Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Lương Xuân Nhị (1914 - 2006)













Lương Xuân Nhị

(1914 - 2006) Hà Nội
thọ 92 tuổi

Họa sĩ



Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, khoá 7
(1932-1937)
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật










Họa sĩ Nam Sơn cùng học trò là họa sĩ Lương Xuân Nhị 
đem tranh sang triển lãm tại Nhật Bản











Tiểu sử

Lương Xuân Nhị sinh ngày 10 tháng 4 năm 1914 tại Hà Nội[1] Ông học cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Văn Sìn, Hoàng Lập Ngôn ở Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, khoá 7 (1932-1937).
Là giáo sư, nhà giáo nhân dân và họa sĩ nổi tiếng với những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt mang vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của tâm hồn Việt.



Thiếu nữ Nhật Bản, sơn dầu, 1942


Năm 1942, họa sĩ Lương Xuân Nhị đi Nhật, nhiều tác phẩm của ông về thiếu nữ và phong cảnh Nhật đã được đánh giá cao về màu sắc, bút pháp.

Từ năm 1955 tới năm 1981,ông là giảng viên ở Ðại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của ông được trưng bầy ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.



Phong cách

Lương Xuân Nhị là một trong những họa sĩ đưa vẽ sơn dầu vào Việt Nam. Các tranh sơn dầu và lụa của ông đầy tinh thần Phương Ðông. Ông nói:

"Ta (họa sĩ Việt Nam) học theo Âu châu, cách vẽ, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, màu sắc theo hiện thực trước mắt đã ăn sâu vào mình khi được đào tạo (ở Trường Mỹ thuật Đông Dương)..Nghệ thuật phương Đông lại bỏ chi tiết, chỉ diễn tả hình sắc theo cách nhìn chủ quan của người họa sĩ. Nắm bắt thần thái của cảnh và người."

Họa sĩ Lương Xuân Nhị thích những phối sắc êm dịu phong phú của màu xanh ở chính trong thiên nhiên và đưa nó vào trong tranh Phong cảnh nông thôn, Đồi cọ.v.v.. nên đã có người gọi ông là hoạ sĩ của màu xanh. Việc ông rất thành công trong tranh thiếu nữ, chân dung thiếu phụ trẻ nên ông cũng được coi là hoạ sĩ của phái đẹp. Ông "không còn giữ được những bức đẹp nhất vẽ chân dung thiếu nữ. Ngay khi đang vẽ, đã có người này, nhóm nọ đến xem và đòi mua ngay sau khi tác phẩm đã hoàn thành." Vì người mua "mến chuộng nét đẹp trang nhã, hồn hậu và chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam" qua nét vẽ của ông.[2]













Tác phẩm






Nghỉ chân bên bờ suối
(lụa, 1936)



Quán nước bên đường
(lụa, 1937)



Khóm tre bên cầu
(sơn dầu, 1938).



Gia đình thuyền chài
(lụa, 1938)









Cô gái với nón bài thơ
(lụa, 1940)








Đồi cọ
(sơn dầu, 1957)









Thiếu phụ









Đọc tin chiến thắng








Trích dẫn

Cuối đời, họa sĩ Lương Xuân Nhị tâm sự: "Tôi tiếp nhận tất cả, nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình: thanh nhã và dịu dàng, tả thực, mơ màng, tươi tắn ấn tượng, huyền ảo với cái đẹp thuần Việt."
Sau hơn nửa thế kỷ thành công trong lao động nghệ thuật, ông rút ra:" Phải có sự nhất mực (nhất quán) của quan niệm, ý tưởng và cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật. Không bao giờ được phép lừa dối lòng mình. Tự dối mình là đã lừa dối và xúc phạm người khác. Đã là nghệ sĩ thì phải giữ thật bền sự tôn thiêng cho nghệ thuật."[3]



Đánh giá

Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp nhận xét: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị."

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhận xét: "Những tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị đứng đắn và xinh, nhẹ nhàng và rất dễ yêu."



Giải thưởng

Ngay khi còn đang học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng-Giải thưởng danh dự (1937) của Hội khuyến khích Mỹ thuật Mỹ nghệ Đông Dương tại Triển lãm của SADEAI.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị tham gia triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam và ở nước ngoài từ năm 1936.

Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước bên đường của ông được Viện bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm.

Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 1990 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam.




Chú thích

^ Lương Xuân Nhị, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
^ newvietart.com








Thiếu nữ tân thời



Lương Xuân Nhị họa sĩ của phái đẹp Hà Nội

TTTĐ-Tôi có may mắn được gặp cố họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006) tại ngôi nhà cổ ở 29 phố Cửa Nam. Lần đầu tiên là thời tôi còn làm ở ngành Khí tượng cùng với con gái và con rể ông vào thập niên 70. Còn sau đó, khi chuyển sang làm việc tại báo Hà Nội mới, tôi đã mấy lần được trò chuyện với ông về hội họa. Tôi nhớ mãi câu nói của ông dạy rằng, nghệ thuật chỉ sinh ra trong nỗi cô đơn và sự lao động lặng lẽ. Thời gian sẽ vứt bỏ những gì ồn ào trên bề mặt của nó.

Bừng sáng một thời trai trẻ

Ông không kể cho tôi học hội họa từ nhỏ ở đâu, nhưng nhờ gia đình có cửa hàng bán mầu thuốc và bút vẽ, mà ông đã cầm cọ rất sớm. Đó là một thuở mộng mơ của cậu Nhị, khi đã bắt đầu vẽ những đường cong của các cô gái Hà Nội xưa, thường dạo qua hiên nhà. Hay có thể là những viên ngói xanh rêu trên mái phố Cửa Nam còn vắng ngơ vắng ngắt, lúc tan phiên chợ vào những năm 30. Buồn và cô đơn chăng? Cái mạch ấy như một nguồn cảm xúc vô tận với vẻ đẹp muôn đời của nó đã tràn lên mặt tranh của chàng công tử họ Lương, như một lẽ tự nhiên.

Chả thế mà vẻ đẹp dịu dàng, cô liêu của tranh Lương Xuân Nhị đã khẳng định một tài năng trẻ, ngay khi mới thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa VIII). Anh đỗ thủ khoa năm 1932 và cũng thi tốt nghiệp với điểm cao nhất khóa vào năm 1937. Nhưng không ai có được thành tựu đặc biệt như Lương Xuân Nhị trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, và trở thành một hiện tượng ngày đó. Năm thứ hai đã có người tìm đến mua tranh Lương Xuân Nhị; thậm chí có lần bán tới 8 bức liền, để họ mang đi bày ở triển lãm bên Pháp. Toàn tranh quê, chợ và nông dân một nắng hai sương. Năm thứ ba anh đoạt giải bạc trong một cuộc thi. Năm sau giành được giải Vàng. Còn đến năm cuối cùng, thì cái tên Lương Xuân Nhị lại được xướng lên khi đoạt giải “Ngoại hạng”. Đó thật sự là một tài năng sáng chói bất ngờ.

Chưa hết, chỉ cách hai năm sau đó, họa sĩ trẻ Lương Xuân Nhị nổi lên như cồn, khi có một nhà sưu tầm Mỹ đến đòi mua cho bằng được họa phẩm lụa “Làng An-nam”. Đây là bức tranh lụa vẽ về quê hương, với một màu xanh dịu dàng toát lên vẻ đẹp thơ mộng của làn khói bếp bên lũy tre xanh, bồng bềnh như một tứ thơ huyền ảo. Sắc độ kỳ lạ với cảm xúc đầy chất lãng mạn của Lương Xuân Nhị có sức thu hút rất đặc biệt đối với nhiều nhà sưu tầm. Nhiều người đã trả giá khá cao nhưng họa sĩ vẫn không có ý định bán đứa con tinh thần của mình như những lần trước. Nhưng oái oăm thay, sau đến một năm kiên trì qua lại, nhà sưu tầm người Mỹ kia đã ôm được bức tranh “Làng An-nam” về nước vào năm 1939. Bức tranh lụa này lập tức được bày treo khắp nơi và sau đó còn được chọn vào tuyển tập sách tranh 79 họa sĩ quốc tể khác nhau. Vậy có thể nói, đây là kỷ lục họa phẩm đầu tiên của họa sĩ Việt Nam được bày trên đất Mỹ.

