Nguyễn Việt Hà
(1962 - ..........) Hà Nội
Tên thật: Trần Quốc Cường
Nhà văn
Kỷ niệm gặp anh Phan Nguyên
*
"Đô thị, tuổi trẻ, trí thức luôn là những vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi không để ý lắm đến cốt truyện, nhân vật sống và làm việc như thế nào, mà chỉ quan tâm tới vấn đề tại sao họ lại sống như vậy..
Quan trọng đối với một nhà văn là quyền được nghĩ chứ không phải là được viết. Khi đã nghĩ ra được thì viết cũng nhanh thôi"
(NVH trả lời phỏng vấn VnExpress.net)
Tác phẩm
Con Giai Phố Cổ
Tạp Văn
NXB Trẻ 2013
Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Đàn ông viết tạp văn
14/04/2013
(Thethaovanhoa.vn) - Con giai phố cổ (NXB Trẻ, 2013) là “tinh túy” tản văn với hơn 60 bài viết đã xuất hiện trên các tạp chí, mà nhà văn Nguyễn Việt Hà nói vui là đám “xanh - đỏ”, do anh hàng tháng giữ mục.
Con giai phố cổ đang bán chạy như cá tươi, ngon sạch kèm giá cả vừa đủ chấp nhận. Lướt qua mấy cửa hàng sách phố Đinh Lễ, cô bán hàng nào cũng vừa nhoay nhoáy điện thoại lướt facebook vừa lạnh lùng trả lời đã hết hàng mấy ngày nay. Thôi thì lại cầm máy ỉ ôi nhà văn ở phố Nhà Chung xin quyển sách, thì lại nhận dăm câu hồ hởi: chỉ được tặng có chục cuốn sách, giờ có cho cô thì phải ra Đinh Lễ tìm.
Khi đàn ông chung tình
Nguyễn Việt Hà là tên vợ, không hiểu tại sao có nhà văn rõ ràng nam tính, tên thật là Cường, khi nói cười cứ là phải rổn rảng cả góc phố, trên đời chỉ nể mặt chứ chưa biết sợ ai, lại cứ nằng nặc cho vợ lên đầu. Có lẽ cũng ơn vợ thường xuyên cho thoải mái đi nhậu, rồi nấu nướng đồ ngon xong lại thêm phần dọn dẹp cho nhà văn ân cần tiếp đãi bạn tại nhà, cho nên mỗi khi vợ con cần là anh lại mẫn cán đưa đón chờ đợi.
Nhà văn này không chỉ thích bạn, mà biết cách yêu gia đình hết sức thật thà. Thế nên, tưởng chỉ điểm về “giai phố cổ” chung chung, nhưng đó cũng là từ chính mình - cũng một giai phố cổ. Nguyễn Việt Hà viết:
“Bọn con giai phố cổ khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy ít “mèo mỡ”, hầu hết đều sống chung với cơn lũ hôn nhân cho đến cuối đời, mặc dầu cái thứ lãng mạn trót cưa được kia đích thực là một của nợ” (Con giai phố cổ, tr27).
Nhà văn Nguyễn Việt Hà và tác giả bài viết
Cũng bởi cái chung thủy suốt đời một vợ kiểu giai phố cổ, thế nên nhà văn mới xá dài một họa sĩ trẻ và phong chàng đó là anh hùng, khi ba lần cưới vợ.
Con giai phố cổ là cuốn tạp văn thứ tư, sau Nhà văn thì chơi với ai(2005), Mặt của đàn ông (2008) đến Đàn bà uống rượu (2010). Ở cái nơi mà sách chưa in ra đã bị làm giả, mới sốt nóng tí là nhặt phải sách lậu, thậm chí không ít công ty sách loằng ngoằng trốn tiền nhuận bút nhà văn bằng cách bí mật tái bản... thì tiếng tăm như Nguyễn Việt Hà cũng khó có thể sống được bằng bán sách, nếu không cầm bút chăm chỉ viết cho tạp chí. Cái tạp văn nuôi anh vừa đủ cho chén rượu xếch ngoại, hay đàn đúm mấy đám bạn đồng niên lẫn vong niên nơi quán bia vỉa hè:
“Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đàn ông viết ra nó đều là những người có nhân cách, thậm chí còn tử tế” (Đàn ông viết tạp văn, tr76)
“Được thấy một người đang tử tế đọc sách, không cứ đấy phải là một thiếu nữ, bao giờ cũng làm người ta bỗng dưng lương thiện lại” (Khi đàn ông không đọc)
Đơn giản là sống bằng ngòi bút, thế là oách rồi! Nên nhà văn hễ có dịp, thì kiểu gì cũng ngạo mạn cho rằng nghề văn vừa sang vừa sướng, nhà văn tư duy hơn đứt những người làm lĩnh vực nghệ thuật khác. Ở bên cạnh Nguyễn Việt Hà, nếu hành nghề văn, sớm muộn gì bạn cũng sẽ được an ủi, dù bị cái nghiệp đọa đày đến tan nát cả thân xác lẫn tâm can.
Khi đàn ông hồn hậu lẫn hồn nhiên
Nguyễn Việt Hà là nhà văn ham đọc, không ít bạn quen sơ gặp mặt anh lần đầu thường là ở góc nào đó trong Thư viện Quốc gia. Nên cái thư viện này, kiểu gì cũng được ngắm tới, nếu anh có nói về đàn ông đọc sách:
“Đọc sách thì tốt nhất ngồi chỗ tĩnh một mình, và những chỗ như thế thì thú nhất là thư viện. Thuở xa xưa, chừng hơn mươi năm trước, Thư viện Quốc gia ở 31 Tràng Thi luôn ẩn hiện một đám khủng long độc giả. Bọn họ đọc sách qua trưa rồi thong thả qua chiều, mặc kệ ngoài kia đã là tối muộn hăm chín thiên hạ đang vội vàng tết nhất” (Khi đàn ông không đọc, tr113)
Vì cái sự ham đọc, truyện của Hà hay nhiều nhất là tản văn, anh thường ưa xài “điển tích điển cố”, kể chuyện kinh sử, vận dụng kể chuyện từ các thể loại văn chương nối vào vấn đề ngày nảy ngày nay cần nói.
Lắm tình bạn trai của nhà văn cũng nảy sinh từ sách. Thích đọc sách, ưa sách, nhà văn biết trọng người viết/ làm ra cuốn sách hay. Và nếu cập nhật tình hình thời sự văn chương, đặc biệt là những cái tên mới xuất hiện trên văn đàn, không ai nhanh nhạy như Nguyễn Việt Hà. Có lúc, trong dở dang bữa tiệc, anh sẵn lòng dừng uống rượu mà cầm một cuốn sách lên đọc một lèo mấy chục trang chỉ vì tác giả không cho mượn cũng không tặng sách. Thế nên cũng vô tình không tự nhìn mình, nên nhà văn mới viết:
“Được thấy một người đang tử tế đọc sách, không cứ đấy phải là một thiếu nữ, bao giờ cũng làm người ta bỗng dưng lương thiện lại” (Khi đàn ông không đọc, tr111)
Xét một mặt nào đó, Nguyễn Việt Hà luôn là người biết mình, biết người. Và trong anh, thường dành chỗ kính trọng chân thành cho sự tài năng, dù người đó tuổi còn rất trẻ. Nếu ưa ai, anh sẽ không ngần ngại tỏ bày. Nếu thích văn ai, anh sẽ đến khán phòng, ngồi khiêm tốn ở một góc vắng lắng nghe tọa đàm tác phẩm người ấy, rồi dĩ nhiên, không quên nhẹ nhàng rời chỗ mua một cuốn sách và xin chữ ký.
Nguyễn Việt Hà dễ cảm động với các cử chỉ tình người, nhưng lại ngại ngần với những trò sáo rỗng. Anh có thể ngồi với người lạ mà vẫn “chém bão phần phật”, nhưng tốt hơn vẫn cứ là nhẩn nha ngẫm ngợi bên men say với bạn quen. Nguyễn Việt Hà là người không chỉ chung tình với vợ mà còn với bạn. Đã là bạn của Hà, thì cứ thế cho đến tận cùng hành trình đời người. Vài việc hiểu lầm xảy ra, Hà sẽ lặng im, đến lúc thấy có thể, sẽ rụt rè bày tỏ. Nhà văn cứ thế mà thương yêu, cảm nhận, chia sẻ mọi nỗi đời với sự bình an phẳng lặng tĩnh tại từ bên trong, như không liên quan gì đến sự ồn ào náo nhiệt tính cách như vẻ bề ngoài thường thấy.
Mỗi bài tạp văn của Nguyễn Việt Hà thường xinh xẻo trên dưới nghìn chữ. Các góc đời sống cứ thế xoay vần nhuần nhuyễn và nhẹ nhõm với bằng ấy ngôn từ. Tạp văn Nguyễn Việt Hà dễ đọc dễ thích. Cái chất hồn hậu bộc toạc lại ưa chiêm nghiệm, nghĩ ngợi của anh cứ thế mà tỏ bày. Không rõ Nguyễn Việt Hà sẽ theo nghề viết tạp văn này bao năm nữa, chỉ biết tạp văn của anh đang được ưa chuộng, và “bán rất chạy” như lời của các bà các chị chủ cửa hàng sách. Với anh, là buông thõng một câu:
“Ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết. Điều này chẳng hiểu nên lo hay nên mừng.” (Đàn ông viết tạp văn, tr76)
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Tác phẩm đã in:
Truyện Dài:
Cơ Hội Của Chúa
Tiểu thuyết
(nxb Hội nhà văn, 499tr, 1999)
Khải Huyền Muộn
Tiểu thuyết
(nxb Hội nhà văn, 352tr, 2005)
Tạp văn tuyển chọn
Nhà văn thì chơi với ai & Mặt của đàn ông
(nxb Văn Học)
Đàn Bà Uống Rượu
(Tạp văn, nxb Văn Học, 2010)
Của Rơi
(Tập truyện ngắn, 309tr, nxb Phụ nữ)
Truyện Ngắn:
Mưa Vào Ngày Cưới
Ngày cưới tôi, mưa không nhiều, nhỏ và mịn. Đấy là điều may, sách số nói thế và Giáo sư Trần, bạn bố tôi cũng nói thế. Tôi lấy chồng không ngỡ ngàng, không yêu cũng không ghét. Chồng tôi hiền lành nói được chút ít tiếng Việt. Mọi người thường cười những câu bập bẹ của chồng tôi, nhưng là cười yêu. Hôm chồng tôi nói với Giáo sư Trần muốn được là "tử sĩ" để luyện thêm tiếng Việt, Giáo sư cười rung mớ tóc bạc: "Anh Isekura này, người Việt khi gọi những kẻ có học luyện thi là sĩ tử. Còn như anh nói, anh sẽ thành Ise thây ma". Suốt một năm trước ngày cưới, chồng tôi là sếp nhất của tôi. Chờ một ngày văn phòng nhiều người nghỉ phép, vị đại diện trưởng quỳ xuống vừa tỏ tình vừa cầu hôn khi tôi đang ngồi soạn thảo văn bản trước màn hình computer: "Anh đã muốn yêu em. Sẽ cưới anh nhiều nhé". Tôi không phải là tiểu thư Natasa nên không thấy hồi hộp trước phiên bản có lối tư thế của công tước Andre. Để cho giống tiểu thuyết, tôi ngước nhìn trần hai phút, nhè nhẹ gật đầu. Khi biết tin, bố mẹ tôi tăng huyết áp. Hạnh phúc là doping.
Tôi bước ra khỏi khách sạn trên tấm thảm nhung xanh chạy suốt bậc tam cấp đến cánh cửa chiếc Toyota trắng sữa viền hoa hồng đỏ. Mưa dịu đẫm một bên voan. Những người thân của tôi ngây ngất mùi Henesy và Champagne đứng một hàng dài trong mái hiên rộng. Lúc này ông cậu tôi Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương, đến gần hỏi nhỏ về tiền lương của chồng tôi. Hạnh phúc đơn giản là giàu sang. Chồng tôi gập người chào quan khách, vòng bụng làm tư thế đôi phần khiếm nhã. Tôi bâng quơ nhìn qua đường và chợt rùng mình, không phải vì lạnh, tôi đã thấy anh rồi. Có ai đấy mở hộ cửa xe hoa, tôi vội vã chui vào, kệ cậu thợ ảnh đang gào lên đòi chụp một kiểu ảnh đã dặn trước "ngập ngừng lần cuối". Chồng tôi âu yếm ngồi cạnh tôi, vẻ mặt vẫn chưa hết thích thú trước tập tục của một truyền thống văn hóa lạ. Tôi đăm đăm nhìn qua cửa kính mờ đục anh vẫn đứng rũ rượi bên gốc sấu già với mái tóc lõa xõa bết nước mưa. Tôi và anh yêu nhau đã dài, có thể nói dài nhất trong các cuộc tình của tôi. "Về đi anh". Lần cuối tôi cũng nói vậy.
- Em không yêu anh nữa sao?
Tôi bước ra khỏi khách sạn trên tấm thảm nhung xanh chạy suốt bậc tam cấp đến cánh cửa chiếc Toyota trắng sữa viền hoa hồng đỏ. Mưa dịu đẫm một bên voan. Những người thân của tôi ngây ngất mùi Henesy và Champagne đứng một hàng dài trong mái hiên rộng. Lúc này ông cậu tôi Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương, đến gần hỏi nhỏ về tiền lương của chồng tôi. Hạnh phúc đơn giản là giàu sang. Chồng tôi gập người chào quan khách, vòng bụng làm tư thế đôi phần khiếm nhã. Tôi bâng quơ nhìn qua đường và chợt rùng mình, không phải vì lạnh, tôi đã thấy anh rồi. Có ai đấy mở hộ cửa xe hoa, tôi vội vã chui vào, kệ cậu thợ ảnh đang gào lên đòi chụp một kiểu ảnh đã dặn trước "ngập ngừng lần cuối". Chồng tôi âu yếm ngồi cạnh tôi, vẻ mặt vẫn chưa hết thích thú trước tập tục của một truyền thống văn hóa lạ. Tôi đăm đăm nhìn qua cửa kính mờ đục anh vẫn đứng rũ rượi bên gốc sấu già với mái tóc lõa xõa bết nước mưa. Tôi và anh yêu nhau đã dài, có thể nói dài nhất trong các cuộc tình của tôi. "Về đi anh". Lần cuối tôi cũng nói vậy.
- Em không yêu anh nữa sao?
- Không hẳn thế.
Anh bỏ cái bút vẽ, run run châm điếu thuốc. Anh cũng run run, khi nói chuyện với bố mẹ tôi. Nghề nghiệp của anh, bố mẹ tôi nặng đầy ác cảm.
- Con yêu cái thằng ấy thật à?
- Mẹ tôi vừa kẻ mắt vừa hỏi. Tôi không trả lời, hơi thấy khó chịu. Ở tuổi ngoài bốn mươi, người ta không nên đánh son phấn quá dày. Mẹ tôi đang theo học một "cua" nhảy đầm, bố tôi bật đèn xanh. Vị trí công tác của bố tôi hay phải dự những bữa tiệc chiêu đãi, các quý phu nhân đành tuân thủ nguyên tắc "phi khiêu vũ bất thành lady". Bố tôi sùng đồ ngoại nhưng lại dạy tôi thâm thuý bằng câu ca dao nội: "Lấy chồng cho đáng tấm chồng. Bõ công trang điểm má hồng răng đen". Lấy chồng là một đề tài triền miên quấy rầy phụ nữ. Nó cũng giống như đàn ông bị ám ảnh bởi công danh sự nghiệp. Thế nhưng, muốn đạt được danh lợi, người ta có thể đê tiện, không hiểu lấy chồng có làm thế được không.
