Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng Trương (1926 - 2005)












Nguyễn Hùng Trương
Biệt danh: Ông “Khai Trí”

(1926 - 2005)
Hưởng thọ 80 tuổi




Ông Khai Trí sinh năm 1926 tại Thủ Đức, tên thật là Nguyễn Văn Trương (bút hiệu Nguyễn Hùng Trương) nhưng mọi người vẫn quen gọi ông là "ông Khai Trí". Một nhà văn hóa, một người mê sách và làm xuất bản sách nổi tiếng tại miền Nam VN trước 75.

Cả đời mê sách, mua sách, bán sách, in sách phổ biến tri thức bổ ích đến người đọc. Ông là chủ nhà sách "Khai Trí" trên đường Bonard từ năm 1952, sau là 60-62 Lê Lợi và sau 75 là nhà sách Sài gòn FAHASA

Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. 

Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi, bảo trợ cho “tập san Sử Địa” của giáo sư Nguyễn Nhã và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.

Sau "giải phóng", rất tiếc là kho sách 60 tấn của ông hầu như đã bị cướp sạch và tiêu hủy.

Ông mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu
Hưởng thọ 80 tuổi 













Trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách:






Bộ dân luật

Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng

Bộ luật hình sự tố tụng

Từ điển lời hay ý đẹp

Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc

Quê em mến yêu

Làm con nên nhớ

Chánh tả cho người miền Nam

Huế mến yêu

Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam

Danh ngôn hạnh phúc

Danh ngôn tình bạn

Danh ngôn tình yêu

Gương thành công













Tham Khảo thêm về "Ông Khai Trí"




Khai Trí là tên mà giới kinh doanh sách ở Sài Gòn gọi ông Nguyễn Hùng Trương. Bằng tình yêu và niềm đam mê sách, ông Hùng Trương đã tạo dựng ra hiệu sách Khai Trí nổi tiếng, để lại những giá trị “tươi nguyên” về tinh thần khởi nghiệp và thành công trong nghề sách.



Khởi nguồn làm sách của Nguyễn Hùng Trương

Một cuốn sách đến tay người đọc là một quy trình của ngành kinh doanh xuất bản. Ở đó, có các khâu: Tổ chức biên tập và chịu trách nhiệm, in sách, và cuối cùng là bán sách. Trên thực tế, giới làm sách tư nhân cũng đang tham gia rất sâu vào cả ba khâu trong quy trình này và dù muốn dù không cũng phải thừa nhận rằng, họ chính là yếu tố năng động trong ngành kinh doanh xuất bản, dù họ chỉ được gọi với cái tên mơ hồ là “người làm sách liên kết”. Tuy nhiên, việc in ấn hay phát hành chính thức đều do các đơn vị quốc doanh do nhà nước lập ra và quản lý.

Trên thị trường, sách rõ ràng là một mặt hàng kinh doanh. Nhưng sách, xét một khía cạnh khác, còn là một phần khá quan trọng của bộ mặt văn hóa quốc gia. Thế nên những người kinh doanh sách, trước hết phải là một nhà hoạt động văn hóa hay ít nhất cũng là người có lòng yêu mến với nền văn hóa dân tộc. Cách nay hơn nửa thế kỷ, từng có một người Việt Nam đi vào ngành kinh doanh sách với một tấm lòng như vậy. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương, mà các nhà văn, nhà báo, những nhà soạn sách và đông đảo những thế hệ độc giả ở miền Nam vẫn quen gọi là “ông Khai Trí”.

