Nguyễn Đình Thi
(20/12/1924 Luông Pra Băng - 18/04/2003 Hà Nội)
Hưởng thọ 79 tuổi
Nhà văn, Nhà thơ, soạn kịch, viết nhạc
Tiểu sử
Ông sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luông Pra Băng (Lào). Tuy nhiên, nguyên quán của ông là ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cha ông là một viên chức Sở bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào.
Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.
Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội.
Một trong những bài thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi
GIÓ BAY
Nguyễn Đình Thi
Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.
Nguồn: Trong cát bụi (thơ), Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 1992
Tác phẩm
Truyện
(1951)
2
Bên bờ sông Lô
(tập truyện ngắn, 1957)
3
Vào lửa
Vào lửa
(1966)
4
Mặt trận trên cao
Mặt trận trên cao
(1967)
(tập I năm 1962, tập II năm 1970)
(1956)
7
Công việc của người viết tiểu thuyết
Công việc của người viết tiểu thuyết
(1964)
Thơ
Lá đỏ
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai ác bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.
(Trường Sơn, 12/1974)
Mùa thu vàng
Nào ai biết việc đời đưa rất lạ
Tôi đến một nơi gió núi xôn xao
Trong rừng sâu triền miên xa tất cả
Như đã về đây từ một thuở nào
Tôi đi mãi vào ngàn thông rợp bóng
Như đi sang một cõi khác nào rồi
Quên hết cả chỉ thấy trời xanh rộng
Và mùa thu im lặng ở quanh tôi
Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa
Và hôm nay một mình trên đất lạ
Tôi chợt nhận ra đã tới mùa thu
Bao nhiêu chuyện tôi không còn nhớ nữa
Với cả bao nhiêu nét mặt đã mờ
Tôi nhìn lại tất cả chìm nhòa hết
Rồi sương tan dần ánh sáng lặng trong
Cho tôi nhìn về mãi xa xa tít
Bỗng nhiên tôi thấy rõ một bờ sông
Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ
Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe
Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa
Môi run run em chúc có ngày về
Em gái ơi tôi vẫn đây còn sống
Còn em bây giờ ở nơi đâu
Bao nhiêu nước đã trôi bao nhiêu sóng
Nơi dòng sông xanh in bóng núi cao
Ôi mùa thu hôm nay nghiêng cánh vàng
Đưa tôi bay về nơi nguồn tìm em.
Đây là một trong 3 bài thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi (Mùa thu vàng, Gió bay và Núi xưa).
Nhớ
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
1945
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Việt Nam quê hương ta
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những chuyến đò
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Đói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bũa cơm rau muống quả cà giòn tan...
Trích từ trường ca Bài thơ Hắc Hải (1958).
Đất nước
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da...
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
1948
(Đã được nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Giao Hưởng - Hợp xướng cùng tên "Đất nước" Biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà nội ngày 1 tháng 9/2009, Do chính Đặng Hữu Phúc chỉ huy Dàn nhạc - Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch VN[1])
Kịch
1
Con nai đen
2
Hoa và Ngần
Hoa và Ngần
3
Giấc mơ
Giấc mơ
4
Rừng trúc
Rừng trúc
5
Nguyễn Trãi ở Đông Quan
Nguyễn Trãi ở Đông Quan
6
Tiếng sóng
Tiếng sóng
Nhạc
(1947)
Nguyễn đình Thi và tiếng chim Từ quy
Thứ năm, 30 Tháng 10 2014
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn đình Thi qua đời tại Hà Nội chiều ngày 18/4/2003, hưởng thọ 79 tuổi.
Câu thơ nổi tiếng – tiếng tốt và tiếng xấu – làm nên danh phận, – danh và phận – Nguyễn đình Thi :
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Một câu thơ mới mẻ, tươi thắm, hiện đại vào bậc nhất sau Cách mạng tháng Tám 1945. Câu thơ nhỏ nhoi này sẽ mang một số phận nghịch lý : được phổ biến trong mấy tháng, nó bị lên án và cấm chỉ, tháng 9/1949, trong Hội Nghị Văn Nghệ tại Việt Bắc do Tố Hữu chủ trì. Nghịch lý vì được phổ biến không bao lâu mà câu thơ đã được truyền tụng, có thể nói là rộng rãi nhất của Nguyễn đình Thi thời kháng chiến chống Pháp. Và có lẽ là câu thơ tiêu biểu cho toàn bộ thi phẩm anh – trong cái bạo và cái mới. Nghịch lý trong số phận bài thơ - ở chừng mực nào đó, cũng phản ánh nghịch lý trong cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn đình Thi, cái phần « tươi thắm vô ngần » không khuất lấp hết phần « vất vả, đau thương » (Nhớ, 1954).
« Cỏ mòn thơm mãi… » là câu thứ ba trong bài Sáng Mát Trong như Sáng Năm Xưa đăng trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 10/11/1948 xuất bản tại Việt Bắc. Bài này kết hợp với bài Đêm Mít Tinh, số 8-9 Xuân 1949 sẽ trở thành bài Đất Nước nổi tiếng về sau.
Dạng thứ hai của câu thơ là :
Sông Cầu êm ả cuộn về xa
Dạng thứ ba (cuối cùng), 1955 phổ biến đến bây giờ :
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Câu thơ, tự thân nó, ở dạng 1 là hay nhất. Nhưng trong toàn cảnh bài Đất Nước, thì thoại 3 hài hòa hơn.
* *
*
Cỏ mòn thơm mãi… câu thơ tôi đã biết từ lâu, qua lời truyền tụng. Nhưng toàn văn bản, giấy trắng mực đen thì chỉ được đọc mới đây thôi, năm 1998, khi Hội Nhà Văn cho in lại những số báo Văn Nghệ thời kỳ đầu.
Tuy nhiên, trước đó tôi có được nghe toàn văn, lần đầu ngày 29/10/1990 tại Paris, hôm đi chơi với hai anh Phạm Duy và Nguyễn đình Thi là bạn cũ. Anh Thi sang Pháp lần ấy là lần duy nhất, sau khi đã thôi chức ở Hội nhà Văn. Hôm ấy, tôi đưa hai anh đến quán La Closerie des Lilas, ngồi vào chỗ Apollinaire thường ngồi, và Phạm Duy đã mơ màng đọc thuộc lòng nguyên bài Sáng Mát Trong, thoại 1948 non 30 câu, cho Nguyễn Đình Thi nghe. Tôi rất phục trí nhớ Phạm Duy. Và phục các anh ấy ở nhiều điểm khác. Như chuyện tình bạn và tình nghĩa.
Cách đấy 43 năm, 1947, những ngày thu đã xa, vào cuối tháng 10 này, các anh ấy đã hát cho nhau nghe. Một đêm vui, trăng sáng sân đình, tại làng Gia Điền, miệt trung du Phú Thọ. Phạm Duy đã thích thú hát Tiếng Hát Trương Chi. Chuyện này do Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) kể lại, trong Nhật Ký.
Hôm ấy, Paris trời mưa
Những phố dài xao xác hơi may.
Mưa lay bay mà nhớ thao thao
* *
*
Nguyễn Đình Thi là một tác gia quan trọng, đã gắn liền tài năng và tên tuổi mình vào lịch sử văn học đất nước, từ những cuộc tranh đấu kháng Nhật, đến hai cuộc chiến tranh sau này.
