Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Lê Tất Điều










Lê Tất Điều
(02/08/1942 - .........) Hà Đông
Bút danh khác 
 Cao Tần, Kiều Phong

Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo
Nhà Nghiên cứu khoa học










Tiểu Sử


Lê Tất Điều sinh quán Hà Đông, vào Nam năm 54, là một nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, một ký giả nổi tiếng trong giới báo chí miền Nam và đã có tập truyện ngắn đầu tay "Khởi Hành" xuất bản từ 1961 tức năm ông chưa đầy hai mươi tuổi. 
Lê Tất Điều đã viết truyện cho báo Ngôn Luận, Sai Gòn Mới khi mới 15 tuổi và đã cộng tác rất sớm với Tạp chí Bách Khoa của Chủ nhiệm Lê Châu cùng với Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Thụy Vũ, Túy Hồng vv...



Nhiều độc giả biết đến ông như một nhà văn chuyên viết truyện tuổi thơ cho loạt sách Truyện Thiếu Nhi của nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, do ông Nguyễn Hồng Trương làm chủ. 

Năm 1966 với Đêm Dài Một Đời và đặc biệt với Những Giọt Mực 1968, văn tài Lê Tất Điều đã được khẳng định qua 11 truyện ngắn thiếu nhi độc đáo và đã được đón nhận nồng nhiệt tại miền Nam Việt Nam.



(Trích)

Tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mùng một..."Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào...

Những năm gần đây, Lê Tất Điều say mê nghiên cứu khoa học và xa rời thế giới văn chương, tác phẩm mới nhất ông vừa cho xuất bản mang tựa đề Small People's Revolt.


Lê Tất Điều từng là sĩ quan quân đội Việt Nam Công Hòa, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện sống và làm việc tại San Diego.








"Ôi! Chữ Việt Nam ta bây giờ quý lắm, kể cả chữ nghĩa viết thư, không thể để chúng lưu lạc được"

Lê Tất Điều











Lê Tất Điều 
Ảnh: Cao Lĩnh









Tác phẩm đã xuất bản








1
Khởi Hành
1961






2
Kẻ Tình Nguyện 
1963






3
Quay Trong Gió Lốc
1965







4
Đêm Dài Một Đời
Giải truyện dài 1966
Trung tâm văn bút Việt Nam


Những ngày đầu năm, đọc lại Đêm dài một đời như được trải nghiệm một cảm giác xa xót mà lung linh của tình người trong thời loạn. Không hiện lên với khói lửa và tàn khốc xương máu, chiến tranh đi sâu vào những phận người nhỏ bé và lầm lũi với sự âu lo chết chóc thường trực, với những chuyến tàu chở học trò về thăm quê nhà có thể bị trúng mìn bất cứ lúc nào, với những cuộc chia tay của đám học sinh nội trú được biến thành trò chơi đám ma... Bối cảnh cuộc chiến ở rất xa, thậm chí không được nhắc đến, nhưng lại rất gần, day dứt trong mỗi tâm hồn, biến cố cuộc đời.
Lê Tất Điều được biết đến như một cây bút viết về ký ức tuổi thơ tuyệt vời. Nhưng trong Đêm dài một đời, thế giới tuổi thơ lại có sức lay động mãnh liệt hơn cả. Đó là thế giới của những tuổi thơ không nhìn thấy mặt trời, những đứa trẻ mù hoang mang và chưa thể tìm thấy sự chủ động trước đời sống.
Tất cả hiện lên trong lời dẫn chuyện của cậu bé Thương, một cậu bé rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ và mù lòa sau một chuyến tàu cán mìn trở thành học sinh nội trú ở trường khiếm thị. Sự chật chội thiếu thốn của không gian sống nội trú, những cuộc chia tay bạn bè không hứa hẹn gặp lại, mối quan hệ với những “người sáng” đầy phức tạp và những tình cảm ân cần, trìu mến mà những nhóm thanh niên sinh viên tình nguyện dành cho bọn trẻ... đã tạo nên bức tranh đời sống kỳ lạ, đầy cảm động. Cả cái cách mà bọn trẻ trước khi rời xa môi trường nội trú tìm cho mình những nghề nghiệp, những nơi nương tựa để tiếp tục sống (người làm bàn chải, người bán vé số, người cố gắng khẳng định mình trong ban nhạc) cũng chồng chất ưu tư thân phận, song lại luôn ánh lên những niềm lạc quan trong trẻo vào cuộc đời, vào tình người.
Lê Tất Điều viết về đời sống tâm hồn của lũ trẻ bằng sự đồng cảm đầy tinh tế. Đó có thể là khoảnh khắc nhân vật tôi ngồi mân mê cái mấu xương nhô ra ở cổ tay bạn, đó là khi lũ trẻ mù chơi đàn, chính âm thanh làm cho chúng cảm nhận đầy đủ đời sống xung quanh xôn xao, thấy được mùi hoa ngâu phảng phất, thấy bóng tối bớt nặng nề...
Nỗi buồn miên man thấm sâu vào nhạc văn của Đêm dài một đời, có sức gợi mở và ám ảnh người đọc triền miên: “Tôi tìm được sự rung động, xúc cảm trong khi hát. Tôi phải nói về một thế giới nào đó, một thế giới mềm nhỏ kết bằng những nỗi buồn man mác, đôi khi chan chứa tình thương yêu. Tôi muốn hát thế nào để mọi người cùng hiểu về thế giới đó. Mọi người phải cùng sống, cùng bàng hoàng vì bài hát như tôi” (trang 128).
Có thể nói, đây là thứ văn chương hồn hậu, giúp người ta nghĩ đẹp, cảm xúc đẹp, sống đẹp và biết hướng tha với một tinh thần đầy rộng mở, chia sẻ, yêu thương. Đâu đó, ta đã bắt gặp những nghịch cảnh, những đời sống chan chứa nghĩa tình, khốc liệt mà đằm sâu, sát thực mà rất thi ca trong một vài truyện ngắn của Duyên Anh, người văn chương cùng thời.
Tràng Thiên (Võ Phiến) viết nhận xét rằng: “Đọc Điều, ta tiếp cận một tâm hồn nhân ái, bao la và dịu dàng”.
Lê Tất Điều sinh năm 1942 tại Hà Đông, vào Sài Gòn từ năm 1954; được biết đến qua tạp chí Bách Khoa, một tạp chí uy tín, thành công tại Sài Gòn trong giai đoạn dài, từ năm 1957 – 1975. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay có tựa Khởi hành, do Bách Khoa ấn hành năm 1961, Lê Tất Điều đã được giới phê bình và độc giả lúc bấy giờ đánh giá cao. Cho đến năm 1970, ông là tác giả của tám cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài gây chú ý, trong đó, Đêm dài một đời là cuốn thứ tư. Sau năm 1975 ông sang Mỹ và mở một bước ngoặt mới trong văn nghiệp: không viết văn xuôi nữa mà chuyển hẳn sang làm thơ với bút danh Cao Tần. Trong thời kỳ này, ông cộng tác với các tạp chí: Hồn Việt, Bút Lửa, Văn Học Nghệ Thuật trong chức vụ tổng thư ký hoặc chủ bút; từ năm 1990, làm cố vấn trưởng Thư viện Toàn cầu.
Sau 47 năm, Đêm dài một đời của Lê Tất Điều trở lại giản dị và vẫn mới mẻ trong bối cảnh đời sống văn chương đang thiếu những tác phẩm đẹp, lay động thực sự dành cho tuổi mới lớn, trong đời sống mà sự vô cảm đang có sức lây lan mãnh liệt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên






5
Phá Núi
1968










6
Những Giọt Mực
1968


Lê Tất Điều nhân cách hoá đồ vật, rồi thủ thỉ kể chuyện. Câu chuyện khởi đầu bằng câu chuyện nên thơ của ban đêm và cứ thế kéo dài với những ngày tháng của cuộc đời. 
Tuổi trẻ của chúng ta bị đoạ đày bị dằn vặt đủ thứ, tuổi trẻ của chúng ta được thưởng thức văn chương Lê Tất Điều chắc chắn thống khoái vô cùng. 
Lê Tất Điều viết cho các em bé nhưng cũng để cho người lớn đọc. Lê Tất Điều gửi gấm thật nhiều nỗi lòng, thật nhiều tâm sự trong những đoạn văn ngắn nhưng hàm xúc. Những đoạn văn như bài thơ xuôi, những đoạn văn long lanh như hạt ngọc. 
Đọc “Những giọt mực” người đọc có cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi cái thế giới đê tiện của cuộc đời hôm nay, để đi vào thế giới tươi mát, thế giới trong đó tình yêu thương bao la. 
Kết luận “Những giọt mực” là những hạt ngọc cho tuổi thơ, một tác phẩm tuyệt vời của một tác giả có kích thước lớn. 



Hồ Nam



Đọc: Những Giọt Mực








7
Người Đá
Tiểu thuyết
nxb Đông Phương 1968








8
Anh Em
1970








9
Thư Về Bloomington, Illinois
(nxb Văn Nghệ (Hoa Kỳ, 1997)









10
Letters to Bloomington, Illinois
Tác giả tự xuất bản (Hoa Kỳ,1999) 











Tác phẩm mới nhất

















Small People's Revolt


Những hy vọng, ước mơ gửi tới các nhà lãnh đạo, khoa học gia bây giờ và mai sau:

*Báo động với thế giới về những tai họa cho nhân loại do Trung Cộng gây ra. Sự tham lam, thiển cận, tàn nhẫn và nghèo kiến thức của các nhà lãnh đạo quốc gia này đang làm địa cầu bị hủy hoại, môi trường sống của muôn loài bị thu hẹp tới mức nguy hiểm.

*Làm sạch kho tàng kiến thức chung của thế giới. Hủy bỏ, hoàn chỉnh những lý thuyết sai lầm hoặc thiếu sót, từng làm chậm bước tiến của khoa học, kể cả những thuyết của Albert Einstein. Đề nghị một hướng nghiên cứu mới về vũ trụ và phương thức khám phá những nguồn năng lượng mới, sạch và vô tận.




Xin đọc 3 chương trên các đường link dưới đây





Chương 7




Chương 12




Chương 13









Ngày tàn của một ảo ảnh

Lê Tất Điều


Thuyết Tương đối đặc biệt của Einstein – còn gọi là thuyết “thời gian giãn nở” - ra đời năm 1905, ngự trị thế giới khoa học hơn một thế kỷ, đang bị nghi là đã từ trần trong tháng 9 năm 2011, hưởng thọ 106 tuổi.

Thủ phạm vụ sát hại gây chấn động thế giới khoa học này là những hạt vi mô neutrino. Trong cuộc chạy đua với ánh sáng do lò thí nghiệm CERN (European Organization for Nuclear Research) tổ chức, chúng vượt tốc độ ánh sáng, đến đích sớm hơn 60 nanosecond, vô tình đụng chạm, xô đẩy thuyết vào tử địa.

Thuyết sống hùng sống mạnh lâu nay vì các khoa học gia đệ tử của Albert Einstein, có ra lệnh cấm tuyệt đối không cho bất cứ cái gì trong vũ trụ được bay nhanh hơn ánh sáng. Lý do: thuyết bảo rằng “khi con tàu di chuyển thì thời gian trong khoang tàu trôi chậm lại.” Tàu đạt vận tốc ánh sáng, thời gian sẽ ngừng trôi, nếu chạy nhanh thêm, nhanh hơn ánh sáng, thì thời gian sẽ trôi… giật lùi, nghĩa là khoang tàu bay ngược về quá khứ. Biết chuyện này chắc chắn vũ trụ không cho phép, họ cẩn thận ra luật hạn chế tốc độ tối đa của muôn vật muôn loài, để bảo vệ thuyết được an toàn trên xa lộ.

Khi neutrino ở CERN vượt tốc độ tối đa của Einstein, làm tính mạng thuyết lâm nguy, rất nhiều khoa học gia lừng danh thế giới xúm lại cứu cấp. Những bài báo chỉ trích phòng thí nghiệm CERN, nghi có sự sơ xuất trong tiến trình thí nghiệm, đo kết quả không chính xác … xuất hiện ào ào. Có vị nêu giả thuyết là bè lũ neutrino ăn gian, bay đường tắt, chui vào “chiều thứ tư, thứ năm chi đó” mới nhanh khiếp thế!

Nhưng chỉ hai tháng sau, tháng 11-2011, cuộc thí nghiệm liên quốc OPERA (Oscillation Project with Emulsion Tracking Apparatus) lập lại thí nghiệm của CERN, với nhiều cải tiến để tránh sai lầm, thấy kết quả giống hệt như trước, nghĩa là bè lũ hạt vi mô quái ác này vẫn qua mặt ánh sáng ào ào.

Chắc những khoa học gia đang cật lực bênh thuyết cũng hơi chột dạ, nhưng chưa nao núng, nản lòng.

Quả nhiên, cuối tháng 2- 2012, các khoa học gia của lò thí nghiệm Gran Sasso thình lình đấm ngực hô lớn: “Lỗi tại chúng tôi mọi đàng”. Họ khai rằng máy đo của họ trục trặc dây “cáp” và vài cơ phận. Nhưng chỗ này mới ngộ nghĩnh: họ bảo trục trặc máy móc có thể dẫn tới việc đo tốc độ Neutrino sai, thấy chúng bay nhanh hơn sự thực, còn trục trặc cable thì lại đo… chậm hơn sự thật. Nghĩa là có thể Neutrino đã thực sự bay chậm, hoặc nhanh hơn ánh sáng nhiều hơn 60 nanosecond. Thành ra sau lời thành khẩn khai báo nhận lỗi của họ, ta vẫn chưa biết rõ thuyết Tương đối đặc biệt sống hay chết. Dù sao, lời thú tội cứu cấp này cũng giữ cho thuyết ở tình trạng hôn mê, chờ thầy thuốc mới, chưa bị đem chôn luôn!

Thế rồi, giữa tháng 3-2012, chiến dịch cứu Thuyết hoàn toàn thành công. Cuộc thí nghiệm thực hiện sâu trong lòng một ngọn núi ở Ý – thí nghiệm ICARUS – trình ra kết quả là một tin vui: Neutrino không vượt tốc độ ánh sáng. Hai thí nghiệm OPERA và của CERN đều bậy cả. OPERA đo tốc độ bậy bạ vì dây cable lỏng lẻo, còn CERN sai thì vì OPERA sai!

Thế có nghĩa là thuyết của Einstein vẫn sống hùng sống mạnh, chưa bao giờ chết hụt cả.

Tội nghiệp bọn neutrino! Chúng nó suýt bị kết tội oan!

Chuyện chúng chạy nhanh hay chậm hơn ánh sáng chẳng dính dáng gì đến sức khỏe hay sự tồn vong của Thuyết thời gian giãn nở.

Dù chúng có bay chậm như rùa thì Thuyết vẫn chết.

Nếu lỡ dại vượt tốc độ ánh sáng, bọn chúng chỉ làm sáng tỏ thêm cái lý do đã khiến thuyết lăn cổ ra ngỏm củ tỏi từ lâu lắm rồi.

Tháng 3-2006, chúng tôi mở cuộc điều tra, và đã khám phá ra rằng cái thuyết vĩ đại, lẫy lừng được cả thế giới tôn thờ hơn trăm năm nay, chỉ là một ảo ảnh. Khai quật tử thi Thuyết lên để nghiên cứu thêm, thấy xương cốt nhỏ tí teo của nó, ai cũng thương cảm, đau lòng. Nó còn ở dạng bào thai.

Vậy xin có vài lời minh oan cho bọn neutrino:

Quả thực khi neutrino bay nhanh hơn ánh sáng thì chúng làm Thuyết “thời gian giãn nở” kẹt cứng, vì tạo ra những cảnh này:

Bản thân chúng nó bay “ngược về quá khứ”, nghĩa là nếu có khẩu súng bắn những hạt vi mô này ra thì chúng sẽ “tới đích TRƯỚC KHI súng được bóp cò”. Hậu quả xẩy ra trước nguyên nhân! Luật “nhân quả” bị xáo trộn, hết thiêng. Đấng Tạo Hóa không dung thứ mà đức Phật cũng phiền lòng.

Phi thuyền bay nhanh hơn ánh sáng cũng thế, sẽ làm thời gian trong khoang tàu trôi ngược lại. Thí dụ:

Một phi thuyền khởi hành từ A lúc 2:00PM, khoảng 2:30PM tới B, 3:00PM tới C, rồi từ đó tăng tốc độ, nhanh hơn ánh sáng, du lịch ngược thời gian, khi tới D, đồng hồ lại chỉ 2:30PM. Thế thì phi thuyền đã vi phạm luật lia chia, toàn những luật tuyệt đối không thể vi phạm, it nhất là trong phạm vi của vũ trụ này. (F. A1)

Trước hết: “Một vật thể không thể hiện hữu ở hai không gian khác nhau, trong cùng một khoảnh khắc.” Con tàu vượt ánh sáng, ngược thời gian, thì cùng lúc 2:30PM đã hiện hữu ở cả hai địa điểm B và D.

Luật: “Hai vật thể không thể cùng lúc chiếm ngụ một không gian” cũng bị vi phạm luôn.






Hãy quan sát kỹ những chuyện xảy ra trong vùng không gian ở D khi có con tàu “ngược về quá khứ” bay đến.

Giả sử vào lúc 2:30PM khi phi thuyền số 1 bay tới B, cũng chính lúc ấy, phi thuyền số 2 bay đến D, đậu lại vài phút rồi bay đi. Ta có: trong cùng một khoảnh khắc, 2:30 PM, phi thuyền 1 hiện hữu, chiếm ngụ không gian B, phi thuyền 2 hiện hữu, chiếm ngụ không gian D.

Như thế, vùng không gian ở D, lúc 2:30PM đã chứa đựng một con tàu.

Từ B, phi thuyền1 tăng tốc độ, bay nhanh hơn ánh sáng, tiến vào quá khứ. Lúc 3:30PM, nó đến vùng D thì đồng hồ trong tàu chỉ đúng 2:30PM. Thế thì ở vùng D bỗng nhiên có hai phi thuyền: số1 (từ tương lai bay về) và số2 (đã đậu sẵn tại đó) cùng hiện hữu, chiếm ngụ chung một không gian, trong cùng một lúc, 2:30 PM.

Xin nói rõ thêm: Trước khi phi thuyền 1 đến D, thì ở vùng không gian của D, thời gian vẫn trôi đều với tốc độ bình thường. Lúc 2:30 PM, vùng D có con tàu đậu, một tảng thiên thạch bay qua, hay dù chỉ là khoảng trống, thì không gian của D đã bị chiếm ngụ, đã đầy ắp rồi.

Nếu lúc 4:00PM hay 5:00PM, con tàu số 1, chui vào quá khứ, xông tới, cũng muốn chiếm ngụ cái không gian đã hiện hữu, đã đầy ắp trong quá khứ ấy, thì những vật thể trong toa tàu sẽ phải chung nhau tuyệt đối một không gian trong cùng một lúc (lúc 2:30 PM mới do khoang tàu mang đến) với nhiều món khác đã nằm sẵn ở đó, (lúc 2:30PM ) trong quá khứ của vùng D!

Đó là lý do khách ái mộ Einstein không cho những hạt neutrino, hay bất cứ cái gì trong vũ trụ bay nhanh hơn ánh sáng, để rồi chui tọt vào quá khứ, làm hư hết thuyết của cụ.

Nhưng các vị này đã cấm đoán quá trễ và vô ích.

Con tàu của cụ, ngay khi đạt tốc độ làm cho thời gian trong tàu trôi chậm lại, theo đúng thuyết thời gian giãn nở, thì cả không gian khoang tàu đã lọt vào quá khứ rồi. Giờ bên ngoài tàu là 11:00AM, thí dụ thế, thì chiếc đồng hồ trong tàu (mà những người ủng hộ Thuyết thời gian giãn nở cả quyết rằng đã chạy chậm lại, đúng theo giờ mới trong tàu) sẽ chỉ 10:00AM thôi, nghĩa là cả khoang tàu đã lùi vào quá khứ một giờ.

Bay cực nhanh để tiến vào quá khứ, hay chỉ bay đủ nhanh để làm thời gian trôi chậm lại, khiến con tàu lùi vào quá khứ, thì mức vi phạm luật thiên nhiên, luật cấm du lịch trong thời gian, cũng như nhau.

Trở lại thí dụ con tàu bay qua bốn vị trí A, B, C, D ở trên:

Hãy tưởng tượng: Khởi hành từ A, phi thuyền1 tăng tốc độ đủ nhanh để thời gian trong khoang tàu chậm hơn thời gian bên ngoài mười phút. Ta có: Ở B thời gian bên ngoài 2:30PM, trong tàu 2:20PM. Ở C, bên ngoài 3:00PM, trong tàu 2:50PM. Ở D, bên ngoài 3:30PM, trong tàu: 3:20PM. (F. A2).






Thế thì tại các địa điểm B,C,D đã diễn ra những cuộc xâm lăng quái dị nhất… vũ trụ. Không gian của khoang phi thuyền ở các thời điểm 2:20PM, 2:50PM, 3:20PM xông tới chiếm đóng những vùng không gian đã đầy ắp những món lỉnh kỉnh trong đó, đãhiện hữu trước đây 10 phút.

