Phan Cẩm Thượng
(1956 - ......)
(1956 - ......)
Họa sĩ, Nhà phê bình Mỹ thuật,
Chuyên gia hàng đầu về Mỹ thuật cổ Việt Nam,
Chuyên gia hàng đầu về Mỹ thuật cổ Việt Nam,
tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.
Tác phẩm đã xuất bản
1
(1989 Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng)
2
(1992, Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng)
3
Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên
(1995, Phan Cẩm Thượng – Nguyễn Tấn Cứ)
4
Họa sĩ trẻ Việt Nam
(1996, Phan Cẩm Thượng – Lương Xuân Đoàn)
5
Nxb Mỹ Thuật, 1997
6
Nxb Mỹ Thuật, 1999
Phan Cẩm Thượng – Cung Khắc Lược – Lê Quốc Việt
Phan Cẩm Thượng – Cung Khắc Lược – Lê Quốc Việt
7
Nxb Mỹ Thuật, 2002
8
Nxb Phụ Nữ, 2008
9
Nxb Tri Thức, 2011
10
Tô Ngọc Vân
Nxb Tri Thức, 2014
Về Bút Tháp cùng Phan Cẩm Thượng
Nguyên Ngọc
Tháp Bảo Nghiêm
Tôi quen anh Phan Cẩm Thượng được vài tháng thì anh rủ tôi đi thăm chùa Bút Tháp, hỏi tôi có thời gian ở được vài ba hôm không? Tôi ngạc nhiên: Ta ở lại đâu? Anh cười: Thì ở chùa, anh có ở chùa được không?... Về sau tôi mới để ý: khi nói về tôi thì anh gọi là “đi”, còn khi tự nói về mình thì anh bảo là “về”.
1.Anh Thượng có nhà bên Hà Nội, nhưng nói theo ngôn ngữ nhà Phật, đấy chỉ là nơi gửi, Bút Tháp mới là chỗ anh về. Tại đây anh có một phòng để ở và vẽ, một phòng nhỏ sát cạnh làm nơi chứa tranh, kho vàng thật sự của anh. Thoạt đầu tôi nghĩ anh Thượng về ở Bút Tháp là để vẽ. Hóa ra không phải. Quả Bút Tháp là một trong những ngôi chùa đẹp nhất nước, lại nằm chính giữa Kinh Bắc, một vùng văn hóa cổ và sâu nhất, quá lý tưởng cho một họa sĩ tìm đến.
Nhưng anh Thượng tìm về Bút Tháp, gần như định cư hẳn ở đấy chắc chủ yếu vì một điều khác: anh tìm đến với một niềm tâm sự u uẩn, xưa nay thời nào và ở đâu cũng có, ai ngờ dấu vết lại đậm nhất ở chốn cửa Phật này, đau đáu số kiếp con người. Thật vậy, đây đâu chỉ là một ngôi chùa, còn là nơi nhốt chứa nỗi đau thắt quặn của mấy con người, mấy cá nhân mà cũng là đại diện cả một giai tầng, thậm chí một xã hội, một thời, mà cũng có thể muôn thời.
Chùa Bút Tháp
Ngôi chùa này, anh Thượng bảo, không ai biết đích xác được lập từ thời nào. Hai tấm bia chính ở chùa, tấm sớm nhất “Sắc kiến Ninh Phúc Thiền tự bi ký” thế kỷ 17, đều ghi là “trùng tu”, lời bia rất văn hoa: “Ninh Phúc là ngôi chùa cổ, biệt danh Thiếu Lâm. Trên nền tảng của thánh hiền, nằm trong vùng Siêu Loại. Liền với dãy núi Tam Đảo. Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử. Đất Tiên Du vắng lặng hai bên...”. Trước đó chắc là một ngôi chùa làng nghèo, đã đổ nát, và hẳn cũng chưa có tháp nhọn như ngọn bút viết lên trời xanh để được gọi là Bút Tháp. Viết điều gì vậy? Đâu phải kinh Phật. Viết nỗi đau của con người.
2. Thế kỷ 17 là một thế kỷ loạn ly và đầy mâu thuẫn. Loạn nhà Mạc, chiến tranh Nam Bắc triều vừa chấm dứt thì lại bắt đầu cuộc nội chiến lớn nhất lịch sử, Trịnh Nguyễn phân tranh. Anh Thượng có lần nói, như một nhà xã hội học uyên thâm và trầm tư: Phong kiến mãi đánh nhau, mặc kệ làng xã tự trị. Cho nên đây cũng là thời kỳ làng xã hưng thịnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Và nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân gian, lên tới đỉnh cao, như thường vẫn vậy, không phải trong những buổi thái bình và ổn định của xã hội, mà trong thời loạn.
Khủng hoảng xã hội đổ bóng xuống những số phận cá nhân, tập trung vào tầng lớp cao nhất, tầng lớp thống trị. Chính ở đấy diễn ra những bi kịch thống thiết và cũng nhầy nhụa nhất. Chúa Trịnh khuynh loát, vua Lê chỉ còn cái bóng mờ. Trịnh Tùng bắt vua Lê Kính Tông phải thắt cổ tự tử, đưa Lê Thần Tông lên ngôi, ép Thần Tông lấy Trịnh Thị Ngọc Trúc là vợ góa đã có bốn con của Lê Trụ vừa mắc tội phải chết chém.
Sử chép: “Triều thần can gián, vua nói: “Trót rồi phải lấy”. Từ đó trời mưa dầm không ngớt...”. Người viết bia Ninh Phúc Thiền tự thật thâm thúy, văn bia ghi: “Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử...”. Cứ như muốn hỏi: lịch sử là một vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt chăng? Sao mà ở đây lại giống chuyện Trần Thủ Độ với Trần Thái Tông, Trần Liễu... đầu nhà Trần đến thế, tưởng chép lại nguyên si!... Và lạ thế, cả hai lần dấu vết của bi kịch lại đều rõ nhất, đậm nhất ở các chùa. Trong ý tưởng xây dựng, trong kiến trúc, và đọng sâu nhất trong các tượng.