Tùy giai đoạn lịch sử và theo tuổi đời, Nguyễn đình Thi đã chứng tỏ tài hoa và tài năng qua nhiều bộ môn sáng tác : nhạc, thơ, tùy bút, bút ký, lý luận, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Đồng thời anh đảm nhiệm thường xuyên nhiều trách vụ chính trị. Ủy viên chấp hành Hội Văn Nghệ Việt Nam từ 1948, anh làm Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ từ 1956 rồi HộiNhà Văn hơn ba mươi năm liền (1958-1989), làm Chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp các hội Văn Học, Nghệ Thuật Việt Nam. Nguyễn đình Thi là nhân vật quyền chức, chức thì đã rõ ràng là nhiều, nhưng quyền đến đâu thì chúng tôi không rõ.
Có khi thừa nhiều quyền, mà lại thiếu cái quyền thực thi đôi điều tâm huyết.
Việc chính của nhà văn là làm văn, chứ không phải làm quan. Con thuyền chức tước Nguyễn đình Thi, suốt nửa thế kỷ thuận buồm, nhưng những trước tác tâm đắc của anh chưa bao giờ một lèo xuôi gió.
Nguyễn đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên Cưú Quốc, 1943 tham gia Văn Hóa Cứu Quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại Hội Tân Trào, vào Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc Hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường Trực Quốc Hội, khóa I.
Từ 1942, anh đã viết hàng loạt sách triết học. Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Aristote, Descartes, Kant, Nietzsche, Darwin, Einstein … trong khi giới trí thức Việt Nam thời ấy không mấy quan tâm đến triết học, ví dụ Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Cầm, Vũ hoàng Chương. Các lý thuyết gia như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh cũng không mấy lưu tâm đến các khái niệm trưù tượng, có lẽ trừ nhóm Hàn Thuyên, về sau bị lên án là tờ-rốt-skít. Do đó, tư duy Nguyễn đình Thi có những nề nếp và nền nét riêng.
Thời kỳ này anh sáng tác nhạc, nổi tiếng nhất là bài Diệt Phát Xít, làm đua với Văn Cao, và anh làm xong trước bài Chiến Sĩ Việt Nam. Bài Thanh Niên Cứu Quốc Ca được hát ở Tân Trào, Hồ Chí Minh đã phê bình : « bây giờ còn hỏi : gươm đâu, súng đâu là muộn đấy. Phải nói gươm đây, súng đây… », sau đó là Bài Hát của Người Hà Nội, về mặt trận Hà Nội đầu 1947 làm tại Phú Thọ.
Thời chống Pháp, anh tham dự hầu hết các chiến dịch lớn, Tây Bắc 1948, Biên Giới 1949, Trung Du 1951, Hòa Bình 1952. Ở mặt trận Điện Biên 1954, anh làm chính trị viên phó Tiểu Đoàn, đánh lên đồi A1, sau đó làm công tác tù binh. Nhưng có lần anh thổ lộ với tôi : chưa hề bắn một phát súng. Anh người cao lớn, có lần bị du kích bắt vì nhầm là Tây … đi lạc.
Từ 1955, anh về làm việc tại Hội Văn Nghệ Việt Nam tại Hà Nội, làm Tổng Thư ký từ 1956, đúng vào thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, và bị nhiều tai tiếng và ân oán giang hồ kể từ đó.
Vốn hiểu biết sâu rộng, nhất là về triết học và thẩm mỹ học, cảm quan nghệ thuật sắc bén, tài hoa về nhiều mặt, Nguyễn đình Thi còn có một kiến thức và ý thức chính trị vững chãi. Sức khỏe dồi dào, anh là người xông pha và xông xáo, ham suy nghĩ, học hỏi và lao động nghệ thuật cật lực. Anh đủ các phẩm chất để hoàn tất một sự nghiệp văn hóa lớn, trong một xã hội bình thường. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đòi hỏi anh phải phân tán tài năng và đặt các tiêu chuẩn xã hội, chính trị lên trên quan niệm thẩm mỹ. Sau đó là công tác hành chánh, quản lý một mặt chiếm thì giờ, mặt khác ràng buộc khả năng nghệ thuật. Anh đánh cuộc và phải trả giá. Trả giá để sống, sống để viết, viết chừng mực nào đó theo ý mình.
Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương… đều đã phải trả giá. Đắt rẻ thế nào, là tùy theo số phận của tác phẩm về sau.
Nguyễn đình Thi thường thường là người đi trước. Chưa dám nói là người dẫn đường, cũng phải nhận anh là người « nhận đường » (1947) với số phận chênh vênh của nó. Anh đi trước trong những phong trào, thể loại, chủ đề, rung cảm.
Ví dụ về thơ. Cánh mạng tháng 8/1945 chấm dứt phong trào Thơ Mới và tạo điều kiện cho một cách tân trong thi ca, mà Nhớ Máu cuả Trần Mai Ninh, Đèo Cả của Hữu Loan, Ngoại Ô Mùa Đông 46 của Văn Cao là những điển hình. Nhưng sau đó, các Hội Nghị Văn Nghệ 1948 và nhất là 1949 tại Việt Bắc đã dập tắt những ngọn lửa cách tân, nhân danh các tiêu chuẩn dân tộc, khoa học và đại chúng - nhất là đại chúng.
Và làm cái bung xung cho lời chỉ trích là thơ Nguyễn đình Thi, mà Xuân Diệu chê là đầu Ngô mình Sở, Lưu Trọng Lư đòi « tống cổ ra khỏi nền văn học mới, nền văn học kháng chiến và cách mạng »[1]. Nhưng nặng nề, dứt khoát và thẩm quyền hơn ai hết là Tố Hữu – mặc dù và sau khi Nguyễn đình Thi đã nhận kiểm điểm : « Nghe anh Thi tự phê bình thơ anh, anh chị em nghĩ : tại sao biết mình như vậy, mà cứ làm như vậy (…). Lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét những bài thơ ấy, và tôi thù ghét cái cá nhân chủ nghĩa nó lại trở về với tôi (…) Những bài thơ anh Thi, tôi cho là không hay vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng. Đó là nội dung.
Tôi đồng ý thái độ tự phê bình của anh Thi, một thái độ đúng đắn. Còn một điều cần thiết nữa là anh phải kiểm tra lại cái tư tưởng, cái rung cảm của mình trong quần chúng »[2].
Như vậy là tàn đời Nguyễn đình Thi.
Câu cuối của Tố Hữu, không dừng lại ở những bài thơ Nguyễn đình Thi làm khoảng 1947-1948, nó sẽ là bản án chung thân cho toàn bộ trước tác Nguyễn đình Thi về sau. Những bài diễn văn sau này của Tố Hữu, như những năm 1963-1964 sẽ hệ thống hóa quan điểm đánh giá nói trên, tràn sang phê phán chủ nghĩa nhân đạo chung chung, miêu tả hạnh phúc cá nhân, ngợi ca cuộc sống bình thường, những con người bình thường [3]. Nhưng Nguyễn đình Thi vẫn làm thơ như cũ, có khi còn … tệ hơn trước !
Về văn xuôi, Nguyễn đình Thi cũng là người đi trước, trong hai chủ đề chính yếu là chiến tranh và cách mạng
Ngày nay, người ta ca ngợi những tác phẩm sau thời Đổi Mới, 1986, nói lên những mất mát, thương tích của chiến tranh. Nhưng từ thời chống Pháp, Nguyễn đình Thi, và Bùi Hiển, đã đề cập đến chủ đề này, và đã từng bị chê là tiêu cực, bi quan, chủ bại. Do đó, những truyện ngắn của anh, viết rải rác từ 1948 đến 1954, mãi đến 1957 mới được xuất bản thành tập Bên Bờ Sông Lô. Chu Nga, không phải là ngòi bút giáo điều, đã tự hỏi : trong những truyện ngắn này của anh phảng phất một nỗi buồn man mác, khó tả làm cho người đọc không thể không suy nghĩ về nghững hậu quả đau thương của chiến tranh. Tất nhiên điều đó cũng là sự thực thôi, song có nên nhấn mạnh vào khía cạnh đó ? [4] Ngược lại, tiểu thuyết Xung Kích phấn khởi, sôi nổi hơn, được in từ 1951 và được ngay Giải Thưởng Văn Nghệ, lại là một tác phẩm xoàng.
