Hồ Hữu Thủ
(1940 - 2024)
Họa Sĩ
hưởng thọ 84 tuổi
Dấu tay này tồn tại ngày 27.09.2012
Hồ Hữu Thủ sinh năm 1942 tại Thủ Dầu Một, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Quốc Gia Sài Gòn năm 1964.
Nguyên giảng viên trường CĐ MT QG SG,
hội viên Hội Họa Sĩ trẻ trước 75.
Hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP/HCM.
Có tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật TP/HCM.
Ông đã triển lãm tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông qua đời ngày 9/9/2024 tại Sài Gòn
Hưởng thọ 84 tuổi
"Cái thực trong sáng tạo không có nghĩa là cái chúng ta đã biết, mà là cái chúng ta lấy ra trong tâm thức của chính mình ...
Hội họa trừu tượng là một hiện thực đích thực đã có sẵn trong tâm thức mọi người, khi tất cả vọng động của họa sĩ và người thưởng ngoạn chấm dứt."
HHT
Tác phẩm
Abstract
Tham khảo thêm về tác giả Hồ Hữu Thủ
Hồ Hữu Thủ : Ý tưởng là rác. Sáng tạo phải như đoá hoa đang nở!
Phan Hoàng
Đặc biệt, ông đạt nhiều thành tựu về tranh sơn mài trừu tượng, chinh phục cả những người thưởng ngoạn khó tính trong và ngoài nước. Dù đã nhiều lần gặp gỡ và xem tranh của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ từ hơn 15 năm trước, nhưng đến bây giờ tôi mới có dịp thực hiện cuộc phỏng vấn ông tại phòng tranh riêng ở 15B đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM.
Hữu Thủ nhưng không… bảo thủ
* Thưa hoạ sĩ, được xem những bức tranh mới vẽ của ông, với một sức sáng tạo đáng nể, tôi có cảm giác hình như hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ cũng như nhiều hoạ sĩ thế hệ ông không hề có ý niệm về thời gian, tuổi tác.
- Còn sức khoẻ là tôi còn sáng tạo. Đúng là ngay cả các bạn trẻ trong nghề cũng phái ngán. Nhưng như vậy tôi vẫn thấy chưa đủ. Đã thành thói quen, bình thường cứ mỗi sáng sau khi uống cà phê xong là tôi về lao vào giá vẽ. Cảm hứng đến trong quá trình sáng tạo. Tôi không bao giờ chờ đợi cảm hứng.
* Ông thật chuyên nghiệp và cũng thật khác thường. Bởi lẽ đa phần nghệ sĩ hay sáng tác theo cảm hứng. Tuy vậy, vẽ hoài có lúc nào ông bị “cụt hứng” hoặc tự chán mình?
- Tôi chỉ tạm thời dừng vẽ do những biến động thời cuộc, rồi sau đó tiếp tục con đường riêng của mình. Tôi cũng không phá bỏ tranh mình mà chỉ dừng lại khi cảm thấy tâm trí bị chi phối nhiều quá...
* Con đường riêng của ông khởi đầu có gì đặc biệt? Và ông có học hỏi từ những bậc thầy hội hoạ nào không?
- Hồi trẻ tôi vốn rất mê đọc và nghiên cứu sách văn học, triết học, mỹ học, tôn giáo từ Đông sang Tây. Nhờ đó tôi tự “du nhập” cho mình kiến thức của nhiều trường phái: ấn tượng, trừu tượng, siêu thực,… một cách tự nhiên. Tôi đặc biệt thích tranh của Paul Goguin vì nó thể hiện được những gì sâu kín nhất của tâm hồn, gần với tinh thần Á Đông, khác với tranh của Pablo Picasso vẽ lập thể. Có lúc tôi chịu ảnh hưởng tranh của các bậc thầy trên, cả Paul Cezane nữa, nhưng khi phát hiện ra tôi liền bỏ ngay để tìm hướng đi cho riêng mình. Con đường hội hoạ của tôi được hình thành nhờ quá trình tự lớn lên.
* Khoảng hai năm trước, hoạ sĩ cùng thế hệ ông ở Sài Gòn là Trịnh Cung tung lên mạng bài viết cho rằng hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ và hoạ sĩ Việt kiều Lâm Triết là bảo thủ, lực cản của hội hoạ Việt Nam hiện đại ngoài giá vẽ (sắp đặt, trình diễn). Ông nghĩ sao?
