Tô Vũ
Tên khai sinh: Hoàng Phú
(9/4/1923 Bắc Giang - 13/5/2014 Tp/ HCM)
(thọ 91 tuổi)
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo viên, nhà quản lý
Ca khúc tiêu biểu "Em đến thăm anh một chiều mưa", "Tạ từ", "Tiếng chuông chiều thu"
Tô Vũ là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại.
Ông cùng với người anh là nhạc sĩ Hoàng Quý đã có mặt từ những ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Nam đồng thời là những thành viên sáng lập ra nhóm Đồng Vọng, đại diện cho âm phái Hải Phòng. Hoạt động của nhóm trong làng âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến từng tạo nên tiếng vang và để lại ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Tiểu sử
Tô Vũ sinh ngày 9 tháng 4 năm 1923 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển về sống tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột của mình. Hoàng Phú ít hơn người anh Hoàng Quý ba tuổi. Mẹ mất sớm, bố đi làm xa nên chủ yếu gửi tiền về nuôi các anh em ông. Trong số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên Leprêtre là chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo "âm nhạc cải cách" (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.
Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú (Tô Vũ) quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm Ngữ, Canh Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm, lập ra với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần cổ suý cho nền tân nhạc Việt Nam. Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Ngoài ra, một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.
Cũng như người anh Hoàng Quý, Hoàng Phú sớm tham gia Việt Minh. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Bắc, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ tuyên truyền Kiến An (Hải Phòng), còn Hoàng Quý cũng tích cực sáng tác và hoạt động cách mạng. Các ca khúc Cảm tử quân, Sa trường hành khúc của ông đã ra đời trong giai đoạn này. Nhưng vì mắc bệnh nan y nên Hoàng Quý đã qua đời giữa năm 1946 khi mới 26 tuổi. Khi đó Hoàng Phú vẫn hoạt động cách mạng trên địa bàn Hải Phòng. Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Em đến thăm anh một chiều mưa được sáng tác vào năm 1947, khi đơn vị của ông đang công tác tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Cũng trong thời kỳ này, nghệ danh Tô Vũ của Hoàng Phú đã được các bạn bè cùng hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ đặt cho ông.
Dù nhận được học bổng du học Pháp nhưng do anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý mất sớm nên Hoàng Phú quyết định ở lại Hải Phòng để lo cho những người em còn lại. Ông xin vào dạy hợp đồng ở trường Bình Chuẩn (tiền thân là Trường Bonnal, nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền). Năm 1948, Hoàng Phú được chọn là đại biểu của Chiến khu 3 đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật được thành lập, Tô Vũ được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban.
Khác với nhiều tên tuổi của thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam (nhạc tiền chiến) không còn hoặc ít sáng tác về sau, Tô Vũ vẫn tiếp tục sáng tác trong giai đoạn chiến tranh sau này, nổi bật là các ca khúc như Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh và Như hoa hướng dương. Bên cạnh viết bài hát, ông còn sáng tác nhạc cho các loại hình sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, múa rối,... và cho điện ảnh. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về chèo, cồng chiêng, đàn đá, thang âm - điệu thức và âm nhạc dân gian Việt Nam.
Ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện âm nhạc cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh, Thư ký Đoàn Nhạc sĩ Khu III đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Quốc gia sau này). Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, ông cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng thế hệ sáng tác nhạc sau này. Sau sự kiện 1975, ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và làm Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía nam. Ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001).
Tô Vũ qua đời hồi 3 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 5 năm 2014 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 91 tuổi.
Một số tác phẩm
Thanh nhạc và khí nhạc
Em đến thăm anh một chiều mưa
(1947)
Sĩ Phú
Vũ Khanh
Anh Ngọc
Thanh Lan
Khánh Ly
Nhạc sĩ Tô Vũ và chuyện tình sau bài hát
(Dân Trí) - Hỏi nhạc sĩ Tô Vũ: “Trong dòng nhạc tình cảm tiền chiến, anh có được đến 3 bài: “Tạ từ”, “Tiếng chuông chiều thu” và “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Hình như mỗi bài như gắn với một chuyện tình thật của anh?”
