Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Khổng Đức (1925 - 2021)

 








Khổng Đức

Đinh Tấn Dung
(1925 Quảng Ngãi - 22/6/2021 Sài Gòn)
hưởng thọ 97 tuổi



Khổng Đức - Đinh Tấn Dung sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại An Chỉ, Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Anh ra đi lúc 19h30 ngày 22/6/2021, nhằm ngày 13/5 năm Tân Sửu, tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn.









Vĩnh biệt Khổng Đức - 
một 'tông đồ' của mỹ học thi ca



(Thethaovanhoa.vn) - Nhà nghiên cứu - dịch giả Khổng Đức là người bạn của Thơ Mới nói riêng và của thi ca nói chung, khi ông đã dành gần như trọn đời cho mỹ học ngôn ngữ Đông Tây và triết lý thi ca. Ông vừa ra đi lúc 19h30 ngày 22/6/2021 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, ở tuổi 97.


Khổng Đức tên đầy đủ là Đinh Tấn Dung, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại An Chỉ, Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Ông lấy bằng cử nhân giáo khoa Việt - Hán và cử nhân triết Đông tại Đại học Văn khoa, Sài Gòn, từng có 4 năm học hội họa, nhiều năm dạy học, cả đời viết và dịch. Ngoài Hán - Nôm, ông còn thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh.
Trên văn đàn, ngoài một số cuốn từ điển Hán - Việt, Hoa-Việt, Việt - Hoa, nhiều người còn nhớ đến ông qua các sách về mỹ học Trung Quốc, về hí khúc, về từ và thơ thời Tống…

Từ kiếm tìm mỹ học
Từ trẻ, Khổng Đức đã có dịp gần gũi với các thành viên của Bàn thành tứ hữu, còn gọi là Nhóm thơ Bình Định, gồm Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên. Chỉ riêng Hàn Mặc Tử thì “mới kịp gặp qua đám tang”, còn lại Khổng Đức đã nhiều lần trò chuyện, trao đổi, nên các bài viết về nhóm thơ này thật sâu sắc. Về sau, qua nhóm này, ông gần gũi thêm Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Ngân Giang, Xuân Diệu... và nhiều tác giả Thơ Mới khác, đều để lại dấu ấn qua thư từ và các bài viết.


Nhà nghiên cứu - dịch giả Khổng Đức
Ảnh chụp năm 2010


Khổng Đức không chỉ viết về thơ cổ điển và Thơ Mới với sự háo hức trong kiếm tìm, mà khi viết về thơ đương thời, ví dụ Vũ Trọng Quang, Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Minh Châu, Trần Hữu Dũng, Huỳnh Thúy Kiều…, thì cũng đầy trọng thị như vậy.
Trong tiểu luận Thơ có thể làm được gì?, Khổng Đức viết: “Thơ chỉ có thể chăm lo đến ngôn ngữ, giống như người ta chăm lo đến một sinh vật, một đối tượng ở trong tầm tay. Thi ca chinh phục được ngôn ngữ phải xuyên qua những xử lý hoặc công đoạn tạo nên giá trị và sự khó khăn, giống như người ta cảm được sự bền bỉ hoặc mềm mại của chất liệu, bằng cách thực hiện những áp lực, những uốn nắn xoay trở, những biến hình mà trong thơ gọi đó là hình ảnh. Bài thơ có vai trò bổ sung ý niệm và mỹ học vào bên cạnh chữ viết bằng cách biến cải, hoặc nhấn mạnh, để dồn đến sự nhận thức. Quyền năng của bài thơ là đem lại cho chúng ta giây lát có thể nhìn thấy và hít thở cái ngôn ngữ mà cả xã hội như ngặt thở không bao giờ thấy được”.


