Nguyễn Chí Thiện
(27/2/1939 - 2/10/2012)
Hưởng thọ 73 tuổi
nhà thơ phản kháng
(27/2/1939 - 2/10/2012)
Hưởng thọ 73 tuổi
nhà thơ phản kháng
Ông đã bị nhà chức trách của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội "phản tuyên truyền".
Thơ Của Tôi
Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở
Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
Tiếng dạ dầy đói lả bóp bâng quơ
Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống dở
Và chết thời cũng dở, phải đâu thơ!
(1970)
Nguyễn Chí Thiện
Nguyễn Chí Thiện lúc trẻ
Tiểu sử
Sinh trưởng tại Hà Nội, ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà chức trách nên ông bị bắt vì tội "phản tuyên truyền".
Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.
Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ "Hoa địa ngục" của ông viết cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 Nguyễn Chí Thiện được ra tù.
Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.
Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka.
Nguyễn Chí Thiện qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Tác phẩm văn học
1
Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam
192 Bài Thơ Bi Hùng, edited by Khuyết Danh.
Wesminster, CA: Tu Quynh, 1978, 1980, 1981
2
Tiếng Vọng Tứ Đáy Vực
introduced by Nguyen Huu Hieu. Arlington, Virginia,
Thời Tập (Customs), 1980
2'
Tiếng Vọng Từ Đáy Vực
Washington, D.C.: Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam, 1980
3
Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam
Arlington, Virginia: Văn Nghệ Tiền Phong, 1981
4
San Jose, California: Đông Tiến, 1995
5
San Jose, California, 1991
6
Truyện và Thơ chưa hề Xuất Bản, với Phùng Cung
Westminster, California: Văn Nghệ, 2003
Truyện
7
Tập Truyện
Arlington, Virginia: Tổ hợp xuất bản miền đông Hoa Kỳ, 2001.
HỎA LÒ
Nguyễn Chí Thiện
Trăng Nước Sông Hồng
– Thôi vào buồng đi, để người khác còn ra vệ sinh, muộn rồi.
– Mới có dăm phút đã đuổi vào. “Dựa cột” * tới nơi rồi, tôi cũng chẳng hít thở không khí được mấy nữa đâu. Không chừng ngày mai, ngày kia là được ăn kẹo đồng. Đứng ngoài sân thoáng đãng, nhìn trời mây, non nước. Một giờ nữa sẽ vào.
Tên quản giáo đấu dịu:
– Còn bao nhiêu người, thôi, anh chịu khó vào đi. Nếu không thì hết cả buổi sáng, vệ sinh cũng chưa xong!
Gã thanh niên mang án tử hình, cởi trần, mặc chiếc quần đùi bộ đội, đôi mắt sếch trợn lên, nói như quát:
– Mặc xác họ, tôi chưa vào! Họ còn sống lâu, tha hồ mà hưởng không khí.
Nhìn thấy ở ngoài sân trại thấp thoáng một người mặc áo choàng trắng, gã nghển cổ, gào toáng lên:
– Báo cáo y sĩ đao phủ, bố của mày xin thuốc từ hôm qua mà mày không cho! A, mày lủi! Tiên sư y sĩ đao phủ! Tiên sư y sĩ dê cụ!
Tên y sĩ xuất hiện trước cửa sân khu xà-lim, nói ngọt như dỗ trẻ:
– Anh đau ngực phải không? Tôi sẽ cho người mang thuốc tới ngay. Cứ bình tĩnh! Cứ bình tĩnh!
Dứt câu, hắn quay đi, chuồn thẳng.
Những chuỗi cười khúc khích của cả nam lẫn nữ từ các buồng xà-lim bay ra, thích thú. Tên quản giáo hầm hầm đứng dậy, đập tay xuống bàn, rầm một cái:
– Câm hết! Ông khoá mõm lại tất cả!
Mấy con nhặng xanh lè bay vo vo trong nắng sớm vàng mượt, lấp lánh.
Tên quản giáo giơ tay xem đồng hồ, vẻ sốt ruột:
– Vào đi thôi, anh không thấy bao nhiêu người chờ đợi một mình anh sao?
Gã tử tù cười hềnh hệch:
– Việc gì phải chờ tôi. Có mót, họ cứ tương vào bô của họ ấy. Tôi cùm 24 trên 24. Cả ngày có mấy phút thoải mái. Vào để ông cùm ngay lại à? Tôi cũng chỉ mong được “đòm” một cái là đi đoong, đỡ khổ!
Tên quản giáo xua tay:
– Đừng quá bi quan. Anh đã làm đơn lên chủ tịch nước xin ân xá. Có nhiều triển vọng lắm. Anh đã từng đi bộ đội chiến đấu…
Gã tử tù nhăn mặt, cắt ngang:
– Ông đừng động viên lừa tôi. Từ xưa tới nay, Đồng chí Trường-Chinh kính mến có ân xá cho ai đâu! Nói thật với ông chứ, giá viên đạn của bọn bành trướng Trung-Quốc bắn vào ngực tôi đây này, mà lệch đi độ 3 phân nữa thì trúng tim, tôi đâu có phải kéo lê cuộc sống đểu này đến bây giờ để những người như các ông ôm chặt chữ thọ, không biết hưởng khói lửa chiến trường là gì, nay lại đuổi vào bằng được, không cho cả thằng sắp lìa đời hưởng tí không khí suông. Không khí của trời đất, chứ phải của riêng nhà các ông đâu! Tôi còn đứng ngoài này hai tiếng nữa. Ông muốn làm gì thì làm!
Tên quản giáo không biết xử lý thế nào, rút điếu thuốc ra châm hút. Lũ tử tù này mà khùng lên thì nguy lắm. Đã có lần, lão phó giám thị bị một tên ụp cả bô phân lên đầu, làm trò cười cho cả Hỏa-Lò. Dây vào đám cùi này chỉ thiệt.
Nghĩ vậy, tên quản giáo quay ra điều đình:
– Thôi, anh vào buồng đi. Khi nào tất cả vệ sinh xong, tôi mới cùm anh. Quyền hạn của tôi chỉ có thể linh động cho anh được tới thế. Đồng ý chứ?
Gã tử tù ngần ngừ một phút, rồi cúi xuống, cầm cái bô lên, vừa đi vào buồng, vừa cười sằng sặc.
– Ông chiếu cố như vậy thì tôi vào. Tôi cũng không muốn để mấy “Amie xanh tươi” phải nhăn nhó ôm bụng, cố nhịn vì tôi.
Tới trước cửa buồng kỷ niệm Hoàng-văn-Thụ, gã đứng lại nhìn vào, chửi đổng:
– Đ… mẹ thằng Pháp thế mà nhân đạo! Phía sau buồng, cửa sổ toang hoác, nắng gió tha hồ ùa vào. Phía trước lại có hai lỗ thông hơi to đùng, trẻ con chui lọt! Bây giờ bịt kín tất. Tối như bưng, nóng như nung!
Tên quản giáo xua xua chùm chìa khóa:
– Đừng phản tuyên truyền nữa, vào đi!
– Sự thực sờ sờ ngay trước mặt mà còn bảo là phản tuyên truyền. Ông nhìn xem buồng kỷ niệm ông Trần-Đăng-Ninh kia kìa. Hồi Pháp thế nào, giữ nguyên như vậy, giống như buồng này, thoáng đãng. Thôi, nói với ông cũng bằng thừa!
Gã tử tù vào buồng, quăng chiếc bô xoảng một cái xuống sàn xi-măng làm tên quản giáo giật mình. Tiếng cửa đóng rầm, tiếng khóa lọc xọc.
Tên quản giáo mở buồng bên cạnh. Hai phụ nữ xanh nhớt, một trẻ măng, một đứng tuổi, người cầm bô, người mang quần áo, khăn mặt, cập rập bước ra.
– Hôm nay tôi bận họp. Mỗi buồng đúng năm phút. Khẩn trương lên!
Suốt trong khoảng một giờ đồng hồ, hơn một chục buồng lần lượt ra vệ sinh. Tất cả vội vã, cuống quít. Tiếng quát tháo, tiếng thúc giục, tiếng chân chạy uỳnh uỵch, tiếng nắp bô rơi loảng xoảng, tiếng cửa buồng đóng, mở, ầm ầm liên tục. Rồi tất cả chìm trong yên lặng.
Tên quản giáo khóa cửa ngoài hành lang, lặng lẽ bỏ đi.
Mười phút sau, một anh tù nhà bếp, mập mạp, da xạm nắng, bộ quần áo tù mầu xanh chật căng, gánh cơm vào sân xà-lim. Anh lặng lẽ đặt xoong bột luộc xám xịt, xoong nước muối đen xì như nước cống xuống chiếc bàn dài kê sát tường. Trên bàn, một chồng bát men, một chồng đĩa men, một đống thìa. Tất cả đều han gỉ, sứt mẻ, bẩn thỉu. Anh lầm lì làm công việc chia bôi, không hề liếc mắt về phía buồng xà-lim, coi như không có ai.
Trong một buồng, gã phạm cán đứng ghé mắt nhìn qua khe mấy tấm ván bịt cửa sổ, thông báo cho mọi người:
– Lại mì luộc, nước cống!
Những tiếng chửi tục bực bội, những tiếng chép miệng ngao ngán, những tiếng thở dài cam phận…
– Này, anh hai cấp dưỡng, sắp có rau muống chưa?
– 19 tháng 8 này có “ăn tươi” (có thịt) không, anh hai?
– Bao giờ thì mới có gạo, cho đàn em biết một tí!
– Đ… mẹ mày, điếc, câm à?
Mặc những câu hỏi, câu chửi từ các buồng văng ra, anh nhà bếp vẫn thản nhiên, lờ tịt, giữ đúng nội quy, không quan hệ, không liên lạc. Xong việc, anh đặt mấy cái xoong không vào quang, toòng teng gánh đi…
Gã tử tù cất giọng oang oang:
– Bố nó bị án chết mà bữa nào cũng chỉ nước cống với mấy miếng mì luộc nhỏ như lưỡi mèo. Thời Tây, thằng Phạm-Hùng, thằng Hoàng-văn-Thụ, sau khi tòa tuyên án tử hình là muốn ăn gì, có nấy, hơn cả “bìa A” (bìa ăn cao cấp) ở Tôn-Đản! Còn các bố nó bây giờ, cứ bị tử hình là cùm miết, cấm gặp luôn cả gia đình. Đ… mẹ cái chế độ!
– Sao chú mày biết thời Tây, tử tù ăn uống sướng như vua chúa vậy?
Giọng miền Trung của gã phạm cán mỉa mai vọng sang.
– Sao biết à? Chính các ông ấy viết kể lại trong hồi ký cách mạng “Nhân Dân Ta Rất Anh Hùng”. Cứ hỏi ông Bộ-Trưởng Bộ Công An Phạm-Hùng thì biết. Ông ấy được Tây ân xá tha chết, sống sót viết lại đấy. Ông ấy còn kể là cả tử tù cướp của giết người muốn ăn gì thì ăn, theo ý thích! Sáng nào cai ngục cũng cầm sổ, cầm bút vào tận xà-lim án chém hỏi chúng muốn ăn gì. Thằng Thanh rỗ ở cùng với ông ấy đòi gà sống thiến và thuốc xì gà. Còn ông Trần-Đăng-Ninh trước bị giam ở cái buồng số 2 kia kìa, thì kể là Hoàng-văn-Thụ ăn mửa ra không hết, thường đem cho các nữ phạm nhân. Mấy quyển sách này, thư viện nào chả có!
Ở buồng 14, buồng năm 1925 cụ Phan-Bội-Châu đã từng nằm, cửa sổ trông ra sân, gần ngay bàn chia cơm, xoang xoảng tiếng bô đập vào mấy miếng ván bịt.
Gã tử tù cười khanh khách:
– Chú em ơi, đập vỡ bô thì lấy gì mà “Trút bầu tâm sự”. Chuột Hỏa-Lò nó không sợ cái trò ấy đâu. Cứ để nó ăn, nó đái, nó ỉa vào. Ai chê, đưa tao. Tất cả có 14 suất, tao có thể một mình đớp sạch một lúc. Không tin thì cứ thử một bữa!
Có tiếng giầy bộp bộp. Tên quản giáo lủng lẳng chùm chìa khóa trong tay, đi vào. Ba, bốn con chuột cống béo múp, xám xịt, to như những con mèo con, đương xục mõm vầy vò trên mấy đĩa bột luộc, hốt hoảng nhẩy ào xuống đất, thoăn thoắt chui vào lỗ cống, mất hút…
Từng buồng lần lượt được mở cửa ra lấy suất ăn mang vào. Đến lượt gã tử tù, tên quản giáo giọng tử tế:
– Đây, thuốc xoa ngực của anh đây. Từ nay trở đi, đến giờ này tôi mới cùm anh. Nếu anh chấp hành tốt, không mất trật tự, tôi sẽ bảo nhà bếp chia phần anh gấp đôi.
– Tôi không thèm ăn của người khác! Phần tôi tăng, thì những phần khác rút đi. Cả cái xà-lim này sẽ chửi thầm tôi. Ông chỉ được cái của người, phúc ta!
– Nếu anh sĩ diện hão, thì thôi.
Tên quản giáo ngượng nghịu nói, rồi lẳng lặng đi ra, quên cả hạch xách những người tù khác như thường ngày y vẫn làm.
Đối với bọn tù Hỏa-Lò, ăn sáng xong là coi như hết buổi sáng. Họ lại ngong ngóng đợi bữa chiều. Ăn chiều xong là coi như hết ngày. Lại ngong ngóng đợi bữa hôm sau. Hai bữa ăn là hai cái mốc chính trong đời của những người tù đói quặn, đói thắt, đói run, đói sa sẩm cả mặt mày, đói tiêu hao cả máu thịt, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác.
Ngày hôm đó, sau bữa ăn chiều, đột nhiên trời đất đen ngòm, rồi gió ầm ầm, mưa ào ào, sấm đùng đùng, dữ dội như trời long, đất lở. Mặc cho cành gẫy, cây đổ, cột đèn nghiêng, mái nhà tung bay bên ngoài. Tường xà-lim dầy nửa mét bằng bê-tông cốt sắt cứ trơ trơ!
Lũ tù hả hê, gào lên:
– Đã quá, cơn bão này giá trị hơn đĩa phở xào!
– Rôm sẩy khắp người sẽ lặn hết!
– Nóng thêm vài hôm nữa thời phát điên bố nó cả!
– Gió bão hãy thổi tung mẹ nó cái thế giới này đi!
Trùm lấp tất cả những tiếng la thét khác là tiếng gã tử tù rú lên, liên hồi:
– Hoan hô Bác Hoàng-văn-Hoan!
– Hoan hô Đại Quân Trung Quốc!
– Giải phóng Việt-Nam!
Nhộn nhạo, ầm ĩ một hồi, tất cả dần dần thiếp đi, mê mệt. Hàng chục hôm liền, không khí xà-lim như hơi nước sôi. Những mụn đỏ lăn tăn nổi đầy người. Ngứa, rát. Mồ hôi lúc nào cũng ròng ròng. Rệp, muỗi đua nhau đốt, cắn. Ai ngủ được! Hôm nay mát mẻ, chỉ một lúc là vật ra ngủ cả, li bì.
Lúc gã tử tù bừng thức giấc thời bão đã tan, mưa đã tạnh từ lâu. Toàn bộ Hỏa-Lò lặng ngắt. Trong xà-lim nghe rõ tiếng ngáy hồng hộc, tiếng nghiến răng ken két từ mấy buồng vọng ra. Không biết mấy giờ. Nhưng chắc đã khuya lắm. Gã ngồi dậy, dùng hai bàn tay xoa mắt, xoa mặt một lúc cho tỉnh táo. Rồi gã lấy túi ni-lông nước, ngửa cổ uống ừng ực, nước chảy cả xuống cổ, xuống ngực. Đặt túi ni-lông vào góc cùm, gã đằng hắng mấy cái, rồi cất tiếng hát. Giọng trầm, ấm, buồn. Trong đêm tù âm u, nghe ai oán, não nuột:
Mòn con mắt
Trông về Nam cánh nhạn lẻ loi…
Tình tang tình…
Ờ cô mình…Thấu chăng tình…
Gã ngừng hát, nghe ngóng. Buồng trước mặt vẫn im lìm. Chắc “Em” ngủ. Gã mới chuyển từ xà-lim 2 sang xà-lim 1 này được hơn một tuần. Từ mấy đêm nay, đoán chừng khi mọi người đã yên giấc, gã vẫn dùng mấy câu hát này làm tín hiệu cho “Em” biết là “câu chuyện tâm tình” có thể bắt đầu. Đợi một lúc không động tĩnh gì, gã nhoài người, lấy tay đập vào cửa buồng thình thình mấy tiếng.
Buồng trước mặt vọng sang giọng một cô gái, nhỏ nhẹ, âu yếm như ve vuốt:
– Sao hôm nay thức sớm thế, có ngủ được không?
– Ngủ được. Em có ngủ được không?
– Em chỉ nằm mơ mơ màng màng thôi. Lâu lắm rồi, không bao giờ ngủ ngon cả. Mà cũng chẳng cần ngủ. Rồi sẽ tha hồ mà ngủ!
– Anh đang ngồi. Còn em đang nằm hay ngồi?
– Em đang nằm.
– Nằm nghiêng hay nằm ngửa?
– Nằm nghiêng về phía bên ngoài.
– Cùm mà nằm nghiêng được à?
– Em gầy đi nhiều. Cổ chân nhỏ đi, có thể xoay người được.
– Em có thích anh sang với em không?
– Vớ vẩn! Sang làm sao được? Chết đến nơi cả rồi, còn đùa!
– Anh không đùa. Anh hỏi nghiêm chỉnh là em có thích không?
– Ai mà chẳng thích! Giá chúng mình gặp nhau ở ngoài nhỉ!
– Em nói thế là anh thỏa lòng rồi. Cảm ơn ông Trời đã cho anh chuyển sang đây gặp em, lại được nằm đối diện với buồng em.
– Anh cũng tin ở Trời à?
– Nói thế thôi, chứ Trời đất gì! Đời toàn bịp bợm, đểu cáng, dối trá. Càng lương thiện, hiền lành, càng bị chúng nó bóp cổ đến phòi cả con ngươi mắt ra. Từ lâu rồi, anh chẳng tin gì cả. Cả Trời, cả đất, cả người! Chỉ riêng có em là anh tin thôi.
– Tại sao anh lại đi tin em?
– Ờ ờ…Cái này khó giải thích lắm. Lần đầu tiên chỉ thấp thoáng nhìn thấy hình dáng em khi em đi làm vệ sinh thôi, anh đã thấy bồi hồi cả lòng. Nghe tiếng guốc em kéo lê ngoài hành lang, mòn mỏi, buồn nản, anh tự nhiên thấy thương cảm vô hạn. Rồi cái hôm trong giờ vệ sinh, lợi dụng lúc thằng quản giáo đang đấu hót với con y tá ngoài bàn, anh mở lỗ cửa gió buồng em. Nhìn thấy em xanh xao đang ngồi trên sàn, chân trong cùm, thân gầy, tóc xõa ngang vai. Dưới ánh đèn vàng, vẻ mặt em rầu rầu, nhưng thanh tú lắm. Em hơi giật mình khi nhìn thấy anh. Em có đôi mắt quyến rũ lắm, hút được cả hồn người! Nhìn vào mắt em, anh thấy xao động cả một trời mơ ước, một trời hạnh phúc… Rồi tối hôm đó, em tìm cách quăng dây sang buồng anh, cho anh đường, kẹo, bánh quy, kim, chỉ, tăm. Cả một hộp cao Sao Vàng nữa. Từ khi thầy mẹ anh mất, đời anh chẳng được ai thương cảm chăm sóc như thế cả. Đêm ấy anh khóc rất nhiều. Anh yêu em từ buổi đó. Mà đã yêu thời phải tin nhau. Người ta gọi là “tin yêu” mà lại. Hơn nữa, anh còn phục em.
– Em có gì đáng phục mà anh phục?
– Chuyện em “đánh hỏa công”, dùng một can xăng đốt chết cả nhà thằng công an hộ khẩu, trấn động cả Hà-Nội. Đáng phục quá đi chứ!
– Em ức quá đấy thôi. Em chỉ mua bán tem phiếu ở cửa mậu dịch để kiếm sống, có hại ai đâu. Thằng hộ khẩu đó ở gần nhà em chuyên môn ăn chạc, uống chạc, hút chạc của mấy hàng phở gánh, của mấy bà bán nước, của mấy em bé bán thuốc lá. Thế mà nó tự tiện khám nhà em nhiều lần. Lợi dụng khám cả người em! Em chửi nó. Nó đưa em ra khu phố đấu tố. Mẹ em dạy học cũng bị nhà trường lôi ra kiểm điểm. Em cố nhịn mãi. Tới khi vì nó mà em bị chính quyền bắt đi kinh tế mới khai hoang, em không nén được nữa, mới ra tay. Còn anh, chỉ mang tội “đột vòm” * thôi mà sao cũng bị tử hình nhỉ, lạ thật!
