Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Minh Đức Hoài Trinh (1930 - 2017)
















Minh Đức Hoài Trinh

Tên thật: Võ Thị Hoài Trinh
(Có tài liệu ghi Võ Tá Hoài Trinh)

Các bút hiệu khác:
Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử
(15/10/1930 Huế - 9/6/2017 Huntington valley)

Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo


sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982.









Tiểu sử

Minh Đức Hoài Trinh sinh năm 1930 tại Huế, con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, Ông Nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình. Bà là em ruột nhà văn nữ Linh Bảo và là cô của nhạc sĩ Võ Tá Hân.
Theo Nhạc sĩ Phạm Duy, bà đã tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp khoảng năm 48, nhưng sau đó bỏ về Huế tiếp tục việc học.
Năm 1964 bà du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Đông Phương, Paris 
 Ra trường năm 1967, bà làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, là một phóng viên chiến trường tầm cỡ quốc tế, một ký giả hoạt động ở mọi lĩnh vực, bà đã làm nhiều phóng sự ở nhiều nơi sôi động như Algérie, Việt Nam v.v
Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
1973 Bà được cử sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái
Sau đó bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh (Sài gòn) năm 1974-1975.

Sau biến cố 1975 bà trở lại Pháp cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và cộng tác với đài phát thanh ORTF với chương trình Việt ngữ để tranh đấu cho những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhân hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1979.

Ngoài những bài báo, bà còn sáng tác khoảng 25 tác phẩm văn học.

Nhà văn Nguyễn Huy Quang, chồng bà, đã thực hiện một tập sách khá đầy đủ những tài liệu, bài vở và hình ảnh với tiêu đề: “Văn Nghiệp Và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh.”














Minh Đức Hoài Trinh thời du học tại Pháp














Tác phẩm đã xuất bản






1
Lang Thang
(1960)




2
Thư Sinh
(1962)




3
Bơ Vơ
(1964)




4
Hắn
(1964)




5
(1964)




6
Thiên Nga
(1965)




7
Hai Gốc Cây
(1966)




8
Sám Hối
(1967)




9
Tử Địa
(1973)




10
Trà Thất
(1974)




11
Bài Thơ Cho Ai
(1974)




12
Dòng Mưa Trích Lịch
(Thanh Long Bruxelles, 1976)




13
Bài Thơ Cho Quê Hương
(Nguyễn Quang Paris 1976)




14
This Side The Other Side
(Occidental Press USA 1980)




15
Bên Ni Bên Tê
(truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985)




16
Niệm Thư 1
(tái bản 1987)




17
Biển Nghiệp
(Nguyễn Quang USA, 1990)






Danh sách chưa đày đủ








Đọc truyện Minh Đức Hoài Trinh
















Thơ Minh Đức Hoài Trinh




















Đừng Bỏ Em Một Mình



Đừng bỏ em một mình

Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình

Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh

Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh

Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh

Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh 

Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh

Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình

Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình




Nhạc Phạm Duy
Thơ Minh Đức Hoài Trinh












Bài Thơ Không Tên

Ta đi trên đường phố rộng
Mà ngỡ lạc vào tha ma
Cuộc đời xây toàn ảo mộng
Trong lũ người hôm nay sao lại có ta

Tiếng ai vọng về nức nở
Hay từ chính nẻo tâm tư
Nơi quê hương có người đang ngộp thở
Mồ Đại Dương thay cánh cửa ngục tù

Này những oan hồn lạnh lẽo
Thôi đừng oán hận hôm nay
Thoát khỏi cuộc đời úa héo
Thoát làm Việt Nam là thoát cảnh đọa đày

Các anh đói trên đất nhà quằn quại
Chúng tôi no ngoài xứ lạ nhục nhằn
Đồng hương đó mà nhìn nhau ái ngại
Như hai kẻ thù, như thú dữ với người săn

Có phương thuốc nào kỳ diệu
Uống vào để biết yêu thương
Mẹ hiền ru con, xin hoài một điệu
.. . Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Nếu biết ngày mai u tối
Lửa đạn bao trùm năm châu
Xóa ván cờ này ta bày cuộc mới
Danh vọng, giàu sang, rồi sẽ được bao lâu?

Im đi. Thôi đừng nức nở
Tâm tư ơi chán chường rồi
Lầu hạnh phúc chưa tìm ra lối mở
Vườn Thiên Thai chốn bỉ ngạn mà thôi













Gửi Mẹ

Mùa thu ấy mưa về trong gió rét
Mẹ ngậm ngùi âu yếm tiễn con ra
Mắt ngời xanh mơ ước chốn ngàn xa,
Trời khóc hộ mẹ con ta, mẹ nhỉ.

Nhưng đời không dung dị,
Như mùi hương giàn hoa lý thanh thanh,
Từ xa nhà con chưa gặp mầu xanh,
Chưa được thở khí lành,
Như con hằng mơ tưởng.

Và mẹ nữa, có thấy gì sung sướng,
Những buổi chiều mưa gió vướng trên hoa,
Tìm đâu hình ảnh thiết tha
Mẹ còn đứng tựa bóng già thân cau.

Không, con chẳng muốn mẹ sầu,
Núi sông ai nỡ nhuộm màu nhớ thương,
Mái quê hương,
Chìm trong sương trắng lạnh
Cánh chim trời cô quạnh bơ vơ,
Mẹ ơi, biết đến bao giờ,
Gió đưa thuyền ngược lại bờ sông xưa?

Mái nhà ai còn rả rich tiếng đàn mưa . . .











Hỏi Mẹ

Mẹ ở phương nào chiều hôm nay
Hoàng hôn đang về trong heo may
Mây trắng hững hờ ôm đỉnh núi
Mẹ thấy không, mình con ở đây

Mẹ ở phương nào chiều hôm qua
Trăng thương nhòa nhạt giải Ngân Hà
Mùa thu lá đỏ như mầu lửa
Ai có nghe tình ai thiết tha

Mẹ ở phương nào buổi sớm mai
Quê mình, Quê Phật? Cõi thiên thai?
Cung trời Đao Lợi xa vời quá
Mẹ đã vào chưa ? Hay tương lai ? 

Mẹ ở nơi nầy hay ở đâu?
Cuộc đời vùn vụt trôi qua mau
Một kiếp, hai kiếp, thật là ngắn
Mới cười, mới khóc, mới bên nhau

Mẹ biết con thường hay xót xa
Khi hoàng hôn tím phủ bao la
Đất mình, quê mẹ chừ tan nát
Hẹn đến bao giờ . . Ta gặp Ta?

Có dịp nào mẹ lên vấn Trời
Quê mình sao khổ thế Trời ơi
Trời đùa? Trời thử? Hay Trời ác?
Đày đọa dân ta đến mấy đời?












Kiếp Nào Có Yêu Nhau

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi 
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi .

Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ .

Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở .

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận ngàn sau
Tình xanh khong lo sợ .

Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi ?




