Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Hoài Thanh (1909 - 1982)










Hoài Thanh
Nguyễn Đức Nguyên
(1909 - 1982)
Nghệ An
Hưởng thọ 73 tuổi

Bút danh khác: Văn Thiên, Le Nhà Quê
Nhà thơ, Nhà văn, Viết báo, Dạy học








Tiểu sử

Hoài Thanh (1909 - 1982) có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên
là một nhà phê bình văn học đã đóng góp công lớn về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới trong văn học Việt Nam thế kỉ 20. Tác phẩm bất hủ Thi nhân Việt Nam do ông và em trai (Nguyễn Đức Phiên - bút danh Hoài Chân) viết đã đưa tác giả lên vị trí cao, xứng tầm một nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1909 trong một gia đình nhà nho nghèo có tham gia phong trào Đông Du chống Pháp của Phan Bội Châu. Quê ông ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bắt đầu học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, hồi nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh; rồi theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học; tham gia phong trào yêu nước của học sinh của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Năm 1927, Ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1930 đang học ở trường Bưởi (Hà Nội) thì bị bắt, bị kết án treo, bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ và giải về quê. Năm 1931 vào Huế, làm công cho một nhà in, đi dạy học, đồng thời viết văn, viết báo.

Tham gia Tổng khởi nghĩa của Việt Minh cướp chính quyền ở Huế tháng 8 năm 1945. Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoài Thanh mất ngày 14 tháng 3 năm 1982 tại Hà Nội.
Hưởng thọ 73 tuổi







“ Một đời làm văn tôi chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của tôi. Vậy mà tôi đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí tôi còn bị vu cáo, bị nói oan. Tôi biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà tôi có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là tôi đã sống và viết hoàn toàn trung thực. ”
 

Hoài Thanh








Hoài Thanh lúc trẻ













 
Tác phẩm đã xuất bản










 
Viết các báo: 

Phổ thông, Le Peuple (do Nguyễn Văn Trấn sáng lập), La Gazette de Huế, Tràng An, Sông Hương, Tao Đàn.
Văn chương và hành động (1936)









Thi nhân Việt Nam
1932-1941

(1941, cùng viết với Hoài Chân, nhưng Hoài Thanh là chủ yếu)

















 
Có một nền văn hóa Việt Nam 
(1946)







Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du 
(1949)







Nhân văn Việt Nam
(1949)







Xây dựng văn hóa nhân dân
(1950)







Nói chuyện thơ kháng chiến
(1951)







Nam Bộ mến yêu
(1955)







Quê hương và thời niên thiếu của Bác
(cùng viết với Thanh Tịnh 1960)







Phê bình và tiểu luận
tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971)






 
Phan Bội Châu 
(1978)







Chuyện thơ
(1978)







Tuyển tập Hoài Thanh
(2 tập, 1982-1983)







Di bút và di cảo
(1993)







Hoài Thanh toàn tập
(4 tập, 1998)








 

Một nửa đời vị nghệ thuật:

“ Vị nghệ thuật một nửa đời
Nửa đời còn lại vị người cấp trên
"Thi nhân" còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau... ”

Xuân Sách - Thơ chân dung

 

Phản ứng của tác giả:

 
“ Tay này nó biết mình mê Kiều nên nó dùng lối lẩy Kiều để vẽ chân dung thì khéo thật. Tuy vậy câu thứ hai nói oan và nói ác quá. Có không ít người nghĩ như thế về tôi. ”

Hoài Thanh










Giải thưởng
Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000)






 

 

Tham khảo thêm về nhà phê bình Hoài Thanh









Trăm năm nhìn lại Hoài Thanh (1909 – 1982): 
Giải nỗi oan và ức

Ngày 9/7/2009 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình Hoài Thanh. Đây là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, thân thế và sự nghiệp lớn lao của ông trong nền văn học Việt Nam
 
Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/7/1909 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với nhiều cống hiến to lớn của mình cho văn học Việt Nam, năm 2000, nhà văn Hoài Thanh đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

1. Mười năm Thơ Mới là cả một thời đại. Thời đại của sự giải phóng tình cảm cá nhân, của sự tự do nảy nở cá tính sáng tạo. Tác giả Thi nhân Việt Nam đã viết một cách sảng khoái, tự tin: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. Từ người này sang người khác sự cách biệt rõ ràng. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tai hại ở chỗ khác. Ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca. Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê. Cảnh tượng thực là hỗn độn”.