Trong đề tài chiến tranh, Vào Lửa, 1966, là tiểu thuyết đầu tiên về cuộc kháng chiến chống Mỹ trên miền Bắc, đồng thời cũng là tác phẩm đầu tiên nêu lên những va chạm giữa hai thế hệ, già và trẻ, chống Pháp và chống Mỹ, chủ đề sẽ được phát triển về sau trong Mẫn và Tôi, 1973, của Phan Tứ, hay Dấu Chân Người Lính, 1972 của Nguyễn Minh Châu. Và Nguyễn Minh Châu sẽ trực diện diễn tả số phận con người trong chiến tranh, đồng thời ngay thẳng đặt vấn đề tự do văn nghệ, « Ai điếu cho một nền văn chương minh họa », một dũng cảm mà Nguyễn đình Thi chưa bao giờ bày tỏ, ở một vị thế được ưu đãi hơn nhiều.
Mặt Trận Trên Cao,1967 của Nguyễn Đình Thi, là tiểu thuyết đầu tiên nói về binh chủng không quân, về chiến tranh kỹ thuật, một đề tài hoàn toàn mới, mà Hữu Mai về sau, sẽ khai thác triệt để hơn trong hai tập Vùng Trời, 1971 và 1974.
Văn chương về chiến tranh Việt Nam thì nhiều, nhưng Nguyễn đình Thi đã vạch lại hành trình người lính bộ đội Việt Nam, từ thuở Chân không giầy đạp nát đồn Tây (1950) đến khi sử dụng tên lửa, ra đa. Đồng thời anh cũng ghi lại tâm lý, tâm tư, hoài vọng của người lính thuộc nhiều thế hệ, hoàn cảnh, trong ba mươi năm cầm súng.
Trong đề tài cách mạng, hai tập Vỡ Bờ I, 1962 và Vỡ Bờ II, 1970, là tác phẩm quy mô đầu tiên dựng lên toàn cảnh cuộc vận động Cách Mạng 1945 – đề tài mà anh đã ấp ủ từ 1948, ước mơ học tập được nghệ thuật của Tolstoi trong Chiến Tranh và Hòa Bình. Anh đã dày công lao động trong hơn mười năm – thời gian này anh đã tranh thủ viết Vào Lửa và Mặt Trận Trên Cao để … dưỡng sức. Hai tập Vỡ Bờ là bức tranh hoành tráng về cuộc tổng khởi nghĩa đi từ mặt trận Việt Minh kháng Nhật chống Pháp đến Cách Mạng tháng 8/1945, từ khu mỏ than Đông Triều, qua thôn xóm ven sông Lương đến hè phố Hà Nội, tầng tầng lớp lớp quần chúng đủ mọi gia cấp, ào ào « tức nước vỡ bờ », nô nức hướng về cách mạng. Vỡ Bờ là trước tác tâm huyết mà Nguyễn đình Thi ấp ủ với nhiều kỳ vọng và trau chuốt rất công phu, nhưng đã không được tiếp đón như anh mong ước.
Trái lại tác phẩm đã bị phê phán gay gắt, khiến anh nổi dóa, trả lời trên Tạp Chí Văn Học « tôi là người viết, dắt đến một con ngựa, nhưng bạn phê bình lại hỏi : cái con này của anh sao lại thiếu hẳn một đôi sừng ? Rồi chỉ cho người viết, một con trâu : hãy xem đôi sừng hùng dũng đẹp thế kia ! Tôi e như thế, nói chuyện với nhau vẫn chưa hiểu nhau »[5].
Mấy tháng sau, Phong Lê, thuộc Viện Văn Học, thay mặt cho giới phê bình đã trả lời « nhưng đâu phải thế. Nhà phê bình cũng biết là ngựa đấy, nhưng là giống ngựa gầy yếu mà nhà văn thì có vẻ lại muốn xem nó là thứ ngựa chiến, khỏe và đẹp »[6].
Trả lời giới phê bình đòi hỏi ở tiểu thuyết những « tính cách », Nguyễn đình Thi cho rằng đấy là lối « đi xem voi, gấu, trong rạp xiếc mà thôi. Tôi e rằng có bạn, đáng lẽ mở trang sách đến với con người, thì lại mải đi soi đi đo nó » 5. Phong Lê cũng đã trả lời đốp chát, giải thích tại sao phải « đi soi đi đo » và đánh giá tư tưởng Nguyễn đình Thi còn chậm chạp hơn cả Vũ trọng Phụng hay Khái Hưng, Nhất Linh thời trước, thậm chí sa vào quan điểm vị nghệ thuật mà Nhất Linh đã không vướng mắc. Rồi Phong Lê kết luận một bài báo nặng nề và gay gắt : « những tư tưởng đó là rơi rớt của chủ nghĩa lãng mạn, và ít nhiều cũng còn dấu vết của chủ nghĩa tự nhiên nữa, lại được bộc lộ qua một cây bút có vị trí quan trọng như Nguyễn đình Thi, nên hiện tượng đó càng không thể bỏ qua » 6.
Ngoài những phê phán về đường lối, tư tưởng và phương pháp, giới phê bình thời đó còn chê trách Nguyễn đình Thi cho những nhân vật trong Vỡ Bờ hôn nhau nhiều quá, và như vậy là « không đứng đắn » 5 ( ! ).
Về sau Phan Cự Đệ sẽ phê phán ôn hòa, chừng mực hơn : « Nguyễn đình Thi nhìn một số nhân vật dưới góc độ của chủ nghĩa nhân đạo (ít nhiều mang màu sắc tiểu tư sản) của những vấn đề lương tâm, danh dự, nhân phẩm, đạo đức chung chung nhiều hơn là dưới ánh sáng của quan điểm giai cấp công nhân… Nguyễn đình Thi nhạy bén với những vấn đề của đất nước, dân tộc hơn là những vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp » [7].
Một cách nói rằng : anh là nhà văn giỏi, nhưng là một người cộng sản tồi. Nếu quả đúng như thế thì may cho anh Thi, may hơn là phương trình ngược lại.
Phan Cự Đệ là bậc giáo điều, và là bậc thầy trong nghệ thuật giáo điều : suốt 30 trang bình luận về Nguyễn đình Thi lời lẽ ôn tồn, đằm thắm, nhưng tựu trung chỉ khai triển quan điểm kiên định của Tố Hữu năm 1964, đã trích dẫn ở đoạn trên.
Về điện ảnh, ở miền Bắc thời ấy, Nguyễn đình Thi cũng là người khai phá. Hợp tác với đạo diễn Liên Xô, Roman Karmen, anh đã thực hiện và thuyết minh phim tư liệu dài và màu đầu tiên « Việt Nam trên đường thắng lợi » 1955.