Bên cạnh những câu chuyện về làng quê được phô diễn thật kỷ ảo trên tranh lụa của Lương Xuân Nhị, thì ông còn nổi lên mảng tranh chợ và thiếu nữ Hà Thành. Đặc biệt là chân dung người đẹp. Họ là những người mẫu hay là bạn bè, nhưng đều trở nên huyền diệu qua nét cọ hết sức bồi hồi của Lương Xuân Nhị. Có những người mẫu tình cờ được chọn, ông thường thuê hàng tháng trời để ngồi cho ông vẽ. Đáng chú ý là ông chỉ thuê người mẫu nào có gương mặt trái xoan, thân hình thon thả và nhất là phải có tính nết kín đáo, duyên thầm. Ở đó là những sắc độ đằm thắm hay dịu dàng được ông phát hiện với cảm xúc thầm kín và hết sức sâu lắng. Từ đó hàng chục chân dung ở nhiều bố cục độc đáo được ra đời như : “Thiếu nữ áo lam”, “Mùa thu”, “Mùa hạ”, hay “Thiếu nữ Thăng Long”, hoặc “Thiếu nữ áo dài xanh”, và kể cả cô gái trong “Mùa đông”…Tất cả ngỡ như dung dị, khiêm nhường, nhưng càng ngắm những bức chân dung ấy, càng thấy một cảm xúc mới lạ, với những vẻ đẹp kiều diễm, sang trọng. Đó là nét duyên thầm kín luôn ám ảnh người xem.

Chính vì cái lẽ đó, mà tranh thiếu nữ của ông vẽ đến đâu là có người mua đến đó ngay. Báo chí trong nước và quốc tế vào những năm giữa thập kỷ 40 đã khẳng định Lương Xuân Nhị là họa sĩ của vẻ đẹp đài các, quý phái qua những chân dung thiếu nữ Hà Nội xưa. Nghe nói sau này trong tay ông chỉ còn giữ được có mỗi bức tranh gốc, chân dung vợ một người bạn. Đó là tranh “Thiếu nữ thủ đô”, một cô gái mặc áo nhung đen, tóc vấn trần với vẻ mặt tư lự. Bàn tay nõn nà với chiếc nhẫn mặt ngọc xanh. Nhưng theo như ông kể, thì ông thích bức “Mùa hạ” nhất. Tác phẩm được vẽ hồi năm 1942, hình ảnh cô gái mặc áo dài trắng, tay cầm quạt, nền phía sau là những bông hoa loa kèn trắng muốt. Đó là một mẫu mực về thiếu nữ Hà thành đậm phong cách Lương Xuân Nhị. Thanh tao, đậm chất Tràng An, “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…”

Cánh cửa thời gian rộng mở

Đây là sự chuyển động bất ngờ nhất, khi cách mạng Tháng Tám thành công, họa sĩ Lương Xuân Nhị đã có cách nhìn mới về hình tượng người con gái của một thời đại mới. Hình ảnh những cô gái du kích và quân đội, vai đeo súng hành quân về quảng trường Ba Đình năm 1945 đã tạo nên những rung động bất ngờ đối với họa sĩ. Sự rắn rỏi, tươi sáng, gọn gàng và trẻ trung hầu như đã xóa nhòa đi những sắc màu xưa cũ. Nhất là sau khi theo kháng chiến, làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Liên khu 3, họa sĩ Lương Xuân Nhị đã vẽ người thiếu nữ khác hẳn. Nhiều người không thể quên các bức “Thiếu nữ thủ đô đi kháng chiến”, hay “Đọc tin chiến thắng” “Thiếu nữ chơi xuân”, hoặc có thể đó là “Chợ hoa ngày tết”, và “Thiếu nữ bên hoa sen”… Đó là vẻ đẹp của sức mạnh tuổi trẻ, của tình yêu nước và vẻ đẹp của sự dâng hiến và sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc.

Hàng trăm tranh cổ động, tuyên truyền hay địch vận dưới cái tên Lương Xuân Nhị đã gây xôn xao khắp mặt trận. Có những bức, với hình ảnh quê hương và người mẹ thân yêu của họa sĩ được truyền đến tay kẻ địch. Tác phẩm đã làm rung động con tim họ. Tiếng gọi của sự trở về đã vang lên. Không ít tên lính theo Pháp đã buông súng trở về quê, khi thấu hiểu và cảm động với những gì mà bức tranh do họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ. Phải nói đó là vẻ đẹp của của sự quật khởi. Sự nồng nhiệt của màu cờ cách mạng đã tràn lên gương mặt của các cô gái trên mặt trận. Không ít ký họa mặt trận của ông đã làm nền cho những tác phẩm tranh sơn dầu sau này.