– Em không biết. Anh là đầu vụ. Bình thường ra thì chỉ mười năm tù là tối đa. Nhưng bọn anh vô tình chơi phải kho thuốc tây của trung ương Đảng ở phố Đinh-Liệt gần hồ Hoàn-Kiếm mới bỏ mẹ. Ông luật sư Đỗ-xuân-Sảng, trước hôm xử, gặp bọn anh, đã nói trước: “Các cháu dại lắm! Chết rồi. Các cháu dám sờ vào dái ngựa. Hết cứu. Bác đành chịu!” Đời anh thực là khốn nạn. Đi bộ đội từ năm 17 tuổi. Đánh nhau cả với Mỹ lẫn Trung-Quốc. Quăng quật trên chiến trường hàng chục năm. Rút cuộc chỉ được một vết thương ở ngực, một vết thương ở đùi, và phải giải ngũ. Anh sống bằng nghề thợ điện, có biết trộm cắp là gì đâu. Chỉ vì anh mê một con văn công quân đội. Nó thích trưng diện. Nhiều sĩ quan tặng quà cho nó. Anh nghèo lại muốn chơi trội, định tặng nó một món thực sang. Thế là anh tổ chức đánh quả thuốc tây này, và bị tử hình. Từ ngày anh bị bắt, nó lờ tịt, chẳng thăm hỏi gì. Anh hận lắm. Nhiều bạn bè đã khuyên anh là đừng dính với bọn văn công. Loại gái này không xài được. Họ bảo phải nhớ câu “giường bệnh xá, má văn công”. Anh hối hận là đã không nghe họ. Gặp em, anh coi như mối tình đầu của anh đấy. Em đúng là người trong mộng tưởng của anh. Nhưng anh tồi tệ như vậy, em có thương anh không?
– Hai đứa bị tử hình không thương nhau thời thương ai? Hôm anh nhìn vào buồng em, thấy mặt anh ngây ra, buồn cười quá! Chắc chúng mình có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Năm nay em 19 tuổi. Ở ngoài, em chưa yêu ai đâu!
– Mười chín tuổi. Mới có trăng tròn lẻ bốn. Chưa một mảnh tình vắt vai. Tuổi mới bước vào đời, mà đã phải bước ra. Tiếc thật. Giá anh có thể chết thay cho em được thì tốt biết bao! Anh hơn em đúng một giáp. Nhưng sao anh thấy em bình tĩnh thế. Không như anh, nhiều lúc muốn điên loạn.
– Em bình tĩnh là vì em tin có linh hồn, có luân hồi. Con người không phải chỉ có một cuộc đời, mà có nhiều cuộc đời. Miễn là sống cho tốt, gieo nhân tốt, thì kiếp sau hái quả tốt. Mẹ em thương em, tiếp tế cho em đủ ăn. Nhưng thấy các bạn tù ở đây nhiều người chỉ sống bằng hai suất ăn của trại, đói khổ quá, em thương, em phân phát cả. Em có gầy đi cũng chẳng sao. Béo, gầy, đằng nào cũng ngủ với giun tới nơi. Bác già ở buồng cạnh em giảng giải cho em về lẽ sống, chết, nên em mới hiểu và an tâm như vậy.
Lão già buồng bên vẫn nằm thẳng cẳng, hai tay buông xuôi, mắt nhắm nghiền, hít thở đều đều. Nghe thấy nói tới mình, lão hơi mở mắt, rồi lại nhắm ngay lại.
– Cái lão già phản cách mạng ấy nói thiên thối để an ủi em đấy. Anh xông pha chiến trận, bao nhiêu người chết. Anh chẳng bao giờ thấy linh hồn họ cả.
– Em cũng chưa thấy. Nhưng bác ấy là người từng trải, có tư cách, không nói dối đâu. Bác ấy kể chuyện một số người đã chết, rồi lại sống lại. Tất cả đều nói rằng khi linh hồn thoát khỏi xác thì bay tới một vùng đầy hào quang, tưng bừng hương sắc, vui lắm, không ai muốn trở lại. Nhưng vì số chưa hết, nên hồn bị trả về thể xác. Còn chuyện đầu thai nữa, có nhiều bằng chứng được các nhà nghiên cứu khoa học xác nhận. Bác ấy quả quyết là Thượng-đế tạo ra vũ trụ, tạo ra muôn loài. Đơn giản như cái bát, cái thìa, cũng phải có người tạo ra mới có. Huống chi con người, không thể tự nhiên mà có được đâu.
– Nghe có lý đấy. Mấy đêm trước, anh nằm mơ thấy thầy mẹ anh. Hai “cụ vía” vui lắm, nói là sắp được đón anh. Kiếp sau hai đứa mình sẽ chung sống nhé! Nhưng nếu đầu thai thì em với anh đầu thai vào hẳn nước Mỹ cho nó sướng cái thân. Chớ có đầu thai vào cái nước Việt Nam này, mà lại bỏ mẹ cả!
– Đợi kiếp sau lâu lắm, em không đợi được đâu. Sau khi chết, hai linh hồn chúng mình gặp nhau ngay cơ! Chúng mình chọn một nơi thật thơ mộng, như bên Hồ-Tây, trên đường Thanh-Niên ấy. Vào những đêm trăng sáng, mặt nước Hồ-Tây bát ngát, êm ả, lấp loáng, gió thổi mơn man. Chúng mình sẽ ngồi trên ghế đá. Em ngả đầu vào ngực anh. Anh vuốt má em…
– Ý kiến hay quá! Nhưng bên Hồ-Tây có nhiều cặp lắm. Bọn “thanh niên cờ đỏ” lại hay đi lùng sục, hạch hỏi, mất cả thú!
Cô gái cười khúc khích:
– Chúng mình là ma cơ mà. Chúng nó làm sao nhìn thấy được. Nếu thấy, chúng cũng sợ chết ngất đi, làm sao có thể phá rối nổi tình yêu chúng mình được.
– Theo ý anh, để tránh phiền phức, chúng ta gặp nhau ở trên đê sông Hồng. Chỗ Đồn-Thủy đi thẳng ra ấy. Hồi mười bốn, mười lăm tuổi, anh với bọn bạn thường nô đùa trên bãi cát, rồi bơi qua sông, sang bờ bên kia, lủi vào các bãi ngô rậm rạp, bẻ trộm ngô, nướng ăn. Cảnh trăng nước sông Hồng lồng lộng, đẹp lắm em ạ. Hoàn toàn thanh vắng, trên tài Hồ-Tây nhiều. Lại không bị bọn “thanh niên cờ đỏ” quấy rầy. Em thấy thế nào?
– Thế mà em không nghĩ ra! Hồi bé, gia đình em ở chỗ đó. Mẹ em đẻ em ở đó đấy. Vào những đêm trăng sáng, chúng ta cứ gặp nhau ở đó. Có anh bên cạnh thì nơi nào em cũng thấy hạnh phúc. Ngay cả ở trong cái xà-lim bẩn thỉu, đang bị cùm kẹp như thế này.
– Anh cũng vậy, sao ý nghĩ chúng mình giống nhau quá nhỉ! Đúng là có duyên số, có Trời dun dủi cho anh trước khi chết được gặp em, được yêu em, được em yêu. Anh tin có Trời rồi em ạ. Cứ tưởng tượng tới cảnh hai hồn ma chúng mình được ôm ấp, quay cuồng quấn lấy nhau, trong cảnh trăng nước sông Hồng dạt dào, mênh mông, anh sung sướng quá, không sợ chết nữa. Niềm tin và tình yêu mạnh hơn cái chết!
– Này, nếu ở thế giới bên kia mà anh phụ em, em sẽ “hỏa thiêu” luôn cả linh hồn anh đấy. Anh sẽ không được đầu thai nữa đâu!
– Trời đã thương anh, ban em cho anh. Anh mà phụ em nghĩa là phụ cả ân đức của Trời rồi. Chẳng cần phải em hỏa thiêu. Trời sẽ cho sét nổ lên đầu, đánh chết tươi anh ngay. Em ơi, anh muốn sang buồng em quá. Nghĩ tới được ôm ấp em, vuốt ve em, anh run cả người lên đây này.
– Em cũng muốn lắm. Mồ hôi em lấm tấm ở trán đây này. Hay là chúng mình cứ tưởng tượng nằm bên nhau như vợ chồng đi. Từ nay chúng mình là vợ chồng nhé, đêm nay là đêm tân hôn nhé.
Gã tử tù ngạc nhiên:
– Em cũng nghĩ tới chuyện cưới nhau, coi nhau như vợ chồng à? Anh cũng đã nghĩ tới. Sao trùng hợp lạ thế nhỉ? Em có biết tại sao sáng nay anh quậy thế không?
– Bình thường anh lầm lì. Sao sáng nay anh phá dữ thế? Tên quản giáo sợ, cũng phải nhượng bộ.
– Không nhượng bộ thì anh sẽ cho nó ăn “mỹ kim”!
– Mỹ kim? Đô la mỹ à?
Gã cười hăng hắc:
– Anh làm gì có đô la Mỹ. Bọn anh gọi lê, dao là mỹ kim, nghĩa là kim loại quý để trang sức. Anh đã mài một cái đinh bảy phân nhọn hoắt, sáng quắc. Nếu nó hỗn với anh, anh sẽ “trang sức” vào mặt nó mấy mũi để kỷ niệm suốt đời. Hoặc sơi nó một “pha”, cho nó thành độc nhỡn! Anh đã từng là đặc công, nhanh như sóc. Nó không đỡ nổi đâu.
– Thế sáng nay anh quậy phá là để được thoải mái vài giờ chứ gì?
– Em đoán đúng. Buổi sáng, cả em cũng được thả cùm như anh phải không?
– Ừ, tới lúc lấy cơm nó mới cùm em.
– Thế là đạt mục tiêu rồi!
Cô gái chép miệng:
– Thả cùm một, hai tiếng đồng hồ thì bõ bèn gì mà anh phải phí hơi với nó.
– Mục tiêu không phải thế. Anh định thế này. Em tha lỗi cho anh trước, anh mới dám nói.
– Đã là vợ chồng, có thể trao thân gửi phận cho nhau, có gì không nói được mà phải giào đón như người xa lạ ấy.
Gã tử tù hạ thấp giọng, nói nhỏ bớt đi:
– Em đã thông cảm, thời anh mạnh dạn nói. Đêm qua nằm, anh nghĩ anh sẽ đề nghị với em là chúng mình trở thành vợ chồng. Nhưng chuyện động phòng là không thể được rồi. Anh chỉ muốn chúng mình ngắm thân thể của nhau. Nhưng cả hai cùng bị cùm cả thì làm thế nào đứng lên nhìn sang buồng nhau được. Vì vậy anh mới lập mưu để hết giờ vệ sinh nó mới cùm chúng mình. Như thế, từ sáng mai, sau khi vệ sinh vào, anh sẽ đứng lên cùm, nhìn sang buồng em. Đến lượt em, lại đứng lên cùm, nhìn sang buồng anh. Nếu như chưa đủ cao để nhìn được, em kê thêm cái chăn, cái bô. May mà giờ vệ sinh đèn lại chưa tắt! Nhớ phải cởi hết ra đấy!
– Được, anh cũng phải thế đấy. Nếu có cơ hội, anh mở lỗ cửa gió buồng em như hôm nọ. Em sẽ để môi ra cho anh hôn.
– Sáng kiến lắm! Anh sẽ hôn. Ờ… mà không phải hôn. Anh sẽ uống linh hồn em!
– Em cũng uống linh hồn anh. Cho hai linh hồn chúng mình hòa với nhau làm một!
Đột nhiên, nhiều tiếng giầy thình thịch đi vào sân. Rồi tiếng mở khóa loảng xoảng.
Gã tử tù tim như ngừng lại, hốt hoảng:
– Có lẽ anh “đi” đấy!
Giọng cô gái hồi hộp:
– Có thể là em!
– Dù là ai, cũng bình tĩnh lại. Phải chết cho đàng hoàng. Anh đã chuẩn bị đón giờ này từ lâu rồi.
– Em cũng thế.
Tiếng cửa sắt rít lên. Tên quản giáo và bốn tên công an vũ trang rầm rập bước vào hành lang xà-lim. Bọn tù ở các buồng dọc theo dẫy hành lang đều ngồi nhỏm dậy, nín thở, nghe ngóng.
Tên quản giáo mở cửa buồng gã tử tù. Hai tên vũ trang xông vào, quát:
– Ngồi im, không được cử động!
Chúng bẻ hai cánh tay gã tử tù ra sau lưng, dùng còng số 8 khóa lại. Tên quản giáo bước vào mở khóa cùm.
Gã tử tù nói to:
– Anh đi trước, anh sẽ đợi em ở bờ sông Hồng. Nhớ trăng nước sông Hồng, đừng sai hẹn!
Cô gái đập cửa buồng thình thình, gào lên:
– Xin các ông đưa tôi đi bắn cùng với anh ấy! Xin các ông!
Một tên công an vũ trang cười hà hà:
– Chúng nó sợ hóa điên cả rồi. Có gan ăn cướp thì phải có gan chịu đòn chứ.
Một tên khác lấy mảnh vải bịt mắt gã tử tù lại, rồi đẩy gã ra khỏi buồng:
– Đi!
Gã tử tù ra ngoài hành lang, hướng về buồng cô gái:
– Tạm biệt em. Có em, anh rất mãn nguyện. Đừng buồn. Hãy giữ lấy tư cách. Đừng cầu xin chúng nó gì cả. Chắc chắn chúng mình sẽ gặp nhau.
Tiếng cô gái nức nở:
– Anh ơi! Tạm biệt anh! Em thương anh quá! Em muốn đi cùng với anh. Chúng mình phải gặp nhau! Trên bờ sông Hồng, em sẽ tới đó!
Gã tử tù thét to:
– Chào các bạn, vĩnh biệt các bạn! Tạm biệt em!
Tên quản giáo gằn giọng:
– Tiên sư mày, chết đến nơi rồi, còn mất trật tự! Trước khi ăn đạn, ông phải cho mày ăn đòn hẵng!
– Ông mà động tới anh ấy, ông sẽ hối không kịp với tôi!
Tiếng cô gái thét lên.
– Giờ phút này mà ông còn định đánh người ta, ông mất hết tính người rồi sao? Tôi sẽ báo việc này lên Trên!
Tiếng lão phản cách mạng sang sảng, nghiêm nghị, đĩnh đạc.
Hai tên vũ trang xốc nách gã tử tù, lôi mạnh:
– Đi! Đi!
Ra tới sân, gã ngoái cổ lại, kêu lớn:
– Em đừng buồn, anh đợi em! Anh đợi em!
– Anh đi trước! Em đi sau! Chúng mình nhất định sẽ gặp nhau, anh ơi!
Trong xà-lim, các tù nhân nữ thút thít khóc. Nhưng có một tiếng khóc nấc lên từng hồi, thảm thiết, xé ruột, xé gan tất cả những ai còn là người.
Xa xa, tiếng gã tử tù vọng lại, nhỏ dần, loãng dần…
– Trăng nước sông Hồng… Trăng nước… sông… Hồng… Trăng nước… Em ơi……..
Nguyễn Chí Thiện
* Dựa cột: Bị xử bắn.
* Đột vòm: vào nhà hay nhà kho ăn trộm.
Thơ
Tập thơ Hoa Địa ngục của ông xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào toà đại sứ Anh tại Hà Nội và được giáo sư Patrick J. Honey thuộc Đại học Luân Đôn (University of London), nhân chuyến đi Việt Nam năm 1979, mang được ra ngoài nước để phổ biến. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ:
“ Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm. ”
Tập thơ này được coi như một thiên hồi ký về cuộc đời tù tội trong xã hội cộng sản dưới chế dộ toàn trị bắt đầu từ thập niên 1950. Phải 40 năm sau mới có một tác phẩm văn chương khác xuất phát từ Việt Nam là tiểu thuyết Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn mới nói đến chế dộ tù ngục.
Vì tập thơ không ghi tên tác giả nên lần in đầu tiên năm 1980 do "Uỷ ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam" phát hành tại Washington D.C. ghi tác giả là "Khuyết danh" hay "Ngục Sĩ" với tựa Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Dịch bản tiếng Anh mang tên Cry from the Abyss.
Năm 1981, ấn bản khác của báo Văn nghệ Tiền phong phát hành ở hải ngoại được ra mắt dưới tựa Bản Chúc thư Của Một Người Việt Nam. Tên khác nữa là Quê hương tù ngục.
Nhan đề Hoa Địa ngục được dùng đầu tiên năm 1984 khi Yale Center for International & Area Studies in bản tiếng Anh Flowers from Hell do Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau này người ta mới biết đến tên Nguyễn Chí Thiện.
Một số bài thơ trong Hoa Địa ngục đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong tập Ngục ca. Nhạc sĩ Phan Văn Hưng thì phổ nhạc bài "Sẽ có một ngày".
Cũng với tập thơ này năm 1985 Nguyễn Chí Thiện đoạt giải "Thơ Quốc tế Rotterdam" (Rotterdam International Poetry Prize). Năm 1988 ông thắng giải "Freedom to Write".
Trong khi ông bị giam cầm thì tên tuổi ông được biết đến nhiều, những hội đoàn như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cùng những chính khách như Léopold Senghor (cựu tổng thống Sénégal), John Major (cựu thủ tướng Anh) và vua Hussein của Jordan đã từng lên tiếng tranh đấu cho ông được thả.
Năm 2006 tập thơ gồm hơn 700 bài của ông được đúc kết lại với đúng tên tác giả đã ra mắt độc giả người Việt hải ngoại một lần nữa và được đón nhận nồng nhiệt.
Lời thơ có những đoạn tiêu biểu sắt thép như:
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lũ người đói rét
Phục sẵn một đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử...
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ kính cẩn dâng lên
Này vòng hoa tái ngộ
Ðặt lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên
Tã Trắng thắng Cờ Hồng...
Tiếng mục đồng êm ả, tình quê bao la
Thay tiếng "Quốc tế ca"
Bằng tiếng diều cao vút trong chiều tà
Trên ruộng đồng quê ta...
Tập thơ Hoa Địa ngục còn được dịch ra tiếng Đức, tựa Echo aus dem abgrund, tiếng Hà Lan: Bloemen Uit de Hel, tiếng Hàn, tiếng Hoa: 花从地狱来 (âm Hán Việt: Hoa tòng địa ngục lai), Tiếng Pháp: Fleurs de l'Enfer, Tiếng Tây Ban Nha: Flores del Infierno, và Tiếng Séc: Básně z pekla.
"Hoa địa ngục" là tên tác giả đã chọn ghi ở cuối lá thư đính kèm với tập thơ được lén đưa vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội.
Địa vị văn học của ông được ghi nhận trong cuốn Who’s who in Twentieth-century World Poetry do Mark Willhard chủ biên (London & New York, Routledge, 2000).
Năm 2001, tập truyện Hoả Lò của ông được nhà xuất bản Cành Nam ở Arlington, Virginia đem in cùng Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2001, rồi tái bản năm 2007. Cũng trong năm 2007, tập truyện cùng với thơ ông được dịch ra tiếng Anh, nhan đề Hoa Lo/Hanoi Hilton Stories do Yale University Southeast Asia Studies xuất bản. Bản dịch có sự đóng góp của Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong.
Trong phần tự truyện ông ghi lại những kỷ niệm tù đày với người bạn tù Phùng Cung.
Năm 2008 Hai Truyện Tù/Two Prison Life Stories, một tác phẩm song ngữ Việt-Anh được xuất bản ở Mỹ với sự cộng tác của Jean Libby, Tran Trung Ngoc và Christopher McCooey.
Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Chí Thiện
Nguyễn Chí Thiện page
at the Viet Nam Literature Project, with a selection of poems translated into English by Nguyễn Ngọc Bích
at the Viet Nam Literature Project, with a selection of poems translated into English by Nguyễn Ngọc Bích
"The Solzhenitsyn of Vietnam"
by Michael Lind, also translated into Vietnamese by Trần viết Ðại Hưng
by Michael Lind, also translated into Vietnamese by Trần viết Ðại Hưng
"Hoa Thật Hoa Giả" by Trần viết Ðại Hưng,
Phỏng vấn
Bùi Văn Phú, Hai giờ với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện
kỳ 1,
Talawas, 19.11.2007
Talawas, 19.11.2007
Đầu tháng 11.2007 nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã đến miền Bắc California để có những sinh hoạt giới thiệu tập truyện tiếng Anh của ông, tác phẩm Hoả Lò / Hanoi Hilton Stories [1] vừa được Yale University Southeast Asia Studies xuất bản. Nhân dịp đến Đại học U.C. Berkeley, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn.
Bùi Văn Phú: Thưa ông Nguyễn Chí Thiện, ông bắt đầu sáng tác từ khi nào?
Nguyễn Chí Thiện: Tôi làm thơ trước khi viết văn. Như nhiều người Việt Nam, tôi thích làm thơ. Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 15 tuổi, tức là năm 1954; thời đó cũng thường bắt chước những ông Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ thế thôi. Vì thế những bài thơ đầu tiên sau này thấy nó trẻ con.
Bùi Văn Phú: Ông còn nhớ bài thơ đầu tiên của mình?
Nguyễn Chí Thiện: Bây giờ khó nhớ vì những bài thơ đó chưa đạt yêu cầu nên đã loại nó ra khỏi bộ nhớ của mình.
Bùi Văn Phú: Tại sao ông lại làm thơ?
Nguyễn Chí Thiện: Đua đòi thôi. Chơi với bạn bè mấy ông làm thơ thì mình cũng làm thơ.
Bùi Văn Phú: Lúc đó ông làm thơ tình hay thơ phản ánh xã hội?