- Tôi không muốn tranh luận, nhưng anh hỏi thì tôi phải trả lời. Tôi nghĩ mình không bảo thủ, cũng không cản trở ai hết. Tôi luôn nghĩ đến cái mới, khuyến khích các bạn trẻ làm cái mới, nhưng tác phẩm phải đẹp và rung động lòng người, chứ không phải chỉ dưng ở cái lạ không mỹ cảm, hoặc đánh đố lừa bịp người thưởng ngoạn. Tôi không thích kiểu hội hoạ chỉ bày đủ trò lỗi thời rác rưởi, cũng như thơ ca bắt chước thứ dâm đãng, nhục dục phản lại tính nhân bản.
Hoạ sĩ trẻ Việt Nam đang bị bế tắc, thất bại
* Ông thấy tuổi trẻ thế hệ mình có gì khác biệt với thế hệ hoạ sĩ trẻ ngày nay? Có bao giờ ông nghĩ họ đang vượt qua các thế hệ tiền bối?
- Thời trẻ tôi cũng ham nhiều ý tưởng, triết lý, màu sắc. Mà tuổi trẻ nào cũng phải vượt qua giai đoạn ấy. Có điều tôi thấy các bạn trẻ bây giờ ít chịu khó đọc và nghiên cứu. Mà như vậy chẳng khác nào con ngựa bị bịt mắt. Do đó, họ thường rơi vào bế tắc, không có nhận thức nắm bắt đời sống, không có con đường sáng tạo riêng, mà chỉ thấy cái gì lạ là chộp lấy dù những thứ ấy ở phương Tây người ta đã có từ lâu rồi.
* Nghĩa là theo ông những gì giới hoạ sĩ trẻ nước ta đang làm ào ạt như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn… là thất bại?
- Tôi cho là gần đúng như vậy. Việc thiếu một nền tảng văn hoá cơ bản không chỉ riêng ở giới trẻ Việt Nam, mà còn là hiện tượng chung của thế giới phương Tây. Đây là sự bế tắc về nhân sinh quan. Phương Tây có nền khoa học kỹ thuật phát triển đỉnh cao đã giải quyết được vấn đề nhu cầu vật chất của con người, nhưng chưa giải quyết được vấn đề tinh thần, nhu cầu đời sống tâm linh. Điều đó dẫn đến sự không hài hoà, không cân xứng trong cuộc sống. Thế giới phương Tây vốn có sẵn những tôn giáo lớn, và họ cứ tưởng như vậy là có thể giải quyết được vấn đề tinh thần của con người, nhưng không biết vô tình đã biến con người thành những tín đồ giáo điều, nô lệ cho một đấng tối cao nào đó.
Sự phóng chiếm của tâm trí con người như kiến thức, sự hiểu biết, quá khứ vào tác phẩm là không có gì mới, là sáng tạo. Tuổi trẻ Việt Namkhông nhận thức được vấn đề ấy, cứ thấy cái gì nảy sinh từ phương Tây đều cho rằng đó là nhu cầu thực sự nên bị thất bại. Mà không chỉ phần đông hoạ sĩ trẻ, kể cả một số người lớn cũng sa vào lối tư duy như vậy.
Phải thoả mãn nhu cầu kiến thức và tâm thức
* Ông cho rằng hoạ sĩ trẻ bây giờ đang gặp bế tắc. Vậy thì theo ông có cách nào tháo gỡ sự bế tắc ấy?
- Con người không chỉ sống bằng vật chất mà còn có nhu cầu về tinh thần, biết thưởng ngoạn nghệ thuật, tôi gọi chung đó là tâm thức. Vừa thoả mãn kiến thức vừa thoả mãn tâm thức thì con người mới cân bằng. Đối với người nghệ sĩ, nền tảng của sự sáng tạo không phải từ kiến thức mà là tâm thức. Kiến thức chỉ là mớ rác đọng lại của quá khứ. Chúng ta có thói quen sống với quá khứ kéo dài hàng ngàn năm không thay đổi. Kiến thức có giới hạn. Kho tàng tâm thức vô hạn trong mỗi con người mới là cội nguồn của sự sáng tạo. Khi nghệ sĩ cố tình sử dụng kiến thức thì tâm thức sẽ bị chìm đi. Ngược lại, khi nghệ sĩ sáng tạo bằng trực nghiệm của tâm thức thì kiến thức sẽ bị hoá giải. Tất cả nền văn hoá nhân loại đều bắt nguồn từ tâm thức. Người nghệ sĩ moi cái thần để thể hiện qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh… làm cho tâm hồn mình lẫn người thưởng ngoạn cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc. Khi đó người nghệ sĩ mới đạt được mục đích.
