Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Bùi Xuân Phái (1920 - 1988)









Bùi Xuân Phái
(1920 - 1988)
Hưởng thọ 68 tuổi

Họa sĩ









Bùi Xuân Phái là một danh họa đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội.
Ông Quê gốc ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức,
tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).
Từng tham gia kháng chiến chống Pháp và tham dự triển lãm nhiều nơi.
Năm 1952 trở về Hà nội, ông sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất, và giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1956 - 1957.
Do tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bằng những bức biếm họa, chỉ trích những thói hư, tật xấu lúc bấy giờ, cùng với những bức vẽ minh họa cho các bài và truyện ngắn bị xem là có tính chống đối chế độ. Điển hình là bức minh họa vẽ cho truyện ngắn của Phùng Cung "Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh" và vài bức vẽ về cảnh lầm than của công nhân hầm mỏ. BXP bị đưa về Nam Định để lao động trong một phân xưởng mộc .Và gần như ông bị treo bút một thời gian dài, vẽ thì cứ vẽ, nhưng tất cả tác phẩm của BXP, theo như cách ông gọi :"Tranh quay mặt vào tường", hầu như chúng bị loại khỏi các cuộc triển lãm và không được giới thiệu trên báo chí. Từ năm 1957 trở đi, hoạt động của ông bị hạn chế, bị buộc viết đơn xin từ chức và nghỉ việc tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Để kiếm sống, ông phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các báo, lấy bút hiệu là: PiHa, ViVu, Ly.

Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất khi ông còn sống.

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển mỹ thuật hiện đại tại miền Bắc Việt Nam.

Ông mất ngày 24/06/1988 tại nhà riêng vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 68 tuổi 










Được truy tặng

1997- Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 














Tác phẩm tiêu biểu




















Phố 


























































































Phố PHÁI và Mùa Xuân Vĩnh Cửu

 Nguyễn Quỳnh Hương


Trong ký ức của họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai duy nhất còn lại của ông, thì danh họa Bùi Xuân Phái "có một tuổi thơ kéo dài cả đời". Không chỉ các con ông, mà rất nhiều người được sống gần Bùi Xuân Phái, đã bị ảnh hưởng ông tới mức họ nhìn bằng cái nhìn của Bùi Xuân Phái, căng đo cái đẹp bằng thước đo của ông, họ trông ông để sống, ứng xử và giữ mình. Giữ trong lành cho tâm hồn, giữ tự trọng cho nghệ thuật mình đeo đuổi, và giữ để giữa những thống khổ không nguội tắt đi ngọn lửa đam mê.

Họa sĩ có một người vợ rất đỗi tảo tần, hiền hậu. Bà mang cái tên bình dị: Nguyễn thị Sính. Gương mặt bà tỏa nét đôn hậu, mộc mạc khiến người ta ấm lòng, cái nét khoẻ khoắn sống động, hiện lên chung thủy trong hàng trăm bức tranh của Bùi Xuân Phái. Bà Phái là người ông vẽ nhiều nhất, ông vẽ bà từ khi còn là một thiếu nữ, theo thời gian đến khi người bạn đời của ông đã là một bà lão - số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà chụp. Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà - như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về.

Ông Phái lãng đãng, ông rất yêu con nhưng không biết tắm cho con, không biết cho con ăn, không biết gì về chuyện tiền nong hay việc nhà. Cuộc sống bấp bênh, Bùi Xuân Phái là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm. Toàn bộ gánh nặng kinh tế dồn lên vai người vợ tảo tần. Mấy chục năm làm bạn, bà chẳng dám nghĩ rồi ông sẽ nổi tiếng, bà cũng không hiểu tranh của ông. Với bà, tận tụy với chồng là một bổn phận. Cứ lặng lẽ - bà thu xếp cuộc sống cho ông, chu đáo tới từng ly cà phê sáng, từng chén rượu nhỏ lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Năm đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt, suốt ngày quấy nhiễu khóc lóc, nhà cửa cực kỳ bừa bộn, sơn màu vẩy lung tung... ông Phái chỉ biết vẽ và xem báo, bà Sính "hầu" chồng cũng quen và chẳng thấy khó chịu: "Từ hồi lấy nhau, chưa bao giờ ông Phái biết thổi nồi cơm. Có lần đi sơ tán, tôi vo gạo sẵn, đánh dấu vào thành nồi, dặn ông:'ông châm bếp dầu, đổ nước theo chừng này, chờ nước sôi, dùng đũa ghế, cơm cạn, hãm nhỏ lửa'. Ông rất nhiệt tình làm theo tất cả, nhưng chỉ quên... cho nước vào, nồi cơm thành gạo cháy khét lẹt, từ đó tôi cũng chẳng dám nhờ!".

Nhà chật, trẻ con trong nhà đùa nhau ngã oành oạch vào tranh vẽ dở và bê bết màu. Ông thường thức trắng đêm để làm, chờ các con ngủ hết ông mới căng toan dưới đất và ngồi vẽ. "Xưởng vẽ" của ông là góc nhà chỉ rộng 2 mét vuông, sau này khi cậu con trai Bùi Thanh Phương cũng vẽ cùng thì cái "xưởng" ấy phải chia đôi, mỗi người chỉ đủ ngồi, xoay lưng là chạm nhau. Điều ấy lý giải vì sao Bùi Xuân Phái có tới hàng ngàn bức tranh mini, bởi ông không có chỗ để đặt vừa một bức toan rộng. Không ngày nào họa sĩ không vẽ, bởi vẽ là giải bày, là độc thoại với nỗi đơn độc, tình yêu, những bình yên hay bấn loạn trong tâm hồn mình. Với ông, vẽ là sống. Sau này gia đình có giữ được khoảng 500 tranh sơn dầu và bột màu của Bùi Xuân Phái, số tranh của ông đang lưu lạ trên thế giới còn hơn thế rất nhiều.