Khởi nguồn của sự nghiệp làm sách của anh thanh niên Nguyễn Hùng Trương và sau này là ông Khai Trí, là một tình yêu sách. Ông sinh ở Thủ Đức, Gia Định. Những năm còn ngồi ở bậc tiểu học, cậu học trò tên Trương thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách. Cũng như bao đứa trẻ khác, ông rất mê các loại truyện cổ tích như: Tấm Cám, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình- Dương Lễ . . . Nhưng khác với những đứa trẻ khác sau khi đọc xong thường bỏ bê, cho tặng hoặc đổi chác, cậu bé Trương lại thận trọng giữ gìn từng cuốn sách một. Do vậy, lên đến trung học, ông đã là chủ sở hữu của một tủ sách không chỉ dồi dào về số lượng mà còn phong phú về chủng loại. Ông trở thành nguồn cung cấp sách đọc cho nhiều bạn bè, bà con thân thuộc, những người yêu thú đọc sách. Rời trường trung học Trương Vĩnh Ký, bước ra đời, dù phải vật lộn với cuộc mưu sinh, ông vẫn không nguôi tình yêu với sách. Vào thời đó, thị trường sách trong nước không đủ cho nhu cầu tìm hiểu của ông, nên ông viết thư qua các nhà xuất bản bên Pháp xin các thư mục xuất bản (catalogue) để theo dõi và đặt mua sách cho mình đọc. Theo thể lệ của các hiệu sách bên Pháp, nếu mua trên mười cuốn, khách hàng được hưởng 30% hoa hồng. Ông nảy ra sáng kiến, mỗi lần phát hiện ra một cuốn sách hay mà mình cần mua, trong nước lại không có, ông đi giới thiệu và thuyết phục thêm bảy người yêu sách như mình cùng đặt mua. Từ đó, chẳng những ông có được sách để đọc không tốn tiền mà còn dư được sách đem bán kiếm lời. Thời đó, việc nhập khẩu sách rất dễ: viết thư qua Pháp đặt mua, nhận hóa đơn, trả tiền qua bưu điện Sài Gòn. Dần dần ông mua được số lượng ngày một nhiều hơn, đem bán lại cho các nhà sách lớn nhỏ trong Sài Gòn. Thế là từ cái thú đọc sách, mê sách của mình, ông lại kiếm được tiền. Cứ thế ông cần mẫn đặt sách, mua sách, bỏ mối sách và vốn lũy ngày một nhiều hơn.

Và quan trọng hơn, là số vốn kiến thức tích lũy được từ việc đọc sách, chọn sách và kinh nghiệm làm sách của người Pháp, một quốc gia được xem là trung tâm sách của châu Âu và cả thế giới, tích góp kinh nghiệp cho bản thân ông ngày cũng một dày dặn hơn. Chính cái vốn này đã ấp ủ trong ông một ý nguyện mở một nhà sách, làm một người xuất bản sách quốc ngữ theo một cung cách hoàn toàn hiện đại. Như thế, ông vừa thỏa mãn được sở thích của mình, vừa có một cơ nghiệp vững chắc.

Nhà sách Khai Trí ra đời đem lại luồng gió mới

Trước thập niên 50 của thế kỷ trước, Sài Gòn và Gia Định có không tới mười nhà sách gồm có: Vĩnh Bảo, Mai Lĩnh, Mai Quang, Lê Phan . . . Hầu hết các nhà sách quốc văn này đều bán sách chung với văn phòng phẩm hoặc thuốc bắc, cao đơn hoàn tán, bởi nếu chỉ bán thuần mặt hàng sách, lợi tức không đủ sở phí. Sách thường bày trong các tủ kiếng hay kệ cao, khách hàng muốn xem qua phải nhờ nhân viên bán hàng lấy hộ. Mà cũng không thể xem lâu vì người bán đứng bên cạnh chờ khách quyết định mua hay không. Sách thường không được phân loại, nên người mua tìm một cuốn sách mất rất nhiều thời giờ. Cửa ra vào các hiệu sách thường thu hẹp kiểu các tiệm tạp hóa để dễ dàng kiểm soát khách hàng. Năm 1952 nhà sách Khai Trí ra đời tại số 60, đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) đã giới thiệu một cung cách kinh doanh sách hoàn toàn khác.