* Đối với người thưởng thức nghệ thuật, theo ông cần phải sử dụng kiến thức hay tâm thức?
- Người thưởng ngoạn cũng phải dùng tâm thức khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật. Có như vậy mới cảm nhận được vẻ đẹp toát ra từ tác phẩm.
* Bằng kinh nghiệm bản thân, ông có thể cho biết cụ thể sự vận động của tâm thức mình trong quá trình sáng tạo?
- Tâm thức giống như dòng chảy tuôn trào, không chấm dứt. Lúc vẽ tôi như vô tri, không dùng ý tưởng, không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ khi đã hoàn thành, tôi mới dùng kiến thức để hoàn chỉnh thêm bức tranh. Nhiều lúc tôi ngoi vẽ thì trong đầu kiến thức mách bảo cái này đẹp cái kia đẹp, tôi dứt khoát từ chối hoặc bỏ dở bức tranh đứng dậy. Điều nguy hiểm nhất là mình bị ý tưởng khống chế, chi phối, muốn làm chủ. Ý tưởng chỉ là rác trong đầu. Có người cứ lấy ý tưởng của mình ra để biểu diễn hiện tượng các trường phái mới của phương Tây như sắp đặt, trình diễn,… đều bắt nguồn từ ý tưởng, nói chung là từ đống rác của quá khứ. Đó là phản sáng tạo. Sáng tạo là sản sinh ra một cái hữu thể chưa có trên đời này. Sáng tạo phải như một đoá hoa đang nở, mới và đẹp.
* Tranh của ông từ sơn dầu đến sơn mài thường vẽ trừu tượng hoặc siêu thực. Nhưng có vẻ ông nghiêng về trừu tượng hơn?
- Tôi chọn trừu tượng để phóng chiếm tâm thức của mình ra, tìm cái đẹp, cái chân, cái thiện. Còn tranh siêu thưc với tôi chỉ để giải trí.
* Điều gì ông quan tâm nhất khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật?
- Tính nhân bản. Nghệ thuật phải lấy nhân bản, mỹ cảm làm gốc chứ không phải ý tưởng.
Hội hoạ Việt Nam có thể đại diện cho châu Á
* Thưa hoạ sĩ, ông từng đem tranh đi triển lãm ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, từ đó chắc ông có cách nhìn nhận riêng về nghệ thuật hội hoạ nước mình
.
- Nghệ thuật Việt Nam phong phú và có truyền thống lâu đời hơn tất cả các nước Đông Nam Á. Thế giới đánh giá cao hội hoạ Việt Nam. Dân tộc ta vốn có bản chất lãng mạn, lại sớm học được kỹ thuật tiên tiến của châu Âu để thể hiện tâm hồn Việt, tính cách Việt. Tôi nghĩ hội hoạ ViệtNam có khả năng đại diện cho châu Á trên trường quốc tế.
* Sau ngày đất nước thống nhất, do hoàn cảnh chung của xã hội, có một thời hội hoạ nước ta bị “đóng cửa”. Nhưng nhiều người thừa nhận rằng khi ở vào hoàn cảnh ấy, người hoạ sĩ vẽ theo nhu cầu tự thân, nên có nhiều tác phẩm giá trị mà sau này thế giới đánh giá cao. Còn khi đã mở cửa hội nhập quốc tế, vì chạy theo nhu cầu thị trường để bán tranh mà hoạ sĩ ViệtNam dần đánh mất mình. Ông có chia sẻ điều ấy?
- Người hoạ sĩ phải ý thức được trách nhiệm trước thời đại của mình, phải vượt lên mọi khúc mắc của đời sống để sáng tạo phục vụ nhân dân, tổ quốc mình. Hội hoạ phát triển hay không là do chính người hoạ sĩ chịu trách nhiệm, chứ không được đổi thừa hoàn cảnh. Riêng tôi thấy rằng, khi đất nước chưa mở cửa thì phần đông hoạ sĩ vẽ theo định hướng, còn khi đã hội nhập với thế giới, tự do sáng tác thì họ lại không biết vẽ gì. Từ đó họ dễ bị lung lạc trước những cái được xem là “mới” của phương Tây. Hội hoạ Việt Nam có truyền thống, có bản sắc riêng và có tương lai tốt, chứ không phải cứ chạy theo những kiến thức lỗi thời của phương Tây mà tự họ đã nhận biết sự bế tắc nhân sinh quan của mình, vốn bị chính họ xem là rác.
