Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Vũ Thành An















Vũ Thành An
(1943 - ...... ) Nam Định

Nhạc sĩ






Vũ Thành An quê ở Nam Định, cùng gia đình di cư vào Nam năm 54, thuở nhỏ học trường Nguyễn Trãi và theo học nhạc với Nhạc sĩ 
Chung Quân, cùng lớp với Ngô Thụy Miên và Đức Huy. 
Cuối năm 63, sau khi đậu Tú Tài toàn phần, ông được nhận vào làm phóng viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn. 
Năm 1965, ông đã nổi tiếng ngay với ca khúc đầu tay "Tình Khúc Thứ Nhất", phổ thơ Nguyễn Đình Toàn, và tiếp sau đó với một loạt "Bài Không Tên".
Vũ Thành An vừa làm, vừa học, vừa sáng tác và đã tốt nghiệp Cử Nhân Luật năm 1972.
Ngày 30/04/75 ông là người cuối cùng rời Đài Phát Thanh Sài Gòn lúc 10g30 sáng và bị đưa đi học tập cải tạo 10 năm (1975-1985) tại  miền bắc Việt Nam.
Năm 1991, ông đã sang định cư tại Hoa Kỳ.












Tác phẩm tiêu biểu












Tình khúc thứ nhất
Lệ Thu











Những "Bài Không Tên"






Bài không tên số 1
Duy Quang




Bài không tên số 2






Bài không tên số 3




Bài không tên số 4
Bằng Kiều




Bài không tên số 5




Bài không tên số 6




Bài không tên số 7




Bài không tên số 8




Bài không tên số 9
Vũ Khanh











Nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác khoảng 50 Bài Không Tên được đánh số không theo thứ tự thời gian, và vài Bài Không Tên không đánh số như Bài Không Tên Cuối Cùng, Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối ...











Bài không tên cuối cùng











Và những ca khúc "có tên" của Vũ Thành An:





Đời đá vàng





Em đến thăm anh đêm 30



Trong tay nhau


Hạt sầu


Hồn lạnh nắng phai





Một lần nào cho tôi gặp lại em



Ngày mưa


Thân cỏ hoa


Tình đã xa


Đêm vàng trăng úa





Đừng yêu tôi





Đêm say


Chị ơi


Nếu tôi còn được yêu


Cháy bỏng tình cố hương



v.v...







Từ năm 1996 Vũ Thành An theo học chương trình Cao học Thần học ở tổng giáo phận Portland, Oregon và được đào tạo làm chức Phó Tế, đồng thời phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Oregon.
Ông đã ngừng sáng tác tình khúc, chỉ chuyên tâm soạn nhạc Thánh ca và làm công tác từ thiện.















Nghe playlist nhạc Vũ Thành An
http://www.taberd1975.com/VTA/VTA1.htm














Tham khảo thêm về tác giả Vũ Thành An











Nhạc sĩ Vũ Thành An: 
Cuộc đời như đại lộ không đèn



Khóc cho vơi đi những nhục hình, nói cho quên đi những tội tình. Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai...”. Đó là giai điệu của một trong số nhiều bản tình ca không tên đã làm hàng triệu trái tim khán giả Sài Gòn trước 1975 thổn thức.
Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn và Vũ Thành An tạo thành một nhóm “ngũ nhạc” làm rạng danh bầu trời âm nhạc Việt Nam suốt những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Họ chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ cầm bút viết tình ca bằng những đứt đoạn con tim, trái ngang và day dứt khôn nguôi của tình chia lìa. Sau những triết lý về kiếp đời trần ai của Trịnh Công Sơn, những cuộc tình sầu bi của Từ Công Phụng và sự lãng mạn, mơ hồ với những vết thương ngọt lịm cứa sâu vào tim của Ngô Thụy Miên… khán giả Sài Gòn nói riêng và khán giả trên ba miền dọc chiều dài đất nước nói chung không khỏi ngỡ ngàng với một loạt những sáng tác không tên của nhạc sĩ tài năng Vũ Thành An.

Cuộc đời như đại lộ không đèn

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông bắt đầu theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Trong thời kỳ học sinh, Vũ Thành An theo học âm nhạc trong lớp học của nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy. Ông tham gia hoạt động âm nhạc, nghệ thuật rất tích cực và thể hiện rõ những ưu điểm, khả năng sáng tác ca khúc.