Từ 1978, Bùi Thanh Phương bắt đầu "can thiệp" vào sự nghiệp của bố. Anh căng toan, soạn màu như một người phụ tá bên cạnh ông và quản lý tranh của ông (bởi nếu không ông sẵn sàng cho hết). Ông Phái tính tình hào hiệp rộng rãi, nhiều lần tỏ ra khó chịu khi con giữ tranh mình kỹ quá, ông nói: "Bán được tranh là niềm vui, thì sao tặng tranh không là niềm vui?". Lũ trả lít nhít bạn con đến nhà, thích tranh gì là ông tặng. Sau này những người ấy, khi gặp khó khăn, hoặc khi lấy vợ - những bức tranh của ông Phái đã đổi cho họ một đám cưới, một căn bếp, hoặc trợ giúp vật chất để họ qua cơn hoạn nạn... Có lẽ đấy cũng là Phúc của Phái để lại cho mọi người.

Không qua trường lớp mỹ thuật, Bùi Thanh Phương tự học bố từ cách căng toan cho đến bồi giấy, pha màu, học về bố cục, hòa sắc và lớn nhất là sự chân thành và nghiên cẩn với tình yêu của chính mình. Ông không bình luận về công việc của con, khi không hài lòng thì ông im lặng. Chính vì thế, khi thấy bố không nói gì trước một bức tranh mình vừa vẽ xong, Phương rất hoảng. Phương vẫn nhớ là, khi anh 16 tuổi có vẽ một bức bột màu mà bố rất thích. Họa phẩm khi ấy quý hơn vàng, ông Phái có một bức toan rộng và ít sơn dành dụm mãi, vậy mà ông yêu cầu con trai chuyển tranh từ giấy sang sơn dầu.Phương thì không nỡ lấy toan của bố, nhưng đối với anh đó là một kỷ niệm đặc biệt, bởi tác phẩm ấy - anh đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái công nhận. Với Bùi Thanh Phương, bố anh là một thần tượng: "Bố tôi quá lớn lao, tôi đi mãi, ngẩng mặt lên vẫn thấy mình đang ở dưới bóng trùm của ông. Bốn lăm tuổi, tôi vẫn bị so sánh và phải mang gánh nặng là con trai của Bùi Xuân Phái, điều ấy đôi khi cũng thật mệt mỏi..."

Mùa đông năm 1964, ngôi nhà 87 Thuốc Bắc làm thêm căn gác xép. Căn gác gỗ lấy chiều cao của nhà thơ Quang Dũng làm chuẩn (nhà thơ "Tây Tiến" là người cao nhất trong số bạn bè của ông Phái). Đây trở thành xưởng họa của ông. Từ tám mét vuông gác xép ấy, không biết bao nhiêu bức họa danh tiếng đã ra đời. Có nơi chốn riêng, ông bám lì để vẽ, ngay cả lúc còi báo động rú ầm ngột ngạt thành phố, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ dưới ánh đèn dầu về một Hà Nội cổ kính, khi Hà Nội của ông đang mang đầy thương tích chiến tranh.

Bùi Xuân Phái là họa sĩ phát hiện ra vẻ đẹp của phố cổ. Với ông, vẽ phố được làm như một sinh hoạt bình thường, dường như không có ngày nào ông không có nhu cầu vẽ về nó. Ông vẽ phố như đang trò chuyện với người bạn tri kỷ, câu chuyện không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Ông bắt được vẻ đẹp của phố cổ khi ngồi uống cà phê, khi đi bộ một mình trên đường, khi ngồi trầm ngâm bên chén rượu trắng, và cả khi đếm lại những ký ức nhọc nhằn của cuộc đời mình. Ông vẽ phố trên giấy báo, gỗ, bao thuốc, vỏ hộp diêm, vải bao tải, trên những tấm toan căng nuột nà... Phố Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Nguyễn Hữu Huân, ngõ Gia Ngư, ngõ Gạch... đã đi vào hàng trăm bức họa của Bùi Xuân Phái, mỗi bức cảm động như chân dung thân phận một con người, mỗi bức phố dường như một lần thay lời nói về tình yêu của ông dành cho Hà Nội.

Phố cổ qua lăng kính tâm hồn ông buồn và đạm bạc. Phố của Bùi Xuân Phái luôn lặng lẽ. Dù là phố về đêm hay ban ngày, phố có người, có quán hay đôi khi chỉ là những nét run rẩy thì vẫn im lìm như không người. Một ông đồ già che ô, một phụ nữ dáng tất tả đi qua khung cửa nhìn xiên, dăm người trong quán trà quạnh vắng bên vỉa hè... đó là những "nét động" khe khẽ không đủ thức phố khỏi giấc mơ êm đềm... Nhưng đã có thời, những bức tranh phố cổ của ông bị nhìn nhận là vô bổ. Triển lãm Hà Nội hàng năn, tranh phố tham dự của ông đều bị loại. Ông vẫn biết tranh ông sẽ bị loại, nhưng là hội viên Hội Văn Nghệ thì bắt buộc phải có tranh. Tự tay ông cầm tranh về thì thấy khổ tâm và tủi, nên Bùi Thanh Phương thường thay bố làm công việc "cực chẳng đã" này. Ngay cả mảng tranh về Chèo, một gia tài vô giá của hội họa Việt Nam, cũng đã từng bị từ chối công nhận. Mặc dù vậy, ông vẫn điềm tĩnh vẽ, độc lập, kiên định với quan niệm nghệ thuật của mình. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nói: "Tôi thương ông vì ông luôn là người cô độc trong tinh thần, ông không chia sẻ được tư tưởng với ai. Chắc chắn bố tôi ý thức được về tài năng của mình, nên ông cứ lặng lẽ can đảm trên con đường độc đạo".