Xe hoa bắt đầu chạy chầm chậm. Giây phút rưng rưng của một đời con gái. Tôi vô cảm. Chồng tôi hôn lên tóc tôi âu yếm, đưa tay xoa nhẹ bụng tôi. Sau lần đi Đà Lạt nửa công tác nửa đi chơi. Tôi có bầu. Tôi thông báo ngắn gọn bằng tiếng Anh cho người cùng đi, vẻ mặt vị trưởng đại diện văn phòng thương mại đẫm đầy hạnh phúc. Tôi không thở dài vì tôi đã biết nhiều. Chồng tôi bốn mươi tư tuổi lẻ ba tháng, sáu năm luôn khao khát baby. Đã hai lần ly dị, một lần được lời chín mươi tám nghìn "đô" và một lần bị lầm thiệt cỡ ngần ấy. Đầu tư rất nghiêm túc vào hôn nhân mà vẫn không sao tạo dựng được thế hệ sau. Chồng tôi đam mê trẻ con một cách bệnh tật. Cả khoảng dài của thiếu thời chồng tôi ở cô nhi viện: Nói theo phân tâm học, đấy có thể là một ẩn ức ngầm. Giáo sư Trần lý giải, những người Á Đông đa phần chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ sâu thẳm vô thức. Mạnh Tử dạy "tam đại bất hiếu vô hậu vi đại nghĩa" là không con tội to lắm. Tôi khó chịu nhiều cái cách ăn nói của nhà nho, hóa ra phụ nữ chỉ là máy đẻ. Giáo sư Trần cười, giải thích sự dị biệt của các quan điểm nhận thức xã hội xuyên dọc thời gian. Đàn bà từ Đông sang Tây chưa cần kể đến trinh nữ tiết phụ mà ngay cả dâm phụ lăng loàn đều coi chuyện chồng con là quan trọng. Giáo sư Trần thôi không nghịch tóc tôi, nói nghiêm túc: "Em sẽ là một bà mẹ tốt". Tôi không biết, tôi không thấy mình thay đổi gì nhiều từ lúc có bầu. Có lẽ tôi chưa kịp yêu con tôi vì tôi chưa kịp chuẩn bị làm mẹ.
Tôi giật mình ra khỏi vẩn vơ. Ngã tư chiều mưa đèn đỏ không người. Tôi nói với bố mẹ không cho ai đi theo đưa dâu, mọi thủ tục làm trọn vẹn ở khách sạn. Qua gương chiếu hậu tôi thấy cái xe "cuốc", với dáng lêu nghêu quen thuộc. Anh vẫn chưa chịu về, chẳng nhẽ anh mệt mỏi đến vậy sao. Anh nói yêu tôi chắc vì tôi đẹp. Còn tôi, tôi có yêu anh không. Có một hồi anh thích vẽ tranh khỏa thân, cô bé người mẫu nhiều nét tròn mê anh lắm. Tôi không ghen. Tôi hồn nhiên cuối cùng vào chừng giữa năm lớp mười trung học. Tôi và mẹ bắt gặp bố tôi ở chung phòng với một người đàn bà lạ. Mẹ tôi chưa kịp lu loa, bố tôi đã vứt ra một xấp ảnh có mẹ tôi đang ôm một người đàn ông khác. Cho đến giờ tôi chẳng còn tin vào bất cứ cái gì. Tình yêu, tình mẫu tử, tình bằng hữu. Những khái niệm sang trọng và chỉ thuần tuý sang trọng. Mọi chuyện cũng chẳng thiêng liêng, cũng chẳng nhảm nhí. Tôi có yêu anh không. Vẻ hoang dã nghệ sĩ của anh an ủi tôi vào đúng thời điểm buồn chán nhất. Anh vẽ nhiều nhưng thiếu một điều căn bản, tài năng. Anh trót học mỹ thuật và phải hành nghề nghệ thuật. Xã hội ngây thơ thường thích gọi sinh viên tốt nghiệp trường Yết Kiêu là họa sĩ. Tranh của anh vặn vẹo, một thứ uốn éo làm dáng. Đấy không phải là nhận xét của tôi mà của nhiều đồng nghiệp trường anh. Nhưng anh không nản, vẫn hăm hở vẽ. Anh tin chắc một điều, xung quanh sự cô đơn của thiên tài bao giờ cũng đầy rẫy sự ghen tị bất tài. Con người kể cũng buồn cười. Đàn bà cố nghĩ mình là đẹp. Trí thức cố chứng tỏ uyên bác. Nghệ sĩ sợ bị coi là bất tài. Tôi bảo anh, anh phải kiếm tiền, có tiền người ta sẽ nghĩ về anh khác. Anh khinh bạc "tiền là cái gì". Tôi hỏi lại Giáo sư Trần, Giáo sư nói đơn giản nhưng tôi nghĩ là đúng. Tiền là phương tiện tốt nhất để đưa đến hạnh phúc.
Một thời gian dài, đối với tôi, giáo sư Trần là thần tượng. Mái tóc muối tiêu vừa đủ bồng bềnh quanh vầng trán rộng. Kiến thức tuyệt vời và năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời. Giáo sư làm đau lòng các cô gái mới lớn và làm hài lòng các nàng quả phụ có tiền. Giáo sư là bạn của bố tôi và sau đó là người tình của mẹ tôi. Tôi hết "sốc" rồi. "Hỡi ơi, tôi không bao giờ được trẻ. Khi tôi trẻ, tôi đã già một nghìn tuổi hơn tất cả những người già". Không hiểu Nietzche hay Kafka đã nói như vậy. Tôi không còn thiếu nữ năm tôi học dở lớp 12 và lúc tôi tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp về nhiều mặt. Các bạn gái cùng lớp của tôi nhiều người phải giấu, phải che. Biết sao được. Không ít những ông bố, bà mẹ về già mới chịu đứng đắn nổi cơn dị ứng khi thấy phong hóa suy đồi. Báo Tiền Phong trong hàng chục số liên tiếp mở diễn đàn cho thanh niên nam nữ tranh cãi về chữ trinh. Tham gia hăng hái nhất là những phụ nữ ế chồng. Tôi yêu đàn ông hơn đàn bà, tất nhiên là những đàn ông thông minh. Tôi vò mái tóc bạc của giáo sư, nũng nịu hỏi:
- Anh có thấy vấn đề gì về đạo đức không?
- Em đáng sợ lắm.
- Anh ngại mọi người biết à?
- Nếu mọi người biết, anh sẽ nổi tiếng như ông già Goethe.
Tôi là thư ký của giáo sư. Quan hệ giữa chúng tôi thỏa thuận là bí mật. Những người có học hay ở chỗ luôn có đủ chữ nghĩa để biện minh cho các hành vi của mình. Hồi yêu tôi - cứ cho là như vậy. Giáo sư viết một loạt bài khảo cứu rất sâu sắc về tâm thức người Việt. Tình yêu không những là động lực của thi ca mà còn là động lực của khoa học. Trong ngành dọc của mình, giáo sư Trần nổi tiếng là người có nhiều ý kiến. Đương nhiên có vài trùng lặp, kể cả ý người khác. Tôi thích trí thức hơn nghệ sĩ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu khoa học xã hội, họ vay mượn nhưng sáng tạo. Giáo sư Trần nói: "Sự trung thực cực đoan không có chỗ đứng trong khoa học. Em đọc nhiều nhưng đừng nên tin sách".
- Thế có nghĩa tất cả chỉ là giả dối?
- Anh không biết.
Tôi tò mò nhìn giáo sư. Câu trả lời phảng phất của một công án Thiền. Ngộ tính của tôi thấp, tôi chưa đạt đến cảnh giới của sự biết. Hồi ấy, có lẽ tôi yêu sự uyên bác bàng bạc khó hiểu ở giáo sư. Tuy nhiên, tôi tin giáo sư thật thà vì đa phần khi bàn về học thuật cả hai chúng tôi đều nằm trên giường không mặc quần áo gì cả.
Chồng tôi bắt đầu hút thuốc, loại Dunhill đỏ. Mùi khói nặng làm tôi tỉnh táo. Mưa có vẻ dày hạt hơn. Chúng tôi sẽ về cái vila nhỏ chồng tôi mới thuê ở sát mép hồ Trúc Bạch. Tôi hồi hộp quay lại đằng sau. Một sự mơ hồ rất lạ nào đó kích động. Vẫn thấy anh. Cái xe "cuốc" lảo đảo đi sau với một khoảng cách nhất định. Anh ấy yêu mình, anh ấy thực sự yêu mình. Tại sao tôi lại không tin vào điều ấy. Ở sâu trong tôi rung rinh xanh non như cái thuở đi học be bé vẫn thường tin trong mỗi quả thị đều có cô Tấm. Trước hôm đi Đà Lạt, tôi qua nhà anh. Căn phòng nhỏ trên gác hai bừa bộn những tranh dang dở. "Em sẽ lấy chồng vào cuối thu". Anh lặng người cầm tay tôi. Bản "Hạ trắng" tha thiết với kèn saxophone từ cái cassette đặt chênh vênh trên nóc tủ. Anh nấc khe khẽ rồi òa khóc. Tôi rút gói Dunhill châm bâng quơ một điếu cố không nhả khói. Anh yếu đuối quá.
- Người ấy chắc là nhiều tiền - Giọng anh khàn khàn.
- Chồng em là người nước ngoài.
Anh đột ngột hôn tôi, vòng tay hầm hầm níu kéo. Cũng như nhiều người đàn ông người yêu tôi vẫn có kiểu ham muốn ấy. Tôi gỡ nhẹ tay anh, sự vớt vát làm tôi ghê. Khi yêu, người ta đều mong muốn trinh bạch. Tôi không còn và cái số tôi mãi mãi không được gặp. Nhưng hôm nay, tôi hy vọng là ngày hạnh phúc.
Đến đầu đường Thanh Niên, xe hoa đi nhanh hơn. Tôi hạ cửa kính xe, mưa bay ngược đầm đậm tạt. Tôi ngoái hẳn người, không còn thấy anh nữa. Tôi rưng rưng buồn. Xe hoa dừng trước ngôi nhà hai tầng xinh xắn quét vôi màu be nhạt. Tôi cởi voan, chồng tôi mở cửa xe. Tôi đã có gia đình, hôn nhân không hẳn là hạnh phúc. Chợt nhiên tôi bảo: "Em phải quay về nhà". Chồng tôi ngạc nhiên. Tôi giải thích, tập tục nghìn đời của người Việt, con gái sau khi đón dâu bắt buộc phải về một mình, chào bố mẹ. Chồng tôi chiều và tin tôi. Tôi đưa chồng tôi bó hoa cưới và nói sẽ đi chừng ba chục phút. Chồng tôi vội vã chạy ra bảo cậu lái xe, cái Toyota trắng sữa chạy chầm chậm quay lại con đường chúng tôi vừa đi. Mặt Hồ Tây sóng sánh màu sáng dù trời vẫn nặng mây. Tôi thấy nhớ anh, tha thiết nhớ. Hạnh phúc là tình yêu. Xe đi dọc Thụy Khê đỗ trước cửa nhà anh. Tôi rút tờ năm mươi "đô" đưa cậu lái xe dặn ngồi chờ. Cái cầu thang lên căn phòng gác hai quen thuộc ẩm ướt rêu. Tôi không gõ cửa, luồn tay qua lỗ nhỏ hất then như bao lần tôi đã từng mở. Người yêu của tôi không ở một mình. Tôi cắn môi. Trong quả thị vẫn chỉ là hột thị. Chàng họa sĩ của tôi đang gục đầu vào lòng cô người mẫu có nhiều nét tròn. Anh ngẩng khuôn mặt bết nước mưa hay nước mắt ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bước xuống cầu thang từng bước một. Trời vẫn sũng đầy hạt nước. Hình như ngày cưới của ai cũng có mưa.
Mãi Không Tới Núi
Thỉnh thoảng, có một vài truyện ngắn rất quan trọng với những người viết tiểu thuyết, đặc biệt là khi nó lại của chính mình. Đại loại, nó tạo ra một sinh lực một khát khao muốn viết dài hơn rộng hơn. Với riêng tôi, truyện ngắn này là một thứ như vậy. Hình như nhờ nó, tôi mới xong được cuốn tiểu thuyết thứ hai, Khải Huyền muộn. Cho dù sâu xa, chẳng thấy có dính dáng gì.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà
***
Vọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai. Cậu bé tự nhận là thổ dân được Vọng thuê vác đồ nói rất nhanh bằng giọng lơ lớ địa phương giải thích. Đại loại, phía cuối đường bên trái sẽ có một cái nhà thờ, nóc nhà có cây thập tự trong đó có nhiều người mặc áo chùng đen, còn phía cuối đường bên phải sẽ có một nhà chùa trong đó có ít người hơn, mặc áo gụ thâm.
“Nghĩa là một bên là Thiền viện, còn bên kia là Tu viện?”
“Cháu không biết, ở đây chẳng có ai nói giống như chú. Thông thường khách du lịch cũng chỉ đến cái nhà mà mình vừa đi qua thôi.”
Vọng bỏ Hà Nội đi lần này hoàn toàn không là đi du lịch. Cái nhà mà Vọng và thằng bé đã đi qua có biển sứt sẹo sơn đề Ka ra ô kê. Vài ba cô gái nhếch nhác son phấn mặc quần áo nửa Kinh nửa Thượng, tóc nhuộm vàng kiểu Hàn Quốc đeo kính đen ngồi chơi bài lá. Chắc là Vọng đi đúng đường rồi. Xa xôi khuất sau nhà thổ chìm trong chịu đựng thường là có nhà thờ hoặc nhà chùa. Vọng im lặng nhìn núi hoang vu và cao. Hoá ra, suốt từ trước, những cái nhấp nhô vỗ ngực tự nhận là danh sơn mà Vọng đã được trèo đáng chỉ gọi là đồi. Núi ở đây ngút ngàn hết tầm mắt, hùng vĩ đến nao lòng. Cái cảm giác kì lạ đứng trước những núi như thế này may ra hiếm hoi có khi đứng trước biển thật rộng. Ở các đô thị lớn người ta bị nhốt trong những phòng chật có nhiều máy điều hoà, muốn chạm vào thiên nhiên thì đành phải nhìn mưa. Nghệ thuật của đám thị dân gần đây hay bị ủng vì mưa. Nắng chia nửa vạt rừng và Vọng lưỡng lự rút mô bai xem giờ. Mười sáu giờ kém bốn phút. Màn hình không có sóng cả Vinaphone lẫn Mobiphone. Thói quen hay được xung quanh nhớ đến làm Vọng bật thở dài. Vọng tung cái điện thoại di động vào đúng tâm ngã ba đường, nó rơi sấp xuống đám cỏ trụi hình như đau đớn nhưng không kêu một tiếng. Sấp là lẻ, lẻ là trái, Vọng nhớ mang máng Kinh Dịch bảo vậy.
“Chúng ta đi lối này.”
Thằng bé vác thuê lại gần chỗ rơi cái điện thoại, Vọng thờ ơ nhìn. Thằng bé có những nét quen, Vọng đã gặp ở đâu đó rồi. Thằng bé nói sinh ra ở vùng này và chưa bao giờ đi đâu xa. Thế thì Vọng nhầm. Thằng bé cúi nhặt cái mô bai nặng nhọc liếc Vọng, mười ngày trước có một cô bé cũng nhìn Vọng từa tựa như thế.
“Cháu không trách chú, cháu xác định rồi là cháu tự nguyện.”
Cái ngước nhìn nhanh không hẳn cam chịu nhưng nhiều già dặn, cô bé Thanh Hoá mười chín tuổi mới làm lễ tân ở văn phòng Vọng chưa đầy nửa năm rụt rè thông báo là mình có bầu.
“Chú xin lỗi, chú không ngờ chú khoẻ đến vậy.”
Vọng tự thấy giọng mình có cái gì đấy đểu giả nhưng không muốn chữa, cả tháng nay Vọng mệt mỏi quá. Vọng đẩy dịch cái phong bì dầy những tờ một trăm ngàn đồng ra góc bàn, anh khe khẽ cầm cả hai bàn tay cô bé gờn gợn chai áp nhẹ lên má mình. Dù có vẻ rất liều lĩnh nhưng trong sâu xa đôi tay thiếu nữ vẫn non nớt run rẩy.
“Sắp đến rồi.”
Thằng bé vác thuê nói khuyến khích khi nhìn Vọng lúng túng xắn quần lội suối. Thấp thoáng phía chênh chếch ngoài vách đá trụi cây, trên thoai thoải triền núi xa xa quả thật đã nhìn thấy lô nhô cao mấy mái nhà có chơ vơ một cây thánh giá. Vọng bỗng nhiên nghẹn ngào, anh đã lội qua một con suối rộng, cũng có thể gọi là sông và anh thanh thoát bước lên đến bờ bên kia. Vọng chọn chỗ không cỏ sát bờ suối, cúi xuống trân trọng hôn một ụ đất xam xám màu ghi đậm, đất âm ẩm ngai ngái một mùi thanh sạch hoang dã rừng già. Vọng ngây ngất hít.
“Chú đừng làm bẩn thế, bãi cứt trâu đấy.”
