Phạm Quỳnh
(1892 - 1945)
Hưởng dương 53 tuổi
Tên hiệu: Thượng Chi
Bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân
Nhà văn, Nhà báo, Nhà văn hóa, Dịch giả,
Quan đại thần triều Nguyễn
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn;
Tiếng ta còn, nước ta còn"
Phạm Quỳnh
Tiểu sử
Phạm Quỳnh sinh năm 1892 tại phố Hàng Trống Hà Nội.
Quê quán ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Mồ côi mẹ từ chín tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên chín tuổi và được bà nội nuôi ăn học.
Phạm Quỳnh đỗ bằng Thành Chung Trường trung học bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn)
Năm 1908, 16 tuổi, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội
Năm 1916, Phạm Quỳnh bắt đầu làm báo,
Chủ bút tờ Nam Phong tạp chí từ ngày 1/7/1917 đến 1932.
Sáng lập và làm Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức từ ngày 2/5/1919
Năm 1922 dự Hội chợ triển lãm Marseille, diễn thuyết tại Viện Hàn Lâm Pháp về dân tộc giáo dục
Năm 1924 được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt trường Cao Đẳng Hà Nội
Năm 1925 - 1928 là Hội trưởng Hội Trí Tri Bắc kỳ
Năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương
Năm 1931 giữ chức phó hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội
Năm 1932, Phạm Quỳnh được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại. Thời gian đầu làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945)
1945, Cách mạng tháng tám bùng nổ
Phạm Quỳnh bị Việt Minh bắt giam trưa ngày 23/8/1945 và bị giết sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) cùng Ngô Đình Huân (con trai Ngô Đình Khôi).
Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9/2/1956 tại chùa Vạn Phước, Huế.
Hưởng dương 53 tuổi.
Tác phẩm tiêu biểu
Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng việt và tùy bút.
Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên Nam Phong Tạp Chí, sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.
1
Văn Minh Luận
2
Ba Tháng Ở Paris
3
Văn Học Nước Pháp
4
Chính Trị Nước Pháp
5
Khảo Về Tiểu Thuyết
6
Lịch Sử Thế Giới
7
Lịch Sử Và Học Thuyết Voltaire
8
Phật Giáo Đại Quan
9
Cái Quan Niệm Của Người Quân Tử Trong Đạo Khổng
10
Thượng Chi Văn Tập
Sài Gòn tái bản năm 1962
Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi
in lần đầu năm 1943 (5 quyển)
Sách in sau này ở Việt Nam
11
Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng việt và tùy bút.
Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên Nam Phong Tạp Chí, sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.
1
Văn Minh Luận
2
Ba Tháng Ở Paris
3
Văn Học Nước Pháp
4
Chính Trị Nước Pháp
5
Khảo Về Tiểu Thuyết
6
Lịch Sử Thế Giới
7
Lịch Sử Và Học Thuyết Voltaire
8
Phật Giáo Đại Quan
9
Cái Quan Niệm Của Người Quân Tử Trong Đạo Khổng
10
Thượng Chi Văn Tập
Sài Gòn tái bản năm 1962
Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi
in lần đầu năm 1943 (5 quyển)
Sách in sau này ở Việt Nam
11
Luận Giải Văn Học và Triết Học
Nxb Thông Tin 2001
13
Nxb Thông Tin 2001
13
Pháp Du Hành Trình Nhật Ký
(1922)
Nxb Hội Nhà Văn 2004
14
(1922)
Nxb Hội Nhà Văn 2004
14
Thượng Chi Văn Tập
Nxb Văn Học 2007
15
Nxb Văn Học 2007
15
Du Ký Việt Nam
(1919)
Nxb Trẻ 2007
16
(1919)
Nxb Trẻ 2007
16
Hội Trí Tri Bắc Kỳ
(Hội trưởng Phạm Quỳnh mặc áo the đen khăn xếp ngồi giữa)
(Thư gởi cho vợ từ Marseille, Pháp quốc năm 1922)
Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh
tại Pháp, Paris 1922
Phạm Quỳnh & Phạm Duy Tốn (thân phụ Nhạc sĩ Phạm Duy)
tại Pháp, Paris 1922
Phạm Quỳnh & Phạm Duy Tốn (thân phụ Nhạc sĩ Phạm Duy)
tại Pháp, Paris 1922
Tham khảo thêm về tác giả Phạm Quỳnh
Wikipedia
PHẠM QUỲNH, MỘT SĨ PHU HÀ NỘI
Phạm Tôn
Năm 1908 Phạm Quỳnh đã đỗ thủ khoa năm đầu tiên của trường Trung học Bảo Hộ. Nhân dân thường quen gọi là “Thủ khoa Tây trường Bưởi”.
Cũng năm 1908 ấy, trường Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Cử Can ở phố Hàng Đào bị Pháp đóng cửa. Chàng học sinh con nhà nghèo đến mấy đời Phạm Quỳnh đã cùng các bạn tham gia đấu tranh phản đối nhà đương cục. Bị Pháp bắt, nhưng rồi được thả vì chưa đến tuổi thành niên.
“Thủ khoa Tây” được tuyển ngay vào làm nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ, một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn, đủ mọi mặt toàn xứ Đông Pháp. Năm ấy, “công chức” Phạm Quỳnh mới mười lăm tuổi. Vốn ham hiểu biết, lại được làm việc dưới sự chỉ bảo của các “đại sư” người Pháp uyên thâm nhiều lĩnh vực, và được ở bên, ở ngay trong kho sách lớn có một không hai trong nước ta, Phạm Quỳnh thả sức học tập, đọc miệt mài, hết tra cứu, đến so sánh, lại ghi chép… đến quên cả giờ về nhà. Tại đây Phạm Quỳnh quen biết Nguyễn Văn Tố, sau này cũng là một học giả nổi tiếng, từng tham gia chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đầu tiên của cụ Hồ.
Những năm làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ (1908-1917) cũng chính là những năm học tập miệt mài, khổ công tự học và thành tâm, khiêm tốn học hỏi các bạn đồng nghiệp Pháp Việt đã đưa Phạm Quỳnh từ một thanh niên hiếu học trở thành một nhà
nghiên cứu có kiến thức vững chắc, khá toàn diện về nhiều ngành khoa học xã hội và cả khoa học tự nhiên nữa. Đặc biệt, từ một học sinh chỉ viết được có hai chữ nho tên mình, suýt bị trượt kỳ thi tốt nghiệp trường Trung học Bảo hộ vì bài dịch Hán văn ra Pháp văn đáng lẽ bị điểm liệt, may mà được các giám khảo nương tay cho nửa điểm mới đỗ “Thủ khoa Tây”, sau chín năm trời đã trở thành một nhà Hán học uyên thâm, có thể đọc, dịch và viết văn bằng chữ Nho thành thạo. Chủ yếu là do công tự học kiên trì và có phương pháp đúng.
Do có vốn liếng vững chắc về khoa học xã hội, năm 1913, Phạm Quỳnh đã trở thành một cây bút quen thuộc, được tín nhiệm trên Đông Dương tạp chícủa người bạn cùng học trường Thông Ngôn năm nào Nguyễn Văn Vĩnh. Từ đó Phạm Quỳnh nổi tiếng với nhiều bài nghiên cứu sắc sảo, chững chạc, già dặn hơn tuổi đời hai mươi của mình rất nhiều.
Những bài báo đó “lọt mắt xanh” của Louis Marty, giám đốc Vụ Chính trị Phủ Toàn quyền Đông Dương và cả bản thân Toàn quyền Albert Sarraut nữa. Hai con cáo già thực dân này đã quyết định dùng Phạm Quỳnh làm cầu nối giữa Pháp và Việt Nam, giữa lớp trí thức cũ Hán học và lớp trí thức mới Tây học.
Năm 1917 tạp chí Nam Phong ra đời với chủ bút phần quốc ngữ là Phạm Quỳnh, mới hai mươi bốn tuổi.
Chẳng bao lâu, tạp chí Nam Phong đã trở thành tờ báo có uy tín nhất và lớn nhất thời bấy giờ. Báo quy tụ được cả những nhà cựu học uyên thâm lẫn những người tuổi trẻ tài cao. Phạm Quỳnh dùng Nam Phong tạp chí làm cơ quan để “tài bồi” cho văn quốc ngữ trở thành tiếng nói, chữ viết chuyển tải được những sự phát triển mới trong đời sống xã hội, đủ các ngành khoa học.
Vì ông tin rằng, có tiếng mới có nước, tiếng còn thì nước không mất được.
Năm 1922, với danh nghĩa Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức do ông sáng lập, Phạm Quỳnh sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Marseilles. Ông tranh thủ diễn thuyết ở nhiều nơi để người Pháp hiểu thêm và do đó tôn trọng nước và người Việt Nam mình. Ông còn nhờ các bạn bè người Pháp quen biết từ hồi họ còn ở Việt Nam mà tìm ra đường đến diễn đàn Viện Hàn Lâm Pháp. Bài nói của ông thuyết phục đến nỗi các viện sĩ có mặt nhất loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng, một hiện tượng chưa từng xảy ra ở nơi tụ hội tinh hoa của cả nước Pháp, gây chấn động lớn khắp thủ đô Paris. Ông nói dân tộc Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng, ai muốn viết gì lên cũng được. Mà là một quyển sách cổ, đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai. Nếu muốn cũng chỉ có thể đóng quyển sách ấy lại theo lối mới cho hợp thời trang, chứ không thể viết một thứ chữ khác lên những trang đã đầy chữ rồi. Ông kiên quyết bảo vệ bản sắc Việt Nam.
Những ngày ở Paris, ông đã gặp và trao đổi ý kiến với Nguyễn Ái Quốc ít nhất ba lần; một lần còn được Nguyễn Ái Quốc “đích thân tổ chức bữa cơm Bắc thết khách Bắc” tại nhà luật sư Phan Văn Trường.
Ngày 8/9/1924, Phạm Quỳnh là người đầu tiên đứng ra tổ chức kỷ niệm ngày mất thi hào Nguyễn Du. Trước hơn 2000 người tham dự, câu nói bất hủ của ông đã được đồng thanh tán thưởng
Truyện Kiều còn tiếng ta còn, Tiếng ta còn nước ta còn.