Nếu một thiên thạch bay qua D lúc 3:20PM thì lúc 3:30PM nó đã ở xa D lắm rồi, Nhưng phi thuyền1 đến D, mang theo chiếc đồng hồ chỉ đúng 3:20PM, thì tảng thiên thạch vô phúc này phải phản ứng thế nào? Nó đành lù lù hiện ra giữa khoang tàu? Hay bị bọn xâm lăng đụng tan xác trong… quá khứ, khiến tất cả sự hiện hữu của nó sau 3:20PM tan biến hết luôn vào hư vô?

Mà đâu phải chỉ có B, C, D bị xâm lăng. Khi một phi thuyền bay với cái khoang chứa một thời gian khác, chậm hơn thời gian bên ngoài thì nó tạo ra một đường hầm trong không gian. Đường hầm này dài bằng suốt chuyến du hành của nó. Và tại mỗi điểm không gian trong đường hầm ấy, dù nhỏ cỡ nào, cũng xẩy ra những cuộc xâm lăng, những vụ hai vật thể nhất định CHIẾM NGỤ MỘT KHÔNG GIAN TRONG CÙNG MỘT LÚC.

Khi thời gian trong khoang tàu chạy chậm lại, dù chỉ chậm tí tẹo như một nanosecond thôi, thì đường hầm quá khứ xuất hiện ngay, làm nẩy sinh những cuộc xâm lăng: Những vật thể trong không gian khoang tàu đồng loạt lui vào quá khứ để ào ào tấn công chiếm chỗ của những vật thể trong những không gian đã hiện hữu trước (trước hiện tại bên ngoài) đúng một nanosecond.

Do đó, không cần bọn neutrino hãm hại, thuyết thời gian giãn nở đã tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó sinh tồn trong vũ trụ. Nếu neutrino thực sự bay nhanh hơn ánh sáng, đó chỉ là phát súng ân huệ, chấm dứt sự sống của một ảo ảnh.

Muốn biết sự thật thì đừng bám chặt lấy cái ngọn, như chuyện tốc độ của neutrino, để luận đúng sai, rồi cãi cọ ồn ào. Phải điều tra tận gốc, xem lại từng hình vẽ, bài toán, những suy diễn, lý luận từ phút khởi đầu lập thuyết.

Chúng tôi đã làm việc ấy, đã thấy thuyết thời gian giãn nở sụp đổ, ngay từ giây phút chào đời trong năm 1905, chưa hưởng dương được ngày nào. Cấu trúc, sự vận hành, cùng những định luật cực kỳ khắt khe của vũ trụ đã nhất định không chịu cung cấp dưỡng khí cho nó. Và nó chết vì ngạt thở.

Sai lầm nghiêm trọng của
Albert Einstein


Thuyết của Einstein nói rằng “Khi con tàu di chuyển thì thời gian trong lòng nó trôi chậm lại – hoặc nói cách khác là NỞ RA (dilation). Tốc độ phi thuyền càng tăng thì thời gian trong phi thuyền càng chạy chậm hơn (so với thời gian trên mặt đất.) Do đó hành khách trong phi thuyền bay nhanh như ánh sáng sẽ không bị già đi…”

Tháng 3 năm 2006, tôi tìm hiểu, nghiền ngẫm thêm về thuyết này và đã thấy những sai lầm nghiêm trọng làm nó sụp đổ ngay từ lúc Einstein khởi đầu lập thuyết.

Sau đây là hình vẽ và những bài toán của Einstein (bạn đọc nào không thích toán học, xin cứ bỏ qua đoạn này, vì cuối cùng, sau khi thuyết được chứng minh là sai, những bài toán lập thuyết sẽ trở thành vô nghĩa:)







Hãy tưởng tượng có một toa tàu, trên trần treo ngọn đèn ở điểm A, một hành khách K ngồi trong toa và một quan sát viên Q đứng trên mặt đất.

Xe lửa chạy với vận tốc v, do đó sau thời gian t đã chạy được khoảng đường vt. Khách ngồi trong tầu thấy ánh sáng chiếu thẳng góc từ trần xuống sàn (AB) nhưng đối với người đứng dưới đất thì ánh sáng từ ngọn đèn trên trần xe đã phải “du hành” khoảng cách l’ (AC).

Vì vận tốc ánh sáng là c, l’ = ct.

Mặt khác, theo định lý Pythagore:






Đối với hành khách trên xe, thời gian qua chỉ là thời gian cần thiết để ánh sáng đi từ trần xe xuống sàn xe:






Hệ quả của phương trình trên là:

– Nếu xe lửa không chạy, v = 0, t/T = 1, tức là dù đứng dưới đất hay ngồi trên tàu thì thời gian qua cũng vậy.

– Xe lửa chạy càng nhanh, v càng gần c, thì t/T càng lớn, tức thời gian qua đối với người đứng dưới đất so với thời gian qua đối với người ngồi trên tàu càng trở nên chênh lệch.

Thuyết của Einstein, trình bày một cách nôm na, giản dị, tránh ngôn ngữ toán học, có thể tóm tắt như sau:






Khi tàu đứng yên, khách K thấy ánh sáng đèn phải vượt chiều dài l để đến điểm B trên sàn tàu. Quan sát viên Q cũng thấy như vậy. Khi tàu chạy, Q nhìn thấy ánh sáng đèn phải vượt chiều dài l’ (đoạn AC) mới đến sàn tàu, ở điểm C. Trong khi đó khách K vẫn chỉ thấy ánh sáng đèn chiếu thẳng góc xuống sàn tàu, nghĩa là chỉ cần vượt một chiều dài NGẮN hơn, vẫn bằng l (như đoạn AB hay DC), là tới đích.

Tốc độ ánh sáng không đổi, l và l’ dài ngắn khác nhau, người đứng trên mặt đất thấy ánh sáng mất nhiều “thời gian” hơn để vượt l’, như thế “đơn vị thời gian” trên mặt đất khác “đơn vị thời gian” trên tầu. Tàu càng chạy nhanh thì AC càng dài, cách biệt giữa l và l’ càng lớn. Đến một tốc độ nào đó, một phút trên tàu sẽ dài bằng một năm trên mặt đất, thí dụ thế. Nếu tàu đạt tốc độ ánh sáng, thời gian trong lòng tàu (so với thời gian trên mặt đất) sẽ ngừng trôi.

Tôi thấy Einstein có hai sai lầm nghiêm trọng:

Cụ quan sát (thực ra là tưởng tượng) đường đi nước bước của ánh sáng để đo đạc, tính toán, tìm dữ kiện, tài liệu minh chứng… mà ánh sáng thì hành tung bí ẩn, xuất quỷ nhập thần, chỉ với cái tốc độ nhanh nhất trong trời đất nó đã dư sức làm ta bối rối, lẫn lộn, bị lừa gạt dễ dàng.

Cụ chỉ nghĩ đến thời gian mà quên không gian. Quan sát hiện tượng xảy ra trong lòng toa tàu di chuyển, thấy l và l’ dài ngắn khác nhau,cụ suy đoán ngay là “bản chất” thời gian trong toa đã thay đổi, rồi kết luận: tốc độ của toa tàu di chuyển ảnh hưởng, thay đổi thời gian (làm nó “nở ra” –“chạy” chậm hơn) trong lòng toa. Những thay đổi về khoảng cách (không gian) trong đó không được cụ chú ý.

Để tránh sự sơ sót của Einstein, và tiện thể bổ túc luôn một việc quan trọng cụ thiếu sót ta thử nghiệm thuyết này với những vật thể không phải là ánh sáng.

Trong một toa tàu di chuyển, ta quan sát “đường bay” của một trái banh rơi từ trần, tại điểm A, xuống sàn. Khi trái banh chạm sàn tàu, ở điểm C, người quan sát đứng trên mặt đất thấy trái banh đã rơi theo một đường chéo AC. (Einstein đồng ý chuyện này). Nhưng hành khách K thì lại cảm thấy, và tin rằng mình đã nhìn thấy trái banh rơi theo chiều thẳng đứng từ trần xuống sàn, vượt một đoạn đường ngắn hơn, chỉ bằng đoạn AB hay CD mà thôi. (Einstein – hoặc thuyết của cụ – cũng đồng ý như thế.) Chỗ này, họ lầm.

Thực ra, “đường rơi” của trái banh chính là, và chỉ là AC, đúng như người quan sát thấy, nhưng người khách không nhận ra. Trong khi rơi, trái banh chịu hai lực kéo: Trọng Lực và tốc độ con tàu (Nếu tàu chưa đạt tốc độ ổn định thì phải thêm lực “G”.)

Tốc độ và hướng rơi của nó bị chi phối bởi tổng hợp sức hút của trái đất và tốc độ con tàu. Tàu chạy càng nhanh thì đoạn AC càng dài ra. Người quan sát và người khách đã mất đúng một khoảng thời gian như nhau để theo dõi trái banh rơi từ trần xuống sàn. Họ cùng quan sát một trái banh, rơi trên lộ trình độc nhất AC của nó. Đoạn đường ngắn, thẳng đứng từ trần xuống sàn (bằng AB hoặc DC) không thể dùng cho những tính toán khi con tàu đã di chuyển.

Con tàu di chuyển không hề làm thay đổi thời gian. Nó chỉ kéo dài khoảng cách (hay không gian) trái banh phải vượt qua để hoàn tất chuyến du hành từ trần đến sàn tàu.

Thay đổi trái banh bằng gạch, đá, cam, táo v.v… để thử nghiệm, ta sẽ có những kết quả tương tự.

Khi thử nghiệm thuyết này với mọi thứ trên đời, trừ ánh sáng, ta đều thấy tất cả định luật thiên nhiên, định luật vật lý còn hiện hữu trong lòng toa tàu di chuyển. Chỉ riêng ánh sáng khiến người quan sát của Einstein nhìn thấy một thế giới kỳ lạ, bất thường, trong đó luật thiên nhiên, luật vật lý biến mất, thời gian tha hồ đổi tốc độ v.v… Như thế, ánh sáng không phản ảnh một thực tại nào cả, nó chỉ tạo ảo ảnh thôi. Xây dựng lý thuyết trên cái nền ảo ảnh, lý thuyết sụp đổ ngay.

Nhưng đây mới là điều quan trọng: Ánh sáng không hề lừa bịp Einstein.

Chính cụ tự lừa dối mình bằng một hình vẽ sơ sài, suy nghĩ thiếu cặn kẽ, và quá vội vàng dựa ngay vào toán học để chứng minh một chuyện tưởng là có thật. Rồi độ chính xác, khả tín trăm phần trăm của toán học lại khiến cụ thêm tự tin, đồng thời uy hiếp, làm những anh to gan sau này dám nghi ngờ thuyết phải co vòi hết.

Ta cũng dùng ánh sáng để thử nghiệm thuyết này, nhưng cẩn trọng, chu đáo hơn một chút xem sao.

Muốn cân đo một con cọp mà không lo khống chế sức mạnh cùng nanh vuốt của nó trước, cứ khơi khơi thân ái ôm nó để lên bàn cân thì dễ mất mạng. “Cọp” ánh sáng không giết ta, nhưng có thể tiêu diệt khả năng quan sát, đo lường, nhận định chính xác của ta trong nháy mắt. Hai thế võ đáng ngại của nó: “di hành” với tốc độ nhanh khủng khiếp, và vây quanh ta trùng trùng điệp điệp, nghĩa là lúc nào cũng tấn công ta bằng chiến thuật “biển người”.

Đối phó với vụ “biển người” ta tách ánh sáng ra từng tia nhỏ. Để giảm sức tác hại của võ “di hành” siêu việt, ta lùa ánh sáng vào một cái chuồng thật lớn, để dù nó “chạy” nhanh cỡ nào, ta cũng còn kịp “đếm bước chân chàng”.

Ta hình dung một toa tàu khổng lồ, sàn ngang mặt đất, trần cao đụng mặt trời, và dùng ngay mặt trời làm ngọn đèn cho tiện. Khi tàu đứng yên, một tia sáng phát xuất từ mặt trời, tại điểm A, phải “bay” tám phút mới tới sàn ở B. Khi tàu chạy, thí dụ với tốc độ 60 dặm một giờ, cũng tia sáng phát xuất từ A ấy, phải bay “lâu hơn 8 phút” một chút thì mới chạm tới sàn ở C, khi đó đã cách xa điểm gốc B 8 dặm. Nghĩa là ánh sáng cũng phải trải qua đoạn đường chéo AC (giống hệt như trái banh, hay gạch đá, giầy dép…) không hề có chuyện nó chỉ cần bay một đường thẳng đứng, ngắn hơn, chỉ bằng AB, như Einstein lầm tưởng. Bắt ánh sáng chạy một đường thật dài là thấy rõ ngay.

Như thế, khi con tàu đang di chuyển, ánh sáng, dù “bay” cực nhanh, vẫn phải vượt đường chéo AC. Những điều ấy Einstein đã biết rõ, rất rõ, ngay từ giây phút khởi đầu lập thuyết.

Chính cụ đã vẽ đường chéo ấy. Không cần một toa tàu khổng lồ, chỉ với chiều cao của một toa tàu bình thường, Eintein đã thấy là, khi tàu di chuyển, ánh đèn chiếu xuống, dù gần như tức khắc “bay tới” sàn tàu, không còn là đường thẳng đứng nữa. Cụ thấy đúng, người quan sát đứng trên mặt đất cũng thấy đúng. Cụ chỉ sai lầm ở chỗ tưởng rằng bà khách K ngồi trong tàu thấymột đường AC khác, tưởng bà ấy thấy toàn những ánh đèn chiếu thẳng đứng.

Không hề có đường khác nào cả. Cụ, người quan sát Q, và bà khách K. cùng nhìn thấy một đường duy nhất AC, dù nó là tia sáng đèn hay đường rơi của trái banh. Bà K. không thấy nó chéo, vì từ góc nhìn của bà, mắt không cảm nhận được độ chéo ấy.

Suy nghĩ thêm một chút nữa, ta thấy chuyện hiển nhiên này:

Ánh sáng đèn, trái banh, nếu chiếu hoặc rơi theo đường thẳng đứng, thì khi tàu chạy, chúng nó sẽ “đáp xuống” vùng sàn ởphía sau toa tàu, không thể “trúng” đầu bà khách K được. Vì, khi tàu chạy, bà đã tiến theo tàu về phía trước rồi, đã tới điểm C. Và sau đó, nếu tàu đã đạt tốc độ ổn định, tất cả những tia sáng đèn kế tiếp nhau chiếu xuống “trúng” đầu bà khách K đều là những đường chéo, song song với đường AC, do chính tay Einstein vẽ ra.






TAM GIÁC KHÔNG THỂ THÀNH HÌNH

Vì ánh sáng tức khắc tỏa ra mọi phía nên quả thực lúc nào cũng có những tia sáng chiếu thẳng góc xuống sàn tàu, dù tàu đã di chuyển. Nhưng chỉ có một chùm nhỏ thôi, không phải tất cả các tia sáng trong tàu, như Einstein lầm tưởng.

Chùm tia sáng chiếu thẳng góc xuống sàn này lớn bằng cái bóng đèn (thực ra có hình dạng sợi dây tóc nếu là loại bóng cũ còn dùng sợi tungsten). Nhưng đây là những đặc tính không thể bỏ qua về chùm tia ấy:

1- Chùm tia sáng thẳng góc không bao giờ đáp xuống sàn ở B, mà ở A’ nằm sau B, vì B cùng tất cả mọi thứ trên sàn đã theo tàu tiến về phía trước. (Trí tưởng tượng của Einstein đã bỏ sót chi tiết quan trọng này, dẫn tới một chuỗi những diễn dịch, nhận định sai lầm kế tiếp.)

2- Tia AA’ hoàn toàn khác tia AC. Tuy cùng phát xuất từ A, nhưng AC lại đuổi theo điểm B, để cuối cùng gặp nó ở C.

Do đó khi người khách ngồi trong tàu chỉ nhìn thấy AA’ và người quan sát chỉ nhìn thấy AC – như Einstein lý luận - thì thực sự họ đã nhìn hai đường dài ngắn khác nhau. Lầm tưởng hai đường chỉ là một, cụ so sánh thời gian hai người dùng cho việc quan sát AA’ và AC, rồi kết luận thởi gian trong con tàu di chuyển đã giãn nở (dilate). (hình F. 3A)

Nếu Einstein nhất định chối bỏ sự hiện hữu cùa AA’, quyết tâm chỉ cho một mình người quan sát nhìn thấy đường AC để giúp cụ có hình tam giác vuông góc ABC làm nền tảng lập thuyết, cụ sẽ thất bại. Đây là lý do:

Dùng A làm tâm điểm, ta vẽ một vòng cung (một phần của vòng tròn bán kính AB) Vòng cung này cắt AC ở c’.

Đến đây thì phương pháp tách ánh sáng ra từng tia nhỏ để dễ quan sát, tính toán chưa đủ. Bây giờ, phải tưởng tượng ra hai GIỌT ÁNH SÁNG S1 và S2. S1 “bay” từ A xuống B (thực ra là A’), và S2 từ A xuống C. (F. 4)










Khi giọt sáng S1 rơi thẳng góc xuống tới điểm A’ trên sàn tàu (giả dụ là mất hai nanosecond) thì S2 mới bay tới c’ (Vì S1 và S2 bay cùng tốc độ). Và B di chuyển tới B’. Vậy sau đúng 2 nanosecond, tam giác vuông góc ABC chưa thành hình, mới chỉ có một cạnh AA’ là đầy đủ. Đường chéo AC còn thiếu đoạn c’ C, và cạnh BC thì thiếu B’C, và A’B. (Hình F. 5 trình bày dung nhan một tam giác vuông góc chưa thành hình)







Giả dụ giọt sáng S2 cần thêm một nanosecond nữa để bay tiếp từ c’ tới C, thì S1 lại dùng chính nanosecond ấy để cũng bay tiếp từ A’ tới N. Và, sau 3 nanosecond, ta lại có hình tam giác cân NAC (cạnh AN= cạnh AC). (Hình F. 6)






Như thế, khi tàu đã di chuyển, sẽ không có một khoảnh khắc nào cho phép hình tam giác vuông góc trong trí tưởng của Einstein được thành hình, hiện hữu. Những bài toán lập thuyết dựa trên kích thước của một hình tam giác không có thật, tất nhiên cung cấp một đáp số vô giá trị.

Tất cả những phân tích, chứng minh dài dòng trên đây là thừa, nếu quí vị nhìn thấy một điều thật giản dị này:

Thuyết của Einstein đòi hỏi một chuyện phi lý: nó bắt ta chấp nhận rằng hai đường dài (AC), ngắn (AA’) khác nhau, chỉ là MỘT ĐƯỜNG THÔI.

Trong con tàu di chuyển có tia sáng chiếu thẳng góc xuống sàn, có tia đuổi theo một điểm đã tiến về phía trước. Muốn so sánh thì người quan sát và người ngồi trong tàu phải cùng nhìn một đường thôi (hoặc AA’, hoặc AC), chứ không thể mỗi người nhìn một đường khác, rồi ép buộc bà con chấp nhận hai đường ấy có cùng chiều dài, như là một, để hùng hồn chứng minh cho cái thuyết thời gian chạy chậm lại, nở to ra!

Nếu cùng nhìn một tia sáng, hoặc thẳng góc AA’, hoặc chéo AC, người ở trong, hay người đứng ngoài tàu, đều thấy đoạn ánh sáng từ trần xuống sàn dài bằng nhau, không sai lệch mảy may. Cái người quan sát thấy cũng chính là cái thực sự xảy ra trong lòng tàu. Tốc độ thời gian trong tàu, ngoài tàu giống nhau, không có chuyện chỗ nhanh, chỗ chậm.

Vậy tại sao Einstein dùng ánh sáng để chứng minh thuyết của mình lại thành công ngay, và thuyết phục được cả thế giới trong hơn một thế kỷ? Tôi đoán thế này:

1- Rất tình cờ, thuyết này phản ảnh rất đúng một hiện tượng thiên nhiên, chỉ lầm lẫn trong tiến trình quan sát và suy diễn hiện tượng ấy. Tôi sẽ giải thích chuyện này sau.

2- Trí tưởng tượng của con người vô hạn, nhưng khi dùng tưởng tượng để tái tạo một khung cảnh, ta có khuynh hướng ngừng lại ngay khi đã hình dung ra đầy đủ những chi tiết cần thiết để hỗ trợ cho một lập luận, một câu chuyện. Khi hình dung đường chiếu của ánh đèn xuống sàn tàu, vì tốc độ ánh sáng quá nhanh, ta lập tức thấy nó luôn luôn thẳng góc với sàn tàu, dù tàu đứng một chỗ hay đang chạy hết ga, và kết luận là nhận xét của Einstein hoàn toàn đúng. Sự hài lòng quá sớm ấy khiến ta bỏ qua một chi tiết quan trọng: ánh sáng dù bay nhanh cỡ nào cũng cần một chút thời gian (một sát na? một phần triệu của sát na?) để bay từ đèn xuống sàn, và tất cả mọi điểm trên sàn tàu đã dùng chính khoảng thời gian ấy để tiến về phía trước.

Trong cả hai trường hợp, chi tiết bị trí tưởng tượng bỏ quên, cái mắt xích bị thiếu ấy lại chính là yếu tố sinh tử của thuyết. Nếu nhận ra là điểm B, trong khi chờ đợi ánh sáng “bay” từ trần xuống sàn, đã nhích tới C, ta sẽ thấy ngay là AB – khi tàu đứng – đã trở thành AC khi tàu chạy, và tam giác vuông góc ABC của Einstein biến mất, (thực ra không từng hiện hữu.)