Chỉ trong chưa đầy chục năm trở lại đây, bạn đọc trẻ ở nước ta mới biết đến những cửa hàng sách tự chọn. Thực ra cung cách kinh doanh sách này đã được nhà sách Khai Trí đem đến cho người đọc ở Sài Gòn cách đây hơn năm mươi năm .

Tại nhà sách Khai Trí ngày đó, ở ngoài bước vào, khách hàng thấy ngay phía bên phải trưng bày những sách xuất bản ở nước ngoài; bên trái đối diện là những sách xuất bản trong nước. Mỗi kệ bày một loại sách. Người đọc sách vào xem hoặc mua đều hoàn toàn cảm thấy thoải mái . Nhân viên bán hàng đều là nữ, mặc đồng phục áo dài xanh dương, lúc nào cũng vui vẻ, ân cần nhưng không quá vồn vã, để khách hàng tự chọn lựa sách được bày biện một cách khoa học. Khách có thể đứng đọc sách hàng giờ hay cả buổi, tùy ý thích rồi đi ra, không mua gì thì cũng chẳng ai lấy làm phiền. Độc giả có thể đọc kỹ nội dung, thấy thích, thấy cần, tự đem ra quầy thu tiền ngoài cửa để nhân viên thủ quỹ tính tiền và gói lại đàng hoàng với loại giấy bao bì riêng biệt có in tên hiệu của nhà sách.

Khách hàng mua xong về nhà xem lại, thấy trong tủ sách mình đã có rồi hay những tài liệu trong ấy đã có sách khác nói tới rồi, có thể đem trở lại nhà sách vào ngày hôm sau để đổi lấy sách khác, hay nhận lại tiền. Nhà sách Khai Trí ngày ấy lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhân viên bán hàng theo dõi, dòm ngó đến người mua hay xem sách. Nhà sách có học sinh trong những buổi nghỉ học, làm nhiệm vụ kiểm soát “chìm”, trông nom một cách kín đáo, không để xảy ra mất mát, nhưng cũng không làm cho khách hàng mất tự nhiên khi chọn sách, đọc sách. Chủ nhà sách là một nhà yêu sách, mê nghề, yêu những người mua sách, xem họ là những người cùng một niềm đam mê, cùng sở thích với mình. Và ông đã truyền cái tinh thần ấy sang nhân viên của mình. Vào hiệu, bạn có thể trò chuyện hỏi han về sách với bất cứ nhân viên nào và lúc nào họ cũng vui vẻ, lịch sự, lễ phép, dù khách ra về không mua quyển nào.

“Hachette của Việt Nam”

Nhưng công việc đáng ghi nhận hơn của ông Nguyễn Hùng Trương không chỉ là việc tổ chức bán sách như đã nói. Nhà Khai Trí ngoài việc bán sách còn là một nhà làm sách, xuất bản sách. Sách xuất bản ở đây được lựa chọn kỹ càng, rất phong phú và đa dạng. Nhà Khai Trí dùng tiền lời những sách bán chạy để in những sách bán chậm nhưng có giá trị văn hóa cao, cần thiết cho người học, người đọc chuyên sâu, những nhà văn, những nhà biên khảo, nghiên cứu chuyên ngành như: từ điển, lịch sử, biên khảo, đặc biệt sách dành cho thiếu nhi in đẹp, giá rẻ, có nội dung giáo dục nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Về từ điển, nhà Khai Trí xuất bản rất nhiều loại: tiếng Việt, song ngữ, chính tả, y học, khoa học, pháp luật. . . Phần lớn được in thành nhiều cỡ, mỗi cỡ thích hợp cho mỗi đối tượng, mỗi điều kiện sử dụng, cũng như thích hợp với từng túi tiền của độc giả. Sách từ điển do Khai Trí xuất bản rất được những người sử dụng đương thời tín nhiệm. Có những cuốn cho đến nay vẫn còn nhiều người dùng vì sự chuẩn mực, phong phú và tiện dụng của nó, như cuốn Tân Tự Điển minh hoạ của Thanh Nghị. Về tự điển, Khai Trí được coi như là “Larousse của Việt Nam”, cũng như về mặt đa dạng của các loại sách, Khai Trí được ví như “Hachette của Việt Nam”.

