Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Văn Phụng (1930 - 1999)
















Văn Phụng

Tên thật: Nguyễn Văn Phụng
(1930 Hà Nội - 1999 Virginia)
Hưởng thọ 69 tuổi
Nhạc sĩ









Văn Phụng (1930-1999) là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc tình miền Nam trước 1975.

Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình bốn anh em mà ông là thứ hai. Học đàn dương cầm từ nhỏ, được sự chỉ dạy của hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng, năm 1945 Văn Phụng đã đoạt giải nhất độc tấu dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà hát lớn Hà Nội với nhạc phẩm "La Prière d’Une Vierge".

Thời đi học Văn Phụng là một học sinh xuất sắc, ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp Tú tài, Văn Phụng theo học ngành Y vì ý muốn của cha ông. Nhưng chỉ được một năm Văn Phụng bỏ học để theo âm nhạc.



Bước chân vào âm nhạc



Năm 1946, trong một lần chạy loạn về Nam Định, Văn Phụng trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn và ông gặp linh mục Mai Xuân Đình. Vị linh mục đã chỉ dạy cho ông về âm nhạc và giáo lý.

Năm 1948, Văn Phụng quay về Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam tiểu đoàn danh dự. Chính ở đây, Văn Phụng đã quen với những người mà về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành... Thời gian đó, ông được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức tên Schmetzer chỉ dẫn cho về hòa âm.

Năm 1948, năm 18 tuổi, cũng là năm Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay "Ô mê ly" trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban Quân Nhạc. Ông thường trình diễn nhạc phẩm này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát đã được hoan nghênh đón nhận và kể từ đó tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau "Ô mê ly" còn nổi tiếng cùng tiếng hát của ban Thăng Long với Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Ca sĩ Ánh Tuyết cũng thường trình diễn nhạc phẩm này những năm thập niên 2000.

Khoảng 1954, 1955 Văn Phụng di cư vào Nam và trở thành Nhạc Trưởng của Đài Phát thanh Quân đội thuộc Nha Chiến tranh Tâm lý (Việt Nam Cộng hòa) và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc với "Ô mê ly" vào năm 1948. Văn Phụng đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như "Trăng sơn cước", "Yêu", "Tôi đi giữa hoàng hôn", "Suối tóc", "Mưa", "Tiếng dương cầm", "Giấc mộng viễn du", "Tình", "Bức họa đồng quê"...

Tuy được xem như là một trong số các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển Tây Phương, Văn Phụng cũng viết những bản nhạc giá trị với âm hưởng dân ca như "Trăng sáng vườn chè" (phổ thơ Nguyễn Bính), "Các anh đi" (thơ Hoàng Trung Thông), "Đêm buồn" (phổ ca dao), "Nhớ bến Đà Giang"... Ông còn hòa âm cho nhiều cuốn băng nổi tiếng và được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn khi đó.

Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến một đảo ở Malaysia. Năm sáu tháng sau, gia đình ông đến định cư tại Hoa kỳ.

Ngày 17 tháng 12 năm 1999, Văn Phụng qua đời do tác hại của bệnh tiểu đường tại Fairfax, tiểu bang Virginia . Thọ 69 tuổi.









Văn Phụng lúc trẻ








Tác phẩm





Ave Maria





Bên lưng đèo






Bóng người đi

(Lời Hoài Linh)



Chiều xưa gió êm lay nhẹ liếp dừa
Câu hát nhớ nhung cung đàn tiễn đưa
Nhìn bóng anh đi thoả chí mười phương
Em về chiều mênh mang xuống nắng vương bên sông 

Người đi tóc xanh vương màu chiến trường
Chiều ấy mắt em vương buồn luyến thương
Chiều ấy nói qua làn gió đợi chờ
Anh về cầu ngàn hàn nối nhịp xưa

Trao ai duyên ban đầu
Dù muôn năm trọn kiếp không phai màu
Thương cho ai dãi dầu
Ngày đêm nơi chiến tuyến ngăn quân thù
Thấm thiết biết bao lời
Gửi người trai vì sông núi
Thu xưa vui ra đi
Đường làng xưa nhớ về

Anh nhé lá hoa tươi màu thái hoà
Câu hát dưới trăng thanh bình lắng xa
Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu
Anh về tình ta tươi thắm bền lâu









Bức họa đồng quê

Ánh Tuyết

Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng
Ðàn chim, chim chim non đang ríu ríu rít hót
tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà

Từ xa xa xa xa nghe thoáng thoáng tiếng hát
thôn nữ bên đồng lúa ca lời mơ màng
Tình tang tang tang tang tang tính tính tính tính
Du khách nâng nhẹ phím buông nhẹ tơ vàng

Đ.K.