Cuộc sống của gia đình họa sĩ bắt đầu bớt vất vả từ những năm 1980, khi tranh của Bùi Xuân Phái được giới chơi tranh tầm mua. 1984 là năm đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời ông: ngày 22/12 mở triển lãm tác phẩm hội họa của Bùi Xuân Phái - đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của mỹ thuật của nước nhà sau khi thống nhất.

Chuẩn bị cho triển lãm, cả nhà nhộn nhịp căng toan, lồng khung... họa sĩ thì háo hức hơn bao giờ hết, có lẽ chưa bao giờ ông vui như thế. Năng lượng sáng tạo của ông quá mạnh, 108 bức của triển lãm, ông vẽ chỉ trong sáu tháng, mà hầu hết là những tác phẩm tuyệt vời.

Cả đời họa sĩ có ao ước lớn nhất là được đi Pháp, đến thăm bảo tành Louvre và tận mắt ngắm những bức tranh của Picasso - bậc thầy hội họa mà ông ngưỡng mộ. Lúc Hội Mỹ Thuật thông báo ông được chính phủ Pháp mời qua thăm thì Bùi Xuân Phái đã không thể đi được - ông bị ung thư phổi đã sang giai đoạn di căn! Đó là những ngày không thể quên đối với gia đình ông. Bà Sính kể: "Hôm ông Phái đi triển lãm tranh Văn Dương Thành về, chợt bảo vợ: 'Này, cánh tay tôi một bên bị béo ra'. Tôi lập tức đi mời bác sĩ, bác sĩ bảo anh bị viêm họng, nhưng lại gọi tôi ra nói: 'Anh Phái bị ung thư mất rồi.' Mọi người dấu không cho ông biết, ông sợ vào bệnh viện nên cứ thấy ông hơi khoẻ ra tôi lại cho các con đón ông về, quạt bún chả cho ông ăn, ông rất thích..."

Những ngày còn lại của cuộc đời, Bùi Xuân Phái hối hả vẽ. Ông sai con trai hạ hàng loạt tranh xuống sửa sang, vẽ thêm, và một số bức bị ông xóa sạch. Ông vẽ lại tất cả những gì chợt hiện ra trong ký ức mình: phố, hoa, những đứa con ở xa, và người vợ hiền tần tảo... Mùa hạ, trước khi vào bệnh viện, ông còn cố vẽ phố Nhà Thờ, phố Nhà Hỏa, hai con phố nhỏ gần nhà ngập trong nắng, rất đẹp và sáng sủa. Bệnh dập ông chỉ trong hai tháng. Ông than mệt nhiều, trước khi đi mười ngày ông bị mất tiếng, không nói được, muốn diễn đạt gì phải viết ra giấy. Họa sĩ Bùi Thanh Phương kể: "Gia đình cố dấu ông về bệnh tật, nhưng tôi lại có cảm giác là bố tôi lại cố đóng vai vui vẻ, như thể ông không biết gì, để mẹ và chúng tôi không đau lòng thêm. Ông đã đón đợi cái chết một cách bình thản nhất."

Trên giường bệnh, ông vẽ bức tự họa cuối cùng: gương mặt gầy hốc hác, chỉ có đôi mắt ngùn ngụt sáng - "trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm. Nhất là đêm gần về sáng"- đó là những dòng nhật ký cuối cùng ghi bằng nét bút máy run run dưới góc bức tranh. Ngày 24/6/1988, trái tim họa sĩ Bùi Xuân Phái đập những nhịp đập cuối cùng...

Cuộc đời Bùi Xuân Phái là một bức chân dung lớn về nhân cách người nghệ sĩ: ông thương yêu, tha thứ và làm việc... Sáu mươi tám mùa thu, ông đã đi trọn một vòng hào quang rực rỡ để trở thành một trong những danh họa bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Những người Việt Nam dù có lưu lạc ở phương trời nào, nếu may mắn được gặp ông, sẽ thấy lòng mình ấm áp và được an ủi. Bởi qua tranh của Bùi Xuân Phái, họ đã gặp được mùa xuân vĩnh cửu của nghệ thuật đích thực - thứ nghệ thuật dung dị và luôn cảm động, vì đã vinh danh con người và vẻ đẹp của đời sống này! Còn Hà Nội, với tình yêu và lòng biết ơn, đã ghi tên ông vào 1000 năm thiêng liêng của mình - Phố Phái!















Chèo












































































Chân dung 








































































































Khỏa thân



















































































































































































Tham khảo thêm về Họa sĩ Bùi Xuân Phái












Tác phẩm Bùi Xuân Phái 
(video)
















Bùi Xuân Phái và "Hà Nội trong mắt ai"

của Trần Văn Thủy







Thế giới Phái: Nghệ thuật và tình thương








Những kỷ niệm khó quên với họa sĩ Bùi Xuân Phái
06/03/2018

Nguyễn Bá Đạm

Tôi quen biết Phái vào một buổi tối mùa đông năm 1962. Trên căn gác nhà họa sĩ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh.

Nghe biết tiếng anh đã lâu, nay mới được gặp. Do anh gầy nên dáng người lại thành cao, trên vầng trán hói, mái tóc thưa và đen; má hóp lại làm khuôn mặt đâm dài ra; đôi mắt trong xanh, thông minh và có nghị lực. Anh quen nói to, giọng vang và ấm. 

Qua sự giới thiệu của Nguyễn Dung, tôi và anh trở thành quen biết. Anh rút túi áo lấy ra một chiếc bút máy và giở quyển sổ tay vạch vài ba nét đã thấy hình tôi hiện lên trên trang giấy. Vẽ xong, anh tặng ngay tôi, mặc dù mới quen biết buổi đầu. Thầm ơn anh, tôi có hỏi thăm địa chỉ. Cách vài ngày sau tôi có lại thăm anh ở căn nhà bên trong số 87 phố Thuốc Bắc, một gian nhà không rộng. 

