Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Đặng Thế Phong (1918 - 1942)












Đặng Thế Phong
(1918 - 1942)
Nhạc sĩ






Đặng Thế Phong (1918 – 1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm: "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu".






Tiểu sử

Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại thành phố Nam Định. Cha ông là Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định.

Vì cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure) tại trường trung học Saint Thomas d'Aquin. Ông lên Hà Nội vẽ cho một số tờ báo và học với tư cách dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des Beaux-Arts) tới năm 1939. Thời gian ông học ở đây đã để lại một giai thoại. Trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng: E Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được!

Cuộc đời Đặng Thế Phong rất long đong, lận đận. Ông phải sống lang bạt và trải qua nhiều nghề. Tháng 2 năm 1941, Đặng Thế Phong lang thang vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Tại Nam Vang, ông có mở một lớp dạy nhạc và đến tháng 8 năm 1941 ông trở lại Hà Nội.






Sự nghiệp âm nhạc của Đặng Thế Phong chỉ có ba nhạc phẩm và đều rất nổi tiếng là: Đêm thu ca khúc viết cho lửa trại của học sinh Hà Nội 1940, Con thuyền không bến hoàn chỉnh tại Nam Vang, trình diễn lần đầu tại rạp Olympia, Hà Nội năm 1941 và Giọt mưa thu 1942. Nhạc phẩm cuối cùng Giọt mưa thu được ông viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Ban đầu bản nhạc mang tên Vạn cổ sầu, nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là Giọt mưa thu cho bớt sầu thảm hơn.

Cả ba ca khúc của ông đều viết về mùa thu và hai trong số đó Con thuyền không bến Giọt mưa thu được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Giọt mưa thu cũng là cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác bài Tiếc thu nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu khi viết ca khúc đầu tay Ướt mi.

Nhận xét của Phạm Duy, các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam, được tiếp nối xuất sắc bởi Văn CaoĐoàn Chuẩn. Theo Doãn Mẫn, Đặng Thế Phong và Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu đậm hồn dân tộc nhất: "Đặng Thế Phong là người hết sức tài hoa. Ông chơi được rất nhiều nhạc cụ. Ông sáng tác Giọt mưa thu, Con thuyền không bến từ khi còn rất trẻ. Đáng tiếc, ông mất quá sớm. Có thể nói sự ra đi của ông là một tổn thất lớn đối với bạn bè và cho cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam."

Đặng Thế Phong được xem như một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của thời kỳ tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi vì bệnh lao trên một căn gác số 9 phố Hàng Đồng, Nam Định năm 1942.



Tham khảo



Tiểu sử của Đặng Thế Phong in trong ấn bản Con thuyền không bến do nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành tại Sài Gòn vào năm 1964:

"Đặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, thông phán Sở Trước Bạ thành phố Nam Định, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn, anh phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. Anh có lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật với tư cách bàng thính viên. Anh vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ bút là Phạm Cao Củng) như truyện bằng tranh Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Đen để lấy tiền ăn học. Mùa xuân năm 1941 anh có đi Sài Gòn rồi Nam Vang. Ở Nam Vang anh có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa thu 1941 anh lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thời Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của anh thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, anh còn là một ca sĩ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên anh hát bài Con thuyền không bến tại rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da Hà Nội năm 1940. Đến đầu 1942 thì anh từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi."



Những sáng tác khác

Theo Phạm Duy thì Đặng Thế Phong có sáng tác một ca khúc nữa là Sáng rừng.
Trong một bài viết của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì Đặng Thế Phong có những sáng tác: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Đêm thu, Sáng trăng, Sáng trong rừng, Sầm sơn...
Báo Tiền phong số ra ngày 11 tháng 1 năm 2006 đăng tư liệu về một nhạc phẩm mới tìm thấy của ông: Gắng bước lên chùa, lời của nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng.









Đêm Thu
Thái Thanh


Con Thuyền Không Bến



Lan Ngọc


Giọt Mưa Thu



Lê Thu


Hà Thanh









Những bóng hồng trong thơ nhạc - Đặng Thế Phong: “Dương thế bao la sầu...”



Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc còn phôi thai, chết rất trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.

Người viết có may mắn được gặp gỡ hai người biết khá rõ về cuộc đời Đặng Thế Phong. Đó là nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa (hiện sống tại TP.HCM) và nhà văn Phạm Cao Củng (gặp cách đây khoảng 10 năm, khi ông từ Mỹ về thăm quê hương, qua sự giới thiệu của họa sĩ Mạc Chánh Hòa). Theo nhà văn Phạm Cao Củng thì Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp, đàn hay hát giỏi, thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Anh diễn rất đạt nên ai cũng yêu thích, nhất là phái nữ.