* Với riêng giới hội hoạ Sài Gòn- TP.HCM, ông trân trọng tài năng những ai?
- Ở Sài Gòn, hội hoạ có nhiều phong cách, qui tụ nhiều tài năng. Bậc thầy Nguyễn Gia Trí là tài năng lớn của Việt Nam. Tôi cũng trân trọng tranh của các anh Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Thái Tuấn, Đinh Cường,… Giới trẻ thì có Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình,… Đối với các bậc tiền bối phía Bắc, tôi thích tranh của các hoạ sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh...
* Trên đây ông có nói bản chất dân tộc Việt lãng mạn, nghĩa là thế nào?
- Người Việt bản tính lãng mạn, thơ mộng, ai cũng có thể làm thơ được. Điều đó gần gũi với tâm thức sáng tạo. Hồi nhỏ thích đọc Tự lực văn đoàn nên tôi nghĩ làm một bài văn phải có đầy đủ hình ảnh, màu sắc, thiên nhiên. Và tôi đã làm một bài văn rất hay đến các thầy giáo cũng nghĩ chắc tôi cóp của ai. Nhờ đó tôi bắt đầu có tư duy làm nghệ thuật.
* Trong thời buổi đời sống vật chất đang lấn át như hiện nay, liệu bản tính thơ mộng của người Việt có giảm đi?
- Không phải bây giờ mà từ lâu, do một số sai lầm về giáo dục, bản chất lãng mạn của người Việt bị suy giảm. Tệ hơn, nó còn làm cho khả năng sáng tạo của con em kém phát triển. Học vẹt. Học để trả bài lại cho thầy cô. Đào tạo ra những con người máy móc, rập khuôn. Chúng ta sản sinh ra con người chứ không phải sản xuất ra công cụ. Giáo dục của ta gặp nhiều thất bại.
* Từng có dư luận trên báo chí rằng hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ tự giấu tranh mình để thành lập bảo tàng mỹ thuật riêng, điều này sự thật thế nào?
- Tôi đem tranh triển lãm nhiều nước, tự phát hiện rằng tại sao mình lại đem tinh hoa đi bày cho người ta xem. Trong khi người Nhật chẳng hạn, muốn thuê một bức tranh của danh hoạ châu Âu đưa về nước cho công chúng thưởng ngoạn phải tiêu tốn hàng vài triệu đôla cho tiền bảo hiểm, vận chuyển bằng chuyên cơ đặc biệt. Vì vậy, tôi muốn giữ lại những bức tranh ưng ý, nhất là tranh sơn mài trừu tượng để làm một bảo tàng mỹ thuật tư nhân riêng phục vụ cho nhân dân mình, còn người nước ngoài nếu ai thích thì bỏ tiền mua vé máy bay sang xem.
* Càng tiếp xúc với ông càng thấy tinh thần dân tộc của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ thật mạnh mẽ.
- Mấy hôm nay theo dõi thời sự, tôi đang hết sức căm giận Trung Quốc luôn muốn xâm lăng nước mình. Chuyện phản ứng của người dân, trong đó có trí thức văn nghệ sĩ về Hoàng Sa và Trường Sa chính là lòng yêu nước nhiệt thành của người Việt.
*
Chẳng những là một hoạ sĩ tài năng mà Hồ Hữu Thủ còn là một trí thức yêu nước, một nhân cách sống đáng quí trọng. Tâm huyết với sáng tạo nghệ thuật. Tự hào và day dứt về bản sắc văn hoá dân tộc. Không khoan nhượng với sự giả tạo, giá trị ảo, trò lừa bịp hư danh. Một cách giản dị mà thuyết phục, Hồ Hữu Thủ đã có vị trí xứng đáng trong nền hội hoạ đương đại Việt Nam.
Phan Hoàng
Với sen trắng của Hồ Hữu Thủ
Trường vẽ Gia Định 1913-1975
Trong một lần trò chuyện mới đây, sau nhiều năm không gặp, Hồ Hữu Thủ nói đại ý: “Tôi đã đọc được nơi một ông thày chùa rằng, từ ý tưởng này đến ý tưởng kia luôn có một khoảng hở. Tôi muốn kéo giãn cái khoảng hở ấy rộng ra, càng rộng càng tốt, vì đấy sẽ là nơi tôi an trú. Đấy cũng là nơi mà sự sáng tạo của tôi được định hình sự sống.”