Năm 1959, Vũ Thành An sáng tác ca khúc đầu tay và bị nhạc sĩ Chung Quân hết lời chê bai. Nhớ về kỷ niệm này, ông vẫn còn nói vui: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, bước vào con đường âm nhạc sẽ luôn gặp khó khăn, gập ghềnh. Và đừng vội vàng vì những lời khen, chê mà tỏ ra nản chí”. Sau đó, ông chuyển sang sáng tác những ca khúc não tình, già dặn và từng trải hơn so với tuổi đời của mình rất nhiều. Những nhạc khúc: Bài không tên số 2, Bài không tên số 6, Bài không tên số 8…lần lượt ra đời, tạo thành một chùm các ca khúc không tên với thanh âm đau đớn, khắc khoải, bộc lộ tâm trạng chán chường, ủ rũ của tác giả. Bắt đầu từ đây, cái tên Vũ Thành An gắn với một loạt những tình khúc không tên.
Mặc dù vô cùng say mê với nghệ thuật sáng tác ca khúc nhưng đến năm 1965, Vũ Thành An cũng tạm thời…bỏ quên con đường sáng tác của mình khi vào làm phóng viên tại đài phát thanh Sài Gòn. Chính nơi đây đã chắp nối cho mối lương duyên giữa ông và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, người sau này đã giúp Vũ Thành An “mượn hồn thi ca để sáng tạo âm nhạc”. Tình khúc thứ nhất ra đời từ cuộc chuyển giao trên mảnh đất văn chương và trở nên nổi tiếng ngay lập tức.
Những năm tháng sau đó, Vũ Thành An tiếp tục chắp bút viết một loạt những bài không tên khác. Cũng chính năm 1965, cuộc tình đẹp như cổ tích của ông với người bạn gái đầu tiên đã chấm dứt sau những tháng ngày đau thương, rạn vỡ. Chính nỗi đau chia lìa thời tuổi trẻ sôi nổi đã khiến Vũ Thành An thăng hoa với bản nhạc tình đến giờ vẫn còn làm lay động hàng ngàn đôi tai khán giả: Bài không tên cuối cùng. Ca khúc này trở nên phổ biến với rất nhiều khán giả, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn ngày đó. Họ nghe nó ở bất cứ đâu và trong các buổi văn nghệ.
Bài không tên cuối cùng luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình nhất. Sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi của tình khúc này đã khiến tên tuổi Vũ Thành An trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Chữ “cuối cùng” mà sau này Vũ Thành An giải thích “ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà tôi đã thầm yêu” và nó cũng là mở đầu cho một loạt những bài ca không quên khác ra đời lần lượt sau đó.
Lời ca “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa” của “người viết tình ca” Trịnh Công Sơn tự khi nào lại nên thân quen, gần gũi và phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh của Vũ Thành An đến thế. Sau một cuộc tình buồn, ông tiếp tục nếm trải hương vị chia ly của mối tình thứ hai và lúc này Bài không tên số 2 lại ra đời đánh dấu “chữ ký âm nhạc” Vũ Thành An, người chuyên viết bi ca trên địa hạt âm nhạc Sài Gòn thời đó.
Đến năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt đời độc thân, kết thúc những đoạn tình buồn của mình bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập những bài không tên. Các nhạc phẩm được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào của nữ ca sĩ Thanh Lan trên sóng phát thanh và đặc biệt là phong trào du ca Sài Gòn tại hội quán Văn cùng thời điểm với cặp song ca đình đám Trịnh Công Sơn – Khánh Ly. Cuộc hội ngộ âm nhạc đó trở thành dấu son sáng ngời trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho vòm trời Tân nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Vì những lý do chính trị, sau năm 1975, Vũ Thành An đã có 10 năm sống trong trại cảo tạo (1975-1985). Thời gian này, Vũ Thành An trở nên nhạy cảm và bắt đầu chuyển hướng âm nhạc. Từ một người chuyên sáng tác nhạc não tình, bi thương Vũ Thành An viết nhạc Thánh ca và tuyên bố không bao giờ viết nhạc tình nữa. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, những baầi Nhân bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981. Đối với nhiều người yêu mến âm nhạc của ông, đây là một sự đổi thay mang nhiều tiếc nuối. Biến cố quan trọng giai đoạn này của Vũ Thành An là được rửa tội và bước vào Thiên chúa giáo. Ông lập lại gia đình lần hai và chính thức di cư sang Mỹ sinh sống như nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ vào năm 1991.





Nhạc sĩ Vũ Thành An hạnh phúc với công việc từ thiện hiện nay



Đạo trong âm nhạc

Giữa khói lửa chiến tranh lúc đó, nhạc tình của Vũ Thành An là nơi ẩn trú cho những tâm hồn mệt mỏi, cô đơn. Cuộc đời thật bất an, ngắn ngủi giữa chốn đạn lạc tên bay; và khi người lính ngả lưng nằm nghỉ bên đồi, bật lên một làn sóng radio tình cờ, thì nhạc của ông lúc đó đã như thoáng mây bay giữa trời, gợi lên hình ảnh người bạn gái năm xưa, thật nhạt, thật mờ nhưng có thể làm cay khóe mắt.