Nguyễn Chí Thiện: Bài thơ trong thời gian đầu mà tôi còn nhớ là bài "Con tầu rêu", bắt chước "Con tầu say của thi sĩ Pháp Arthur Rimbaud, nó cũng có những câu buồn:
Tôi đã biết những đêm dài ròng rã
Con tầu câm trôi giữa bóng trăng sao
Biết dừng đâu, không bóng hải đăng nào
Ra tín hiệu đón con tầu buồn bã
Tôi đã biết những bình minh đói lả
Biến sang mầu loang tím của chiều hoang
Con tầu đi vô định lệ rộng hàng
Thương xót những mảnh tầu trôi vạn ngả
Bài thơ ấy đã mang nỗi buồn rồi, nhưng sự thực chữ nghĩa dùng vẫn còn bị ảnh hưởng của những nhà thơ tiền chiến. Bài “Con tầu rêu” còn có những câu:
Bơ vơ mãi nơi biển trời quạnh quẽ
Đêm ngày mơ sao cập bến bờ vui
Giữa phong ba trong sóng gió dập vùi
Tôi đã đóng những con tầu đẹp đẽ
Và từ đó triền miên trên sóng cả
Con tầu tôi đi kiếm bến bình an
Bốn chung quanh lồng lộng bão cơ hàn
Không phá nổi mảnh buồm căng gió thả
Lúc còn thanh niên, còn hăng. Sau đó có những câu thơ buồn, những câu chửi bới nữa chứ:
Tôi đã biết những con tầu hể hả
Những con tầu cặn bã của trùng dương
Chúng dọc ngang trên khắp mọi nẻo đường
Phun khói độc kín trời mây biển cả
Tức là bắt đầu xỏ lá, chửi rồi đấy. Như thế vẫn chưa làm chủ được mình đâu. Kết luận của nó như thế này:
Tầu tôi hỡi thôi chìm sâu đáy nước
Đâu còn gan giương lại cánh buồm xưa
Khi trông về bát ngát dưới màn mưa
Phơi xác nát bao con tầu thuở trước
Những bài thơ buồn như thế, đến nỗi mà học trò của tôi cũng nói thế. Thời đó tôi dạy lén tiếng Pháp vì tôi không được phép dạy học. Mà không dạy thì chết đói. Đang ngồi làm thơ có học trò đến, nó đọc bài thơ đó và nói thơ của tôi sao buồn thế. Như thế mình cũng thích, vì chúng nó cảm nhận được nỗi buồn của mình.
Bùi Văn Phú: Bài thơ đó ông viết vào năm nào?
Nguyễn Chí Thiện: Khoảng năm 64, 65. Lúc bấy giờ còn ở ngoài.
Bùi Văn Phú: Khi bị vào tù, ông còn nhớ bài thơ đầu tiên ông sáng tác trong đó?
Nguyễn Chí Thiện: Bài đầu tiên trong tù tôi viết là trong những năm ở nhà tù Trần Phú, Hải Phòng, nói lên cảnh thật. Đây là lần đầu tiên mình làm thơ tả cảnh thật và không còn bị ảnh hưởng bởi ai nữa.
Bùi Văn Phú: Ông còn nhớ bài thơ đó không?
Nguyễn Chí Thiện: Nhớ chứ. Lúc bấy giờ trong tù nắng lên, hết đông sang hè thì những người tù đem quần áo ra phơi ở ngoài sân. Đống quần áo rách vá, hôi hám, bẩn thỉu lắm, phơi trên dây thép, phơi ở dưới sân cho đỡ mốc rồi lại cất đi để đến mùa xuân khác. Quần áo tù của những ông già, những người ở nông thôn bị bắt, linh tinh cả. Họ ngồi ve vuốt những quần áo cũ, ngồi lo lắng, chuẩn bị cho tương lai, đi trại phải mang nó theo, không có thì rét chết. Trong trại tù ở Hải Phòng có cây bàng, tự nhiên tôi thấy buồn và làm 12 câu thơ như thế này:
Nắng đã lên rồi hè đã sang
Trước sân yên tĩnh bóng cây bàng
Anh em tù phạm đem chăn áo
Phơi khắp sân và dây thép cao
Quần áo chăn màn tuy chẳng mới
Phần đông rách vá, mầu bạc phai
Nhưng những con người trong khổ ải
Trầm ngâm ve vuốt lo ngày mai
Bỗng dưng tôi thấy lòng bồi hồi
Vì tôi nghĩ tới ngày tháng trôi
Và vì những thứ phơi trong nắng
Là cả đông buồn trước mắt tôi
*
Bùi Văn Phú: Tập thơ đầu tiên tiên của ông được xuất bản ở hải ngoại có một hành trình nhiều gian nan, ông có thể kể lại chuyện ông đem tập thơ vào sứ quán Anh?
Nguyễn Chí Thiện: Đầu năm 1979 Trung Quốc đánh cộng sản Việt Nam làm tôi rất lo. Hôm ấy tôi nhớ như in là đang nằm trên giường, tự nhiên cái loa bên dưới loan tin Trung Quốc ngang nhiên xua xe tăng đánh chiếm sáu tỉnh biên giới. Tôi lập tức dậy, vồ mấy bộ quần áo và trốn đi ngay.
Đi ra Hà Nội. Lên đó ở nhà mấy ông bạn không bị tù, chứ lại nhà những ông từng đi tù thì cũng chung số phận như mình cả vì họ cũng trốn hết, như Kiều Duy Vĩnh cũng trốn rồi. Lên Hà Nội nay ở nhà ông này, mai ở nhà ông khác chứ không muốn bị bắt lần thứ ba. Nếu để bị bắt lần thứ ba thì mẻ mặt vì tuổi tôi cũng đã nhiều rồi, hơn 40. Với lại mình yếu, nếu đi tù lần thứ ba mấy chục năm nữa thì tiêu rồi. Trong khi đó mình còn món nợ chưa trả là thơ làm còn giữ đầy đầu, nếu chết đi thì phiền lắm, vì thế phải trốn ngay. Trốn loanh quanh ở Hà Nội chừng hơn nửa tháng thì Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân. Vì trước khi đánh, Đặng Tiểu Bình cũng đã nói là cuộc tấn công chỉ giới hạn trong không gian và thời gian. Khi đó mình mới cảm thấy yên tâm. Còn Brezhnev có tuyên bố một câu: “Trung Quốc hãy rút khỏi Việt Nam trước khi quá muộn”. Liên Xô đe vì đã kí hiệp định an ninh với Việt Nam trước khi Việt Nam đưa quân qua Campuchia.
Nghe tin Trung Quốc rút quân thì tôi mò về, đi chuyến tầu tối từ Hà Nội về Hải Phòng. Về đến nhà, vừa lên gác đang loay hoay mở khoá cửa thì đã có ông công an đứng ngay sau lưng rồi. Không biết ông ấy đứng đợi từ lúc nào, ông ấy đưa tờ giấy mời mai lên đồn.
Từ đó cứ lên đồn, lên sở nhiều lần để hỏi cung. Mà tôi đã giải thích, tôi không ưa gì ông Trung Quốc, giả sử như Mỹ đánh hay Pháp đánh vào thì các ông nghi ngờ tôi còn có lí, đàng này Trung Quốc là đồng chí đánh nhau với các ông mà các ông hỏi tôi thì làm sao tôi biết được. Về phát biểu tư tưởng, tôi nói thật với các ông là Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cả hai tôi đều không ưa. Mà không bao giờ tôi ưa thằng Tầu cả. Giả sử như mai mốt thằng Liên Xô ngấp nghé ngoài cửa biển, mấy ông lại bắt tôi nữa thì tôi sống vào đâu. Bạn bè của các ông đánh các ông mà các ông lại cứ lôi tôi ra. Lúc đó tôi còn phải lo miếng ăn nữa chứ, mà cứ tiếp tục bị hành như thế, nhiều khi một tuần hai ba lần lên đồn.
Trong khi đó Đặng Tiểu Bình vẫn đe doạ cho bài học thứ hai. Mình nghĩ là nếu nó đánh lần thứ hai, họ lại xách cổ mình đi thì có thể bị chết oan, vì thế tôi mới quyết định, cũng chưa muốn đi tù nữa, muốn gửi thơ của mình ra ngoại quốc.
Gửi thơ ra ngoại quốc thì có nhiều con đường, không phải con đường sứ quán là duy nhất.
Thứ nhất là có thể gửi cho cánh thuỷ thủ. Bọn nó buôn lậu. Mà mình chọn thuỷ thủ nước tư bản chứ không chọn thuỷ thủ của Ba Lan, Tiệp Khắc hay Đông Đức. Mình sẽ chọn thuỷ thủ Tây Đức hay Hi Lạp hay bất cứ nước tư bản nào. Nhưng nghiên cứu kĩ thì gửi như thế không được vì thuỷ thủ lên bến toàn bọn buôn lậu, mà dân Hà Nội, Hải Phòng đi buôn lậu vẫn gọi bọn này là “my friend”. Buôn lậu thì cũng chỉ buôn những đôi bí tất ni lông, mua đá lửa, mua vải và chủ yếu là thuốc lá như Lucky Strike hay ba số 5 về bán lậu. Thuỷ thủ lên bờ đều bị theo dõi cả, vào đến cảng nhiều khi bị khám. Phe buôn lậu thì Ba Lan nhiều nhất, còn tư bản là Hi Lạp, chứ Nhật hay Tây Đức không buôn lậu lem nhem. Đưa cho họ thì được, nhưng dễ bị bắt lắm, có thể bị bắt ngay tại chỗ cũng nên vì nhiều khi nhặt có mấy chục đôi bí tất ni lông mà còn bị bắt.
Hơn nữa bọn này đâu có ý thức về văn học hay chuyện sáng tác của mình. Có thể họ cứ nhận đút vào người, đến cảng bị khám, bị bắt thì mình chết dở. Vì thế không thể nhờ thuỷ thủ được. Có nghĩ đến, có tính toán rồi nhưng phải loại.
Cách thứ hai là nhờ nhà thờ. Lúc trong tù tôi có quen với nhiều người trí thức Công giáo có uy tín, thân cả với giám mục Phạm Đình Tụng, bây giờ là Hồng y. Họ muốn tôi bảo đảm là không bao giờ tiết lộ ai đem ra. Tôi bảo đảm là nhà thờ có gửi đi và bên ngoài có in thì tôi cũng không bao giờ nói là tôi gửi qua nhà thờ. Đó là con đường an toàn nhất lúc đó. Tại sao tôi nghĩ đến con đường đó, vì lúc đó đang có cao trào vượt biển, gửi đi được rồi thì mình sẽ vượt biển sau.
Lúc đó tuy nghĩ đến vượt biển nhưng cũng có nhiều người chết vì vượt biển lắm, vì thế vượt biển mình có thể chết và mất cả thơ. Mà mình cũng không có đủ tiền để lo vượt biển nữa. Ở miền Bắc vượt biển rẻ, chỉ hai cây vàng một người, tôi một chỉ cũng không có.
Không nghĩ đến chuyện vượt biển nữa mà nhờ mấy ông nhà thờ. Cử người đến nhờ chứ mình không dám đến. Mấy ông nhà thờ trả lời nhà thờ không làm chính trị, không muốn lôi thôi dù rất quý tôi, rất tin tưởng tôi đã được nhiều người giới thiệu. Nhà thờ không nhận thì mình ép họ sao được. Thế là con đường nhà thờ tắt.
Con đường khác là vào sứ quán. Đầu tiên là muốn vào sứ quán Pháp. Lên quan sát sứ quán Pháp ở phố Hàm Long, có cái sân rộng như bãi đá bóng. Tường chỉ cao độ hai mét, có thể nhẩy vào được, nhún lên một cái là nhẩy vào trong được ngay. Nhưng bên trong thì toàn người Việt Nam, quét sân Việt Nam, rửa xe cũng Việt Nam. Mà Việt Nam làm trong sứ quán là ai, toàn người của công an cử qua làm việc. Thấy sân rộng như thế khó vào được, nhưng mình vẫn ham vào sứ quán Pháp vì ngôn ngữ mình còn nói được. Vì thế bức thư tôi mới viết bằng tiếng Pháp đấy chứ. Vào đó mình còn nói năng, giải thích được với họ.
Tối hôm thứ Sáu 13.7, trước ngày 14.7 là ngày Quốc khánh Pháp, sứ quán có chiêu đãi. Tôi đã lên Hà Nội trước đó ba hôm, lên nhà thằng cháu gọi tôi bằng cậu. Bây giờ nó chết rồi. Vợ nó, bây giờ tôi nói thật ra là vợ nó gọi thiếu tướng Quang Phòng là cậu, ông ấy là Cục trưởng An ninh Quốc gia phụ trách về văn hoá. Nhà đó thì công an rất nể, không ai dòm ngó đến cái nhà đó cả. Thế là tôi mới lủi vào nhà đó tôi viết. Vợ nó đi làm thì tôi mới viết, khi vợ nó về thì không viết nữa. Một ngày có 8, 9 tiếng ở nhà để viết, viết gấp rút, chỉ có thằng cháu biết thôi vì tôi nói nó đóng cho tôi một cái tủ hai ngăn, để giấu tập thơ. Nó giỏi thợ mộc nên làm được ngay. Tôi dặn nó tuyệt đối không được mở ra.
Viết xong nó đóng hộ tôi thành ra quyển sách vì tay tôi yếu. Giấy viết hai mặt, đôi lúc thiếu bút, vì thế nguyên bản có nhiều trang viết bằng mực đỏ. Cũng may trước khi đóng, nó khuyên tôi: “Cậu phải viết một cái thư, chứ gửi nguyên thế này đâu được, ai biết chuyện gì”. Tôi nói nó đưa bút, ngồi ngoáy chớp nhoáng lá thư bằng tiếng Pháp. Kí tên, đề thẳng là 136 Rue de la Gare, Nguyễn Chí Thiện, địa chỉ nhà tôi ở Hải Phòng. Dưới lá thư đó tôi đề: “Hoa Địa Ngục” [3] , mở ngoặc đóng ngoặc: Fleurs de l’Enfer, đề tên tác giả hẳn hoi.
Đi vào sứ quán Pháp là một việc mình dự định làm. Tối 13.7 là chiêu đãi, các đoàn ngoại giao đến, mình nghĩ là họ đậu xe ngoài cửa. Khi đoàn vào mình cũng lẻn vào cùng đoàn. Nhưng khổ nỗi cửa đóng, mỗi khi xe đến nó bóp còi, cửa mở ra. Vì sân rộng nên xe chạy thẳng vào trong đậu. Thế làm sao mình lẻn vào được. Hoàn toàn thất vọng, nhưng mình phải làm sao đưa tập thơ ra nước ngoài vì đã viết rồi, để lâu sợ bị lộ, bị bắt.
Cho nên phải tìm sứ quán khác. Tôi đạp xe đi quan sát nhiều sứ quán như Anh, Thuỵ Điển và thấy sứ quán Anh là tiện nhất, dễ vào, vì đi trên vỉa hè sát bên trong thì từ đó lọt vào sứ quán chỉ chừng bốn mét là đến văn phòng rồi. Mình đã thám thính như thế là yên tâm và quyết định vào sứ quán Anh. Ngày 14.7 là thứ Bảy họ nghỉ, Chủ nhật cũng nghỉ, vì thế phải đợi đến ngày thứ Hai 16.7.1979 là vì thế đấy.
Sáng thứ Hai tôi lên đường đi, giấu tập thơ trong người, mặc một chiếc áo sơ-mi ni-lông mầu xanh, quần cũng ni-lông, không mang gì hết cả. Tập thơ nhét trong quần, trước bụng, áo bỏ ngoài quần. Trước khi đi thằng cháu của tôi là Đào Vĩnh Bảo có tiễn tôi. Chỉ có nó biết việc tôi làm. Đến phố Huế, hai cậu cháu vào uống cà phê. Sau khi uống cà phê xong tôi dặn nó: “Thôi mày về đi nhé”. Coi như là vĩnh biệt cháu. Tôi biết có công an theo dõi. Nguyên tắc là tôi đi thì không ngó lại xem có ai theo mình không, nếu ngó lại họ nghi, chặn mình lại khám xét thì phiền ngay. Tập thơ tôi không dám viết ở Hải Phòng vì cái phòng của tôi ở đó nó lộ lắm, hơn nữa viết ở Hải Phòng có nguy cơ khi đi tầu lên Hà Nội, nếu họ khám hàng lậu, nhiều khi sờ đến mình, chỉ khám hàng lậu thôi mà gặp tập thơ thì mình lại chết oan nữa. Khi tới sứ quán Anh có một người lính gác đứng nhìn trời nhìn đất, có bao giờ anh ta ngờ là có người xô mình đâu, nên anh ta không để ý. Anh ta đang nhìn vớ vẩn thì tôi vọt vào ngay, anh ta chỉ ớ một tiếng thôi. Lúc đó tôi đã vào bên trong rồi.
Đây là cái số đấy. Đáng nhẽ không dám vào, nhưng vì có cái bình phong che cửa, đi xe đạp đi bộ qua không nhìn thấy bên trong được. Nếu không có bình phong che, thấy người Việt Nam làm việc trong đó thì bố bảo mình cũng không dám vào. Qua khỏi cái bình phong ấy, giữa phòng có một cái bàn to và bốn người Việt Nam: ba đàn ông và một đàn bà, tuổi trung niên cả, độ chừng 40, đang ngồi viết. Đó là những nhân viên hành chánh, Anh nó thuê làm công việc lặt vặt. Thấy thế là mình vã mồ hôi ra. Bỏ mẹ rồi, đi ra cũng không được mà tiến vào cũng không được. Lúc bấy giờ mình bình tĩnh, bảo: “Báo cáo đồng chí, tôi ở Bộ Ngoại giao sang có việc cần liên hệ với ông đại sứ”. Mình cũng ăn mặc lịch sự, áo ni-lông, quần cũng ni-lông, đi đôi dép nhựa. Họ bảo đồng chí cho xem giấy tờ. Lấy đâu ra giấy tờ bây giờ. Mình cũng sờ túi, vớ vẩn: “Tôi vội đi quá, quên mang giấy tờ. Đồng chí có thể linh động cho tôi vào 5 phút, có việc Bộ Ngoại giao rất cần liên lạc với ông đại sứ bây giờ”. “Không được, nguyên tắc là phải có giấy tờ. Vậy đồng chí cứ về lấy giấy tờ đi”. Sao tôi về được. Cái phòng đó dài chừng 6 mét, có cái bàn kê một bên, đàng sau có một cái cửa bằng da đỏ chỉ có một cánh, trong đó là buồng. Tôi lao đến mở cửa nhưng phải qua cái bàn, ở đó có người đàn bà đang ngồi ở phía ngoài cùng. Chị ta thấy tôi lao đến, chị ta nói không được làm thế, đi đâu thế này. Tôi đẩy chị ta ngã thì hai thằng ngồi đấy đứng lên ngăn ở cái cửa. Thế là không vào được, chạy ngược ra. Nhìn bên phải thấy có một cái buồng con con, buồng bu-loa có kính, trong đó có một cô gái người Anh, tóc vàng, đang ngồi chải tóc. Tôi nghĩ là may ra cô ta cứu được mình, tôi nói với cô ta bằng tiếng Anh: “I am a honest man. Do not fear. I need to talk to Mr. Ambassador”. Nghe tôi nói thế cô ta bỏ cả lược. Cô ta sợ quá vì cái mặt của mình có vẻ hung ác. Trong khi đó một người đã ra báo công an, còn hai tay kia cứ xua đuổi mình ra. Họ chỉ đuổi thôi chứ không ôm hay đánh mình vì trong sứ quán nên họ không dám làm mạnh. Bí quá mình nhấc cái bàn cho nó nghiêng lên, những thứ trên bàn rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Đây là điều may vì nghe những tiếng đó cánh cửa đỏ bên trong mở ra, ba người Anh đi ra. Một nhân viên Việt Nam nói một câu: “He is a mad man”. Tôi vội vàng nói ngay: “I am not a crazy man. I have an important document to give to you”. Khi bọn Anh ra thì đám nhân viên Việt Nam dạt ra hết, đứng qua một bên. Tôi chạy tọt vào bên buồng trong.
Ba người Anh đi vào, đóng cửa lại. Thế là mình bắt đầu trình bày với họ. Móc tập thơ đưa cho họ và nói đây là tập thơ của tôi về những prison scences, ông hãy giữ lấy. Tôi nghĩ ông đưa lên gác cất đi đã rồi hãy nói chuyện sau. Họ cũng nghe mình, đưa lên gác cất đi rồi mới nói chuyện. Họ mời nước, có cả rượu. Tôi trình bày tôi là người đã bị 15 năm tù, nhưng vô tội, biết bao nhiêu người Việt Nam bị cảnh tù, những điều tôi viết là về cảnh tù tội. Họ cũng hỏi han mình nhiều điều, lúc thì nói bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Pháp. Họ cũng biết một tí tiếng Pháp nhưng không giỏi mới khổ, nên lúc nào họ bí tiếng Pháp thì nói bằng tiếng Anh, lúc mình bí tiếng Anh nói bằng tiếng Pháp thì họ lại không hiểu mấy, thế là mình lại nói bằng tiếng Anh. Đại cương mình ráng làm cho họ hiểu chứ không phải là nói tiếng Anh. Cơ bản thì họ hiểu chuyện của mình.
Rồi họ bảo mình ghi tên, ngày sinh tháng đẻ và hứa sẽ can thiệp cho khỏi tù. Họ hứa long trọng là sẽ in tập thơ, mang về Anh quốc in. Tôi có nói là không được đưa tập thơ cho bất cứ một người Việt Nam nào ở Việt Nam. Sau này nếu tôi có đến đòi thì cũng đừng đưa cho tôi vì lúc bấy giờ tôi đã bị tra tấn. Đây là công việc 20 năm của tôi, hi vọng ông mang ra cho thế giới biết về cộng sản Việt Nam, đó là mục tiêu của tôi. Khi tôi vào được đây là tôi chấp nhận chết rồi, các ông phải hiểu về cộng sản Việt Nam. Tôi không làm gì cả mà đã bị 15 năm tù, huống chi bây giờ tôi vào đây với tập thơ này tôi coi như chết, các ông đừng thắc mắc gì về tôi, chỉ mong các ông đưa tập thơ này ra in ở nước ngoài.
Tôi có hỏi các ông cho tôi ở lại được không, họ bảo không được vì công an đang bao vây rồi, đang đợi ở ngoài. Thế mình vẫn cố nài thêm, các ông có thể cho một cái xe chở tôi đi, giữa đường tôi nhẩy xuống. Tôi vẫn còn muốn trốn. Họ bảo như thế không được vì công an đã bố trí cả rồi. Tôi không nài thêm xin tị nạn chính trị vì mình vô danh tiểu tốt. Sau đó tôi vui lòng đi về. Họ có hỏi tôi có cần tiền không, tôi nói không vì nếu tôi lấy tiền, vào đến trại giam cũng bị tịch thu hết. Tôi nhớ một cậu người Anh trẻ, mình cứ tưởng là gián điệp cao siêu lắm, nói với tôi là hay ông cứ nói ông vào nhầm địa chỉ có được không, tôi nói là không được đâu, đối với cộng sản không có chuyện nhầm địa chỉ như vậy được.
