Điềm Phùng Thị
Tên thật: Phùng Thị Cúc
(18/08/1920 Huế - 19/01/2002 Huế)
Hưởng thọ 82 tuổi
Hưởng thọ 82 tuổi
Điêu khắc gia
Điềm Phùng Thị là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong Từ điển Larousse: Nghệ thuật thế kỷ XX; Một danh họa trong nghệ thuật điêu khắc.
Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Châu âu.
Tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920 tại làng Châu Ê (Huế)
Tốt nghiệp Nha khoa Đại học Hà Nội năm 1946.
Qua Pháp chữa bệnh và sinh sống từ 1949.
Đậu bằng Bác sĩ Nha khoa tại Pháp năm 1954.
(Luận án Tiến sĩ : Tục ăn trầu)
Điềm Phùng Thị đến với Nghệ thuật Điêu khắc khá muộn, năm bà 40 tuổi. Triển lãm tượng lần đầu năm 1966, nhưng chỉ khoảng 10 năm sau bà đã trở thành một nhà Điêu khắc tài danh. Từ đó các tượng đài của Điềm Phùng Thị đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch v.v
Bà đã trở về Việt Nam sinh sống từ 1992 và qua đời tại Huế ngày 29/01/2002 sau vài năm bị bệnh tim mạch và nửa người bại liệt vì một cơn xuất huyết não.
Hưởng thọ 82 tuổi.
Và nếu có ai đó ngắm nhìn
dừng chân và cảm mến
con người trong tôi
tức là tôi đã thành công
Nếu tôi thất bại và chẳng ai chìa tay cho tôi
tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường.
Điềm Phụng Thị
1967
Tiểu sử
Tác Phẩm
Đàn bà I (đất nung) 1967
(VNN)- Ở Paris có 36 tượng đài nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Ở Hà Nội không có tượng đài nào. Vậy mà bà vẫn cứ là một người Việt Nam, một người nghệ sĩ không thể lãng quên của Việt Nam, và luôn gần gũi với quê hương.
Điêu khắc gia
Điềm Phùng Thị
Nghệ thuật của Điềm Phùng Thị là một tài sản quý giá, không phải để bị “nhốt” và hư hỏng dần trong kho. Đó sẽ mãi là một nỗi nuối tiếc khôn nguôi. Và điều đó day dứt tôi khi đến Huế - quê nhà của "tạo hóa trong điêu khắc"...
***
Điềm Phùng Thị là một trong hai người châu Á vinh dự có tên trong từ điển Larousse - Nghệ thuật thế kỉ XX. Bà là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Tranh và tượng của bà - những tác phẩm trước đây từng đặt ở các bảo tàng, trường học, công viên Pháp... thì nay đã ở Huế, quê nhà của tác giả. Và bà thì đã đi xa.
Điềm Phùng Thị đã hoàn thành ước nguyện cống hiến cuối cùng như một sự tri ân với quê hương. Bà nói từ lâu: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc và đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa.... Tôi trao lại tôi cho các bạn!”. Sứ mệnh còn lại được trao cho những người đang sống...
7 “chữ cái” thần diệu và thi pháp hội hoạ Điềm Phùng Thị
Với tôi, tác phẩm của Điềm Phùng Thị thật sang trọng và giản dị. Ngôn ngữ mới và giản tiện. Giống như trẻ con chơi trò chơi xếp hình, bà chỉ có 7 “chữ cái” mà cấu thành thế giới tạo hình riêng. Bà gọi là “những ký hiệu” (signs).
Nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là 7 mẫu tự. Giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì gọi là những modules. Các tác phẩm của bà chính là sự sắp xếp, bố cục, lựa chọn, biến tấu, lắp ghép đơn giản những “chữ cái” ấy. 7 mẫu tự có kích thước tỷ lệ cân xứng và tương hỗ giữa các khối tạo thành một "tỷ lệ vàng".
Ngày 7/9/1995, khi xem Triển lãm Điềm Phùng Thị tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên: “Điềm Phùng Thị... là một tạo hoá trong điêu khắc...”
Trong cách nghĩ và cách cảm của riêng mình, tôi tìm thấy ở Điềm Phùng Thị những khám phá dồi dào, liên tiếp, và đầy bí ẩn. Tôi nhìn thấy tính chất dân chủ ở tác phẩm. Tôi được tự xây dựng lấy cho mình cách cảm nhận, tuỳ theo mức độ hiểu biết và ý thức của tôi. Tức là ý tưởng của dòng sáng tác hậu hiện đại, gắn công chúng vào công cuộc đồng sáng tạo.
Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được tạo nên bằng đủ loại chất liệu bình dân nhất của cuộc sống: gỗ, nhôm, đất nung, đồng, giấy, vải... và cả mảnh xác máy bay B52. Điềm Phùng Thị có một mảng tác phẩm về đề tài chiến tranh rất cuốn hút, tôn vinh bà như một sứ giả của hoà bình.
Từ năm 1967-1996, bà đã được tổ chức gần 30 cuộc trưng bày, triển lãm ở Pháp, Italy, Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ... và có 36 tác phẩm tượng đài được dựng ở các thành phố của Pháp, được cả thế giới tôn vinh, ca ngợi.
Những tác phẩm vẫn nằm im trong kho
Trước khi trở về Hà Nội, tôi dành khoảng thời gian còn lại để ghé thăm bảo tàng Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu, thành phố Huế. Trước khi qua đời vài tháng, vào năm 2001, Điềm Phùng Thị đã quyết định tặng cho Huế toàn bộ tác phẩm còn lại ở TP. Hồ Chí Minh (trên 130 tác phẩm) và ở Pháp (trên 50 tác phẩm). Một món quà vô giá cho thành phố quê hương.
Nhà trưng bày của bà là một biệt thự kiểu Pháp, với khu vườn bao quanh khá rộng và đẹp. Ngày hôm đó tôi đến, không gian ấy rất vắng vẻ. Tôi là khách tham quan duy nhất. Về sau, tôi có đọc một tài liệu nói rằng, thời gian đầu, bảo tàng rất đông, về sau thưa dần và hầu hết là người nước ngoài.
Tôi cũng đọc một tài liệu khác nói rằng, vẫn còn khoảng 50% tác phẩm nghệ thuật của bà đang nằm im trong kho. Chưa đến được với công chúng đã đành, hàng trăm tác phẩm chất chồng lên nhau trong những bao hàng, nồng nặc mùi ẩm mốc, phủ đầy bụi và mạng nhện; trong căn phòng nhỏ không điện, không quạt, không điều hoà. Hầu hết các tác phẩm làm bằng những chất liệu dễ hỏng như giấy, vải, đất, gỗ... Các bức tranh không có khung bảo vệ, toan vải ngả màu, ố vàng.
Nghệ thuật của bà là một tài sản quý giá, không phải để bị “nhốt” và hư hỏng dần trong kho. Đó sẽ mãi là một nỗi nuối tiếc khôn nguôi.
“Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường”
Điềm Phùng Thị liệu có ảnh hưởng gì cho hội hoạ Việt Nam đương đại? Đó là một nghi vấn mà tôi chưa tìm được câu trả lời. Một người bạn vong niên của tôi than thở, có lẽ hơi cảm tính và u ám, rằng các bạn trẻ, đặc biệt là các hoạ sĩ trẻ, ít biết đến và học hỏi lối tư duy hội hoạ của bà.
Một người bạn khác của tôi, học ĐH Mỹ thuật công nghiệp, nói rằng trong lớp cô không người nào biết Điềm Phùng Thị là ai.
Tôi có một cuộc nói chuyện ngắn với một sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bạn sinh viên nói rằng, bạn biết về Điềm Phùng Thị với tư cách một nghệ sĩ tạo hình, định cư ở Pháp, là người gốc Huế nên xu hướng nghệ thuật mang dáng vẻ quý phái, cung đình.
Hồi học năm thứ hai, khi học Điêu khắc căn bản, bạn có được thầy cho xem qua cuốn sách có tác phẩm của bà ở Pháp. Làm nên tên tuổi của bà có con số 7, con số mà bạn đó thích, nên cũng có tìm hiểu thêm, chứ tự thân tác phẩm của bà không thu hút đến mức khiến bạn tự tìm hiểu.
Lý giải nguyên do tại sao thế giới hiểu biết về bà, còn chúng ta lại như vậy, bạn đó nói rằng chắc do sách của bà đắt quá, nghệ thuật của bà quá giàu chất triết lí, không phải ai cũng hiểu.