Nhạc sĩ tâm sự: “Tình đâu mà dàn nhiều thế, nhất là trong kháng chiến hồi bấy giờ. Nhưng riêng “Em đến thăm anh một chiều mưa” thì là thật.”
Ông kể: Kháng chiến bùng nổ, nhà ở Hải Phòng, Tô Vũ gia nhập Ban văn nghệ tuyên truyền Kiến An. Cùng hai chàng trai khác, nhóm được tách ra về công tác tại một huyện và đóng ở một ngôi đình. Trời xe duyên hay sao vì có ba thiếu nữ trong đội cứu thương cũng về đóng tại đình đó. Trong lúc đợi công tác, thấy đội Văn nghệ tập, lúc đầu các cô nghe sau đó được mời tập cùng.
Trong ba cô có một cô đẹp gái nhất lại hát hay, vững nên thường hay song ca với Tô Vũ. Những lần đi biểu diễn tuyên truyền cô và nhạc sĩ thường hay song ca và được hoan hô. Mối tình nẩy nở giữa hai người. Những đêm biểu diễn về hai người song bước trò chuyện. Đêm đông trăng sáng, ngồi bên nhau tâm sự trời như cũng không còn gió, không lạnh giá.
Duyên đang bén, bỗng nhiên ba cô cứu thương chuyển công tác sang huyện cạnh đó. Nơi ấy không xa nơi cũ nhưng cách một con sông rộng. Sóng to gió cả đã đành lại còn nỗi sợ máy bay Pháp oanh tạc.
Mãi đến một hôm, trời “mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều”, (lời của bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”) Tô Vũ ốm, một mình ở lại đình. Chợt không phải là mơ, cô cứu thương vượt “đường xa lạnh lùng”, vượt sông sâu sóng cả, đến thăm nhạc sĩ. Hai người “mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn ngào hồn anh như say như ngây vì đâu”.
Sau những phút bàng hoàng, “khăng khít đôi lòng”, Tô Vũ đi lấy củi, đốt lên để sưởi cho người yêu và để được cảm nhận “Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh”.
Thời gian qua mau, chiều đổ muộn, người đẹp đành phải dứt áo tạm biệt về. Hai người đều cảm thấy: đó đây cách xa vời, gió đưa cánh chim trời, chiều mưa ướt cánh. Con đò rời bến, Tô Vũ cảm thấy “thương kiếp bềnh bồng, dẫu khăng khít đôi lòng, chiều nào em xa anh”.
Màn đêm buông, không còn thấy tăm hút cô cứu thương, ngồi ở đình, ý nhạc trào dâng, Tô Vũ viết một mạch “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Nhạc lên cao trào: “Có hay lúc em về. Gót chân bước reo âm thầm trên đường một mình ngoài mưa mưa như mưa trong lòng anh”.
Rồi cuộc kháng chiến ác liệt đã đẩy “đôi lòng” càng xa cách và bặt tin nhau. Dù là chuyện tình riêng, mơ ước riêng nhưng như trùng cho tất cả đôi lứa yêu nhau nên bài ca hóa thành của chung và không bị lãng quên với thời gian. Ngày nay khi đến thăm nhau mưa ướt khi xa cách thì vẫn “ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên... đường về”.
Giang Lâm Linh
Tạ từ
Duy Trác
Quỳnh Dao
Ý Lan
Tiếng chuông chiều thu
Duy Trác
Mai Hương
Lê Dung
Những nhạc phẩm khác
Cấy chiêm
Nhớ ơn Hồ Chí Minh
Tiếng hát thanh xuân
Như hoa hướng dương
Ngày xưa
Những cánh buồm theo gió Đảng
Hoàng hôn trên xóm nhỏ
Nông thôn đổi mới
(tác phẩm khí nhạc, hợp soạn cùng Tạ Phước)
Ấn phẩm
Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam
(Nhà xuất bản Âm nhạc, 1995)
Băng nhạc Tô Vũ và Tuyển chọn ca khúc Tô Vũ
(DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát hành)
Nhạc sĩ Tô Vũ qua đời
Rạng sáng 13/5, Tô Vũ, một trong những nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vì bệnh già, sức yếu. Từ ngày 28/2, do chứng xuất huyết bao tử, ông được người nhà đưa nhập viện ở bệnh viện Quân dân Miền Đông, TP HCM. Sau đó, vì tình trạng sức khỏe liên tục chuyển biến xấu, ông được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM.