Phạm Duy phổ nhạc
Tuấn Ngọc



Thái Thanh












Mẹ Bảo Ta Đừng Nhìn Qua Cửa Sổ

Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân
Đừng ngước mắt theo lũ chim về tổ
Khi trăng tàn nhẹ trải lối quanh sân

Mẹ dặn ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi niềm tin lỗi hẹn vắng đi về
Khi đã trót giao bôi không đúng chỗ
Mà cuộc đời là một cõi u mê

Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ
Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ
Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ
Hãy xuống hàng, chấm dứt một bài thơ

Mẹ cấm ta không cho nhìn qua cửa sổ
Không cho nghe âm đoản, giọng trầm buồn
Khi đã biết rừng đời nhiều trái khổ
Tô đậm làm chi bóng lẻ dưới trăng suông

Mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ
Nghĩa lý gì đâu, những hình ảnh vô thường
Một kiếp người chưa bằng viên đá nhỏ
Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu thương

Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ
Thả tâm tư về cuối nẻo chân trời
Tìm trong ánh sáng một vì sao bé nhỏ
Nói với sao:
Trần gian này còn một kẻ đơn côi 














Lời ca của đất

Em đây mà
Anh, anh ơi sao không quay đầu lại
Sao không nhìn nhau
Không gượng nhẹ bàn tay
Em của anh
Bao nhiêu lần sợ hãi
Từng đợt mìn bom
Từng hố trẻ vùi thây

Hãy nhìn em đi anh
Xin nhau cái nhìn đằm thắm
Xin nhau nụ cười thiết tha
Quê hương mình
Đường Bắc Nam thăm thẳm
Từng đoàn quân chen chúc tới tha ma.

Đêm mờ hơi sương
Đi đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.

Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm

Hình hài em bé nhỏ
Sẹo hằn lên thịt da
Ruột gan ai nỡ xé
Gỗ đá nào không nức nở thương ta.

Trích tạp chí Hồn Việt Nam, số 5, ngày 15/2/76



















Yêu Nhau Kiếp Nào


Năm 1943, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy tới Huế vào một ngày êm đẹp. Cảm xúc ngày ấy như vẫn ngọt lịm trên từng giác quan người nhạc sĩ. Ông mơ màng hồi tưởng: “Ai tới Huế lần đầu tiên cũng đều cảm thấy như vừa gặp một nơi để biết ái tình ở dòng sông Hương... vì những bầy “Huế nữ” không những đẹp thôi, ăn nói lại mặn mà có duyên. Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi... Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Tá Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ nữa, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh... Nói rằng tôi biết ái tình ở dòng sông Hương là thế, nhưng lúc quen nhau rồi thì cũng phải xa nhau. Tôi tiếp tục sống đời giang hồ, người mới quen dần trôi vào dĩ vãng...”.



Nhạc sĩ Phạm Duy, năm 2007
Ảnh: Diệp Đức Minh 


Cuộc đời Phạm Duy, không ít những cuộc gặp đầy lưu luyến, song phần lớn chỉ là đôi ba khoảnh khắc ngắn ngủi rồi muôn trùng cách biệt. Trường hợp của nữ sĩ Hoài Trinh có thể gói trọn trong một chữ “duyên”. Năm 1948, nơi không gian nhỏ hẹp là khu vực của làng văn nghệ Quần Tín (tỉnh Thanh Hóa) vào thời gian mà cuộc toàn quốc kháng chiến đã gần đi vào năm thứ hai. Phạm Duy kể: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con... ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thai Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ”.

Con tạo xoay vần. Họ lại chia tay nhau. Nhưng, Phạm Duy tiếp tục câu chuyện về nữ sĩ Hoài Trinh: “Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ”.

Minh Đức Hoài Trinh, trong ký ức của Phạm Duy là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ pha chút “bạt mạng”. Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ - nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình.

“Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ “nhau”: Cho nhau, Đừng xa nhau... Một bài thơ cũng ở trong chữ ''nhau'' của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ... Bài thơ nhan đề Kiếp nào có yêu nhau...

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi

....

Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối... để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng.

Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát...

Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bát cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng... đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ - chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch.

Hẳn người thôi đã quên ta!
Trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.

Về bài thơ Đừng bỏ em một mình. Sau khi đã thu xếp gọn gàng cuộc tình mười năm với những tình ca đôi lứa như Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Con đường tình ta đi... rồi chia tay với người yêu qua những tình ca một mình như Mùa thu chết, Tình hờ, Giết người trong mộng... tại Midway City, vào năm 1970, tôi phổ nhạc một bài thơ như gửi từ dưới mộ:

Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

...

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình

Tôi còn gặp lại Minh Đức Hoài Trinh thêm một lần nữa khi chúng tôi di cư qua Mỹ, tới ngụ cư tại Midway City. Nàng cũng tới thị trấn giữa đàng và ở nhà xế cửa nhà tôi”.

(Trích Vang vọng một thời - Mùa hè 2012) 

Hiếu Dũng - Ngân Vi














Thơ Minh Đức Hoài Trinh
Nhạc: Võ Tá Hân
Giọng hát: Bảo yến
https://www.youtube.com/watch?v=7Y_6w5nWqrQ&list=PLEe32_RuY7pzupTAT_UqHu_hV5SLl_i_u













HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NỮ SĨ
CAO MỴ NHÂN

LTS-Minh Đức Hoài Trinh tên thật Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1930 tại Huế, là con cụ Võ Chuẩn, Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ đi học ở các tỉnh theo cha, lớn theo học ngành báo chí, chính trị và xã hội học tại Pháp. Đã từng làm ký giả và đặc phái viên cho nhiều báo, có chân trong Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội ký giả Ngoại quốc tại Pháp. (NT)

Trên cõi đời, có lẽ số người tôn trọng nguyên tắc chỉ độ non nửa, già nửa nhân khẩu còn lại, thường ỷ y, xem thường, hoặc vô phương...cứu chữa cái cố tật “nước tới chân mới nhảy”. Tôi là số người đứng ở phần hai này.

Trong câu chuyện 60 năm cuộc đời hôm nay, mà tuần tới đây (1), nhà văn NGUYỄN QUANG, tác giả tập truyện ÔNG GIÁO LÀNG đã ra mắt bạn đọc ở Nam California cách nay mấy tháng, sẽ là người chủ chốt giới thiệu với độc giả về 60 năm cuộc đời của nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, mà ông anh, nhà văn NGUYỄN QUANG đã thông báo cho tôi, lớp sau của nữ sĩ phu nhân ông, rằng ông sẽ cố gắng làm một buổi sinh hoạt văn chương kỷ niệm “60 năm MINH ĐỨC HOÀI TRINH trên ngay phần đất Bolsa, thủ đô tị nạn của những người Việt đang và vẫn còn lưu vong này, cho dù thời gian trước đây, ông chưa nghĩ tới, hoặc giả vân vân khác...và tôi cố gắng góp chút kỷ niệm cho có tình tỉ muội với nhau.

Tôi bày tỏ với anh chị nhà văn NGUYỄN QUANG và nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, là tôi ngại quá, ở một cái nôi hơn ba thập niên văn vật, với con đường xa lộ hào quang 24 / 24, âm vang từ năm châu vọng về điểm tới Bolsa đỉnh chung danh vọng, đất hứa của những tài hoa mọi lãnh vực, đến nỗi từ trong nước hết lớp sóng này, tới lớp sóng khác, tràn qua đại dương, lưu diễn ngành nghề đơn điệu hay đa hiệu tùy theo thời vận.