Thế mới thấy họ ngớ ngẩn. Sau đó mình bắt tay ba người rồi đi ra. Đi ra phải tìm đôi dép vì lúc nãy vật lộn văng đâu mất. Ra phòng ngoài tìm thấy dép chỗ này một chiếc, chỗ kia một chiếc.
Ra đến ngoài đã thấy 4 người công an chờ sẵn, mặc thường phục, một người giơ thẻ công an. Lúc bấy giờ mình có còn gì nữa đâu, tôi nói: “Thôi cất đi. Muốn đưa đi đâu thì đưa”. Thế là họ đưa ra một cái xe com-măng-ca, hai người đi xe đạp, hai người đi mô tô, bốn người đi bộ, một người lái xe nữa, như thế thì không có cách nào chạy được đâu. Họ đã bố trí để nó đuổi được mình mà. Vì thế bọn Anh nói đúng, nếu họ có chở xe mình ra, nhẩy xuống cũng không thoát. Thế là tôi bị đưa thẳng vào Hoả Lò.
Bùi Văn Phú: Công an có biết ông vào sứ quán Anh làm gì không?
Nguyễn Chí Thiện: Vào Hoả Lò họ bắt đầu hỏi cung ngay. Họ hỏi cung thì phải chối chứ. “Anh vào làm gì?” “Tôi vào xin đi ngoại quốc.” Lúc bấy giờ có cao trào cao uỷ tị nạn ở đó, người Việt có thể xin đi cơ mà. “Vào xin đi sao lâu thế, gần 40 phút cơ.” “Không, tôi đói quá, vào trong thấy có bày món ăn ngon, tôi xơi cho thoả mãn. Bao nhiêu năm mới được ăn miếng bơ, miếng xúc xích.” Mình nói phét vậy thôi, chứ chỉ có tí rượu thôi. “Tôi nói chuyện lung tung xin đi, họ bảo họ không can thiệp được, thế là phải đi ra thôi, chứ tôi chẳng mang cái gì vào. Coi người tôi ăn mặc chỉ thế này thì mang cái gì được.” Họ thấy tôi nói cũng có lí, vặn cung bốn năm tiếng đồng hồ, hỏi đi hỏi lại, tôi cũng không khai gì hết.
Ngày nào họ cũng gọi đi khảo cung, mình cứ một mực chối là không mang cái gì vào cả. Họ dụ dỗ đủ đường, nào là nếu anh trót mang tài liệu gì vào thì chúng tôi sẽ lấy lại, chúng tôi sẽ tha thứ cho anh, Đảng sẽ khoan hồng. Nhưng mình nào có lạ gì với lối khoan hồng của họ nữa. Tôi nhất định chối là không mang gì cả, vì nếu tôi có mang vào thì trong vòng một đôi tháng ngoại quốc sẽ công bố ngay, lúc đó các ông sẽ trừng trị. Thời gian sẽ trả lời các ông thôi. Rồi họ hỏi cung tuần một lần, rồi tháng một lần, nhưng không cho gia đình tiếp tế, quần áo không có, cứ một bộ quần áo cũ mặc mùa đông sắp đến, rét mà vẫn không có quần áo ấm.
Bùi Văn Phú: Sau khi bản thảo tập thơ được đưa vào sứ quán Anh, đến khi nào ông mới biết được số phận của nó ra sao?
Nguyễn Chí Thiện: Sau nhiều lần hỏi cung, họ cứ hỏi thì tôi cứ chối. Tôi trả lời là đến bây giờ mà cũng chưa thấy ngoại quốc phổ biến cái gì, thì họ tin tôi, nhưng trong lòng rất sốt ruột. Lần nào lên hỏi cung mình cũng chỉ mong lần này họ cho mình biết, vì nếu bên ngoài in thì thế nào trong này họ cũng biết.
Một hôm, lúc đó tôi đã bi quan lắm rồi, vào tháng 10 năm 1980, họ cũng gọi cung như mọi lần, nhưng lần này họ đưa vào phòng lớn, không phải phòng hỏi cung. Những nhân viên vẫn hỏi cung cũ biến mất, giờ có mấy ông ở bộ sang, mặc quần áo dạ mùa đông, đi giầy bóng, tuổi hơn 50. Tôi đoán có chuyện gì rồi, mừng thầm vì có thể có kết quả. Quả nhiên đúng. Họ mời trà, hút thuốc lá đâu đấy rồi họ mới giở quyển sách ra, họ không giơ bìa ra mà chỉ cho coi bức thư viết bằng tiếng Pháp bên trong. Họ hỏi, có phải chữ của anh không? Tôi nói đúng. Mình mừng hơn bố sống lại chứ không phải là không. Vì đợi mãi mà.
Bùi Văn Phú: Có phải đó là cuốn Tiếng vọng từ đáy vực?
Nguyễn Chí Thiện: Tôi không biết. Vì họ đâu có cho mình coi bìa sách. Họ mở ra, gấp cong bìa lại, chỉ cho mình thấy trang có in lá thư chữ viết tay của mình thì mình đâu có nhìn được tên sách.
Bùi Văn Phú: Ông có nhận đó là tập thơ của mình?
Nguyễn Chí Thiện: Có. Rồi họ bắt mình viết lại chứ. Họ hỏi tôi có nhớ những bài thơ của mình không? Tôi nói tôi nhớ chứ. Họ bắt tôi đọc mấy bài cho nghe. Tôi đọc hai bài thơ về Mao: “Bác Mao cân nặng tạ hai / Thịt ùn lên mặt, mặt hai ba cằm…”. Họ thích lắm, cười. Đến khi mình tương cái bài “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đọc được mấy câu thì họ bắt ngưng ngay.
Rồi họ yêu cầu tôi viết lại. Tôi nói tôi sẵn sàng cộng tác với các ông vì bây giờ tôi chẳng còn gì để giấu cả, tôi có thể viết lại được. Họ muốn tôi làm thế vì họ nghĩ tập thơ có thể của nhiều người để họ tìm bắt thêm những thủ phạm khác nữa. Nếu thơ của mình thì mình nhớ, của người khác gửi thì mình không thể nhớ. Họ nói anh viết lại đi. Đâu có dễ như thế được. Lúc bấy giờ người tôi ốm, đói rét trong tù không có quần áo, mười lăm tháng nay đánh răng, rửa mặt không có khăn, chị tôi ở gần đây mà nó không cho tiếp tế. Người tôi yếu lắm, bao giờ tôi khoẻ tôi mới viết được. Họ giục tôi viết thư cho bà chị. Tôi viết thư xin bà chị đã nghèo, tôi không dám xin nhiều, chỉ những thứ cần thiết như quần áo, chăn màn, bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng, mấy quả chanh, một hai kí mì rang cho nó no.
Ngày hôm sau có ngay. Một túi tiếp tế to, đủ cả những thứ tôi xin. Hai hôm sau họ gọi lên, bảo thế bây giờ viết đi nhưng tôi chưa chịu. Tôi nói với họ, ông xem tiếp tế có một chút mì rang, đường đen thì làm sao tôi khoẻ ngay lên được, các ông phải đợi nửa tháng để tôi lại sức rồi tôi sẽ cộng tác nhiệt tình với các ông. Họ đâu có đợi. Việc của họ mà. Thôi mai lên đây, chúng tôi bồi dưỡng cho anh. Cán bộ mà bồi dưỡng thì tôi có gắng viết. Lên viết, họ cho bánh mì dăm-bông, bánh mì pa-tê, bánh chưng, hộp sữa, cân đường, bánh bích qui, ăn uống thoải mái. Tôi lại đòi ngay một bao thuốc Sông Cầu. Sông Cầu là đầu câu chuyện mà. Rồi 10 gam thuốc lào, một gói chè Hồng Đào là chè loại nhất. Tính tiền ra thì một ngày bằng 3, 4 ngày lương của họ đấy.
Bùi Văn Phú: Rồi ông viết lại hết những bài thơ của mình?
Nguyễn Chí Thiện: Nhưng đâu có viết nhanh làm gì. Thơ mình nhớ có gì khó đâu. Có một nhân viên công an ngồi cạnh. Tay thiếu uý công an coi mình, thấy mình cứ ngồi hút thuốc, uống chè, anh ta giục sao anh không viết đi. Tôi ngồi suy nghĩ, kéo dài hơn hai tháng viết lại được non nửa. Hơn hai tháng đó tôi lên 6 kí lô, cơm trại không ăn, cho anh em, vừa được ăn bồi dưỡng vừa phấn khởi vì thơ mình đã được in rồi.
Trong giai đoạn đó mình mới biết được nhiều công an bất mãn vì họ cũng nghèo. Một mình làm sao uống hết một gói trà, hút hết một bao thuốc lá, vì thế thuốc lá với chè tầu mình không dùng mấy. Tay nào cũng đến chào hỏi để hút thuốc, ghé vội lại uống cốc nước trà. Nhưng cũng có những người không đến như thế, họ vờ vĩnh uống nước rồi ghé vào tai: “Mẹ! Anh chơi hay quá”, có người khác lại nói: “Mẹ! Anh đánh đòn đích đáng”, thế rồi chuồn.
Dịp Tết thì họ nghỉ. Sau Tết mình xin viết tiếp họ không cho vì bằng đó bài đã viết họ biết là thơ của mình rồi. Thế là trở về ăn cơm trại.
Sau đó họ điều mình ra sống với lưu manh vì họ muốn lưu manh trị mình mà. Lưu manh không trị nổi, họ lại cho mình vào xà lim. Thế là ở sáu năm trong Hoả Lò, lăn lộn các nơi rồi cuối cùng họ chuyển đi B14 năm 1985, có ông Võ Đại Tôn, Hoàng Minh Chính tù trong đó.
Bùi Văn Phú: Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley thời đó đã có cái duyên với thơ của ông. Tối ngày 1.5.1981 sinh viên có tổ chức một đêm đọc thơ chủ đề “Đêm nghe tiếng vọng từ đáy vực” và hát những bài “Ngục ca” do Phạm Duy phổ nhạc. Hồi tưởng lại, thời điểm đó ông đang ở đâu và làm gì?
Nguyễn Chí Thiện: Chuyện này tôi rất dễ nhớ vì những ngày đó tôi vẫn còn nằm ở xà lim 1 trong Hoả Lò. Xà lim 1 có 14 cái xà lim, với hai xà lim để làm kỉ niệm Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh, còn một cái của ông Phan Bội Châu là buồng số 14. Lúc đó tôi đang bị giam trong buồng số 14. Từ ngày tôi vào tù năm 1979 cho đến hết năm 1981, năm 1982 tôi mới đổi xà lim. Lúc đó tôi vui vì biết được tin tức thơ mình đã được in ra rồi thì thế nào cũng có tiếng vang. Điều này tôi đã tiên đoán trong bài thơ “Cây” với bốn câu kết:
Ta vững tin đất trời kia chẳng phụ
Công đất vun bồi nuôi dưỡng thân ta
Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái lửa của ta sẽ bùng lên vạn ánh.
Bùi Văn Phú: Thế sao lại có chuyện Nguyễn Chí Thiện thật giả ở nước ngoài?
Nguyễn Chí Thiện: Hồi trong nước tôi có nghe tin tờ Vạn Thắng của ông Lê Tư Vinh nói là Nguyễn Chí Thiện giả. Khi anh Nguyễn Hữu Hiệu về thì các ông từ Phùng Cung, Phùng Quán đến Nguyễn Hữu Đang đều gạt phắt qua cái chuyện đó, họ nói đó chỉ là những chuyện điên rồ, chẳng đáng bàn làm gì vì họ là những người đã cùng ở tù với tôi, họ biết. Họ nói mấy thằng viết báo lẩm cẩm đó không nên bàn đến nữa. Thế là không bàn nữa vì trong nước chúng tôi không để ý đến.
Ra đến ngoài này thì tôi thấy ầm lên chuyện Lý Đông A. Tôi có gọi điện cho ông Trần Ngọc Ninh. Tôi gọi đầu tiên cho ông ấy và tôi nói thế này: “Bác nhầm rồi, cái ảnh mà tôi chụp là với bà chị tôi, bà chị thứ hai của tôi hơn tôi 14 tuổi. Không phải vợ tôi đâu”, vì ông Ninh có đề là ông bà Nguyễn Chí Thiện, ông ấy xin lỗi và mong tôi bỏ qua cho. Tôi nói tôi không để ý, việc nghiên cứu nhầm là thường, nhưng bác là người có uy tín học vị như thế thì sao trước khi viết bác không hỏi bên Anh một tí, ông ấy nói thôi chuyện đã qua rồi, mong anh hiểu, tôi biết là mình đã sai, mong anh đừng công bố vì tôi không ưa cái bọn Lê Tư Vinh. Tôi nói cái này là quyền của bác, tôi muốn nói chuyện với bác để rõ vấn đề thôi, còn trong nghiên cứu nhiều khi có những cái nhầm, cũng như người ta bảo Chinh phụ ngâm là của Đoàn Thị Điểm, là của Phan Huy Ích, đó là nghi án văn học, có thể sai có thể đúng. Nhưng chuyện này bên Anh nhiều người biết, từ ông giáo sư Honey còn sống, những người trong Bộ Ngoại giao Anh vẫn còn cả đấy, sao bác không hỏi. Thế rồi ông ấy thôi. Tôi cũng bỏ qua. Chính ông Ninh từ hồi đó đến giờ có nói gì nữa đâu. Sau này mấy lần ăn cơm với nhau có cả ông Nguyễn Bảo Trị, Lâm Lễ Trinh rất là vui vẻ.
Bùi Văn Phú: Chuyện thật giả có phải do công an cộng sản đưa ra?
Nguyễn Chí Thiện: Theo tôi chẳng phải cộng sản gì đâu. Ông Lê Tư Vinh muốn đề cao vai trò của nhóm Duy Dân, đưa Lý Đông A lên. Họ cho đó là khẩu lệnh của Lý Đông A. Họ bịa ra đấy chứ họ biết là Lý Đông A chết lâu rồi, từ năm 1947 đã mất tích. Khi tôi mới sang có đoàn nhà báo ở Virginia đến thăm, họ có nói với tôi rằng họ vừa gặp ông Lê Tư Vinh và ông Vinh nói: “Cái tên Nguyễn Chí Thiện nó láo xược, nó dám khinh thường cả Phật tổ”, căn cứ vào bốn câu thơ của tôi: “Mười mấy năm sống giữa lao tù / giữa buồng tim chế độ / tôi đã hiểu tận cùng của bể khổ / mà trước kia Phật tổ hiểu lơ mơ”. Tôi nói với những ông nhà báo đến thăm là nếu họ chửi thì chửi Lý Đông A, vì đây là thơ Lý Đông A chứ sao lại chửi tôi, anh em nhà báo cũng phải phì cười lên. Mời ông ấy tranh luận, họ không dám tranh luận với tôi. Hôm họp báo ở Nam Cali, ông Lê Tư Vinh ngồi ngay đấy mà không dám thò một câu nào cả, chỉ nói sau lưng thôi.
Theo tôi thì chuyện này chỉ một số anh em trong Duy Dân thôi, một số nhỏ, chứ nhiều người không tin chuyện ba láp đó đâu. Họ muốn đề cao vấn đề đó lên, thế rồi một số người nhẹ dạ tin là thật, rồi hạch hỏi những câu rất là ngớ ngẩn, thí dụ như tại sao bây giờ tôi không làm thơ nữa. Thì con người ta có lúc tài cũng phải hết chứ, phải cạn kiệt đi chứ, ai mà làm mãi được. Nếu làm mãi được thì bà Margaret Mitchell không chỉ có một quyển Gone with the Wind, Nguyễn Du không chỉ có một Truyện Kiều, Đặng Trần Côn không chỉ có một Chinh phụ ngâm hay Nguyễn Gia Thiều không chỉ có một Cung oán ngâm khúc và Thế Lữ không chỉ có mấy vần thơ.
Theo tôi hiểu thì sau này cộng sản mới lợi dụng, chứ chủ ý đó đầu tiên không phải của cộng sản, sau này cộng sản chỉ xúi vào, gây hoang mang mà thôi. Cái chính là họ muốn lợi dụng tập thơ này, nói là của Lý Đông A để đề cao ông ấy lên, đề cao cái đảng Duy Dân lên. Nhưng họ đọc thơ của tôi họ phải biết chứ, Lý Đông A hiểu cộng sản, đánh nhau với cộng sản, đâu có ngu như tôi. Năm 1954 tôi còn “Ngỡ cờ sao rực rỡ / tô thắm màu xứ sở yêu thương” cơ mà, chứ “Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường”. Tôi ngu ngơ, mù mờ, trong thơ của tôi có nhiều bài viết rõ cái ngu của mình: “Lầm lỡ, lầm nói, lầm lúc, lầm người / Riêng cái lầm to uổng phí cuộc đời / Là đã ngốc nghe và tin cộng sản”. Ông Lý Đông A đâu có nghe và tin cộng sản. Thế thành ra có biết bao nhiêu câu thơ, nhiều lầm lỡ, chứng tỏ không phải thơ Lý Đông A, nhưng họ lờ những cái này đi, họ cứ lấy lí luận là Tiếng vọng từ đáy vực, tên này do ông Nguyễn Hữu Hiệu đặt chứ có phải là tôi đặt đâu, theo họ đáy vực là Duy Dân đấy.
Thành ra lí luận đó càng ngày càng yếu nên bây giờ họ lại nói ông Nguyễn Chí Thiện thật chết rồi, đây là Nguyễn Chí Thiện giả. Thế thì bao nhiêu bạn bè, biệt kích, bị tù với tôi, Vũ Thư Hiên cũng bị tù với tôi, ông anh ruột của tôi không biết à.
(còn 1 kì)
© 2007 talawas
[1]Đây là bản dịch tiếng Anh của tập truyện Hoả Lò do Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ in lần đầu tiên năm 2001, tái bản năm 2007. Bản dịch có sự đóng góp của Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong.
[2]Le bateau ivre (1871)
[3]Tập thơ đầu tiên của Nguyễn Chí Thiện được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1980 nhan đề Tiếng vọng từ đáy vực do cơ sở Thời Tập in, lúc đó chỉ ghi tên tác giả là “Khuyết danh” hay “Ngục sĩ”. Năm 1981 có bản in nhan đề Bản chúc thư của một người Việt Nam do cơ sở Văn Nghệ Tiền Phong phát hành. Nhan đề Hoa Địa Ngục được dùng đầu tiên năm 1984 khi Yale Center for International & Area Studies in bản tiếng Anh Flowers from Hell do Huỳnh Sanh Thông dịch.
Kỳ 2
Bùi Văn Phú: Tác phẩm Hoả Lò có phải là sáng tác mới nhất của ông, hay sau đó ông còn viết thêm gì nữa?
Nguyễn Chí Thiện: Sau Hoả Lò tôi đã bắt đầu viết một số trang hồi kí. Hoả Lò có cái đặc biệt mà tôi tin không ai viết được vì không có ai sống ở đó lâu như tôi. Đó là một trại tạm giam, người ta giam vào đấy để chờ xử án, xong rồi đi trại. Đây là nơi phi lao động. Xử án xong thì một năm hoặc sáu tháng họ đưa lên trung ương, là đưa lên rừng để làm ra của cải. Trại Hoả Lò là không làm ra của cải.
Bùi Văn Phú: Trong Hoả Lò, chỉ truyện về Phùng Cung là có tên những nhân vật thật, còn những truyện khác là hư cấu hay sao?
Nguyễn Chí Thiện: Những truyện trong đó hoàn toàn thực, có điều tôi không đề tên người. Thí dụ như Ngưu Ma Vương, tên là Thuận, thượng uý, tù gọi là Ngưu Ma Vương vì hắn ác lắm, hắn quái gở lắm. Còn ông Găng Đi là một cán bộ miền Nam, tên ông ta là Thuần, rất hiền lành mà làm bao nhiêu năm trời chỉ có trung uý thôi, ông ấy tốt lắm. Cô gái bị tử hình trong truyện “Sóng nước sông Hồng” sau này không chết đâu nhá. Cô ấy là người duy nhất, vì là đàn bà con gái nên được ông Trường Chinh tha mạng. Cô ấy tưởng chết vì vụ đốt cháy ở đường Trần Nhân Tông, hồi đó ầm cả Hà Nội cơ mà. Cô ấy năm đó mới 19 tuổi.
Còn tay bị xử tử, tên cũng là Thuận, người Sơn Tây. Tay gọi là “28 tấn thóc” cũng bị xử tử tên là Tâm, ở dốc Thọ Lão, Lò Đúc, bị xử tử thật. Những nhân vật tôi còn nhớ tên hết, cho nên đây là những chuyện thực. Còn tay đầu gấu trong truyện “Sương buồn giăng kín non sông” là Minh trọc, tên là Minh, đầu trọc. Lão mê bà Sài Gòn là một ông đại uý thời Việt Nam Cộng hoà tên là Hải cùng xà lim với tôi. Trong truyện tôi có nói đến con trai của Huỳnh Tấn Phát là Tuấn. Con trai của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là Nguyễn Việt Hà.
Trong Hoả Lò tôi không dùng tên mà chỉ sắp xếp cho thành truyện, nhưng đó là những truyện thật, không hề hư cấu về câu chuyện. Còn tay cán bộ coi buồng 14 thuốc lào trong truyện “Những bài ca cách mạng” tên là Bòi, thiếu uý Bòi, người loắt choắt, rất hỗn. Những nhân vật đó chết rồi có, còn sống có, tôi không muốn nêu tên trong truyện vì muốn điển hình hoá.
Bùi Văn Phú: Thuốc lào có phải là thứ gì quí lắm đối với người tù ở Hoả Lò?