Theo nhà văn Sơn Nam kể lại, thời ấy, những ngưới mới vào nghề văn, trong một lúc nào đó khi gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh, có thể mang đến ông Khai Trí bản thảo một tập thơ hay một tập truyện và sẽ được ứng trước một món tiền mà không cần biết quyển sách ấy chừng nào mới được in ra. Và có nhiều cuốn như thế mãi mãi không được in ra, nhưng cũng có cuốn từ đây được ra đời và làm nên danh tiếng cho tác giả. Cho đến bây giờ, có lẽ người viết văn vẫn còn mơ ước một đôi mắt xanh như thế, một tấm lòng thiết tha với văn chương như thế.

Ngoài làm sách, bán sách, ông Nguyễn Hùng Trương còn chủ trương một tờ tuần báo dành cho lứa tuổi mầm non của đất nước, đó là tờ Thiếu nhi. Chính ở đây cái tên thật của ông mới được xuất hiện trong một mục hàng tuần: Thư chủ nhiệm gửi các em thiếu nhi, nhắc nhở đạo đức tốt đẹp, tinh thần cần cù, kiên nhẫn, lịch sử hào hùng, ý chí quật cường, lòng yêu nước của tổ tiên ta. Qua đó ta thấy được tấm lòng thiết tha của ông với quê hương, với nền văn học nước nhà, với thế hệ tương lai của đất nước. 




















Trường Hợp Hồi Hương của ông Khai Trí


TRƯỜNG HỢP HỒI HƯƠNG LÚC CUỐI ĐỜI CỦA ÔNG NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG, NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ SÁCH KHAI TRÍ.







Trên nhật báo Người Việt, xuất bản ở Quận Cam, California, số ra ngày 13-3-2005, có đăng một bài báo của ký giả L.T. viết sau khi ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí đã từ trần ở Sài Gòn, trong có đoạn như sau :

“Năm 1991, ông Khai Trí sang đoàn tụ với vợ con ở Hoa Kỳ, nhưng lúc đó có nhiều tin đồn là nhà nước Cộng Sản VN đã có chủ trương mới, với chính sách cởi mở, sẵn sàng trả lại nhà, cơ sở kinh doanh cho các chủ cũ trước năm 1975 nên ông Khai Trí hy vọng nhiều là khi trở về có thể lấy lại được nhà sách, tiếp tục nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại bằng một cái lắc đầu.. . . . . .”.

Nhân danh một người được ông Khai Trí coi là thân thiết, đã từng nhiều lần được nghe chính ông thổ lộ nhiều tâm tư, cảm nghĩ của ông sau khi đã trải qua nhiều biến cố trên quê hương, đất nước, tôi nhận thấy có bổn phận phải làm sáng tỏ một đôi điều trong đọan viết kể trên, để một mặt soi sáng lại một sự thật như chính nó, ngõ hầu trả lại sự công bằng cho người đã khuất và mặt khác, để an ủi phần nào vong linh người vừa nằm xuống, thân xác chưa kịp ấm đất đã có thể bị dư luận choàng thêm nhiều điều mai mỉa khi cho rằng : “ông Khai Trí hy vọng nhiều là khi trở về có thể lấy lại được nhà sách, tiếp tục nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại bằng một cái lắc đầu….”

Có thực là ông Khai Trí đã xin trở về VN sinh sống chỉ vì ông hy vọng nhà nước có chủ trương cởi mở, sẽ trả lại nhà sách cho ông để ông tiếp tục hành nghề như trước đây ?