Cuốn sách nói đến ở trên là cuốn “Nghệ thuật Điềm Phùng Thị”, xuất bản năm 1997, dày 267 trang, giá bìa 500.000 đồng. Cuốn sách có nhiều hình ảnh và bài viết hay, có nhiều hình ảnh về tượng của bà được dựng ở nhiều trường học, công viên, bệnh viện, bảo tàng... Pháp. Ở trang đầu, có những dòng chữ tác giả viết:
Và nếu có ai đó ngắm nhìn
dừng chân và cảm mến
con người trong tôi
tức là tôi đã thành công
Nếu tôi thất bại và chẳng ai chìa tay cho tôi
tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường.
(Điềm Phùng Thị, 1967)
Ở Paris có 36 tượng đài nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Ở Hà Nội không có tượng đài nào. Vậy mà bà vẫn cứ là người Việt Nam, người nghệ sĩ không thể lãng quên của Việt Nam, gần gũi với quê hương. Điều ấy có phải là "bi kịch" về sự ảnh hưởng của Điềm Phùng Thị?
Bà đã mất ở tuổi tám mươi mốt, sau một cơn tai biến mạch máu não. Có lẽ, bây giờ, người dân Huế vẫn sẽ nhận ra bà, tóc trắng bềnh bồng, nụ cười hồn hậu ngồi trên chiếc xe lăn do người giúp việc đẩy, đi dạo trên đường phượng vĩ có những chiếc lá mỏng manh về cội...
Đinh Phương Linh
Chắp Tay
(chì gò 1980)
(chì gò 1980)
Sen
Ngồi cầu nguyện
(1970)
(1970)
Tượng đài
01 Phan Bội Châu, Huế
Biệt thự nghệ thuật Điềm Phùng Thị
Có cảm giác biệt thự số 1 Phan Bội Châu ở Huế đã trên 80 năm tồn tại mà vẫn không mấy thay đổi, dù đã có bao vật đổi sao dời. Hoa cỏ vẫn xanh, hàng cổ thụ hai bên đường cố vươn ra che chở cho căn nhà. Lối ra vườn mới được rải sỏi. Những cánh cửa sổ trong nhà vẫn mở.
Chủ nhân biệt thự đã đi vào cõi vĩnh hằng (năm 2002). Kể từ khi căn phòng của bà Điềm Phùng Thị khép chặt cửa, bàn thờ của bà vẫn nghi ngút khói hương nhờ bàn tay săn sóc của cô Minh Hoàng, một nhân viên thuyết minh thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin Huế.
Ra đi, bà Điềm Phùng Thị đã để lại một tài sản nghệ thuật to lớn cho Huế. Khi trở về quê hương, bà đã chuyển theo toàn bộ số tác phẩm còn giữ lại ở Pháp với số lượng gần 300 tác phẩm lớn nhỏ, đa số là tượng. Những năm cuối đời, số lượng tác phẩm bà sáng tác ở Huế và TPHCM cũng lên đến hàng trăm và đều đã được đưa về Huế. Ngôi nhà tĩnh lặng được giữ nguyên như lúc nhà điêu khắc còn sống. Khoảng 30 tác phẩm điêu khắc, tranh thêu và những đồ trang sức tinh xảo bằng kim loại quý hoặc gỗ được trưng bày, chỉ giới thiệu được một phần nhỏ các tác phẩm bà đã sáng tạo trong suốt cuộc đời sáng tác.
Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị
Ảnh: SGTT
Nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật trang trí trên tường, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của bà trong lần tham dự hội thảo văn hóa quốc tế năm 1995 tại Đà Nẵng: "Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Các tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi, tôi trao chúng cho các bạn". Bà kể về những chặng đường du học gian khổ châu Âu của mình những năm sau thế chiến thứ hai. Ngày ấy, cô nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mang đến châu Âu một tâm hồn Huế sâu sắc, cởi mở rồi học ở Pháp và đã thành danh ở chính cái nôi của nghệ thuật điêu khắc. Bà đã có số tượng đài xây dựng trên đất Pháp và được trưng bày ở các bảo tàng lớn. Những đóng góp to lớn ấy đã đem lại cho bà danh hiệu viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật châu Âu và tên tuổi bà được ghi vào Từ điển Larousse về tranh và tượng của thế kỷ 20. Giấc mơ cố hương của bà trở thành hiện thực khi về Huế, bà được ưu ái mời ở lại trong một ngôi nhà đẹp xây dựng từ năm 1930 với phong cách Pháp quen thuộc. Đó là nơi bà dành trọn thời gian cuối cùng để sáng tác, dành mối quan tâm cho lũ trẻ thơ mồ côi và đơn giản là tâm nguyện: "Tôi tặng toàn bộ tác phẩm của tôi cho nhân dân TP Huế".
Hàng chục cuộc triển lãm ở châu Âu, châu Á trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của bà đã chứng minh rằng nghệ thuật sáng tạo của Điềm Phùng Thị có khả năng chinh phục cả tâm hồn Á Đông lẫn Tây phương. Cũng năm 1995 ở Đà Nẵng, tôi có dịp may ngồi lâu với bà tại khách sạn Non Nước, ngắm món đồ trang sức làm từ chất liệu gỗ bà mang kèm sợi dây đeo trước ngực, bà giải thích rằng ở chất liệu nào, quy mô nào thì nghệ thuật của bà đều là nghệ thuật mô-đun, với 7 mẫu tự hợp từ những thành tố cơ bản, được sử dụng trong bố cục sáng tạo nhưng rất nghiêm ngặt. Sau này, trong nhiều dịp khác qua lại Huế, tôi được xem nhiều hơn các tác phẩm của bà, từ các cụm tượng đặt trong vườn (nay vẫn còn nguyên) thể hiện phong cách nghệ thuật trong không gian kiến trúc đa dạng cho đến các món đồ trang sức nghệ thuật trau chuốt do tự tay bà làm lấy. Trong phòng trưng bày, ngắm hơn 30 tác phẩm gồm tượng và cụm tượng của bà, người xem cảm thụ rõ nét hơn một tài năng đã thâu tóm trong tác phẩm của mình tinh thần văn hóa Á, Âu thật nhuần nhuyễn, vừa trinh nguyên, giản dị, vừa rất gạn lọc và khoa học. Người châu Âu coi nghệ thuật Điềm Phùng Thị là sự thể hiện tâm hồn Á Đông gần gũi là do vậy. Giữa căn phòng, bức tượng Trái đất với hình tượng một người đàn bà có cái bụng vĩ đại thật mới lạ và giàu sức tưởng tượng, còn cụm tượng Năm ông, Hai chị em và Mẹ bồng con thì lại rất quen thuộc và dễ hiểu với người Việt. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, người bạn thân của bà những năm cuối đời, chỉ ra rằng nghệ thuật Điềm Phùng Thị không dừng ở đó. Những bức tượng tạo nên bởi sự sắp xếp theo ngôn ngữ Điềm Phùng Thị của bảy cái mô-đun không dễ hiểu được ngay, phải có trình độ, có tư duy nghệ thuật mới đánh giá được. Người xem có thể thấy một cái cửa, nhưng là cái Cửa của hư vô chứ không phải cửa thường. Đẹp như bức Bước thời gian nhưng vẫn còn có sự giải thích và người xem phải có trình độ mới hiểu được sự giải thích đó. Nghệ thuật Điềm Phùng Thị cao cấp, sang trọng, sâu sắc nhưng không tách rời khỏi đời sống các tầng lớp xã hội. Tại đây còn có nhiều bộ trang sức bằng kim loại, thảm, tranh thêu trang trí trên tường và tất cả các công trình sáng tạo ấy đều nhất quán về phong cách. Đa số khách tham quan rất tiếc khi đi ngang qua vài căn phòng đóng kín và niêm phong kể từ khi bà qua đời, vì họ biết rằng hàng trăm tác phẩm khác hiện nay vẫn nằm trong đó, chưa được kiểm kê và chưa có kế hoạch giới thiệu.
Cả khối tài sản văn hóa quý giá của bà đã đem lại cho Huế một điểm sáng rực rỡ thu hút du khách, đặc biệt là người Pháp. Tiếc rằng nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị lại chưa nằm trong các điểm đến của du khách, vì vậy, rất nhiều người đã vì không biết mà bỏ qua địa chỉ văn hóa đặc biệt này khi đến Huế.
Theo Doanh nhân SGCT
Tham khảo thêm về Nhà Điêu khắc Điềm Phùng Thị
Một nét tính cách của chị Điềm Phùng Thị
PHẠM THỊ CÚC
LTS: Khi nghệ sĩ Điềm Phùng Thị qua đời thì số Sông Hương gần nhất đã in xong, không kịp đưa tin, không kịp nói lời vĩnh biệt! Nhân tuần lễ chung thất (49 ngày mất) của bà, Sông Hương trân trọng giới thiệu 2 bài viết sau đây và xin được coi như một nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà và nhân loại.SH
Em là gái bên song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn ngồi bên song cửa
Em chỉ là em gái thôi
Người em sầu mộng muôn đời
Tình như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời
Ai bảo em là giai nhân
Cho anh lòng anh đau buồn
Ai bảo em ngồi bên song
Cho vương nợ thi nhân...