Tiếp tôi trên gác xép, nếu đứng thẳng người thì dễ chạm đầu nên phải cúi lom khom. Gác lát bằng những tấm gỗ hòm nên không lấy gì làm chắc cho lắm. Diện tích vừa đủ trải chiếc chiếu rộng. Gần chỗ nằm kê chiếc tủ con đựng đồ lặt vặt. Mấy chồng sách báo cũ sắp xếp xung quanh.

Trên tường móc vài bức tranh sơn dầu không khung. Một cây đèn bóng 75W xoay ngang mọi chiều để chiếu sáng. Hộp rửa bút là chiếc ống bơ đã gỉ, ngổn ngang mấy tuýp sơn dầu đang dùng dở đựng trong hộp thuốc vẽ bê bết màu sơn. Chiếc điếu cày để vào bên trong cái lọ sành. Anh nhấc điếu đặt mồi thuốc lào châm đóm hút, khi bỏ điếu ra lại húng hắng ho.

Gần anh tôi thấy dễ mến vì anh ăn nói rất có duyên, tỏ ra là người lịch duyệt. Như câu chuyện anh thường nói đùa mang chất châm biếm hài hước rất tế nhị, nghe rất thú vị. Anh cười một cách sảng khoái, tiếng cười giòn giã rất khó quên. 

Tính chất hồn nhiên phóng khoáng nhưng rất nhạy cảm với hoàn cảnh xã hội thực tế và đời sống bên ngoài. Anh ghét nhất là lối đạo đức giả hoặc câu chuyện làm quà đãi bôi hay kiểu vuốt đuôi.

Cụ Đạm bên những bức ký họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái.



Mỗi khi để tôi xem tranh, anh lại lật chiếc chiếu mà anh đang nằm lấy ra những bức họa bằng bột màu hoặc mực nho. Có lẽ sức nặng trên người anh nén xuống làm những bức tranh phẳng phiu hơn. Anh đặt tranh lên trên miếng carton cứng. Cần thay đổi, anh dùng 4 chiếc cột sắt. Tháo ra lồng vào, lần lượt giở bức này qua bức khác. 

Xem xong, tôi dè dặt không dám khen - chê, sợ nói ra không đúng ý. Vì khi đó tôi mới bắt đầu làm quen với hội họa. Nhiều lần qua lại, tôi với anh đã trở nên thân mật và cũng học hỏi ở anh được nhiều điều hay.

Tôi thường đến với anh vào buổi tối chuyện trò mới được lâu hơn. Có khi anh vừa vẽ vừa tiếp chuyện. Cũng tại nơi đây thường gặp một số bạn bè của anh nên tôi được quen biết nhiều thêm.

Mùa hè nóng bức, ngồi trong nhà anh khá nóng, một chiếc quạt con không đủ mát nên anh và tôi thường rủ nhau đến nhà bạn bè nào có sách họa để xem, vì hồi đó sách họa của anh có rất ít. Những người có nhiều sách hội họa là Linh Chi, Lợi “búp bê”, Duy Nhất và Nguyễn Dung. Gần thì chúng tôi thủng thẳng đi bộ, xa hơn thì đi xe đạp. Chiếc xe anh vẫn đi cọc cạch tay phanh lỏng lẻo, xích líp bị rão ra. 

Đi được một quãng lại phải xuống vì xích lại rời ra khỏi đĩa và líp. Mỗi lần như vậy, anh thở dài và ngao ngán. Tôi cho rằng tài năng của anh chưa gặp vận. Cuộc sống của anh khá chật vật, cũng may được người vợ đảm. Sự nghiệp của anh cũng do người vợ đóng góp đôi phần.

Khoảng năm 1965, Hội Mỹ thuật có trợ cấp cho anh mỗi tháng 80 đồng. Trong số 700 hội viên, có độ mươi người mới được hưởng trợ cấp như vậy. Ngoài ra, anh làm thêm trình bày bìa sách, vẽ minh họa cho các báo. Thỉnh thoảng nhận công việc trang trí cho sân khấu kịch hoặc chèo. 

Vì thế, Trần Huyền Trân và Trần Hoạt thường đến gặp anh để bàn công việc. Nhờ đó, mỗi tháng anh thu nhập cũng thêm được dăm bảy chục. Họa hoằn lắm mới bán được vài bức tranh. Số tiền nhỏ nhoi cũng không đáng kể. Chị làm y tá tháng được dăm chục đồng. Về nhà lại phải làm thêm.

Cứ chập tối lại có mươi người đến nhờ tiêm. Mỗi mũi tiêm lấy độ 0,2 đồng. Trong gia đình có hai vợ chồng và 5 con nhỏ. Ngoài ra còn nuôi thêm một bà giúp việc. Với số thu nhập trên tránh sao cho khỏi phần túng thiếu.

Hội Mỹ thuật có ưu tiên đưa anh một số tranh khắc gỗ Đông Hồ vẽ về Bát Tiên quá hảiđể anh tô màu bán vào dịp tết. Anh nghĩ thêm được đồng nào trọng đồng ấy, miễn là có việc mà làm. Ban ngày làm việc mệt nhọc, tối lại thức khuya vẽ minh họa để kịp gửi đến tòa soạn. Đặt mình nằm chưa kịp chợp mắt thì đàn chuột đến quấy rầy, thường xuyên bị mất ngủ.

Làm việc mệt nhọc hoặc thức quá khuya, anh thường dùng đến café, đôi lúc cũng uống rượu những lúc gặp bạn vui chơi hoặc thù tạc thường chạm chén với Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Rượu anh quen dùng là loại quốc lủi, quán rượu anh thường lui tới ở phố Hàng Mành. 