Năm 1925, Phan Bội Châu bị đưa ra xét xử ở Tòa Đề hinh Hà Nội, nơi kết án tàn bạo nhất. Phạm Quỳnh không ngần ngại viết bài trên báo Indochine Républicaine (Đông Dương Cộng Hòa) lớn tiếng bênh vực nhà chí sĩ “chỉ có một tội là tội yêu nước” như tất cả mọi người Pháp yêu nước chống quân ngoại xâm xưa nay. Ông cốt nói rõ với những người Pháp còn có lương tri ở Đông Dương và càng muốn nói thẳng với người Pháp ở ngay chính nước Pháp. Phạm Quỳnh đã góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân hồi ấy đòi khoan hồng cho Phan Bội Châu. Thế rồi, từ một án tử hình, tám án chung thân, hạ dần xuống mức chỉ còn bị quản chế ở Bến Ngự xứ Huế. Mười lăm năm cuối đời Phan Bộ Châu, nhà báo Phạm Quỳnh, rồi Thượng thư Phạm Quỳnh lúc nào cũng bênh vực, tận tụy chăm sóc ông về tinh thần và cả vật chất nữa. Cho đến năm 1940 Thượng thư Phạm Quỳnh vẫn không ít lần đến tận nhà thăm và giúp đỡ nhà chí sĩ cho đến khi Phan Bội Châu qua đời.
Năm 1926, Thống sứ Bắc Kỳ René Robin có “nhã ý” trợ cấp cho tạp chí Nam Phong. Nhân cơ hội này, Phạm Quỳnh xin trợ cấp cả cho Nguyễn Văn Vĩnh mà ông trình bày trong thư gửi Robin là đã và đang làm nhiều việc mà còn gặp nhiều khó khăn hơn ông.
Ngày 4/12/1931, Phạm Quỳnh đã đưa ra trước Hội đồng cấp cao Đông Dương về Kinh tế-Tài chính đòi bãi bỏ chính sách độc quyền sản xuất rượu gạo ở Bắc Kỳ. Cuộc vận động này đã thành công, mở ra một thị trường rượu ở Bắc Kỳ, có cạnh tranh ở mức độ nhất định, khai thông phong trào cải cách ở Đông Dương và những nỗ lực bãi bỏ độc quyền cả ở các mặt kinh tế lẫn chính trị.
Năm 1932, Phạm Quỳnh vào Huế làm Thượng thư Bộ Quốc Dân Giáo Dục kiêm Tổng lý Đại thần Ngự Tiền Văn Phòng. Thì ngay cuối năm sau, ông viết thư cho Louis Marty đề nghị khoan hồng cho người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Công Nghi bị kết án đày ra Côn Đảo hoặc nước ngoài vì tội “âm mưu cộng sản” ở Kiến An. Có lẽ xưa nay không có ai vừa nhậm chức lại đi làm một việc như thế, không hề nghĩ gì đến “cái ghế mình ngồi còn chưa ấm chỗ”.
Năm 1936, khi Nguyễn Văn Vĩnh chết thảm trên đường đi tìm vàng tại Lào thì Phạm Quỳnh đang là Tổng lý Đại Thần Ngự Tiền Văn Phòng và Thượng thư Bộ Quốc Dân Giáo Dục. Vậy mà ông lại làm bài thơ Khóc Nguyễn Văn Vĩnh; Trong đó, bốn câu cuối rất lạ:
Sống lại như tôi là sống nhục.
Chết đi như Bác chết là vinh
Suối vàng Bác có dư dòng lệ.
Khóc hộ cho tôi nỗi bất bình.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp rồi dựng lên chính phủ Trần Trọng Kim. Phạm Quỳnh rút khỏi chính trường, về nhà sống ẩn dật, chuyên tâm trở lại với nghề viết mà ông hằng yêu quí. Trong những ngày biến động này, ông em vợ thấy anh rể cứ bình chân như vại thì sốt ruột quá mới khuyên anh “nên tránh đi, sang Lào chẳng hạn vì xem ra vua Lào quí anh lắm.” Thì Phạm Quỳnh thản nhiên trả lời là “Chính lúc này mới càng cần ở trong nước để đem tài trí ra giúp nước”. Rồi lại cặm cụi đọc sách, viết văn.
Ông tự nhận “Đã lỡ lầm mà ra làm quan” vì tưởng “cái thân nho quèn” của mình có thể làm được những việc có ích cho dân cho nước mà trước đây chỉ thể hiện được trên giấy trắng mực đen. Ông “khởi động” bằng việc dịch thơ Đỗ Phủ, nhà thơ lớn Trung Quốc mà ông phục tài và yêu mến vì có phần cùng cảnh ngộ. Trong những ngày hè xứ Huế năm 1945 nóng như đổ lửa, ông cặm cụi dịch thô được 51 bài thơ tâm đắc thì ông gửi ngay vào Hà Tiên cho vợ chồng nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, bạn thân và người cộng tác cũ của Nam Phong. Sau đó “có đà rồi” ông bắt đầu đọc thật nhiều, nghĩ càng nhiều hơn để bắt tay vào viết những trang sách cuối đời mình. Bấy giờ, ông chuyên viết tạp văn, kiểu tạp văn của Lỗ Tấn. Thật sâu sắc, độc đáo nhưng lại rất ngắn gọn, súc tích, dễ đọc. Ông đặt tên cho bộ sách mới của mình là Hoa Đường tùy bút – Kiến văn, Cảm tưởng. Hoa Đường là tên làng quê ông xưa, những năm cuối này ông thường lấy làm bút danh. Trong bộ sách này, ông muốn dốc hết những gì mình từng thấy, từng nghe trong cuộc đời hơn ba mươi năm chìm nổi và cả những cảm tưởng khi mắt thấy, tai nghe hoặc đọc được, trình bày ra trang giấy để lại cho người đời sau có thêm kinh nghiệm sống. Trên bìa cuốn vở học trò, ông nắn nót ghi tên bộ sách mới, còn cẩn thận ghi thêm chữ số I La Mã; vì đây là cuốn đầu trong bộ sách mới, bộ sách cuối cùng mà ông quyết chắt lọc tinh túy trong cả cuộc đời mình để viết ra, không biết sẽ gồm bao nhiêu cuốn vở như thế này. Phạm Quỳnh còn giống Lỗ Tấn cả ở cách viết. Bản thảo đầu tiên thường cũng là bản thảo cuối cùng, chỉ thêm bớt mấy chữ hoặc chuyển vị trí vài dòng vài chữ mà thôi. Khi đưa đi in mới chép lại cho dễ đọc, khỏi làm khó thợ in. Thế thôi…
Nhưng không ngờ quyển vở bản thảo số I mới viết đến trang số 48 được chừng nửa bài văn tâm huyết nhất đời ông nhan đề Cô Kiều với tôi thì đến giờ nghỉ trưa, ông mở trang vở viết dở, đặt ngang cây bút Waterman lên trên như để chiều sẽ viết tiếp, rồi đi ăn cơm và ra ghế xích đu ngồi nghỉ một lát thì có người đến báo: “Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa mời ông ra làm việc.” Bà vợ nhác thấy người đến “mời” đeo băng cờ đỏ sao vàng ở tay thì thét to lên rồi ngất đi. Nhưng ông vẫn thản nhiên mặc áo dài đen, đầu để trần, tin cậy lên xe hơi đến đón. Cô con gái cưng xin chờ cho một chút để cô lấy thuốc dạ dày cho ông đem theo thì ông cười và dịu dàng bảo con: “Không cần đâu, chiều thầy về”.
Và ông lên xe, đi đến nơi làm việc như được mời.
Hôm ấy là ngày 23/8/1945.
VỀ NGÀY “ỦY BAN KHỞI NGHĨA THUẬN HÓA MỜI PHẠM QUỲNH RA LÀM VIỆC”
ĐỂ RỒI “ĐI KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI”
Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Lời dẫn của Phạm Tôn: Chúng tôi đã đăng bài Góp phần tìm hiểu và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất Tất Nhiên” của Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, ký bút danh Sông Hương, và được đông đảo bạn đọc ở trong nước và cả ngoài nước nữa hoan nghênh, khen ngợi, truyền cho nhau đọc…
Kỳ này chúng tôi lại may mắn được Đại tá Tiến sĩ ưu ái gửi cho một bài mới, kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, đúng phong cách của nhà sử học chân chính, nhưng vẫn với bút pháp rất độc đáo của ông, lật đi lật lại vấn đề nhiều lần, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện sự tin tưởng vào lương tri và trình độ hiểu biết của bạn đọc.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức để có thêm những suy nghĩ mới về một vấn đề xảy ra cách nay đã hơn 60 năm.
*
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh “ở nhà”, không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù chính phủ của ông Kim gồm phần lớn các bộ trưởng là những người yêu nước, ghét Pháp, cũng không ưa Nhật.
Theo lời Phạm Quỳnh, ông muốn “nghỉ việc”, để chăm lo vào đường văn học. Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Huế, ông vẫn bình tĩnh. Con cháu tham gia biểu tình, ông chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích, bảo người nhà mua và may cở đỏ sao vàng cho con cháu đi biểu tình. Có lẽ ông cho mình là một người yêu Tổ Quốc – theo cách của ông – đòi Pháp trả lại quyền cho vua Việt Nam – đấu tranh cho một nền quân chủ lập hiến hiện đại, v.v… Và cũng biết mình chưa nắm được tình hình diễn biến của thế sự, tin (cả tin) vào suy nghĩ của mình, không lường được những gì sẽ xảy ra, chủ quan không chủ động tìm hiểu thông tin để tự bảo vệ.[1]
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, hai sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến – Huế là Đặng Văn Việt và Cao Pha[2] hạ cờ quẻ ly ở Kỳ đài Huế, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Vào lúc 14 giờ, lá cờ rộng chừng 100 mét vuông ấy đã tung bay trên bờ sông Hương, trước núi Ngự Bình, trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.