... Cho lòng anh đau khổ...
... Cho mộng tràn gối chăn...
Bài thơ phổ nhạc thành bài hát đó, tôi đã hát từ đầu những năm sáu mươi, thuộc lòng đến tận bây giờ, những mãi sau nầy tôi mới biết là của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư dành tặng chị.
Lần đầu tiên tôi biết chị, là lúc chị đã ngoài bảy mươi. Nhìn mái tóc bạc trắng như bạch kim của chị, tôi gọi bằng cô, nhưng chị bảo “em cứ gọi là chị, cho trẻ...”. Ban đầu, tôi cứ ngài ngại thế nào, nhưng đã gần mười năm nay, tiếng “chị” nghe thật gần gũi, thân thương.
Dáng người nhỏ nhắn, bù lại, chị có gương mặt đẹp tuyệt vời. Chị cho tôi xem tấm ảnh chụp khi chị và anh Bửu Điềm mới cưới nhau, khuôn mặt mới đẹp làm sao! Cái mũi cao, thẳng, hai má lại có hai lúm đồng tiền, nên nhìn mặt chị, ta có cảm giác như chị đang cười.
Chị là một con người tài hoa, vừa giỏi khoa học (là bác sĩ nha khoa, tốt nghiệp ở Việt Nam, sau đó ở Pháp) vừa giỏi nghệ thuật, là một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Châu Âu, tác phẩm của chị đã được dựng nhiều nơi ở nước Pháp, chị là viện sĩ Viện Hàn Lâm Châu Âu... Những điều đó, đài báo đã nói nhiều rồi, ở đây tôi xin nói một “chút” về “phạm trù” tính cách, tình cảm của chị.
Là một nghệ sĩ lớn, nhưng chị sống rất tình cảm. Ngày 29 - 5 - 1998 tôi từ Toulon - Var (một thành phố của miền nam nước Pháp, nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, cách Paris 834 km về nhà chị ở 4 rue René Isidore. 92260 FONTENAY aux Roses. Đó là một căn hộ tập thể rất đẹp ở tầng trệt, phía trước có vườn hoa, cây cảnh... cắt xén rất công phu. Như lời anh Nguyễn Xuân Hồng (bạn thân của chị ở Paris ) đã nói: “Nhà chị Điềm ở khu phố ngoại ô của nhà giàu. Không như ở Việt Nam, ở các nước Âu-Mỹ, người càng giàu, càng thích ở xa trung tâm thành phố, xa những nơi buôn bán, siêu thị... ồn ào”. Ngôi nhà này chị đã bán cho một người Pháp ở căn hộ phía trên căn hộ của chị, vì vậy chị ở thêm ngày nào phải trả một nghìn Francs mỗi ngày (tương đương hai triệu đồng VN). Những ngày đó, chị bận túi bụi cho việc sáng tác thêm tranh, tượng... để đưa điWashington DC triển lãm. Việc có cuộc triển lãm của chị ở Mỹ cũng rất tình cờ: một du khách người Mỹ, là chủ một Galery ở Washington, nhân một chuyến du lịch sang Việt Nam, tình cờ đọc được trên máy bay một bài báo nói về chị, bà ta liền liên hệ với chị và dự định sắp xếp cho cuộc triển lãm đó.
Tháng 3 - 1998 khi chị mới trở lại Paris để hoàn tất lo việc bán nhà thì nhận được hợp đồng triển lãm ở Washington , bấy giờ chị đã 78 tuổi. Thế mà chị làm ngày, làm đêm, làm không biết mệt mỏi. Chị làm một loạt tranh tượng mà tôi chưa thấy ở Việt trước đó. Những bức tranh ghép từ những mảnh vải màu, như tranh Nguyễn Trãi, tranh các môđun ghép lại...), nấu đồng chảy ra (có ánh nhũ vàng) và đổ lên trên... thành những hình dạng rất đặc biệt... Thật tình tôi cũng không thể nào hiểu hết, có hỏi, chị trả lời “ai muốn hiểu thế nào thì hiểu”.
Những ngày đó, chị làm việc suốt ngày đêm đến nỗi quên cả ăn, cả ngủ... Tôi hỏi chị có mệt không, chị bảo “Ham làm không thấy mệt”. Khi chị thấy đã đủ số tranh, tượng để gởi đi Mỹ, thì lại đến bao nhiêu công việc không tên đi kèm theo như đóng, gói... lên danh sách, giá cả...
Người chị mến và hay nhắc đến đầu tiên là anh Nguyễn Văn Mễ Chủ tịch tỉnh TT.Huế. Có lần tôi trêu chị “Chị thì khi mô cũng anh Mễ hết” (thế mà nay chị đi xa mãi mãi thì anh Mễ lại bận việc nước ở Hà Nội không về kịp). Người thứ hai là anh Tô Nhuận Vỹ. Lần đầu chị về Huế, chị nhất thiết đòi anh Vỹ phải làm đại diện cho chị, để thành lập nhà trưng bày (ở số 1 Phan Bội Châu bây giờ). Những ngày chị đau ốm, mỗi lần chúng tôi đến thăm, chị cầm tay anh Vỹ và rơm rớm nước mắt nói “Em đừng bỏ chị mà tội!” Một người nữa, chị thương như con cháu là Xuân Phương. Chị nói với tôi “Khi nào đi Mỹ triển lãm chị sẽ cho Phương đi cùng”. Thế mà trời lại bắt chị đau để “giấc mộng nghệ thuật” của chị ở bên kia Thái Bình Dương không thành, thật thương chị quá!
Tôi được may mắn ở với chị mười ngày ở... FONTENAY aux Roses. Ban ngày bên chị có anh Hoàng (người giúp chị lo giấy tờ, nhà cửa), anh Sa (cũng là bạn của anh Hà Thúc Đạt và anh Nguyễn Xuân Hồng mà hai anh gọi là Sang, cho nó “sang”) giúp chị làm tranh, tượng... Anh Đạt, anh Hồng là hai anh người Huế, bạn thân của chị ở Paris . Cô Hiếu - cô gái nấu ăn cho chị ở Pháp nói: “Lần đầu tiên em thấy bác (chỉ chị Điềm) cho chị ở với bác đến mười ngày. Em nấu cơm cho bác mười tám năm nay, chưa bao giờ thấy ai được ở lại nhà bác, dù chỉ một ngày, cả người Việt lẫn người Pháp”.
Đến bữa ăn, chỉ còn lại chị và tôi. Chị ăn rất ít, ngược lại với sức làm việc rất nhiều của chị. Đêm nào cũng vậy, đã mười hai giờ đêm rồi mà chưa ai ngủ được. Thế mà trước lúc đi ngủ, lúc nào chị cũng lấy 2 viên thuốc ngủ, “chị uống một viên, còn em một viên”. Chị có tuổi, ít ngủ đã đành, còn tôi, tuy qua Pháp đã gần bốn tháng nhưng vẫn chưa quen giờ giấc. Ơ Pháp chậm hơn ta sáu tiếng về mùa hè và năm tiếng về mùa đông. Cứ đến ngày xuân phân 20-3 hàng năm, người dân Pháp lại vặn đồng hồ thêm một giờ. Bởi vậy ở Pháp mùa xuân, mùa hạ có ngày đến hơn tám giờ tối rồi mà vẫn còn ánh sáng mặt trời. Vì thế ngày rất dài, nhưng đêm lại quá ngắn. Phòng ngủ của chị sát chân cầu thang lên các tầng trên của khu nhà, mỗi lần có ai về khuya, bấm chuông cầu thang, hai chị em cứ tưởng họ bấm chuông nhà mình. Tôi hỏi chị: “Sao chị không ngủ một trong những phòng phía trong, xa cầu thang cho đỡ ồn?” Chị nói “Anh Điềm thích ngủ ở phòng nầy”. Chị thương chồng đến nỗi, khi anh không còn nữa chị vẫn ngủ ở phòng đó, như khi anh còn sống.
Nói đến việc chăm sóc chồng, chị quả là người phụ nữ khác thường. Khác thường ở chỗ chị rất mực yêu thương chồng từ trẻ cho đến lúc già, anh bị căn bệnh quái ác là “mất trí nhớ”. Chị kể: Khi còn ở Pháp một người bạn của anh chị làm được một căn nhà mới, to, đẹp, anh chị đến thăm. Anh đứng trên đầu cầu thang, bị trượt chân, anh lăn xuống chân cầu thang và đập đầu vào một cái thùng gỗ, từ đó, anh lâm trọng bệnh.