Sau một thời gian nằm viện, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến ngày 12/5, ông được bệnh viện cho về nhà.
Chia sẻ với VnExpress, chị Hoàng Hương, con gái của nhạc sĩ Tô Vũ cho biết, khoảng thời gian cuối đời, nhạc sĩ Tô Vũ thường rơi vào tình trạng hôn mê nên không trò chuyện nhiều. Dù vậy, từ khi thấy sức khỏe mình có dấu hiệu yếu đi, ông đã dặn dò con cháu mọi chuyện hậu sự cũng như nhắn gửi tất cả những điều cần thiết. "Bố tôi nằm xuống rất thanh thản", chị Hương bộc bạch.
Lễ phát tang nhạc sĩ Tô Vũ được thực hiện tại nhà riêng vào 14h ngày 13/5. Sau đó linh cữu ông được đưa đến Nhà tang lễ TP HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8h đến 17h ngày 14/5. Sau đó, linh cữu ông được đi hỏa táng ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP HCM. Ngoài ra, lễ viếng nhạc sĩ còn được thực hiện ở nhà riêng tại Hà Nội vào ngày 16 và 17/5. Sau đó, vào 8h sáng 18/5, hài cốt ông được an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, thành phố Hải Phòng.
Nhạc sĩ Tô Vũ nói về Tây hóa và Việt hóa ca khúc Việt
"Tình hình âm nhạc hiện nay tuy có hỗn loạn, nhưng không có gì khiến mọi người phải quá hốt hoảng. Chúng ta cần cảnh báo những lệch lạc, lai căng, mất gốc nhưng đừng bị kịch hóa", nhạc sĩ Tô Vũ khẳng định.
- Dư luận vừa qua xôn xao về chuyện nhiều ca khúc Việt lai nhạc nước ngoài. Nhưng chuyện này đã xảy ra tại Việt Nam vào thời kỳ đầu Tân nhạc, khoảng năm 1930 với những ca khúc "bài ta điệu tây"?
- Tân nhạc Việt Nam là một điển hình về chuyện chịu ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài. Lúc đó, người thì gọi ảnh hưởng, người thì cho rằng học tập. Ở đây học tập nghĩa là học ngôn ngữ thể hiện của âm nhạc Tây phương, vốn đã rất khác với những yếu tố trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng trước khi học tập được như thế, có một cách làm dễ dàng hơn là lấy toàn bộ nhạc tây rồi viết vào đó lời mới bằng tiếng Việt, với nội dung khác bài hát cũ. Nhưng người viết phải nói rõ bài hát này theo điệu gì, ở đâu. Khuynh hướng này thời kỳ đầu (1935-1936) phát triển mạnh thành phong trào. Nhưng chỉ rầm rộ khoảng 2 năm đó. Về sau chủ yếu là ca khúc nhạc ta lời ta, hoặc có chịu ảnh hưởng của nhạc Tây nhưng không theo điệu tây.
- Vậy sự chuyển biến từ "bài ta điệu tây" sang "bài ta điệu ta" có chịu sự tác động từ phía công chúng không?
- Ngay khi tân nhạc xuất hiện đã có nhiều xì xào. Giới trẻ thì thích, nhưng lớp người lớn tuổi thì phê phán là tây quá. Người ta cũng đặt nhiều câu hỏi: Như vậy có giá trị nghệ thuật không? Tính Việt Nam có bị mất hết không? Nhưng chỉ là những lời xì xào, không có sự phê phán mạnh mẽ hay công kích, vì lúc đó chuyện tương tự cũng đang diễn ra với Thơ mới. Người ta xì xào những bài nhạc quá áp dụng những thang âm điệu thức phương Tây, khi ghép lời Việt vào thành ra lơ lớ. Tuy nhiên, có những người sáng tác, ngay từ thời kỳ đầu đã tìm cách học tập đã tìm cách chế biến, hạn chế dùng bán âm để hát rõ lời Việt. Có nhiều bài không tìm thấy một bán âm nào cả, nó đã được Việt hóa hoàn toàn.
- Ca khúc Việt trong thời kỳ kháng chiến (1946-1975) có còn bị chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài?