Hỡi nắng hãy sáng lên để ngàn hoa tươi thắm hơn
Hỡi gió hãy cuốn lên để đồng xanh tươi mát hơn
Thôn quê hân hoan mừng ngày mùa sang,
Người người hò vang, đàn hòa tình tang
Nhịp nhàng vẳng xa

Hò lơ ho lơ
Hò lơ ho lơ ho lơ ... Hò lơ ho lơ
Hò lơ ho lơ hó lơ
Ơi anh em ơi còn gì đẹp tươi
Còn gì mừng vui bằng ngày mùa mới gặt về thảnh thơi

Chàng trai vui câu ca thôn nữ cất tiếng hát
Em bé nô đùa rỡn luôn miệng tươi cười
Ðồng quê hôm nay vui Vui với thóc lúa mới
cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ

Chàng trai say say say thôn nữ giã giã giã
Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng
Vầng trăng nhô lên cao soi sáng khắp lối xóm
Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò
Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò









Các anh đi
(Thơ Hoàng Trung Thông)


Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi
Các anh đi, đến bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông

Làng tôi nghèo nho nhỏ ven sông
Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ 
Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả 
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi 

Các anh về, mái ấm nhà êm 
Câu hát tiếng cười rộn ràng trong xóm nhỏ 
Các anh về, tưng bừng trước ngõ 
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau 
Mẹ già bịn rịn áo nâu 
Vui đàn con ở rừng sâu mới về 

Làng tôi nghèo xóm nhà tre 
Các anh về không chê làng tôi bé nhỏ 
Nhà lá đơn sơ... nhưng tấm lòng rộng mở 
Nồi cơm nấu đỗ, 
Bát nước chè xanh, 
Ngồi vui kể chuyện tâm tình xa xôi 
Các anh đi... ngày ấy đã lâu rồi 
Xóm làng tôi còn nhớ mãi 
Hỡi đoàn người trai trẻ đấu tranh 

Các anh đi... ngày ấy đã lâu rồi 
Các anh đi... đến bao giờ trở lại ! 
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông... 
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông... 
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông... 




Bài thơ gốc của Hoàng Trung Thông

Bao Giờ Trở Lại
Các anh đi 
Ngày ấy đã lâu rồi 
Xóm làng tôi còn nhớ mãi 
Các anh đi 
Bao giờ trở lại 
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong 
Làng tôi nghèo 
Nho nhỏ bên sông 
Gió bấc lạnh lùng 
Thổi vào mái rạ 
Làng tôi nghèo 
Gió mưa tơi tả 
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi 
Các anh về mái ấm nhà vui 
Tiếng hát câu cười 
Rộn ràng xóm nhỏ 
Các anh về tưng bừng trước ngõ 
Lớp đàn em hớn hở theo sau 
Mẹ già bịn rịn áo nâu 
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về 
Từ lưng đèo 
Dốc núi mù che 
Các anh về 
Xôn xao làng tôi bé nhỏ 
Nhà lá đơn sơ 
Nhưng tấm lòng rộng mở 
Nồi cơm nấu dở 
Bát nước chè xanh 
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau 
Anh giờ đánh giặc nơi đâu 
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên 
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm 
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng 
Giảm tô hai vụ vừa xong 
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường 
Dẫu rằng núi gió đèo sương 
So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi 

Bấm tay tính buổi anh đi 
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về ? 
Lúa xanh xanh ngắt chân đê 
Anh đi là để giữ quê quán mình 
Cây đa, bến nước, sân đình 
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường 
Hoa cau thơm ngát đầu nương 
Anh đi là giữ tình thương dạt dào 

Các anh đi 
Khi nào trở lại 
Xóm làng tôi 
Trai gái vẫn chờ mong 
Chờ mong chiến dịch thành công 
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ 
Anh đi chín đợi mười chờ 
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh ? 








Chán nản








Chung thủy




Đêm buồn




Dịu dàng




Em mới biết yêu đã biết sầu




Ghé bến Sài Gòn
(lời Huyền Linh)








Giã từ đêm mưa


Ðêm khuya . . . mưa rơi . . . rơi trên đường vắng
Ðôi chân . . . lang thang . . . tâm tư trầm lắng
Hạt mưa . . . reo rắt nỗi buồn . . . cho thế gian sầu
Thương mối duyên đầu . . . yêu lứa đôi nghèo
Ðội mưa . . . mà đi . . 

Ði trong . . . đêm mưa . . . mưa rơi tầm tã
Hoang mang . . . bâng khuâng . . . ai mong từ giã
Hạt mưa . . . rơi ướt mi nàng . . . se thắt tim chàng
Giây phút ngỡ ngàng . . . đôi lứa thôi đành
Giã từ . . . đêm mưa . . .