Chính thập niên 1960 cũng là thập niên kỳ dị nhất của âm nhạc Việt Nam. Phạm Duy và một số nhạc sĩ đồng vai vẫn sáng tác mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, giới âm nhạc cũng xuất hiện thêm nhiều tài năng lớn, và mỗi người với một sự độc đáo riêng. Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng và dĩ nhiên Vũ Thành An. Thời này, những thử nghiệm âm nhạc cũng được đẩy xa hơn, như với phong trào nhạc trẻ. Không phải vì chiến tranh dữ dội mà các nhạc sĩ phải đi tìm một thế giớ tư riêng của thơ mộng. Nhạc tình Vũ Thành là một kết hợp của âm điệu nhẹ nhàng, lả lướt với lời hát như quyện vào tâm hồn người nghe. Những đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc dồn vào tâm khảm đến rã rời, nó trở thành dấu ấn lãng mạn của thời nhạc Vàng.

Khi định cư tại Mỹ, Vũ Thành An sáng tác nhiều nhạc phẩm mang phong cách và ca khúc đổi thay hơn xưa. Nhưng rồi thất bại, ông viết tiếp Bài không tên cuối cùng tiếp nối như một chấp nhận hiện thực của sự trở về.

Tên tuổi của nhạc sĩ Vũ Thành An đã gắn liền với những khoảng đời của tuổi trẻ Việt. Những dòng thơ của Nguyễn Đình Toàn, trong Tình khúc thứ nhất và Em đến thăm anh đêm ba mươi vẫn lơ lửng, phảng phất trong đầu của những người một thời ngồi các quán cà phê bên đường Sài Gòn và tập hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời của các năm 60.



Hương Giang













Vũ Thành An:
 Tôi được cứu từ đáy vực sâu



Từ khi có trí khôn tôi vẫn luôn thao thức với câu hỏi:"Mình ở cuộc đời này để làm gì?"

Những bài giảng tại học đường đã không trả lời thoả đáng.

Rồi cũng như bao người khác tôi lớn lên theo những cuốn hút thông thường.

Cuốn hút đầu tiên là tình yêu đôi lứa. Tôi đã say đắm trong các cuộc tình đến nỗi sao lãng cả việc học hành. Sau những lãng mạn lúc đầu, các cuộc tình đó đã đem lại cho tôi nhiều đau khổ.

Cuốn hút thứ hai là danh vọng. Tôi đã cố ngoi lên để tìm một chỗ đứng trong xã hội. Tôi cũng đã lên một chỗ tương đối thật đấy, nhưng tôi đa không tìm được hạnh phúc tôi mong tưởng, có khi chính vì cái hư danh ấy đôi lúc lại còn làm tôi đau đớn tận sâu thẳm trái tim.

Năm 1975, tôi đã cùng hàng triệu người khác đi cải tạo. Tôi đã khốn đốn trong các trại giam tại Bắc Việt. Một trong những khốn khổ mà tôi phải chịu là chứng mất ngủ. Đây là hậu quả của những bất toàn về cả tâm sinh lý cộng thêm sự nghiền xay của hoàn cảnh.

Từng đêm dài tôi đã thức trắng, sức khoẻ dần dần yếu đi, không có thuốc để chữa chạy. Tình trạng này kéo dài cả năm trời, từ đầu năm 1980 đến 1981. Một buổi tối kia đa số anh em trong phòng đã say ngủ, tôi nghe hai anh nói chuyện vơí nhau, chỉ cách chỗ tôi nằm chừng hai thước. Tôi nghe anh Nguyễn Văn Lai nói: " Khi nào tôi khó ngủ tôi chỉ cầu nguyện bằng cách đọc vài kinh Kính mừng là ngủ được ngay."

Ai bị bệnh nghe nói thuốc nào hay cũng muốn thử.

Mặc dù lúc ấy chưa có đạo nhưng bài kinh Kính Mừng tôi đã biết.

Năm 17 tuổi tôi có một ngưòi bạn gái, lúc đó sự liên lạc giữa chúng tôi là những trang thư và những buổi hẹn hò trong sân nhà thờ. Gặp chỉ để nói với nhau đôi câu. Một hôm bàn tay rất đẹp trinh trắng của Uyên đã trao tôi trang giấy có ghi bài kinh Kính Mừng với nét chữ thật nắn nót. Uyên bảo tôi học thuộc đi , và tôi đã thuộc.

Cuối năm đó tôi thi rớt. không những gia đình tôi không cho tôi đi chơi tự do nữa mà chính tôi cũng tự nhủ phải quyết chí trở lại việc học hành. Lúc tôi gặp Uyên là tôi được ở riêng sau khi thi rớt tôi dọn về ở vói gia đình cộng thêm sự ngăn cản của gia đình Uyên, chúng tôi đã không gặp nhau nữa. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết Uyên ở đâu.