Chiều của rừng không phải xuống quá nhanh như văn học mà người miền xuôi hay tả, khi Vọng đến trước cửa gỗ tu viện trời vẫn nhờ nhờ sáng. Thằng bé vác thuê hổn hển thở, tháo hai cái ba lô ngót nghét chừng năm chục cân, lấy cả hai tay đấm mạnh cửa. Im lìm không có tiếng đáp, Vọng bồi hồi, đường đến thiên đàng thăm thẳm đương nhiên là vất vả không phải đơn giản như Kinh Thánh nói “cứ gõ là cửa mở”. Có tiếng lạch xạch của then gỗ, hai cánh cửa ken két he hé, một người trung niên khắc khổ mặc áo sơ mi màu nhạt không hỏi, gầy gò nhìn. Vọng vô thức lùi lại một bước, suýt nữa anh quỳ sụp xuống mà xưng rằng: Lạy cha, con là kẻ có tội. Vọng không phải là Ki tô hữu, mặc dù anh đọc rất nhiều sách về Ki tô giáo. Thằng bé vác thuê lại gần, nói thì thầm vào tai người trung niên trông giống như một ông thầy Bốn, ông này nhìn nó vẫn không nói gì, ken két khép cửa gỗ lại. Vọng nghi hoặc nhìn thằng bé vác thuê, sáng nay nó có kể là nó chưa bao giờ tới những chỗ như thế này. Cửa lại hé mở, chỉ thấy một bàn tay trắng xanh vẫy nhẹ, thằng bé vác thuê lanh lẹn lách vào. Vọng tự nhiên thấy khó chịu, nhất là khi nhìn lại, hai cái ba lô no nê căng phồng. Vợ Vọng ngu xuẩn chiều chồng nhưng là giống đàn bà tham vặt lúc nào cũng sợ thiếu. Chắc chắn cô ta tưởng Vọng mệt mỏi chuyện cơ quan, bỏ đi du lịch để thư giãn khuây khoả. Rất nhiều lần Vọng sâu sắc thấy mình vừa hi sinh vừa cao thượng khi lưỡng lự không kí vào đơn li dị vợ. Thằng bé vác thuê đi ra cùng một linh mục mặc áo lễ tóc bạc trắng đeo kính trắng, trong tay vị linh mục già cầm một tờ giấy khổ A4 có những nét chữ rất quen.
“Theo như thư giới thiệu thì cha bề trên đồng ý để anh có thời gian tĩnh tâm. Đêm nay anh cứ nghỉ tạm ở phòng khách nhà dòng, cơm nước các thầy sẽ lo chu đáo cả.”
Ông cha tóc bạc quay người vẻ như muốn dẫn lối, Vọng ngạc nhiên đến mức quên cả mình định thanh minh là anh tới đây không do một sự giới thiệu nào hết. Anh đã đau khổ, đang sám hối và tự mình đi tìm Đạo, mong một sự thanh tẩy, tuyệt không có việc chuẩn bị sắp xếp. Năm ngày trước anh đã buông bỏ tất, vinh hoa phú quí danh vọng.
“Tôi không thể hiểu cậu, tôi phải rất cố gắng và may mắn lắm mới có một hội đồng chấm bảo vệ như vậy.”
Giáo sư hướng dẫn luận án của Vọng gần như phát khóc. Mà ông đã khóc thật, vài giọt long lanh nặng đọng quanh chỗ đuôi mắt nhăn nheo. Cũng có thể ông tiếc cái công cả đời làm khoa học trung thực, lần đầu tiên tâm huyết đi viết hộ luận án. Ông chịu ơn Vọng, với gia đình ông hơn một lần Vọng đã là ân nhân lớn. Vọng nhấc tấm cạc mi ca đề chức danh của mình ra khỏi tập công văn anh đang kí dở, dưới sâu đám lộn xộn đó là một phong bì phồng căng. Anh mệt mỏi cầm đưa giáo sư hướng dẫn, tiền đã trực tiếp từ tay Vọng hiếm khi là tiền nội.
“Khổ quá, vấn đề không phải là cái này, vấn đề là cơ hội. Nếu có hai lão kia ngồi phản biện thì cậu trượt ngay.”
“Em biết.”
Ở vị thế của Vọng thì phải biết rất nhiều. Đức bạc nhi vị tôn trí tiểu nhi nhiệm trọng tiển bất cập hĩ. Phần Hệ từ của Dịch chép đại loại là vậy. Đức mỏng ở ngôi cao, tài ít trách nhiệm lớn không những nguy mình mà còn hại cả người thân. Hoạn lộ là chuyện sinh tử, đâu có chỗ cho kẻ ngu ngơ. Thế nhưng cái vừa ập đến với Vọng nó dữ dội và tàn nhẫn quá. Nó cằn nhằn làm Vọng khó ngủ. Những đêm mở mắt nhìn quanh, Vọng thấy lờ mờ vô nghĩa, hình như cuộc sống này không chỉ đơn thuần có người. Thế thì là có Giời. Vọng cười nhàn nhạt. Thói quen trí thức thuần tuý ở Vọng làm anh thích việc đọc sách. Chữ nghĩa sách vở nguy hiểm ở chỗ là thỉnh thoảng nó làm những người bận rộn phải một mình vớ vẩn ngồi nghĩ. Đau đớn khổ sở thay cho những ai làm việc đại sự mà vẫn bị vương vấn dằn vặt. Vọng đã gặp cô con gái duy nhất xanh lét ở bệnh viện phụ sản khi anh ngấm ngầm theo dõi gã trợ lí đưa cô bé người Thanh Hoá đi xét nghiệm. Đứa con gái ngây thơ của Vọng, nó đang học lớp mười. Hôm đó, Vọng run rẩy đã kêu một trong nhiều tên của Đấng thượng đế.
Minh họa: Đỗ Dũng
Một tu sĩ trẻ, vừa đi vừa thanh minh là hệ thống điện mấy hôm nay đang trục trặc, cầm nến đưa Vọng dọc hành lang vắng tới một căn phòng đầu hồi lủng lẳng cái khoá gỉ. Anh ta không dùng chìa, giật nhẹ cái khoá, cửa gỗ mở, trong phòng ngai ngái một mùi mốc không hơi người. Anh tu sĩ dặn Vọng là có lễ ba rưỡi sáng và hôm nay nếu Vọng đi đường có mệt quá thì mười phút trước chuông, anh ta sẽ ra đánh thức hộ. Vọng cảm ơn và hỏi nhỏ là mình sẽ đi toa lét ở chỗ nào. Anh tu sĩ trẻ đợi Vọng loay hoay mở ba lô lấy khăn mặt và bàn chải đánh răng, rồi dẫn Vọng tới nhà vệ sinh ở một góc phía cuối tu viện. Vọng tự mỉm cười khi nhìn thấy cái hố xí bệt, chắc đến bây giờ đã tuyệt tích những nhà dòng khổ tu. Đêm đầu tiên ở chỗ lạ bao giờ cũng khó ngủ. Gió vô ngôn thổi từ một hoang sơn nào đấy làm phồng rèm cửa. Vọng cố nhớ lại kinh Lạy Cha mà xa xưa lắm Vọng cũng đã thuộc. Vọng cố muốn quên cái cuộc họp gần đây nhất, không hiểu sao hôm ấy tất cả những người dự đều mặc áo ghi xám. Phong phanh tin đồn là sẽ có một thứ trưởng mới. Nhờn nhợt loay hoay những mừng vui những lo lắng. Mặc dù đã rất quen với những cái gì gọi là đạo đức công chức, Vọng vẫn thấy kinh sợ. Vọng bấm cái đèn pin soi vào ngọn nến đang leo lét cháy. Rất nhiều những con thạch sùng mầu xám nhạt luẩn quẩn quanh cả bốn bức tường. Cái im lặng của rừng và núi làm Vọng ghê ghê. Lâu lắm rồi Vọng mới ngủ một mình trong khung cảnh kiểu như thế này. Có một đêm Vọng cũng ngủ một mình ở giữa rừng sau bữa nhậu ở nhà một phó chủ tịch tỉnh mến khách làm rất nhiều món lạ. Trưởng đoàn của Vọng say mềm thiêm thiếp nằm trong lòng một thiếu phụ trẻ có búi tằng cẩu, suốt tối ông cố trốn uống với cớ mai phải về Hà Nội họp sớm. Ngày mai Vọng cũng phải tỉnh táo nghe thuyết trình của ban lãnh đạo tỉnh về dự án xoá đói giảm nghèo. Vọng lảo đảo men theo cầu thang đi xuống nhà sàn. Cái nhà khách heo hút này duy nhất chỉ để dành đón khách víp. Vọng loay hoay chui vào một cái lều giả gỗ xây bằng bê tông. Vọng lơ mơ say thiếp đi và khi tỉnh dậy thì nôn. Trằn trọc vì bồi hồi cô đơn, Vọng nằm không ngủ. Trong sâu xa hình như Vọng cũng khinh ghét đám đông. Đến gần sáng, một cô gái thật trẻ tìm thấy Vọng, khẽ khúc khích không sành sỏi lắm cô bé chui vào chăn. Vọng thở dài tự biết khó giữ mình. Chiều tối qua, chủ nhà có giới thiệu, đám sơn nữ là món lạ nhất của bữa tiệc rừng. Anh chàng tu sĩ trẻ giữ lời, trước chuông nhà nguyện chừng mười phút, anh ta nhè nhẹ gõ cửa, rất ngạc nhiên khi thấy Vọng quần áo đã chỉnh tề ngồi giữa mịt mù khói thuốc. Buổi sáng ở tu viện trong lành, Vọng đã ở đây sang ngày thứ tư và chật vật lắm vẫn không thể quen, Vọng lững thững đi dạo quanh hang đá Đức Mẹ. Lác đác ở các ghế đá vài tu sĩ có tuổi trầm ngâm quỳ suy niệm. Vì sao người ta lại phải quỳ dưới chân Chúa. Vọng đã hỏi một vị cao tăng ở Huế. Tại sao người ta lại phải đọc kinh gõ mõ ăn trường chay ngủ vật vờ trên những tấm bồ đoàn. Vị cao tăng từ bi cười, hứa khi nào Vọng chắc chắn ngồi ghế thượng thư sẽ rốt ráo giải thích. Tôn giáo rõ ràng là mơ hồ làm cho Vọng vừa không ưa vừa sờ sợ nếu mình suốt đời phải ở đây. Mới đến ngày thứ hai, Vọng đã nhoi nhói hụt hẫng nhớ Hà Nội. Trước hôm bỏ đi, Vọng không ồn ào tuyên bố một điều gì. Anh đã đốt cái thư riêng, định để lại dài gần ba trang A4 in máy laser. Kinh Kha nhập Tần chỉ bi tráng ngâm hai câu thơ. Khi qua cầu Chương Dương buông mắt nhìn sông Hồng ngầu đỏ, Vọng khe khẽ lẩm nhẩm ca từ bài Phôi pha của Trịnh Công Sơn, bài tủ của Vọng lúc uống say ngồi giữa đám ca ve ở nhà hàng Hương Cảng phố Thi Sách. Vọng mang máng tự biết rằng suốt một trăm năm nay sau Tam nguyên Yên Đổ thì Vọng hình như là người duy nhất dám treo ấn từ quan. Vọng đã tới một vùng sơn cước mà Vọng chưa bao giờ tới. Vọng đã đồng hành cùng một gã thổ dân mà Vọng đã ngẫu nhiên gặp ở một làng hoang sơ bìa rừng không có ti vi. Vọng sẽ cạo đầu âm thầm gõ mõ niệm Phật, hoặc không sẽ mặc áo chùng thâm lặng lẽ đọc Kinh Thánh. Nhưng thích nhất, Vọng muốn thành ẩn sĩ ở lều gianh khoác áo thô gai. Vọng sẽ cô đơn như núi mà hoà nhập vào thiên nhiên. Mải nghĩ, Vọng suýt đâm vào một hàng dọc tu sĩ vừa đi lấy củi về đang từng bước im lặng hướng phía nhà ăn, Vọng nối vào người đi sau cùng. Phòng ăn rộng vừa đủ, nhang nhác giống bếp ăn tập thể hồi Vọng còn sinh viên chưa xuất ngoại. Không có mùi của các món xào, chỉ nặng trịch một mùi rau luộc. Vài ông cha già đã ngồi trước lẩy bẩy xúc cơm nhạt. Vị linh mục tóc bạc ngồi ở đầu một bàn xa xa bình thản đọc trầm trầm một đoạn Phúc âm. Vọng theo mọi người vào bàn, vụng về làm dấu rồi cố trang nghiêm nghe tiếng ngân nga đọc kinh. Vẫn anh tu sĩ trẻ không hẳn ngẫu nhiên ngồi đối diện Vọng làm từng thao tác thật chậm để Vọng làm theo. Đến miếng cơm thứ ba thì Vọng không thể nuốt nổi. Bữa chiều qua Vọng ngồi một mình trong phòng rón rén mở ba lô. Rất nhiều các loại hộp nhưng nhiều nhất là pa tê Pháp và trứng cá Nga. Vợ Vọng biết tính chồng, cẩn thận phiên nôm tên món bằng tiếng Việt dán giấy dính trên từng nắp hộp. Ba lô kia có hai cái bi đông nửa lít bằng inox. Một cái đựng whisky Giôn xanh, một cái đựng rượu ngâm mật gấu rừng. Vọng ngần ngừ làm hai nắp bi-đông của mỗi loại mồi, vã với hộp thịt bò nấu sốt cay. Qua khung cửa sổ con, Vọng chợt lại nhìn thấy núi. Mây đặc rất khó tả màu làm ngọn núi mất đỉnh. Trên đấy chắc chắn không có người bình thường ở, hoặc phải là tiên hoặc phải là yêu quái. Men rượu chầm chậm ngấm và không hiểu sao Vọng thấy dáng núi có những nét gợi dục. Những đường cong thiếu nữ lồ lộ, đã bao lần Vọng vừa uống rượu vừa ngắm. Vọng nhắm mắt. Vọng chợt nhớ đến gã hoạ sĩ trẻ đứng thút thít khóc ở cổng triển lãm tranh nghệ thuật khoả thân đầu tay của gã khi nhìn người Hà Nội ồn ào rủ nhau đi xem tranh khiêu dâm. Vọng đấm mạnh tay vào ngực mình nhưng không kêu lỗi tại tôi. Có ai đấy nhìn trộm rất nhanh qua cửa sổ. Vọng đi ra hành lang và gặp thằng bé vác thuê đang lúng túng. Vọng bảo nó vào, thằng bé rụt rè ngồi song ẩm. Tự nhiên hôm nay Vọng thấy khuôn mặt thằng bé già dặn kinh khủng, bờn bợt một màu đô thị, hết hẳn vẻ sơn dã.
“Hôm nào thì cháu về?”
“Cháu đợi chú mà.”
Vọng kìm ngạc nhiên, lạnh lùng hỏi.
“Cháu có biết tại sao chú vào đây không?”