Lê Chính làm trình bày cho Báo Văn nghệ, thường đến anh để trả tiền minh họa. Anh lại kéo đến đấy uống rượu. Ở đó, hay gặp Văn Cao và một số anh em khác. Rượu ngà ngà anh lại lững thững đến Trần Văn Lưu làm nhiếp ảnh ở phố Hàng Bông. 

Ở đây lại thường chạm trán với Vũ Đình Liệt, Đoàn Phú Tứ và Trần Lê Văn. Đôi lúc, trong túi rủng rỉnh anh lại la cà đi ăn quà sáng ở ngõ Hàng Giầy, vào chợ Hàng Da ăn bún thang hoặc ra phố Lương Văn Can ăn sủi cảo. Món ăn anh thích nhất có lẽ là chim quay.

Anh ham vẽ lắm, ngồi đâu vẽ đấy, mấy mảnh giấy con, một tờ báo cũ, thậm chí có khi chỉ là vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá, nắp hộp mứt, nắp hộp kẹo, quệt vài ba nét cũng trở thành tranh. Có nhiều bức hay hay anh giữ lại. Ai thích anh cho. Bức nào không thích hoặc chưa vừa ý anh vò xé quẳng vào sọt rác chẳng tiếc tay.

Lần đầu tôi hỏi mua tranh, anh chỉ tay bức tranh đang treo ở trên tường nói: “Nguyễn Dung vừa mới bán cho Đức Minh bức tranh sơn dầu khổ to bằng thế này vẽ tĩnh vật với giá 180 đồng”. Rồi anh khiêm tốn, giọng hài hước nói với tôi: “Tài tôi may ra bằng nửa tài Nguyễn Dung, chỉ xin với nửa giá đó”. 

Tất nhiên, tôi với anh giá cả thế nào cũng xong. Dù sao đối với tôi, anh vẫn ưu ái hơn người khác. Cóp nhặt dần dần qua nhiều năm, tranh của anh có ở trong tay tôi trên 40 bức vừa sơn dầu vừa bột màu. Ngoài ra có tới 200 ký họa chân dung anh vẽ về tôi. Có bức ký họa nào bạn bè thích tôi tặng lại.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm.



Thời gian từ 22/12/1984 - 22/1/1985, anh có triển lãm tranh ở phố Ngô Quyền, trưng bày 107 bức họa vừa sơn dầu, vừa bột màu. Trong một vài ngày đã bán được 25 bức. Một con số kỷ lục về bán tranh trong các cuộc triển lãm ở Việt Nam từ trước tới thời điểm đó. 

Cuộc sống của anh bắt đầu trở nên khấm khá. Kinh tế trong gia đình đã có nhiều thay đổi đáng mừng. Các nhà quay phim vô tuyến truyền hình trong và ngoài nước đã tìm đến anh. Nhà quay phim người Australia cũng cố mời bằng được để anh ra phố quay về phố cổ. Báo chí trong nước và nước ngoài kể cả Việt kiều ở xa đất nước cũng hướng về anh.

Mấy năm về trước anh cũng được giải thưởng cao về trình bày bìa sách ở hội chợ sách quốc tế tại Leipzig, Đông Đức (cũ) vẽ về “Hề, chèo”. Các cuộc triển lãm ở trong nước, nhiều năm anh cũng được giải thưởng. Danh vọng và tiền tài đã đến với anh lúc này không thiếu. Điều mơ ước ở anh trong lúc này chỉ cần một “atelier” (xưởng vẽ) để làm việc. Thêm một điều ước muốn nữa là được đặt chân đến Paris, thủ đô nước Pháp. 

Nếu tới đó, anh sẽ đến thăm viện bảo tàng Lourve và Musée dArt Moderne để được chiêm ngưỡng những kiệt tác của các nhà đại danh họa tầm cỡ thế giới. Những ước mơ đó đối với anh không khó. 

Nhưng đến khi qua đời anh vẫn chưa thực hiện được ý muốn. Nhớ đến hằng năm cứ vào dịp tết anh lại vẽ một số thiếp chúc tết. Lấy con vật của một năm làm đề tài. Năm thì vẽ con gà, con lợn, năm thì vẽ con ngựa, con dê. Bạn bè thân ái đến chơi hoặc đến nhà ai chơi anh đều tặng. 

Tết Mậu Thìn 1988, tôi đã mấy ngày đợi anh ở nhà vẫn không thấy anh lại. Khác hẳn với mọi tết. Mọi khi thường anh đến tôi hoặc tôi đến với anh trong hai ngày mồng Một hoặc mồng Hai. Nóng ruột quá, chiều ngày mồng Năm tôi đến thăm anh, thấy còn trùm chăn kín mít.

Nghe thấy tiếng tôi, anh vùng dậy, trong người hãy còn nồng men rượu. Sau đó, anh phải vào Bệnh viện Việt Xô điều trị. Ít ngày sau, ở bệnh viện về, tôi có lại thăm. Thấy bóng dáng tôi, chị Phái tỏ vẻ vui mừng khoe anh đã ăn được khá hơn trước, tuy nói năng vẫn phải dùng đến bút đàm. 

Rút trong chiếc cặp da lấy ra bức ảnh chân dung cỡ 9x12 anh ghi mấy chữ: "Thân tặng cụ Đạm một bức ảnh rất xưa - HN, 11/5/1988”. Cầm tấm ảnh, tôi không nhận ra anh vì lúc đó anh là một thanh niên đẹp trai tuổi mới 21 đang học ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Cách nhau 48 năm rồi làm gì mà không khác.

Tôi thường quen nhớ đến tuổi mụ vì anh sinh năm Canh Thân 1920, cùng tuổi với Duy Nhất nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là 1/9/1921 để xin vào học cho dễ. 