Ngày 23 ấy, nhân dân Thừa Thiên-Huế đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.-
Cũng trong ngày 23, “Tôi (Phan Hàm sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế-NVK chú) nhận lệnh, nghiên cứu thì được biết thêm là trong nhà Phạm Quỳnh cũng như nhà Ngô Đình Khôi đều có rất nhiều súng ống. Vì vậy buổi sáng hôm ấy, anh Hồ[3] và tôi phải cải trang đi trinh sát địa hình trước. Kết quả chỉ biết đích xác nhà (biệt thự Hoa Đường), sân, còn trong nhà không rõ. Đến trưa ông Phan Tử Lăng[4] trực tiếp chỉ thị cho tôi: đến trại Bảo An binh, ông ta sẽ phối thuộc cho hai tiểu đội lính Bảo An (một tiểu đội do tôi chỉ huy, một tiểu đội cho anh Việt chỉ huy) để giúp vào việc đi bắt hai tên Việt Gian đầu sỏ này. Ông ta còn nói thêm: “Bắt được rồi đem về lao Thừa Phủ, rồi báo xuống sân vận động Huế người ta biết, mở màn cuộc mít tinh.”
“Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Tôi được trang bị một khẩu súng lục St.Etienne 6.35. Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu bước vào phòng Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra, ông ta thản nhiên đứng dậy mặc áo ra đi.
Phần cuối tập tư liệu 10 trang do chính tay Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993 và Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993. Có chữ ký trên tên do Thiếu tướng viết.
“Tôi lục soát khắp nhà (Chúng tôi nhấn mạnh-N.V.K) chẳng thấy súng đạn đâu cả ngoài khẩu súng săn cỡ 12 ly của con trai ông ta và ít đạn săn. Con trai của ông ta là Phạm Khuê cũng đi dự mít tinh, ở nhà chỉ còn hai cô con gái là học sinh trường Khải Định trước đây” (…) “Đây là ý kiến tôi muốn đóng góp với những bản tổng kết quân sự, Đảng, chính quyền của tỉnh nhà”.[5]
“Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ, sau đó giao cho anh Nguyễn Trung Lập[6] đưa họ đi khỏi thành phố Huế để tránh sự dòm ngó của người ngoài[7].
Ngày 28 tháng 8, Pháp cho sáu tên nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Mười ngày sau (6 hoặc 7 tháng 9) lại có một toán người Pháp khác đổ bộ vào Thuận An. Bọn nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vừa xuống mặt đất đã hỏi thăm người địa phương “Phạm Quỳnh ở đâu? (nguyên văn tiếng Pháp: Où est Pham Quynh?)”
Trong khi đó, cũng ngày 23 “sáng, Hồ Chí Minh (rời Tân Trào từ ngày 22 để về Hà Nội) đi qua huyện Đa Phúc, Phú Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Chiều, người qua sông Hồng ở bến Phúc Xá. Tối người đến nghỉ trong nhà ông Công Ngọc Kha ở làng Gạ (Phú Gia, huyện Từ Liêm)[8]”. Ngày 24 người nghỉ tại đây. “Sáng ngày 25, tại làng Gạ, Người nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo8. “Chiều, người đi ô tô vào Hà Nội, dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân, lên gác tầng hai nhà số 48 phố Hàng Ngang”8. Ngày 26, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 27, Người họp với Ủy ban Dân tộc Giải phóng, “đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đảng phái, những người có danh vọng”8
Ngày 28, Hồ Chí Minh đến làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, dành thời gian soạn Tuyên ngôn độc lập. Được báo cáo là Trần Huy Liệu cùng phái đoàn đã vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại thoái vị, Bác nói với Hoàng Hữu Nam: “Chú tìm một người[9] thay chú vào Huếgặp Phạm Quỳnh đưa thư tôi mời cụ Phạm”[10]
Trong đêm 23 tháng 8, chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị. Chiều 30 tháng 8, Bảo Đại nộp ấn, kiếm cho phái đoàn chính phủ ta[11]
Trở lại ngày 27 tháng 8, khi họp Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Hà Nội, chưa rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh có “đả động” gì đến Phạm Quỳnh không? Và Người có kịp căn dặn Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Huy Cận vào Huế tìm hiểu hoặc đến thăm Phạm Quỳnh?
Ngày 28, Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Ngày 30, Trần Huy Liệu – nếu có tìm gặp Phạm Quỳnh cũng không được. Vì, có thể là những người lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa cho biết là “có dấu hiệu Pháp liên lạc với Phạm Quỳnh” hoặc là Phạm Quỳnh bị bắt và đã giải đi xa rồi… Trần Huy Liệu chắc là có báo tin về Hà Nội, nên ngày 30 tháng 8 (ngày tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại), Hoàng Hữu Nam đã thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”[12] thì Bác đã nói ngay “Bất Tất Nhiên”.[13]
Ngày 31, Vũ Đình Huỳnh đưa các cô Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức đến gặp Hồ Chủ tịch, báo tin cha mình (Phạm Quỳnh) đã bị bắt.
Bảy ngày sau, tức mùng 6 hay 7 tháng 9 năm 1945[14], theo Phan Hàm, Võ Quang Hồ, sau khi Giải phóng quân Huế được thành lập vào ngày 1/9 thì có tin tàu Pháp xuất hiện ở cửa bể Thuận An[15]. Võ Quang Hồ cùng một số chiến sĩ có vũ khí đi thuyền áp mạn tàu Pháp, leo lên tàu Pháp đưa thư của ta cho chúng. “Xem xong thư, tên Pháp ôn tồn nói: Mời các ông lên bờ trước, tôi cho tàu nhổ neo sát vào bờ, rồi dùng ca nô lên bờ sau. Khi thuyền của Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên15 cặp bờ thì tàu Pháp nhổ neo, giương buồm, hướng biển khơi mà chạy.[16] Có thể là “sau đó” Phạm Quỳnh bị bắn, nhưng bị bắn vào ngày nào?
Báo Quyết Thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”[17].
Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu. Vậy, ông Phan Tử Lăng nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh hẳn không phải là do ông Tôn Quang Phiệt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay ông Hoàng Anh – phụ trách chính trị đại diện Đảng bố trí trong chính quyền – ra lệnh, mà phải là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa.
Theo tư liệu nước ngoài, sau khi tàu chiến Pháp vào cửa Thuận An ngày 6 tháng 9, có lẽ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa cho rằng “Pháp có thể tiếp tục tìm bắt liên lạc với Phạm Quỳnh (dù chỉ có một câu nói của nhóm nhảy dù “Phạm Quỳnh ở đâu?”. Cũng không rõ bọn Pháp hỏi để nhờ Phạm Quỳnh làm “phiên dịch” hoặc “tôn” Phạm Quỳnh lên làm chức gì đó?) nên họ xử lý ngay.
Sau khi Phạm Quỳnh “lên xe đi” (và “không bao giờ trở về nữa”), ông vẫn tin “Cách mạng sẽ cho về”. Và lúc nhận viên đạn trước khi rời bỏ cuộc đời, sự nghiệp còn dở dang, ông vẫn tự cho mình là không có tội với Nước – có chăng là chưa thuận theo thời đại – ông vẫn không tin rằng “Cách mạng, những người Cộng sản Việt Minh” lại xử bắn mình. Vì thế ông mới hét lên “Quân sát nhân!” (Quân giết người).
Theo Vũ Đình Huỳnh, khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội gặp Bác và báo cáo “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử rồi” (nguyên văn). Bác nói: “Giết một học giả (chú ý: Bác không nói ngườimà nói học giả) như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm (chú ý: Bác dùng chữ Cụ) ở Pháp. Đó không phải là người xấu”[18]
Trở lại với thông báo của Việt Minh Trung Bộ, ta có thể đặt các câu hỏi sau đây:
a) Tại sao đã xử bắn “Kết án tử hình” từ ngày 6 (7) tháng 9 năm 1945, mà mãi đến ngày 9 tháng 12 mới ra “thông báo”?
b) Bản án đã “thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”. Vậy “thời kỳ thiết quân luật” bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào, trong phạm vi địa phương nào? Có được chính phủ cho phép?
c) Ủy ban Khởi nghĩa “kết án tử hình”. Vậy bản án ấy số bao nhiêu? Ai là quan tòa? (Hoặc do thời kỳ cách mạng, bão táp, v.v… và v.v…)
d) Thông báo viết: “Phạm Quỳnh còn dựa vào thế lực Pháp (…) bóc lột vơ vét tài sản quốc dân…”. Vậy, khi khám nhà Phạm Quỳnh đã thu được được bao nhiêu “tài sản”, vàng bạc, v.v…? Có mâu thuẫn gì không với ý kiến của thiếu tướng Phan Hàm: “Chẳng thấy dấu hiệu gì (chứng tỏ liên lạc với Pháp), cũng chẳng có tài sản gì…( ngoài khẩu súng săn)? Và nếu thu được “tài sản” liệu có thống kê không, danh mục ai thu, ai giữ, gửi ai, cơ quan nào bảo vệ?
đ) Tờ thông báo này là một công văn của “Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên-Huế gửi Toà án Quân sự Thuận Hóa”
Thông báo này có hai điểm cần xem xét:
1/ Cho đến ngày 9/12/1945, nghĩa là sau khi nước ta tuyên bố độc lập, có chính phủ rồi, hệ thống chính quyền ở các địa phương là Ủy ban Nhân dân kỳ, tỉnh, huyện…liệu có phải chỉ riêng ở Thừa Thiên-Huế vẫn tồn tại Ủy ban Khởi nghĩa?
2/ Tòa án quân sự Thuận Hóa – sự thật đã có hay chưa? Ai là chánh án?
Trong sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 1993, trang 17 có viết: “Ngày 13 tháng 9, sắc lệnh số 33C quy định lập Tòa án Quân sự ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình), ở Trung Bộ (Vinh, Huế, Quảng Ngãi…) Tòa án Quân sự sẽ xử tất cả những ai có hành động phương hại đến nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Những quyết nghị của Tòa án Quân sự sẽ đem thi hành ngay (không có quyền chống án –NVK chú) trừ trường hợp tử hình (Chúng tôi nhấn mạnh – NVK), cần có thời gian cho tội nhân xin ân giảm (chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ân giảm – NVK chú) nếu họ muốn và phải được ghi vào bản án. Nếu không, bản án (tử hình – NVK chú) thành vô giá trị”.
Xử Phạm Quỳnh trước khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự, “cũng phải” thôi! Sau khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự ngày 13/9/1945 rồi, tại sao đến ngày 9 tháng 12 cùng năm, Ủy ban Khởi nghĩa mới báo cáo lên tòa án – một việc đã làm cách đó hơn ba tháng? Với mục đích gì? Nhằm giải quyết việc gì?