Sau khi hòa bình được lập lại, tuy được phân công về làm giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật, hay có thời gian làm Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, nhưng ông vẫn tận tụy với nghiệp sáng tác của mình. Người yêu tranh lại gặp ông ở một nét lãng mạn mới, hào hoa và lạc quan, nhưng vẫn còn đó thấp thoáng cảm xúc xanh tươi dịu dàng. Đó là các bức “Đồi cọ”- Sơn dầu (73x50cm)- năm 1957; “Bên bờ giếng”-Sơn dầu (100x73cm)-năm 1958; hay như “Chợ hoa đào”- Lụa (92x73cm)- năm 1985; hoặc “Nhà Bác Hồ”-Sơn dầu-1972…

Vậy là thêm một lần, người đời nhắc tới hội họa Lương Xuân Nhị khi đã truyền tải được một ánh sáng mới cho cuộc sống qua tranh. Người ta mãi mãi không thể quên được những tác phẩm lừng danh một thuở như “Quán nước bên đường”-Lụa, năm 1937, hay “Gia đình thuyền chài”-Lụa, năm 1938; hoặc “Cây đa bến cũ”, “Mùa gặt”…và đặc biệt là những chân dung phái đẹp, được ông vẽ suốt từ năm 1932 đến 1945. Nhưng đến giờ đây, sau khi dựng nghiệp hội họa cách mạng, người xem lại càng đồng cảm với ông, về một vẻ đẹp mới vẫn dịu dàng, nhưng thêm phần nồng nhiệt xiết bao.

Cùng với đó là những giải thưởng mà ông đã từng được trao trong sự nghiệp sáng tác của mình, như các giải của Hội Mỹ thuật Hà Nội: - Giải nhất năm 1968; Giải B năm 1983; Giải nhì năm 1992. Ngoài ra ông còn được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật năm 1996; hay Tặng thưởng triển lãm Hội viên Cao tuổi, năm 1998…Và, nếu tính cả những giải thưởng cao mà ông đã trao vào các năm trước cách mạng cho đến nay, thì ông có một bộ sưu tập giải thưởng vào loại “Khủng”. Điều đó đã chứng minh cho tài năng hội họa Lương Xuân Nhị đã phát triển rực rỡ khi được trải nghiệm qua cuộc kháng chiến cứu nước và được thử thách, tôi luyện trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Đó là những tác phẩm gắn bó cả cuộc đời ông, đã đem lại cho ông một vinh dự lớn, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001. Họa sĩ Lương Xuân Nhị còn được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư ngành hội họa và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Nỗi cô đơn dịu dàng

Như ta đã biết bức tranh lụa “Mùa đông” (36,5X31cm) của ông, vẽ năm 1940 đã được bán đi từ lâu, nhưng mới đây đã được đem bán đấu giá ở Pháp lên tới 15000 Euro. Với sắc độ đẫm chất dân gian trong tranh của Lương Xuân Nhị vẫn còn có giá trị mãi về sau.

Có lần ông nói chuyện với các họa sĩ trẻ về sự thành công và khuynh hướng sáng tác của mình; Ông nhấn mạnh, chỉ tìm được diện mạo riêng, khi biết tiếp nhận được truyền thống hội họa dân tộc. Do đó, ông thường đi về các làng quê để tiếp nhận những đường nét Folklor từ hội họa trên gỗ, gốm, sứ, đồng… của cha ông đã để lại. 

Có thể vì thế chăng mà tranh ông như nhiều người nói, chúng thuộc về thế giới màu xanh, thanh nhã và dịu dàng. Quá trình sáng tạo là sự lao động thầm lặng, miệt mài và tràn ngập niềm cảm xúc trong nỗi cô đơn bất tận. Ông sống như thế và tranh ông lại càng như vậy, mãi mãi có sức quyến rũ với thời gian.