Nhà văn NGUYỄN QUANG cười hỉ hả:

-Không sao, không sao, việc ai nấy làm, mình ghi lại thời điểm 60 năm hoạt động văn học nghệ thuật của MINH ĐỨC HOÀI TRINH thôi mà.
-Dạ.

Vào thượng tuần tháng 4.2008, tôi đã tháp tùng đôi uyên ương văn nghệ này, lên San Jose để giới thiệu cuốn sách đồ sộ Văn Nghiệp và Cuộc Đời MINH ĐỨC HOÀI TRINH, gồm những hình ảnh và bài vở liên hệ với nữ tác giả đương nêu, do chính nhà văn NGUYỄN QUANG sưu tầm, biên soạn.

Với lý do gần cũng như xa, trong cũng như ngoài, nhà văn NGUYỄN QUANG nhận định, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã rất nhiệt thành từ thực tế tới văn chương, thành ông muốn thu thập lại.

MINH ĐỨC HOÀI TRINH là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo thực sự, nhưng nếu chỉ là...ba nhà như thế thì cũng na ná các nhà văn, thơ, báo hiện nay, rất đại trà ở hải ngoại, cái điều khiến người ta, hay ít nhất là tôi thấy được, chị đã khởi đi từ một ký giả truyền thông chuyên nghiệp, có học hành, đỗ đạt ở một phân khoa đại học danh tiếng nước Pháp.

Chị đã là phóng viên chiến trường cấp quốc tế, đã là ký giả hoạt động ở mọi lãnh vực, chị đã hiện diện ở Châu Âu, Châu Phi, và sau cùng ở Châu Á, trong đó có chiến trường Việt Nam trước 30.4.1975. Sau đó chị lại rời quê hương, trước thời điểm trên, lại vẫn vừa học, vừa hành...khi hay tin miền Nam rơi vào tay cộng sản, MINH ĐỨC HOÀI TRINH đành trở qua Pháp, bước tiếp hành trình cuộc đời chị, sinh hoạt văn hóa, xã hội và đấu tranh cho lý tưởng Tự Do mà từ thuở nào chị hằng theo đuổi.

Kể từ giữa thập niên 70, nhất là những năm cuối 70 này, những cơn sốt di tản xuất phát từ các ngả Đông, Nam Việt Nam, dân chúng bất kể thuộc thành phần nào ở các tỉnh bên này sông Bến Hải, đã phải tìm đường vượt biên vì sợ hãi, chán ghét, thù hận chế độ vô thần, vô sản, vô nhân đạo, họ quyết kiếm sự sống trên nỗi chết, hằng ngày sóng biển Đông vật vã tàu đò, thân xác người lênh đênh.

Để nói lên tiếng nói chung, một cách điệu duy nhất có thể biểu lộ được, phản bác được cho năm châu thế giới mau chóng biết được, hiểu ngay, vì sao dân miền Nam phải rời bỏ quê hương ra đi, là, phải có một sinh hoạt cấp quốc tế, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã nung nấu ý chí thành lập VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, với hoài bão dựa vào diễn đàn này, nói lên nguyện vọng của từng lớp người di tản, vượt biển, lưu vong, tị nạn. Do đó, năm 1977, MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã từng vận động, từng bước xây dựng được trung tâm VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, chính thức sinh hoạt cùng VĂN BÚT THẾ GIỚI năm 1978. Nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH là chủ tịch VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI nhiệm kỳ tiên phong. Thành bên cạnh Văn Nghiệp, MINH ĐỨC HOÀI TRINHvới 30 tác phẩm đủ thể loại, từ thơ, văn, tiểu luận, ký mục v.v...nữ sĩ có một sự nghiệp song song, đó là người đã hiện diện trong lãnh vực VĂN BÚT VIỆT NAM, kể từ khi mới khai mạc buổi đầu tiên thập niên 60 ở thế kỷ trước, do các nhà văn, nhà thơ tiền nhiệm, lão làng thiết lập, trách nhiệm tổ chức điều hành như nhà văn NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM, nhà văn ĐỖ ĐỨC THU, các nhà thơ VŨ HOÀNG CHƯƠNG, ĐÔNG HỒ, trẻ hơn như các nhà văn DUY LAM, NGUYỄN THỊ VINH, LINH BẢO v.v...trong số đó có các nữ sĩ sinh hoạt rất đều đặn, đi họp VĂN BÚT THẾ GIỚI từ những năm trước 1975, như MỘNG TUYẾT, QUỲNH HƯƠNG, TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG, HOÀNG HƯƠNG TRANG và nhất là văn, thi sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH.

Nhiệm kỳ VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI do nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH giữ chức chủ tịch, đã đấu tranh tích cực cho những văn nghệ sĩ thuở đó đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam cầm tù, như nhà văn DUY LAM, nhà thơ CUNG TRẦM TƯỞNG, nhà thơ TÔ THÙY YÊN, tất nhiên ba văn, thi sĩ đó đã được các trung tâm Văn Bút nước bạn như Pháp, Thụy Sĩ nêu ra thành tích và tên tuổi từ trước Tháng Tư Đen 1975 ở Miền Nam Việt Nam.

Điểm khó trình bày với tôi hiện nay, là giai đoạn hai của VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI sau năm 1995 đã bị phân hóa, khiến VĂN BÚT THẾ GIỚI phải đặt VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI trong tình trạng dừng lại, thì một lần nữa, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH lại phải dấn thân đi vận động VĂN BÚT THẾ GIỚI nghiên cứu và chấp thuận việc tái sinh hoạt, để danh xưng VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI tồn tại đến hiện thời. Nếu không vì yêu mến, xót thương danh nghĩa VĂN BÚT VIỆT NAM xưa gọi là BÚT VIỆT, nay là VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI, thì nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã chẳng bận tâm, tuổi tác và sức khỏe không cho phép nữ sĩ làm việc, suy nghĩ nhiều nữa. 60 năm văn chương, nghệ thuật của MINH ĐỨC HOÀI TRINH thiết tưởng đã quá tải với những ưu tư, viết lách, hội thoại v.v...Nhưng, bù lại nữ sĩ có những sinh hoạt văn nghệ tươi mát, hồn nhiên khác như hướng dẫn và biểu diễn đàn tranh, cắm hoa.

Ngày anh chị cư ngụ ở Vườn Trúc (trước nhà, chị trồng toàn trúc vàng), chị còn hướng dẫn một lớp chữ Hán. Tôi hỏi tại sao thời chị du học ở Pháp, chị lại học chữ Hán? Chị bảo học chữ Hán để không quên tiếng Việt, và tất nhiên để thưởng thức văn chương Đường, Tống.

Riêng tôi, đứng trước nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH, một người trọng nguyên tắc, tôi vẫn tìm thấy được những nét thoải mái, khi nghe hai bài thơ của chị được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: ”Kiếp nào có yêu nhau”, và “Đừng bỏ em một mình”. Nhiều bài thơ khác của MINH ĐỨC HOÀI TRINH cũng được các nhạc sĩ khác phổ nhạc, song tôi đan cử hai bài trên, vì hai bài đó đã “thời đại hóa” một thời Miền Nam trước 1975.