Tôi không hề bất ngờ. Có vẻ như Hồ Hữu Thủ vẫn đắm chìm vào những suy tưởng sáng tạo như thế, vào thiền học như thế. Hồ Hữu Thủ là một trong số ít những họa sĩ tôi biết không ngừng có những suy tư triết học cho cuộc sống cũng như con đường sáng tạo của mình và hơn thế, biết diễn đạt nó một cách mạch lạc.
Hồ Hữu Thủ gốc người Quỳnh Lưu, Nghệ An nhưng được sinh ra tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm 1940. Tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Thực hành Thủ Dầu Một năm 1959. Bình Dương cũng là nơi sản sinh ra các làng nghề làm tranh sơn mài rất nổi tiếng. Có lẽ vì thế, ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ cũng rất sở trường về tranh sơn mài, một nghệ thuật mà ông muốn lưu truyền như truyền thống. Chính Hồ Hữu Thủ cũng đã mạnh dạn gọi tranh sơn mài của ông là nghệ thuật sơn ta hay sơn Phú Thọ. Sự khác biệt này không chỉ ở chất liệu, mà còn là phương pháp. Thay vì mài toàn bộ bức tranh, Hồ Hữu Thủ chọn giải pháp giữ lại các mảng thô không mài, để tạo hiệu ứng nghệ thuật. Có phải đây là không gian “an trú” của ông trong các khoảng hở giữa các ý tưởng?
Hồ Hữu Thủ cũng nói, bản chất sự vật là bất khả tri kiến. Vì thế cái sự vật mà ta vẽ không phải là sự vật mà nó vốn là. Hơn nữa, thế giới của chúng ta là một thế giới luôn biến động. Cái mà chúng ta vừa lưu giữ đã không còn tồn tại. Vậy thì, vẽ có phải là nắm bắt thực tại không? Mà làm sao nắm bắt? Có thể đây chính là lý do tồn tại của nghệ thuật trừu tượng mà Hồ Hữu Thủ vẫn theo đuổi bên cạnh những tác phẩm biểu hình.
Tuy nhiên, giữa những suy tư sáng tạo và thực hành nghệ thuật lại là một khoảng cách dường như bất khả tiệm cận. Từ ý muốn kéo giãn khe hở giữa các ý tưởng đến thực hành nghệ thuật như cách triệt tiêu khoảng cách của suy tưởng với tác phẩm là tài năng nghệ sĩ. Sự bất toàn xuất hiện và trở nên tất yếu nhưng cũng chính nó, sự bất toàn thôi thúc ý thức sáng tạo. Cũng vì thế, hành trình của sáng tạo nghệ thuật là miên viễn.
Ở đây, chúng ta đã có thể chứng kiến một cụ năm nay 84 tuổi vẫn miệt mài vẽ. Vẫn tươi mới và ảo diệu sắc màu. Không phải vì Hồ Hữu Thủ thường xuyên tập luyện công phu “suối nguồn tươi trẻ” mà cái đẹp của sự sống lôi cuốn, chiếm ngự ông.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Với riêng Hồ Hữu Thủ, tôi còn thấy một phong cách trầm mặc cả trong và ngoài tác phẩm của ông giữa một thế giới xô bồ. Cho dù tranh của ông không thiếu những cô gái đẹp, chất thị hiếu thị trường hiển nhiên nhưng vẫn luôn mơ màng về một cõi nguyên sơ của căn tính hiện thể. Sự thuần khiết nhất nguyên trong vô thức.
Hôm tôi gặp Hồ Hữu Thủ cũng là dịp ra tập sách tranh mới của ông, tổng kết sự nghiệp nghệ thuật. Ông cũng cho biết đang chuẩn bị khánh thành một bảo tàng Hồ Hữu Thủ bên quận 2. Nói thế, không có nghĩa là con đường sáng tạo của Hồ Hữu Thủ đã dừng lại hay đóng khung. Đó chỉ là một chặng đường. Số phận của nghệ sĩ không phải là kẻ ngồi đếm những thành tựu, mà tạo ra thành tựu, mãi mãi đi tới. Mãi mãi truy tìm cái chân tướng sự vật. Cho dù thân xác có gục xuống thì nghệ thuật của anh ta vẫn mãi mãi lên đường. Mãi mãi khai mở. Tôi nghĩ thế.
(Saigon 21/6/2024)
Dấu tay này tồn tại ngày 27/9/2012
Xưởng vẽ Hồ Hữu Thủ
Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ, Phan Nguyên
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.