Chị vừa lo công việc sáng tác, làm ngày, làm đêm, bao nhiêu cuộc triển lãm Đông, Tây, Âu, Á... vừa lo chữa bệnh cho chồng. Ai bày vẽ gì chị cũng nghe, xa mấy, khó khăn mấy, chị cũng chạy thầy, chạy thuốc cho anh. Anh Điềm cũng là bác sĩ nha khoa, còn giỏi hơn cả chị nữa! (theo lời chị nói). Bệnh tình của anh không hề thuyên giảm, chị đưa anh về nước để chữa “nhân điện”. Chị bươn bả hàng ngày thuê người, thuê xe đưa anh đến chùa Diệu Đế để “nhân điện”. Những lúc chị phải đi xa (về Pháp chẳng hạn), anh còn nói “Cúc đi mau mà về”. Nói xong câu đó, bao giờ anh cũng khóc. Sau nầy, khi bệnh quá nặng (lại thêm tuổi già) đến tên chị anh cũng không còn nhớ nữa. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, thấy hai vợ chồng già mà thương yêu nhau hết mực, tôi cũng tự nhủ mình, noi gương chị mà sống cho tốt hơn.
Đêm thứ hai ở nhà chị, trước lúc đi ngủ, chị vào phòng tắm, thấy tôi đang đánh răng với cái bàn chải tôi mang theo. Chị la “Em dùng cái bàn chải chi mà cũ rứa?. Tôi nói “Cái nầy em mới dùng có vài tháng chứ mấy!” Chị nói: “Vài tháng mà còn chứ mấy!”. Hôm sau chị đi siêu thị mua về cho tôi cái bàn chải của Pháp hẳn hoi. Tôi vẫn còn giữ cái bàn chải ấy cho đến bây giờ để làm kỷ niệm.
Buồn cười, nhiều lúc ngồi nói chuyện, chị còn lên “lập trường” với tôi, chị bảo: “Em qua đây ăn nói cho cẩn thận đó nghe!”. Tôi dạ ran, còn chọc: “Chị ghê quá hí!” Chị cười trông thật hiền...
... Mới biết chị đó, thoắt đã gần mười năm. Và bây giờ chị đã thành người thiên cổ! Đời người “sinh ký, tử quy”; viết những dòng nầy tôi đã khóc, thương chị rất nhiều...
Mấy tháng gần đây, chị hay gọi điện thoại lên nhà tôi và nói “Chị thấy anh Bửu Điềm về!. Nếu tôi có nói “Anh Điềm mất rồi!” là chị giận lắm. Chị nói “Cho chị nói chuyện với anh Vỹ, để hỏi anh Bửu Điềm đang ở đâu?”
Bây giờ trở đi, chị chẳng còn để gọi em có ngày đến hai, ba lần nữa rồi! Em cầu mong cho chị và anh Bửu Điềm sum vầy với nhau nơi chín suối.
Ngày chị mất 29-1-02 (17-12. Tân Tỵ)P.T.C
(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)
ĐIỀM PHÙNG THỊ
Nhà điêu khắc tên thật là Phùng Thị Cúc (Điềm Phùng Thị) - người nổi tiếng nhất trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Bà sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê. Mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, bà theo cha sống ở Tây Nguyên. Từ năm 1941 đến 1946, bà học nha khoa tại Đại học Y khoa Hà Nội và là một trong những sinh viên đầu tiên nhận bằng bác sĩ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bà lên đường tham gia kháng chiến, phục vụ trong ngành y tế. Năm 1954, bà bảo vệ luận án tiến sĩ nha khoa tại Pháp.
Tiến sĩ nha khoa Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc năm 1959 và chỉ 7 năm sau, bà đã thành công trên con đường nghệ thuật.
Tên tuổi của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị đã nổi danh khắp Châu Âu. Giáo sư Mady Ménier - Đại học Paris I đã nhận xét hết sức tâm huyết về Điềm Phùng Thị: “...Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng - trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris - giành được chỗ đứng cho Châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris... Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật của bà - một phong cách sáng tạo độc đáo...”.
Nét độc đáo riêng biệt ở bà là việc sáng tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun. Nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là mẫu tự. Còn Giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc. 7 chữ cái ấy tiền thân là những mẩu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Những mẩu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang... ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của điêu khắc gia tài hoa này. Từ trong những mẩu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Từ hình người chấp tay, thêm vào mấy mô-đun thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa... Tác phẩm Hoa sen được bà tạo ra từ chất liệu nhôm vào năm 1974. Nó mang vẻ đẹp truyền thống lại rất hiện đại. Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng: thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông..
Trước khi qua đời vài tháng, Điềm Phùng Thị đã quyết định chuyển toàn bộ số tác phẩm còn lại ở TP.HCM (trên 130 tác phẩm) và Pháp (trên 50 tác phẩm) về Huế. Đây thật sự là món quà vô giá mà bà tặng Huế trước khi đi xa.
Xem thêm:
Alphabet và trò chơi hình học của Điềm Phùng Thị
Nhiều người ví Điềm Phùng Thị, nhà điêu khắc nổi tiếng nhất Việt Nam thế kỷ XX, người đã được ghi danh trong từ điển Larrouss là "chiếc cầu nối "Đông Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ.
Con đường sáng tạo của Điềm Phùng Thị tất nhiên, không thể chỉ nói đến thế giới ngôn ngữ 7 mẫu tự, mặc dù đó chính là điều đã làm nên sự khác biệt giữa chị với ngôn ngữ tạo hình nói chung.
Khởi điểm ở chặng đường đầu tiên, Điềm Phùng Thị lựa chọn cho mình góc nhìn đậm chất nữ tính. Nếu hiểu theo nghĩa tương đối, cách nhìn này ít nhiều đã có những dấu ấn riêng, khẳng định tài năng điêu khắc của Điềm Phùng Thị trong mảng sáng tác thứ nhất. Ở mảng này, quan điểm thẩm mỹ về sự hài hòa, gợi cảm từ thân thể người phụ nữ, cảm thức tươi mát, trinh nguyên và tinh tế được thể hiện bằng các hình thể đã đơn giản hóa đến mức cao độ, dự báo một phong cách mang tinh thần trừu tượng với những khái niệm tính siêu việt. Nhưng khối hình và đường nét uyển chuyển mềm mại, chủ yếu mô phỏng các hình tượng thường thấy trong đời sống hay đề tài chân dung như nét môi cong trong "Chân dung người bạn" (đất nung) bí ẩn tựa nụ cười nàng MonaLisa thời Phục hưng hay chất đồng đen "Trầm tư", "Trái đất" (đồng), dáng "Cau trầu " (đất nung) phồn thực và đôi chỗ có sự cường điêụ hóa... đều ẩn chứa sự nhạy cảm diêụ kỳ, phảng phất nét huyền bí Đông phương. Âm vang của sự huyền bí ấy như một cội nguồn căn nguyên ăn sâu trong tiềm thức và đi vào những tiết tấu hình thể, ký thác trong tư duy của Điềm Phùng Thị, để dẫu có đi xa đất nước, những hình thể tinh túy chắt lọc đến mức cô đọng vẫn giúp chị khái quát thành những "thành tố đơn giản, dễ làm, tránh được nguy cơ biến dạng" (lời tự bạch của Điềm Phùng Thị), là những mẫu tự alphabet trong mảng sáng tác thứ hai.
Mảng sáng tác thứ hai, thế giới được gọi tên bằng "ngôn ngữ Điềm Phùng Thị" không phải là kết quả của sự tìm tòi may mắn ngẫu nhiên. Từ chất dân gian hồn nhiên rất Việt Nam trong "Ra trận vác vợ theo" (đồng - 1963) hay những tác phẩm có dáng vẻ kỷ hà hoang sơ của nghệ thuật phương Tây cổ đại như " Thần Điểu" (đá - 1968) đến các tác phẩm gần chất hiện đại như "Người đàn bà Nhật Bản" (đồng đánh bóng - 1963) đã thấy sự manh nha những hình khối, tiền đề cho sự ra đời các mẫu tự hay cách sắp xếp không gian của Điềm Phùng Thị. Ở đây, để làm nổi bật cấu trúc alphabet trong trò chơi hình học của nhà điêu khắc, người viết chỉ xin phác thảo sơ lược một vài đặc điểm nhỏ vốn đã tựu thành phong cách sáng tác của chị.