Sự nghiệp văn hóa, xã hội vậy, mà nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH không hay chưa viết Hồi ký như một số văn, thi sĩ ở hải ngoại đã từng tự sự kể đời mình. Có lẽ yếu tố thực tế đôi lúc khiến chị không tha thiết lắm, bởi khi tác giả hồi ký cầm bút, thì sẽ bắt đầu kể từ đoạn nào đời nào, từ thuở tấm bé, con nhà quan, lúc tham gia sinh hoạt yêu nước như thế hệ trước năm 1954 của chị, hay khi bắt đầu rời xa quê mẹ, đến nửa địa cầu phía Tây, rồi trở về đất nước, xong lại tha hương tới bây giờ...Thật nhiều quá, có nguyên tắc đến đâu thì cũng trễ muộn, như tôi nói mở đầu, phàm việc gì, nước đến chân mới nhảy cũng dễ bị thiếu sót. Do đó, nữ sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã không viết hồi ký, nhưng chị lại may mắn, là có phu quân - người bạn đời hào phóng, mã thượng là nhà văn NGUYỄN QUANG - đã tổng hợp giùm chị đường trường Văn Nghiệp, với 253 bức hình, thuyết minh cuộc hành trình trong cuốn sách, dày như cuốn album khổ XL đồ sộ “Văn Nghiệp và Cuộc Đời MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã xuất bản, nay lại tổ chức một buổi “60 năm MINH ĐỨC HOÀI TRINH ngày chủ nhật 6.11.2009, vô cùng tình nghĩa.

Hawthorne 28.11.2009

1)-Tuần báo văn nghệ Đất Đứng của Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Mỹ, số 383, ngày Thứ Sáu 11.12.2009, mục Trong xóm Ngoài làng, tr. 30. 












Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh

Chết đi anh cho em được ngồi bên mộ
Cho nước mắt hồng chảy thấm xuống thịt xương
Xin hãy chết đi trong một chiều bão tố
Cho suốt đời vũ trụ khoác thê lương

Nếu anh chết em sẽ ở gần anh mãi
Mỗi chiều về sẽ đốt nén hương xanh
Nghĩa trang tím bước hoàng hôn chậm rãi
Em gục đầu và sẽ gọi tên anh.

Anh còn sống là mình còn xa cách
Vì cuộc đời hay ghét kẻ yêu nhau
Vì hạnh phúc phải xây trên nhiều thử thách
Xã hội điên cuồng, nhân loại ngợp thương đau.

Anh chết đi để cho mình gặp lại
Trong giấc mơ anh sẽ đến tìm em
Em sẽ siết anh trong vòng tay và mãi mãi
Ngạo với thời gian, ánh sáng và hương đêm

Nếu anh chết em sẽ là màu trắng
Vành khăn tang buộc mớ tóc mong manh
Ta sẽ yêu nhau, yêu nhau trong hoang vắng
Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh.









Trăng, Sao và Sương
Thơ Minh Đức Hoài Trinh
Nhạc Cao Minh Hưng












Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
(1)

