Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Nguyễn Quang Lập
















Nguyễn Quang Lập
Biệt danh: Bọ Lập
(30/04/1956 - .......) Quảng Bình

Nhà văn, Nhà biên kịch, Blogger










21/2/24
Bọ lập












"Ua Chầu Chầu!"







Sài Gòn giải phóng tôi 
Nguyễn Quang Lập
30-4-2016

Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.
Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.
Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.
Tối hôm đó thằng Minh bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các nhà du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.
Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassette là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassette của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Minh tủm tỉm cười không nói gì, nó mở cassette, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca 7. Kết thúc Sơn ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!
Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.
Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Captan, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nội chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.













Tác phẩm đã xuất bản








Một Giờ Trước Lúc Rạng Sáng 
Tập Truyện ngắn 1986












Kỷ Niệm Thời Trai Trẻ
Thơ 1988












Tiếng Gọi Phía Mặt Trời Lặn
Tập truyện ngắn 1989













Những Mảnh Đời Đen Trắng
tiểu thuyết 1989












Những Mảnh Đời Đen Trắng
Kim Lefèvre chuyển ngữ sang tiếng Pháp











Người Thổi Kèn Trom-pet











 Truyện Ngắn Chọn Lọc
1997













Ký Ức Vụn 
Tạp văn 2009













Bạn Văn
2011












Chuyện Đời Vớ Vẩn
Tạp văn 2011












Chuyện Nhà Quê
Tập truyện ngắn 2012













Ký Ức Vụn
Tập II


























 Kịch bản sân khấu







Mùa Yêu Đương





Mùa Hạ Cay Đắng





Trên Mảnh Đất Người Đời





Những Linh Hồn Sống






Tình Sử Ngàn Năm














Kịch bản Điện ảnh










 Đời Cát
Dựa theo truyện ngắn Ba Người Trên Sân Ga 
của nhà văn Hữu Phương

Kịch bản: Nguyễn Quang Lập
Đạo Diễn: Thanh Vân
Diễn viên chính: Mai Hoa, Hồng Ánh, Đơn Dương















Thung Lũng Hoang Vắng

Kịch bản: Nguyễn Quang Lập
Đạo Diễn: Phạm Nhuệ Giang
Diễn viên chính: Hồng Ánh, Nguyễn Hậu











