http://phannguyenartist.blogspot.com/
Đoàn Tử Huyến
(1952 - 2020)
thọ 68 tuổi
Dịch giả
Người sáng lập Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
Đoàn Tử Huyến (1952[1] tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – 22 tháng 11 năm 2020 tại Sơn Tây, Hà Nội)
Sự nghiệp
Đoàn Tử Huyến tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Voronezh ở Liên Xô, về nước giảng dạy văn học Nga tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động[2]. Sau đó ông làm phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài. Năm 1999 ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, một trung tâm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách[3].
Đoàn Tử Huyến là một dịch giả tiếng Nga giỏi. Ông từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi qua đời ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Hà Nội[2].
Năm 2016 sức khỏe của Đoàn Tử Huyến giảm sút do bị tai biến mạch máu não[4]. Ngày 22 tháng 11 năm 2020, ông qua đời khi đang ngủ, có thể do hậu quả của căn bệnh tai biến[3].
Tác phẩm
Tác phẩm biên soạn
Đoàn Tử Huyến được biết đến với việc biên soạn nhiều tác phẩm đưa bạn đọc đến gần hơn với nền văn học bác học của thế giới như[2]Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel
Các nhà thơ đoạt giải Nobel
Các nhà văn đoạt giải Nobel
108 nhà văn thế kỷ 20
Sưu tầm và biên soạn[5]
Bùi Giáng - trong cõi người ta
Nguyễn Công Trứ
cuộc đời và thơ
Trịnh Công Sơn, một người thơ ca một cõi đi về
(cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha)
Đức Thọ đất và người
Tác phẩm dịch
Danh sách dưới đây thống kê chưa đầy đủ những dịch phẩm của Đoàn Tử Huyến[5]
Bố già
(tiểu thuyết, Mario Puzo, dịch chung với Trịnh Huy Ninh)
Chiếc vòng thạch lựu
(truyện dài, Aleksandr Kuprin)
Đấng cứu thế
(tiểu thuyết, Miguel Otero Silva)
Đêm sau lễ ra trường
(truyện dài, Vladimir Tendryakov)
Đêm trắng
(tiểu thuyết, Fyodor Dostoevsky)
Giọt rừng
(tập tản văn, Mikhail Prishvin)
Khóm hoa tử đinh hương
(tập truyện ngắn, Nhiều tác giả)
Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này
(tiểu thuyết, Daniil Granin)
Nghệ nhân và Margarita
(tiểu thuyết, Mikhail Bulgakov)
Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ
(tiểu thuyết, Endō Shūsaku, dịch chung với Hoàng Thái)
Nhật ký vũ trụ của Ion Lặng Lẽ
(tiểu thuyết giả tưởng, Stanisław Lem, dịch chung với Hiếu Trang)
Những ô cửa màu xanh
(tập truyện ngắn, Nhiều tác giả)
Những quả trứng định mệnh
(tiểu thuyết, Mikhail Bulgakov)
Quán trọ Miramar
(tiểu thuyết, Naguib Mahfouz)
Sulamif
(tập truyện vừa, Aleksandr Kuprin)
Tiếng gọi vĩnh cửu
(tiểu thuyết, Anatoly Ivanov)
Trái tim chó
(tiểu thuyết, Mikhail Bulgakov)
Vanina Vanini
(tiểu thuyết, Stendhal)
Giải thưởng
Đoàn Tử Huyến được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hàng năm 1990–1991, hạng mục dịch thuật cho tác phẩm Nghệ nhân và Margarita[2][3].
Gia đình
Đoàn Tử Huyến là cháu gọi Đoàn Tử Quang là cụ nội[6]. Cha ông là một giáo viên. Ông là con trai cả trong gia đình có năm anh em[7]. Em trai ông Đoàn Tử Hoan cùng điều hành trung tâm Đông Tây với ông và quản lý trung tâm sau khi ông qua đời[4].
Đoàn Tử Huyến có vợ là một giáo viên dạy tiếng Nga. Hai ông bà có hai con: một trai một gái[4].
Chú thích
^ Theo báo Tuổi Trẻ thì năm sinh thực tế của ông là 1950, còn 1952 là năm sinh trên giấy tờ.
Báo Nhân Dân điện tử. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
Báo Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
“Dịch giả Đoàn Tử Huyến qua đời”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
Thư viện Quốc gia Việt Nam. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
^ Nguyễn Sĩ Đại (22 tháng 11 năm 2020). “Đoàn Tử Huyến - Người đưa thư của thời đại”.
Báo Nhân Dân điện tử. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
^ Lê Phương Đông (9 tháng 7 năm 2012). “"Gã Đầu Bạc" Đoàn Tử Huyến: Người Chơi mà Học”.