Bút Tháp là nơi có nhiều tượng vào hàng đẹp nhất trong thế giới tượng cổ Việt Nam: hệ thống tượng Phật phong phú, nổi tiếng nhất là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay cực kỳ điêu luyện; hệ thống tranh khắc đá mà anh Thượng đã rất tinh tế bảo là vừa đa dạng vừa nhất quán theo thủ pháp nghệ thuật đảo chiều: “Nét chạm bề ngoài thì thô vụng nhưng kỹ xảo hết sức khéo léo tinh vi, tạo hình tượng thì ngẫu nhiên, tự do nhưng hết sức chắt lọc và khái quát, nhiều khối lớn có vẻ sơ sài nhưng đường nét rất vi tế, đục khắc trên đá mà cho cảm giác thoải mái như bậc cao sĩ múa bút thảo thư...”.
Song sinh động và độc đáo nhất ở đây là loạt tượng chân dung, không chỉ chạm khắc một đôi khuôn mặt, mà trưng ra đấy, trường trải với thời gian, diện mạo cả một triều đình, tầng lớp đứng đầu một xã hội đổ nát, một nhân quần đang cố vùng vẫy tìm đường thoát khỏi những đau khổ cùng cực của kiếp nhân sinh, tất cả đều cố giấu sau vẻ an tịnh của lớp áo khoác Phật giáo, mà rồi có giấu được đâu. Tượng chân dung ở Bút Tháp đông đúc khác thường, rộn rịp, chen chúc ở gian tiền đường. Chính giữa là Lê Thần Tông, vây quanh là các bà hoàng phi và công chúa của ông.
Phan Cẩm Thượng (ngồi) trong chùa Bút Tháp
3. Chủ trương xây Bút Tháp chính là bà Ngọc Trúc. Nay bà cũng đang ngồi đó, tại gian tiền đường, bên cạnh vua, đứng hàng đầu trong số tượng các bà phi. Đối với người đàn bà này, người nghệ sĩ vô danh thế kỷ thứ 17 không còn phải quá giữ gìn khắt khe như đối với vua. Nét khắc đã hằn sâu số phận và tính cách cá nhân. Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Khuôn mặt cương nghị, ẩn nhẫn, đôi mắt mở to biểu hiện con người từng trải và đau khổ”.
Có đêm, rất khuya, anh Thượng rủ tôi đến ngồi ở tiền đường, trước cái quần thể tượng kỳ lạ ấy, gồm vua cùng bao nhiêu bà cung phi và công chúa của ông, ở trung tâm là một người đàn ông và một người đàn bà thống khổ. Chúng tôi ngồi đó không còn biết là bao lâu nữa, ánh sáng chập chờn của tiền điện và không khí huyền ảo chùa khuya khiến cả không gian lẫn thời gian đều lãng đãng hư thực.
Đây là chùa hay là cõi nào, là đạo hay là đời, là chốn siêu thoát thanh tịnh hay là cõi trần thế xáo động? Sao lại đem bày nơi cửa Phật này lắm nỗi dục vọng và tuyệt vọng của con người đến vậy? Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt mở to tưởng như đã an tịnh mà kỳ thực còn kinh ngạc của người đàn bà đã sống và đau khổ bốn trăm năm trước. Anh Thượng gọi đấy là một đôi mắt “ẩn nhẫn”.
Ban ngày, khi tấp nập khách thập phương đến viếng, hương khói mịt mù, trông bà hoàng xưa như đã siêu thoát thành một vị phật bà yên tịnh, đã trả lời xong mọi câu hỏi khắc nghiệt éo le của cuộc đời; nhưng giữa đêm khuya, càng khuya và càng nhìn kỹ mới thấy đôi mắt ấy như mỗi lúc càng mở ra to hơn, ngơ ngác, sững sờ, tưởng chừng vẫn còn nguyên đó, đông cứng suốt bốn trăm năm, nỗi sững sờ của người phụ nữ vừa khóc chồng mới chết thảm khốc đã liền phải cưới lấy một ông vua bù nhìn mà mình không hề yêu. Và tôi bỗng có cảm giác bắt đầu lờ mờ hiểu ra được đôi chút điều đã khiến anh bạn họa sĩ của tôi tìm đến định cư nơi này.
Vậy đó, nghệ thuật là cuộc lần tìm theo dấu vết con đường giải thoát con người xưa nay vốn mãi trằn trọc đi tìm, nghệ thuật cũng chính là bản thân cuộc tìm kiếm nhọc nhằn và bất tận ấy. Bốn thế kỷ trước, người đàn bà đau khổ tận cùng nay vẫn ngồi kia từng đến đây trên con đường tìm kiếm thống thiết mà vô vọng của mình. Bà đã chủ động dựng nên nơi này, còn chủ động hơn cả Thần Tông chồng bà, như một lối mở đường giải thoát cho cả hai. Năm 1633, có thiền sư Chiết Tuyết từ Trung Hoa vào Đàng Trong rồi ra Thăng Long, lập chùa Phật Tích bên kia sông Đuống. Bà Ngọc Trúc lập tức đến nghe kinh, rồi xin cho trùng tu Bút Tháp để tính chuyện chính thức xuất gia.
Mất mười năm Bút Tháp mới hoàn thành, Chiết Tuyết từ Phật Tích chuyển sang trụ trì Bút Tháp. Bà Ngọc Trúc liền dẫn các con gái và một loạt hoàng thân quốc thích về hẳn Bút Tháp qui y. Anh Thượng bảo chính bà Ngọc Trúc là người đã cùng Chiết Tuyết phác họa và quyết định phương án kiến trúc Bút Tháp.
Trăng hạ huyền - khắc gỗ Phan Cẩm Thượng
4. Tôi có một chị bạn là họa sĩ, đã bỏ suốt mười năm đi khắp các đình chùa, lục khắp các bảo tàng và kho lưu trữ, chỉ để làm mỗi một việc: đo đạc các kích thước của những công trình ấy, lần ra tỉ lệ giữa chúng, để cuối cùng khám phá ra được cái hằng số kiến trúc đặc trưng.
