đưa ra những nội dung phản ánh vấn đề mang tính chính trị nào đó thực ra cũng rất cần thiết. Tôi đơn giản chỉ muốn đề xuất những tên gọi chính xác rạch ròi hơn trong từng khái niệm mà thôi.

- Trong một số vở đương đại của chị như "Ngày xửa ngày xưa", "Hạn hán và cơn mưa" đều sử dụng diễn viên là người già, những người bấy lâu không còn tham gia vào đời sống văn hóa, bảo thủ và dường như không thuộc về nghệ thuật nữa. Chị đã thuyết phục họ như thế nào để họ tự tin đứng trên sân khấu?

- Tôi đã đi nhiều làng quê ở Thái Bình với mục đích duy nhất là gặp gỡ, tiếp xúc với những người nông dân ở đây. Những người phụ nữ mà tôi muốn đưa lên sân khấu, trở thành một phần trong vở múa của tôi, là những người sống suốt đời chỉ trong một cái làng, nhưng họ và những ngôi làng của họ từng trải qua chiến tranh. Và tất nhiên là họ từng tiếp xúc với những người Pháp, người Mỹ. Ký ức chiến tranh của họ rất rõ ràng. Tôi không tìm cách thuyết phục họ trở thành diễn viên mà tôi đến chỉ để nói với họ những điều trong ký ức của họ đã sẵn có. Chúng ta múa là để tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh VN.

- Trong vở "Hạn hán và cơn mưa" 2, cũng là một vở múa về đề tài chiến tranh. Chị định kể tiếp câu chuyện gì vậy?

- Hạn hán và cơn mưa 2 tập trung vào chủ đề: hãy nói không với chiến tranh. Người ta hay nói thế hệ già và thế hệ trẻ. Hai hệ thống ấy đại diện cho cái cũ và cái mới, cái hôm qua và cái hôm nay. Hệ thống cũ là một cái gì đã ổn định, từng ngày nó vẫn đứng yên một chỗ. Còn hệ thống mới là hệ thống công nghệ, phát triển mỗi ngày, liên tục update. Ký ức chiến tranh của hệ thống cũ và hệ thống mới rất khác nhau. Đa số những người của hệ thống cũ đã trải qua chiến tranh. Còn hệ thống hôm nay đã qua chiến tranh. Nhưng không phải vì thế mà họ không có ký ức của chiến tranh. Chỉ có điều những ký ức mà họ có là những ký ức ảo, nó được hình thành bởi thông tin, sách vở, Internet.

Hạn hán và cơn mưa 2 là đề tài chiến tranh nhưng chiến tranh mang tính toàn cầu chứ không chỉ ở VN. Tôi có thể dựng vở này ở một nước khác, nhưng tôi chọn VN vì đây là một đất nước đã trải qua chiến tranh. Bằng một cách nào đó tôi nói với các bạn trẻ của hệ thống hôm nay, rằng cha mẹ đã để lại cho chúng ta một thế giới đầy chiến tranh, tiền và quyền lực. Và chúng ta cố gắng không để lại cho con cháu mình trong tương lai một thế giới giống như thế giới mà cha mẹ chúng để lại.


- Múa đương đại là một ngôn ngữ hoàn toàn mới, ở đó đề cao yếu tố tâm trạng, xúc cảm của từng nhân vật, không lệ thuộc vào động tác và khước từ mọi khuôn mẫu có sẵn. Vậy khi làm việc với các diễn viên, chị thường nói gì với họ?

- Tôi nói: các động tác cơ thể của các bạn thể hiện chính xác những điều bạn tưởng tượng, suy nghĩ về câu chuyện mà bạn đang kể với khán giả. Tôi muốn mỗi diễn viên, tùy cá tính, vị trí, thân phận của mình mà thể hiện xúc cảm khác nhau. Với các diễn viên trẻ, tôi muốn họ hãy sống đúng với thời đại và đi hết hệ thống của mình. Bởi vì khán giả sẽ cảm nhận cuộc sống bằng chính tâm huyết của họ thể hiện trên sân khấu.

- Dần dần múa đương đại đã trở thành một khái niệm nghệ thuật quen thuộc với một bộ phận khán giả Việt Nam. Nhưng với số đông, đây vẫn là thứ nghệ thuật xa lạ và... khó hiểu. Theo cách của chị thì khán giả nên đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này với một tâm thế như thế nào?