NGĂN BƯỚC THỜI GIAN

Xin kể vài chuyện khoa học giả tưởng tầm phào liên quan đến thuyết Tương Đối đặc biệt:

Tôi quyết định đóng một phi thuyền có tốc độ nhanh bằng ánh sáng. Mất vài giây là xong, nhờ phương pháp đóng bằng tưởng tượng. Bao nhiêu khó khăn kỹ thuật như dùng nhiên liệu gì để chạy máy, vật liệu gì để đóng tàu, được vượt qua trong nháy mắt.

Nhưng vừa đem ra định bay thử, thì hoảng hồn, vì đụng những nghịch lý.

Nghịch lý thứ nhất: Thời cụ Einstein, với kỹ thuật chưa cao lắm, người ta đã có thể để chiếc đồng hồ nguyên tử vào (tầu bay hay hỏa tiễn?) bay nhanh đến độ nó phải chạy chậm lại theo thời gian mới. Phi thuyền tối tân của tôi chắc chắn sẽ đủ nhanh để làm đồng hồ không những chậm lại, mà còn ngưng chạy luôn, nghĩa là thời gian trong lòng toa tàu cũng ngừng trôi. Hãy tưởng tượng quang cảnh trên chiếc phi thuyền bay thử lần đầu tiên, đúng giây phút vinh quang ấy:

“Phi thuyền tăng tốc độ đều đều, hành khách hồi hộp, chăm chú nhìn chiếc đồng hồ trên tường, thấy rõ cây kim dài càng lúc càng quay chậm dần. Rồi kim đồng hồ ngừng hẳn, tàu đã đạt tốc độ ánh sáng, thành công vĩ đại! Mọi người tính nhảy nhót, reo hò, mừng thắng lợi, thì… không kịp, từ hành khách đến phi hành đoàn đều… chết cứng tại chỗ.”

Thủ phạm vụ giết người hàng loạt này là anh thời gian. Để di chuyển, phải có thời gian. Khả năng di chuyển chỉ là yếu tố tạo thành tốc độ. Có khả năng bay 300 ngàn cây số một giây, nếu không có một giây, vẫn đứng tại chỗ. Tim người cần một phút để đập trung bình 60 nhịp, phổi cần vài giây để thở ra hít vào. Không phút không giây, tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Các nạn nhân muốn té lăn quay, nằm trên sàn, cho đỡ… kỳ cục, cũng không được. Muốn rơi, muốn ngã cũng phải có tí thời gian.

Nghịch lý thứ hai: Con người yếu đuối, mong manh, vì bay nhanh quá mà chết cứng, còn hiểu được. Máy móc toàn bằng những nhiên liệu cứng rắn, bền bỉ hơn sắt thép, cũng không tránh được tai họa. Chúng nó bị khốn đốn sớm hơn con người, ngay từ lúc thời gian mới chớm thay đổi tốc độ.

Tàu dùng thời gian bình thường của chúng ta để khởi hành và tăng tốc độ. Khi nó đã nhanh tới mức khiến đồng hồ nguyên tử chạy chậm lại thì máy móc, những hệ thống cơ động và hệ thống bơm nhiên liệu lập tức cũng phải chậm lại theo.

Nếu phi công cứ tăng tốc độ cho đến lúc chiếc đồng hồ điện tử ngưng chạy luôn thì sao?

Thì, giống hệt số phận hành khách, tất cả hệ thống máy móc, cơ động cũng như điện tử, lập tức đứng lại, chết cứng tại chỗ, như bị đông đá. Như tim phổi người, cùng tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ này, không có thời gian, chúng hết nhúc nhích! Thành ra, khi phi thuyền đạt tốc độ cực nhanh thì máy móc lại tức khắc chết ngắc luôn.

Con người, máy móc bất động mà ánh sáng đèn cũng “tê liệt”, chỉ vì bài toán tầm thường mà chính cụ Einstein dùng nhiều lần trong thuyết: Đường dài bằng tốc độ nhân với thời gian. Thời gian là số không thì không có đường dài! Đó là một chân lý toán học.

Nhưng bảo rằng tất cả chỉ chết cứng, tê liệt v.v… thì vẫn thiếu sót. Muốn đầy đủ, phải thêm rằng: “Ngay khi thời gian ngừng trôi, người, máy móc, ánh đèn trong toa tàu lập tức bất động và… biến mất!”

Bởi vì: Muốn hiện hữu phải có thời gian. Ít như một sát na cũng được, nhưng phải có. Hiện hữu một sát na, một nanosecond thì được. Hiện hữu trong zero thời gian là không hiện hữu gì cả! Đây là chân lý, ít nhất, của vũ trụ này.

Nghịch lý thứ ba: Một phi thuyền có tốc độ nhanh đủ để một ngày trên tàu dài bằng một năm trên mặt đất, khởi hành sáng sớm ngày mồng một Tết năm 3000. Tháng tư cùng năm (theo lịch “trần gian”), ngọn núi Văn Dú của Thế Lữ bị san bằng để làm đường. Tháng 6 năm 3000 (vẫn lịch trần gian) phi thuyền bay xẹt qua dẫy núi trước đó hai tháng có núi Văn Dú, thấy chỗ đó bây giờ là khoảng trống, phi công cho tàu bay thẳng qua.

Nhưng khi tàu vừa vào vùng không gian trước đây hiện hữu ngọn núi thì rầm một cái, một khối đá khổng lồ thình lình hiện ra, nằm kín lòng phi thuyền! Ông phi công trưởng bị đá đè dẹp lép, gần chết, cố dùng tàn lực hét lên: “Tảng đá kia! Mày có mua vé không mà dám nhảy lên tàu ngang xương như thế hả?” Tảng đá hung hăng cãi lại ngay: “Xin lỗi ông. Các ông mới chính là lũ xâm lược trắng trợn, là con tàu lạ, vi phạm công pháp vũ trụ. Ông xem lại lịch và đồng hồ của ông đi. Bây giờ đang là trưa ngày mồng một Tết năm 3000 ở trong tàu. Giờ này, ngày này tôi còn đang đứng sừng sững giữa trời ở chỗ này. Các ông mù hay sao mà không thấy!”

Nghịch lý thứ ba làm liên tưởng tới một nghịch lý về chuyện du lịch trong thời gian: Một du khách bay về quá khứ, gặp ông nội mình lúc đó còn đang ở tuổi choai choai, lỡ tay giết chết ông ta. Ông nội chết trẻ, không bao giờ gặp và kết duyên với “bà nội”, thân phụ ông du khách không có dịp

chào đời, nghĩa là chính người du khách cũng chưa từng hiện hữu. Thế thì lấy đâu ra một du khách bay về quá khứ để… giết ông nội?!

Chỉ một nghịch lý này đủ làm tiêu tan những lý thuyết, kế hoạch, và ước mơ làm thay đổi tốc độ của thời gian hoặc “bay” ngược vào quá khứ.

CHUYỆN BUỒN CỦA CHÀNG SIÊU NHÂN

Tạo Hóa tạo ra không gian để chứa tác phẩm của ngài trong đó có vũ trụ này, thêm thời gian để tác phẩm ấy hiện hữu liên tục đến vô cùng.

Vì định luật: hai vật thể không thể chiếm ngụ cùng lúc một chỗ trong không gian, anh thời gian có thêm nhiệm vụ quan trọng nữa: giúp cho hai, hay vô số vật thể có cơ hội chiếm ngụ cùng một chỗ trong không gian, miễn là chịu xếp hàng chờ phiên mình, lần lượt cái trước cái sau, các anh có thể chiếm ngụ cùng một không gian ấy vào những giờ khắc khác nhau. Nên thời gian chính làchiều thứ tư. (Hai chiếc xe không thể cùng đậu trong không gian 3 chiều - ngang, dọc, cao- của cái nhà đậu xe nhỏ, nhưng khi có thêm chiều thứ tư –ngang, dọc, cao, và 8 giờ tới 9 giờ, hoặc ngang, dọc, cao và 9 giờ tới 10 giờ- thì cả hai đậu thoải mái, không có vấn đề gì.)

Cái khung chính, hay cái nền của công trình tạo thiên lập địa là không gian, thời gian. Con người nhỏ tí teo, sống trên một hành tinh to bằng hạt cát trong sa mạc vũ trụ, có thể chọc phá, xô đẩy, gây xáo trộn cho hai tác phẩm lớn này của Tạo Hóa được chăng?

Có chứ, nhiều lắm, thành tích ghê gớm này được ghi chép đầy trong văn thơ. “Không gian” bị “chấn động” đều đều. Thỉnh thoảng, để mô tả sức nổ lớn của một trái bom, nhà văn nhà thơ cho “không gian tưởng như bị nổ tung” một phát cho bà con thêm “ấn tượng”.

Tôi không dám dông dài. Quí vị biết cả rồi. Ta huênh hoang, bắng nhắng với nhau trong văn chương cho vui thế thôi. Sức ta chỉ làm chấn động, nổ tung những món cư ngụ trong không gian, không tạo ra tí sứt mẻ nào trên chính bản thể của không gian. Ta làm trái núi sập xuống, thì cái không gian chứa đựng trái núi vẫn còn nguyên đó, để lập tức chứa đựng những món khác, kể cả món hư vô. Không gian chẳng hề hấn gì. Vũ trụ này đang nở lớn cũng không có nghĩa là không gian phải lớn theo. Chỉ có khoảng không gian mà vũ trụ chiếm ngụ đang nở ra thôi.

Tạm gọi “sát na” là đơn vị ngắn nhất của thời gian và “hạt đen” là đơn vị của “chất đen”, hữu thể nhỏ nhất trong vũ trụ.

Mỗi sát na có một vũ trụ riêng, mỗi hạt đen cũng có một vị trí riêng (xác định bằng không gian đủ bốn chiều) trong vũ trụ của sát na ấy. Vì vũ trụ chuyển động nên sau mỗi sát na, nó tiến tới một vị trí mới trong không gian. Sự gắn bó chặt chẽ giữa không gian, thời gian và vũ trụ khiến ta, nếu muốn chặn bước tiến của thời gian, phải chặn luôn cả sự di chuyển của vũ trụ.

Ngăn cản, làm chậm bước tiến của vũ trụ?! nghe ghê quá, khó quá, nhưng so ra, nó có vẻ dễ hơn công tác ngăn cản đà tiến của thời gian.

Chuyện ngăn chặn, xô đẩy thời gian, Siêu Nhân đã thử rồi, và thất bại thê thảm.

Chàng Siêu đã từng bắt trái đất quay… ngược lại nhiều vòng, để xô ngược thời gian về quá khứ luôn, cho chàng có đủ thì giờ bay đến cứu mạng người yêu kịp thời.

Phim “Superman: the movie” (1978), do Chistopher Reeve đóng, diễn tả đầy đủ từng chi tiết thành tích lẫy lừng này: Siêu Nhân bị tên cùng hung cực ác Lex Luthor bày kế lừa, xích cổ (với những thanh Kryptonite có khả năng phế bỏ hết võ công của chàng) giam dưới hồ nước. Khi được một người đẹp (thuộc phe gian ác) cứu, vội bay đi cứu người yêu thì không kịp. Cả người lẫn xe của nàng đã bị chôn sống vì cơn địa chấn sau vụ nổ bom nguyên tử.

Quá phẫn hận, Siêu Nhân gầm lên một tiếng rung trời đất, bay vù vào không gian. Rồi chàng bay vèo vèo quanh trái đất với tốc độ nhanh gấp mấy lần ánh sáng, không đếm xỉa gì đến những lời kỳ kèo, cấm đoán của cụ Einstein. Trái đất bị sức mạnh của Siêu Nhân khống chế, quay chậm dần, ngừng hẳn trong vài giây, rồi từ từ quay ngược lại. Thời gian cũng vì sự quay ngược chiều này cùa trái đất mà lùi lại luôn về quá khứ. Thế là Siêu Nhân đủ thì giờ vô hiệu hóa vụ bom nổ, mặt đất trở lại bình yên, không bị động. Cô phóng viên xinh đẹp, người yêu của chàng, tiếp tục sống nhăn.

Ai xem phim này cũng tưởng đấy là sự thật trăm phần trăm. Tôi lấy làm tiếc phải báo tin buồn cho quí bạn đọc là cảnh trong phim chỉ đúng sự thật có một nửa, năm chục phần trăm thôi.

Chuyện người yêu của Siêu Nhân chết trong trận động đất có thực, chuyện chàng điên lên bay vù vù quanh trái đất, bắt nó quay ngược lại mấy vòng, càng có thật hơn nữa. Nhưng khúc sau thì bịa đặt hoàn toàn. Ông đạo diễn muốn có cái kết luận có hậu (happy ending) nên cho chàng Siêu cứu được người yêu, thành công vĩ đại! Láo toét!

Thật sự, Siêu Nhân hoàn toàn thất bại, không cứu được ai, và đoạn kết câu chuyện đã vô cùng bi thảm như sau:

Buổi sáng hôm đó, tôi quên mất ngày tháng, chỉ nhớ rất rõ là đã dậy muộn, đang ngồi cà phê cà pháo ở vườn sau thì thấy mặt đất rung chuyển, đồ đạc đổ lổng chổng, chính tôi cũng té lăn cù. Vừa lồm cồm bò dậy, tôi thấy Siêu Nhân bay xà xuống đứng trước mặt, vội hỏi:

“Động đất ở đâu đó? Đại huynh.”

“Không động đất, động cát gì đâu. Tớ vừa phải xoay ngược trái đất dăm vòng, kéo thời gian lùi lại vài giờ để kịp thời giải quyết chút việc riêng.” Siêu Nhân trả lời, mặt mũi có vẻ lo âu, mắt nhìn đăm đăm vào cái đồng hồ của tôi: “Đồng hồ của cậu vẫn chỉ 9 giờ 15 phút phải không?” Tôi coi đồng hồ, gật đầu. Siêu Nhân có vẻ bực, lầu bầu: “Thế là thế nào? Vô lý! Vô lý quá”

Rồi chàng bảo: “Cậu phải đi làm nhân chứng cho tớ. Tớ sẽ khiếu nại vụ này với Tạo Hóa ngay!” “Vụ gì?” “Lát nữa gặp Tạo Hóa tớ sẽ nói đầy đủ chi tiết! Tớ không thích nói hai lần, phí sức”! Giữ gìn sức lực kỹ, tiêu dùng nó một cách keo kiệt đến thế thì Siêu Nhân khỏe kinh khủng là phải.

Chàng cõng tôi, nhân chứng quan trọng, bay vút lên trời.

Chi tiết lời khiếu nại của Siêu Nhân là thế này: Chàng đã quay ngược trái đất nhiều vòng, đủ làm thời gian lùi lại 2 giờ, nhưng đồng hồ của chàng và của mọi người, thay vì chỉ 7 giờ 15 vẫn chỉ 9 giờ 15 là giờ hiện tại. Chàng Siêu cầm hai chiếc đồng hồ, một của chàng một của tôi, dí vào tận mắt Tạo Hóa để gọi là nói có sách, mách có chứng.

Nhưng Tạo Hóa không thèm nhìn tang chứng, Ngài hỏi ngay: “Thế nhà anh có vặn lại đồng hồ cho bà con cô bác không? Anh chỉ lo vặn trái đất thôi chứ gì” Siêu Nhân ngớ người, vội tạ lỗi sơ xuất, rồi bay vụt đi.

Thấy tôi bị Siêu Nhân bỏ đứng xớ rớ, Tạo Hóa hỏi: “Các anh cư ngụ ở vũ trụ nào?” Tôi nghệt mặt ra. Biết gặp thằng ngố, Ngài vội thêm chi tiết: “Bộ trưởng bộ Thời gian của các anh là ai?” Tôi càng bí, tên các chức sắc của nước Mỹ còn không nhớ nói chi đến quan chức trong nội các của Tạo Hóa. Nhưng ú ớ mãi thì mất mặt bầu cua, làm ô danh cả nhân loại, tôi đáp liều: “Nghe nói Mụ Thời gian đang quản lý quá khứ hiện tại tương lai khắp vũ trụ của nhà cháu có màu tím ngát, không xanh, lại toát ra mùi hương thanh thanh… để nhà cháu hỏi lại thi sĩ Đoàn phú Tứ về chiều cao và cân nặng rồi trình lên sau. Về tính tình thì khi đi đứng, mụ luôn luôn mặt lạnh như tiền. Cả triệu triệu người từng tố cáo cái vụ “thời gian lạnh lùng trôi”, chắc Ngài nghe đã rác tai?...

Chỉ với mấy chi tiết vớ vẩn, mơ hồ như thế, Tạo Hóa vào thư viện lục đống sơ đồ cao như núi, lôi ra trúng phóc bản ngài cần! Tài thật! Quả đúng là danh bất hư truyền!

Sau vài phút nhìn lại những hình vẽ, Tạo Hóa thảng thốt kêu: “Ta nhầm rồi!”

Đúng lúc đó, Siêu Nhân bay trở lại, hớn hở báo cáo là sau 20 phút làm việc như điên, chàng đã vặn lại được mấy tỉ chiếc đồng hồ. Tạo Hóa hơi bối rối, Ngài vội phân trần:

“Ta thiết kế vũ trụ của các anh lâu quá rồi nên quên hết chi tiết. Giờ coi lại sơ đồ mới biết đã hướng dẫn anh Siêu Nhân sai quá là sai, sorry! Ngoài trái đất di chuyển, xoay vần, Thái dương hệ, Dải Ngân hà và cả vũ trụ cũng ào ào tiến vào không gian mới. Anh xoay ngược một trái đất thôi thì đâu có đủ. Phải xô ngược cả Thái dương hệ, dải Ngân hà v.v… nghĩa là xô ngược cả vũ trụ luôn…

Chưa nghe hết lời Tạo Hóa, Siêu Nhân đã bay vút đi, chắc vì nóng lòng muốn cứu người yêu.

Khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, chàng trở lại, mặt mũi nhợt nhạt, hốc hác thấy rõ. Giọng nói thì lạc đi, không vì mệt mà vì tuyệt vọng, có thoáng chút giận dữ:

“Tại hạ đã làm đúng theo lời ngài chỉ dậy, đã cong đít xô ngược toàn thể vũ trụ về đúng vùng không gian cũ mà nó chiếm ngụ lúc 7 giờ sáng, vậy mà sau đó khi bay tới chỗ cục cưng nằm chết thì thấy nàng vẫn cứ chết đứ đừ. Dù hết sức kính trọng ngài, tại hạ rất nghi ngờ khả năng và tinh thần trách nhiệm của các quan chức trong nội các của ngài, và tại hạ vô cùng bất mãn.”

Tạo Hóa cũng ngẩn ra, mặt thoáng có sắc giận, ngài bốc điện thoại, gọi mụ Thời Gian, chất vấn mụ về tội quên đổi giờ theo đúng công trình xô ngược vũ trụ của anh Siêu Nhân.

Mụ Thời Gian trả lời bằng giọng the thé, chanh chua. Tôi đứng cách cái điện thoại của Tạo Hóa ít nhất 6 “phít” vẫn nghe rõ mồn một:

“Trình Thủ Trưởng, quả thực anh Siêu Nhân có xô ngược vũ trụ về vị trí cũ thật. Nhưng anh ấy bắt đầu công tác xô đẩy lúc 10 giờ sáng, mất ba tiếng đồng hồ mới xong, thì bây giờ phải là một giờ trưa chứ. Sếp muốn tôi vứt mấy giờ ấy đi đâu đây? Ba giờ lao động cật lực của con người ta, phải tính đàng hoàng, tôi có là đốc công của một hãng thầu gian tham đâu mà Sếp bảo tôi phải tính bớt giờ làm việc của nhân công để ăn gian cho chủ, nhờ Sếp tí! Khi trao nhiệm vụ quản lý thời gian cho tôi, Sếp đã dặn: chỉ học tính cộng, tuyệt đối không dùng tính trừ. Sếp quên rồi sao?”

Thủ Trưởng Tạo Hóa cứ “ờ ờ”, lúng túng ra mặt. Siêu Nhân sốt ruột hỏi lớn: “Thế thì tại hạ phải làm gì nữa…” Tạo Hóa bèn trao phứt ống nghe cho chàng Siêu, để chàng nói chuyện trực tiếp với giới chức thẩm quyền.

Nói chuyện với Siêu Nhân, giọng mụ Thời Gian dịu xuống, nhưng lời nói vẫn lạnh lùng, dứt khoát:

“Muốn xô ngược thời gian, anh chỉ xô ngược vũ trụ thì chưa đủ. Đẩy vũ trụ về một vị trí trước đây trong không gian, anh chỉ đặt nó vào đúng không gian ba chiều cũ: ngang, dọc, cao. Còn chiều THỨ TƯ – thời gian – thì vẫn chính là thời gian hiện tại. Anh tưởng đã đẩy được vũ trụ về đúng chỗ cũ, đúng một vị trí trong không gian được xác định bằng bốn chiều: ngang dọc, cao, và 7 giờ sáng chứ gì! Lầm to! Vị trí thực sự của nó bây giờ là: ngang, dọc, cao và 1 giờ trưa.