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì khẳng định người yêu của Đặng Thế Phong tên Tuyết. Tuyết không đẹp nhưng có duyên. Cô là con gái một chủ tiệm buôn bán “gối màn chăn drap” ở chợ Sắt (Nam Định). Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối cùng, anh vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi... nhét vội vào tay nàng một lá thư. Chẳng biết nội dung bức thư đầu tiên này mùi mẫn như thế nào mà sau đó cô Tuyết đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định, khi anh này dạm hỏi.

Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

Trước khi quen và yêu Tuyết, Đặng Thế Phong đã sáng tác ca khúc đầu tay Đêm thu trong một đêm cắm trại của Hướng đạo sinh (1940). Ca từ của bản nhạc rất trong trẻo, lạc quan... Còn bản Con thuyền không bến thì được sáng tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) khi tình yêu giữa nhạc sĩ và cô Tuyết đang độ chín mùi.

Một hôm, ông cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương. Cùng lúc đó, chàng nhận được tin Tuyết ngã bệnh nơi quê nhà. Lòng dạ bồn chồn, xót xa, Đặng Thế Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp tàn thì bản nhạc hoàn tất với những lời ai oán não nùng gửi về... chân mây: “Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây... như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”, rồi “... Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng...”.

Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong tức tốc trở về Hà Nội, người đầu tiên được nghe chính tác giả hát ca khúc này là người yêu của ông. Cô Tuyết hết sức cảm động. Chưa hết, chỉ ít lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”. Hạnh phúc còn nhân đôi bởi chỉ khoảng một tuần sau, tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội), cô Tuyết còn được chứng kiến người mình yêu tự đệm đàn, tự hát ca khúc này mà ánh mắt luôn trìu mến hướng về chỗ cô ngồi, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của khán giả.

Trời thu gieo buồn lây

Sau khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh. Thời đó, bệnh lao là một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ở tỉnh không đủ điều kiện chữa trị, Đặng Thế Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ Nguyễn Trường Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Tuy vậy, tình trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt ngã... Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở thành Nam nên vài hôm mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả quay về.

Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Đặng Thế Phong nhớ Tuyết quay quắt... Nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và viết nên khúc nhạc buồn da diết: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...”. Bản nhạc được chàng đặt tên là Vạn cổ sầu. Bạn bè góp ý nhạc thì hay nhưng cái tựa bi thảm quá. Cuối cùng, tên bản nhạc được đổi thành Giọt mưa thu.

Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của Tuyết.

Tang lễ của chàng nhạc sĩ 24 tuổi ấy được rất nhiều thanh niên nam nữ của thành Nam tham dự. Ngoài việc đưa tiễn một người con tài hoa nổi tiếng của quê hương, họ còn muốn chia sẻ và tỏ lòng trân trọng đến với cô thiếu nữ mặc áo đại tang đi sau linh cữu của chàng (việc này được phép của cả hai gia đình).


Hà Đình Nguyên









Sáng Rừng
Tác giả: Đặng Thế Phong



Sáng tới rồi ! 
Khắp đất trời đã tưng bừng ánh vàng 
Vừng đông chân trời vừa ló … 
Núi suối rừng 
Ðã thay màu thắm lẫy lừng huy hoàng 
và sương thêm màu mơ màng … 

Chim líu lo mừng sáng 
Hoa lá như dịu dàng 
Bình minh vừa mang theo sắc hương … 
Mây trắng bay từng đàn 
Man mác trên nền trời 
Ðầm đìa làn cỏ xanh láng lai sương rơi … 

Tâm hồn ai không tha thiết cảnh rừng tuyệt vời 
Và thấy trái tim thêm nồng nàn 
Tràn lấn biết bao tình yêu đời … 

Xao xuyến cây, làn gió 
Lay lá lay rộn ràng 
Lòng người cùng xôn xao với bao ánh dương 









Đặng Thế Phong - sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 1)
Jason GibbsViết cho BBC Tiếng Việt

28 tháng 2 2017


Đặng Thế Phong có hai mảnh đời khác nhau. Cuộc đời của ông khi bố ông còn sống, và cái thời kỳ sau khi bố ông mất độ năm 1935.

Khi bố ông còn sống gia đình của ông được hưởng cuộc sống ổn định, khá giả của một công chức của sở Trước Bạ Nam Định. Gia đình họ Đặng ở nhà số 9 Hàng Đồng là trung tâm thành phố Nam Định. Vì vậy, ông Đặng Hiển Thế, bố của Đặng Thế Phong, cho con mình được học tại các trường uy tín nhất xứ Nam Định là Trường Thành Chung (tức là École primaire superieure franco-indigène de Nam-Dinh) và trường dòng L'École St. Thomas D'Aquin. Khi bố ông mất cuộc đời của ông vào bước ngoặt mới.