Vương Tâm








Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, 1940) -








Chốn cũ của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị


Ngôi nhà của cố họa sĩ với những kỷ vật cũ được sắp xếp ngăn nắp như còn vương hình bóng của nghệ sĩ nổi tiếng - người được sinh ra cách đây 100 năm.

Căn nhà mặt phố 29 Cửa Nam, Hà Nội của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị vẫn đủ đầy những kỷ vật cũ. Cánh cửa gỗ ra vào căn nhà vẫn vẹn nguyên như 100 năm trước, cả bức tường vôi, chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp và những chiếc tủ đựng tài liệu bằng gỗ đã nhuốm lên mình những lớp bụi phủ mờ cùng những câu chuyện dường như chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm thức những người yêu tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006).

Căn phòng ở tầng hai, nơi cụ vẫn ngồi vẽ hàng ngày được con cháu thay nhau chăm sóc gọn gàng sạch sẽ như thuở xưa. Đó là cả một không gian hoài cổ với những bức tranh đẹp mê hồn của người họa sĩ tài hoa. Căn phòng có vẻ u tối đượm buồn nhưng chứa đầy sự sống, số phận trong những bức tranh. Con trai của cụ Lương Xuân Nhị - họa sĩ Lương Xuân Trình - chia sẻ rằng, thuở còn sống, họa sĩ Lương Xuân Nhị vốn là người gọn gàng, ngăn nắp. Chính vì vậy, bây giờ, những vật dụng của cụ vẫn được các con giữ gìn cẩn thận, vật nào để ở đâu vẫn nguyên chỗ cũ: từ bút vẽ, khung vẽ đến chiếc vợt tennis.

Họa sĩ Lương Xuân Trình chia sẻ: “Cha tôi sống ngăn nắp, đó là điều mà tôi ít thấy ở các họa sĩ. Ông xếp sắp các thứ đâu vào đấy, có thứ tự một cách rất khoa học để cần gì là tìm được ngay, vẽ xong là cọ rửa luôn. Cũng bởi bản tính như vậy nên cha tôi dạy học sinh rất nghiêm, từ việc nhỏ là rửa bút, học sinh nhiều lúc sợ vì cụ cứ lấy tay áo trắng blouse quệt thử xem đã sạch chưa. Có lần cụ cho học sinh xem cái khăn lau bút cụ giữ từ mấy chục năm, dùng xong lại giặt sạch sẽ, cất gọn gàng, không hoang phí. Có lần cụ còn bảo: “Cái giẻ lau này bằng tuổi thằng Trình đây! (lúc đó tôi cũng đã ngót nghét 30)”.


Căn phòng lưu giữ những kỷ vật của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị.


Họa sĩ Lương Xuân Nhị đến với hội họa như một mối duyên. Ông học vẽ từ năm 16 tuổi vì một lý do rất giản dị là gia đình ông có một cửa hàng bán bột màu. Ông đến với niềm đam mê cái đẹp từ những trò nghịch dại của tuổi thiếu niên với bột màu sẵn có. Sau đó, ông theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi đang là học sinh, ông đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng - Giải thưởng danh dự (1937) của Hội khuyến khích Mỹ thuật Mỹ nghệ Đông Dương tại Triển lãm của SADEAI. Họa sĩ Lương Xuân Nhị tham gia triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam và nước ngoài từ năm 1936. Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước bên đường của ông được Viện bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm… Năm 1990 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Ông là một họa sĩ tài hoa và kỹ càng trong sáng tác với những gam màu xanh đặc trưng. Đối với ông, màu sắc là ngôn ngữ riêng của một họa sĩ, đúng như ông nói: "Tôi tiếp nhận tất cả, nhưng vẫn tìm một cách vẽ riêng của mình: thanh nhã và dịu dàng, tả thực, mơ màng, tươi tắn ấn tượng, huyền ảo với cái đẹp thuần Việt". Bởi vậy, người ta dễ dàng nhận ra “chất” làng quê của Lương Xuân Nhị thông qua những tác phẩm tiêu biểu như Mùa hạ (sơn dầu, 1934), Đi chợ tết (lụa, 1938), Gia đình thuyền chài (lụa, 1938), Bên bờ giếng (sơn dầu,1960), Nương sắn (sơn dầu, 1960), Thuyền và sông Hương (sơn dầu, 1980)…

Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp đã nhận xét: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị". Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người gọi cụ Lương Xuân Nhị bằng chú, chia sẻ: "Tôi được hưởng từ cụ quan điểm sống tự đủ, tự nhàn. Đời sống thanh nhàn thì đời sống nghệ thuật không bị đục đi trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp hơn, va chạm ngày càng mạnh hơn và áp lực ngày càng lớn hơn. Điều đấy làm cá nhân nghệ sĩ dễ bị tiêu hủy, tự mình hủy mình chứ đừng nói bên ngoài làm hỏng mình đi".