Uyên đã xa nhưng Kinh Kính Mừng ở lại

Nghe anh Lai nói xong, tôi nhớ tới Uyên , tôi nhẩm lại Kinh Kính Mừng. Và đêm đó tôi ngủ một giấc say cho đến sáng.
Tôi mừng lắm, liên tiếp cả tuần sau tôi ngủ được. Tôi cảm thấy đã đưọc chữa cả bệnh mất ngủ mà còn đưọc mạnh về tâm lý nữa. Tôi đã vui và hy vọng trở lại. Hình như u ám không còn phủ lên tôi như trước.
Sau đó tôi đã ngủ được khoảng một tuần lễ liên tiếp. Một buổi sáng thức dậy, nhìn qua cửa sổ phòng giam thấy nắng xuân vàng ấm chiếu trên luống rau cải xanh các bạn trồng ngoài sân, tự nhiên tôi nói với bố Vũ Công Định nằm bên cạnh :
- Bố Định ơi chắc là con theo đạo Chúa quá!
Bố Định là người ít nói. Bố chỉ cười. Bố không có đạo, tôi nhớ có hỏi bố là bố có biết ai là con cái Chúa không để con hỏi thăm, bố Định trả lời là có cụ Mân đấy. Tôi đến hỏi cụ Mân, nguyên Thượng Nghị Sỹ, lúc đó ở cùng phòng 1 trại Hà Tây với tôi. Sau đó anh em con cái Chúa đến hỏi tôi nhiệt tình lắm.
Món quà đầu tiên sau khi tôi cầu cứu Đức Mẹ là bệnh mất ngủ đã không còn hành hạ tôi nữa. Sau đó anh em đạo Thiên Chúa đã cho tôi tình thân ái. Toi đã được anh em cho tôi tình thương yêu mà trước đó tôi không có. Các anh đã hướng dẫn Đạo cho tôi để chờ ngày rửa tội.
Rồi đến gần ngày ấn định, tôi đã xin ngưng lại. Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng về tâm lý, hơn nữa tôi sợ. Tôi sợ nếu cán bộ biết được sẽ ra sao đây?
Trong suốt một tháng sau đó tôi thao thức rất nhiều và tôi chắc rằng anh em cũng cầu nguyện nhiều.
Tôi ngưng lại việc rửa tội, ít tiếp xúc với anh em nhưng bắt đầu sáng tác. Bài đầu tiên là bài: Cha Là Ngôi Trời Có Thật, sau đó là các bài: Mẹ Ơi Cứu Con Ra Khỏi Nơi Này, Hãy Nhìn Lên Trời Cao
Sau hơn một tháng suy ngẫm tôi đã vượt qua được trở ngại tâm lý: Biết bao nhiêu người tài giỏi của nhân loại đã quỳ gối trước Chúa Ki-Tô huống chi tôi?
Về nỗi sợ hãi Cộng Sản: Tôi còn gì nữa mà tiếc nuối. Nếu có phải vì theo Chúa mà bị kỷ luật thì phước hạnh biết bao, như khi xưa Chúa đã giảng trên núi trong Tám Mối Phúc Thật. Vậy thì nếu Cộng Sản biết tôi theo đạo mà có cùm gông, thậm chí giam tôi mãi tôi cũng vui lòng cam chịu. Và từ đó tôi đã quyết tâm theo Chúa.Tôi đã xin anh em định lại ngày rửa tội là ngày 21 tháng 3 năm 1981. Trước ngày rửa tội tôi đã hồi hộp như cô dâu sắp tới ngày cưới. Anh em thì thầm bàn tính sắp đặt.
Một buổi chiều kia, lúc nói truyện với một người bạn tôi đã ước ao:
-Nếu như khi dội nước xong mà đèn bật sáng thì hay biết mấy!
Ở trại Hà tây có điện, cứ chập tối thì đèn được cán bộ trực trại bật sáng lên, giờ giấc lúc sớm lúc muộn thất thường.
Buổi tối hôm đã định, khi trời còn sáng đã có tiếng kẻng nhập buồng. Khi nhập buồng xong, cán bộ khoá cửa thì trời đã nhá nhem tối. Anh em chúng tôi hẹn nhau trước, lặng lẽ chuẩn bị cho lễ rửa tội. Hai ngọn đèn dầu được thắp lên ở góc trong cùng- tầng trên- chỗ nằm liền nhau của các anh Nguyễn Vạn Hùng ( hiện cộng tác với báo Thời Luận) và anh Nguyễn Văn Độ ( Đã mất khi sang tới Hoa Kỳ )
Buổi lễ diễn ra nghiêm trang. Hình như cả phòng đều biết, nên đã giữ yên lặng khác thường . Khi bác Nguyễn Thành Tiên vừa dội nước vừa đọc: "Tôi rửa anh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Chừng một hai giây sau thì đèn chớp hai lần rồi bật sáng hẳn! Sự việc đã xảy ra đứng như tôi ước ao.
Chúa đã tặng tôi món qùa đầu tiên để nâng đỡ tinh thần yếu đuối của tôi. Khi tôi kể lại ước ao nhỏ bé đã được Chúa nhận lời thì tất cả anh em hiện diện đều ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa. Ngay sau đó chúng tôi đã chia nhau mỗi người một chén chè nhỏ mà anh Nguyễn Vạn Hùng đã chuẩn bị sẵn, tôi đã hát ngay cho anh em nghe 4 bài Thánh ca tôi đã làm những ngày trước đó.