Nhiều nhạc sĩ Việt nổi tiếng xưa đều bị mồ côi cha sớm giống Đặng Thế Phong bao gồm Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến. Không biết như vậy cũng là nguyên cớ giúp các nhạc sĩ theo nghề xướng ca vô loại, là không bị bố bắt phải học kiếm bằng và lên chức. Với Đặng Thế Phong cũng như Phạm Duy thì tình thế này đã giúp hai người nổi máu giang hồ xách đàn ra đi.

Thời thanh niên của Đặng Thế Phong là rất "thanh niên." Nhà văn Phạm Cao Củng kể rằng nhạc sĩ Phong thích bơi lội và từng đi trẩy Hội Chùa Hương. Phạm Cao Củng kể về lúc hai anh em ngủ trong chùa Ngoài ngắm ánh trăng. Một điều chắc chăn nữa là Đặng Thế Phong là hướng đạo sinh hay đi cắm trại. Trong khoảng thời gian ấy Đặng Thế Phong cũng hay lên Hải Phòng ở với Phạm Cao Củng và làm quen với hai anh em Hoàng Kim Quí và Hoàng Phú (tức hai nhạc sĩ Hoàng Quý và Tô Vũ).

Giống một số nhạc sĩ tiền phong lúc bây giờ như Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn, Đặng Thế Phong học hội họa một thời tại L'École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). So với các nhạc sĩ được nhắc đến ở trên, Đặng Thế Phong là một người anh, một người đi trước. Có nghĩa là phải cố tìm cách mưu sinh trong thời gian này khi mà tân nhạc chưa có cơ sở để giúp đỡ một người nhạc trẻ kiếm sống bằng con đường nghệ thuật của mình.

Các nguồn chính (primary source) về cuộc đời Đặng Thế Phong cũng hiếm, nhưng một giai đoạn của đời ông được chứng minh bằng tư liệu là thời ông làm cho báo Học Sinh ("pour la jeunesse scolaire") do Phạm Cao Củng thành lập. Học sinh là những trang phụ lục của Tiểu Thuyết Nhật Báo dành cho giới trẻ được xuất bản từ 5 tháng 5 1939. Vì cảnh nghèo Đặng Thế Phong phải bỏ dở học hành ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật để kiếm sống. Ông được cái may là được tựa vào một người anh kết nghĩa Phạm Cao Củng và ông cũng đã cho nhạc sĩ này làm cho tờ báo mình.

Tên Đặng Thế Phong xuất hiện trong số báo đầu tiên trong mục quảng cáo "những bài hát của nhạc sỹ trẻ tuổi Đặng Thế Phong đặt ra riêng cho các em nhỏ Học Sinh." Tôi cho lời đó chứng minh rằng Đặng Thế Phong là một người có kinh nghiệm tổ chức và dạy nhạc cho các em hướng đạo sinh, dạy các bài ca Pháp với lời Việt, và đã bắt đầu sáng tác ca khúc cho lứa tuổi ấy.

Ngày 22 tháng 6 1939 bài ca "Sáng trong rừng" của Đặng Thế Phong được đăng trên trang Học Sinh. Bài ca này được "riêng tặng các bạn 'Hương đạo sinh' và Sói con'." Lời ca "Sáng trong rừng" tỏ ra nhiều xúc cảm và đắm mê bởi cảnh đẹp rực rỡ của bình minh - "Tâm hồn ai không say đắm cảnh rừng tuyệt với." Ông soạn một giai điệu có tính vui của hành khúc kèn lệnh, nhưng cũng có nét buồn của điệu rê / D thứ.

Bài ca "Sáng trăng" được đăng trên báo Học Sinh ngày 24 tháng 8 1939. Theo nhịp "gai et rythmé" (vui vẻ và nhịp nhàng) Đặng Thế Phong soạn một ca khúc ngắn theo điệu re / D trưởng. Giai điệu này cũng có tính kèn lệnh dễ cho thiếu niên hát. Lời ca của "Sáng trăng" khuyến khích các em hướng đạo sinh vui lên để đỡ buồn nhớ khi cắm trại xa nhà.