Có được cái ấy, chị bảo, thì vẽ bất cứ cái gì, bằng cách nào cũng lập tức ra dân tộc, ra Việt Nam ngay, không lẫn vào đâu được. Hồn dân tộc chứa trong cái hằng số ấy. Qua con đường thống khổ tận cùng và nỗi khát khao giải thoát cháy bỏng, bà Ngọc Trúc đã tìm ra được cái hằng số kiến trúc cho Bút Tháp, để lại cho hậu thế công trình tuyệt mỹ này.
Anh Thượng tìm về đây cũng chính là đi tìm cái hằng số đó. Anh giảng cho tôi: không gian Bút Tháp là một không gian dùng dằng hết sức đặc biệt, nửa đóng nửa mở, mở mà đóng, đóng mà mở, nửa kín nửa hở, kín mà hở, hở mà kín, nửa quyết nửa không, nửa bỏ nửa giữ, trong không gian dường có chứa cả thời gian, chùa nhìn từ bên ngoài thì nhỏ nhưng đi vào lại rộng, mở mãi không cùng, càng đi càng mở, đi hoài không hết, bất tận, tổng thể hoạch định chặt chẽ, chi tiết lại rất khác nhau và tự do... Nghệ thuật Bút Tháp chạy giữa hai bút pháp bác học và dân gian, giữa sự chán đời thất thế và khát vọng lưu luyến trần ai, giữa hiện thực và ảo tưởng, hiện sinh và hư vô...
Vậy đó, có một ngôi chùa như thế, bên bờ con sông Đuống nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc cội nguồn, rất đạo mà rất đời, yên tịnh mà xáo động, dân dã mà uyên thâm. Và có một người họa sĩ, một người nghệ sĩ đã và còn muốn để hết cả cuộc đời đến tìm ở đấy cái hằng số cho nghệ thuật của mình, mà cũng là cho cả cuộc đời mình, đối với anh không hề, không thể tách biệt.
NGUYÊN NGỌC
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )
Xem tranh họa sĩ Phan Cẩm Thượng ở Mộc Châu
Tranh Phan Cẩm Thượng
Họa sĩ, nhà phê bình mĩ thuật Phan Cẩm Thượng: Trí thức Việt và hàng nghìn năm lề thói làng xã
Lê Mỹ Ý
Nhà phê bình mĩ thuật Phan Cẩm Thượng là người ít nói. Ông ưa ngồi lặng lẽ trầm tư, ưa “lánh mình” về những nơi chốn thâm nghiêm, yên tĩnh như những cổ tự, đình miếu...nơi ông đã có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu, khảo sát các di sản văn hoá cổ. Tư chất của người làm nghiên cứu văn hoá khiến nhiều tác phẩm của ông đi ra ngoài phạm vi nghiên cứu chuyên biệt về mĩ thuật cổ. Cũng chính vì nhiều năm độc hành để làm các chuyến điền dã, nên ông rất thấu hiểu văn hoá và lối sống làng xã Bắc bộ.
Ở một góc độ khác, sinh ra và gắn bó với Hà Nội, trung tâm sinh hoạt của giới trí thức được xem là tiêu biểu cho đời sống văn hoá Việt, nên ông cũng là người hiểu về tầng lớp trí thức một cách tường minh.
Trí thức Việt: thất bại nhiều hơn thành tựu
Trong đời sống văn hoá của chúng ta hôm nay, đang tồn tại một khái niệm ‘tâm lí làng xã”, đặc biệt, khái niệm này được “ám chỉ” cho tầng lớp trí thức, chứ không phải cho những người nông dân - những người đương nhiên gắn bó với làng, văn hoá làng và tâm lí làng. Từ góc nhìn cá nhân, ông có nhận thấy hiện tượng đó trong đời sống văn hoá, đời sống trí thức hiện đại Việt Nam hay không?
Theo nghĩa đen, làng xã là một cộng đồng dân cư nhỏ nhất trong xã hội Việt Nam, có tập tục riêng, hương ước riêng và cả tín ngưỡng riêng. Cách sống của người Việt trong làng xã hình thành nên tính cách người Việt, nên dù ra khỏi làng xã, tính cách ấy vẫn không mất đi, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ, như là một phương cách sống hữu hiệu ngay trong xã hội hiện đại. Tâm lí làng xã là một hình thái sống, còn sinh động hơn cuộc sống trong cái làng thật sự. Hình thái sống này không ngoại trừ tầng lớp trí thức, dù họ luôn được coi là những người cấp tiến. Bởi vì trí thức Việt Nam thất bại nhiều hơn là đạt được những thành tựu trong quá trình phát triển của xã hội.
Vậy theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại “hình thái sống” của “tâm lí làng xã”, một cách sinh động trong đời sống người trí thức. Có phải do hầu hết trí thức của ta hiện nay đều xuất thân từ nguồn gốc nông dân, chưa thể ngay lập tức thoát khỏi những tập quán, tâm lí văn hoá làng hay do tầng lớp trí thức của ta quá mỏng so với 80% dân số là nông dân, nên không thể tránh khỏi những tác động văn hoá ngược từ tầng lớp đông đảo này?
Khi đi ra khỏi làng, đại bộ phận trí thức không muốn quay lại, ví dụ những người thành đạt ở làng cổ Đường Lâm chẳng hạn. Điều đó cho thấy họ không lưu luyến gì với các tập tục già cỗi, một lối sống và cơ chế hành chính, không làm cho họ hoạt động tốt hơn. Người Việt có câu ‘Xấu đều hơn tốt lỏi”, nghĩa là những cá nhân quá xuất sắc so với cộng đồng, có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến tập quán cộng đồng, vậy nên không có anh ta thì tốt hơn. Ta thấy điều này trong việc tuyển mộ nhân sự ở nhiều cơ quan hiện tại. Con em trong nhà, người có tiền, người làm hài lòng mình trước, sau cùng mới đến người tài. Ở nhiều nơi, người có năng lực dần bị cô lập, rồi tự rút lui. Kinh tế thị trường gỡ lại cái này đôi chút, vì không có người giỏi làm ăn không khá được, nhưng trong các khu vực không tính đến hiệu quả kinh tế thì tình hình chẳng có gì thay đổi.