Phải khẳng định các tác phẩm của Điềm Phùng Thị phần lớn được lắp ghép theo những cấu trúc cơ bản của design thị giác. Chính điều này cũng đã khiến R. Congiat, nhà phê bình mỹ thuật Pháp phát biểu trên tờ "Le Figaro" nhân dịp triển lãm đầu tiên của Điềm Phùng Thị là "các tác phẩm của chị mang giá trị thần bí của nghệ thuật đồ họa...". Nếu như "Thủy thần" (đồng) là những modul được sắp đặt theo một trật tự tuyến tính tạo nên những lớp sóng đều đặn của chuyển động hình khối thì "Chi tiết tường sinh động" (nhựa tổng hợp và bê tông) lại là những mẫu tự được nối kết theo mạng, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ từ những xâu chuỗi hình khối và chất liệu tưởng chừng khô cứng. Tương tự như vậy, các quy luật sắp xếp modul theo nhóm, tập trung hay lối tiệm biến, khai thác vai trò của ánh sáng và hiệu quả lực thị giác đều giúp cho những "chữ cái" cất lên tiếng tư duy của tác giả.
Tiếng nói các mẫu tự alphabet làm nên thế giới Điềm Phùng Thị cũng có sự góp phần đáng kể của chất liệu. Từ mảng sáng tác thứ nhất đến mảng sáng tác thứ hai, Điềm Phùng Thị thể nghiệm nhiều chất liệu để từ đó thường xuyên sử dụng kết hợp một cách khéo léo các chất bề mặt với nhau, nhấn mạnh những ấn tượng, điểm nhấn trung tâm trong một mô hình tác phẩm.
Ở những tác phẩm sử dụng một chất liệu như "Chắp tay" (chì gò), "Chim đại bàng" (gỗ sơn đen) hay các tác phẩm dùng kết hợp nhiều chất liệu như "Chim hòa bình" (đất nung và đồng) dễ thấy giữa tương quan các yếu tố là sự uyển chuyển bố cục và chất liệu trong hình thái giản lược các modul. Đặt trong sự uyển chuyển bố cục, những tác phẩm của Điềm Phùng Thị, đặc biệt là các tượng đài đều có chung một đặc điểm về cấu trúc không gian.
Với những modul giản lược vừa mang dáng dấp kỷ hà, vừa có tính biểu tượng như những khái niệm rất phù hợp với không gian kiến trúc Châu Âu hiện đại cũng như tinh thần duy lý phương Tây, các tác phẩm của chị đã cấu thành và nổi bật cùng không gian thiên nhiên, biến không gian thiên nhiên trở thành mẫu tự thứ tám trong một thế giới riêng biệt của người nghệ sĩ.
Mặt khác, điều làm cho tác phẩm của Điềm Phùng Thị không xa lạ với tư duy cảm tính phương Đông, đặc biệt "Việt Nam" hơn tất thẩy những gì thuần Việt, đó là sự thể hiện những dạng thức hướng nội. Điều này càng dễ nhận thấy hơn ở những tác phẩm mang tư tưởng triết lý và những chiêm nghiệm tâm linh như "Im lặng" (gỗ), "Cầu nguyện" (đá ngọc), " Cổng hư vô" (gỗ)... có thể đó cũng là những modul cách điệu từ dáng mái chùa cong, một chiếc cân đai mũ quan triều Nguyễn - chốn cố đô đã sinh thành ra chị hay một vầng trăng non lưỡi liềm, một chiếc thuyền lá trên bờ Hương, góc tam giác thu nhỏ hình Kim tự tháp Ai Cập... nhưng dù gợi tưởng như thế nào đi nữa vẫn thấy điểm chung giữa các tác phẩm là cách thức tổ hợp các mẫu tự theo một trục thẳng, hướng tâm, hướng lực, toát yếu lên tinh thần an nhiên tĩnh tại, cân bằng và ổn định như tâm thế người phương Đông giữa lòng châu Âu hiện đại.
Đặc biệt, sự khai thác phá cách triệt để khối rỗng (khối âm) vốn là phát hiện độc đáo của nhà điêu khắc nổi tiếng H. Moore và lồng ghép những khoảng tối sáng, thổi vào các khối rỗng - đặc tả ý nghĩa tạo hình tương đương càng củng cố thêm yếu tố trừù tượng hiện đại cũng như đi vào lối cảm nhận gián tiếp của người Việt Nam. Từ cách sắp đặt các mẫu tự trong không gian như những đường cắt hình học với cấu trúc lôgic đậm tính vi biến, các mẫu tự alphabet của chị thực sự đã tạo dựng một trò chơi giưã không gian hài hòa hai khối âm - dương, sáng - tối. Bản thân trong số các mẫu tự của chị, Điềm Phùng Thị cũng lưu ý tập hợp một vài khối rỗng và từ các khối đó có thể lắp ghép thành nhiêù tác phẩm độc đáo như " Thế chào võ sĩ" (đá ngọc) hay "Ba vòng đá" (đá)...
Một thế giới có tiếng nói riêng, có mẫu tự riêng được tạo dựng giữa lòng châu Âu thế kỷ XX và trong cảm thức trân trọng sâu lắng của người Việt Nam thật khó có thể phác thảo tổng quan và cụ thể chỉ qua một vài đặc điểm. Trên đây chỉ là những lát cắt từ các hình khối đơn nhất và đa phức hợp của Điềm Phùng Thị, nhất là từ các mẫu alphabet vẫn thường được người xem "cảm" nhiều hơn là tìm hiểu, để ký thác lại tiếng nói những trò chơi hình học và các hình thể đã làm nên thế giới ấy..
Theo Tạp Chí Sông Hương
"Điềm Phùng Thị em tôi!"
Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị (1920-2002) là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong "Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ XX". Cụ Phùng Thị Đậu, chị ruột của bà, trong hồi ký "Điềm Phùng Thị em tôi" đã dành nhiều trang kể về những năm tháng tuổi thơ, về sự chớm nở một tâm hồn nhạy cảm và tài năng nghệ thuật của em mình.
"Lăng Khải Định mới xây xong phần cốt lõi, chưa trang trí, cũng là thời kỳ mạ tôi sắp sinh em bé. Ba tôi đặt tên là Cúc. Khi Cúc được hơn hai tuổi, mạ tôi bị bệnh. Những cơn đau bụng làm bà vật vã đau đớn. Ba chị em tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc. Thuốc lúc đó là lá cây đốt nóng chườm lên bụng. Lá cây nấu thành nước đế uống, do ông thầy lang của vùng Châu Ê - nơi gia đình tôi tạm ở trong những năm ba tôi trông coi công trình xây dựng lăng - mang đến. Ba tôi luôn vắng nhà. Chúng tôi ở xa họ ngoại, xa các Bộ trong Triều, nên khi ông ngoại tôi biết mạ tôi bị bệnh mời ngự y đến khám, chuyển nhà thương thì bệnh mạ tôi đã trở nặng lắm rồi. Những cơn đau bụng liên tiếp hoành hành. Mạ tôi mất, bỏ lại chúng tôi: Cúc 3 tuổi, Miễn 5 tuổi, tôi 9 tuổi.
Hơn nửa năm sau, trong một lần đi Hiểu dụ ở Nghệ Tĩnh, ba tôi đón về một cô gái 19 tuổi, đẹp, nói với chúng tôi: Đây là kế mẫu và giải thích: thay mẹ.
Từ khi có kế mẫu chúng tôi càng nhớ mạ hơn, hay trốn nhà lên thăm mộ mạ, rồi cõng nhau lên lăng Khải Định lang thang cả mấy chị em. Một lần bị mẹ kế đánh, chúng tôi ra bờ sông để lại guốc dép, áo, quần rồi trốn về nhà cụ thượng Nguyễn Hữu Bài. Ba tôi cho người đi tìm hoảng hốt tưởng chúng tôi đã bị chết chìm. Lần đó tôi nghe cụ Nguyễn Hữu Bài khuyên ba tôi "Muốn trị quốc thì phải tề gia".
Lăng Khải Định hoàn tất đẹp đẽ. Triều đình bổ nhiệm ba tôi làm Quản đạo - một chức quan hành chính đứng đầu tỉnh miền Thượng - tỉnh Kon Tum. Ngày rời Châu Ê, chúng tôi xa mạ thật sự. Ba chị em khóc như mưa. Rồi Cúc biến mất. Người được tung ra tìm, Cúc đang thẫn thờ bên mộ mạ cùng tụi bạn bè dắt đi trốn. Cậu tôi, dì tôi, ông ngoại tôi lên đón mấy chị em chúng tôi về nuôi ở thôn Vĩ Dạ, nơi mà cả họ ngoại tôi quây quần. Bà vợ trẻ được cho trở lại quê nhà. Ba tôi lên đường đến nhiệm sở mới. Sau ít lâu chừng như chuẩn bị êm xuôi, có người trên đó về đón chúng tôi. Đường dài, núi đèo trùng điệp. Chiếc xe như hòn đá lăn về phía trước, mưa ràn rạt trắng trời. Nhìn sang khuôn mặt Cúc buồn rượi, Miễn ngồi so ro không nói, tôi càng nẫu gan nẫu ruột nghĩ làm sao cho trọn lời dặn của mạ lúc vĩnh biệt.