Vậy nếu có tham vọng xô ngược thời gian, ngoài chuyện xô ngược vũ trụ, anh còn phải gỡ hết những sát na mà ta đã đều đặn gắn vào vũ trụ trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua. Những sát na ấy, ta gắn khắp cùng vũ trụ, nó dính vào những tinh cầu lớn nhất, cùng những hữu thể nhỏ nhất như hạt đen, và dính cả vào hư vô… tóm tắt là thời gian dính hết vào mọi nơi trong trời đất. Phải gỡ hết!

Gỡ hết thời gian ra khỏi muôn vật muôn loài chưa đủ.

Trong khi bay về quá khứ, anh phải làm thêm tí phép lạ: Tái tạo những vật thể và hồi sinh các sinh vật đã bị hủy diệt. Thí dụ khi lướt qua một khu rừng đã cháy mất rồi, anh phải làm cho những tàn than biến ngược lại thành ngọn lửa, lửa biến trở lại thành rừng xanh, và những muông thú chết cháy được hồi sinh cùng lúc với cỏ cây hoa lá…

Làm xong tất cả những chuyện ấy rồi thì anh còn một công tác chót là: xin Tạo Hóa đổi luật.

Gỡ hết những sát na thời gian dính trên vũ trụ, đưa được nó về đúng chiều thứ tư trong quá khứ xong, khi đẩy vũ trụ về lại vị trí cũ trong không gian ba chiều kia, anh sẽ đụng ngay một vũ trụ ĐÃ HIỆN HỮU tại đó rồi. Hai vật thể không thể chiếm ngụ cùng lúc một không gian. Đó là luật của Tạo Hóa, không phải ta bịa chuyện làm khó anh. Nếu Ngài không thương anh mà dẹp cái luật ấy đi thì công lao của anh thành công cốc!...

Mụ thời gian còn léo nhéo nói tiếp nhưng Siêu Nhân đã sững sờ buông điện thoại. Tôi cũng rụng rời, tuyệt vọng. Công tác khó khăn đến thế thì có trút hết kho thời gian của mụ ra dùng cũng không đủ… thì giờ thực hiện.

Chúng tôi tiu nghỉu, quên chào từ biệt Đấng Tạo Hóa, cõng nhau lủi thủi bay trở lại cõi trần. Cái áo choàng của Siêu Nhân, thường phấp phới trong gió rất oai hùng, trong chuyến bay về, cũng cụp xuống như đuôi con chó vừa bị đá đít. Thê thảm hết sức!

Kể từ hôm đó, Siêu Nhân tuyệt tích giang hồ. (Những Siêu Nhân xuất hiện sau này toàn là bọn giả mạo, là Siêu Nhân dỏm cả.)

Chàng Siêu Nhân thứ thiệt đã giải nghệ cứu khốn phò nguy từ lâu và đã về hưu non. Hiện nay chàng đang an hưởng tuổi chớm già trong những sách truyện bằng tranh (comic book), lấy việc giải trí cho trẻ thơ làm nguồn vui chân chính.



VŨ TRỤ VẬN HÀNH

Chiều thứ tư – chiều thời gian ­- theo định nghĩa của chính Albert Einstein, đã ngăn đường ngược về quá khứ của Siêu Nhân, và cũng đánh sập luôn lý thuyết của cụ.

Cũng là một phần tối quan trọng tạo nên bản thể vũ trụ, có mặt khắp nơi khắp chốn, nhưng thời gian giữ vai trò tích cực hơn không gian. Nó liên tiếp tạo ra những “hiện tại mới” và liên tục đẩy vũ trụ vào tương lai. Vũ trụ muốn di chuyển, cần thời gian đểvận hành, nếu đứng bất động, vẫn cần thời gian để hiện hữu.

Nằm sẵn trong từng hữu thể nhỏ nhất trong vũ trụ để giúp vũ trụ vừa hiện hữu vừa vận hành, bước tiến tới của thời gian là bước tiến tới của chính vũ trụ. Chặn bước thời gian là chặn luôn cả sự vận hành của toàn thể vũ trụ.

Hình ảnh ông khổng lồ vũ trụ vừa to vừa nặng ký lừng lững tiến tới quả thực có uy hiếp ta thật, nhưng ta không muốn chịu thua ngay. Thân xác ông to như thế hẳn có nhiều kẽ hở, những vùng hoang dã vô luật lệ, trong đó anh thời gian có thể chạy loạng quạng, nhanh chậm tùy hứng, tùy tiện thì sao?

Tưởng thế, ta sẽ bị chính Thời gian làm cụt hứng, vỡ mộng. Trong vai trò “chiều thứ tư”, Thời gian tạo ra những định luật khắc nghiệt, bất biến, có hiệu lực khắp nơi, không để kẽ hở nào.

Trước hết, nó hoạt động biệt lập với ba chiều kia. Một tinh cầu bay vài triệu năm, có thể tình cờ trở lại một vị trí cũ trong không gian, (xác định bởi ba chiều), nó vẫn bị gắn cho một chiều thời gian mới toanh. Vũ trụ được Siêu Nhân đẩy ngược về đúng vị trí cũ (trong không gian ba chiều) mà nó chiếm ngụ lúc 7 giờ sáng, vẫn có chiều thứ tư mới là 1 giờ trưa. Sự di chuyển của một vật thể, làm thay đổi ba chiều kia, không hề làm chiều thứ tư biến thiên theo.

Ba chiều kia nằm kín không gian, hiện hữu cùng vũ trụ, không phân biệt quá khứ, tương lai. Vị trí chiếc phi thuyền bay qua tháng trước, vị trí nó sẽ bay tới tháng sau lúc nào cũng có đó, còn đó. Chiều thứ tư thì không, nó chỉ tiến tới, nó hiện ra làm nhiệm vụ, rồi lập tức rút lui vào… hư vô, vào cõi không hiện hữu. Một sát na đi qua rồi là biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho sát na kế tiếp.

Sát na, một đơn vị thời gian cực kỳ ngắn ngủi, tưởng như không có nghĩa lý gì. Nhưng quan sát kỹ ta sẽ thấy nó ghê gớm lắm: Nó có sức mạnh làm chuyển động cả vũ trụ.

Với một “đời sống”, một khoảnh khắc hiện hữu cực ngắn, Sát Na đã thực hiện toàn hảo những công trình này: có mặt khắp vũ trụ để làm chiều thứ tư cho muôn vật, muôn loài, xác định vị trí chính xác cho tất cả, không bỏ sót những vi thể nhỏ nhất như hạt đen. Nó giúp tất cả định vị và hiện hữu. Nó cung cấp cho vũ trụ một món thiết yếu là thời gian để tiếp tục vận hành.

Vũ trụ của mỗi sát na, dù hiện hữu ngắn ngủi, cũng là một cấu trúc toàn hảo, chắc nịch. Ta thấy nó chứa đầy những khoảng trống mênh mông, nhưng thực ra những vùng mênh mông đó đã đặc kín hạt đen với những vị trí riêng biệt xác định bằng bốn chiều. Ngay cả những khoảng trống quanh hạt đen, những vùng thực sự hư vô cũng có những vị trí chắc chắn, riêng biệt trong sát na đó. Nó không chấp nhận bất cứ sự khuấy động nào đến từ vùng thời gian nằm ngoài sát na riêng của nó.

Nếu có một ranh giới tưởng tượng giữa hai sát na thì vào đúng khoảnh khắc cuối cùng của một sát na, những xáo trộn, di chuyển trong lòng vũ trụ, của chính vũ trụ, tức khắc chấm dứt (dĩ nhiên mọi sự được tiếp diễn đều đều trong những sát na kế tiếp, nhưng khi đó chúng thuộc về Tương lai, là phía bên kia của lằn ranh hiện tại). Ở chính lúc “giao thời” ấy, toàn thể vũ trụ, từ hữu thể lớn nhất đến vi thể nhỏ nhất, và cả những khoảng không, đều có một vị trí cố định, bất biến, xác định bởi không gian bốn chiều. Trong đúng khoảnh khắc chuyển tiếp từ cuối sát na này sang đầu sát na kia, anh sát na trước bàn giao cho em sát na sau một vũ trụ đặc cứng lại như viên bi.

Viên bi đang lăn, chặn bất cứ một điểm nhỏ nào trên đó, trong đó, ta làm cả viên bi đứng lại. Viên bi vũ trụ của một sát na ghê gớm hơn, nó không chấp nhận bất cứ sự ngăn chặn nào, không để lại một điểm nhỏ nào cho ta ngăn chặn. Nó hiện hữu đúng trong sát na ấy, rồi tức khắc biến vào quá khứ, trốn vào nơi trú ẩn an toàn hơn cả cõi hư vô, nó biến vào vùng “không hiện hữu”.

Như thế Sát Na tiến tới với sức mạnh, sức nặng của cả vũ trụ, cộng thêm với khả năng huyền bí của Thời gian, cái khả năng làm cho toàn thể vũ trụ của một sát na hiện hữu và biến mất tức khắc theo sát na ấy, khiến Thời Gian chỉ có đường tiến, không có chỗ lùi.

Từng sát na nối tiếp nhau tạo thành tốc độ của thời gian. Vũ trụ dính chặt với từng sát na để hiện hữu và vận hành. Như thế,Tốc độ của thời gian chính là tốc độ sự hiện hữu của vũ trụ. Nó đều đều, nhất quán, không thể có chuyện ngồi trong phi thuyền bay nhanh thì được hiện hữu chậm, đứng yên một chỗ thì bị hiện hữu nhanh.

Thế mà cái lý thuyết của Einstein lại cho phép các phi thuyền bay lượn vi vút trong không gian có quyền tạo ra những vùng thời gian… tự trị. Tốc độ của thời gian trong phi thuyền này khác tốc độ thời gian trong những phi thuyền kia, nếu không bay cùng tốc độ. Rồi chính tốc độ thời gian trong mỗi con tàu cũng thay đổi lu bù tùy theo nó chạy chậm hay nhanh! Hành khách thì mỗi nhóm “hiện hữu” một kiểu, rồi mỗi hành khách lại còn hiện hữu khi nhanh, khi chậm, cứ loạn cả lên!

Albert Einstein là người khiêm tốn, nhưng cái lý thuyết này thì chẳng khiêm tốn tí nào. Nó kiêu căng lắm! Nó cậy là quý tử của một vĩ nhân, một khoa học gia thông minh lỗi lạc nhất trong lịch sử loài người, nó khinh thường cấu trúc và sự vận hành của vũ trụ quá đi thôi!

KHUNG KHÔNG GIAN, KHUNG THỜI GIAN

Vì thuyết dẫn tới kết luận: các phi thuyền bay lượn vi vút trong không gian có quyền tạo ra những vùng thời gian… tự trị. Tốc độ của thời gian trong phi thuyền này khác tốc độ thời gian trong những phi thuyền kia, nếu không bay cùng tốc độ. Rồi chính tốc độ thời gian trong mỗi con tàu cũng thay đổi lu bù tùy theo nó chạy chậm hay nhanh!... Einstein đã vô tình tạo ra một con quái vật, tiêu hủy một số lượng khổng lồ thì giờ năng lực của nhiều thế hệ khoa học gia. Tin thuyết của cụ, họ tưởng rằng trong vũ trụ có vô lượng “khung thời gian” rồi cứ thế lập thuyết, tính toán lu bù...

Sự thực, khác hẳn với “khung không gian”, chỉ có một khung thời gian cho toàn thể vũ trụ.

Thí dụ: Thiền sư A ngồi tọa thiền bốn giờ trong con tầu đang chạy. Đối với khung không gian hạn định bởi trần, sàn và bốn phía vách khoang tầu, thiền sư hoàn toàn bất động. Nhưng đối với khung không gian lớn hơn, bao quanh con tầu, thành phố con tầu đang xuyên qua, thì thiền sư A đang di chuyển ào ào cùng với tốc độ con tầu. Và trong khung không gian bao quanh trái đất, Thái dương hệ, Ngân Hà, các tinh vân v.v... Ngài còn “bay” với tốc độ cao hơn nữa. Cùng lúc đó, cách xa Thiền sư A hai ngàn dậm, Thiền sư B cũng ngồi tọa thiền bốn giờ trong một động đá trên đỉnh núi. Đối với khung không gian trong động đá Thiền sư B bất động, và khác hẳn Thiền sư A, trong khung không gian bao quanh thành phố, đất nước, toàn thể địa cầu, thiền sư B cũng bất động luôn.

Nhưng, dù ngồi trong khung không gian khác nhau, cách nhau hàng ngàn dậm, hai Ngài vẫn bị thời gian lướt qua thân thể làm cả hai già thêm bốn giờ. Như thế, trong bất cứ một khung không gian loại nào, hình thù ra sao, to hay nhỏ, ở vị trí nào... cũng không có chỗ cho hai vị thiền sư trốn chạy thời gian.

Vậy khung thời gian to cỡ nào đây?

Ánh sáng từ mặt trời mất 8 phút bay tới mặt đất. 8 phút cũng qua đi trên mặt trời và trái đất cùng lúc ấy, vì tất cả cùng chung một khung thời gian. Nếu một tinh cầu nổ tung, hình ảnh vụ nổ tới mắt ta sau đúng một triệu năm (nghĩa là khoảnh cách giữa chỗ nổ và vị trí của trái đất khi tiếp nhận hình ảnh nổ là đúng một triệu năm ánh sáng) thì nó chia sẻ cùng khung thời gian với ta. Ánh sáng “bay” một triệu năm, cùng lúc ấy một triệu năm cũng trôi qua trên mặt đất và ở chính chỗ xảy ra vụ nổ.

Mở rộng khoảng cách giữa hai tinh cầu ra hàng tỉ năm, ta vẫn có kết quả tương tự, nghĩa là khung không gian lớn ít nhất cũng bằng vũ trụ. Thực ra, khung ấy tràn ra ngoài vũ trụ luôn, vì ở chỗ “bên ngoài” ấy, không gian và thời gian đã hiện hữu và luôn luôn phải sẵn sàng đón nhận phần vũ trụ đang “nở ra” cùng toàn thể vũ trụ đang di chuyển đến.



CHUYỆN ĐÁNG TIẾC

Tôi nghi rằng Einstein, sau khi tìm ra một lý thuyết làm đảo lộn thời gian thì mừng quá rồi ngủ quên luôn trên chiến thắng. Nếu tỉnh thức, cụ đã rà soát lại thuyết ấy, và có nhiều dịp để phát giác những sai lầm.

Sai lầm có thể thấy ngay nằm trong hình vẽ: nó là kết hợp khiên cưỡng của hai hình vẽ thể hiện hai trường hợp khác nhau: một, khi tàu chạy với tốc độ bình thường, và một: khi chạy nhanh gần bằng ánh sáng.

Muốn đúng, phải vẽ hai hình riêng rẽ như sau:

1- Tàu chạy với tốc độ bình thường, thí dụ 60 dậm một giờ. (Hình F. 1A)






Trong trường hợp này điểm sáng từ A đến B rất nhanh, thí dụ một sát na. Con tàu tốc độ 60 mph, chỉ có một sát na để di chuyển thì chưa nhúc nhích, do đó AC trùng với AB.

Sau đó, khi tàu đã tiến tới để cho đèn A di chuyển tới D, thì từ vị trí D này, một tia sáng mới chiếu từ D thẳng góc xuống điểm C (trong trí tưởng tượng và hình vẽ của Einstein.) Mọi lúc, mọi chỗ tia sáng AB, AC, hay DC đều thẳng đứng như cây cột giữa lòng tàu. Ngồi trong tàu hay đứng ngoài tàu đều phải thấy cột thẳng đứng.

Nếu người quan sát quả quyết rằng khi tàu chạy, anh ta thấy cây cột chéo đi. Chân cột đã tới C nhưng đỉnh cột vẫn còn dính ở A, thì phải sa thải chàng ngay, và phát cho chàng tí tiền đi khám mắt.

2- Tàu chạy nhanh gần bằng ánh sáng (Hình F. 1B)








Trong trường hợp này, vì tàu chạy nhanh gần bằng ánh sáng nên khi ánh sáng đèn đến B thì B đã di chuyển đến C (trong hình vẽ và trí tưởng tượng của Einstein). AB trở thành một đường chéo, vẫn trùng với AC. Nếu bà hành khách tưởng AB còn chiếu thẳng góc xuống sàn tầu, thì bà tưởng... lầm. Giản dị thế thôi.

Chịu khó soát lại hình vẽ của mình chắc chắn một người thông minh nhất thế gian như Einstein đã thấy mình kết hợp vội vàng hình vẽ hai con tàu có tốc độ khác nhau để tính toán, lập thuyết. Và số phận của thuyết đã được chính cụ định đoạt từ lâu!

Không soát lại hình vẽ, khi nghe đám đệ tử hớn hở trình lên rằng họ đã làm thí nghiệm: để một đồng hồ nguyên tử trên con tàu chạy nhanh thì đồng hồ chạy chậm lại, chứng tỏ thời gian nở to ra vì tốc độ thật... thì nếu không giật mình, cụ cũng ngẩn người ra một tí mới phải.

Ngẩn người vì không ngờ thuyết của mình bị đám đệ tử hiểu một cách hoang đường, phản khoa học đến thế! Và cụ cần giảng giải ngay rằng:

“Mấy em thương qua, tìm mọi cách chứng minh thuyết của qua đúng, qua cám ơn nhiều. Nhưng bảo rằng thời gian trôi chậm lại nên đồng hồ cũng chạy chậm theo thì phi vật lý quá xá, không được đâu!

Giờ, phút, giây là những đơn vị quy ước do loài người sáng tạo để đo thời gian. Đồng hồ, kể cả loại điện tử, là những dụng cụ để đo. Từ con ốc, bánh xe, những cơ phận lớn nhỏ đến cường độ dòng điện đều được thiết kế, chế tạo với kích thước chính xác để đo mức dài ngắn của thời gian bình thường.

Thời gian không thể chất, hoàn toàn trừu tượng như một ý niệm, lấy đâu ra sức mạnh vật lý để tác động vào sự vận hành của đồng hồ? Nó dùng trò ảo thuật nào để tức khắc thay đổi kích thước các cơ phận, cường độ dòng điện v.v... khiến đồng hồ chạy khi chậm khi nhanh loạn xạ cho thích hợp với “thời gian mới”?

Qua tin cái đồng hồ của mấy em chạy chậm lại thật, mấy em không bịa chuyện để nâng bi qua. Nhưng hãy giải thích sự “chậm lại” ấy bằng lý do thông thường đã từng làm chậm hay chết luôn hàng triệu triệu chiếc đồng hồ trên cõi đời này: do những tác động vật lý. Để đồng hồ trên con tàu phóng hết tốc lực, nó phải chịu lực kéo G lúc khởi hành, Hấp Lực tăng khi tốc độ cao, sự rung chuyển rầm rầm của thân tàu... Quăng quật nó như thế thì nếu nó có lỡ chạy chậm lại một vài phần triệu giây là cũng phải rồi, trách nó đã bậy, đổ tội lên đầu anh thời gian càng bậy nữa.

Mà nếu mấy em cứ nhất định tin rằng đồng hồ chạy chậm lại theo thời gian mới thì nguy hiểm lắm. Mai mốt có thằng nhà văn quèn tò mò, tọc mạch chất vấn qua rằng: ‘Thời gian làm đồng hồ chạy chậm lại thì khi thời gian trong tàu là zero, theo bài toán thông thường chính cụ dùng nhiều lần trong thuyết: Đường dài bằng tốc độ nhân với thời gian, thời gian là số không thì đồng hồ ngưng chạy và tàu hết nhúc nhích. Vừa chạy nhanh bằng ánh sáng lại vừa... không nhúc nhích là sao?’ Qua sẽ kẹt cứng”

Nhưng cụ không xét kỹ lại hình vẽ, không ngẩn người vì kết quả thí nghiệm của đám đệ tử. Cái sai trước mắt không thấy. Những nghịch lý, hệ quả kỳ quặc nằm cuối một chuỗi suy luận ngắn ngủn, giản dị, tầm thường, cũng không chịu vươn tới. Thật đáng tiếc!

SỬA LẠI THUYẾT CỦA EINSTEIN

Tử huyệt của thuyết nằm gọn trong một danh từ: “Observer”, người quan sát.

Einstein dùng “cái thấy” của hai quan sát viên, một ngồi trong tầu, một đứng ngoài tầu, để làm nền tảng lập thuyết. Nhưng cái thấy của con người không luôn luôn phản ảnh sự thật. Nếu ai cũng thấy đúng sự thật đang diễn ra thì ảo thuật gia thất nghiệp hết, và không có người nào ở tù oan vì bị nhận diện lầm. Tai hại hơn, dựa vào những “cái thấy” có độ khả tín không hoàn hảo ấy, cụ lập ra một lý thuyết vô cùng cao siêu, huyền hoặc.

Hãy tưởng tượng: Sau khi dựa vào bằng chứng hai quan sát viên cung cấp, thấy thời gian giãn nở ra, trong con tầu di chuyển, Einstein cao hứng, muốn biết thêm “không gian” trong con tầu có bị ảnh hưởng không, và cụ bắt họ quan sát thêm, để bổ túc cho lý thuyết được đủ cặp “thời gian, không gian”... thì chuyện gì xảy ra?

Lại giả thử trong thí nghiệm này, cụ cho họ quan sát một món dễ thấy hơn ánh sáng: cây cột giữa lòng toa tầu.