Không Có Eva



Một cảnh trong Đời cát, chuyển thể từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Tác giả kịch bản "Đời cát" và "Thung lũng hoang vắng" khá bất ngờ khi hay tin "Không có Eva" không được Cục Điện ảnh duyệt đưa vào kế hoạch sản xuất năm nay. Tác phẩm bị đánh giá là hơi tiêu cực, nhưng nhà văn vẫn lạc quan về giá trị nghệ thuật của kịch bản. Trong 9 kịch bản phim truyện nhựa trình Hội đồng xét duyệt đưa vào kế hoạch sản xuất năm 2003 chỉ có 3 kịch bản Trận chung kết, Khi người ta yêu nhau, Người hàng xóm được duyệt. Riêng trường hợp Không có Eva, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cục phó Điện ảnh, cho biết: "Tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, vượt trội các kịch bản khác. Tuy nhiên, một số cảnh trong Không có Eva mang màu sắc u ám và hơi tiêu cực, chưa phù hợp với cuộc sống hiện nay. Bởi vậy, Hội đồng đề nghị tác giả sửa chữa và chờ đến đợt xét duyệt vào năm sau". Về phía Nguyễn Quang Lập, nhà văn cho biết: "Tôi rất bất ngờ. Cốt truyện Không có Eva kể về cuộc sống của những con người dưới đáy. Nhân vật chính (Thắm) rời nông thôn ra thành phố kiếm sống. Cô bị một gã thanh niên lừa gạt và rơi vào con đường lưu manh, phải làm gái điếm. Người chồng (Quỳ) lên phố tìm vợ. Cuộc sống cơm áo cũng khiến anh ta mấp mé ranh giới giữa sự lương thiện và lưu manh. Sau bao nhọc nhằn, Quỳ tìm được Thắm, tha thứ cho cô bởi anh cần có cô. Chủ đề phim là sự tha thứ chứ không phải mô tả hiện thực đen tối, cặn bã với những cảnh lừa gạt, ăn chặn, gái điếm, làm tình... như kết luận của Hội đồng thẩm định". Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng, một kịch bản hay phải đáp ứng được các tiêu chí: có ý tưởng nhân văn, cốt truyện hấp dẫn, cấu trúc hợp lý, giàu ngôn ngữ điện ảnh, lời thoại sinh động. Mà Hội đồng nghệ thuật cũng đánh giá cao Không có Eva về những điểm này. Mặt khác, so với Vua bãi rác, Thiếu phụ chưa chồng, kịch bản mới cũng nói về những con người dưới đáy. Nhưng cái mới của tác phẩm là triết lý con người tự ý thức được bản thân mình, không hoang tưởng vào một tình yêu thánh thiện, tuyệt đối. Ngay việc tha thứ cho nhau cũng là sự bất đắc dĩ, họ tha thứ vì quy luật sinh tồn chứ không phải vì cao thượng hay đạo đức. Nguyễn Quang Lập cho rằng, nếu chuyển thể thành phim thì tác phẩm này sẽ không ế khách. Ông nói: "Tôi luôn xác định rõ đối tượng của mình là khán giả từ 25 tuổi trở lên và những người có văn hoá cao. Họ xem phim của tôi để nghiền ngẫm và suy tưởng chứ không phải chỉ giải trí thuần tuý. Đời cát và Thung lũng hoang vắng sở dĩ thành công vì tôi xác định đúng đối tượng phục vụ và mục đích làm phim là để cống hiến cho nghệ thuật chứ không thuần tuý là câu khách. "Tuy nhiên, cái số tôi hay long đong. Đời cát và Thung lũng hoang vắng cũng lăn lóc ở Hội đồng duyệt phim mấy năm trời rồi mới được chấp thuận, nhưng khi chuyển thể thành phim thì lại gây được tiếng vang. Rất có thể Không có Eva sẽ lặp lại trường hợp của 2 kịch bản trên" - nhà văn tự tin nói. Hiền Hoà Việt Báo (Theo_VnExpress )

------------
Xem thêm: Nguyễn Quang Lập tự tin với "Không có Eva" - San khau Dien anh, http://vietbao.vn/Van-hoa/Nguyen-Quang-Lap-tu-tin-voi-Khong-co-Eva/10815271/183/
Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn










Chuyện ở phố Hàng Thùng






Đảo Của Dân Ngụ Cư
Dựa theo truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến
























Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Quang Lập







Dạy Và Học:
Nguyễn Quang Lập trong mắt ai














Nguyễn Quang Lập:
"Văn tài, phải đổi một đời trần ai"




PN - Hiếm có nhà văn nào có cái duyên lâu dài như Nguyễn Quang Lập: cách đây 20 năm, tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn của anh đã khiến người đọc chùng lòng. Mới đây, tập Ký ức vụn của anh đem lại những nụ cười hài hước mà ưu tư, suy ngẫm.

Từ trước đến nay, văn của Nguyễn Quang Lập chưa từng được dạy trong nhà trường, nhưng số người đọc yêu mến anh thì rất nhiều. Gần đây, là những entry hóm hỉnh, rất "đời" của anh tại http://vn.myblog.yahoo.com/quanglap52. Lần đầu tiên, nhà văn chia sẻ với bạn đọc PNCN những suy nghĩ của ông về nghề văn, giới văn nghệ sĩ và không ngại kể ra những điểm yếu của chính mình.


* Thắc mắc đầu tiên là cách xưng "bọ” trên blog và e-mail bilipmayo@... của anh nghe khá lạ tai...

- Quảng Bình nhiều nơi gọi bố bằng bọ - thực ra là biến âm của từ bố. Nhưng trong cách giao đãi suồng sã, người ta vẫn dùng nó như đại từ nhân xưng, khi thì ngôi thứ nhất khi thì ngôi thứ hai. Tôi thích xưng bọ cho vui thôi, cũng là cho đúng "chất bọ”. Còn bilipmayo là ghép tên gọi ở nhà của ba đứa con tôi - cu Bi, cu Líp, và bé May Ơ.