Phải chăng đây là một “tờ trình” cho hợp lệ, khi Ủy ban Khởi nghĩa có thể không còn, thời gian “thiết quân luật” đã qua, việc “kết án tử hình đã thi hành ngay rồi”. Cũng cần nói thêm là khó có thể tránh…Tuy nhiên, nước nhà đã độc lập, đã có chính phủ, chính quyền các cấp, người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải được hưởng quyền công dân (tự do báo chí, hội họp…không bị xâm phạm thư từ, tài sản, càng không được xâm phạm tính mệnh). Nhưng những người lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chịu trách nhiệm trước dân lại vô tình (hay hữu ý?) không biết (hay cậy quyền?) dựa vào uy tín của cách mạng, tự tiện quyết định mà không cần xin phép, không báo cáo…Họ chủ trương (có hay không?) làm một việc đã rồi. Khoan nói đến tầm nhìn hạn hẹp, ấu trĩ, mà cần xem xét sự việc này như là một “di căn” của “đấu tranh giai cấp” từ 1930 – 1931 còn sót lại, với “Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những “nhà cách mạng yêu nước” tinh thần cao nhưng lại giáo điều, tả khuynh “hủ Mác”.[19]
Tạp chí Tri Tân số 205 ra ngày 7/9/1945 (suýt soát ngày 6 (7) Phạm Quỳnh bị thủ tiêu) đăng bài Cuộc hội đàm giữa Cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn Văn hóa (Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh- NVK chú).
Trong buổi gặp ấy, Cụ Hồ có nói: “Trong chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có (chú ý: Bác không nói Việt Minh – Cộng sản – Dân chủ – Quốc Dân đảng – NVK chú)… Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự quốc gia, Tổ quốc”…[20]
Chắc chắn là vẫn còn những nhân chứng, chi tiết, sự kiện mà lịch sử chưa tiếp cận được, chưa khai thác được, hoặc chưa tìm ra, chưa công bố được nhiều vụ việc – trong đó có “vụ Phạm Quỳnh.”
Chúng ta có thể tự an ủi rằng: Bác Hồ đã “gặp” Phạm Quỳnh rồi mà vẫn “lỡ”[21]. “Gặp” ở tinh thần yêu nước, muốn làm gì đó để nước thoát khỏi ách nô lệ, mỗi người theo cách riêng của mình, “gặp” ở tri thức, “gặp” ở sự cống hiến cho Tổ quốc. Còn “lỡ” là “lỡ” không kháng chiến, kiến quốc, “lỡ” để mất đi “một học giả”… khi chính Cụ Hồ, Tổ quốc đang rất cần những “học giả” như thế…
Không phải là “bới lông tìm vết”. Mà khoa học lịch sử là phải công bằng, rõ ràng công, tội: Công bao nhiêu, tội bao nhiêu?.
Không thể “mờ mờ nhân ảnh”, để thế hệ này và cả các thế hệ mai sau cũng “mờ mờ” theo[22]
N.V.K
[1] Xin nói rằng bộ phim Ngọn nến hoàng cung, dù là phim “tiểu thuyết lịch sử” (do đạo diễn tuyên bố) nhưng đã “sáng tác” ra quá nhiều chi tiết-sự kiện phi lịch sử – sai lệnh về cách ứng xử, nhân cách của các nhân vật trong phim.
[2] Đặng Văn Việt, năm 2009 vẫn còn sống, ở tuổi 90, là “đệ tứ quốc lộ đại vương”, vua đường số 4 những năm 1949-1950; Cao Pha, thiếu tướng Cục Tình báo, đã mất.
[3] Võ Quang Hồ, thiếu tướng, 120/6 đường Lê Văn Thọ, Phường 11, Quận Gò Vấp, TpHCM. Điện thoại số: 3996 7419
[4] Phan Tử Lăng bỏ nghề dạy học để đi học Võ bị Tông, cùng khóa với Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa sau này, được chính phủ Trần Trọng Kim giao “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của chính phủ”, trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo An binh Trung Bộ, đồng thời là Hiệu trưởng trường Thanh niên Tiền tuyến.
[5] Tư liệu viết tay 10 trang, Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993, Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993
[6] Trung đoàn phó 84 – Quân khu V, liệt sĩ 1950. Địa chỉ gia đình: nhà 50- đường 40 – phường Thảo Điền – Quận 2 – Tp.HCM. Điện thoại số: 3512 5778
[7] Theo bài thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 15/8/1995, ông đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: số 9 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM. Điện thoại số: 3844 7396
[8] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử tập II, 1930-1945, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, các trang 283, 284, 285….
[9] Theo hồi ký Trần Huy Liệu: “Nhớ là ngày 25/8/1945, phái đoàn chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhảy xuống đã hỏi ngay Bảo Đại, Phạm Quỳnh. Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960).
[10] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi Nhạc sĩ Phạm Tuyên, 12/2008. Trong lúc đó, Phạm Quỳnh đã bị bắt mà Chủ tịch nước vẫn chưa biết (không được báo cáo). Bác viết thư chứ không đánh điện, có thể là một cử chỉ coi trọng người hiền tài.
[11] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ biên Nguyễn Khánh Toàn, Lịch sử Việt Nam tập II, NXB Khoa học Xã hội, 1985, trang 340)
[12] Nhà văn Sơn Tùng thuật lại theo ý kiến của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Bác hồi đó.
[13] Có nghĩa là “Không cần thế, có thể có cách khác”.
[14] Theo gia đình Phạm Quỳnh thì ông mất vào ngày 6/9/1945.
[15] Sách Trường Thanh niên Tiền tuyến- Huế, trang 242. Đoàn Huyên, thiếu tướng đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: 7 Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TpHCM. Điện thoại số: 3844 6322
[16] Trong hồi ký này không thấy Pháp có hỏi han gì về Phạm Quỳnh
[17] Lưu tại thư viện Trung ương Hà Nội, ký hiệu T520, không rõ Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi, “Việt Gian đại bợm” thế nào? Thông tin về con người này còn quá ít
[18] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ghi theo lời kể của ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh. Qua chữ khử mà Tôn Quang Phiệt dùng dễ nhận ra là ông Tôn Quang Phiệt cũng không đồng ý việc xử lý Phạm Quỳnh và cả cách (phương pháp) tiến hành vụ xử. Và dù ông Phiệt không đồng ý cũng chẳng làm được gì.
[19] Trong Cách Mạng Tháng Tám, ở Trung Bộ, Nam Bộ từng xảy ra một số vụ “xử bắn”, “bắt giam” người trái phép rất đáng tiếc. Còn ở Bắc Bộ, nhiều quan Tổng đốc, Án sát… do “đoàn thể” quán triệt đường lối của Đảng nên đã may mắn được an toàn.
[20] Cuối năm 1945, sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán, trong một lần trả lời các nhà báo, Bác nói: “Sau này tôi sẽ thành lập một đảng mới. Đảng ấy có tên gọi là Đảng Việt Nam. Chỉ có hai hạng người không được vào Đảng: phản quốc và tham ô”.
[21] Bài Đã gặp rồi mà vẫn lỡ đăng trên Nhà báo Huế, Xuân 2009.
[22] Một vị Tổng đốc Hà Đông, giàu tiền lắm ruộng, xây lăng to, không ít “thành tích”, chỉ viết có một cuốn sử mỏng, vậy mà cũng đã được công chúng ngày nay hoan nghênh. Tại sao đánh giá, xác định vai trò của Phạm Quỳnh – người có công lớn với văn hóa nước nhà, lại phức tạp, khó khăn đến thế? Liệu lịch sử còn công bằng không? Có thể còn kéo dài chế độ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa hề có môn lịch sử?
AI ĐÃ GIẾT PHẠM QUỲNH,
NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NƯỚC.
Phạm Tôn
Blog PhamTon, tuần thứ 3 tháng 9 năm 2009
Lời dẫn của Phạm Tôn: Các bạn đọc bài này có thể sẽ thắc mắc vì sao năm 2006, tháng 8, trong số 140 tạp chí hằng tháng Công giáo và Dân tộc có đăng bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với nước, rồi tháng 9, trong số 267 tạp chí Xưa và Nay lại đăng bài Người nặng lòng với nước đều của tác giả Phạm Tôn, mà sao hai bài không hoàn toàn giống hệt nhau và cũng chẳng có bài nào giống hệt bài chúng tôi đăng dưới đây. Lý do là như sau…
Năm 2006 ấy, với khí thế đổi mới sôi nổi khắp cả nước đón chào Đại họi lần thứ X của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chúng tôi quyết tâm với tràn đầy lòng tin tưởng ở sự nghiệp đổi mới, hoàn chỉnh bài viết sơ thảo từ năm 2001. Bản đầu tiên tới tay GS. TSKH Trần Văn Chánh, là người tôi cho là có ”con mắt xanh”. Anh nhận ra ngay đây là bài có thể ra đời trong thời cơ này. Trong khi là người viết, chúng tôi còn do dự, chỉ mong hai bài Người nặng lòng với tiếng ta (viết năm 1999) và Người nặng lòng với nhà (viết năm 2000) ra đời trót lọt mới tính đến chuyện cho bài này ra đời. Nhưng anh Trần Văn Chánh đã đưa tạp chí Công giáo và Dân tộc, lại được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đọc và viết cho hai trang ”bảo lãnh”, nên mới ra đời suôn sẻ như vậy, trước sự ngỡ ngàng của tác giả và không ít người hiểu biết,
Sau đó do có thêm tư liệu mới, tôi đã viết thêm một hai đoạn. Cho nên bài đăng trên Công giáo và Dân tộc là đăng nguyên văn, không thêm không bớt một chữ nào, nhưng vẫn không có các đoạn mới thêm đó. Bài sau này đến tạp chí Xưa và Nay, lại có sự biên tập thêm bớt nữa, cho nên đã khác lại càng khác với bài trên Công giáo và Dân tộc.
Đến bản trên blog lần này, do có thêm tư liệu, xác định được chính xác hơn một số lời nói, tình tiết, chúng tôi lại sửa chút ít, để đảm bảo sự chính xác tối đa về tư liệu lịch sử, trước khi đưa đến bạn đọc, nên lại khác đi một chút nữa.
Có điều, nội dung cơ bản ba bài vẫn như nhau, cho nên chúng tôi để nguyên ở cuối bài ngày tháng hoàn thành.