ơ ớ ơ ơ ờ . . . 
ơ ớ ơ ơ ờ . . . 
ơ ớ ơ ơ ờ . . . 
ờ ơ . . . ờ ơ 

(Nhạc) 

Ðêm khuya . . . mưa rơi . . . rơi trên đường vắng 
Ðôi chân . . . lang thang . . . tâm tư trầm lắng 
Hạt mưa . . . reo rắt nỗi buồn . . . cho thế gian sầu 
Thương mối duyên đầu . . . yêu lứa đôi nghèo 
Ðội mưa . . . mà đi . . . 

Ði trong . . . đêm mưa . . . mưa rơi tầm tã 
Hoang mang . . . bâng khuâng . . . ai mong từ giã 
Hạt mưa . . . rơi ướt mi nàng . . . se thắt tim chàng 
Giây phút ngỡ ngàng . . . đôi lứa thôi đành 
Giã từ . . . đêm mưa . . . 








Giấc mộng viễn du




Giang hồ




Hát lên nào




Hết đêm nay mai sẽ hay




Hình ảnh một đêm trăng




Hoài vọng









Hôn nhau lần cuối


Cầm tay, anh khẽ nói:
Khóc lóc mà làm chi ?
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi, anh đi

Rồi một, hai, ba năm 
Danh thành anh trở lại 
Với em, anh chăn tằm 
Với em, anh dệt vải 

Ta sẽ là vợ chồng 
Sẽ yêu nhau mãi mãi 
Sẽ xe sợi chỉ hồng 
Sẽ hát ca ân ái 

Anh và em sẽ sống 
Trong một mái nhà tranh 
Lấy trúc thưa làm cổng 
Lấy tơ liễu làm mành 

Nghe lời anh em hỡi 
Khóc lóc mà làm chi 
Hôn nhau một lần cuối 
Em về đi, anh đi 







Lãng tử




Lối cũ




Lời nhi nữ




Mộng hải hồ




Một lần cuối
(Thơ Nguyễn Bính)




Mộng viễn du








Mưa


Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường
Mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn
Mưa đang tí tách reo ven tường
Mưa rơi trên sông dài, mưa qua khắp non đoài 
Mưa cho thắm hoa đời, mưa trôi hết u hoài 
Mưa cho đám lúa non mỉm cười. 

Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu 
Mưa cho nương dâu và khoai sắn lên mau 
Mưa như trút sầu 
Mưa tô lúa đầu 
Mưa rơi qua Bến Hải, Cà Mau 

Mưa rơi trên vai chàng 
Mưa rơi ướt vai nàng 
Mưa rơi khắp thôn làng 
Mưa reo những cung đàn 
Mưa như tiếng ru con dịu dàng 

Mưa yêu bông hoa đời, 
Mưa yêu biết bao người 
Mưa không biết hững hờ 
Mưa thương lúa bơ phờ 
Mưa yêu lúa mong mưa từng giờ 

Mưa yêu thương ai nghèo 
Mưa cho lúa ngô nhiều 
Mưa cho hết tiêu điều 
Mưa cho những ai nghèo 
Mưa cho thắm bữa cơm ban chiều 

Mưa rơi phương đông rồi mưa tới phương tây 
Mưa gieo hương xuân về trên những luống cây 
Mưa rơi chốn này 
Mưa cho lúa đầy 
Mưa cho duyên ta càng nồng say 

Mưa không yêu ngang đường 
Mưa không muốn ai buồn 
Mưa yêu nước non này 
Mưa yêu mến dân cày 
Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy 

Mưa còn gieo xuống đời 
Mưa về cho lúa thêm tươi 







Mưa rơi thánh thót





Mưa trên phím ngà








Nhớ bến Đà Giang


Ai qua bến Đà Giang
Cho tôi nhắn vài câu
Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau

Chia ly đã từ lâu 
Ôi mong ước làm sao 
Bao nhiêu bóng người thân mến năm nào 

Tôi thương mái chèo lơi 
Bên manh áo tả tơi 
Những người lái con đò trên dòng nước 
Ai xuôi bến Đà Giang 
Nghe trăng gió thở than 
Bâng khuâng ngắm dòng sông nước mơ màng 

Đà Giang nước biếc 
Thuyền theo sóng triền miên 
Người ơi, có nhớ ? 
Lòng ta vẫn mong chờ 

Tôi mơ bến ngày xưa 
Bên đôi mái chèo đưa 
Nhịp nhàng gió ru hoà duyên tình nước 
Ai xuôi bến Đà Giang 
Ai qua chuyến đò ngang 
Cho tôi nhắn niềm thương nhớ dâng tràn 

Ai xuôi bến Đà Giang 
Ai qua chuyến đò ngang 
Cho tôi nhắn niềm thương nhớ đầy vơi 






Nỗi buồn








Ô! Mê ly
(đồng tác giả với Văn Khôi)


Ô mê ly, mê ly!
Ô mê ly, mê ly đời ta!
Ô mê ly đời sống với cây đàn
Tình tính tang dạo phím rồi ca vang
Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng
Dục lòng ta dạo khúc ca với đàn

Một chiều mưa ta hát vang "Mưa rơi!"
Rồi cùng ta mưa đáp: "Cho tươi đời!"
Một ngày nắng ta hát vang: "Nắng tươi!" 
Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui 

Gió sớm đã về, cùng tiếng hát tiếng cười 
Thấp thoáng bóng người ngoài đám lúa cất lời 
Thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời: "Người ơi, đàn đi!" 