Sau khi được rửa tội tôi đã chìm đắm trong một hạnh phúc tuyệt vời không thể diễn tả được. Tôi chưa bao giờ có được niềm hân hoan đó. Trong hoàn cảnh khốn khổ, thiếu thốn nhất tôi đã được một cảm giác thật lạ lùng, khó thể nào hiểu nổi nếu không có đức tin. Tâm hồn tôi như được nâng cao lên. Sự đau khổ biến mất mà chỉ còn niềm vui.. niềm vui.. Chừng 7 ngày sau tôi trở lại bình thường.
Việc rửa tội và hát lớn lên như vậy chắc chắn là cán bộ biết. Tôi đã chấp nhận nhưng vẫn hồi hộp chờ chuyện gì sẽ xẩy ra. Tôi sẽ trả lời ra sao để không mang tội chối Chúa và cũng không để cớ cho bị hành tội.
Đầu tiên, sau ít ngày là cán bộ quản giáo gọi gặp riêng, không hỏi thẳng vấn đề, chỉ nói chuyện thông thường rồi cho về. Sau đó tôi thấy ông ta ngồi trong phòng hai ngày, chác là để viết báo cáo.
Chừng một tuần lễ sau cán bộ an ninh gọi tôi gặp tại văn phòng. Tôi được đưa vào một căn phòng tối tăm. Sau một lúc yên lặng cán bộ an ninh trại đặt câu hỏi:
-Anh được KẾT NẠP vào đạo Công Giáo phải không?
Tôi trả lời:
-Đạo Công Giáo không phải là một đảng phái nên không có chuyện kết nạp. Chỉ có việc rửa tội thôi.
-Ai rửa tôi cho anh?
-Trong trại này không có ai là linh lục. Chỉ có linh lục mới rửa tội được thôi.
-Thế anh có tin Đạo Chúa không?
- Đó là chân lý tôi đang theo.
Cán bộ chỉ muốn biết ai âm mưu và lãnh đạo anh em công giáo trong trại, khi thấy tôi nói không có linh mục, và không có bằng chứng cụ thể nên sau vài câu đe dọa đã cho tôi về.
Thoát khỏi hình phạt gông cùm tôi tạ ơn Thiên Chúa, và nhất là tôi đã thoát khỏi tội chối Chúa, tôi hạnh phúc vô cùng.
Từ lúc đó tôi sáng tác nhiều bài Thánh Ca , cũng như những bài Nhân Bản kêu gọi tình người. Tôi đã cố gắng học thuộc cũng như nhờ anh em khác học thuộc để hy vọng một ngày nào được thả ra sẽ đem phổ biến rộng rãi truyền bá Đức Tin. Một khi đã sáng tác thì không thể giữ kín trong lòng được, nên tôi đã hát cho một số các bạn nghe và chắc chắn cũng bị theo dõi. Tôi đã cố gắng không để lại một dấu vết gì để có thể làm bằng chứng cho Cộng Sản buộc tội. Tất cả những bài hát đã được giữ trong tim óc chúng tôi.
Một hôm cán bộ Tân là cán bộ quản giáo đội Văn Nghệ nơi tôi ở ghé tai tôi nói nhỏ:
-Anh sáng tác Thánh Ca phải không? Coi chừng đem dấu ngay đi, cán bộ an ninh biết là cùm đấy!
Việc cán bộ Tân không những không bắt tội tôi mà còn chỉ đường cho tôi chạy, đó cũng là nhờ ơn Chúa. Xin cảm tạ Chúa và xin Chúa gia ân cho cán bộ tốt bụng này.
Kể từ ngày có Chúa tôi đã sống hạnh phúc trong ân nghĩa Chúa Tình yêu của Chúa luôn hiện diện quanh tôi qua những cử chỉ thân ái và tình bằng hữu thân thiết của anh em con cái Chúa. Chúa đã làm cho tôi nhiều điều kỳ diệu, đáng lẽ tôi phải chết nhưng đã được cứu sống. Trước hết Chúa đã cho tôi sống lại trong linh hồn, từ niềm tuyệt vọng Chúa đã cho tôi hy vọng, cho tôi biết thống hối tội lỗi của mình, cho tôi biết khiêm nhường, biết yêu thương anh em hơn, biết vui lòng chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống, biết vác Thánh Giá hàng ngày theo chân Chúa, chờ ngày hưởng phúc trên trời.
Năm 1981 việc anh em cựu tù cải tạo được đi Mỹ là hoang tưởng, nay tôi cũng là một người trong hàng trăm ngàn anh em bị đầy đọa khốn khổ thời gian ấy, mà nếu như toan tính của cộng sản vô thần thì tất cả chúng tôi đã phải bị giam cho đến mãn đời tại rừng núi sâu Sơn La, Thanh Hóa, nhưng nay lại được lập lại cuộc sống trên đất Mỹ tự do này. Chắc chắn chỉ có bàn tay của Chúa mới làm nên điều kỳ diệu ấy.
Rất nhiều anh em cựu tù cải tạo sang Mỹ mấy năm đã ổn định, công việc làm đã vững chắc, con cái đã tốt nghiệp đại học. Riêng tôi nhờ ơn Chúa tôi đã nguồn cảm hứng dạt dào để đem khả năng Chúa cho viết được các ca khúc ngợi khen, cảm tạ Chúa. Từ năm 1993 tôi đã nỗ lực soạn được toàn bộ Đáp ca cho các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng và nay đã in thành sách được đặt tên là: "Con Nâng Hồn Lên Tới Chúa"
Tôi đã được Chúa cứu vớt, tôi xin nguyện trọn đời theo Chúa.