Khi tầu chạy, dù nhanh đến thế nào thì cô hành khách vẫn thấy cây cột giữ nguyên kích thước, cao đủ 10 phít. Nhưng anh quan sát viên (QSV) đứng ngoài tầu, thì thấy khác ngay. Tầu rời sân ga, dù với tốc độ cà rịch cà tang vài chục dậm một giờ, thì chỉ một lúc sau, anh QSV thấy đoàn tầu nhỏ lại, toa tầu bé bằng bao diêm, cây cột thun lại bằng cây tăm, còn cao cỡ nửa inch.

Nếu anh QSV là người kém may mắn trên đường tình ái, chàng sẽ cười ré lên. Chàng nghĩ đến số phận bi thương của những người tình đã đành đoạn “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” (TCS). Các nàng phụ bạc, đá chàng, hồ hởi nhảy lên con tầu hướng về miền viễn xứ xa xăm, hạnh phúc chan hòa. Tưởng ngon lành lắm, nhưng vừa rời xa sân ga được một lúc, các nàng đã thun lại, nhỏ còn bằng con kiến, ngay trước mắt chàng.

Và chàng hớn hở trình kết quả thí nghiệm lên cụ Einstein:

“Lúc trước, cụ sai nhìn ánh sáng chiếu từ trần xuống sàn tầu, rồi bảo kết quả cái nhà cháu thấy là bằng cớ hùng hồn chứng tỏ thời gian trôi chậm lại trong con tầu di chuyển. Cụ dậy vậy thì con biết vậy, nhưng quả thực không hình dung được, nói chi đến chuyện thấy thời gian “giãn” ra. Nhưng lần này khác hẳn, dùng mắt quan sát sự thay đổi của không gian con thấy dễ ợt. Mọi sự rõ mồn một. Con tầu nào rời sân ga cũng dần dần bé lại, nghĩa là không gian trong lòng tầu bị co lại... Con thấy rõ ràng, mà cả tỉ người trên thế giới chắc cũng đã thấy, đã từng chứng kiến cái vụ “không gian co lại” này... Trong thuyết trước, cụ dạy là sự “giãn nở” của thời gian gây tác động vật lý trực tiếp trên người, vật, khiến hành khách trên con tầu chạy nhanh bằng ánh sáng không già, bay trăm năm về lại cõi trần vẫn trẻ măng... Vậy thì trong thuyết mới này, người ngồi trên con tàu có không gian co lại cũng nhỏ bằng con kiến suốt thời gian tầu xa rời phố thị... và mai mốt...”

Mai mốt..., chàng QSV ngập ngừng, chàng nghĩ tới lũ kiến bạc tình ... nếu mai mốt có nàng nào hối hận, quay về xin tái hồi Kim Trọng, thì chàng phải đem theo cái kính lúp, để nhìn dung nhan người xưa bây giờ bé tẻo teo... Và chàng lại cười ré lên.

Chàng cười và chúng ta cũng bật cười vì cái lý thuyết “không gian co lại” này.

Ta cười vì kết luận của thuyết ngây ngô, ngớ ngẩn. Nhưng xét kỹ thì thấy tiến trình thí nghiệm, quan sát, suy diễn, lý luận của nó giống hệt thuyết của Einstein. Cũng dùng quan sát viên, cũng dựa vào cái thấy của họ mà lập thuyết. Cái thấy trong thuyết thời gian giãn nở mơ hồ, khó hiểu, được cụ Pythagore yểm trợ mà vẫn... lơ mơ, đòi hỏi thật nhiều trí tưởng tượng. Còn cái thấy trong thuyết “không gian co lại” thì rất rõ ràng, rất thật, “ai cũng thấy thế”. Vậy mà kết luận của chàng quan sát viên thì nhảm nhí, tiếu lâm. Còn lý thuyết của cụ Einstein thì được thiên hạ phục lăn lóc. Chỉ vì một bên là lời kết luận ngây ngô của phàm nhân, một bên là lời phán truyền thiêng liêng của bậc Thánh.

Thuyết sai lầm, nhưng uy danh người lập thuyết biến nó thành vừa hay vừa đúng. Tên tuổi cụ ghê gớm quá, và cũng gây tai hại cho con cháu quá xá.

Ta hãy thu hết can đảm, gồng mình nhất định chỉ khiếp sợ Einstein ở mức vừa phải thôi, để giữ cho khả năng phán đoán suy luận không bị tê liệt. Rồi ta theo chân Einstein từng bước một – đúng thứ tự thời gian – trên tiến trình lập thuyết, coi cụ lầm lẫn chỗ nào, và nhất là bỏ sót, hoặc quên những chi tiết quan trọng nào.

Trường hợp tầu chạy với tốc độ bình thường, khoảng 60 dậm/ giờ:

1- Mở đèn. Tia sáng AB thành hình, chiếu thẳng góc xuống sàn tầu. Rồi hình ảnh AB “bay” đến mắt hai người quan sát.

2- Quan sát viên ngồi trong tầu (cô hành khách) lập tức thấy AB.

3- Quan sát viên đứng trên mặt đất cũng thấy AB, nhưng chậm hơn, đứng càng xa tàu càng chậm, vì hình ảnh phải vượt một khoảng cách trước khi tới mắt người quan sát.

Trường hợp tốc độ tầu nhanh gần bằng ánh sáng:

1- Mở đèn. Ánh sáng rời đèn ở A thì cùng lúc B phóng vụt về phía trước (với tốc độ nhanh gần bằng ánh sáng), đến C thì “gặp” tia sáng đèn. Nghĩa là B trở thành C. AB (đường thẳng góc) nay đã trùng với, biến thành AC (đường chéo.) AC thành hình. Rồi hình ảnh AC “bay” đến mắt các quan sát viên.

2- Quan sát viên ngồi trong tầu (cô hành khách) lập tức thấy AC.

3- QSV đứng trên mặt đất cũng thấy AC sau đó, càng đứng xa tầu càng thấy chậm, như trường hợp trên.

Tuyệt đối không có trường hợp nào hành khách thấy AB, còn QSV đứng bên ngoài thấy AC trong cùng một lúc, như Einstein tưởng tượng.

Và trong cả hai trường hợp, “cái thấy” của các quan sát viên chỉ là hình ảnh mắt họ nhận được. Dựa vào đó mà suy diễn ra những sự thật, những tác động vật lý cũng không sao, đó là chuyện các khoa học gia thường làm, phải làm. Nhưng không được đi quá lố, kết luận, lập thuyết vội vàng, khơi khơi, nhất là chỉ với một “bằng chứng” yếu ớt, mơ hồ như thế.

Anh QSV nhìn thấy cây cột nhỏ lại, suy ra là không gian trong lòng tầu co lại, người tình phụ bạc của anh “bé bỏng” như con sâu, con kiến... bị chúng ta cười vì sự thật là so với chàng, “tương đối với chàng”, kích thước thật của mọi thứ trên tầu không thay đổi. Anh bị một ảo ảnh lừa, và lầm tưởng đó là sự thật. “Thuyết” của anh lố bịch, ngây ngô.

Người quan sát của cụ Einstein, nhờ được cụ sai nhìn ánh sáng, dựa vào một ảo ảnh để suy ra một hiện tượng làm đảo lộn tốc độ thời gian, cũng đã đi quá xa như thế! Mà cái ảo ảnh anh ta tưởng là mình thấy (đường chéo AC chính là đường thẳng góc AB) cũng không đúng luôn. Anh ta làm cụ Einstein lầm lẫn tới hai lần!

Đấy là những chỗ sai. Đây là những chi tiết quan trọng Einstein bỏ quên, bỏ sót.

QSV đứng ngoài tầu chỉ có thể thấy tia sáng AB hoặc AC dài bằng hoặc ngắn hơn những tia sáng cô hành khách trong tầu thấy,không bao giờ thấy chúng dài hơn. Đứng sát tầu thì thấy bằng, càng xa càng thấy nhỏ đi, ngắn đi.

Hình ảnh AB đến mắt QSV đứng ngoài tầu, phải vượt một khoảng cách, xa gần tùy theo vị trí của anh ta đối với con tầu. Trong khi hình ảnh “bay” trong không gian, tia sáng (hay cây cột) AB “thực” và con tầu cũng tiến về phía trước.

Hậu quả: QSV ngoài tầu chỉ thấy một hình ảnh của AB trong quá khứ. Đứng càng xa, càng thấy hình cũ hơn. Tốc độ tầu càng nhanh thì AB thực càng tiến xa về phía trước, mở rộng khoảng cách giữa nó và vị trí của hình ảnh của nó trong quá khứ mà QSV thấy.

Khi dùng “cái thấy” để lập thuyết, ta không được quyền bỏ qua những định luật quang học chi phối, hạn chế khả năng quan sát của mắt người. Càng không được quên rằng ảnh ảo dễ bị biến dạng, thay đổi kích thước, cung cấp những dữ kiện sai lạc.

Nhìn thấy, hiểu được những chi tiết quan trọng, những sự thật không thể chối cãi vừa kể, ta khám phá được chuyện thú vị này: Thuyết “thời gian giãn nở” ngự trị thế giới cả thế kỷ vì, tình cờ, nó đúng (trong một giới hạn thật khiêm tốn) khi nêu ra một hiện tượng trong thiên nhiên, và cung cấp cho các khoa học gia những cách tính toán chính xác (cũng trong một giới hạn) liên quan tới hiện tượng ấy. Nhưng nó sai hoàn toàn trong quan sát, lý luận, suy diễn.

Và ta có thể bắt đầu sửa lại thuyết “Thời gian giãn nở”, giúp nó trở nên toàn hảo.

Khởi công lập thuyết bằng cách quan sát hiện tượng này:

Giả sử có một phi thuyền bay cách xa trái đất bằng khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, cỡ 93 triệu dậm, nghĩa là 8 phút ánh sáng. Và trên phi thuyền đang có một đồng hồ chỉ đúng 12 giờ.

Hành khách trên phi thuyền tức khắc thấy kim đồng hồ chỉ 12 giờ. Nhưng người quan sát đứng trên mặt đất sẽ chỉ thấy cái đồng hồ đó sau 8 phút, vì hình ảnh nó phải mất tám phút mới “bay” tới trái đất. Nghĩa là người quan sát sẽ thấy đồng hồ trên phi thuyền chỉ 12 giờ khi tất cả đồng hồ trên trái đất lúc đó đã chỉ 12 giờ 8 phút, và trên phi thuyền chính chiếc đồng hồ ấy cũng đang chỉ 12 giờ 8 phút. (Ở đây, ta không tính tới chi tiết trái đất cũng di chuyển làm thay đổi khoảng cách, để khỏi bị rối trí vô ích. Hãy dành những bài toán hóc búa kiểu này cho các kỹ sư chế tạo GPS. Ta coi như VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI QUAN SÁT CỐ ĐỊNH, đúng theo cách lập thuyết nguyên thủy của Einstein.)

Nếu phi thuyền bay với vận tốc 6,000 dậm một giờ, thì bây giờ phi thuyền – cùng chiếc đồng hồ – đã cách xa vị trí cũ (ở lúc 12 giờ) khoảng 800 dậm. Ta thấy: khoảng cách 8 phút ánh sáng đã làm cho hình ảnh kim đồng hồ chỉ 12 giờ đến mắt người quan sát chậm đi 8 phút.Trong khi hình ảnh đó đang bay, đồng hồ trên phi thuyền và trên trái đất tiếp tục chạy, chính phi thuyền cũng tiếp tục bay. Nghĩa là thời gian tiếp tục trôi đều đều ở mọi nơi. Nhưng người quan sát lầm tưởng là đồng hồ – và do đó thời gian – trên phi thuyền chạy chậm lại.

Áp dụng kinh nghiệm này vào thuyết của Einstein để hoàn chỉnh nó, ta vẫn có thể dùng chính những hình vẽ và tiến trình lập thuyết của cụ. Cũng dùng một toa tàu, ánh đèn chiếu từ trần xuống sàn (AB), người khách ngồi trong toa, và người quan sát đứng trên mặt đất.






Tất cả đều giống nhau, trừ những nhận xét, suy diễn và kết luận.

Einstein bảo: khi tàu di chuyển, hành khách thấy ánh sáng đèn chiếu từ A xuống B, nhưng cùng lúc ấy, người quan sát đứng trên mặt đất thấy tia sáng đèn chiếu từ A xuống C.

Nhận định ấy sai, như đã chứng minh ở trên.

Ta phải sửa lại thế này:

Khi tàu di chuyển, hành khách K vẫn tức khắc thấy tia sáng AB. Nhưng người quan sát Q thì lại chỉ thấy AB khi hình ảnh AB tới mắt anh ta, nghĩa là chậm hơn một khoảnh khắc. Khi anh ta nhìn thấy AB thì thực sự AB đã di chuyển đến CD rồi. (Anh ta không thể thấy ACcùng lúc với người hành khách vì hình ảnh điểm C của CD sẽ tới mắt anh ta SAU ĐÓ.) Phải đợi tới lúc hình ảnh của AB tới mắt anh ta thì AB thực mới đến và xuất hiện ở CD. Einstein lầm ở chỗ này, làm cho thuyết bị sai ngay từ ở quan sát, nhận định đầu tiên.

Trở lại thí dụ chiếc phi thuyền, người quan sát thấy hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ 12 giờ vào đúng lúc nó đang thực sự chỉ 12 giờ 8 phút, và ở cách xa vị trí cũ – lúc 12 giờ - khoảng 800 dậm. Không có chuyện đồng hồ và thời gian trong phi thuyền thực sự chạy chậm lại.

Einstein thấy, nhận xét, suy diễn sai, nhưng hiện tượng người quan sát thấy đồng hồ trên phi thuyền “chỉ giờ” chậm hơn đồng hồ của mình là có thật. Đó là chuyện “tình cờ” thứ nhất.

Chuyện tình cờ thứ hai còn vui hơn, thuyết của cụ cũng đúng (trong một giới hạn) trên phương diện toán học. Chính chỗ này làm cả làng mờ mắt, và uy hiếp những khoa học gia lăm le thắc mắc, nghi ngờ, khiến họ đâm ra hoang mang, rét mướt vô cùng.

Tia sáng AB trên phi thuyền, sau khi gửi cho người quan sát một ảo ảnh “12 giờ” của nó, tiếp tục tiến về phía trước. Tùy theo tốc độ con tàu, nó tiến tới chậm hay nhanh. Tàu chạy càng nhanh thì CD càng cách xa AB nghĩa là AC cũng dài ra theo. Bỏ qua sự lầm lẫn của Einstein,( tưởng AB và AC chỉ là một,) và chấp nhận sự thật AC, AB là hai đường khác nhau, thì đoạn lập thuyết này lại rất đúng trong phạm vi toán học. Vì bây giờ, ta có thể chọn một AB chiếu thẳng góc xuống sàn tàu để làm một cạnh, và thực sự có tam giác vuông góc ABC để áp dụng định lý Pythagore. Các phương trình, những bài toán tiếp theo đều chính xác cả. Nhưng tất cả đáp số, kết quả chỉ đúng trong giới hạn này: quả thực tàu càng chạy nhanh thì AB thực càng rời xa một ảo ảnh của chính nó trong quá khứ. (Hình F. 8)

Và chỗ “tình cờ đúng” cũng chỉ đến thế là hết. Khi Einstein kết luận: Tốc độ con tàu càng nhanh thì thời gian trong tàu càng chậm lại (hay giãn nở ra) thì cụ sai hoàn toàn.

Yếu tố chính khiến một người ở hành tinh P1 thấy và tưởng đồng hồ ở hành tinh P2 chạy chậm hơn là KHOẢNG CÁCH. Càng xa nhau càng thấy chậm, vì ánh sáng chuyên chở hình ảnh cần thêm thời gian để vượt đường dài. Tốc độ không là yếu tố chính. Nó chỉ tình cờ trở nên quan trọng, bị nghi là chính phạm, vì nó thường làm TĂNG KHOẢNG CÁCH.

Cần nói thêm: đường chéo AC trong thuyết của Einstein được tạo ra chỉ do tốc độ con tàu. Còn đường AC trong thực tế thì do tốc độ CỘNG THÊM khoảng cách giữa người quan sát và toa tàu tạo nên. Do đó, khi khoảng cách ấy lớn, những tính toán của Einstein sẽ bớt chính xác. Nếu P1 cách xa P2 một năm ánh sáng thì dù cả hai bay cùng tốc độ, hay cùng đứng ì ra một chỗ, người trên hành tinh này vẫn thấy đồng hồ của hành tinh kia “chỉ giờ” chậm một năm.

Trong trí tưởng tượng của ta, cũng như hình vẽ lập thuyết của Einstein, toa tàu luôn chạy ngang trước mặt ta, về phía chân trời. Nghĩa là tốc độ làm nó đi xa dần, mở rộng thêm khoảng cách giữa tàu và người quan sát. Hơn nữa, ở đây, khoảng cách tiên khởi giữa toa tàu và người quan sát không đáng kể, nên khoảng cách do tốc độ tạo ra trở thành yếu tố quan trọng, đóng vai trò chính. Einstein tưởng nó là thủ phạm vụ làm chậm thời gian. Nó bị nghi oan, chỉ tình cờ trở thành tòng phạm của “khoảng cách” thôi.

Chứng minh tốc độ vô tội rất dễ. Hãy cho con tàu chạy theo một hướng làm giảm dần khoảng cách là thấy ngay.

Hãy tưởng tượng một phi thuyền từ một vị trí cách xa ta một năm ánh sáng, bay thẳng về phía người quan sát đứng trên mặt đất, và bay với tốc độ ánh sáng. Kết quả sẽ là: sau một năm, thình lình hình ảnh con tàu lúc khởi hành hiện ra cùng lúc với hình ảnh con tàu đến bến. Cả hai xuất hiện trong cùng một nanosecond!

Trong khi hành khách trên tàu thấy tia sáng đèn AB đủ một năm trời thì người quan sát chỉ thấy nó trong một nanosecond cực kỳ ngắn ngủi. Áp dụng thuyết “thời gian giãn nở” dựa trên cái “thấy” của hai nhân chứng, thì ta sẽ có một kết quả khôi hài, hoàn toàn trái ngược với ý tác giả: khách trong tàu “thấy” AB suốt năm, người quan sát “thấy” AB trần xì có một nanosecond ! Thế là chiếc phi thuyền, chỉ vì chọn nhầm hướng bay, đã làm cho thời gian của người đứng quan sát “giãn nở” ra, một nanosecond của người đứng một chỗ trong trường hợp này lại dài bằng một năm của người bay nhanh bằng ánh sáng!

Thí dụ trên đây, ngoài việc giải oan cho tốc độ, còn trình ra sự nguy hiểm, bất trắc, không đáng tin của việc dựa vào cái “thấy” của con người để “đo” tốc độ hay kích thước của thời gian. Nó cũng làm nổi bật chuyện những bài toán, phương trình của Einstein chỉ đúng trong một giới hạn. Khi tàu chạy thẳng về phía người quan sát, đường chéo AC, tam giác vuông góc ABC biến mất, định lý Pythagore thất nghiệp, mất tiêu đất dụng võ!

Thuyết của Einstein – cũng dựa trên khả năng quan sát của loài người bằng thị giác – cần được sửa lại như sau:

Hình ảnh muôn vật “bay” đến mắt ta với vận tốc ánh sáng. Do đó, trong thí nghiệm của Einstein ta thấy:

Khi con tàu đứng yên, hình ảnh tia sáng AB đến mắt người quan sát CHẬM HƠN đến mắt người khách trong tàu, chậm ít hay nhiều tùy theo sự ngắn dài của khoảng cách giữa tàu và quan sát viên.

Khi tàu chạy, khoảng cách ấy được mở rộng thêm (tùy theo vận tốc con tàu), hình ảnh AB đến mắt quan sát viên sẽ chậm hơn nữa. Hậu quả là khi anh ta thấy“hình ảnh AB” thì “AB thực” đã di chuyển đến CD rồi. Người quan sát đã thấy một hình ảnh AB trong quá khứ.

Suy rộng ra: Hình ảnh “hiện tại” của hành tinh này cũng bay tới hành tinh kia với tốc độ ánh sáng. Do đó, Khoảng cách làm cho một người đứng ở hành tinh này có thể nhìn thấy những hình ảnh trong quá khứ của hành tinh kia.

Khoảng cách càng xa thì càng nhìn được sâu vào quá khứ của nhau. Nếu ta thấy hình ảnh một ngôi sao, ở cách xa ta một triệu năm ánh sáng, phát nổ hôm nay, thì biết nó đã nổ từ một triệu năm trước. Ta chỉ thấy ảo ảnh ngôi sao nổ từ quá khứ vượt đường dài tới mắt ta, cũng như thấy ảo ảnh chiếc đồng hồ trên phi thuyền chỉ 12 giờ cách đây tám phút.

Dùng “cái thấy” để lập thuyết thì cái thấy chỉ cung cấp cho ta những dữ kiện, những sự thật như thế. Nó không dính dáng, liên hệ, ảnh hưởng gì đến chuyện thời gian giãn nở, chạy chậm hay nhanh. Cái đồng hồ trên phi thuyền chỉ giờ chậm 8 phút, hay đồng hồ nằm trên hành tinh vừa nổ chỉ giờ chậm hơn ta một triệu năm, chỉ là những ảo ảnh của quá khứ. Thế thôi.