Ô mê ly, mê ly! 
Ô mê ly, mê ly đời ta! 

Đứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng 
Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về 
Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười, đàn ta hòa vang 

Ô mê ly, tơ duyên! 
Ô mê ly, khúc ca triền miên! 

Ô mê ly đời sống bao duyên tình 
Trời về trưa ngồi dưới hàng cây xanh 
Nhìn bao la đồng lúa xa xa mờ 
Đàn hòa vang tựa sóng xô đến bờ 

Đường về thôn em bé vui câu ca 
Dục hồn thơ tha thiết yêu quê nhà 
Đàn cùng ta reo khúc ca chơi vơi 
Nhạc còn vang nhịp nhàng đưa ngàn nơi 







Sóng vàng trên vịnh Nha Trang

(đồng tác giả với Văn Khôi)









Suối tóc


Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai
Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai 
Anh với em một đêm thu êm ái 

Người em gái đứng im trong hồi lâu 
Anh ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu 
Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau 
Như chúng ta đôi lần hàng gắn thương yêu 

Anh muốn đưa em qua miền giòng núi xanh 
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm 
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền 
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em 

Lòng anh muốn viết lên đôi vần thơ 
Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa 
Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta 
Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ 






Sương thu




Ta vui ca vang







Thuyền xưa bến cũ


Thuyền về bến xưa
Thuyền ơi nhớ tìm ta bên bờ 
Dù làn gió đưa 
Thuyền ơi đừng quên bến năm xưa 
Nhẹ nhàng gió đưa 

Thuyền theo sóng nhẹ dâng vô bờ 
Lòng tràn ước mơ 
Hoà lên muôn ca khúc tình thơ 

Thời gian êm trôi 
Thuyền đi nay đã mấy thu rồi 
Đàn thầm tiếc nhớ 
Còn vương vấn bên mấy cung tơ 
Thuyền về chốn đây 
Lặng nghe khúc nhạc xưa êm đềm 
Thoả lòng ước mơ 
Thuyền về đây vui với bến xưa 








Tiếng dương cầm




Tiếng hát đường xa
(lời Hoài Linh)




Tiếng hát với cung đàn




Tiếng vang trên đồi




Tiếng vọng chiều vàng









Tình


Tình là một truyện muôn màu
Tình là mình thành vui thật mau
Tình là một bài thơ sầu
Tình là mình thành nhớ thương nhau

Tình đẹp tựa mùa thu vàng
Tình mình nhiều mộng ước mênh mang
Tình là một chuyện huy hoàng
Tình là mình thành nhớ hoang mang

Yêu nhau khi xuân tươi thắm
Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn
Yêu nhau trong muôn tia nắng
Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng

Yêu nhau khi sương thu rơi
Yêu nhau khi hoa lá xanh tươi
Yêu nhau khi mưa đông rơi
Yêu nhau Yêu nhau mãi suốt đời

Ú . . . ù u
Ú . . . ú ù u
Ú . . . ù u
U . . . ú u ù

Tình là một chuyện âu sầu
Tình là mình nhiều nỗi thương đau
Tình là một chuyện chia lìa
Tình là mình thổn thức đêm khuya

Tình đẹp tựa mùa thu vàng
Tình là mình lệ ướt rơi tuôn
Tình là một chuyện đau lòng
Tình là mình mỏi mắt chờ mong 

Yêu nhau chi cho thương nhớ
Yêu nhau chi khiến đôi mắt mờ
Yêu nhau sao không đi tới
Yêu nhau sao đã quên nhau rồi

Yêu nhau chi cho tan mơ
Yêu nhau chi cho mắt hoen mờ
Yêu nhau chi cho thương đau
Yêu nhau chi cho mãi âu sầu

Ú . . . ù u
Ú . . . ú ù u
Ú . . . ù u
U . . . ú u ù

Đành rằng tình là âu sầu
Đành rằng tình là nhớ là đau
Đành rằng tình là chia lìa
Đành rằng tình là khóc dêm khuya

Đành rằng tình là ..đau buồn
Đành rằng lệ mình ướt rơi tuôn
Đành rằng tình là ..đau lòng
Đành rằng tình là mãi chờ mong

Nhưng sao ta mơ yêu mãi
Nhưng sao ta vẫn thương nhớ hoài
Mơ yêu đương trong tia nắng
Say sưa trong ánh trăng mơ màng

Bâng khuâng khi sương thu rơi
Cô đơn khi hoa lá tơi bời
Lang thang khi mưa rơi rơi
Mơ yêu đương mơ mãi suốt đời......