Vũ Thành An












Kẻ tân tòng mang tên Vũ Thành An:
Phép lạ nào đã xẩy đến?


Du Tử Lê

Hơn mười năm trước đây, khi ghi nhận về những đóng góp của dòng nhạc tình Vũ Thành An, tôi viết:

“Như tuổi trẻ việt Nam, như tuổi trẻ của chính chàng, những năm cuối thập niên 60. Lúc cuộc chiến lần lượt lấy đi khỏi những lồng ngực phơi phới thanh xuân bao bình minh chói lòa nghĩa sống - - Lúc bom đạn đã khóa kín mọi nẻo, ngõ tương lai - - Lúc những người trẻ tuổi Việt Nam, ở cả hai miền đất nước, không thấy màu xanh; không kịp uống ngụm nước tình yêu đầu nguồn, lịm ngọt.

“Ngụm nước tình yêu thứ nhất trong họ, đã là những ngụm nước chứa đầy thuốc nổ biệt ly. Những ngụm thủy ngân tàn phá, huy hoại.

“Ðó là lúc Tình Khúc Thứ Nhất, rồi Những Bài Không Tên, xuất hiện. Sự xuất hiện của đời nhạc Vũ Thành An, lập tức, là một đáp ứng, đắp bù cho những thẳm sâu thiếu hụt; cho những đáy cùng bơ vơ - - Những đáy cùng lạc loài, mất hướng thanh xuân.

“Ðời nhạc Vũ Thành An, thế đó, đã là những phủ dụ, đã là những dỗ dành, lê lết về sự sống. Dù sự sống, phía trước, cũng chỉ là tuyệt vọng chan chứa: Hãy cố yêu người mà sống – lâu rồi đời người cũng qua...

“Ðời nhạc Vũ Thành An, luôn luôn mở tới những chân trời tin yêu nhỏ nhoi, bé mọn, như những đời Do Thái trên mặt địa cầu, cuối đời còn hướng về Ðất Hứa. Ðời nhạc Vũ Thành An, luôn luôn phóng chiếu một kiếm tìm sinh lộ. Tìm kiếm đường nứt rạn trên biển đặc máu xương. Bên cạnh những ngợi ca tan nát, trên những chia tay mất dấu, ngọn lửa tin yêu của đời nhạc Vũ Thành An, lúc nào cũng bập bùng- - Lúc nào cũng lấp lánh...”

Mười hai năm trước, khi viết: ngọn lửa tin yêu của đời nhạc Vũ Thành An lúc nào cũng bập bùng - - Lúc nào cũng lấp lánh, tôi chỉ muốn nói tới tính nhân ái trong thế giới nhạc tình của Vũ!.

Tôi đâu ngờ ngọn lửa tin yêu kia sau những năm tháng tù đầy, đã được Ðức-Tin-Thiên- Chúa thêm sức, để trở thành ngọn đuốc rực rỡ giữa trái tim mẫn cảm của người nhạc sĩ tài hoa này.

Với tôi, điều đáng kể hơn nữa, ngoài sự kiện Vũ Thành An nhận được ơn Thiên Triệu từ đấng Cứu Thế, một cách muộn màng; chính là ý chí, chính là nghị lực phi thuờng của một người viết tình ca thành công, bước vào tuổi năm mươi, sau bao mệt mỏi nhục nhằn đời thường...

Vậy mà, Vũ Thành An đã có thể ép xác, xóa bỏ danh vọng chói chang của mình, để hoàn tất chương trình thần học, kéo dài đằng đẵng bao năm...

Và, cuối cùng, Vũ Thành An đã được Thiên Chúa đền bù.

Vũ trở thành kẻ thừa-sai của Ðấng Ki Tô, tự nguyện phụng hiến những ngày còn lại đời mình, cho tình yêu Thiên Chúa.