Kèm theo các sinh hoạt tòa soạn, báo Học Sinh cũng tổ chức những buổi văn nghệ. Trên trang 13 của số báo ngày 23 tháng 11 1939 có một tấm ảnh với Ban Kịch Học Sinh vừa biểu diễn ở Chợ Phiên Thanh Niên ở Hà Nội hai hôm 18 và 19 tháng 11 1939. Trong tấm ảnh ấy có ba người lớn và bẩy em học sinh. Bên trái là "anh Đặng Thế Phong đứng đầu ban âm nhạc." Còn hai người lớn khác thực hiện dàn cảnh cho ban kịch là "chị Nga" (tức Phạm Thị Trường, vợ của của Phạm Cao Củng) và Vũ Đức Toa (một nhà văn cũng có tên bút Muỗi Sài Gòn). Có bốn người trai trẻ cầm các nhạc cụ như phong cầm, banjo, ghi ta và violon. (Một chi tiết thú vị là người đứng trước chị Nga và cầm cây đàn banjo là Hà Đình Thau sau này được biết đến với tên bút Từ Linh là bạn thân của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Người thiếu nhiên đứng bên cạnh Đặng Thế Phong và cầm kèn phong cầm tên là Hà Đình Kim, chắc là anh của Hà Đình Thau).

Báo Học Sinh không đăng nhiều thông tin về âm nhạc của ban nhạc thiếu niên này biểu diễn. Chỉ có một chi tiết là "hai em Nguyễn Bá Lộ và Hà Đình Thau đã rập ra cùng các bạn hát bài "Quay quanh, quay quanh", hòa với kèn accordéon, rất vui, như dục [giục] hết thẩy các người xem cùng đứng giậy, giắt tay nhau, ca hát và quay tròn..." Bài "Quay quanh" không biết có phải là một tác phẩm của Đặng Thế Phong sáng tác hay là một bài tây đặt lời Việt?

Tấm ảnh này chứng tỏ thêm một điều quan trọng là năm đó Đặng Thế Phong là một người nhạc sĩ có đủ trình độ để tổ chức và diễn tập một đội âm nhạc. Ông phải dạy bốn nhạc cụ cho bốn học sinh trẻ. Và trong tấm ảnh ta cũng được gặp một thanh niên đúng 20 tuổi, cao, khỏe, đẹp trai và ăn mặc lịch sự.

Từ 26 tháng 10 báo Học Sinh bắt đầu quảng cáo một bài ca mới của Đặng Thế Phong. "Đêm thu" mới được đăng trên trang Học Sinh ngày 28 tháng 12 1939 trong số báo đặc biệt dành cho "các em gái." Lời ca của bài ca này cũng vẽ cảnh đẹp của thiên nhiên như "Sáng trong rừng." Buổi sáng thì xôn xao đầy hy vọng của một ngày mới, song ban đêm thì lại "im như mắc buồn." Khác với các bài ca hướng đạo sinh ngắn, "Đêm thu" là một bài ca trọn vẹn mà cũng chuyển điệu từ sol / G thứ sang sol / G trưởng. Các nghệ sĩ biểu diễn bài ca này từ xưa đến nay hay hát đoạn điệu thứ theo nhịp chậm rồi hát đoạn trưởng nhanh hơn. Nhưng, thực ra khi ghi bài "Đêm thu" trên trang báo Học Sinh nhạc sĩ đặt ra nhịp "tempo di valse moderato" nghĩa là toàn bài ca nên biểu diễn theo nhịp valse vừa.

Khi đăng trên trang báo, "Đêm thu" đề tên hai tác giả -- "âm nhạc của Đặng Thế Phong" và "lời ca của Hoàng Thái." Hoàng Thái là ai vậy? Vai tháng sau Hoàng Thái cũng viết một bài giới thiệu mục mới của Đặng Thế Phong trên báo đầu năm 1940, như vậy Hoàng Thái là một người làm việc với báo Học Sinh. Trong Hồi Ký, thì Phạm Cao Củng cho rằng Nguyễn Trường Thọ, người chú họ của nhạc sĩ "là người đã đặt lời nhiều bản nhạc Đặng Thế Phong." Hoàng Thái có phải là Nguyễn Trường Thọ? Hay có thể Hoàng Thái chính là Phạm Cao Củng là người viết lời cho bài ca "Gắng lên chùa" mà được in trên trang tờ báo Tin Mới năm 1940.

Trong quyển Hồi ký một đời người (1993), Phạm Cao Lũy đã trích dẫn những lời kể của Nguyễn Trường Thọ về thời gian đó. Ông Thọ nói rằng lời ca của "Con thuyền không bến" được viết khi hai chú cháu ở chung trong một nhà tranh tại trại hàng hoa Ngoc Hà.'' Ông Thọ hồi tưởng rằng ông viết những lời này do một "tình cảm nặng nề" của một mối tình đầu. Nguyễn Trường Thọ cũng cho rằng lời ca của bài "Vạn cổ sầu" (được phổ biến với tên "Giọt mưa thu") là của Đặng Thế Phong loạn lời với ông Thọ góp ý một ít.