Với ai thì tôi không rõ, nhưng với ông Khai Trí, con người sau bao nhiêu năm bị vùi giập, vừa bị tước đoạt tài sản, vừa nằm ốm đau vật vã trong tù, tôi không nghĩ là ông lại mang nhiều ảo tưởng về sự cởi mở của nhà nước như thế .

Sau biến cố 30-4-1975, cùng với số phận của các nhà tư sản khác, ông Khai Trí đã bị chính quyền mới tịch thu toàn bộ tài sản bao gồm nhiều kho sách vừa do chính ông xuất bản, vừa do ông nhập cảng từ nước ngoài, cộng với rất nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai, biệt thự ở Sài Gòn do chính ông gây dựng nên sau bao nhiêu năm cật lực làm ăn bằng chính tài năng, mồ hôi và sức lực lao động của mình.

Vào năm 1976, ông đã từng than thở với tôi sau khi nhà nước ra lệnh “Kiểm kê sách báo đồi trụy” như sau :

“ Chú nghĩ mà coi, họ chỉ cho tôi 2 ngày để kiểm kê bao nhiêu là kho sách chứa hàng triệu cuốn với trên 20 ngàn tựa sách, làm sao tôi làm nổi”.

Giọng nói của ông tuy cố làm ra vẻ thản nhiên nhưng nó đã bao hàm biết bao nỗi bùi ngùi và chứa chan ê chề, chịu đựng. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi cũng đã hiểu số phận mà chính quyền mới đã dành cho ông thế nào.

Quả nhiên, để hợp thức hóa việc chiếm đoạt những tài sản kể trên, đặc biệt là Nhà sách Khai Trí, nhiều tầng lầu nằm ngay trên đại lộ thênh thang Lê Lợi tại trung tâm Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản đã quy chụp nhiều tội nặng cho ông như tư sản mại bản, ấn loát và phổ biến văn hóa đồi trụy đầu độc tinh thần dân chúng miền Nam, rồi bắt ông đi tù trong nhiều năm khiến cho một con người mạnh khỏe, năng động như ông đã trở nên suy sụp rất nhanh chóng, và thân xác của ông còn bị đầy đọa trong tù với nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, vốn là một con người trọn đời mê sách như nhiều người đã có cùng nhận xét, khi ra tù ông Khai Trí vẫn không từ bỏ ý định gây dựng lại sự nghiệp sách vở của mình. Tuy nhiên, ông không hề có ảo tưởng là sẽ được nhà nước “ trả lại tiệm sách để tiếp tục kinh doanh nghề sách ở Sài Gòn” như bài báo đã đưa ra một cách võ đoán.

Làm sao ông có thể ảo tưởng như thế được, khi vào những ngày gần cuối đời, ông còn tâm sự với tôi về sự đấu tranh âm thầm nhưng không mệt mỏi của ông trước nhiều áp lực bắt ông ký giấy cho phép một vài tập đoàn tư bản đỏ ký hợp đồng với công ty nước ngoài (Thụy Sĩ) để xây cất building ngay trên phần đất đã tịch thu của ông.

Dĩ nhiên là ông đã không ký. Nhưng bất chấp có sự đồng ý hay không của chủ nhà, việc xây cất cứ được lẳng lặng tiến hành. Ông đã phản ứng lại bằng cách gửi toàn bộ bản sao chủ quyền của mình cho giới lãnh đạo công ty nước ngoài với lời tố cáo :
“ Đất hợp đồng đang xây là đất chiếm đọat, là một công ty lớn của một nước văn minh, các ông không thể nhắm mắt tiến hành !”.

Thế là hợp đồng xây cất bị hủy bỏ. Mảnh đất trống cho tới năm 2005 vẫn còn là bãi trống chỉ làm chỗ để xe máy.

Ông Khai Trí đã thắng bạo quyền ít ra là trong giai đoạn đất nước đã đi vào thời kỳ kinh tế thị trường, mong muốn hòa nhập cùng thế giới !