- Miền Bắc trong kháng chiến chịu 2 luồng ảnh hưởng: nhạc Nga và nhạc Trung Quốc. Nhiều bài hát hùng mạnh, nhịp điệu vui tươi trong thời kỳ này có giai điệu từ hành khúc Nga. Còn miền Nam, giai đoạn này vẫn nhiều người thích âm hưởng dân tộc, gần với dân ca. Một số ảnh hưởng âm nhạc Tây Âu, nhiều nhất là theo nhạc Mỹ với các phong trào nhạc jazz và blues, sau này là rock và phát triển lên nhiều trường phái nhỏ như rap, soul...
- Vậy theo ông, âm nhạc truyền thống có còn đất phát triển nữa không?
- Chúng ta đã khai thác hết từ âm nhạc truyền thống đâu. Những bài hay của Trần Tiến, Nguyễn Cường cũng chỉ là mới bóc được cái vỉa nổi của mỏ vàng âm nhạc dân gian Ê Đê, Ba Na thôi. Âm nhạc truyền thống còn nhiều thứ mới chưa có người khai thác. Nhiều người viết nhạc ở ta lười nhác, thích ngồi nhà ăn sẵn những giai điệu có sẵn trên đĩa, trên mạng, chứ thực tế họ không có ý ăn cắp nghệ thuật. Chúng ta đang quá lạm dụng và lạm phát danh từ "nhạc sĩ". Nhạc sĩ phải là người làm nhạc chuyên nghiệp, được công nhận có "nghề" và có đẳng cấp "sĩ".
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Những bóng hồng trong thơ nhạc
Kỳ 7: Em đến thăm anh một chiều mưa
Nói đến nhạc sĩ Tô Vũ, hẳn người ta nhớ đến những ca khúc đã 65 tuổi: Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ và nhất là Em đến thăm anh một chiều mưa...
Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng sống từ thời thơ ấu đến hết tuổi thanh niên ở Hải Phòng, tạo dựng sự nghiệp tận Hà Nội và cuối cùng chọn TP.HCM làm nơi an hưởng tuổi già.
Thời niên thiếu (những năm 1930), ông cùng anh ruột là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng) vốn theo học đàn nguyệt nhưng chính thầy lại khuyên hai anh em nên học một nhạc cụ phương Tây và giới thiệu họ đàn violon. Sau đó, hai anh em gặp một phụ nữ người Pháp tên Leprêtre - chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp: thầy Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương, tác giả 3 bài Hòn vọng phu bất hủ), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường. Thầy cũng hướng dẫn cho các học trò tập tành sáng tác...
Năm 1943, Hoàng Phú lập nhóm Đồng Vọng, quy tụ một số bạn bè, anh em như: Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Văn Cao… Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc.
Bìa bản nhạc Em đến thăm anh một chiều mưa
Hai anh em họ Hoàng tham gia Việt Minh từ rất sớm. Kháng chiến bùng nổ, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ tuyên truyền Kiến An (Hải Phòng), còn Hoàng Quý cũng tích cực sáng tác và hoạt động cách mạng. Các ca khúc Cảm tử quân, Sa trường hành khúc... ra đời trong giai đoạn này. Nhưng vì mắc bệnh nan y nên Hoàng Quý qua đời rất sớm khi mới 26 tuổi (nhạc sĩ mất ngày 26.6.1946).