Điều lạ lùng, là ngay cả một tập thể những trí thức cấp tiến, có ngồi lại với nhau cũng trở thành một làng xã. Hình như trong tâm khảm của chúng ta có sự dẫn dắt của hàng ngàn năm lề thói làng xã. Nó đã nhập vào gene, nó cũng có sức mạnh nhất định, nhất là trong việc gạt bỏ ai, loại trừ ai ra khỏi cộng đồng mà không cần dùng đến các biện pháp hành chính. Ví dụ sức mạnh của dư luận, thư nặc danh, lời đồn thổi... người ta tin hơn là sự thực. Lối sống làng xã có khả năng bảo vệ người ta trong cộng đồng nhỏ hẹp, tạo sức mạnh trong các cuộc đấu đá, mà đấu đá là thường xuyên ở mọi nơi mọi lúc. Vấn đề là chúng ta có muốn ra khỏi làng xã hay không, khi mà làng xã cổ truyền thì tan rã gần hết rồi.
Càng trí thức càng... không muốn ai hơn mình (!)
Hiện tượng “tâm lí làng xã” trong đời sống của người trí thức Việt biểu hiện ra sao? Ông có thể nêu một vài ví dụ? Bi quan, yếm thế, bảo thủ, cục bộ, không mạnh dạn đón nhận cái mới, khó chấp nhận thành công của người khác, làm việc theo chỉ đạo ít chịu nghĩ sâu và không dám thể hiện cái tôi, theo đóm ăn tàn..v.v... Đó có phải cũng là biểu hiện của tâm lí làng xã?
Ví dụ thì dễ thôi, bạn kiếm được chút tiền, bạn có bồ... nhoáng một cái cả cơ quan biết. Nhưng bạn có sáng kiến, phát minh thì còn lâu người khác mới hay. Bạn in tập thơ, nếu không tặng đủ, ai cũng giận, tặng rồi cũng chẳng ai đọc. Là họa sĩ, bạn vẽ xấu thì người ta khinh, vẽ đẹp thì người ta ghét. Cái tâm lí làng xã trong trí thức lắm chuyện lắm... Tóm lại là không muốn ai hơn mình, càng là trí thức càng vậy.
Khi phê phán trí thức trước tiên phải xem thế nào là trí thức. Theo tôi trí thức có ba loại: trí thức dẫn đường, học giả và trí thức chuyên ngành (tất nhiên ranh giới giữa ba loại trên là tương đối). Trí thức dẫn đường là những người cấp tiến nhất có khả năng dẫn dắt dân tộc, những người loại này rất hiếm. Học giả thì có, nhưng nghiên cứu không sâu dẫn đến tác động xã hội không mạnh. Trí thức chuyên ngành, đã từng hình thành, nhưng do chiến tranh, khoa học chưa phát triển, đời sống kinh tế chưa cao, nên đáng lẽ phải có rất nhiều trí thức chuyên ngành thì lại ngày một ít đi, thay vào đó là một đám giả trí thức. Đã là trí thức chuyên ngành thì phải có khả năng lao động độc lập trong môi trường trí tuệ, đưa được học thuật vào thực tiễn. Ngoài đám giả trí thức, hay bên cạnh một số rất ít những trí thức chuyên ngành, còn có những thợ bậc bẩy.
Nếu ba đối tượng trí thức trên hình thành và phát triển mạnh trong xã hội ta, thì chúng ta đã không phải phàn nàn nhiều về tâm lí làng xã trong trí thức. Tiếc thay có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà giáo ưu tú... nhưng đụng vào một việc cụ thể thì chỉ thấy huyên thuyên, trừu tượng, hoa mĩ, nói những điều không nghĩ và nghĩ những điều không nói. Còn lại là đám học trò mà thôi.
Nói riêng trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ, người sáng tác, nhà nghiên cứa, nhà phê bình...
Ông thấy sự biểu hiện của hiện tượng này như thế nào?
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi có chuyên môn thật, nên nhìn chung ai có nghề cao đều có khả năng tránh được những thói hư tật xấu của nếp sống làng xã, vì thời gian dành cho sáng tác đã không đủ còn hơi đâu nghĩ đến chuyện người khác. Tuy nhiên có những nghệ thuật phải hoạt động tập thể, như kiến trúc, sân khấu, điện ảnh thì nếp sống làng xã vừa giúp cho hoạt động này dễ dàng hơn, thế nhưng để đi đến một tác phẩm đỉnh cao thì khó vô cùng vì nó đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp của cả một tập thể. Các hội đoàn nghệ thuật cũng là những cái làng theo nghĩa nào đó. Đã là làng thì phải có lí trưởng, chánh tổng, hội đồng kì hào kì mục, có khao vọng, chia xôi oản và góc chiếu giữa đình.
Trong thời đại hội nhập hôm nay, “tâm lí làng xã” liệu có là lực cản, là những tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của đời sống văn hoá, sự tiến bộ của người trí thức và làm chậm quá trình hội nhập không?
Cho đến những năm 1970, đại bộ phận trí thức vẫn sinh ra từ nông thôn, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tôi vẫn hằng mong nông thôn có nhiều trí thức để giúp cho nông dân và nông nghiệp, thế nhưng rất ít người đi học, có trình độ rồi quay lại nông thôn. Mọi hoạt động cần đến trí thức ở nông thôn, trừ các phương diện quốc gia: thủy lợi, điện lực, giao thông, đều do người nông dân tự mầy mò. Kết quả là cho đến nay, cơ khí hóa nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, bảo quản thực phẩm... hầu hết là người nông dân tự mua của Trung Quốc, hoặc tự tạo, tự sử dụng, không ai hướng dẫn, gây ra những tổn hại không nhỏ về môi trường và an toàn thực phẩm trong xã hội.