Sự thực là ông Khai Trí muốn gây dựng lại nhà sách Khai Trí, không phải ở Sài Gòn mà là ở hải ngoại sau khi ông được phép định cư ở Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Nhưng khi sang tới nơi, ông đã trực diện một sự thực não nề :

– Độc giả ở hải ngoại đã không nhiều như ông nghĩ, mặt khác, sau bao nhiêu năm ổn định đời sống, riêng ở Hoa Kỳ đã hình thành nhiều cơ sở xuất bản hay nhà sách lớn lao, có danh tiếng. Là người tới sau, lại trắng tay không còn vốn liếng, hỏi làm sao ông có thể mở lại tiệm sách hay nhà xuất bản ở hải ngoại để có thể cạnh tranh và đứng vững ?

– Thêm nữa, rất nhiều loại sách giá trị trong tủ sách Khai Trí trước đây của ông, đặc biệt là nhiều loại tự điển thông dụng mà ông đã mua trọn bản quyền, không hiểu do những bàn tay gian thương nhớp nhúa nào đã cho in lại hầu hết ( sách bán rất chạy trong những thập niên 80, 90 là những năm người tỵ nạn ồ ạt tới Hoa Kỳ, ai ai cũng có nhu cầu học hỏi, nhất là Anh ngữ). Mỉa mai thay, người đã từng đầu tư vào những cuốn sách đó là ông Khai Trí, thì hầu như ông đã không được mấy ai đền bù cho công lao của mình dù chỉ một đồng xu ! Cái Thông Báo sau đây là một bằng chứng :

“ Tôi là NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG, nguyên là chủ Nhà sách và Nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê Lợi- Sài Gòn cũ, có soạn và in một bộ TỪ ĐIỀN LỜI HAY Ý ĐẸP, dầy 1898 trang, các trang trong in 2 mầu, có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm 2 quyển, chưa gửi bán ở nước ngòai. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một mầu và không phụ bản bày bán ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu.”

Thất vọng trước sự thực mỉa mai và phũ phàng ngay trên phần đất mà ông cho rằng ắt phải văn minh và công bằng nhất thế giới, có thể vì vậy mà ông đã âm thầm quyết định trở về nước sinh sống. Tuy vậy, vốn là một người tích cực, yêu đời, yêu sách báo, nên khi trở về quê nhà, ông vẫn còn có niềm vui trong sự cho in một số sách sưu tầm, tuyển chọn danh ngôn hay thi ca tình ái. Và cũng chỉ có thế mà thôi, chứ chẳng bao giờ ông có ảo tưởng sẽ được nhà nước Cộng sản cho phép hoạt động xuất bản sách trở lại và được trả lại tiệm sách đồ sộ tọa lạc ngay trên đường Lê Lợi mà hiện nay nó vẫn còn nằm trong tay nhà nước vốn đã bị đổi tên từ năm 1976 thành nhà sách Sài Gòn.

Ước mong những dòng chữ sơ lược này sẽ giải tỏa được phần nào những ngộ nhận (nếu có) về trường hợp hồi hương của ông Khai Trí.

NHẬT TIẾN

Garden Grove 14 tháng 3-2005









“ Ông Khai Trí”: Một Đời Ham Mê Sách


Tôi có người chị ruột giúp viêc bán sách cho tiệm sách Việt Hương ở số 34 đưòng Lê Lợi. Từ đây đi về hướng chợ Bến Thành có thêm 3 tiệm sách :

Thanh Tuấn số 56, Phúc Thành số 58 và Khai Trí chiếm 2 căn 60 - 62.

Nhà sách Sài Gòn bây giờ trước 1975 là nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi




Theo chị tôi kể lại Ông Khai Trí khởi nghiệp bằng 1 chiếc xe đẩy ( như xe bán sách ở bến sông Seine bây giờ ). Xe bán sách của Ông thường đậu trước cổng Trường Chasseloup Laubat đường HồngThập Tự. Tôi nghe kể laị vây thôi chớ đâu ngờ gặp Ông ở Z30C Hàm Tân.