Họa sĩ Lương Xuân Nhị còn được gọi là họa sĩ của phái đẹp. Ông vẽ nhiều tranh về phái đẹp với những nét riêng không trộn lẫn. Ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Đây cũng là một điều rất kỳ lạ trong con người cụ. Một chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã, đẹp trai, bản thân phái đẹp cũng rất yêu quý cụ. Ở những thập kỷ 1930 - 1940, ông cũng là một người được phụ nữ đẹp tin cậy để thổ lộ những tâm tình".

Ngày 10/4 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Lương Xuân Nhị. Mọi kỷ niệm thuộc về cụ vẫn còn như mới ngày hôm qua trong lòng người quý mến cụ. Dường như, mỗi người họa sĩ, họ vẫn luôn có những điều bí mật đằng sau những bức tranh, đằng sau những số phận, đằng sau những toan màu. Để rồi giờ đây, những người ở lại, khi đến với không gian riêng tư của người họa sĩ đã trở về thiên cổ, bỗng thấy xao lòng bởi những điều cũ kỹ đã thuộc về quá khứ như thể có một sức mạnh khủng khiếp trỗi dậy. Bởi vì họ là hiện thân của cái đẹp trường tồn vượt thời gian…







"Cô gái bên hoa cúc"




Cố họa sỹ Lương Xuân Nhị và những bức tranh địch vận



Nằm khuất sau những tác phẩm được quá nhiều người biết tới, số lượng “tranh địch vận” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị ít nhiều rơi vào cảnh thiệt thòi suốt vài chục năm qua.

Có người gọi cố họa sĩ Lương Xuân Nhị là họa sĩ của màu xanh, bởi thiên nhiên trong “Phong cảnh nông thôn”, “Đồi cọ” hay chân dung thiếu nữ được ông thể hiện bằng những phối sắc xanh êm dịu, phong phú. Lặng lẽ, âm thầm, một mảng sáng tác không nhỏ của ông lại là tranh địch vận, với cách vẽ khái quát, mang đậm hình nét của phong cách cổ điển châu Âu.



Cố họa sỹ Lương Xuân Nhị


Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mỗi bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị được ví như một món quà nho nhỏ nhưng mang lại ấn tượng thị giác, tác động mạnh đến tâm lí của người lính bên kia chiến tuyến. 

Trong cuốn sách “Hội họa Hà Nội - những kí ức còn lại”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến dành riêng cho họa sĩ Lương Xuân Nhị những trang viết trang trọng, khẳng định vị trí của ông trong nền mỹ thuật Việt Nam cùng với các tên tuổi như Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Văn Sìn… 

Nhiều người biết đến ông qua tranh thiếu nữ, tranh phong cảnh và là một trong những người tiên phong đưa dòng tranh sơn dầu vào Việt Nam. Thế nhưng một mảng sáng tác lặng lẽ, âm thầm không thể không kể đến là tranh địch vận ông vẽ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.


Tác phẩm "Đọc tin chiến thắng"

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể lại: "Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã có lần tâm sự với tôi, ông đã theo dõi con đường số 5, từ Hà Nội đi Hải Phòng, đó là con đường huyết mạch từ đồng bằng đi vào Hà Nội. Trên con đường đó thời kì chống Pháp diễn ra rất nhiều chuyện chạy trốn của các hàng binh. Họa sĩ Lương Xuân Nhị được tổ chức giao cho nhiệm vụ vẽ các bức tranh để hi vọng những tác phẩm ấy sẽ đến tay những người lính".

Hai bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị là “Vì sao, vì ai” và bức tranh “Noel - Noel” hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với bức tranh “Vì sao, vì ai” họa sĩ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên, như đặt một dấu hỏi, ngầm ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam.