Hoài Thanh (cùng với người em là Hoài Chân) thực đã hồn nhiên và táo bạo khi tự đứng ra làm tuyển Thi nhân Việt Nam. Nhưng ngẫm kỹ thấy đó cũng là điều tự nhiên. Nhà phê bình tuổi trẻ ngang như các nhà Thơ Mới cùng lứa. Các nhà thơ có tài làm thơ, còn nhà phê bình thơ có tài thẩm thơ. Họ đồng điệu tâm trạng và cảm xúc trong thời họ sống. Họ đầy nhiệt tình và tự tin trong thơ ca. Và họ được sáng tạo như để sống và để chết. Bởi đó mới có Thi nhân Việt Nam như một tổng kết của phong trào Thơ Mới, như một tuyển tập những bài thơ hay, như một đài thơ tôn vinh những người thơ tài năng.

Nói tới Thơ Mới không thể không kể tới Hoài Thanh và công trình để đời này của ông bên cạnh các thi nhân lừng danh với các thi phẩm nổi tiếng của họ. Thử hỏi ở xứ ta văn học hiện đại đã có một tuyển thơ nào có một giá trị chứng nhận lớn lao như vậy chưa? Giới thiệu một tác giả thơ chỉ cần một dòng đề trong tiểu sử: “Có tên trong Thi nhân Việt Nam”, thế là đủ tăng thêm vinh dự cho tác giả và tăng độ tin thơ cho độc giả.

Không phải Hoài Thanh đã tuyển chọn mười phân vẹn mười được cả. Không phải những người khác không có tên trong tập tuyển là đều không đáng chú ý. Nhưng cứ “có tên trong Thi nhân Việt Nam” là như một bảo đảm chắc chắn rồi. Cho mãi đến sau này, khi gợi nhớ lại nữ sĩ Ngân Giang bị lãng quên trên thi đàn, một nhà ngôn ngữ học có tiếng đã phải ngậm ngùi cho nữ sĩ là “nổi tiếng từ 1930-1945 mà Thi nhân Việt Nam không kịp nhắc đến”. Được đảm bảo bằng Thi nhân Việt Nam! Đời một nhà phê bình còn gì sung sướng và tự hào hơn thế nữa.

Mới hay phê bình rất cần tự do. Tự do lựa chọn cái mình thích theo chuẩn của mình. Tự do khen chê thưởng thức, bình giá theo ý mình, theo năng lực và năng lượng cảm xúc của mình. Tự do chịu trách nhiệm sự thẩm bình và đánh giá của mình. Hoài Thanh không bị ràng buộc gì khi làm Thi nhân Việt Nam ngoài hai điều ông tự ràng buộc mình: “Khi xem thơ chỉ biết có thơ” và “Giữ lòng ngay thẳng, ít nhất là trong văn chương”.

Sau này nhà phê bình về già cũng có lúc có ý định làm một tuyển “Thi nhân Việt Nam mới”. Nhưng ông lấy làm buồn vì bận nhiều công việc mà đã không thực hiện được ý định. Song le, nếu ông có bắt tay vào làm thì chắc cũng vất vả, khó nhọc lắm, phần vì thực trạng thơ ca đã khác, phần vì nhiều hệ lụy sẽ níu kéo ông, khi đó hai điều ông tự ràng buộc mình sẽ có cơ bị nới lỏng hoặc đứt mất.

2. Sinh thời, tôi nghĩ, ông có một nỗi oan và một nỗi ức. Nỗi ức là từ năm 1935 khi ông cho rằng “văn chương là văn chương”, viết văn phải có phẩm tính văn, những sự tải đạo trong văn cũng là cần, nhưng nếu người viết văn chỉ thế thôi thì chỉ mới là người cầm bút, chưa phải nhà văn, chỉ vì thế mà ông bị cáo buộc là theo phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” , là đứng về giai cấp phú hào, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân lao động. Ông quyết không chịu bị quàng vào mình cái tiếng ấy, và cực lực phản đối.