Cuối cùng, về kịch, Nguyễn đình Thi lại là người đi trước. Trong thể loại sân khấu, trước tác Nguyễn đình Thi gian nan hơn cả, không phải vì tác giả đưa tư tưởng đi xa hơn so với thơ và truyện. Nhưng vì kịch có một quần chúng đông đảo quy tụ cùng một lúc, khác với thơ và truyện mà người ta có thể trùm chăn đọc một mình. Thơ trường phái Nguyễn đình Thi khó mong nhiều độc giả, mà độc giả trường phái ấy cũng khó bề làm hậu thuẫn chính trị. Những độc giả thơ có tiềm năng làm « gió hôm nay là giông bão ngày mai » thì đã được rèn luyện trong lò Tố Hữu.
Vì vậy kịch bản Con nai Đen, 1962, bị phê phán và ngăn chặn từ trong trứng nước. Sau đó, Nguyễn đình Thi viết : Hoa và Ngần, 1974 ; Giấc Mơ, kịch thơ, 1977 ; Rừng Trúc, 1978 ; Nguyễn Trãi ở Đông Quan, 1979 ; Tiếng Sóng, 1980 ; và bốn vở kịch ngắn khoảng 20 trang : Người Đàn Bà Hóa Đá, 1980 ; Cái Bóng Trên Tường, 1982 ; Trương Chi, 1983 ; Hòn Cuội, 1986.
Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, sáng tác cho kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, được trình diễn mấy đêm gì đó, rồi bị cấm, bị phê phán nghiệt ngã, là đã mỉa mai chế độ, cho rằng trí thức là tù nhân của chế độ. Tôi chưa được xem trên sâu khấu, nhưng anh Nguyễn đình Nghi đạo diễn đã kể lại niềm hào hứng khi dàn dựng vở kịch, mang nhiều truyền thống sân khấu cổ truyền lẫn tính cách hiện đại, và anh dựng tiếp Rừng Trúc trước khi mất.
Trong kỷ yếu Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại, 1997, của Hội Nhà Văn – mà Nguyễn đình Thi đã trấn nhậm hơn 30 năm – ở thư mục Nguyễn đình Thi, trang 630, có đầy đủ tác phẩm theo trật tự thời gian, chỉ loại trừ Nguyễn Trãi Ở Đông Quan.
Bi kịch Nguyễn Trãi phần nào phản ánh thân phận của một thế hệ trí thức Việt Nam, trong đó có nghịch cảnh và nghịch lý Nguyễn đình Thi. Những người dù thông cảm, hiểu rằng anh phải thỏa hiệp, cũng trách anh thỏa hiệp quá lâu. Không ai trách Thúy Kiều bán mình, trong một hoàn cảnh xã hội, với một mục tiêu cá nhân nhất định. Nhưng trong 15 năm trôi dạt, Thúy Kiều đã nhiều lần phản kháng, còn Nguyễn đình Thi, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, không nghe nói năng gì trước những phi lý, bất công, oan trái. Không lẽ anh chỉ biết duyên mình biết phận mình thế thôi ?
Nguyễn đình Thi là người tài năng, ai cũng biết, và tôi rất phục tài anh. Năm 1967, anh viết bài chào mừng đại hội 4 các nhà văn Liên Xô, là một loại văn ước lệ, chỉ cần làm chiếu lệ mà anh đã kể tâm tình :
« Ở miền rừng núi chúng tôi, có một giống chim gọi là từ quy. Các ông bà già bảo rằng có đôi người yêu ngày xưa bị kẻ gian ác ngăn cấm không lấy được nhau, đã hóa thành giống chim ấy. Cho nên đến tận bây giờ, cứ đêm đêm người ta nghe thấy những con chim từ quy gọi nhau từng đôi, một con ở đầu núi này, một con ở đầu núi khác, suốt đêm đôi chim tìm gọi nhau cho đến sáng thì mới gặp nhau. Toi nghĩ rằng các dân tộc từ bao thế kỷ, cũng đã mò mẫm đi tìm nhau như thế. Và những tác phẩm của các nhà văn thơ lớn ở thời trước cũng khác nào những tiếng gọi tìm nhau của các dân tộc còn bị ngăn cách, chia rẽ trong bóng đêm dày. Chính Cách Mạng tháng Mười là buổi bình minh làm cho các dân tộc nhìn thấy nhau và gặp được nhau » [8].
Anh ngụy biện. Chim từ quy thì quan hệ gì đến văn học, và giao lưu văn học thì cần gì đến Cách Mạng tháng Nọ tháng Kia. Rõ là ngụy biện, thậm chí còn là ngụy tín. Nhưng tài quá : một là phát biểu đúng đường lối « vô sản quốc tế ». Hai la, đề cao văn học Việt Nam và các dân tộc nhược tiểu ngang tầm với các nền văn học bề thế hơn. Ba la, anh mượn diễn đàn quốc tế để hồi âm một tiếng chim từ quy nghe được từ núi rừng Tây Bắc, suốt đời thao thiết ngân vang trong hồn anh.
Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc
Những đêm thao thức tiếng từ quy
(Quê Hương Việt Bắc, 1950)
Đôi chim từ quy là biểu tượng cho tình yêu xa cách – chủ đề chính yếu trong toàn bộ thơ anh :
Anh đứng đây thầm gọi tên em
Xa em anh ngơ ngác
Anh gọi em anh gọi mãi
Em có nghe thấy anh không
(Núi và Biển, trong Tia Nắng, 1983)
Có một lần, không rõ vì lý do gì, anh cao hứng bảo rằng tôi hiểu thơ anh. Không biết anh nói thật hay nói đùa, cho vừa lòng tôi. Nhưng anh đã nói và tôi đã nghe.
Tưởng nợ nhau một lời nói. Hóa ra nợ nhau một tiếng từ quy. Một kiếp từ quy.
Khỉ thật
« Người bạn thơ phương trời xa »
Orléans, ngày 8 tháng Năm 2003
[1]Cách mạng, Kháng chiến và Đời sống Văn học, nhiều tác giả, Nxb Tác Phẩm Mới, tr. 206, 1985 Hà Nội
[2]Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, Nxb Văn Học, tr. 46, 1973, Hà Nội
[3]Tố Hữu, sđd, tr. 356
[4]Tác gia văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 160, 1977 Hà Nội
[5]Nguyễn đình Thi, Tạp Chí Văn Hoc, số 3, tháng 5-6/1972, tr. 49, 47 và 43, Hà Nội.
[6]Phong Lê, Tạp Chí Văn Học, số 6, tháng 11-12/1972, tr. 105 và 109, Hà Nội
[7]Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam, Tập I, Nxb Đại Học và Trung Học chuyên nghiệp, tr. 735, 1979 Hà Nội
[8]Tạp chí Văn Học, số 11, 1967, tr. 74, Hà Nội
Nguyễn Đình Thi
từ thơ ấu đến bài thơ 'đất nước'
hồi ức Nguyễn Đăng Mạnh
Tôi đã viết 2 bài thuộc chân dung văn học về Nguyễn Đình Thi :
- Nguyễn Đình Thi như tôi đã biết
- Từ lần gặp ấy tôi đã hiểu thêm Nguyễn Đình Thi
nay, tôi kể thêm mấy mẩu chuyện khác về anh.
Nguyễn Đình Thi từ thời thơ ấu đến bài thơ ' Đất nước '.
Người ta thường nói Nguyễn Đình Thi sinh ở Luang Prabang (Lào). Nhưng chính Nguyễn Đình Thi lại nói vơi tôi, anh sinh ở Phong-xa-lỳ. Anh nói rất cụ thể, hồi ở với tôi ở Đà nẵng, tháng 7 năm 2000.