Ú . . . ù u
Ú . . . ú ù u
Ú . . . ù u
U . . . ú u ù












Tôi đi giữa hoàng hôn


Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài

Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời

Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi maĩ không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao

Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau

Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Lòng thương nhớ... 











Trăng gió ngoài khơi
(đồng tác giả với Văn Khôi)








Trăng sáng vườn chè

Thơ Nguyễn Bính
(đồng tác giả với Ngọc Bích)


Sáng trăng sáng cả vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Chồng tôi thi đỗ khoa này

Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi.
Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
Anh chưa thi đỗ thì chưa (thì chưa) động phòng.

Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng (mà) đi thi

Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem.

Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng tưới lên trên vườn chè.









Trăng sơn cước
(đồng tác giả với Văn Khôi)




Trở về cố đô




Trở về Huế




Trong đêm vắng




Viết trên tà áo Em




Vó câu muôn dặm




Vui bên ánh lửa




Vui đời nghệ sĩ




Xuân họp mặt








Xuân miền Nam


Đàn ai lả lơi theo gió buông tơ vàng 
Lời ai còn vương vấn mãi nghe mơ màng 
Trời thắm bừng lên muôn sắc tươi huy hoàng 
Tim nao nao rung nhịp mến, 
lan trong hơi xuân đầm ấm, 
gió khơi tình thương 

Từ phương xa, đêm nay xuân về duyên dáng, 
trên đôi môi nàng thiếu nữ thấm nét sống 
Đêm bao la, không gian vang lời tha thiết 
vang xin xuân đừng phai sắc 
Hoa ngát hương thơm lành 
Nhạc lắng câu thanh bình 
Gió lướt êm như ru cơn mơ say sưa 
theo âm thanh đang trầm ngân 

Miền Nam ! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ 
Miền Nam ! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ 
Giờ đây, mùa xuân đang xóa tan mây mờ 
Quên đi đau thương sầu nhớ 
vui ca tung gieo nguồn sống 
đắp xây tự do








Xuân thôn giã




Xuân về trên non sông Việt Nam








Yêu


Yêu là lòng bâng khuâng
nhớ hay thương một chiều thu vương
gió êm đưa xào xạc tre thưa
lá rơi rơi, rơi tả tơi

Yêu là tình dâng cao
gió lao xao ngả hàng phi lau
phút ái ân đắm say tâm hồn
nhớ mãi đêm nào bên nhau

Thôi yêu dấu mà chi
ngày vui sẽ bỗng đôi lòng chia xa
hồn tàn hơi buốt giá
khi mùa xuân qua úa phai ngàn hoa

Nhớ thương bao nhiêu một người thân yêu
đã đi xa về miền hoang liêu
những trang thư là hành trang theo
cố nhân ơi giận hờn chi nhau

Yêu là thêm thương đau
với xót xa lệ tình khôn lau
biết nói sao những khi âu sầu
những khi uá nhầu tâm tư










Yêu và Mơ


Anh yêu nhất đôi môi hồng
Yêu đôi mắt say mơ
Anh yêu tóc em buông dài
Yêu em tình ngất ngây.

Anh yêu mãi đôi tay mềm
Yêu em lúc em đan
Anh yêu tiếng ca êm đềm
Khẽ hát câu dịu dàng 

Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng
Tay cầm tay ta cùng mơ màng
Xây đắp mộng đẹp cho tương lai
Thương yêu nhau mãi mãi

Yêu em biết bao đêm dài
Yêu em lúc ban mai
Yêu em thiết tha bao tình
Mãi mãi không phai nhòa

Em yêu nhất đôi vai chàng
Yêu anh dáng hiên ngang
Em yêu lúc anh tươi cười
Khẽ nói yêu em nhiều.









Thủ bút của nhạc sĩ Văn Phụng













Tham khảo thêm về nhạc sĩ Văn Phụng





Chúng tôi đã mất đi một người bạn và Việt Nam đã 
mất đi một thiên tài âm nhạc

Nguyễn Túc









Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Saigon, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ... , các bản nhạc như Ghé bến Sài Gòn, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.

Từ năm 75 có cuộc di cư vĩ đại ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang: slow đổi thành pop,boston thành rumba v.v... , ai mà không thích Ái Vân ca nhạc dân tộc tính Trăng sáng vườn chè...

Tôi là bạn thân của Văn Phụng hơn 50 năm nay, nên biết rõ nhau từ thuở mới bước chân vào nghề nhạc, chưa có danh vọng tiền bạc, cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là "lính kèn", với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng v.v... Chúng tôi cùng chia xẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về nhạc, tuy nhiên không bao giờ tâng bốc nhau trong vấn đề nghệ thuật.