Thằng bé gật đầu nhưng rồi lưỡng lự lại lắc. Vọng rót đưa cho nó một nắp whisky, thằng bé sành điệu ngửa cổ hất gọn một trăm phần trăm. Chắc chắn Vọng đã gặp thằng bé ở đâu rồi. Đấy không phải là cái kiểu uống của dân miền núi, Vọng tò mò cố nhớ lại những bữa nhậu. Giống như những quan chức bình thường khác, vào những trận uống ở tiệc lớn, Vọng cũng phải có cây đỡ. Cây đỡ của Vọng là viên trợ lí bốn mươi hai tuổi gốc Hà Nội tửu lượng bất khả tư nghì. Gã có khuôn mặt thanh thoát đã tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng của Nga về chuyên ngành hoá dầu. Có một buổi chiều trống rỗng thật thà giữa hai người, Vọng hỏi gã: tại sao một trí thức có thể tha hoá thành đê tiện? Viên trợ lí nhìn Vọng bằng đôi mắt đùng đục đẫm rượu. “Tại vì tôi không có đức tin.” Liệu hôm ở bệnh viện phụ sản gã có gặp đứa con gái duy nhất của Vọng. Vọng bải hoải muốn hỏi nhưng kìm được. Hôm Vọng đi vào núi chỉ mình gã là người duy nhất biết. Vọng nhấp một ngụm canh nhỏ cốt để trôi miếng cơm, khi ngẩng lên anh gặp cái nhìn hiền từ của vị linh mục tóc bạc. Vị linh mục gọi theo tên thánh là Xi Mon là Minh Hùng là Gio An, anh tu sĩ trẻ có nói nhưng Vọng đột ngột quên bẵng. Vọng cúi mặt, anh thấy hoang mang và muốn giãi bày với ông cha già. Kiên nhẫn dự xong lễ trọng buổi chiều, Vọng chầm chậm đi tìm phòng xưng tội. Hồi bé, Vọng đôi lúc theo ông ngoại vào nhà thờ Hàm Long. Hồi sinh viên ở Nga, ân hận vì vài chuyện bạc tình, Vọng thỉnh thoảng có vào nhà thờ Chính Thống giáo. Nhưng chưa bao giờ Vọng quỳ xưng tội. Vọng loay hoay đi tìm, suốt dọc hành lang hun hút vắng vào giờ nguyện không thấy một bóng người. Lúc nãy, Vọng quỳ lẫn trong đám tu sinh khấn tạm, tò mò nhìn ba vị cha bề trên đồng tế làm thánh lễ Mi Xa. Hôm nay tu viện dâng lễ trọng tưởng niệm vị khai sáng dòng tu. Vẫn anh tu sĩ trẻ đưa Vọng quyển kinh phụng vụ, còn anh ta đọc ké lời nguyện của người bên cạnh. “Xin thêm trí khôn ngoan của Chúa, hướng dẫn các nhà lãnh đạo quốc gia. Để họ tận tình lo cho dân nước hằng an cư lạc nghiệp.” So với mấy lần dự lễ trước, đến hôm nay, Vọng đã thấy đau đầu gối. Vọng biết lời khấn dòng là khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Còn Vọng đã giàu có, ngầu đục và chỉ biết theo ý mình. Vọng sẽ phải cắn răng chịu đau. Anh tu sĩ trẻ khẽ hích nhẹ vào vai Vọng, ra hiệu là mọi người đã được ngồi. Vọng thả lỏng xoay xoay bắp chân sung sướng thở phào. Tạ ơn Chúa. Phòng xưng tội quả thật khó tìm, Vọng đi lang thang qua thư viện rồi vô thức đi lên cầu thang gỗ tới một gác chuông cũ kĩ. Vọng đứng cạnh quả chuông to mang vẻ nhiều tuổi bâng khuâng nhìn toàn cảnh tu viện. Phía dưới xa, cổng ngoài dòng tu có vòm cuốn nham nhở rêu bám vào những chữ đắp nổi, ora et labora. Chợt có tiếng chuông điện thoại di động, một đoạn nhạc quen thuộc bi hùng của bản giao hưởng Định mệnh mà Vọng đã gài vào mô bai của mình, Vọng ngạc nhiên cứng người. Hoá ra, ở hoang sơn những chỗ cao đều bị phủ sóng.
“Anh cứ yên tâm đi, có vẻ sếp đã chán rồi, giỏi lắm là trụ nổi hai ngày nữa.”
Tiếng thằng bé vác đồ thuê, giọng nó không còn ề à sơn cước mà lanh lảnh ngữ điệu sành sỏi của bọn người đô thị.
“Ngày kia anh cứ cho xe lên đây, nhớ mang theo hai hòm nến đại. Còn tiền nong của những ngày phát sinh thêm em vẫn tính anh y như giá cũ theo đúng biểu giá của tua du lịch mạo hiểm đặc biệt.”
Vọng vội vã như trôi xuống cầu thang, đi dọc hành lang đi qua thư viện, đi qua nhà nguyện và chắc cũng đã đi qua phòng xưng tội. Vọng đóng cửa phòng, ngửa cả bi đông mà tu rượu. Đám thạch sùng xám bám trên tường giương mắt lồi nhìn Vọng. Vọng nhớ ra rồi, anh có gặp thằng bé ở phòng lễ tân của trung tâm mát xa Gốc tre xanh. Mọi người lờ nhờ say và gã trợ lí đã bắt nó đi mua thêm một chai Jack Daniel. Gã khen nó ít tuổi nhưng thâm niên rất sành. Chính nó lúc gần sáng đã gọi cô bé nằm cùng phòng với Vọng ra mắng. Có tiếng chuông từ nhà nguyện. Vọng sụp xuống chân giường lỗ chỗ mối, tuyệt vọng xấu hổ lẫn tức giận. Vọng lẩy bẩy siết chặt con dao ăn giắt ở cạnh ba lô. Hình như Vọng đã đi ra cửa rồi Vọng lại trở vào. Vọng duỗi dài người trên giường, tung cái chăn đơn dạ mỏng đắp kín cả mặt và chân. Không biết bao nhiêu tiếng trôi qua, Vọng uể oải trở dậy. Nắng nhợt nhạt quẩn trong sương mù lờ mờ che thấp thoáng hình núi. Trời đã sang ngày, Vọng sửa lại quần áo đi tìm phòng cha Bề trên. Vọng xin phép là mình muốn đi về, nhưng biết đâu đấy đến ngã ba Vọng sẽ lại rẽ vào con đường bên phải. Ở cuối đường đấy là một Thiền viện. Dọc hành lang vắng, Vọng gặp ông thầy Bốn hôm đầu tiên ra mở hé cửa cho Vọng. Vẫn im lặng, ông ta dẫn Vọng qua một hoa viên nhỏ rồi đưa tay chỉ phòng riêng của vị Đan Viện trưởng. Cửa khép hờ, Vọng định gõ nhưng đã nghe thấy giọng chuẩn Hà Nội của gã trợ lí.
“Trình cha, con xin phép về và nhân tiện con có đem hai hòm nến biếu nhà dòng để thắp ở bàn thờ Đức Bà.”
“Cám ơn anh.”
“Dạ thưa cha đây chỉ là lòng thành. Vả lại chúng con quấy rầy nhà dòng nhiều quá.”
“Có gì đâu, cửa Chúa bao giờ cũng luôn rộng mở. À, mà anh có về Hà Nội cho tôi gửi lời thăm sức khoẻ đến giáo sư.”
Vọng thở dài, loay hoay mất công rồi cũng chỉ đẩy vào những cánh cửa đã mở sẵn. Vọng nhớ lại cái cảnh gã họa sĩ trẻ sụt sịt khóc ở góc cổng triển lãm. Vọng quay về phòng mình gói ghém ba lô, đã hết rượu nhưng còn rất nhiều thịt và cá hộp. Thằng bé vác thuê đi vào. Vọng chỉ đám lổn nhổn hộp nói những thứ này là của nó. Vọng và thằng bé im lặng đi khỏi tu viện chẳng chào hỏi ai. Khi đi ngang qua hang đá Đức Mẹ, thằng bé cởi ba lô quỳ xuống lầm rầm đọc kinh Kính Mừng. Hoá ra thằng mất dạy này nó có đạo. Vọng bâng quơ nhìn những cây nến đại đang cháy được cắm chắc chắn trên giá đỡ bằng đồng. Vọng mêu mếu cười, phía gần dưới chân một cây nến vẫn sót mẩu giấy nhỏ có ghi tổng giá tiền kèm chữ kí nháy của bà kế toán trưởng răng vẩu mà Vọng rất ghét. Vọng mông lung bỏ đi, cắm cúi dọc đường mòn kệ thằng bé vác thuê lệt bệt chạy theo giơ cao cái mô bai đang rung những vệt sáng có tín hiệu gọi đến. Vọng dừng bước, không thấy con suối lần trước Vọng đã lội qua, chỉ lác đác vài trảng cỏ nửa xanh nửa vàng vì thiếu mưa. Vọng đi như chạy tới ngã ba đường mòn vẫn thấy cái quán ka ra ô kê đứng đìu hiu trong nhợt nhạt nắng quái. Vọng run run đưa mắt chậm nhìn quanh. Xa xa là cái Mercedes chín chỗ hay đưa Vọng đi công tác hoặc đi du lịch.
Giữa hoàng hôn chiều bảng lảng của rừng, tuyệt không thấy núi
Ngày lễ Đức Bà lên giời, 2002
Mùa Xuân Nấc Thầm
Gã khách trung niên nửa tỉnh nửa say vào mua một suất tích kê dài hai tiếng, uống một hơi hết cả cốc trà đá rồi vào toa lét cố như nôn mà không nôn được, nằm vật ra giường hình như là ngủ thật. Tất nhiên trước khi nằm gã đã kịp cởi cả quần dài quần xịp, quấn quanh bụng cái khăn tắm khổ bốn nhăm một mét có hình chuột Mickey đang ranh mãnh cười.
Mỹ Linh thở dài, thường lúc phải làm cho một gã say thì đỡ nhọc hơn khi phải làm cho một gã tỉnh. Tiếng cô chủ đi lễ Rằm sớm về the thé như là mắng. Tiếng cậu chủ ngai ngái uể oải như là xin lỗi. Hôm nay là mười hai Âm của tháng Giêng, ba ngày nữa mới là chính Rằm tháng Một. Và Mỹ Linh từ quê vừa đi ô tô lên chập choạng chiều của hôm qua. Trên chuyến ô tô ấy có vài thiếu nữ làm nghề như Mỹ Linh. Họ cũng sẽ có tên là Hồng Nhung là Mỹ Tâm và hiếm hoi có cả Thanh Lam. Ở quê tất cả đều được gọi bằng tên khác. Hoặc là Chiền hoặc là Thơm hoặc là Mến. Gã trung niên nặng nề mắt ti hí lè nhè.
- Tên em là gì.
Gã vừa cất giọng thì Mỹ Linh nhận ra. Giọng gã vang khàn khàn nhừa nhựa sang trọng của những người hay được uống rượu Tây. Lần nào vào đây gã cũng hau háu nhìn Mỹ Linh nhưng chưa bao giờ cô làm cho gã. Gã thường đi ba hoặc năm người có khi đông hơn. Chị Diễm Quỳnh ngồi ở quầy nói là bao giờ đám của gã cũng đi số lẻ. Còn cái ông sếp nhất mắt to môi mỏng bao giờ cũng vào phòng của con bé Khánh Ly. Con bé đó mới mười bẩy tuổi người miền Tây nhưng nói mình ở Huế. Mỹ Linh chưa bao giờ vào Huế, ra khỏi làng là đi thẳng lên Hà Nội. Con bé Khánh Ly chắc cũng chưa bao giờ được đi đâu xa. Có một hôm trời mưa sùi sụt dài, nó ngây ngấy buồn lảm nhảm tâm sự rằng nó có đi qua Huế thật.
Mỹ Linh thở dài, thường lúc phải làm cho một gã say thì đỡ nhọc hơn khi phải làm cho một gã tỉnh. Tiếng cô chủ đi lễ Rằm sớm về the thé như là mắng. Tiếng cậu chủ ngai ngái uể oải như là xin lỗi. Hôm nay là mười hai Âm của tháng Giêng, ba ngày nữa mới là chính Rằm tháng Một. Và Mỹ Linh từ quê vừa đi ô tô lên chập choạng chiều của hôm qua. Trên chuyến ô tô ấy có vài thiếu nữ làm nghề như Mỹ Linh. Họ cũng sẽ có tên là Hồng Nhung là Mỹ Tâm và hiếm hoi có cả Thanh Lam. Ở quê tất cả đều được gọi bằng tên khác. Hoặc là Chiền hoặc là Thơm hoặc là Mến. Gã trung niên nặng nề mắt ti hí lè nhè.
- Tên em là gì.
Gã vừa cất giọng thì Mỹ Linh nhận ra. Giọng gã vang khàn khàn nhừa nhựa sang trọng của những người hay được uống rượu Tây. Lần nào vào đây gã cũng hau háu nhìn Mỹ Linh nhưng chưa bao giờ cô làm cho gã. Gã thường đi ba hoặc năm người có khi đông hơn. Chị Diễm Quỳnh ngồi ở quầy nói là bao giờ đám của gã cũng đi số lẻ. Còn cái ông sếp nhất mắt to môi mỏng bao giờ cũng vào phòng của con bé Khánh Ly. Con bé đó mới mười bẩy tuổi người miền Tây nhưng nói mình ở Huế. Mỹ Linh chưa bao giờ vào Huế, ra khỏi làng là đi thẳng lên Hà Nội. Con bé Khánh Ly chắc cũng chưa bao giờ được đi đâu xa. Có một hôm trời mưa sùi sụt dài, nó ngây ngấy buồn lảm nhảm tâm sự rằng nó có đi qua Huế thật.
Xe đò xuyên Việt chết máy ở cạnh sông Hương và nó phải ăn cơm hến. Sông Hương giống như một câu ca dao nào đấy trong sách giáo khoa lớp bốn mà con bé Khánh Ly đã học gần hết lớp năm. Nó vào đây làm là vì có một đứa em họ hơn nó sáu tuổi và một đứa chị ruột hơn nó ba tuổi. Cả hai suýt lấy được chồng Đài Loan rất nhiều tiền, không già không què không tâm thần như bọn báo chí hay rêu rao. Bà giám đốc dắt mối khen là hai đứa vừa xinh lại vừa là xử nữ. Con bé Khánh Ly tỏ vẻ sành, giải thích. “Người đàn ông nước ngoài có mầu da vàng đều thích vợ mình là xử nữ. Họ chồng tiền cọc rất cao. Xử nữ không phải là người nữ biết cư xử mà là vẫn còn cái ấy”. Hồi mới đi làm con bé Khánh Ly vẫn còn trinh nhưng bây giờ hình như đã mất, không rõ có phải với cái gã sếp có môi mỏng mắt to ấy không.
Nói chung, bọn con gái đã bị đám quan chức cầm tiền sờ soạng vào người thì rất khó giữ được trinh tiết. Hôm cô chủ cho phép nó chui vào cái xe ô tô đen bóng bốn chỗ để đi qua đêm, cậu chủ đang uống say vô cớ nổi cáu đập tan cả cái chai rượu gần như còn nguyên giá sáu trăm ngàn đồng. Cậu chủ là một gã đàn ông buồn bã và buồn cười, cho đến tận bây giờ thì hình như vẫn là người tốt. Mỹ Linh nuốt thở dài, khẽ liếc gã trung niên rồi tới gần bàn tròn có cái đầu đĩa điện tử hai cục hiệu Li Zdoang nhè nhẹ bật một bài hát. Bài này Mỹ Linh thích, khi bị thua bài tá lả nằm buồn một mình cô hay nghe đi nghe lại. “Mầm non mầm non mùa Xuân đang hé nở. Nụ hôn đầu tiên đang gõ cửa”.
Suốt cái hôm nghỉ tết mùng Ba của năm đi làm đầu tiên ở quê, Mỹ Linh sang nhà bà cô ruột, người giới thiệu cô vào đây làm có dàn Karaokê bốn cục loa, chỉ quanh quẩn hát toàn bài này. Thỉnh thoảng lúc ngừng lấy hơi, cô chợt thấy một ánh mắt rất sáng rụt dè đăm đắm nhìn cô. Mỹ Linh biết đấy là ai. Đại Thắng lòng khòng trứng cá hơn Mỹ Linh chừng hai tuổi. Cũng như nhiều gã trai làng khác, ở cái nơi lổn nhổn dở xóm dở thị này học đến hết lớp chín thì bỏ. Mấy thằng bạn lập chí rủ nhau lên Hà Nội học tin học, học trộn vữa rồi đa phần bỏ ngang đi chạy xe ôm. Đại Thắng lơ ngơ con giai một ở giữa năm chị em gái nên không được đi. Năm ngoái bố mẹ của Đại Thắng có bán được cả nửa quả đồi đất trồng rừng nông nghiệp cho nhà Thành Chân buôn vàng ở thị trấn. Rồi nhà Thành Chân buôn vàng lại bán lại nửa quả đồi ấy cho một ông làm to lắm gốc gác ở đây nhưng toàn sống trên Hà Nội. Người đã ở Hà Nội, hầu hết không phải là người vì họ giầu có khủng khiếp. Đồ của họ dùng, Đại Thắng cố muốn bắt chước cũng khó mà giống. Tết này, “cậu” Đại Thắng đi một chiếc Spacy Tầu, mặc một bộ com lê Tầu trong túi tíu tít kêu một điện thoại di động Tầu. Mỹ Linh nhìn thấy cậu lúng túng loanh quanh khoe hàng trước cửa nhà mình mà bỗng bật cười. Nhưng cũng chính vì cái kiểu trẻ con của cậu như thế mà Mỹ Linh mới nhận lời hẹn.