Bố anh là một nhân viên bưu điện sơ cấp bị điều sang Lào, phụ trách một trạm bưu điện ở Phong-xa-lỳ, ở đây, ông lấy con gái một Việt kiều, vốn là một đầu bếp, người [ở làng] Đông thái, Đức thọ, Hà tĩnh. Ông này trốn sang Lào, vì có ính vào vụ Hà thành đầu độc. Dân ở đây rất lạc hậu, một dân tộc thiểu số của lào, gọi là Phù nọi . Dân Phù nọi ăn cả đất, Thi từng bắt chước họ ăn đất.
Phong-xa-lỳ là một khu vực quân sự (territoire militaire ). Toàn là lính tây, lính ta, lính khố xanh [garde indigène], khố đỏ [tirailleur], và tù chính trị. Xa nước, nên từ nhỏ NđT hay nghĩ về đất nước. hay tưởng tượng về đất nước. Nhưng đất nước trong tâm trí cậu bé là thế : một đám tù chân xiềng , tay xích, lính giải đi làm cỏ-vê hàng ngày.
Thi lên 6 tuổi, bố thấy con sắp thành dân Phù nọi đến nơi, muốn đưa về nước. Rất may mắn, 1930, bố anh được điều về Việt nam. Mẹ anh thường cưỡi ngựa. Bà cưỡi ngựa, đi hàng trăm cây số. Bóng bà đi ngựa leo dốc còn in mãi trong trí nhớ anh sau này - anh nói đó là một hình ảnh rất nên thơ.
Gia đình anh về nước, đi từ Phong-xa-lỳ, qua Luang Prabang, Tà-khẹt về Hà nội. Lần đầu anh nhìn thấy ô- tô, anh gọi là cái nhà biết đi. Lúc đầu gia đình anh ở Hà nội, phố Bạch mai. Sau đi hải phòng, rồi lại trở về Hà nội. Anh tự thấy là một chú nhãi Hà nội, thuộc đủ ngõ ngách, phố xá của Hà nội.
Gia đình NđT không phải trí thức. Không biết chữ Hán, coi như ngoại đạo đối với văn học. Trong đám sách vở nghèo nàn của bố, anh chỉ được đọc và nhớ có một câu thơ của bà huyện Thanh quan:' Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi' . Sau này, ngẫm lại cuộc đời mình, anh thấy đời anh cũng chỉ là ' Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi'. Ngoài ra, có được đọc một bản dịch Những người khốn khổ/ Victor Hugo. Cảm động nhất là đoạn Jean Valjean tìm Cosette. Cosette trong đêm tối mù mịt, xách xô nước, tự nhiên thấy nhẹ bỗng đi. Té ra Jean Valjean xách hộ. Anh nghĩ, suốt đời chỉ mong xách hộ nước cho một đứa bé nghèo.
Anh biết rất ít văn học Việt nam. Mãi sau này mới đọc Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, đến 30 tuổi mới đọc Tam quốc, Thủy hử. Không biết chữ Hán, không biết Thơ mới, không biết Tự lực văn đoàn, không cảm được cái hay của ngôn từ chữ Hán. Không thích viễn phố bằng bến xa, nghe gợi nhiều hơn, không thích lâm tuyền, thích nói suối xa. Cho nên làm thơ ngoài luồng Thơ mới, ngoài luồng Tự lực văn đoàn, cảm thấy thế nào cứ làm như thế, điếc không sợ súng.
(Nghe nói lại NđT như thế, Nguyên Ngọc không tin, cho là Thi nói dối. Nguyên Ngọc dứt khoát không tin ở sự thật thà của NđT).
Nguyễn đình Thi rất thích cảnh rừng núi - anh nói thế - vì anh đã ở Phong-xa-lỳ, nên về sau lên Việt bắc thấy quen thuộc như đã biết từ bao giờ rồi. Mẹ NđT là một người đàn bà rất đảm. Khi gia đình ở Hải phòng, bố anh lại bị điều vào Saigon-Chợlớn, bà không theo vào. Bà mở một xưởng làm kẹo bột. Về Hà nội cũng làm kẹo, đi kháng chiến, bà trồng hẳn một đồi sắn. NđT nói :
' Bà ghê lắm, giỏi lắm ! ' ( thế mà, hình như bà mù chữ).
Ở Hải phòng, anh chứng kiến Nhật đổ bộ. Anh nói ' Nhục lắm ! Nó đi đâu cũng ra hiệu hỏi nơi nó đi '. Anh lớn lên vào lúc cuộc đại chiến thứ 2. Nhật vào. Phong trào Việt minh. Thời thế đặt ra những câu hỏi lớn. Nguyên Hồng gọi là thời kỳ đen tối (1940- 45). Theo NđT , đây là thời kỳ trắng đen, thật giả lẫn lộn. Vì thế dễ lầm lẫn ( Nguyễn công Hoan + Nguyễn Tuân đã lầm lẫn )- phải suy nghĩ tợn. Suy nghĩ về đời, về đất nước, về sự sống, về chân lý, vể đường
đi ... Cho nên, NđT thích đọc và viết triết học. Anh viết Kant năm 1942, lúc 18 tuổi. Tiếp đó là nhạc, mãi sau mới làm thơ và viết văn.
Như thế, NđT đi từ triết đến nhạc, rồi mới đến thơ văn. Thơ văn có cấu trúc nhạc. Ông bố NđT ngày xưa có chơi đàn nguyệt, đàn bầu. Còn anh thì tự học nhạc , chỉ bằng một cái đàn mandoline và một cuốn nhạc phổ thông. Có một buổi học nhạc [với] một mục sư. Nói chung là tự học.
Từng chứng kiến cảnh mất nước từ ở Lào, rồi cảnh Nhật vào hải phòng, đến hiệp định 6/3, lại chứng kiến Pháp kéo vào từ Hải phòng, theo đường số 5.
( Trường Chinh giao nhiệm vụ cho NđT đi đả thông đồng bào 2 bên đường số 5: không đón tiếp, mặc nó, nhưng không gây sự ).
Vì thế, được làm chủ đất nước, NđT thích nằm ngửa ở sân trường, nhìn trời xanh không biết chán. Sau này nhớ lại ' Trời xanh đây lả của chúng ta ! '.
Kháng chiến, NđT có chuyện buồn : 2 người thân mất ( vợ + cô em vợ định gả cho Thi) cộng thêm nỗi đau đất nước bị dày xéo.
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Giây thép gai đâm nát trời chiều
THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI
Anh nói, 8 năm kháng chiến, mới viết được 2 cấu ấy. Khắp nơi giặc chăng giây thép gai : hành quân ở Bắc giang, nhìn lên đồi cao thấy giây thép gai in trên nền trời đỏ như máu . Hành quân liên miên, đi ngày, đi đêm, Toàn đi bộ, một ngày có khi 50 cây số, từng qua vùng thượng Lào , ' Ngày nắng cháy, đêm mưa dội '- cứ thế đi dưới trời mưa . Vì thường hành quân đêm, nên, có 2 hình ảnh rất ấn tượng đối với anh : lửa và sao. Lửa đốt sưởi lúc nghỉ chân. Không phải đèn mà lửa :
Ngôi sao nhớ mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
NHỚ / THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI
Đến chiến dịch Điện biên phủ, lính đi trong chiến hào ngập nước, có khi tới ngực. Mặt mũi đen nhẻm, vì, chỉ có bùn và khói súng, cười răng trắng xóa, từ bùn vụt lên ,' Rũ bùn đứng dậy sáng lòa '.
NđT nói : ' Nguyễn Tuân rất thích hình ảnh này.