Trong thời đại hội nhập cần có một chiến lược về trí thức, nếu không các công ty nước ngoài sẽ cám dỗ hết những người tài, mà nhà nước thì mất công đào tạo. Sự phát triển thực tiễn của công nghệ dẫn đến bỏ rơi nghiên cứu cơ bản trong khoa học, vì coi rằng ta chỉ ứng dụng, còn nghiên cứu cơ bản sao bằng được Tây. Các trí thức khoa học xã hội cũng có nguy cơ bị bỏ xó, vì người ta không thấy ích lợi kinh tế từ họ. Những điều trên dẫn đến một bộ phận trí thức công nghệ trở thành tầng lớp trung lưu, bộ phận còn lại co cụm với đồng lương và tiền dự án lèo tèo, và rồi lại quanh quẩn trong cái làng của mình, uống rượu vặt, làm thơ thế sự và bị đám trí thức giả o ép.
Tình hình hiện nay không phát triển không được, không hội nhập không được, không có chuyên môn không được, ở đây có sự xích lại gần giữa khoa học và nghệ thuật, tạo ra động lực xã hội hiện đại. Giữa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và kinh tế khoa học của chúng ta hiện nay vẫn có khoảng cách, nhà kinh doanh không cần đến văn nghệ, hoặc cần thì coi văn nghệ như là đồ trang sức làm sang. Có thể ta sẽ giầu có, nhưng văn minh và phát triển vẫn còn ở phía trước.
Thang bậc trí thức của chúng ta không cao so với thế giới
Có thể khắc phục “tâm lí làng xã” trong đời sống tinh thần của người trí thức Việt Nam hay không? Và việc khắc phục sẽ là chuyện một sớm một chiều nêu người trí thức biết tự nhìn nhận điểm yếu của mình và nỗ lực khắc phục nó, hay ngược lại, là chuyện không tưởng?
Vẫn có nhiều trí thức ở làng, sống và sáng tạo ở làng, có những đóng góp vượt ra ngoài lũy tre xanh. Hình như vấn đề không phải là có tâm lí làng xã hay không, mà vấn đề năng lực chuyên môn đến đâu. Nếu bạn nói chuyện về một lão nông thực sự, một thợ máy giỏi, một thày giáo làng nghiêm túc, họ đều nhìn nhận được thấu đáo về xã hội. Người trí thức, dẫu còn tồn đọng tâm lí làng xã, nhưng là nhà chuyên môn thực sự, khi gia nhập xã hội công nghiệp hiện đại, họ cũng nhanh chóng hòa nhập và chấp nhận cái mới. Ở phố mà lạc hậu còn mệt hơn ở làng mà cấp tiến.
Nhìn rộng hơn, làng xã là một môi trường. Tự chúng ta đã biến các cơ quan, xí nghiệp, trường học hiện đại thành những cái làng, và đường nhiên cán bộ, công nhân, thầy giáo học sinh ở đó cũng biến thành những người nông dân thủ cựu. Không thể có chuyện cơ quan công sở của xã hội hiện đại mà người đứng đầu lại không phải người có trình độ, nhân viên không biết việc những lại không thể thải hồi, không thể tiếp nhận người có năng lực nếu sai nguyên tắc hành chính. Đó chính là cái làng - cơ quan trong đời sống hiện đại. Môi trường sinh ra tâm lý. Làm gì có tâm lý làng xã trong một công ty nước ngoài ở Việt Nam? Ai làm được việc thì trụ lại, ai không làm được việc thì mời đi ra, năng suất lao động là tiêu chuẩn đánh giá. Đây chính là ván đề, khi ta đánh giá con người bằng năng suất lao động thì tâm lí làng xã sẽ tự thủ tiêu.
Ngoài tác động tiêu cực, tâm lí làng xã cũng có những mặt tích cực. Theo ông, đâu là điểm tích cực? Làm thế nào để mặt tích cực này được phát huy tối đa và mặt tiêu cực bị triệt tiêu triệt để?
Những tập tục hay và dở của làng xã đều cần thiết cho sự tồn tại của nó. Ví dụ thói lười học ngoại ngữ đã bảo tồn được tiếng Việt qua nhiều lần bị ngoại xâm đô hộ, mà giữ được tiếng nói tức là phần quan trọng nhất của dân tộc vẫn nguyên vẹn. Coi mọi người như đồng bào, anh em, coi trọng tình nghĩa, chia sẻ trong khó khăn... đều là những đức tính tốt sính ra từ đời sống làng xã. Tuy nhiên từng mặt một sẽ trở thành nhược điểm trong xã hội hiện đại. Ta buộc phải có ngoại ngữ, phải coi nhau là công dân, phải bớt cảm tính trong khoa học và công nghiệp. Một số thứ cần phát huy truyền thống và một số thứ cần phủ nhận truyền thống.
Tâm lí làng xã mà chúng ta đề cập tới trong cuộc trò chuyện hôm nay chỉ là một khía cạnh nhỏ trong những biểu hiện đời sống tinh thần và diện mạo của người trí thức Việt Nam? Và theo ông, đâu là những đặc điểm tiêu biểu nhất của tầng lớp này?
Có hai điểm quan trọng nhất của người trí thức là đức tính hi sinh và khả năng kiên trì nghiên cứu, thì trí thức Việt Nam đều thừa, mặc dù họ rất thông minh.
Trong tương lai gần, tầng lớp trí thức Việt sẽ phát triển, hội nhập với thế giới ra sao? Khi lĩnh vực giáo dục đào tạo đang được ưu tiên cải tổ như hiện nay, trí thức Việt sẽ lớn mạnh cũng như phát huy được năng lực của mình hay không? Ông mong muốn như thế nào về người trí thức?