Nguyễn Chí Thiện: Thuốc lào nó kì lắm. Trong tù thì buồn, thế mà điếu thuốc lào hút vào thì nó say sưa, khoan khoái con người lắm. Cái đó rất quan trọng. Trong tù có cảnh thê thảm là người ta giết nhau vì thuốc lào.
Bùi Văn Phú: Trong truyện “Đàn bò sữa” ông có viết về một em bé chết trong tù và bà mẹ thì phát điên. Ông có thể nói rõ về hoàn cảnh của em bé đó?
Nguyễn Chí Thiện: Em bé đó còn rất nhỏ. Tôi ở xà lim 3, cạnh phòng phụ nữ nên tôi quan sát được hết, nhiều khi họ cãi nhau còn nghe được. Nhiều người mang trẻ con vào, không phải chỉ mình cô ấy đâu, nhiều người mẹ đi tù thì con đi tù theo, kể cả những em bé lên 4, 5 cũng có ở trong Hoả Lò như thường. Còn cảnh đứa bé chết thì chính tôi chứng kiến vì cô ấy gào lên như điên loạn.
Còn trại điên bên Trâu Quỳ, Gia Lâm, ai mà chẳng biết là một trại khủng khiếp, trong đó rận chấy rệp muỗi đầy rẫy, nhốt người điên chứ không chữa trị gì đâu. Những người điên khùng họ cho vào đầy cả. Tôi đã gặp những người bị đưa vào đấy, thí dụ như những người tiếc của quá, có người bị lộ vì con cháu nó tố có chục lượng vàng trong tường, có thằng nó đến nó đục ra nó lấy. Thế là tiếc của quá nói năng lảm nhảm như điên, bị bắt nhốt vào Trâu Quỳ. Sợ quá, khỏi, về mới kể lại.
Bùi Văn Phú: Trong tập truyện ông có đưa ra nhận xét là sau thời gian cởi trói, có những nhà văn phản kháng, nhưng ông nêu rõ những người như Trần Mạnh Hảo, Trần Quốc Vượng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Thị Ngọc Tú thì chỉ là bồi bút, họ trở lại nghề cũ. Gần đây Trần Mạnh Hảo đã có những bài phê phán chủ nghĩa Mác và chế độ triệt để lắm.
Nguyễn Chí Thiện: Chính tôi có viết thư, nói chuyện với Trần Mạnh Hảo, tôi có khuyến khích ông ấy. Nhưng ông ấy như trở bàn tay, có thời gian làm công an văn nghệ đấy chứ. Sau quyển Ly thân thì ông ấy là người bảo vệ Đảng đến độ Tố Hữu phải khen Trần Mạnh Hảo là con đê chắn sóng cho Đảng. Ông ấy viết bênh vực Đảng ghê quá khiến anh em trong nước phát hoảng. Gần đây ông ấy lại tấn công chủ nghĩa Mác với hàng chục bài. Tôi nói chuyện với ông ấy, khuyến khích vì bố vợ ông ấy là ông Tôn Thất Tần, tù với tôi trong trại Phong Quang. Khi tôi viết về ông ấy trong bài đó là vào năm 1997, lúc đó ông ấy giở mặt rồi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng vậy, cũng viết những bài bênh Đảng. Còn ông Trần Quốc Vượng bênh Đảng thế nào thì thời tôi ở trong nước tôi đọc tôi biết. Ông ấy bảo thời cổ nước mình có Hai Bà Trưng, tiêu biểu là anh hùng phụ nữ, thế kỉ 20 có bà Nguyễn Thị Định, còn thế kỉ 21 sẽ có một nữ bác học, như thế là lại nịnh chế độ, lại trở về nghề cũ cho được yên thân.
*
Bùi Văn Phú: Đọc văn của ông có nhiều nhân vật, nhưng thơ của ông tượng hình hơn văn. Ông có thể kể lại một vài sự việc nào đã cho ông cảm hứng để viết thành thơ. Chẳng hạn như những câu sau:
Một tay em trổ
“Đời xua đuổi”
Một tay em trổ
“Hận vô bờ”…
Nguyễn Chí Thiện: Những chuyện như trong bài thơ đó nó xảy ra nhiều lắm, tôi thường xuyên gặp nhiều trẻ em như thế. Năm 72-73 ở trại Phong Quang có những em thiếu phạm bị kỉ luật và được đưa vào trại, trên tay phần nhiều đều có xâm trổ bằng mọi hình thức, như lưu manh xâm trổ ở Việt Nam. Đấy là những câu các em xâm trổ thực trên tay, thấy cảnh như thế, đột nhiên mình nghĩ ra, ghi lại như vậy.
Bùi Văn Phú: Còn những câu:
Bà kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha…
Đó có phải cũng là những con người thực ông đã gặp?
Nguyễn Chí Thiện: Bà cụ là hoàn cảnh thực tế của bà mẹ tôi đấy. Bà mẹ tôi năm ấy đúng 60, bán khoai ở cửa, mà có đứa cháu phải coi, nếu cán bộ quản lí thị trường với hộ khẩu mà đi đến là phải bê khoai chạy vào trong nhà. Còn không, bọn nó vớ được tịch thu hết, không những tịch thu khoai mà bao nhiêu tiền trong người cũng tịch thu hết. Còn cụ kia là ông bác tôi đấy. Bài thơ đó còn có câu: “Cô kia bát phở vài hào cũng trao” thì đó là nhiều người, rất đông. “Cậu kia con cụ đồ nho / mà sao móc túi mặt tro trát vào” là bạn bè thì đúng rồi. Tôi có nhiều bạn học giỏi, thông minh lắm, thế mà chỉ quanh quẩn đi cuốc đường, đào hầm, đào hố sống vất vưởng suốt đời thôi. Đó là những chuyện tôi ghi lại thật. “Anh kia đi lính thuở nào / mà sao cảnh sát cũng vào bắt đi” là những người lính thời Bảo Đại, ở lại vì tin tưởng chế độ, nó cho đi tù hết. Từ binh lính, dân vệ thôn xóm đến anh sĩ quan. Cho nên ông thiếu tướng Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục Lao cải năm 1973 có đến trại Phong Quang, nói với tôi nguyên văn: “Đảng ta rất nhân đạo, bắt bao nhiêu là nguỵ quân, nguỵ quyền ta có làm gì đâu, chỉ cho đi cải tạo có 13 vạn thôi”. Đó là nguỵ quân, nguỵ quyền miền Bắc đấy nhá, những người tin tưởng mà ở lại, Đảng ta nhân đạo đâu có giết ai đâu, chỉ cho đi cải tạo thôi.
Bùi Văn Phú: Bài “Sẽ có một ngày” sáng tác trong hoàn cảnh nào mà ông lại có niềm hi vọng như thế?
Nguyễn Chí Thiện: Đêm hôm đó tôi thức cả đêm để làm bài này:
Sẽ có một ngày
Con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng
Làm xong bài đó tôi thích lắm vì biết rằng con người cộng sản cũng có những lúc họ cũng hối hận, vì đã có những người tỏ ra hối hận trước kia đã tham gia vào Đảng. Tù cùng với tôi thì có rất nhiều cán bộ đảng viên. Tôi nghĩ nếu một ngày mà con người hiểu biết, ngay cả những người đảng viên cộng sản cũng sẽ tỉnh ngộ, mình gọi là phản tỉnh đấy. Nếu ngày đó mà đến thì tôi tin là dân tộc mình sẽ được tự do và sẽ không có chuyện trả thù. Tôi tiên đoán như thế. Ngày đó kể cả kẻ bị hành hạ, cũng như những kẻ đã hành hạ người khác, đều “đặt vòng hoa tái ngộ / lên mộ cha ông” cho nên tôi đã viết “kẻ bùi ngùi hối hận” là kẻ đã tham gia vào việc hành hạ người khác. Không có chuyện thù hận nữa. Vì khi đã qua bao nhiêu tang tóc rồi thì “tã trắng thắng cờ hồng”. Tã trắng là tượng trưng cho sự sống còn cờ hồng là tượng trưng cho sự chết chóc, bạo lực và máu.
Bùi Văn Phú: Một số bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Lãng Minh phổ nhạc. Ông thích bài nhạc nào nhất?
Nguyễn Chí Thiện: Tôi có nghe hết những bài phổ nhạc. Trần Lãng Minh có bài “Cô gái đồng lầy”, cô gái miền Nam chết đấy, tôi thích. Anh Phan Văn Hưng phổ mấy bài tôi cũng thích. Ông Phạm Duy phổ chừng 20 bài, tôi thích một số bài, đặc biệt bài phổ theo điệu hồ quảng “Nước Đổng Trác Điêu Thuyền”. Còn có một nhạc sĩ người Áo phổ 14 bài thơ của tôi thành nhạc không lời. Ông ấy biếu tôi mà tôi nghe chẳng hiểu gì cả, nhạc hiện đại, tôi nghe tôi mù tịt.
*
Bùi Văn Phú: Hiện tại một ngày bình thường của ông như thế nào?
Nguyễn Chí Thiện: Bây giờ tim của tôi nó lôi thôi lắm. Nhiều khi đứng lên ngồi xuống mà lảo đảo, nên vẫn phải uống thuốc. Sống bằng tinh thần là chính thôi. Hằng ngày tôi đọc sách bằng tiếng Anh ít nhất cũng khoảng tiếng rưỡi, nhiều khi đọc đi đọc lại hai ba lần. Xem ti vi tối thiểu ba tiếng một ngày, những chương trình có ích như American Experience, những kênh như Discovery, History, PBS, National Geographic. Tôi hay xem những chương trình đó để học tiếng Anh vì cái ti-vi có chạy chữ người nói ra, xem như thế có thể hiểu gần hết, chứ xem và nghe không thì hiểu ít hơn. Cố gắng vừa học nghe, vừa luyện giọng một tí để có thể giao thiệp qua loa chứ tôi không mong giỏi. Đấy là thời gian để đọc sách và xem ti-vi, còn thừa thời giờ thì đọc các báo. Trên Internet có bài nào hay thì anh em bạn in ra gửi cho tôi vì tôi không dùng email, không dùng Internet, computer. Đọc những thứ đó cũng mất vài tiếng. Mỗi ngày tôi bỏ ra trên một tiếng để viết, mang tiếng là trên một tiếng, nhưng đêm nằm lại phải suy nghĩ về nó, hoặc đi chơi, ngồi đâu uống nước, uống trà cũng lại phải suy nghĩ về cái đề tài viết. Nói là viết một tiếng nhưng thực tế là tốn đến bốn năm tiếng. Trong tương lai, để viết tốt hơn nữa có lẽ tôi phải dẹp hết tất cả mọi việc để tập trung riêng vào viết thì mới có thể sống lại với quá khứ một cách trọn vẹn hơn và viết hay được. Tiếc là tuổi cũng đã nhiều rồi, không còn sức để đào sâu, không còn tâm hồn để bay bổng nữa, thế nên viết khó mà hay lắm nhưng vẫn cố gắng viết, vì đó là công việc sáng tác.
Bùi Văn Phú: Hồi kí ông đang viết dự định bao giờ sẽ xong?
Nguyễn Chí Thiện: Phải vài năm vì tôi viết rất cẩn thận, có khi viết xong một đoạn rồi lại phải bỏ đi, viết lại. Mà nhiều khi mình chỉ đi tìm một câu, hay một chữ đối thoại thôi, thế mà tôi phải đi lại trong rừng, như hồi ở bên Pháp ấy. Nhiều khi mình không thể thực quá được, có những câu nói lưu manh, mất dậy lắm, đưa vào văn chương không được, nó không ra sao cả. Thế là mình phải tìm một câu nào nó cũng mất dậy, nhưng có tính văn học, cho người đọc có thể chấp nhận được những cái đó, phải tìm những câu điển hình để mà nói. Thí dụ bệnh viện ở Hoả Lò, để diễn tả cái ghê gớm, ngoài tả cái bệnh viện ra còn phải nói về cái thằng bác sĩ, nhớ lại cái cảnh nó nói với bệnh nhân câu: “Thằng nào từ giờ cứ hay khai bệnh, tao cho nằm bệnh xá”. Bệnh nhân nghe thế hết hồn, không dám nằm bệnh xá vì nguy hiểm lắm. Những chuyện như thế mình có thể đưa vào cho nó sống động.
Bùi Văn Phú: Đã sống mười hai năm ở nước ngoài, ông không tin câu nói “Đâu sống tốt đó là tổ quốc” là đúng và ông vẫn mơ trở về với đất nước Việt Nam có bờ tre, con trâu, quán nghèo, hương cau, hương bưởi. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều, mà ông cứ mơ như thế thì sao đất nước khá lên được, phải hiện đại hoá chứ?
Nguyễn Chí Thiện: Ở Việt Nam mình những cảnh đó vẫn còn, hương cau, hương bưởi không mất. Thực tế bây giờ Việt Nam đồng ruộng vẫn chiếm đa số, vẫn những con trâu cày, nhất là ở miền Bắc, chứ đã dùng đến máy móc đâu. Mình trở về để hưởng những cái đó. Còn bờ tre thì làm sao phá bỏ được vì nông thôn của mình có hiện đại hoá thì cũng còn lâu lắm. Dù sau này có máy cày chạy thì không khí nông thôn vẫn còn, nhưng lối làm nhà làm cửa vẫn đơn sơ thôi, không mất đi nhiều. Tôi nghĩ như vậy. Mình còn được hưởng không khí hoang dã, thanh bình của nông thôn còn lâu lắm. Tôi có hỏi nhiều người thì thấy làng xóm cũng không khác xưa, có thêm một vài căn nhà gạch mọc lên là do tiền ở ngoại quốc gửi về hoặc do những cán bộ xoay sở được, còn không khí nông thôn vẫn êm đềm, thanh bình lắm. Không phải là mình mơ đất nước không tiến lên đâu, nhưng đó là những kỉ niệm gắn bó với mình từ thời thơ ấu. Nông thôn Việt Nam nếu phát triển thì những khu vực như thế vẫn còn.
Bùi Văn Phú: Bao giờ ông dự định trở về Việt Nam?
Nguyễn Chí Thiện: Khi nào Việt Nam có tự do ngôn luận thì tôi về. Bây giờ không còn cộng sản nữa, nó chỉ mượn danh cộng sản để cai trị thôi.
Bùi Văn Phú: Sao không phải là lúc này?
Nguyễn Chí Thiện: Về bây giờ không được. Nếu về bây giờ tôi không làm được cái gì trong nước. Hoạt động chính trị tôi không thích vì từ nhỏ đã không thích. Giả sử có muốn thì tuổi già, sức yếu rồi làm sao tôi lăn lộn được. Tôi quan niệm hoạt động chính trị là phải hoạt động bí mật trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chứ không phải ngồi ở nhà bị canh gác, đi một bước bị theo dõi, người nào đến họ muốn cho gặp thì mới được gặp. Hoạt động chính trị như thế không ăn thua gì. Phải sống lén lút, sống bí mật thì tôi không làm nổi nữa. Tôi về nước thì cũng vì thương nhớ quê hương, nhớ bạn bè còn sống, về muộn quá thì họ chết hết. Sợ có khi mình chết mà chưa được về. Tôi chỉ mong mau có tự do ngôn luận thì tôi về vì tôi cho rằng đó là thứ tự do hàng đầu.
Bùi Văn Phú: Tức là nhà nước không cho ông về?
Nguyễn Chí Thiện: Nhà nước không cho tôi về. Mà giả sử nhà nước có cho tôi về, tôi cũng không về bây giờ vì tôi không chịu được cảnh về rồi mấy ông công an lại gọi lên đồn, lên bộ hạch sách, đi một bước có người theo dõi một bước.
Bùi Văn Phú: Có một số văn nghệ sĩ đã về mà họ đâu có gặp vấn đề gì.
Nguyễn Chí Thiện: Họ không có vấn đề gì vì thực sự thơ văn của họ có gì chống đối đâu.
Bùi Văn Phú: Cũng có nhiều người đã từng sáng tác thơ, văn, nhạc chống cộng sản đã về rồi đấy chứ.
Nguyễn Chí Thiện: Tôi thấy có ít người như thế, phần nhiều là những người viết văn chương bình thường, không có gì nặng nề lắm thì nó cho về. Những người đó về thì lại giao du với những ông nhà văn trong nước thôi, chứ đâu có giao du với những nhà hoạt động dân chủ. Các ông ấy về gặp những ông trong Hội Nhà văn như Nguyên Ngọc, như ông Trần Văn Thuỷ làm phim Chuyện tử tế, như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Cầm thì đâu có sao đâu, gặp toàn những ông khuất phục chế độ cả.
Bùi Văn Phú: Nếu ông về thì ông sẽ gặp những ai?
Nguyễn Chí Thiện: Nếu về thì tôi phải tìm đến những người bạn cũ của tôi là những người tù trước tiên, họ chẳng có danh tiếng gì cả. Sau đó tôi muốn gặp những người có lòng với đất nước, như đến chào Thầy Thích Quảng Độ, tôi quen với vợ ông Nguyễn Đan Quế là chị Tâm Vấn thì tôi phải đến nhà ông Quế chơi, tôi quen với ông Hoàng Minh Chính thì tôi cũng phải đến thăm ông ấy. Rồi những anh em trẻ hoạt động, tôi cũng muốn đến để tìm hiểu chứ, xem họ hoạt động như thế nào. Những điều đó tôi muốn làm thì tôi không được phép. Hơn nữa về mà đi một bước người ta theo một bước thì về làm gì. Mà đối với những thủ đoạn cộng sản, nhiều khi nó làm mình mệt. Nó chẳng cần làm gì cả, chỉ cần đến sân bay họ đuổi mình ra. Bây giờ bảo tôi tốn 20 tiếng đồng hồ, về đến sân bay họ đuổi mình ra thì có chết dở không.
Bùi Văn Phú: Như thế ông là một thi sĩ, một nhà văn hay một nhà tranh đấu, hoạt động chính trị?
Nguyễn Chí Thiện: Tôi chỉ là một người làm thơ và viết văn thôi, thế nhưng trước tình hình đất nước, trước cảnh dân mất hết nhân quyền thì dù mình là người dân, chứ chưa phải nhà thơ, nhà văn thì mình phải lên tiếng. Tôi nghĩ ai cũng có quyền lên tiếng dù không làm chính trị, kể cả những nhà tu hành cũng phải lên tiếng, vì sống trong chế độ mà cứ ngậm miệng ăn tiền thì không được rồi. Vì nhiều người ngậm miệng ăn tiền quá, nhiều người sợ hãi quá, không muốn lôi thôi nên độc tài mới tồn tại. Nếu nhiều người thấy đất nước tệ hại như vậy và đồng thanh lên tiếng, đồng thanh phản đối thì độc tài nào cũng phải đổ thôi. Tôi đâu có làm chính trị. Mà làm chính trị chưa chắc đã là điều xấu. Nhưng có điều là tôi thấy dân oan biểu tình vì bị cướp nhà đất, dân đau khổ như vậy mình cũng phải lên tiếng chứ. Dịch một bài “Dân chủ là gì?” mà bỏ tù người ta năm, sáu năm. Trong khi các ông ấy tham nhũng tàn bạo, người ta đi cứu lụt các ông ấy không cho cứu mà bảo phải đưa tiền cho các ông ấy đi cứu. Những người như Lê Thị Công Nhân có tội gì đâu mà cũng bỏ tù người ta. Tất cả báo chí không có một tờ nào của tư nhân cả.
Những cái vô lí như thế mình phải lên tiếng chứ, có phải là làm chính trị đâu. Lên tiếng phản đối chứ mình đâu có muốn lên nắm chính quyền đâu. Làm chính trị đúng nghĩa của nó là phải mơ đến việc nắm chính quyền. Chẳng có đảng phái nào không mơ nắm chính quyền hết. Còn tôi, tôi có mơ nắm chính quyền đâu, tôi có vào đảng phái nào đâu. Tôi chỉ là người thấy bất công tôi nói, mà không phải bây giờ tôi mới nói, tôi đã nói từ những năm 60 và đã chịu trả giá, thì đến bây giờ nếu còn gì xấu mình phải tiếp tục nói, mong cho mọi người biết, vì yên lặng là đồng loã với tội ác đấy.
Bùi Văn Phú: Ông từng nói là chúng ta sẽ sống lâu hơn chủ nghĩa cộng sản. Ở những nước khác chế độ cộng sản đã hết, còn trên đất nước Việt Nam thì sao?
Nguyễn Chí Thiện: Trên đất nước mình thì phải nói là chủ nghĩa cộng sản nó cũng đã hết rồi. Vì chủ nghĩa cộng sản có hai phần, một phần là kinh tế thì phần đó đã mất rồi. Kinh tế chỉ huy không còn nữa ở hạ tầng cơ sở. Còn thượng tầng về văn hoá, chính trị thì chủ nghĩa Mác muốn xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, mà những con người mới là những con người máy. Vì thế trong quá khứ, nhạc như “Suối Mơ” của Văn Cao cũng bị cấm hết vì bị cho là yếu đuối. Còn bây giờ về mặt xã hội, sống hoàn toàn theo tư bản: nhảy đầm, hộp đêm, vũ trường, bia ôm, các thứ ăn chơi, thi hoa hậu, sinh hoạt còn ghê gớm hơn xã hội tư bản nữa. Những mặt đó thì không thể gọi là xã hội cộng sản trên lí thuyết.