Sự chính thức trở thành người rao giảng Ðức-Tin-Thiên-Chúa nơi kẻ tân-tòng mang tên Vũ Thành An, (một Vũ Thành An nghệ sĩ, nổi tiếng,) ở tuổi ngoài năm mươi, với tôi, là một cuộc phấn đấu lớn lao hơn bất cứ một cuộc phấn đấu cam go nào khác, mà, một con người tầm thường có thể vượt qua.

Sự kiện hãn hữu, chưa từng xẩy ra, trong giới nghệ sĩ kia, khiến tôi không thể không công khai bày tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ ông!

Tôi hiểu, chẳng điều gì Thiên Chúa không làm được.

Nhưng, mặt khác, tôi cũng hiểu, một khi con người còn bị giới hạn trong bình thịt xương yêu đuối và tội lỗi, thì, không phải ai cũng có thể đi tới vùng Ánh Sáng như Vũ Thành An, ngay cả lúc họ còn rất trẻ!...



Du Tử Lê










Vũ Thành An về thăm Việt Nam



Kính thưa quý thính giả rất quý mến,

Ngày 5 tháng 4 vừa qua tôi đã về Việt Nam. Sau gần 4 năm điều hành Quỹ Từ Thiện Teresa tôi thấy cần thiết phải về Việt Nam để xem việc phân phối trợ cấp cho các cụ có tiến hành tốt đẹp không? Số cụ nhận trợ cấp đã lên tới con số trên 10 ngàn và số các địa điểm cũng đã lên tới con số gần 200. Tôi thấy cần thiết phải về tận nơi để xem tình hình và từ đó có những bước thích hợp kế tiếp.

Trước khi về tôi cũng có nhiều nghi ngại sau muời mấy năm xa nhà nhưng những người bạn thân cho tôi biết là nếu đã được cấp visa thì sẽ không có gì phải lo. Truớc khi mua vé máy bay tôi đã xin visa và đã được cấp vì thế tôi mạnh dạn mua vé máy bay. Tôi đã chuẩn bị tinh thần là sẽ quay trở về Mỹ ngay nếu có trở ngại tại Phi Trường nhưng đã không có gì xảy ra và thân nhân chờ đón tôi tại Phi trừờng Tân Sơn Nhất đã rất ngạc nhiên thầy tôi ra cửa.

Tôi đã về căn nhà nơi tôi đã sống và lớn lên từ hồi 10 tuổi tại đườøng Võ Văn Tần Quận 3, sau khi làm thủ tục tạm trú bình tường tôi đã bát đầu theo chương trình thăm các địa điểm đã định trước. Trong suốt 3 tuần lễ tại Việt Nam tôi đã di Huế, từ Huế về Nam, lên Ða Lạt xuống Bến Tre, đã có dịp gặp hầu hết các vị phụ trách các địa điểm từ Quảng Trị tới Cà Mau gồm các Ðức Tổng Giám Mục, Ðức Giám Mục, hàng trăm Linh Mục, Nữ Tu, Thượng Tọa, Ðại Ðức, Ni Sư, Mục Sư, các thiện nguyện viên. Ðiều khiến tôi yên tâm là tất cả các vị đã tỏ ra rất nhiệt tình và hiểu rõ ý nghĩa công việc cũng như đã làm đúng theo phương pháp điều hành đã được định ra, bảo đảm việc trợ cấp cho các cụ được tận tay, đầy đủ và đúng thời hạn.

Tôi đả được đi thăm nhiều cụ từ đồng bằng cho đến miền núi, được vào tận nơi các cụ ở , được hiểu rõ hoàn cảnh một số cụ. Tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn trên má, những khuôn mặt chợt xúc động đổi thay, những bàn tay run run khi được nhận 50.000 DVN tương đương với $3. Tôi đã được ở trong môi trường các cụ sống, thời tiết nóng nực trên 39 độ C, những căn phòng tối tăm, mùi hôi nồng của chỗ ở thiếu vệ sinh.. Tôi đã gặp những cụ ở một mình, không ai săn sóc. Có cụ nằm co quắp trong mùng bất động, có cụ đang nhai những miếng gạo chứ không phải cơm vì được nấu trong nồi bị lung, nửa sống nửa chín… Hiểu được những hoàn cảnh như vậy tôi thấy rằng 10 ký gạo hàng tháng thật không thấm vào đâu với nỗi khổ của các cụ. Tôi đã xin vị phụ trách địa phương tìm ra giải pháp để giúp đỡ một cách hữu hiệu những cụ có hoàn cảnh đặc biệt này. Sư Cô Phước Thiện tại Phú Vang sau đó đã cho tôi biết là đã tìm được người bảo mẫu hàng ngày nấu cơm mang lại cho mấy cụ bị liệt tại địa phương này. Tôi sẽ lấy kinh nghiệm ở Phú Vang để áp dụng cho các nơi khác. Ðiều quan trọng hơn miếng cơm hàng ngày là sự hiện diện săn sóc cũng như biết rõ hoàn cảnh các cụ trong từng ngày nếu không các cụ có mất đi thì cũng chẳng ai biết để cứu giúp kịp thời vì các cụ này sống có một mình thôi.