Buổỉ sáng Tù đợi đi lao động, nhưng sớm hơn có một ông già lúc nào cũng với bộ quần áo trắng đã ngã qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe cải tiến chứa phân bắc cuả tù đem đi. Sáng nào cũng vậy, ít ai biết ông là ai.

Ông Nguyễn Hùng Trương (Chủ nhà sách Khai Trí) - người Sài Gòn gọi ông là "ông Khai Trí" (theo tên nhà sách - nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.

Ông Khai Trí" tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách; 3 hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo...

Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau nầy nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu. Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú.

Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị. Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam...
Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Loan mắt nhung," một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề "Vĩnh biệt ông Khai Trí," trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975:

"Ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước "quản lý", nay mang tên Phahasa của nhà nước.

Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.

Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa.

Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi? Ông cười chua chát:

- Phải đến năm 3000 thì may ra…

Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.

Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan Thanh Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.



Ông Khai Trí và tờ Thiếu Nhi tại miền Nam trước 1975

Làng Đậu Tôi đã định viết một bài về tờ Thiếu Nhi, tờ báo giáo dục lớn nhất và thành công nhất tại miền Nam trước năm 1975; nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra khiến tôi chưa làm được việc ấy, và sáng nay (11 tháng 3 năm 2005) thì được tin: Ông Nguyễn Hùng Trương, nguyên chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi và là chủ nhân Nhà sách Khai Trí tại miền Nam trước 1975 vừa từ trần tại Sài Gòn.

Xin mượn diễn đàn talawas này như một nơi để tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam, trong đó tác giả bài này là một độc giả nhỏ bé theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng.

Nhắc tới Khai Trí, tôi tin rằng ai đã sống tại Sài Gòn thì không thể quên được cái tên này. (Sau 1975, nhà sách này được trưng dụng làm một cửa hàng phát hành sách tại số 60-62 Lê Lợi.)

Còn nhớ những ngày đầu sau 1975, khi còn là con mọt sách mới nở, tôi lang thang trên đường phố Sài Gòn, được mục kích tận mắt ông chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương trải tấm ny-lon lớn trên viả hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại; tờ báo vốn khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét. Có lẽ số phận cuả nó cũng tương tự như số phận cuả các bạn thiếu nhi ở các vùng nóng trong những ngày tơi tả cuả một cuộc chiến đang đến hồi kết: cố thu mình lại là để giữ nguyên vẹn cái hình hài mà cha mẹ Việt Nam đã ban cho. Tôi còn nhớ rất rõ một bài trong một số đã phát hành, đại ý như sau: "Cho dù tờ báo có nhỏ đi, số trang có bị bớt đi và số người đọc có giảm thiểu đến bao nhiêu thì mãi mãi chủ trương, mục đích giáo dục và chất lượng cuả tờ báo vẫn sẽ không thay đổi..."

"Ông Khai Trí“ thật sự làm đúng những gì đã nêu: Tiền lời cuả nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử "bù lỗ nhiều hơn"; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn.

Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Khai Trí đã có thời gian sống ở Hoa Kì, dự định mở lại Nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu cho ông là hầu hết các tác phẩm cuả Nhà Khai Trí đã "được" một số nhà xuất bản hải ngoại khác in lại mà không hề nghĩ đến chuyện... bản quyền! Có lẽ đó là một trong những nguyên do chính khiến ông chán nản và trở về sinh sống tại Sài Gòn.
Tiện đây, thay mặt cho các độc giả, xin chân thành ghi ơn tất cả những người đã bỏ rất nhiều công lao viết bài cho tờ Thiếu Nhi, trong đó phải kể tới chủ biên Nhật Tiến, họa sĩ Vi-Vi (Võ Hùng Kiệt) và các nhà văn, nhà báo, các dịch giả mà tôi không thể nhớ hết tên.