Xe đến nơi, thì ra ở đây cũng có đông người Kinh, có chợ có trường học và nhà thương, không phải nơi rừng thiêng ma quỷ như người ta thường nói về xứ Kon Tum. Khu chúng tôi là một vùng rộng bao la, ba mặt giáp rừng xung quanh được rào bằng vô số hình người gỗ, là những khúc cây cao quá đầu người được gọt đẽo như những người lính đứng canh. Mặt trước là con đường rải đá phẳng phiu. Bước vào khuôn vườn là nhà xây lợp ngói rộng rãi uy nghiêm gọi là Công đường. Bên kia đường đối diện với Công đường là nơi làm việc và trang viên của ông chánh sứ người Pháp. Vợ ông là người Kinh lai Thượng trẻ và rất đẹp, chưa có con, rất yêu quý Cúc. Ông bà sứ xin phép cha tôi ban ngày cho Cúc sang đó học tiếng Pháp, tiếng Việt cùng bà sứ, Cúc ra vào bên đó như nhà mình, tự do hái hoa, chạy nhảy, hát nói tiếng Pháp ríu rít. Ông chánh sứ đứng ngắm gật gật đầu: "Thiên thần nhỏ". Bà sứ thường nắm bàn tay Cúc nâng niu: "bàn tay thật là đẹp". Bên ông sứ, bên ba tôi mỗi nhà có một chiếc xe hơi lúc khởi động phải quay bằng tay mới nổ. Công việc mới của ba tôi vô cùng bận rộn. Ba tôi gọi chúng tôi lại: ba rất bận, không chăm các con được, các con tự lo, tự bảo nhau lo mà học, chăm sóc lẫn nhau, hàng tháng ba đã cấp đủ tiền. Cúc nhỏ nhất thì được chơi và học. Đậu, Miễn học nhiều hơn chơi. Chúng tôi lại phải tự lo lấy như con mồ côi.
Cúc hòa nhập với mọi người rất nhanh, bạn bè nhiều, học giỏi, thông minh, bài vở được giao làm xong nhanh, cô nàng lẻn đến lớp người Thượng ngồi nghe tiếng Thượng. Bà sứ Pháp còn may cho Cúc những bộ lễ phục kiểu dân tộc, để dắt Cúc đi lễ hội. Bạn Thượng thương Cúc lắm, thường mang những con chim kết, chim sáo, con sóc, lại cái nỏ bắn chim, và mũi tên, tù và... có khi mang cả đồ ăn, mật ong đến. Chúng tôi sợ bẩn nhưng Cúc thì ăn ngon lành. Mỗi lần thấy Cúc, tay vỗ vỗ, tôi biết ngay là cô nàng báo hiệu ba vắng nhà mời bạn vào chơi. Những người Thượng chỉ vào Cúc "tao thích đứa này hơn". Tôi biết em tôi thường hay lấy kẹo, bánh, diêm, cá mực khô... đi cho bạn Thượng, nhưng đó là niềm vui của em, tôi không ngăn cấm. Miễn thì nói "kệ nó cho vui, nhà mình trong kho nhiều lắm". Cúc được chơi nhiều hơn học, nên khi thì được theo ba tôi, khi thì được theo ông sứ Pháp đi thị sát, đi phát thưởng, đi gặp các già làng.
Sau mỗi lần đi chơi về Cúc thường có nhiều chuyện để kể - "Hôm nay em thấy thằng Cai rồi, nó cũng người bình thường như mọi người, nhưng nó ác lắm, họ nói nó không làm mà lương rất cao, nó ép phu phải làm nhiều, phu ốm đau không cho nghỉ, nó không phát thuốc chữa bệnh cho phu, nó bớt lương, trừ lương phu. Vợ con phu ở nhà cũng khổ lắm, bệnh tật đói cơm rách áo". Chuyện này, Cúc cũng khóc nói với bà sứ, kể với ba tôi, cho đến khi ông cụ gắt "Ừ, thì sẽ thay Cai, tăng lương phu, được chưa?". Lúc đó Cúc mới tươi mặt yên lòng.
Sau một lần đi chơi về, Cúc thầm thì với tôi và Miễn: "Người Thượng an táng người chết hay lắm chị ạ, họ lấy khúc cây khoét lỗ bỏ người chết vào, đắp lên đầy đồ dùng hằng ngày rồi đưa ra đào hố lấp lại, phía đầu đóng các ống tre rỗng, hằng ngày ra đổ thức ăn xuống, xung quanh mộ là hàng rào người giống như của nhà mình, họ nói đó là các con cháu. Hễ chị thấy người gỗ đã khô cũ là mộ chôn lâu rồi, nếu người gỗ còn tươi là mộ mới, đến đó thối lắm".
Một buổi sáng, có người đàn ông Thượng, tay xách rìu mặt giận dữ, xông thẳng vào Công đường, hai lính gác không kịp ngăn, ba tôi đi vắng. Thông ngôn không có nhà. Cúc chạy ra, tôi không hiểu cô nàng đã nói những gì, mà người đó vui vẻ ra về. Quay vào Cúc cho tôi biết: "Tệ lắm, người Kinh chặn đường lấy hàng của họ, trồng cây trên đất họ đã khai phá". Nghe đâu sau đó nhà nước đã trả tiền công khai phá đất cho người Thượng.
Chơi thoải mái khoảng ba năm, ba tôi lại bảo: "Bây giờ Cúc bắt đầu phải học nhiều hơn chơi, không được đi xa nữa". Cúc hay xuống xưởng mộc, xưởng ngà voi sừng trâu, lượm những đồ phế thải ra để làm đồ chơi, xâu thành chuỗi vòng tay, vòng cổ, đủ các hình thù rất ngộ nghĩnh. Bà chánh sứ cũng rất mê những thứ này, mỗi khi Cúc đưa về cho ông bà. Nghĩa là cấm trò chơi nọ, thì cô nàng lại nghĩ ra trò chơi khác, không ngồi yên.
Thấy vậy ba tôi giao Cúc phải học nhảy lớp. Một hôm khác theo ba, theo ông sứ Pháp thị sát thu hoạch cà phê, mặt mày Cúc rạng rỡ mừng lắm: "Chị ơi, nhà nước không lấy cà phê thu được trong vụ đầu lần này, mà để lại cho họ, làm quỹ cứu bần ở các làng, em nghe ba và ông sứ nói với nhau như vậy". Bộ mặt của Cúc không sao giấu nổi tôi cả niềm vui và nỗi buồn. Những lần Miễn bị mẹ kế mách, ba mắng thì hai giọt nước mắt Cúc lăn dài trên má, lòng tôi thắt lại, rồi lủi thủi mấy chị em rủ nhau đến chỗ vắng cùng khóc mạ. Những lần như vậy, Cúc thường nói: "Em thích được làm con thường dân mà có mạ, không thích làm con quan".
Có lần Miễn bàn với tôi, em thấy ba mình chỉ cách cho lính nấu cao hổ dễ lắm, tại sao mình không nấu mà gửi cho ông ngoại cho cậu làm quà. Được khách thập phương đến chơi chỉ bảo, khuyến khích, đặt mua, bọn tôi gom xin mua xương hổ, và gom những xạ hương của những con chồn mà nhà bếp đưa vào làm thịt, đổ rượu vào xạ hương phơi khô, chờ khi có khách xa đến mua. Nhờ đó chị em chúng tôi có vốn riêng, tiêu pha có phần rộng rãi hơn. Lâu lâu Cúc lại hỏi mình có nhiều tiền chưa anh chị? Trong một đoạn thư Cúc viết về cho ông ngoại: "Xin ông hãy yên lòng, chúng cháu học giỏi lớn nhiều, chị Đậu vừa là chị vừa là mạ của anh Miễn và cháu, không ai có thể đánh đập chúng cháu được nữa".
Công việc của ba tôi ở Kon Tum đã vào nền nếp, mọi dự định hình như có kết quả, bởi ông cụ lúc này có thời gian nghỉ phép về quê đi săn bắn thảnh thơi hơn trước nhiều.
Lại nhận được chiếu chỉ, điều ông về làm án sát tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết). Dịp này chị em tôi về Huế nghỉ hè như mọi năm. Nhưng lần này được sự đón tiếp xúm xít của họ hàng nhiều hơn. Cúc như con chim sổ lồng líu ríu hết đám nọ lại đến đám kia, chuyện kể nhiều ngày không hết. Tôi thì được bà, dì, bà mợ dạy cho cách chăm sóc em gái, em trai lớn, cách quản lý chi tiêu trong gia đình, cách đối đáp bảo vệ các em, nghĩa là tôi được trang bị đầy đủ trước khi lên đường. Vào học, khác lớp, nhưng cùng một trường nằm ở trung tâm thành phố, chúng tôi cùng đi học, đợi nhau cùng về, bạn bè phần đông là con các vị viên chức.