Một khi chưa có trợ cấp của chính phủ như tại Mỹ thì chắc chắn là cuộc sống của các cụ già ở Việt Nam sẽcòn rất khó khăn. Các cụ già không còn sức lao động thì chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Nếu con cái nghèo thì thật khổ và nếu con cái không biết thương các cụ mà dày vò các cụ thì không có nỗi khổ nào bằng. Tôi được nghe kể truyện có cụ bị con cái nhốt ngoài đường không cho vào nhà. Có những đìều không thể tưởng tượng đã xảy ra.

Kính thưa quý ân nhân, sự quảng đại của quý vị thật là quý giá. Những đồng tiền của quý vị cho đã đem lại an ủi và giúp đỡ thực tiễn cho các cụ rất nhiều. Các tu sỹ đã thay quý vị đến tận nơi các cụ già nghèo khổ để chuyển đến những trợ giúp kịp thời. Xin đại diện các cụ cảm tạ lòng hảo tâm của quý vị.



Phó Tế Vũ Thành An

5-20-06











Tiểu sử Vũ Thành An



Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Nam Ðịnh.   Năm 1953 có đàn Mandoline đầu tiên. Năm 1954 di cư vào Nam.
Năm 1954 học tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương, Saigon. 1955 học lớp Ðệ Thất trung học Hồ Ngọc Cẩn.  1956 lên Ðệ Lục được di chuyển cả lớp về Chu Văn An. Năm 1958 một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Trần Lục học lớp Ðệ Tứ, sau khi đậu Trung Học Ðệ Nhất Cấp, học hết lớp Ðệ Tam và một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Nguyễn Trãi năm 1960 học lớp Ðệ Nhị.

Kỳ thi Tú Tài 1 năm 1961 bị rớt về trường Hưng Ðạo học tiếp Ðệ Nhị, năm 1963 đậu Tú Tài Toàn Phần.  Trong suốt thời gian trung học đều tham gia hoạt động văn nghệ trong lớp: ca hát, đóng kịch, làm bích báo.  Sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là Nhạc Sỹ Chung Quân chê. Trong thời gian học tại trung học Hưng Ðạo sáng tác nhạc cuả các bài Không Tên Số 2, Không Tên Số 6, Không Tên Số 8.

Năm 1963 được Linh Mục Trần Ðức Huynh, Giám Ðốc trường Hưng Ðạo cho dạy lớp Ðệ Thất để có tiền tiếp tục học Ðại Học.  Tiếp tục dạy học cho đến năm 1973 thì nghỉ vì quá bận rộn trong công tác Trưởng Cơ Sở Dân Vận Gia Ðịnh.

Cuối năm 1963 được nhận vào làm Phóng Viên Ðài Phát Thanh Saigon.  Gặp Nhà Thơ Nguyễn Ðình Toàn, 1965 cùng với Nguyễn Ðình Toàn sáng tác Tình Khúc Thứ Nhất, bắt đầu làm chương trình Nhạc Chủ Ðề cùng Nguyễn Ðình Toàn.

Năm 1965 bị chấn động tinh thần mạnh vì cuộc tình gẫy đổ, sáng tác bài Không Tên Cuối Cùng

Năm 1967 gặp gỡ lần thứ hai, động viên nhập ngũ khóa 25 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Ðức.  Năm 1968 một lần nữa cuộc tình gãy đổ, sáng tác Bài Không Tên Số Hai.
Năm 1969 lập gia đình.
Năm 1972 tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa.
Năm 1973 làm Trưởng Cơ Sở Dân Vận Gia Ðịnh, 1974 .Trưởng Phân Khối Văn Hóa, Văn Hoá Vụ Bộ Thông Tin Chiêu Hồi. 1974 Phụ Tá Trưởng Khối Chương Trình Thời Sự kiêm Trưởng Phân Khối Chương Trình, Trưởng Phân Khối Kế Họach Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam Cộng Hòa.

Làm việc tới 10:10 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.




1975-1985: Cải tạo, đoạn đời đầy oan trái, gia đình gãy đổ
1987 lập lại gia đình


1991 Ðịnh cư tại Orange County Hoa Kỳ, 1992 về ở hẳn tại Portland Oregon cho đến nay.


Ðến Orange County, California, USA 1991


Cùng các Nhạc Sỹ đàn anh:
Từ trái: Văn Phụng, Song Ngọc, Nam Lộc, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Túc, Vũ Thành An, Từ Công Phụng.


1996: Theo học Thần Học.
1999:  Ðược phong chức Ðọc Sách ( Reader ) và Acolyte ( Thừa tác viên bàn thờ)



2001:  Ðược phong chức Ứng Viên Phó Tế: Deacon Candidate  tại Tổng Giáo Phận Portland.


23/11/2002 Phong chức Phó Tế

























MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.