Bây giờ chỉ còn độc tài, độc đảng để duy trì quyền lực. Quyền lực đối với họ là quyền lợi. Họ duy trì để kéo dài được ngày nào hay ngày ấy chứ không còn gì là cộng sản. Nhưng tại sao họ vẫn giữ cái mác cộng sản, vẫn bảo vệ chủ nghiã Mác, vẫn giữ nhãn hiệu Hồ Chí Minh, là vì nếu bây giờ anh là đảng viên cộng sản, vẫn tự hào về hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, coi đó là cái giá họ đã trả để cầm quyền, thế bây giờ tuyên bố không còn chủ nghĩa Mác-Lê nữa thì sự tồn tại của cái Đảng Cộng sản trở thành vô nghĩa. Nếu thừa nhận cộng sản là sai trái thì họ phải thừa nhận chuyện đánh miền Nam, gây chết chóc cho 4, 5 triệu người là hoàn toàn vô lí, rồi những chuyện như đánh tư sản, cải cách ruộng đất là có lỗi. Bây giờ những giáo điều như “thiên đường cộng sản”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, “thế giới đại đồng mọi người là bạn” thì trong Bộ Chính trị có ai còn ngu tối mà tin tưởng nữa đâu.
Bùi Văn Phú: Năm nay đã gần 70 tuổi rồi nhưng ông vẫn sống một mình. Trong cuộc đời, ông đã bao giờ có một bóng hình nào không?
Nguyễn Chí Thiện: Hồi thanh niên cũng có vài ba bóng hình. Nhưng hồi đó không như bây giờ tự do yêu thương, tôi chỉ yêu thầm, yêu vụng mà nhiều khi mình không được đáp lại, có khi đang yêu chưa đâu vào đâu thì nó đã xách mình vào tù rồi. Phải công bằng mà nói, đi tù là hết, tù ra thì phải lo kiếm ăn. Ngoài ra còn có cái mộng là trốn vào Nam, nếu không trốn vào Nam được thì coi như bị chôn sống, ngay ở ngoài xã hội cũng vậy, coi như mình bị chôn sống. Bằng mọi giá phải trốn vào Nam, thế nhưng thiên la địa võng không trốn nổi, cho nên ra ngoài tù rồi chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi, không còn nghĩ đến tình yêu nữa. Rồi bị tù tội liên miên, ra tù thì ốm yếu, người đi không vững thì còn lấy ai nữa, thôi thì cam sống với cuộc đời một mình cho đến chết, chứ không có tham vọng lấy vợ. Vì tôi quan niệm lấy vợ thì phải có nghĩa vụ với vợ, dù người ta có quí mình đi nữa thì không lẽ người ta ở với một ông bệnh nhân à, chính vì thế tôi quyết định sống một mình, chẳng phải thần thánh gì hay cao đạo như ông Hồ nói đâu. Mình cũng có mọi thứ nhu cầu như mọi người, bây giờ nhu cầu đó không còn nữa, mà không muốn phiền đến người khác cho nên sống một mình thôi.
Bùi Văn Phú: Xin cám ơn ông. Chúc ông dồi dào sức khoẻ và nhiều nghị lực để sáng tác.
© 2007 talawas
TRÁI TIM HỒNG
Ta có trái tim hồng
Không bao giờ ngừng đập
Căm giận, yêu thương tràn ngập xót xa
Ta đương móc nó ra
Làm quà cho các bạn
Mấy chục năm rồi
Ta ngồi đây
Sa lầy trong khổ nạn
Như con tàu vượt trùng dương mắc cạn
Mơ về sóng nước xa khơi
Khát biển, khát trời
Phơi thân xác trong mưa mòn, nắng gỉ
Thân thế tàn theo thế kỷ
Sương buồn nhuộm sắc hoàng hôn
Ký ức âm u vất vưởng những âm hồn
Xót xa tiếc nuối
Ta vẫn chìm trôi trong dòng sông đen tối
Lều bều rác rưởi tanh hôi
Hư vô ơi, cập bến tới nơi rồi
Cõi bụi chờ mong chi nữa!
Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế trước khi xa
(1986)
NCT
NHỚ BẠN TÙ NGUYỄN CHÍ THIỆN
Nhân ngày giỗ bạn 2.10.2012
Nguyễn Chí Thiện ở tù cùng với tôi tại trại Phong Quang, Lào Cai.
Phong Quang là một trại trung ương, trại lớn.Theo sự đánh giá của những tù nhân có thâm niên cao, từng ở qua nhiều trại, thì nó chỉ đứng sau trại Quyết Tiến, hoặc còn gọi là Cổng Trời, ở Hà Giang, tính về mức độ dữ dằn.
Tôi ra tù trước Nguyễn Chí Thiện vài tháng, hoặc nửa năm chi đó. Người ta thả tôi với điều kiện ngặt nghèo - phải được một cơ quan, xí nghiệp nhận. Gia đình, bè bạn chạy xất bất xang bang, cuối cùng cũng gặp được một ông giám đốc dám làm cái việc không ai muốn làm. Tôi được ký hợp đồng tạm tuyển, tạm tuyển thôi, làm công nhân bốc vác ở Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Hà Sơn Bình. Nó là cái tỉnh mới, gồm Hà Đông, Sơn Tây và Hoà Bình, theo sáng kiến của ông tổng bí thư anh minh được ca ngợi là ngọn đèn 200 bougies soi đường cách mạng. Ông giám đốc tốt bụng không bắt tôi phải ở nhà tập thể của công ty, hết ngày làm việc thì về nhà mình ở Hà Nội.
Tôi không phải bốc vác ngày nào. Ông giám đốc tên Vinh bảo:
- Chúng tôi biết đồng chí là ai mà. Đồng chí có nhiều kinh nghiệm công tác, cứ ở lại văn phòng giúp công ty. Người ta có hỏi chúng tôi khắc biết cách nói..
Nguyễn Chí Thiện được thả về nguyên quán Hải Phòng, ở đấy anh còn bà chị.
Ra tù cùng chuyến với Thiện còn có hai người bạn. Về đến Hà Nội là họ kéo nhau đến thẳng nhà tôi. Vợ tôi đã tăng gấp đôi lượng gạo cho bữa cơm, vậy mà một loáng đã hết veo. Vợ chồng tôi ăn cầm chừng, coi như không ăn.
Trước khi đi tù lần thứ nhất, Nguyễn Chí Thiện làm nghề dạy học. Thiện kể: anh rơi vào tù là do khi giảng cho học trò về thế chiến thứ hai, anh quên vinh danh Hồng quân Liên Xô, mà ca ngợi công lao của Mỹ và đồng minh.
Anh đi tù lần đi tù thứ hai vì những bài thơ bị coi là phản động do những tên chỉ điểm tố giác. Chỉ điểm là một nghề phụ của những công dân tốt.
Lần này được thả, anh cầm bằng thất nghiệp trăm phần trăm. Trở về nghề gõ đầu trẻ chắc chắn không được rồi. Làm thầy giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa nếu lý lịch không sáng như gương thì cũng phải là người không một lần vướng vòng lao lý. Các cơ quan, xí nghiệp nhà nước chỉ cần lướt qua lý lịch hai lần tù của anh là xua anh như xua tà. Anh sống vắt mũi bỏ miệng, lúc đói lúc no.
Thỉnh thoảng, chẳng có việc gì để làm, anh lên Hà Nội thăm tôi và bạn tù cũ: Trình Hàng Vải, Vĩnh Đại Uý, Văn Thợ Mộc, Dũng Con..., hi vọng anh em mách giúp bảo giùm cách nào đó để sống qua ngày.
Trình Hàng Vải hiến kế cất đũa xe đạp về bán ở Hải Phòng, anh em góp vốn. Thiện đi được vài chuyến trót lọt, cũng kiếm được chút đỉnh. Cái may không dài - vào một ngày đông, anh đụng thuế vụ. ThấyThiện mặt gày quắt, áo bông lại to xù, người nhà nước liền đè ra khám. Những bó đũa xe đạp quấn quanh người bị tịch thu. Thế là mất cả chì lẫn chài.
Tôi may mắn. Đang loay hoay không biết cách nào kiếm sống thì bất ngờ gặp lại ông bạn cũ, trước kia là giảng viên thông tin khóa 6 trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
Lê Sĩ Thiện là con dao pha, việc gì đến tay anh cũng làm được. Trước khi về hưu, anh là giám đốc nhà máy điện Lào Cai. Mặt hàng đầu tiên chúng tôi sản xuất là bột nở thực phẩm. Chúng tôi gặp thời – trước kia bột nở phải nhập của Tàu, nay hai nước lủng củng, không có hàng về, cái quẩy giờ chỉ to bằng ngón tay. Các bà bán cháo quẩy ào ào mua bột nở của chúng tôi. Nhờ nó cái quẩy lại phồng to như cán búa.
Thấy bột nở chạy, Nguyễn Chí Thiện muốn lấy một ít về Phòng bán thử. Nhưng ngay cả tiền trả hàng mẫu anh cũng không có. Với bạn tù, tôi không tiếc. Nhưng việc này phải được Lê Sĩ Thiện bằng lòng.
Chúng tôi khởi đầu làm bột nở bằng hai bàn tay trắng. Gõ đủ mọi cửa có thể gõ mới vay được năm chục bạc, bằng lương kỹ sư một tháng. Được cái việc sản xuất không cần nhiều thiết bị lôi thôi, làm ra nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã có những đồng lãi đầu tiên. Tuy vậy, mới bắt tay vào sản xuất, tiền thu chưa được bao nhiêu. Bán chịu trong những ngày ấy là khó với người ít vốn, đã thế nó mang lại sự xúi quẩy, như người ta tin.
Lê Sĩ Thiện không quen Nguyễn Chí Thiện, hai người mới chỉ gặp nhau vài lần ở nhà tôi. Tôi e anh không bằng lòng. Nhưng tôi lầm. Lê Sĩ Thiện biết chúng tôi thân nhau, mà cũng có thể trong thâm tâm anh có cảm tình với những người bị bỏ tù vì tội chống chế độ.
Anh gãi đầu, rồi quyết:
- Mình lấy vốn thôi, Để cậu ấy bán xong trả sau.
Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi, những bạn tù của Nguyễn Chí Thiện coi anh là nhà thơ, mặc dầu không ít thì nhiều chúng tôi đều được anh thì thầm đọc cho nghe thơ anh trong những buổi chiều tù đằng đẵng. Anh cũng thật thà thú nhận:
Thơ của tôi không phải là thơ.
Mà là tiếng cuộc đời nức nở.
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở.
Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ.
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ.
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ.
Nhưng cũng có những vần thơ của anh tôi nghe một lần mà nhớ mãi:
Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương.
Còn tôi – ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng,
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương.
Từ hai câu: "Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương" của thi hào Lý Bạch mà bật ra sự liên tưởng so sánh vừa hồn nhiên vừa đau đớn ấy, hồn thơ trong Nguyễn Chí Thiện thức giấc. Nó đặc biệt gợi nhớ cái xà lim cấm cố ai từng qua thì không thể nào quên.
Nhưng khi Lê Sĩ Thiện nghe những vần thơ khác thì anh giật thót:
Đảng như hòn đá tảng
Đè lên vận mạng quê hương.
Muốn sống trong hòa hợp yêu thương,
Việc trước nhất phải tìm phương hất xuống.
Thơ của Thiện thẳng quá, bộc tuệch quá, làm anh sợ. Là con người sống trong xã hội chủ nghĩa mang trong mình cái sợ được chương trình hoá, được định hình trong vô thức, anh ngẩn người, không thốt nên lời.
- Một tâm hồn quá trong sáng – anh nghĩ ngợi hồi lâu - Rất thật thà. Người như thế rồi còn gặp nhiều nguy hiểm.
Nhờ buôn bột nở, Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê, giúp các bạn tù còn loay hoay tìm kế sinh nhai. Ấy là sau này Thiện tâm sự tôi mới biết.
Thiện rất sòng phẳng. Bán được nhiều rồi, tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả lần ấy, không dây dưa.
Một lần, anh dồn tất cả tiền có được để mua một lượng hàng lớn theo yêu cầu của người đặt hàng. Hoá ra ở miền Nam bấy giờ rất thiếu bột nở cho cao su để làm dép Thái Lan. Ông lái buôn từ Sài Gòn ra nghe nói Hải Phòng có thứ đó, liền mua thử. Thấy thứ bột tuy chất còn kém nhưng tạm dùng được, mới đặt hàng, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Thiện mừng ra mặt, tính chuyến này sẽ lãi to. Ai ngờ lại thất bại nặng. Tất cả số bột nở anh mang về đều bị thuế vụ tịch thu.
Vụ ấy tôi hoàn toàn không biết. Chỉ thấy Thiện vắng mặt lâu, không lên lấy hàng.
Đùng một cái, Trình Hàng Vải hớt hơ hớt hải đến báo: “Thiện bị bắt lại rồi!”
Anh bàn với tôi và các bạn góp tiền đưa cho bà chị Thiện đi tiếp tế. Chúng tôi, tất nhiên, không được thò mặt ra trong việc này.
Thì ra thời gian Thiện vắng bóng là lúc anh âm thầm chép lại toàn bộ thơ anh làm trong tù rồi đột nhập đại sứ quán Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài. Tập thơ đầu tiên của Thiện được in ở Mỹ với tựa đề “Hoa Địa Ngục” tên tác giả là Vô Danh. Chi tiết vụ này thế nào mọi người nay đã biết.
Mãi sau tôi mới được nghe kể chuyện gì đã xảy ra trong chuyến lấy hàng lần chót của Thiện mang về Hải Phòng.
Một người bạn của Thiện, đại uý Bảo chính đoàn cũ, giờ đạp xích-lô, một buổi tối vắng khách mới rẽ vào thăm Thiện. Đẩy cánh cửa không bao giờ khoá vào nhà bạn, anh thấy trong nhà tối om. Bật lửa lên soi thì thấy Thiện nằm co trên giường.
- Điện đóm sao thế này? Đèn đâu? - anh hỏi.
Thiện ngỏng đầu lên:
- Bán rồi!
- Bán rồi là thế nào?
- Bán rồi là bán rồi, chứ còn thế nào.
Thì ra sau vụ bị tịch thu tất cả số bột nở trên tàu, Thiện chẳng còn đồng nào trong túi. Về được đến nhà, bụng đói cật rét, trong nhà chẳng còn gì đáng giá ngoài cái bóng điện 15 watts. Bèn tháo ra mang đi đổi được một bơ gạo (bơ, tức là cái vỏ hộp sữa đặc, một thời được dân chúng coi là đơn vị đo lường) về nấu cháo. Ăn cháo xong, đắp chăn ngủ.
Anh cựu đại uý bảo Thiện:
- Cậu có khai với chúng nó là bột nở không đấy?
- Không.
- Cậu khai sao?
- Bảo: tôi không biết, người ta thuê tôi mang thì tôi mang.
Anh bạn thở phào:
- Thế thì có cơ cứu vãn. Chúng nó mà biết là bột nở thì xong phim. Nghe đây, tớ có quen bọn ấy.
- Quen thế nào?
- Chuyện làm ăn ấy mà.
Thiện chồm dậy:
- Liệu lấy lại được không?
- Còn tùy tình hình. Mình sẽ hỏi.
- Nhất rồi – Thiện reo lên – Nhưng có phải đấm mõm chúng nó không? Tớ không còn xu nào dính túi đâu đấy nhá.
Anh bạn gãi đầu:
- Không. Nhưng thế nào thì cũng phải đãi chúng nó một chầu.
Thiện lầu bầu:
- Tớ nói rồi – tớ không còn xu nào đâu.
- Để tớ lo. Sau, cậu trả lại tớ.
Anh cựu đại uý điều đình thế nào không biết. Một bữa thịt chó được anh tổ chức, không linh đình, nhưng ê hề. Đến lúc ấy Thiện mới biết bọn thuế vụ chẳng biết cái chúng thu là cái quái gì. Cứ thứ gì mà người mang không trình ra được hoá đơn là coi như hàng lậu, thu tất.
Thiện được trả lại tất cả số hàng bị thu.
Bữa ấy Thiện say khướt. Say đến nỗi không biết làm sao mình về được tới nhà. Anh không bao giờ uống rượu. Phần lớn thời gian đời anh trôi qua trong tù, nơi không thể có rượu, trừ những người trong toán tự giác. Những người này thỉnh thoảng cũng được một lần say sưa nhờ đổi chác với dân bản lân cận những vật dụng mà tù được mang theo người khi vào trại.
Tôi hỏi Thiện chuyện này khi chúng tôi được sống cùng nhau trong một căn hộ tại Strasbourg, thành phố miền Bắc nước Pháp.
- Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu, ông ạ - Thiện nói - Trước đó cũng có lần nhấp một tí, trong một đám giỗ, chẳng thấy ngon lành gì. Cay xè.
- Say thế làm sao về? – tôi hỏi.
- Ông này buồn cười, anh đại uý bạn tôi chở tôi về chứ. Anh ta có cả một cái xích lô cơ mà.
Vũ Thư Hiên
CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA NGỤC CA (p.1)
Phạm Duy
(Thế Kỷ 21 số 37 tháng 5/1992)
Cho tới những năm đầu của thập niên 80, đồng bào vượt biên càng ngày càng nhiều trong đó có số đông văn nghệ sĩ và cựu quân nhân, công chức đã từng bị Cộng Sản giam cầm. Ra tới thế giới tự do, mỗi người có một chuyện để nói về trại tập trung cải tạo. Tạ Tỵ có Đáy Địa Ngục, Phạm Quốc Bảo có Cùm Đỏ, Hà Thúc Sinh có Đại Học Máu và loạt tủi nhục ca. Đó là chưa kể những cuốn sách cũng tố cáo quần đảo ngục tù Việt Nam của những người tới trước hay tới sau ba người kể trên, như Trần Huỳnh Châu với Hồi Ký Cải Tạo, Hoàng Liên với Ánh Sáng Và Bóng Tối v.v...
Tất cả kết án chính sách trả thù và lối cai trị bằng khủng bố của chính quyền Cộng sản qua những trại cải tạo. Cuốn sách nào cũng mô tả tới tột đỉnh đau thương của tác giả sau những năm tháng khổ nhục tại các trại giam ở nơi rừng thiêng nước độc, dưới quyền sinh sát của bọn ngục tốt ngu dốt và ác độc.
Nhưng tính cho tới mùa Thu 1991, những văn nghệ sĩ, quân nhân, công chức của chính quyền miền Nam cũ nếm mùi cải tạo lâu nhất là trên dưới 16 năm. Người nào cũng có thân quyến hay bạn bè vượt muôn ngàn khó khăn đi thăm nuôi, tối thiểu cũng một hai lần. Chỉ có một người ở tù lâu năm nhất -- tính cho tới ngày được thả là trên dưới 30 năm -- bị bắt giam không cần xét xử trong 20 năm mà không được ai biết tới, không được ai thăm nuôi. Nếu người tù này không dũng cảm tung ra thế giới tự do một tập thơ làm cho trời long đất lở, chắc ông đành phải chết âm thầm "trong bóng đêm" như lời thơ của ông. Và nếu người Việt hải ngoại không tìm mọi cách phổ biến tập thơ của ông, chưa chắc gulag Việt Nam được thế giới chú ý đến thế, khơi dậy được lòng người thù ghét Cộng sản đến thế, chính quyền Hà Nội bị tố cáo vi phạm nhân quyền trầm trọng, rồi bị cô lập đến thế! Người đó là Nguyễn Chí Thiện.
Lúc đó là vào tháng Mười (tháng sinh nhật của tôi) năm 1980. Tại Khu Bolsa, chúng tôi thường nhóm họp, đàn hát trong những ngày cuối tuần, hoặc ở nhà tôi hoặc ở nơi sinh ra tờ báo Người Việt là cái garage chật chội và bụi bậm của Đỗ Ngọc Yến, hay ở nhà Nguyễn Đức Quang. Tôi hãy còn đang sống trong cơn mê sảng của những bài hát ảo ảnh quê hương dù đã tự coi mình là Gió Muôn Phương, nghĩa là gió nóng trên sa mạc Úc Châu, gió lạnh nơi núi tuyết Canada, gió thổi lá chết (của Jacques Prévert) ở Paris, gió hôn hoa đào ở Nhật Bản... đang chờ thời cơ để tất cả góp với gió Lào thành ngọn cuồng phong quét sạch Cộng sản. Thời cơ chưa tới vì bức tường Bá Linh chưa đổ, Vạn Lý Trường Thành chưa lung lay, cửa điện Cẩm Linh chưa vỡ toang. Thì không ngờ một cơn gió lớn lại từ trong nước thổi ngược ra. Qua tập thơ của Nguyễn Chí Thiện.
Một buổi tối cuối tuần tại nhà Đỗ Ngọc Yến, trong khi mọi người đang ngồi chơi, công tử Bùi Bảo Trúc từ Hoa Thịnh Đốn chơi sang gọi ''long distance'' qua, đọc cho nghe vài bài thơ của một người không ai biết là ai (nhất là tôi, khi được hỏi tới). Chỉ biết đó là thơ của một thi sĩ ở Bắc Việt. Mới nghe vài câu thơ mọi người đã sửng sốt! Sau đó, chúng tôi có phóng bản của một tập thơ viết tay gồm 4000 câu thơ. Chúng tôi biết thêm sự xuất hiện ly kỳ của tập thơ này. Một người tù được tạm tha tới Sứ Quán Anh ở Hà Nội trao cho nhân viên sứ quán tập thơ của mình kèm theo một tờ thư viết bằng Pháp ngữ:
C'est au nom des millions de victimes innocentes de la dictature, déjà succombées ou subissent encore une mort lente et douloureuse dans les bagnes communistes, que je vous prie de faire publier ces poèmes dans votre pays libre. C'est le fruit des mes vingt ans de travail. La plupart ont été créés dans mes années de détention (...) De ma vie brisée, il ne reste qu'un rêve, c'est de voir le plus grand nombre possible d'hommes prendre conscience de ce que le communisme est un grand fléau de l'humanité
Nhân danh hàng triệu nạn nhân của độc tài, đã chết hay đang chết chậm và đau đớn trong lao tù cộng sản, tôi xin ngài cho ấn hành những bài thơ này tại xứ sở tự do của ngài. Đây là kết quả của hai mươi năm làm việc của tôi. Phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam giữ (...) Trong cuộc đời tan vỡ của tôi, chỉ còn một ước mơ được thấy nhiều người ý thức được chủ nghĩa cộng sản là một tai hoạ của nhân loại.