Về đây mấy chị em không vui bằng khi ở Kon Tum. Ngoài giờ học chúng tôi ai về phòng đó, không tụm năm, tụm ba như trước. Trước khi ngủ bao giờ Miễn cũng sang chỗ tôi và Cúc, khi có chuyện thì nói, có thơ thì đọc, khi không cùng nằm một lúc rồi mới về. Phòng Cúc đồ đạc lộn xộn, góc này bày sò, ốc, xi măng, góc kia bày giấy vẽ, tờ dở dang, tờ đã vẽ xong, tờ xé vụn.
Có chỗ Cúc đã gắn vỏ ốc thành cô con gái đội nón, thành con chim, con cò, thành núi non rất đẹp. Cứ vài ba ngày tôi phải dọn dẹp phòng cho Cúc một lần. Những ngày đẹp trời, tan học, Cúc thường xin ở lại ngắm hoàng hôn. Ngày nghỉ Cúc đã nhao ra biển, hoặc đã đi xem chợ cá. Tôi và Miễn dù đã ngán, cũng phải thay nhau đi cùng em.
Có thể nhờ vậy mà trong tranh vẽ của Cúc có mặt trời mọc, quăng lưới, hoàng hôn thuyền đầy cá. Bọn tôi chê tranh Cúc vẽ không giống.
Hàng tháng ba tôi thường phải đến nhà giam thuyết giảng cho tù nhân và nghe quản giáo báo cáo. Cúc rất muốn sang nhà giam xem, tuy rất gần nhưng ông cụ cấm ngặt. Ba tôi đã lấy tù nhân ở đây về phục vụ thay phiên cho số lính. Có tù nhân còn sang dạy cho chúng tôi học, bởi trong số họ có nhiều người học rộng, hiểu biết nhiều, cư xử lịch sự. Đây là nơi tạm giam để tra cứu, khi xử có tội họ phải chuyển đi nơi khác. Đa số người được ba tôi kêu sang nhà sau đó sẽ trở lại quê hương. Khi được tha về, ba tôi thường cho họ tiền làm lộ phí. Cả những người bị đưa đi nơi khác giam, họ cũng được ba tôi cho tiền.
Ông ngoại tôi ở Huế cho biết, có tin đồn ba tôi "nhị tâm". Triều đình đang xem xét, ông ngoại tôi đang tìm cách xin đổi ba về Huế. Mặc dù được một vị quan lớn trong triều đồng lòng nhưng vì bị nghi nhị tâm, tức là bao che cho tù nhân có hoạt động cộng sản, là tội lớn nên ba tôi phải nhận quyết định lên Pleiku làm việc. Đây là thử thách của triều đình đối với ông cụ. Mấy chị em chúng tôi đứa vào Quốc học, đứa vào Đồng Khánh học nội trú. Cúc được mấy ông bạn ba tôi thương còn nhỏ dại nên xin được đưa về nuôi tại nhà, nhưng Cúc không nghe, đòi "chị Đậu ở đâu con ở đó".
Trường mới, bạn lạ, nội quy ăn, ngủ, học chơi chặt chẽ nghiêm khắc, nhưng chúng tôi rất thích. Đây là thời kỳ hạnh phúc nhất của chúng tôi từ khi mạ mất. Ở đây mới đúng là quê hương nơi sinh ra. Chung quanh toàn là người ruột thịt hết lòng thương yêu. Đúng nơi đất cho Cúc phát triển, ngày Cúc càng học giỏi. Tuy nhỏ nhưng em tôi ý thức được vẻ bên ngoài luôn là một phương cách hiệu quả để thu phục bạn bè, Cúc luôn giữ nụ cười với má lúm đồng tiền tươi tắn, giọng nói êm dịu, những cái bắt tay thân mật, học được phong cách của người Pháp lúc còn nhỏ, cùng với áo quần Cúc mặc cũng được trau chuốt, hợp với mùa, hợp với cảnh trời. Dần dà Cúc nổi là hoa khôi của trường Đồng Khánh, là điểm ngắm nghía cho con trai của nhiều vị quan trong triều. Có lần ba tôi mời các vị bạn trong triều đến xem bức tượng đồng đen quý, ông cụ khoe là vô giá. Họ cười chỉ vào Cúc "của vô giá là đây".
Chị em chúng tôi lên thăm ba tôi ở Pleiku hai lần vào dịp nghỉ hè. Hồi ba tôi đến Pleiku dân ở đây chưa biết trồng trọt, chăn nuôi. Đi lại vô cùng khó khăn. Sau đó ông cụ cho xây dựng làng kiểu mẫu, chợ kiểu mẫu. Ông cụ cũng đổi hướng đạo chỉ cho họ trồng cây, họp chợ thành phiên, rồi trao đổi hàng hóa, đưa hàng dư về nơi thiếu, dạy cách phòng bệnh, phổ biến dùng thuốc trị bệnh thông thường, cho bắc một cây cầu để đi từ vùng nọ tới vùng kia cho gần. Sau dân tộc ở đây lấy tên ba tôi đặt một làng, gọi là làng Plei Cần, đặt tên một cây cầu lớn nhất là cầu Plei Cần và cũng có chợ Plei Cần.
Hoàn thành tốt công việc ở Pleiku, ba tôi được khen thưởng, được điều về Kinh đô Huế, giữ chức Tham tri bộ Công. Làm việc ở đây cho đến năm 1944 thì về hưu với chức Công bộ Thượng thư Hiệp tá Đại học sĩ. Ngôi nhà chúng tôi bên bờ sông Hương lộng gió. Đêm đêm nghe tiếng hò mái nhì, mái đẩy xa vắng, dài buồn theo dòng sông của những kỹ nữ, những cô gái Huế đưa đò. Chính những giọng hò Huế man mác thẳm sâu ấy đã ăn sâu vào tâm hồn Cúc.
Giáo sư nhạc học Trần Văn Khê đã viết trong hồi ký của ông rằng, những năm hoạt động trong ban nhạc sinh viên ở Hà Nội, trước năm 1945, Cúc là "người thầy đầu tiên" của ông về những điệu hò xứ Huế.
Năm 1995 khi nghiên cứu kỹ bản đồ để thăm Tây Nguyên, Cúc còn tìm thấy tên làng Plei Cần và dự định sẽ trở lại Kon Tum, Pleiku để quay một cuốn phim Chốn cũ. Nhưng dự định không thành. Bởi sau đó cuối năm 1998, em tôi bị tai biến não..."".
(Báo Văn nghệ)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Nhớ người nghệ sĩ duyên dáng, trí thức, tài hoa
Năm 1995 chị xây lại lăng mộ cho mẹ, mất năm 1923, bằng đá mài; năm 1997 xây mộ chồng, mất tháng 3, bằng đá tổ ong. Bên cạnh mộ anh, chị làm sẵn thêm mộ chị... Năm năm sau, vào lúc 2g sáng ngày 29-1-2002 chị mất tại Bệnh viện Trung ương Huế, thọ 82 tuổi.
Bây giờ thì mộ chị nằm bên trái mộ anh. Cả ba ngôi mộ đều đươc đặt ở đồi thông Châu Ê, gần lăng Khải Định, vùng đất nơi chị sinh ra ở ngoại thành Huế, được thiết kế theo ngôn ngữ kiến trúc, điêu khắc Điềm Phùng Thị không lẫn vào đâu được. Gió ở đồi thông ru chị ngủ, tám năm rồi.
Trở về Huế năm kia, ghé thăm mộ, thăm nhà trưng bày những tác phẩm điêu khắc (1) của chị. Sao đìu hiu quá chị ơi. Những tác phẩm để đời, nhiều khi không bảo quản đúng mức sẽ trở thành hư hao… Sách bị mưa dột hư hết, nhiều thùng tượng còn để trong kho nhện giăng đầy…
Cũng như Henri Rousseau, chị đi vào đường nghệ thuật tạo hình trễ, ở tuổi bốn mươi, khi quyết định giã từ bác sĩ nha khoa vào năm 1972 - mà chị đã theo học từ Đại học Y khoa Hà Nội 1941-1946 và Đại học Y khoa Paris 1950 - mở phòng khám chữa răng cùng một người bạn tại Paris nhiều năm.