Bâng khuâng đi đường tôi suy nghĩ có việc qua lối Tràng Thi gặp Thái Bá Vân, hỏi tôi: Trong mấy ngày gần đây anh có đến Phái không? Tôi trả lời: Vừa ở nhà Phái ra. Vân hỏi: Anh thấy thế nào? Tôi nói: Sức khỏe xem ra khá hơn mấy hôm nọ. Vân cho biết là anh (Phái) bị cance (ung thư) gia đình giấu không cho Phái biết. Lòng tôi se thắt lại... nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ. 

Cách vài tháng sau đến thăm, thấy anh ngả người trên chiếc ghế bành mắt lim dim lúc nhắm lúc mở. Thấy tôi anh choàng dậy gật đầu chào, còn có vẻ mệt mỏi. Nhìn kỹ sắc thái lúc này đã thấy sút hẳn. Không làm phiền hỏi nhiều để anh phải mệt thêm. Giữ ý tôi cáo từ ra về sớm hơn mọi bận.

Hà Nội trong mấy ngày ấy thật oi bức, nhiệt độ từ 35-36 độ. Nóng cả ban ngày, nóng cả ban đêm. Cứ hầm hập. Chiều tối 23/6, cơn dông to ập đến, mây đen mù mịt lác đác vài giọt mưa, sau trở thành nặng hạt. Nhiệt độ trong người anh cũng bắt đầu thay đổi. Sau giờ vô tuyến, trong người anh cảm thấy khó thở. Gia đình bối rối. Chị và các cháu thấy cần phải đưa ngay anh vào viện để cấp cứu. Cháu Phương đi kèm cùng anh từ nhà ra đường, lúc đó anh còn kéo lê đôi dép tự đi một mình. 

Vào tới Bệnh viện Việt Xô, bác sĩ và những người trực ca đêm đó đã tận tình cứu chữa, dùng phương pháp hồi sức bằng cách cho thở ôxy. Nhìn điện tâm đồ thấy hơi thở tụt dần. Tim anh bắt đầu ngừng đập vào 20h40 ngày 24-6-1988...

Thế là Hà Nội đã mất đi một họa sĩ tài hoa. Đất nước mất đi một danh họa. Nhưng Bùi Xuân Phái đã để lại cho đời những bức tranh trường tồn cùng thời gian...

Nguyễn Bá Đạm















Dương Bích Liên & Bùi Xuân Phái










Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng










Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn & Bùi Xuân Phái
















Gác treo tám thước nhà anh Phái
Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy

Vũ Đình Liên




Trần Văn Lưu,Vũ Đình Liên, Bùi Xuân Phái




Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn 
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương 
Anh, tôi đâu phải không vui lắm 
Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn 
Còn lẽ loài người da bọc thịt 
Há như giống sói mõm phanh sườn 
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp 
Đốt trái tim trầm gửi gió hương 

Vũ Đình Liên viết tặng Bùi Xuân Phái

















Gác Hương Lửa - rượu, thơ và tranh
Trung Dũng



TP - Phố Hàng Bông có ngôi nhà số 11, thời Pháp thuộc là hiệu sách Cẩm Văn đường. Tục truyền ngõ Cẩm Văn phố Tôn Đức Thắng hiện nay từng của ông chủ hiệu đó. Đất đai ngày trước to rộng thế nào không rõ, chỉ biết sau này số 11 chia thành mấy hộ giống một ngõ nhỏ. Gian nhà chặn giữa ngõ đội trên đầu cái gác xép - nơi được nhà thơ Vũ Đình Liên đặt tên là Lưu Xá hay gác Hương Lửa.



Gác Hương Lửa. Ảnh chụp lại từ ảnh TL gia đình



Ông đồ tỉnh, ông đồ say


Nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ tuyệt bút “Ông đồ” lần đầu tới căn gác xép này vào khoảng năm 1971 qua giới thiệu của một bạn văn. Nhà thơ tới vì bức tranh xé giấy Ông đồ họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng chủ nhà là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Ông Liên đứng ngắm bức tranh hồi lâu bật ra một bài thơ (tiếc không được ghi lại) rồi bổ đi tìm ông Phái chỉ để nói đại ý “Tôi với anh chưa gặp nhau mà anh vẽ ra được suy nghĩ của tôi”. Câu nói ấy mở đầu tình bạn suốt nhiều năm.

Quay ngược thời gian theo lời kể của nhà nhiếp ảnh Trần Chính Nghĩa - con trai ông Trần Văn Lưu thì năm 1954, ông Lưu khai trương triển lãm ảnh nghệ thuật tại 68 Tràng Tiền. Bùi Xuân Phái mang con gái Bùi Yến Lan mới đầy tuổi tới dự. Ông Lưu chụp tặng cô bé một bức. Bức ảnh được tạp chí RDA (Đức) đăng tải. Từ đó hai ông Lưu - Phái thân nhau. Sau vụ tranh ông đồ, bộ ba Lưu - Liên - Phái chính thức “thành lập”.

Tranh, ảnh và thơ gặp nhau hóa hay. Theo lời kể của họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai ông Phái, ban đầu ông Liên muốn dùng gác xép nhà ông Phái để “xây đền văn hóa”. Gác treo tám thước nhà anh Phái / Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy. Nhưng rồi họ quay sang chiếm gác nhà ông Lưu, vốn là nơi các văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… thường xuyên qua lại.

Mà văn nghệ sĩ tụ tập có mấy khi tỉnh. Các ông gặp gì uống nấy. Trà ít rượu nhiều, đàm đạo từ sáng đến chiều, giao lưu nghệ thuật đốt trái tim trầm gửi gió hương (thơ Vũ Đình Liên). Ông Liên vẫn nung nấu ý định xây “đền văn hóa” để thờ Nguyễn Du, Baudelaire (nhà thơ lãng mạn Pháp). Được ông Lưu chấp nhận, anh Nghĩa nhờ bạn xây một cái am nhỏ. Ông Liên phóng tay đề đôi câu đối.