Bị Công An chặn lại khi vừa tới cổng Sứ Quán Anh, ông chỉ kịp ném tập bản thảo vào bên trong rồi bị bắt giam ngay. Tập thơ được gửi về Bộ Ngoại Giao Anh rồi được chuyển qua Đài BBC ở London. Nhân viên người Việt của đài là ông Đỗ Văn vội vàng gửi ngay cho Hồ Anh, chủ báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Washington DC để tùy nghi khai thác. Tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ này có Ủy Ban Đòi Tự Do Cho Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù do nhà văn vừa ra thoát khỏi nhà tù Cộng Sản là Nguyễn Hữu Hiệu thành lập. Hồ Anh chưa kịp khai thác tập thơ thì bằng cách nào đó, Nguyễn Hữu Hiệu có tập bản thảo và tự cho mình có nhiệm vụ phải ấn hành ngay tập thơ, lấy tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Báo Văn Nghệ Tiền Phong cũng cho ấn hành tập thơ với tên Chúc Thư Của Một Người Việt Nam. Cả hai tập in ra đều không đề tên tác giả vì lẽ giản dị vào lúc đó, không ai biết tác giả là ai.
Tập thơ làm tôi rung động. Trong mười đêm, tôi chọn một số bài thơ để phổ thành mười ca khúc tôi gọi là ngục ca. Vì cũng không biết tên tác giả, tôi gọi thi sĩ là ngục sĩ. Rồi thấy mười bài chưa đủ, tôi phổ nhạc thêm mười bài nữa. Đó là những bài:
Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn
Đảng Đầy Tôi
Ngày 19 Tháng 5
Xưa Lý Bạch
Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ
Tôi Có Thể hay là Vô Địch
Chuyện Vĩ Đại Bi Ai
Thấy Ngay Thủ Phạm
Nước Đổng Trác Điêu Thuyền
Sẽ Có Một Ngày
Cái Lầm To Thế Kỷ
Đôi Mắt Trương Chi
Vì Ấu Trĩ
Tia Chớp Này Vĩ Đại
Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S
Đất Nước Tôi
Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng
Biết Đến Bao Giờ Lời Thơ Của Tôi?
Trong Bóng Đêm
Thời Đại Hồ Chí Minh
Tôi cố gắng làm cho ngục ca có nhiều nhạc tính. Khi thảm thiết như Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ, Chuyện Vĩ Đại Bi Ai. Khi ngạo nghễ như Đảng Đầy Tôi, Xưa Lý Bạch. Khi cười cợt như Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn, Nước Đổng Trác Điêu Thuyền. Khi tiếc hận như Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S, Cái Lầm To Thế Kỷ. Khi mãnh liệt như Trong Bóng Đêm, Tia Chớp Này Vĩ Đại. Khi như vè, ca dao trong Thấy Ngay Thủ Phạm. Khi xót xa như Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng. Khi trong sáng, lãng mạn như Sẽ Có Một Ngày...
Vừa soạn ra những bài đầu tiên là tôi hát trong phone hay tới hát cho bạn bè nghe trong buổi sinh hoạt cuối tuần. Nguyễn Đức Quang thuật lại buổi ra mắt đầu tiên của tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực và của ngục ca trong báo Người Việt số 26 ra ngày 10 tháng Mười 1980 nhan đề Lại Nổi Gai Ốc:
Ở sân Đại Học Xá Thanh Quan năm 66 nghe anh Phạm Duy hát tâm ca rồi ngâm thơ Đêm Liên Hoan, tôi còn nhớ cảm giác bấy giờ là người rờn rợn nổi da gà (...) mặc dù tôi đứng hát với anh:
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe
Cứ thích đi về nẻo đường mà mình mong ước
Nẻo đường mong ước đó bây giờ anh trở lại. Khi mà tiếng gọi mới mở ra như một thôi thúc đúng nhịp:
Từ vượn lên người mất mấy triệu năm
Thế mà ai ơi...
Bài hát mới, soạn theo tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực vừa ra đời. Tính chất của thơ lộ rõ trong đêm đọc thơ đầu tiên. Đó là đêm hối hả, chờ chực, sốt ruột (...) vì tôi là người cầm quyển thơ độc nhất và đem đi học từ buổi sáng. Phạm Duy, Phạm Cao Dương, Thái Tú Hạp, Duy Sinh, Trần Diệu Hằng,Tống Hoàng... ngồi trong hơn một tiếng đồng hồ (để nghe) tôi đọc thử vài bài:
Bác Hồ rồi lại bác Tôn
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác màu hồng
Nước da các cháu nhi đồng màu xanh.
Phạm Duy bật dậy như một cái lò xo. Phản ứng như một quả lựu đạn đã rút chốt ''Tôi sẽ phổ nhạc''. Cái bắt gặp của anh và mọi người đêm đó là như vậy. Và suốt trong ba, bốn ngày, (dùng) dây điện thoại hỏi tập thơ đã (từ Washington DC gửi) về chưa? Phạm Duy không nói, anh hát ngay trong điện thoại cho nghe:
Một tay em trổ, đời xua đuổi
Một tay em trổ, hận vô bờ
Thế giới ơi ai có thể ngờ
Đó là một tù nhân tám tuổi
Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi
Tôi gặp hàng ngàn em bé như em...
Cũng như cảm giác thời ở Đại Học Xá Thanh Quan, tôi rợn da người (...) Tôi giật mình vì cái bén nhậy 15 năm xưa không tàn theo tuổi đời.
Vâng, lúc đó tôi nhìn thấy ngay tập thơ mang tên Tiếng Vọng Từ Đáy Vực hay Chúc Thư Của Một Người Việt Nam là một vũ khí rất hữu hiệu để tố cáo chủ nghĩa Cộng Sản. Từ ngày phải bỏ nước ra đi, trong Cộng Đồng người Việt, ai cũng nói tới một nền ''văn nghệ chiến đấu''. Tôi trộm nghĩ nhạc chiến đấu của tôi bây giờ không thể giống như loại nhạc huy động nhân dân đánh Pháp trong thời kháng chiến hay vận động thanh niên đi lính Cộng Hoà chẳng hạn. Nếu muốn thực sự soạn nhạc chiến đấu thì phải tay súng tay đàn cùng với đoàn quân giải phóng đột nhập vào Việt Nam chứ không nên sống khơi khơi trong xã hội đầy tiện nghi của Âu Mỹ Úc rồi kêu gọi mọi người phục quốc. Tôi cũng biết tị nạn ca của tôi chỉ là than vãn phận mình và thương nhớ quê hương. Nhưng nếu bước thêm bước nữa, soạn nhạc (gọi là) phục quốc là đi vào con đường nhạc mị dân. Theo tôi, muốn chiến đấu với Cộng sản bằng văn nghệ khi mình chưa có cơ hội (hay can đảm) về sống tại chiến khu trong nội địa, điều hay nhất là người hải ngoại nên phối hợp với người trong nước để nói lên tiếng lòng của dân tộc Việt Nam. Vào lúc này, tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực hay Chúc Thư Của Một Người Việt Nam là phương tiện của tôi trong một cứu cánh mà chính thi sĩ cũng mong đợi (qua lá thư kể trên) là tố cáo chủ nghĩa Cộng sản.
Trong một thời gian ngắn, tập thơ mang hai cái tên của một người tôi gọi là ngục sĩ và những bài ngục ca được phổ biến khá rộng rãi trong hai vùng Washington DC và Nam Cali là những nơi có đông người Việt. Một cựu giáo viên ở Bắc Việt tên là Minh Huy qua được Hồng Kông (nhờ vụ chính quyền Hà Nội cho người Hoa đi theo kiểu bán chính thức) rồi tới định cư ở Khu Bolsa. Ông này đọc báo Người Việt và báo Văn Nghệ Tiền Phong, thấy tập thơ kỳ lạ này có mặt tại nước Mỹ nên tới gặp chúng tôi để cho biết tên tác giả là Nguyễn Chí Thiện.
Chỉ ít lâu sau, một người bạn đồng tù của thi sĩ là Trần Nhu cũng từ Hải Phòng vượt biên qua Hồng Kông rồi khi anh ta tới Boston thì liên lạc ngay với tôi (vốn là người được dân Bắc Việt biết đến nhiều hơn là những người khác). Tôi vội vàng bay qua miền Đông để gặp Trần Nhu.
Thế là từ đó trở đi nhân dân thế giới được biết một câu chuyện ly kỳ nhất của thời đại. Ly kỳ vì bây giờ mới biết rằng sau Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn có người trí thức ở miền Bắc kịch liệt chống đối chế độ. Người này chống Cộng ở ngay "trong lòng địch" và là người tố Cộng trước khi miền Nam mở chiến dịch tố Cộng. Ly kỳ vì trong đời tù dài 20 năm, không có giấy bút trong tay mà thi sĩ làm được 4000 câu thơ trong đầu. Ly kỳ trong hành động sáng suốt và can đảm của ông, liều chết đưa được tập thơ vào Sứ Quán Anh. Ly kỳ ở chỗ người Anh muốn tập thơ ra với thế giới tự do, không sợ rắc rối ngoại giao mà ỉm nó đi. Còn thêm ly kỳ trong việc có hai tổ chức cùng ấn hành tập thơ gây nên một vụ án văn học. Ly kỳ thêm là nhờ có bạn đồng tù của thi sĩ vượt biên qua Mỹ nên mọi người mới biết rõ tên tuổi và cuộc đời của ông. Ly kỳ nhất là dù Cộng Sản Hà Nội muốn bịt miệng, trói tay, giam ông vào ngục tối một cách tàn bạo và kỹ càng đến đâu đi nữa cũng không tránh được việc quả bom nguyên tử của ông nổ tung ra thế giới. Ly kỳ tột bực là sau 30 năm bị giam trong bóng đêm đè nghẹt, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện vẫn chưa chết để ra khỏi đời tù vào một ngày mùa Thu năm 1991. Đúng như lời thơ của thi sĩ:
Để đánh được kẻ thù
Tôi không được hèn ngu
Để thắng được kẻ thù
Tôi phải sống ngàn thu!
Còn thêm một việc ly kỳ nữa là các nhân vật nổi tiếng trong chính trường (cựu Tổng Thống nước Sénégal, Léopold Senghor) và trên văn đàn (Pierre Emmanuel, René Tavernier), các hội Văn Bút quốc gia và quốc tế (Pen Los Angeles, Pen Netherlands, Pen international, Writers in Prison Committee), các tờ báo lớn của Pháp, Mỹ, Nhật (Le Figaro, New York Times, Asahi Evening New), các tổ chức nhân quyền Amnesty international, Asia Watch... sau khi được người Việt hải ngoại (Võ văn Ái và rất nhiều người nữa) tích cực vận động nên đã liên tục đấu tranh không ngưng nghỉ cho ngục sĩ rồi cuối cùng, khi tôi đang viết những dòng này, thi sĩ đã được trả tự do. Tôi sẽ viết thêm về việc thế giới vận động tự do cho Nguyễn Chí Thiện trong đoạn sau.
Bây giờ xin nói về địa vị của một người trí thức Việt Nam trong công cuộc tố cáo chế độ Cộng Sản ở trên thế giới. Trước đây, qua cuốn Gulag Archipelo của nhà văn Soljenytsyne, thế giới biết rằng Liên Sô không phải chỉ có Sibérie để làm nơi giam cầm thể xác những người chống đối mà còn rất nhiều trại giam ở rải rác trên đất Nga khiến cho nhà văn này phải gọi là Quần Đảo Lao Tù. Rồi qua lập luận của thi sĩ Mislop người ta thấy ngoài việc giam cầm thể xác ở Liên Sô, Cộng Sản còn một hình thức cai trị khác là giam nhốt tâm trí ở Ba Lan. Nay qua 4000 câu thơ viết bằng nước mắt, mồ hôi và máu (được gọi chung là Hoa Điạ Ngục), Nguyễn Chí Thiện lột trần bộ mặt thực của chủ nghĩa Cộng Sản hơn bất cứ một nhà trí thức nào trên thế giới vì ông là người bị giam cầm cả tâm hồn lẫn thể xác và bị giam giữ lâu nhất (tính tới ngày được thả là 30 năm) Ông lại là người nói lên điều này trước tất cả mọi người, chống đối Cộng Sản bằng ngòi bút trước cả ba người đoạt giải Nobel là Pasternak, Soljenytsyne và Sakharov.
Ai cũng biết vai trò của người trí thức là rất quan trọng tại các nước độc tài. Tại các nước dân chủ, trí thức không quá ư cần thiết vì đã có tôn giáo với Thượng Đế và Giáo Hội để điều hợp xã hội. Các nước Cộng Sản (tức là Đảng) cần trí thức để biện minh cho chế độ độc tài, cho rằng chuyên chính vô sản là một nhu cầu lịch sử không thể nào tránh được trên bước đường giải phóng nhân loại.
Nói cho ngay, từ khi chủ nghĩa Cộng Sản mới xuất hiện, vốn là những con người lý tưởng, lớp trí thức dễ dàng bị quyến rũ. Nhưng sau khi chế độ Cộng Sản được thành lập ở Nga, có những trí thức tỉnh mộng ngay. Tuy nhiên, các chứng nhân André Gide, Arthur Koestler chỉ nhìn vào sự phi nhân của chế độ Stalinist với con mắt bàng quan. Họ không phải là nạn nhân của chế độ nên không có thái độ chống đối tích cực. Phải đợi khi có những nhà văn, nhà thơ ở trong các nước Cộng Sản bị chế độ giam giữ tinh thần hay thể xác, mới thấy có sự lên tiếng mãnh liệt về cái mà Nguyễn Chí Thiện gọi là hiểm hoạ của nhân loại.
Tại thành trì Cộng Sản là Liên Sô hay tại các nước Cộng Sản Đông Âu không có hiện tượng toàn thể trí thức cùng một lúc đứng lên phản đối chế độ như ở Việt Nam. Tôi hiểu được vì sao Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm bị Cộng Sản Việt Nam đàn áp tàn bạo như vậy. Đây là sự chống đối của tất cả trí thức vì nhóm Nhân Văn Giai Phẩm gồm đầy đủ thành phần văn nghệ sĩ các ngành, trí thức các khoa. Họ bị kết án, sa thải, đầy đọa, phải thú tội rồi được ân xá ra sao, chúng ta đã biết. Duy chỉ có kẻ sĩ Nguyễn Chí Thiện (người tiếp tục tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm) là bị giam giữ lâu năm nhất vì sự chống đối kịch liệt của ông qua những câu thơ chửi chế độ, chửi lãnh tụ mà những người trong Nhân Văn Giai Phẩm không ai dám làm. Các kiện tướng của phong trào phản kháng như Phan Khôi, Hoàng Cầm, Trần Dần, Trần Duy cũng chỉ dám nói bóng nói gió mà thôi.
Trong thời gian tôi "gặp" Nguyễn Chí Thiện, anh bạn của tôi là bác sĩ Trần Ngọc Ninh đã từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Tôi vừa mua được một căn nhà mới ở ngay cạnh căn nhà cũ để "cứu sống" mười hai mạng người trong gia đình, bấy lâu nay vì ở chung một nhà chỉ có ba phòng ngủ và một phòng vệ sinh độc nhất cho nên vào mỗi buổi sáng (nói đùa đấy nhé) phải "giết" nhau mới làm được việc tiểu tiện, đại tiện, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa! Bỏ thêm chút tiền xây thêm phòng ngủ, phòng tắm cho cả hai căn nhà, từ nay trở đi gia đình chúng tôi sống êm thắm như trong bài học của sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi có đầy đủ sự yên tĩnh để làm hai công việc vừa khởi sự là soạn tài liệu cho bài thuyết trình về Năm Mươi Năm Tân Nhạc và phổ một số bài thơ của Nguyễn Chí Thiện thành 20 bài ngục ca.
Rất cần tiền để trang trải những chi phí về nhà cửa, nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay. Tôi đã từng làm thợ rèn, thợ điện, nông phu, thầy giáo trong thời niên thiếu. Qua Mỹ, đáng lẽ tôi cũng phải làm việc chân tay nhưng tôi khéo xoay xở nên được làm công việc trí óc. Bây giờ tôi đang có phương tiện (xe hơi), sức khoẻ và thời giờ (chưa ai mời đi hát), tại sao tôi không dùng nó để kiếm tiền nhỉ? Dù chỉ là tiền "petty cash" cao hơn tiền xăng nhớt một chút thôi!
(...)
Cuộc tiếp xúc thân mật với dân chúng lần này trong chiếc xe hơi chẳng khác chi lúc tôi đi hát bằng xe lửa, ô tô buýt, bằng thuyền và thời tôi đi bộ trong kháng chiến, đi tới đâu tôi cũng học hỏi rất nhiều ở người dân. Ngoài ra, đưa bệnh nhân tới phòng mạch phải ngồi chờ rất lâu rồi mới đưa bệnh nhân về nhà, tôi có nhiều thời giờ để sáng tác. Tại phòng khám bệnh của bác sĩ Ninh, trong khi anh bạn bắt bệnh nhân thè lưỡi ra coi hay sắn tay áo đo tension, tôi ngồi cắn bút viết ngục ca bên cạnh những chai nước khử trùng. Hèn gì trong Ngục Ca có mùi nhà thương trong nhạc, ngoài mùi nhà tù của thơ. Có lúc rỗi rãi, chúng tôi ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trong phòng mạch hay trong quán ăn trưa ở gần đó. Có thể nói bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thính giả đầu tiên của những bài ngục ca.
Đêm 27 tháng Mười Hai, 1980 là đêm tôi xuất hiện tại Santa Ana với chương trình Địa Vị Của Ngục Ca Trong Năm Mươi Năm Tân Nhạc sau một thời gian khá lâu không có tác phẩm mới để biểu diễn. Rồi tôi bỏ ra một thời gian để thu thanh một số bài ngục ca vào băng cassette với các giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Lê Toàn và của tôi. Muốn cho hình thức phù hợp với nội dung, tôi không ngần ngại ghi âm ngay trong garage và dùng lối phát âm, hòa âm, phối khí rất đơn sơ, cục mịch, đôi khi thô lỗ. Tôi cho rằng phổ thơ Nguyễn Chí Thiện rồi thu thanh với thể "nhạc nhẩy đầm" như một nhạc sĩ đã làm là phản lại Nguyễn Chí Thiện. Bài thơ của một người tù lâu năm, nằm gãi ghẻ trong sà lim, hát chửi lãnh tụ vào ngày sinh nhật "bác" hay nói tới miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại mà phổ nhạc thành điệu tango hay rumba là vô ý thức.
(còn tiếp)
CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA NGỤC CA (p.2)
Phạm Duy
Xong các công việc khá bận rộn như thu thanh, in bìa, làm băng cassette... mùa thu 82, tôi được hai nơi ở Bắc Mỹ mời tới hát ngục ca. Dưới sự bảo trợ của HỘI VĂN HÓA VN TẠI BẮC MỸ, Washington DC là trạm đầu tiên của tôi trên con đường ngục ca (sau con đường tạm dung) mà tôi muốn được coi như nằm trong vận hội mới của người Việt hải ngoại. Đó là vào buổi tối ngày thứ Bảy 25 tháng Chín, 1982 tại thính phòng của George Mason University, có hầu hết các nhân vật quan trọng trong cộng đồng Việt Nam tới nghe. Người bạn già Hoàng Văn Chí của Thanh Hóa ngày nào thích thú cười ầm hội trường khi nghe tôi hát bài Nước Đổng Trác Điêu Thuyền và cất tiếng rao bán lạc rang: hàm xôi phá sáng! Muốn cho buổi hát có ý nghĩa hơn, tôi hát thêm vài bài tủi nhục ca của Hà Thúc Sinh để khán thính giả thấy văn nghệ sĩ ở hai miền từ lâu chia cắt, xa nhau hai thế hệ mà tác phẩm của họ đều là bản cáo trạng về quần đảo ngục tù ở Việt Nam.
Ngay từ lúc khởi đầu của vận hội mới này, tôi (và nhiều người khác) đã quyết tâm đưa Nguyễn Chí Thiện ra thế giới nên muốn phổ biến ngục ca và tập thơ Hoa Địa Ngục bằng ngoại ngữ. Bản dịch Anh ngữ đầu tiên của tập thơ Nguyễn Chí Thiện là của Huỳnh Sanh Thông với đầu đề Flower In Hell. Nguyễn Ngọc Bích của Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ dịch ngục ca ra Anh ngữ trước khi cơ sở QUÊ MẸ của Võ Văn Ái ở Paris cho ấn hành ngục ca với cả ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Khi tôi tới Norway, ngục ca được giới thiệu bằng tiếng địa phương và khi tới Tokyo, Osaka, ngục ca được in trên báo ASAHI với Nhật ngữ (lời dịch của Visakha Kawasaki). Tại London, bạn du ca của tôi là James Durst cũng hát ngục ca bằng English version do chính anh soạn.
Từ Washington DC, tôi leo lên Canada hát ngục ca, dưới sự bảo trợ của TRUNG TÂM VĂN HÓA VN tại Toronto. Tôi chỉ coi hai buổi diễn ở Bắc Mỹ trong tháng Chín 82 này như một sự thử thách. Vào tháng sau, tôi mới làm "chuyện lớn" (!). Tôi thường muốn rằng cứ mỗi năm, vào tháng kỷ niệm ngày sinh ra đời là mình phải làm một cái gì "lớn lao hơn trước" coi như (vì không ai tặng mình tự tặng món quà tặng sinh nhật vậy! Tháng Mười 82, tôi sẽ làm công việc quan trọng hơn: vượt Đại Tây Dương, đem ngục ca đi hát tại mấy nước Âu Châu.