Đại Thắng nắn nót đèo Mỹ Linh lên thị trấn vào hàng cà phê “Biển Nhớ” có cô chủ quán nghe đồn là người Sài Gòn nên cửa hàng của cô làm giống trong ấy, vừa có nước uống sinh tố vừa có ăn mặn mỳ sợi trộn thịt bò kiểu Ý. Những sợi mỳ dài óng ánh nâu hồng của nước sốt ngòn ngọt. Quán “Biển Nhớ” luôn có hoặc ba hoặc bốn hoặc năm cặp tình nhân gì đó. Cũng vét tông Tầu cũng điện thoại Tầu, chỉ có tiếng reo của chuông là sành điệu khác nhau. Ở trên Hà Nội bây giờ con người cũng vậy, phải mở miệng nói thì mới biết đâu là quê đâu là tỉnh. Máy của cậu Đại Thắng để giai điệu “tà ta tà ta ta tá tả” nghĩa là cái bài “mầm non mầm non mùa Xuân đang hé nở” mà Mỹ Linh hay hát. Cậu Đại Thắng phải vất vả tới tận Hải Phòng nhờ một thằng anh họ câu nó ra từ máy vi tính. Trong cái máy vi tính ấy có cả ảnh sex phim sex, nhưng tất nhiên cậu không dám kể cho cô bé là đã xem những cái của nợ quyến rũ ấy. Đại Thắng uống xong một chai ti gơ to thì có vẻ say, rút trong túi ra một bộ trò chơi điện tử để hai đứa cùng chơi.
Khi đèo nhau về, đường vừa xa vừa sóc, Mỹ Linh đành phải ôm Đại Thắng. Lúc đó là lúc xe cậu vừa chạy ngang khu chế xuất, qua cửa sổ kính trong suốt đèn sáng choang, có không biết bao nhiêu thôn nữ đang cặm cụi ngồi may tập tọng làm công nhân. ở thời hội nhập bây giờ, con gái nhà quê hoặc sẽ đi làm như Mỹ Linh hoặc sẽ ngồi may. Cái ngực tròn đầy của cô bé đã đủ tuổi lớn làm cậu bé liên miên mất ngủ. Lần thứ hai hẹn, lần thứ ba hẹn Đại Thắng cố tình đi đúng vào con đường gập ghềnh sóc ấy. Hình như là lần thứ tư bỗng nhiên Mỹ Linh ôm xiết lấy cậu nức nở bật khóc. Không hiểu có phải là cô bỗng đểnh đoảng nhớ cái gã khách hàng răng giả bụng mỡ cứ lèo nhèo đòi hôn cô.
Đại Thắng đỗ xe đỡ người mình yêu xuống rệ cỏ vắng, tay rất run vì trước đó cậu chưa bao giờ hôn ai. Còn Mỹ Linh đột ngột như là tủi thân như là bàng hoàng chán bỗng dưng lạnh lẽo đòi về. Cái nghề Mỹ Linh đang làm và cô nghĩ sẽ làm chừng nửa năm nữa không cho phép có nhiều xúc động. Cái nghề này dễ dàng làm người ta trở thành lúc cao lúc thấp giống như mấy bà đồng bóng. Đấy là lời cái Quỳnh Hương con em họ đứng thứ ba nhà bà dì ruột hơn Mỹ Linh hai tuổi. Nó tên thật là Nguyễn Thị Vàng và hôm cô chủ đặt lại tên cho nó, nó lầm lỳ nói không thích. Cô chủ bực bội bỏ tờ Sành Điệu có nhan nhản ảnh ca sĩ xuống mặt bàn, cáu kỉnh.
“Thế mày muốn gọi mày là gì”.
“Cháu tên là Vàng”.
“Ở đây khách hàng toàn là trí thức có tiền, người ta cần chúng mày là sự sạch sẽ sang trọng. Cái quần lót cũng phải thay nữa là cái tên”.
Rất nhiều khách hàng sau khi hỏi tên xong thì vừa sờ mông nắn ngực vừa mơ màng nghĩ đến ai đấy. Có phải vì thế mà hầu hết những người có trí tưởng tượng phong phú thì hay được gọi là trí thức. Cái Quỳnh Hương làm được chừng hai tháng đã biết hút giỏi thuốc lá, nó hay khinh bạc ngửa mặt nhả khói vòng tròn. Còn chơi tá lả thì chúa trùm ăn gian, nhưng nó thường bỏ nhiều tiền ra mua báo. Loại mỏng thì linh tinh không kể xiết và loại dầy thì chỉ duy nhất hai quyển “Đẹp” và “Đàn ông”. Nó đọc báo đa phần nhăn nhó cảm động sầu muộn nhưng lắm lúc lại khanh khách bật cười. Có hai cô ca sĩ nổi tiếng mà nó cũng rất yêu, cả hai cô nghĩ quẩn như thế nào ấy rồi đi cãi nhau.
Đám fan hâm mộ ở cả hai phe a dua hưởng ứng viết bài lên mạng bới móc nói xấu đối thủ. Sau khi đọc xong, trước nhiều ống kính camêra truyền hình cả hai cô uất ức nghẹn ngào lăn ra ngất. Cái Quỳnh Hương đọc báo đến đấy thì hinh hích cười một mình như phát rồ, làm cho ba đứa ở cùng phòng ngơ ngác hoảng sợ. Cái Quỳnh Hương nói đi nói lại với Mỹ Linh rằng, đại loại cái nghề oái ăm mà chúng nó đang làm thì gần gần giống cái nghề của hai cô kia, tuyệt đối không cho phép quá xúc động.
Mỹ Linh phải cố không thở dài khi phải thả tay theo giọng lè nhè của gã khách trung niên bảo xoa thật nhẹ cho gã cái phần cuối cùng ở bụng dưới.
- Nó bắt đầu to rồi đấy.
Gã khách trung niên mỉm cười đắc ý, gã chân thành phấn khởi vì thường vào cái tuổi của gã rất khó làm được những gì theo ý muốn. Rồi đây gã bảo Mỹ Linh, em nên gọi anh là trợ lý tổng giám đốc, anh không phải là tài xế là thư ký. Mỹ Linh vừa vâng vừa cầm hai trăm nghìn tiền boa. Cô mang máng biết, ở vị thế và ở tuổi của gã mà vẫn không thực hiện được những ý muốn của mình là bất hạnh lắm. Mỹ Linh còn trẻ, rất trẻ thế nhưng đến tận bây giờ cô đã làm được cái gì theo mong muốn của mình đâu. Những lần hẹn hò với cậu Đại Thắng, cứ liên tiếp nhớ thì có vẻ rất gần nhau, nhưng đếm theo ngày ở cuốn lịch bỏ túi thì giữa mỗi lần là khoảng chừng một năm. Cái lần thứ hai mà Mỹ Linh xin về, không phải là Tết không phải là bố mẹ ốm mà chỉ vì cô nhớ nhà quá. Và tự nhiên cô cũng rất nhớ Đại Thắng. Mẹ Mỹ Linh được con gái và em gái dặn trước, lễ phép gọi điện lên xin cô chủ cậu chủ là cho cháu Chiền về quê để khánh thành nhà thờ Họ. Cậu chủ nghe phôn lưỡng lự không dám quyết chuyển cho cô chủ. Cậu chủ là người đẹp giai có học thích uống rượu rồi thích cả chơi bài.
Cậu lấy cô chủ không xinh lắm đơn giản chắc vì nhà cô chủ có vẻ khác thường. Bố cô chủ làm quan tới chức thứ bộ trưởng gì đó nhưng trong mấy số báo gần đây mà cái Quỳnh Hương có mua người ta hay chụp ảnh ông đăng vào mục tội phạm. Bên cạnh ảnh ông mặc cà vạt com lê là ảnh một má mì tóc nâu môi trầm mặt non choẹt chuyên lừa bán gái trinh lên biên giới phía Bắc. Rồi nhom nhem cuối trang báo là ảnh mấy thằng nhóc áo hoa chim cò xanh đỏ vừa ăn cắp vừa giật đồ ở bến xe phía Nam. Cô chủ và cậu chủ đều là người tốt, tính tình rộng lượng, gọi riêng Mỹ Linh vào phòng hỏi là sao cháu đột ngột xin về. Mỹ Linh nước mắt nhờ nhờ chẩy dài sụt sịt lúng túng, nó ấp úng kể là hôm thứ Bẩy tuần trước cái ông vào đây hay ngấm ngầm khoe là Chánh văn phòng Bộ trông giống hệt nam diễn viên Chánh Tín nhất quyết cởi truồng không chịu quấn khăn vừa ép vừa gạ Mỹ Linh làm chuyện ấy. Cậu chủ nốc cạn cả cốc Whisky bật cười khẩy.
“Tiên sư mấy thằng già, toàn là đồ mất nết”.
Mỹ Linh lại âm ẩm nước mắt khóc khan, không dám kể nữa. Cô chủ bảo là cháu cứ bình tĩnh ngồi xuống, nghe cô nói này. Cô thì cô đồng ý vì đây là lần đầu tiên và hơn nữa cháu là con bé rất ngoan. Đàn ông thì ai cũng vậy thôi, nếu không làm chuyện ấy thì sẽ bét nhè nát rượu như cậu chủ đây. Thế nhưng từ lần sau không có chuyện gì trọng đại, không phải là chuyện lễ tết thì tuyệt đối không được xin về. Gã khách trung niên bắt đầu lấy tay rờ rờ vào sâu trong váy của Mỹ Linh. Cái váy đồng phục cô bé đang mặc được cô cậu chủ đặt làm riêng. Thoạt trông thì rất hở hang nhưng phía trong là may hai lần lụa đúp. Cái lớp ngoài bằng sa tanh trắng phẳng là vô cảm làm nhiều người khi rờ rờ vào đấy kêu chán lắm. Cạp quần có khoá móc chìm, lẩn phía dưới nẹp là phéc mơ tuya đặt ngược chiều nếu không phải người có chuyên môn cao thì vô phương mở. Có một hôm lâu rồi cái ông sếp nhất mặt to môi mỏng đã uống sừng tê giác hay tắc kè cá ngựa gì đấy, loay hoay mãi không mở được tồng ngồng quấn khăn chạy từ phòng con bé Khánh Ly ra gọi cô chủ mắng ầm lên. Kể từ hôm ấy, cô chủ cho con bé Khánh Ly mặc loại váy thường chỉ kéo hơi nhẹ là đã tụt hoặc áo dài truyền thống may nhái theo kiểu thời trang Minh Hạnh. Đại loại, có miếng thổ cẩm đặt vá víu rất chướng lên chỗ gần mông hay gần ngực. Cuối buổi tàn đêm khách về hết, cậu chủ vẫn uống Whisky gác chân lên mặt bàn văng tục.
“Đồ con chó, già rồi mà vẫn cứ sủa như chó”
Cái ông phó đoàn có đeo kính trắng, ví hay để ảnh vợ và con gái giải thích cho Mỹ Linh là, ông sếp nhất không phải là người nói nhiều đâu. Khi họp chỉ đạo chống tham nhũng ở cơ quan, ông rất kiệm lời. Ông ấy có thừa điều kiện, thừa ba bốn cái vina “các con đã là cái đinh gì”, nhưng cứ đi mát xa lại nổi máu sốt sồn sột. Ông phó đoàn này xưng chú gọi con, khi đấm bóp thì không chịu cởi quần dài hình như ông vào đây là bị miễn cưỡng bắt buộc. Gã khách trung niên đợi mãi mà cái của mình cũng chẳng thể to hơn, lảm nhảm buôn chuyện với Mỹ Linh rằng mình chỉ là cái cặp tre gắp phân, khùng khục cười. Cái ông phó đoàn gầy gầy ấy chứ gì, trông giống như là đạo đức chứ gì. Ông ta không bao giờ ngủ với gái vị thành niên đâu, tội lỗi lắm. Có một lần cả đoàn đi Đồ Sơn, khi xem chứng minh thư con bé ngủ cùng phòng ngày mai mới đủ mười tám tuổi, ông nhẫn nại đập muỗi ngồi qua đêm chờ. Đạo đức mà đã đeo kính trắng thường bắt buộc phải thế. Tiền boa của ông bao giờ cũng chỉ năm chục, hai tờ hai mươi nghìn và một tờ mười nghìn. Có muốn lấy thêm thì đi mà gặp cái cặp gắp phân. Sau này Mỹ Linh chịu khó đọc báo thì biết, trong mười mấy bị can đang nức nở sám hối trước toà, ông phó đoàn duy nhất chỉ bị tuyên tội danh sơ xuất trách nhiệm nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Mỹ Linh chưa bao giờ nghĩ cậu Đại Thắng sẽ làm nổi một cái gì nghiêm trọng, kể cả rồi đây cậu nhẩy từ cái gác chuông xuống cái ao sen phía sau nhà Thờ. Cái mầu mặt tai tái của cái hôm chết hụt ấy ngấm đẫm nước cũng giống hệt mầu mặt tai tái của cái hôm cậu đi đón dâu ngấm đẫm rượu. Bố mẹ cậu phong phanh dò xét biết cái Chiền đã lên Hà Nội làm gì. Gái quê mới học hết lớp bốn mà không chịu đi làm thợ may không chịu đi khâu giầy. Dì nó bảo nó làm ô sin mà tóc nó lại vàng mà cổ nó lại có dây chuyền. Cậu Đại Thắng chỉ bàng hoàng thê thảm khóc. Tất cả bọn con trai khi lần đầu yêu đều thê thảm trong trắng khóc. Mỹ Linh đứng lẫn vào chỗ rất đông người tò mò xem mặt cô dâu. Lúc ấy là mười giờ sáng của mùng Sáu tết. Còn vào buổi chiều muộn của cái lần Mỹ Linh đột ngột xin về để như là nhận lời yêu của Đại Thắng thì đã cách hơn một năm rưỡi. Hai cô cậu hôn nhau thật lâu ở ngay giữa cánh đồng đang dang dở rơm dạ. Phía trên cao là những đám mây trĩu nặng mầu sữa đặc. Và trên những đám mây đó là mênh mông tít tắp nền trời rất trong rất xanh. Cậu Đại Thắng đã hết run thì cũng giống như nhiều đàn ông khác đang yêu, khá lắm mồm. Cậu kể là một buổi tối của một hồi đã lâu cậu ngồi suốt hơn hai tiếng ở chỗ đầu rẽ chân đê để chờ Mỹ Linh đi đâu đấy tan về.
“Hôm ấy em đi xem phim đúng không”.
Mỹ Linh ầm à ầm ừ kêu là không nhớ, mà nhỡ có phải bị xem phim Việt Nam thì cũng chẳng muốn nhớ làm gì. Còn hôm ấy là hôm Mỹ Linh chuẩn bị xin đi làm. Bà dì ruột đi xe ôm zdin ba, lần đầu tiên dẫn Mỹ Linh tới gặp cậu chủ. Cái quán đặc sản của thị trấn phòng VIP có gắn máy lạnh. Và tất nhiên như rồi đây bao nhiêu lần, cậu chủ mắt vằn uể oải đỏ nốc từng ngụm lớn Whisky.
“Mày thật đúng là bao nhiêu tuổi”
“Dạ, cháu nó kể cả tuổi mụ là mười tám”
“Tôi chưa hỏi bà. Còn mày, mày học đến lớp mấy”
“Dạ, con bé này nó học giỏi lắm, hồi lớp hai nó được đi thi văn trường Huyện”.
Lớp hai thì làm đếch gì có cái thứ chuyên văn huyện nào. Nếu người ta đã biết lo cho trẻ con như thế thì cái nước này đã khác. Cậu chủ bật cười, nhưng không hiểu sao Mỹ Linh thấy cậu có vẻ rất khổ. Về sau, thỉnh thoảng chứng kiến vợ chồng cậu cãi nhau trước mặt người làm, thì Mỹ Linh biết rằng cậu chủ đã một đoạn dài đi dạy đại học.
“Nhà mày mấy em”
“Nó là chị cả, dưới còn bốn đứa”.
“Bà đã nói cho nó là lên đó phải làm gì chưa”.
“Dạ, tôi bảo nó là ở Hà Nội lương nó sẽ tới cả triệu đồng”.
“Tao hứa với mày là có thể hơn. Nhưng sẽ chẳng hẳn sướng đâu con ạ”.
Cậu chủ rất ít khi được cô chủ cho đi tuyển nhân viên mới, chẳng qua giao tiền cho cậu thì cô yên tâm. Mỗi lần bắt buộc phải đi, cậu thường cắt tóc gội đầu mặt mũi cạo nhẵn để ít ra trông mình còn giống thằng Mã giám sinh, cậu vừa lảo đảo say vừa lè nhè nói. Còn bà dì ruột của Mỹ Linh đi cùng, về tới nhà kể thật hết cho cô chủ.
“Anh là đồ hâm, dở ông dở thằng. Nếu anh cảm thấy là cay đắng là nhục nhã thì đừng dúng mũi vào”.