Công việc chính của Đặng Thế Phong ở báo Học Sinh sau một thời gian là vẽ tranh minh họa và tranh chuyện ký. Từ tháng 9 1939 các tranh của ông được xuất hiện trên trang báo với nhiều tên bút khác nhau như Phg, Levent (tiếng Pháp là cơn gió - tức phong), thephong, Tổng Phệ, và Khải Phong. Ông làm minh họa cho các tranh chuyện nhiều kỳ như Giặc cờ đen, Tấm Cám, và Cảnh Lâm, hồ sám (một chuyện mạo hiểm như Tarzan). Từ tháng 6 1940 thì nhiều kỳ của các tranh chuyện được ký tên Bình Phong. Không biết đây có phải là Đặng Thế Phong và họa sĩ Tạ Thúc Bình làm chung. Từ 12 tháng 9 1940 thì Tạ Thúc Bình thành người họa sĩ chính của báo Học Sinh và Đặng Thế Phong vẽ tranh ít hơn.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng, một người đồng hương của Đặng Thế Phong, đã kể cho tôi nghe rằng Đặng Thế Phong với Bùi Công Kỳ đã mở ra một "nhà hàng vẽ" ở Nam Định độ năm 1940. Thực ra Đặng Thế Phong phải làm nghệ thuật thương mại như một thợ vẽ tranh. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ông thiếu tài năng hội họa. Học ở trường mỹ thuật thì ông biết luật phối cảnh, biết cách in đá. Làm tranh chuyện ông cũng phải biết phát triển các nhân vật. Nếu chưa phải là xuất sắc thì nghệ thuật vẽ của Đặng Thế Phong phải coi là chuyên nghiệp.

Ông Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt, mở đầu loạt bài sẽ đăng về các gương mặt nhạc sĩ Việt Nam.






Đặng Thế Phong - sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 2)
Jason GibbsViết cho BBC Tiếng Việt


Đầu năm 1940 Đặng Thế Phong soạn một mục giảng dạy những điều cơ sở về nhạc lý như cái gam, các nốt, khoa, trường độ, v.v.

Như vậy Đặng Thế Phong có một trình độ âm nhạc Tây phương rất vững chắc. Các bài hát được chép ra rất đúng, và các nốt giai điệu hợp với luật hòa âm nhạc tây phương. Chắc người nhạc sĩ đã được đào tạo rất tốt ở trường dòng (và rất có thể Đặng Thế Phong từng theo đạo Thiên Chúa - em út của nhạc sĩ, Đặng Thanh Kim, là tín đồ Công giáo). Ngoài tài năng và nền học thức, Đặng Thế Phong cũng giữ một niềm đắm mê âm nhạc. Theo ký ức của Nguyễn Trường Thọ thì "Phong thích ôm cây lục huyền cầm nghêu ngao hát suốt ngày." Đặng Thế say mê âm nhạc đến hơi thở cuối cùng. Lúc lâm chung, ông xin em út của mình ca và đàn bài "Serenade" của Schubert cho mình nghe.

Báo Trung Bắc tân văn của 22 tháng 12 1940 có bài phê bình kịch Cái Vạ của Vũ Trọng Can biểu diễn hôm 16 tháng 12 tại rạp Olympia nói đến sự tham gia của một ca sĩ tên Thế Phong. Số cuối cùng của báo Học Sinh xuất bản 14 tháng 1 1941 báo cáo các thành viên của một báo mới có tên Chiếu bóng. Tên Thế Phong có mặt trong tòa soạn. Không biết tờ báo ấy có bao giờ xuất bản, nhưng ít lâu sau Đặng Thế Phong đã đi vào Nam để cố kiếm sống bằng cách dạy âm nhạc và vẽ pa-nô cho rạp chiếu bóng ở Nam Vang.


Tôi chưa thấy tư liệu nào nói ông mắc bệnh lao từ lúc nào, nhưng chính bệnh nhân Đặng Thế Phong là hình ảnh được trao cho chúng ta. Nhạc sĩ / họa sĩ Nguyễn Đình Phúc đến hội Trí Tri nghe ông hát và kể đến "một thanh niên, mặt xanh lướt như được nạn bằng sáp, đang vừa đệm ghita, vừa hát… Cái mặt sáp ong đã xanh lại càng xanh trắng bệch ra. Đặng Thế Phong ôm ngực ho, một cơn ho rũ rượi." Đến xem Đặng Thế Phong ở rạp Olympia Nguyễn Ngọc Oánh cũng nhắc đến một "hình ảnh ... đã cho tôi một ấn tượng không quên về nghệ sĩ tài ba ấy trong hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử." Đặng Thế Phong qua đời ngày 2 tháng 8 1942 ở Nam Định, chết non như một Franz Schubert của Việt Nam.