Kiều Phong



Đọc xong cuốn “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN (1957-1975)” của nhà văn Nhật Tiến, rồi bài nhận định về giá trị tác phẩm này của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh… ngẩn ngơ cả ngày. Nhớ các bậc tiền bối có công tạo dựng và duy trì một nơi quy tụ đẹp đẽ của văn giới miền Nam. Nhớ những công trình lớn lao của hội đã góp phần làm phong phú cho nền văn chương của quê hương đất nước thân yêu thủa nào.
Và bồi hồi nhớ nhà văn Minh Đức Hoài Trinh cùng nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp.
Sau 75, Hội Văn Bút, như tất cả các hội đoàn khác, tự ý giải tán hoặc bị bức tử. Hội viên thì phần lớn như cá nằm trên thớt, chờ ngày chế độ mới ra tay bắt bớ, giam cầm. Tác phẩm của họ bị đốt, hoặc trưng bày trong những phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy. Hội Văn Bút Quốc Tế cũng mặc nhiên coi hội Văn Bút Việt Nam đã chết theo miền đất tự do cuối cùng của nước Việt.
Người nhất định không chịu chấp nhận cái chết ấy là bà Minh Đức Hoài Trinh. 
Trong một phiên họp của đại hội Văn Bút Quốc Tế, sau ngày mất nước, bà lên diễn đàn thỉnh cầu Hội chấp nhận là Hội Việt Nam còn sống nhăn, bằng cớ là có nhiều hội viên, cũng như bà, được tị nạn ở các nước tự do. Tất cả những hội viên may mắn này sẽ tiếp tục duy trì hội Văn Bút tạm đặt trụ sở ở Hải Ngoại, sinh hoạt bình thường.
Thế là hội viên những nước thiên tả, hoặc vốn thù ghét Việt Nam Cộng Hòa nhâu nhâu lên tấn công bà. Có tên khẳng định VNCH chết ngày 30 tháng tư bảy lăm, hội Văn Bút Việt Nam cũng tạ thế cùng ngày. Chỗ trống phải dành để chờ Hội Văn Bút Việt Cộng. Có đứa xỏ xiên: Đám nhà văn nhà thơ lưu vong ấy mai mốt sẽ thành công dân nước họ định cư, tha hồ gia nhập hội Văn Bút Tây, Mỹ, Canada, Úc… quên VN đi!
Chủ tịch và ban chấp hành của hội cũng xác định là xưa nay, hội chưa từng chấp nhận một hội Văn Bút nào có kèm hai chữ “hải ngoại”.
Tuy cũng có một số hội viên ủng hộ bà, nhưng không nhiều. Lúc bầu phiếu, phe chống có đa số áp đảo, bà thua, Văn Bút Việt Nam tiếp tục tắt thở.
Không sờn lòng, nản chí, cùng luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Trần Tam Tiệp, bà Minh Đức Hoài Trinh bền bỉ tranh đấu. 
Đại hội nào bà cũng dự, bài diễn văn nào của bà cũng nhấn mạnh vào truyền thống và chủ trương tốt đẹp của hội: bênh vực và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của hội viên và những người cầm bút khắp thế giới. Hội Văn Bút Việt Nam, từ chủ tịch đến đa số hội viên hiện đang là nạn nhân của một chế độ độc tài, sắt máu. Tác phẩm của họ bị đốt, bản thân họ bị cầm tù. Họ không thể kêu cứu với hội quốc tế và tường trình về hoàn cảnh khốn cùng của họ vì liên lạc với nước ngoài là một trọng tội, bị ghép tội danh “làm gián điệp cho ngoại bang” có thể lãnh án tử hình. Chấp nhận “hội Văn Bút VN hải ngoại” là tạo một nhịp cầu. Hội hải ngoại sẽ có những cách riêng để liên lạc với hội viên trong nước và có bản tường trình về hoàn cảnh hiện tại của họ cho hội quốc tế lên tiếng, can thiệp, bênh vực.
Lời bà càng ngày càng thấm khi chính các hội viên thiên tả cũng nhìn thấy sự thật. Và năm1979, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần 44 họp ở Rio de Janeiro, Brazil đã chấp nhận Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad PEN Centre) với số phiếu 25/12. 
Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm ấy, năm này qua năm khác, đã giang tay chống đỡ căn nhà Văn Bút, không để cho trận Hồng Thủy cuốn phăng nó đi, như tất cả các kiến trúc chính trị, văn hóa thuộc về miền Nam xưa. Bà thành công. Và Văn Bút VN là hội đoàn duy nhất của miền Nam tự do còn giữ được tư cách pháp nhân quốc tế.
Từ ngày đó, Văn Bút VN tường trình đầy đủ cho Hội Quốc Tế về tình trạng bị tù đầy, đàn áp của các hội viên và giới cầm bút ở VN, đồng thời cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Đại Hội nào cũng có ghế trống, chỗ ngồi tượng trưng dành cho những hội viên vắng mặt vì bị cầm tù. 
Sau, không còn tượng trưng nữa, hội VN đề nghị Hội Quốc Tế nhận tất cả các hội viên đang bị đầy đọa ở quê nhà là Hội Viên Danh Dự. 
Sáng kiến này được hưởng ứng, Hội Viên một số nước Âu Châu nhận luôn nhiều nhà văn, nhà thơ VN là Hội Viên danh dự của chính quốc gia họ. Và vì các quốc gia ấy rất tôn trọng văn giới cho nên họ gửi khi thì nhà báo, khi thì nhân viên ngoại giao tới Việt Nam, tìm đến thăm hỏi, phỏng vấn, và giúp đỡ các “Hội viên Văn Bút Danh Dự” của nước họ. Có nhà văn, nhà thơ đã được đón từ Việt Nam đến định cư tại quốc gia nhận các vị này là hội viên. 
Tất cả những chuyện ấy đã không xảy ra nếu không có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút VN Hải Ngoại. Và cũng có nhiều chuyện tốt đẹp đã không xảy ra nếu không có ông nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, Tổng thư ký của hội.
Ông Tiệp là Trung Tá Không Quân, gia nhập làng viết phiếm luận với bút hiệu Đạo Cù. Ông không là hội viên trước 75. Nhận chức Tổng thư ký của Văn Bút VN Hải Ngoại, ông phải cáng đáng đủ chuyện thượng vàng hạ cám, vì ban chấp hành của hội trần xì có hai người sinh hoạt thường xuyên: Bà Chủ Tịch và ông Tổng Thư Ký. 
Nhưng chu toàn nhiệm vụ Tổng Thư ký chỉ là chuyện nhỏ.
Đại bàng gẫy cánh rơi xuống Paris đành chọn nghề nghiệp mới. Ông Đạo Cù làm trưởng toán sĩ quan an ninh chuyên trách việc bảo vệ các hãng xưởng, các cơ sở thương mại. Sắc phục tề chỉnh, uy nghi, chức tước nghe kêu boong boong, nhưng ông Nguyên Sa lại diễn nôm, dịch huỵch toẹt sang tiếng Việt là “nghề gác dan”. Chủ nhân các cơ sở, hãng xưởng Tây chắc trả công dựa trên bản dịch của Nguyên Sa, nên lương ông Đạo không cao mấy. 
Ông cư ngụ trong căn gác xép trên nóc một ngôi nhà cũ. Bề rộng của căn nhà – theo lời mô tả của ông Bồ Đại Kỳ – “Cũng to hơn cái chuồng chim bồ câu một tí. Chỉ tội mái thấp quá. Đến thăm nó, đi đứng mà quên lom khom là bươu đầu sứt trán như chơi!” Gác xép cũng có cửa sổ, là một khung gỗ với miếng gỗ che có gắn bản lề như cánh cửa. Khi cần thưởng thức trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ông Đạo chỉ cần dùng một cây gậy đẩy miếng gỗ che lên, chống cho nó mở toang ra là có ngay khung trời thơ mộng. Thỉnh thoảng quên đóng “cửa sổ”, đi làm về thấy gió thu, lá thu và cả… mưa thu tràn vào đầy nhà, chiếu giường ướt nhẹp.
Ông chịu sống cần kiệm, khắc khổ như thế để có tiền gửi về giúp các bạn văn. 
Bất cứ nhà văn, nhà thơ nào dù không là hội viên của Trung Tâm Văn Bút, mà ông liên lạc được, ông đều gửi quà. Hồi ấy, dịch vụ gửi quà chưa có. Ông Đạo phải tự mua từng món, tự đóng thùng rồi khuân vác, đáp mấy chuyến metro đưa tới nhà bưu điện. 
Chính nhờ ông Tổng thư ký của hội chịu vất vả ngược xuôi trên đường phố Paris, vai vác những thùng quà to tướng mà nhiều nhà văn nhà thơ có thêm chút sinh lực, đồng thời níu được đường giây liên lạc để chuyển những tin tức, những tác phẩm viết chui ra hải ngoại. Và bà Chủ tịch luôn luôn có những bản tường trình phong phú, chính xác về tình trạng của văn giới ở quê nhà để trình cho Hội Văn Bút Quốc Tế.