* Một entry gần nhất trên blog của anh viết rất thâm thúy: "Chuyện xưa người ta nói xây nhà lầu cho văn nghệ không cần xây hố xí, cũng chỉ vì cái đố kị của mấy anh văn nghệ mà ra. Cái chuyện vui này có từ hơn nửa thế kỷ rồi mà y như chuyện của ngày hôm nay, bảo đảm sang thế kỷ 22 chuyện ấy vẫn còn như mới. Than ôi!". Viết như thế có phải là anh bi quan về chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy" trong giới văn nghệ không thể cải thiện được?

- Tôi bi quan thật, cái sự đố kị ở nước ta lắm quá, ngày càng nhiều, ít có cơ hội giảm đi. Đố kị là bệnh tật của văn hóa làng mà, trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê chính hiệu.

* Anh có chạnh lòng không khi nhiều người chỉ biết tiếng blogger "Bọ Lập – quê choa" trên mạng hơn là hiểu biết về các tác phẩm văn học đã in của anh?

- Hoàn toàn không. Vì sách tôi in đã 20 năm rồi, nhiều người không biết là phải, nhất là thế hệ 8x, 9x thì hầu như không biết gì. Hồi tôi viết văn thì họ còn bé, văn tôi lại không được dạy trong nhà trường, thậm chí nhắc đến cũng không. Tuy nhiên tôi vẫn có niềm vui nho nhỏ: những độc giả đã từng yêu mến văn tôi thì đến bây giờ vẫn yêu mến, ít ai bỏ tôi đi.

* "Bọ Lập" mới đây lại viết blog và trở thành blogger nổi tiếng. Đọc blog bọ xong, người ta thỉnh thoảng nhiễm mấy câu thổ ngữ của bọ khi nói chuyện: "Ừ đo, ừ đo...". Thế mới biết bọ kể chuyện có duyên thế nào. Trường hợp viết blog của anh có thể nói nôm na là "bỗng dưng nổi tiếng" thêm một lần nữa?

- (cười) Quả thế thật. Tôi không hề nghĩ mình lại nổi tiếng trong thế giới ảo. Tình cờ mà tôi biết blog là cái gì, cũng do con gái tôi lập ra, ép tôi viết thì tôi viết thôi. Dần dần tôi phát hiện lợi thế của blog, nó như phòng thí nghiệm văn trước khi đem ra "đại trà”, ấy là lối khẩu văn mà tôi đã từng nói. Tôi viết blog như ngồi chiếu rượu bốc phét với bạn bè vậy thôi, cũng không quan tâm mình có nổi tiếng hay không. Có ai ngồi chiếu rượu lại nghĩ nhờ thế mà mình nổi tiếng đâu. Tất cả dường như là sự tình cờ.

* Từ thế hệ viết văn của anh trở về trước, anh đánh giá cao đức độ và tài năng của nhà văn nào nhất?

- Nam Cao và Hàn Mặc Tử. Tài và đức của họ đã làm tôi ngưỡng mộ.

* Từ góc độ một người đi trước trong nghề văn, anh chú ý đến ai nhất trong thế hệ viết văn tuổi 20 hiện nay, vì sao? Anh có đọc văn học mạng và có nhận xét gì về hiện tượng văn học ấy?

- Thực ra tôi chú ý nhiều hơn ở thế hệ 7x, ví dụ như Nguyễn Ngọc Tư, Trang Hạ, Ly Hoàng Ly... Còn hỏi tôi thế hệ 8x quả thật tôi hơi lúng túng. Có lẽ do tuổi tác nên tôi không chú ý đến họ nhiều lắm. Tuy nhiên cũng có thể kể đến Khánh Chi, Nguyễn Hoàng Thế Linh, Hàkin, Nguyễn Quỳnh Trang, Cao Việt Dũng, Đặng Chân Nhân, Dili, Đỗ Trí Vuông... Thật tình, chưa một ai thật sự thuyết phục được tôi, nhưng cả một thế hệ trẻ trung đó đã làm rúng động văn học nước nhà vốn dĩ lâu nay giống cái ao tĩnh lặng.