Sửa lại cho tuyệt đối đúng thì thuyết này hóa ra giản dị, tầm thường, xưa như trái đất, nghe quen quá, ai cũng biết rồi. Nó hết còn xứng đáng là tác phẩm của Einstein. Lột bỏ đi cái áo màu mè huyền hoặc: “thời gian giãn nở theo tốc độ tàu,” “khách trong phi thuyền bay nhanh bằng ánh sáng sẽ trẻ mãi không già,” “đồng hồ bay nhanh sẽ tự động chạy chậm lại” v.v… nó trơ ra, trần trụi, không còn tí tẹo cao siêu nào!

Nó hiện nguyên hình thành một lý thuyết của ngành quang học, nêu ra những định luật chi phối khả năng cảm nhận ngoại vật bằng thị giác của loài người.

Chắc có bạn còn thắc mắc: Khoảng cách làm cho hiện tại của một hành tinh ở xa, đối với ta, là một hiện tại thực sự đã cũ, là quá khứ của hành tinh ấy. Vậy cũng có thể gọi đây là thuyết tương đối được chứ?

Muốn gọi là gì cũng được, nhưng phải nói rõ: tương đối với MẮT TA.

Với tai ta hay làn da của ta, kết quả tính toán khác hẳn.

Một quả bom nổ cách ta một dậm, ta gần như tức khắc thấy ánh sáng lóe lên, Hiện tại của chỗ nổ, đối với mắt ta, chỉ cũ 1/ 186282 của một giây. Nhưng đối với tai ta, cũng hiện tại ấy lại cũ khoảng 5 giây. Và nếu chẳng may bị mảnh bom văng trúng người, ta có thể cảm nhận được vụ bom nổ từ sau 4 đến 8 giây. Vậy phải cần 3 thuyết tương đối đặc biệt: một cho thị giác, một cho thính giác, và một cho xúc giác.

Cách tốt nhất là dùng thuyết giản dị này: Khoảng cách làm thị giác lầm tưởng thời gian ở các chỗ khác lùi lại, chậm hơn ta, và thể tích muôn vật cũng nhỏ đi (một hành tinh to gấp trăm lần mặt trời thấy chỉ còn bé bằng hạt đậu.)

Tôi biết mình đang xúc phạm một vĩ nhân, dám đẩy cái thuyết huyền bí, cao siêu của cụ xuống… trần gian, bắt đứng cạnh những kiến thức bình thường mà thiên hạ biết từ khuya.

Đành tìm sự bào chữa cho hành động phạm thượng bằng chính lời Einstein. Có lần cụ dậy rằng: “The important thing is not to stop questioning. Curiosity has its own reason for existing - Điều quan trọng là đừng bao giờ ngưng thắc mắc, đặt câu hỏi. Trí tò mò hiện hữu trong ta là có lý do đấy”. Với lời cụ vang vang trong đầu, tôi gửi đến các khoa học gia trên toàn thế giới những câu hỏi này:

1- Tại sao điểm B nhất định đứng một chỗ trong khi toàn thể con tàu đã tiến về phía trước?

2- Làm sao tam giác vuông góc ABC có thể thành hình khi tàu đang di chuyển?

3- Bằng cách nào điểm sáng phản chiếu qua lại theo chiều ngang trong xe của Zoe có thể theo xe và Zoe cùng tiến về phía trước mà không phải tự biến mình thành một đường zic zac, chữ chi, thành một chuỗi cạnh huyền của những tam giác vuông góc - giống hệt đường Jasper thấy? (Như trong bài trình bày có phần hoạt họa trên mạng của trường đại học New South Wales- Sydney- Australia.)

4- Chúng ta giải quyết, xử sự thế nào với những mâu thuẫn, nghịch lý?

5- Tia sáng (hay một giọt sáng) mặt trời, dù “bay” với tốc độ ánh sáng, thì cũng mất tám phút mới tới địa cầu. Trong 8 phút ấy, mọi nơi, mọi chỗ trong ngoài, nghĩa là toàn thể tia sáng, giọt sáng (light pulse) phải cùng hiện hữu, cùng du hành, cùng “bay” với nhau. Vậy chỗ nào trong tia sáng ấy được hưởng phúc lợi của thuyết “thời gian giãn nở, ngừng trôi”?

6- Ta có nên dẹp luôn vai trò “chiều thứ tư” của thời gian để giúp cho cái lý thuyết kiêu căng và đầy tham vọng này có cơ may thích nghi, tồn tại được trong vũ trụ hay không?

Không trả lời được những câu hỏi, thắc mắc trên đây, thì xin quí vị hãy chấp nhận tin buồn này: Thuyết “thời gian giãn nở”chẳng có gì hay ho hơn là một chuyện khoa học giả tưởng.

(Chương 16-17 – HAI CHỮ NƯỚC NHÀ)



Định nghĩa lại Thuyết về “Hấp Lực”

Lê Tất Điều

Trái với thuyết Thời Gian Giãn Nở, thuyết về Hấp Lực của Einstein là một khám phá tuyệt vời, thể hiện trí thông minh siêu đẳng cùng thiên năng về Vật Lý của Albert Einstein. Nó bổ túc cho thuyết của Newton và trả lời được câu hỏi hóc búa, trước Einstein không có ai, kể cả Newton, trả lời được: Cái gì tạo ra Hấp Lực?

Đáng lẽ thuyết này đã hướng dẫn nhân loại tiến thật xa trên đường tìm hiểu vũ trụ, thấy rõ cấu trúc, sự vận hành của nó, đồng thời khám phá nhiều bí mật, phá bỏ các huyền thoại phi vật lý. Nhưng, ngược lại, nó không gặt hái nhiều kết quả tốt, mà còn tạo cảm hứng cho một mớ lý thuyết quái gở, nhảm nhí.

Chỉ vì thuyết thì hay mà định nghĩa lại nghèo nàn, tối tăm, gần như vô nghĩa.

Trong bài “Why Einstein will never be wrong” (Vì sao Einstein sẽ không bao giờ sai) - Universe Today - tác giả, Brian Koberlein , đưa ra định nghĩa này:

“Hấp Lực là sự uốn cong của không gian thời gian tạo ra bởi những khối lượng vật chất” (gravity is due to the curvature of space and time by masses.)

Không chỉ một mình Tiến sĩ Koberlein, tất cả các khoa học gia khắp thế giới cả trăm năm nay đều dùng định nghĩa ấy. Nó phổ thông đến nỗi bất cứ bài báo, luận án, luận thuyết nào có dính dáng tí tẹo đến thuyết Hấp Lực của Einstein là câu thần chú “uốn cong không gian, thời gian” bắt buộc phải hiện ra.

Hai món không/ thời gian, tuyệt đối vô thể chất, có thể bị làm biến dạng, vo tròn, bóp méo và khi gặp các khối vật chất thì tạo ra một sức hút vật lý có tên là “Hấp Lực” chăng?

Einstein dõng dạc trả lời: “Được chứ!” bằng cách tặng cho nhân loại lý thuyết của cụ vào năm 1915.

Người thông minh nhất thế gian đã phán như thế thì lũ phàm nhân chỉ còn cách gồng mình lên tìm hiểu, học hỏi cho thấu đáo, nếu muốn mon men đến gần chân lý. Và câu hỏi đầu tiên là:

“Sự uốn cong không gian - thời gian” là cái “sự” quái quỷ gì?!

May quá, tìm được một bài tiểu luận nhan đề: “Newton vs. Einstein vs. the Next Wave” (American Museum of Natural History- không thấy tên tác giả) giảng rõ hơn về thuyết và kể sơ lược lịch sử lập thuyết, soi sáng cho chúng ta vài chuyện.

Theo bài này, năm 1915, sau 8 năm nghiền ngẫm, Einstein tìm thấy lý do tạo ra Hấp Lực. Cụ tin rằng đó là hậu quả tự nhiên của những tác động các khối vật chất ảnh hưởng vào không gian. Nói rõ hơn, vật thể, thí dụ như trái đất có thể xô đẩy, co kéo, bẻ cong, làm biến dạng không gian (He theorized that a mass can prod space plenty. It can warp it, bend it, push it, or pull it. Gravity was just a natural outcome of a mass’s existence in space.)

Và Einstein kết luận: Hấp Lực của một vật là sự uốn cong không gian. (According to Einstein, an object's gravity is a curvature of space).

Một thí dụ giúp ta hình dung: Hãy bước lên một cái trampoline. Ta thấy (khối lượng vật chất) chân ta đè xuống làm cong mặt vải (không gian). Thẩy một quả bóng lên, quả bóng sẽ lăn xuống chỗ trũng (gravity) quanh bàn chân ta. Ta càng nặng ký, mặt trampoline càng trũng sâu hơn. Vật thể càng nặng, không gian càng bị uốn cong nhiều, nghĩa là Hấp Lực càng lớn. (You can visualize Einstein’s gravity warp by stepping on a trampoline. Your mass causes a depression in the stretchy fabric of space. Roll a ball past the warp at your feet and it’ll curve toward your mass. The heavier you are, the more you bend space. Look at the edges of the trampoline—the warp lessens farther away from your mass).




Cuối bài, tác giả cho biết thêm: vì là người sáng tạo thuyết tương đối, thấy tốc độ có khả năng làm giãn nở thời gian, Einstein thêm rằng trong tiến trình tạo ra Hấp Lực, các vật thể làm cho cả thời gian cũng “cong” luôn.

Hãy tạm chấp nhận chuyện uốn cong thời gian không gian là có thực, ta thấy tiến trình tạo Hấp Lực gồm những sự việc này, theo đúng thứ tự thời gian:

Một vật thể, thí dụ: trái đất, liên tục tiến tới trong không gian, vừa tự xoay quanh mình, vừa “bay” quanh mặt trời.

Sự di chuyển ấy khiến trái đất liên tục “đè” lên không gian, thời gian (như chân ta đè lên tấm vải căng của trampoline), tạo ra ở chỗ tiếp giáp giữa hai phía một Hấp Lực, hút mọi thứ dính xuống mặt đất.

Vì trái đất tròn nên không, thời gian bị “đè” xuống trên một vùng cong vòng. Nghĩa là chỗ tiếp giáp giữa đôi bên, nơi sinh ra Hấp Lực, là một mặt cong bao quanh trái đất, phân phát Hấp Lực đồng đều đến khắp nơi.

Như thế, cái vụ “cong không gian, thời gian” – vẫn giả sử có thực – chỉ là một phần nhỏ trong một chuỗi những chuyển biến, sự việc. Nó là giai đoạn cuối, và cũng là hình ảnh mô tả phần kết quả của những chuyển biến xảy ra trước đó. Đứng một mình, nó mơ hồ, khó hiểu, gần như vô nghĩa. Nó không quan trọng. Những sự việc, chuyển biến trước đó mới quan trọng, mới giúp ta hiểu Hấp Lực từ đâu mà ra, do đâu mà có.

Tưởng tượng: một chàng cảnh sát có nhiệm vụ làm biên bản về một tai nạn, chỉ cung cấp bản tường trình ngắn ngủn thế này: “Tai nạn là cảnh tượng một nạn nhân nằm còng queo vì xe cộ” Chàng sẽ mất việc.

Các diễn biến xảy ra trước khi nạn nhân nằm còng queo mới là những yếu tố tối cần thiết, phải nêu ra trong bản tường trình. Nạn nhân bị một chiếc xe vượt đèn đỏ? phóng quá tốc độ? hay leo lên lề v.v... cán? Hay chính nạn nhân vì đang say bí tỉ, đi đứng loạng quạng, tự mình đâm đầu vào chiếc xe đậu ở lề đường, rồi ngã lăn kềnh? Những chi tiết ấy không thể bỏ qua. Còn chuyện nạn nhân té nằm còng queo, hay nằm thẳng cẳng, chỉ chụp một tấm hình là đủ, khỏi cần văn chương lai láng tả cảnh, tả tình.

Chàng cảnh sát có nhiệm vụ cho ta biết những yếu tố, diễn biến dẫn tới tai nạn.

Einstein, người lập thuyết, có trách nhiệm cung cấp cho chúng ta một định nghĩa chứa đựng những yếu tố, diễn biến tạo thành Hấp Lực. Tiếc thay, cụ chỉ ban cho đời một tấm hình chụp không gian, thời gian bị vật thể uốn cong!

Đã thế tấm hình ấy, tôi, và chắc rất nhiều bạn đọc thông minh hơn tôi, có vận dụng hết trí tưởng tượng, cũng chẳng nhìn thấy gì. Thời gian trừu tượng như một ý niệm, không gian, theo đúng định nghĩa, là một vùng trống rỗng hoàn toàn. “Thấy” chúng nó đã là chuyện bất khả, lại còn bày đặt đòi thấy chúng cong cong! Cụ làm khó con cháu quá xá, quà xa.

Cái định nghĩa ngắn ngủn, tối như hũ nút ấy, lại chứa đựng những chữ dùng sai lầm, những dữ kiện, kết luận phi-vật-lý.



Sự thiếu sót của từ “uốn cong”

Hấp Lực không luôn luôn chỉ xảy ra trên một bình diện cong.

Vẫn giả sử hiện tượng “không gian, thời gian” bị vật thể đè lên là có thật thì kết quả sự đè nén ấy không chỉ tạo ra những vùng bị uốn cong.

Chắc lúc lập thuyết, Einstein nghĩ đến hình dạng trái đất và những tinh cầu. Nhóm vật thể này tròn xoe nên đè đâu cong đó là đúng rồi. Nhưng Hấp Lực không phải là sản phẩm độc quyền của những khối vật thể tròn. Khối vuông, chữ nhật, lục lăng, bát giác hay méo mó đủ kiểu, khi di chuyển, liên tục “đè” lên không thời gian, cũng tạo ra Hấp Lực vậy. Sàn thang máy, khi đẩy chúng ta lên, làm tăng Hấp Lực của trái đất, là một mặt phẳng.

Chỉ thấy cong mà không thấy thẳng hay ngoằn ngoèo... là những quan sát, nhận định, dù không sai, cũng phiến diện, thiếu sót trầm trọng. Trong một lý thuyết lớn lao có tham vọng giải thích một hiện tượng xẩy ra khắp vũ trụ, sự thiếu sót, khiếm khuyết ấy không chấp nhận được.

Sự phi lý của nhóm từ “uốn cong thời gian”

Có thực Einstein là tác giả nhóm từ ngữ kỳ quặc ấy không?

Thoạt đầu, tôi ngờ không phải cụ. Định nghĩa tiên khởi chỉ có một món bị cong là không gian. Sau, món thời gian mới được thêm vào.

Einstein là người cẩn trọng, khi lập thuyết tương đối, đã dùng toán học và những hình vẽ rất chi tiết, những lý luận rất thuyết phục, để chứng minh. Không lẽ cái vụ “thời gian cong” ly kỳ, rùng rợn đến thế mà chẳng có một lời giải thích nào. Vậy có thể các đệ tử, những người ái mộ cụ, sau đó, thêm thắt vào, để trang trí, làm cho thuyết nghe kêu boong boong, cao siêu, huyền bí, xứng đáng là tác phẩm của Einstein chăng?

Nhưng nghĩ lại, thấy có lẽ không ai dám “nịnh” cụ theo kiểu ấy.

Người duy nhất trên cõi đời này có đủ can đảm và tự tin để phán rằng thời gian bị cong là chính cụ. Vì, trước đó, cụ đã từng khám phá ra, rồi hùng hồn chứng minh là nó “giãn nở” được, lúc dài, lúc ngắn cứ như dây thun! Giãn nở khó thế còn làm được, cong cong, méo mó là chuyện nhỏ!

Dù ai là tác giả, nhóm từ ngữ ấy rất tai hại cho thuyết, gần như một hành động phá hoại. Nó diễn dịch sai lầm tài quan sát, trí phán đoán và lập luận thật hay của Einstein, biến tất cả thành một cái định nghĩa phi lý, ngây ngô, và hoàn toàn vô nghĩa.

Bị ám ảnh bởi thuyết Tương Đối Đặc Biệt, với niềm tin sắt đá là thời gian có thể giãn nở, Einstein nhìn thấy thời gian cong, ta thông cảm với cụ. Triết gia, thi sĩ, nghệ sĩ ... cũng tha hồ nhìn thấy những hình ảnh kỳ diệu, hoàn toàn phi vật lý như vậy. Nhưng các khoa học gia, vật lý gia không được quyền “tự do tư tưởng” mơ mộng kiểu đó. Quí vị biết hơn ai hết là “thời gian” không dính dáng gì đến việc tạo sinh Hấp Lực.

Ngay cả nếu hiện tượng vật thể làm cong thời gian là có thực, thì khi vật thể gặp gỡ một món tuyệt đối vô thể chất như thời gian, cũng không tạo ra một tí tẹo tác động vật lý nào, nói chi đến Hấp Lực.

Sự phi-vật-lý của nhóm từ “uốn cong không gian”

Phi vật lý và vô nghĩa không kém gì “thời gian cong”!

Không gian chứa đựng cả vũ trụ, muôn vật, muôn loài, nhưng tự nó, theo đúng định nghĩa, là một vùng trống rỗng tuyệt đối. Phần trong một cái thùng rỗng chưa xứng đáng mang danh không gian thuần túy, vì còn chứa không khí, và vô lượng thực thể nhỏ bé khác.

Vật thể di chuyển trong một vùng trống rỗng tuyệt đối, không “đè” lên (hay cứ tạm gọi là làm cong) một cái gì... sẽ không thể tạo ra Hấp Lực. Vì nó không gặp ĐỐI LỰC, một yếu tố tối cần thiết cho Hấp Lực.

Nhìn lại thí dụ về bàn chân dẵm lên trampoline là biết liền.

Chính cái trampoline do Einstein cung cấp giúp ta lập tức thấy những sai lầm nghiêm trọng trong định nghĩa. Nếu nghe tên Einstein mà chân tay không bủn rủn, thần trí không tê liệt, còn khả năng nhận xét, phán đoán, thì những sự thật này sẽ hiện ngay ra trước mắt ta:

Bàn chân đè lên mặt vải trampoline, làm nó căng ra, trĩu xuống, lập tức tạo một đối lực đẩy ngược lên. (Đối lực đủ mạnh để giúp ta nhảy cao hơn thường lệ). Hấp Lực xuất hiện ở vùng tiếp giáp giữa bàn chân ta và mặt vải trampoline. Bùn đất cát bụi dưới chân ta sẽ bị vải đẩy lên, bắt dính chặt vào bàn chân ta.

Thiếu mặt vải trampoline, bàn chân ta “đè” lên khoảng trống, không gặp đối lực, không tạo ra Hấp Lực.

(Cần nói thêm: Định nghĩa thuyết đã sai mà cái thí dụ dùng trampoline này cũng bị giảng giải, diễn dịch trật lất.

Đoạn đầu nói rằng đạp chân lên trampoline, tạo Hấp Lực thì đúng. Nhưng sau đó giảng giải, diễn dịch rằng chỗ trampoline cong nhiều có Hấp Lực mạnh, cong ít Hấp Lực yếu (Look at the edges of the trampoline—the warp lessens farther away from your mass.) bằng thí dụ: Thẩy trái banh lên chỗ mặt vải trampoline cong nó sẽ lăn về phía bàn chân (khối lượng vật chất) (Roll a ball past the warp at your feet and it’ll curve toward your mass), thì lại quá nhảm nhí.

Trái banh lăn xuống chỗ trũng cạnh bàn chân vì Hấp Lực của trái đất, chẳng dính dáng gì tới cái Hấp Lực ta vừa tạo ra bằng cách dẵm lên trampoline.

Dựng trampoline thẳng đứng lên như bức tường là biết liền.

Ta đạp vào trampoline dựng đứng, dù thật mạnh, làm mặt vải thật cong, thẩy trái banh lên chỗ cong ấy, nó rơi ngay xuống đất. Vả lại, chỉ có mặt vải trampoline bị đạp thì cong thôi. Đạp vào không khí, nước, hay “không gian”, chân ta sẽ bị không khí, nước, không gian... bao quanh tức khắc.

Chỉ những vật nằm dưới bàn chân ta, “kẹt” giữa hai đối lực của bàn chân và mặt vải trampoline, là dính chặt, không rơi, hưởng trọn vẹn Hấp Lực vừa được tạo ra.

Trái banh nếu bị nằm “kẹp chả” như thế, cũng sẽ không rơi.)



HẤP LỰC LOẠI 1

Các tinh cầu di chuyển liên tục đè lên không gian, một sự trống rỗng tuyệt đối, không thể tạo Hấp Lực. Nhưng Hấp Lực vẫn có. Vậy thì chúng phải “đè” lên một cái gì đó nằm trong không gian chớ? Ta thắc mắc rất chính đáng.

Một nhà bác học cùng thời với Eintein (tôi tìm không ra tên tuổi, quí vị nào biết, xin chỉ giùm), khi nghe biết về thuyết của Einstein, đã nói ngay:

“Thuyết này chứng tỏ sự hiện hữu của Chất Đen”

Ông này không có thiên tài tìm ra thuyết, nhưng coi bộ tức khắc hiểu rõ và hiểu đúng cấu trúc và tiến trình tạo Hấp Lực hơn cả Einstein. “Cái gì đó” trong không gian, một thành tố quan trọng của Hấp Lực, ông thấy liền: Chất Đen.

Chất đen giúp cho không gian hết trống rỗng tuyệt đối. Nó là mặt vải trampoline, liên tục làm đối lực trên mặt các tinh cầu, các vật thể... và do đó tạo thành Hấp Lực, xin tạm gọi là Hấp Lực loại 1.