Nghệ sĩ tài hoa mệnh yểu Đặng Thế Phong để lại ba ca khúc vượt thời gian là "Con thuyền không bến," "Giọt mưa thu" và "Đêm thu." Với thêm ba ca khúc được nhắc đến ở trên thì tổng kết thì ông từng sáng tối thiểu là 6 ca khúc. Tôi biết đến thêm hai ba ca khúc khác nữa. Phạm Duy bàn đến bài ca "Sáng rừng" (khác với "Sáng trong rừng) trong những bài ông viết về lịch sử nhạc tiền chiến trong tạp chí Văn Học năm 1985. Tôi cũng có thêm thông tin về các bài ca "Đồ Sơn" (theo một bài viết của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, một người khi còn trẻ cũng gửi bài viết cho tạp chí Học Sinh) và "Sầm Sơn (theo tư liệu Lê Hoàng Long).

Khi còn sống "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu," hai kiệt tác của Đặng Thế Phong, chưa được phổ biến rộng rãi. Nhưng ít lâu sau hai bài ca này được nổi như cồn và thành quen thuộc đối với giới yêu nhạc cải cách. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiếm có bài ca được thu thanh, biểu diễn và phát thanh nhiều như hai tác phẩm ấy. Mặc dù đã chưa được thu thanh hay in làm bản nhạc, nhiều người từng sống những năm Đại Chiến thứ II (1941-1945) đều nhắc đến hai bài ca này trong hồi ký và khi trả lời phỏng vấn. Chắc chúng được dần dã phổ biến nhờ việc ghi chép vào các quyển sổ và nhờ chuyển miệng.

Nhạc sĩ Vân Đông nhắc trong hồi ký Một trên gọi, một cuộc đời và tình yêu âm nhạc rằng ban nhạc của mình ở Quảng Ngãi từng hát bài ca ấy lúc bấy giờ. Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đình Hòa nhắc các bạn bè trẻ Hà Nội hát "Con thuyền không bến" với nhau. Nhạc sĩ Văn Ký cũng kể rằng nhóm âm nhạc của mình cũng biểu diễn "Giọt mưa thu" ở Thanh Hóa. Giáo sư nha khoa Nguyễn Thành Nguyên kể cho tôi nghe rằng khi sang Nhật du học lúc bấy giờ các nữ du học sinh cũng hát "Giọt mưa thu." Nghĩa là hai bài hát của Đặng Thế Phong đã đi vào đời sống của thế hệ đó rất nhanh.

Mồng 3 tháng 9 1946, vài tháng trước kháng chiến bùng nổ, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức một buổi nhạc "để tiếp đón thính giả ngoại quốc." Buổi biểu diễn này có vai trò ngoại giao - các vị lãnh sự nước Anh, Mỹ, Trung Quốc và một số sĩ quan Pháp đến nghe. Mục đích của buổi này là trình bày tinh hoa của nền nhạc Việt để đất nước và dân tộc của mình được công nhận và tôn trọng. Chương trình của buổi biểu diễn được chia ra thành ba phần. Một phần là nhạc truyền thống Việt Nam (nhạc Huế). Trong phần thứ hai một dàn nhạc biểu diễn nhạc cổ điển tây phương trình bày một thể loại nhạc quen thuộc cho người nước ngoại đến nghe. Người Việt có khả năng chơi nhạc cổ điển cũng chứng minh rằng người Việt được am hiểu một thể loại nhạc quốc tế được coi như là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại. Phần thứ ba gồm ba ca khúc của tác giả Việt sáng tác. Dưới sự điều khiển của Đinh Ngọc Liên, ban nhạc Vệ Quốc Đoàn và giọng hát vợ ông là nghệ sĩ Bùi Thị Thái thính giả nước ngoại được nghe bài "Thiên Thai" của Văn Cao và hai bài "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong.

Một điều tất nhiên là trong dịp này họ không thể thể hiện những tác phẩm "diệt thù," "phan thây uống máu" cho khách nước ngoại. Nhưng dù thế nữa ba ca khúc ấy được coi như sự gặp gỡ hài hòa của hai nền âm nhạc tây phương và Việt Nam. Các ca khúc của Văn Cao và Đặng Thế Phong lấy cảm hứng từ nhạc xứ Việt và được viết và trình bày theo phương pháp tây phương. Bài "Một buổi hòa nhạc tưng bừng" đăng trên báo Cứu Quốc ngày 5 tháng 9 1946 kết luận rằng các tác phẩm mới này "làm cho mọi người say sưa và đặt nhiều tin tưởng vào tương lai âm nhạc Việt Nam."