Riêng về ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa, nhạc sĩ Tô Vũ kể với người viết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11.2002: “Bản nhạc được tôi viết năm 1947, khi đơn vị tuyên truyền huyện Kiến An chúng tôi tiếp nhận 3 nữ cứu thương của huyện Tiên Lãng đi phục vụ chiến đấu bị lạc đường. Tôi và 2 người bạn ở trong một ngôi đình. Khi chúng tôi tập hát thì các cô này rủ nhau tới xem. Thoạt đầu họ còn e dè nhưng sau đó cũng nhận lời tập múa hát chung với chúng tôi. Trong đó, một cô hát rất hay và vững nhịp nên thường song ca với tôi. Mỗi lần đi biểu diễn, tiết mục của chúng tôi được hoan hô nhiều nhất. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau thì ba cô gái này phải trở về đơn vị cũ, cách chỗ tôi khoảng 8 km. Khi chia tay, chúng tôi ước hẹn sẽ sang thăm nhau vào chủ nhật mỗi tuần. Nếu họ không qua thì ba đứa tôi sang, nếu cả hai bên cùng sang thì sẽ gặp nhau ở giữa đường, bởi là đường độc đạo và phải qua một bến sông. Hôm ấy trời mưa, chúng tôi không thể sang bên kia thăm được. Buổi chiều trời vẫn mưa. Tôi đang “trụ trì” ngôi đình (hai ông bạn kia đã đi chơi) thì đột nhiên “em” một mình đội mưa đến. Xúc động đến bồi hồi, tôi đã viết: “Em đến thăm anh một chiều đông. Em đến thăm anh một chiều mưa. Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều. Em đến thăm anh, người em gái...”. Ở chữ “gái”, tôi chọn nốt “si bémol” (si giáng) lửng lơ mà khi hát lên, nghe rất… nũng nịu, không chút gì giống với “người em gái” bình thường cả. Tuy nhiên, theo thời gian tôi không tài nào nhớ nổi người nào trong số 3 cô gái đã “hiện ra” trong buổi chiều mưa năm ấy. Sau này, tôi cũng đã lần lượt gặp lại từng “cố nhân”. Có người nhận “là em đấy!” nhưng tôi không tin. Có người lại chối phắt, người còn lại thì không tiện hỏi... đành phải tan giấc mơ hoa: “...Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên... đường về!”.
Nhạc sĩ Tô Vũ nói thêm: “Còn bài Tạ từ là tôi viết giùm cho một người bạn vào năm 1947, anh ấy tên Nguyễn Văn Huấn (mấy năm trước anh là bác sĩ, sống ở Pháp, giờ không biết còn hay đã mất?). Anh Huấn đem lòng yêu một thiếu nữ Hà Nội tên Ánh Hà theo gia đình sơ tán về Thái Bình. Sau đó, gia đình cô này quay lại Hà Nội. Anh Huấn chơi đàn violon rất giỏi nên nhờ tôi soạn một ca khúc dành cho violon để anh ấy... “tạ từ” người yêu”.
Riêng nghệ danh Tô Vũ thì: “Trước đó tôi có 4 học bổng đi học ở Pháp, khi anh Hoàng Quý mất, tôi phải về xin dạy hợp đồng ở Trường Bình Chuẩn (Hải Phòng) để nuôi các em. Lúc ấy, mấy ông bạn từ Hà Nội xuống Hải Phòng chơi với bọn tôi như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đều để râu như một kiểu “mốt”. Tôi cũng bắt chước để râu và mặc bộ quần áo nâu như họ. Có một ông đem cho tôi cái nón Sơn Tây. Trời mưa, đường trơn đi phải chống gậy. Thế là có người bảo tôi giống hệt cái hình vẽ tích ông Tô Vũ chăn dê trên lọ độc bình. Rồi người ta cứ gọi tôi là “ông Tô Vũ chăn dê”. Tôi tức lắm, bèn lấy cho mình cái bí danh là “Hoàng Minh Vọng” nhưng đi đâu người ta cũng cứ: “Ơ... ơ... ông Tô Vũ chăn dê đi đâu đấy? Vào đây hát một bài...”. Năm 1948, tôi là đại biểu duy nhất của Chiến khu 3 đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Một anh nhanh nhảu giới thiệu: “Có nhạc sĩ Tô Vũ ở Chiến khu 3 lên trình diễn một bài”. Xuống sân khấu tôi vẫn rất hậm hực: Đã giới thiệu mình là Hoàng Minh Vọng mà vẫn bị gọi là Tô Vũ. Tôi đem chuyện này nói với người ngồi bên cạnh (sau này mới biết là nhà thơ Thế Lữ). Thế Lữ trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Đấy là tên nhân dân đặt cho anh. Thôi anh bỏ cái tên Hoàng Minh Vọng đi!”. Tôi mang cái tên Tô Vũ mà mình không hề tự đặt từ đó”.
Hà Đình Nguyên
Nhạc sĩ Tô Vũ & Nhạc sĩ Phạm Duy
Trở về
Chân Dung Văn Nghệ Sĩ
Danh Sách Tác Giả
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.