Còn chị Mộng Tuyết gặp anh lần đầu, kêu lên :
' A anh rũ bùn đứng dậy sáng lòa' đấy à ! '
Bài thơ Đất nước làm ở Việt bắc từ 1948. Ghép 2 bài thơ kháng chiến với nhau. Sau, bẵng đi, đến 1955 mới làm tiếp ở Thái nguyên - xã Phú minh, bên sông Cầu ( làm tiếp bài thơ ' Đất nước' và bắt đầu viết tiểu thuyết ' Vỡ bờ' ). Anh nói, bài Đất nước kết cấu theo âm nhạc. Chủ âm a từ mở bài, thân bài đến kết bài :
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
... Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
... Nước Việt nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI
(................................................)
* tạm lược khoảng 8 trang A4. [BT].
Năm 2000, tôi vào Sài Gòn. Một buổi sáng, tôi ngồi uống cà-phê với anh Hoài Thanh ( cán bộ giảng dạy đại học Sư phạm Sài Gòn ) , ở một quán vỉa hè đường Nguyễn Du - thấy Nguyễn đình Thi đứng ngay gần đấy. Anh đứng trông ra đường, chắc đang đợi xe đến đón đi đâu đó. Tôi gọi anh và mời anh uống cà-phê.
Hoài Thanh nói :
' Trông bác vẫn trẻ lắm !'.
NđT trả lời :
' Tôi lúc trẻ người ta bảo là già. lúc già người ta lại khen là trẻ.'
Hỏi anh về sức khỏe, anh nói bị tuần hoàn não.
Khi anh ốm nặng (2004), tôi có đến thăm anh. Hôm ấy, anh vừa được uống cổ linh chi, một thứ thuốc quý hiếm, được coi là thần dược. Người khỏe lại hẳn. Chân tay co duỗi thoải mái. Anh thử biểu diễn cho tôi xem, có vẻ vui và tin tưởng lắm Chị Tuệ Minh chăm sóc anh. Anh nói nhỏ với tôi :' Anh đến thăm tôi thế này là quý hoá lắm ! '. Rồi anh giới thiệu tôi với chị Tuệ Minh.
Vậy mà, chỉ mấy ngày sau, anh qua đời
***
Về sáng tác và nhất là về con người Nguyễn đình Thi, kẻ khen không ít, người chê cũng nhiều. Điều ấy chắc anh biết rõ. Nhưng, anh không bao giờ thanh minh, không bao giờ tự bào chữa.
Hoàng Ngọc Hiến * cho đó là một chỗ rất được của Nguyễn đình Thi .
LÁNG HẠ 1-1-2008.
Nguyễn Đăng Mạnh
----
* ... Duy có 2 người tôi rất quý trọng ... Hoàng ngọc Hiến và Phạm Luận. Hoàng ngọc Hiến, tôi đã viết ở trên rồi. Còn Phạm Luận, tôi thấy chỉ càn nói một câu : ' đấy là môt đấng trượng phu quân tử của thời hiện đại ., một cốt cách đường hoàng, một phong thái thung dung, thật sự coi thường danh lợi ' . (NđM]
Tình Không Biên Giới
Từng được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của thời kháng chiến chống Pháp, “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi (1954) và được nhiều thế hệ yêu thích, nhưng ít ai biết lồng trong bài thơ là một chuyện tình cảm động và kỳ lạ…
Nguyên văn bài thơ “Nhớ” như sau:
Ngôi sao nhớ ai mà ngôi sao lấp lánh?
Sao sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hong đêm lạnh?
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn mây…
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương trong trắng vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn…
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ núi
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
Một bài thơ tình được viết trong thời kỳ đất nước chiến tranh, bài thơ không hề viết riêng cho ai và cũng mang tâm trạng chung của mỗi chiến sĩ trên bước đường chiến đấu.
Nhưng nếu chúng ta biết được hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì sẽ thấy sự tinh tế của tác giả khi “mượn cái chung để thổ lộ tình riêng”.
Vâng, Nguyễn Đình Thi đã sáng tác bài thơ này để gửi đến “người yêu thiêng liêng” của mình:
Nhà báo – nhà thơ người Pháp Madeleine Riffaud.
Tiếng sét giữa 2 con người tài – sắc
Họ gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới Berlin (1951, lúc đó còn là nước CHDC Đức).
Chàng trai tài hoa 27 tuổi Nguyễn Đình Thi lúc đó đã nổi tiếng, tác giả của hai ca khúc Diệt phát xít và Người Hà Nội, đồng thời là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc kiêm Ủy viên Thường vụ Quốc hội.
Nguyễn Đình Thi nổi bật trong đoàn đại biểu Việt Nam bởi vóc dáng cao lớn, đẹp trai, nói tiếng Pháp lưu loát với nhiều tư duy triết học.
Thời điểm đó (1951), cuộc chiến tranh chống Pháp đang đi vào giai đoạn khốc liệt, quân đội Việt Namđã lớn mạnh và đang chiến thắng dồn dập…
Bởi thế, đoàn đại biểu Việt Nam ở liên hoan trên luôn là tâm điểm chú ý của đại hội, nhất là của giới truyền thông, báo chí quốc tế…
Trong số các nhà báo có mặt ở liên hoan này, có một con người “đặc biệt nổi trội”, đó là nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud, từng là đội viên du kích chống phát xít Đức.
Nữ du kích đầu tiên hạ sát một sĩ quan Nazi giữa lòng Paris.
Bị Gestapo bắt năm 1944.
Bị kết án tử hình, lúc chỉ còn 6 ngày nữa là bị hành quyết thì được giải cứu thành công.
Năm 1946, Madeleine được nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.
Madeleine còn là tác giả của tập thơ Con ngựa đỏ từng được trao giải văn chương Pháp.
Thời điểm tham dự Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới Berlin 1951, Madeleine là đảng viên đảng Cộng sản, và là phóng viên Báo Nhân Đạo (thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Pháp).
“Tài” như vậy, nhưng “sắc” cũng không hề thua kém:
Madeleine có vóc dáng thanh mảnh, thướt tha, khuôn mặt thanh tú với cặp mi cong vút nổi bật với làn da trắng hồng và những lọn tóc đen nhánh…
Đôi trai tài, gái sắc gặp nhau và một “coup de foudre” (tiếng sét ái tình) đã giáng xuống.
Thoạt đầu, khi mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” bởi phải ý tứ, giữ gìn tác phong khi đang thực hiện nhiệm vụ “quan hệ quốc tế” nhưng qua những biểu hiện nụ cười, ánh mắt – nhà văn lịch lãm người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet (khách mời của đại hội) đã tạo nhiều điều kiện để họ được gần gũi nhau hơn…
Mối tình chung thủy xuyên lục địa
Sau kỳ liên hoan đại hội này, họ vẫn duy trì mối tình “xuyên lục địa” bằng thư tín.
Nhà thơ Huy Cận trong bài Thương và nhớ bạn Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ, số 17 – 18 năm 2003) đã kể rằng:
“Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Ma-đơ-len Ri-phô gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển.
Ngoài phong bì có đề
“Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo”.
Tôi mở thư ra đọc, bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam:
“Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”
và
“Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”
tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp.