Cậu chủ không đột ngột lắm thở dài, hơi cúi đầu nhưng vẫn nốc Whisky. Người ta đã biết uống rượu ngon thì phải biết ngoan. Vào hôm cái Quỳnh Hương bỏ đi, cậu bị cô chủ bóp đúng vào chỗ hiểm phải nằm viện gần hai tuần. Từ bệnh viện về cậu im bặt, chỉ khi cô sai gì mới ứng tiếng. Cậu ngồi dúm dó sau góc quầy bar, ngay phía sau lưng chị Diễm Quỳnh, liên miên uống. Những hôm vãn khách, ngay cả Mỹ Linh vốn rất mến cậu lại gần hỏi là có mồi thêm gì không thì cậu cũng chỉ nhúc nhắc đầu khe khẽ lắc. Mắt cậu hiu hắt mòng mọng, không hiểu đọng ở đấy là rượu hay là nước mắt. Cái Quỳnh Hương bị cô chủ đọc trộm nhật ký mới lộ ra là nó thầm yêu cậu chủ. Nó không kể tên cậu, chỉ nắn nót viết là “anh” chữ hoa. Ngoài đọc báo nó xem nhiều phim Hàn Quốc phim Trung Quốc. Nó viết là chưa bỏ chỗ ô nhục này là vì Anh. Cô chủ đanh đá gọi nó vào, gọi luôn theo cả Mỹ Linh.
“Cậu chủ đã cho riêng hai đứa chúng mày mấy lần tiền”
Mỹ Linh lí nhí “Dạ, một lần”.
Cái lần duy nhất ấy cũng không phải là cậu chủ cho Mỹ Linh. Bà dì ruột Mỹ Linh tức là mẹ ruột của cái Quỳnh Hương đi tìm thêm nhân viên cho cô chủ bị tai nạn giao thông ở đoạn đường dốc đi Sơn La. Bố của cái Quỳnh Hương vừa nghiện rượu vừa vô tích sự hấp tấp nghe tin lên đón vợ cũng bị tai nạn nốt. Cả hai lê lết hết tiền nheo nhóc nằm ở bệnh viện tỉnh, cô chủ cho phép cái Hương nghỉ sáu ngày lên chăm. Cô đưa ứng trước cho nó nửa tháng lương, và nhất quyết không chịu đưa thêm đồng nào. Một phần cô sợ nó bỏ việc, phần khác thì như cô nói.
“Con mẹ mày tham lắm, tao đã cho hẳn tiền đi xe ôm vẫn cố đâm đầu mà bớt để đi xe khách. Đấy là chưa kể còn nợ tao cả một đống tiền”.
Đống tiền ấy chừng là hai triệu và cái Quỳnh Hương cũng gom góp giấu giếm được chừng hơn hai triệu. Kể ra với thâm niên của nó như thế là quá ít, nhưng cái con dở hơi này tính khí lạ lắm. Khách vào phòng nó đa phần đi ra mặt đều hầm hầm, boa cho nó đại loại đúng như quy định. Chưa kể nó rất ham chơi tá lả, thỉnh thoảng nó còn đá gà đá vịt cả lô đề. Nửa năm lại đây càng ngày nó càng làm đối phó cầm chừng, tưởng nó chán nghề thế nào thì hoá ra nó ngấm ngầm phải lòng cậu chủ. Mỹ Linh tin rằng cậu chủ hoàn toàn không biết gì, không phải vì cậu đạo đức. Chị Diễm Quỳnh ngồi ghi vé ở quầy bar vẫn bảo, thằng đàn ông nào chẳng giống thằng đàn ông nào, bụng nhong nhóc đầy cứt, cái chính là cậu chủ chỉ thuần háo rượu chứ không háo sắc. Người đã biết uống rượu thường không biết yêu đàn bà. Hơn nữa, nguyên cái mặt cô chủ chắc cũng đã làm cho đời cậu đầy rẫy ác mộng rồi.
“Mày dám yêu cậu à, lãng mạn nhỉ. Thế cậu có yêu mày không”.
Cô chủ khinh bỉ trề dài môi, đôi môi của cô đã tốn bao nhiêu tiền để đi mỹ viện làm thành hình quả tim nhưng không hiểu sao nó vẫn phồng phồng giống hình quả cật. Mỹ Linh bật khóc còn cái Quỳnh Hương lỳ lợm nhìn cô chủ.
“Mày giỏi lắm, mày thách tao hả. Được, gọi thằng Đan Trường lên đây cho tao”.
Mỹ Linh gẫy sụp xuống ôm chân cô chủ, nó run rẩy mong cô bớt giận. Thằng Đan Trường tên cúng cơm là thằng Tịt, bố mẹ nó thay nhau đi tù vì buôn thuốc phiện đều không muốn có chửa nó. Thằng Tịt vô cảm tàn nhẫn, nó làm ma cô kiêm lưu manh ở cái nhà hàng này trên sáu năm rồi. Khi thằng Trường đánh cái Hương tàn khốc bằng gậy thì cậu chủ vào. Cậu chủ dữ dội nhìn rồi giơ tay giật gậy. Thằng Đan Trường cau mày nhanh nhẹn tránh, hung hăng vụt tiếp, nó chưa bao giờ tỏ ra là biết sợ cậu chủ. Cậu chủ quay lại nhìn cô, cô chủ đanh đá khinh bỉ nhìn cậu, bỗng cậu chủ tát mạnh vào mặt cô chủ. Thằng Đan Trường sững sờ ngạc nhiên đến mức rơi cả gậy, nếu đúng như là tiểu thuyết thì cuộc đời nó về sau hình như sẽ đổi khác.
Mỹ Linh nhắm mắt không muốn nghĩ, từ hôm Đại Thắng đi lấy vợ, Mỹ Linh tin rằng cuộc đời này vĩnh viễn không có gì là khác. Đứa em gái kế của Mỹ Linh đúng là học giỏi thật nhưng năm nay bố mẹ nó vẫn phải cho nghỉ học. Tết vừa rồi, Mỹ Linh về nhà đưa thêm tiền, nhất quyết không đồng ý cho em nó lên Hà Nội, cô muốn nó thà là cái Thơm còn hơn đổi tên thành Kim hít hóp. Bố chúng nó uống rượu thở dài, nói là thong thả vài hôm nữa sang khu chế xuất xin một chỗ vào khâu giầy. Cái Thơm chắc sẽ yêu được một người tốt giống như là cậu Đại Thắng. Hôm đón dâu, cậu Đại Thắng phờ phạc ôm bó hoa cưới, mắt len lén tránh ánh mắt của người mình đã yêu. Đám cưới ngay sau tết nên trời và đất đều dịu dàng rực rỡ. Cô dâu có khuôn mặt hao hao giống cô chủ, vì chưa bao giờ nghe cô dâu nói nên người làng cũng không biết cô dâu có phải người Thủ Đô không. Còn cái hôm cô chủ xông vào cậu chủ thì đúng đêm đó, trời lạnh lắm, cái Quỳnh Hương bỏ đi. Nó không báo công an như cô chủ đã lo và nó không bao giờ viết lại thư như cậu chủ thỉnh thoảng đã hốt hoảng mong.
Gã khách trung niên bắt đầu ngủ thật. Trước khi ngủ gã tự nhiên lè nhè kể, hôm rồi đi công tác vào Sài Gòn gã có gặp cái con bé mặt lầm lỳ mà ngày trước đã từng làm ở đây. Mỹ Linh cố lay để cho gã kể tiếp nhưng gã làu bàu như là văng tục mắt ríu chặt. Đàn ông khi uống rượu say tất thẩy đều rất buồn ngủ và khi họ ngủ thật thì trông đều rất lương thiện. Mỹ Linh đành vặn bé nhạc, tiếng nhạc thầm thì vẫn một giai điệu nồng nàn cũ, nhưng bỗng chập chờn lúc mờ lúc tỏ nghe gần giống như tiếng nấc./.
Mắt Của Mưa
Cho đến tận hôm nay, những người thân của tôi vẫn không hiểu tại sao tôi buông bỏ tất cả để đi làm hộ lý bệnh viện ở cái tỉnh sơn cước heo hút này. Mỗi năm tôi đều tằn tiện để ra đúng chín triệu một trăm ngàn đồng và như thế tôi phải mất mười năm.
Nguyễn Việt Hà
Người yêu tôi trước khi lên xe hoa lấy một nam ca sĩ tóc nhuộm mầu vàng rơm có giải thích là tôi đã vỡ nợ vì lô đề cờ bạc. Đúng, tôi có một món nợ bởi vì tôi không bao giờ quên nổi người đàn ông đấy, người đàn ông có ánh nhìn của mầu mưa mà tôi chỉ gặp một lần rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Nếu tôi không gặp ông ta thì hẳn tôi đã có một hôn nhân phẳng phiu thậm chí một sự nghiệp vừa nhiều danh vừa nhiều lợi. Tôi sẽ không bị đau đớn bị lang thang dằn vặt. Ông ta là ứng viên mang số báo danh mười bẩy, một con số gập ghềnh của sự bất trắc mà ngay từ hồi học phổ thông tôi đã rất không thích. Đó là một người đàn ông khó đoán tuổi, khí sắc và phong độ trông nhợt nhạt khác thường. Không rõ vì lý do nào mà ông ta đã vượt qua những vòng sơ loại gồm những trắc nghiệm vừa lồng cồng vừa rắc rối.
Bản đăng ký cá nhân của ông ta bị thiếu khá nhiều những thông tin bắt buộc như năm sinh như nghề nghiệp, ở dưới tấm ảnh 4x6 mờ mờ nhầu là dòng chữ viết tay cụt lủn “Với những câu hỏi vớ vẩn của các ông, tôi sẽ chắc chắn đoạt được giải nhất. Nếu không phải như thế thì cứ chặt mẹ cái đầu của tôi đi”. Thằng cha này bố láo thật. Bộ câu hỏi dành riêng cho chương trình được ban cố vấn gồm ba tiến sĩ và hai phó giáo sư loay hoay chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó đã uyên thâm tích hợp từ vô số nguồn kiến thức tinh hoa Đông Tây, rất nhiều lần chính tôi đã xem đi xem lại trước đáp án mà vẫn lờ mờ không hiểu. Ví như, “người ta làm cốc uống nước từ những gì dưới đây”. Sơn Tinh, Thủy Tinh, Hỏa Tinh hay Linh Tinh. Đáp án đúng là Thủy Tinh, nhưng tôi nhớ mang máng Thủy Tinh là người thậm chí còn là đàn ông, bởi chẳng có cái cốc uống nước nào lại vất vả đi cầu hôn rồi ghen tuông giận dữ vì không lấy được vợ.
Nói chung, trong nhiều bản lý lịch trích ngang đăng ký tham gia cái gameshow do tôi sẽ làm em xi, có kha khá những tuyên bố gây sốc của các ứng viên với mục đích nông nổi nhằm tạo ấn tượng với ban tổ chức. Sếp của tôi khi đọc thì bật cười khẩy, vò vò ném vào thùng rác dưới chân, ông khét tiếng là một đạo diễn truyền hình lọc lõi và lạnh lẽo. Thế mà ông lại chọn chấm cái tay đàn ông này. Không hiểu sao tôi không dám nhìn thẳng vào ông ta. Mắt của ông ta sẫm một mầu mưa, mà tôi thì sau cái tối thứ Bẩy oan nghiệt ấy, tôi sợ và ghét mưa. Không biết bao lần tôi tự an ủi rằng đấy không phi là lỗi của tôi. Tất nhiên sau buổi pạc ti, từ vũ trường ra tôi có uống kha khá Whisky, nhưng đường Tràng Thi là đường một chiều. Giữa mùa đông mà trời mưa rào nặng hạt và thằng bé đạp xe sai đường lại phóng rất nhanh. Chỉ thoáng “sầm” một cái, chiếc Vespa LX 150 của tôi đâm trực diện vào thằng bé. Nó ngã ngửa và mép trái của nó ứa một dòng máu đỏ sẫm. Đường phố vắng tanh và tôi bế thằng bé chạy bộ vào phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức. Nó nằm thiêm thiếp và bác sĩ bảo nặng đấy rồi làm thủ tục hành chính hỏi tôi. Nước mưa lạnh làm tôi tỉnh hẳn và tôi bảo nó là em trai. Lúc ngồi chờ tôi đã kịp lục cái cặp to đùng nhốn nháo sách vở của nó. Chắc nó đi chát muộn về. Nó mới học lớp sáu mà đã dám đi khuya khoắt thế này, chắc nhà nó cũng chẳng tử tế gì. Còn tôi, sáu giờ chiều mai tôi đã phải bay đi Úc. Tôi đã nỗ lực suốt một năm mới giành được cái học bổng thạc sĩ chuyên ngành truyền thông. Tôi là hiếm hoi của một xuất trong nhan nhản trăm rưởi ứng viên. Run run, tôi đọc tên và địa chỉ của nó từ cái thẻ học sinh nhầu nát nằm lỏng chỏng giữa mấy cái thẻ chơi game “Võ lâm truyền kỳ”.
Bác sĩ trực nhàn nhạt nhìn tôi nói rằng tốt nhất là cho thằng em trai chụp cắt lớp. Ngoài trời mưa vẫn sầm sập và trong phòng la liệt những người rên rỉ bị tai nạn giao thông. Tôi nộp tiền trước, trong túi tôi có chừng chín triệu đồng tiền mặt. Ngày mai tôi đã đi thật xa và liên hoan tối nay tôi đã nhận được thật nhiều quà. Tôi lại gần thằng bé, khuôn mặt nhợt nhạt làm tôi bị nhớ rất lâu. Thằng bé lim dim mắt lẩm nhẩm vô thức đọc đi đọc lại một số điện thoại cố định. Tôi rút mô bai bấm số. Phía đầu dây kia choe choé những tiếng văng tục cãi nhau. Một giọng đàn bà khê nồng vừa gọi tên thằng bé vừa chửi bậy. Tôi thông báo thằng bé bị tai nạn đang nằm ở đây. Người đàn bà đó lặng đi rồi tru chéo òa khóc. Người yêu tôi thường nói rằng tôi là người rất thông minh và tôi tỉnh táo cúp máy. Tôi mở ví lấy hết tiền, có gì như là cắn rứt rồi nhét vào túi áo trong thằng bé. Tôi liếc quanh, lén lút hấp tấp đi ra cửa. Chợt tôi thấy rõ nét một ánh mắt đùng đục mầu nước mưa, nhìn mãi theo. Nó cứ vơ vẩn đọng ở đâu đấy trong suốt cả hơn hai năm tôi học ở nước ngoài. Còn bây giờ, ánh đèn sân khấu chói gắt và tôi chuyên nghiệp nhìn thật thẳng vào ống kính máy quay.
Người đàn ông sẽ đứng giữa ba người chỉ bởi đơn giản hai người còn lại là phụ nữ. Cô gái đứng sát tôi hai mươi hai tuổi, kế toán viên có thâm niên chưa đầy một năm thuộc ngành ngân hàng. Cô có cầm theo vài cuốn hồi ký của ông Tổng giám đốc ngành cô đến tặng chương trình. Ông Tổng không xa xỉ chơi gái cũng không đê tiện tham nhũng chỉ lành mạnh đơn giản ngồi viết tự truyện, vậy mà bị báo chí tơi bời cằn nhằn rất nhiều. Cũng giống như những ông Tổng khác, đương nhiên ông phải lấy tiền cơ quan ra in sách. Trước đó vô tình tôi có đọc qua. Khác hẳn với tự truyện của các nữ nghệ sĩ, hồi ký của ông Tổng không nói xấu bố mẹ không đá xoáy đồng nghiệp và cũng tuyệt không nhớ những người tình cũ. Ông chỉ giải thích tại sao mà từ một cậu bé chăn trâu bỗng thành ông Tổng. Ông kể thủa thơ ấu vất vả đi bắt đom đóm đêm đêm ngồi học. Đến bây giờ tuy đang ở vila và trong phòng làm việc luôn sáng trưng các bóng ngắn bóng dài nhưng đôi lúc phải ký công văn tuyệt mật hoặc thăng hoa sáng tác, ông Tổng vẫn thích nhất là ngồi dưới ánh sáng của một ống bơ gỉ ở trong đựng đầy đom đóm. Theo sự sắp xếp của chương trình, khi tôi hỏi về sở thích riêng của cô kế toán thì cô sẽ trả lời là vô cùng yêu thích thể loại hồi ký vì nó trung thực không giả dối bịa đặt. Tiếp đó, cô sẽ hát một bài ngành ca. Đại loại ca từ là lời của một cô thu ngân vừa đếm tiền vừa trữ tình tâm sự với một gã trai nào đó, rằng ngân hàng không chỉ túi bụi con số không chỉ lanh canh đồng tiền mà ở sâu xa luôn nhưng nhức một dịu dàng trái tim. Đứng phía bên kia của người đàn ông là một thiếu phụ cô giáo dậy văn cấp Hai đã có hôn nhân nhưng lại đang độc thân.