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp ca khúc của Đặng Thế Phong còn rất phổ biến rộng rãi và được hát như bình thường. Nhưng ít năm sau, lập trường văn hóa trong vùng khánh chiến thay đổi. Trong hồi ký Chuyện mình chuyện đời, nhạc sĩ / họa sĩ Nguyễn Đình Phúc có kể đến một nữ ca sĩ hát bài "Giọt mưa thu" với tiếng ghi ta "phóng khoáng và bay bướm" của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đệm đàn theo. (Bùi Công Kỳ được đề tên là người viết lời trên bản "Giọt mưa thu" của Hoàng Mai Lưu xuất bản năm 1946). Nhưng trong chương sau của hồi ký ông, khi Nguyễn Đình Phúc lên chức làm "cán bộ lãnh đạo của nhà nước" thì ông lại cấm cô ấy hát "Giọt mưa thu" nữa.

Việc cấm nhạc Đặng Thế Phong ở nước Việt Nam xã hội chủ nghiã đã kéo dài độ 40 năm đến 1989. Bị cấm không có nghĩa là biến đi.

Việc cấm nhạc Đặng Thế Phong ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã kéo dài độ 40 năm đến 1989. Bị cấm không có nghĩa là biến đi. Nhiều người Việt đã giữ các bài ca ấy trong lòng mình - kể cả giữ lại cho tinh thần chiến đấu. Năm 1966 ở Vĩnh Linh, Nguyễn Đình Phúc lúc biểu diễn phục vụ lính chiến kể rằng các "anh giải phóng quân" cứ yêu cầu những bài ca lãng mạn xưa như "Con thuyền không bến." Chính trị viên quân đội bảo "các nghệ sĩ cứ hát" vì "chất dân gian và âm hưởng nhạc Việt Nam" trong các bài ca sẽ làm các người lính hăng hái chiến đấu. Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh cũng kể về giá trị của một bài ca như "Giọt mưa thu" đối với một nhà văn của phe cũ như Nguyễn Tuân. Ông kể rằng có một lúc nhà văn này "vừa uống vừa khóc, vừa hát đi hát lại" bài ca "Giọt mưa thu." Bị phê phán là hát "khóc nhân tình" thì Nguyễn Tuân bác bỏ nói "mình buồn cho những kiếp người chịu oan khuất, buồn cho đời."

Ở xứ Việt dưới Pháp quyền rồi sau 1954 ở nước Việt Nam Cộng Hòa thì nhạc Đặng Thế Phong lại được tha hồ phổ biến. Ba bài "Con thuyền không bến," "Đêm thu," và "Giọt mưa thu" được phát thanh nhiều. "Đêm thu" và "Giọt mưa thu" được nhà xuất bản Tinh Hoa in từ năm 1949. Ca sĩ Minh Trang đã thu "Con thuyền không bến" cho hãng đĩa Polyphon, Châu Kỳ thu "Đêm thu" cho hãng Philips, Văn Lý thu "Giọt mưa thu" cho hãng Oria.

Các bài ca Đặng Thế Phong cũng được phát thanh và thu đĩa băng nhiều ở miền nam thời nước Việt Nam Cộng Hòa. Nhà xuất bản Diên Hồng in lại hai bài "Giọt mưa thu" và "Con thuyền không bến." Nghe ca sĩ Thanh Thúy hát "Giọt mưa thu" đã thành một nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài ca "Ướt mi." Trong thời kỳ này bài tiểu sử đầu tiên về nhạc sĩ Đặng Thế Phong xuất hiện. Trên bìa sau của "Giọt mưa thu" (ẩn phẩm Diên Hồng năm 1964), Lê Hoàng Long cho lên một tấm ảnh một số chi tiết về đời nhạc sĩ mà ông trích từ tập 2 của của cuốn Nhạc sỹ Danh tiếng Hiện đại (hình như không xuất bản?).