Tầng lớp trí thức tự nó giống như một dòng sông, lúc nào cũng muốn hòa nhập với con sông lớn hơn và vươn ra biển cả. Có thể nói, điều kiện học tập của chúng ta đã tốt hàng nghìn lần so với hai ba mươi năm trước, nhưng phương thức giáo dục chẳng cải thiện được bao nhiêu, quy luật đào thải tự nhiên chưa được chấp nhận. Cái đó dẫn đến học sinh phải học hành nhiều, mà chuyên môn vẫn không sâu, chúng ta tốn kém để giỏi nhiều thứ vô tích sự, do đó hình thành những trí thức vô tích sự. Hội nhập trí thức là một tất yếu, đã diễn ra và đang diễn ra. Có người muốn hội nhập mà không được. Có người bị hội nhập, dẫn đến hội nhập thụ động. Lại có người chỉ hội nhập được từng phần. Rất ít người có thể chủ động hội nhập. Thang bậc trí thức của chúng ta không cao trên thế giới, nhất là trong khoa học công nghệ.
Xét cho cùng cái thời của giai tầng trí thức như là tinh hoa xã hội đã qua rồi, trí thức mang tính nhân loại và những xã hội phát triển thì tất cả đều là trí thức theo nghĩa chuyên môn. Tôi hướng đến một tầng lớp trí thức như vậy, như đạo Phật nói: quý tiện, hiền ngu, bình đẳng.
Nguồn: Trò chuyện với họa sĩ - NXB Thời đại
Họa sỹ Phan Cẩm Thượng: "Cuộc đời như giấc mộng
Một buổi sáng đột nhiên thật dịu mát của mùa hè Hà Nội, anh dẫn chúng tôi qua cầu Long Biên, về lại với những dòng sông yên ả, về với làng Gióng, về với sư thầy của chùa Kiến Sơ, tổ đình của thiền phái Vô Ngôn Thông, nơi xưa kia Lý Công Uẩn tu tập…
Nhìn hai thầy trò ríu rít trò chuyện bằng lối nói nhà quê thân thuộc, chuyện lớn chuyện nhỏ gì trong chùa sư thầy đều đem ra hỏi ý kiến, nhờ cậy anh, mới hiểu tình yêu Phan Cẩm Thượng dành cho làng quê da diết đến chừng nào
Sau một loạt sách nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, lý do gì khiến anh chuyển hướng sang nghiên cứu về nghệ thuật đời thường?
Với tốc độ phát triển quá nhanh của một xã hội công nghiệp, tôi nhìn thấy những dòng sông đang cạn dần và chết, những cánh đồng chen lẫn nhà máy đổ nước thải tự do, những bãi bồi đầy lò gạch và những người nông dân bất đắc dĩ trở thành thị dân… Đặc thù văn hoá dân tộc đang bị thu hẹp thay thế bằng văn hoá toàn cầu, nông thôn cổ bị phá vỡ bằng những đô thị mới, và khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng lên… Trước sau gì thì làng xã truyền thống cũng tan rã, nhưng người nông dân sẽ ra sao và nền văn minh Việt sinh ra từ làng xã sẽ ra sao? Thẩm mỹ luôn gắn chặt với đời sống, nhưng chỉ cần tìm hiểu trước đây 20 năm thôi, người Việt sống, ăn ở, mặc… thế nào cũng đã rất khó khăn, chưa kể những sinh hoạt văn hoá. Từ cày cuốc, rổ rá, chén bát, đến trang phục, trang sức, xe cộ, đường sá, nhà cửa… cũng đã mất gần hết, có chăng chỉ còn trong bảo tàng. Với hai tác phẩm Nghệ thuật ngày thường, Văn minh vật chất của người Việt, và tham gia viết lời bình bộ phim tài liệu 24 tập Đi tìm trang phục Việt (TFS), tôi chuyển sang nghiên cứu xã hội rộng hơn, đồng thời gắn bó hoạt dộng nghệ thuật với nhiều mặt xã hội nói chung, để tìm ra những quy luật sống nhất định có thể xảy ra trong thời gian dài.
Câu chuyện Hà Nội mở rộng cũng chính là câu chuyện người nông dân ở phố, anh nhìn thấy điều gì liên quan đến từng số phận con người?
Chuyện người nông dân trở thành thị dân là một chuyện lớn. Khi làng trở thành phố, người ta thường nhìn thấy mặt tốt của nó, nhà cửa to hơn, đường sá sạch sẽ hơn, nhưng ít ai quan tâm người nông dân sẽ làm gì khi không làm nông nghiệp hay làm ruộng? Các lề lối, đạo đức gia phong của làng bỗng dưng mất đi, họ trở thành dân “vô chính phủ”, chẳng cần biết luật giao thông, chẳng cần biết đến an toàn thực phẩm. Không một chuẩn bị nào cho người nông dân bước vào nền sản xuất và sinh hoạt mới là mặt dở khó chữa nhất của làn sóng đô thị hoá quá nhanh. Chính sự không chuẩn bị đó làm cho sự đổ vỡ diễn ra mau hơn. Cái lãi về kinh tế sẽ không bù lại được cái lỗ về môi trường, đạo đức nhân văn. Nông thôn Việt Nam luôn luôn là nơi phức tạp, đầy biến động, kể cả trong chùa. Đó là một bể dâu chìm nổi, không giản đơn như vẻ ngoài bình yên của nó. Chẳng ở đâu cọ xát với dân chủ, đạo đức, lối sống, tập tục, quan lại tham nhũng như ở nông thôn.
Nhà nghiên cứu Nghệ thuật Nguyễn Quân:
"Thiên về nghệ thuật cổ cả trong nghiên cứu và sáng tác, nhưng hoạ sĩ cũng là một người đương thời, dấn thân, rất hữu trách với mọi thứ tân kỳ, mọi thế sự của nhân gian trước mắt."