- Đối với tôi, đương đại trước hết là một thái độ. Cần một thái độ thưởng thức nghệ thuật không đóng khung, không lệ thuộc vào các nguyên tắc đã được quy ước. Tất nhiên là múa đương đại vẫn còn khá mới mẻ với không chỉ khán giả mà cả những nghệ sĩ hoạt động trong ngành múa ở Việt Nam. Chúng ta cần thêm thời gian, không gian, sự cảm và hiểu của khán giả để không phải múa đương đại chinh phục chúng ta, mà để chúng ta trở thành chính nó. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng có rất nhiều cái bịp bợm, giả dối mang danh đương đại. Nghệ thuật vị nhân sinh là nghệ thuật không có giả dối. Nếu người nghệ sĩ mưu cầu cá nhân quá nhiều, thứ nghệ thuật mà anh ta mang đến cho khán giả là không đích thực.

- Có thể thấy không nhiều nghệ sĩ đi theo con đường nghệ thuật múa đương đại của Ea Sola. Chị nghĩ sao về điều này?

- Trong lúc lao động nghệ thuật, va đập với đời sống và bạn nghề, tôi nhận ra có nhiều người đi cùng tôi trên con đường tôi đang đi. Tất nhiên, không quá nhiều nhưng là nhiều hơn tôi tưởng. Và tôi tin con đường của tôi đi luôn có sự tiếp nối. Tôi không có nhiều ham muốn dựng vở riêng cho mình nữa mà muốn giúp đỡ người đi chung đường với tôi, để 10 năm, 20 năm sau chúng ta sẽ xây dựng được những tư tưởng, những tác giả thực sự "bền", tạo ra một hình ảnh mới về Việt Nam trong nghệ thuật múa.

- Là một nghệ sĩ danh tiếng đồng thời cũng là một nghệ sĩ sống và hoạt động nghệ thuật ở nhiều quốc gia, chị có thể nhận xét gì về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?

- Tôi nhận thấy là chỗ đứng của chị em Việt Nam hôm nay vẫn chưa vững chắc. Ở thành thị thì có vẻ yên lòng hơn, nhưng phụ nữ ở các vùng nông thôn vẫn thụ động, chịu đựng. Họ thực sự chưa có nhiều thay đổi. Cuộc đời của họ không khác gì cuộc đời của bà, của mẹ mình bao nhiêu. Rất nhiều trong số họ chưa dám nhìn nhận đúng về bản thân, về vẻ đẹp mà họ có. Họ cũng không có được cái nhìn đúng về đàn ông.

- Chị nói cần đàn ông nhưng tại sao vẫn chưa lập gia đình?

- Tôi không có ý định lập gia đình, và không sinh con chỉ vì ý nghĩ mình sẽ nương tựa vào nó lúc tuổi già. Bởi vì chính đó là cách thể hiện tính ích kỷ vĩ đại của con người. Họ muốn có con không chỉ vì chính đứa con đó, mà vì chính bản thân mình. Họ lo sợ tuổi già, nỗi cô đơn và sự bất trắc...

(Theo Đẹp)





















Thủy Ea Sola: 'Tôi yêu cơ thể của người múa'


"Có những lúc tôi rất 'một mình' và cảm thấy cô đơn. Tôi là người con lai luôn mang trong mình những suy nghĩ, băn khoăn về bản thân, về mảnh đất nơi tôi sinh ra, nơi tôi đã ra đi và lại quay về", biên đạo múa Ea Sola tâm sự nhân dịp trở lại Việt Nam với vở diễn "Ký ức - Hạn hán và cơn mưa vol.2".

- "Hạn hán và cơn mưa vol.2" với tên gọi "Ký ức" ra mắt công chúng Pháp vào tháng 11/2005. Khán giả nước này đã đón nhận tác phẩm như thế nào?

- Phản ứng của công chúng nói chung là rất tốt. Tôi nhận thấy thái độ ngạc nhiên của họ trước một tác phẩm múa đương đại Việt Nam. Điều đó khiến cho tôi cảm động.

- Nghệ thuật múa đòi hỏi người diễn viên phải có năng khiếu nhất định. Nhưng những người tham gia vào "Hạn hán và cơn mưa vol.1" chỉ đơn thuần là những nông dân. Vậy trong quá trình chọn diễn viên, chị đặt ra tiêu chí gì?

- Tôi không nghĩ đến việc họ có năng khiếu múa hay không. Tôi làm việc với nội dung và tôi chọn người của nội dung đó. Sau khi tiếp xúc với những cụ bà nông dân, tôi biết họ thuộc về nội dung của tôi, bởi đây là những người mang ký ức. Họ đã trải qua chiến tranh, mà không chỉ một cuộc chiến tranh. Họ đại diện cho Việt Nam lâu đời và tôi biết là tôi không nhầm.

Ngoài những yếu tố như sức khỏe, khả năng đáp ứng cho các chuyến lưu diễn, một điều rất quan trọng trong quá trình lựa chọn diễn viên là cảm xúc của tôi đối với từng người một.