Tạp chí Khám phá điện tử. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
TTO - Dịch giả văn chương Nga Đoàn Tử Huyến đã ra đi lúc 7h45 ngày 22-11, thọ 70 tuổi. Anh ra đi khi ngủ. Một giấc thiên thu giữa trời Hà Nội đầu đông hanh hao vàng nắng.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến
Gia đình bạn bè bàng hoàng, nhưng cũng biết là anh đã rất nhẹ nhàng như không để đau đớn cho người ở lại.
Anh ra đi để lại những trang sách dịch văn học Nga - Xô Viết. Đặc biệt là những tác phẩm của M. Bulgakov (1891 - 1940) - một nhà văn lớn không chịu khuất phục số phận đã viết nên Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh đầy lòng yêu thương và lo âu cho con người.
Anh đã đọc và đồng cảm sâu sắc với nhà văn để quyết định dịch những cuốn sách đó ra tiếng Việt.
Dịch văn chương không bao giờ là việc chuyển ngữ đơn thuần. Bản dịch Nghệ nhân và Margarita của anh đã lay động người đọc ở nội dung mang tính tư tưởng triết học sâu xa được chuyển tải uyển chuyển, thấm thía bằng một thứ tiếng Việt phong phú và sinh động.
Anh còn dịch nhiều nhà văn khác và với mỗi nhà văn anh đều có cách tiếp cận và xử lý văn bản nghệ thuật tinh tế. Tiểu thuyết Đêm sau lễ ra trường của V. Tendryakov (1923 - 1984) anh dịch đã chạm đến một vấn đề lớn của học đường và tuổi mới lớn.
Bản dịch có lẽ là cuối cùng anh thực hiện đầu thế kỷ 21 là cuốn Giọt rừng (M. Prishvin - 1873 - 1954) - tác phẩm khiến người đọc rưng rưng với vẻ đẹp của thiên nhiên Nga và của tiếng Việt.
Anh ra đi để lại tạp chí Văn Học Nước Ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam được tái lập năm 1995 mà anh, nói không ngoa, chính là linh hồn của nó dù anh chỉ giữ chức phó tổng biên tập.
Quyển tiểu thuyết Sự bất tử của Milan Kundera (nhà văn Czech định cư tại Pháp) tôi dịch từ tiếng Nga nhờ anh biên tập và góp tiếng nói quyết định cho đăng số đầu.
Cũng chính anh từ đó đã động viên tôi dịch tiếp Kundera để năm 1999 nhà sách Đông Tây của anh đã in cho tôi bản dịch bộ ba tác phẩm của nhà văn lớn người Czech này.
Trong mấy năm làm tạp chí Văn Học Nước Ngoài, anh đã cùng ban biên tập đăng tải một khối lượng lớn tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng các nước, đưa đến cho công chúng độc giả và giới văn chương nước nhà sự hiểu biết đa dạng và một vốn tri thức thẩm mỹ sâu rộng về các nền văn học thế giới.
Anh ra đi để lại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - một trong những không gian sinh hoạt văn hóa đầu tiên ở thủ đô do anh sáng lập. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc trò chuyện về văn hóa văn nghệ, rất nhiều hoạt động làm cầu nối văn hóa trong và ngoài nước mà anh lại cũng chính là linh hồn.
Nơi đây đã tổ chức dịch thuật, biên soạn nhiều cuốn sách giá trị. Tập tiểu luận viết bằng tiếng Pháp những năm 1922 - 1932 của học giả Phạm Quỳnh do anh tổ chức dịch thuật và in ấn đã góp thêm cứ liệu xác thực và quan trọng cho việc nhìn nhận lại một "nhà văn hóa tiên phong" (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Anh ra đi để lại kỷ niệm về một Người Chơi hào sảng hết mình tận tình tung phá. Anh lắm bạn nhiều bè, ưa đi đây đi đó, nhưng lại không thích xuất hiện trên truyền thông. Cơn tai biến đã khiến anh hỏng trí nhớ vùng ngôn ngữ và điều đó khiến anh hết sức đau khổ.
Bạn bè thương anh muốn anh khuây khỏa thường kéo anh đi chơi. Thứ năm (19-11) anh còn có mặt ở nhà tôi chung vui một nhà thơ cao tuổi ra tập thơ mới. Tất cả chúng tôi không thể ngờ đó là lần cuối được gặp anh.
Khi tôi báo tin anh mất trên Facebook, mọi người vào bình luận đều tiễn đưa anh bằng hai từ Tài năng và Tử tế. Vâng, anh, dịch giả Đoàn Tử Huyến - một người tử tế văn hóa.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhân vật cuối cùng của Thơ Mới, cũng mất cùng ngày, thọ 100 tuổi. "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" (Buồn xưa, Nguyễn Xuân Sanh) - câu thơ này giờ đây đọc lên bỗng thêm vị bùi ngùi, nhắc chúng ta nhớ người đi xa những khi mùa về...
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.