Hoạ sĩ Nguyễn Anh Tuấn:
“Thường nhân sống trên cõi đời chỉ là để đi đến cái chết, chẳng có mấy ai sống để trưởng thành. Những người trưởng thành như những cây đại thụ khổng lồ cắm sâu chiếc rễ của mình vào mảnh đất mẹ, vào nền văn hoá thâm sâu của dân tộc và nhân loại, mới là những người có cuộc sống vĩnh hằng bất tử” – câu này của thiền sư Osho (người Ấn, 1931 – 1990), tôi thích và tôi nghĩ rằng nó đúng với thầy Thượng.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương:
"Vừa là hoạ sĩ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, cái hay của anh là đứng ở giữa để đưa ra ý kiến mà trước đó chưa ai nói được: Mỹ thuật cổ của người Việt là mỹ thuật ở làng. Điều quý giá hiếm hoi là anh đã tạo ra được lứa học trò tiếp thu được niềm đam mê với mỹ thuật cổ và văn hoá Việt từ anh."
Anh nghĩ gì về vai trò của người trí thức để nâng cao dân trí cho một đất nước hơn 80% là nông dân? Người trí thức đã thực sự nói được tiếng nói của mình?
Người trí thức phải tình nguyện đi về nông thôn, lăn lộn rất nhiều với nông dân mới có thể giúp nông dân một cách hữu dụng cả về kinh tế và nghệ thuật, từ nghệ thuật xây nhà, gìn giữ môi trường, đến gìn giữ những di tích cổ. Nhà nước cũng dành nhiều công trình khoa học thiên về kinh tế, chứ ít đầu tư những công trình về khoa học nhân văn.
Nói chung, trí thức Việt Nam có thể cảm thấy tiếng nói của mình không hiệu quả gì, nên không nói, hoặc nói bằng cách khác. Cách nói của tôi là nhìn những vấn đề xã hội bằng nghệ thuật. Xã hội bất ổn bởi quá nhiều vấn đề, nhưng có thể giải quyết từng phần, mà quan trọng nhất là xây dựng ý thức cho từng người dân để gìn giữ môi trường sống và môi trường văn hoá, có như vậy dân tộc mới lành mạnh. Nếu người dân coi chuyện đút lót là đương nhiên, nếu quan chức coi chuyện vơ vét của dân là bình thường, sẽ tạo ra sức huỷ hoại vô cùng đáng sợ. Trong mỗi một con người phải có một chút tôn giáo để biết nhân quả, hiểu cuộc đời chỉ là tương đối, nếu không người ta sẽ lao theo vật chất không biết dừng.
Có nhiều người cay đắng than thở rằng “thời buổi này cái gì không giải quyết được bằng tiền, thì giải quyết bằng… rất nhiều tiền”. Là một hoạ sĩ, một nhà giáo, anh có thấm thía nỗi đau đó không?
Có tình trạng thi cử thì đút lót, làm ăn thì tham nhũng, văn hoá thì chạy theo bề nổi, không thực chất, muốn xem bức tranh đẹp cũng chẳng biết xem ở đâu. Biết bao nhiêu người có trình độ mà không phải là giáo sư tiến sĩ, và ngược lại, biết bao giáo sư tiến sĩ không có trình độ. Hai “khu vực” ấy càng không chơi được với nhau thì những giá trị thật càng không có khả năng lộ diện.
Trong kinh tế thị trường, ai có thực nghề thì ít nhất cũng có cuộc sống trung bình. Tôi từng có rất nhiều tiền, nhưng nói chung là không có tiền. Tôi không nhận của ai một đồng nào nếu đó không phải là tiền mình làm ra. Là một trí thức, lo lắng, cống hiến cho xã hội mới khó, còn cuộc sống cá nhân thì vui buồn cũng chỉ thoảng qua thôi…
Trong thời buổi nhiều người hốt hoảng vì khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng đời sống cá nhân, anh có bao giờ rơi vào khủng hoảng?
Không. Chỉ buồn thôi, chứ không tới mức khủng hoảng. Tôi học Nho giáo, học đạo Phật từ bé nên đã xây dựng cho mình một quan niệm sống rõ ràng, coi cuộc đời như giấc mộng. Hoặc mộng lành, hoặc mộng không lành, có gì mà hốt hoảng. Chỉ có một nỗi buồn lớn nhất là con đường phát triển của dân tộc hiện tại đã phá huỷ môi trường, văn hoá tinh thần mạnh quá. Dòng chảy theo đuổi kiếm tiền cũng mạnh quá, ít ai quan tâm đến việc thưởng thức nghệ thuật, làm giàu có cho tâm hồn. Chẳng lẽ con người sống nghèo nàn đến thế sao. Tôi từng xem chương trình giới thiệu thành phố Thành Đô bên Trung Quốc, ở đây họ chủ trương sống ít tiền để hạnh phúc. Kiếm tiền vừa phải, xây dựng ít, dành thời gian đi xem phim, học nhảy, đi hát. Đây cũng là thành phố có truyền thống về đạo Lão, tu tiên. Cả thành phố đã trải qua một trận động đất, bao nhiêu tích cóp tan tành trong chốc lát, nên họ hiểu hơn ai hết rằng nếu không biết thưởng thức cuộc sống ngay lúc này mà chỉ biết kiếm tiền thôi thì chết đi cũng chẳng biết cuộc đời hay dở thế nào.
Từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó, phải gánh từng gánh nước thuê kiếm tiền nuôi sống bản thân, bố mẹ lại chia tay nhau, làm cách nào anh có thể tự học để tạo ra phong cách khác biệt trong tranh, và lựa chọn được cách sống trung dung, tự tại?
Học cái gì mình thích sẽ giỏi, sẽ sống được. Muốn thế, phải dũng cảm theo đuổi tới cùng. Ngay từ nhỏ tôi đã thích nghệ thuật, mê chữ Hán, mà cái ấy nhà trường không dạy. Đến trường môn nào tôi cũng mấp mé trượt, chẳng học được gì, thế là tôi quyết định tự học. Tôi không học vẽ theo kiểu nhà trường, cũng không học vẽ theo kiểu Tây phương, mà học theo lối vẽ dân gian, tranh thờ, các phù điêu đình làng, tượng Phật… Về kỹ thuật, tôi ảnh hưởng trường phái Phục hưng, hội hoạ lập thể và Mêhicô, nhưng phẩm chất, tình cảm thì hoàn toàn phương Đông.