Biên đạo múa Ea Sola. (Ảnh: Người Đẹp) 


- Vậy sự thay đổi diễn viên giữa hai phần vol.1 và vol.2 của "Hạn hán và cơn mưa" có ý nghĩa như thế nào?

- Đây là 2 vở múa khác nhau hoàn toàn, tuy chúng cùng nằm trong dòng chảy của những tác phẩm đề cập đến đề tài chiến tranh. Ký ức vol.2 là một tác phẩm dành cho giới trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh và chỉ biết đến cuộc sống dưới làn bom đạn qua truyền hình, điện ảnh và các mạng thông tin ảo khác. Tôi tò mò muốn biết thế hệ trẻ nhìn nhận thế nào về chiến tranh? Liệu các em có biết những giá trị của cuộc sống hôm nay đã được xây dựng từ đâu không? Tôi chất vấn mà cũng là để hiểu, để trả lời cho những khúc mắc của chính mình.

Hạn hán và cơn mưa vol.2 sẽ được giới thiệu tại Festival Huế vào các ngày 7, 8, 10/6 và tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội ngày 16/6. 

- Một vở múa dàn dựng cho những con người chưa hề trải qua chiến tranh. Vậy tại sao nó lại mang tên là "Ký ức"?

- Ký ức và kỷ niệm rất khác nhau. Những người không trải qua chiến tranh không có nghĩa là họ không có ký ức về chiến tranh. Họ được tiếp xúc với những năm tháng khốc liệt này qua lời kể của các bậc tiền bối. Tự họ cũng có thể tìm và hiểu về chiến tranh qua sách vở, qua truyền hình, qua các nguồn thông tin khác nhau. Đó là những ký ức ảo. Vấn đề là làm thế nào để những ký ức ảo đó có thể khơi dậy ý thức của con người về giá trị của hòa bình và thái độ kiên quyết nói "không" với bạo lực.

- Điều gì khiến chị tiếp tục trở lại với đề tài chiến tranh?

- Nghệ thuật đương đại đặt ra những câu hỏi về xã hội hiện tại, về con người và cuộc sống ngày hôm nay. Tôi từng bị sốc vì những cuộc chiến tranh và đặc biệt là sự kiện 11/9. Lần này những cảm hứng về sự tổn thương của một dân tộc trong chiến tranh được gắn liền với tiếng nói chống bạo lực - một vấn đề mang tính toàn cầu.



Diễn viên Nhà hát nhạc Vũ kịch VN tập luyện cho vở diễn. (Ảnh BTC cung cấp) 



- Những đặc điểm văn hóa phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại ảnh hưởng như thế nào đến con người và sáng tác của chị?

- Con người tôi phần nào đó thuộc về Việt Nam, phần nào đó thuộc về nước Pháp; phần nào đó thuộc về xã hội hiện tại, phần nào đó gắn liền với quá khứ. Tôi không thể tách biệt giữa dòng chảy văn hóa Khổng Tử, Lão Trang phương Đông với sự thu nhận văn học Pháp và triết học Đức trong con người mình. Tất cả những yếu tố đó hòa trộn vào nhau do quá trình thay đổi không gian và môi trường sống.

Trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, không ai là không chịu ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng khác với bắt chước. Tôi cho rằng ảnh hưởng có những lúc cũng rất quan trọng. Nhưng tác giả phải có được tiếng nói riêng.

- Múa đương đại là một thứ ngôn ngữ mới, đặc biệt là với khán giả Việt Nam. Công chúng đã đón nhận "Hạn hán và cơn mưa - vol.1" của chị một cách khá ngỡ ngàng. Vậy giữa vol.1 và vol.2, chị nhận thấy sự thay đổi như thế nào ở khán giả?

- Nói chung thì khán giả bao giờ cũng ngỡ ngàng trước một tác phẩm nghệ thuật bởi công việc của người nghệ sĩ phải luôn luôn mới. Nhưng liệu có cần bàn đến vấn đề này như một yếu tố quan trọng hay không? Đôi khi, tôi không chịu trách nhiệm về những cảm xúc của khán giả, vì mỗi người có một phông văn hóa, một thị hiếu thẩm mỹ riêng. Không thể đồng nhất giữa cảm nhận, đánh giá của một cá nhân cụ thể nào đó về tôi với con người tôi và những giá trị của bản thân tôi.

Tôi yêu cơ thể của con người khi múa. Đó là một thứ ngôn ngữ không lời, vì vậy, người múa được rất ít người hiểu.


Lưu Hà thực hiện 

























Hạn Hán và Cơn Mưa


















Thủy Easola & Phan Nguyên 





















Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.