Ông Đạo Cù xuôi ngược trên đất lạ, quê người, khi tay xách nách mang, khi khiêng trên vai những thùng quà nặng tình văn hữu, giữ liên lạc chặt chẽ, thăm hỏi, giúp đỡ bạn văn còn kẹt ở quê nhà với tất cả khả năng, sức lực của mình. 
Bà Minh Đức Hoài Trinh phong thái tha thướt dịu dàng nhưng lời lẽ chém đinh chặt sắt, đăng đàn, phó hội hiên ngang đương đầu với đa số những hội viên đầy trí tuệ nặng lòng thù nghịch Việt Nam Cộng Hòa, ghét luôn văn giới miền Nam. Họ xô bà ngã trong nhiều năm, bà vẫn đứng dậy, cương quyết tiến tới và cuối cùng đã giành được một chỗ đứng trên văn đàn quốc tế cho tập thể người Việt lưu vong. 
Mấy thập niên qua rồi, nhớ lại thủa ấy, vẫn thấy cần gửi đến bà nhà văn, ông nhà báo thêm một lời tri ơn. 
Văn Bút VN Hải Ngoại vừa được chấp nhận là hoạt động tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến vừa đẹp vừa thực tế như chọn những nhà văn nhà thơ đang bị đàn áp, cầm tù là “Hội Viên Danh Dự” để có danh chính ngôn thuận can thiệp, giúp đỡ… Hội ta được từ chủ tịch đến các hội viên quốc tế cảm phục và quý trọng ngay.
Khi nhà thơ Viên Linh được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 1993– 1995, sự quý trọng ấy vẫn còn. 
Ông Viên Linh có tài tổ chức, nhiều sáng kiến lạ nên thời ông làm chủ tịch, VBVNHN coi bộ hoành tráng nhất, trông xôm tụ như một triều đình. Nhiều quan chức lắm! Cô Tà Cúc cũng được cho làm Quan Lớn Văn Bút. Nhớ mang máng hình như cô được thụ phong chức Trưởng Ủy Ban Phụ nữ. Chả hiểu sao mà hội văn bút lại có một ban đặc trách chuyện quý bà, quý cô, mà tên ủy ban cũng mù mờ, lửng lơ, khó hiểu. Quan Trưởng ban Tà Cúc lãnh đạo phụ nữ của hội? ở quận Cam? hay cai trị toàn thể phụ nữ khắp ta bà thế giới?
Nhiều văn hữu chê “nhăng nhố, lố bịch quá” rồi cười lăn. Riêng tôi, bé đã mê phường chèo, hát bội, lớn lại nghiền thêm món cải lương, thích những chuyện diêm dúa, hoa hòe hoa sói, mũ áo xênh xang, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất… nên khoái cái triều đình văn bút này quá xá, quà xa. Ai nói gì thì nói, Kiều mỗ nhất định coi triều đại văn bút Viên Linh là thời kỳ cực thịnh, xôm tụ, mầu mè sặc sỡ bậc nhất trong lịch sử Hội Văn Bút nước nhà.
Chuyện rắc rối, bi thương chỉ xảy ra vào thời gian cuối nhiệm kỳ, khi Chủ Tịch Viên Linh quyết định không rời ngôi báu, muốn trị vì toàn dân Văn Bút thêm một vài nhiệm kỳ nữa.
Tôi tưởng chuyện ấy đối với ông dễ ợt. Ông là người có tài, lãnh đạo hội khéo léo, tái ứng cử là trúng liền một khi. Chẳng ngờ có nhiều đứa muốn hạ bệ ông. Số hội viên thân cận được hưởng ơn mưa móc cũng nhiều, nhưng vẫn là thiểu số. Đám hội viên phó thường dân đông hơn, bất mãn với tác phong lãnh đạo của Chủ Tịch, nhất định bắt Viên Linh đi chỗ khác chơi, nhường ghế cho người khác.
Cuộc chiến tranh dành ngôi báu khốc liệt của hội lập tức nổ ra, lan rộng, khói lửa ngập tràn đến cả những nhà văn, nhà thơ không là hội viên, chẳng dính dáng gì tới hội. Chúng tôi bị vạ lây!
Một hôm tôi nhận được thư Viên Linh, trong có một bản tuyên bố, tuyên cáo, hay nhận định gì đó, quên rồi. Nội dung tuyên cáo đại khái là: Chúng tôi ký tên dưới đây là những người làm văn học, đồng lòng nhất trí quyết định rằng: Hội Văn Bút phải thuộc về văn giới, phải được một vị trong văn giới làm Chủ Tịch. Vai trò lãnh đạo một hội văn chương không thể để lọt vào tay một nhà buôn (hay nhà khỉ gì đó, cũng quên rồi.) 
Hóa ra người tranh ngôi với Viên Linh đang thắng thế, gom được nhiều phiếu, có thể cướp ngôi của chàng tới nơi. Chàng đành hô hào văn thi hữu bốn phương, ra tuyên cáo phản công, uýnh lại địch bằng chiến thuật biển người, tấn công thẳng vào cái lý lịch “không phải là nhà văn” của đối thủ.
Tuyên cáo được soạn thảo rất văn chương và hùng hồn, đọc xong, đồng ý liền. Nhưng đến mục ký tên thì bà con khựng lại, thấy kỳ kỳ. Những người lờ đi không ký, bị Viên Linh thù lâu lắm.
Riêng tôi, may phước lại được ông gọi điện thoại đến tận nhà truy kích. Tôi thành thật thưa với ông rằng: Trước sau tôi vẫn thích thơ Viên Linh và quý trọng văn tài ông. Tôi cũng thật lòng tin rằng ông xứng đáng làm Chủ Tịch Hội Văn Bút thêm năm bảy nhiệm kỳ, hay làm suốt đời, muôn năm trường trị cũng chẳng sao. Nhưng ký kiến nghị, tuyên cáo để xúm xít ủng hộ ông, tấn công một địch thủ tầm thường nào đó thì tôi thấy hơi quá đáng. 
Tưởng bị Viên Linh giận, nghỉ chơi. Không ngờ ông lại rộng lượng “ghi nhận thiện chí của bạn”, cho tôi vào danh sách những nhà văn nhà thơ (cỡ chín, mười người) tuy không ký tuyên cáo nhưng “ĐỒNG Ý QUA ĐIỆN THOẠI”.
Thế là thoát nạn. Tình văn hữu giữa chúng tôi vẫn bền vững, không sứt mẻ tí teo nào. Mừng ơi là mừng! 
Nỗ lực bảo vệ ngôi báu đến mức đó là nhất. Thiên hạ khó ai bì. Nhưng than ôi! Mưu sự tại Viên Linh mà thành sự tại đám hội viên bầu bán linh tinh. Ông đành dẹp cuộc bầu cử, tự ý lưu nhiệm dài hạn, cho nó chắc ăn. 
Các hội viên bị Chủ Tịch Viên Linh đàn áp, truất quyền ứng cử, bầu cử, thì ức quá. Tháng 2/1996, họ họp đại hội ở Houston, bầu nhà văn Sơn Tùng làm chủ tịch. Ông này đúng là nhà văn. Cái tuyên cáo hết thiêng. Nhưng ông Viên Linh cứ ngồi ỳ ra, nhất định không rời bỏ ngai vàng. Thế là Hội ta năm ấy được mùa, của ăn của để, có tới hai Chủ Tịch lận.
Tự lưu nhiệm thêm hai năm chưa thấy đã đời. Năm 1997, Viên Linh dàn xếp cho bù nhìn Đặng Văn Nhâm lên làm chủ tịch, để lui vào hậu trường tiếp tục cai trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Như thế, trước sau, triều đại Viên Linh kéo dài 6 năm, gấp rưỡi một nhiệm kỳ của Tổng Thống Mỹ Quốc. Trong thời gian này những hội viên ghê tởm hành vi của Viên Linh xúm lại đả kích sự tham quyền cố vị, lỳ lợm, trâng tráo của ngài Chủ Tịch tự ý lưu nhiệm. Quân triều đình kháng cự rất dũng mãnh. Cuộc giao tranh kéo dài hàng năm. Đóng cửa choảng nhau trong nhà cứ bất phân thắng bại hoài, đôi bên sốt ruột làm đơn gửi hội Văn Bút Quốc Tế, kiện tụng, tố cáo tội ác của địch thủ lia chia.
Thế là hội Văn Bút Quốc tế phải thi hành một biện pháp chưa từng có trong lịch sử Văn Bút Thế Giới. Văn Bút Quốc Tế bắt Văn Bút Việt Nam há miệng, tống cho mấy viên thuốc ngủ, bắt ngủ say sưa – gọi là dormant – khỏi léo nhéo cãi nhau, kiện tụng lằng nhằng, làm phiền người lớn. 
Tính đến hôm nay, Hội ta đã bị Hội Quốc Tế bồng lên, rót vào tai những lời ru êm ái “ngủ đi em mộng bình thường” hai lần!
Quyết tâm: đã lên chức Chủ Tịch rồi thì nhất định ngồi lì, tử thủ, của ông Viên Linh làm Văn Bút VN Hải Ngoại tan hoang, hội viên bẽ bàng, mắc cỡ. Hội Quốc tế nhìn hội ta nếu không nỡ khinh bỉ, thì cũng khó nín cười!
Tiếc công sức của bà Minh Đức Hoài Trinh, ông Trần Tam Tiệp đã phục sinh cho chúng ta một Hội Văn Bút được Hội Quốc Tế yêu quý, kính trọng. 
Thương cho quý vị hội viên sau này phải hứng chịu một di sản quái dị của ông Chủ Tịch có nhân cách lạ lùng. 
(Còn tiếp)