Sau khi nước Việt được thống nhất thì các bài hát Đặng Thế Phong bị cấm toàn quốc. Ngày 15 tháng 10 năm 1989 Cục Văn hóa và Múa bắt đầu cấp phép cho các bài ca xưa được phép lưu hành. Ba bài ca của Đặng Thế Phong nằm trong đợt cấp phép lưu hành đầu tiên này. Thực ra quần chúng đã đi phía trước pháp luật. Tết 1988, Nhà hát Tuổi Trẻ ở Hà Nội cho biểu diễn "Giọt mưa thu" trong một chương trình "giới thiệu những nhạc phẩm đặc sắc trước va sau Cách Mạng Tháng Tám." Ngày 15 tháng 7 1988, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã giúp cho Hội Âm Nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức một "chương trình thể nghiệm giới thiệu ca khúc trữ tình" với hai ca khúc Đặng Thế Phong tại Câu Lạc Bộ Thể dục Thể thao Bến Nghé. Khán giả rất đón mừng chương trình vì "vé bán sạch từ trước cả tuần."

Các nhà phê bình âm nhạc của chính phủ Việt Nam tìm mọi cách giải thích ý nghĩa các bài ca xưa có vấn đề như các bài của Đặng Thế Phong. Bởi vì nhạc Đặng Thế Phong xuất hiện trước các biến cố 1945, như vậy nó phản ánh lên một xã hội Việt bị thực dân đô hộ. Theo lời ông Đào Trọng Từ thì "Giọt mưa thu" biểu hiện những người có tính mơ mộng, nhạy cảm sống trong một xã hội bế tắc. Nó gợi ra nỗi đau đớn của một thế hệ phụ nữ khóc trong sự phiền muộn của một nước nô lệ. Còn Nguyễn Viên thì "Con thuyền không bến … lênh đênh chỉ biết trôi theo dòng đời lạc lõng, không có lối thoát, chỉ có thở than…" Trương Quang Lục cũng thừa nhận rằng những ca khúc của "dòng lãng mạn" thời xưa "đã đạt một giá trị nghệ thuật nhất định" nhưng bị hạn chế về mặt "nhân sinh quan do điều kiện lịch sử cụ thể khi chúng ra đời."

Năm 2000 Viện Âm Nhạc xuất bản một tác phẩm 1000 trang với chủ đề Âm nhạc mới Việt Nam: Tiến trình và thành tựu. Các tác giả của quyển này khen Đặng Thế Phong về sự nhạy cảm "trong việc diễn đạt nỗi buồn tê tái." Nhưng đây chỉ là "nỗi bơ vơ của một tầng lớp trung gian" là một thành phần xã hội "mất phương hướng trong cái biển cả của những xáo động lịch sử, đặc biệt là sau cơn khủng bố trắng những năm 1931-1935." Đặng Thế Phong có phụ thuộc về "tầng lớp trung gian" không? Điều đó khó xác nhận thế nào. Nếu sống lâu Đặng Thế Phong theo cách mạng, làm công chức văn hóa cho nhà nước không? Hay di cư vào Nam, xin tỵ nạn ở Mỹ? Ai mà biết được. Nhưng lịch sử Việt Nam đòi hỏi mỗi người phải chọn đúng một phương hướng. Các con đứa tinh thần của ông cũng bị biển cả đấm thùm thụp, nhưng rốt cục được vượt biên, vượt thời gian và sống sốt.

Các bài viết về cuộc đời và tình nhân Đặng Thế Phong bắt đầu xuất hiện các tờ báo Việt vài năm sau khi các bài hát của ông được cấp phép hát lại. Năm 1991 báo Nhân Dân đăng bài "Đặng Thế Phong va người tình chung thủy" tựa vào một cuộc phỏng vấn em gái út của nhạc sĩ.

Đặng Thế Phong sinh 14 tháng 4 1918. Ông tiêu biểu cho các nghệ sĩ nghèo không được đánh giá cao và hưởng lợi lộc khi ông còn sống. Một điều đáng tiếc nữa phải đợi đến thế kỷ 21 để Việt nam mới có luật vững chắc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Theo Công Ước Berne thì bản quyền của một tác phẩm chỉ được đem thi hành đến 50 năm sau khi tác giả mất. Như vậy từ năm 1992 nhạc của Đặng Thế Phong đã vào phạm vi công cộng. Khi còn sống thì hình như Đặng Thế Phong không bị ai bóc lột mà chỉ có việc là ông sống và chết trước khi thời cơ ông đến. Dù sao thì các tác phẩm của ông vẫn rất gần gũi với các người yêu nhạc Việt.

Ông Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt, mở đầu loạt bài sẽ đăng về các gương mặt nhạc sĩ Việt Nam.

Cập nhật ngày 6/3: Bản đầu tiên của bài viết ghi rằng em gái cố nhạc sỹ Đặng Thế Phong, bà Đặng Thanh Kim, đã mất năm 2016 mặc dù bà hiện vẫn còn sống. Sau khi được gia đình liên lạc, BBC đã đính chính chi tiết này trong bài. 










Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.