HẤP LỰC LOẠI 2

Vậy trong những vùng không gian tuyệt đối trống rỗng có Hấp Lực không? Vẫn có đấy, nhờ Chất Đen. Ở đây, Hấp Lực – tạm xếp vào loại 2 – sinh ra theo một tiến trình khác.

Một tinh cầu nổ tung cực mạnh, sức nổ thình lình tạo ra ở “chỗ đứng trước đó” của nó một khoảng trống gần tuyệt đối. Chất Đen sẽ tức khắc tràn vào để lấp đầy khoảng trống. Tâm điểm của loại Hấp Lực này nằm chính giữa tinh cầu vừa nổ. Nếu tinh cầu lớn, hoặc sức nổ cực mạnh, đủ tạo một khoảng trống vĩ đại, thì Chất Đen, như dòng nước, sẽ cuốn tất cả những tinh cầu, vật thể nhỏ quanh đó, đẩy hết vào vùng rỗng không. Những diễn biến này có thể tạo ra một Lỗ Đen nho nhỏ.

Muốn thấy rõ hiện tượng này, ta làm một thí nghiệm giản dị:

Thổi phồng một quả bong bóng trong lòng biển, rồi châm cho nó bể, sẽ thấy không khí bị đẩy lên mặt nước, và nước lập tức tràn vào lấp kín chỗ trống ngay. Nhưng thí nghiệm này không phản ảnh hết sự thật, sai lạc nhiều, vì bị Hấp Lực của địa cầu chi phối. Nước không tràn vào từ mọi phía, mà di động như từ trên cao đổ xuống, hướng về trung tâm trái đất.

Muốn tránh sự sai lạc này, ta mang một bình nuôi cá khổng lồ lên phi thuyền không gian, đang bay ở chỗ không Hấp Lực, Trọng Lực. Ta tạo một vùng chân không tuyệt đối trong bình. Khi vùng này thình lình mất vỏ bọc, nước sẽ tràn vào.

(Xin lưu ý: Muốn có một kết quả tương đối chính xác thì không dùng bong bóng được, vì nó chứa không khí. Trong thí nghiệm dưới lòng biển, bong bóng không khí bị đẩy lên mặt nước. Trong bình nuôi cá trong không gian, áp xuất nước rất thấp, bong bóng chẳng chạy đi đâu được, sẽ tiếp tục lơ lửng, hoặc vỡ ra thành những bong bóng nhỏ, không cho nước tràn vào.)

HẤP LỰC LOẠI 3

Chất Đen, khi trở thành đối lực của các tinh cầu, (và các vật thể, nói chung) sẽ tạo ra Hấp Lực loại 1.

Tạo nên áp xuất trong không gian, rồi luôn luôn tràn vào làm đầy những khoảng trống tuyệt đối – hoặc có áp xuất nhẹ hơn, độ cô đọng của Chất Đen loãng hơn – nó cho ta Hấp Lực loại 2. (Hoặc nói khác đi, khoảng trống không tuyệt đối tự tạo Hấp Lực, hút được cả Chất Đen, cũng không sai.)

Nó còn tạo ra một loại Hấp Lực cực mạnh – tạm gọi là loại 3 – có lẽ mạnh nhất trong trời đất.

Hai luồng khối lượng lớn Chất Đen, di chuyển ngược chiều nhau với tốc độ cao, đột ngột gặp nhau, trở thành đối lực cực mạnh của nhau, sẽ tạo ra một vùng có Hấp Lực dữ dội, cuồng bạo, di động như một cơn lốc xoáy (tornedo). Nó cuốn hút, hủy hoại tất cả những thứ nằm trên đường nó lướt qua.

Trên mặt địa cầu, những chuyển động của bầu khí quyển tạo ra giông bão, cuồng phong, với lốc xoáy có sức cuốn hút dữ dội. Trong không gian, mấy món đáng sợ ấy là tác phẩm của Chất Đen.

Nhìn hình chụp một Thiên Hà có Lỗ Đen, sơ ý, có thể tưởng là hình chụp một cơn bão. Cũng có một lỗ tròn gọi là “mắt bão”, cũng đường di chuyển của các khối tinh vân hình dạng như mây vần vũ trên vùng mặt đất đang chịu bão giông.

Lỗ Đen lớn chính là trận cuồng phong, là cơn lốc xoáy đang hoạt động, là sản phẩm phát sinh từ những chuyển động dữ dội của những luồng, những khối Chất Đen khổng lồ.

Sức mạnh của lốc xoáy vũ trụ hẳn là khủng khiếp, nó nghiền nát cả những Thiên Hà, không để lại dấu vết.

Stephen Hawking tin rằng sau cùng thì Lỗ Đen tan thành hơi. Tôi đồng ý hoàn toàn.

Giây phút “tàn đời” của nó coi bộ cũng giống hệt phút lâm chung của bè lũ lốc xoáy chuyên gieo rắc kinh hoàng trên mặt địa cầu nhỏ bé của chúng ta.

ĐỊNH NGHĨA MỚI

Tóm lại, một định nghĩa đúng và đầy đủ về Hấp Lực cần có những chi tiết quan trọng này:

Áp xuất và sự chuyển động của Chất Đen, khi trở thành đối lực của vật thể hoặc của chính nó, sẽ tạo ra Hấp Lực (loại 1 và 3).

Khoảng trống tuyệt đối, hoặc có áp xuất nhẹ hơn vùng bao quanh nó, cũng tạo ra Hấp Lực (loại 2.)

Còn cái định nghĩa có “thời gian, không gian cong” ngây ngô, vô nghĩa đã nhờ hào quang của Einstein mà sống cả trăm năm, làm rối trí mấy thế hệ khoa học gia, làm chậm bước tiến của nhân loại, tác hại quá nhiều rồi. Không nên lưu luyến, thương tiếc làm gì.

Sửa lại định nghĩa và tập trung nỗ lực vào những công trình nghiên cứu Hấp Lực thứ thiệt và Chất Đen. Hấp Lực cung cấp cho ta những dữ kiện quan trọng về bản chất, đặc tính và bản đồ di chuyển của Chất Đen, một thực thể đang tràn ngập khắp cùng trời đất và liên tục làm cho vũ trụ nở ra.

Hai món ấy đang kể rõ từng chi tiết về cấu trúc, sự vận hành và tiết lộ luôn cho ta biết cả cảnh tượng thời khai thiên lập địa, khi vũ trụ mới hình thành.

(Chương 18 – HAI CHỮ NƯỚC NHÀ)

Tân Văn xuất bản – ĐT: (714) 892-7788



























nxb Bút Lửa 1977
đã tái bản nhiều lần

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7940&rb=08




Cao Tần, Thơ người di tản buồn


Cao Tần Là một thi sĩ xuất hiện một cách bất ngờ trong thời điểm vô cùng đặc biệt. Lúc đó, là những năm đầu kế tiếp sau cuộc di tản của mấy trăm ngàn người Việt lưu lạc sang xứ người. Trong hoàn cảnh bắt đầu của một cuộc sống xa lạ, khởi đi từ những nỗi niềm mang theo, văn chương ở hải ngoại đã nảy mầm từ những tâm tư thương nhà nhớ nước của người Việt tị nạn sau một cuộc đổi đời. Cao Tần là một nhà thơ xuất hiện sớm nhất và cũng là một nhà thơ nổi bật nhất trong thời kỳ ấy. Vốn là một nhà văn đã thành danh ở Việt Nam và cũng là một ký giả có lối viết phiếm luận sắc bén, thơ Cao Tần đã được để ý từ những bài thơ đầu tiên.
Năm 1977, gần hai năm sau ngày 30 tháng tư năm 1975, trên tờ báo Bút Lửa có đăng mấy bài thơ của một thi sĩ danh tánh lạ hoắc ký tên Cao Tần. Những bài thơ ấy mới xuất hiện đã nổi bật ngay và gây một hiện tượng xôn xao cho độc giả. Nhiều người liên tưởng tới như những bài thơ của T.T Kh. đã tạo thành một nghi vấn cho văn học Việt Nam mà còn mù mờ chưa rõ ràng. Quả thực những bài thơ trên Bút Lửa ấy đã gây kinh ngạc cho độc giả. Mãi về sau này, mới biết Cao Tần là bút danh của nhà văn Lê Tất Điều hay nhà báo Kiều Phong, một người đã là một cây bút quen thuộc của hai mươi năm văn học miền Nam…
Ông sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954 và di tản sang Mỹ năm 1975. Trước khi di tản ông là một nhà giáo và cũng là một ký giả ở Sài Gòn. Đã xuất bản truyện dài Đêm Dài Một Đời đã đoạt giải thưởng của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, và các tập truyện ngắn Khởi Hành, Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Gió Lốc, Phá Núi, Người Đi, Những Giọt Mực.
Lý do mà những bài thơ đầu tiên mang tên Cao Tần được chú ý thật là giản dị. Bởi tâm sự của Cao Tần khi làm thơ cũng là tâm trạng chung của những người Việt di tản lúc ấy. Với ngôn ngữ vừa bi hùng vừa tha thiết, diễn tả lại một tình trạng tâm lý của những người còn xa lạ với cuộc sống mới và tiếc nuối những tháng ngày của cuộc đời xưa cũ. Lúc ấy, một nền văn học lưu vong đang dần dần hình thành. Ở những ngoái nhìn quá khứ và băn khoăn từ những bước chân đi đến tương lai. Ai mà chẳng cùng chung suy tư và ở những câu thơ Cao Tần lại gợi lên từ tâm cảm yêu nước nhớ nhà và ngôn ngữ mẹ đẻ đã thành thân yêu vô cùng trong những ngày bắt đầu tạo dựng một cuộc sống mới ở xứ người...
Có lẽ hồi trước 1975, nhà văn Lê Tất Điều cũng không làm thơ và sau này khi loạt thơ Cao Tần chấm dứt ông cũng ngưng làm thơ. Tại sao ông chỉ làm thơ trong khoảng thời gian đó?
Có lẽ chỉ có một mình tác gỉa mới có thể trả lời câu hỏi khó này. Trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do RFA do Mặc Lâm thực hiện thì ông giải thích “Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều...”
Nhà văn Võ Phiến có viết đại ý là Cao Tần làm thơ như người kể chuyện và đó chính là một yếu tố để thơ ông gần gũi với cuộc sống hơn và tạo sự chú ý của độc giả.
Trong bài đề tựa tập thơ Cao tần do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành, nhà văn Võ Phiến nói rằng thơ của Cao Tần kết cấu như truyện và là những truyện ly kỳ nữa nên gợi được sự tò mò muốn tìm hiểu của người đọc. Và ông nêu ra vài thí dụ bài thơ Kho tàng kể về chuyện của một anh chàng tị nạn Cù Lần...
Nội dung của bài thơ cũng chỉ là một anh chàng tị nạn lúc nào cũng kè kè bên mình một cái túi không một phút nào rời xa. Bạn bè tưởng là anh chàng biển lận nên đè anh ta xuống để mở cái túi bí mật kia ra. Và cũng chẳng có gì ngoài một lạng vàng, chiếc khăn tay và những danh thiếp cũ. Nhưng là cả một kho tàng của một người di tản và nhắc lại người và cảnh đã xa. Vàng thì nhắc đến người mẹ:

“... miệng túi mở ra kho tàng rơi tung toé
một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
một đứa hét “vàng này thằng em bé
không mại đi mày tính để đem thờ
“Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
còn cục này tàn đời ông cóc bán
lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”

Còn khăn tay thì nhắc đến người vợ bây giờ đã xa cách ngàn trùng:

“...một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
mầu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
“giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt
“Khăn vợ tao trao ngày khoác áo nhà binh”

và những tấm danh thiếp, ôi những tấm giấy làm nhớ lại những tên đường những tên người đã vào xa xưa:

”đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
những tên người tên tỉnh đã xa xưa
những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
những đường quen không trở lại bao giờ
…Với danh thiếp những tên đường đã đổi
những số nhà chớp mắt đã tang thương
những chốn hẹn ngàn năm không trở lại
những tên đời tơi tả khắp quê hương.”

Đọc xong bài thơ này chúng ta thấy thế nào?
Phải nói là rất xúc động anh Trinh à! Nhưng có khi chỉ cảm thấy thôi chứ diễn tả ra cái hay thế nào thì khó lắm. Phải có một lúc, đợi xúc cảm lắng xuống thì dễ dàng để thất bài thơ này độc đáo ra sao...
Chúng tôi cũng như những độc giả khác, chỉ cảm thấy rung động thôi và cũng phải loay hoay suy nghĩ để may ra có thể tìm được những điều mà mình cho là tâm đắc và tuyệt diệu. Bài thơ sống động quá với những ngôn ngữ đời thường mô tả những cuộc đối thoại chuyên chở được ý tình mà tác giả muốn đề cập đến. Có một chút diễu cợt nhưng chỉ là cảm giác thoáng qua để thay vào đó là sự thương cảm. Chỉ một túi nhỏ tầm thường của người di tản vỏn vẹn có thế mà sao lại coi như một kho tàng vô gia được ? Bởi vì những vật thể này không còn đơn thuần là vật thể nữa mà nó chứa đựng cả một trời quê hương và nhắc lại những người thân đã xa và những nơi chốn đã khuất biệt. Câu chuyện kể bằng thơ chỉ giản dị như thế nhưng lại gây ra sự xúc động đến vô bờ cho người đọc. Bởi nó đánh động đến tâm sự chung nên đầy ắp những chia sẻ…
Một bài thơ khác mà nhà văn Võ Phiến nhắc đến như một bằng chứng đơn cử cho lập luận của mình. Như bài ”Ta làm gì cho hết nửa đời sau”. Hình như đã có nhiều người lưu vong thốt lên lời nói đó mỗi khi bị ray rứt vì chuyện nước chuyện non...
“Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn

gánh sơn hà toan chất thử lên vai
chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
dọn tinh thần cưa nhẹ đỡ vài chai...”

như trong một cơn đồng thiếp, một chàng hào hùng;

“một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
nay đất khách léo lê đời rất nản
ta tính sẽ về vượt suối trèo non
sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
và cờ bay trên đất nước xinh tươi...”

Và một chàng khác, thì lại muốn làm tượng thần tự do hỏa thiêu thân xác chính mình để làm đuốc soi đường cho những oan hồn bị trầm luân trong đáy nước bao la:

”Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
những oan hồn ai bỏ giữa bao la”

Và kết cuộc, chỉ là một cơn say, một tỉnh dậy giữa nỗi buồn của những người thấy mình bất lực giữa thế thời, mộng ước lớn mà bàn tay thì qúa nhỏ:

”... sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nửa đời sau.”

Thật là cảm khái. Thật là cay đắng với những nỗi niềm của những kẻ sinh bất phùng thời lớn lên và trưởng thành trong những nghiệt ngã của đất nước chiến tranh. Thực trạng sao buồn quá! Câu hỏi như một tiếng than… Ta làm gì cho hết nửa đời sau?… Những thân phận lưu vong. Những nỗi niềm nhược tiểu.
Mỗi người tị nạn đều mang theo những kỷ niệm trong ký ức. Có những người vẫn còn vương vấn đến tận bây giờ. Có những buồn phiền, có những ray rứt. Nhà thơ Cao Tần có bài thơ nào diễn tả tâm trạng ấy trong nhiều bài thơ. Chúng ta thử đọc bài thơ Chốn Tạm Dung xem. Bản thân tôi đã sống ở đây ba chục năm, thế mà có lúc cũng có những nỗi niềm trống vắng như thế. Thơ nói lên tâm cảm của những người nhiều khi thấy mình bơ vơ giữa cuộc sống và kỷ niệm của nơi chốn xưa của đời sống cũ vẫn cứ bàng bạc hiện hữu:

“nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
sau lưng sương ngập cao lưng trời
trước mặt thông sầu reo đáy vực
bắt đầu ngày bằng một chút vui
hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
bài ca quen bỗng chợt quên lời
chút kỷ niệm còm lại mất khơi khơi
tiếng Việt trong ta ngày bỗng héo
hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
dốc mở như đời ta trước mặt
sương kín như đời ta năm xưa...”

Một ngày qua một ngày. Ra đi khi lúc vừa mờ sáng và trở về khi phố đã lên đèn, khúc ca sầu xứ mãi mãi ám ảnh. Trải qua bao nhiêu cuộc đổi dời. Bao nhiêu là nỗi muộn phiền. bao nhiêu là ray rứt. Người tị nạn có một mẫu số chung, của khởi hành đi vào cuộc đời mới với tất cả năng lực của mình nhưng vẫn canh cánh bên lòng nhớ mong về quê hương đất nước:

“chiều về lên dốc thân tơi tả
một quả hoàng hôn phủ kín trời
mình mới ngoi lên ngày đã ngả
đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.”

Cái độc đáo của thơ Cao Tần là dùng những ngôn từ thật sống động, những ngôn ngữ tạo nhiều hình ảnh như: “kỷ niệm còm“, như “quả hoàng hôn”, như “mất khơi khơi”. Xử dụng những ngôn từ ấy thành thơ chính là một dụng công để thi ca có máu huyết xương thịt của đời sống thực, của suy nghĩ thực…
Người tị nạn tuy hôi nhập vào dòng chính nhưng vẫn còn ám ảnh bởi quê hương cũ của đất nước xưa. Có một lúc nào thơ Cao Tần biểu lộ tâm cảm ấy.
Đọc bài thơ Cảm Khái chúng ta nhận ra ngay lập tức. Tấm thẻ căn cước, tờ chứng chỉ tại ngũ nhắc lại một thời xa xưa. Một cách hóm hỉnh pha lẫn đau xót, tác gỉa nhận thấy hình như những tấm hình trên căn cước đều lam nhem xấu xí, không biết có phải là số phận tiền định xui khiến như vậy:

“hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
tên chụp hình như một lão tiên tri
triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
cùng đến một ngày gãy đổ phân ly
nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
chợt nhớ câu thơ Gãy cánh đại bàng
ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
muôn anh hùng phút chốc hóa tang thương...”

và những câu cảm khái mà chúng ta trong những ngày lưu lạc thường hay thấm thía:

“Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
người sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ.”

Có người nhận xét rằng mỗi bài thơ của Cao Tần đều mang theo một thông điệp gửi gấm cho người cùng cảnh ngộ và gửi trả lại quê hương. Trong hai mươi bài của tập Thơ Cao Tần, hình như hầu hết các bài đều diễn tả được một tâm sự đặc thù của người bỏ xứ ra đi.
Thư Quê Hương là

“Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
anh sẽ đọc đất trời ta đã thở...”
Chuyện Thần Tiên là:
”Ta muốn điều chi cuối đời lưu lạc
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
hãy đem hết những đổi đời tan tác
gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”
Chiều Bát Phố là:
”Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước? Ra đường chào gẫy cổ
Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu
Nhưng quen cả nước chắc lòng sẽ nhẹ
Khi đi có chào may bớt xót xa
Ôi xóm mưa ơi có khi nào đổi kiếp
Tôi về thành chim hót trước hiên nhà.”
Mai Mốt Anh Về là:
”nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”

Và còn nhiều bài thơ khác với những ý tưởng khác, thông điệp khác. Giở từng trang thơ, để thấy những ngôn ngữ linh hoạt, những chữ lóng, những ngôn từ dân giã, tất cả làm nổi bật một phong vị có lúc như diễu cợt, có lúc như ngông nghênh, mà có lúc là tình cảnh “ở ngoài cười nụ ở trong khóc thầm”. Người tị nạn đã trải qua những đoạn đời, đã qua nhiều nghịch cảnh, sẽ thấy thấm thía biết bao nhiêu với tâm cảm người thơ. Nếu nói thơ Cao Tần là biểu hiện sống động một thời kỳ của người Việt di tản đầu tiên thì cũng chưa đầy đủ mà phải nói rằng thơ Cao Tần đã làm hồi sinh lại một thời đại văn học lưu vong ở hải ngoại… 



Nguyễn Mạnh Trinh
























Tham khảo thêm về tác giả Kiều Phong Lê Tất Điều

















Tính uy mua và nghệ thuật trong Thơ Cao Tần



Đặng Tiến








Uy mua là phiên âm chữ Pháp humour, tôi tìm không ra từ Việt tương đương, đại khái như là hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước, phúng thế, tếu, v.v… Dường như có lần Nhất Linh phiên âm thành u mặc. 

Uy mua là hóm. Thêm cái ý: vượt lên trên những không may, vượt lên trên tai họa hay bi kịch. Không những lấy được khoảng cách, độ lùi, mà còn vượt lên trên. Uy mua là mình tự giễu mình, với giọng đùa cợt chứ không chua cay. Khi Cao Tần xưng ông, xưng "gãy cánh đại bàng" thì không phải là kiêu, mà là hóm. Đại ngôn một chút: uy mua là hòa giải với số mệnh. Nếu cần thu thơ Cao Tần vào cái hồ lô, thì có thể hô lên một câu ngắn: hòa giải với số mệnh. 