Hơn nữa, như các bạn đã đọc blog chúng tôi thì biết, chúng tôi luôn đăng theo đúng bản thảo của tác giả mà không lấy những bản đã bị cắt xén, sửa chữa…
Vài hàng mạo muội trình bày để bạn đọc thông cảm sao một bài của một tác giả mà lại có đến ba bản khác nhau.
Cứ nghĩ đến trường hợp Phạm Quỳnh là ta lại không khỏi nhớ đến mấy dòng Lỗ Tấn viết trong phần kết thiên kiệt tác A.Q chính truyện : “Còn như về dư luận, thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng: A.Q. không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn. Vì rằng: nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chứ!” [1]
Hơn 60 năm qua, người ta đã viết về ông trong sách báo biết bao nhiêu với giọng điệu như thế: lấy cái chết của ông vì bị bắn làm điểm xuất phát để đánh giá cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Suốt từ năm 1945 đến 1975 ở miền Bắc nước ta và sau năm 1975 là trong cả nước, hầu như đều một giọng như thế…
Trong Đời viết văn của tôi, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 1971, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chân tình, ưu ái viết về Phạm Quỳnh như sau:
“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Nam triều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền, tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”
Nhưng, ngay sau đó, như một phản ứng của bản năng tự vệ, ông lại vội vã bác bỏ ngay điều mình vừa khẳng định, bằng cách viết: “Có lạ gì trình độ chính trị của tôi thời này. Nếu tôi tinh khôn thì tôi đã hiểu hai thuyết trực trị và lập hiến chẳng qua chỉ là thủ đoạn của bọn cướp nước bảo hai tên tay sai bày ra để loè bịp, để ru ngủ người ta đương được chủ nghĩa cộng sản thức tỉnh.”
Đến năm 1998, trong Tác giả văn học Thăng Long – Hà Nội, nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản, Tô Hoài vẫn còn dè dặt viết: “Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền nhân dân khép án tử hình.
“Cuộc đời Phạm Quỳnh có hai mặt: Con người chính trị và con người văn hoá. Về những đóng góp của ông đối với việc xây dựng nền văn học quốc ngữ là không thể phủ nhận.”
Xem ra, vẫn nặng hơi hướng “dư luận làng Mùi”. Chỉ có trong quyển Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam do Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên, nhà xuất bản Văn Hoá-Thông Tin xuất bản năm 1993, là ghi giản dị: “Phạm Quỳnh mất năm 1945.”
Hơn 60 năm đã trôi qua. Nếu Phạm Quỳnh có tội ác nào với dân tộc, có nợ máu gì với nhân dân, chắc chắn đã có người phát hiện và tố cáo rồi. Nhất là những người suy nghĩ như “dân làng Mùi”, luôn cố tìm cách biện minh cho cái kết cục là đã bị tử hình của Phạm Quỳnh. Nhưng, tựu trung, tội của Phạm Quỳnh vẫn không ngoài hai tội “bán nước” và “tay sai đắc lực cho thực dân Pháp”
Về tội “bán nước”, ngay lúc sinh thời, ông đã có lần đau đớn thốt lên: “người ta bảo tôi bán Nước. Khi tôi ra đời, nước đã mất rồi, còn đâu mà tôi bán.”
Còn tội “tay sai đắc lực cho thực dân Pháp” thì ta hãy xem chính thực dân Pháp nói gì về “tay sai đắc lực” của mình.
Đến hôm nay, thì ngay cả trong nước ta, nhiều người đã biết đến Bản phúc trình (tối mật) đề ngày 8/1/1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi cho Toàn quyền Đông Pháp Jean Decoux và Tư lệnh Đại tướng Mordant. Nhất là sau khi giáo sư Nguyễn Phước Bửu Tập đã công bố bản dịch tiếng Việt trong Ngày Phạm Quỳnh tổ chức ở California, nước Mỹ tháng 5-1999. Bản dịch như sau:
“Thêm một lần nữa, Thượng thư Nội vụ (Phạm Quỳnh) lại cực lực phiền trách chúng ta về việc trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật.
“Phạm Quỳnh lặp lại điệp khúc yêu cầu chúng ta hoàn trả Bắc Kỳ về cho Hoàng Triều như Pháp quốc đã hứa. Tôi đã lưu ý Hoàng đế Bảo Đại về thái độ bướng bỉnh vượt quá thẩm quyền ông ta đòi nới rộng quyền hạn của Viện Cơ Mật. Hiện tôi đang chờ đợi một phản ứng khác bùng nổ từ ông ta nếu như chúng ta không chịu nhận sự bổ nhiệm một Khâm sai Hoàng Triều trên cõi Bắc Kỳ. Chủ quyền bảo hộ của chúng ta lại một lần nữa bị xúc phạm. Phạm Quỳnh đòi hỏi chúng ta trong một thời hạn ngắn nhất, cụ thể nhất, phải hợp thức hoá việc phục hồi chủ quyền của Vương triều trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh còn hăm he sẽ thúc đẩy các phong trào chống đối, nổi dậy nếu như chúng ta không đặt vấn đề thương thảo với Hoàng đế Bảo Đại trong những tháng trước mắt về một quy chế mới nhằm cải biến chế độ bảo hộ sang quốc gia liên hiệp như thể chế Commonwealth, mà trong đó những địa vị quan trọng phải nằm trong tay người bản xứ.
“Những yêu sách của Phạm Quỳnh cứ là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam Kỳ, tiến tới việc hình thành một quốc gia Việt Nam.
“Tôi xin lưu ý quý ngài về sự kiện này, bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hoà hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta, dù qua việc chúng ta đã dành cho ông một chức vị tối danh dự đã có.
“Cho đến hiện thời, ông ta là một đối thủ thận trọng, chừng mực nhưng kiên quyết trước vấn đề bảo hộ của Pháp quốc, do đó Phạm Quỳnh sẽ có thể trở thành kẻ đối địch bất khả quy của chúng ta, nếu như một khi ông ta bị lôi cuốn bởi lời hứa hẹn của Nhật Bản cho một chủ thuyết Đại Đông Á.
“Tôi xin chờ chỉ thị của quý ngài…” [2]
Tưởng chẳng còn gì phải bình luận thêm về tấm lòng son của Phạm Quỳnh, một con người nặng lòng với nước.
Qua nửa năm làm Thương thư kiêm Ngự tiền văn phòng, chín năm làm Thượng thư Bộ Học và gần ba năm làm Thượng thư Bộ Lại, sau đảo chính Nhật 9/3/1945, Phạm Quỳnh thanh thản từ nhiệm, về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường bên bờ con sông nhỏ An Cựu. Tháng 6-1945, trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Vạn An, ông đã bộc bạch: “Tôi đã lỡ lầm mà ra làm quan, vì trước khi dấn thân vào hoạn lộ tôi vẫn tưởng tôi sẽ làm được rất nhiều việc mà trước kia tôi chỉ phụng sự được trong mực đen, giấy trắng.” [3]. Và trong bài viết Lão Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường cũng vào những ngày ấy, ông tự trách mình: “khờ dại đem mình ra lăn lộn giữa phong trào hỗn độn, trong thời buổi nhá nhem, không biết cái thân “nho quèn” đương nổi sao được thời thế, và ở giữa cái xã hội xu thời mị chúng này, ai còn thiết đến kẻ văn nhân nho sĩ, chỉ biết đem một thái độ ôn hoà nho nhã mà đối với cái cuồng phong bác tạp, hỗn hào.” [4]. FÔng lặng lẽ chuẩn bị trở lại với hoạt động văn học, dịch và chú giải 51 bài thơ Đỗ Phủ, bắt đầu viết tập Kiến văn cảm tưởng: Hoa Đường tuỳ bút. Và tất nhiên là đọc, đọc rất nhiều sách báo…
Thấy tình hình trong nước có nhiều biến động mà ông anh rể vẫn bình tĩnh vùi đầu vào văn chương như thế, ông Lê Văn Tốn (còn có tên là Xuân), em vợ Phạm Quỳnh, có gợi ý là: “Trong lúc này, anh nên lánh đi xa một thời gian, sang Lào chẳng hạn, vì nhà vua Lào có vẻ mến mộ anh lắm, để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra”. Thì Phạm Quỳnh cười và nói rằng: “Chính lúc này mới càng cần ở trong nước, để còn có cơ giúp nước.” Và ông không đi đâu hết, cứ ở lại, đọc, dịch và viết. Ông đã viết non 50 trang giấy trong một cuốn vở học trò, được khoảng chục bài. Bài cuối cùng còn dang dở là Cô Kiều với tôi, một đề tài ông ấp ủ đã lâu. Trong bài có đoạn: “Năm 1924, lần đầu làm lễ kỉ niệm cụ Tiên Điền, trước hai ngàn người họp ở sân Hội Khai Trí, tôi trịnh trọng tuyên bố một câu: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có điều chi nữa mà ngờ… Câu ấy người mình có người không hiểu, có người hiểu lầm.” Cây bút máy Waterman còn chặn ngang trên trang giấy, gia đình vô tình tìm thấy trên bàn viết sau khi ông được chính quyền Cách mạng “mời đi họp”.
Thành ra nhà văn hoá lão thành Vương Hồng Sển ở tuổi chín mươi đã có lí khi nêu câu hỏi trong tham luận gửi hội thảo về Phạm Quỳnh do Viện Văn Học tổ chức vào cuối năm 1992 tại Hà Nội: “Tại sao Cách mạng lại giết Phạm Quỳnh? Cứ để cụ ấy sống có phải còn có nhiều cái mà học không?” Và rõ ràng là không phải chỉ có một người băn khoăn như vậy. Đó là câu hỏi của nhiều thế hệ người Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Vậy ai đã xét xử, kết án, và thi hành án tử hình Phạm Quỳnh?
Chúng ta hãy bắt đầu từ khi ông được chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế “mời đi họp” trưa 23/8/1945.