Dịp kỷ niệm trăm năm sinh của ông hôm nay, đọc lại tập những bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An những năm 1935-1936 mới được sưu tập, in ra, độc giả sẽ thấy ông hoàn toàn là nhà văn vị nhân sinh nhưng vẫn rất bảo vệ chất văn, chất nghệ thuật của văn chương, cái mà thiếu đi thì văn chương không còn là văn chương nữa. Nỗi ức này còn để lụy cho ông nỗi oan cuối đời. Nỗi oan trong câu thơ vẽ chân dung ông: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” của Xuân Sách. Thực hư chuyện này chỉ cần mở ra đọc lại các bài ông bình thơ của các nhà thơ từng ở những vị trí lãnh đạo thời ông sống sẽ có câu trả lời thỏa đáng. “Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ” đó là điều “thiên lương” mà tôi chắc ông đã cố giữ gìn, nâng niu.

Tưởng nhớ ông một trăm năm sinh, thiết thực nhất là ta nghe lại những lời ông nói năm 1935 trên báo Tràng An để chấm dứt cuộc biện luận đã khiến ông mang nỗi ức mãi về sau: “Mục đích của tôi, trong cuộc biện luận này, không có gì khác hơn là yêu cầu cho nhà văn được hưởng một tý tự do (...) Ngoài bao nhiêu sự ràng buộc của tự nhiên, của pháp luật, tôi không muốn thêm một sự ràng buộc của dư luận nữa. Tài là vật quý, quý nhất trong đời này. Làm sao người ta lại nỡ lấy những phép tắc, những khuôn sáo, những sự ngu muội giữa đời mà kiềm thúc, mà hạn chế cái tài là vật bản tính ở trên hết mọi phép tắc, mọi khuôn sáo?”.










 

Chỉ còn ít tháng nữa là tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Hoài Thanh, tác giả bộ hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" nổi tiếng. Nhân dịp này, nhà văn Từ Sơn – trưởng nam của ông đã gửi tới chúng tôi bài viết kể lại những bước đầu tiên đến với văn học của thân phụ mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Năm 1930, Hoài Thanh đang học ở Trường Bưởi (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An hiện nay) thì bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Sở mật thám Hà Nội (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội) rồi bị giải về Vinh, giam ở nhà lao Vinh. Sau đó chúng kết án Hoài Thanh sáu tháng tù treo và cho phép ông trở lại trường học…

Trở lại trường chưa được bao lâu, Hoài Thanh lại bị đuổi học vì mật thám Pháp khám ngăn tủ của ông thấy vẫn có sách chính trị chống đối chúng.

Bị đuổi học, Hoài Thanh ra ở trọ tại một quán cơm số nhà 32 Hàng Đồng. Tại đây, ông gặp Lưu Trọng Lư và một vài học sinh vừa bãi khóa ở Quốc học Huế ra đang kiếm chỗ học tư. Hoài Thanh dạy các anh em đó để có tiền tự học đi thi tú tài Tây (vì đã bị đuổi học thì không được thi tú tài bản xứ).

Đỗ tú tài phần thứ nhất, nhờ sự giới thiệu của một cây bút nổi tiếng – nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố – Hoài Thanh được nhận vào làm việc ở tòa soạn báo Phổ thông. Ngô Tất Tố rất quý Hoài Thanh. Trong cuốn "Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim", Ngô Tất Tố có lời đề tặng ở đầu sách: "Tặng Hoài Thanh – Nguyễn Đức Nguyên, một người trong sạch, có nghị lực trong lớp thanh niên ngày nay". Có thể nói, Ngô Tất Tố là người thầy quan trọng đầu tiên dắt dẫn Hoài Thanh đi vào con đường văn chương, báo chí chân chính.

Những bài viết của Hoài Thanh và đồng sự trên tờ Phổ thông ít nhiều đều có tính chất đả kích chính quyền thực dân hồi bấy giờ nên thường bị kiểm duyệt bỏ. Hoài Thanh và đồng sự bàn với chủ báo là Đặng Nguyên Quang ra thêm tờ Le Peuple (Nhân dân) mỗi tuần hai kỳ. Lúc bấy giờ, báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt. Hoài Thanh và đồng sự tha hồ đả kích kẻ cầm quyền. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp của người Việt ở miền Bắc. Báo bán rất chạy.

Le Peuple ra được ba số. Số 4 đang in thì có lệnh trục xuất Hoài Thanh và Nguyễn Đức Bính (anh em con chú con bác với Hoài Thanh cùng làm ở tòa soạn). Hai người bị bắt, giam ở Sở mật thám rồi bị giải về Vinh, đưa về quê nhà (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc ngày nay), giao cho lý trưởng quản thúc. Lúc bấy giờ là cuối năm 1930.