Hôm nay, Văn Phụng đã đi rồi, tôi viết ở đây vài giòng cảm nghĩ của tôi với người bạn vong niên mà tôi vẫn thần cảm phục, và tôi đã gán cho anh danh hiệu "thiên tài", không phải là không lý do, cũng như đối với vài nhạc sĩ Việt Nam khác. Hai chữ đó là chữ Hán nhưng chắc ai cũng hiểu là nói về những người đã được trời ban cho tài cán đặc biệt mà người khác không thể nào bằng trong một giới nào, nhất là về nghệ thuật. Tìm trong hàng triệu người mới thấy một Beethoven hay một Picasso .

Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Quý vị nào đã chơi hay hiểu về nhạc thấy rằng chỉ giỏi trong một phương diện về nhạc không thôi cũng đã khó và phải có đủ điều kiện thiên phú, thời gian học hỏi, kinh nghiệm v.v...

Trước hết, về tài sáng tác, anh đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc Văn Phụng.

Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Saigon và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí.

Tôi thích nhất là tiếng kèn clarinet của anh lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của anh, với những lèo láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi anh đệm nhạc cho một ca sĩ.

Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thâu thanh và các nhạc khí điện tử. Tôi còn nhớ một lần, sau khi mua một đàn điện synthesizer, có hơn 100 tiếng đàn khác nhau, anh đã xóa hết những tiếng cũ và thay vào trong đàn những tiếng theo thứ tự anh lựa chọn, một điều không dễ mà chưa bao giờ một nhạc sĩ mua đàn, mà lại mất công tự làm lại theo ý thích của mình. Hơn nữa, anh lại lấy một số tiếng đàn tây phương thay đổi, chuyển thành tiếng đàn ta như sáo tre, đàn tranh, đàn bầu ..

Vì thế, mỗi lần mua đàn điện mới, tôi cứ việc nhờ Văn Phụng đi mua cho tôi một chiếc đàn giống đàn của anh đã có và đã nghiên cứu rồi về chỉ lại cho tôi chơi ngay, nên tôi không phải mất công đọc sách chỉ dẫn. Tôi đã học hỏi nhiều ở anh nhữõng bước đầu về kỹ thuật và máy móc để thâu thanh.

Anh đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi anh làm việc tại đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia .

Nhân tiện, tôi xin phép quý vị kể vài cá tính của anh mà tôi biết đã giúp anh thành công trong đời nhạc sĩ của anh. Nhiều người có thiên tài chưa chắc đã thành công, nếu không thêm vào đó những cá tính hay, đặc biệt của mình.

Thứ nhất là Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ anh tự nói ra. Anh thích cây cỏ, thiên nhiên... Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ ở đường Backlick, Springfield, Virginia . Anh thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của anh thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà... Chính anh tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và anh kể là có lúc anh làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Anh cũng thường nói nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi bể, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi!

Văn Phụng thường nói với nhiều người là ước gì Cộng đồng Việt Nam thành lập được một Club giống như Country Club của Mỹ, nghĩa là một câu lạc bộ mà ngày nghỉ, gia đình, con cái, bạn bè đến tập họp ăn uống, vui chơi đủ môn giải trí, thể thao . Hơn nữa, câu lạc bộ còn có một sân khấu lớn đầy đủ âm thanh, đèn màu để tổ chức thường xuyên nhạc hội ca vũ nhạc Việt Nam, các đoàn ở xa đến đã có sẵn nơi trình diễn. Về cưới hỏi, câu lạc bộ có thể đảm nhiệm để lấy tiền. Các hội viên là những quý vị yêu nghệ thuật, sẽ đóng góp vài trăm một tháng, nếu cần Văn Phụng sẽ tình nguyện làm manager trông nom. Mỗi lần thấy Văn Phụng nói chuyện đó, tôi và Nhật Bằng thường cười với nhau, vì ước vọng của anh quá lớn, khó có thể thực hiện được.

Cá tính thứ hai của Văn Phụng là sự bền chí để đi đến tuyệt hảo. Anh tự thâu thanh lấy một nhạc phẩm của anh viết, soạn hòa âm và phối khí trên thị trường, có khi đến 5, 7 lần mà vẫn không nản, thú thật tôi thâu đến 2, 3 lần là phải nghỉ rồi . Anh chơi nhạc tại vũ trường từ xưa nên quen thức đêm, thường đến 1, 2 giờ sáng. Mỗi lần mua một đàn điện, anh thức đêm có khi mấy tháng để nghiên cứu cây đàn mới .

Cá tính thứ ba của Văn Phụng là sự cẩn thận rất mực. Ở nhà anh, bất cứ chỗ nào, nơi làm việc, kể cả trong nhà tắm, nơi nào cũng đầy những mảnh giấy nhỏ ghi bằng mực đậm những điều phải làm, có khi những ý nghĩ riêng của anh nữa. Anh rất có trách nhiệm khi đi trình diễn, bao giờ cũng có mặt trước 2 tiếng đồng hồ.