Một học sinh trường Thanh niên Tiền tuyến (Huế) được chỉ định làm chủ tịch Thanh niên Tiền tuyến là Phan Hàm, nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh từ cấp trên là Lê Tự Đồng, Việt Minh Thuận Hoá. Phan Hàm cùng vài đồng đội đến biệt thự Hoa Đường đưa giấy của Việt Minh “mời” Phạm Quỳnh “đi họp.” [5]. Ông ra đi, mặc áo lương đen, đầu không đội khăn. Khi sắp lên xe hơi, con gái là Phạm Thị Hoàn lo ông lên cơn đau dạ dày định chạy lên lầu lấy thuốc magnésie bismurée để ông đem đi, thì ông dịu dàng nói: ”Thầy không cần, chiều thầy sẽ về” [6] Hành động này, chắc chắn không thoát khỏi cặp mắt cảnh giác cao của Phan Hàm. Ông cùng lên xe hơi với con rể là Nguyễn Tiến Lãng.
Khi nghe tin Phạm Quỳnh bị bắt, các bà Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức là hai con gái lớn của ông, đến văn phòng Bộ Nội vụ tìm gặp người quen là ông Hoàng Hữu Nam, tức Phan Bôi, [7] bấy giờ là Thứ trưởng và Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch, xin cho vào Huế đón mẹ và các em ra Hà Nội. Ông Nam khuyên không nên vào trong lúc này, vì nhân dân đang nổi dậy, vào có khi lại bị bắt giữ lôi thôi, không có lợi. Muốn đón cụ bà và gia đình ra thì để ông “tư” vào trong ấy. (Sau đó, gia đình đã được đưa ra Hà Nội an toàn.) [8] Còn nếu muốn gửi thuốc men cho cụ ông thì cứ gói lại và đề ở ngoài là gửi cho “Thầy tôi”, tự ông sẽ cho chuyển đến tận tay. Hai chị em cũng được ông Nam giải thích rõ là: “Vì nay bọn Pháp đang tìm cụ để lợi dụng, nên chúng tôi giữ cụ lại nơi yên ổn thôi.” Hai chị em còn ngỏ ý xin được gặp cụ Hồ. Ông Nam nhận lời sẽ bố trí một hôm nào đó cho được gặp “ít phút thôi, trình bày ngắn gọn, kẻo Cụ ít thời giờ lắm.” Thái độ thân ái chân tình của ông Nam khiến hai bà cảm động và yên lòng, tin tưởng ở cách mạng.
Sau đó ít ngày, có giấy của Bộ Nội vụ báo Cụ Hồ nhận tiếp hai chị em vào 11 giờ ngày thứ sáu, tại Bắc Bộ Phủ. Hai bà được đưa đến chờ ở một phòng rộng, lòng hồi hộp, lo lắng và sợ hãi nữa. Một lát sau thì Cụ ra, mặc áo kaki, đi dép lốp, đi đứng nhanh nhẹn; có ông Vũ Đình Huỳnh theo sau. Hai chị em đứng lên chào Cụ, Cụ bắt tay và mời ngồi. Cụ hỏi thăm thì hai chị em trình bày việc cha bị bắt và trình lên Cụ một phong thư kể rõ sự việc. Cụ Hồ nói: “Trong lúc khởi nghĩa, cũng không sao tránh được sự nhầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi còn đang ở trên Việt Bắc.” (Chiều 26/8/1945, Hồ Chủ tịch mới về đến Hà Nội, nhà số 48 phố Hàng Ngang) [9]. Cụ còn hỏi thăm gia đình được bao nhiêu anh chị em. Rồi cầm phong thư đưa cho ông Vũ Đình Huỳnh và nói: “Tôi sẽ chuyển qua Bộ Nội vụ.” Lúc đó, có người báo có đoàn đến xin gặp Cụ. Hai chị em đứng lên chào Cụ thì Cụ lại bắt tay một lần nữa rồi mới đi… Chuyện xảy ra đã lâu, mà đến năm 1988, đã 75 tuổi, cụ Phạm Thị Giá còn nhớ rõ từng chi tiết như vậy. Lòng nhân ái của cán bộ cách mạng và chính Cụ Hồ đã khiến hai chị em ngày ấy cảm động, quý mến vô cùng. Sau này lại càng khiến hai bà không sao hiểu nổi những sự việc đau lòng xảy ra sau đó {10]
Bà Phạm Thị Thức, em bà Giá, là vợ cố giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Trong một lần cùng đi máy bay sang Béc-lin (Cộng hòa dân chủ Đức), ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế hồi Cách mạng Tháng 8, đã cố tìm gặp giáo sư Đặng Vũ Hỷ chỉ để nói một điều là: “Tôi đã nhiều lần muốn gặp anh để nói với anh về chuyện cụ nhà (Phạm Quỳnh). Hồi ấy, tôi ở Huế thật, nhưng hoàn toàn không biết gì hết, chỉ biết khi chuyện đã xảy ra rồi.” Ta không thể không tin lời của một trí thức cỡ lớn nói với một trí thức cỡ lớn như vậy.
Trong hồi kí của mình Nhớ lại một thời, do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 8/2000, tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế ngày ấy, đã nêu rõ: chính ông đã đề nghị tỉnh uỷ, ngay từ khi về đến Huế, là rút khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian” đã nêu trước đó trong cả nước. Và trong ngày khởi nghĩa tại Huế 23/8/1945, chính ông đã tuyên bố “bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào” trước đông đảo nhân dân tập trung ở sân vận động Huế. Trong những năm 90 thế kỉ trước, ở chỗ riêng tư, ông còn thổ lộ là: “Mấy chục năm qua, tôi vẫn áy náy, day dứt về việc cụ Phạm Quỳnh.”
Thế là cả Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạnh Thừa Thiên-Huế đều không biết gì về việc “xử tử hình Phạm Quỳnh”, nói gì đến xét xử, kết án…
Nhân hội thảo về Phạm Quỳnh do Viện Văn Học dự định tổ chức tại Hà Nội cuối năm 1992, đã có gần 20 tham luận gửi tới tham gia với những tên tuổi như: Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Tùng, Vũ Khiêu, Hoàng Tuệ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Đắc Xuân, Vương Trí Nhàn,v.v…Nhà văn Sơn Tùng chuyên nghiên cứu và viết về Hồ Chủ tịch đã đòi được dự để “công bố một tư liệu độc đáo: Hồ Chủ tịch phản đối việc xử tử Phạm Quỳnh”. Tư liệu ấy như sau:
“Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra gặp Cụ Hồ và báo: “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi.”, thì Cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?…Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp…Đó không phải là người xấu” [11]
Đúng là Nguyễn Ái Quốc “đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp” không phải chỉ một lần. Năm 1922, Phạm Quỳnh đi Pháp dự hội Đấu xảo thuộc địa tổ chức tại Marseille, có mang theo một cuốn nhật kí tuỳ thân nhỏ bằng bốn ngón tay. Trong đó có ghi: “Juillet, 13, Jeudi: Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins)” Và “Juillet, 16, Dimanche: Ở nhà. Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” Còn trên tạp chí Nam Phong khi đăng Pháp du hành trình nhật kí, ông cũng viết công khai: “Thứ năm, 13 tháng 7 năm 1922 : (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thoả thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỉ niệm dân quốc…Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào.” Và “Chủ nhật, 16 tháng 7 năm 1922: Hôm nay, không đi đâu, ngồi hầm trong buồng viết mấy cái thư về nhà.
“Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó đã đứng ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa, không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế, tưởng cũng chẳng là sự phi phạm gì. [12] ” Không phải chỉ có hai lần gặp gỡ như vậy, mà còn có một lần gặp gỡ nữa, quan trọng hơn. Đó là lần họp mặt do các ông Lê Thanh Cảnh và Trần Đức tổ chức vào một buổi chiều, dùng cơm tại khách sạn Montparnasse, Paris, gồm 11 người; trong đó có: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến. Sau này, Lê Thanh Cảnh đã thuật lại cuộc họp mặt của “Năm nhân vật phi thường ngồi chung lại một bàn” trong hồi kí Rời mái tranh trường Quốc Học, bản thảo gửi đăng Đặc san số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học.
Trong bài có dẫn lời phát biểu của Nguyễn Ái Quốc như sau: “Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là vì xưa nay, muốn giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngả tay xin ai được, mà phải dùng sức mạnh, như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng búa rìu.” Và lời của Pham Quỳnh: “Có lẽ ngay giữa tiệc này, tôi đã thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão: Quân chủ lập hiến. Nói đến nền quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền quân chủ, họ đã văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hoà khác nhiều lắm. Họ có thể đứng vào hàng đàn anh trên hoàn cầu. Đây tôi chủ trương là quân chủ lập hiến. Vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người đứng lên “thừa hành” bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định. Như thế, chúng ta có được một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho mình…Tôi có nhiều dịp đi đó đây, tiếp xúc rất đông đồng bào ba kì thì phần đông – mà xin quả quyết là đại đa số- đều nhiệt liệt tán thành chế độ quân chủ lập hiến. Người Nam cũng niềm nở hưởng ứng vì họ thấy đó là đường lối duy nhất để thống nhất lãnh thổ và dân tộc từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan.” Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến cũng trình bày chủ trương của mình. Thành ra đây là một cuộc họp mặt bàn việc nước, thẳng thắn, sôi nổi, có khi gay gắt, nhưng ai cũng một lòng vì nước dù cho quan điểm có khác nhau, thậm chí chống đối nhau.
Có lẽ qua ít nhất là ba lần gặp mặt mà nay chúng ta còn biết đó (có lần đã chụp ảnh kỉ niệm) và mười mấy năm đọc tạp chí Nam Phong mà Hồ Chủ tịch đã có nhận xét “Đó không phải là người xấu” để phản đối cái án tử hình mà Phạm Quỳnh đã phải chịu.
Nhà thơ lão thành Huy Cận, nhân hai lần tình cờ gặp nhau trong cuộc họp văn học nghệ thuật, đã kéo Phạm Tuyên ra riêng một chỗ để rủ rỉ kể lại một chuyện xưa.