Hoài Thanh từng kể lại ("Di bút và di cảo" – NXB Văn học, 1993): "Lúc bấy giờ đang cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tôi ngơ ngác không hiểu gì hết. Tôi chỉ biết một điều: với cái án tù treo và cái án trục xuất, tôi rất có thể lại bị bắt và rất có thể bị giết. Lúc bấy giờ các đồn lính lê dương đóng dày đặc ở quê tôi, hàng ngày chúng vẫn giết người không cần lý lẽ gì hết. Lại thêm nạn đói đang hoành hành. Tôi lên Vinh kiếm việc làm".

Cuộc đời Hoài Thanh từ đấy rồi sẽ ra sao nếu không có cái buổi sáng đi nhận việc làm cho một tên chủ lò gạch người Tây hồi bấy giờ?

Sáng hôm ấy, đúng hẹn, Hoài Thanh đi trên chiếc xe đạp còng cọc của mình từ quê nhà lên thành phố Vinh để gặp chủ lò gạch nhận việc. Đi chưa được nửa đường (làng quê Hoài Thanh cách Vinh 11 cây số) thì xe bị xì lốp. Hoài Thanh đến muộn. Viên chủ Tây cho Hoài Thanh một cái tát rõ đau và mắng: "Buổi đầu nhận việc mà mày đến chậm, mày còn vác mặt đến gặp tao làm gì?". Hoài Thanh bị đuổi thẳng cổ và không được nói một lời thanh minh cho lý do đến trễ.

Hoài Thanh lại bơ vơ đi tìm việc. Tên Chánh mật thám Vinh Billet gọi ông đến gạ làm tay sai cho nó. Ông một hai không nhận.

Một hôm đang lang thang trên đường phố Vinh, ông gặp ông Tôn Quang Phiệt đang dọn đồ ra khỏi nhà một ông chủ người Hoa vì không muốn làm gia sư ở đấy nữa. Ông Phiệt than phiền với Hoài Thanh rằng người chủ này đối xử tàn tệ, coi ông như người ở. Đang bí tìm việc làm, Hoài Thanh đành cắn răng thế chỗ ông Tôn Quang Phiệt.

Ông chủ người Hoa này là chủ khách sạn Cộng Hòa ở Vinh. Hoài Thanh làm gia sư ở đây không lâu. Một sự tình cờ, ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế có việc ghé qua, biết Hoài Thanh có bằng tú tài Tây bèn thương lượng xin cho Hoài Thanh vào Huế làm thợ chữa mo-rát cho nhà in… Lúc ấy là năm 1931.

Như vậy là, nhân một sự tình cờ mà Hoài Thanh được ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập (từ 1935 ông Tín cũng là chủ nhiệm của hai tờ báo: Tràng An và La Gazette de Hué) đưa vào Huế để làm thợ chữa mo-rát. Sự tình cờ này đã tạo điều kiện cho Hoài Thanh dần trở thành một cây bút viết báo và viết văn xuất sắc.

Tất nhiên không phải ai làm nghề chữa mo-rát rồi cũng trở thành nhà báo, nhà văn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khí chất và bản lĩnh của từng người. Ở đời, gặp một hoàn cảnh ngẫu nhiên, một sự tình cờ nào đó có thể làm cho cuộc đời một con người chuyển hướng ngược lại với điều ước muốn của mình. Đó là điều ta thường thấy ở khá nhiều người. Nhưng không phải không có người gặp một sự tình cờ nào đó đã giúp cho mình vượt lên chính mình hoặc phát huy được khả năng của mình.

Hoài Thanh thuộc vào trường hợp sau. Dù sao, nói cho hết lẽ, nếu sáng hôm ấy ở Vinh, Hoài Thanh không đến muộn, không bị viên chủ Tây tát và đuổi thẳng cổ thì liệu có một Hoài Thanh của "Thi nhân Việt Nam" không? Hay là… ai mà đoán được?

Vậy là, từ năm 1931, hàng ngày chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyên (tên thật của Hoài Thanh) từ ngôi nhà trọ lợp tranh ở gần miếu Âm Hồn trong thành nội, lê chân trên đôi guốc mộc đi bộ đến nhà in Đắc Lập nằm trên đường Paulbert (nay hình như là đường Trần Hưng Đạo) gần một đầu cầu Tràng Tiền để cắm cúi chữa những bản in bằng chữ quốc ngữ hoặc chữ Pháp. Rời bỏ quê nhà, đi làm thợ nhà in vì "bởi ở nhà quê mà không có tư bản thì một mình không sao nuôi sống tám chín người" (như Hoài Thanh tâm sự trong "Di bút và di cảo"). Công việc làm thuê để kiếm sống này kéo dài đến năm 1936.