Cuối tháng anh Thi mới gặp tôi, tôi đọc cả bức thư cho anh Thi nghe rồi mới giao thư…”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh chính trị viên tiểu đoàn 30 tuổi khi vượt lên đỉnh đèo Pha Đin có đốt những cành cây khô, sưởi ấm và sáng tác bài thơ Nhớ với chú thích “Tặng M.” (tức Madeleine), và cả:
“Chúng ta như hai ngôi sao
Hai đầu chân trời lấp lánh
Trong không gian mênh mông xa nhau
Chiều chiều cùng sánh lên ánh sáng
Không tắt bao giờ”…
Khoảng năm 1955, 1956 Madeleine Riffaud qua Việt Nam liên tục.
Đôi tim yêu lại tìm nhau, sưởi ấm cho nhau.
Và tưởng như giữa họ đã không còn có gì ngăn cách (trước đây ông Thi đã có vợ và 3 con, sau đó vợ ông mất trong chiến khu).
“Tưởng như” thế thôi, nhưng ở vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, hai người mang hai quốc tịch, không phải cứ muốn lấy nhau là được.
Họ được khuyên “tốt nhất cứ mãi là bạn tình!”.
Đành phải chấp nhận lời khuyên ấy dù cả hai đều thấy day dứt, tiếc nuối…
Riêng ông Nguyễn Đình Thi, khi thấy sức khỏe của mình ngày một yếu đi, ông đã ôm một chiếc cặp cũ kỹ và căng phồng đến giao cho người con thứ, dặn:
“Sau khi bố mất mới được mở ra.
Tùy con định liệu…”.
Ông mất ngày 18.4.2003, người con y theo lời dặn, đã mở chiếc cặp cũ: ngồn ngộn những thư từ, ảnh chụp, những bài báo được cắt dán…
Từ những lá thư đầu tiên, chiếc phong bì, tấm bưu thiếp đầu tiên đến những tập nhật ký dày cộm như tiểu thuyết được ghi bằng một thứ chữ nhỏ li ti…
Hầu hết đã ố vàng, mốc meo.
Đó là những gì mà nhà văn Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Madeleine Riffaud trao đổi với nhau hơn nửa thế kỷ…
Một điều thật đáng trân trọng bởi Nguyễn Đình Thi và Madeleine chưa từng là chồng vợ, thế mà “Người đàn bà Pháp” đã có một sự thủy chung kỳ lạ.
Dằng dặc ngần ấy năm, đến giờ Madeleine vẫn ở vậy!
Ở Paris, trong căn hộ của người đàn bà độc thân ấy có riêng một căn phòng dành để hồi tưởng những kỷ niệm của hai người suốt hơn nửa thế kỷ:
Choán hết bức tường là ảnh chân dung Nguyễn Đình Thi được phóng to bằng cỡ người thật, la liệt dưới tấm chân dung ấy là những kỷ vật của một thời yêu nhau trong xót xa…
Madeleine Riffaud, từ yêu một con người ViệtNam, chị đã dành hết tình cảm cho đất nước ViệtNam, ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chị đã nhiều lần vào tận chiến trường miền Nam vào những giai đoạn chiến tranh khốc liệt.
Nhiều bức ảnh hiện nay vẫn còn trưng bày trong nhiều bảo tàng chụp chị ở chiến trường trong bộ quân phục, hoặc bộ bà ba đen quấn khăn rằn, nón tai bèo bên những chiến sĩ trẻ hoặc các má của “Đội quân tóc dài”.
Mỗi đợt qua “chia lửa” với Việt Nam, Madeleine lại có những tác phẩm nổi tiếng, đánh động dư luận thế giới.
Ngoài ra, chị còn dịch qua tiếng Pháp và giới thiệu tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi ở Paris (1968).
Cho đến trước năm 1987, thỉnh thoảng Madeleine vẫn sang thăm Việt Nam và “cố nhân”…
HÀ ĐÌNH NGUYÊN
KHI MỘT TÀI NĂNG LỚN, MỘT TUỔI TRẺ ANH HÙNG BỊ THA HÓA -
HAY LÀ BI KỊCH NGUYỄN ĐÌNH THI
Mùa thu năm 1988, chúng tôi đang học tại học viện Goocky, khóa tại chức 4 tháng tại Matxcơva thì hay tin ông Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam từ năm 1958 đến thăm và nói chuyện.
Anh chị em rất hồi hộp chờ đợi thần tượng văn học này từ lâu, nay được mãn nhãn. Tin một nhà văn, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu triết học, một nhà viết kịch xuất sắc, một nhạc sĩ thiên tài chỉ với hai bản nhạc là ông Nguyễn Đình Thi đến nói chuyện được sứ quán thông báo cho mấy chục anh chị em đang làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ văn học tại Liên Xô cùng đến khoa viết văn trường Goocky tham dự.
Phải nói ông Nguyễn Đình Thi với vẻ đẹp trai hiếm có, với tài hùng biện sắc sảo, với giọng nói ấm áp, dịu dàng, mê hoặc chúng tôi ngay từ phút đầu.
Nhưng khônghiểu sao hôm nay ông lại giở giọng tuyên huấn khuyên bảo chúng tôi rằng, các bạn trẻ thân mến, các bạn sang đây học nhưng phải biết chắc lọc, chọn lọc, đừng nghe những giáo sư giảng thiên về đổi mới triệt để kiểu Gocbachốp mà làm phương hại đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà đảng ta đang dựng xây.
Nghe chối tai, Trần Mạnh Hảo tôi bèn xin phát biểu ý kiến rằng : thưa nhà văn hóa lớn, các cụ cho chúng tôi sang học tập Liên Xô, sao lại còn sang tận nơi dặn chúng tôi không được nghe lời họ, vậy thì học làm gì ạ…
Ông Nguyễn Đình Thi nổi cáu, đe dọa tôi rằng, anh Hảo và các anh đây đều là đảng viên của đảng, không được nói vô tổ chức như vậy !
Trần Mạnh Hảo bèn nổi máu điên, chỉ vào ông Nguyễn Đình Thi nói toẹt ra sự thật :
- Xin anh Thi bình tĩnh, tôi xin nói thẳng, anh Thi và chúng tôi ngồi đây, xét cho cùng đều là bồi bút của đảng. Thân phận chúng ta lầm than lắm, nhục nhã lắm. Anh viết bao tác phẩm nịnh đảng, có bao giờ anh dám mang gương mặt thật của anh ra viết đâu. Anh là kịch sĩ vĩ đại của đảng, đã đóng bao nhiêu vai kịch kẻ khác trừ bản thân mình. Anh không có gương mặt thật trong văn chương, anh là một tên hề cho kẻ cầm quyền mà thôi !
Lập tức một chiến sĩ trung thành vô hạn với đảng ngồi sát bên cạnh tôi đứng lên bẻ tay và bẻ cổ tôi là ông Chu Lai, không cho tôi nói…
Cả khối quần chúng trung kiên là các nhà văn thơ, là các tiến sĩ văn học tương lai đến nghe ké cùng ồ lên chửi tôi nói bậy.
Ông Nguyễn Đình Thi như bị dội nước sôi, ngồi xuống một lúc im lặng và không nói gì được nữa.
Chuyện này có các nhà văn chứng kiến đang còn sống : Chu Lai, Thạch Qùy, Vũ Quần Phương, Lê Chí, Trung Trung Đỉnh, Tô Hoàng, Kim Cúc, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Khánh Chi…chứng kiến.
Sau đó, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long kêu tắc xi chở ông Nguyễn Đình Thi về khách sạn tại Matxcơva. Anh Long sau đó nói với chúng tôi, ngồi trên xe, ông Nguyễn Đình Thi đã khóc.