Một lần tôi đi chơi nhạc đám cưới với anh tại nhà hàng China Garden, bắt đầu lúc 7 giờ, thế mà Văn Phụng đã rủ tôi đi từ lúc 3 giờ chiều để sửa soạn đàn và thử âm thanh. Anh nói sớm còn hơn muộn, ở nhà thêm ít phút có hơn gì đâu. Việc gì cũng có thể xảy ra được, lỡ đi đường gặp tai nạn thì làm sao kịp giờ. Anh không thích ai đến nói chuyện trong khi anh chơi nhạc hay để ly nước trên mặt đàn dương cầm của anh. Trong phòng nhạc, anh tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh v.v...

Vài kỷ niệm và đức tính của Văn Phụng kể trên đây có thể là những điểm son của một người bạn tài hoa, vui tính, đáng mến mới vĩnh biệt chúng tôi và Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc.

Nguyễn Túc (Arlington, đầu năm 2000)










Ô Mê Ly
















Nhớ về Văn Phụng, hát khúc Ô! Mê Ly! - Quỳnh Giao   
Ca Sĩ Quỳnh Giao 


Văn Phụng viết Ô! Mê Ly! khi ông mới 18 tuổi.   
Ở tuổi 15, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, ông đã đoạt giải nhất về dương cầm với bài “Prière d'une Vierge”. Năm đó, chiến tranh sắp bùng nổ nên cậu bé tài hoa phải chạy loạn mà vẫn cố chạy theo nhạc. Năm 1946, Văn Phụng về nương náu tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn của tỉnh Nam Ðịnh và được học về đạo lý và âm nhạc với Cha Xứ Mai Xuân Ðĩnh. Từ hậu phương trở về Hà Nội năm 1948, Văn Phụng gia nhập ban quân nhạc Ðệ Tam Tiểu Ðoàn Danh Dự, cùng thời với những nhạc sĩ như Nguyễn Hiền, Ðan Thọ, Nhật Bằng, Nguyễn Cầu, Nguyễn Túc hay Văn Khôi.   
Trong ban quân nhạc, ông học thêm với Nhạc Trưởng Schmetzler và bắt đầu viết hòa âm cho dàn đại hòa tấu của quân đội, có tới cả trăm nhạc sĩ, và cho các ban tân nhạc của đài phát thanh. Ðây là thời kỳ ông tung ra Ô Mê Ly! tác phẩm khiến ông nổi danh như cồn.   
Lời ca của Văn Khôi là tiếng hát đồng quê:   
Ðứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng  Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về  Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười đàn ta hòa vang...   
Nhưng nét nhạc của Văn Phụng là nhịp điệu Fox, giật và nhẹ và rất mới.   
Có nghe lại, chúng ta mới thấy sự nhuần nhuyễn bất ngờ giữa cảnh sắc đồng nội và giai điệu Tây phương của người nhạc sĩ. Năm đó, xin nhắc lại, Văn Phụng mới 18 tuổi mà đã tung tăng nhảy vào nhạc với tiết điệu mới lạ. Rồi từ đấy, trở thành một nhạc sĩ thuộc nhóm đa tài và đa diện nhất của nền tân nhạc Việt Nam.   
Từ thời ấu thơ còn chạy loạn, Văn Phụng đã bắt được hồn thơ của thể loại dân ca. Ông cải biên và cho ta những ca khúc thuộc dòng “nhạc quê” ở nội dung, về ruộng đồng và quê hương đất nước. “Nhớ bến Ðà Giang”, “Trăng sáng vườn chè”, hay “Ðêm buồn”, “Các anh đi” - là những ca khúc lai láng âm hưởng dân ca nhưng với nhịp điệu mới lạ.   
Cũng từ Văn Phụng, vui tươi và trong sáng như Phạm Ðình Chương thời trẻ, chúng ta có “Vó câu muôn dặm”, “Ta vui ca vang”, hay “Bức họa đồng quê”, “Mộng hải hồ” - những sáng tác đã được “Ô! Mê ly!” báo hiệu từ lâu. Nhạc đồng quê và nhạc trẻ lại xuất hiện cùng những tác phẩm có kích thước bán cổ điển mới là điều lạ. Ấy 
là “Tiếng dương cầm” hay “Mưa trên phím ngà”.   
Văn Phụng là nhạc sĩ ít chịu ngồi yên, hoặc tự nhái lại mình trong những tác phẩm đã nổi tiếng.   
Ông luôn luôn tìm tòi và làm mới tân nhạc bằng những nhịp tiết mới mà vẫn giữa được ý thơ dân tộc trong lời ca. Khi Sài Gòn say mê nhịp điệu Slow Rock và các ca khúc của Paul Anka, chúng ta có Văn Phụng. “Ði giữa hoàng hôn”. Ca khúc này là danh mục không thể thiếu trong các chương trình nhạc có giá trị.   