(phần 2)

Kiều Phong

Lòng say mê chức Chủ Tịch Văn Bút làm Viên Linh có những hành động kỳ quái hiếm thấy ở một nhà thơ.

Khi thực sự mất ghế, ông vừa tiếc vừa hận, và vì thế hình như bị khủng hoảng tinh thần. Thay vì chỉ giận những đứa giành mất ngôi báu, những hội viên bất trung, không xả thân bảo vệ triều đình, bỏ sang hàng ngũ địch v.v…, ông lại rất bất ngờ trút hết sự căm hờn lên Hội Văn Bút nguyên thủy và các vị tiền nhiệm.

Linh mục Thanh Lãng trong lễ Tưởng Niệm văn hào Nhất Linh

Cùng với hội Văn Bút VN trước 75, Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch, và Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Tổng thư ký, bị Viên Linh chụp mũ, vu cáo, bôi bẩn và thóa mạ thậm từ.

Trong cuốn sách có nhan đề trang trọng và phảng phất nhang khói thiêng liêng: “Chiêu Niệm Văn Chương – Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ”, nhà thơ Viên Linh hạ bút:

“Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957…”

“…cuối cùng [Trung Tâm Văn Bút Việt Nam] đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền.”

Chỉ với một đoạn văn vài dòng, Viên Linh đã hoàn toàn thành công trong sự nghiệp sỉ nhục đích danh hội Văn Bút Việt Nam, cùng toàn thể hội viên, nhất là 19 vị sáng lập như Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Tam Lang Vũ đình Chí, Tchya Đái Đức Tuấn, Đào Đăng Vỹ, Lê văn Siêu, Bùi Xuân Uyên (bút hiệu Hi Di, chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ ở Hà Nội trước 1954) ..v.v.

Nếu công bằng, không ác ý, Viên Linh đã viết: “Nhờ bác sĩ Trần Kim Tuyến gợi ý và giúp đỡ phần thủ tục, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã được thành lập rất nhanh để kịp thời cử đại diện tham dự Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957…”

Còn thành lập để làm gì thì ông Viên Linh nếu còn lương tri và một tí tẹo lòng kính trọng dành cho tiền nhân, không nên tự tiện trả lời một cách hàm hồ, nhảm nhí như vậy.

Lập Trung Tâm Văn Bút VN làm gì? Câu trả lời rõ ràng, đầy đủ chi tiết đã được ghi trong Hiến Chương của Văn Bút Quốc Tế. Chủ Tịch Viên Linh chắc đã đọc qua.

Nhưng Viên Linh khẳng định “… thành lập để chống Cộng” với cái ý bỉ thử. Để hỗ trợ cho lập luận của mình, ông dựa vào lời nhà văn Mặc Đỗ, một người cũng rất nhiệt thành trong việc chỉ trích Hội Văn Bút và phỉ báng các hội viên sáng lập:

“Cho tới hôm nay tôi chưa hết khó chịu mỗi khi nghe nói tới PEN (Trung Tâm Văn Bút Việt Nam)… Chắc chưa ai quên PEN Việt Nam được hình thành như thế nào để kịp dự hội nghị Đông Kinh. Tôi buồn thấy một số nhà văn chúng ta ÍT KIÊU HÃNH QUÁ. Giả thử hồi đó họ biết kiêu hãnh hơn,TỪ CHỐI KHÔNG BÁN RẺ TÊN TUỔI LẤY MỘT CHUYẾN ĐI, văn chương Việt Nam sẽ vinh hạnh hơn…”, và: “chẳng qua có một số ít người nhân danh đám đông những người cầm bút Việt Nam để đi du lịch…”

Viên Linh thì: Hội do BS Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng. Mặc Đỗ thì: hội viên sáng lập toàn là những người thiếu liêm sỉ (ông dùng chữ văn hoa lịch sự vờ vịt là “ít kiêu hãnh”), đã bán rẻ tên tuổi lấy một chuyến đi… và niềm vinh hạnh của văn chương VN bị xuống cấp từ ngày Hội Văn Bút ra đời…v.v.

Tin lời hai ông, các thế hệ sau tưởng thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau khi lập hội Văn Bút bỗng “ít kiêu hãnh quá” “bán rẻ tên tuổi lấy một chuyến đi” và từ từ biến thành Tố Hữu của miền Nam. Còn Hội Văn Bút thì thật xấu xa và các hội viên (nhất là các vị sáng lập), là những con người tham lam, ti tiện.

Xấu xa quá đi chớ, vì xưa nay, ai cũng biết chỉ ở miền Bắc và các nước Cộng Sản, độc tài mới có những hội văn chương được thành lập để phục vụ nhu cầu chính trị của chế độ. Không ai ngờ là năm 2000, lại có ông cựu Chủ Tịch của hội Văn Bút VN Hải Ngoại phùng mang trợn mắt lớn tiếng tố cáo: Hội Văn Bút Việt Nam, một hội văn lớn nhất của miền Nam, chi nhánh của Văn Bút Quốc Tế, cũng do ông Trùm Mật Vụ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để phục vụ nhu cầu chống Cộng của nhà nước, chứ có vì văn chương văn học gì đâu! Nghĩa là xứ Tự Do và xứ Cộng Sản chẳng khác gì nhau.

Giới cầm bút miền Bắc bị đoàn ngũ hóa, lập hội, kết bè để phục vụ giới cầm quyền, ta thông cảm và xót thương. Họ phải đành hy sinh quyền tự do tư tưởng để bảo vệ sự an toàn bản thân, sự sống của gia đình. Còn các nhà văn miền Nam cơm no áo ấm, quyền tự do sáng tạo được tôn trọng, thế mà vì thèm những chuyến “du lịch ngoại quốc” đã “bán rẻ tên tuổi” lập hội làm tay sai cho ông Trùm Mật vụ, khiến cho văn chương miền Nam bị kém vinh hạnh! Làm nhà văn Mặc Đỗ mắc bệnh khó chịu kinh niên, cả đời cứ nghe cái tên hội là lại bị cơn khó chịu nó hành! Khổ ghê lắm!

Tư cách hội viên Văn Bút làm phiền quý ông Mặc Đỗ, Viên Linh đến như thế thì thật đáng xấu hổ.

Nếu Viên Linh chịu khó thêm vài chữ vào câu văn vu cáo, chụp mũ ấy, biến nó thành: “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến VÀ CIA thúc đẩy thành lập để chống Cộng…” thì gần 200 hội viên Văn Bút VN sẽ hóa ra bồi bút của Mỹ Ngụy hết trơn và chắc chắn ông sẽ được Hà Nội triệu về ban ngay cho chức Chủ Tịch ban Tuyên Giáo, danh giá vô cùng. Tiếc ghê!

Thóa mạ hội Văn Bút và toàn thể hội viên tàn tệ đến thế vẫn chưa hả dạ.

Ở vế thứ hai, Viên Linh leo thang “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền.”