Lâu lâu, nhớ lại chuyện này, tôi có hơi ân hận vì mình trong lúc nóng giận, đã nói toạc móng heo cái sự thật hiển nhiên của thân phận “phục vụ chính trị” của người cầm bút trong xã hội cộng sản. Điều mà một trí thức lớn, một nhà nghệ thuật lớn như ông Nguyễn Đình Thi đã xóa con người cá nhân của mình, xóa sĩ diện, xóa nhân phẩm mình đi làm bồi cho bữa tiệc cách mạng vô sản vốn không coi ai là người mà chỉ là công cụ, là tôi đòi của họ, là “người ăn kẻ ở trong nhà” như Nguyễn Khải đã nói.
Có lẽ cú “búa tạ” của tôi hôm ấy đã là nỗi đau, nỗi nhục của ông Nguyễn Đình Thi âm ỉ suốt, mới thành những câu sám hối tận cùng như sau trong một số bài thơ ông đã viết đã in :
“Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa…”
( Sóng reo – 2001)
Anh có như con sâu trong quả
Mang ra chợ bỏ đời mình
Cuộc đời nhiều trò chơi mà ít niềm vui
Tháng ngày không đợi
Anh hãy đi, núi lớn sông dài nghìn vẻ lạ
Dù nhúng vào bóng đêm hồn anh không nhuộm đen…
Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa
(Mùa thu vàng)
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
(Gió bay)
“Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây thìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.
Đây là một trong 3 bài thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi (Mùa thu vàng, Gió bay và Núi xưa).
Nguồn: Trong cát bụi (thơ), Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 1992
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”
Cảm phục sự sám hối hết mình của Nguyễn Đình Thi khi ông tự nhận “ Người tôi còn nhiều bùn tanh”, nhận mình là vai hề của đảng “ mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ”, rằng đời ông toàn “dối lừa khóac lác”, mua “ dây nhợ tự buộc mình”…
Kính phục ông Nguyễn Đình Thư đã dám phủ nhận bản thân mình, phủ nhận con đường và công lao của ông với đảng cộng sản đến thế là cùng.
Ngạn ngữ phương Tây : “ Quyền lực làm tha hóa con người” thật chí lý trong trường hợp của Nguyễn Đình Thi; hay nói chính xác, chủ nghĩa cộng sản đã tha hóa ông đến tận cùng.
Thời Pháp thuộc đã đào tạo ra một thanh niên yêu nước tuyệt vời, một trí thức lớn, một nhạc sĩ, một người viết lớn.
Bị phát xít Nhật bắt, tra tấn, hành hạ vậy mà trong nhà tù, Nguyễn Đình Thi đã viết được một bản nhạc vào hàng kiệt tác là bài “Diệt Phát xít”. Năm 1947 ông lại hoàn thành một kiệt tác âm nhạc khác là “Người Hà Nội”
Năm 1942, đang học đại học, Nguyễn Đình Thi đã viết 5 cuốn sách triết học bằng tiếng Việt. Ông là người viết sách triết bằng Việt ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1977, một lần đến thăm vị linh mục dạy triết học, tôi đã xin cha 5 cuốn sách triết của Nguyễn Đình Thi xuất bản năm 1942 để rồi tặng lại mấy cuốn này cho ông Thi. Ông mừng và cám ơn tôi lắm lắm…
Xin xem danh mục các tác phẩm đã xuất bản, đã công diễn của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia Nguyễn Đình Thi :
Sách triết :
• Triết học nhập môn (1942)
• Triết học Kant (1942)
• Triết học Nietzsche (1942)
• Triết học Einstein (1942)
• Triết học Descartes (1942)
• Siêu hình học (1942)
Truyện, văn xuôi
• Xung kích (1951)
• Thu đông năm nay (1954)
• Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957)
• Cái Tết của mèo con (truyện thiếu nhi, 1961)
• Vào lửa (1966)
• Mặt trận trên cao (1967)
• Vỡ bờ (tập I năm 1962, tập II năm 1970)
• Trên sóng thời gian (tập bút ký, 1996)
• Tuyết (tập truyện ngắn, 2003)
Tiểu luận
• Mấy vấn đề văn học (1956)
• Công việc của người viết tiểu thuyết (1964)
Thơ
• Người chiến sĩ (1958)
• Bài thơ Hắc Hải (1958)
• Dòng sông trong xanh (1974)
• Tia nắng (1985)
• Trong cát bụi (1992)
• Sóng reo (2001)
• Đất nước (1948 - 1955). (Đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Giao Hưởng - Hợp xướng cùng tên "Đất nước" Biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà nội ngày 1 tháng 9/2009, Do chính Đặng Hữu Phúc chỉ huy Dàn nhạc - Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch VN[1])
• Việt Nam quê hương ta
Kịch
• Con nai đen (1961)
• Hoa và Ngần (1975)
• Giấc mơ (1983)
• Rừng trúc (1978)
• Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)
• Người đàn bà hóa đá (1980)
• Tiếng sóng (1980)
• Cái bóng trên tường (1982)
• Trương Chi (1983)
• Hòn Cuội (1983 - 1986)
Nhạc
• Người Hà Nội (1947)
• Diệt phát xít (1945)
• Con voi
Đầu kháng chiến chống Pháp,Nguyễn Đình Thi chủ trương cách tân thơ, làm tiếp công việc nhóm “Dạ Đài”trước 1945 do Nguyễn Xuân Sanh & Trần Dần chủ xướng : tuyên dương thơ không vần, thơ tự do, bị nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Lưu Trọng Lư phản đối quyết liệt, thậm chí lên án Nguyễn Đình Thi là phản động. Lưu Trọng Lư còn mượn lời Platon mắng Nguyễn Đình Thi : “hãy quàng vào cổ anh Thi vòng nguyệt quế và đuổi anh ta ra khỏi nước cộng hòa thơ kháng chiến Việt Bắc”
Thành công thơ của Nguyễn Đình Thi còn để lại một bài thơ lớn là bài “Đất nước”.Hầu hết thơ Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống pháp, chống Mỹ là thơ minh họa.
Văn xuôi của Nguyễn Đình Thi từ “Xung kích” đến “Vỡ bờ” hầu như là thứ văn xuôi minh họa, xu thời, ít thành tựu.
Kịch Nguyễn Đình Thi là kịch luận đề, bị Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Tố Hữu đánh lên đánh xuống. Dù sao, nhiều vở kịch như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con nai đen”', "Rừng trúc"… là những vở kịch lớn, là những thông điệp ngầm mang tính phản biện xã hội đầy đau đớn, quằn quại của một Nguyễn Đình Thi sám hối, muốn thoát mình ra khỏi vũng lầy bồi bút, vươn lên ánh sáng nhân văn của một con người khao khát chân lý và lẽ phải.
Một lần đại hội nhà văn Nguyễn Đình Thi đã biến các nhà văn thành hạt bụi để tôn vinh đảng quang vinh, đảng vĩ đại vô cùng, rằng : “ Mỗi nhà văn chúng ta chỉ là hạt bụi của đảng, nhưng là những hạt bụi lấp lánh”.
Nguyễ Đình Thi, bi kịch của một thanh niên yêu nước, một tài năng, một trí thức lớn đi theo cách mạng & kháng chiến, bị cộng sản tiêu hóa trong dối lừa, trong tủi nhục phi nhân, nhưng vẫn cố sống cố chết trồi lên khỏi mặt nước chìm nghỉm, tuyệt vọng chìa tay khỏi trang giấy ngập ngụa bùn tanh mà kêu cứu sự giải thoát.
Sài Gòn ngày 15-2-2020
T.M.H.
Nguyễn Đình Thi & Tố Hữu
Chiến khu Việt Bắc
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.