Ảnh chụp năm 2010

Thuật ngữ mỹ học được kể như là môn học biệt lập, có lẽ từ triết gia Alexander Gottlieb Baumgarten (1714-1762) ở Đức, nhưng lan tỏa đến các nước khá muộn. Việt Nam càng muộn hơn, khi mà đến cuối thế kỷ 20, việc dạy và học mỹ học vẫn còn khá cầm chừng, manh mún. Từ giữa thế kỷ 20, Khổng Đức đã khá tiên phong trong việc dùng mỹ học để tiếp cận, phân tích thi ca ở nhiều cấp độ, từ ngôn ngữ cho đến cấu trúc và tư tưởng, triết lý.
Để củng cố cho phương pháp của mình, ông đã dịch hàng chục tiểu luận, hàng trăm bài viết liên quan đến mỹ học. Bản dịch sách Tâm lý văn nghệ - Mỹ học hiện đại của Chu Quang Tiềm, xuất bản năm 1991, từng gây ấn tượng trong học giới lúc bấy giờ, vì đây là một trong số ít sách quan trọng về mỹ học và tâm lý sáng tạo.

Ngoài mỹ học

Từ điển Hán-Việt


Từ điển Hoa-Việt


Từ điển Việt-Hoa


cũng là lĩnh vực mà Khổng Đức dành nhiều tâm huyết.

Các sách mà ông biên soạn như: 
Từ Tống (1992) Hí khúc Trung Quốc (soạn chung với Long Cương, 1998)
và các tiểu luận về Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Jean-Paul Sartre, Jacques Derrida, Michel Foucault, Jean-Michel Maulpoix, Quách Tấn, Claude Lévi-Strauss, Yến Lan, Chế Lan Viên, Ngân Giang, Jean-François Lyotard… đều được đặt dưới góc nhìn mỹ học.

.... Đến nhiệm vụ của thi nhân
Chia sẻ quan niệm cùng Jean-Michel Maulpoix, Khổng Đức viết: “Nhà thơ là kẻ đang lang thang, rong chơi, hay lảng vảng, rình mò trên đường đi trong cuộc đời cũng như trong ngôn ngữ. Nó tra hỏi sự xuất xứ, nguồn gốc và mục đích cuối cùng. Nó biết nó sắp chết và sửa soạn hành trang. Bài thơ là việc của bước đi, bước đi có tính toán, với đôi dép co dãn tàn tạ, với đôi giày rách nát đau thương”.
Ông khẳng định trong tiểu luận Nhiệm vụ của thi nhân: “Cái con người sắp chết đó đang quá cảnh trên mặt đất nghiêng nghiêng về phía chân trời. Nó là con người mang nặng niềm ưu tư, đeo đẳng sự tưởng tượng, một giấc mơ trễ nải, một nghi vấn kéo dài… Nó nghĩ đâu đâu. Nó đi trong đầu, nó mê sảng. Đôi khi người ta nghĩ rằng nó đánh mất tất cả “lương tri”. Nghe nó lẩm bẩm một mình. Nó dấn thân vào cuộc đối thoại với những con vật, với cây cỏ, những đối tượng vô hồn, không có sự sống. Nó hành động với cái ngã vong ngã, hướng về các vùng kỳ lạ dị thường. Hướng về vô thức, khó mà nói được, hoặc không sao lý hội được. Ẩn ngữ xua đi”.
Còn trong tiểu luận Thế giới thơ, Khổng Đức viết: “Thơ hiện đại chuyển nhập vào thế giới thuần túy trừu tượng; hầu như nó hoàn toàn bác bỏ những gì là truyền thống là quy củ, mà đặt nặng vấn đề biểu hiện tự ngã, cố lắng nghe những xung động nội tại của chính mình. Dùng tự ngã làm trung tâm kiến lập một trật tự mới, một truyền thống mới, chủ yếu là biểu xuất cái chân cảnh của nội tâm. Vì mỗi một thi nhân đủ tư cách là thi nhân hiện đại đều muốn biểu hiện cái hướng hoạt động tâm linh của chính mình”.


Văn Bảy






TÂM LÝ VĂN NGHỆ MỸ HỌC HIỆN ĐẠI

Tác giả : Chu Quang Tiềm
Dịch giả : Khổng Đức - Đinh Tấn Dung
Số trang : 491
Năm xuất bản : 1991























Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.