Có thể nói văn học mạng đã góp phần thúc đẩy văn học nước nhà phát triển đa dạng và sinh động. Nó gần như là gương mặt thật của văn học nước nhà.

* Nhà văn Bảo Ninh nói: "Chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi". Anh nghĩ gì trước lời khen này? Và có thật sự là anh đã phải "đổi cả một đời trần ai"?

- Bạn bè khen nhau như vậy gọi là hết lòng, tôi cảm động nhiều hơn là sướng. Bởi vì đó chỉ là xác nhận mồ hôi nước mắt của tôi mà thôi. Bảo Ninh nói chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của tôi thì tôi cũng có thể nói, tôi chỉ ao ước mà chưa bao giờ đạt được lối văn như văn ở Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Văn đó cũng phải đổi một đời trần ai mới có được. Ai cũng vậy thôi, nếu không dám đổi một đời trần ai thì khó nói đến văn tài, văn hay...

* Cách đây không lâu, có bài báo đặt vấn đề: "Làm thế nào VN có Nobel văn chương: Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt". Tác giả cho rằng: "Văn hóa VN không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn VN ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt". Anh nghĩ sao về ý kiến này? Và giải Nobel có phải là một "ước vọng ngoài tầm với" của nhà văn VN?

- Tôi hiểu ý "ngôn ngoại" của người có nhận xét trên, còn cái ý cụ thể thì hình như không phải. Nhà văn Việt chẳng kém gì các nhà văn châu Á, đấy là nói tiềm năng. Nước Nhật, Trung Quốc có giải Nobel thì hà cớ gì Việt Nam không có. Nhưng bây giờ nói chuyện Nobel đối với văn Việt thì giống chuyện đơm đó ngọn tre. Muốn có giải Nobel trước hết phải có tài, sau đó họ phải chết sống vì văn và không hề hệ lụy bởi những gì ngoài văn cả. Điều thứ nhất thì có thể được, nhưng điều thứ hai thì tuồng như là hoang đường.

* Người đọc biết nhiều về tài năng và tính cách của anh, nhưng anh có ngại cho họ biết những điểm yếu của mình?

- Tôi sống bộc tuệch, ruột để ngoài da, tính lại nóng nên không ít người ghét. Tôi khá cực đoan cả trong lối sống và trong văn chương, vì thế, thành công cũng khá mà đổ bể cũng nhiều. Ngoài ra, kiêu ngạo là bệnh của nhà văn, tôi cũng có, thậm chí rất nặng.

* Anh có tự hào về những gì mình đã làm được cho người thân, có lo về quỹ thời gian và những dự định, trang viết còn dang dở? Những điều anh muốn nói thêm để bạn đọc hiểu hơn về nhà văn Nguyễn Quang Lập?

- Tôi có một gia đình bình thường, nhìn lên chẳng bằng ai, ngó xuống còn hơn ối người, thế là được rồi. Mong muốn thì vô cùng, biết nói sao. Điều tôi mong nhất là có đủ sức khỏe để viết nốt những gì mình có thể viết được. Nói thật, tôi không sợ không đủ tài, tài mình chỉ có chừng đó thôi, cố thêm cũng chẳng được, tạm gọi là đủ, chỉ sợ không đủ sức khỏe. Giá như hồi trẻ tôi biết được điều này thì hay biết bao nhiêu...

Ngô Bá Nha (thực hiện)
















Blog Nguyễn Quang Lập

















Nguyễn Quang Lập
(khoảng thời gian viết 
Những Mảnh Đời Đen Trắng)










(trái) Bảo Ninh, Ngô Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường (lưng),
Nguyễn Quang Lập, Phan Nguyên, Phạm Xuân Nguyên (lưng)
Hà Nội 1994








Nguyễn Quang Lập & Phan Nguyên
Sài Gòn 2024











Trở về 


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.