Năm 1953, kết hôn với anh Bửu Điềm, người bạn thuở thiếu thời, cũng là nha sĩ. Tên Điềm Phùng Thị có từ đó, tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh ngày 18-8-1920. Cha gốc người Hà Tĩnh, mẹ gốc Huế, mất lúc chị vừa lên ba. Theo cha sống nhiều năm ở Tây Nguyên. Năm 1948 bị bệnh nặng, được qua Pháp điều trị…
Đến với điêu khắc từ 1959, vừa làm phòng mạch vừa tự học điêu khắc, sau vào học tại xưởng Volti “cũng là người nước ngoài (ở Pháp) như chị và đã chịu một tai họa ghê gớm: trải qua bảy năm trong quân ngũ, ông trở về sau chiến tranh và thấy xưởng họa của ông bị san bằng, tác phẩm của ông bị tiêu hủy hoàn toàn. Điềm Phùng Thị bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật bên cạnh con người đang làm lại từ đầu ấy” (Mady Ménier - Điềm Phùng Thị “nhà nho” tài năng - Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Agence de la Francophonie 1997, trang 12)
Năm 1966 triển lãm riêng đầu tiên tại Galerie des Jeunes, Paris. Tượng Mẹ và con được chính phủ Pháp mua, sau đó được đặt trong một công viên trẻ em. Thành công từ bức tượng đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật, chị vững tin, làm nhiều tượng mới, năm kế tiếp triển lãm tại galerie Kasler, ở Copenhague - Đan Mạch… Triển lãm riêng và chung rất nhiều lần ở nhiều nơi, nhất là châu Âu. Tên tuổi chị đã được André Malraux, nhà văn nổi tiếng, có thời là Bộ trưởng Văn hóa Pháp, viết thư đầy khích lệ… “tài năng của chị là hiển nhiên, và hơn nữa đã được thừa nhận”.
Năm 1991, tên chị được ghi vào từ điển Nghệ thuật thế kỷ XX, năm 1993 được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học,Văn học và Nghệ thuật châu Âu.
Cũng như những nhà điêu khắc cùng thời đại, khởi đầu bằng cổ điển, qua sự tìm kiếm để giản lược hóa hình khối, điều này khó qua khỏi Brancusi (2) người đã chối bỏ nền điêu khắc miêu tả, tìm ra hình khối cực kỳ tinh giản: quả trứng, được xem là khối-chìa-khóa. Năm 1921, Brancusi đã làm tượng “Buổi khai thiên lập địa”… là một quả trứng cẩm thạch khổng lồ, hiện bày ở Viện bảo tàng nghệ thuật Philadelphia.
Với Điềm Phùng Thị “…chị kể lại rằng khi đi học điêu khắc, nhìn thấy một số học sinh đẽo đá, làm rơi nhiều mảnh, chị góp nhặt và lắp ráp dần dà tạo ra được thủ pháp. Từ những mảnh rơi, chị mài dũa thành bảy hình thể, sau này sẽ trở thành cơ bản, mà chị gọi là những “mẫu tự” trên bảng ký hiệu của chị - như những “bộ”, những nét trong Hán tự, vẫn trở đi trở lại nhưng tạo thành một văn tự, một ngôn ngữ, một thế giới tư duy đầy đủ quyền năng” (Đặng Tiến - Đôi nét về Điềm Phùng Thị - Hợp Lưu số 10, tháng 4&5-1993).
Thật vậy, kể từ năm 1973 chị đã thành công và nổi tiếng, khi nhắc đến Điềm Phùng Thị là nhắc đến bảy mẫu tự ấy. Từ tượng nhỏ đến tượng lớn ngoài trời, đủ kích cỡ, vật liệu... cả những sợi nữ trang nhỏ rất hiện đại, đều được tác giả sắp xếp, hoán chuyển có tính toán riêng theo bố cục hoán vị (composition modulaire).
…Sức cảm hứng nổi bật ở Điềm Phùng Thị rất bao la, hướng đến sự trầm tư, thậm chí đến một tâm linh thần bí có tính tôn giáo. Tác phẩm điêu khắc của chị mang một vẻ đẹp riêng nào đó của sự tĩnh lặng, nó khơi dòng tĩnh tâm và mặc tưởng…” (George Boudaille, lời tựa catalogue, Triển lãm tại Nhà văn hóa Saint Etienne 1977).
Nhưng sự tĩnh lặng của chị đã bị khuấy động trước những năm tháng chiến tranh ở quê hương, những tượng làm bằng mảnh vụn của xác máy bay B52 đã làm rung động lòng người…
Rất nhiều bài viết của các nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch… đều công nhận tài năng hiếm có ở một nhà điêu khắc nữ gốc Á Đông, đã đem đến cho nghệ thuật điêu khắc luồng khí mới, bắt nguồn từ cảm hứng phương Đông nhưng cách xử lý đơn giản trần trụi mang phong cách phương Tây.
Tôi gặp và quen chị vào cuối năm 1977 khi chị về thăm Huế (chị ở tại nhà sách Ưng Hạ, bên gia đình chồng), đã phụ chị tổ chức buổi sinh hoạt vẽ tranh thiếu nhi, bày ở Liễu Quán. Chọn những học sinh vẽ giỏi trong các lớp tôi dạy ở trường Nữ trung học Thành Nội qua trung tâm để chị hướng dẫn, bằng những xấp giấy màu đã cắt sẵn theo bảy mẫu tự của chị… sau đó là một phòng tranh thật lạ, thật đẹp. Các em yêu thích vô cùng. Chị luôn yêu thương trẻ em. Không gian điêu khắc của chị dành cho trẻ em cũng nhiều. Như sự bồi đắp nơi người nghệ sĩ lớn là chị, người mồ côi mẹ từ năm lên ba…
Vẫn nhớ mãi một buổi chiều tháng Chạp 1991 Paris, được anh chị mời đến nhà ăn cơm tối, số 4 đường René Isidore, Fontenay aux Roses, có Nguyễn Trung (qua bày tranh tại Nhà Việt Nam, tôi từ Virginia qua thăm và dự triển lãm bạn), Nguyễn Cầm, Lê Tài Điển (hai họa sĩ nổi tiếng ở Pháp, lứa chúng tôi) và tôi, cùng mấy người bạn của anh chị.
Uống thật nhiều rượu vang đỏ, nói thật nhiều chuyện, buổi chiều mùa đông Paris lạnh cóng ngoài kia, mà ấm cúng làm sao trong căn phòng bày đầy tranh tượng… Thỉnh thoảng, tôi còn nhớ, chị đến để hai bàn tay chị lên chiếc máy photocopy ở góc phòng, làm nhiều tư thế để máy scan qua… Một cách tìm tòi thú vị của chị.
Chị cũng thường liên lạc bằng bưu thiếp mỗi lần đi triển lãm xa, những lần chị về Việt Nam… Năm 1995 có hai cuộc triển lãm lớn ở Sài Gòn và một ở Hà Nội. Tấm lòng và tình cảm của chị thật quý hiếm. Xin thắp cây hương tưởng niệm chị, một người chị duyên dáng, trí thức, tài hoa. Một người làm tượng như một bổn phận. Như lời chị nói: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn…”.
Buổi sáng tuyết lớn, một màu trắng xóa mênh mông, nhớ mái tóc bạc ánh của chị, nụ cười hiền của chị…, nhớ cả câu thơ Lưu Trọng Lư đã làm về chị năm xưa nào ở Huế…
ĐINH CƯỜNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
(1) Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Điềm Phùng Thị, số 1 đường Phan Bội Châu, Huế do sự thỏa thuận giữa Điềm Phùng Thị, Hội những người bạn Điềm Phùng Thị ở Paris với Ủy ban Nhân dân thành phố Huế. Từ năm 1993, cải tạo và mở rộng địa điểm, đặt 150 tượng sáng tác ở vườn hoa và bên trong ngôi nhà. Từ 1994 chị chuyển về sống tại đây cho đến ngày qua đời. Tháng 8/2001, quyết định hiến toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Huế. Trước khi mất, tháng 12/2001, toàn bộ tác phẩm của chị còn lại ở Paris đã kịp đưa về Huế.
(2) Brancusi, nhà điêu khắc Roumanie, sinh tại Valachie, 1876, mất tại Paris, 1957.
Năm 1902 đi bộ từ Roumanie sang Pháp mất hai năm, vòng qua Đức và Thụy Sĩ để đến Paris, trước đó hai năm, các họa sĩ Picasso, từ Tây Ban Nha, Modigliani từ Ý… đã kéo về quần tụ ở Monparnasse… Hiện nay Bảo tàng Brancusi - xưa kia là xưởng điêu khắc của ông - nằm ngay phía trước Centre Pompidou, Paris
.
Trịnh Công Sơn & Điềm Phùng Thị
Nguyễn Trung, Điềm Phùng Thị, Đinh Cường
Nữ trang Điềm Phùng Thị
La Terre
(Châtenay - Malabry)
ảnh TTNgH
Mộ phần Điềm Phùng Thị & Bửu Điềm ở Huế
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.