Nếu chỉ nhìn cách ăn mặc và cách bôi son phấn thì vài nguời nông nổi sẽ đoán chồng cô đã rất phấn khởi khi viết đơn ly dị. Nghề của thiếu phụ trùng với nghề của người yêu tôi, mà sau khi phát sóng chương trình này chúng tôi vĩnh viễn chia tay nhau. Cũng như người yêu tôi, thiếu phụ cô giáo thích làm thơ yêu sự cô đơn ghét điều dung tục và trân trọng kiến thức nhân loại. Ở phần tự bạch, cô giáo sẽ ngâm một đoản thi nhang nhác giống của người yêu tôi, nó có bơ vơ mùa thu có tình yêu cay đắng và đặc biệt phải có một người con gái vị tha cao thượng. Tôi đã nhiều lần thua khi tranh luận về thi ca với nàng.
“Anh chẳng hiểu gì cả, thơ là một khái niệm rất sâu”.
Tôi để tay rất sâu vào trong người em. Chúng tôi đang ở trên sàn nhảy của một vũ trường lớn. Tôi thật sự say mê em bất cần sự để ý của xung quanh vì kha khá đám đông nhẵn cái bản mặt của tôi. Sau khi học ở Úc về, tôi là phát thanh viên của mục kinh tế thị trường nhưng rồi chị MC của chương trình này nhân lúc chồng đi xa bỗng đột ngột có bầu nên lãnh đạo tạm điều tôi sang để vá chỗ. Thật đúng ra thì tôi phải làm ở chương trình dự báo thời tiết. Đạo diễn mới học ở Mỹ về đã nẩy ra một ý tưởng độc đáo. “Dự báo thời tiết” sẽ không khô khan theo kiểu một người cắm cúi ngồi đọc nữa mà sẽ là một loạt sáu đến bẩy nam thanh nữ tú lần lượt đi ra đi vào tùy theo tình hình khí tượng. Ví dụ, nếu ngày mai là một ngày nắng đẹp trời trong thì sẽ là cô á hậu người gốc Tuyên Quang. Nếu là áp thấp nhiệt đới còn đang lòng vòng ngoài biển Đông thì sẽ là một nữ sinh mắt môi huyền bí vừa đoạt giải người đẹp Trung học. Theo đạo diễn, mặt tôi có nét buồn rười rượi rất thích hợp ở những ngày âm u mưa Thu dầm dề. Giống như nhiều đàn ông thông minh, tôi tự biết rằng muốn người khác thấy mình là sâu sắc thì không có cái gì bằng mặt mũi phải ngân nga cô đơn miên man buồn. Khi quay thử thì tôi bị loại, một nam ca sĩ chuyên hát nhạc sến đã được chọn. Anh này mặt còn uớt nhão hơn tôi và đã từng nhiều lần đi chụp quảng cáo cho hãng sản xuất máy hút ẩm.
Hôm tôi học xong thạc sĩ quay về, trời Hà Nội cũng đang lê thê mưa phùn ẩm ướt. Tôi bí mật đi đến địa chỉ của thằng bé. Nó là một đoạn rìa ô đang từ làng lên phố rất đông những gia đình làm nghề lao động chân tay. Bố của thằng bé là liệt sĩ, bà bán trà chén ở đầu phố khi tôi khôn khéo hỏi thì bảo, đấy là chị vợ nói thế chứ chẳng rõ thật không. Đàn bà không chồng mà có con thì xóm này đầy. Cái thằng cu ấy bị tai nạn người ta bỏ trốn bây giờ phải dùng xe lăn. Tôi hơn một lần ngồi ở hàng cà phê chênh chếch nhà thằng bé. Qua cửa sổ xộc xệch cánh gỗ tối sẫm, thằng bé lờ mờ như đang chơi game. Thỉnh thoảng nó ngước nhìn ra và tôi thảng thốt giật mình thấy cái nhìn đó sũng một mầu nước mưa. Tôi không bao giờ quay lại đấy nữa. Tôi đang có rất nhiều dự định bận rộn dang dở và tôi đang yêu. Cô giáo dạy văn của tôi nói rằng yêu nhất ở tôi là sự thông minh đầy trong sáng trung thực. Tôi trong sáng thông minh cao giọng.
“Xin chào mừng các quý vị khán giả đã đến với chương trình những ô chữ diệu kỳ. Một chương trình được nhiều người mến mộ và được sự tài trợ của hãng thời trang...”
Tôi sang sảng phát âm rất Tây cái tên Ta viết không dấu của hãng chuyên làm đồ lót và băng vệ sinh phụ nữ. Người yêu tôi tuyên bố là sẽ không bao giờ dùng đồ của hãng này nhưng vẫn tha thiết yêu tôi. Hãng có đề nghị chụp mặt tôi lên poster quảng cáo, phía trên đầu tôi bay rợp trời là băng vệ sinh được cách điệu thành những cánh chim én. Chạy ngang dưới cằm tôi là một trong hai dòng chữ tùy tôi chọn. Hoặc “mãi mãi là mùa Xuân”, hoặc “như có như không”. Nếu không vì tình yêu thì khi thấy giá tiền suýt nữa tôi đã đồng ý.
Gameshow của tôi được mua bản quyền từ một nước chậm phát triển, nó có luật chơi tương đối đơn giản. Trước mặt người chơi là vài ngăn ô chữ chưa mở. Dưới từng ngăn sẽ là vài dòng giải thích về nội dung cái khái niệm mà người chơi phải luận đoán. Người chơi sẽ đoán từng ô chữ, mỗi ô chữ được một lượng điểm nhất định, rồi cuối cùng sẽ ghép các ô chữ lại thành một khái niệm có nghĩa. Ví như, trong lần phát sóng trước có một ngăn gồm bốn ô chữ có chú thích “Đây là một thứ mà nhiều phụ nữ nghén thường thèm”. Hôm đấy, có cô ca sĩ đã đoán được ba chữ. B, U rồi cách một ô đến chữ cuối cùng là I. Cô ca sĩ đã có số điểm rất cao hồi hộp bỗng đỏ mặt nhìn tôi căng thẳng thỏ thẻ “Em xin đoán chữ Ô”. Cả hội trường bên dưới bật vang rền tiếng vỗ tay của nhiều quý bà reo hò tán thưởng. Tôi nhìn lại đáp án, chẳng có chữ Ô nào cả mà đấy là chữ Ơ. “Buởi - một thứ mà nhiều phụ nữ nghén thường thèm”. Cô ca sĩ chưng hửng tuyệt vọng và tôi sâu xa thông cảm.
Trước khi vào phần đoán ô chữ thì ba người chơi phải trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm bằng cách nhanh tay bấm chuông. Đại loại, “Nữ diễn viên Ánh Ửng Hồng đã từng đoạt giải Cánh Cung Vàng thì có mấy con”. Phương án A là 1, phương án B là 2, phương án C là 3, phương án D là 4. Người chơi sẽ chọn duy nhất một phương án. Đây là câu mang tính kiến thức tổng hợp cao, hai phó giáo sư và ba tiến sĩ đã thề với nhà tài trợ là vô số người sẽ trượt ở câu này. Theo lô gích, nữ diễn viên phải giữ eo, nên đa phần người chơi sẽ chọn A hoặc B. Nhưng đáp án lại là D, bởi siêu sao này đã có ba đời chồng. Người chơi đi đến vòng cuối cùng sẽ lĩnh được giải thưởng chẵn một trăm triệu đồng. Cho đến giờ, chương trình đã mười chín lần phát sóng nhưng chưa có ai đi tới vòng cuối. Và người lập được kỳ tích ấy chính là người đàn ông nhợt nhạt kia. Ông ta làm tôi rất mất cảm tình vì cái vẻ uể oải trịnh thượng. Ông ta luôn bấm chuông sau hai ứng viên nữ và nếu một trong hai người đó trả lời đúng thì ông ta mặt lạnh chờ câu sau. Cuộc thi đã đến những câu gần cuối và ông ta đang sở hữu một số điểm rất cao. Cô kế toán đã bị loại, cô luôn hấp tấp bấm chuông đầu tiên nhưng trả lời thì rất sai. Ví như câu hỏi “Loài chim nào có thời gian sống ở trong nước nhiều nhất” thì cô vội vã không cần nhìn các phương án đưa ra mà khẳng định ngay là chim của Chử Đồng Tử. Sau đấy cô có giải thích, ông Chử nghèo quá không có quần áo nên suốt ngày phải ngâm mình dưới nước để đánh dậm. Cô kế toán được nhiều tiếng vỗ tay cảm tình của các quý ông nhưng vẫn phải ra về với phần quà của nhà tài trợ. Thiếu phụ cô giáo thì thỉnh thoảng trả lời đúng ở câu trắc nghiệm nhưng khi đoán ô chữ thì lại toàn đoán trượt. Thiếu phụ cay cú nhìn số điểm đang tăng của người đàn ông và hơn một lần liều lĩnh giở tiểu xảo. Cô giáo khéo léo làm như vô tình buột một khuy áo ngực rồi khẽ lúc lắc hướng về người đàn ông khi tay này đang lưỡng lự trả lời câu hỏi. Tôi cũng a dua bằng cách nhè đúng lúc ông ta đang cau mày ngẫm nghĩ là tôi đếm ngược. “5, 4, 3 ...” nhưng đúng lúc đó thì ông ta trả lời và câu trả lời chính xác một cách lạ lùng.
Đã tới vòng cuối cùng, các ô chữ vừa được lật hết và chỉ cần thêm một câu hỏi phụ thì ông ta sẽ lĩnh trọn cả một trăm triệu. Ở bên duới có loáng thoáng xì xào rằng giữa người chơi và người dẫn chương trình hình như có tháu cáy. Tôi ấm ức phẫn nộ. Vị đại diện của hãng tài trợ ngồi ở hàng ghế đầu mặt mũi xám ngoét gượng gạo miệng meo méo cười. Tôi chậm rãi đọc “Trong liên hoan ca nhạc khu vực tám hồi tháng Sáu vừa qua, nam ca sĩ có tên là Trường nhuộm tóc mầu gì”. A là đỏ, B là xanh, C mầu vàng rơm còn D mầu tím sẫm. Ông ta nhợt nhạt nghe, mũi lấm tấm đổ mồ hôi và tôi khoái thầm. Câu hỏi này mang đậm tính chuyên môn, nó đòi hỏi người chơi phải đọc và nhớ vô số những báo có bìa sặc sỡ. Ông ta khe khẽ nhắm mắt.
“Tôi xin được dùng quyền trợ giúp”
Ô kê, có thế chứ, tôi hả hê hỏi “Anh sẽ gọi điện thoại cho ai”. Ông ta đọc một số điện thoại di động rồi vẫy tay ra hiệu là tôi có thể đếm giờ. Tôi hân hoan “60 giây trợ giúp bắt đầu”. Giọng đầu giây bên kia, tiếng loa được khuyếch đại rõ nét. “Alô, ai gọi tôi đấy ạ”. Người đàn ông nghiêm giọng.
“Anh có phải nam ca sĩ có tên là Trường không”.
“Vâng, xin lỗi ai đấy ạ”
“Hồi tháng sáu vừa rồi khi đi hát anh nhuộm tóc mầu gì”
“Mầu vàng rơm”.
“Thế có bao giờ anh nhuộm tóc mầu đỏ hoặc xanh hoặc tím sẫm”.
“Thằng nào mà hỏi ngu thế. Có ai dở hơi lại nhuộm tóc theo những mầu ấy”.
Ông ta không đợi hết giờ, tự ấn nút ngắt máy, thong thả nói “Tôi chọn C, vàng rơm”. Tôi cũng như khán giả, kinh ngạc đến chết lặng. Phải vài phút sau tôi mới lắp bắp “Chúc mừng anh. Tiện đây xin hỏi, một trăm triệu là số tiền khá lớn, vậy nếu không bí mật xin anh cho mọi người cùng biết là anh sẽ dùng vào việc gì”. Ông ta nhếch mép cười, rút trong túi ngực ra một tờ giấy đã viết sẵn đưa tôi. Tôi hoang mang cao giọng đọc.
“Chín triệu đồng chẵn tôi từ thiện cho người dẫn chương trình. Số tiền còn lại tôi xin được chuyển đến địa chỉ...”.
Tim tôi co thắt và tôi bàng hoàng đánh rơi tờ giấy, mặc kệ đạo diễn trong hậu trường hoa chân múa tay đang thất thanh gào thét. Cái địa chỉ của thằng bé, tôi luôn bị nhớ rất lâu. Tôi sững người chăm chăm nhìn ông ta. Người đàn ông nhợt nhạt nhìn lại, cái nhìn thăm thẳm mờ mờ của mầu nước mưa.
Hai ngày sau, không hề nói với ai, tôi rời Hà Nội. Hôm ấy, trời lãng đãng nhiều sương mù và sau đám dầy sương sớm ưng ửng vài vệt nắng nhẹ./.
3/1/2007
Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Việt Hà
Nguyễn Việt Hà:
Tôi luôn khát khao sự trong trẻo
Gây sốc với tiểu thuyết "Cơ hội của Chúa" cùng hàng loạt truyện ngắn, với giọng văn tưng tửng, bất cần, hóm hỉnh nhưng ngoài đời, anh lại có vẻ chỉn chu, thận trọng của một công chức. Là nhà văn nhưng công việc chính của anh là một nhân viên tại Ngân hàng công thương.
- Bộ phim mới ra mắt " Của rơi " mà anh viết kịch bản, có những chi tiết hơi vụn và gãy, anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Đó là lỗi của tôi và anh Vương Đức . Anh Đức muốn làm một kiểu mới, nhưng có thể nó vẫn chưa đạt được tới điều mà chúng tôi mong muốn. Ở kịch bản này, tôi chỉ muốn nói đơn giản rằng: Trí thức là một thứ của rơi, ai nhặt được thì sẽ may mắn. Nhưng anh Đức muốn có thêm một của rơi nữa, đó là tình yêu. Kịch bản này của tôi ra đời là nhờ công Vương Đức rất nhiều, bởi ngôn ngữ điện ảnh rất khác với ngôn ngữ văn học, một cái là tư duy trừu tượng, còn một cái lại là tư duy hình tượng. Hai năm qua, mỗi năm anh Đức nhốt tôi 1-2 tháng trên Đại Lải để bàn bạc.
- Trong tiểu thuyết, truyện ngắn hay kịch bản của anh luôn có một nhân vật là trí thức có tài, trong sáng nhưng bất cần, lập dị, lúc nào cũng tự coi mình là hiền sĩ và... uống rượu rất giỏi. Phải chăng, họ có đôi nét giống anh ngoài đời?
- Thường người ta hay viết những cái gần giống mình. Những nhân vật đó có sự buồn chán, có sự khát khao của tôi, nhưng không hẳn là tôi. Tôi và nhân vật của tôi thích uống rượu, uống rượu giỏi nhưng không nát rượu. Khi con người, đặc biệt là khi trí thức buồn chán thì họ phải làm một cái gì đó để giải chán như yêu đương, uống rượu hay tồi tệ hơn là cờ bạc. Nhân vật của tôi chọn rượu vì có thể nó hợp với họ. Một trong những phẩm chất của người trí thức là rất nhạy cảm và có khả năng đối thoại với im lặng, đối mặt với sự cô đơn. Bản chất của nhân vật Hoàng trong Cơ hội của Chúa là trong trắng, nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố và tệ bạc thì bị ăn đòn. Tuy nhiên, trong cuộc đời, tôi luôn khát khao tới sự trong trẻo.
- Vậy, theo anh, giới trí thức bây giờ đang bị bế tắc?
- Cái gọi là lý tưởng của giới trí thức rất mù mờ. Họ thông tuệ, ưu tú, muốn cống hiến, đóng góp cho cuộc đời, nhưng không khí đời sống Việt Nam hiện nay rất bình ổn. Chính điều này không tạo điều kiện tối ưu cho trí thức bộc lộ khả năng. Trí thức phải luôn tự hỏi, luôn băn khoăn về cuộc sống, về tình yêu và sự nghiệp. Vì sao bây giờ thanh niên lại đua xe, dùng thuốc lắc và rơi vào sự chán chường, phải chăng là do thế hệ đi trước đã để lại một khoảng trống thì trẻ con đi sau không có đức tin? Nếu tôi không có đức tin vào Chúa thì chắc cũng là một thứ rất tệ.