Nghĩa là Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền thuộc diện Việt Cộng nằm vùng. Còn tất cả các hội viên và các vị Chủ Tịch, Tổng Thư Ký… của hội – trong đó có cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương mà ông cung kính chiêu niệm – đều là một lũ ngu si đần độn, bị Việt Cộng “điều hành” xỏ mũi lôi đi mà không hay. 
Năm 1957 thì bị thúc đẩy lập hội phục vụ nhu cầu chính trị của chế độ Cộng Hòa, nhưng rồi làm bồi bút cho Mỹ Ngụy cũng không nên thân, cuối cùng lại hóa ra một lũ phản quốc, bị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, tay sai Việt Cộng, múa tay điều khiển, bắt phục vụ chế độ Cộng Sản, mà vẫn khờ khạo chẳng biết! Oh la la!

Như thế, theo lời tố cáo của nhà thơ Viên Linh thì Trung Tâm Văn Bút VN là nơi quy tụ đông đảo những đầu óc đần độn, ngu si nhất hoàn cầu.

Đến đây, tôi tưởng sự nghiệp sỉ nhục hội Văn Bút đã đạt đỉnh cao, vượt tiêu chuẩn, và Viên Linh đã hả hê, ngừng tay. Nhưng không, chẳng biết vì lý do gì, cái tên Phạm Việt Tuyền vẫn làm trái tim nhà thơ sôi sục lửa căm hờn. Ông vận dụng trí sáng tạo, đẻ ra được một tác phẩm vu cáo tuyệt vời, hay ho gần bằng những áng văn chương truyền đơn chụp mũ đánh phá nhau của những hội đoàn hữu danh vô thực đang điên cuồng tranh phần xôi thịt.

Viên Linh viết:

“Ông (tức LM.Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”… ngụ ý rằng Chủ Tịch Thanh Lãng thành tích nằm vùng yếu kém, chỉ được lưu dụng, còn Tổng thư ký Phạm Việt Tuyền hăng say phục vụ Bác Đảng nên được “đặt bàn giấy đăng ký các nhà văn Ngụy”, quyền hành to ngang tầm một Công an Văn Hóa!

Chắc nhà văn Nhật Tiến hết sức phẫn nộ. Nhưng trong bài chất vấn Viên Linh, lời lẽ ông vẫn rất nhẹ nhàng, hiền hòa:

“Xin ông Viên Linh cho biết GS Phạm Việt Tuyền đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy” tại địa điểm nào, thời điểm nào ở Sài Gòn và xin nêu vài tên tuổi nào của những “nhà văn Ngụy” nào đã trực tiếp ghi danh tại bàn giấy của GS. Phạm Việt Tuyền.

Nếu không trả lời được những câu hỏi này tức là ông đã xuống tay độc ác với chính đồng nghiệp của mình bằng sự bịa đặt và do đó không biết chính ai sẽ là người chịu nhục đây?

Một cựu Chủ tịch Văn Bút VN Hải Ngoại viết không nương tay, vô bằng cớ để hạ gục một cựu Tổng Thư Ký Văn Bút trước 1975 vốn đã dầy công lao đóng góp cho Văn Bút thời đương nhiệm thì không biết vì lý do gì nếu không phải đó chỉ là sản phẩm của một ngòi bút có lúc đã thiếu lương tâm của người cầm bút.”
Phản ứng của Viên Linh sau khi nhận được lời “chất vấn” là im lặng, chứng tỏ nhà văn Nhật Tiến đã lầm. Sự “thiếu lương tâm của người cầm bút” này không chỉ xảy ra “có lúc”, chốc lát, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, như nhà văn nghĩ một cách đầy bao dung. Nó có tuổi thọ vài thập niên rồi. Nên ta không lạ khi thấy Viên Linh yên lặng, để cô Tà Cúc trả lời giùm như… thường lệ. (Chiến thuật đánh đấm này siêu việt lắm. Địch thủ nhắm ngay mặt Viên Linh giương cung bắn, chỉ thấy trúng tà áo, tà váy, Tà Cúc không hà! Khôn ghê chưa!)

Tà Cúc là ai?

Nhìn cách nhà thơ Viên Linh đối xử với cô thì đoán cô là một “thần đồng văn chương” của thời đại này. Cô đang giữ chức Thư Ký Tòa Soạn của tạp chí Khởi Hành. Cách đây hơn hai thập niên, khi Viên Linh lên ngôi chủ tịch, “thần đồng” Tà Cúc đã được phong làm Quan Lớn trong triều đình Văn Bút.

Đây là một vài đoạn văn tiêu biểu thể hiện rất rõ nhân cách, đạo đức và văn phong của cô:

Trong thư gửi cho bậc tiền bối Nhật Tiến, nhà văn lớn từ văn chương đến tuổi tác (cụ NT đã ăn mừng thượng thọ bát tuần), cô viết:

“…tôi rất xấu hổ vì đã có thời, trong vòng hai năm nay, coi tác giả NT như một người quen …” “…chớ nên làm tôi xấu hổ một lần nữa…” và “…phản bác Nhật Tiến là một chuyện dễ dàng, nhưng phản bác một người mà tôi biết rõ đã thua kém tôi quá sức về kiến thức chuyên môn và khả năng lý luận thì không quân tử chút nào [nên tôi không thèm phản bác]!”

Trong thư gửi cho nhà văn Bác sĩ Ngô Thế Vinh, một bậc trưởng thượng, một nhân cách lớn với những tác phẩm và công trình nghiên cứu kéo dài nhiều thập niên để góp phần tìm sinh lộ cho dân tộc, được không những văn giới mà đồng bào cả trong và ngoài nước quý trọng, cô Tà Cúc viết:

“Bạn Ngô Thế Vinh – Thú thật, tôi rất ngán ngẩm khi phải viết loại nửa-thư -nửa -bài này cho một người mà chữ “bạn” chỉ là một lối xưng hô lịch sự… Theo tôi, không có gì chứng minh sự thiếu liêm khiết trí thức và Ngụy quân tử của bạn hơn bằng…”

Tạm hai món ăn chơi thế thôi nhé, bạn đọc thân mến! Trích dẫn thêm, lỡ có bạn nào lợm giọng buồn nôn, không đọc tiếp được, thì hư hết đại sự.

Những câu văn vừa trích dẫn, với giọng lưỡi kiêu căng, láo xược, làm chữ nghĩa tủi thân vì trao duyên nhầm tướng cướp, làm tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nếu còn nhớ truyền thống dân tộc, luân thường đạo lý Việt Nam, phải xấu hổ, nhục nhã, khóc thét lên trong mộ vì cái sinh vật vô luân các vị lỡ để lại trên đời…

Vậy mà văn chương Tà Cúc phỉ báng, thóa mạ các văn hữu lại được nhà thơ Viên Linh hết sức nâng niu, tôn kính. Ông âu yếm, trang trọng đăng hết lên tạp chí Khởi Hành!

Như thế, xét cho cùng, cô Tà Cúc cũng không hẳn đã có cái nhân cách đáng tởm vào bậc nhất.

Kiều Phong


















































Hai chị em Minh Đức Hoài Trinh & Linh Bảo

























Nhà văn Nguyễn Quang & phu nhân Minh Đức Hoài Trinh





















Minh Đức Hoài Trinh & Phu quân (nhà văn Nguyễn Quang)




































Kiếp nào có yêu nhau
Lệ Thu










Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.