Lần thứ hai, năm 2001, được Phạm Tuyên biếu cuốn Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh mới được nhà xuất bản Văn Học phát hành, ông thức suốt đêm đọc một mạch hết cuốn sách. Sáng hôm sau, găp lại, ông nói: “Càng đọc kĩ những dòng chữ cụ viết mới càng thấy rõ hơn tấm lòng nhiệt thành yêu nước của cụ.” Rồi ông chân tình kể lại một lần nữa chuyện xưa: “Năm 1945, cuối tháng tám, tôi là Bộ trưởng Bộ Canh nông của chính phủ cách mạng lâm thời, được tham gia phái đoàn chính phủ vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại, có nghe dân chúng xì xào nhiều về chuyện cụ Phạm bị xử tử hình. Khi về tới Hà Nội, được gặp Bác, tôi có kể lại chuyện đó, thì Bác thở dài, nắm tay tôi và nói: “Đã lỡ mất rồi” [13]. Trong bài Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam Phong, giáo sư Văn Tạo cũng xác nhận là nhà thơ Huy Cận đã thuật lại với ông câu “Đã lỡ mất rồi” của Hồ Chủ tịch [14]
Sau này, nhân dịp lên chúc Hồ Chủ tịch vào ngày mồng 1 Tết Bính Tuất năm 1946, nhà thơ nữ Hằng Phương có được Người hỏi han về tình hình giới văn học nghệ thuật. Nhân nhắc tới Phạm Quỳnh, Người tỏ ý rất tiếc về những gì đã xảy ra và nói đại ý: Nếu còn sống, ông ấy sẽ nghiên cứu dịch thuật có ích cho văn hoá và văn học nước nhà. [15]
Như vậy là đến cả Hồ Chủ tịch cũng phản đối việc tử hình Phạm Quỳnh. Vậy sự việc đã diễn ra như thế nào mà dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy?
Nhân chuyến từ Pháp về thăm Hà Nội, bà Phạm Thị Hoàn, con gái thứ năm của Phạm Quỳnh may mắn được tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn Tấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Lương thực, đã nghỉ hưu. Cụ Tấn quê ở xã Đức Trường, huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh, vào Huế làm công chức từ đầu thập niên 40. Cụ tham gia cách mạng, hoạt động bí mật, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế. Ngay sau khi cách mạng Tháng 8-1945 thành công cụ được bổ nhiệm Giám đốc Tài chính Trung Bộ. Cụ là người biết khá rõ về những ngày cuối của Phạm Quỳnh. Theo bản lược ghi lời kể của cụ Tấn từ 9 giờ 15 đến 10 giờ ngày 7 tháng 12 năm 1997, tại nhà riêng số 30 đường Trần Quốc Toản, Hà Nội, thì sự việc bi thảm đã xảy ra như sau:
“Cái chết của ông là chuyện bất ngờ. Tôi đảm bảo với chị là ông cụ không bị một tí hành hạ, bạc đãi nào. Tôi thấy tận mắt, không có một hành động bạc đãi nào, hoàn toàn không có đánh đập. Ông thường mặc một cái áo lương đen.
“Lúc đầu giam ở Thừa Phủ, trong đó có Ngô Đình Khôi và con trai. Có cả Nguyễn Tiến Lãng nữa. Sau khi được tin là tình hình không ổn, nên rời ông ra Hiền Sĩ, nơi có phong trào cách mạng tốt. Định di chuyển cả Nguyễn Tiến Lãng, nhưng vì ô tô nhỏ, xe chật, nên chỉ chở hai cha con Ngô Đình Khôi và ông thôi. Để ông Lãng lại, định hôm sau chở đi. Lúc di chuyển, anh em quá mệt, nhưng nghe tin Pháp cho nhảy dù, phải đưa ông nhà và cha con Ngô Đình Khôi ra Hiền Sĩ để giao cho tỉnh. Đây là cơ sở cách mạng rất nghiêm, chỉ thị của trên là không được bạc đãi, hành hạ”
Sáu mươi năm sau buổi sáng ông bị giết hại, qua bài báo của nhà văn Thái Vũ, học sinh Phan Hàm ngày nào nay là thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam, vì sự công minh của lịch sử, đã kể lại tường tận, chi tiết, cụ thể diễn biến từ khi ông đến nhà bắt Phạm Quỳnh cho đến khi biết tin Phạm Quỳnh bị giết và khẳng định đó là “hành động manh động” của người dân “chỉ mới hưởng một ngày đầu chính quyền cách mạng”, không phải của học sinh trường Thanh niên Tiền tuyến, cũng chẳng theo lệnh của ai, dù là cấp thấp nhất của chính quyền cách mạng Thừa Thiên-Huế. Bài báo viết:
“Tối đó (23-8-1945 – PT ghi chú) anh Phan Hàm bảo với anh Nguyễn Thế Lâm là ngay đêm phải “giải” hai cụ ra khỏi thành phố, nghĩa là cả Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (có Ngô Đình Huân). Anh Nguyễn Trung Lập đi theo xe. Anh Lập lúc đó không phải trong nhóm Việt Minh trường Thanh niên Tiền tuyến…Xe ra đến Hiền Sĩ, cách Huế chừng 20km, cũng không xa giáp ranh tỉnh Quảng Trị… “giam tạm” mấy người trong một gian nhà bỏ trống, nhờ mấy “dân quân tự vệ” cũng mới vào đoàn (Chúng tôi nhấn mạnh. PT) trông coi rồi…theo xe về Huế ngay…Hôm sau, mấy tên biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ…bị dân quân chặn lại, bắt giam để báo về Huế, với đầy đủ vũ khí hiện đại, thức ăn nước uống, lại nhốt sát bên cạnh nhà giam Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi. Dân quân địa phương không biết gì đã đành, báo cáo về Huế, mấy vị lãnh đạo mới nắm chính quyền sốt dẻo lại không chú ý gì vì đang bận chúi mũi bao việc tày trời mới được đảm nhận.
“Việc “bỏ quên” đó thật tai hại, vì nơi giam các cụ và sáu tên biệt kích dù chỉ cách có…một hàng rào!
“Anh em Thanh niên Tiền tuyến đã “hốt” thực sự…Ba Thanh niên Tiền tuyến được Phan Hàm phái theo, trong đó có anh Lê Thiệu Huy… giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đến nơi, bí mật tiếp cận hàng rào…Lê Thiệu Huy gọi và ra hiệu nói chuyện…Tên Castella, thiếu tá chỉ huy…hỏi ngay “Phạm Quỳnh ở đâu?” Rõ ràng là chúng nhảy dù có chủ đích nhưng không biết là Phạm Quỳnh ở ngay nhà bên cạnh…
“Bọn Pháp sợ vì lúc ấy dân quanh đó và dân quân vài người đến, thấy đông, chúng xin hàng ngay. Tịch thu súng, mọi thứ tịch thu hết. Lúc anh em về lại Huế, báo cáo cấp trên là tuỳ lãnh đạo, ngoài ra không biết gì (Chúng tôi nhấn mạnh –PT)
“Vì vậy, sau đó anh em Thanh niên Tiền tuyến cách li bọn biệt kích Pháp, đưa xuống Sỵa, còn đám hai cụ thì giao cho dân quân địa phương xử lý, chứ không phải Việt Minh Trung bộ (tức chính quyền mới thành lập)” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT) [16]
Cụ Tấn còn kể tiếp:
“Lúc đó, ta muốn hoà hoãn với Nhật nên cho lính Nhật đi mua bán trong phạm vi nhất định, và phải đóng yên một chỗ. Nhưng, một hôm, Nhật chở một thuyền có bảy tên, anh em tự vệ đánh để lấy súng, giết được sáu tên, một tên trốn được, chạy về Kim Luông. Đồn Nhật đưa một đại đội ra đánh. Anh em tự vệ chiến đấu đánh lại hơn 2 giờ. Tụi Nhật tiến vào được hơn 3km, xông vào, anh em sợ Nhật đánh tháo, nên thủ tiêu ba ông.
“Tôi ở Huế, cách 25 km, nên không thấy lúc giải quyết thế nào. Chỉ biết là sự việc xảy ra ở xã.”
Tháng 2 năm 1956, nhân gia đình Ngô Đình Diệm cho người đi tìm và cải táng cha con Ngô Đình Khôi, ông Phạm Tuân, con út và bà chị là Phạm Thị Hảo đi theo để nhận di hài cha, đã biết thêm nhiều điều, do gặp nhiều nhân chứng còn sống. Nơi giam giữ cuối cùng là xưởng ép dầu tràm của bác sĩ Viên Đệ ở Cổ Bi cách làng Văn Xá 5km về phía Tây. Làng này lại cách thành phố Huế 15km, về phía Bắc trên đường Huế đi Quảng Trị. Đó là một nơi xa xôi, khó đi lại. Để tìm kiếm hài cốt, chính quyền Sài Gòn phải huy động công binh phát quang, san ủi đất làm đường, bắc cầu…trên hơn 15 km cho xe hơi đi và điều động binh sĩ giữ an ninh quanh vùng. Người canh gác xưởng kể: một đêm đầu tháng tám ta, trăng lưỡi liềm, khoảng mười một giờ, có người xưng là cấp trên đến bảo đưa ba người bị giam ra, cho ăn cơm. Khó ăn, ba người xin ít nước mưa chan cho dễ nuốt. Sau đó, họ bị trói và đưa xuống đò. Người chèo đò kể: đi quanh đi quất trên sông Bồ, gần một giờ sáng thì táp vào bờ, đến gần hai bụi tre thì giết ba người. Người chèo đò không được lên bờ, chỉ nghe thấy tiếng thét lớn bằng giọng Bắc “Quân sát nhân!” sau đó là ba phát súng. (Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân đều nói đặc giọng Huế). Rõ ràng, cho đến trước khi bị giết, Phạm Quỳnh vẫn không hề nghĩ là những người đã hi sinh xương máu đồng chí đồng bào để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc lại đi giết hại một người suốt đời nặng lòng với nước như ông. Chúng chỉ là những “quân sát nhân” mà thôi.
Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Đình Khôi không bị đánh chỉ bị bắn ba phát. Ngô Đình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn ngay vào đầu [17]. Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất”. Phạm Quỳnh ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc, xẻng đánh mạnh vào, “ba bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau…Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt kính cận” [18]
Theo các nhân chứng chứng kiến vụ sát hại thì sự việc diễn ra vào đêm trăng non mồng một tháng tám năm Ất Dậu, tức ngày 6/9/1945, chỉ sau ngày nước ta tuyên bố độc lập có bốn ngày.
Di hài Phạm Quỳnh được gia đình cải táng ngày 9/2/1956. Hôm sau đưa về Huế, đặt trong khuôn viên chùa Vạn Phước, nơi sinh thời ông thường đến di dưỡng tinh thần những khi có điều phiền muộn. Mộ chí ghi bằng chữ Hán, thật giản dị: Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng Chi. Từ 1975 đến nay (2006) khu mộ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Lại còn có người khắc trên đá hàng chữ Quốc ngữ Tiếng ta còn, nước ta còn, câu nói bất hủ ngày nào của Phạm Quỳnh.