Nhân loại xây đền văn hóa mới. 
Hòa bình dựng tháp đại đồng xưa.

Hai câu này có lẽ cũng làm trong lúc “ông đồ” say. Lúc đó Vũ Đình Liên vẫn “đương chức đương quyền” trưởng khoa tiếng Pháp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Vậy mà khi tranh luận với Đoàn Phú Tứ, Hoàng Lập Ngôn, Song Văn thường dùng chiêu “lấy thịt đè người” để giải quyết vấn đề. Tội nghiệp ông Tứ hơn 30 cân còm cõi may có ông Lưu kịp can.

Kể ra thì hơi men giúp các ông có “hương” có “lửa”. Họa sĩ Thanh Phương khẳng định: “Những bức ở 11 Hàng Bông thường được bố tôi vẽ khi chuếnh choáng, thường mang tính erotic (phồn thực) rất mạnh mẽ. Ở nhà nghiêm túc mà vẽ ở gác Hương Lửa lại rất tợn”. Khi NXB Nguyễn Lộc nhờ Bùi Xuân Phái làm bìa tập thơ Hồ Xuân Hương, ông đã vẽ một cô nàng ôm trống còn tay lý trưởng râu dê cầm dùi gõ thủng cả mặt trống.



Nghèo mà phong lưu

Nước Tàu thời Chiến Quốc có Mạnh Thường Quân - tôn thất nhà Tề trong nhà luôn có vài nghìn khách. Sài Tiến truyện Thủy Hử - dòng dõi thế gia lúc nào cũng nuôi năm, bảy mươi anh hùng hảo hán. Mấy ông đấy toàn cỡ ức vạn kim tiền (“ức” bên Tàu là một vạn vạn). Cụ Trần Văn Lưu nhà ta thì ức vạn lòng hiếu khách.

“Bối cảnh xã hội bấy giờ khiến các cụ sống rất vô tư. Nếu là bây giờ biết đâu truyền thông làm hỏng các cụ. Cụ Phái cuối đời (năm 1984) đứng trước camera còn bối rối dù bình thường cụ nói chuyện rất hóm hỉnh. Lên vô tuyến lúc ấy là điều gì đó nghiêm trọng. Không biết may hay rủi, thiệt hay hơn. Có những thứ thuộc về số phận. Hoàn cảnh giúp tình bạn của các cụ trong sáng và bền vững như thế”.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương 

“Nhà chật. Gia đình mười mấy người rải đâu nằm đấy làm gì có giường. Góc này có buồng tối kích thước một nhân một mét bên trong có máy phóng. Đó chính là nguồn sinh nhai của gia đình. Cụ là người đầu tiên chụp ảnh tư liệu văn nghệ sĩ ở chiến khu. Hòa bình rồi cụ chụp cho báo Văn Nghệ, chụp hội nghị, chân dung giới văn nghệ theo đơn đặt hàng lấy thu nhập nuôi các con”- anh Nghĩa kể lại - “Khách đến nhà có gì ăn nấy, qua trưa quá bữa thì thôi”. 

Ông Liên lương ba cọc ba đồng. Ông Phái còn không có lương, sống bằng nhuận… minh họa. Vậy mà ông Phái thường là người xông xênh nhất. Nhờ ông bạn Lê Chính phụ trách phần minh họa báo Văn Nghệ, tuần nào ông Phái cũng có vài vi nhét vừa nộp vợ, nuôi con vừa có tiền ăn sáng uống rượu. Từ vi nhét nghe như tiếng Pháp - thứ tiếng ba ông đều giỏi - hóa ra là cách chơi chữ dí dỏm. Vi là nhỏ, nhét là nhét ví. Một khoản nhỏ nhét ví giúp các ông phong lưu như người ta.

Phong lưu uống rượu đàm thơ nghe hát ả đào. Nghệ nhân Quách Thị Hồ cũng là khách quen gác Hương Lửa, chỗ bạn bè thân thiết với mấy ông. Các cuộc vui thường kết thúc khi từng ông say khướt nằm một góc. 

Uống rượu trắng, ăn lạc luộc là thú bình dân. Ngoài ra còn có hai cái thú xa xỉ khác. Thứ nhất ra hiệu ăn chim quay. Thậm chí người ta còn tính giá trị theo đơn vị “con chim quay”. Vi nhét của ông Phái vừa xoẳn một đơn vị. Nhiều khi các ông “tổng động viên” chỉ gọi được một con ăn chung. Cái xa xỉ còn lại về mặt tinh thần. Họa báo Ba Lan và đặc biệt là tờ tạp chí Paris Match, thời đó rất khó kiếm. Kiếm được thì vồ lấy đọc nghiến ngấu cho bõ thú ăn chơi.



Bộ ba Lưu - Liên - Phái (từ trái sang). 
Ảnh: Bùi Thanh Phương.com



Lưu - Liên- Phái

“Ba cụ toàn người vất vả, hay gặp chuyện không suôn sẻ. Cụ Liên muốn khẳng định tình bạn ba người không ai được can dự vì thỉnh thoảng có ông muốn theo cụ Phái. Cụ Liên gạt đi, chỉ muốn Lưu - Liên - Phái kiềng ba chân” - theo họa sĩ Thanh Phương.

Trong ba người, Trần Văn Lưu nền tính nhất, đúng chất người Hà Nội gốc: Nho nhã, biết lắng nghe và giữ phong thái chủ nhà. Dù biết uống rượu nhưng chỉ uống có chừng, giữ tỉnh táo còn lo giảng hòa lúc các ông khác mượn rượu “mắng yêu” nhau. 