Muốn tìm đến những chân trời xa lạ hơn và giai điệu huyền ảo hơn thì hãy đi theo “Giấc mộng viễn du” của Văn Phụng. Có ai biết chăng truyện tình cờ. Ông viết nhạc theo giai điệu ngũ cung rất Ấn Ðộ khiến người nghe muốn uốn éo thân hình theo nàng vũ công! Bài “Tiếng vọng chiều vàng” của ông làm bừng sống khúc ca bi hùng của O' Cangaceiro, một phim cao bồi nổi danh của Brazil! Khi thấm mệt và muốn dìu dặt trong nhịp luân vũ - rất chậm thì hãy nghe “Suối Tóc”, bài ca không thể thiếu trong các vũ trường thanh lịch và các buổi trình diễn nghệ thuật.   
Sinh thời, Văn Phụng là con người hồn nhiên, duyên dáng. Lời ca của ông phản ảnh tâm hồn đó. Nhưng ông cũng là người có kỷ luật và nghiêm túc khi sáng tác. Ông không có tham vọng gióng lên những thông điệp lớn về nhân thế hay xã hội, nghe thấy từ lời ca của Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn. Ông chỉ muốn chúng ta vui với nhạc và rất tận tụy trong việc mua vui cho thiên hạ.   
Ông còn yêu nhạc đến độ làm đẹp cho nhạc của người khác.   
Văn Phụng là một trong ba bốn nhạc sĩ có công lớn cho nền tân nhạc với nghệ thuật hòa âm công phu khiến các ca khúc có hẳn một chiều sâu bất ngờ. Những người kia là Vũ Thành, Hoàng Trọng, và Nghiêm Phú Phi.   
Nhờ tài hòa âm độc đáo và khả năng cảm nhận rất phóng khoáng, Văn Phụng đã viết cho hầu hết các ca khúc nghệ thuật của Việt Nam trong gần hai thập niên. Nếu có dịp nghe lại, chúng ta có thể thấy réo rắt cung bậc của Francis Lai hay Paul Mauriat. Nhiều nhà sáng tác nhạc và các nhạc công, nhạc sĩ hay ca sĩ vẫn còn nhớ tới tài hòa âm của Văn Phụng với lòng tri ân. Ông không chỉ hòa âm cho ban nhạc mà còn soạn bè cho các ca sĩ trong các bài song ca, tam ca, tứ ca hay các ban hợp xướng. Loại hòa âm công phu này, giờ đây chúng ta đang mất dần.   
Văn Phụng là người của vũ trường trong các ca khúc tân kỳ nhưng cũng là một nhạc trưởng có thế giá, người bạn nhạc của thế hệ Anh Ngọc, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, bạn thân của Hoài Bắc Phạm Ðình Chương hay Mai Thảo. Cùng với người bạn đường Châu Hà, ông đã chung chuyến vượt biên với Mai Thảo năm 1978, và dàn dựng chuyện vượt biên như một vở kịch vui. Những người còn ở lại kể rằng hai ông bà cãi lẫy gì đó rất găng rồi một người vùng vằng bước ra khỏi nhà. Người kia lên cơn giận dữ đập phá tan tành, sau đó có vẻ hối lỗi nên bỏ đi tìm, để lại một căn nhà nát bét chẳng còn đồ đạc gì để “tiếp thu”!   
Tác phẩm nghệ thuật cuối của ông trên quê hương là màn kịch vui đó.   
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ, Văn Phụng tiếp tục viết hòa âm và dạy nhạc tại miền Ðông, cho tới khi tạ thế. 
   


Nguồn: Người Việt, October 03, 2006   












Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà. 1959








Văn Phụng & Châu Hà













Tình khúc Văn Phụng












Văn Phụng đệm bài Suối Tóc cho Châu Hà












Trái: Phó Ngọc văn, Văn Phụng, Nhật Bằng, Phạm Duy, Họa sĩ Đinh Cường. Virginia























Suối Tóc

Văn Phụng & Châu Hà





Suối tóc



Trường hợp hai người gặp nhau như thế nào, Thy Nga hỏi chuyện Châu Hà và được chị kể lại:

“Cô hỏi tôi cái chuyện này thì nó xa lắm rồi, nó đã đi vào dĩ vãng nhưng mà dầu sao thì nó cũng sống ở trong tim với lại tâm hồn tôi rất rõ ràng.
Ngày xưa đó thì ở Hải Phòng, ba của anh Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm, anh Phụng đến thăm ông cụ. Lúc đó, tôi ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Anh ấy nghe thấy tiếng đàn Piano ở trên lầu, mới tò mò bước lên cầu thang, và đứng ở ngưỡng cửa.
Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn.
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói “suối tóc”! Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh ấy đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952.”






Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.