Nếu là người an phận, như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng với Hoài Thanh, mục tiêu sống của ông từ thiếu thời cho đến ngày từ giã cõi trần luôn luôn sống vì một niềm khát vọng lớn: vươn tới Chân -Thiện – Mỹ. Các bài viết thời thanh niên, Hoài Thanh thường nói tới mơ ước được trở thành "con người hoàn toàn" chính là do sự thôi thúc này.

"Con người hoàn toàn", theo quan niệm thời thanh niên của Hoài Thanh, không phải là muốn thần thánh hóa con người mà chính là sự tự hoàn thiện trong hoàn cảnh sống của từng người: "Có người phải vào sinh ra tử mới hoàn toàn, có người dùng lời nói, dùng ngòi bút, có người chỉ chăm sóc việc nhà, luyện tập nữ công cũng hoàn toàn. Cứ trung bình mà nói, bất kỳ người nào, nếu thực muốn sửa mình, thực có nghị lực thực hành ý muốn đó, đều có thể trở nên người hoàn toàn cả, hoàn toàn trong phạm vi hoàn cảnh, thời đại, giáo dục, nhất là bẩm tính tự nhiên của mình. Nghĩa là không thể buộc ai cũng phải theo chung một lý tưởng về hoàn toàn (un même idéal de perfection). Lý tưởng ấy phải mỗi người mỗi khác. Mà có khác mới hay. Bằng ai cũng như ai, muôn nghìn người sẽ như một đội binh lớn, cuộc đời còn lý thú gì?"(sách đã dẫn).

Từ bảy mươi tư năm trước, chàng thanh niên Hoài Thanh đã vượt lên trên hoàn cảnh của một người thợ chữa mo-rát bình thường tìm cách "dùng ngòi bút" để tự hoàn thiện mình với hy vọng trở thành một "con người hoàn toàn" theo quan niệm của mình, bằng tất cả "nghị lực thực hành ý muốn đó". Điều này thể hiện rất rõ trong các bài viết của Hoài Thanh đăng trên báo Tràng An hồi 1935, 1936.

Hãy nghe Hoài Thanh tâm sự: "Tôi là một anh học trò và một anh nhà quê. Lai lịch tôi cũng là lai lịch một anh học trò và một anh nhà quê". Có lẽ vì thế, Hoài Thanh hay dùng bút danh Nhà Quê (trên báo Tràng An) và Le Nhà Quê (trên báo La Gazette de Hué). Dùng các bút danh ấy không phải là để "làm dáng độc đáo" mà thực sự bắt nguồn từ trong tâm của ngòi bút Hoài Thanh thời trẻ: hướng lòng mình về chốn hương thôn đang còn chịu bao nhiêu điều vất vả, khổ đau. Nhiều bài viết của Hoài Thanh trên Tràng An hồi 1935, 1936 đã thể hiện rất rõ tình cảm này.

Đọc các bài viết của Hoài Thanh hồi ông mới ở tuổi hai mươi lăm, hai mươi sáu, tôi cứ ngạc nhiên hoài sao cái cậu "học trò nhà quê" tự kiếm sống để vừa nuôi gia đình, vừa đi học lại có sự hiểu biết nhiều đến thế: từ ngoại ngữ, toán học, khoa học cơ bản đến lịch sử, văn học cổ kim, đông tây đến triết học, văn hóa học v.v… cho đến cả những vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, luật pháp… Chắc chắn là có không ít kiến thức Hoài Thanh thu nhận từ nhà trường thời bấy giờ (Hoài Thanh chỉ được học liên tục ở nhà trường từ tiểu học cho đến thi xong "đip-lôm"- tương dương tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ. Từ cấp tương đương trung học phổ thông hiện nay, Hoài Thanh tự học là chính, vì tham gia hoạt động chống đối chính quyền thực dân như đoạn đầu bài này đã nhắc tới). Điều chắc chắn nữa là Hoài Thanh đã học rất nhiều ở "trường đời" để trang bị cho mình một "cái phông văn hóa" khá vững chắc.



Theo CAND Online














Vợ chồng Hoài Thanh và các con












Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.