Nghe nói nhà thơ Đoàn Phú Tứ có cuốn lịch tay ghi các món vặt (vay mượn chi tiêu) trong đó toàn tên ông Lưu. Tại 11 Hàng Bông vẫn lưu đôi câu đối bằng chữ Hán ông Tứ rút từ thơ Vương Chi Hoán đời Đường nhờ ông Nguyễn Thụy Ứng – dịch giả Sông Đông êm đềm đưa bút. Nội dung dịch ra: Lên một tầng lầu / Nhìn xa ngàn dặm tặng nhân dịp ông Lưu cơi thêm một tầng gác xép.

Ông Liên ngược ông Lưu, tính tình rất sôi nổi, quá nhiệt tình với thơ. Mọi người thường trêu thơ ông lấy bát hứng không kịp. Cái túi thơ đúng nghĩa đen đeo kè kè luôn sẵn bản thảo. Cứ hứng lên là ông hắng giọng ngâm. Không chỉ có thế, ông Liên còn có thói quen “bắt” ông Phái minh họa thơ mình. Ông đóng 10 quyển sổ thơ thì ông Phái minh họa chục bản giống nhau để đi tặng bạn bè.

Bùi Xuân Phái vốn hay chiều người khác. Chiều bạn đã đành, vẽ bất cứ khi nào ông Liên yêu cầu. Ngay khách cũng chiều. Hồi làm tập thơ Hồ Xuân Hương, NXB có tặng ông hai chục cuốn. Ông đem tặng khách sau khi dán thêm vào mỗi cuốn bốn bức minh họa để khỏi đơn điệu. Bạn Hà Nội nghe tin liền ra hiệu mua thơ chạy tới gác Hương Lửa nhờ vẽ. Ông lại chiều.



Đôi câu đối Đền văn hóa. 
Ảnh chụp lại từ ảnh TL gia đình


Tứ tử trình làng

Họa sĩ Bùi Xuân Phái coi việc đến gác Hương Lửa mỗi ngày như đi thực tế sáng tác. Hàng ngàn bức phác họa được thực hiện ở đây lấy cảm hứng từ thơ Vũ Đình Liên, người mẫu Trần Văn Lưu hay Đoàn Phú Tứ. Đây là phần quan trọng cạnh dòng Phố trong các tác phẩm của ông. 

Mỗi dịp xuân về ông Phái đều vẽ một bức áp phích chúc mừng năm mới để ông Lưu trang trí gác xép ngày Tết. Mười hai bức họa trong vòng một giáp minh chứng tình bạn bền vững. Chơi với nhau lắm cuộc cãi cọ nhưng luôn quý và trọng nhau. Khi trang trọng chắp tay hai chữ “tiên sinh”. Lúc xuề xòa ông Phái đứng cửa gọi: “Lưu ơi đi ăn sáng” khiến hàng xóm phàn nàn: “Sớm tinh mơ đã ầm ĩ. Lớn tuổi còn lấc cấc. Lý phải gọi ông Lưu hay anh Lưu mới đúng chứ” - theo lời kể của anh Nghĩa.

Những tưởng kiềng ba chân đứng mãi, ai ngờ vẫn có người chen vào. Ông Lê Chính - nhắc ở trên - dần dà thành gương mặt không thể thiếu của gác Hương Lửa. “Vai trò ông Chính rất quan trọng. Ông duy trì cho ông Phái vài vi nhét mỗi tuần để cả hội có tiền ăn sáng” - anh Nghĩa nói vui.

“Cụ Chính làm công việc lựa chọn họa sĩ minh họa và thường ưu ái cụ Phái. Hồi đó ai được chọn vẽ minh họa vừa cứu cánh về kinh tế đồng thời mở cửa ra công chúng” - anh Phương kể - “cụ Phái được biết đến là nhờ minh họa. Cuối đời mới có triển lãm cá nhân”. Cũng theo trí nhớ của anh thì: “Cụ Chính theo cách nói hiện đại là một fan cuồng của Văn Cao, đến mức để râu tóc giống Văn Cao. Đến nhà cụ Phái chơi đi cùng Văn Cao toàn bị trẻ con trêu là Văn Cao dởm”. 

Ông Chính sống có tình, được nhiều người quý mến. Ông Liên vốn chủ trương “bế quan tỏa cảng”, lại tự tay bổ sung vào hội. Lưu - Liên - Phái chuyển thành Lưu - Liên - Chính - Phái, tứ tử trình làng. 

Hiện nay gác Hương Lửa vẫn còn, là nơi lưu giữ tư liệu và kỷ niệm xưa. Còn Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ? 


Nếu mai anh đi
Cùng ai sẻ chia
Buồn vui sướng khổ
Đền văn ai giữ
Tình bạn ai nuôi
Tìm đâu chỗ ở
Nhân nghĩa, tình người!
Nhưng mà nhân nghĩa
Bất dịch bất di 
Anh, tôi cũng thế
Không đi bao giờ 
Liên Lưu Chính Phái
Bốn trụ đền thờ 
Văn hóa nhân loại


(Mấy vần thơ ngẫu hứng nhà thơ Vũ Đình Liên tặng nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu)


















Bùi Xuân Phái. 
chiến khu Việt Bắc 1950









đứng: nhà sưu tập tranh Đức Minh
ngồi trái: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bá Đạm, Bùi Xuân Phái, 










Bùi Xuân Phái và vợ (bà Nguyễn Thị Sinh)









Vợ chồng Bùi Xuân Phái và năm người con



















Hai cha con









Bùi Xuân Phái & họa sĩ Bùi Thanh Phương 






















Họa sĩ Trần Trung Tín & Bùi Xuân Phái










Trần Trung Tín & Bùi Xuân Phái 

























Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.