Nhà có chín anh em, tôi đã trải qua những ngày dài bị đói khủng khiếp, chỉ có một nỗi ám ảnh là làm thế nào qua được những cơn đói. Muốn bình tâm lại, phải rèn luyện mới có được, vì cuộc sống lúc nào cũng như ngựa chạy. Thiếu một tí cũng được, vẽ tranh, đi du ngoạn, đọc sách để hiểu biết thêm cần thiết với tôi hơn. Vả lại tôi sống cũng giản đơn, không uống rượu, không ăn nhiều, quần áo có gì mặc nấy, chấp nhận sống thế. Nhưng tôi rèn luyện sức khoẻ hàng ngày, để không bị ốm, không phải đi bệnh viện, vì tôi chẳng có bảo hiểm y tế! Sống vui vẻ, khoẻ mạnh, nhiều nhu cầu về phía văn hoá nghệ thuật, tinh thần mạnh thì tất cả cái khác cũng tốt lên theo. Viết, vẽ, dạy học là ba công việc mà tôi làm đều đặn, thường xuyên, để sống được, và để theo đuổi nghệ thuật.
Cuộc đời anh gắn với những ngôi chùa, điều gì đã khiến anh rời bỏ chốn thị thành, để tâm vào việc gìn giữ những báu vật cổ xưa?
Mỗi người chúng ta sống giỏi lắm được 100 năm. Tìm về những di tích cổ, hiểu biết quá khứ, có một nhìn nhận xa hơn về tương lai chính là khả năng sống quá cuộc đời thực của mình. Càng hiểu biết sâu càng làm cho đời sống tinh thần viễn vọng hơn. Đó cũng là cả một quá trình học, từ chỗ thấy nó đèm đẹp đến lúc đọc được nó. Mỗi chiếc bình cổ là cả một câu chuyện, một tâm tình, giúp ta gần gũi với con người của hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Một ngôi chùa là một câu chuyện khác nhau, phải sống ở đó đủ lâu để hiểu nó, mới có khả năng gìn giữ nó. Chùa Bút Tháp là nơi gắn với số phận tôi, nơi tôi chia sẻ nhiều nhất, cũng là quê ngoại của tôi. Đây là nơi tôi ở lâu nhất, giống như trở về nhà. Nhưng cũng đau lắm vì nhiều nơi không giữ được di tích, hàng trăm ngôi chùa bị phá đi, sơn phết lại tất cả, người ta đem những tượng Phật mới tinh, trắng phau ra trưng nhìn nhức mắt lắm.
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn trong một bài viết đã gọi anh là người “tu dở”, nhưng đọc những tác phẩm anh viết, thấy anh luôn dấn thân một cách điềm đạm và kiên định?
Có lẽ do tôi ở trong chùa quá lâu, nhưng như thế không có nghĩa là tôi đi tu, tôi đến chùa để biết, để nhắc nhở mình cuộc sống là vô thường, sau đó là đi về, chứ đó không phải là nơi chốn của mình, không phải cái đích mình đi đến. Cuộc sống có gì thì mình sống như thế, không đi trốn.
Đọc những bài anh viết về chân dung các hoạ sĩ, thấy anh có vẻ rất gần bạn, rất hiểu bạn?
Tôi chỉ xem tranh, trông mặt, không cần phải gần gũi họ nhiều, như ông Nguyễn Sáng, cả đời tôi mới gặp vài chục phút, để viết Em bé da đen. Đọc được người khác khó lắm, tôi chỉ đọc được trên phương diện nghệ thuật, còn chuyện đời tư thì chịu. Nghệ thuật không thể nói dối được, càng nói dối càng lộ diện. Tôi không có nhiều thời gian dành cho bạn, nhà tôi cũng ít ai đến chơi. Thực ra cuộc sống cũng chẳng phức tạp như mình hay suy nghĩ, người ta phí phạm nhiều thời gian vào những chuyện không đâu. Tôi chỉ cố gắng làm một số việc cho ra hồn, còn thì đi du ngoạn, ngắm nhìn cho sung sướng.
Anh “nhận” được gì từ những chuyến đi? Nếu có một điều ước, anh sẽ ước gì?
Đi để hiểu được những dân tộc khác, những nền văn hoá có quan hệ với văn hoá mình. Tôi đi Mỹ nhiều lần, nước Mỹ là nơi phản chiếu nhiều điều của nhân loại, phải đi mới biết mình thiếu cái gì. Người Mỹ rất cẩn trọng, lao động chuyên cần, sáng tạo, học hành tự do, luật pháp nghiêm khắc. Đây cũng là đất nước số một về đầu tư nghiên cứu văn hoá toàn thế giới. Thế nhưng một người bạn Mỹ của tôi lại chọn Zimbabwe để cống hiến phần đời còn lại. Khi tôi hỏi bà cuộc sống ở đó có khó khăn lắm không, bà hỏi ngược lại tôi: “Anh tưởng ở Boston cuộc sống dễ dàng hơn à? Tôi không nghĩ nơi nào khó khăn hơn nơi nào. Người Việt Nam nghĩ gì về cuộc sống?” Tôi trả lời bà: “Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền, cuộc sống chất lượng kém, mà chính là không nhìn thấy tương lai”. Một bà già 60 tuổi mà xông vào một vùng đất hoang vu như thế để dạy lũ trẻ con suốt ngày nặn những chú ngựa vằn đồ chơi cho trẻ nhỏ cũng có cái sướng riêng của bà… Mỗi người phải tự tìm ra chốn bình yên của mình thôi, đừng để tâm hồn mình bị hỏng thì rất khó chữa trị.
thực hiện Kim Yến
chân dung hội hoạ Lê Trí Dũng
chân dung nhiếp ảnh Trần Việt Đức
(Nguồn: SGTT)
Phan Cẩm Thượng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Phan Cẩm Thượng, Họa sĩ Nguyễn Quân, nhà báo Nguyễn Trọng Chức
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.