Đến đây, tưởng đã có thể hiểu đựơc vì sao lại có sự trớ trêu: các cấp lãnh đạo cách mạng từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến cấp cao nhất nước hồi ấy đều không hay biết, hoặc phản đối mạnh mẽ, vậy mà vụ sát hại vẫn cứ xảy ra. Tuy vậy, dù là do tình hình cấp bách, nhưng như cụ Tấn đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là kỉ luật rất nghiêm, không có chủ trương trả thù, vậy mà tại sao lại đã xảy ra sự việc động trời này? Và ai là người đầu tiên đã vu cáo Phạm Quỳnh bị “chính quyền nhân dân khép án tử hình”?
Sự thật lịch sử đã chứng tỏ chính quyền nhân dân từ tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi xảy ra sự việc, đến Bộ Nội vụ và cả chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều chưa hề bao giờ “khép án tử hình” Phạm Quỳnh. Vậy mà cái án bịa đặt trên giấy trắng mực đen ấy, hơn sáu mươi năm qua, đã đè nặng lên cuộc sống của con cháu Phạm Quỳnh, làm đau lòng mọi người Việt Nam có lương tri và còn bóp méo cả một giai đoạn trong lịch sử văn học nước nhà, chỉ vì tin vào “dư luận làng Mùi: Nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chứ”.
Đất nước ta đang phấn đấu thực hiện một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thiết tưởng đã đến lúc cần có một cách nhìn khác, đánh giá lại đúng đắn mọi sự kiện, con người đã từng bị đối xử không công bằng, cũng chẳng dân chủ, càng không văn minh trong suốt những năm qua. Trong số đó, không thể không kể đến trường hợp Phạm Quỳnh mà đến nay mọi sự liên quan đến cái chết bí ẩn của ông đã được làm sáng tỏ. Ông là một người cho đến phút cuối đời mình vẫn nặng lòng với nước, mong mỏi được cống hiến cho nhân dân, đất nước tất cả những gì mình có. Chỉ có điều, ông yêu nước theo cách riêng của ông và chỉ làm được những việc mà ông có thể làm và tưởng rằng đó là cách tốt nhất để thực hiện lý tưởng phục vụ đất nước của mình.
Nhà thơ lớn Đan Mạch Erik Stilnus đã ba lần đến Việt Nam dự hội thảo; lần đầu nhân kỉ niệm sáu trăm năm Nguyễn Trãi. Ông đã gặp một số nhà văn và học giả Việt Nam, lại được đọc bản dịch bài tựa và bài giới thiệu Truyện Kiều của Phạm Quỳnh nên đã cảm thương sâu sắc số phận học giả Phạm Quỳnh. Về nước, ông bắt đầu sáng tác trường ca Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục dài 367 câu. Cuối bài thơ ghi Copenhagen 17/9/1979-TP.Hồ Chí Minh 11/10/1980. Tháng 7/1997, nhà thơ Phạm Tiến Duật sang thăm Đan Mạch được ông tặng một bản, cẩn thận cho dịch sang tiếng Anh để nhiều người đọc được. Sau đó, ông còn gửi tặng bà Phạm Thị Hoàn, con gái Phạm Quỳnh cả bản tiếng Đan Mạch lẫn bản tiếng Anh có thủ bút đề tặng của ông [19]
Chương I mở đầu bằng hai câu:
Chúng ta phải thừa nhận
Chúng ta đã đối xử sai lầm với Phạm Quỳnh
Chương VII lại mở đầu bằng câu:
Chúng ta đã đối xử sai lầm với Phạm Quỳnh
Còn trong chương VI, có những câu:
Chúng ta không nên gọi ông là một tên phản bội
…
Chúng ta cần kiên nhẫn giải thích…
rằng Phạm Quỳnh đã không thể hoàn toàn bỏ qua người dân trong những quyển sách ông viết
….Những đêm dài đọc sách,
không thể biến Phạm Quỳnh
thành một cận thần thân Pháp hơn,
mà có thể thành người giúp chúng ta
trong quá trình thời đại
Và thực ra thì ông ta có phần đúng [20]
Tháng 9-2001 – 26-3-2006
* Bài đã đăng trên Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 140 tháng 8-2006 dưới nhan đề Phạm Quỳnh, người nặng lòng với nước
* Còn đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 267, tháng 9-2006
TƯ LIỆU THAM KHẢO
Tố Hữu: Nhớ lại một thời nhà xuất bản Hội Nhà văn, 8/2000
(*)Băng ghi lời cụ Nguyễn Văn Bồng,tháng 7/1993
Nguyễn Công Hoan: Đời viết văn của tôi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1971
Tô Hoài: ….Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998
Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên: Những nhân vậy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Văn hoá- Thông tin, 1993
Lê Thanh Cảnh: Rời mái tranh trường Quốc Học, bản thảo gửi đăng Đặc San số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học
Tiểu sử Phạm Quỳnh, Tạp chí Thế Kỷ 21, số 122, 6-1999, Mỹ
Và lời kể của ông Phạm Tuân, con trai Phạm Quỳnh; bà Lê Thị Trung, ông Lê Đức Vượng, cháu gọi Phạm Quỳnh bằng bác và một số con cháu khác của Phạm Quỳnh.
1 Lỗ Tấn: Gào thét, nhà xuất bản Văn hoá Viện Văn học, Hà Nội, 1961, bản dịch của Trương Chính
2 Nguyễn Phước Bửu Tập: Chiến sĩ ái quốc Phạm Quỳnh, tạp chí Văn Hoá, Mỹ
3 Nguyễn Vạn An: Khi danh vọng về chiều: tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường, báo Tin Điển, ngày 23/3/1952
4 Phạm Quỳnh: Tuyển tập và di cảo, nhà xuất bản An Tiêm, Paris 1992
5 Theo Thái Vũ, Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong, Tiền Phong chủ nhật số 51, 18/12/2005
6 Theo Phạm Thị Hoàn, bài Thầy Tôi , phát biểu tại lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh tại Paris, Pháp, báo Ái Hữu, số 115, tháng 6/1992, Paris
7 Hoàng Trình: Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) ngươi chiến sĩ giúp việc đắc lực cho bác Hồ, báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 11/2/2001
8 Những người trong gia đình Phạm Quỳnh từ Huế ra Hà Nội đến ở nhà số 5 phố Hàng Da hồi đó gồm có: vợ Phạm Quỳnh, con cả Phạm Giao và bà vợ hai cùng ba người con là Quý (5 tuổi), Kim (3 tuổi), Loan (2 tuổi), Phạm Bích, Phạm Khuê, Phạm Tuyên (15 tuổi), Phạm Thị Hoàn, Phạm Thị Giễm, Phạm Thị Lệ, Phạm Tuân (9 tuổi), Phạm Thị Viên (7 tuổi). Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, giao thông còn khó khăn, tình hình xã hội chưa ổn định mà đưa được một số người đông như thế (trong đó có năm trẻ em dưới mười tuổi) vượt nửa đất nước ra đến Hà Nội an toàn, mạnh khỏe, đồ đạc mang theo nguyên vẹn, chính là nhờ sự giúp đỡ của chính quyền cách mạng non trẻ, do chính ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) đã thực hiện lời hứa “tư” vào trong ấy giải quyết.
9 Vũ Kỳ: Nhớ mùa thu năm ấy, báo Nhân Dân, ngày 2/9/2000
10 Phạm Thị Giá: Thư gửi con trai, tháng 4/1988
11 Bài bà Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh viết tại Paris ngày 20/1/1994
12 Phạm Quỳnh: Hành trình nhật ký, nhà xuất bản Ý Việt, Paris, 1997
13 Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai Phạm Quỳnh, với người viểt bài này tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001
14 Giáo sư Văn Tạo: Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam Phong, báo Khoa học và Ứng dụng, số 2-2005
15 Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: Kẹo Tết của bác Hồ, tạp chí Thế Giới Mới, số Xuân Canh Thìn, 2000
16 Thái Vũ: Về cái chết ông chủ bút tạp chí Nam Phong, Tiền Phong Chủ Nhật, số 51, 18/12/2005
17 Việc Phạm Quỳnh bị xử đầu tiên và chỉ có Phạm Quỳnh bị đánh trước khi bắn cho thấy đây là một vụ trả thù, không phải là “xử lý do tình hình cấp bách” như với hai cha con Ngô Đình Khôi.
Trong bài Phạm Quỳnh-Chủ bút báo Nam Phong, báo Khoa học và ứng dụng, số 2, 2005, Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam có ghi chú như sau: “Có người cho rằng, trong số người đi áp tải đó có thân nhân gia đình Thượng thư Nguyễn Hữu Bài – người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh, nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán”.
“Chính con cháu cụ Nguyễn Hữu Bài đã tìm được cơ hội khử Phạm Quỳnh để trả thù cho cha, ông về vụ Năm cụ khi không rớt cái ình / Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh / Bài không đeo nữa, xin dâng lại….” Đó là lời khẳng định của cụ Nguyễn Văn Bồng, một người thân thiết như con cháu trong nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài và là một nhân vật nổi tiếng của Đà Lạt, từng là cố vấn văn hoá Hội Chấn Hưng Quốc Gia Việt Nam dưới chế độ Sài Gòn, nói với con trai Phạm Quỳnh tháng 7/1993, tại ấp Hà Đông, Đà Lạt, Lâm Đồng. (*)
18 Theo Phạm Tuân: Sống lại với kí ức thuở ngày xưa (báo Ngày Nay, số 385, ngày 30/6/2005, tiểu bang Minesota và tạp chí Việt Học Tạp Chí Phổ Thông số 2, tháng 6/2005, Nam California, Mỹ)
19 Xuân Ba: Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ bút báo Nam Phong, Tiền Phong Chủ nhật số 46, 13/11/2005
20 Erik Stilnus: Phạm Quỳnh và câu chuỵên tiếp tục. Viết về Việt Nam (trường ca). Bản dịch của Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thị Ngọ
Pham Ton’s Blog (phamquynh.wordpress.com/.../ ), ngày 22/9/2008
Phạm Quỳnh tại văn phòng Lại Bộ Thượng Thư
(Huế 1942)
Mộ phần học giả Phạm Quỳnh
(trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế)
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.