- Vì sao trong truyện, anh luôn mô tả công sở một cách hài hước với những nhân vật vô tích sự và một không khí trì trệ?
- Hệ thống công sở ở VN cũng như cuộc sống công chức nói chung là trì đọng, nhàm chán. Cuộc sống công chức chỉ cần làm theo nếp, kinh nghiệm chứ không cần tới sự sáng tạo. Họ là những phiên bản hao hao nhau và rất phẳng phiu. Tôi đả phá chế giễu đời sống công chức bởi chính sự nhàm chán đó sẽ tiêu diệt trí thức.
- Hiện anh đang viết về đề tài gì vậy?
- Một cuốn dài dài, cũng về vấn đề đương đại thôi. Đô thị, tuổi trẻ, trí thức luôn là những vấn đề tôi quan tâm. Tôi không để ý lắm tới cốt truyện, nhân vật sống và làm việc như thế nào, mà chỉ quan tâm tới vấn đề tại sao họ lại sống như vậy.
- Cống hiến cho công sở 8 tiếng "ưu tú" nhất trong ngày, anh viết vào lúc nào?
- Quan trọng đối với nhà văn là quyền được nghĩ chứ không phải là được viết. Khi đã nghĩ ra được thì viết cũng nhanh thôi.
Thu Hương thực hiện Việt Báo (Theo_VnExpress )
Nguyễn Việt Hà:
Nhà văn nào cầm bút cũng phải có nghĩa khí
26.4.2013
Nhà văn Nguyễn Việt Hà do hoạ sĩ Hoàng Tường vẽ
KIM YẾN
NVTPHCM- “Đau đớn lớn nhất của tôi là phải sống cùng những kẻ gây ra đau đớn cho người khác. Và bất hạnh thay, đôi lúc nào đó kẻ ấy lại chính là mình”- nhà văn Nguyễn Việt Hà nói.
Ngày 22.3, bản Pháp ngữ cuốn Cơ hội của Chúa, tiểu thuyết đầu tay gây nhiều tranh cãi của Nguyễn Việt Hà được xuất bản tại thủ đô ánh sáng, qua bản dịch của Đoàn Cầm Thi, nhân dịp ra mắt tủ sách Văn học Việt Nam đương đại trong Hội chợ sách Paris 2013.'
Sau tiểu thuyết Khải huyền muộn, nhà văn Nguyễn Việt Hà im lặng một thời gian khá dài, tránh né báo chí và suốt ngày vùi mình trong thư viện. Những tập tạp văn Nhà văn thì chơi với ai, Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu… gần đây vẫn tiếp tục giọng văn khôi hài, khắc hoạ thật sinh động trạng thái tinh thần và câu chuyện tâm thức của con người thời đại, nhất là con người đô thị.
* Là một trong ba nhà văn được chọn giới thiệu trong Hội chợ sách Paris 2013, anh có hy vọng gì về con đường bước ra khỏi biên giới hình chữ S của văn chương Việt?
- Không hy vọng nhiều lắm, cho dù đã có phản hồi tích cực từ phía người đọc. Hình như ở ta ít người quan tâm đến vấn đề này mặc dù có khá đông những hội nghị hội thảo với slogan đại loại “văn chương Việt giong buồm ra biển lớn”. Tuy nhiên, ở Pháp có hẳn hoi một nền văn hoá đọc nên văn chương đến từ đâu cũng được nhìn bằng con mắt xanh. Quanh Paris, chỗ nào cũng có người hoặc đứng hoặc ngồi đọc sách.
* Tiêu chí của tủ sách Văn học Việt Nam đương đại là gì?
- Đa phần mục đích hoặc những quan tâm của độc giả nước ngoài là muốn “sờ thấy, chạm vào hơi thở của cuộc sống hôm nay tại Việt Nam”, nên một trong vài tiêu chí lớn của tủ sách do tiến sĩ Đoàn Cầm Thi đề xướng đã đi theo hướng đấy. Để hiểu một đất nước, một dân tộc khác thì đọc tiểu thuyết là một trong những cách tối ưu. Có điều, văn học Việt Nam đương đại đã đẫm đầy “hơi thở của cuộc sống hôm nay tại Việt Nam” chưa? Thêm nữa, dịch giả là vấn đề cực kỳ quan trọng.
* Qua Hội chợ sách Paris vừa qua, anh đánh giá như thế nào về người đọc hôm nay, đặc biệt là độc giả trẻ? Những vấn đề mà người trẻ quan tâm?
- “Trình” đọc của bọn họ chắc chắn là cao. “Phông” văn hoá cơ bản của họ tốt thế cơ mà. Còn vấn đề độc giả trẻ quan tâm là gì thì chịu, chắc không hẳn là sex hay ly kỳ. Bởi thế hệ người đọc tử tế nào mà chẳng quan tâm đến tình yêu, đến niềm vui hay nỗi buồn. Hoặc sự phẫn nộ trước cái vừa ác vừa dung tục. Hay sự xót xa cảm thông trước những đớn đau.
* Theo anh, văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới liệu đã chạm mạch được với những khủng hoảng tinh thần đang tràn ngập, khởi nguồn từ khủng hoảng kinh tế và đời sống nhân văn, trở thành bi kịch chung của toàn nhân loại?
- Thời nào thì văn học cũng đồng hành với những vấn đề mà chị nêu. Xưa nay vẫn vậy. Văn học chân chính thì dù là “phản ảnh hiện thực” hay “chẳng hiện thực” thì lúc nào cũng đẫm đầy buồn bã thở dài. Có điều, ở thời này, những cái thở dài đấy mang vẻ giễu cợt mệt mỏi hơn.
* Sự băng hoại về đạo đức, sự biến đổi khôn lường của nhân cách thị dân, nhân cách người trí thức trước thử thách của đồng tiền tràn ngập trong các tác phẩm của anh. Bi kịch ấy diễn ra âm thầm từ nhiều thế hệ, từ nhiều khoảng lặng thời gian, lịch sử, hay là chỉ mới đây thôi?
- Người ta càng lớn tuổi thường càng tha hoá. Rất hiếm thấy người già nào lại vừa ngây vừa thơ, vừa xanh vừa non. Dòng chảy của cái gọi là “cuộc sống nhân loại” cũng thế thôi, đến kỳ già rồi. Đức Phật đặt tên cho cái chu trình đấy là “hưng, thành, hoại, huỷ”. Có “sinh” thì có “tử”, có “thịnh” thì có “mạt”. Những nhân vật ở tác phẩm của tôi số đen, hình như bị sống vào thời mạt. Nên những “băng hoại về đạo đức” hay “biến đổi khôn lường về nhân cách” thì cũng chỉ là sự chẳng đặng đừng. Người lành mạnh nào chẳng muốn vợ chồng thì thuỷ chung, bạn bè thì tín nghĩa, đàn ông thì hào hiệp phóng khoáng, đàn bà thì tần tảo ôn nhu. Tiếc thay, đấy là những phẩm chất của thời thịnh, khi sự hưng sự thành đang là chủ đạo.
* Điều gì khiến anh đau đớn nhất khi nhìn thấy những nghịch cảnh của sự tha hoá? Sự xuống cấp của văn hoá, kể cả văn hoá đọc, trong thời buổi quá độ văn minh?
- Đau đớn lớn nhất của tôi là phải sống cùng những kẻ gây ra đau đớn cho người khác. Và bất hạnh thay, đôi lúc nào đó kẻ ấy lại chính là mình.
* Từ khi nào anh biết giễu cợt mọi sự, giễu cợt cả chính mình, để nhìn ra “người Hà Nội xấu xí”, “người Việt xấu xí”? Phải chăng điều đó đã giúp anh hình thành “món hài Hà Nội”?
- Tôi chưa bao giờ viết “người Hà Nội xấu xí” hay “người Việt xấu xí”. Tôi không tin những người nào biết giễu cợt mọi sự. Nếu chẳng may có lúc nào đó tôi trót nhỡ thể hiện như thế thì xin thể tất cho tôi. Vì tôi cũng hay được gặp cái đám người thích “giễu cợt chính mình” rồi “giễu cợt mọi sự”. Tất cả cái đám đấy đều đạo đức giả hai lần, bại hoại còn hơn nguỵ quân tử.
* Nhiều người gọi anh là “nhà văn công giáo”. Sự thấu hiểu tôn giáo, lịch sử, triết học phải chăng đã giúp anh tái hiện chân thật thế giới hôm nay, những cái tôi bí hiểm, bất ổn, hoài nghi, đổ vỡ…?
- Nhà tôi đạo dòng. Tôi sinh ra và bây giờ vẫn lớn lên ở một phố “toàn tòng”. Ông ngoại tôi là một cụ trùm có tiếng công chính. Tôi may mắn được gặp những vị cha đạo đức và uyên bác. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn đầy tội. Đúng là thật “bí hiểm, bất ổn, hoài nghi, đổ vỡ...”
* Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng tác phẩm của anh luôn ẩn chứa một sự nguy hiểm tinh thần đáng sợ đối với các “đồng nghiệp” của anh, những người “cùng lý tưởng nhưng khác hạng”. Sự “lạ hoá” của anh không chỉ trong tinh thần, tư tưởng, mà còn ở phương thức thể hiện, trước hết là ngôn từ. Anh có thấy nguy hiểm không khi thoát khỏi mọi trật tự của đời sống để “chơi cùng cái hỗn loạn”?
- “Thanh kiu” bác Thiệp. Chỉ cần được bác coi là bạn thôi cũng đã thấy an ủi bớt đi nhiều nguy hiểm.
* Tiến sĩ văn chương Đoàn Cầm Thi cho rằng “Nhà văn Việt hơn bao giờ hết nối đường kẻ sĩ, hạch hỏi thời đại và cá nhân mình, như một kiểu triết gia. Nhưng khác với các bậc tiền nhân, họ không còn nữa ý định cắt thuốc cho những căn bệnh xã hội, mà tồn tại như chỉ để khảo sát nỗi đau thế kỷ mà thôi”. Anh có cho rằng người cầm bút hôm nay đã mất đi nghĩa khí cần thiết để hoàn thành thiên chức của mình?
- Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi là bạn tôi. Ơn Chúa đã cho con những người bạn tuyệt vời như vậy. Có thể quan niệm của Thi xuất phát thuần tuý từ góc độ một nhà nghiên cứu phê bình. Về phần tôi, “thiên chức” là “đặc sản” thuật ngữ do Thiên Chúa sở hữu. Còn thì, bất cứ nhà văn nào cầm bút cũng phải có “nghĩa khí”, tất nhiên tuỳ từng cách hiểu. Văn học không có chỗ cho bọn hèn nhát và vô cảm.
* Anh viết nhiều về chuyện đàn ông, chuyện đàn bà, anh nhìn thấy những nghịch lý nào từ chuyện “đàn ông uống sữa, đàn bà uống rượu”? Anh có thất vọng nhiều không về đàn ông, đàn bà thời nay?
- Tôi không hy vọng vào “đàn ông uống sữa”, nhưng có mong manh hy vọng vào “đàn bà uống rượu”. Đàn bà uống nhiều rượu thường quên mất cách đếm tiền.
* Liệu thời buổi “mạt pháp” này còn có chỗ cho những “đại tự sự”? Những giá trị đích thực của lòng yêu nước, tình yêu, sự vị tha?
- “Tự sự” dù là “đại” hay “tiểu” là câu chuyện của hình thức thi pháp. Lòng yêu nước hay sự vị tha là câu chuyện khác, nó có thể vẫn là vấn đề của cả “đại” và “tiểu”. Mà nói cho cùng, làm sao mất được những “đại tự sự”. Bởi khi “tiểu tự sự” nhan nhản a dua nhau tràn ngập thì dù không muốn nó vẫn tự thành một thứ “đại”. Tôi đơn giản hiểu, “tiểu tự sự” chỉ là một cách nói nhằm chống lại một sự độc trị của một thứ duy nhất hình thức.
* Trong tình yêu, anh là một người đàn ông như thế nào? Hiểu về đàn bà có giúp anh tìm thấy được hạnh phúc riêng tư? Anh quan niệm thế nào về hạnh phúc?
- Trong tình yêu mà trong sáng chân thành, thì mọi đàn ông đều lẫn lộn mơ hồ, tuyệt đối không có khái niệm “hiểu”. Ở tuổi tôi bây giờ, không nên trông ngóng về hạnh phúc. Bởi nỗi bất hạnh lớn nhất là đã có lúc mình hạnh phúc.
* Anh có cho rằng văn học đương đại chưa đồng hành được với đời sống hôm nay? Theo anh, điều gì cản trở chúng ta không lớn được?
- Văn học nói riêng cũng như nghệ thuật nói chung, chưa đồng hành được với đời sống là do nó thiếu tài năng chứ không phải là do vấn đề nó phản ánh. Tất nhiên, tôi là người Hà Nội thì viết về Hà Nội là điều dễ nhất đối với tôi. Thế nhưng, cùng là trải nghiệm chẳng hạn, thì khi viết nên chọn những trải nghiệm mình ấn tượng nhất. Ví như tôi không thể nhớ được nụ hôn đầu hay truyện ngắn đầu, nhưng cốc rượu đầu tiên thì tôi rất nhớ. Còn nếu có điều gì cản trở chúng ta (tôi hiểu là tác phẩm) chưa có tác giả lớn thì đó không phải là lỗi của chúng ta. Bởi đơn giản đấy là ý Chúa.
* Anh từng tâm sự “viết cũng là một cách để tu thân, nếu không biết đâu tôi đã thành một kẻ nghiện hút…” Dường như anh đã trải qua những khúc quanh u tối tưởng chừng có thể đổ gục?
- Tôi từng tâm sự như thế thật à? Có lẽ ở một lần bị phỏng vấn nào đấy chăng. Nói chung độc giả đừng tin lắm vào đám nhà văn khi họ bị phỏng vấn. Nhà văn Mỹ John Updike bảo: “Tất cả những gì nhà văn muốn chia sẻ cho thế giới được anh ta nói lên bằng tiểu thuyết, bằng truyện ngắn và tiểu luận. Khi anh ta không làm được điều ấy thì anh ta đi trả lời phỏng vấn”.
* Theo anh, nhà văn phải sống thế nào để giữ được sự chân thật, tính chủ quan và sáng tạo trong từng con chữ? Viết thật quá có bao giờ khiến anh phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, ứng xử với người đời, kể cả chính mình?
- Nhà văn sống như thế nào để viết thì tôi cũng đã đề cập trong cuốn tiểu thuyếtKhải huyền muộn: “Là nhà văn thì phải viết cho dù nổi tiếng hay không nổi tiếng. Nhưng có tí tẹo danh mọn thì thật khắc nghiệt, cảm thấy khó viết hơn. Hoàn toàn không hẳn là hết vốn sống hay cạn kiến thức. Có nhiều lý do dung tục lắm. Thường thì cả đời người viết luôn luôn bị bôi. Người này bôi cho tí son, người kia bôi cho tí mực. Cũng có người phúc phận kém, hầu như toàn bị bôi bẩn. Văn chương với họ là một chuỗi điếm nhục, chỉ còn đôi chút lấp lánh an ủi từ xa xa của trong trắng độc giả. Người viết cần rất nhiều điềm tĩnh, điềm tĩnh để mà viết nữa”.
Nguyễn Việt Hà
Tên thật là Trần Quốc Cường, bút danh được lấy theo tên vợ. Trước khi viết văn, anh từng học kinh tế, làm cán bộ phòng thanh toán quốc tế một ngân hàng tại Hà Nội.
Xuất bản lần đầu năm 1999, Cơ hội của Chúa đã tạo tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn văn học bởi nội dung đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, chuyện tình yêu, tình bạn, quan hệ tay ba, chuyện tôn giáo và thế tục, chuyện cuộc đời của các thế hệ sống ở Hà Nội buổi giao thời… Khải huyền muộn, tiểu thuyết thứ hai (2005) miêu tả trạng thái tha hoá đáng lo ngại của cái tôi trong đời sống hiện nay. Tập truyện ngắn Của rơi (2004) cùng những tập tạp văn: Nhà văn thì chơi với ai – Mặt của đàn ông (2001), Con giai phố cổ (2013), Đàn bà uống rượu (2008)… lại là một “mạng xã hội” của riêng anh, với đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ..
SGTT
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.