*

Trong văn thơ Việt Nam ít có, nhưng vẫn có, uy mua. Ca dao có câu vô cùng tinh tế: 

Tưởng giếng sâu, anh (em) nối sợi dây dài 
Ai ngờ giếng cạn, anh (em) tiếc hoài sợi dây 

Ở mức độ đơn giản hơn: 

Chàng ơi đưa gói em mang 
Đưa gươm em xách để chàng đi không 

Và dân giã hơn nữa: 

Trời mưa trời gió 
Xách đó đi đơm 
Chạy về ăn cơm 
Chạy ra mất đó 

(đó: dụng cụ để đơm, bắt cá bằng tre đan) 

Câu vần vè này không có nghĩa lý gì, và cũng không có giá trị gì, ngoài chất uy mua. Người không có óc uy mua sẽ cho là quê mùa, vớ vẩn. Nói lén: Xuân Diệu, sinh thời, là người sành và sính ca dao. Nhưng ít uy mua nên dứt khoát không chấp nhận câu: 

Xùng xình như áo mới may 
Hôm qua mới mặc, hôm nay mất rồi 

Võ Phiến là nhà văn giàu uy mua, lại là người sành thơ Cao Tần, là người viết tựa cho Cao Tần, năm 1978, có nhận xét "trong thơ Cao Tần thường ẩn hiện nụ cười, cười như người Việt Nam vẫn cười trong tận cùng cay đắng". Nhưng anh không chính xác gọi nụ cười dân gian "tận cùng cay đắng" ấy là uy mua. 

Trong văn thơ cổ điển, bài thơ tiêu biểu cho tính uy mua và đạt đến nghệ thuật siêu đẳng là bài "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến, mượn lại ý thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài "Gượng đến mừng nhau một mặt không": 

Cải chửa ra cây, cà mới nụ 
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa 

Thơ Cao Tần hay, thành công nhanh và được yêu chuộng lâu dài, là nhờ vào nghệ thuật có nền truyền thống lâu đời. Chỉ mối sầu di tản không thôi, thì khó trụ được dài lâu và truyền tụng rộng rãi. 

Những người di tản vào tháng 4-1975, ra đi hoảng hốt, thường không mang được hành trang gì. May ra còn giữ được đôi ba giấy má tùy thân. Quân nhân có khi còn giữ được trong người giấy tờ quân sự: 

1. Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ 
2. Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu, 
3. Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ 
4. Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu? 

(Bài 17, tr. 52, "Cảm khái", tr. 39) [1]

Cao Tần dùng lời ăn tiếng nói dân gian "còn hơi lâu", cũng như "còn lâu", là từ ngữ phủ định dứt khoát: còn lâu tôi mới yêu anh, nghĩa là không bao giờ. Nhưng trớ trêu hiểu ngược lại, theo cú pháp bình thường cũng không sao, có thể còn lý thú: nước mất rồi thì giấy tờ sẽ có hiệu lực vĩnh viễn. Câu 2, bản chất nó là uy mua. Nhưng vì tính đa nghĩa, chất uy mua loãng đi. Uy mua ở đây là câu nói tự nhiên, không chơi chữ, không tu từ (nhưng ở nơi khác, như câu đối, thì uy mua dùng phép tu từ, kỹ thuật ngôn ngữ, cái này không loại trừ cái kia). 

Câu 4 rõ chất uy mua: câu hỏi tự nhiên, cực kỳ duy lý. Vì cực kỳ duy lý mà nó ngớ ngẩn, thậm chí điển hình cho khái niệm phi lý (absurde) phổ biến trong triết học phương Tây khoảng giữ thế ký XX, du nhập vào Việt Nam, chủ yếu là qua tiểu luận và tiểu thuyết Camus. Nhưng điều này không can dự gì đến Cao Tần: uy mua của anh bắt nguồn từ tính dí dỏm trong truyền thống dân tộc. Chúng ta ai có dịp lân la trò chuyện với các bà cụ nhà quê, ít học hay thất học, sẽ ngạc nhiên về câu chuyện, ngôn ngữ cực kỳ sắc sảo, với những nét hóm hỉnh, tinh anh kỳ diệu của họ. Cao Tần sống thời đại mình, trong một bầu không khí văn hóa, văn học, một khung cảnh xã hội và trải qua một cuộc chấn động đổi đời, thì tự nhiên tâm tư mang âm vang "phi lý" sẵn có trong tư trào hiện đại. Và tình cờ thôi, nét dí dỏm dân gian trong anh vấp phải cái phi lý của lịch sử - tạo chất uy mua nhuộm màu phi lý có giá trị không riêng gì cho người Việt di tản, lưu vong, mà cho cả làng văn học Việt Nam trong nền văn chương thế giới. Chiều kích nhân văn và toàn cầu của thơ Cao Tần, nếu có, trong chủ quan của tôi, là chất uy mua trong tư trào văn học đang giảm tính bi kịch và tăng chất uy mua. 

"Giờ gia hạn nơi đâu" là một câu thơ hóm hỉnh có hiệu lực, nhưng tự thân nó không có chất hóm. Nét dí dỏm dựa vào cả câu thơ, trong cả đoạn 4 câu và toàn bài tả những giấy tờ còn lại trong ví. Mệnh đề dẫn nhập là: 

Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ 
Tái tê cười… 

Động từ "cười" báo hiệu cho câu thơ tếu, dù tự thân chưa phải tếu vì chữ tái tê, nhưng đã đưa tín hiệu uy mua, mà xưa kia Pascal gọi là "tiếng cười của tâm hồn" và gần đây Jankélévich gọi là "nụ cười của lý luận". Hỏi gia hạn nơi đâu, lý sự thì lẩn thẩn mà đậm đà tình cảm vì đưa lên câu trước, ráp lại thành "mất nước rồi… còn gia hạn nơi đâu". Câu thơ bi thiết đòi lại một không gian đã mất, cứa mạnh vào niềm "nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc". 

Đoạn thơ sẽ tăng giá khi đặt vào toàn bài thơ: 

Trong ví ta này một thẻ căn cước 
Hình chụp ngay đơ rất mực cù lần 
Da nhợt nhạt như bị đời nhúng nước 
Má hóp vào như cả tháng không ăn 

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt 
Tên chụp hình làm ta xấu như ma 
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết 
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà (…) 

(Bài đã dẫn) 

Mất nước tan nhà thì nào có can dự gì đến tên chụp hình mà chửi nó là "thằng khốn nạn". Đây là một lý luận hoàn toàn phi lý – mà Camus gọi là raisonnement absurde – để đáp ứng vào một hoàn cảnh phi lý, 

(…) một đời quái đản: 

Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư 
Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản 

("Hát ngao trên tuyết", tr. 43) 

Mắng tên chụp hình là giống như Nguyễn Khuyến, giận tuổi già, mắng cái răng, trong bài "Sất xỉ". 

Cao Tần không làm thơ trào phúng như Tú Xuơng, nhưng cùng chia cái ngông, cái "ông" với Tú Xương: "Ông nốc rượu vào ông nói ngông (… ) Khách hỏi nhà ông đến, nhà ông đã bán rồi…" 

Xuân Diệu có viết: "thực tình là tôi thấy những câu thơ xúc cảm của Tú Xuơng chiếm phần lớn nhất (…). Trào phúng là vỏ, mà ruột thì thật cảm xúc đớn đau, thì cũng thành trữ tình thôi". Ý này áp dụng vào thơ uy mua của Cao Tần cũng đúng. Từ thế kỷ 19, các từ điển Littré và Larousse đã cho uy mua là "cái vui nghiêm trọng" (la gaité serieuse), Kierkegaard đi sâu hơn, cho là "nỗi thống khổ nội tại của nhân sinh". Nhưng nói như thế thì hết cả… uy mua. 

Giới làm văn học Việt Nam chưa mấy quan tâm vào phong cách uy mua, mà họ đồng hóa với trào phúng, dù rằng uy mua chỉ là thành tố nhỏ của trào phúng, có khi nó hủy diệt chất trào phúng; ngược lại trong văn chương bi kịch của Kafka, Beckett, Ionesco… thường có uy mua. Thơ Cao Tần mang tính uy mua dân dã Việt Nam, trong truyền thống văn học dân gian: ca dao, tuồng chèo, câu đối – nhất là câu đối – và một số chuyện tiếu lâm cười mỉm. Đỉnh cao trong truyền thống đó là bài hát "Mất ô" của Trần Tế Xương, một đêm đi hát cô đầu: 

Hôm qua anh đến chơi đây 
Giầy dôn anh dận, ô tây anh cầm 
Rạng này trống điểm canh năm 
Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ 
Hỏi ô, ô mất bao giờ 
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa 
Chỉn e rày gió mai mưa 
Lấy gì đi sớm về trưa với tình 

Mất ô mà vẫn thản nhiên, ỡm ờ, thậm chí còn huê tình như thế, quả là uy mua tuyệt vời. 

Cao Tần cũng có cái giọng ấy, khi nhắc đến những câu hát cũ còn đọng trong tim óc người xa xứ, thỉnh thoảng ê a bật lên môi, với bạn cũ hay với một mình: 

Hát tự nhiên đi mà bạn quí, 
Giọng bạn khàn khàn hơn chú vịt bầu 
Đừng e sẽ mất lòng tri kỷ, 
Dù nghe bạn hát chỉ thên đau 

(...) 

Bạn bỗng kể: khi về gặp nàng 
Có lúc du dương nàng bắt hát 
Cứ hát, ta nghe mà bạn quí 
Mai đời di tản lại buồn tênh 
Rồi ra cặp được đào thơm Mỹ 
Bạn sẽ trăm năm hát một mình 

(Bài 2, tr. 2, "Hát một mình", tr. 29) 

Uy mua ở đây do bất ngờ ở kết luận, như bài hát "Mất ô", Cả hai tác giả tinh quái đùa vui với một cảnh ngộ. Ở Tú Xương là nét dí dỏm nhẹ nhàng: mất ô này thì sắm ô khác, “lấy gì đi sớm về trưa với tình“ là một lời trách khéo, mắng yêu. Mắng mà vẫn yêu. Nhưng cái anh mất nước và mất vợ thì vô phương bù đắp. “Rồi ra cặp được đào thơm Mỹ“ là một cơ may ngang trái, có khi là oan trái. Đào Mỹ nào mà chả thơm. Nhưng chả nhẽ trăm năm với nhau chỉ bằng cái lỗ mũi? Hát một mình tự nó có khi là niềm vui, là hạnh phúc. Nhưng ở đây là khổ lụy không có lối thoát. Cái mâu thuẫn mà Kierkegaard gọi là "niềm thống khổ nội tại của nhân sinh" ở đoạn trên, không phải là triết lý viển vông. 

Từ “đi sớm về trưa với tình" đến “trăm năm hát một mình", Cao Tần theo gót Tú Xương và xứng là môn sinh. Vì vậy khi Cao Tần tự xưng là Nhà Thơ Di Tản thì tôi hoạn mất phần sau, gọi bạn là: Nhà Thơ Tú Cua. 

*

Hóm hỉnh với tấm hình căn cước của chính mình, hay với giọng hát vịt bầu của người bạn là tinh nghịch với hoàn cảnh cá nhân; nhưng gắn liền với lịch sử đất nước, nên thơ Cao Tần có âm vang lâu và sâu, vừa tếu vừa mếu. Chua mà ngọt, bùi bùi, đăng đắng. 

Nhưng khi cao hứng, nhà thơ đùa cả nước: 

Bài học lớn từ khi đến Mỹ 
Là ngày đêm thương nước mênh mang 
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí 
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng. 

Nếu mai mốt bỗng đổi đời lần nữa 
Ông anh hùng ông cứu được quê hương 
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo 
Lùa cả nước vào học tập yêu thương 

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp 
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm 
Bồ bịch hết, không đứa nào là Ngụy, 
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng 

(Bài 6, tr.18, "Bài học lớn", tr. 26) 

Uy mua là vượt lên khỏi thân phận, và hòa giải với mệnh số - ở đây là thân phận nghiệt ngã và mệnh số bi đát. Uy mua là tầm nhìn, lối nghĩ hiền triết vốn có trong tư tưởng phương Đông và truyền thống dân tộc. Cao Tần phát ngôn trong tư thế người bại trận, một chế độ bại trận, bị “đánh văng", mất hết tài sản, chức năng, quyền lợi. Thậm chí còn bị xúc phạm trầm trọng trong tình cảm và danh dự. Cao Tần không đầu hàng, không thỏa hiệp, không hận thù vì thua cuộc, bị “đánh văng", mà vì đất nước “nghèo xí". Uy mua nơi Cao Tần bắt đầu từ lòng khoan thứ, ước ao mọi người đều bồ bịch, cùng nhau học tập yêu thương. Tuy nhiên không phải ai ai cũng sẻ chia tấm lòng cao đẹp ấy, từ phía bên này đến phía bên kia, chưa kể là không phải ai ai cũng chấp nhận uy mua. Cuộc đời Nguyễn Trãi không biết bao nhiêu gian truân, mà đã viết được câu: 

Duy một tấm lòng ưu ái cũ 
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông... 

Trong bước đường lưu lạc, “ngày ngày phóng xe như thằng phải gió, đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan" Cao Tần đã mất nhiều, nhưng không mất hết. Còn lại là phần nghĩa khí, cốt cách, khiến anh xứng đáng với tiền nhân. 

*

Uy mua là độ lùi, khoảng cách, tầm nhìn từ xa, từ cao. Cao Tần, trong ngành không quân, quen nhìn đời từ trên cao: 

Hơn mười năm nhà ông bay trên cao 
Mặt đất nâu xanh nằm ngoan dưới gót 
Nhân loại tí teo xinh đẹp chừng nào. 
Nhân loại hiền từ như những con sâu. 

Những đêm đen tàu trôi qua thành phố 
Cả đất trời nở triệu ánh sao xinh 
Mặc những đấu tranh lọc lừa dưới đó 
Nhìn từ cao nhân thế thật thanh bình 

(Bài 16, tr.48. "Trên non cao", tr. 23) 

Không phải vì quen bay trên mây mà con người có óc uy mua. 
Nhưng vì quen nhìn cao, nên khi bị “đời khốn kiếp đã quăng xuống đất”, Cao Tần đã rủ bạn cùng đăng sơn: 

Ta biết nhà ông rầu thấy mồ 
Thôi cuối tuần này theo ta lên núi 
Lên thật cao nhìn xuống đời lô nhô 
Rũ bớt bụi trần, quen thân múa rối 

(…) Trên núi cao ta biết rành một chỗ 
Có hòn đá xanh, có gốc thông già 
Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử 
Hồn nhẹ tênh theo bướm lượn chiều tà 

(Bài đã dẫn) 

Văn Trang Tử, Nam Hoa kinh thanh thoát, cao siêu, có khi làm người đọc ít quan tâm đến phong cách uy mua: "nếu cánh tay trái ta hóa thành con gà thì nhân đấy ta gáy canh; nếu cánh tay phải ta hóa thành viên đạn, thì ta sẽ kiếm chim quay" (Thiên đại Tông sư). 

Nhưng chỉ nói đến nét dí dỏm thôi thì không bày tỏ rốt ráo nghệ thuật trong thơ Cao Tần. Điểm chính là thi pháp huê dạng, đa dạng, pha tạp những câu đùa vui, những từ dung tục trong kho khẩu ngữ bình dân, phong cách "thô tháp" theo nghĩa grotesca hay grotesque của người Ý, Pháp, thịnh hành thời Phục Hưng. 

Những câu dung tục xen vào nhiều hình ảnh tinh vi: 

Những mái tôn cười ran hạnh phúc 

Bài 14, "Băn khoăn", gồm 5 khổ, bắt đầu bằng một câu thơ nhiều âm bằng, na ná giống nhau, nhưng khác nhịp, người tinh ý mới nhận ra: 

Chú nào đi đường ta bình minh này 
(…) Chú nào trưa nay ngồi trên đồi ta 
(…) Chú nào ngồi trước hiên ta chiều nay 
(…) Chú nào biết yêu thương vài nụ hồng 
(…) Chú nào đêm nay kê đầu gối đó. 

Chứng tỏ Cao Tần nắm vững âm pháp và tôi luyện lời thơ kỹ lưỡng, có ý thức sâu sắc về kỹ thuật, tương quan giữa ý và lời. 

Tiêu biểu nhất cho thi pháp Cao Tần là bài "Hát ngao trên tuyết" không có trong ấn bản đầu tiên. Chúng tôi trích toàn văn để người đọc thưởng lãm: 

Hát ngao trên tuyết 

Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ 
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang 
Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí 
Múa tưng bừng vào thinh không giá băng 

Khoái thay đời ta một đời quái đản 
Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư 
Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản 
Một đời quê hương khét mùi súng đạn 
Một đời xót xa bằng hữu lao tù 

Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt 
Đi dọc quê hương đi vòng địa cầu 
Đi thênh thang thở đồi cao gió mát 
Đi ngất ngây thương lúa vàng hương cau 
Đi uống rượu mừng, đi chia tan tác 
Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau 
Đi sỏi đá mòn, bếp hồng trước mặt 
Đi bừng bão biển quê hương phía sau. 
Những chân thú hoang lạc rừng đất lạ 
Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu 

Sông không đầu đuôi sông màu đá cục 
Dưới trên lẫn lộn trời đất mang mang 
Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc cực 
Một mình cười cùng thinh không giá băng 

Khoái thay hồn ta một hồn dị thường 
Khi bốc lên núi lưng trời cũng thấp 
Khi bi ai thân cỏ mọn bên đường 

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết 
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm? 
Núi cao! Núi ca ! Ta về không đến 
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng? 

Tháng 2/1978 

Quan điểm bài này vẫn là tầm nhìn cao trong không gian, xa trong thời gian; tác giả nhìn đời và nhìn mình từ xa, thanh thoát, thảnh thơi, bao quát và bao dung. "Khoái thay" ở đây không phải là đắc chí tự mãn mà là niềm thanh thoát giải tỏa, hóa giải kiếp người "đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau" để rồi "đi chẳng hết, về không đến". 

Khí thơ tuôn ào một mạch, như một dải sông Hoàng, mộng và thực xô đẩy nhau trong âm vang hào sảng, bi tráng, ngất ngất Hồ Trường, đạm đạm Thâm Tâm. Bài thơ vượt ra khỏi tâm sự cá nhân lưu vong, loang ra thành tiếng vang của một thời đại trong nhiều âm sắc, chính trị và văn hóa. Lịch sử, địa dư, phong tục, tự sự, tâm tình chen lấn vào bản hào ca chất ngất chữ nghĩa, dạt dào nhạc điệu, trùng trùng hình ảnh. 

Lối "hát ngao" hay cuồng ca này nằm trong truyền thống lâu đời ở phương Đông cũng như phương Tây. Trong văn học Lý Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230-1291) có bài "Phóng cuồng ngâm", bản dịch Trúc Thiên 1969, có thể Cao Tần có biết. Cùng một hào khí khinh khoát, cùng một "tay gậy nhởn nhơ phương ngoài phương" nhưng thơ Cao Tần thực tế, dựa trên những hình ảnh cụ thể lảy ra từ những mảnh đời ly tán, từ quê hương xa cách, mang chất ngậm ngùi cảm động. Từ đó nó là khúc tráng ca tiêu biểu cho một thời đại, đồng thời nó đánh dấu một khúc quành trong tâm thức Việt Nam. Bằng nghệ thuật - ở đây là thi ca và uy mua – con người có khả năng vượt qua thân phận phi lý, mà lịch sử oan nghiệt, như một đám cháy lớn, hoặc đã tạo ra, hoặc đã làm trầm trọng thêm, hoặc đã khơi động cho sáng tỏ hơn. 

Nghệ thuật không chế ngự, không khắc phục được lịch sử, nhưng bảo vệ phẩm chất con người sau hố bom định mệnh; thậm chí nghệ thuật còn vượt lên, để tồn tại sau lịch sử. Lịch sử là sự việc đã, hay đang qua; nghệ thuật là tác phẩm còn lại, là tình đoàn kết và liên đới lâu dài của dân tộc, giữa con người trong nhân loại. 

To tiếng như vậy, dù đúng dù sai, là cũng tàn mùa… uy mua, cùng với mùa rau muống năm nay. 

Coi như vì tham chữ mà rách chuyện. 

Vị chi là: câu thơ Cao Tần ba mươi năm rồi, tôi đọc vẫn chưa thông. 

Viết xong, đọc lại bản thảo, mới nhận ra điều sơ đẳng: bút hiệu Cao Tần cũng là uy mua. 



Đặng Tiến 
Orléans, 20/8/2006 

© 2006 talawas 


[1]Thơ Cao Tần, bản 1978, do Tạp chí Bút Lửa và nxb Người Việt thực hiện, bìa do họa sĩ Nguyễn Văn Mộch, khổ nhỏ 10x17 cm, giấy màu hồng, in kiểu tiểu công nghiệp, 56 trang, gồm 17 bài thơ làm trong năm 1977, đã rải rác đăng trên báo Bút Lửa. Các bài thơ không có tên, chỉ đánh số từ 1 đến 17. Sau đó, 1984, nhà Tin Yêu tại Seattle của nhóm Thanh Nam tái bản, khổ lớn 21x27 cm, Ngọc Dũng vẽ bìa, in đẹp, có lời giới thiệu của Võ Phiến viết tháng 1-1978. Những bài thơ lần này có tên và không theo trật tự lần trước. Và thêm 1 bài làm 1978 và 2 bài 1982. Tiểu luận này sử dụng bản 1978; khi trích dẫn ghi cả hai tham bản cho tiện việc độc giả tra cứu. 









Lê Tất Điều:

Bạn giận thù khinh





Lê Tất Điều: 

Lý thuyết gia Natan Sharansky
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8717&rb=0402









Hiện sống và làm việc tại San Diego (Hoa Kỳ)










Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.