Thế rồi tôi bay qua Paris tham dự buổi ra mắt những bài ngục ca và tập thi ca Ngục Ca/Chants De Prison/Prison Songs tại Salon Hoche (Quận 8). Buổi trình diễn vào ngày 24 tháng Mười 82 là do Võ Văn Ái, Phương Anh, Ỷ Lan (Penelope Faulkner) tổ chức. Tôi phải công nhận ở Âu Châu, bộ ba Ái-Lan-Anh trong cơ sở Quê Mẹ là những người vận động tích cực nhất trong việc phát huy thơ ngục tù Nguyễn Chí Thiện và vận động trả tự do cho ngục sĩ. Những người của tổ chức đấu tranh cho Nhân quyền này cho in ra trong một thời gian kỷ lục tập thi ca kể trên (với tranh bìa rất hấp dẫn của họa sĩ Lê Tài Điển) trong đó ngoài những đoạn văn tương ngộ của nhiều nhà trí thức lưu vong quốc tế như Vladimir Boukowsky, Paul Goma, Natalya Gorbanewskaya, Pierre Kendé, Eduardo Manet, Vladimir Maximov, Lenoid Pliouchtch, Alexander Smolar, Pavel Tigrid... có thêm bài tựa của một thi hào trong Hàn Lâm Viện Pháp, Pierre Emmanuel, người đã giới thiệu thơ Tố Hữu trước đây. Bài tựa tuyệt vời:
Đây là những kinh cầu, là những tiếng thét phẫn nộ, những tiếng ca đầy dũng khí, những tiếng gọi kêu cho mai sau. Hoàn toàn trần trụi nơi cõi A Tỳ, thế nhưng, vẫn chống trả để đòi hỏi thanh giá (...)
Ôi người! Ôi sinh dân bình dị của trùng trùng người khắp mặt đất, con Thú còn chễm chệ ngồi trên bụng người tới bao giờ, còn móc mắt người tới bao lâu? Cho đến bao giờ người vẫn còn giữ được niềm hy vọng là Ngày sẽ đến?
Vào đúng ngày trình diễn ngục ca và giới thiệu tập thi ca nói trên, Chủ tịch Hội Văn bút Pháp, René Tavernier điện thoại tới cơ sở Quê Mẹ đọc một thông điệp:
Ở thời cận đại này, thơ và cấm cố, thơ và lặng thinh, thơ và nỗi chết đã trở nên đồng nghĩa.
Thế nhưng từ thuở hoang sơ khi loài người vừa tạo dựng ra lời nói, thơ mang nghĩa tự do, hy vọng, âu yếm, thơ là sự sống. Trước cuộc đời của Nguyễn Chí Thiện với sự đóng góp của anh vào nhân sinh thế giới, nhân danh Hội Văn bút Pháp tôi xin gửi một lời thông điệp.
Chưa bao giờ một thi sĩ Việt Nam được thế giới vinh danh như thế. Chưa bao giờ một nghệ sĩ Việt Nam được bạn đồng nghiệp hết lòng đề cao như thế!
Sau những buổi ra mắt ngục ca ở Paris, tôi rời Pháp đi Stuttgart (Đức) Bruxelles (Bi), Zwolle (Hòa Lan), đi tới đâu ngục ca cũng làm cho đồng hương cảm động và thán phục trước thi tài và thái độ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện.
Vụ đi Âu Châu với ngục ca này có một tiếng vang lớn nên vừa ở Pháp về là tôi được mời đi hát tại ba nơi ở Canada là Toronto, Windsor, Montréal vào dịp Giáng Sinh 82 và Tân Niên 83.
Đi hát trong mùa Đông ở Canada là một cực hình vì tôi là người không chịu được lạnh. Vừa tới nơi được gọi là "quê hương của tuyết" tôi bị cảm ngay lập tức. Tuy vậy, với tinh thần Tarzan, vì ban tổ chức cần tiết kiệm, tôi đồng ý để Nguyễn Hữu Nghĩa (lúc đó còn đang cộng tác mật thiết với báo Lửa Việt) lái xe đưa tôi từ Toronto đi Montréal. Tới nơi, tôi như người sắp chết nhưng cũng cố gắng gào lên vài bài ngục ca. Cũng may có Nguyễn Hữu Nghĩa hát đỡ tôi vài bài.
Tại Montréal, tôi gặp lại nhiều bạn cũ như vợ chồng Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Khắc Ngữ, Đinh Ngọc Mô trước khi anh này tự vẫn vì một lý do gì tôi không biết. Tôi đã từng gặp Mô ở Pháp hồi năm 1955. Đó là một người rất tài hoa nhưng số vất vả. Có lẽ vì anh thích sống độc lập, không muốn nhờ vả gia đình dù thân sinh là người giàu có. Nhiều lần tôi thấy anh ta cầm đàn hát dạo ở các quán rượu hay trong hầm metro, tôi muốn nhảy tới hát chung nhưng lại thôi! Nhưng người mà tôi muốn gặp mà không được là Georges Etienne Gauthier, đã từng viết nhiều bài báo về tôi hồi thập niên 60. Thật là đáng tiếc.
Trong hơn một năm, kể từ tháng Tư 83 cho tới tháng Năm 84, tôi đi lưu diễn không ngừng nghỉ tại nhiều nơi trên địa cầu, đem ngục ca Nguyễn Chí Thiện lên tới đỉnh trái đất (Oslo - Na Uy) rồi xuống tới đáy trái đất (Adelaide - Úc), không một lúc nào tôi nghĩ rằng thi sĩ còn sống vì từ khi tập thơ Hoa Địa Ngục được phổ biến trên thế giới. không một ai có một tin tức nào thêm về Nguyễn Chí Thiện cả.
Cho tới giữa năm 1984, bỗng nhiên tôi được tin thi sĩ Nguyễn Chí Thiện còn sống!!! Tôi mừng rỡ như điên rồi sắn tay áo lên, tôi đi vào công việc - cùng tất cả mọi người trong thế giới tự do - cứu sống Nguyễn Chí Thiện.
*
Vào những năm đầu của đời sống lưu dân mỗi năm vào tháng Tư, người tị nạn Việt Nam ở trên thế giới tổ chức ngày kỷ niệm mất nước gọi là Ngày Quốc Hận. Cho tới năm 1983 Võ Văn Ái khởi xướng việc đổi tên ngày đen tối này thành Ngày Quốc Kháng. Đáp ứng lập trường chính trị của Hoa Kỳ trong lúc này là đấu tranh cho Nhân quyền, anh phát động phong trào Đấu Tranh Cho Quyền Làm Người. Đã giúp tôi phát huy ngục ca và tủi nhục ca trong năm trước tại Pháp, Bỉ, Hòa Lan, năm nay cơ sở Quê Mẹ lại chiếu cố đến tôi, lần này mời thêm ca sĩ Julie đi theo tôi nữa. Việc trình diễn văn nghệ của chúng tôi nằm trong chương trình chung gồm mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, phổ biến sách báo. Đấu trường vẫn là Âu Châu nhưng cuộc lưu diễn xa hơn, lâu hơn, kéo dài tới gần ba tháng.
Võ Văn Ái rất giỏi trong việc vận động 17 hội đoàn tham gia cuộc đấu tranh có tính chất chính trị-văn hóa này. Tôi và Julie được đi hát tại rất nhiều nước (Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Hòa Lan, Tây Đức, Đan Mạch, Ý), được tham dự những cuộc họp báo, diễn thuyết và đi biểu tình trên đường phố Âu Châu. Thật là phấn khởi và lý thú cho cả hai con người chính trị và giang hồ trong tôi. Chỉ cần vạch một hành trình và gọi tên các thành phố cũng đủ làm cho (ví dụ) ông anh thích giang hồ của tôi là văn sĩ Nguyễn Tuân mơ màng: Paris, Nantes, Lyon, Bruxelles, Liege, Aarthus, Copenhagen, Bergen, Kristiansand, Oslo, Trondhiem, Hamburg, Norden, Friburg, Geneve, Lugano, Roma, Padova...
Tại Bắc Âu, nơi sinh thành những truyện cổ tích huyền diệu, tôi được tới tận chỗ để sờ mó bức tượng "nữ nhân ngư" mà người Đan Mạch xây ở cửa biển thành phố Copenhagen để vinh danh nhà văn Andersen, người đem óc tưởng tượng vào truyện dân gian khiến đầu óc tôi thêm nhiều thơ mộng khi còn thơ ấu. Nhìn những vách đá (fjords) ở một xứ có 300 hòn đảo, tôi nhớ tới những cái tên "vu sơn vu giáp" của truyện Tầu, mô tả những vách đá bên sông Dương Tử, nơi phát sinh của dòng giống Việt. Và còn gì thú vị hơn khi tôi được tới nơi đỉnh trái đất để hưởng một ngày 24 giờ không có đêm. Phải sống sáu tháng mùa Đông trong một năm, khi mùa xuân tới, thiên hạ mở hội và yêu nhau nồng nhiệt. Tôi hiểu được vì sao có sự tự do luyến ái ở Bắc Âu. Phim tình dục xuất xứ từ đây.
Đối với con người du ca trong tôi, chuyến đi hát này cho tôi những kinh nghiệm mới. Quý vị trong ngành hát rong (và trong tất cả mọi ngành khác) nên biết rằng trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có sự kiện người dân bỏ nước ra đi đông đảo như thế này. Chúng ta chẳng có một chút kinh nghiệm nào của nghề mình trong cuộc sống lưu vong. Cái gì đến với ta lúc này cũng đều là mới toanh cả. Đi thăm vùng Bắc Âu, tôi thấy hầu hết đồng hương sinh sống tại đây là những thuyền nhân trôi dạt trên biển Đông, được tàu bè Đức hay Na Uy, Đan Mạch vớt lên rồi được đi định cư ở những vùng hẻo lánh. Ở cách xa nhau hàng trăm cây số, đồng hương không thể đi thăm nhau luôn luôn, một đêm nhạc hội là cơ hội gặp nhau để trò chuyện hơn là để thưởng thức nghệ thuật. Tôi và Julie khó lòng làm cho thính giả chú ý tới mình với ngục ca hay tình ca gì đó, bèn bảo nhau hát bài Lời Người Thiếu Phụ Việt Nam. Chỉ khi tìm thấy mình qua số phận người đàn bà vượt biển trong bài hát thì đồng hương mới chăm chú nghe. Tôi nhìn thấy nước mắt chảy trên gương mặt của vài khán giả phụ nữ.
Từ Bắc Âu xuống Nam Âu, khi tới Ý, tôi thực hiện giấc mộng voir Venise et mourir (coi thành phố Venise rồi chết) của tôi. Đi trong thành phố xây trên nước, căn nhà nào cũng là cung điện hay lâu đài tráng lệ nguy nga, tôi ngỡ mình sống lại thời Roméo et Juliette. Ngồi ở một tiệm cà phê nổi danh trong quảng trường Saint Marc, khoái chí vì đây là nơi Don Juan đã ngồi cho phụ nữ tới chiêm ngưỡng. Tiếc thay mình không phải là anh chàng đào hoa đó để được ôm những thiếu nữ Ý Đại Lợi lưng ong vú lớn đang ưỡn ẹo đi trong đám bồ câu trắng. Tất cả những bài hát quen thuộc của thời thơ ấu như Venise La Belle, La Chanson des Gondoliers nổi lên trong đầu khi tôi nằm dài trên chiếc thuyền tình, len lỏi trôi trong những thủy lộ nên thơ ôi là nên thơ!
Ngay sau chuyến Âu du, tôi và Julie mang ngục ca và tủi nhục ca đi Úc trình diễn tại Brisbane, Melbourne, Sydney, Adelaide. Rồi bay qua sa mạc mênh mông tới miền Tây trình diễn tại Perth. Vùng này chỉ cách Việt Nam một múi giờ, mở radio là nghe rõ mồn một các đài Sàigòn, Hà Nội. Chao ôi là nhớ quê hương qua những âm thanh, dù là âm thanh đáng ghét.
Tôi lại có dịp qua Úc một lần nữa vào năm 1985 cùng với Phương Hoài Tâm, Duy Quang và vợ mới cưới của Quang là Mỹ Hà. Sau vài ba buổi hát, trên đường từ Úc tới Nhật Bản tôi tạt qua Singapore và rất sung sướng vì được sống một ngày trong một khu phố giống như tại Cần Thơ hay Vĩnh Long. Cũng là những hàng bán rong trên vỉa hè, những chiếc xe thồ nộ với con ngựa gầy đeo lục lạc kêu leng keng, những hàng dừa hai bên đường... nhất là những tiếng động quen thuộc của một thành phố Á Đông bấy lâu nay tôi không được nghe. Kể cả cái tôi thường gọi là "mùi hương nồng" của đêm trong vùng đất nóng lâu ngày tôi không được ngửi! Từ đó, tôi có thể quên (chẳng hạn) những đêm Paris nằm cạnh một cô đầm nhưng tôi luôn luôn nhớ tới đêm Singapore mùa Xuân 1985 nồng ấm này.
Rời Singapore đi Đài Bắc để tới Nhật, khi phi cơ bay qua vùng trời Việt Nam tôi biết (qua báo chí Singapore) ở dưới kia những anh hùng Trần Văn Bá, Hồ Thái Bạch đang bị xử án. Tới Tokyo là thấy trên Đài Truyền hình phóng sự của phiên Tòa với hình ảnh các bị cáo nhân, người xử án, lính gác và đám đông dân, chúng kẻ đứng người ngồi ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội cũ, nghe xử án qua tiếng loa. Tôi cảm động nhìn các vị anh hùng đang đem tính mạng ra để tỏ tình với nước non, thấy Trần Văn Bá - tôi có hân hạnh ngồi nói chuyện với anh tại Paris trong chuyến Âu du năm trước - tuy gầy đi nhưng vẻ mặt còn cứng cỏi, giọng nói còn bình tĩnh. Tôi có đầy đủ cảm hứng để hoàn tất bài Mùa Xuân Máu Đổ tôi đã phác ra khi còn ngồi trong phi cơ. Tôi sẽ nói kỹ hơn về bài hát này trong một chương khác.
Mặc dù không có liên lạc từ trước nhưng tại Nhật Bản tôi được trình bày ngục ca và tủi nhục ca tại nhiều nơi như Tokyo, Osaka. Được đi thăm các trại tị nạn Himeji, Shinagawa, được Đài Truyền hình Nhật Bản phỏng vấn và nhất là được tới thăm những chùa chiền, lâu đài Nhật Bản đã từng làm tôi say đắm khi tôi coi phim Rashomon hay Ugestu Monogatori.
Tại Nhật, tôi gặp lại Ronald Luce, người của tổ chức Công giáo YMCA đã từng giúp tôi đi hát tại Hoa Kỳ trong những năm tị nạn đầu tiên. Ron giúp tôi làm quen với một đôi uyên ương chồng Nhật vợ Mỹ: Ken và Visakha Kawasaki, những người làm việc trong một tổ chức Phật giáo đang tận tâm giúp đỡ người tị nạn Đông Dương tại Nhật. Họ rất thích những bài ngục ca. Khi tôi ngỏ lời về trường hợp Nguyễn Chí Thiện còn sống và tôi đang làm công việc cứu sống cho ông, hai người bạn này tích cực tham gia vào việc vận động trả tự do cho thi sĩ. Họ viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và viết bài cho báo chí Nhật (như tờ Asahi, Yomiuri, Kobe Newspaper...) về Nguyễn Chí Thiện, đăng thơ của ngục sĩ bằng Nhật ngữ trên các báo đó.
Việc vận động thả tự do cho Nguyễn Chí Thiện, tôi khởi sự ngay khi anh Trần Nhu cho tôi biết đã bỏ ra hai năm để tìm cách liên lạc với gia đình của thi sĩ và có kết quả: Vào tháng Ba năm 84, một lá thư từ Sàigòn gửi ra cho biết anh Thiện còn sống! Trong lúc này tôi đang là thông tín viên (correspondant) của tổ chức Amnesty International, PEN International, Writers In Prison, Asia Watch, Committee To Protect Journalists… liên lạc thường xuyên với anh bạn đã quen từ Việt Nam David McAree (con rể tương lai của nhà văn Duyên Anh và đã tử nạn phi cơ năm 89), bà Kathleen Simson và nhiều nhân vật khác. Tôi liền phi báo tin vui cho tất cả các cơ quan kể trên. Thư đi thư lại trong một thời gian giữa anh Trần Nhu và người quen ở Sàigòn rồi có thư của bà chị anh Thiện là Nguyễn Thị Hoàng gửi đi từ Hải Phòng xác nhận thi sĩ còn sống. Trong thư có kèm hai bức ảnh chụp khi anh Thiện còn trẻ và khi vừa được tạm tha, trước khi đưa lọt tập thơ ra thế giới tự do. Tôi nhận làm công việc cung cấp hai bức ảnh này cho báo chí và các cơ quan đấu tranh cho nhân quyền.
Rồi tôi bàn với bà Kathleen Simson về một chương trình tuyên dương anh Nguyễn Chí Thiện. Trước hết vì thấy trong danh sách ban thành lập PEN International có tên người bạn đồng học với anh tôi là Léopold Senghor, cựu Tổng thống nước Sénégal và là thi sĩ nổi danh trong làng thơ quốc tế. Tôi bèn viết thư cho đại thi hào này và nhờ bà Simson chuyển giao, trong thư tôi đề nghị ông ta viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xin trả tự do cho anh Thiện. Cựu Tổng thống kiêm thi sĩ thể theo lời yêu cầu tôi (với sự trợ ý của bà Simson) viết thư ngay cho Phạm Văn Đồng, trong thư ông gọi nhà thơ Việt Nam là người “đồng liêu" (Confrère). Để vinh danh Nguyễn Chí Thiện một cách vẻ vang hơn, tôi và bà Simson vận động hội Văn bút Hòa Lan trao giải thưởng năm nay cho tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục. Vào ngày 1 tháng Bảy 1985, tôi nhận được điện tín báo thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đoạt giải thưởng Thi Ca Quốc Tế 1985 với món tiền 10,000 florins (tương đương với 5,000 US$). Lúc đó tôi đang đi hát ở Âu Châu. Trong đời tôi, ít khi tôi sung sướng như khi nhận được tin vui này.
Thời gian trôi đi, tôi bận bịu trong rất nhiều công việc như sáng tác, trình diễn và chỉ chú trọng tới việc phổ biến mười bài song ca nên không còn hát ngục ca nữa. Khi hỏi thêm về kết quả của lá thư gửi cho Phạm Văn Đồng, thi hào Léopold Senghor trả lời rằng chưa thấy ông này trả lời, nhưng khi biết tin anh Thiện đã được đem về giam tại nhà Hỏa Lò Hà Nội, tôi yên chí từ nay ngục sĩ sẽ được đối đãi tốt hơn trước. Rồi tôi quên Nguyễn Chí Thiện. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi (và một vài anh bạn rất thân như Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Mạnh, Thái Chính Châu...) kín đáo đóng góp chút tiền để anh Trần Nhu mua quà gửi về cho bà chị đi thăm nuôi anh Thiện.
Mùa Thu năm 91, tôi lưu diễn ở Đức quốc và đang đi tìm dấu vết bức tường Berlin mà không thấy. Phục sát đất dân tộc Đức, xóa bỏ hoàn toàn dấu vết ô nhục, thống nhất đất nước, lòng người, không chậm trễ, không hận thù. Thì được tin anh Thiện đã ra khỏi nhà tù vào ngày 29 tháng Mười 1991!!! Tin vui lại đến vào tháng sinh nhật của tôi. Đó là món quà đẹp nhất trần gian vậy.
Thế là nhờ cuộc vận động chung của tất cả mọi người trên thế giới (trong đó, tôi chỉ là phần tử nhỏ nhoi nhất) thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã được trả tự do. Một bức ảnh mới nhất của anh, chụp ngày 20 tháng Giêng năm 1992, cho thấy anh là một người cao lớn, chững chạc, khắc khổ. Nếu tôi còn sống rất lâu để gặp anh, tôi sẽ ôm anh nói nhỏ: "Thôi! Làm người hùng gần như suốt đời, đủ rồi! Viết thêm dăm bài thơ tình như Đôi Mắt Trương Chi cho tôi phổ nhạc nghe anh!"
(Trích Hồi Ký 4)
PHẠM DUY
THẾ KỶ 21 THÁNG NĂM 1992
*Trong Hồi Ký Phạm Duy bản đang lưu hành, bài này có nhiều sửa đổi và cắt bỏ hết nửa bài (Ngọc)
Nghe Nguc Ca
Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn
Đảng Đầy Tôi
Ngày 19 Tháng 5
Xưa Lý Bạch
Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ
Tôi Có Thể hay là Vô Địch
Chuyện Vĩ Đại Bi Ai
Thấy Ngay Thủ Phạm
Nước Đổng Trác Điêu Thuyền
Sẽ Có Một Ngày
Cái Lầm To Thế Kỷ
Đôi Mắt Trương Chi
Vì Ấu Trĩ
Tia Chớp Này Vĩ Đại
Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S
Đất Nước Tôi
Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng
Biết Đến Bao Giờ Lời Thơ Của Tôi?
Trong Bóng Đêm
Thời Đại Hồ Chí Minh
Đảng Đầy Tôi
Ngày 19 Tháng 5
Xưa Lý Bạch
Những Thiếu Nhi Điển Hình Chế Độ
Tôi Có Thể hay là Vô Địch
Chuyện Vĩ Đại Bi Ai
Thấy Ngay Thủ Phạm
Nước Đổng Trác Điêu Thuyền
Sẽ Có Một Ngày
Cái Lầm To Thế Kỷ
Đôi Mắt Trương Chi
Vì Ấu Trĩ
Tia Chớp Này Vĩ Đại
Ôi Mảnh Đất Hình Hài Chữ S
Đất Nước Tôi
Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng
Biết Đến Bao Giờ Lời Thơ Của Tôi?
Trong Bóng Đêm
Thời Đại Hồ Chí Minh
Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Chí Thiện, Thụy Khuê, ....
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.