Sau đây xin ghi lại những hình ảnh mà tôi còn giữ về tờ báo đã "vang bóng một thời" ấy.
Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kĩ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ.

Trang bià thường in hình vẽ cuả hoạ sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả hoạ sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.
Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney,... Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh hoạ một số truyện tranh Việt Nam.

Đến phần trong, in typo 3-4 màu, lúc nào cũng bắt đầu bằng lá thư chủ nhiệm hay chủ bút; chủ nhiệm tờ báo qua các lá thư này thường gởi những lời nhắn nhủ khuyên bảo chân tình đến các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh về nhiều đề tài thiết thực cuả cuộc sống. Các chủ đề biến động theo sự lớn mạnh cuả lượng độc giả cũng như theo sự suy tàn cuả chế độ chính trị ở miền Nam. Nhưng cho dù thế nào, trong các mục chính cuả tờ báo, chưa bao thiếu truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch cuả các nhà văn nhà báo miền Nam cũng như những bài văn thơ chọn lọc cuả bạn đọc hay cộng tác viên. Bên cạnh đó là các bài phổ biến kiến thức khoa học thường thức cũng như các bài về kiến thức sống. Tôi còn chưa quên các bài trích đăng cuả dịch giả Nguyễn Hiến Lê về những tấm gương thành công, những bài học về nhân cách từ các cuốn sách "học làm người". Tờ báo không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kì thi đố vui có thưởng, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các tiết thơ, văn, nhạc, hoạ cuả nhiều tác giả già, trẻ. Mục „Truyện cổ tích“ cũng thu hút người đọc không kém bằng các truyện cuả Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Chỗ không kém phần thú vị cuả tờ báo là hai mục: "Trả lời thắc mắc" và "Tay ngọc bên bếp hồng". Chắc không viết thì các bạn cũng rõ hai mục này để làm gì. Một lần có bạn đọc nào đó cắc cớ hỏi đố về độ cao cuả một ngọn núi tên lạ hoắc, khiến cả BBT tờ báo gặp khó dễ hết mấy tuần. Nếu tôi không lầm thì chính nhà văn Nhật Tiến đã ra thông báo rằng mục tiêu cuả mục trả lời thắc mắc không phải là để thi thố tài năng, cũng không phải để thách đố mà là hỗ trợ các bạn trong học vấn, kiến thức. Trong bài trả lời, ông đã khéo léo biến câu hỏi đố thành bài học đạo đức đáng giá.

Sau 1975, do các đợt vận động cuả chính quyền về việc "tiêu huỷ các tàn dư văn hoá đồi truỵ phản động" cũng như các đợt kêu gọi thiếu niên nhi đồng làm "kế hoạch nhỏ", những số báo Thiếu Nhi còn sót lại cuả tôi và có lẽ cũng cuả nhiều gia đình đã lần lượt ra đi. Tôi không trách gì những ngưòi thực hiện chủ trương này, nhưng nếu họ có được cái nhìn thoáng hơn và sâu xa hơn thì có lẽ những tài sản quí báu về văn hoá vốn đã bị huỷ hoại quá nhiều trong cuộc chiến cũng đỡ bị tuyệt diệt.
Tờ Thiếu Nhi, theo thiển ý, bỏ rất xa các tờ báo sau này được xuất bản dành cho thiếu nhi trong nước về cả chất lẫn phẩm, vì nó là tinh hoa cuả nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sĩ góp thành và đặc biệt nó lại không chịu bất kỳ một ảnh hưởng chính trị hay một xu hướng văn hoá độc đoán nào.

Cuối cùng, xin "trình“ lại vài câu thiệu trong vô vàn các câu mà tờ Thiếu Nhi đã in trong phần footnote ở trang bià ngoài cuả các số báo:

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan (Thích Ca)
Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghiã thắng hung tàn (Nguyễn Trãi)
Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi

Kim Kỳ sưu tầm


















































Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.