Với bức tranh “Vì sao, vì ai” họa sĩ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên, như đặt một dấu hỏi, ngầm ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam. 

Cũng bằng những bối cảnh đầy mâu thuẫn, tác phẩm “Noel - Noel” tái hiện hai bức tranh: một bên là người lính Pháp như xác chết không còn sinh khí, tựa gốc cây bị bom napan làm trơ trụi hết cành lá. Một bên là cuộc sống xa hoa của những thanh niên Pháp mải mê dưới ánh sáng lung linh, nhảy theo điệu nhạc trong những bữa tiệc xa hoa nơi quê nhà. 

Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị không thể hiện những điều đao to búa lớn mà đánh trúng tâm lý của những người lính Pháp, với mục đích khơi gợi, vận động những tâm tư sâu lắng, thầm kín nhất của con người. Ở góc độ này, họa sĩ Lương Xuân Nhị như một nhà đồ họa chuyên tâm, khai thác triệt để ngôn ngữ đồ họa để vẽ nên những tờ tranh nhỏ xinh nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa.


"Chợ hoa đào". 1985, lụa. Sưu tập của UBND Tp. Hà Nội


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cháu của họa sĩ Lương Xuân Nhị cho biết: "Gợi những hình ảnh thiếu nữ và những đứa con, như gia đình của người lính chờ đợi người chồng, người bố trở về - tôi cho đó là một sự đóng góp thành công của họa sỹ Lương Xuân Nhị. Trong cuộc chiến tranh, hiệu quả của công tác binh vận hết sức quan trọng và chúng ta thành công, hoàn toàn không thuần túy chỉ là tờ truyền đơn binh vận mà nó lại như một món quà hết sức bất ngờ với người lính Mỹ. Họ có thể giữ ở trong ví hoặc túi áo một cái bưu thiếp nhỏ. Tôi tin rằng trong hành trang trở về của những người lính Mỹ, từ chiến trường Việt Nam, chắc có người vẫn giữ lại những tấm thiếp đó".


Bức truyền đơn bằng tranh do họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ với dòng chữ:
"De Tassigny! Trả lại chúng tôi những đứa con còn sống"


Tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị đến tay rất nhiều người ở hai bên chiến tuyến, nhưng người vẽ tranh lại phải âm thầm, lặng lẽ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn nhớ, khi ông cùng bác của mình ở nơi sơ tán, thỉnh thoảng lại thấy xe quân đội lên đón ông về để thực hiện gấp tác phẩm. Hay có những lúc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thấy ông ngồi vẽ phác tại ngôi nhà lá trong một thư thái ung dung, lúc nào cũng nhẹ nhàng và yên lặng. Không lạ khi nhiều người bạn vẫn thường nói về Lương Xuân Nhị “từ đáy lòng của ông là sự ngăn nắp của tư duy, mức độ điều tiết của con người trí thức”. 

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, địch vận là công việc thầm lặng, không phải tất cả họa sỹ nào cũng tham gia việc vẽtranh địch vận. Đấy là sứ mệnh lịch sử trao cho ông. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông, một mảng đóng góp, sự cống hiến thầm lặng ấy cũng có câu chuyện riêng của nó, điểm thêm để hoàn tất chân dung con người. Cả cuộc đời của ông chỉ biết cống hiến tất cả những gì tốt đẹp nhất ở tâm hồn mình, của xúc cảm sáng tạo cho sự phát triển chung của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.


"Đồi cọ" - 1955, sơn dầu - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam


8 năm sau ngày ông ra đi, căn gác nhỏ - nơi ông làm việc vẫn được các con giữ nguyên vẹn. Trong tâm trí họ, ông luôn là người cha nghiêm khắc nhưng đôn hậu. Trong lòng những người học trò, con người ông đánh thức khả năng của họ không phải bằng sự áp đặt. Có lẽ, bài học từ phẩm cách nghệ sỹ song hành với tài năng của ông mãi mãi chẳng bao giờ cũ. Rõ ràng nó vẫn là câu chuyện mới, thế hệ hậu sinh vẫn luôn luôn tự suy ngẫm về mình, để xác lập một phẩm cách sống và làm nghệ thuật. 









































































































































































Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.